Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1374620

HÃY CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁM DỖ

Hãy cảnh giác trước cám dỗ

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Chúng ta đã cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay Thánh hôm thứ Tư lễ Tro vừa qua. Khởi đầu Mùa Chay Thánh với việc xức tro. Cử chỉ bỏ chút tro lên đầu và vị chủ sự mời gọi: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”, Giáo Hội muốn mời gọi con cái của mình khiêm tốn và ý thức thân phận con người chẳng là gì cả, chỉ là bụi tro mà thôi.

Hôm nay, với Chúa Nhật I Mùa Chay, bài Tin Mừng thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và sau đó bị Ma Quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng.

Qua đó, Giáo Hội muốn nhắc cho con cái của mình là: hãy sám hối để bắt đầu bước vào hành trình tập luyện và chiến đấu thiêng liêng. Trong hành trình ấy, mẫu gương của Đức Giêsu trong sa mạc hôm nay được hiện lên như một động lực, điểm tựa cho mỗi chúng ta.

1. Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu

Khi đón nhận thánh ý Thiên Chúa Cha qua việc vâng lời tuyệt đối khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu đã trở nên Cứu Chúa của nhân loại. Vì thế, khởi đầu cuộc sống công khai, Ngài đã vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, để tìm thánh ý Thiên Chúa Cha, hầu chu toàn ý định của Người. Sau khi chay tịnh, Đức Giêsu cảm thấy đói, vì thế, nhân cơ hội này, Ma Quỷ đã tiến đến và cám dỗ Ngài.

Cám dỗ đầu tiên mà Ma Quỷ tấn công Đức Giêsu chính là cám dỗ về của ăn nuôi thân. Lợi dụng lúc Đức Giêsu đói, Ma Quỷ đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này, nên hắn đã tiến lại gần và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!" (Mt 4, 3). Ma Quỷ thật tinh vi, nhưng Đức Giêsu đã không bị những thứ lương thực chóng tàn, mau hết làm cho Ngài sa ngã, vì thế, Ngài đã chiến thắng ngay từ cơn cám dỗ đầu tiên khi nói cho chúng biết lương thực của Ngài chính là làm theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài nói: “Đã có lời chép rằng: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra’" (Mt 4,4).

Cơn cám dỗ thứ hai mà Ma Quỷ muốn tấn công chính là đề nghị Đức Giêsu sử dụng quyền lực. Vì thế, nó đã nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá’" (Mt 4,6).

Tuy nhiên, Ma Quỷ đã lầm khi tưởng rằng Đức Giêsu sẽ sử dụng quyền lực theo kiểu thế gian, để trổ tài theo ý của nó bằng những cú nhảy đẹp mắt, những pha ngoạn mục. Nhưng lại thêm một lần nữa chúng thất bại và chịu tác dụng ngược lại khi Đức Giêsu cho chúng biết rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi" (Mt 4, 7). Khi cám dỗ Đức Giêsu như thế, Ma Quỷ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ mắc bẫy để sử dụng ý riêng của Ngài thay cho thánh ý Thiên Chúa Cha. Nhưng không! Đức Giêsu đã đi theo con đường khiêm tốn mà Chúa Cha muốn nơi Ngài.

Thất thế lần hai, Ma Quỷ vẫn chưa chịu thua, chúng tấn công lần thứ ba. Lần này chúng nhắm tới danh vọng. Ma Quỷ đã nịnh hót Đức Giêsu, và “đem Người lên một ngọn núi cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi’" (Mt 4, 8-9). Nhưng lần cuối cùng này chúng vẫn thất bại và chịu sự quở trách nặng nề của Đức Giêsu, đồng thời Ngài cũng xác định danh giới của chúng khi nói: "Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi’" (Mt 4, 10).

Qua câu nói này, Đức Giêsu khẳng định thật rõ Ngài là Con Thiên Chúa, nên chỉ có bổn phận phục quyền và tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.

Như vậy, cả ba lần cám dỗ, chúng đều lãnh nhận những thất bại. Nếu chúng tập trung vào: thú, lợi, danh, để hy vọng hạ gục được Đức Giêsu, để Ngài phải phục quyền chúng, và nhất là nó muốn phá vỡ chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, ý định đó đã không thành, vì Đức Giêsu đã lựa chọn con đường Thiên Chúa Cha muốn, đó là con đường tự hủy nhờ đức vâng lời.

2. Ma quỷ cám dỗ chúng ta

Cơm, áo, gạo, tiền, vinh hoa, phú quý, quyền cao, chức trọng luôn gắn liền với thực tại của con người. Con người luôn hướng chiều về những điều đó vì mục đích sinh tồn của bản năng nơi loài thụ tạo. Vì thế, người ta chấp nhận và làm mọi cách để đạt được những mục đích trên.

Ma Quỷ là loài tinh quái, xảo quyệt. Nó đánh trúng tim đen của con người. Nó biết rất rõ nhu cầu và điểm yếu của chúng ta. Thực vậy, những nhu cầu như ăn uống, danh vọng, địa vị, chức quyền và sau cùng là tự phụ, khoe khoang, kiêu ngạo luôn theo sát mỗi người từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Cái quỷ quyệt của chúng là đưa ra những chiêu thức rất hấp dẫn, toàn là màu hồng để quyến rũ con người. Nhưng thực ra, những điều mà chúng cám dỗ ta chỉ là nửa sự thật mà thôi, chứ không phải sự thật tuyệt đối. Một khi con người sa lầy trước cám dỗ của nó, con người mới ngỡ ra là nó đã đưa mình vào những ảo vọng hão huyền.

Cách thức của chúng dùng chính là qua một trung gian, một cơ hội hay một sự vật:

Qua trung gian là con người, chúng tìm cách để người nào đó rủ rê dần dần ta phạm tội. Lúc ban đầu chỉ là những chuyện lặt vặt, nhỏ bé hằng ngày. Tuy nhiên, dần dà lâu ngày thành quen. Tội nhẹ, rồi dẫn đến tội trọng. Nay ăn cắp quả ổi là chuyện bình thường; ngày mai ăn chộm con gà cũng chẳng sao; ngày mốt lấy con trâu, rồi cuối cùng giết người cướp của.

Từ chuyện rất nhỏ, nhưng nó làm cho con người trai lỳ lương tâm và mất dần cảm thức về tội, nên chúng ta không lạ gì khi thấy nhiều người cứ nhởn nhơ trong vũng lầy tội lỗi mà vẫn tự hào mình là người tốt. Những người như thế, thường tìm mọi cách để ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Họ dùng những phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Họ sẵn sàng làm từ thiện để che lấp những tội ác như tham nhũng, bóc lột và buôn gian, bán lậu. Hay nói cách khác, họ dùng hình thức rửa tiền để che đậy những việc làm mờ ám của mình.

Thật vậy, là con người, ai cũng muốn có cơm no, áo ấm, rồi dần dần dẫn đến tình trạng ăn ngon mặc đẹp, tiếp theo chính là thỏa mãn xác thịt, ăn chơi trác táng và cứ như thế, chẳng mấy mà dẫn đến “Cực lạc sinh bi ai?”. Đây chính là cơn cám dỗ đầu tiên mà Ma Quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu.

Cơm cám dỗ thứ hai mà trước kia Ma Quỷ cám dỗ Đức Giêsu, thì ngày nay, nó cũng không buông tha chúng ta. Thật vậy, nó tấn công chúng ta về quền lực, vinh quang, phú quý để làm cho ta ra mê muội và tìm mọi cách để đạt được những điều ta muốn dù là bất chính.

Cám dỗ cuối cùng mà nó tấn công Đức Giêsu là tham lam, danh vọng. Ngày nay, nó vẫn thường cám dỗ chúng ta như thế. Nó đánh đúng sào huyệt tham sân si của con người, rồi sau đó, con người phải tôn thờ nó. Xin nhắc rằng, Ma Quỷ nó làm được nhiều thứ để cám dỗ con người, nhưng chỉ có một điều mà nó không làm được, đó là không cho con người được hạnh phúc thật và sự sống đời đời mà thôi.

Như vậy, Ma Quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu về 3 điểm, đó là: thú, lợi, danh. Đến lượt chúng ta, nó cũng không ngừng tấn công chúng ta về những điểm trên.

Nhưng, như Đức Giêsu đã chiến thẳng, còn chúng ta ngày nay thì sao? Mỗi khi đứng trước cám dỗ, chúng ta phải làm gì?

3. Khi bị cám dỗ, ta phải làm gì?

Mỗi khi cám dỗ đến với chúng ta, xin hãy nhớ lại lời Đức Giêsu cảnh báo để thêm sự cẩn trọng, hầu không vì kiêu ngạo mà mắc vào cạm bẫy của chúng: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ" (Mt 26, 41). Hay Đức Giêsu nói với Phêrô về sự nguy hiểm của chúng: "Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Và khi thánh Phêrô đã cảm nghiệm rõ nguy hiểm của Ma Quỷ, nên ngài đã cất lên lời khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì Ma Quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tiìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).

Nhiều người quá coi thường chúng nên dần đi vào con đường mà chúng vạch ra cho lúc nào không hay.

Thật vậy, có nhiều người vì ích kỷ, nên sinh ra cố chấp với anh chị em trong cộng đoàn, rồi kết cục bỏ Chúa và không tham gia sinh hoạt đoàn thể vì tính kiêu ngạo của mình. Những người như vậy, họ theo đạo vì ông này bà nọ, chứ không phải vì Chúa. Bởi vậy, khi họ có chuyện khúc mắc với anh chị em thì họ bỏ luôn Chúa, vì đâu biết rằng những người kia, họ chỉ là phương tiện, là cầu nối để ta gặp được Chúa, chứ không phải họ là Chúa. Đây là cách mà Ma Quỷ thường hay tấn công vào những người thiếu sự khiêm tốn, cố chấp.

Lại có những người luôn nghĩ mình là tốt lành, thánh thiện, nên không sợ gì sa ngã vào con đường tội lỗi, vì thế, họ không ngần ngại khi được bạn bè rủ rê đi vào chốn ăn chơi trụy lạc vì nghĩ rằng: tướng Quỷ cũng không bao giờ quyến rũ được mình. Tuy nhiên, biết bao người đã trở thành nô lệ của chúng chỉ sau vài cuộc ăn chơi. Riết thành quen, không đi thấy nhớ. Hay cũng có những người nghĩ rằng mình cũng cần phải thâm nhập thực tế để cứu giúp những người tội lỗi ra khỏi cuộc sống bê bối của họ, nhân danh việc tốt để dẫn đưa anh chị em thoát khỏi vòng tội lỗi, tuy nhiên, cũng lại không ít người đã thay đổi vai trò. Từ người cứu giúp chuyển dần sang thành người đi theo và cùng nhau phạm tội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chúng ta coi thường mối nguy hiểm của công việc và coi thường sự sự khôn ngoan, tinh xảo của Ma Quỷ.

Thấy được sự nguy hiểm này, nên Đức Giêsu mới dạy các môn đệ cầu nguyện trong kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và trong kinh Ăn Năn Tội cũng có câu: “Nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội”. Trong dân gian, trải qua cuộc sống, người ta đúc kết thành kinh nghiệm và khuyên: nếu lượng sức mà không vượt qua được thì hãy “đào vi thượng sách”.

Thực vậy, sức con người thì giới hạn, vì thế, không thể nào chống trả được những cơn cám dỗ. Nếu muốn chiến thắng, chúng ta phải cậy dựa vào ơn Chúa. Nói như thánh Phaolô: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13).

Khi chúng ta cậy dựa vào ơn Chúa và đi theo con đường của Chúa, chúng ta dùng chính võ khí của Đức Giêsu để chiến đấu. Võ khí đó là gì? Thưa! Đó là sự khiêm tốn và vâng lời, đơn sơ, chân thật. Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Chúa là tồn tại, vì thế, phải cẩn trọng trong việc lựa chọn trước những trào lưu tục hóa như ngày nay. Đứng trước sự lựa chọn, thánh Phaolô đã cho chúng ta một kiểu mẫu: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi truyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô” (Pl 3, 8). Ăn chay, cầu nguyện và bố thí chính là xác định thật rõ về sự giới hạn của chúng ta với Đấng Tuyệt Đối. Ăn chay để hãm dẹp nết xấu và ý thức được thân phận mong manh của mình. Cầu nguyện chính là xin Chúa trợ giúp và cùng đồng hành với chúng ta để chúng ta chiến đấu chống lại Ba Thù. Bố thí chính là vượt ra khỏi sự ích kỷ vốn là mầm mống của tội lỗi, để sống hiệp thông, liên đới với anh chị em.

Lạy Chúa Giêsu, xưa kia Chúa đã chiến đấu và chiến thắng Ma Quỷ. Giờ đây, xin giúp chúng con chiến thắng được Ba Thù, để thuộc trọn về Chúa như Chúa thuộc trọn về Thiên Chúa Cha. Amen.

 

62. Tôi đi tìm tôi – Như Hạ

Giữa những thách đố, con người vẫn cố sức vươn lên. Vươn lên như Đức Giêsu trong hoang địa sau khi chiến thắng những thách đố lớn lao trong thân phận con người.

SÓNG GIÓ.

Trần gian là một hành trình đi tìm cái tôi. Cái tôi ích kỷ hay đầy bản lãnh. Bản lãnh đó chỉ được xác định sau những thách đố hay sóng gió cuộc đời. Chỉ cần so sánh một chút giữa Eva và Đức Giêsu sẽ thấy ngay khác biệt lớn lao giữa hai cái tôi đó.

Evà được "Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật." (St 2:7). Bà muốn sống độc lập với Thiên Chúa, muốn dành quyền qui định luật luân lý của Thiên Chúa. Vì muốn "được tinh khôn" (St 3:6) như Thiên Chúa, bà đã nghe theo lời con rắn, giơ tay "hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn." (St 3:6) Ông bà tưởng mình trở thành "vị thần biết điều thiện điều ác." (St 3:5) Nhưng thực tế "họ thấy mình trần truồng" (St 3:7) như con vật. Vỡ mộng. Trắng tay. Đúng như lời Chúa nói: "Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất." (Mc 8:35; Lc 9:24; Mt 10:39; Ga 12:25) Ông bà đánh mất chính mình ngay khi muốn xác định chính mình là ai. Từ sự mất mát đó, "tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết." (Rm 5:12)

Trái lại, Đức Giêsu đã hoàn toàn tìm thấy cái tôi của mình ngay khi đành mất chính mình. Người không tìm cách xác định thế đứng độc lập với Thiên Chúa Cha. Nhưng Người muốn cho mọi người thấy chỉ có thể tìm được chính mình trong Thiên Chúa mà thôi. Qua ba cơn cám dỗ, Đức Giêsu mạc khải bản lãnh vô cùng vững chắc của mình trong vũ trụ. Thật vậy, sau khi "ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Người thấy đói" (Mt 4:2) Quỉ liền tấn công vào điểm yếu nhất của con người Chúa lúc đó. Ai chẳng nghĩ, "có thực mới vực được đạo." Nhưng thật bất ngờ. Trong cơn đói cồn cào, Người vẫn khẳng khái: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4:4) Còn hơn cơm bánh, lời Chúa là nguồn sống của cả vũ trụ, vì "nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành." (Ga 1:3). Muốn hay không, con người phải hoàn toàn lệ thuộc vào ý Chúa.

Chính vì thế, có lần Người đã tâm sự với các môn đệ: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy." (Ga 4:34) Nhờ xác định được nguồn sống đích thực như thế, Đức Giêsu đã đem lại sự sống phong phú cho toàn thể nhân loại. Thực vậy, "nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính." (Rm 5:19) Khác hẳn với nguyên tổ, Đức Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa Cha tuyệt đối. Sự lệ thuộc đó đã không đánh mất tính cách độc lập. Trái lại, Đức Giêsu đã xác định được vị thế mình một cách vững chắc hơn. Người không chiều theo những nịnh bợ rẻ tiền để biểu dương quyền năng một cách lố bịch. Trước những lời nịnh hót: "Nếu ông là con Thiên Chúa …", Đức Giêsu đã khẳng khái đáp: "Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." (Mt 4:7) Như vậy, mặc dù ý thức mình phải lệ thuộc vào nguồn sống là Thiên Chúa, Người vẫn không quên mình là Con Thiên Chúa ngang hàng với Chúa Cha.

Sau khi đã xác định vị thế siêu việt đó, Đức Giêsu mới thấy rõ hướng đi trước mặt. Nếu làm theo ý Satan, Đức Giêsu sẽ trở thành một kẻ giàu sang nhất trần gian (x.Mt 4:8-9). Nhưng Người sẽ đánh mất bản ngã và tương quan với Thiên Chúa. Người không còn là Con Thiên Chúa và trở thành kẻ phản loạn như Satan. Rất may, nhờ Thần Khí dẫn đường chỉ lối, Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ vô cùng hiểm độc này. Người đã chọn Thiên Chúa như cứu cánh duy nhất của cuộc đời. Tiếng Người mạnh mẽ vang lên: "Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." (Mt 4:10) Đó là hướng sống rất sáng tỏ đối với Đức Giêsu. Nhưng không phải một lần xác nhận là đủ. Thách đố đó không ngừng nổi lên trong cuộc đời.

Không vượt qua nổi cơn cám dỗ đó, con người sẽ thành mồi ngon cho những ngẫu tượng. Ngẫu tượng đó là chính cái tôi với những chiều kích cồng kềnh dị hợm. Chính khi cố gắng tôn thờ ngẫu tượng kinh tởm này, con người sẽ đánh mất căn tính. Con người sẽ mất phương hướng và hoàn toàn trống rỗng. Tâm hồn trở thành mảnh đất mầu mỡ phát sinh những tư tưởng khủng bố, dâm đãng, cướp bóc, nghiện ngập.

CƠ HỘI LỚN.

Thế giới hôm nay con người đang đẩy đồng loại vào những thảm cảnh chưa từng thấy. Thảm cảnh đó "thường là con đẻ của chủ nghĩa ích kỷ vô trách nhiệm." (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002) Nếu không tìm lại được con người đích thực của mình, nhân loại sẽ còn bị những ngẫu tượng hướng dẫn vào những ngõ cụt. Mất hết tương lai. Trái đất sẽ thành một nghĩa trang khổng lồ. Trước tình trạng bi đát đó, "chúng ta cảm thấy cần Thiên Chúa giúp chúng ta phục hồi niềm tin và niềm vui cho cuộc sống." (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002). Thiên Chúa sẽ giúp nếu chúng ta biết vượt lên như Đức Giêsu giữa bao thách đố trong hoang địa.

Với một hình thức rất hấp dẫn, những thách đố đầy ma lực đó chỉ nhằm kéo Đức Giêsu ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Nhưng đầu hàng trước những ma lực đó, chắc chắn Đức Giêsu càng lún sâu vào con đường lệ thuộc ma quỉ và đánh mất căn tính của mình. Những thực tại vật chất là những xiềng xích bên ngoài và tính kiêu ngạo là gông cùm bên trong sẽ cột chặt cái tôi của Người trong hố diệt vong.

Nhân loại hôm nay đang quay cuồng với những cái tôi phì nộn. Con người có quá nhiều nhu cầu giả tạo đến nỗi "mọi người đều nghĩ rằng mỗi chọn lựa và hành động phải bị luật cung cầu thị trường chi phối. Họ tưởng chỉ có lợi nhuận tối đa mới là định luật tối cao. Giữa lúc đó, niềm tin Kitô lại trình bày một lý tưởng bất vụ lợi, xây dựng trên tự do đầy ý thức của cá nhân, bắt nguồn từ tình yêu chân chính," (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002) tức là Thiên Chúa. Tình yêu ích kỷ không bao giờ có thể hiểu được lời Chúa: "Chúng con đã nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không." Những tính toán nhỏ nhen ích kỷ đang làm cho các tương quan hôm nay biến chất và tan rã. Làm sao tìm được cơ hội nối lại những tương quan đó?

"Mùa chay là một cơ hội Thiên Chúa quan phòng cho con người hồi tâm, vì giúp chúng ta chiêm niệm về mầu nhiệm tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta để sống hạnh phúc và qui hướng vạn vật về thiện hảo đích thực này." (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002) Nhận định rõ tình yêu lớn lao đó là bước đường vô cùng cần thiết nối lại tương quan nhân loại hôm nay. Nếu không có những giây phút lắng đọng tâm hồn, chúng ta không thể thấy được lòng Cha yêu thương như thế nào. Những phản kháng và phản chứng hôm nay đều phản ánh một sự vô ý thức về tình yêu Thiên Chúa. Trong thinh lặng, con người sẽ khám phá thấy "chính vì yêu thương vô bờ, Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta và đã tiền định để chúng ta hoàn toàn hiệp thông với Người. Vì thế, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta đáp trả tình yêu Người một cách quảng đại, tự do và ý thức." (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002) Chỉ khi nào đáp trả tình yêu như thế, tôi mới thành công trên bước đường tôi đi tìm tôi. Tình yêu đã chính là sức mạnh đẩy tôi lên tới Thiên Chúa và đến với anh em. Tôi sẽ tìm được tôi trong tương quan sung mãn đó.

 

63. Thử thách và lựa chọn – G. Nguyễn Cao Luật

Trình thuật về các lần cám đỗ được coi như phần mở đầu giúp người tín hữu hiểu được điều sâu kín nhất trong tâm hồn Đức Giêsu. Đó là một bản Tin Mừng thu gọn, một thứ hướng dẫn. Những ai muốn hiểu rõ về cuộc đời công khai của Đức Giêsu, cần phải để ý điều này: nếu muốn hiểu biết điều gì trong đó, hãy luôn nhớ lại 3 lựa chọn căn bản này của Đức Giêsu, những điều Người còn lựa chọn lại trong suốt cả cuộc đời.

Cuộc thử thách và lòng trung thành

Thời gian 40 đêm ngày Đức Giêsu trải qua trong sa mạc đánh dấu việc khởi đầu một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu của Giao Ước Mới. Cuộc phiêu lưu này tái hiện quãng thời gian 40 năm dân Do-thái đã trải qua trong cuộc Xuất hành, đồng thời nhắc lại 40 ngày đêm ông Mô-sê đã ở trên núi Xi-nai.

Còn hơn thế nữa, khoảng thời gian này không chỉ là một cuộc khởi đầu, nhưng còn là một cuộc sáng tạo với những yếu tố như cuộc sáng tạo vũ trụ: sa mạc (miền đất trống rỗng, hoang vu), và sự thử thách.

Trong cuộc sáng tạo, A-đam đã phải chịu thử thách, đã đứng trước một lựa chọn, trong đó ông phải bày tỏ tự do của mình. Cũng vậy, với biến cố hôm nay, với cuộc thử thách và lựa chọn trong sa mạc, Đức Giêsu đã bày tỏ tự do của mình, đã thể hiện sự gắn bó với Thiên Chúa, và cho thấy bản tính sâu xa của Người: Con Thiên Chúa và Con Loài Người.

Thực vậy, sa mạc và thử thách luôn là những cơ hội để bày tỏ lòng trung thành hay thái độ bất trung (A-đam, sự kiện con bò vàng...). Lần đầu tiên trong suốt lịch sử cứu độ, Đức Giêsu thực hiện điều mà trước đây, cả A-đam lẫn ÍT-RA-EN không thể thực hiện: lòng trung thành với Thiên Chúa.

Nhờ sự trung thành với căn tính Con Người và Con Thiên Chúa, Đức Giêsu mở ra con đường cho Giao ước Mới, con đường đặt nền tảng trên lòng trung thành, một yếu tố mà con người có thể thực hiện được với nỗ lực và tự do của mình. Và lòng trung thành này được biểu hiện qua việc nhìn nhận Lời Chúa là của ăn, nhìn nhận thánh ý Chúa Cha có giá trị ưu tiên tuyệt đối, nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất.

Một cuộc chiến đấu

Con người vẫn thường nghĩ về Đức Giêsu như Đấng có uy quyền, Đấng bày tỏ các mầu nhiệm và thực hiện những điều lạ lùng. Về phần mình, Đức Giêsu lại đề ra một cuộc chiến đấu.

Quả thực, qua các cám dỗ tại sa mạc, Đức Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tính cách con người. Mặc dù có thể, Người đã không sử dụng các phép lạ cho riêng mình để loại bỏ đi những yếu tố vẫn gắn liền với thân phận con người.

Đức Giêsu muốn uống lấy chén đắng, Người muốn cứu nhân loại chứ không cứu lấy bản thân mình. Chính ý tưởng này còn đưa đến cho Người nhiều thử thách khác, không kém phần cam go, nhưng Người đã vượt qua. Thử thách cuối cùng là cái chết, Người cũng đã đón nhận, bởi vì Người hiểu rằng, chính trong tâm tình tự hiến vì yêu thương, Người nhận lấy vinh quang của cuộc chiến đấu, đồng thời đem lại vinh quang cho tất cả những ai bền lòng vững chí.

Suốt cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại sự dữ, chống lại quyền lực xấu xa đang đè nặng trên cuộc sống của con người. Người muốn giải phóng họ khỏi những quan niệm, những cách sống đang làm vướng bận mối tương giao của họ với Thiên Chúa, hay làm cho mối tương giao đó không được trong sáng, không đạt tới ý nghĩa thâm sâu. Chẳng hạn như sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng đã muốn tôn Người làm vua, nhưng Người đã lánh đi (Ga 6,15) hoặc khi Phê-rô lên tiếng can ngăn Đức Giêsu, xin Người đừng lên Giê-ru-sa-lem, Người đã không xiêu lòng trước thử thách, nhưng đã quyết liệt khước từ và nặng lời trách móc Phê-rô (x. Mt 16,23).

Như thế, Đức Giêsu không muốn sống an toàn, trái lại, Người lao vào một cuộc đấu tranh, chấp nhận những mất mát thua thiệt về phía mình, kể cả sự sống. Người hiểu rằng, để khai sinh một nhân loại mới, một ý nghĩa mới cho cuộc sống của con người, cần phải chiến đấu, phải hi sinh, phải liều lĩnh. Nếu không có can đảm vượt lên trên cái nhìn bình thường, vượt lên trên sự an toàn cho riêng mình, thì nhân loại không thể nào được cứu vớt, được giao hoà với Thiên Chúa.

Cuối cùng, cuộc chiến đấu này đã dẫn đưa Người tới cái chết trên thập giá, và Người đã chiến thắng nhờ sự Phục sinh. Sự kiện này cho thấy rằng cuộc chiến đấu của Người không phải là vô nghĩa, và con người có thể đạt tới chiến thắng vinh quang nhờ lòng trung thành, nhờ thái độ tuân phục thánh ý Thiên Chúa.

Vì vậy, xét theo cái nhìn bình thường, Đức Giêsu đã hành động như là không yêu mến con người; Người đã mở ra một cuộc chiến và mời gọi họ dấn thân, chứ không đem đến cho họ sự an toàn. Tuy nhiên, chính cuộc chiến do Đức Giêsu khởi đầu lại là con đường duy nhất để đạt tới vinh quang đích thực. Trong cuộc chiến đấu của mình, Đức Giêsu đã liên đới với tất cả những người đau khổ, liên đới với thân phận làm người của nhân loại; Người hành động như thế vì yêu mến họ, yêu mến cách tận tình, muốn đưa họ tới sự sống chân thật. Bình an do Đức Giêsu đem đến là bình an được chiếm đoạt bàng sức mạnh, bằng sự trung tín với Lời Chúa.

Chiến dấu từng ngày và suốt đời

Ba cám dỗ, hay ba chọn lựa, vẫn thường xảy ra trong suốt dòng lịch sử. Mỗi người sẽ gặp phải những thử thách và họ sẽ ngã gục như A-đam và dân It-ra-en, nếu họ không nhìn vào Đức Giêsu, và không noi theo gương của Người.

Cuộc chiến đấu ấy, thử thách ấy vẫn diễn ra cách này cách kia theo nhiều hình thức khác nhau; mỗi thời mang một vẻ khác, mỗi giai đoạn lại có vẻ tế nhị hơn, quyết liệt hơn, nhưng bao giờ cũng vẫn là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và trần gian. Đó là một cuộc chiến đấu dài, rất dài, không bao giờ chấm dứt; người ta phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng, mà không được quyền bỏ cuộc, rút lui.

Vậy, đâu là những thử thách vẫn thường xảy ra và không khi nào Đức Giêsu nhượng bộ?

Thứ nhất: Con người được dựng nên không phải chỉ vì những lương thực trần gian. Họ còn có những lương thực thiêng liêng và chính thứ lương thực này mới cần thiết.

Thứ hai: Con người được dựng nên không phải để cảm nghiệm về Thiên Chúa mà thôi. Họ cần phải hiệp thông với Người, như một đứa con, với lòng tin tưởng tuyệt đối. Đó không phải là mối tương giao đặt nền tảng trên lòng yêu mến. Họ ở trong Người, không một chút nghi ngờ, không một khoảng cách.

Thứ ba: Con người được dựng nên không phải để thống trị anh em mình, không phải để bắt người khác thần phục mình. Trái lại, mọi người đều là con một Cha; tất cả đều quy hướng về Thiên Chúa. Hơn nữa, họ không được dựng nên để phục lạy các ngẫu tượng, nhưng là để thờ phượng Thiên Chúa:

Như vậy, vấn đề được đặt ra chính là căn tính của con người. Họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Chí Thánh không ngừng làm cho họ nên giống hình ảnh của Người. Đó là chương trình đã có từ thời sáng thế, và hôm nay vẫn đang được thực hiện. Chương trình này vẫn đang bị đe doạ vì những ham muốn chống đối của con người, và Thiên chúa không ngừng bày tỏ lòng yêu thương của Người:

Chính trong việc cử hành Thánh Thể,

Đức Kitô ban mình làm lương thực để nuôi sống con người.

Đức Kitô xoá tan mọi khoảng cách và nghi ngờ,

Ngài đến ở với chúng ta qua việc rước lễ.

Đức Kitô quỳ gối trước mặt chúng ta,

rửa chân cho chúng ta,

biến chúng ta thành một dân biết phục vụ,

sắn sàng quỳ gối để rửa chân và giúp đỡ người khác.

Con người không được dựng nên cho riêng mình. Cộng đoàn ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng ta thấy rõ căn tính của mình. Trong cộng đoàn này, chúng ta chia sẻ với nhau những thành quả do cuộc chiến đấu của Đức Kitô, đồng thời trở nên hình ảnh của Thiên Chúa.

Đi vào Mùa Chay

là cùng với Đức Kitô

lao vào cuộc chiến đấu.

để bày tỏ lòng trung thành

đặt nền tảng trên Lời Chúa.

 

64. Sa mạc - Nơi giúp khám phá sự thật

(Suy niệm của Lm. Phêrô Trần Minh Đức)

Trong cuộc đời làm người ai ai cũng phải trải qua những giây phút khủng hoảng. Trong những lúc đó tất cả mọi chuyện to nhỏ đều trở thành một vấn nạn. Kẻ đó tìm một câu trả lời trước khi lựa chọn, quyết định cho tương lai đời mình. Giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên là một giai đoạn quan trọng trong đời người. Tuổi dậy thì chứa đầy hỗn loạn. Thân xác bỗng dưng biến đổi và phát triển khác thường. Con người bị ép buộc tham dự vào một cuộc phiêu lưu để khám phá ra mình là ai. Nhiều chuyện thần thoại đã mô tả về giai đoạn này. Dĩ nhiên, nhân vật chính luôn là một chàng trai. Anh phải từ giã mái ấm gia đình, chấp nhận mạo hiểm một mình tiến vào rừng sâu nước độc, nơi chứa đầy cạm bẫy của yêu tinh quỷ nữ! Anh ta phải vượt qua mọi thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài. Anh ta được tôi luyện. Khi trở về, anh giống như được đầu thai làm một con người hoàn toàn mới, đủ tài trí và khả năng gánh vác những trọng trách được giao phó.

Bài Phúc âm hôm nay cũng nói về thời gian thử thách tương tự của Đức Giêsu. Ngài được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa, giang sơn của quỷ dữ. Ngài ăn chay hãm mình, sống trong cô tịch, hoàn toàn không có gì để đề phòng âm mưu của kẻ xấu luôn bám sát, chờ cơ hội thuận lợi để thu thập. Thử thách làm nảy sinh một hoài nghi cơ bản: Những gì từ trước tới nay tôi cho là tốt đẹp bây giờ có vẻ vô nghĩa. Những gì tôi cho là tội lỗi xấu xa giờ đây hình như chứa đầy hứa hẹn. Khi đối diện đương đầu với dụ dỗ Đức Giêsu dần dần khám phá ra mình là ai, đâu là sứ mạng của mình. Thời gian sống trong sa mạc là giai đoạn quan trọng trong đời của Đức Giêsu. Trong thời gian này Ngài cảm nhận một cách sâu xa sự mỏng dòn trong thân phận con người. Mặc khác, Ngài đã sống mật thiết thân tình với Chúa Cha, giúp Ngài ý thức về trọng trách được Chúa Cha giao phó. Ngài trở nên chín chắn trưởng thành, có thể bước vào cuộc đời công khai, công bố Tin mừng cứu độ. Bởi vậy, sa mạc không phải chỉ là nơi chết chóc, tăm tối mà còn là nơi gặp gỡ chính Thiên Chúa.

Trong sa mạc Đức Giêsu hiểu thấu những yếu đuối cơ bản của con người. Cám dỗ đầu tiên nhắm vào sự đói khát. Có đầy đủ của ăn là một nhu cầu căn bản của cuộc sống con người. Thân xác đòi hỏi quyền lợi của nó và sẽ trở nên kiệt quệ nếu như nhu cầu này bị cự tuyệt, không được đáp ứng. Dĩ nhiên chúng ta ăn để sống, nhưng chúng ta sống không phải chỉ để ăn, để uống. Do đó, con người giống như bị bà nhập khi nghĩ rằng, ý nghĩa của cuộc sống con người chỉ đặt trên cơ bản của vật chất và sự hưởng thụ. Con người chia sẻ những nhu cầu thuộc thân xác với tất cả mọi sinh vật khác, nhưng khát vọng của con người còn trổi vượt hơn, đi ra ngoài giới hạn này. Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng, nhu cầu lớn nhất của con người thuộc về đời sống tâm linh: „Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra". Đời sống con người không phải là một cuộc sống no say nhưng là một cuộc đời sung mãn về mọi mặt.

Thử thách thứ hai nhắm vào khát vọng quyền lực. Bởi vì muốn chứng tỏ quyền lực của mình, bảo đảm chỗ đứng của mình, kẻ ấy ra sức tìm cách hạ bệ kẻ khác, ra sức chèn ép, trèo lên đầu lên cổ người khác và nếu cần sẵn sàng bước qua xác chết! Tranh đấu quyền lực là chuyện xảy ra như cơm bữa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt trong môi trường chính trị và kinh doanh,... Đức Giêsu không đầu hàng dụ dỗ. Ngài sẵn sàng từ bỏ quyền thế và bạo lực. Ngài chọn con đường yêu thương vô vị lợi.

Dụ dỗ thứ ba nhằm chối bỏ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo càn khôn. Đặc biệt con người ngày nay nghĩ rằng, mình có thể đạt được tất cả mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tất cả đều dựa vào khả năng của bản thân. Ngày Chúa nhật không đi lễ nhà thờ chẳng thấy mình mất mát gì! Nhìn nhận giới hạn của mình, nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình là một điều không dễ dàng. Thiên Chúa đòi hỏi con người tin vào Ngài, mặc dầu không ai có thể chứng minh và nhìn thấy Thiên Chúa.

Mùa chay chính là một lời mời gọi sáng tạo một mảnh sa mạc trong cuộc đời mình, mời gọi xa rời cảnh huyên náo, bon chen, xô bồ để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài trong cô tịch. Bởi vì sa mạc, đối với Đức Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, là nơi giúp khám phá sự thật, nơi chúng ta có thể đối diện với chính mình để nhận biết mình là ai và Thiên Chúa muốn gì nơi tôi.

 

65. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay và Phục Sinh một đàng hướng về công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su tronng những năm cuối cùng của Người trên trần gian, nhưng đồng thời cũng nhắm đến nhân loại là đối tượng của việc cứu độ. Trong lịch sử cứu độ, ta không thể không nói đến cám dỗ và tội lỗi là những gì đã làm cho nhân loại mất đi căn tính con Thiên Chúa của họ. Sa ngã do cám dỗ và thắng vượt cơn cám dỗ là hai câu truyện tương phản trong các bài đọc hôm nay. Ngoài ra, thánh Phao-lô cũng giúp ta hiểu ý nghĩa của hai biến cố tương phản ấy.

1. Sa chước cám dỗ (bài đọc Cựu Ước - St 2:7-9; 3:1-7)

Cám dỗ là sự xúi giục của ma quỷ muốn ta làm điều xấu trái với luân lý và lề luật đạo đức. Trong câu truyện Cựu Ước hôm nay, ma quỷ được tiêu biểu là con rắn cám dỗ ông bà nguyên tổ. Câu truyện không nhằm diễn tả tâm lý con người, mặc dù ta có thể dễ dàng nhận thấy điều ấy, nhưng nó muốn nói lên ý nghĩa thần học về cám dỗ và tội lỗi. Vì "rắn là loài xảo quyệt" nên phương thức cám dỗ của nó cũng hết sức tinh vi.

Thiên Chúa đã tạo dựng A-đam và E-và và Người dạy họ phải tuân phục Người, là không được ăn "trái trên cây ở giữa vườn". Trái cây ở giữa vườn hay ở góc vườn thì cũng có gì khác nhau đâu. Cho nên mệnh lệnh "không được ăn trái cây ở giữa vườn" chỉ là một dấu chỉ nói lên ý muốn của Thiên Chúa là con người phải tuân phục Thiên Chúa. Không ăn trái cây ấy tức là tuân phục Thiên Chúa. Còn nếu cứ ăn trái cây ấy tức là không tuân phục Người và là điều xấu. Vậy ma quỷ đã cám dỗ con người không tuân phục Thiên Chúa như thế nào? Trước hết đặc điểm của cám dỗ là không vội vàng. Ma quỷ từ từ đưa người ta đi từ thật tới giả. Nó bắt đầu tấn công người đàn bà trước. Có lẽ vì tâm lý của người phụ nữ bén nhạy hơn và thích bề nổi hơn. Nó gợi chuyện và tìm một cánh cửa mở cho cám dỗ, đặt câu hỏi để có một câu trả lời thật. "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn hay sao?" Dĩ nhiên câu trả lời dần dần đưa tới vấn đề là tại sao Thiên Chúa chỉ cấm họ ăn trái trên cây ở giữa vườn. Lý do của Thiên Chúa là nếu ăn vào thì "sẽ phải chết". Nếu họ tuyệt đối tin vào lời Thiên Chúa bảo "sẽ phải chết" thì đã không có chuyện. Nhưng ma quỷ đã đánh lừa họ, gieo nghi vấn trong lòng họ về lời Thiên Chúa với cách giải thích xem ra hết sức có lý: "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác". Cám dỗ dừng lại ở đây và để cho ý chí tự do của con người cân nhắc lựa chọn. Câu truyện diễn tả giai đoạn cám dỗ này bằng hình ảnh "người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn". Lý lẽ của ma quỷ đã mạnh, lại thêm những đặc tính của trái cấm thật hấp dẫn. Thế là cuộc giằng co của ý chí tự do nơi con người càng thêm sôi động và con người đã sử dụng ý chí tự do để lựa chọn không tuân phục mệnh lệnh Thiên Chúa. Đó là đường đi nước bước của cám dỗ, lừa dối bằng cách đặt cái giả vào cái thật và đưa ra những lý do có vẻ thật để bênh vực cho việc xấu. Câu truyện Kinh Thánh còn nói lên sự bành trướng và ảnh hưởng của cám dỗ qua việc không những người đàn bà ăn trái cấm trước, mà còn "đưa cho cả chồng đang ở đó với mình".

Ông bà nguyên tổ sa ngã chước cám dỗ là vì không tuyệt đối tin vào lời Chúa và chỉ lo cho cái tôi của họ. Bao giờ cám dỗ cũng đi theo cùng một thể thức ấy. Con người có ý chí tự do là chuyện tốt. Nhưng sử dụng nó để chọn lựa đúng thì đòi hỏi ta phải biết phân định đâu là tinh thần của Chúa và đâu là tinh thần ma quỷ thế gian.

2. Thắng vượt cám dỗ (bài Tin Mừng - Mt 4:1-11)

Nếu A-đam nguyên tổ đã thảm bại trước cám dỗ, thì Chúa Giê-su là A-đam Mới lại đã hoàn toàn chiến thắng cám dỗ. Tuy câu truyện Tin Mừng chia ra làm ba cám dỗ khác nhau, nhưng ta có cảm tưởng như chúng muốn trình bày một phương thức chiến thắng cám dỗ đi ngược lại cách thức đưa tới thảm bại của ông bà nguyên tổ.

Vậy trong cám dỗ thứ nhất lúc Chúa Giê-su thấy đói, tên cám dỗ thử thách Người về nhu cầu sự sống thể lý. Nếu quả thực Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Người có thể sử dụng quyền năng Thiên Chúa để biến hòn đá thành bánh, rồi cũng có thể biến mái lều tranh thành lâu đài sang trọng hoặc bất cứ cái gì làm cho cuộc sống được tiện nghi thoải mái và hơn những người khác. Biến hòn đá thành bánh để ăn đang khi đói ở giữa sa mạc là điều hợp lý. Nhưng nếu Người thực hiện phép lạ ấy thì ta tin rằng Người khó có thể dừng lại và sẽ tiếp tục lạm dụng quyền năng để làm những điều không cần thiết! Đối với Chúa Giê-su, sự sống đích thực không phải do những gì bề ngoài, nhưng là do "mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra". Trong câu truyện ở vườn địa đàng, lời miệng Thiên Chúa phán ra là: "Các ngươi không được ăn, không được động tới (trái trên cây giữa vườn), kẻo phải chết". Nguyên tổ đã không thi hành lời ấy nên đã phải chết. Về phần Chúa Giê-su, "lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4:34).

Trong cám dỗ thứ hai, ma quỷ thử thách Chúa Giê-su về lòng tin vào Thiên Chúa. Tin là phó thác mọi sự trong tay Chúa để Danh Người được rạng ngời, chứ không phải là thử thách quyền năng Người để ta được mọi người khâm phục ngưỡng mộ. Nếu Chúa Giê-su gieo mình từ trên cao xuống mà bình yên vô sự thì Thiên Chúa đâu có được lợi gì, nhưng Chúa Giê-su sẽ được dân chúng trầm trồ ca tụng là Đấng đầy quyền năng! A-đam và E-và muốn được khôn ngoan, thông biết mọi sự, nghĩa là họ không còn muốn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng ra mình nữa. Nhưng với Chúa Giê-su, Người thực sự nhìn nhận "bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, và đã làm người" để tuân phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Trong cám dỗ cuối cùng, Chúa Giê-su đã hoàn toàn nhìn nhận thân phận con người của Người và bổn phận phải thờ phượng Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ muốn ăn trái cấm để được mở mắt ra và "sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác". Còn Chúa Giê-su thì muốn làm một người phàm đúng nghĩa và làm người tôi trung của Đức Chúa. E-và "thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn" nên đã hái và ăn. Còn Chúa Giê-su từ trên núi cao "thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy", thì lại xác tín bổn phận phải thờ phượng một mình Đức Chúa mà thôi.

Tóm lại, để chiến thắng cám dỗ, Chúa Giê-su lúc nào cũng đặt Thiên Chúa trên hết. Lòng tin của Người nơi Thiên Chúa là tuyệt đối. Lời Thiên Chúa là đèn soi cho Người bước đi (Tv 118:105). Tuân phục Thiên Chúa là lý tưởng Người ôm ấp và thực hiện trong suốt cuộc sống từ lúc nhập thể trong lòng Đức Ma-ri-a cho đến khi tắt thở trên thập giá.

3. Chỉ vì một người duy nhất và chỉ nhờ một người duy nhất (bài đọc Tân Ước - Rm 5:12-19)

Suy niệm về hai biến cố đối nghịch này trong lịch sử nhân loại, thánh Phao-lô Tông đồ đã tóm tắt thành một chân lý vô cùng sâu xa về lịch sử cứu độ. Chủ đề cứu độ được ngài kết luận như sau: "Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5:19). Lịch sử tội lỗi và lịch sử cứu độ là hai thực tại đối nghịch. Việc làm của hai nhân vật, A-đam và Chúa Giê-su tương phản nhau, đã không tuân phục và đã tuân phục. Hậu quả của hai việc làm ấy cũng đối nghịch nhau, căn tính biến thành tội nhân và căn tính trở nên người công chính. Tuy nhiên khi so sánh, thánh Phao-lô cho ta cảm tưởng hiệu quả của ơn cứu độ lớn lao hơn hậu quả của tội lỗi. "Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5:20). Trong bài Công bố Tin Mừng Phụ Sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại lập lại sự so sánh này. "Ôi! Tội A-đam quả là cần thiết, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Ki-tô. Ôi! Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này". Sự trổi vượt của ân sủng trên tội lỗi đem lại cho ta niềm hy vọng vững chắc rằng ta sẽ được cứu độ và phải được cứu độ. Đây cũng là nền tảng của Phụng vụ Mùa Chay và Phục Sinh, là Phụng vụ trình bày lịch sử cứu độ ở cực điểm của nó và mời gọi ta đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

1. Sống Lời Chúa

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giống như một luận đề thần học về lịch sử cứu độ. Chắc chắn Giáo Hội muốn trình bày như thế để ta hiểu được ý nghĩa đích thực của mùa Chay và Phục Sinh. Tuy nhiên hiểu là một chuyện, nhưng quan trọng hơn đó là ta có mở lòng đón nhận ơn cứu độ, đồng hành với Chúa Ki-tô, A-đam Mới, để tiến bước trở về với căn tính đích thực của ta và được ở lại với Cha trên trời.

2. Suy nghĩ: Ma quỷ nói với Chúa Giê-su: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy..." Mỗi lần như vậy, Chúa Giê-su đã làm ngược lại để chứng tỏ và giữ vững danh phận Con Thiên Chúa của Người. Vậy mỗi khi bị cám dỗ lớn hay nhỏ, tôi có nhắc nhở mình thực sự là con Thiên Chúa không?

3. Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Ki-tô và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen. (Lời nguyện nhập lễ, Chúa Nhật I mùa Chay)

 

home Mục lục Lưu trữ