Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1367337

HÃY LÀ MỤC TỬ CHO NHAU

 

HÃY LÀ MỤC TỬ CHO NHAU

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Nguyên)

Hằng năm, cứ vào Chúa nhật 4 Mùa Phục sinh, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu trong vai trò Người Mục tử chăn dắt đoàn chiên. Hôm nay, hình ảnh Người mục tử biết từng con chiên, lo lắng và chăm sóc cho từng con chiên được khắc hoạ rõ nét qua chính lời Chúa nói trong tin mừng chúng ta vừa nghe: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên tôi biết tôi”. Thật là hạnh phúc cho cuộc đời chúng ta, vì Chúa biết từng người chúng ta. Chúa lưu tâm đến từng hoàn cảnh của chúng ta. Chúa còn bao bọc chở che chúng ta bằng biết bao ơn lành hồn xác. Sống dưới sự chăm sóc của Chúa, chúng ta không chỉ hạnh phúc ở đời này mà còn hạnh phúc cả đời sau: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong”.

Nếu mục tử Giêsu biết chiên của Ngài, yêu thương chiên đến nỗi nên một với nó và hiến mạng vì nó, thì mỗi người Kitô hữu cũng phải có trách nhiệm liên đới với anh chị em mình trong mọi nỗi niềm và cảnh ngộ của cuộc sống. Bởi mỗi người chúng ta qua bí tích rửa tội, đều lãnh nhận sứ mạng mục tử của Chúa trong nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ anh em mình.

Vì thế, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Là cha mẹ, chúng ta hãy quyết tâm trở nên mục tử Giêsu cho con cái. Hãy biết đến con cái bằng trái tim để cảm thông và yêu thương. Chúng ta sẵn sàng đổ bao mồ hôi nước mắt để nuôi con lớn lên trong thân xác, trong tri thức, nhưng mấy cha mẹ thực sự dám hiến cả đời sống để con cái lớn lên trong tình mến Chúa yêu người. Chúng ta hãy nhớ điều này: Đức tin và tình mến Chúa yêu người không thể đến với con cái chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc sống của cha mẹ từng ngày dám sống theo Lời Chúa, dám hiến mình vì hạnh phúc của gia đình, dám đặt nỗi khao khát tìm Chúa trên mọi giá trị khác như tiền bạc, thú vui thì cha mẹ mới có thể làm cho con cái thấm nhuần lòng tin yêu Chúa và tình mến tha nhân. Cách sống ấy không chỉ làm nên cái đẹp của đời những đứa con mà còn làm rạng ngời cuộc đời của chính cha mẹ và còn có khả năng khơi dậy ơn gọi dâng hiến nơi tâm hồn con cái. Đó là lúc cha mẹ đang dành cho con cái tình yêu của Mục tử Giêsu.

Là thầy cô, chúng ta hãy trở nên những mục tử của học trò khi biết yêu thương và hết lòng truyền đạt cho học trò không chỉ những tri thức, mà còn giúp các em sống thực như những con người lương thiện, tử tế, nhân ái bằng chính gương quên mình phục vụ, yêu thương chăm sóc từng học trò trong tình yêu của mục tử Giêsu. Có lẽ thật lý tưởng. Nhưng nếu chúng ta không nuôi một lý tưởng cao đẹp như thế trong tâm hồn thì làm sao chúng ta có được một cuộc sống đẹp trong đời thường. Nếu chúng ta không nuôi một ước mơ lớn trong con tim của mình, làm sao chúng ta có được một tấm lòng vàng. Ước gì có nhiều thầy cô Công giáo, quên đi cái bệnh thành tích của xã hội hôm nay, để ôm ấp khát vọng dẫn dắt các em đi vào con đường lương thiện, xả kỷ và yêu thương.

Là các bạn trẻ, đặc biệt các công nhân, chúng ta hãy nâng đỡ bạn mình trong công việc, trong khó khăn, trong đơn côi vì xa gia đình. Hãy thúc đẩy nhau sống đức tin, dẫn nhau đến với Chúa ngày Chúa nhật, tham gia những sinh hoạt của giáo xứ. Trong tình yêu, với nạn sống thử trước hôn nhân, hãy can đảm gìn giữ nhau trong sáng theo luân lý Kitô, hãy giúp nhau vun đắp những đức tính cần thiết cho gia đình tương lai của mình. Đó là cách chúng ta trở thành những mục tử Giêsu của nhau.

Ước gì qua thánh lễ này, xin Chúa cho chúng ta biết noi gương bắt chước Chúa để trở nên mục tử nhân lành trong gia đình, trong xứ đạo, trong khu xóm, trong môi trường mà chúng ta đang làm việc và sinh sống, để cuối cùng tất cả được sống trong cùng một đàn chiên duy nhất của mục tử Giêsu.

Chúa nhật hôm nay cũng được Giáo hội chọn làm Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Hiệp ý với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu xin cho Giáo hội có nhiều mục tử nhân lành hết lòng dấn thân phục vụ vì đoàn chiên. Chúng ta hướng đến các bạn trẻ và cầu nguyện cho họ quảng đại đáp lại lời mời mọi của Chúa để dấn thân và phục vụ Chúa trên con đường dâng hiến. Xin cho các bậc cha mẹ ý thức và biết xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn cầu nguyện và yêu thương, để trở thành vườn ươm ơn gọi cho thế giới hôm nay. Amen.

 

68.Chúa chiên lành.

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi cho chúng sự sống đời đời.

(Lấy từ dụ ngôn: mỗi sáng người mục tử cất tiếng gọi, chiên nghe tiếng, biết tiếng chủ chăn mình và đi theo để được dẩn tới đồng cỏ xanh và suối nước mát, được ăn uống no nê và được sự sống dồi dào).

Còn Chúa Giêsu thì không có chiên cũng không hề chăn chiên. Người được Chúa Cha sai làm Đấng cứu độ của cả loài người như là chăm sóc đoàn chiên (theo hình ảnh văn hoá do thái). Người đã phục vụ và hiến mạng sống để có ơn cứu dộ cho nhiều người. Người đã chịu chết để làm chứng cho sự thật, không thỏa hiệp với thế gian. Người đã nêu gương can trường không lui bước trước bất cứ đe dọa nào.

Chúa Giêsu là Mục Tử tốt. Cũng phải có đoàn chiên tốt. Và đây là một trong những giới hạn của ơn cứu độ phổ quát mà theo nhiều người là 'phổ quát' thì phải cứu được hết không một ai bị loại trừ. Chiên tôi thì:

1/ Nghe tiếng tôi: Biết và vâng theo. Phải học Lời Chúa mới biết tiếng Chúa Giêsu và biết chính Chúa Giêsu và còn phải vâng theo nữa. Có người có học biết giỏi lắm, có bằng tiếng sỉ Kinh Thánh mà không vâng theo giống như người do thái xưa.

2/ Tôi biết chúng: ám chỉ người do thái xưa. Chúa Giêsu biết họ không có thiện ý, không tin, đeo theo xin dấu lạ. Chúa Giêsu biết rỏ ai là tín hữu ai không. Không phải cứ xưng nầy nọ là được.

3/ Theo tôi: điều kiện rỏ ràng, theo hay không theo. Theo thì được bảo vệ (không ai cướp chúng khỏi tay tôi vì tôi và Cha tôi là một mà Cha là lớn hơn hết.

4/ Theo thì 'tôi ban cho chúng sự sống đời đời' cũng có nghĩa là không theo thì không ban, không có, không được cứu độ.

Giáo Hội kêu gọi: dùng ngày hôm nay để đặt biệt quan tâm tới giáo sĩ và tu sĩ.

1/ Cầu nguyện: Trước hết cậy nhờ vào ơn Chúa. Nhưng có một số việc tích cực đang chờ đợi chúng ta để công việc của Chúa Chiên Lành được kết quả.

2/ Hợp tác với các Mục tử đang công tác nhất là với các vị gặp nhiều khó khăn trong công tác mục vụ của mình, đừng để các ngài bị cô đơn, giúp đở khi các ngài cần giúp đở, nếu chúng ta muốn có nhiều mục tử tốt như lòng Chúa Giêsu mong ước.

3/ Các cha mẹ biết hướng dẩn con mình và dám hy sinh cho con dù là con một dâng mình theo ơn Chúa gọi làm linh mục hay tu sỉ. Không phải Chúa ban ít ơn gọi mà là ít người chịu sẳn sàng hy sinh đáp lại ơn Chúa gọi và sự chờ mong của Chúa.

4/ Điều tích cực hơn hết là mọi người hãy ý thức mà ham học Lời Chúa vì đây là chìa khoá vạn năng giải quyết tất cả mọi vấn đề vì muốn biết tiếng Chúa để nghe và theo thì phải học. Không học thì không biết làm sao nghe và theo được.

Trào lưu thế tục hoá làm cho con người hiện tại chạy theo hưởng thụ những cái mà thế giới văn minh cung cắp cho họ, không còn nhiều người thích đi tu nữa, có đi tu thì cũng muốn đem tinh thần thế tục hưởng thụ vật chất vào nhà tu. Khủng hoảng cả về số và luợng tu sỉ và linh mục ngày càng trầm trọng. Chúng ta cầu nguyện nhưng cũng đừng quên tích cực góp phần của mỗi người chúng ta tùy thiện chí và khả năng của mỗi người thì mới hy vọng có thêm nhiều mục tử tốt như lòng Chúa Giêsu mong ước.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta nhiều mục tử NHÂN DŨNG.

 

69.Mục tử 3D

Chúa Giêsu khẳng định: "Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên". Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:

- Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.

- Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.

- Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài (Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15, 13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt (Ga 10,9.16).

Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 50 viết: "Các ơn gọi linh mục và tu sĩ được phát sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, và nhờ vào cuộc trao đổi chân thành riêng tư với Ngài, người ta đi đến chỗ đón nhận ý muốn của Ngài. Do đó, cần phải lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, nghĩa là tăng trưởng sâu xa mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu, bằng cách lắng nghe tiếng nói của Ngài được vọng lên trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Tiến trình này giúp chúng ta đón nhận lời mời gọi của Chúa, có thể phát sinh nơi cộng đoàn Kitô hữu biết sống đức tin cách mãnh liệt, quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nhiệt thành truyền giáo đến độ quên mình vì Nước Thiên Chúa, siêng năng nhận lãnh các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và chuyên chăm cầu nguyện".

Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha đã chủ toạ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Thánh địa Lavang.

Sau đại lễ, ĐHY Ivan Dias đã gặp gỡ các Giám Mục Việt Nam trong một tiếng đồng hồ để chia sẻ về tình hình cũng như gởi gắm sứ điệp. Về sứ điệp, ngài mời gọi tất cả Giám mục chia sẻ lại cho các linh mục, chủng sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về Giáo Hội. 3 Chữ D là: Doctrine, Discipline, Dévotion.

1. Doctrine, về giáo thuyết. Mỗi Linh mục hôm nay được mời gọi nắm vững giáo lý Giáo hội Công giáo, giáo huấn Giáo hội, học thuyết xã hội của GHCG, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, thì trong cách ứng xử một Linh mục ở tại giáo xứ nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực và nếu như cả một Giáo hội mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa Giáo hội đến chỗ không cứu vãn được. Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về Giáo hội Trung Quốc? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu Giáo hội không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của GHVN ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ. Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là GHCG, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.

2. Discipline, về kỷ luật. Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các Giáo hội phương Tây. Vấn đề Linh mục lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của Giáo hội, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Hiện nay ở nhiều địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời. Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống Linh mục là một cách để giúp Linh mục một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng viện, chắc chắn các chủng sinh đều thuộc lòng câu: Ai sống theo kỷ luật là sống theo ý Chúa, và sau này trên bước đường lớn hơn, Linh mục vẫn thường được nghe nhắc nhở: hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình. Cho nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời Linh mục cũng gắn bó với luật lệ của Giáo hội cách khít khao.

3. Dévotion, lòng đạo đức sốt sắng. Ở đây theo như lời chú giải của ĐHY Dias, thì nó gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: tràng hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già... nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh. Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi Linh mục không nên xem thường. Tất nhiên không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh. Một Linh mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Lần hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng Linh mục trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh mục được vươn lên, được thăng tiến. (x. Huấn từ khai mạc Tĩnh tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết, ngày 10.1.2011, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Trở nên mục tử tốt lành nhờ biết trau dồi giáo thuyết Kinh Thánh (Doctrine), sốt sắng trong lời cầu nguyện gắn bó với Chúa Giêsu (Dévotion) và có tinh thần kỷ luật trong đời sống tu trì (Discipline).

Mục tử tốt lành là phải luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên,yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Ơn gọi Linh mục Tu sĩ chính yếu là để "sống với Chúa, và để Ngài sai đi” (Mc 3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.

Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ, như học sinh cần thầy cô giáo, như một người bạn sẵn sàng cảm thông chia sẻ vui buồn trong đời sống và như người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục có những đức tính tốt của những Mục Tử tốt Lành mà Thánh Kinh đã mô tả:

- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" (Is 40, 11).

- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" (Mt 18, 12-13).

- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" (Ed 34, 14).

- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23, 1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23, 4).

- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" (Ed 34, 16).

- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" (Dc 9, 16).

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Tốt Lành, xin ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa để góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá và thông truyền đức tin Kitô giáo trong thời đại hôm nay Amen.

 

70.Chủ chăn đượm mùi chiên

(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)

Sau năm 1954, noi theo gương vị Mục Tử Nhân Lành, cha già Phêrô Doãn Quang Ngọc (1902–1995) đã thốt lên: “Vì yêu giáo dân mà tôi ở lại miền Bắc.” Sau hiệp định Genève, các linh mục ở lại miền Bắc lúc đó, phải chấp nhận cảnh đấu tố, giam cầm. Cha bị giam mấy tháng ở chuồng trâu của một người lương dân xóm Hồng Sơn, xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Rồi bị đấu tố ở Chiêu Ứng, sau đó còn bị điệu đi Đồng Xa, Đại An, Trù Mật để cho chính những người đã được cha già cưu mang, vu oan cáo vạ! Thế nhưng sau vụ đấu tố đó, những giáo dân này vẫn được cha già yêu thương, tin dùng và nâng đỡ. Có người hỏi: “Sao cha vẫn dùng họ?” Ngài trả lời: “Họ nhẹ dạ, họ mắc mưu, chấp làm gì!”

Một số cha trẻ di cư vào Nam, một số cha già được Chúa gọi về dần, các chủng viện bị đóng cửa, các giáo xứ dần dần vắng bóng chủ chăn. Cha già Phêrô Doãn Quang Ngọc là cha xứ Chiêu Ứng, nhưng đồng thời phải coi sóc giáo dân tận Lào Cai, Sapa, cách xa ba bốn trăm cây số, trong khi phương tiện đi lại chỉ là một chiếc xe đạp Super Globe. Vào những năm cuối đời, dù đã tám chín mươi tuổi, cha Phêrô vẫn còn phải coi sóc thêm những giáo xứ như Phi Đình, Trù Mật, Vân Thê,… trên mười ngàn giáo dân.

Coi sóc nhiều như vậy, cha già không những đến dâng lễ, ban các bí tích, mà còn lo xây dựng đức tin và cơ sở vật chất nữa. Tất cả những nơi cha già coi sóc đều được chính ngài đứng lớp, ôn thi kinh bổn, giáo lý, mỗi năm hai kỳ vào dịp Lễ Phục sinh và Lễ Các Thánh.

Các hội đoàn như Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Thánh Phêrô, Hội Thánh Antôn,... do ngài thành lập vẫn sinh hoạt đều đặn. Riêng nơi cha già trông coi, các cuộc rước hoa, rước Thánh Thể vẫn tổ chức rất long trọng. Các nơi thờ tự trong địa bàn cha già coi sóc vẫn được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới, trong khi tại các xứ khác bị phá hủy, hoặc không được tu sửa.

Với tinh thần quảng đại, tha thứ và yêu thương phục vụ, cha già Phêrô còn tích cực hỗ trợ nhiều nơi xây dựng trường sở rộng rãi cho con em học văn hóa, như trường phổ thông cơ sở Sơn Cương, trường Ninh Dân thuộc huyện Thanh Ba, trường Văn Lung thuộc thị xã Phú Thọ. Những gia đình nghèo khổ luôn được cha quan tâm: cha giúp họ tiền đong gạo, cha không nhận bổng lễ khi họ đến xin lễ. Suốt đời cha không sắm cho mình một vật gì sang trọng; cha thường nói: “Chúa Giêsu sống nghèo, tôi cũng sống nghèo; Chúa Giêsu bênh vực người nghèo, tôi cũng đi với người nghèo.”

Nói đến tinh thần kỷ luật của cha già là phải nói đến việc giữ giờ giấc: giờ ăn, giờ nghỉ, giờ làm việc trí óc, giờ lao động chân tay, giờ dâng lễ, giờ cầu nguyện; sáng, trưa, tối, mùa hè oi bức cũng như mùa đông giá lạnh, không khi nào cha sai giờ. Điều đáng khâm phục là khi ngài báo giờ lễ ở một nơi nào, dù xa xôi (như Đồng Xa, Trù Mật) mà không thể đi xe được vì thời tiết quá xấu, ngài quàng áo mưa, chống gậy đi bộ cho kịp giờ đã định. Và cũng có thể nói, trừ những tháng bị giam giữ năm 1954, ngài đã không bỏ một thánh lễ nào. Sáng ngày 28 tháng 11 năm 1995, ngài dâng thánh lễ cuối cùng, sau đó thấy mệt, tuy được các y bác sĩ điều trị, nhưng tối hôm đó ngài đã an nghỉ trong Chúa. (Gp Hưng Hoá)

Linh mục Phêrô Doãn Quang Ngọc thấm nhuần thiên chức, đã can đảm sống cho, sống vì và sống với đoàn chiên, để tận tuỵ chăn dắt và chăm lo các bổn đạo. Chúng ta thành tâm biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa đã ban tặng một chủ chăn tốt lành. Đồng thời ca ngợi, tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, đã ưu ái dân Người.

Trong Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh hôm nay, Chúa Chiên Lành tha thiết mời gọi tất cả con chiên khắp nơi trung kiên đi theo. Người biết rõ từng khuôn mặt, tên tuổi, cũng như tính tốt lẫn thói hư tật xấu của từng con chiên. Dầu bạc nhược, bệnh hoạn, yếu đuối, tất cả cũng đều được Người ân cần an ủi, băng bó, vỗ về, phục hồi và ban sự sống, nếu biết nghe và theo Người.

Chiên nghe và theo

"Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta.” Nghe Lời Chúa là môt diễm phúc, một ơn phước, không phải ai cũng được hân hạnh được lãnh nhận, dẫu quyền cao chức trọng mấy đi nữa cũng chẳng được biệt đãi, như thói đời. “Vì chưng Ta bảo các ngươi, nhiều tiên tri và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều các ngươi thấy, nghe điều các ngươi nghe, mà đã không được nghe." (Lc 10, 24)

Hơn nữa, nghe lời Chúa còn là một đặc ân cứu rỗi.“Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.” (Ga 5, 24) Bởi vì Lời Đức Giêsu bắt nguồn từ chính Thiên Chúa Cha. “Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói." (Ga 8, 26)

Nghe Lời Chúa và theo Chúa chính là thực hành những điều Người dạy, mới thuộc về Thiên Chúa, về đàn chiên Người chăn dắt và chăm sóc. “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa." (Ga 8, 47) Đức Giêsu còn tái khẳng định một vĩnh phúc, một niềm hy vọng vĩ đại cho con người. “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." (Ga 8, 51)

Chủ Chăn nói và biết

“Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.” Lời Chúa luôn mời gọi từng người, từng ngày, từng phút giây trong đời. Phúc thay cho ai luôn biết tỉnh thức, lắng nghe và đáp lại Lời Chúa.

Không bao giờ cạnh tranh, chen lấn, đua đòi, kèn cựa, trong cơn bão truyền thông hiện đại, Lời Chúa thường chỉ âm thầm, lặng lẽ văng vẳng trong thinh lặng, trong cõi cô tịch hiu quạnh, trong hoang mạc vắng vẻ, trong đêm thâu trầm lắng canh thức. Như thầm thì qua lương tâm, khuyên nhủ qua những vị chủ chăn nhân lành, nhắc bảo qua các đấng sinh thành đạo đức, tâm tình chia sẻ qua những thân bằng quyến thuộc khôn ngoan theo Chúa. Nhưng công khai, tỏ tường và trường cửu hơn cả, Lời Chúa rất minh bạch, rõ ràng, rạng ngời, sáng chói trong Kinh Thánh, Tông truyền và giáo huấn Hội Thánh. Lời Chúa vốn là sự thật, là chân lý bất biến, bất diệt, mãi hợp lý, hợp thời mọi lúc mọi nơi.“Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi!" (Mc 13, 31)

Qua suốt ba mươi ba năm nhập thể, Đức Giêsu đã trải qua hầu hết gian nan, khốn khổ, cực nhọc của kiếp người. Nhất là qua cuộc khổ nạn và chịu chết tức tưởi trên thập giá, Người đã cảm thông, thấu hiểu được tất cả nỗi khổ đau của nhân loại, nỗi cùng cực của người công chính, đạo đức, nhân ái, tử tế. Người chẳng còn lạ gì thói giả hình, thói điêu ngoa, ngậm máu phun người, thói kiêu căng, hãnh tiến, háo danh, hống hách, thói tráo trở, háo lợi, bất nghĩa, bất tín, bất trung, vì chính Người từng là nạn nhân. Nên Người luôn mời gọi những tâm hồn gian khổ, đày đoạ, hãy đến với người an ủi, che chở và cứu rỗi: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gồng gánh nặng nề. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các con sẽ được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30)

Hơn nữa, Chủ Chăn Nhân Lành còn quan tâm, chăm sóc, còn hiểu thấu đáo đến từng con chiên. Dù lạc mất một con chiên, Người cũng đành bỏ lại chín mươi chín con ngoài đồng hoang, mà ráo riết, vội vã, đi tìm về cho bằng được. Tìm được rồi, Chủ Chăn hoan hỷ, mừng rỡ mời láng giềng đến chung vui.“Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn!” (Lc 15, 5-7)

Chủ Chăn bảo vệ và ban sự sống

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” Chủ Chăn còn là cửa chính, nẻo ngay, đường duy nhất dẫn đến ơn cứu độ. Con chiên vâng lời, nghe theo sẽ no thoả trong đồng cỏ xanh tươi. Người luôn chăm sóc, bảo vệ khỏi mãnh thú hung ác, bạo tàn, vì “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên.” Người đã thực hiện đúng như lời đã hứa: Chịu khổ nạn và chịu chết để chuộc tội nhân loại, cho con người khỏi bị án phạt, mà được sống viên mãn.

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy.” Những người chăn thuê, mạo danh chủ chiên, hay sói đội lốt chiên, lòng dạ ác độc, chẳng khác kẻ trộm cướp, chỉ vì lợi danh, đến lạm dụng, xén lông, làm thịt, chia rẽ, nghi kỵ, phân hoá, làm tan tác cả đàn chiên. “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn,vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên.”

“Lãnh đạo phải trở nên mọi sự cho mọi người, trong bất cứ trường hợp nào, chấp nhận mọi thứ công việc, nhọc mệt, chống đối và khi cần phải hy sinh cả mạng sống con để mưu ích cho đoàn thể, nhưng đừng bao giờ làm giảm sút sự lo lắng cho chính linh hồn con.” (Đường Hy Vọng, số 881)

Lạy Chúa Giêsu, Vị Chủ Chăn Nhân Lành, xin luôn mãi gọi tên chúng con, luôn thức tỉnh chúng con khỏi sa chước cám dỗ hoang đàng, khỏi những phù phiếm lợi danh thế gian, khỏi thói vị kỷ, chiều chuộng, dễ dãi, o bế thân xác yếu đuối. Xin dẫn dắt, giúp đỡ, khích lệ chúng con dấn thân, vác thập giá hằng ngày, kiên trung theo Chúa trên đường hy vọng đầy chông gai thách thức.

Xin Mẹ Maria rất thánh thương ban cho chúng con những vị Chủ Chăn Nhân Lành, đến yêu thương dạy dỗ, hướng dẫn, chăm sóc, che chở chúng con được bình an và được sống viên mãn. Amen.

 

71.Chiên nghe theo chủ chăn

(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)

Theo một tư liệu mới được tìm thấy, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhà soạn nhạc người Anh nổi tiếng Gustav Holst (1874-1934) thường chơi kèn trombone, khi từ London trở về nhà ở Cheltenham. Lúc đó Holst đang là sinh viên của Trường Âm nhạc Hoàng gia Anh và do quá nghèo, không có tiền mua vé tàu hỏa, nên phải đi bộ về nhà. Ông thường tập kèn mỗi khi đi qua cánh đồng, vì nghĩ rằng nơi đó vắng vẻ, không làm phiền tới ai.

Có lần Holst mải mê “biểu diễn” trên một quả đồi ở Cotswold trong vài tiếng và bị một nông dân tìm tới mắng mỏ, rằng tiếng kèn “như còi tàu hỏa” đã làm con cừu của ông ta đẻ non. (Internet)

Cừu, hay chiên (Ovis aries) là một trong những loài gia súc được con người thuần hóa sớm nhất để lấy lông, thịt, sữa, mỡ và da. Đàn cừu trên thế giới hiện nay là trên 1 tỷ con. Cừu là loại dễ tính, có thể ăn các loại cỏ khô cằn, ưa khí hậu khô, không chịu ẩm ướt.

Bài Tin Mừng thánh Gioan hôm nay chỉ gói gọn trong ba câu thật ngắn ngủi, súc tích, sâu sắc và thấm thía. Chúa Giêsu là Mục tử chăm sóc đàn chiên dân Chúa.

Vốn hiền lành, dịu dàng, nên chiên hay bị thú dữ đe dọa, nhất là chó sói hung bạo. Vì vậy, thính giác loài chiên rất phát triển để củng cố bản năng sinh tồn. Do đó, con chiên có thể nghe được nhiều cách khác nhau.

Con chiên nghe mùi

Hương vị đặc trưng của đoàn chiên giúp con chiên dễ nhận ra nhau. Đồng thời cũng dễ dàng nhận ra chủ chăn thân thương, gần gũi qua mùi cố hữu đó. Dĩ nhiên chủ chăn phải thực sự sống cùng, sống với và sống cho đoàn chiên, thì mới nồng nàn đượm mùi chiên. Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô, hôm Lễ Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh 28/3/2013, cũng nhấn mạnh: “Cha mời gọi các con điều này: Các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên!”

Mùi chiên của người mục tử nhân lành tỏa ra từ thái độ, lời nói, hành động chan chứa tình cảm trìu mến. Phong cách, suy tưởng, tình cảm và quan điểm của chủ chăn đều bộc lộ trực tiếp, hay gián tiếp mỗi khi gần gũi đàn chiên. Nếu là kẻ chăn thuê thì chỉ tanh tưởi mùi bạc, ngầy ngậy bơ sữa bổng lộc chức tước. Nếu là kẻ chăn giả mạo thì nồng nặc tà khí man trá, lạnh lẽo, lưu manh. Con chiên tuy hiền lành, nhưng rất bén nhạy đánh hơi xem mùi thân thuộc, hay lạ, dễ dàng tìm ra chủ chăn chính đáng nhân lành hay kẻ chăn thuê, hoặc giả mạo.

Chúa Giêsu còn ân cần nhắc nhở, cảnh báo: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, không thiết gì đến chiên.” (Ga 10, 12-13)

Con chiên nghe thấy

Không chỉ nghe mùi, con chiên còn nghe thấy chủ chănâu yếm gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng đã nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (Ga 10, 3-5) Như thế, con chiên còn nhận biết chủ chăn qua nếp ứng xử, qua sự chăm sóc tận tụy, vì chủ chăn biết rõ tên tuổi, cá tính, sức khỏe, nhu cầu và tâm trạng từng con chiên.

Chứng kiến sự tận tâm, hy sinh, con chiên mới gắn bó, yêu thương chủ chăn. Mà không nỡ đi theo người lạ, kẻ gian hay người làm thuê. Nếu con chiên lỡ ham vui, đi hoang lạc bầy, thì chủ chăn nhân lành cũng vẫn bỏ 99 con chiên ở lại, để đi tìm cho bằng được một con chiên bị lạc.

Vì thuộc về chủ chăn nhân lành, con chiên cảm nhận được sự ưu ái cụ thể, như xua đuổi sói dữ, băng bó, chữa lành thương tích, ôm ấp vác lên vai, dẫn dắt về tận chuồng trại nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Con chiên nghe tiếng

Không chỉ ban ngày, mà ngay đêm khuya thanh vắng, con chiên vẫn văng vẳng nghe tiếng chủ chăn tâm tình, dỗ dành, vuốt ve, an ủi, căn dặn, dạy dỗ. Thậm chí còn hy sinh vì đoàn chiên.” Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10, 14-15)

Đắm mình trong suy tư, cầu nguyện, con chiên có thể nghe tiếng Chủ Chăn nhân lành qua Lời Chúa, qua Thánh Kinh, và các dấu chỉ chung quanh. Đây chính là động thái tích cực của con chiên để hiểu và nghe theo Chủ Chăn. Một sự hợp tác cần thiết phải có, để con chiên nghe được tiếng chủ chăn bảo vệ, hướng dẫn đến dồng cỏ xanh non, suối mát dịu ngọt.

Con chiên luôn cần tỉnh thức đế lắng nghe Chủ Chăn gọi. Như xưa kia ngôn sứ Samuen đang ngủ, nghe tiếng gọi của Thiên Chúa ba lần, nhưng đã không nhận ra, cho đến khi được thầy tư tế Êli hướng dẫn. (I Sm 3:1-10).

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tời dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính,

vì danh dự của Người. Lạy Chúa,

dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Người bảo vệ, con vững dạ an tâm.(Tv 23)

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa chúc lành đặc biệt cho các vị lãnh đạo của Giáo Hội Chúa. Xin giúp chúng con bỏ qua những lỗi lầm của họ để nhận ra con người thực của họ: là các dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. (Lm. Mark Link, SJ)

Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn nhớ Mục Tử Nhân Lành đã hy sinh chịu chết vì đoàn chiên. Xin Mẹ cho con nhận ra tình thương cao cả và nhắc nhủ con luôn sống xứng đáng với tư cách con chiên của Người.

 

72.Cha mẹ trong vai trò mục tử

Thánh Gioan đã trình bày cho chúng ta thấy hình ảnh người mục tử, một người mục tử biết từng con chiên của mình, sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên và làm cho chiên không bao giờ phải diệt vong nhưng được sống dồi dào.

Khi dùng hình ảnh người mục tử sẵn sàng hy sinh đời mình cho đoàn chiên, Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta biết chính Ngài là mục tử nhân lành, hiến trọn đời mình cho chúng ta là đoàn chiên của Ngài. Thông thường khi nghe nói tới hai chữ mục tử, chúng ta thường nghĩ đến nhiệm vụ của các Giám Mục và các Linh Mục. Nhưng hôm nay, tôi muốn nói cho moi người biết thêm một thành phần khác cũng được chia sẻ sứ vụ mục tử nữa, đó là những người chúng ta, là những bậc làm cha làm mẹ trong gia đình, phải là mục tử nhân lành, hết tình thương yêu lo lắng chăm sóc cho đoàn chiên là những đứa con của mình.

Ở Việt Nam và nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long hình ảnh người mục tử chăn chiên rất là xa lạ với chúng ta, nhưng có lẽ hình ảnh người chăn vịt lại gần gũi và quen thuộc với chúng ta hơn. Người chăn vịt thì lúc nào cũng tìm những nơi có mồi như là cá, tép, ốc, cua.... để đưa vịt tới đó. Chưa hết đâu, người chăn vịt còn phải giữ làm sao đừng để cho vịt bị cáo chồn hay kẻ trộm bắt, rồi còn phải giữ làm sao đừng để cho vịt đi phá lúa hay là phá những ao của người ta. Khi có con vịt nào lạc bầy thì phải đi tìm, khi con nào phạm mồi, ăn phải mồi độc thì phải biết cứu chữa, làm thuốc để giã chất độc mà cứu con vịt đó.

Người chăn vịt là thế, còn chúng ta là những người được Chúa trao phó cho một đàn chiên, hay là một bầy vịt, đó là những đứa con của chúng ta, chúng ta phải chăn giữ chúng như thế nào để chúng có được một cuộc sống tốt đẹp? Hay chúng ta cho chúng ăn những gì để chúng có được một cuộc sống có ý nghĩa?

Bây giờ câu "Trời sinh voi sinh cỏ" không còn thích hợp nữa mà người ta đã nhận ra rằng: sinh con thì dễ, nuôi con thì khó, và dạy con nên người lại càng khó hơn.

Khi sinh con ra, chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn cho con mình được ăn no mặc ấm, ai trong chúng ta lại không thao thức và lo lắng khi con mình bệnh hoạn, rồi khi chúng tới tuổi khôn, ai lại không muốn cho con mình đi học. Chính vì thế, khi sinh ra một đứa con, tôi tin chắc rằng mỗi người đã ý thức việc nuôi dưỡng chúng về phần xác, nhưng còn việc giáo dục thì sao? Trong tinh thần đó, tôi xin nêu lên hai điều cần thiết trong việc giáo dục con cái, và đó như là hai món ăn không thể thiếu trong việc chăn giữ đoàn chiên mà Chúa trao phó cho các bậc cha mẹ.

Món ăn thứ nhất là món ăn nhân bản: là những bậc Cha Mẹ, chúng ta phải giáo dục cho con mình có một số nhân đức căn bản của đạo làm người như: công bằng, trung thực, lịch sự, biết tôn trọng người lớn...

Ca Dao nói rằng: "dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới ve"à. Vì tâm trí của những đứa trẻ giống như một tờ giấy trắng, nếu chúng ta vẽ vào đó hình ảnh nào thì hình ảnh đó sẽ tồn tại mãi trong cuộc đời của chúng, vì thế, nếu vẽ vào đó những đường thẳng, thì xã hội sẽ vẽ vào đó những đường cong, nếu chúng ta không vẽ vào đó những hình ảnh tốt đẹp, thì xã hội sẽ vẽ vào đó những hình ảnh xấu xa ghê sợ. Nếu không vẽ vào đó những đức tính của đạo làm người như lịch sự, công bằng, yêu thương, thành thực... thì xã hội và bạn bè sẽ vẽ vào đó những ích kỷ, những thói hư tật xấu. Vì thế, ngay lúc con mình còn nhỏ mà lưu ý dạy cho chúng những điều này, thì khi chúng lớn lên, chúng sẽ trở thành một con người thực sự, một con người biết yêu thương, biết tôn trọng người khác.

Nhưng làm sao giáo dục con mình có những đức tính nhân bản này, trong khi chúng ta lại không có, làm sao dạy chúng yêu thương người khác khi cha mẹ cứ cự cãi nhau hoài, làm sao dạy chúng trung thực khi cha mẹ lại là kẻ gian lận, làm sao dạy chúng đừng chơi cờ bạc khi cha mẹ lại cờ bạc... cho nên việc giáo dục con mình, đòi hỏi cha mẹ phải có một cuộc sống tốt để làm gương cho chúng.

Và món ăn thứ hai là món ăn đức tin: Khi nhìn thấy những cây kiểng với đủ dáng đủ kiểu, có cây cong bên này, có cây quẹo bên kia rất đẹp. Những cây đó không phải tự nhiên được như vậy, nó phải được cắt tỉa và uốn ngay lúc còn nhỏ. Khi mới đâm tược thì phải lấy dây chì uốn những tược đó theo những kiễu mà mình muốn, cho tới khi cái tược đó già đi thì mới mở dây chì ra, và lúc đó cái cây sẽ giữ nguyên cái dáng kiễu mà mình uốn nó.

Cũng vậy, khi sinh con ra, chúng ta phải định dạng cho chúng một cái dáng về đức tin, nghĩa là cha mẹ phải quyết định cho chúng ngã về bên nào, ngã về đức tin công giáo hay ngã theo chủ nghĩa vô thần, ngã theo đạo công giáo hay những đạo khác. Là những người cha người mẹ công giáo, chúng ta phải cho con mình ngã về đức tin công giáo, chứ không thể ngã theo chủ nghĩa vô thần hay một niềm tin nào khác được. Chính vì thế, khi sinh con ra, cha mẹ phải liệu làm sao cho con mình được rửa tội gia nhập vào đạo công giáo, để chúng có được một đức tin công giáo càng sớm càng tốt.

Như vậy, mỗi người chúng ta chính là người mục tử có bổn phận lo cho đoàn chiên là con cái mình. Có muốn cho những đứa con của mình trở thành những người tốt hay không? Chúng ta là những bậc cha mẹ hãy nhớ lại những lời hứa khi lãnh nhận bí tích hôn phối, khi đứng trước mặt Chúa và hội thánh, chúng ta đã hứa, là sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và hội thánh, nhưng chúng ta có thực hiện lời hứa đó không? Thực hiện tới mức độ nào?

Ước gì tất cả chúng ta là những bậc làm cha mẹ, chúng ta biết ý thức bổn phận và trách nhiệm của mình đối với con cái, để từ đó giáo dục con em mình trở nên một người tốt và trở nên một kitô hữu tốt, nhờ đó, chúng được hạnh phúc ngay ở đời này và ngày sau được hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Amen.

 

73.Chúa Giêsu – Vị Mục Tử Nhân Lành

(Suy niệm của Antôn Lương Văn Liêm)

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27)

Nhận được tin báo Thống soái sẽ ghé thăm đơn vị và dân chúng trong vùng, người chỉ huy đội vệ binh tức tốc triệu tập thuộc cấp chuẩn bị nghênh đón. Một trong những việc chuẩn bị là dọn đường và mở đường.

Thật không may cho đội vệ binh, khi xe của Thống soái gần tới, bỗng dưng một đàn cừu (chiên) độ khoảng vài trăm con đổ xô lên đường. Con đường độc đạo giờ đây bị đàn cừu (chiên) chiếm lĩnh. Người chỉ huy ra lệnh cho thuộc cấp:

- Bằng mọi giá anh em hãy lùa đàn cừu (chiên) rời khỏi mặt đường.

Đội vệ binh dùng đủ mọi cách, kể cả việc dùng súng bắn chỉ thiên để lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường nhưng vô vọng!

Xe của Thống soái ngày càng tiến gần, người chỉ huy đội vệ binh càng hối thúc thuộc cấp của mình, nhưng dường như đàn cừu không màng chi tới những lo lắng của người chỉ huy và đội vệ binh, chúng vẫn nhởn nhơ vui đùa! Xe của Thống soái dừng lại trước đàn cừu. Người đội trưởng đội vệ binh lúng túng chưa biết xử sự ra sao.

Bỗng từ xa tiếng sáo du dương trầm bổng cất lên. Không cần đuổi, chẳng nhọc công, đàn cừu (chiên) hướng tầm nhìn và ùa chạy về phía tiếng sáo. Hân hoan và vui mừng, chúng quây quần bên người mục đồng nhỏ bé đang đứng trên gò đất cao.

Đội trưởng đội vệ binh và thuộc cấp thở phào nhẹ nhõm, họ ngỡ ngàng, thán phục người mục đồng. Vị Thống soái mỉm cười và đoàn xe của ông ta từ từ tiến.

Qua câu chuyện trên, khi người mục đồng cất tiếng sáo du dương, trầm bổng để quy tụ đàn chiên về quanh mình đã làm cho những người trong đội vệ binh thán phục và ngỡ ngàng. Có thể nói, cho dẫu người mục đồng ấy có tài quy tụ đàn chiên bằng ngôn ngữ của sáo, nhưng chắc chắn một điều, người mục đống không thể nào giúp cho đàn chiên thoát khỏi cái chết bởi cái giới hạn của chúng, hoặc bảo vệ đàn chiên an toàn gặp phải hổ dữ hay kẻ trộm mạnh sức hơn mình. Giờ đây dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần ta chiêm ngắ, và noi gương Người Mục Đồng là chính Đức Giêsu Kitô Phục Sinh qua Kinh Thánh.

Như ta đã biết, chiên và nghề chăn chiên là hình ảnh thực tế và gần gũi đối với người Do Thái. Vào thời Cựu Ước, chiên là con vật được dùng vào nghi lễ tạ ơn, hiến tế dâng lên cho Đức Chúa, chiên cũng là thú nuôi đem lại lợi ích cho con người, lông chiên được dùng để kiến tạo nên những tấm khăn, cái áo… Người chăn chiên thường được gọi là mục đồng. Họ là những người chăm sóc đàn chiên, họ thường ở với chiên dẫn đàn chiên đến đồng cỏ, suối nước và bảo vệ đàn chiên khỏi những sói dữ và kẻ trộm. Nghề chăn chiên rất cực và đôi khi phải va chạm với những hiểm nguy để bảo vệ đàn chiên. Vì thế, Kinh Thánh dùng hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người nhân loại.

Trước Chúa Giêsu sinh ra trên dưới 800 năm, Ngôn sứ Êdêkien đã tiên báo: “Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình… Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng… Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt đàn chiên…” (Ed 34,11-23)

Trong thư gửi cho giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu…” (Dt 13,20)

Trình thuật sách Khải Huyền giới thiệu Đức Giêsu là Con Chiên và cũng là thủ lãnh của đàn chiên (x. Kh 7,9-17). Tin Mừng theo Thánh sử Gioan đã trình thuật lời minh định của Đức Giêsu: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong…” (Ga 10,27)

Vâng! Đức Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành. Nhiệm vụ chính yếu Ngài: Chăn dắt, chăm sóc và vỗ về đàn chiên bằng lời nói, hành động; Ngài thân hành đi tìm những con chiên lạc, băng bó và chữa lành những con chiên bị ốm đau và thương tích. Không những thế, Ngài còn chấp nhận hy sinh, chấp nhận chết đi để cho đàn chiên được cứu và được sống muôn đời. Trước khi bước vào cuộc Tử Nạn Phục Sinh và về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành đã hiến chính mình làm thần lương, thần dược nuôi sống và chữa lành đàn chiên, qua việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều Thứ Năm trước Lễ Vượt Qua.

Hướng về Đức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, trước tiên, ta cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã đón nhận ta vào đàn chiên của Ngài, ta cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài ban tặng cho ta Vị Mục Tử Nhân Lành luôn hướng dẫn, dưỡng nuôi ta trong từng phút giây của cuộc sống. Đặc biệt, Ngài hằng bảo vệ ta thoát khỏi nanh vuốt của sói dữ tham mồi, dẫn ta tới đồng cỏ xanh non; đưa ta tới dòng suối mát trong. Không những thế, Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu ấy còn chấp nhận sống khó nghèo, chấp gian khó, khổ đau và cả cái chết để chuộc những lỗi lầm của ta khi vì dại khờ mà ta rời bỏ đàn chiên đi tìm những đồng cỏ lạ, đồng cỏ đưa ta tới sự hủy diệt cả thân xác lẫn linh hồn. Qua cái chết, Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu đã Phục Sinh khải hoàn. Nhờ sự Phục sinh của Ngài mà ta được thông phần vào đời sống bất diệt của Thiên Chúa.

Trong ngày Lễ Chúa Chiên Lành, ta được Giáo Hội mời gọi cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cầu nguyện cho hàng linh mục và tu sĩ. Đây là một công việc rất thiết thực và rất có ý nghĩa. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang thiếu hụt trầm trọng ơn gọi trở thành linh mục, tu sĩ… nhiều nơi đang rất cần sự hiện diện của mục tử và tu sĩ để rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, những buôn sóc anh em dân tộc thiểu số… Cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát, ta hiệp lời cùng với Giáo Hội cầu xin Chúa ban tặng nhiều thợ gặt lành nghề như lời mời gọi của Đức Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, anh em hãy xin Cha sai thợ gặt ra gặt lúa đem về.” (Mt 9,37-38)

Hoà cùng với Giáo Hội trong ngày Lễ Chúa Chiên Lành, ta đồng cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa, trong tâm tình tạ ơn ấy, ta cũng được mời gọi hướng lòng về các vị mục tử, tu sĩ nam nữ và những tâm hồn thiện nguyện với tấm lòng trân quý và cám ơn vì các ngài đã và đang chăm sóc ta trong đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện như lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy quý trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em.” (1 Tx 5,12)

Khi nói về hình ảnh và vai trò của người mục tử, ta thường liên tưởng và coi đó là nhiệm vụ của hàng linh mục xa hơn nữa là của tu sĩ nam nữ. Theo ngôn ngữ của Thánh Phêrô, vai trò, nhiệm vụ mục tử được Chúa ân ban cho hết tất cả những ai thuộc dân thánh như lời ngài viết cho các giáo đoàn thời Giáo Hội sơ khai: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi an hem ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sánh diệu huyền…” (1 Pr 2,9)

Có thể nói, qua Cuộc Tử nạn và Phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu, ta được thông phần vào đời sống, công việc của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu là Mục Tử, Ngài cũng trao ban cho ta chức vụ mục tử sau khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ta được dìm vào ân sủng của Chúa Thánh Thần. Qua ân sủng và chức vụ mục tử ấy, ta có bổn phận, trách nhiệm chăn dắt, chăm sóc và bảo vệ đàn chiên là gia đình, cộng đoàn… Không chỉ là chu toàn bổn phận, trách nhiệm của người mục tử, nhưng qua nhiệm vụ ta được mời gọi trở thành ánh sáng dọi chiếu Tin Mừng cho thế gian theo lệnh truyền Đức Giêsu: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 13,47)

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng Nhân Ái, nhưng cũng rất công minh. Vì thế, khi có ân thưởng thì cũng có luận phạt, còn đó lời cảnh báo, lời hạch tội của Thiên Chúa, Đấng đã ưu ái trao ban cho ta chức vụ mục tử, qua miệng Ngôn sứ Êdêkien: “Đức Chúa là Chúa thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiến đau yếu các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của ta tán loạn và biến thành mồi cho mọi dã thú. Vì thế hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa. Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên của Ta. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta…” (Ed 34,1-10)

Để giúp ta trở thành người mục tử như lòng Chúa ước mong, người mục tử luôn biết quảng đại, hy sinh và hiến thân mình cho đàn chiên, thiết tưởng, không có con đường nào khác ngoài con đường ta chạy đến với Đức Giêsu, Vị Mục Tử Tối Cao, vì Ngài đã phán: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến đây Ta sẽ nâng đỡ, bổ sức cho các con. Các con hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,28)

Lạy Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành! Con cảm tạ Chúa đã chăm sóc con và gia đình con, ngay cả khi con rời bỏ Chúa để đi tìm những đồng cỏ nơi thế gian, thế mà Chúa vẫn yêu thương đưa dẫn con trở về và trao ban cho con chức vụ mục tử.

Xin Chúa dạy và giúp con chu toàn bổn phận mục tử mà Chúa đã trao ban. Xin giúp đời con biến thành những tiếng sáo du dương, trầm bổng để quy tụ đàn chiên mà Chúa trao cho con là người dẫn dắt. Amen.

 

74.Sống tốt ơn gọi được lãnh nhận

Cùng với Giáo hội hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 4 Phục sinh của năm Phụng vụ 2010. Như chúng ta đã biết, vào mỗi Chúa nhật thứ 4 Phục sinh hằng năm Giáo hội tôn vinh Chúa Giêsu với tên gọi: mục tử nhân lành. Chính Chúa Giêsu đã tự xưng mình là mục tử nhân lành - mục tử hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời" (Ga 10, 27 - 28a).

Chúa Giêsu đến trần gian này để hoàn tất chương trình cứu độ con người. Ðó là ơn gọi đặc biệt mà Chúa Giêsu được đón nhận từ Thiên Chúa Cha. Và Người đã hoàn tất ơn gọi ấy thật tuyệt vời.

Chúa nhật hôm nay cũng là ngày mà cả Giáo hội cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ dám đáp lại ơn kêu gọi của Chúa để sống đời sống tu trì. Sống ơn gọi tu trì hầu tận hiến trọn vẹn cho Chúa và cho anh chị em mình.

Nói đến ơn gọi tu trì thì dường như ngày nay nhiều bạn trẻ Công giáo cảm thấy sợ. Có lẽ họ sợ là vì họ chưa dám sống tích cực ơn gọi chung. Ơn gọi chung ấy chính là ơn gọi làm người và ơn gọi làm người con Thiên Chúa. Khi ý thức để sống trọn vẹn được 2 ơn gọi căn bản này, các bạn trẻ sẽ dễ dàng đón nhận ơn gọi sống đời tu trì. Chính môi trường gia đình là những người đầu tiên gieo mầm sống ơn gọi này.

Ðời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi. Ðây là chủ đề của Sứ điệp ơn gọi năm nay của Ðức Thánh Cha Bênêđictô. Trong sứ điệp này ngài đề cập đến ba việc cần làm để trở thành chứng tá khơi dậy các ơn gọi nhất là ơn gọi tu trì.

Ðời sống cầu nguyện là chứng tá đầu tiên. Ðó là một gia đình thường xuyên nhắc nhở nhau đi dâng Thánh lễ nhất là Thánh lễ Chúa nhật. Cũng vậy, trong gia đình ấy mỗi người nhắc nhở nhau đọc kinh hôm kinh mai chung.

Một đời sống tin tưởng và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa là khía cạnh thứ hai trong việc làm chứng tá khơi dậy các ơn gọi. Với tất cả biến cố vui buồn trong cuộc sống luôn biết tìm ra và đón nhận thánh ý Thiên Chúa một cách vui vẻ.

Khía cạnh thứ ba không kém phần quan trọng là biết sống hiệp thông với mọi người. Tự bản chất con người được dựng nên để sống chung, sống cùng, sống với và sống cho người khác. Cho nên, người nào muốn trở thành người thật sự cần sống tốt những điều này.

Mặc dầu, trên đây là những điều căn bản trong việc làm chứng tá khơi dậy các ơn gọi nhất là ơn gọi tu trì nhưng thiết nghĩ đây cũng là điều hết sức cần thiết cho mỗi người tín hữu. Bởi vì, cho dù có đi tu hay không mỗi người chúng ta đều được kêu mời sống trọn vẹn ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa.

 

75.Ta và Cha là một

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

Trước khi Đức Yêsu Phục Sinh hiện ra cho các chị phụ nữ, không ai dám tin Ngài sống lại kể cả các tông đồ. Các tông đồ chỉ tin Chúa Phục Sinh vào buổi chiều ngày thứ nhất ngày Ngài sống lại (Ga.20, 19-24), còn ông Thomas chỉ tin Đức Yêsu phục sinh sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra cho ông tám ngày sau đó (Ga.20, 25-29).

Trước khi Ngài phục sinh, khi còn sống đời dương thế, người ta tưởng Ngài là một vị tiên tri, tối đa là Đấng Kitô Vua. Còn những lời Ngài mặc khải về chân tướng của Ngài thì chẳng ai hiểu, chẳng hạn “Ta và Cha là một” (Ga.10, 30). Khi nghe Ngài nói câu này, người Do Thái lấy đá ném Đức Yêsu: “chúng tôi ném đá ông không phải vì việc tốt ông làm, nhưng vì một lời phạm thượng, ông là người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa” (Ga.10, 33).

Sau biến cố Đức Yêsu Phục Sinh, các tông đồ nhớ lại những điều Đức Yêsu đã nói. Các ông nhận ra Đức Yêsu còn hơn là một vị tiên tri, còn hơn là một Kitô Vua. Ngài là Đấng mà Ngài đã từng mặc khải: Ngài và Cha là một (Ga.10, 30), Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (Mc.14, 62), Ngài có trước Abraham (Ga.8, 57-58), Ngài có quyền tha tội (Mc.2, 5.7). Tất cả các Tin Mừng đều được viết sau biến cố Đức Yêsu chết phục sinh. Sau khi Đức Yêsu chết phục sinh, các tông đồ rao giảng Đức Yêsu Phục Sinh; các Kitô hữu tiên khởi tin vào Đức Yêsu, họ đã hỏi về Đức Yêsu nơi các tông đồ. Những chuyện kể về Đức Yêsu được truyền tụng, và những bản ghi lại chuyện về Đức Yêsu do các tông đồ kể được hình thành. Các sách Tin Mừng đã dùng chất liệu là những chuyện kể truyền khẩu và thành văn để viết sách Tin Mừng. Toàn bộ Tân Ước đều được viết dưới ánh sáng biến cố tử nạn phục sinh. Những lời mặc khải của Đức Yêsu về chân tướng của Ngài, chỉ được hiểu và viết lại sau khi Đức Yêsu đã chết và phục sinh, khi các tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi nhận ra Đức Yêsu còn hơn là một con người.

Đức Yêsu là một con người hoàn toàn, và còn hơn là một con người. Ngài là một với Thiên Chúa, Ngài ngang hàng với Thiên Chúa cùng với Thánh Thần. “Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần” (Mt.28, 19) là niềm tin của các Kitô hữu tiên khởi. Tin Mừng Gioan đã hiểu Đức Yêsu là Lời nhập thể (Ga.1, 14). Bài thánh ca trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Philíp cho thấy niêm tin của Kitô hữu sơ khai: Đức Yêsu phận là phận Thiên Chúa nhưng đã tự hủy mình (Pl.2, 6).

Niềm tin vào Đức Yêsu Phục Sinh biến đổi cuộc đời của Phaolô. Tin vào Đức Yêsu Phục Sinh quả là tin mừng đối với Phaolô và đối với mọi người, nên Phaolô và Barnaba đã được thôi thúc để rong ruổi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh. Cho dù gặp khó khăn, bị chống đối, vất vả gian nan, nguy hiểm đến tính mạng, Phaolô vẫn kiên trì rao giảng Tin Mừng. Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Nếu Đức Yêsu chỉ là một con người, cho dù là tài trí và trổi vượt, thì cũng không đáng để Phaolô phải bôn ba và hy sinh tính mạng để rao giảng. Rao giảng tin mừng, là hành vi giúp con người được cứu độ. Chính vì thế Tin Mừng Đức Yêsu đã thúc bách Phaolô rao giảng. Kể từ khi biết Đức Yêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Yêsu Kitô Chúa tôi, vì Ngài tôi đành mất tất cả để được Yêsu.

Hôm nay là Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, Giáo Hội theo truyền thống cầu nguyện cho ơn thiên triệu làm linh mục tu sĩ. Ngày nay, Thiên Chúa vẫn cần có nhiều người quảng đại xả thân để lo cho dân Chúa trên khắp thế giới. Ngài vẫn kêu gọi con người cộng tác với Ngài, để giúp con người nhận ra Đức Yêsu là tình yêu của Thiên Chúa cho con người, để họ có thể sống bình an hạnh phúc.

Những người thuộc về Đức Yêsu, và đặc biệt là những người sống đời dâng hiến, là những người được Ngài yêu thương một cách đặc biệt. “Đức Yêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian mà đến cùng Thiên Chúa Cha, đã yêu mến những kẻ thuộc về Người còn ở thế gian, thì Ngài yêu thương họ đến cùng”. Sau khi Phục Sinh, Đức Yêsu đã quan tâm săn sóc các tông đồ, đặc biệt khi họ đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì, Ngài đã hiện diện bên bờ hồ để chuẩn bị bữa sáng cho họ. Lời Chúa hôm nay cũng cho những người thuộc về Chúa rất được an ủi: “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga.10, 27-29).

Thánh Phaolô diễn tả cùng một thái độ xác tín mình được Thiên Chúa thương, đến độ Ngài nói: “cho dù sự sống sự chết, thiên thần thiên phủ, hiện tại tương lai, không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (Rm.8, 38-39). Những người được Thiên Chúa yêu thương được bảo đảm sống trong tình yêu của Ngài. Không ai có thể làm gì được họ,ngay cả khi người ta giết họ, thì họ vẫn luôn được ở trong tình yêu của Thiên Chúa.

Đi theo Chúa, không có nghĩa rằng không có thập giá trên đường; tuy nhiên, những người sống đời dâng hiến là những người dõi bước theo sát Đức Yêsu, chấp nhận vác thập giá mình để đi theo Đức Yêsu. Họ được mời gọi để sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Mỗi ngày họ được mời gọi để chết cho mình, với những ý riêng và hy sinh từ bỏ, để họ cũng được hưởng niềm vui phục sinh của Chúa. Nếu họ chưa triển nở và hạnh phúc, e rằng họ đã quên chưa bước theo thầy chí thánh, bằng tự hủy từ bỏ mỗi ngày.

Những người được Thiên Chúa gọi, là để sống với Ngài và để được Ngài sai đi rao giảng. Sống với Đức Yêsu, học theo cách sống của Ngài, để rồi trở thành người mang tin vui bình an tới cho mọi người. Chúng ta cầu nguyện để những người được Thiên Chúa kêu mời quảng đại đáp trả lời Ngài, trở nên những nhà truyền giảng tin mừng, cũng như trở nên những mục tử lo phục vụ dân Chúa. Xin cho những người sống đời sống dâng hiến được sống triển nở và hạnh phúc, để đời sống của họ là lời chứng Thiên Chúa hiện diện và yêu thương.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tại sao các tông đồ tin Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể?

2. Tin Đức Yêsu là Thiên Chúa, con người được gì?

3. Theo bạn, làm sao để có nhiều bạn trẻ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, trở nên mục tử nhân hậu như Ngài hằng ao ước?

home Mục lục Lưu trữ