Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 73

Tổng truy cập: 1364568

HÃY MẶC LẤY ĐỨC KITÔ

Hãy mặc lấy Đức Kitô

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Đêm Cầu Nguyện 25-7-2013, tại bãi biển Copacabana, Rio de Janeiro, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với giới trẻ rằng: “Hôm nay, cha muốn mỗi người chúng ta chân thành tự hỏi: Chúng ta đặt niềm tin của mình vào ai? Vào chính mình, vào vật chất, hoặc vào Chúa Giêsu? Tất cả chúng ta bị cám dỗ đặt mình ở trung tâm, nghĩ rằng mình là cái rốn của vũ trụ, tin rằng một mình mình, tự mình có thể xây dựng cuộc đời mình, hay nghĩ rằng đời sống mình chỉ có thể hạnh phúc nếu được xây dựng trên của cải, tiền bạc hay quyền lực. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng không phải như thế! Chắc chắn rằng của cải, tiền bạc và quyền lực có thể cung cấp cho chúng một cảm giác sung sướng nhất thời, một ảo tưởng được hạnh phúc, nhưng chúng cuối cùng sẽ sở hữu chúng ta và làm cho chúng ta luôn luôn muốn có nhiều hơn, không bao giờ thỏa mãn. Cuối cùng, chúng ta được “đổ đầy” mà không bao giờ được nuôi dưỡng, và thật rất đáng buồn khi thấy những người trẻ “được đổ đầy” mà yếu đuối. Tuổi trẻ phải mạnh mẽ, phải được nuôi dưỡng bằng đức tin chứ không phải được đổ đầy bằng những thứ khác”.

Của cải, tiền bạc và quyền lực không phải là cùng đích của đời người. Tin Mừng hôm nay nói về dụ ngôn ông phú hộ dại khờ. Ông phú hộ nghĩ rằng: tiền bạc, của cải là tài sản có giá trị tuyệt đối. Với tài sản đồ sộ, ông tưởng rằng bản thân mình từ nay sẽ được sung sướng, được an toàn mạng sống. Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan, nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya, hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến. Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả. Tài sản không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ. Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay. “Đồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã soạn kia sẽ về tay ai?”. Tiền bạc, của cải, quyền lực, danh vọng, cuối cùng vẫn chỉ là phù vân (Gv 1,2), chẳng có nghĩa lý gì hết, nếu người ta không biết sử dụng nó. “Vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).

Nhưng những dự định ông phú hộ cho là khôn ngoan thì Chúa Giêsu lại bảo đó dại khờ.

Nhà phú hộ dại khờ vì không phân định đâu là tài sản đích thực và đâu là tài sản tạm thời chóng qua, mau hư nát. Dại khờ vì ông nghĩ rằng có thể xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng của cải nhưng nó chỉ là những thứ chóng tàn phai, nay còn mai mất. Dại khờ vì ông chỉ nghĩ đến của cải vất chất mà quên mất Thiên Chúa.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy: Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trở nên giàu có như Chúa Giêsu, luôn “yêu thương, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng” (Cl 3,12) và “trên tất cả là lòng mến, giềng mối của mọi trọn lành”. (Cl 3,14).

“Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương” (Cn 22,1). Trong cuộc đời này, có biết bao người giàu tình thương, chăm lo cho bệnh nhân, chăm sóc trẻ em tật nguyền, tiếp đón người khổ đau bất hạnh, ưu tư lo lắng cho người sầu khổ, dấn thân phục vụ cho các hoạt động xã hội, bác ái và thăng tiến con người...

Có thể nói được là không ai giàu có, tự do, và mạnh mẽ hơn ‘người giàu trước mặt Chúa”, người mà niềm tin vào Chúa giúp họ vượt lên trên mọi tài sản trần gian, vì đã có “Chúa là nơi họ ẩn náu”(Tv 13,6). Vì thế, mối phúc đầu tiên được dành cho người nghèo, người “đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Người giàu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là người tài sản chỉ đủ dùng nhưng biết lo tìm kiếm Nước Trời: “chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8).

Phải biết coi trọng con người hơn tiền bạc. Tình người đáng giá hơn giàu sang phú quý. Tiền bạc rồi sẽ hết. Chẳng ai mang theo gia tài khi chết. Có chăng là tình yêu thương đã chia sẻ với tha nhân nơi trần thế này để trở nên “giàu có trước mặt Thiên Chúa” trên Thiên Quốc. Hãy sống quảng đại, mở rộng quả tim, mở rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với mọi người, như thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy làm ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hãy hào phóng, rộng rãi chia sẻ để tích trữ vốn liếng cho cuộc đời mai sau”.

Để “giàu có trước mặt Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ đến với Đức Kitô, để sống đức tin, hy vọng và tình yêu.

“Hãy mặc lấy đức tin” và cuộc sống của các con sẽ có một hương vị mới, nó sẽ có một la bàn để chỉ đường cho các con.

“Hãy mặc lấy hy vọng” và mỗi ngày của các con sẽ được soi sáng và chân trời của các con sẽ không còn tăm tối, nhưng sáng sủa.

“Hãy mặc lấy tình yêu” và cuộc đời của các con sẽ như một căn nhà được xây trên đá, cuộc hành trình của các con sẽ là cuộc hành trình vui mừng, bởi vì các con sẽ gặp nhiều bạn bè để cùng hành trình với các con.

Nhưng ai có thể ban cho chúng ta tất cả những điều ấy? Đó chính là Chúa Giêsu, Đấng mang Thiên Chúa đến với chúng ta và mang chúng ta đến với Thiên Chúa. Với Người, toàn thể cuộc đời của chúng ta được biến đổi, đổi mới, và chúng ta có thể nhìn thực tại với cái nhìn mới, từ quan điểm của Chúa Giêsu, với đôi mắt của Người (x.TĐ Lumen Fidei,18).

“Hãy mặc lấy Đức Kitô” trong cuộc sống của các con, và các con sẽ tìm thấy một người bạn mà nơi Người các con luôn luôn có thể tin tưởng.

“Hãy mặc lấy Đức Kitô” và các con sẽ thấy đôi cánh hy vọng giang ra để các con hành trình với niềm vui hướng về tương lai.

“Hãy mặc lấy Đức Kitô” và cuộc đời các con sẽ tràn đầy tình yêu của Người; nó sẽ là một cuộc đời sinh đầy hoa trái. Vì tất cả chúng ta đều muốn một cuộc đời sinh hoa trái, một cuộc đời nói về sự sống với những người khác!

“Hãy mặc lấy Đức Kitô” trong cuộc sống của các con. Trong những ngày này, Người đang chờ các con: hãy cẩn thận lắng nghe Người và sự hiện diện của Người sẽ làm cho tâm hồn các con được hăng say.

“Hãy mặc lấy Đức Kitô”: Người đang chờ các con trong Bí Tích Hòa Giải, để lòng thương xót của Người chữa lành tất cả mọi vết thương gây ra bởi tội lỗi. Đừng sợ cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa! Ngài không bao giờ biết mệt khi tha thứ cho chúng ta, như một người cha yêu thương chúng ta. Thiên Chúa là lòng thương xót tinh tuyền! “Hãy mặc lấy Đức Kitô”: Người đang chờ các con trong Thánh Thể, Bí Tích của sự hiện diện, và của sự hy sinh vì tình yêu của Người, và Người cũng chờ đợi các con trong lòng nhân đạo của nhiều người trẻ là những người sẽ phong phú hóa các con với tình bằng hữu của họ, khuyến khích các con bằng việc làm chứng cho đức tin của họ, và dạy các con ngôn ngữ của đức ái, sự tốt lành và phục vụ. Các người trẻ thân mến, các con cũng có thể làm những chứng nhân vui vẻ của tình yêu của Người, chứng nhân can đảm của Tin Mừng của Người, để mang đến trong thế giới này một chút ánh sáng của Người. Hãy để cho mình được Chúa Giêsu yêu thương, Người là người bạn không bao giờ lừa dối. (x.Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Cầu Nguyện ở Copacabana).

Giáo huấn của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 gởi tín hữu Côlôsê là: anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá. Đấng Tạo Hoá là Chân Thiện Mỹ. Hướng về Chân Thiện Mỹ, mọi người đều được nâng cao, trở nên con người đúng nghĩa hơn, trọn vẹn hơn, gần với Thiên Chúa hơn, giống Chúa Giêsu hơn.

 

27.Chúa Nhật 18 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi)

Nếu ta sống trong mối quan hệ với Thiên Chúa như cha con và tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Người thì tại sao ta còn phải tìm cách cậy dựa vào những quyền lực trần gian như tiền bạc, của cải? Trong huấn dụ về việc làm môn đệ, Chúa Giê-su đã đòi hỏi ta phải tuyệt đối gạt bỏ mọi thứ trở ngại vương vấn để hoàn toàn dấn thân theo Người (Lc 9:57-62). Một trong những trở ngại lớn lao nhất, đó là tiền bạc của cải làm cho ta bận tâm và không còn thiết tha theo Chúa nữa. Đây cũng là một đề tài căn bản dành cho mọi Ki-tô hữu suy nghĩ để biết mình phải có thái độ nào đối với tiền bạc của cải đời này. Nhân dịp một người đến xin Chúa Giê-su lấy uy tín của Người để đòi người anh của anh ta phải chia gia tài cho anh, Người đã nắm lấy cơ hội này để trình bày một chân lý căn bản cho việc chuẩn bị tương lai vĩnh cửu của ta: hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

a) Bảo đảm mạng sống

Ta có thể hiểu là vì tham lam, người anh trong câu truyện đã không chia phần gia tài cho người em theo lẽ công bằng. Anh ta tham lam muốn có dư giả của cải để bảo đảm cho mạng sống mình. Người đời chỉ nhìn thấy sự sống trước mắt và lo lắng về sự sống ấy, chứ ít khi nghĩ đến và chuẩn bị cho sự sống đời sau. Do đó, Chúa Giê-su thường nói về sự sống đích thực tức là sự sống đời đời trong các lời giảng của Người, nhất là trong Tin Mừng Gio-an. Người đã khẳng định sự sống đời đời là: “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:40).

Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng bảo đảm sự sống đích thực cho ta, vì Người làm chủ sự sống của ta. “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28).

Chúa Giê-su, trong bài giảng trên núi đã cho ta thấy tính cách ưu việt của sự sống đích thực. Ngay đến sự sống thể xác cũng đã được Thiên Chúa quan phòng chăm sóc cho ta (Mt 6:25-34), huống chi là sự sống thiêng liêng. Người đi tới kết luận: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công bình của Người,” tức là hãy lo lắng cho tương lai vĩnh cửu của ta.

b) Nỗi ưu tư của nhà phú hộ

Đâu phải cứ giàu có, dư đầy của cải là tâm hồn được thảnh thơi! Ta cứ xem gương nhà phú hộ trong dụ ngôn Chúa Giê-su kể. Ông ta lúc nào cũng lo lắng làm giàu. Của cải đã trở thành một áp lực và một câu hỏi luôn đè nặng đầu óc: “Mình phải làm gì đây?” Ông ta mơ ước có một lúc nào đó sẽ dừng lại không còn lo làm giàu nữa và sẽ lo nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng sẽ chẳng bao giờ có “lúc ấy” cả, vì đối với ông không có giới hạn nào gọi là đủ, mà chỉ có thiếu thôi.

Nỗi ưu tư của nhà phú hộ không vượt quá bản thân mình. Ông ta lo cho mình, chứ không lo cho ai cả. Ông quy hướng mục đích làm giàu về một tương lai mà ông không bao giờ nắm chắc được, đó là một cuộc sống phong lưu nhờ của cải ông ta có. Ai có thể tự mình kéo dài thêm cuộc sống của mình được? (Mt 6:27). Cái chết chẳng kiêng nể một ai, kể cả nhà phú hộ. Cho nên ưu tư kiểu ấy đã được Chúa Giê-su “tặng” cho một mỹ từ là “đồ ngốc”!

Ưu tư cho những nhu cầu của anh chị em và nhất là cho những kẻ nghèo đói là ưu tư đích thực mà Chúa Giê-su đã nêu gương. Một thoáng mệt nhọc trên khuôn mặt các tông đồ cũng không qua khỏi con mắt Chúa Giê-su. Người bảo họ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31). Bà mẹ vợ ông Phê-rô nằm liệt và lên cơn sốt là mối ưu tư của Chúa Giê-su (Mt 8:14-15). Dân chúng vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt đã làm cho Chúa Giê-su chạnh lòng thương (Mt 9:36-38). Chúa Giê-su không lo làm giàu cho mình, nhưng cho tha nhân và lợi ích của họ.

c) Lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Thiên Chúa là Cha. Người ban cho chúng ta mọi sự vật chất lẫn tinh thần thì Người đâu cần thấy mỗi người chúng ta phải là triệu phú. Nhưng Thiên Chúa muốn ta giàu có về phương diện khác, nghĩa là phải giàu có như chính Người. Trong Kinh Thánh, ta thường gặp đi gặp lại những tư tưởng về sự giàu có của Thiên Chúa. Người giàu có tình yêu đến độ sẵn sàng ban Con Một Người cho thế gian. Người giàu lòng từ bi và nhân hậu đến nỗi không chấp tội ta và còn tìm đủ mọi cách để cứu chuộc ta.

Thấy ta nghèo nàn vì đã bị tội lỗi tước bỏ mọi sự, Thiên Chúa muốn phục hồi sự giàu có cho ta nhờ Chúa Giê-su. Trước hết Người muốn cho ta được giàu có sự sống, nhờ Chúa Giê-su là Đấng Chăn chiên lành. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Qua Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho ta quyền làm con, được cùng với Chúa Giê-su thừa kế gia nghiệp của Thiên Chúa (Rm 8:14-17).

Như vậy, càng sống trọn vẹn thân phận làm con Chúa bao nhiêu, ta càng trở nên giàu có bấy nhiêu. Muốn giàu có như vậy, ta phải trải qua một cuộc biến đổi. Càng trở nên giống với Chúa Giê-su thì ta càng giàu có với những giá trị của Tin Mừng. Cuộc Ki-tô hóa thể hiện nơi ta sẽ phục hồi tất cả những gì bị mất đi do tội lỗi. Gia nghiệp của Thiên Chúa cứ mỗi ngày một thuộc về ta và vinh quang Thiên Chúa càng gần kề ta hơn nữa.

d) Suy nghĩ và cầu nguyện

Của cải tiền bạc đã chi phối cuộc sống tôi như thế nào? Tôi có thực sự làm nô lệ cho chúng không?

Tôi có lo lắng cho anh chị em trong những nhu cầu dù bé nhỏ nhất của họ không?

Là người môn đệ của Chúa Giê-su, tôi có trông lên Chúa như mẫu gương để có thái độ đúng khi sử dụng tiền của không?

Tôi khám phá được những gì nơi sự giàu có của Chúa Giê-su?

Cầu nguyện:

“Lạy Chúa Giê-su,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.”

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 13)

 

28.Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

“Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Đó là lời dạy của Chúa Giê-su. Người không viết một bài khảo luận để nói với ta về sự tham lam, nhưng Người kể một dụ ngôn, dụ ngôn nhà phú hộ. Việc làm và não trạng của nhà phú hộ phản ảnh không biết bao nhiêu người mọi thời mọi nơi và là câu truyện có thể áp dụng vào mọi lãnh vực cuộc sống, từ giàu có về vật chất của cải cho đến giàu có về danh tiếng chức vị. Dụ ngôn còn đưa ta tới một chân lý vô cùng quan trọng cho ý nghĩa cuộc đời: làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

1) Lòng tham không đáy

Không biết ai đã nghĩ ra được hình ảnh cụ thể này để diễn tả lòng tham lam của con người! Đúng vậy, không có đáy thì chẳng bao giờ có thể đầy được. Đáy là phần cần thiết của một vật chứa đựng để giữ lại những gì trong đó và cho ta thấy thế nào là đầy là vơi. Một ly nước dù to hay nhỏ, nhờ đáy ly giữ lại phần dung tích, ta biết chúng đầy khi nước lên tới miệng ly. Không phải vì ly nhỏ mà ta bảo nó không đầy khi so sánh với ly lớn.

Làm sao ta biết nhà phú hộ trong dụ ngôn Chúa kể, lại là người có lòng tham không đáy? Lòng tham của ông ta biểu lộ qua tính toán và ích kỷ. Tính toán để làm tăng thêm của cải tiền bạc và ích kỷ vì không muốn dùng của cải tiền bạc ấy cho bất cứ người nào khác ngoài mình ra. Thoạt đầu dụ ngôn, ta đã tưởng nhà phú hộ sẽ dừng lại, bằng lòng với sự giàu có của ông và có một kế hoạch để sử dụng cho đúng những tài sản ông ta đang có. “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Nhưng trái lại, ông ta đã không vượt quá con người của ông để nhìn thấy có biết bao công việc lợi ích ông có thể làm với núi tài sản của ông. Nào là giúp đỡ những người cùng khổ đang sống bên cạnh ông, tăng lương cho những người làm công cho ông. Nào là đóng góp xây dựng cho ngôi trường học tại thành phố của ông để con em có nơi học hành tử tế. Hội đường của cộng đồng ông đang cần nới rộng thêm để nơi thờ phượng được xứng đáng hơn... Chắc chắn ông đã nhìn thấy những nhu cầu đó. Tuy nhiên những nhu cầu xã hội ấy lại không thể cân nặng bằng sự “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” của ông. Do đó, ông ta lại thấy vẫn còn chỗ để tích trữ hoa mầu và vẫn có những việc để ông ta làm cho riêng mình. Thế là ông ta lại lên kế hoạch làm giàu. Cái đáy tưởng đã có, giờ đây lại rơi đâu mất rồi!

Người tham lam bao giờ cũng có kế hoạch. Họ chỉ nhắm một mục đích làm giàu. Cho nên họ rất nhạy bén trước cơ hội và tìm cách nắm bắt cơ hội. Vì “còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu” nên kế hoạch của nhà phú hộ là phá những kho cũ đi và xây những kho mới lớn hơn. Nhưng rồi chẳng biết những kho mới xây sẽ lớn hơn cho tới bao giờ, hay cũng chỉ vài ba năm lại không đủ chỗ chứa! Rồi kế hoạch sau khi xây kho mới là “nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã”. Hay kế hoạch này rồi cũng lại phải hoãn lại vì tiền bạc của cải chưa đủ? Đúng là cái vòng luẩn quẩn, cái kho không đáy và không bao giờ dừng lại được.

2) Dừng!

Năm chục năm trước, cha Vũ minh Nghiễm, dòng Chúa Cứu Thế, có viết một cuốn sách suy niệm lấy tên là Dừng! Những bài suy niệm mời gọi ta phải biết dừng lại trong mọi lãnh vực cuộc sống, để hướng về cầu nguyện, suy nghĩ và dành những giây phút cho Chúa. Một trong những lãnh vực khó dừng nhất, đó là làm giầu. Thay vì dừng để nghĩ tới Chúa và tha nhân, người ta chỉ biết nghĩ đến tiền. Họ cũng nghĩ tới Chúa và tới người khác, nhưng thường là cớ để họ lao đầu đi kiếm tiền thêm. Họ nêu lên lý do: tôi phải làm nhiều tiền để giúp nhà thờ (!), cho tương lai của con cái. Thế là lễ Chúa Nhật chẳng đi, con cái cũng chẳng được vài ba giờ với cha mẹ mỗi ngày.

Người ta không biết dừng làm giàu, vì họ gán cho tiền bạc của cải một giá trị thực sự chúng không có. Họ theo triết lý “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng lầm. Chúa Giê-su nói thẳng: “Không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. Bao nhiêu người giàu có đã chết, cả khi chưa kịp “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”.

Cho nên điều quan trọng là phải biết giá trị đích thực của tiền bạc của cải. Giá trị của chúng chỉ có giới hạn và là những ơn lành Chúa ban để ta sử dụng cho những mục đích tốt lành. Vì giá trị tương đối của chúng, nên ta không thể đặt chúng lên hàng đầu được. Chúa Giê-su dạy ta biết phải làm gì. Người nói: “Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:32-33). Làm theo lời Chúa dạy như thế là ta đang “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, vì “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9). Những gì ta tích trữ dưới thế này ta sẽ không mang theo được khi chết, nhưng ta “hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6:20).

3) “Bán của cải đi mà bố thí”

Thánh Lu-ca ghi lại những lời dạy của Chúa Giê-su về việc sử dụng của cải tiền bạc trong chương 12. Kết luận là lời khuyên của Chúa: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí” (Lc 12:33). Tiền bạc của cải phải có một hướng đi cho đúng. Ta không thể để chúng lẩn vẩn đầu óc và chi phối cuộc sống. Nhưng chúng phải được luân lưu, chuyên chở những giá trị tinh thần và đạo đức, tạo một thế quân bình trong đời ta. Khi ta “bán” của cải đi và “bố thí” thì không có nghĩa là mất, mà là dùng nó để tạo nên một giá trị mới nơi ta và nơi tha nhân. Nếu ta chỉ ôm của cải tiền bạc cho mình, ta cũng sẽ giống như ông nhà giàu, trái tim càng ngày càng nhỏ lại và chai cứng trước nỗi khổ đau của anh La-da-rô nghèo khó (Lc 16:19-31). Trái lại, nếu ta dùng của cải tiền bạc để làm việc hữu ích và lo cho tha nhân, ta sẽ có trái tim mang chiều kích của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, quan phòng nuôi nấng muôn loài muôn vật.

Chúa Giê-su đến để ta được sống và sống phong phú theo tầm vóc của Người (Ga 10:10). Sự sống nơi Người đã được phát triển toàn hảo theo sự giàu có Thiên Chúa muốn thực hiện, để làm gương mẫu cho mỗi người noi theo mà đạt tới sự giàu có ấy. Chúa Giê-su không chỉ bán của cải mà bố thí, nhưng Người còn “bán đi” chính thân mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhân loại. Người đã yêu thương nên cho đi tất cả những gì Người có. Người đã sống nghèo khó để làm giàu cho Thiên Chúa và nhân loại. Ước mong ta được Chúa ban cho những ơn lành vật chất, thì xin Người cũng cho ta biết cách sử dụng những ơn đó theo tình yêu, bác ái và lòng thương xót Người hằng dạy dỗ ta.

4) Suy nghĩ và cầu nguyện

Tham lam là một tính xấu rất khó nhận diện trong cuộc sống, len lỏi vào từng lãnh vực nhỏ bé nhất. Vậy có bao giờ tôi thử tìm ra những “vi khuẩn” tham lam trong đời sống của tôi không? Tôi có để ý tập sống quảng đại, để diệt trừ dần dần tính tham lam không?

Tiền bạc của cải có giá trị nào trong cuộc sống của tôi?

Tôi đang làm giàu trước mặt Chúa như thế nào?

Cầu nguyện

“Lạy Chúa Giê-su,

xin cho con một tâm hồn

theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh

Một tâm hồn trong trắng,

cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn

để luôn xứng đáng với Chúa.

Một tâm hồn khiêm hạ

tìm chiếm chỗ nhỏ bé,

nhưng luôn luôn muốn bày tỏ

một tình yêu lớn lao.

Một tâm hồn đơn sơ,

không biết đến những phức tạp của ích kỷ,

và tìm hiến dâng mà không đòi lại.

Một tâm hồn lặng lẽ,

hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình

không được người khác biết đến.

Một tâm hồn nghèo khó,

chỉ làm giàu cho mình

nhờ chiếm được chính Chúa.

Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,

quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.

Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,

và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.”

- Cha Galot

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 103)

 

29.Đồ dại! – André Sève.

(Trích dẫn từ ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)

Tôi lắng nghe người dại này đang suy tính như thể ông là người duy nhất trên thế giới và hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình: Tôi… tôi… Những kho lẫm của tôi, lúa gạo của tôi… Tích trữ, lợi dụng cuộc sống lâu dài, luôn mãi. Ông ta điên, ông ta làm tôi ghê tởm. Ông ta là người duy vật đến độ đó! Ăn uống phủ phê, từ chối nhìn xa hơn. Tôi vỗ tay khi Chúa la ông ta: “Đồ dại!” Thật là đúng. Nhưng thế giới đã trở nên một xã hội tiêu thụ trứ danh. Xã hội này có sản sinh loại người dốt đặc cán mai này hay không? Sự “Khắc Khổ” Tây phương dù sao thì cũng là sự dồi dào và tôi không thoát được sự tìm kiếm an ninh và tiện nghi như tất cả mọi người. Những ý tưởng của tôi là gì? Sức khoẻ, lương bổng, căn nhà phải trả góp, cái máy truyền hình phải đổi, chiếc xe hơi, số tiền hưu…

Những ý tưởng xấu chăng? Đúng, nếu đó là những ý tưởng hoàn toàn cai trị tôi, xua đuổi dần những ý tưởng Kitô lớn lao của tôi: Yêu mến Chúa, thay đổi thế giới, hiến thân cho anh em, dùng thì giờ để cầu nguyện.

Chúng ta là một chiến trường thật sự đối với hai loại ý tưởng độ lượng và ích kỷ, tin tưởng và duy vật. Khi Chúa thấy chúng ta đang sa lầy trong những dự định trong đó chỉ có vấn đề tham vọng và tiện nghi, làm sao Ngài không la lên “Đồ dại!” được? May cho người vừa nghe tiếng la này đúng lúc! Bởi vì có câu tiếp theo: “Đêm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại”. Điều đó có lẽ không gây ấn tượng cho chúng ta. Toàn là thấy những người khác chết mà thôi. Tuy nhiên, rồi chúng ta cũng phải chết!

Nếu chúng ta để mình bị lây nhiễm; có ai mà hoàn toàn miễn nhiễm! - do thuyết định mệnh của người ngoại đạo, chúng ta hãy xem lời mắng của Chúa Giêsu là dành cho chúng ta: “Đồ dại!” Một người khôn, một Kitô hữu, không thể sống mà không nghĩ rằng cuộc sống của mình bao gồm hai giai đoạn: ở dưới thế này và vĩnh cửu. Cuộc sống trần thế của chúng ta chỉ huy cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Thực sự là dại dột khi chỉ nghĩ đến những gì sắp diệt vong mà không chú ý tới những gì sẽ tồn tại. Chúng ta có nguy cơ chết như người đặt cuộc đời mình trên những vựa lúa: “Đó là điều xảy đến với kẻ thu tích của cải cho mình thay vì làm giàu trước nhan Thiên Chúa.”

“Trước nhan Thiên Chúa” Điều này cho chúng ta biết ý nghĩa của từ dại trong Thánh Kinh: “Người dại dột chính là kẻ quên lãng Thiên Chúa.” Chính vì thế, người ấy mất dần điều mà người ấy có được khi lui tới với Chúa nhờ sự khôn ngoan. Người ấy dấn sâu vào chủ nghĩa duy vật và sự bế tắc của tất cả những gì người ấy không thể để vào quan tài của mình.

Vở kịch nhỏ về tâm lý: tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện, đang hấp hối. Tôi mang gì theo lên trời? Người ta chỉ mang theo tình yêu thực sự đã được sống, thứ tình yêu dần dần dệt nên ở dưới thế này hữu thể vĩnh cửu của chúng ta. Lạy Chúa, xin hãy làm cho con từ bây giờ lại trở nên ham mê tình yêu chứ không phải của cải.

 

30.Ba thái độ đối với tiền của

(Suy niệm của Lm. Anphongsô Nguyễn Công Minh - lấy ý từ bài viết của ĐGM. Bùi Tuần)

Bài Tin Mừng hôm nay nói về của cải: tích trữ của cải. Nhưng của cải thường được quy ra tiền để dễ xếp thứ hạng xem ai giàu nhất.Ta thử suy gẫm về "tiền" theo gợi ý của Đức Giám Mục Bùi Tuần:

Tiền không biết nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về đồng tiền. Tuy nhiên nói chưa nhiều bằng nghĩ. Mấy gia đình không có những người nghĩ đến tiền, dù chỉ trong một buổi. Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền. Cần mà không dễ có. Muốn có phải lo tìm. Tìm hoài vẫn thường không đủ. Không đủ nên mới lại cần; cái vòng luẩn quẩn đó dắt con người làm quen với tiền. Từ quen tới quen thuộc. Từ quen thuộc tới quen thân, cứ thế đồng tiền ung dung đi vào cuộc đời con người bằng đủ mọi đường mọi ngả.

Đồng tiền là vật chất nhưng nó không như sự vật khác. Dù rách, dù hôi nó vẫn được quí. Dù đẹp dù xấu nó vẫn được yêu. Dù mới tinh còn thơm mùi mực in hay cũ kỹ nhầu nát, nó vẫn được cất giữ. Phải chăng tương quan giữa người và tiền có gì đặc biệt?

Ta có thể kể ra 3 tương quan:

1. Con người cần tiền.

Con người cần tiền không phải vì tiền. Mà con người cần tiền vì tiền cho những trị giá, cho những trị giá vật chất và cho cả trị giá tinh thần. Trị giá vật chất là tôi cần ăn, tiền cho tôi những ký gạo. Tôi cần uống, tiền cho tôi chai nước cam. Tôi cần mặc, tiền cho tôi quần áo. Tôi cần nơi ở, tiền cho tôi mái nhà…

Trị giá tinh thần là khi tôi cầm tiền trao cho một người túng thiếu, tôi không mua được cái gì vật chất, nhưng tôi có niềm vui vì đã giúp đỡ. Trị giá tinh thần là khi tôi mua một cuốn sách: sách kiến thức mở mang tâm trí tôi, sách thiêng liêng, dạy tôi kết hợp với Chúa hơn. Sách nhân bản giúp tôi sống xứng đáng là người hơn. Một con người hơn con vật nhờ tinh thần: Linh ư vạn vật

Trị giá tinh thần cũng có thể là những ngày nghỉ ngơi, những giờ giải trí, những phút vui chơi, tạo thảnh thơi tâm hồn. Phải có tiền mới có những giá trị đó. Dùng tiền để mua những nhu cầu, những cái cần thiết cho cuộc sống, đó là thái độ thông thường nhất của những con người trong tương quan với tiền: Con người cần tiền.

Nhưng người ta cũng thường nói: được voi đòi tiên. Muốn được tiên, phải có tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Vì thế, từ “cần tiền”, con người khi thấy mãnh lực hấp dẫn của nó sẽ dễ dàng chuyển sang "mê tiền."

2. Con người mê tiền

Khi thấy đồng tiền không chỉ mua được những trị giá vật chất và tinh thần cần thiết, mà còn có thể mua được nhiều cái hơn thế nữa, nhất là trong xã hội tư bản chuộng đồng tiền, thì người ta mê tiền, khi mê thì ca tụng nó:

Đồng tiền là tiên là phật – Là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ cuả tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Ôi đồng tiền, hết ý!

Rồi nhìn vào xã hội, thấy người có nhiều tiền được kính nể. Nghề có nhiều tiền được coi là nghề quí. Người khéo làm ra tiền được coi là người giỏi. Vì thế mà đồng tiền lôi cuốn người ta theo nó. Con người trở thành kẻ mê tiền, để có tiền thì sẽ được nể nang, được khen là người giỏi, nhanh nhẹn tháo vát thành công. Để được gọi là ông. “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết 'ông tôi' ” (Nguyễn Bỉnh.Khiêm).

Con người cần tiền để giải quyết các nhu cầu. Mà nhu cầu thì diễn ra hàng ngày. Do đó con người có thói quen dùng tiền. Mà thói quen nào cũng có thể chuyển thành đam mê. Quen chơi bài thành mê bài bạc. Quen chọi gà thành mê đá gà. Quen dùng tiền, thấy tiền tiện lợi, bỏ túi được, đưa cho ai họ cũng nhận, không trả giá kỳ kèo như khi trao đổi đồ vật – thì mê tiền. Mê đến cực độ thì mù quáng. Ta gọi đó là tương quan thứ ba:

3. Con người thờ tiền

Đam mê cái gì quá mức thì tôn thờ cái đó, trở thành mù với tất cả mà chỉ sáng chỉ thấy với cái mình thờ. Người ta nói đâm mê sắc dục thì mù quáng nhất, nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém. Người đam mê sắc dục tới độ nào đó sẽ biết mình lỗi lầm, hối hận. Còn người mê tiền thì có thể mơ đến nó suốt đêm, bàn đến nó suốt ngày, vơ vét nó suốt tháng và tích trữ nó cả năm mà vẫn không thấy (tức là mù quáng) vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần xét lại. Họ tự phụ trong cái mê đó, nhiều khi còn mặc cho nó chiếc áo đạo đức: tôi kiếm tiền như thế mới giúp đỡ kẻ khó, mới mở rộng Nước Chúa được, mới đủ điều kiện giáo dục con cháu.

Bây giờ thử hỏi chúng ta có phải là kẻ mê tiền không thì chắc gần như 90% ta sẽ trả lời là không, huống hồ là câu hỏi ta có thờ tiền không – thì càng trăm phần trăm “không!”. Vì trên bàn thờ của ta trong gia đình vẫn là "Lái" Tim Chúa chứ đâu có đồng bạc nào. Ta đâu có thờ nó!

Nhưng ta không để tiền trên bàn thờ mà để trong lòng trong trí ta hầu lúc nào cũng nhớ đến nó. – thì còn thờ nó hơn 100 lần ta để trên bàn thờ. Mà có cái lạ là càng giàu, càng nghĩ tới nó. Thử làm một quan sát nhỏ: mỗi tuần có một thánh lễ Chúa nhật, tạm gọi là giờ thờ phượng Chúa đúng nghĩa. Nhưng thử xem ai là kẻ đến trễ, ai là kẻ về sớm, ai là kẻ không đi? Hình như xã hội, lớp người càng khá giả ra, càng làm ra tiền thì càng xa Chúa hơn. Ấy là chưa nói thánh lễ giờ kinh ngày thường, thường vắng bóng họ.

Đồng tiền là khúc ruột. Đụng tới tiền bạc là đụng tới khúc ruột của nhiều người. Muốn đụng tới mà không đau, cần phải có nhiều giờ để rào trước đón sau, diễn giải dẫn dụ, nhưng điều đó lại không làm được trong giờ phút ngắn ngủi chia sẻ Lời Chúa này vì cũng còn phải kết thúc sớm đặng về lo làm ăn kiếm tiền – dù hôm nay là Chúa nhật nữa chứ!

Nhưng ta nhớ rằng Chúa Giêsu nói không ai có thể thờ hai chủ: vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ Tiền Của! Cái nguy cơ là ta thờ tiền mà ta không biết. Xin cho lời kinh Tin Kính mà ta sắp tuyên xưng trong đó ta tuyên xưng chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất, chỉ tin kính mình Ngài, luôn ở mãi trong tâm trí ta, để dù bận rộn làm ăn, ta vẫn không đặt Chúa bên lề, mà để Tiền Của bên trên. Amen.

 

31.Làm giàu vì biết chia sẻ – Achille Degeest

(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Một trong những nét bất biến của tâm lý nhân loại là bất cứ điều gì cũng quy về mình. Chúng ta để sang một bên những khảo sát công phu chẳng ràng buộc gì hết, có thể được chú ý như một trò chơi luyện trí. Chúng ta tạm đứng ở tầm mức người ta cảm thấy cuộc sống cuộc sống mình, quyền lợi mình bị liên quan. Một lời giảng dạy cao siêu sẽ bị hiểu theo chiều nào thuận cho quyền lợi riêng. Ở đây cũng vậy.

Đức Giêsu vừa dạy rằng con người sống ở thế gian phải quan tâm đến sự phán xét của Thiên Chúa sau này. Một thính giả thấy vậy ngỏ lời: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi”. Nghe rõ lời Chúa, nhưng người ấy giải thích theo lòng tham, cho rằng: Rabbi này nói hay, hình như có uy quyền, ta xin Thầy can thiệp giải quyết dùm vấn đề tranh chấp gia tài. Lời dạy rất quan trọng của Đức Kitô lọt vào tai người ấy, biến thành một cách giải thích lợi cho mình, hợp với quyền lợi riêng tư.

Đức Giêsu trả lời như vẫn thường làm: Phải phân biệt chính yếu và phụ thuộc, vĩnh cửu và chóng qua, quan trọng và kém quan trọng. Gia tài, tư sản giúp được gì cho người ta khi đến trước tòa Thiên Chúa? Nguy cơ là muốn áp dụng lối giải thích vụ lợi, muốn thu hẹp lời dạy cao siêu của Phúc Âm. Chúng ta liệu có tránh được cám dỗ ấy không?

1) Điều quan trọng là không được biến Phúc Âm thành một bộ luật cách mạng xã hội, không được định nghĩa sứ mạng dưới thế của Đức Kitô như một cách mạng định kỳ với mục tiêu phân chia của cải. Phúc Âm chủ trương công bằng, nhưng đòi hỏi nhiều hơn nữa. Trong quan hệ người với người, công bằng chưa đủ, vì nhược điểm nhỏ nhất của nó là tính chất bấp bênh. Phúc Âm đi vào vấn đề chính yếu, bắt buộc con người phải ý thức rõ về mình trước con mắt Thiên Chúa. Đức Giêsu nói: “Hà tất tranh giành nhau về những của cải chóng qua, chóng hết? Tại sao có thể tự tại trong tình trạng an toàn vật chất giả dối? Chốc nữa đây, khi phải trả lời câu hỏi tối hậu của Thiên Chúa về cuộc đời mình, các ngươi sẽ ăn nói làm sao? Những câu hỏi này của Đức Kitô đặc biệt gửi đến những Kitô hữu và cả đến những xã hội, những nền văn minh nữa. Những kẻ có trách nhiệm trực tiếp nhất phải trả lời là những Kitô hữu. Chúng ta nhận xét thêm, sở dĩ một số cách mạng phát sinh bởi trước kia hoặc hiện nay người Kitô hữu không trả lời đúng cách những câu hỏi của Đức Kitô.

2) Đức Giêsu nói về sự cần thiết tránh tích trữ của cải cho chính mình, trái lại phải làm giàu theo ý định của Thiên Chúa. Ở đây Chúa nói ra một ý tưởng Người thường nhắc tới, là sự chia sẻ trong tình huynh đệ. Công bằng chỉ đưa ra những đòi hỏi giới hạn, công bằng là một thái độ đối xử tối thiểu. Vấn đề chính yếu trong con mắt Thiên Chúa là sự công bằng sung mãn liên kết người với người như anh em ruột thịt, nó hậu thuẫn cho tình yêu, cho bác ái. Không thể có tình huynh đệ nếu thiếu điều kiện tiên quyết là sự công bằng. Tuy vậy, công bằng mà tuyệt nhiên không thương yêu nhau thì cách đối xử công bằng cũng chẳng bền vững.

Chính tình yêu mở rộng tấm lòng để sẵn sàng chia sẻ, tình yêu khiến chúng ta trở nên giàu có trước con mắt Thiên Chúa.

 

32.Suy niệm của Charles E. Miller

(Trích dẫn từ ‘Giảng Lễ Chúa Nhật’)

CẦU NGUYỆN NHƯ NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG.

Trong cuốn sách Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trả lời câu hỏi: “Giáo Hoàng đã cầu nguyện như thế nào, cho ai và cầu nguyện những gì?” Ngài đã trả lời bằng một câu mở đầu của Hiến chế vè Giáo Hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II, điều này không có gì ngạc nhiên bởi vì ngài là Giám mục của Công đồng, ngài có mặt trong một ủy ban soạn thảo tài liệu này và được viết bằng tiếng Latin là Vui Mừng và Hy Vọng. Đây là đoạn Đức Giáo Hoàng thuộc nằm lòng: “Niềm vui và hy vọng, đau thường và những lo âu của dân chúng trong thời đại này, đặc biệt là những người nghèo khổ hoặc bị đau buồn bởi bất cứ cách nào là niềm vui và hy vọng, những đau thương và lo âu của những người đi theo Đức Kitô”. Đây là tâm tình và sự hoàn hảo theo phẩm giá của Chúa Giêsu: “Hãy tránh tham lam trong mọi hình thức”. Tham làm thúc đẩy chúng ta cầu nguyện cho những lý do ích kỷ hơn là cầu nguyện cho những người có nhu cầu như Đức Giáo Hoàng đã làm.

Dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng như là mục tử của Giáo Hội phổ quát, dĩ nhiên ngài không được quên bất cứ ai hoặc bất cứ nhu cầu nào có liên quan đến ngài, đặc biệt trong lời cầu nguyện của ngài. Và những gì là đúng cho Đức Giáo Hoàng thì điều đó cũng đúng với mỗi người chúng ta theo những cách thế riêng của mình khi chúng ta mang danh”là người Công giáo”, một danh xưng chỉ định rằng chúng ta là một Giáo Hội phổ quát và không giới hạn trong một dân tộc nào, một quốc gia nào, một văn hóa nào.

Chủ nghĩa Công Giáo của chúng ta và những nỗ lực của chúng ta để lướt thắng những tham lam được tỏ hiện bằng việc chúng ta cầu nguyện trong khi cử hành phụng vụ Thánh Thể. Điều đặc biệt ý nghĩa là lời kinh của các tín hữu. Danh xưng này chỉ định rằng, sự cầu nguyện là phần thực hành của chức linh mục cộng đồng, điều đó được tuôn tràn từ bí tích Rửa tội, chức linh mục cộng đồng đã được tuôn tràn từ bí tích Rửa tội. Được biết như là”sự cầu bầu phổ quát”. Danh xưng này chỉ định rằng chúng ta có bổn phận phải cầu nguyện cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ đơn giản những nhu cầu riêng biệt của chúng ta. Chúng ta phải dâng lời cầu xin cho Giáo Hội tại địa phương cũng giống như trên khắp thế giới, cho các vị lãnh đạo đời, những người bị áp bức và những người có nhu cầu, cũng như cho tất cả mọi người được ơn cứu độ. (x.. lời giới thiệu chung của sách lễ Roma số 45).

Kinh nguyện Thánh Thể cũng liên hệ trong câu mở đầu của Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Lời kinh nguyện Thánh Thể thứ ba đã cầu nguyện một cách đặc biệt hầu như không bỏ sót hoặc quên bất cứ ai: “Lạy Chúa xin cho lễ hy sinh này tuôn đổ bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin hãy cho tăng thêm sức mạnh cho đức tin và lòng mến… cho toàn thể mọi người mà con của Cha đã tụ họp lại. Trong tình yêu nhân từ và hợp nhất toàn thể con cái của Cha ở bất cứ nơi nào mà họ hiện diện… Xin hãy tiếp đón vào vương quốc của Cha… tất cả những ai rời bỏ thế gian này trong tình thân hữu với Cha”.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể và sẽ cầu nguyện trong chính những nhu cầu của chúng ta, cho những người mà chúng ta yêu mến, chúng ta cũng cần nhắc nhở về lời của Thánh Phaolô rằng: “Chúng ta phải đưa tâm trí của chúng ta đến với những lãnh vực cao hơn. Chúng ta sẽ hướng tới những lãnh vực cao hơn khi chúng ta quảng đại và không ích kỷ trong lời cầu nguyện. Phải thêm rằng chỉ có kinh nguyện cho những người có nhu cầu thôi thì không đủ. Chúng ta cũng cần hành động, hành động đó đã được linh hứng và thúc đẩy bởi kinh nguyện. Người khác có thể lâm vào sự nghèo khổ, coi thường những người lãnh lương hưu trí, khinh bỉ dân nhập cư, và chọn lựa cuộc sống tách biệt khỏi những khốn khổ của con người nhưng họ không phải là những người Công giáo. Chúng ta tin rằng”niềm vui và hy vọng”, đau thương và những lo âu của mọi người trong thời đại này, đặc biệt là những người nghèo khổ hoặc bất cứ những đau buồn cách nào, là những niềm vui và hy vọng, đau thương và lo âu của người môn đệ Đức Kitô”.

 

33.Nguy hại của việc tham lam của cải – Veritas

(Trích dẫn từ ‘Hãy Ra Khơi’)

Bài Phúc âm hôm nay tựu trung có thể nhắc chúng ta nhớ lại một điểm quan trọng, đó là người đồ đệ của Chúa cần phải xây dựng đời sống của mình trên chính Chúa, chứ không phải trên những của cải lợi ích vật chất. Lời xin của một người vô danh, một người trong đám đông đến nghe Chúa Giêsu giảng: “Xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Lời xin này xem ra là một yêu cầu hết sức hợp lý từ quan điểm của người đến xin Chúa Giêsu.

Theo thói quen trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, những vị thông luật, những biệt phái lãnh đạo dân chúng thường có vai trò như những thẩm phán của xã hội của chúng ta ngày nay. Họ giúp dân chúng giải quyết những tranh tụng hàng ngày. Vả lại, Chúa Giêsu cũng rao giảng Tin Mừng của công bằng, tình thương, bác ái. Vì thế, người đến xin Chúa: “Xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Để nhìn về Chúa Giêsu như là một người có uy tín, một vị trọng tài uy tín có thể giúp anh giải quyết vấn đề với người anh trong gia đình, anh có quyền nghĩ như thế và đòi như thế. Vì Chúa Giêsu giảng dạy sự khôn ngoan, giảng dạy lẽ phải và sự công bằng. Nhưng chúng ta hơi ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của anh: “Ai đặt tôi làm trọng tài xét xử những việc này” Nhưng thật ra đây không phải là lời từ chối, nhưng những gì Chúa Giêsu kể tiếp về dụ ngôn cho chúng ta thấy là Chúa Giêsu giúp anh hay giúp mỗi người chúng ta giải quyết những vấn đề vật chất của mình.

Chúa Giêsu kể tiếp dụ ngôn về người giàu có chỉ biết xây dựng đời mình trên của cải vật chất mà quên đi mối liên hệ sâu xa hơn với Chúa, mối liên hệ của cuộc sống đời này và hạnh phúc đời sau. Chúa Giêsu nhắc lại một sự thật căn bản là đời sống con người không phải chỉ giới hạn trên trần gian này mà thôi, và cũng không phải chỉ được xây dựng trên của cải vật chất.

Nếu quả thật đời sống con người chỉ có trần gian này mà thôi thì nếp sống của chúng ta có thể sẽ phải như là nếp sống mà một nhà hiền triết Hy Lạp đã nói: “Cà phê đi em, hãy hưởng thụ cho đã rồi thôi”. Nhưng không phải chỉ có thế, đời sống con người trên trần gian này là một giai đoạn của một cuộc sống mãi mãi trong Chúa. Đây là sự thật căn bản mà Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho tất cả mọi người cũng như cho người đến xin Chúa giải quyết một trường hợp cụ thể trong cuộc sống hàng ngày là chia gia tài cho tôi.

Đặt cuộc sống con người trong viễn tượng đời đời mà mỗi người chúng ta cần thực hiện điều này luôn luôn trong mọi giây phút. Chúng ta cần đặt cuộc sống của mình trong viễn tượng đời đời, để rồi từ đó chúng ta mới có thể nhận được sự soi sáng mà dễ dàng giải quyết những xung đột nhỏ nhoi, những tranh chấp, ganh tị, thù hận làm mất sự bình an trong tâm hồn.

Chúng ta hãy xác tín rằng, Phúc âm Chúa đòi buộc ta sống công bằng, chia sẻ và yêu thương. Nhưng đòi buộc này không phải là chỉ đòi buộc những việc cụ thể bên ngoài mà thôi, mà đòi buộc ăn sâu vào trong lương tâm mỗi người chúng ta. Phúc âm Chúa không phải chỉ là trọng tài để giải quyết những xung đột của nhau, nhưng là giúp cho mọi người sống trọn giới luật yêu thương.

Áp dụng vào trường hợp của Giáo Hội hôm nay, chúng ta cũng có thể nói Giáo Hội trong thời đại chúng ta đang sống cũng bị thách thức như Chúa Giêsu ngày xưa. Có những người muốn Giáo Hội dấn thân thật cụ thể vào trong một đảng phái chính trị, bênh vực lập trường của đảng phái chính trị nào đó, trình bày những giải đáp kỹ thuật cụ thể cho những vấn đề được đặt ra trong xã hội.

Đôi khi đây cũng là những cám dỗ cho những người đồ đệ của Chúa, cho mỗi người chúng ta. Nhưng ơn gọi và sứ mạng của Giáo Hội là một cái gì sâu xa hơn, ăn sâu vào trong lương tâm của mỗi người. Giáo Hội được mời gọi rao giảng, nhắc nhở cho mỗi người sống về sự thật căn bản mà Chúa đã mạc khải. Đời sống con người không hạn hẹp trên trần gian này, nhưng là một mở rộng hướng về cõi đời đời và được tiếp tục trong cõi đời đời.

Giáo Hội được mời gọi đề nghị và bảo vệ một tinh thần, tinh thần Phúc âm và tinh thần này tác động sâu xa nơi từng lương tâm con người. Giáo Hội mà mỗi người chúng ta không nên để mình bị ràng buộc bởi những chế độ, bởi những lợi ích của phe nhóm. Chúng ta không đến với Chúa để xin Chúa bảo anh tôi chia gia tài cho tôi. Mặc dù đây là một yêu cầu hết sức hợp lý, nhưng chúng ta hãy đến với Chúa để Chúa soi sáng cho mỗi người chúng ta được nhận thức rằng, đời sống con người của chúng ta trên trần gian này là một chuẩn bị để đi về trời, để bước vào cõi đời với Chúa.

Trong viễn tượng, mỗi người chúng ta được mời gọi sử dụng những của cải, những tài năng Chúa ban cho để phục vụ cho anh chị em và xây dựng một xã hội tốt đẹp. Và cũng trong viễn tượng này mà mỗi người chúng ta được mời gọi giải quyết những xung đột nhỏ nhoi, những tranh chấp, những ganh tị, những thù hận làm mất đi sự bình an trong tâm hồn.

Một khi đã đặt cuộc đời mình trong cuộc sống đời đời, trong viễn tượng cuộc sống đời đời; một khi đã đặt cuộc sống mình trên nền tảng là Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ biết giải quyết dễ dàng những xung đột hằng ngày xảy ra trong cuộc sống. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được trưởng thành trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.

 

34.Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

Lời sách Giảng Viên đã có một thời được đón nhận, suy niệm và lưu truyền trong xã hội Kitô Giáo, nó trở thành sách gối đầu giường của bao thế hệ trẻ, ngày nay người ta coi như nó là cái cản trở cho mọi tiến bộ văn minh, như tư tưởng phản động làm trì trệ mọi nhiệt tình xây dựng một xã hội thịnh vượng và trù phú. Những giòng tư duy đang có ảnh hưởng trên nhân loại ít nhiều đều chối bỏ, và kết án tính cách bi quan yếm thế của nó. Tuy nhiên, lời sách chỉ là một phản ánh trung thực tâm tư con người đứng trước những mầu nhiệm lớn lao của cuộc sống mà không có những yếu tố cho một câu trả lời. Lời sách mở ra sự trông chờ một mạc khải lớn lao hơn. Xét theo góc độ này, thì lời sách giảng viên mang tính nhân bản và hiện sinh biết bao? Cách đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng như hôm nay. Bao nhiêu tích lũy có tính toán và được kỹ thuật hỗ trợ đang đi gần đến con số không?

Mạc khải ấy theo thánh Phaolô đã được dứt khoát trao tặng con người trong mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Lời sách giảng viên đưa chúng ta đến gần Đức Giêsu hơn, đó chính là khẳng định trong sách Gương Chúa Giêsu, một sách đạo đức của mọi thời đại. Ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống đã có câu trả lời toàn vẹn trong Đức Giêsu, Đấng đã phục sinh từ cõi chết để khơi nguồn sự sống mới (Kinh nguyện Thánh Thể 4). Trong mầu nhiệm ấy, "những gì thuộc về hạ giới", "con người cũ", đều đã bị đóng đinh, để "chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người".

"Con người mới" đã được đặt lên không phải để "làm người xử kiện hay người chia gia tài", hoặc "thu tích của cải cho mình", nhưng là người "trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa". Bởi vì, như chính Đức Giêsu khẳng định "Dẫu có được dư giả, thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu." Lý do thật đơn giản "Nội đêm nay người sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?". Vấn đề là làm sao để trở nên "giàu có trước mặt Thiên Chúa"?

Ngay sau dụ ngôn này, Đức Giêsu đã chỉ cho thấy "Chớ bồn chồn lo lắng! Các điều đó dân ngoại nơi thế gian kiếm tìm. Nhưng Cha các ngươi biết rõ, các ngươi cần đến các điều ấy. Song hãy tìm kiếm Nước của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi.". Như vậy câu trả lời thật rõ ràng: "Nước Thiên Chúa" đó là của cải không thể hư hao mà chúng ta phải ra sức kiếm tìm.

Nước Thiên Chúa đã hiện diện với con người Đức Giêsu Kitô. Theo đó, cuộc sống là một "Tấm Bánh" được bẻ ra và trao ban cho một thế giới mới được khai sinh, là "Tình Yêu biết thí mạng sống mình vì người mình yêu".

Từ hơn 2000 năm qua, chính "văn minh tình thương" ấy đã cứu vãn nhân loại trước những nguy cơ diệt vong và là tiếng nói sinh tồn của mọi nỗ lực nhân sinh. Ngày nay người ta say mê với những tiến bộ khoa học, với cái xu thế toàn cầu hóa, thế nhưng cũng chính những công trình ấy đang hình thành một thế lực hầu như không còn khả năng kiểm soát, nó biến con người trở thành những tù nhân của chính mình. Những suy thoái kinh tế chỉ là hậu quả tất yếu của cuộc cạnh tranh tàn nhẫn và vô nhân. Người ta bảo các đại công ty thua lỗ nên tạo ra ảnh hưởng giây chuyền: khiến cho các chỉ số cổ phiếu sụt giảm... Nhưng vấn đề không phải thế, những chỉ số cổ phiếu kia chỉ là những giá trị giả định được xã hội công nhận. Và khi xã hội có những biến động thì tất nhiên những giá trị giả định cũng đổi thay. Khi xã hội để bị lôi vào một chiều hướng phát triển không lấy con người trong sự toàn vẹn của nó làm nguyên tắc chỉ đạo, một sự phát triển phi nhân, tất nhiên xã hội không thể tồn tại. Cho dù xã hội làm ra thật nhiều của cải vật chất, nhưng ở khắp nơi con người vẫn bị thiếu thốn, và xem chừng không có chút tiến bộ nào và ngược lại còn gia tăng. Người ta đã nói tới 40% dân số thế giới sống trong sự nghèo đói. Ngày nay hơn bao giờ hết, người ta cần tới Tin Mừng "văn minh tình thương" để tránh nguy cơ bùng nổ chiến tranh địa phương cũng như chiến tranh toàn cầu.

home Mục lục Lưu trữ