Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 16
Tổng truy cập: 1373919
HÃY ĐÓN NHẬN VÀ GIEO CÁCH HÀO PHÓNG
Hãy đón nhận và gieo cách hào phóng
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
“Dụ Ngôn Người Gieo Giống” của Chúa Giêsu được thánh Matthêu trình bày tuy bình dân, nhưng chứa đựng một sứ điệp rất quan trọng liên quan đến người kể và người nghe. Người gieo giống ở đây không ai khác ngoài Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu, đã được Chúa Cha gieo vào trần gian một cách hào phòng. Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn ai đón nhận, nơi ấy hạt sẽ đâm rễ và mọc lên.
Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa đi gieo hạt giống là chính thân mình vào trần gian, chôn vùi vào lòng đất khi nhập thể làm người, mục nát đi khi chịu chết và chôn trong mồ, mong có ngày bội thu là phục sinh cứu độ hết thảy mọi người. Nên dụ ngôn tự sự này có sức cuốn hút người nghe cách đặc biệt.
Bài đọc I, Lời Chúa được tiên tri Isaia ví “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất” (Is 55,10). Mưa và tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống nảy mầm, lớn lên và kết hạt. Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: “tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn” (Is 55,10). Đó là những hình ảnh đẹp, sống động và rất gần gũi với giới bình dân chúng ta, diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống của ta, là Ánh Sáng đời ta, hạnh phúc cho đời ta hôm nay và mãi mãi.
Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống. Thông điệp thật rõ ràng: Thiên Chúa là người đi gieo giống, Ngài gieo cách hào phóng, nhưng kết quả cụ thể còn tùy thuộc vào thời tiết và cách thức gieo giống cũng như tự do của thửa đất đón nhận hạt giống là chúng ta. Kinh nghiệm thường ngày của nhà nông quả quyết rằng, kết quả tùy thuộc vào thửa đất, nơi gieo hạt. Ví dụ, trong số những sinh viên chung một lớp, học cùng trường, được thầy giáo dạy cũng một môn về tôn giáo, nhưng người này tin còn người kia vô thần. Dù cả lớp đều nghe giáo viên giảng những điều tương tự nhưng hạt giống đã rơi lại rơi vào mảnh đất là những người khác nhau. Chúng ta cũng thế, tất cả vừa cùng nghe sứ điệp Lời Chúa, nhưng ra về mỗi người sống khác nhau.
Thửa đất tốt là tâm hồn chúng ta, do Thiên Chúa dựng nên cách tự nhiên, Ngài đã phú ban nó cho chúng ta, chúng ta tự do đón nhận hay từ chối là quyền của ý chí của chúng ta. Có những người thích tận hưởng cuộc sống thay vì trở nên tốt hơn. Có những kẻ mê đắm sự đời thế gian, “Lời Chúa bị bóp nghẹt không mang lại hoa trái” (Mt 13,22).
Nhưng trái lại, đối với một số người, vì muốn giữ giá trị của chính mình, họ đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến thế là đơm hoa kết trái là trăm số việc lành, cho dù phải hy sinh. Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12,24). Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta rằng, con đường dẫn đến sự cứu rỗi là con đường vào qua cửa hẹp (Mt 7,14): tất cả đều có giá của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có giá trị nếu chúng ta không cố gắng.
Ai bị ước muốn sự đời hướng dẫn, người ấy sẽ có trái tim giống như một khu rừng nhiệt đới. Ngược lại như cây ăn quả, cây tốt ắt sẽ sinh trái tốt. Vì thế, các thánh đã không có cuộc sống dễ dàng, họ đã trở nên mẫu gương cho nhân loại. Đức Giáo hoàng Piô XII nói: “Chắc chắn không phải tất cả chúng ta đều được kêu gọi chịu tử vì Đạo. Nhưng tất cả chúng ta được kêu gọi để có nhân đức Kitô giáo. Chúng ta kiên trì hoạt động, đừng chểnh mảng cho đến hết đời. Chính vì thế người ta cũng có thể nói về một tử đạo chậm và kéo dài”.
Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể: chúng ta hãy vui lòng làm như Chúa, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).
Điều căn bản là chúng ta cần chuẩn bị để chính mình là một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, đồng thời phải chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai “ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả” (Mt 13, 23).
Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nơi mình và trân trọng như một tài sản quý giá, người ấy sẽ hạnh phúc nếu nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi: Ngài sẽ chữa lành và làm cho họ được sống, “giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái.
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Chúa cách sâu sắc và kiên trì thực hành. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, trở nên “đất tốt”, để hạt gống Lời Chúa có thể sinh nhiều bông hạt, ngõ hầu chúng ta tiếp tục sứ mạng tông đồ đi gieo vãi Lời Cứu Rỗi khắp mọi nơi cho anh em. Amen.
41. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hãy là đất tốt, để hạt giống Lời Chúa sinh nhiều bông hạt
Cho đến bây giờ, "mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta" (Rm 8, 22-23). Hỏi ai trong chúng ta lại không có kinh nghiệm sống ở đời về tương phản giữa khổ đau trong đời sống thường ngày và vinh quang cũng như hy vọng mà Thánh Phaolô nói đến trong thư gửi giáo đoàn Rôma (Rm 8 18-23)? Giữa "những đau khổ trong hiện tại" chúng ta mang trên mình, và "vinh quang mà Thiên Chúa sẽ tỏ lộ trong tương lai" (Rm 8,18). Hiện tại chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều, nên chúng ta muốn nói như Đức Maria: "Việc đó xảy ra thế nào được?" (Lc 1, 34) Phụng vụ hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Mặc khải cho biết, khổ đau đi vào thế giới như là hậu quả của tội lỗi "không thể tránh khỏi"; cũng như trái cấm trong vườn Êđen, vì một lời nói dối, khiến con người chống lại Lời sáng tạo, gây nên sự hỗn loạn, sau cùng cả và nhân loại bị hủy diệt. Chỉ có Thiên Chúa, Lời sáng tạo, mới có thể can thiệp để cứu chuộc con người (x. Rm 8) và tái lập trật tự hài hòa đã được thiết lập ngay từ thuở ban đầu. Chúa phán: "Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác" (Is 55, 11).
Hỏi: Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra là gì vậy?
Thưa: Là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Con một Ngài, Thiên Chúa như người gieo giống gieo Lời ( Con Ngài) vào thế giới chúng ta, "Người cho ứ nước luống cày, Mô đất đặt xuống phẳng phiu, Người cho mưa rào đảo nhuyễn, chúc lành cho giống trổ mầm" (Tv 64, 11); "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống … làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn" (Is 55, 10). Nước ở đây là nước Thánh Thần tưới lên chúng ta để chúng ta sinh được gấp trăm. Chính nơi Chúa Giêsu phục sinh mà nhân loại được cứu, Người là "Đấng cứu chuộc thế gian! nơi Ngài đã được mạc khải một cách mới mẻ và kỳ diệu hơn chân lý căn bản về thế giới thụ tạo, điều mà sách Sáng thế xác nhận khi lặp đi lặp lại nhiều lần: "Thiên Chúa thấy như thế là tốt lành" (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 8. Ngày 4/3/1979).
Nhưng nếu Chúa Giêsu là Đầu đã đạt đến chặng cuối của hành trình, thì Thân mình là " mọi tạo vật rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con " (Rm 8, 22) cũng được như vậy. Tuy nhiên, tiền đề sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được trao ban: hạt giống sự sống đời đời đã ẩn tàng trong tâm hồn các tín hữu từ ngày họ chịu phép Rửa tội; Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Lời tái tạo và biến đổi chúng ta. Thật hạnh phúc biết bao khi có Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu; Ngài biết lòng dạ con người phức tạp và yếu đuối. Vì thế, Ngài gieo cách hào phóng, kể cả vệ đường, nơi bụi gai và sỏi đá. Chim trời sẽ đến ăn mất, nhưng đặt hy vọng vào hạt rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả dồi dào, "có hạt được một trăm"(Mt 13, 23).
Thiên Chúa rất đỗi khoan dung, không những mạc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài bằng cách hòa giải với chúng ta nhờ sự chết của Con Ngài khi chúng ta còn là kẻ thù (x. Rm 5, 10), Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn sẽ có hạt đâm rễ và mọc lên.
Dụ ngôn này thật an ủi cho những kẻ cứng đầu cứng cổ như chúng ta, và cũng là lời khuyên an ủi những ai đang chịu trách nhiệm dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới thành niên.
Còn nỗi khổ nào hơn đối với các bậc làm cha mẹ khi thấy con cái mình từ bỏ đức tin! Nhưng đức tin không thể được truyền theo nhiễm sắc thể hay dòng sữa của mẹ nuôi con, chúng ta có thể trình bày cho trẻ em về tình bạn của Chúa Giêsu, nhưng không thể áp đặt đức tin cho chúng.
Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể: chúng ta hãy vui lòng làm như Ngài, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).
Chúng ta cần chuẩn bị một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, và chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai "nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả" (Mt 13, 23).
Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nó về nhà, trân trọng như một tài sản quý giá. Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi: Ngài sẽ chữa lành và làm cho chúng ta được sống, "giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa" (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái.
Trong năm Phúc Âm gia đình, chúng ta cùng nghe lời vị cha chung dạy: "Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa. Hội Thánh không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được Phúc Âm hóa…
Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng… " (Đức Phanxicô, Niềm Vui Phúc Âm §174-175).
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Thiên Chúa cách sâu đậm và kiên trì. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, là "đất tốt", nơi hạt gống Lời Chúa có thể đem lại nhiều bông hạt. Amen.
42. Tâm tình người đi gieo
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Bài dụ ngôn thật đẹp. Đẹp về hình ảnh phong phú. Đẹp về ý nghĩa sâu xa. Nhưng đẹp nhất vẫn là thái độ của người đi gieo. Người đi gieo đã có thái độ vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương.
Người đi gieo đã gieo một cách hào phóng. Hãy nhìn kìa: ông vốc từng vốc lớn hạt giống và rộng tay vung vãi. Ông gieo không tiếc xót. Ông gieo không tính toán. Ông gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.
Người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, ông gieo bất kể ngày đêm. Ông gieo bất kể mưa nắng. Ông gieo bất kể những thất bại. Đợt gieo giống đầu tiên đã thất bại vì chim chóc tha đi, ông liền gieo tiếp đợt hai. Bị sỏi đá nắng hạn, cây lúa mất mùa, ông lại đi gieo tiếp đợt thứ ba. Bị gai góc bóp nghẹt, cây lúa bị lụi tàn, ông vẫn không nản, cứ gieo đợt thứ tư. Ông đúng là người đi gieo hạt không biết mỏi mệt.
Người đi gieo đã gieo trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng của ông thật lớn lao. Chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại. Vì hy vọng, ông gieo cả trên lối đi, trên đá sỏi, trong cỏ gai. Ông tin rằng có gieo thì có gặt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông kiên trì và sau cùng đi đến thành công.
Người đi gieo đã gieo trong tình thương yêu. Tình thương yêu của ông dạt dào lắm. Nên ông đã không ngại hao tốn tiền của, tâm trí, sức lực. Tình thương ấy bao la lắm. Nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc. Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm. Nên ông mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu. Ông đã có thể chỉ chọn đất tốt mà gieo. Nhưng tình thương yêu mãnh liệt không cho phép ông làm thế. Vì ông không muốn loại trừ những miền đất chai cứng chứa đầy sỏi đá, cỏ gai.
Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống,chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.
Hôm nay Người muốn ta gieo một cách hào phóng. Hãy gieo không xẻn xo. Hãy gieo không tính toán. Hãy gieo không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện hiện đại nhất để chuyên chở Tin Mừng. H ãy đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống. Hãy đem Tin Mừng tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.
Người cũng muốn ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng. Hãy kiên trì như thánh Phaolô, cứ gieo dù gặp “thời thuận lợi hay không thuận lợi”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai. Hãy cứ gieo dù những thất bại, nhọc nhằn.
Nhưng điều Người mong chờ nhất là các môn đệ của Người hãy đi gieo yêu thương. Yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu, nhưng yêu thương cả những mảnh đất sỏi đá, gai góc. Yêu thương không chỉ những người mình thương và những người thương mình mà còn yêu thương cả những người không ưa mình và mình không ưa: vì một tình yêu thương đích thực thì không loại trừ ai. Chỉ có tình yêu thương mãnh liệt như thế mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi, biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.
Đáp lời Chúa mời gọi, biết bao lớp người đã hăng hái ra đi gieo Tin Mừng tại vùng đất Lạng Sơn này.
Trong số đó phải kể đến Đức cố Giám mục Vinh Sơn Phaolô của chúng ta. Người đã là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Qua bao ngày tháng, Ngài vẫn kiên trì không bao giờ chồn chân mỏi gối. Hôm nay Ngài đã trở thành một hạt giống vùi sâu trong lòng đất. Hạt giống ấy, tình thương ấy, sẽ làm mềm sỏi đá, hứa hẹn cho ta một mùa gặt bội thu.
Ta cũng không thể nào quên được công ơn của Đức Hồng Y Phaolô Giuse, cũng là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu với gánh nặng của Giáo phận Hà Nội và của Giáo hội Việt Nam, Ngài vẫn sẵn sàng ghé vai gánh đỡ Lạng Sơn trong những lúc cần thiết. Ngài đã gieo mồ hôi nước mắt làm phì nhiêu cánh đồng này. Công khó ấy chắc chắn sẽ góp phần rất lớn cho một mùa gặt mai sau.
Hôm nay, Chúa gởi tôi đến cánh đồng Lạng Sơn này. Lạng Sơn là quê hương tôi. Anh chị em đã đón nhận tôi như đón một người thân. Chúng ta thuộc về một gia đình. Hôm nay Chúa mời gọi tất cả chúng ta vào làm việc trong cánh đồng của Chúa. Chúng ta hãy hăng hái bắt tay vào việc đi gieo Lời Chúa. Hãy noi gương Chúa Giêsu, hào phóng, gieo kiên trì, gieo hy vọng và nhất là hãy gieo yêu thương. Gieo gì gặt nấy. Nếu ta gieo bác ái chắc chắn ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập trên núi đồi Lạng sơn- Cao bằng này.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Thiên Chúa không ngừng gieo Lời Chúa vào tâm hồn bạn. Bạn đã đón nhận Lời Chúa thế nào?
2- Thái độ của người đi gieo cho bạn cảm nghiệm gì về Thiên Chúa?
3- Chúa mời gọi bạn đi gieo Tin Mừng. Bạn phải có thái độ nào?
43. Nghe và hiểu - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Đức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm. Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ. Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Đức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt, và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay, nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng. Đức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng. Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình:
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi? Đâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường. Tôi nghe mà không hiểu. Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh, bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình. Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá. Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay, nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt. Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi. Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến, tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai. Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải. Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt. Tôi nghe và hiểu. Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời. Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa, đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi. Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt. Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi, cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn. Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới, để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những trở ngại, từ bên ngoài cũng như từ bên trong, khiến hạt giống Lời Chúa khó nẩy mầm và lớn lên trong bạn?
Có khi nào bạn mê một câu Lời Chúa không? Có khi nào bạn dám sống một câu Lời Chúa không? Có khi nào đời bạn đã hoàn toàn đổi khác, vì bạn gặp được một câu Lời Chúa không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
44. Kho báu đã mở – Charles E. Miller
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)
Không một nông dân nào thích thú bởi cảnh gieo giống lãng phí hạt giống như người nông phu trong bài Phúc âm hôm nay. Một nông dân cần cù thì sẽ gieo cẩn thận ở những nơi mà ông bảo đảm sẽ gặt hái được vụ mùa bội thu. Nhưng người nông dân trong Phúc âm thì phung phí những hạt giống, nhờ đó ông giới thiệu Thiên Chúa là Đấng luôn luôn quảng đại ban phát những hồng ân của Người.
Những hạt giống được giới thiệu đây là Lời Chúa, Lời ấy được tìm thấy trong những trang được linh ứng trong Thánh Kinh. Có bốn mươi sáu cuốn trong Cựu ước và hai mươi bảy cuốn trong Tân ước. Thiên Chúa gieo những hạt giống của Người vào trong tâm trí chúng ta và trong lòng của chúng ta trước, bởi ý nghĩa của Phụng vụ Lời Chúa trong khi cử hành thánh lễ.
Theo phụng vụ trước đây, những bài đọc thường được dùng hàng năm và thế là không thể giới thiệu được kho tàng phong phú của Thánh Kinh. Một hậu quả của việc xếp đặt như thế là một số lớn những đoạn súc tích rất hay không bao giờ được những người công giáo nghe vào những ngày chúa nhật. Dụ ngôn người con hoang đàng không có phần nào trong nghi thức phụng vụ ngày chúa nhật và câu chuyện người Samaritanô tốt lành cũng như thế. Những bài Thánh Thư cung cấp cho bài đọc đầu tiên như một danh sách dài đang chờ được chấp nhận để biên soạn sách Tông đồ công vụ, câu chuyện của Giáo hội tiên khởi được chọn một lần trong năm vào Chúa nhật Hiện Xuống. Không có bài đọc nào được lấy từ Cựu ước và sách Khải Huyền cũng chẳng bao giờ đọc trong thánh lễ ngày chúa nhật.
Công đồng Vaticano II, dùng một hình ảnh phong phú đã quyết định rằng: “Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu” (Hiến chế về phụng vụ, số 51). Việc tu sửa phụng vụ đã làm viên mãn quyết định này bằng cách chọn lựa những đoạn Thánh Kinh được chia làm ba thời kỳ vào các chúa nhật chứ không còn là một thời kỳ như trước bằng việc cung cấp thêm bài đọc trước Phúc âm chứ không phải là một như trước.
Năm nay tính theo chu kỳ phụng vụ là năm A, những bài Phúc âm sẽ theo thánh Mathêu. Chu kỳ phụng vụ năm B giới thiệu Phúc âm theo thánh Marcô và chu kỳ phụng vụ năm Chúa theo thánh Luca. Phúc âm theo thánh Gioan trước hết được dùng vào các chúa nhật năm A trong suốt mùa chay, suốt mùa Phục Sinh và điền vào chu kỳ phụng vụ năm B. Suốt mùa Phục Sinh, bài đọc I được lấy từ sách Tông đồ công vụ, những mùa khác thì trái lại, bài đọc I luôn luôn lấy từ Cựu ước, bài đọc II thì luôn luôn lấy từ Tân ước. Sách Khải huyền là bài đọc II trong suốt mùa Phục sinh trong chu kỳ phụng vụ năm C.
Để thu được nhiều lợi ích qua việc giới thiệu cách dồi dào kho tàng Thánh Kinh, tất cả chúng ta phải làm cho mình nhiệt tình hơn trong việc tham dự thánh lễ. Quả thật, chúng ta phải công nhận rằng chúng ta có đến nhà thờ với nhiều thời gian nhưng chú ý đến các bài đọc thì không có mấy. Chúng ta phải lắng nghe trong tinh thần đức tin, đó là Đức Kitô đang nói với chúng ta khi Thánh Kinh được tuyên đọc (Hiến chế Phụng Vụ, số 56-57)
Cho Lời Chúa một vị trí quan trọng như thế, còn tiệc Thánh Thể thì sao? Một cách nhìn sự hiệp lễ là xem Mình và Máu của Chúa giống như mưa và tuyết đổ xuống từ trời cao và làm cho đất phì nhiêu. Sự hiệp lễ cho chúng ta ý nghĩa chúng ta cần, để khi nghe đọc Thánh Kinh chúng ta được những chân lý trong ấy hướng dẫn để sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Thần không chỉ linh ứng cho những trang Thánh Kinh, Thánh Thần còn chúc phúc cho chúng ta qua công trình của Công đồng Vaticano II.
45. Sức mạnh của Lời Chúa
(Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương)
Với dụ ngôn “người gieo giống” rất quen thuộc, phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta tới một chủ đề nền tảng, đó là: Sức Mạnh của Lời.
Chúng ta sẽ tập trung suy nghĩ ba điểm chính yếu của dụ ngôn: người gieo giống, hạt giống và những thửa ruộng khác nhau.
1. Thiên Chúa, Người gieo trong hy vọng
Trước hết, dụ ngôn nói về người gieo làm ta ngạc nhiên bởi vì sự phung phí của ông. Ông hành động như kẻ không chuyên nghiệp, vung vãi hạt giống khắp nơi, và hầu như không để ý tới chúng sẽ rơi vào đâu: trên vệ đường, trên sỏi đá, trên bụi gai, cuối cùng là trên đất tốt. Người gieo giống là biểu tượng về một Thiên Chúa của hy vọng: spes in semine (gieo trong hy vọng), của sự quảng đại quá mức đến độ “phung phí” trong việc ban phát các ân sủng và Lời của Người cho chúng ta. Một Thiên Chúa yêu hết mọi người và muốn Lời của Ngài đến với tất cả. Hay nói như Thánh Phaolô: «Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và đạt tới sư nhận biết chân lý» (1 Tim 2,3-4). Và như thế trong thế giới này và trong các nền văn hóa dù chưa được được tin mừng hóa, người ta vẫn tìm thấy những chân lý và những giá trị mà chúng có nguồn gốc và sự viên mãn trong Thiên Chúa là Cha của tất cả và cũng là Người ban phát mọi sự thiện hảo. Thiên Chúa đó ban cho chúng ta Lời Chân Lý, Lời Sự Sống. Lời đó là kim chỉ nam và là luật sống của chúng ta. Lời đó cũng là hạt giống gieo vào lòng chúng ta.
2. Hạt giống
Hạt giống biểu tượng những gì là nhỏ bé nhưng lại chứa đựng một sức mạnh, một mần sống kỳ lạ nhiều lúc không thể tin được! Hạt giống cũng là biểu tượng của Lời Chúa, Lời được viết ra trong Sách Thánh. Nhưng hạt giống cũng chính là Đức Kitô Giêsu, vì Người là Lời sống động của Thiên Chúa, Lời nhập thể làm người, và là Lời viên mãn của Nước Trời. Lời đó làm tăng trưởng các giá trị hiện có trong các nền văn hóa, thanh tẩy chúng và đưa chúng tới sự hoàn hảo. Bởi thế, Giáo Phụ Giustino (+165) gọi những giá trị trong các tôn giáo và trong các nền văn hóa là “semi Verbi”, các hạt giống của Lời. Người, Lời hiệu quả của Cha, như mưa xuống trên đất đai (Bài đọc I), tưới gội đất đai, làm cho đất đai màu mỡ, và làm mọc lên những hoa quả tốt tươi tô đẹp cho đời. Hạt Giống thần linh này có một sức mạnh vô tận: là ban tặng ơn cứu độ cho tất cả, bất kỳ nơi đâu, bất kỳ ai, kể cả những lúc thất vọng nhất, sức mạnh đó không có hàng rào nào có khả năng ngăn cản được. Thế giới này là cánh đồng của Chúa Cha, luôn đẹp đẽ, đáng chiêm ngắm như Thánh vịnh hôm nay nói tới, không có những con người hay những thực tại mà không thể không cứu rỗi được. Đó là nền tảng của niềm hy vọng về ơn cứu độ kitôgiáo (Spes salvi, như ĐHG Benedetto XVI nhấn mạnh). Hãy cam đảm vươn tới những chân trời bao la của hy vọng, vượt trên cả mồ hôi, nước mắt và tuyệt vọng của kiếp người!
3. Những thửa ruộng khác nhau
Dụ ngôn nói tới những thửa ruộng khác nhau, ám chỉ những thực tại của thế giới và lòng mỗi người chúng ta. Thiên Chúa ban Lời và ân sủng cách quãng đại cho hết mọi người. Nhưng Người không có ép ai phải theo. Ai có tai để nghe thì hãy nghe. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Người. Những mãnh đất khác nhau là lòng chúng ta có khả năng đón nhận hoặc từ chối hạt giống Lời và Ân sủng. Con người có khả năng chọn cho mình là vệ đường, là rỏi đá, là bụi gai, hay là mãnh đất tốt trước Lời Chúa. Và kết quả của hạt giống được gieo vào đất tốt làm chúng ta ngạc nhiên: hạt 30, hạt 60 và hạt 100! Sự khác nhau này không tùy thuộc vào người gieo mà lại tùy thuộc vào phẩm chất của đất, chính là thái độ đón tiếp Lời và thực hành Lời của mỗi người chúng ta.
Bài học áp dụng
- Hãy yêu mến Kinh Thánh và siêng năng đọc, tìm hiểu và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày.
- Hãy chuẩn bị cho lòng mình là mãnh đất tốt để Lời Chúa dễ bắt rễ, và thấm sâu vào tâm hồn, và hãy để cho Lời đó uốn nắn và biến đổi suy nghĩ, phán đoán và hành động của chúng ta.
- Hãy quảng đại và rao giảng Lời Chúa khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, ngay cả những hoàn cảnh xem ra không còn hy vọng gì nữa vì Lời đó là Lời cứu độ con người. Amen!
46. Mở tai, mở mắt – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Ý nghĩa đại cương của dụ ngôn người gieo giống được chính Chúa giải thích. Nhiều bài bình giảng đã quảng diễn về sau lời giải thích ấy. Ở đây chúng ta dừng lại mầu nhiệm đáng sợ: cách thức người ta tiếp nhận lời Chúa. Quả thật trong dụ ngôn có thuật lại 1 lời Chúa dạy rằng, nhiều kẻ bịt tai nhắm mắt lại để khỏi nghe khỏi thấy. Nhiều người được gọi là có phúc vì họ thấy và nghe.
1) Làm sao người ta có thể bịt tai nhắm mắt trước lời của Chúa? Việc ấy tuỳ thuộc vào sự chọn lựa thâm sâu dấu kín tận đáy lòng, bằng vào đó mà người ta quyết định về cuộc sống của mình. Vượt ngoài mọi luật tất định, sở dĩ lời Chúa dược đề ra cho người ta tin theo, là vì nơi con người có một hạt nhân tự do có thể quyết định đón nhận một cách hữu trách. Xét đoán theo nhân loại mỗi trường hợp riêng là việc không thể làm được. Điều quan trong là biết rằng con người có trách nhiệm khi đối diện lời Chúa. Do đó một con người có thể đã quyết định thâm sâu trong lòng khiến anh đui và điếc trước Chân Lý đang đến gặp anh. Nêu Chân Lý nhằm vào chỗ thâm sâu, quyết định ấy lại càng mãnh liệt dứt khoát. Thực vậy, khi con người cảm thấy liên luỵ đến cả định mệnh, anh sẽ hung dữ và bảo vệ các chọn lựa của mình và không chịu để cho người khác để lay chuyển. Một hiện tượng như thế đã xảy ra nơi những người Do thái gặp Đức Kitô. Hiện tượng ấy ngày nay vẫn còn xảy ra. Chúng ta không thể xét đoán trách nhiệm của những người từ khước TC và Đức Kitô. Nhưng bí ẩn của trách nhiệm ấy chất vấn chúng ta, vì nó đặt chúng ta vào một con đường đi không bao giờ cùng. Nếu quả thật chúng ta có đón nhận Lời Chúa thì vẫn chưa đón nhận hoàn hảo và chúng ta vẫn còn phải từ bỏ mình để theo những gì TC mời. Có thể mắt và tai chúng ta đã mở, nhưng chúng ta vẫn còn luôn luôn phải dọn sạch và tẩy rửa. Chúng ta có nghĩ đến việc ấy chăng.
2) Làm sao để đáng được lời Chúa phán với các môn đệ: phúc cho mắt các con vì được thấy, phúc cho tai các con vì được nghe? Bằng cách nỗ lực tiến đến một trạng thái tâm hồn. Các môn đệ là những người đơn sơ, ngay thẳng, không có hệ thống trí thức cứng ngắt, nghèo hèn, không có đặc quyền để bảo vệ, không có ích kỷ để chống giữ, gần gũi với cuộc sống thực và họ có trái tim trong sạch, đặc ân của những người ngay thẳng và giản đơn. Ngày nay để giữ cho mắt và tai luôn mở ra đón nhận Phúc âm, chúng ta phải được kháng nhiễm chống lại một bầu không khí tinh thần và luân lý, nó xác trộn tâm trí và làm vẩn đục trái tim. Có một thế giới ra sức biện minh cho bất cứ lý thuyết nào, bất cứ thói hư nào, lo âu duy nhất là tiền tài và danh vọng. Nhiều tờ báo, nhiều đài truyền thanh truyền hình đổ ra suốt ngày thỉnh thoảng được vài điều thât hay còn ngoài ra từng đống nguỵ biện, khiêu dâm, bạo hạnh, những cuộc trình diễn người ta nói đã được nghệ thuật thanh tẩy, nhưng làm vẩn đục tâm trí người xem. Câu hỏi là như thế này: chúng ta chọn để cho cái gì thấm nhập vào mình để cho những gì thế gian mời chào, hay để cho những gì Phúc âm đề nghị? Khả năng chăm chú nghe lời Chúa tuỳ thuộc vào câu trả lời.
47. Hạt Giống Lời Chúa
(Suy niệm của Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
A. DẪN NHẬP.
Lời Chúa là đèn soi bước đường chúng ta đi, là ánh sáng chỉ đường trong đêm tối và là lương thực nuôi linh hồn chúng ta. Lời Chúa được ví như hạt giống, tự nó có sức phát triển mạnh mẽ, nhưng hạt giống ấy, tuy là hạt giống hảo hạng có sức mạnh vô song, cũng cần có điều kiện thuận lợi để phát triển. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho hạt giống ấy nảy nở và phát triển. Chúa đòi chúng ta phải cộng tác vào trong công việc này.
Hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp nơi một cách dồi dào, nhất là gieo vào lòng người. Hạt giống ấy có được tiếp nhận hay không, hoặc được tiếp nhận một cách ơ hờ lạnh nhạt, hoặc được tiếp nhận một cách trân trọng, thì hạt giống ấy được phát triển tùy theo thái độ của từng người. Chúng ta cố gắng biến thành thửa đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa, hy vọng hạt giống ấy sẽ sinh hoa kết quả, hạt sinh 30, hạt sinh 60 hay sinh 100 hạt khác.
Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào là vô ích. Nhưng để thửa ruộng là mảnh đất phì nhiêu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ra công cầy xới. Đương nhiên không có cuộc cầy xới nào mà không đòi phải vất vả, long đong. Tâm hồn chúng ta sẽ không là mảnh đất sinh hoa trái nếu chúng ta không chịu hy sinh, mất mát lo cầy xới, gạn lọc, nhổ hết gai góc, nhặt đi những sỏi đá của ích kỷ hẹp hòi, của những đam mê hư hèn, của gian tham lừa lọc, của thù hận ghen tương.
Như vậy Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta đừng để tâm hồn mình thành sỏi đá, đường đi bởi do lòng ích kỷ và thói vô tâm, cũng đừng để tâm hồn mình là bụi gai bởi lòng tham những của hư hèn và tính ươn lười ngại hy sinh cố gắng, nhưng là hãy ra công cầy xới cho hồn mình là mảnh đất phì nhiêu.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1: Is 55,10-11.
Dân Do thái đang phải sống trong cảnh lưu đầy, niềm tin đang lụi dần, tiên tri Isaia được sai đến an ủi, khuyến khích và nói cho dân biết rằng Thiên Chúa đã hứa cho dân thoát cảnh lưu đầy và được trở về quê hương.
Tuy thế, nhiều người Do thái tỏ ra nghi ngờ lời hứa đó, họ không thể tin được. Tiên tri Isaia phải nói cho họ biết tính chất phong phú của lời Chúa giống như mưa và tuyết thấm vào đất làm cho đất nên phì nhiêu thế nào thì lời Chúa luôn luôn hữu hiệu như vậy: Ngài đã nói thì thế nào cũng xẩy ra đúng như lời Ngài đã nói, Ngài đã hứa thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện. Lịch sử đã minh chứng cho lời tiên tri Isaia: dân Do thái đã được hồi hương vào năm 538 trước công nguyên đúng như lời đã báo trước.
+ Bài đọc 2: Rm 8,18-23
Trong đoạn thư gửi tín hữu Rôma mà phụng vụ hôm nay ghi lại, thánh Phaolô cố cho chúng ta hiểu thế nào là niềm hy vọng của người Kitô hữu. Tuy mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Niềm hy vọng của Kitô giáo là một sự chờ đợi, được thực hiện trong nước mắt khổ đau như một cuộc vượt qua cái chết.
Tuy sống trong cuộc đời đầy đau khổ nhưng Kitô hữu luôn lạc quan hướng về tương lai, chờ đợi ngày được hưởng ơn cứu độ viên mãn trong Nước Trời.
+ Bài Tin mừng: Mt 13,1-23.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người gieo giống đi gieo lúa, để dạy rằng cũng một lời Chúa rao giảng nhưng sinh nhiều hiệu quả khác nhau là tùy theo thái độ đón nhận của các tâm hồn người nghe.
Để ý nhận xét, ta thấy người nông phu này gieo hạt giống xuống mọi loại đất mặc dù biết trước là nhiều hạt sẽ không nảy mầm mọc lên. Điều đó có ý nói Thiên Chúa rất hào phóng sẵn sàng ban lời Ngài cho mọi người và ban cách quảng đại dồi dào.
Một nhận xét nữa là dụ ngôn kể ra 4 loại đất trong đó có tới 3 loại đất xấu. Điều đó có ý nói là có rất nhiều người không sẵn sàng đón nhận lời Chúa để cho lời ấy sinh hoa kết quả. Nhưng cũng có những người thiện chí biết đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành để cho Lời Chúa sinh hoa kết quả dồi dào: hạt sinh 30, 60, 100 hạt khác.
Qua bài dụ ngôn hôm nay, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta phải nhận thức giá trị thiêng liêng của Lời Chúa, để nhờ đó chúng ta biết tha thiết lắng nghe và chăm chỉ đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Lời Chúa sinh hoa kết quả.
Khi đi truyền giáo, Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn là dân quê, ít học, ngay các tông đồ nồng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Để diễn tả về Nước Trời, Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, mỗi dụ ngôn diễn tả được một khía cạnh của Nước Trời. Đây là một lối giảng dạy rất cụ thể , dễ hiểu, hấp dẫn, động não để đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng mà các nhà hiền triết thời xưa thường dùng.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống của Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người: có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay 100 lần.
I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA.
1. Lời Chúa trong Thánh Kinh .
Thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, Giáo hội đã khuyên nhủ chúng ta:”Thánh công đồng Vatican 2 nhiệt liệt cổ vũ các tín hữu chuyên cần lắng nghe và đọc Thánh Kinh, suy gẫm và sống Lời Chúa, vì đó là khoa học cao siêu dạy về Chúa Kitô. Vì theo thánh Giêrônimô:”Dốt Thánh Kinh là không hiểu biết về Chúa Kitô”(cf Verbum Dei # 25). Thánh Kinh dạy cho chúng ta hiểu biết về Chúa, am tường về các mầu nhiệm cao cả của Nước Trời, hay nói cách khác ,Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, tỏ cho chúng ta thánh ý của Ngài.
2. Ba bước đón nhậnLời Chúa.
Theo Mark Link, có ba bước trong việc lắng nghe Lời Chúa, mỗi buớc một tiến hơn:
* Bước thứ nhất là nghe Lời Chúa. Chúng ta có thể gọi đây là bước của trí não. Bước này bao hàm việc chăm chú lắng nghe, đọc và giải thích Kinh thánh.
* Bước thứ hai là trân trọng tích giữ Lời Chúa. Bước này có thể được gọi là bước của trái tim, bao hàm việc ghi sâu vào lòng lời ta vừa nghe, và suy nghĩ xem có cách nào áp dụng lời ấy vào cuộc sống và làm sao để lời ấy biến cuộc sống của chúng ta nên tốt đẹp hơn. Bước thứ hai này không nhất thiết xẩy ra tại nhà thờ. Nó có thể khởi sự tại nhà thờ nhưng thường kéo dài suốt tuần lễ sau khi chúng ta suy nghĩ Lời Chúa đã nghe hôm Chúa nhật.
* Bước thứ ba là đem Lời Chúa ra thực hành. Nếu chúng ta gọi bước thư nhất là của “trí não”, bước thứ hai là của “trái tim”, thì chúng ta có thể gọi bước thứ ba là bước của “linh hồn”. Bước này bao hàm tác động lên những gì trí óc chúng ta lãnh nhận và con tim chúng ta tích chứa giữ gìn.
3. Bốn thái độ tiếp nhận Lời Chúa.
Theo bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã phân chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống vào. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa:
* Đất vệ đường: những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị qủi dữ cướp đi.
* Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không qúi chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.
* Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải...Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết ngẹt.
* Đất tốt: những người sốt sắng đón nghe Lời Chúa, ghi sâu vào tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.
Mỗi người phải chuẩn bị đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa:
. Đất phải xốp: không cứng như vệ đường, tức là phải có tinh thần khao khát Lời Chúa như một nhu cầu của sức sống để lắng nghe, tìm hiểu và thực hành lời Chúa.
. Đất không có sỏi đá: tức là phải cất những chướng ngại vật như: sự lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng Lời Chúa, bỏ các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn.
. Đất không có gai: tức là tâm hồn phải thanh thỏa, không có những bồn chồn lo lắng về những sự ở đời như thú vui xác thịt, danh vọng, của cải vật chất... vì những cái đó là những gai góc bóp chết lời Chúa.
. Đất tốt: là tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng, trông cậy và yêu mến Lời Chúa để biến đổi đời sống (Trần hữu Thành, Suy niệm Tin mừng Chúa nhật năm A, tr 218).
II. SỐNG THEO LỜI CHÚA..
1. Sức mạnh của Lời Chúa.
Hạt giống lời Chúa là thứ hạt giống tốt có thể phát triển mạnh. Lời Chúa có thể thay đổi được lòng người nhưng Chúa không muốn can thiệp vào đời tư của con người một cách thô bạo. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người.
Lời Chúa tự nó có sức mạnh vô biên. Ta có thể ví lời Chúa như nước chảy, nước rất mềm, nhưng có thể làm cho đá mòn như người ta thường nói:”Nuớc chảy đá mòn” (tục ngữ). Lời Chúa tuy êm ái nhẹ nhàng nhưng có sức bào mòn những gì gồ ghề trong tâm hồn để trở nên những viên đá tròn trịa.
Thiên Chúa cứ gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng người, còn việc hạt giống đó có phát triển được hay không là do thái độ của tùng người có muốn cộng tác hay không.
Truyện: Nước làm sạch rổ rau.
Bà vợ đi lễ về làm cơm sáng hơi muộn cho làm người chồng khó chịu. Người chồng thì khô khan, thỉnh thoảng mới đến nhà thờ. Vợ thì siêng năng đi lễ để nghe Lời Chúa.
Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ:
- Em đi lễ hằng ngày như vậy để được cái gì?
Bà vợ trả lời:
- Được nhiều lắm, anh ạ.
Chồng hỏi tiếp:
- Được cái gì?
Vợ thản nhiên đáp:
- Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em!
Chồng trợn mắt:
- Rửa sạch?
Vợ chỉ tay vào rổ rau mới rửa, trả lời:
- Vâng, nước đã làm cho bụi bặm rổ rau này sạch trơn!
Người chồng hiểu, lặng thinh và suy nghĩ!
2. Sống đạo bằng gì?
Nếu được hỏi câu này, một người bàng quan nhìn chúng ta sống sẽ trả lời rằng: họ sống đạo bằng đọc kinh, bằng nhận lãnh các bí tích và bằng tham dự các lễ nghi.
Đúng vậy, người Công giáo chưa hoặc rất ít sống đạo bằng Lời Chúa. Nếu sống đạo bằng đọc kinh thì sau giờ kinh là hết sống đạo! Nếu sống đạo bằng lãnh nhận các bí tích thì có bao nhiêu dịp sống đạo đâu! Và nếu sống đạo bằng cách tham dự các lễ nghi thì sẽ không còn sống đạo khi ra khỏi nhà thờ! Vả lại, đạo ở các kinh đọc, trong các bí tích và trong những lễ nghi không thấm nhập vào cuộc đời, vào xã hội.
Đạo là đường, sống đạo là đi đường. Trong cuộc hành trình này. Lời Chúa chỉ hướng cho ta đi. Lời Chúa dạy ta giải quyết những tình huống như thế nào, Lời Chúa là kim chỉ nam đưa ta tới cùng đích (Lm Carolô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 387-388).
Truyện: Lời Chúa khắc ghi trong lòng.
Hôm ấy, một nhà thừa sai Công giáo gặp một cậu bé người Ả rập trên đường từ trường về nhà. Nhà truyền giáo vui vẻ hỏi:
- Sao, hôm nay con học thêm được gì về sách Coran?
Mắt cậu sáng lên và mau mắn đọc thuộc lòng những câu trích từ sách Coran là sách thánh của các tín đồ Hồi giáo. Nhà truyền giáo nói thêm:
- Bây giờ, con thử viết những lời đó trên đất để cha có thể hiểu dễ dàng hơn và học mau thuộc hơn không?
Cậu bé đáp:
- Thưa cha, không được! Lời Thánh phải được viết trong trí và ghi khắc trong lòng chứ không thể viết trên đất được.
Theo tư tưởng của cậu bé đó thì Kinh thánh phải được ghi khắc trong tâm hồn, nghĩa là Lời Chúa phải thấm nhập vào lòng trí người Kitô hữu để họ phải sống bằng Lời Chúa.
Sống đạo là để cho Lời Chúa thấm nhập tâm hồn.
Sống đạo là để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống.
Sống đạo là để cho Lời Chúa tuôn trào ra cửa miệng và thấm nhuần môi trường sống.
III. PHỔ BIẾN LỜI CHÚA.
Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là điều cần thiết nhưng chưa đủ, chúng ta còn có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người khác. Chúa Giêsu đã nói:”Nếu các con đã lành nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 11,08). Nếu bản chất của Hội thánh là truyền giáo thì bản chất của những thành viên trong đó cũng phải là truyền giáo.
Lời Chúa phải được chúng ta loan truyền để mang lại nhiều mùa gặt khác. Cũng như những hạt giống được gió đưa đi, rơi xuống và nảy mầm ở nơi xa, hạt giống Phúc âm phải được rải ra từ chính tấm lòng của chúng ta vào trong lòng anh em chúng ta. Nếu chúng ta giữ Lời Chúa cho riêng chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ mất Lời Chúa. Hạt giống không phải được tạo ra để nằm trong một góc của bồ lúa, mà là để được nảy sinh trong những cánh đồng và cuối cùng là trên khắp thế gian.
Mỗi người chúng ta tùy theo ơn gọi , địa vị, chức vụ và khả năng, đều được Chúa mời gọi lãnh nhận sứ vụ rao giảng Lời Chúa, như hạt giống được gieo vào hồn chúng ta, như sức sống nuôi dưỡng làm cho triển nở tới thời sung mãn, để rồi sau đó lại phải gieo rắc sự dư tràn đó vào lòng những người khác. Đó là sứ mạng Chúa ủy thác cho mỗi người chúng ta phải chu toàn.
Truyện: Rao giảng bằng cuộc sống.
Khi một người ra đi gieo Lời Chúa, người ấy không biết rõ việc mình đang làm và kết quả của hạt giống đó sẽ ra thế nào thì ông H.L. Gee đã thuật lại cho chúng ta câu chuyện sau đây:
Trong xóm đạo của ông, có một cụ già cô độc tên là Tôma. Cụ thọ hơn bạn bè của cụ nên không còn ai biết cụ nữa. Khi cụ Tôma qua đời, ông Gee nghĩ rằng không ai đi đưa đám cụ nên ông quyết định đi để còn có người đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không có ai đi đưa cả, hôm đó trời lại mưa dầm ướt lạnh. Khi quan tài đến nghĩa trang, có một quân nhân đứng ở cổng chờ, đó là một sĩ quan nhưng trên áo mưa không thấy quân hàm. Quân nhân đó đứng bên huyệt dự lễ an táng. Xong lễ, ông ta tiến đến bên huyệt đưa tay lên chào theo nghi thức dành cho một vị vua. Rồi ông Gee và quân nhân đó ra về.
Khi họ đang đi, gió thổi bật cái áo mưa của vị sĩ quan và ông Gee thấy quân hàm của ông ta, quân hàm thiếu tướng. Vị sĩ quan nói với ông Gee:
- Có lẽ ông ngạc nhiên không hiểu tôi làm gì ở đây. Nhiều năm trước đây cụ Tôma là giáo viên dạy giáo lý ở trường tôi. Tôi là một thằng bé ngỗ nghịch và là một thứ gai nhức nhối cho cụ. Cụ không hề biết cụ đã làm gì cho tôi nhưng cả đời tôi mang ơn cụ, và hôm nay tôi phải đến để nghiêng mình chào tiễn cụ lần cuối.
Ông Tôma không biết được việc mình đã làm, không một giáo sư hay nhà truyền giáo nào biết được. Công tác của chúng ta là gieo ra không chút nản lòng và phần còn lại hãy để cho Chúa định liệu.
Khi một người đi gieo giống, anh ta không thể và không được trông đợi có kết quả tức khắc. Trong thiên nhiên, sự tăng trưởng không bao giờ vội vã, phải mất một thời gian dài để hạt giống đơm bông kết trái, và có thể còn phải mất thời gian dài hơn nữa để hạt giống nảy mầm trong lòng người.
Chúng ta tin chắc rằng hạt giống Lời Chúa có sức tăng trưởng phi thường trong những môi trường thuận lợi. Công việc chúng ta là gieo, cứ gieo rồi để hạt giống mọc lên và khi đã mọc lên thì phát triển mạnh mẽ để sinh hoa trái dồi dào
Truyện: Hạt giống bông lau.
Trong số những vị anh hùng xây dựng Hợp chủng quốc, phải kể đến Benjamin Flanklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn sĩ, nhà ấn loát và xuất bản ; lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, thương gia và nhà ngoại giao. Một hôm, ông nhận được món quà từ Ấn độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất cả đều đem gieo và chẳng bao lâu, Hoa kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin Franklin đã có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.
Sau khi đã tìm hiểu lời Chúa, chúng ta phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả, muốn cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường xuyên và kỹ lưỡng như người nông dân luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng vất vả cầy bừa, diệt cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống, càng đem lợi ích cho cuộc đời chúng ta.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam