Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1371594
HÃY CHIA SẺ NỖI ĐAU ĐAU CỦA NGƯỜI ĐỒNG LOẠI
Hãy sẻ chia nỗi đau của người đồng loại
(Suy niệm của Huệ Minh)
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghe bài hát Hàn Mạc Tử. Bài hát có những câu như thế này:
Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.
Thân tàn này xin để một mình mình đơn côi! Thật tội nghiệp! Tại sao thế? Tại vì Hàn Mạc Tử đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo là bệnh phong hủi. Ai mắc bệnh phong hủi đều phải bị tách riêng ra khỏi cộng đồng bởi lẽ căn bệnh này sẽ lây cho người khác.
Không phải vào thời Hàn Mạc Tử mới có căn bệnh này nhưng từ xưa lắm, từ hồi ông Môsê đã có chứng bệnh này. Và, ta cũng vừa nghe trong sách Lêvi lời Đức Chúa phán với ông Môsê và Aaron rằng: "Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông. Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại".
Những ai vướng vào căn bệnh phong hủi sẽ cảm thấy thật tủi thân vì bị xã hội cách ly, con người cách ly. Thế nhưng, với Thiên Chúa, đặc biệt nơi Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa làm người sinh xuống trần gian này có cách nhìn khác và cách hành xử khác.
Ta thấy thánh Máccô thuật lại cho chúng ta câu chuyện có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu. Khi nhìn thấy Chúa Giêsu anh ta quỳ xuống thưa với Chúa Giêsu rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch".
Nhìn thấy anh, nhìn thấy cách hành xử của anh, nhìn thấy lòng tin của anh và Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Và rồi, sau lời của Chúa Giêsu, mọi người thấy tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch.
Sau khi chữa lành cho anh, Chúa Giêsu nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh".
Chạnh lòng thương những con người bệnh hoạn tật nguyền để rồi Chúa Giêsu đã chữa lành cho họ và đã mời gọi những người đi theo Chúa cũng phải có lòng chạnh thương như Chúa vậy.
Nhiều và nhiều người đã đi theo con đường của Chúa Giêsu đi là đã chia sẻ, đã băng bó những vết thương lòng cho những người đau yếu bệnh tật. Trong nhiều người đi theo con đường mà Chúa Giêsu đi đó, ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đó là Đức cha Jean Cassaigne.
Đức cha Jean Cassaigne (1895 – 1973) là người sáng lập trại phong cùi Di Linh. Ngài đã bỏ quê hương xứ sở để đến sống và phục vụ những người phong cùi suốt 47 năm trời. Rồi chính ngài cũng mắc phải bệnh phong cùi giống như những người mà ngài phục vụ. Mặc dù mắc phải căn bệnh quái ác này nhưng ngài vẫn tin tưởng và cảm tạ Chúa rằng: “Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ”.
Lúc cuối đời trên giường bệnh, Đức cha nói với người nữ tu chăm sóc ngài và một số bệnh nhân thay phiên trực rằng: “Suốt 47 năm dài (1926–1973), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo…”. Đức cha được an táng bên nhà nguyện Trại Phong ngày 5-11-1973.
Đức cha Jean Cassaigne đã tiếp nối sứ mạng yêu thương của Chúa Giêsu. Đức cha không những chạm tay để xoa dịu nỗi đau của anh chị em bất hạnh, mà ngài còn hòa mình vào nỗi đau đó, cùng đau đớn như họ để cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ họ.
Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu đã sống như con người chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài sống như con người để cảm thương thân phận mỏng dòn, yếu đuối bệnh tật của con người. Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã đưa tay ra đụng chạm đến người phong cùi để chữa lành và xoa dịu nỗi khổ đau của họ. Qua đó, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy bắt chước Ngài để đưa tay ra đụng chạm, nâng đỡ những anh chị em đang gặp khổ đau, bất hạnh.
Ngày hôm nay, tuy bệnh phong cùi đã có thuốc chữa và không còn đáng sợ nữa, nhưng vẫn còn nhiều mảnh đời thê thảm không kém gì những người bệnh phong cùi năm xưa, đó là những người già cả neo đơn, những người nghèo đói, bệnh tật, những trẻ em lang thang … Họ đang cần đến đôi tay sẻ chia, nâng đỡ của chúng ta.
Nhìn lại cuộc đời của ta, ta may mắn hơn những anh chị em bị bệnh phong còn lại ở vài trại trên đất nước ta, ta may mắn hơn những người kém may mắn phải vướng vào những chứng bệnh ngặt nghèo. Nhìn lại sự may mắn đó để rồi trong cuộc sống, có khi tiết kiệm ly cà phê, tô bún hay chút gì đó của nhu cầu vật chất để sẻ chia. Thiển nghĩ rằng những chia sẻ của ta cũng chẳng làm gì khá hơn cho cuộc đời kém may măn của anh chị em đồng loại nhưng ít nhiều cũng xoa dịu phần nào nỗi đau của những người đó.
Ngày nào mang nỗi đau tôi mới hiểu nỗi đau là gì?
Ngày nào trong khát khô tôi mới hiểu phận người ăn xin.
Chỉ cần ly nước thôi, chỉ cần bát cơm rơi bàn tay ai đó đón đưa.
Ngày hôm nay, ta đang sống giữa một xã hội mà tăng dần sự vô cảm và đánh mất tình đồng loại. Nhiều người vẫn cứ mãi khư khư của cải vật chất trong lòng mình. Dĩ nhiên là quyền họ làm họ được hưởng nhưng xin họ mở lòng ra để chia sẻ chút gì đó cho những mảnh đời kém may mắn xung quanh họ.
Và, trước nhất ta hãy cầu cho chính bản thân ta để ta biết sẻ chia cho những người cần một chút lòng thành của ta, ngay bên cạnh ta, ngay trong gia đình ta.
2. Suy niệm của Huệ Minh
NIỀM VUI CỦA CHÀNG PHONG CÙI – NIỀM VUI CỦA CHÚNG TA
Tin mừng Mc 1: 40-45: Khi nào niềm tin của chúng ta đủ mạnh thì khi ấy Chúa có thể đến, và ở lại với chúng ta và chữa lành cho chúng ta. Còn khi niềm tin của chúng ta nó cứ hời hợt thì Chúa làm sao có thể đến với chúng ta...
Kính thưa Cộng Đoàn,
Chúng ta vừa nghe trang Tin Mừng theo Thánh Máccô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa cho người phong.
Anh ta làm điều mà Chúa Giêsu không vui, bởi vì chữa cho anh thì Chúa Giêsu dặn anh ta: Đừng có đi nói với ai hết. Anh không làm theo lời Chúa Giêsu dặn. Và rồi anh ta vừa được chữa lành xong, anh ta đi loan báo cho mọi người cái niềm vui mà anh được chữa lành đó.
Và tại sao anh lại vi phạm cái lời của Chúa? Xin thưa: vì anh cảm thấy sướng quá! Bởi vì bao nhiêu năm trời anh ta bị giam trong nỗi cô đơn của đau đớn, của bệnh tật của sự miệt thị của biết bao nhiêu con người.
Trong khi đó, Chúa đã chạm và chữa cho anh sạch sẽ bệnh. Từ cái chạm của Chúa Giêsu, tất cả mọi khổ đau thể xác và tinh thần của anh đã biến mất. Phải nói rằng đó là một niềm vui quá lớn, không thể che giấu được nên anh chia sẻ niềm vui đó cho người khác, thì khi ấy niềm vui đó của anh mới được trọn vẹn. Và Chúng ta thấy, đó là niềm vui của cuộc đời.
Thi thoảng, chúng ta thấy giáo xứ này giáo xứ kia, chỗ này chỗ kia, cử hành gọi là năm thánh. Khai mạc năm thánh để mừng kỷ niệm thành lập giáo xứ chẳng hạn.
Năm thánh đó, thì chúng ta thấy đó là năm của niềm vui. Mời gọi mỗi người sống trong cái niềm vui của năm thánh, niềm vui từ Thiên Chúa trao ban cho con người.
Trong Thánh Kinh thì nếu mà trở về với những cái biến cố mà chúng ta thấy trong Cựu Ước có, đó là năm thánh.
Năm THÁNH là cái chữ mà gói gọn «vui lên». Vui lên bởi vì năm thánh là năm của ơn toàn xá, là năm của niềm vui .
Và trong năm đó thì chúng ta thấy: Người nào nghèo mà đi bán đất cho người khác thì được trở về với cái miếng đất ngày xưa của mình, và những người đi làm nô lệ thì được giải thoát và được trả tự do. Và trong năm Thánh người nào mà bị mắc nợ thì được xóa sạch.
Thì rõ ràng chúng ta thấy rằng là năm thánh là năm của niềm vui lắm!
Và rồi, nhiều khi trong cuộc đời của chúng ta, giáo xứ của chúng ta, họ đạo của chúng ta, mừng năm thánh; chúng ta không có cảm thấy cái niềm vui, bởi vì cuộc sống của chúng ta vẫn còn đó những khó khăn. Mình nợ ngân hàng thì mình vẫn phải trả cho ngân hàng. Mình nợ người này người kia, mình phải trả lại cho người này người kia.
Và rồi, để làm sao mình có cái cảm nghiệm được cái niềm vui, niềm vui trong Chúa, niềm vui có Chúa, niềm vui cùng Chúa?
Thì chúng ta trở về với cái anh chàng phong cùi trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta thấy, tại sao anh ta vui ? Vui, bởi vì anh ta quá đau khổ ! Trong chớp mắt thôi! anh ta có kinh nghiệm về sự giải thoát của Chúa Giêsu cho anh ta khỏi bệnh tật. Thật sự ra mà nói thì , chúng ta chưa có cái cảm nghiệm được cái niềm vui của Thiên Chúa dành cho mình. Chúng ta chưa có kinh nghiệm được giải thoát!
Và rồi, chúng ta cũng cảm thấy ngạc nhiên là tại sao mà Chúa lại dặn anh ta đừng có đi nói cho người khác về việc Chúa làm cho anh ta. Bởi vì đó là bí mật Đấng Messia, Chúa Giêsu không muốn anh ta đi loan báo cho mọi người rằng là: Chúa đã chữa lành cho anh ta. Bởi vì Chúa Giêsu sợ nếu mà anh ta đi loan báo việc Ngài đến chữa lành cho anh ta. Thì không khéo người ta nhìn Chúa Giêsu như một thầy lang, như là một người bác sĩ có tài chữa lành bệnh tật thôi!
Nhưng mà, sứ mạng của Chúa Giêsu thì không phải là như thế! Cái sứ mạng mà chúng ta thấy đâu đó! Chúa Giêsu chữa lành trong kinh thánh đó chỉ là mang dấu chỉ để mời người ta nhìn đến một cái ơn giải thoát sâu xa hơn. Ơn giải thoát đó, chúng ta phải nhìn vào thực tế và trong hoàn cảnh của người Phong cùi chúng ta sẽ thấy rõ.
Ở bài đọc thứ nhất, mô tả về người Phong cùi thời đó, cũng như bây giờ. Người nào mà bị phong cùi thì bị ở riêng một nơi .
Người nào bị phong cùi thì đầu tóc để rối, đi đâu cũng la lên rằng là "cùi đây, cùi đây"! để người ta biết mà tránh. Nếu mà không tránh thì bị lây.
Và chúng ta thấy, sống trong hoàn cảnh như thế thì người phong cùi không chỉ đau về nỗi đau thể xác mà còn là mang một cái nỗi đau tâm lý. Một cái nỗi đau của con người sống bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội nữa.
Và đặc biệt với xã hội người Do Thái là xã hội tôn giáo thì người ta lại quan niệm rằng: những người bị phạm tội là Chúa phạt như thế!
Đã nghèo, đã bệnh tật mà còn mang trong mình cái mặt cảm bị Thiên Chúa trừng phạt..Và đau đớn nhất là, không được vào trong Hội đường để mà thờ phượng Chúa nữa, đau khổ lắm!
Và rồi chúng ta thấy, sau khi được chữa lành, thì anh ta trở về với cộng đoàn và bệnh phong coi như là bị loại trừ khỏi anh. Anh ta cảm thấy cô đơn, đau khổ lắm nhưng mà rồi được trở về hòa nhập lại với cộng đoàn. Đó là một niềm vui!
Và chúng ta phải ở trong cái trạng thái của anh ta, khi mà mình được giải thoát khỏi nỗi cô đơn và mình được hội nhập cộng đoàn, với mọi người thì lúc đó mình mới cảm thấy niềm vui.
Ngày hôm nay, chúng ta thấy, chúng ta đang sống giữa một cái xã hội mà truyền thông phát triển: điện thoại, internet. Và chúng ta thấy: tưởng chừng con người đến với nhau nhiều hơn, nhưng mà thật sự ra con người cô đơn.
Nhiều lần, nhiều lúc đi ra quán cà phê chúng ta thấy: cả gia đình ngồi với nhau đó, nhưng mà mỗi người một cái điện thoại, mỗi người một cái iPhone, mỗi người một cái iPad để rồi không ai nhìn đến ai cả, và ai cũng làm việc riêng của mình, dẫu rằng người ta ngồi chung với nhau.
Chúng ta thấy, chính trong cái sự phát triển đó! mà con người không còn hiệp thông với nhau. Và đặc biệt chính vì cái sự hiệp thông đó của con người bị cắt đứt, thì con người cũng bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, người ta đến với Chúa: ầu ơ ví dầu, trong các thánh lễ, đến cho xong, đến cho hết rồi đi về. Không còn một cái tương quan nào với Thiên Chúa nữa.
Và rồi tất cả những điều đó đã làm nên cái tội lỗi nơi con người. Con người không còn tin nhận Thiên Chúa nữa.
Chính trong cái đam mê tội lỗi của mình, đam mê đã giam hãm con người ta, cắt đứt khỏi tương quan với Thiên Chúa và con người, và người ta loại trừ THIÊN Chúa ra khỏi người ta.
Đức Piô thứ 12 bảo: Tội con người ngày hôm nay đó là gì? Là tội mà con người đánh mất về cảm thức về tội lỗi.
Thì rõ ràng rằng là, ngày hôm nay giữa một cái xã hội mà chúng ta thấy, lương tâm người ta không còn bị cắn rứt nữa bởi tội lỗi, và người ta không cần đến Thiên Chúa nữa. Người ta sống trong một cái xã hội vô thần một cái quan niệm vô thần người ta không cần THIÊN CHÚA nữa!
Thì khi đó người ta đâu có cần đến để mà cầu xin Chúa chữa lành, như cái anh chàng phong cùi ngày hôm nay. Khi nào, người ta cảm thấy mình bị tội lỗi, mình bị cô đơn, mình bị đau khổ, thì lúc đó mình mới cần được giải thoát như anh chàng phong cùi.
Và chúng ta thấy anh chàng phong cùi ngày hôm nay, rất là dễ thương! Anh ta quỳ gối xuống và tha thiết xin: Lạy thầy, nếu thầy muốn thì xin cho con được khỏi bệnh. Nếu thầy muốn, nghĩa là thầy làm được ! Thầy muốn thì con sạch thôi! Và anh ta diễn tả niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu.
Và đôi khi chúng ta thấy, chúng ta có niềm tin đấy! Nhưng mà niềm tin ấy chưa đủ mạnh, bởi vì chúng ta vẫn chạy theo tà thần. Chúng ta vẫn chạy theo thần này thần kia, để chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời và chúng ta không còn cảm thấy ơn CHÚA cứu độ là cái ơn cần cho cuộc đời của chúng ta nữa.
Và khuôn mặt của người phong cùi ngày hôm nay, chính là khuôn mặt của mỗi người chúng ta. Liệu rằng chúng ta có khám phá ra trong cái khuôn mặt của anh cùi là khuôn mặt của mỗi người chúng ta hay không? Khi chúng ta mang trong mình tội lỗi, yếu đuối, nhưng mà điều quan trọng rằng chúng ta có chạy đến với Chúa hay không?
Cuộc đời này chúng ta vẫn chạy theo những niềm vui. Niềm vui bên ngoài, rồi cuối cùng cũng được lấp đầy, nhưng mà rồi cuối cùng cũng thiếu thốn.
Và chúng ta cứ loay hoay mãi trong cái niềm vui của trần gian, chứ không phải là cái niềm vui mà Thiên Chúa ban tặng.
Niềm vui mà Thiên Chúa ban tặng là niềm vui sâu xa trong tâm hồn. Niềm vui đó chúng ta cần phải đi khám phá trong tĩnh lặng, trong gắn bó mật thiết với Chúa và đặc biệt trong niềm tin với Chúa. Như anh chàng phong cùi ngày hôm nay. Anh ta đã đủ mạnh niềm tin để anh ta quỳ xuống và Xin Chúa chữa lành.
Liệu rằng: chúng ta có can đảm, để chúng ta quỳ xuống với Chúa, xin Chúa chữa lành cho chúng ta như anh ta hay không?
Khi nào niềm tin của chúng ta đủ mạnh thì khi ấy Chúa có thể đến, và ở lại với chúng ta và chữa lành cho chúng ta. Còn khi niềm tin của chúng ta nó cứ hời hợt thì Chúa làm sao có thể đến với chúng ta. Nay chúng ta chạy đến chỗ này, mai chúng ta chạy đến chỗ kia! để chúng ta tìm được cái niềm vui, tìm được cái sự giải thoát. Nhưng mà thật sự ra, tất cả những cái đó chỉ là bên ngoài chỉ là niềm vui của tạm bợ không phải là niềm vui đến từ Chúa.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để chúng ta bắt chước như anh chàng phong cùi của ngày hôm nay:
Để xin Chúa chữa lành cho chúng ta.
Để chúng ta thoát khỏi những bệnh tật của thể xác, của tâm hồn.
Để chúng ta đến gần Chúa hơn, và chúng ta sống mật thiết với Chúa hơn như anh cùi ngày hôm nay. Amen.
3. Bệnh tật là thông phần đau khổ với Chúa
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Bệnh là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời, đã mang thân người là có bệnh. Cho nên, ông bà ta nói: “sinh lão bệnh tử là qui luật của con người". Mỗi chúng ta có thể trải qua một hay nhiều lần bệnh, không lúc này thì khi khác, không nặng thì nhẹ. Do đó, bệnh là một hiện tượng rất gần gũi với con người trực tiếp hoặc gián tiếp dù người đó giàu, nghèo, chức quyền hay dân thường, Giáo sĩ hay giáo dân. Người đời khi nói đến bệnh, là người ta nghĩ đến sự đau đớn, khổ sở, khó chịu, buồn bã, âu lo, sợ hãi, tủi hổ, xấu xa. Bệnh dĩ nhiên phải đau, điều này không ai phủ nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau (về thân), chúng ta đừng có khổ (về tâm). Chúng ta nói rằng bệnh làm sao mà không buồn không khổ? Tôi đã từng thắc mắc như nhưng sau khi bệnh, tôi nghiệm ra rằng lúc mình bệnh là cơ hội để nhận biết tín hiệu cơ thể mình yếu lắm, vì Lời Chúa nói: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi. Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong. Chốn xưa mình ở cũng không biết mình!” (TV 103,15-16). Vì vậy, bệnh là dấu hiệu cho chúng ta biết rằng chúng ta cần điều chỉnh cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn về tinh thần cũng như thể xác. Vì chưng, Chúa nói: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" (Lc 12,5). Cho nên, khi bệnh, chúng ta thấy nhu cầu cho đời sống tâm linh trở nên cần thiết hơn vì chưng có Chúa, ta nào sợ chi, có Chúa làm cho ta hoan lạc và bình an.
Qủa thế, Thánh Kinh kể Ông Gióp, là một người hiền đức nhưng gặp căn bệnh quái ác, bà con ai cũng bỏ ông chạy xa đến nỗi ông kêu than rằng: “Xin Chúa nhớ cho: đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ” (G 7,7). Tuy thế, ông tuyệt đối không bao giờ coi bệnh tật như là dấu chỉ hình phạt của tội lỗi. Bản thân ông Gióp không tài nào hiểu được: Tại sao người hiền đức lại phải bệnh hoạn? Đối với ông, bệnh tật thật là một huyền nhiệm khôn dò. Tốt hơn hết là tin chắc vào Chúa, hướng về Ngài và xin Ngài ban ơn cho ông làm cho ông phải thốt lên rằng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10). Cho nên, Đức Giêsu đến trần gian không thuyết giảng về đau khổ bệnh tật nhưng Ngài quan tâm, lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa lành kẻ ốm đau, tật nguyền, hoặc bị quỷ ám. Cụ thể, hôm nay Tin Mừng kể: “Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!”
Người đời coi đau khổ là một cái gì đó xấu và tội chẳng ai muốn đón nhận. Còn với Đức Giêsu, cần phải chấp nhận đau khổ bệnh tật để chiến đấu và chiến thắng. Cho nên Đức Giêsu đến trong trần gian không phải để xóa đi mọi đau khổ bệnh tật nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người đau khổ một niềm vui giải thoát. Ngài đã giải thoát họ khỏi những chán chường thất vọng và đưa họ vào lại trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa cũng như với mọi người trong xã hội. Vì vậy, Chúa Giêsu hơn Thầy Thuốc, Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh của cả nhân loại ở điểm này: Ngài đã không những chữa lành những nỗi đau nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động trong đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào trong vinh quang và sự sống; nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện của một tình yêu, chính là bình an của Chúa. Vì vậy, mối bận tâm sâu xa của Đức Giêsu ở trần gian là: rao giảng Tin Mừng và mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Vì vậy, Thánh Phaolô trong bài đọc hai dạy rằng trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.
Qủa thế, Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho loài người bằng những thái độ cụ thể, rõ ràng: Ngài ra tay cứu chữa những ai đau ốm bệnh tật, cho họ được lành mạnh, thuyên giảm, hầu làm chứng một cách thỏa đáng và tin rằng quả thật Thiên Chúa yêu thương người ta, Ngài dùng con người cứu chữa con người, để ốm đau không thành đau khổ, để tật nguyền vẫn bình an. Cho nên, Đức Giaó Hoàng Phanxicô nói rằng: “Hoạt động cứu độ của Đức Ki-tô không chỉ diễn ra cùng với con người và cuộc sống tại thế của Ngài nhưng vẫn còn tiếp diễn thông qua Giáo Hội, bí tích của tình yêu và sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho con người. Sai phái những môn đệ của mình trong các sứ mạng, Đức Giêsu ban cho họ một sự ủy thác kép: loan báo Tin Mừng cứu độ và chữa lành những bệnh tật (Mt 10, 7-8). Cho nên, Giáo Hội đã luôn dành sự quan tâm hỗ trợ hết mình đối với những ai bệnh tật trong sứ mạng của mình. Những người nghèo khó và những người đau khổ lúc nào cũng ở bên cạnh các ngươi (Mt 26,11), và Giáo Hội tiếp tục tìm kiếm họ trên các ngả đường, quan tâm đến những ai yếu đau như một phương thế đặc quyền để gặp gỡ Đức Ki-tô, để đón nhận Ngài và phục vụ Ngài. Quan tâm đến một người yếu đau, đón nhận người đó, phục vụ người đó là phục vụ Đức Ki-tô vì chưng người yếu đau là thịt của Đức Ki-tô”(Bài giảng trong Giờ kinh truyền tin 08-2-2015).
Noi gương Chúa Giêsu hôm nay, mỗi người chúng ta hãy biết nhìn anh chị em bệnh tật ốm đau như Chúa Giêsu đau khổ vậy. Một khi nhìn nhận như thế, chúng ta trở nên anh chị em của họ, không trừ một ai, và sẵn sàng để phục vụ trong tình yêu thương. Chúng ta hãy nhớ rằng trong mọi người sự có mặt của Chúa Kitô. Mọi người đều là anh em mà chúng ta phải yêu mến một cách thật tình. Vậy, giờ đây, chúng ta đang dự tiệc Thánh Thể, tiệc Tình thương. Lát nữa đây, chúng ta đưa tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương của Chúa. Bàn tay đón nhận Bánh Thánh cũng là bàn tay bác ái yêu thương sẻ chia góp phần cứu độ trần gian qua việc thăm viếng, ủi an và sẻ chia tinh thần cũng như vậy chất cho người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật vì người yếu đau là thịt của Đức Ki-tô. Amen.
4. Vị lương y
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chữa lành bện phong cùi cũng như đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền khác nữa. Tuy nhiên, ngài còn là một vị bác sĩ thiêng liêng, chữa lành những đau yếu phần hồn của chúng ta.
Thật vậy, trước hết ngài chữa lành những vết thương trong tâm hồn bằng những lời giảng dạy đầy khôn ngoan. Đúng thế, Tin Mừng sẽ làm cho con người được hạnh phúc, được khoẻ mạnh và được tự do. Nếu như tất cả chúng ta đều tuân giữ những điều chì dạy của vị lương y thần linh này, thì thế giới đã thoát khỏi biết bao nhiêu tai hoạ khủng khiếp. Chúng ta chỉ cần nhắc lại một vài nét đại cương, chẳng hạn với bài giảng trên núi, Chúa bảo: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, yêu chuộng hoà bình, phúc cho ai dịu hiền và khổ đau. Rồi Ngài còn xác định rõ ràng: Hãy yêu thương kẻ thù địch. Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Bằng đó cũng đã đủ để chúng ta thấy được con đường giải thoát bản thân chúng ta cũng như toàn thể thế giới.
Tiếp đến Ngài chữa lành những vết thương trong tâm hồn chúng ta bằng những phương tiện hữu hiệu, đó là các bí tích. Nhất là với bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Thực vậy, nhờ hai bí tích này mà Chúa Giêsu chữa lành những tâm hồn tội lỗi, an ủi, bổ dưỡng và đem lại sự bình an mà thế gian không thể trao ban. Một ông bác sĩ đã viết: Ngoài bí tích Giải Tội và Thánh Thể, chúng ta sẽ không thể tìm thấy một phương tiện nào khác, khả dĩ đem lại sự nâng đỡ, sức mạnh và bình an cho tâm hồn, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ bổ sức cho các ngươi. Hay như một mục sư Tin Lành cũng đã nói: Việc xưng tội riêng là điều cần thiết để tâm hồn được khoẻ mạnh và bình an, cũng như làm cho thần kinh giảm bớt đi được sự căng thẳng.
Sau cùng, Chúa Giêsu chữa lành những vết thương trong tâm hồn bằng sự hiện diện đầy tình thương xót của Ngài. Thực vậy, là vị lương y, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta trong những giờ phút đau khổ, Ngài lắng nghe những lời chúng ta kêu cầu ngày cũng như đêm. Nhất là trong nhà thờ với bí tích Thánh Thể như lời Ngài đã phán: Này Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Chúng ta hãy nhớ lại quang cảnh người phong cùi tìm đến gặp Chúa và nói: Lạy Thầy, xin thương xót đến tôi cùng. Nếu những người bệnh biết tìm đến bác sĩ, thì sự đau yếu của họ sẽ được chữa trị, nếu chúng ta biết tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ được an ủi và khích lệ trước những khổ đau gặp phải. Bởi đó hãy chạy đến với Chúa và hãy kêu xin Chúa: Lạy Chúa xin thương xót con. Và lúc bấy giờ tâm hồn chúng ta sẽ ngập tràn niềm vui mừng và hy vọng, như lời Chúa đã bảo: Không phải những người khoẻ mạnh mà là những kẻ đau yếu mới cần đến thầy thuốc.
5. Chứng phong hủi biến khỏi anh
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Chúng ta nghe kể lại phép lạ Chúa Giêsu chữa một người cùi, xem như một phép lạ riêng cho một bệnh nhân mắc một thứ bệnh mà thời đó người ta xem như bệnh ô uế. Ô uế ở đây phải hiểu là cả thân xác và cả tâm hồn. Theo luật Môsê, ai mắc bệnh ngoài da lan tỏa khắp người, thì không được ở trong cộng đoàn, phải tìm một chỗ riêng biệt để khỏi lây cho người khác, và người khác cũng không bị nhiễm lây sự ô uế đó. Ai chạm vào người bệnh sẽ bị ô uế.
Trình thuật của Maccô không nói rõ phép lạ này xảy ra ở đâu, chỉ nói là ở cửa một thành phố. Người bệnh không được phép vào thành phố hay nơi có đông người. Thái độ của anh cùi là một sự liều lĩnh. Anh đến với Chúa Giêsu. Anh có thể bị đuổi và có thể bị ném đá vì người ta rất sợ bệnh này. Bệnh nhân phải đứng xa và la lên: “Ô uế, ô uế!” Anh này ngược lại đã đến với Chúa, quỳ gối xuống, van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Thái độ và lời khẩn xin của anh cùi cho chúng ta thấy lòng tin vững mạnh của anh. Anh không sợ bị xua đuổi. “Nếu Ngài muốn”. Anh tin tuyệt đối vào quyền năng của Ngài. Anh quỳ gối xuống, một cử chỉ vừa khiêm tốn vừa tha thiết. Thánh Maccô cho thấy thái độ nhân từ của Chúa Giêsu. Ngài đáp lại bằng một cử chỉ hết sức yêu thương. Ngài chạnh lòng thương, giơ tay động đến anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Chúa Giêsu cũng liều khi giơ tay chạm đến anh cùi. Ngài không sợ bị ô uế. Thay vì chỉ cần nói một lời, Ngài chạm đến anh. Một cử chỉ đầy tình thương. Ngài muốn cho anh thấy rằng Ngài thông cảm sâu xa hoàn cảnh khốn khổ của anh. Ngài chấp nhận bị liên lụy với anh trong sự khốn khổ của anh. Nhập thể là như thế. Ngài chấp nhận thân phận con người như chúng ta. Ngài không đứng ở xa, Ngài đến gần, thật gần để chia sẻ nỗi thống khổ của con người, của chúng ta. Chúng ta có nhìn thấy được tình thương của Ngài không? Chúng ta có tin không? Chúng ta có đến với Ngài để được chữa lành không?
Theo lời cầu xin của anh cùi, Chúa nói rõ: “Tôi muốn, anh hãy lành sạch”. Bệnh cùi biến ngay. Một lời nói vừa uy nghi và vừa hữu hiệu! Ngài chứng tỏ Ngài là một Đấng có uy quyền, là Đấng Thiên Sai. Chữa lành bệnh nhân có thể xem như một sự giải thoát. Mục tiêu của Ngài, quyền năng của Ngài chính là cứu vớt con người khỏi bệnh tật phần xác và cả những đau khổ phần hồn.
Chữa lành bệnh tật cũng là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đang bị đè nặng dưới đau khổ và tội lỗi. Chúng ta có cảm thấy mình là thân phận nhơ hèn tội lỗi không? Chúng ta thân phận cùi đày khốn khổ, chúng ta có cảm thấy cần một lời tha thứ hay chữa lành không? Thường chúng ta không tin vì chúng ta không biết mình bị phong cùi. Tâm hồn chúng ta có gì là tốt đẹp? Chúng ta có cảm thấy cần được lành sạch không? Hay chúng ta vẫn tự mãn như tên Pharisêu kia, cảm thấy mình thánh thiện và khinh chê những người khác? Hay chúng ta thích ở lì trong sự nhơ hèn của chúng ta? Hay chúng ta cảm thấy mình đủ thánh thiện rồi, không cần phải thanh tẩy?
Cha De Mello nói: “Những người tội nhân khét tiếng nhất là những người không biết mình phạm tội”.
Hãy thành thật và khiêm tốn nhìn lại tâm hồn mình, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta thật khốn cùng, đầy những vết nhơ tật xấu. Chúng ta chưa thánh thiện đâu. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn không ngại nói rằng mình là người tội lỗi.
Thế giới hôm nay đang cần những người thánh, nhưng được mấy người? Nhiều người Công giáo đã mất đi tâm thức về tội lỗi, phạm tội mà vẫn thấy mình công chính. Đây chính là tai nạn kinh khủng nhất mà không ai hay. Trong một giáo xứ, một vài người thù oán cha sở, tìm hết mọi cách để hạ nhục và hãm hại cha sở của mình suốt hơn hai mươi năm, vẫn rước lễ mỗi ngày. Một giáo dân khác, mười năm không đi xưng tội vẫn rước Chúa mỗi tuần. Như thế là thế nào? Họ đã mất đi ý thức về tội. Họ giữ đạo như một thủ tục, như một thói quen. Ngược lại, thánh Gioan-Maria Vianney, Cha sở họ Ars, vẫn luôn cảm thấy mình quá tội lỗi không xứng đáng làm cha sở. Ngài đã tìm cách bỏ trốn họ đạo hai lần, nhưng không thành công. Ai là người thánh thiện? Trong quyển sách “Người hành hương nước Nga”, anh ấy chỉ có một lời nguyện trên môi suốt năm này đến năm khác: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là người tội lỗi”. Chúng ta có cảm thấy như thế không? Tinh thần thống hối là con đường đưa vào sự sống. Muốn được sống, chúng ta hãy làm như anh cùi kia: nhìn nhận sự khốn cùng của mình, tìm đến Chúa, quỳ gối xuống nài xin, tin tưởng: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho con được sạch”.
Chúa Giêsu không xa lắm đâu. Ngài ở nơi tòa giải tội. Ngài trông chờ chúng ta đến để chữa chúng ta lành sạch. Ngài không mõi mệt tha thứ. Chúng ta có muốn đến với Ngài thường xuyên để tâm hồn chúng ta được lành sạch và tươi sáng không?
Và phương thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa lành tâm hồn chúng ta chính là Mình Thánh Chúa. Đó là phương thuốc của tình yêu. Hãy ăn lấy tấm Bánh Tình Yêu để tình yêu của Ngài thấm nhập vào da thịt và tâm hồn phong cùi chúng ta, mang lại sức sống dồi dào và giúp chúng ta hòa nhập vào đoàn dân thánh, cao rao những kỳ công và tình yêu của Chúa. Giờ đây, Chúa không cấm chúng ta rao truyền quyền năng Chúa như đã cấm anh cùi. Giờ đây chúng ta có thể lớn tiếng ca ngợi lòng thương xót của Chúa cho mọi người. Hãy đi ra, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói. Hãy rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người, như anh cùi kia, vì Chúa đang đến, vì “tình yêu của Chúa bền vững muôn đời”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam