Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 47
Tổng truy cập: 1372520
HÃY CANH THỨC, HÃY SẴN SÀNG
Hãy canh thức, hãy sẵn sàng
Anh chị em thân mến.
Trong những ngày này của thời đại chúng ta đang sống, mọi người hết sức lo âu trước căn bệnh của thời đại. Đó là những người bị nhiễm HIV và rơi vào căn bệnh AIDS, gọi là bệnh liệt kháng, làm cho con người mất hết sức đề kháng trong cơ thể. Rất nhiều lời cảnh báo về căn bệnh nầy qua nhiều cách: với phương tiện truyền thông hiện đại, qua TV, qua báo chí và phương tiện truyền thanh, biểu ngữ, tranh ảnh. Mọi người đều nhận được lời cảnh báo này. Nhưng theo số liệu thống kê, thì hằng ngày tại Việt Nam có khoảng thêm một trăm người rơi vào căn bệnh thời đại này. Những người này cũng nghe, cũng nhìn thấy, cũng được kêu gọi nhắc nhở rất nhiều lần, nhưng họ vẫn rơi vào điều nguy hiểm đó. Họ nghe, họ nhìn thấy, họ được nhắc nhở, nhưng tất cả những thứ đó không thức tỉnh được con người của họ, không lay chuyển được họ, không làm họ thay đỗi cuộc sống của mình được. Họ vẫn cứ ung dung tự tại sống theo những gì đã sống mà không cần phải thay đỗi. Họ cứ nhắm mắt, bịt tai lại để có thể tự do sống theo những gì mình thích, không cần biết đến hậu quả như thế nào. Những lời cảnh báo nhắc nhở, không hiệu quả với những người như thế.
Bước vào Mùa Vọng, một lần nữa lại vang lên những lời quen thuộc mà mọi người đã nghe rất nhiều. "hãy tỉnh thức, hãy chuẩn bị tâm hồn để chờ đón Chúa đến...". Những lời nầy đã vang lên rất nhiều lần và từ rất lâu, kéo dài qua mọi thời đại, mãi cho đến ngày hôm nay vẫn còn vang lên. Vậy mà cũng có nhiều người bị bất ngờ khi Chúa đến, không có chuẩn bị được gì khi hoàn cảnh cần thiết đòi hỏi họ. Những người đó cũng được nghe, được kêu mời hết sức thống thiết. Những người đó là những người thuộc hết những lời kêu mời, những lời nhắc nhở. Nhưng những gì họ nghe và biết đó không giúp gì được cho cuộc sống của họ. Họ không thi hành.
Mỗi người trong chúng ta, một lần nữa lại nghe những lời kêu mời hết sức quen thuộc: "hãy tỉnh thức và sẵn sàng...". Chúng ta bảo rằng: mình đang tỉnh thức đây, đang sẵn sàng đây, rồi có lẽ cũng như những lần nghe trước, những lời nầy rồi cũng qua đi.
Bao nhiêu mùa vọng đã đến và đi trong đời sống chúng ta? bao nhiêu lần những lời nhắc nhở đến bảo chuẩn bị, nhưng cho đến ngày hôm nay một lần nữa cũng những lời như thế. Mỗi người trong chúng ta cùng nhau để một chút suy tư, hồi tâm, nhìn lại cuộc sống đời người của chính mình.
Chúng ta tự bảo rằng: mình đang sẵn sàng, mình đang tỉnh thức, không cần phải thay đỗi hay chuẩn bị gì thêm. Những gì của hiện tại đã quá đủ, quá tốt, nên những lời mời gọi trở nên dư thừa. Những lúc đó con người của chúng ta không còn tỉnh thức đủ để lắng nghe, không biết sẵn sàng để đón nhận, vì giấc ngũ của sự tự mãn đã lấp đầy cuộc sống, làm cho con người trở nên mê muội không còn biết gì bên ngoài đưa tới nên không thể tiếp nhận được. Vì mãi mê trong giấc ngũ nên cũng không thể lắng nghe được những gì mà Thiên Chúa kêu mời để làm cho đời sống mình trở nên mới hơn.
Nếu có lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta chợt giậc mình khi nghe lời kêu mời: "hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng"; để nhìn thấy cuộc sống của mình cần thay đổi. Chúng ta chợt giậc mình vì thấy những việc làm của mình không có mục đích, không phục vụ được ai, chỉ thoả mãn những gì hết sức riêng tư của cuộc sống. Cũng chợt giật mình vì những lời nói gây đau thương cho nhiều người, có khi là những lời nói ngay ý nhưng thiếu suy nghĩ, cũng có khi là những lời cân nhắc hết sức chi li và toan tính nhiều ngày.
Nếu chúng ta lắng nghe lời mời goi và tỉnh thức thật sự, biết sẵn sàng phục vụ để những việc làm mang lại niềm vui cho nhiều người, những lời nói đem lại sức sống, đem lại sự cảm thông và an bình cho những người chung quanh. Khi đó thật hạnh phúc cho chúng ta, vì mọi sự trong tình trạng sẵn sàng như Chúa muốn và Ngài có thể đến với chúng ta bất cứ giờ phút nào, không lo sợ những gì bất ngờ xảy đến.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa soi sáng cho mỗi người biết lắng nghe lời Chúa, để biết luôn sẵn sàng trong cuộc sống hiện tại mà đón chờ Chúa đến.
47. Tỉnh thức để bảo toàn sinh mạng
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ của Lm. Trần Ngà)
Tai nạn giao thông ngày càng gia tăng khốc liệt, gây ra chết chóc, thương tật, tai hoạ cho hàng chục ngàn người mỗi năm tại Việt Nam. Chưa từng có trận chiến nào trong lịch sử chiến tranh Việt Nam cận đại ngốn nhiều nhân mạng và gây nhiều thương vong cho bằng tai nạn giao thông trên các tuyến đường dọc theo chiều dài đất nước trong những năm qua.
Nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông là người lái xe không tỉnh táo. Phải lái xe suốt đêm trường trên những con đường dài thăm thẳm khiến người lái thiếp đi lúc nào không hay. Một số khác mất tỉnh táo vì men rượu, nên không thể chủ động và phản ứng kịp thời khi tình huống xấu xảy ra. Thế là tai hoạ và chết chóc chụp xuống trên đầu nhiều người thật khủng khiếp.
Khi tài xế ngủ gật, say rượu bia thì nguy cơ gây nên cái chết cho mình và cho người liên hệ hầu như chắc chắn. Người lái xe không tỉnh thức, vì ngủ gật hay vì ma men, là kẻ sát nhân và là người tự sát, gây nên những hậu quả nghiêm trọng khôn lường cho nhiều nạn nhân vô tội.
Chính vì thiếu tỉnh thức dễ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng khôn lường nên Chúa Giêsu đã nhiều lần kêu gọi mọi người đừng mê ngủ nhưng hãy tỉnh thức dưới nhiều hình thức:
Tỉnh thức như người tôi tớ chong đèn đợi chủ đi ăn cưới mãi đến hai hoặc ba giờ sáng mới về (Luca 12, 35-48); tỉnh thức như người chủ nhà canh phòng kẻ trộm thâm nhập giữa đêm khuya (Mt 24, 42-44); tỉnh thức như người quản lý được người chủ đi xa giao trọng trách quán xuyến việc nhà mà không biết giờ nào chủ trở lại kiểm tra công việc đã được giao phó (Mc 13, 33-37. Lc 12, 42-46); tỉnh thức như những cô phù dâu mang dầu đèn đi đón chàng rể có thể vào giữa đêm khuya mới đến. (Mt 25,1-13)
Trong các trường hợp được nêu trên đây, việc tỉnh thức sẽ mang lại phần thưởng lớn lao và sự ngủ mê sẽ gây hậu quả tai hại.
* * *
Mỗi người chúng ta là những người tài xế điều khiển chiếc xe cuộc đời của mình, có trách nhiệm với vận mệnh đời đời của mình cũng như những người liên hệ.
Những nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước là những người lèo lái chiếc tàu quốc gia. Nếu những vị nầy "mê ngủ", chắc chắn sẽ gây ra hậu quả đau thương cho đất nước, cho dân tộc và cho thế giới. Đại biểu cho những "tài xế" kiểu nầy gồm những nhân vật như Hitler, Stalin, Sadam Hussein và rất nhiều tên tuổi khét tiếng khác.
Những nhà lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo là những người cầm lái cỗ xe tôn giáo, có trách nhiệm uốn nắn lương tâm của số đông tín đồ, nếu không tỉnh táo thì cũng sẽ dẫn đưa hàng vạn tín đồ của mình lao xuống vực thẳm bạo lực, chiến tranh tôn giáo hoặc những hình thức khủng bố dã man như đã xảy ra lâu nay.
Những Thầy Cô giáo nắm tay lái cỗ xe học đường, có sứ mạng đào tạo những mầm non hôm nay thành những rường cột cho nước nhà mai sau, nếu không tỉnh táo thì sẽ đưa bao thế hệ học sinh xuống vực.
Vị chủ chăn trong giáo xứ hay bậc phụ huynh trong các gia đình cũng đều là những "tài xế" điều khiển những chiếc xe Chúa trao cho mình quản lý, nếu không tỉnh táo, không sáng suốt thì gây phương hại cho mình cũng như cho vô vàn người khác.
Người lái xe đường dài ban đêm không bao giờ dùng bia, rượu, những chất gây ngủ hoặc bất kỳ loại thức ăn nước uống nào làm cho đầu óc mất tỉnh táo.
Là tài xế cầm lái chiếc xe đời mình, chúng ta quyết không để cho men say của lạc thú, bóng tối của dục vọng, những cơn lốc của đam mê... làm mờ tối lương tri, làm thui chột con mắt linh hồn, làm mê muội tâm trí, khiến chúng ta không còn tỉnh táo để lèo lái đời mình theo đường lối Chúa Giêsu.
Người chạy xe đêm đường dài cần đến cà phê, thuốc lá, nước tăng lực, khăn lạnh... để làm cho đầu óc luôn tỉnh táo hầu tránh được tai nạn giao thông, khỏi làm thiệt hại mạng sống mình cũng như những người liên hệ; thì chúng ta, những người đang lèo lái đời mình qua nhiều khúc quanh của cuộc sống, xuyên qua bóng đêm cuộc đời, cũng luôn cần Lời Chúa lay tỉnh, để khỏi gây gương mù làm hại linh hồn người khác và có thể tỉnh táo, sáng suốt đưa đời mình, linh hồn mình về đến bờ bến bình an.
48. Tỉnh thức để tự cứu mình
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Vào thời Xuân Thu, khoảng 500 năm trước Chúa Giáng Sinh, vua nước Việt (một trong nhiều nước tại Trung Quốc thời đó) tên là Câu Tiễn muốn đánh bại vua Ngô để phục thù mối nhục lớn, nhưng Ngô là nước mạnh, còn Việt là nước yếu, vua nước Việt biết mình không thể thắng Ngô bằng sức mạnh quân sự nên phải dùng những mưu kế sau đây, cốt làm cho vua Ngô trở nên mê muội, mất tỉnh táo mà phải bại vong.
Thứ nhất là tìm cách làm cho vua Ngô mê muội, chẳng còn tỉnh táo trước nguy cơ mất nước.
Để thực hiện được việc nầy, Câu Tiễn dâng cho vua Ngô nhiều gái đẹp, đặc biệt là Tây Thi, được xem là phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc thời Xuân Thu, để làm cho vua Ngô ngày đêm say đắm sắc đẹp và lạc thú mà quên lo việc nước.
Đồng thời, dâng cho vua Ngô nhiều thợ giỏi và gỗ quý để vua Ngô xây dựng lâu đài thật nguy nga tráng lệ, khiến cho ngân quỹ triều đình cạn kiệt, đồng thời lâu đài nầy là nơi cuốn hút vua Ngô hưởng lạc mà bỏ bê công việc triều đình.
Thứ hai là tìm cách làm cho vua bỏ ngoài tai những lời cảnh báo khôn ngoan của Ngũ Viên là vị quan đại thần có lòng giúp vua giữ nước.
Để thực hiện âm mưu nầy, Câu Tiễn mua chuộc một vị đại thần có tính xu nịnh trong triều đình vua Ngô tên là Bá Hi, để ông nầy xui khiến vua Ngô đừng nghe lời can gián sáng suốt và xây dựng của Ngũ Viên là vị quan trung thành cương trực, rồi dần hồi, bức tử Ngũ Viên.
Lâm vào diệu kế của Câu Tiễn, vua Ngô đâm ra mê đắm sắc đẹp của Tây Thi, ngày đêm vui chơi hưởng lạc quên việc triều đình, lại nghe lời nịnh hót của Bá-hy mà giết hại trung thần Ngũ Viên. Thế là từ đó, nhà vua không còn tỉnh táo để nhận ra nguy cơ mất nước vào tay quân thù. Kết cục là vua Ngô bị Câu Tiễn đem quân đánh bại và cuối cùng phải tự đâm vào cổ tự sát.
Như thế, bí quyết để đánh bại một địch thủ hùng mạnh hơn mình, là phải làm cho đối thủ đó trở nên mê muội, mất tỉnh táo, thiếu canh phòng.
Tương tự như thế, để đánh bại chúng ta, ma quỷ cũng dùng chiến thuật làm cho chúng ta ra mê muội, mất hết tỉnh táo, không biết tỉnh thức canh phòng.
Chiến thật thứ nhất, ma quỷ làm cho chúng ta đắm mình trong những lạc thú trần gian, chạy theo những lôi cuốn của tiền bạc, của cải, lợi lộc vật chất mà lãng quên đời sống thiêng liêng, như vua Ngô mê đắm sắc đẹp của Tây Thi mà lãng quên việc nước.
Chiến thuật thứ hai, ma quỷ xui khiến chúng ta bỏ ra ngoài tai những lời dạy khôn ngoan của Thiên Chúa và của Hội Thánh, không lắng nghe tiếng nói lương tâm hay lời khuyên can của bao người thiện chí… như vua Ngô không chịu nghe những lời can gián khôn ngoan của Ngũ Viên, để chúng ta trở nên mù tối, mất tỉnh táo và sáng suốt.
Để cứu chúng ta khỏi mê muội, mất tỉnh táo, Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kêu gọi chúng ta phải tỉnh thức thường xuyên, như người tôi tớ canh giữ cửa nhà cho chủ, không để quân gian đột nhập vào nhà, để bất cứ giờ nào chủ về cũng gặp anh ta đang tỉnh táo.
Lạy Chúa Giêsu,
Dù đã từng nghe Chúa mời gọi canh phòng, tỉnh thức nhiều lần, nhưng dường như không mấy ai quan tâm thực hiện. Người ta không để cho Lời Chúa lọt tai, như vua Ngô không chịu nghe lời khôn ngoan của Ngũ Viên. Như thế thì không sao tránh khỏi những tai hoạ chụp xuống bất cứ lúc nào.
Xin cho chúng con ghi khắc Lời Chúa dạy hôm nay, luôn luôn tỉnh táo canh phòng, không để cho đôi mắt tâm linh mù tối vì dục vọng và những lôi cuốn thế tục, đồng thời không để cho đôi tai tâm hồn đóng lại trước những lời răn dạy khôn ngoan, nhờ đó, chúng con có thể tự cứu mình khỏi nanh vuốt huỷ diệt của tà thần. Amen.
49. Những cuộc vi hành của Đức Kitô
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Dụ ngôn nhỏ này khuyên nhủ cảnh giác tâm hồn, chủ yếu nói về sự trở lại của Đức Giêsu ngày tận thế. Ông chủ vắng nhà là Đức Kitô sau khi Người lên trời. Người đã thiết lập Giáo Hội và giao cho các môn đệ nhiệm vụ hoạt động cho việc cứu rỗi thế gian. Là thành phần Giáo Hội, chúng ta phải canh thức tích cực để chuẩn bị ngày Chúa trở lại. Dụ ngôn cũng áp dụng cho mỗi chúng ta. Chúng ta phải được báo trước phải tỉnh thức để nghênh tiếp những chuyến thăm viếng bất chợt của Chúa. Người đến trong ân sủng ban phát hàng ngày, hoặc bằng những lời mời gọi chúng ta nhận lấy công việc Người định giao, hoặc ở giây phút cuối cùng đời chúng ta.
Chung cục, điều quan trọng là chúng ta phải lưu ý đến nhiều cách Chúa Giêsu hiện diện trong con người và trong cuộc đời chúng ta. Liệu chúng ta có nhận ra Đức Kitô trong những cuộc vi hành của Người? Chúa đến với chúng ta hằng ngày. Chính vì sự kiện đó, để chuẩn bị Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội dạy đọc đoạn Phúc Âm này nói về ngày Chúa trở lại. Nếu chúng ta mong ước, chúng ta sẽ nhận được ân sủng Chúa Giêsu mỗi ngày. Chỉ cần làm thế nào để ơn Chúa gặp chúng ta sẵn sàng đón tiếp. Làm thế nào để cảnh giác, để biết nhận ra Chúa những lúc Ngài đến bất ngờ?
1.- Khởi điểm là một niềm ước nguyện nào đó, ao ước Chúa đến với ta. Ta có thể hình dung khi đọc dụ ngôn, cảnh những đầy tớ bất lương đang khoái trá vì chủ đi vắng, chúng không mong ông về – trong khi đó nhóm đầy tớ tốt thì nóng nảy ước mong chủ chóng về. Ông chủ là Đức Kitô, chúng ta là đầy tớ và cũng là bạn hữu Người. Tất nhiên chúng ta mong ước Người đến, hiện diện và can thiệp vào cuộc đời chúng ta. Tình bạn thiết với Đức Giêsu giữ cho tâm hồn tỉnh thức để đón nhận sự hiện diện tác động của Chúa. Tách rời một điều khỏi bối cảnh đức tin, điều đó có vẻ không quan trọng, nhưng môn đệ Chúa có thể xem đó như là một lời phán của Đức Kitô, một sứ điệp, một lời mời, một phương thế để gặp gỡ và hiệp thông. Vui buồn, thành tựu, đau khổ, lo nghĩ, biến sự cá thể hoặc tập thể, điều gian ác ta phải chịu hoặc cư xử, nhã ý ta nhận được, thành công hoặc thất bại trong hoạt động tông đồ, v.v… - bất kỳ biến sự nào trong cuộc đời cũng có thể, trong môi trường đức tin, trở nên phương thế nghênh đón Đức Giêsu Kitô – nhưng muốn được thế, chúng ta phải mong ước.
2.- Người có tâm hồn cảnh giác thì cũng muốn làm sáng tỏ việc Chúa thăm viếng kẻ khác. Một trong những công việc hòa hợp nhất với sự tôn trọng kẻ khác là giúp đỡ tha nhân nhận biết Chúa khi Người đến trong cuộc đời họ. Chúng ta có thể tự đặt những câu hỏi về ảnh hưởng chúng ta muốn có đối với tha nhân, một ảnh hưởng ít nhiều chính đáng, trong sạch, khéo léo. Nếu ước nguyện sâu rộng của chúng ta là hướng tha nhân chú ý đến Thiên Chúa ngự trong họ, chúng ta sẽ xử sự giống như thánh Gioan Tẩy giả từng chuẩn bị các tâm hồn cho cuộc gặp gỡ Đức Kitô, và trong khi làm công việc đó, ông cố ý khiêm hạ khuất mình đi.
50. Chúng ta có phải là những đứa con hư không?
(Trích trong ‘Giảng Lễ Chúa Nhật’ của Yvane Fournier-Guérard)
Dù chúng ta đã nhận được mọi sự từ Chúa Cha nơi Con Một Ngài, chúng ta cũng phải chu toàn sứ vụ, tỉnh thức và thiết tha ước muốn ơn cứu độ nhờ việc Chúa Kitô đến.
Chẳng bao lâu nữa … có quà.
Mọi sự đều sẵn sàng khi chúng ta mở những gói quà tượng trưng cho Tình yêu mà Chúa Kitô đến đổ tràn trên trần thế.
Hàng nghìn trẻ con sẽ nhận được quà đến nỗi sau khi được đầy dẫy như vậy tâm tình duy nhất còn lại sẽ đôi khi là tâm tình thiếu vắng vô cùng. Vì nhận được quá nhiều nên thường ta có cảm tưởng đã không nhận được gì cả, vậy nên thất vọng chua xót và chờ đợi.
Trái lại, đứa trẻ chỉ mong muốn và xin một điều thôi và được điều này thì sẽ mãn nguyện. Tất cả thời gian chờ đợi, hy vọng có được điều mình ham muốn, mang đến cho điều này một giá trị hầu như vô song.
Bà nội, bà ngoại chúng ta còn nhắc chúng ta nhớ một cách cảm động quả cam và vài cục kẹo đặt trong vớ của họ treo lên trước ngày đầu năm. Quả thật, tầm quan trọng của việc chuẩn bị đón nhận làm cho niềm vui (hoặc nỗi thất vọng) tăng lên khi biến cố xẩy đến. Người ta sẽ nói về đứa trẻ không hài lòng với những món quà của mình rằng nó khổ sở nếu cha mẹ không cho nó những gì nó xin; hoặc nó là con cưng nếu nó nhận được mọi sự mà không gì làm nó hài lòng cả.
Chúng ta có phải là những đứa con hư không?
Chúng ta bắt đầu vào mùa Vọng. Chúng ta chờ đợi gì nơi việc Chúa Kitô đến? Có thể là những đòi hỏi của chúng ta nhiều đến nỗi lời đáp của Chúa có vẻ không làm chúng ta hài lòng? Hoặc hơn nữa chúng ta đã ngưng cầu xin, vì tưởng rằng mọi sự sẽ được ban dư dật không cần cố gắng nào cả?
Tốt nhất là chỉ chờ một điều thôi, điều quan trọng nhất, chờ đợi Chúa Kitô đến trong cuộc đời chúng ta. Ta hãy xem có cách nào để cải tiến cuộc đời mình không.
Một thái độ tỉnh thức.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ về việc Ngài đến. Ngài nhắc cho họ nhớ rằng thế giới cần ơn cứu độ hơn mọi sự khác. Ngài cố gắng làm cho họ hiểu rằng điều chính yếu là Ngài, nhưng phải khát khao, chuẩn vị đón tiếp Ngài.
Như người đầy tớ được chủ giao nhà cho, phải chờ đợi chủ về bất cứ giờ nào, ban ngày và ban đêm, cũng vậy chúng ta phải tỉnh thức, hy vọng, ước mong Chúa đến trong cuộc đời chúng ta.
Ngôi nhà được cho chúng ta mượn chứ không phải cho đứt đâu. Lời Chúa được giao cho chúng ta, nhưng để làm cho chúng ta sống. Lẽ ra việc hiểu biết Chúa phải soi sáng những lựa chọn của chúng ta về cuộc sống. Những ơn thiêng liêng dùng để tôn vinh Ngài và sự kết hợp với Chúa Con giúp chúng ta đứng vững cho đến cùng.
Hiện diện và vắng mặt.
Cuộc nhập thể đã xảy ra. Ngài đã đến trong thế giới chúng ta. Ngài đã bước đi trên những nẻo đường của chúng ta, đã sống cuộc đời làm người hằng ngày của Ngài, đã yêu thương và cầu nguyện. Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ về niềm mong đợi Ngài đến, thì hôm nay chúng ta đã hiểu Ngài muốn nói gì vì chúng ta đang sống vào thời cuối của lịch sử. Ngài sẽ chết, sẽ sống lại, sẽ sai Chúa Thánh Thần đến và sẽ hứa rằng một ngày kia mọi sự sẽ được qui tụ lại trong một Trời mới Đất mới. Đây là cái nhìn về ơn cứu độ theo đường thẳng.
Có một cái nhìn khác, có lẽ đúng theo hình ảnh Thiên Chúa hơn, một cái nhìn của chốn vĩnh hằng nơi mà mọi sự đã có rồi và mọi sự luôn luôn đang thể hiện. Theo cái nhìn này ta có thể chờ mong Ngài đến mọi ngày trong lúc vẫn cám ơn Ngài đang có mặt và đã có mặt ở giữa chúng ta. Món quà của Ngài, ta phải chờ mong, nhưng đồng thời đã được nhìn thấy tất cả những món quà được ban cho ta hằng ngày, biểu lộ tình âu yếm và lòng tốt của Thiên Chúa qua những người xung quanh chúng ta.
Vấn đề của con tim.
Nơi Con Một Ngài. Thiên Chúa trao hiến chính mình để cứu độ nhân loại. Nơi chúng ta, Ngài đã đặt Thần Khí của Ngài và những ân huệ thiêng liêng mà chúng ta phải khám phá ra mỗi ngày để đi vào sự hiệp thông với Ngài. Cuối cùng, việc Con Chúa đến trong lòng chúng ta chỉ được thể hiện tốt đẹp khi chúng ta biết nhận ra Ngài và đồng thời khát khao Ngài.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin “Ngài đến và tỏ Thánh Nhan Ngài cho chúng ta”, để phép lạ của Tình yêu muôn thuở của Ngài được thể hiện, hôm qua, hôm nay và ngày mai.
51. Trách nhiệm
Đoạn Tin Mừng ngắn ngủi chúng ta vừa nghe, lặp đi lặp lại tới bốn lần lời kêu gọi:
- Hãy tỉnh thức.
Nằm giữa những lời kêu gọi ấy là một dụ ngôn ngắn kể lại rằng: Người kia sắp đi xa, để nhà cửa lại, giao trách nhiệm cho đầy tớ trông coi, chỉ định cho mỗi người một việc và dạy phải tỉnh thức luôn vì không biết chừng nào ông ta về. Sẽ không may mắn cho người đầy tớ nào khi chủ bất thần trở về mà bắt gặp còn đang ngủ mê.
Ngôi nhà ông chủ trao cho tôi tớ, chính là thế giới mà Đức Kitô trao cho loài người chúng ta chịu trách nhiệm. Chúng ta có bổn phận phải quản lý nó. Cũng như Chúa dạy chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình và phải quản lý cuộc đời mình sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa, theo lề luật bác ái yêu thương.
Rồi ngày kia, Ngài sẽ xuất hiện tỏ tường với chúng ta và Ngài sẽ xét xử chúng ta theo cách thức chúng ta hoàn thành nhiệm vụ của mình như thế nào. Chúng ta phải sống cuộc đời hiện tại trong sự tỉnh thức, nghĩa là không quên ngày Chúa đến, đó là ngày tận thế cũng như ngày cuối cùng cuộc đời chúng ta. Vì qui hướng về Đức Kitô như thế, chúng ta sẽ tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cửu của mình.
Chúa Giêsu đã đến, rồi Ngài đã ẩn mình đi khỏi con mắt xác thịt của loài người. Đến ngày quang lâm, Ngài sẽ lại xuất hiện tỏ tường trước mắt muôn dân. Trong thời gian Ngài ẩn mình đi, chúng ta nhiều khi kêu trách Chúa sao như muốn bỏ mặc chúng ta. Nhưng Chúa ẩn khuất như thế chính là vì muốn tôn trọng chúng ta, muốn cho chúng ta nên người trưởng thành.
Thực vậy, làm sao con cái có thể lớn khôn khi cha mẹ cứ bám sát lấy nó, lo cho nó từng ly từng tí. Dĩ nhiên Chúa vẫn lo cho chúng ta ta nhưng có thể nói là một cách kín đáo, tế nhị, không bao giờ dành mất tự do và trách nhiệm của con người.
Có ba quan niệm dễ dàng tạo nên một thái độ tiêu cực trong cuộc đời:
Một là cho rằng chết là hết, không còn gì nữa. Nếu quả thực mọi sự sẽ chấm dứt với cái chết, nếu số phận người tốt kẻ xấu rồi sẽ như nhau cả, thì người ta có lý để lập luận rằng: Hãy ăn uống, vui chơi, hưởng thụ giây phút hiện tại.
Hai là tin vào thuyết định mệnh, nghĩa là cho rằng mọi sự đã được an bài sẵn và số phận của mỗi người đã được định đoạt do các vị thần thánh. Nếu thế thì con người chẳng cần làm gì nữa, chẳng cần cố gắng hy sinh hoặc sáng tạo.
Ba là tin vào thuyết luân hồi, hết kiếp này qua kiếp khác. Nếu kiếp này chưa đạt hạnh phúc thì ta còn có thể chờ kiếp sau đầu thai lại và tiếp tục xây dựng hạnh phúc.
Quan niệm Kitô giáo về cuộc đời, về thời gian và về lịch sử rất khác với những quan niệm trên. Đó là một quan niệm có tính biện chứng. Người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại hết sức nghiêm chỉnh như thế là sẽ mãi mãi ở đây vì đó là thánh ý Chúa và vì số phận của mình được định đoạt ngay trên cõi đời này, đồng thời họ lại thanh thoát, tự do, sẵn sàng rời bỏ mọi sự bất cứ lúc nào Chúa gọi họ ra đi. Quan niệm Kitô giáo là một quan niệm cho những con người trưởng thành. Bởi vì, hãy tỉnh thức có nghĩa là hãy sống có trách nhiệm.
52. Hãy tỉnh thức và sẵn sàng.
Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy trong bất kỳ lãnh vực nào, người ta cũng cần phải đề cao cảnh giác, có nghĩa là phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Thực vậy, trong một quốc gia, để bảo đảm an ninh và trật tự, chính phủ phải luôn tỉnh thức bằng cách đặt các đồn canh ở các nơi trọng yếu, rồi lại còn phải thường xuyên huấn luyện các binh lính, công an và cảnh sát.
Trong một gia đình, muốn không bị trộm cắp, nhất là vào những đêm tối trời, thì chúng ta cũng phải tỉnh thức. Ngoài ra, lại còn phải nuôi thêm chó để canh giữ, làm cổng cho kiên cố, đặt ổ khóa cho chắc chắn.
Trong phạm vi cá nhân cũng thế, muốn được khỏe mạnh, thì phải sắm sẵn mũ áo, phòng lúc trời mưa cũng như lúc trời nắng. Rồi lại còn phải sắm sẵn những thứ thuốc thông thường, phòng khi cảm cúm bất ưng.
Chúng ta có biết khẩu hiệu của hướng đạo là gì hay không? Tôi xin thưa: - Đó là khẩu hiệu: Sắp sẵn.
Powell, ông tổ của ngành hướng đạo, hồi còn là đại tá chỉ huy những cuộc chiến đấu tại Âu Châu, lần kia đoàn quân của ông có một ngàn mà phải đương đầu với địch quân những chín ngàn. Suốt trong 217 ngày đợi chờ được cứu viện, ông đã dùng chiến thuật nghi binh.
Ở mặt trận, ban ngày thỉnh thoảng ông cho nổ chỗ này chỗ khác mấy trái lựu đạn. Còn ban đêm trong một vùng rộng lớn, ông cho thắp đèn sáng tại nhiều nơi, mục đích là để đánh lừa đối phương, khiến chúng tin rằng ông có nhiều lính và hiện diện ở khắp nơi, chớ có liều lĩnh mà tấn công. Khi viện binh tới, ông mới tấn công đối phương và đã dành được thắng lợi.
Giữa lúc chính phủ nước Anh định nâng ông lên cấp bậc thống tướng thì ông lại rút lui, để rồi lập nên phong trào hướng đạo, huấn luyện các em thiếu nhi trở thành những người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mục đích của hướng đạo là lúc nào cũng phải tỉnh thức và sẵn sàng để đương đầu với mọi hoàn cảnh.
Đối với việc linh hồn của chúng ta cũng vậy. Có nghĩa là chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách khử trừ tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những tính hư tật xấu, đồng thời cố gắng thực hiện những hành động bác ái yêu thương, để bất kỳ lúc nào Chúa viếng thăm chúng ta cũng sẵn sàng thưa lên cùng Chúa:
- Lạy Chúa, này con xin đến.
Nhờ đó, chúng ta sẽ được Ngài đón nhận vào quê hương nước trời.
Để kết luận tôi xin kể lại một mẩu chuyện như sau:
Có một du khách, sau khi đã thăm viếng những danh lam thắng cảnh ở Thụy sĩ. Ông ta dừng chân trước một vườn hoa đẹp bao quanh một tòa lâu đài. Người làm vườn mừng rỡ đón chào. Ông bèn lên tiếng hỏi:
- Cụ ở đây đã bao lâu rồi?
- Thưa hai mươi bốn năm.
- Có lẽ chủ của cụ ít khi tới đây.
- Vâng, tôi chỉ mới gặp ông chủ có bốn lần mà thôi và lần cuối cách đây đã mười hai năm.
- Thế thì ai thưởng thức cảnh đẹp mà cụ phải tốn công chăm sóc kỹ lưỡng như vậy?
- Thưa ông, tôi làm như thể chủ tôi sẽ đến hôm nay, ngay bây giờ và ngoài ra, khi chăm sóc cho thửa vườn thì chính vợ chồng tôi được thưởng thức vẻ đẹp của muôn hoa trước hết.
Nếu như Chúa đến viếng thăm chúng ta ngay lúc này thì liệu chúng ta có tỉnh thức và sẵn sàng hay chưa?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam