Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1371521

HÃY ĐEM ĐẾN CHO XÃ HỘI CHÚT TÌNH THƯƠNG

Hãy đem đến cho xã hội chút tình người

(Suy niệm của Lm Nguyễn Hữu Thy)

Một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người, đó là tính hợp quần, tính đoàn thể: Bất cứ con người nào cũng đều mang trong mình nhu cầu muốn được giao lưu với người khác, muốn được thuộc về một gia đình, muốn được thuộc về một đoàn thể hay một cộng đồng.

Vì thế, sự đau khổ lớn nhất của một bệnh nhân phong cùi không chỉ là bệnh tật đang ngày đêm gặm mòn cơ thể anh, nhưng trước hết là sự ghê tởm và xa tránh của đồng loại, là sự bị cô lập khỏi xã hội loài người. Anh không còn được sống trong gia đình, không còn được tiếp xúc với người khõe mạnh hay không còn được sống chung trong làng xóm với người khác, nhưng phải sống ở một nơi biệt lập hẳn với người khác, ở trong những túp lều hay trong những hang động xa xôi hẻo lánh. Vì sợ lây bệnh, nên không một ai dám bắt tay hay động vào người anh. Đó thật là một bản án vô cùng nặng nề, là cả một cực hình khủng khiếp nhất mà con người phải gánh chịu. Vì thế, trong một cuốn tiểu thuyết nổi danh tựa đề là “La Peste“ - Bệnh Dịch, Albert Camus đã trình bày rất ấn tượng về tình trạng của người bị mắc bệnh dịch: phải sống ra sao, bị đối xử như thế nào, v.v... Nhất là ông đã làm cho người đọc hiểu được sự tác động của bệnh dịch trên tâm trạng và trên cả cuộc sống người bệnh trầm trọng như thế nào!

Ngày nay bệnh phonh cùi hay bệnh hủi không còn mang tính cách nghiêm trọng nữa, vì nó có thể chữa lành. Một thứ bệnh khủng khiếp từng tiêu hủy bao nhiêu triệu nhân mạng trong hằng thế kỷ qua đã hoàn toàn bị chận đứng. Đó thật là một niềm vui quá to lớn, là một ơn lành vô cùng trọng đại cho toàn thể nhân loại. Con người có thể thở phào nhẹ nhõm và sống tin tưởng lạc quan hơn.

Thế nhưng ngày nay, một loại vi khuẩn của bệnh “phong cùi “kiểu mới đã tái xuất hiện dưới những dạng thức và danh xưng hoàn toàn khác hẳn, đang tác hại trên nhân loại và đã biến bao nhiêu người thành “người hủi thời đại“. Dĩ nhiên, ở đây tôi không muốn chỉ đề cập tới những bệnh nhân bị nhiễm vi trùng Xi-đa, HIV hay những người nghiện xì ke ma túy, nhưng cả những người bị tàn tật đang phải sống nhờ vào sự bố thí của xã hội, những người vô gia cư đang lang thang đầu đường xó chợ hay những tội phạm và thân nhân của họ, v.v....

Có lẽ con người trong bất cứ thời đại hay trong bất cứ xã hội nào cũng phải mang ơn những người bệnh phong cùi, những người đang bị đẩy ra ngoài lề xã hội, bởi vì nhờ họ bệnh mà chúng ta mới biết được rằng mình còn có quá nhiều may mắn và hạnh phúc là không bị nhiễm những thứ vi trùng của những căn bệnh độc hãi đó. Và cũng nhờ vậy mà chưa bị xã hội cô lập, tẩy chay, chưa bị đẩy ra ngoài lệ xã hội.

Tuy nhiên, ai tự quá đề cao mình, cho mình là quan trọng, là “cái rốn “ của vũ trụ, người đó đương nhiên coi kẻ khác là đối thủ nguy hiểm của mình và không thể chấp nhận cùng cho đứng trên một chiến tuyến với mình đươc, nhưng tìm cách gạt bỏ ra ngoài lề xã hội. Vâng, theo tâm lý, khi thấy có ai đó có lối sống khác với chúng ta, tư duy khác với chúng ta, có tư tuởng chính trị khác với chúng ta hay giao lưu với những người chúng ta không quen biết,nhất là với những người chúng ta không ưa, v.v... tự nhiên chúng ta cảm thấy anh ta là người xa lạ, cảm thấy mình đang bị đe dọa và rôi tìm cách xa lánh, cô lập anh ta và tìm cách đẩy anh ta ra ngoài lề: Loại người này không thể chấp nhận được, y không thuộc về quỉ đạo của chúng tôi. Tiếp đế, vì không ưa nên đổ thừa cho bỏ ghét, cốt tìm cách loại trừ cho bằng được loại đối tượng mà chúng ta không ưa như thế!

Trong khi đó, Đức Kitô, Đấng mà chúng ta được mang trên mình tên gọi của Người - Kitô hữu - lại có quan điểm và cách cư xử hoàn toàn khác hẳn. Đối với Người, trước hết tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa dựng nên, được Thiên Chúa vô cùng yêu thương và đã được Người kêu mời hưởng ơn cứu rỗi. Đức Giêsu không chỉ dạy cho con người biết rằng họ đều là anh chị em với nhau, bởi vì họ có một Cha chung trên Trời, nhưng chính Người đã sống như thế. Sự cố Đức Giêsu chữa lành người bệnh cùi được tường thuật lại trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay là một ví dụ điển hình về thái độ và cách xử sự đầy nhân bản của Đức Giêsu.

Trước hết, một cuộc sống như người bị bệnh phong này đang sống, kể như là không còn sống nữa, sống mà cũng như đã chết. Đó là cái chết về mặt tinh thần, cái chết “xã hội, trước khi chết thực sự về mặt y khoa. Do đó Đức Giêsu đã thương cho số phận của anh ta nên đã giơ tay ra và nói với người bệnh đáng thương đang đứng trước mặt mình: “Tôi muốn cho anh nên sạch và khỏi bệnh!” Vâng, tình thương của Đức Giêsu đối với loài người chúng ta không chỉ bằng lời nói suông, không chỉ bằng tâm tình thông cảm và an ủi lý thuyết, nhưng bằng chính việc làm cụ thể, bằng sự dấn thân trọn vẹn.

Bởi vậy, chúng ta cần phải thành thực tự hỏi lòng mình:

- Làm thế nào để những người mắc phải những thứ bệnh khủng khiếp như phong hủi hay Xi-đa - xưa kia cũng như ngày nay - có thể tin tưởng được rằng họ vẫn được chấp nhận, khi chính họ lại không cảm nghiệm được điều đó trong đời sống hằng ngày?

- Làm thế nào để cho vợ con và thân nhân của của những người phạm pháp còn tin tưởng vào sự thiện hảo và lòng tốt của đồng loại được, khi họ đang bị người láng giềng lối xóm nghi kỵ, tránh né và cô lập?

- Làm thế nào để những người vợ/chồng ly dị nhau và nay lại lập gia đình với người khác, còn tin tưởng vào lòng thương xót và khoan dung vô bờ của Thiên Chúa, khi họ bị chính nghững người Kitô hữu khác đối xử một cách bất khoan dung với họ, xua đuổi họ, nhất là tẩy chay không cho họ được lãnh nhận các Phép Bí Tích?

- Làm thế nào để một người luôn bị thất bại trong cuộc đời, luôn chỉ gặp đau khổ và cảm thấy mình bỏ rơi, còn có thể sống lạc quan và tin tưởng vào hạnh phúc được, khi không có lấy một người còn biết thông cảm và chia sẻ số phận hẩm hiu của anh ta, cùng đồng hành và động viên anh ta, giơ tay mắn chặt tay anh ta và thăm hỏi thân tình?

Chắc chắn rằng xã hội chúng ta, Giáo Hội chúng ta cũng như mỗi người Kitô hữu chúng ta sẽ không bị mất mát hay thiệt hại gì cả, nếu chúng ta biết gạt bỏ những định kiến và cố gắng đem đến cho cuộc sống xã hội thêm chút tình người, thêm chút tình nhân bản nữa, một chút nữa thôi! Nếu được như thế, bài Tin Mừng về biến cố Đức Giêsu chữa lành người phong cùi trong Chúa Nhật hôm nay khi được đọc trong tất cả các nhà thờ trên toàn thế giới sẽ không trở thành uổng công vô ích! Nếu được như thế, phép lạ Đức Giêsu đã làm để chữa lành bệnh xưa sẽ còn được tái diễn mãi, ít là được “lành bệnh“ về mặt tinh thần, và giải cứu “người bị bệnh phong“ ra khỏi chốn ngục tù sự chết và đem anh ta trở lại cuộc sống mới trong tin tưởng và an hòa.

 

27. Tôi muốn anh được sạch

(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Từ câu 1:39, Marcô ghi nhận là Chúa Giêsu đã bắt đầu mở rộng hoạt động khắp miền Galilê. Tiếp theo là câu chuyện chữa lành người phong hủi. Và trong câu kết (1:45), Marcô cho thấy dân chúng ở Galilê cũng bị thu hút mạnh mẽ bởi Chúa Giêsu. Họ đến với Người từ mọi vùng, như dân chúng ở Capharnaum đã làm (1:35-37). Câu chuyện chữa lành người phung hủi được thuật lại riêng, không chung với các bệnh nhân khác. Hầu hết các bệnh nhân đều được mang đến cho Chúa Giêsu để được chữa lành (1:32-34), chỉ có bệnh nhân phung hủi nầy tự mình tìm đến với Người. Lý do là vì sợ bị ô uế, mà chẳng ai dám đụng đến người phung hủi. Hành động và lời nói của người phung hủi đã được làm nổi bật cách đặc biệt trong trình thuật nầy.

Hành động đầu tiên của bệnh nhân là đến lại gần và quỳ gối trước mặt Người. Theo luật Môisen, bệnh phong hủi là một bệnh ghê tởm. Người mắc bệnh bị xem như người ô uế, bị loại ra khỏi hàng ngũ của dân Thiên Chúa thánh thiện, và phải xa lánh mọi người (Lv 13). Bệnh nầy bị đánh giá như là một sự hủy hoại không những thân xác, mà cả mọi tương quan của bệnh nhân với Thiên Chúa và xã hội. Do đó, đến gần và quỳ gối trước Chúa Giêsu là một thái độ đức tin. Ông đến với Chúa Giêsu vì đã thấy Người đã chữa lành nhiều người (1:21-28; 32-34). Và ông cũng thấy Người có quyền năng hơn cả các luật sĩ (x.1:22), nên ông bất kể luật Môisen mà đến với Người. Ông đến để cầu xin chữa bệnh: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Lời cầu xin nầy xác nhận đức tin thúc đẩy ông đến với Chúa Giêsu (x. 1:15). Ông tin Người có quyền năng, và Người có thể làm được nếu Người muốn. Ông phó thác vào ý muốn của Người. Lời cầu xin cũng phản ánh hiện trạng của ông: bệnh phong hủi làm cho ông bị ô uế, bị ruồng bỏ và chỉ có Chúa mới làm cho ông được sạch.

Đáp lại cử chỉ đức tin của người phong hủi, Chúa Giêsu đưa tay đụng đến anh và nói lời chữa bệnh. Đưa tay ra là dấu hiệu hành động của quyền năng Thiên Chúa (Xh 3:20; 7:5; Tv 138:7), hoặc hành động nhân danh Thiên Chúa (Xh 14:16.21.27). Đụng đến người phung hủi theo Luật là vấy uế. Nhưng vì Chúa Giêsu ở trên Luật Môisen (x. 2:10-12), nên khi đụng đến ông, Người không bị ô uế. Ngược lại, Người làm cho người bị kể là ô uế được lành sạch hoàn toàn. Cũng đáp lại lời tuyên xưng đức tin của người phung hủi, Chúa Giêsu dùng lại lời của ông mà chữa ông lành:”Tôi muốn, anh sạch đi!”.

Lý do Chúa Giêsu muốn người phung hủi ra về trong thinh lặng là để ông có thể cảm nghiệm lâu dài và cách cá nhân quyền năng của Thiên Chúa, biểu lộ trong Chúa Giêsu, đang thực hiện trong ông. Quyền năng ấy đã chữa ông lành bệnh phong hủi, đã đưa ông vào lại trong tương quan và hiệp thông với Thiên Chúa và con người (x. Lv 14:1-32). Nhưng Chúa Giêsu không thành công. Người không thể kiềm hãm được người phong hủi. Ông được chữa lành, và ông kinh nghiệm bản thân về lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa quá lớn lao trong ông, khiến ông chỉ có một cách là “rao giảng” kèrusso, tin mừng ấy cho mọi người biết. Sau Gioan (1:4), Chúa Giêsu (1:14.38. 39), ông là người thứ ba rao giảng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa (1:45), và những người khác sau ông (3:14; 5:20; 6:12; 7:36).

Chúa Giêsu đến để hội nhập lại những người ngoài trật tự của con người và Thiên Chúa. Người thực hiện điều ấy với quyền năng và lòng thương xót, nên danh Người vẫn được loan truyền giữa con người.

 

28. Người mắc bệnh phong hủi - Lm. Anphongsô

Chúa Giêsu vẫn luôn mở rộng lòng đối với tất cả chúng ta, chỉ cần chúng ta đến và thưa với Người bằng tâm tình đơn sơ như anh bệnh phong hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Chia sẻ:

Căn bệnh truyền nhiễm mà hôm nay chúng ta nghe, ở Việt Nam, được người miền Bắc gọi là “hủi”, người miền Nam gọi là “cùi”, còn người miền Trung gọi là “phong”. Từ “phong” nghe có vẻ thanh hơn, nên được sử dụng rộng rãi để nói về số phận bi thương của bệnh nhân mang trên mình căn bệnh truyền nhiễm.

Trong Bài đọc I trích sách Lêvi chúng ta vừa nghe, theo luật Cựu Ước, vì phong là bệnh nan y và hay lây, nên trên da thịt những ai phát ra nhọt, lác, lở loét... đều phải rời bỏ gia đình, sống riêng ở nơi hoang vắng, nghĩa địa. Người phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu. Mỗi khi có người nào đến gần mình, bệnh nhân phải la lên: “Ô uế! Ô uế!” để người ta biết mà tránh xa. (Lv 13,45-46). Bệnh nhân phong chịu đau đớn nhất mỗi khi trời có trăng. Trăng càng sáng thì vi trùng Hansen càng rúc rỉa, do đó mà thi sĩ Hàn Mặc Tử, tên thật là Phanxicô Trần Trọng Trí (1912-1944), trong những tháng ngày chống chọi với căn bệnh này, đã phải đau đớn thốt lên: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho...” (Trăng Vàng Trăng Ngọc).

Bị đau đớn về thể xác như thế, người phong còn chịu đau đớn trong tâm hồn gấp đôi vì bị cách ly với mọi người, bị coi như mắc trọng tội. Không phải chỉ trong xã hội Do Thái ngày xưa, mà ngay cả thời nay, một số người cũng nhìn người phong với một ánh nhìn kỳ thị, tránh xa. Và chính vì bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nên người phong sống mà như chết.

Thế nhưng, người bệnh phong trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc 1,40-45) thay vì tránh xa, thì lại bất chấp sự cấm đoán của luật lệ, anh lấy hết can đảm đến gặp Chúa Giêsu để cầu khẩn Người: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Phải công nhận lời cầu nguyện này rất đẹp lòng Chúa, vì nó biểu lộ lòng tín thác của bệnh nhân vào Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, có quyền năng chữa lành bệnh cho anh. Việc anh không đòi hỏi Chúa Giêsu chữa bệnh theo ý muốn của anh, nhưng để Người tự do hành động theo ý muốn của Người “Chỉ cần Ngài muốn là đủ” cho thấy bệnh nhân trông cậy vào lòng từ bi nhân hậu của Người.  Chính sự chân thành của anh khi cầu xin đã chạm đến lòng trắc ẩn thẳm sâu nơi Chúa Giêsu khiến Người lập tức nói: “Tôi muốn, anh sạch đi”.

Chúa Giêsu vẫn luôn mở rộng lòng đối với tất cả chúng ta, chỉ cần chúng ta đến và thưa với Người bằng tâm tình đơn sơ như anh bệnh phong hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Dẫu vậy, đã có lần nào chúng ta cầu xin Chúa tha thiết với tâm tình phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa như người phong hôm nay? Nhu cầu của chúng ta luôn có, nhưng để lãnh nhận ơn Chúa, có khi nào lúc cầu xin, chúng ta đặt ý muốn của Chúa lên trên ý muốn của chúng ta? Thay vì “Xin cho con vạn sự như ý”, chúng ta có dám học nơi gương người phong hôm nay tâm tình cậy trông để cũng biết cầu nguyện rằng “Xin cho con vạn sự như ý Chúa”.

Hôm nay cũng là ngày 11 tháng 2, ngày Quốc tế cầu cho Bệnh nhân. Hiện nay, trên thế giới, dường như càng ngày càng có những căn bệnh mới, bệnh lạ mà các nhà khoa học chưa tìm ra được thuốc chữa. Còn có những người đang phải chịu sự ghẻ lạnh, không được đoái hoài gì tới: đó là những người già cả ốm đau bị con cái bỏ rơi, những người mang những căn bệnh xã hội bị kỳ thị. Thêm vào đó, còn có những trẻ vị thành niên bụi đời do chịu những cú sốc và không được quan tâm từ việc gia đình có cha mẹ đường ai nấy đi; và còn những người trẻ được nuông chiều nên đã rơi vào nghiện ngập games, ma túy, bạo lực; những thai nhi là hoa quả của tình yêu nhưng lại bị xem là hậu quả tai hại nên phải đối diện với việc bị sát hại; trẻ sơ sinh bị bỏ rơi vì cha mẹ coi chúng như một món nợ, cả những người nam nữ bị bán làm nô lệ; những người tàn tật bị xem là những kẻ ăn bám xã hội…

Trước những vấn nạn ấy, chúng ta còn được mời gọi bắt chước Chúa Giêsu, đến với các “bệnh nhân” bằng con tim của Chúa. Như khoa sư phạm giáo dục Don Bosco, thánh nhân dùng thuật ngữ ‘Amorevolezza’ để diễn tả lòng thương mến này. Chính “lý trí, tôn giáo và lòng thương mến” là một trong ba yếu tố dẫn đến thành công. Nếu không có lòng thương mến, Chúa Giêsu đã không chạm đến người phong và chữa lành cho anh. Cũng vậy, nếu thiếu vắng tình yêu, chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể chữa lành những san chấn tâm lý, bệnh tật và nỗi đau khổ của anh chị em.

Vâng, mỗi chúng ta được mời gọi hãy sống với một tấm lòng cảm thương như Chúa. Chính khi chúng ta đặt niềm tin tưởng nơi Chúa, chúng ta mới có thể sống với một tấm lòng sẵn sàng làm việc thiện cho anh chị em mình. Ngày Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đã gần kề, vậy chúng ta cũng được mời gọi không chỉ lo cho mình và gia đình có được cái Tết đầy ắp tình thân và hạnh phúc nhưng cũng được mời gọi có một trái tim nhân lành như Chúa để có thể đong đầy tình thương cho người kém may mắn, để họ cũng được đón Tế trong bình an của Chúa Xuân.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một trái tim cảm thương để biết hành động như lời thánh nữ Têrêsa Avila mời gọi: “Ngày nay Chúa Giêsu không còn hiện diện cách thể lý nhưng Người hiện diện qua chính con người của chúng ta. Người dùng chính đôi mắt của chúng ta để Người nhìn ngắm thế giới, Người dùng chính đôi chân của chúng ta để Người có thể bước đến giúp đỡ anh chị em mình, Người dùng chính cánh tay của chúng ta để nâng dậy và chúc lành cho thế giới. Vì thế, chúng ta hãy là cánh tay, cặp mắt, đôi chân của Chúa”. Amen.

 

29. Chữa người phong cùi – Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Raoul Folereau, vđại ân nhân của những người phong cùi đã ghi lại một chuyến đi của ông như sau: Đến một nơi cách thành phố 15 cây số, chúng tôi lần theo một lối đi được chỉ trước, và sau nửa giđi bộ chúng tôi lạc vào một thế giới của buồn thảm, đau khổ và thất vọng. Thật thế, tại một nơi mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60 người phong cùi đang sống bên nhau. Trước đây, người ta giam họ trong một trại cùi chẳng khác nào một trại tù, mọi người nhìn họ như những kẻ bị chúc dữ, hoặc tệ hơn nữa, như những con thú dữ. Không chịu nổi sự giam hãm và cách ly như thế, một số người cùi này đã trốn thoát và đến trú ẩn giữa khu rừng này. Tại đây, tình trạng của họ càng thêm tồi tệ hơn, xung quanh họ, trên đất đầy dẫy những vết tích của căn bệnh quái ác này.

Tôi đến bên một người lớn tuổi được xem như đại diện của họ và hỏi:

- Hôm nay là chiều Thứ Bảy, cửa quán ngoài phố xá đã đóng cửa rồi; thứ hai tôi sẽ trở lại và mang theo thức ăn thức uống; tôi cũng sđưa một bác sĩ đến để chăm sóc cho bà con, chúng tôi sẽ cất nhà và sở lại đây với bà con khi cần, vậy bác hỏi bà con có thể chờ cho đến ngày Thứ Hai không?

Người đó đưa mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, vì đã từ lâu họ không còn tin điều đó nữa; đối với họ, xem ra không còn ai đáng tin trên đời này nữa. Rồi ông khẩn khoản nói:

- Ông không thể giúp cho chúng tôi ngay được sao? Chúng tôi vừa mới có một người anh em qua đời, chúng tôi phải dùng đôi tay cùi lở này để đào xới một cái mộ chôn người anh em.

Tôi nhìn đôi bàn tay không nguyên vẹn vì bệnh tật, nay phải mang thương tích vì người đồng loại. Những con người khốn khđó nếu không nhìn thấy, không thể tin được là có thật.

Căn bệnh phong cùi vẫn là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác đã đành, mà còn đau khổ gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.

Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mđể san s.

 

30. Lòng thương xót vượt qua tất cả

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.)

Có một cô gái đẹp và tính tình rất tốt. Nhan sắc cũng như đức tính của cô làm mê hồn nhiều chàng trai, khiến biết bao trai tráng trong làng mê mẩn đến điên cuồng và rất nhiều người muốn được làm chồng cô trong tương lai!

Tuy nhiên, một tai ương ập đến với cô, đó là: một hôm, cô đang nấu ăn ở trong bếp, bỗng nhiên bình ga bốc nổ, khiến lửa bốc cháy dữ dội và bén vào người làm cô bị bỏng rất nặng. Người thân của cô đưa cô đến bệnh viện, nhưng các bác sĩ chỉ có thể cứu sống cô, họ không thể làm thêm được gì hết! Kết cục, khuôn mặt và thân hình của cô bị biến dạng, trông ghê rợn hãi hùng! Cũng kể từ thời điểm đó, cô không được sự ngưỡng mộ của những thanh niên cùng trang lứa. Chẳng ai thèm để ý và hy vọng được làm chồng của cô như trước nữa. Ai nhìn thấy cô, họ cũng đều sợ hãi vì sự dị dạng bất thường nơi cô. Nhiều người còn buông ra những lời nguyền rủa không thương tiếc cho số phận hẩm hiu của nàng. Nói chung, họ đều xa tránh cô, khiến cô rất đau đớn thể xác và khốn khổ về tinh thần!

Hôm nay, câu chuyện Tin Mừng cũng trình bày về số phận của người bị phong cùi. Anh ta cũng trải qua biết bao đau đớn về thể xác và chịu đựng nỗi khốn khổ khôn nguôi về tinh thần.

Tuy nhiên, may mắn cho anh cùi trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, giữa biết bao người khinh miệt, ruồng bỏ, hất hủi, loại trừ, chà đạp và xúc phạm, anh đã gặp được quý nhân phù trợ. Đức Giêsu đã không chỉ thương anh bằng tình thương của con người với nhau, mà Ngài còn thương anh bằng trái tim và lòng thương xót của Thiên Chúa, nên anh đã được chữa lành không chỉ thể xác, nhưng còn được chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn mà bấy lâu anh đã lãnh chịu.

1. Căn bệnh thế kỷ và nỗi khổ khôn nguôi

Để hiểu được nỗi khổ tâm đến xót xa của người bệnh và thấy được lòng thương xót vô biên của Đức Giêsu, chúng ta cần tìm hiểu về quan niệm, lối nhìn của người Dothái thời bấy giờ về căn bệnh quái ác này và thái độ của họ đối với người không may mắc phải.

Vào thời Đức Giêsu, người ta rất sợ hãi nghe được hay nhìn thấy hoặc đụng trạm đến những người bị bệnh phong. Họ coi những người này như một thứ quái dị, đồ bỏ. Vì thế, những người bị mắc phải bệnh cùi, họ bị chính người thân trong gia đình và xã hội loại ra bên lề.

Theo quan niệm của người Dothái, bất cứ ai tiếp xúc với người bệnh phong thì đều bị coi là ô uế và nếu đụng chạm tới thì mắc tội trọng. Người mắc bệnh phong cùi thì không bao giờ được vào thành Giêrusalem cũng như bất cứ thành phố nào được bảo vệ bằng tường bao. Người phong cùi mà vô tình thò đầu vào nhà nào thì nhà ấy trở thành nhà ô uế và ngay cả cái kèo trên mái nhà cũng bị ô uế theo. Khi ra ngoài đường, họ không được chào hỏi ai và cũng chẳng được ai chào hỏi. Khoảng cách mà người bệnh và người khỏe phải giữ với nhau, đó là gần hai mét. Nếu vô tình, người bệnh đứng ở đầu gió, thì những ai ở cùng hướng gió phải cách 45 mét. Hơn nữa, người ta kiêng kỵ đến độ những vật bày bán ở nơi người phong đi qua, cũng không nên mua và chắc chắn là không ăn.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở góc độ bị coi thường khinh miệt, mà chính bản thân họ, họ cũng phải tự mình ý thức là người đáng bị kinh tởm và tự nhận mình là người gây nên sự bất tiện cho mọi người. Để hiểu rõ điều này, chúng ta thấy sách Lêvi có đề cập đến như sau: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).

Chính vì sự phân biệt phũ phàng đến như vậy, nên họ bị đẩy vào rừng sâu hay nơi sa mạc hoặc ra nơi đồng ruộng để tồn tại.

Trong hoàn cảnh đó, những người bị bệnh, họ đau đớn tột cùng về thể xác, nhưng có lẽ nỗi đau tinh thần còn lớn hơn gấp bội qua việc bị khinh thường và loại trừ ngay từ những người thân. Nỗi ám ảnh về số phận và tự ti vì bị coi là tội lỗi nên mới phải chịu thứ bệnh quái ác này đã làm cho họ bị dằn vặt tinh thần rất nhiều!

Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu và chính anh cùi đã lội ngược dòng với những quan niệm của người Dothái đương thời, để giữa Ngài và anh có một mối liên hệ mật thiết qua lòng trắc ẩn của Đức Giêsu và nơi đức tin mạnh mẽ của anh, khiến Đức Giêsu đã làm phép lạ để giải thoát anh cách toàn diện, trọn vẹn.

2. Đức tin và lòng thương xót

Vượt qua ranh giới, bất chấp lề luật, chẳng sợ lây nhiễm, nên Đức Giêsu đã tiến lại và chạm vào người bị phong cùi. Đây là hành vi phi thường đến dợn tóc gáy mỗi khi người Dothái nghĩ tới!

Còn nơi người phong cùi, anh ta có thái độ tin tưởng quá phi thường và thái độ tôn thờ đến tuyệt đối, nên đã dám đến gần Đức Giêsu, quỳ gối và van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”.

Thái độ này của Đức Giêsu hoàn toàn đi ngược lại với những nhà lãnh đạo và quan niệm của dân chúng thời bấy giờ. Nơi Đức Giêsu, Ngài không thể ngồi đó xem cách hành xử bất công của người Dothái và sự tủi nhục của người bệnh. Không! Ngài coi nó như bổn phận buộc mình phải thi hành. Điều này làm toát lên dung mạo xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

3. Bài học cho chúng ta

Sống trong xã hội loài người, dù thời điểm nào, người ta cũng cần lắm một tấm lòng cảm thông đối với người bất hạnh. Mặt khác, nếu chúng ta là những người bị coi là bất hạnh, thì chính mình phải là người can đảm chạy đến với Chúa để được Ngài xót thương.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Thứ nhất, hãy noi gương Đức Giêsu, luôn yêu thương và không loại trừ anh chị em chúng ta, nhất là những người bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, buồn khổ, mặc cảm, tự ti…. Luôn biết hàn gắn những vết thương tâm hồn và tôn trọng nhân phẩm của người khác. Tránh xa sự chia rẽ và thái độ phân biệt đối xử để sống sự liên đới với mọi người.

Thứ đến, cần tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Luôn sống tình bác ái yêu thương, nhất là hãy hành động vì đức ái. Có thế, chúng ta mới đụng chạm được cốt lõi của Tin Mừng và mới có cơ hội ngửi, cảm, thấu nỗi đau khổ của anh chị em xung quanh và ra tay nâng đỡ họ. Cần can đảm loại trừ những gì làm thui chột tình thương và không phù hợp với giá trị Tin Mừng.

Thứ đến, noi gương người phong cùi, hãy khiêm tốn và can đảm đứng dạy để tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài sẽ chữa lành những ai bệnh tật, xoa dịu những tâm hồn đau thương, băng bó những cõi lòng tan nát, an ủi những ai sầu khổ và cứu chuộc những ai có lòng tin.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho đôi mắt của chúng con được mở ra và nhìn thấy những người bất hạnh; cho trái tim biết rung lên những nhịp đập yêu thương; cho khối óc biết nghĩ đến người đau khổ; cho đôi chân biết đi tới những nơi cần sự giúp đỡ; cho đôi tay biết mở ra để ban phát, và, cho đôi tai biết lắng nghe để cảm thông. Amen.

home Mục lục Lưu trữ