Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 33

Tổng truy cập: 1374667

HÃY RA KHỎI SỰ CHẾT

Hãy ra khỏi sự chết

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Khoa Toàn)

Người em trai báo tin ông cụ thân sinh tôi bị té nặng và đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện tỉnh Khánh Hoà, ngay trước giờ tôi chuẩn bị bài nói chuyện với các em thuộc Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo hôm Đại Hội cuối tháng hai vừa qua. Tiêu đề bài nói chuyện hôm ấy là "Mục Đích Đời Sống". Và mục đích của đời sống công giáo chân chính là gì nếu không phải là sống chết cho nhau, nhất là cho những người đã dày công dưỡng nuôi mình khôn lớn...

Và tôi đã đáp chuyến bay sớm nhất về lại Sàigòn. Rồi thuê một cuốc xe chạy ngày đêm ra Nha Trang. Vào ngay bệnh viện, ông cụ nhận ra tôi ngay -tuy vẫn còn mê man lắm- và ra hiệu muốn nắm lấy tay tôi. Tay đứa con tha phương quyện trong đôi bàn gầy guộc chai cứng theo ngày tháng của người cha già một đời lam lũ hy sinh vì đức tin và vì lý tưởng. Rồi đôi mắt nhoà đẫm lệ, ông cụ hôn tay tôi -như một nụ hôn giả từ vĩnh biệt...

Tôi đã chuẩn bị tinh thần ngay từ khi đuợc báo tin. Nhưng sáng hôm sau, vào lại phòng cấp cứu, ông cụ tỉnh hơn đôi chút. Rồi lạ lùng thay, ông cụ thều thào nói chuyện, kể cho tôi nghe là ông cđã đi đến một chỗ nào đó cao xa:. "Ba thấy toàn một màu trắng. Rồi thấy rất nhiều bà Sơ. Nhưng chẳng thấy ông cha nào cả!" Tôi phá lên cười: "Con biết tại sao rồi!"

Ai cũng cừời theo, trừ ông cụ. Và hình như vẫn còn mãi mê về một chỗ cao xa trắng xoá tinh tuyền nào đó, ông cụ ra hiệu cho tôi ghé tai gần: "Ba biết Ba chưa chết!" Tôi liền trấn an, vững tin như Martha về Lagiarô: "Không! Ba không chết đâu!" Phải cấy niềm tin và sức mạnh cho ông cụ, như Chúa Giêsu đã cấy cho Martha hai ngàn năm trước, tôi nhủ lòng mình.

Một điều tôi cảm xúc nhất về câu chuyện Lagiarô, là khi Chúa Giêsu nói cùng Martha: "Ta Là Sự Sống". Sự Sống. Ngay chính giữa cảnh chết chóc khóc lóc tang thương, Chúa đến mang sự sống; ngay giữa lúc khóc than, Chúa mang đến nụ cười. "Ta Là Sự Sống": Ta Là. Không Ta Đã Là hoặc Ta Sẽ Là. Ta Là: Hiện Tại; Bây Giờ. Vì với Chúa không thể có quá khứ và chẳng bao giờ có tương lai. Không thể chết, nếu tin vào Sự Sống và Sự Sống Lại. Không thể chết, vì chết chỉ là một phần của đời sống trường sinh miên viễn...

Sắp bước vào Tuần Chay Thánh, và một lần nữa, câu chuyện người chết sống lại Lagiarô là một lời cảnh báo vừa nghiêm khắc vừa xúc động: là không thể có sự sống đời sau nếu không trọn vẹn và thành tín sống đời sống đời này. Không thể có tương lai hằng cữu nếu hiện tại chỉ là một con số không rỗng toác! "Ta Là Sự Sống": nếu chúng ta đợi chờ sống đời sống trường sinh chỉ sau khi đã nhắm mắt xuôi tay thì chắc chắn đó là điều vô cùng ảo tưởng...

Là con người như bao con người, Chúa xúc động trước cái chết của Lagiarô: Người rơi lệ. Nhưng Người đã không để cho những bức xúc nhân tính lu mờ đi bản chất thiên tính của mình, như Lời Kinh Tiền Tụng: "Là người thật, Chía Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ."

Nói một cách khác, giữa những đớn đau mất mát về vật chất xác thịt kia, điều tưởng chừng như phải khóc than đau buồn là khi niềm tin vào Sự Sống và Sự Sống Lại đã phai nhoà mai một. Chúng ta phải khóc, phải buồn, phải xót thương khi người thân không còn nữa. Nhưng những giọt nuớc mắt và nỗi buồn kia phải quyện trong một niềm tin sắt đá là Sự Sống và Sự Sống Lại đã tiêu diệt sự chết 2000 năm trước đây trên đồi Golgotha cô liêu hoang vắng.

Điều cảm xúc và đáng suy nghĩ khác là khi Chúa Giêsu phán: "Lagiaro! Hãy ra đây!" Đó là một lệnh truyền! Hãy ra khỏi sự chết và hãy bước vào -mạnh dạn bước vào- Sự Sống.

Và vì thế, khi tâm trí dày đặc những ý tưởng sợ hãi, lo âu, buồn phiền, thất vọng; khi phải diện đối diện với những dục vọng vật chất xác thịt thấp hèn; khi phải vật lộn với những đam mê bất chính, những giả hình hèn kém vong nô, hãy nghe lệnh Chúa phán truyền với chính mình: "Bạn! Hãy ra đây!"

Và chúng ta phải nghe lệnh truyền ấy. Nghe và bước ra khỏi những hang mộ tối tăm kia, như Lagiarô đã nghe và đã bước ra từ mộ chết đời mình. Hãy đừng chần chừ! Hãy không do dự. Hãy mạnh dạn bước ra vì cuối đuờng hầm, Chúa Giêsu -Sự Sống và Sự Sống Lại- đang giang rộng tay chào đón.

Khi chúng ta khiêm cung nhận biết mình là phận hèn vật mọn, Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta quyền phép đến vô cùng...

 

29. “Ta là sự phục sinh của ngươi” – André Sève.

Trong buổi nói chuyện với Matta, Chúa Giêsu đòi hỏi có một tiếng khẳng định quan hệ giữa chúng ta với Ngài:

- Ta là s sng li và là s sng. Ai tin Ta thì du có chết cũng s sng; h ai sng và tin Ta s không bao gi chết. Con có tin như vy không?

Dĩ nhiên chúng ta nhanh chóng trả lời “Có! Ngài là sự sống”. Nhưng sự sống nào? Chúng ta là những người đang sống. Ngài thêm gì vào sự sống của chúng ta? Thực ra, chúng ta là những sinh vật nhỏ bé bị cái chết rình rập. Chúa Giêsu muốn làm chúng ta trở thành những kẻ chiến thắng sự chết.

Trong trần thuật dài và bi thảm nói về sự sống lại của Lagiarô, ba cái chết được gợi ra và xen lẫn vào nhau: cái chết của Lagiarô, cái chết của Chúa Giêsu và cái chết của chúng ta. Trong khi đi tới nhà Lagiarô, Chúa Giêsu biết rằng cái chết cũng đang đe dọa Ngài: “Người Do thái mun ném đá Thy, sao Thy còn quay tr li đó na?”, các môn đệ nói với Ngài như thế.

Khi thấy Maria quá buồn khổ, Chúa Giêsu cũng bối rối cảm động. Ngài cảm thấy sâu sắc sự tuyệt vọng của thân phận con người, Ngài khóc bạn, Ngài thông hiệp với nỗi khổ của các chị của bạn và nghĩ đến cái chết của mình đang đến gần. Chưa bao giờ Ngài chìm đắm trong nỗi buồn khổ của chúng ta như thế. Những người chung quanh nói: “Kìa, Ngài yêu bn mình biết bao!”

Nhưng họ ngạc nhiên, cả chúng ta nữa: “Chẳng phải Đấng quyền năng đã nói: Ta đến để mang li s sng cho các ngươi. Ta là s sng li và là s sng?” hay sao?

Không phải Chúa Giêsu muốn làm cho chúng ta sống mạnh mẽ ở bên ngoài những khó nhọc, những thảm kịch của chúng ta và thậm chí cái chết nữa. Ở tận thâm sâu sự tuyệt vọng mà Chúa Giêsu chịu đựng cùng với chúng ta, Ngài sẽ cho chúng ta một dấu hiệu hùng hồn về cuộc sống vinh quang. Ngài đứng dậy và nói lớn lên: “Hi Lagiarô, hãy đi ra!”

Như mọi khi, đứng trước một dấu hiệu, phải thấy rõ rằng đó là một dấu hiệu, nghĩa là một lời mời gọi đi xa hơn nữa. Sự sống lại của Lagiarô là sự chiến thắng cái chết, nhưng là một sự chiến thắng tạm thời. Thế đã là nhiều rồi, một sự hy vọng điên rồ có thể nổi lên, cái chết không còn là phiến đá đè bẹp tất cả. Chúng ta đứng dậy để nghe mặc khải tối hậu vượt lên trên sự sống lại đơn giản:

- Ta là s phc sinh.

Đây là một điều khác hẳn! Chúa Giêsu không sống lại như Lagiarô. Sự sống lại của Chúa Giêsu là sự chiến thắng hoàn toàn trên sự chết, bước vào cuộc sống “vĩnh cửu”, không chỉ theo nghĩa vô tận, mà còn có nghĩa là một cuộc sống khác. Cuộc sống này chắc chắn vẫn là của con người, tuy vậy với những tính chất và chiều kích khác biệt.

Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta cuộc sống khác này. Ban tặng ngay tức khắc! Do đó mới có lời này: Ta đến để chúng được sng”. Và tất cả điều khẳng định lạ lùng này được dùng ở thì hiện tại: Ai nghe Ta thì được sng đời đời, người đó s vượt qua cái chết mà đến s sng (5,24). Chúa Giêsu đã là “sự sống lại” cho Ngài và sẽ là “sự sống lại” cho chúng ta. Đây là lời tuyên xưng đức tin khó khăn nhưng chúng ta vẫn làm. Điều chúng ta ít hiểu đó là Chúa Giêsu là sự phục sinh như thế nào.

Ngài là sự phục sinh bởi vì Ngài có thể thông truyền cuộc sống phục sinh của Ngài, cuộc sống “thuộc về sự sống lại” của Ngài cho chúng ta. Khi chúng ta uống nước ở nguồn mạch này, chúng ta bắt đầu hiện hữu như thể chúng ta sẽ hiện hữu đời đời, trong khi hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa và với anh em.

Đây không phải là những điều dễ nhận thấy được. Chúng ta tin rằng Mẹ Maria và các thánh đã trải qua một cuộc sống yêu đương trong sáng ở dưới thế này để đi đến sự viên mãn vĩnh cửu. Nhưng chúng ta, chúng ta có lẽ sẽ sống cho đến cuối đời một cuộc sống pha lẫn cái chết, bởi vì chúng ta không thông hiệp với cuộc sống của Chúa Kitô cho đủ.

Tôi nhớ lại một nữ tu bị bệnh ung thư đã chăm chú nghe tôi nói về tác động hin ti có thể có của sự sống lại. tôi nói với chị: mỗi lần sự can đảm và tình yêu chiến thắng tội lỗi di căn nơi chúng ta, thì chính sức mạnh của sự phục sinh của Chúa Kitô đã giành lấy con người phục sinh từ cái chết rồi vậy.

 

30. Đức tin.

Chúng ta thường nghe nói:

- Chết là hết.

Những người chủ trương như thế là những kẻ mang nặng đầu óc vật chất, không tin ở đời sau, không hy vọng gì ở một tương lai vĩnh cửu. Còn chúng ta thì khác. Với cái chết, thì một cuộc sống khác được khởi đầu. Có thể là hạnh phúc mãi mãi, nhưng cũng có thể là khổ đau đời đời, tùy theo việc lành dữ chúng ta đã làm khi còn sống ở trần gian này.

Đây là một vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tin, như đoạn Phúc âm sáng hôm nay đã diễn tả. Thực vậy, Martha và Maria, đã sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay:

- Lagiarô, bạn thân Chúa đang đau nặng.

Thế nhưng cơn bệnh này lại được xử dụng để làm sáng danh Thiên Chúa. Cho dù Lagiarô đã chết nhưng Chúa Giêsu vẫn nói:

- Ta mừng vì không có mặt ở đó để các con được tin.

Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Martha đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của mình:

- Lạy Thầy, nếu Thày có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ vẫn còn kịp bởi vì con biết rằng: Tất cả những gì Thầy kêu xin thì Thiên Chúa sẽ ban cho Thày.

Lagiarô em nàng đã chết nhưng nàng tin tưởng chắc chắn Ngài có thể làm cho nó được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu đã trả lời cho Martha:

- Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống, và bất kỳ ai sống và Tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.

Với lời xác quyết vừa trang trọng, lại vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải xác tín như lời Ngài hỏi Martha:

- Con có tin điều đó không?

Và Martha đã tuyên xưng:

- Lạy Thày con tin, Thày là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian.

Nàng biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng nước. Và Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ, Ngài truyền cho Lagiarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa, thế nhưng một số người khác, nhất là bọn Biệt phái và các thượng tế lại chống đối Ngài một cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và nhất trí kết án tử hình cho Chúa.

Cùng một sự kiện mà có người thì chấp nhận, nhưng có kẻ lại từ khước. Đức tin, dĩ nhiên là một ơn huệ của Thiên Chúa, thế nhưng nó không phải là một kho tàng được trao ban một lần thay cho tất cả vì sẽ không bao giờ bị mất đi. Trái lại, đức tin giống như một bông hoa quí nhưng lại dễ tàn và dễ héo, nếu chúng ta không biết chăm sóc cho nó.

Chúng ta nói nhiều về đức tin, nhưng thử hỏi được mấy người đã thực sự vun trồng cho đức tin trong cõi lòng của mình. Đức tin không phải là một món ăn được nấu chín và dọn sẵn cho chúng ta, nhưng là một cây được trồng nơi thửa đất là tâm hồn chúng ta.

Bởi đó, hãy vun trồng và chăm sóc cho cây đức tin của mình được đâm rễ sâu, vì rễ có sâu thì cây đức tin mới đứng vững được trước những phong ba và bão táp.

 

31. Rơi lệ

Người ta khóc vì nhiều nguyên do. Vui quá cũng khóc; buồn quá cũng khóc; đau khổ hay mất mát quá lớn cũng làm người ta khóc. Khóc là một cảm xúc tự nhiên của con người.

Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay Ngài cũng khóc "Chúa Giêsu rơi lệ". Nhưng tại sao Ngài khóc? Có phải vì Chúa nhớ thương một người bạn thân đã ra đi vĩnh viễn không? Chắc không phải thế đâu, vì Ngài biết việc Ngài sắp làm cho Lazarô là cho anh được sống lại. Vậy có phải Ngài khóc vì thấy có nhiều người khóc thương anh ấy không? Chắc cũng không phải thế, vì Chúa Giêsu không bao giờ chạy theo những tình cảm chóng qua của con người. Vậy tại sao Ngài khóc?

Thật ra, trước sự mất mát và đau buồn của tang gia và những người thân, Chúa Giêsu cũng xúc động. Đó cũng là cảm xúc tự nhiên của Con Thiên Chúa làm người. Nhưng nguyên do sâu xa hơn khiến Ngài phải "rơi lệ " và thổn thức là do:

1. Sự cứng lòng tin của người Dothái và niềm tin nửa vời của Mátta và Maria. Trước bao nhiêu việc Ngài làm, bao nhiêu lời Ngài nói mà dân chúng vẫn thờ ơ, nghi ngờ. Thái độ ấy có ngay ở những người thân tín nhất của Ngài. Chúa khóc vì thương cho họ, ví tội nghiệp cho họ. Ngài đã mở mắt cho họ nhưng họ vẫn còn mù tối vì thái độ không cộng tác và những thành kiến cố hủ nơi họ.. Ta cũng hãy nhớ lại , có lần Đức Giêsu cũng dừng chân lại trước của thành Giêrusalem và khóc thương thành: "Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi" (Mt 23, 37-38). Đó là tấm lòng xót thương bao la của người cha, người mẹ cho con cái mình.

Có người nói rằng: Tại sao Thiên Chúa không hành động theo ý Ngài nếu Ngài thấy điều đó là tốt đẹp cho con người? Câu trả lời là vì Thiên Chúa không muốn biến chúng ta thành những cổ máy Robot. Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do và con người phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng tự do của mình. Nếu con người dùng tự do của mình để nghe theo Thiên Chúa, để làm điều thiện theo lời Ngài dạy, thì con người sẽ tìm được hạnh phúc và sẽ mãi mãi sống trong tự do thật sự. Còn ngược lại, con người sẽ phải đau khổ, phải chết và bị trầm luân mãi mãi trong đau khổ.

Lời Chúa vẫn còn đó, vẫn âm vang mỗi ngày bên tai và trong lòng chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có thái độ nào trước lời mời gọi của Chúa mà thôi.

2. Đức Giêsu khóc cũng vì Ngài nghĩ đến cái chết của Ngài sắp xảy đến. Cái chết của Lazarô là dấu hiệu tiên báo về cái chết của chính Đức Giêsu cũng như tiên báo sự chiến thắng tạm thời của Satan. Sự xúc động của Đức Giêsu ở đây cũng giống như tâm tình của Ngài trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu (Ga 12, 27. 13, 21). Việc Đức Giêsu phục sinh cho Lazarô cho chúng ta thấy quyền năng của Ngài như Ngài đã nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống". Hãy vững tin vào Ngài.

Chúng ta cũng hãy nhìn xem về thái độ của Mát-ta và Maria. Họ tuyên xưng và tin rằng Đức Giêsu là sự sống và tin Ngài có quyền làm cho kẻ chết sống lại. Nhưng trong thực tế, họ vẫn nghi ngờ. Chúng ta có thể nói được điều đó là vì khi Đức Giêsu bảo "Hãy đẩy tảng đá" ở cửa mộ của Lazarô ra, thì Mátta thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rối vì đã 4 ngày". Thế đấy, tuyên xưng niềm tin bằng tâm tình và bằng lời nói thì xem ra rất dễ. Nhưng đi vào thực tế, thì chúng ta lại rất hay nghi ngờ. Chúng ta cũng hãy xét lại mình xem, tâm tình của chúng ta khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa có giống như Mát-ta không?

 

32. Niềm tin bừng sáng - Br Philip-Minh Khả, CRM

Trong ký ức chúng ta có lẽ không quên biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Trung Tâm Mậu Dịch quốc tế tại New York năm vừa rồi. Hai tòa nhà cao 102 tầng đã sụp đổ sau hơn một tiếng đồng hồ bốc cháy bởi hai chiếc máy bay dân sự do đám khủng bố điều khiển đâm vào, mang theo vận mạng một lúc mấy ngàn người trong các tòa nhà đó. Cả nước Mỹ bàng hoàng và đau đớn trong biến cố này. Đứng trước biến cố này, trong sự bàng hoàng, thương tiếc, đau khổ và tuyệt vọng, niềm tin vào sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa nơi nhiều người bị lung lay. Nhiều người đã phải thốt lên rằng Thiên Chúa đâu rồi? Tại sao Chúa không ngăn ngừa khỏi xảy ra sự dữ này?

Câu hỏi tương tự ở trên cũng được thấy trong Tin mừng Gioan hôm nay. Martha và Maria trong cơn đau khổ mất em là Lazarô, gặp Chúa Giêsu, hai chị em vừa khóc, vừa trách Chúa rằng Chúa ơi, Chúa ở đâu khi em con đang bệnh; nếu Chúa ở đây thì em con đâu có chết. Đây có lẽ là tâm lý chung của con người khi gặp sự đau khổ. Trong đêm tối mịt mù của khổ đau, niềm tin nơi Thiên Chúa của chúng ta bị lung lay. Chúng ta cảm thấy hoài nghi sự hiện diện và tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta.

Tin mừng Gioan hôm nay cho chúng ta thấy trong Martha và Maria đang đau khổ, Chúa Giêsu đến bên cạnh họ. Thánh Gioan trình bày ở đây một Thiên Chúa không xa vời ở nơi đâu, nhưng rất gần gũi với con người. Chúa Giêsu mang đến cho họ niềm an ủi. Chúa Giêsu thông cảm nỗi đau khổ của họ. Trong tâm tình xót thương, Người mủi lòng và khóc thương. Và chính niềm tin vào Thiên Chúa nơi Martha và Maria bừng sáng lên khi họ cảm nhận Chúa Giêsu ở bên họ và đặt niềm tin tưởng, phó thác vào Người.

Với niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta tin rằng trên vạn nẻo đường của cuộc sống mỗi người, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, Thiên Chúa luôn có mặt để hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta. Trong an vui hạnh phúc, trong thất bại khổ đau, trong hân hoan hay đau buồn, trong mạnh khỏe hay bệnh tật, Thiên Chúa luôn bên cạnh ta để mời gọi ta tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Thật ra không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Ngài luôn theo đuổi, kiếm tìm và ở bên cạnh con người như trường hợp của chị em Martha, Maria và Lazarô. Chúa Giêsu hằng luôn để ý tới họ và trong cơn đau khổ nhất khi Lazarô chết, Chúa Giêsu đã tìm đến bên cạnh họ để an ủi.

Trong cuộc sống vật lộn với công ăn việc làm để tìm miếng cơm manh áo, với biết bao buồn vui xảy ra đến trong cuộc đời, với những cái chết vì bệnh ung thư hoặc bị tai nạn xe hơi hay vì một lý do không may nào xảy đến, chúng ta luôn luôn được mời gọi để nhìn lên trên các biến cố ấy trong tương quan với đời sống vĩnh cửu, với niềm tin tôn giáo. Đây là cách duy nhất để chúng ta nhận thức được ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống.

Biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Trung Tâm Mậu Dịch quốc tế là một sự dữ, là đêm tối đức tin cho nhiều người. Tuy nhiên, qua biến cố này, niềm tin được bừng sáng nơi nhiều người. Nhiều người nhận xét rằng, người ta cầu nguyện với Thiên Chúa nhiều hơn. Nhiều người xưa nay có thái độ bàng quan tới mọi người, nay tỏ thái độ yêu thương, chia sẻ. Niềm tin bừng sáng! Trong câu chuyện Lazarô sống lại, Martha và Maria trong đau khổ đã nhận được tình Chúa Giêsu và đặt niềm tin tưởng, phó thác vào Ngài. Niềm tin bừng sáng! Còn mỗi người chúng ta, cái nhìn, thái độ và niềm tin chúng ta thế nào đối với Thiên Chúa trong các biến cố xảy ra trong đời chúng ta?

 

33. Gieo mầm sự sống – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Tuần qua, trên báo có bài viết: “Đường đi của cái chết” nói về những đường dây ma túy từ Châu Phi và từ một số quốc gia đang đổ vào Việt Nam dưới rất nhiều hình thức. Một điều khó khăn cho những người có trách nhiệm đó là ma túy ngày nay rất đa dạng và rất mới, còn hành động của những kẻ gieo rắc cái chết trắng thì hết sức tinh vi và là một mạng lưới xuyên quốc gia. Những chất ma túy này hằng ngày đang gieo bao nhiêu sự chết chóc cho người Việt, gây nên một sự bạc nhược uể oải cho lớp trẻ, và ăn mòn tuổi trẻ của nhiều người. Bên cạnh những cái chết trắng còn có nhiều người đang gieo cái chết âm thầm cho người khác qua việc sản xuất thực phẩm không an toàn, hoặc gieo rắc những hình ảnh những lối hành xử giết chóc vào trong tâm hồn người khác qua phim ảnh bạo lực sách báo với lối sống thù hằn. Ở Việt Nam còn có cái chết mà các nơi khác rất ít có, đó là cái chết đường phố: những hung thần trên đường phố tại Việt Nam mỗi tháng cũng cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, mỗi năm hơn 10 ngàn người chết vì tai nạn giao thông, và cũng có từng đó người thương tật.

Thưa quý OBACE, xã hội và thế giới quanh ta dường như càng ngày càng được bao trùm bởi sự chết chóc, lo âu và sợ hãi như thế, thì Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng muốn cho con người được sống và sống hạnh phúc. Đức Giêsu chính là Đấng đã sống lại từ cõi chết và đem đến sự sống cho nhân loại. Câu chuyện Chúa Giêsu cho anh Lazarô được sống lại hôm nay muốn nói lên điều đó.

Cái chết là đau khổ tột cùng của con người, đau khổ cho cả người chết và người còn sống. Khi đối diện với cái chết con người lo âu sợ hãi, sợ hãi vì họ phải đối đầu với cái chết một mình, cảm thấy cô đơn không có ai đi cùng. Đối diện với cái chết người ta sợ hãi là vì người ta không biết bên kia cánh cửa sự chết điều gì sẽ xảy ra cho họ, và họ sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn. Chính vì thế mà ai cũng muốn kéo dài sự sống. Bên cạnh đó cái chết còn để lại cho người sống một nỗi đau đớn mất mát vì phải vĩnh viễn chia tay với người thân yêu. Vì những lý do đó mà cái chết luôn là sự ám ảnh sợ hãi cho con người.

Trong cái nhìn đó, chúng ta mới thấy hoàn cảnh đau thương của gia đình Matta và Maria, họ chỉ có ba chị em, mà giờ đây mất đi người em út. Đọc câu chuyện chúng ta thấy cái chết của Lazarô đã làm cho tinh thần của hai người chị xuống dốc trầm trọng và đức tin của họ bị chao đảo và thử thách nặng nề. Trước đây, họ vẫn đón tiếp Chúa Giêsu như một vị Thầy quyền năng, và chắc chắn đã nhiều lần hai cô cũng chứng kiến việc Chúa làm phép lạ cho kẻ chết sống lại, tuy nhiên lần này khi Lazarô bị bệnh nặng, báo tin cho Thầy Giêsu, thì Thầy đã không đến ngay, vì thế hai cô rơi vào thất vọng, nên khi Đức Giêsu vừa đến thì cô Matta đã trách Chúa trong tuyệt vọng: Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết.

Dù là trách Chúa, nhưng cô vẫn còn một chút hy vọng khi cô nói: Nhưng con biết bây giờ Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, thì Người cũng sẽ ban cho Thầy. Chúa Giêsu đã không nỡ để cho hy vọng cuối cùng ở nơi cô bị vụt tắt nên Ngài đã nâng đỡ đức tin cho cô khi nói với cô: Em con sẽ sống lại. Tuy nhiên cô Matta vẫn chưa vượt qua được sự cản trở tự nhiên và sự suy nghĩ của con người, nên cô cũng chỉ nói lên niềm tin vào sự sống đời sau mà thôi, chứ cô không tin rằng Đức Giêsu có thể làm cho em cô sống lại ngay bây giờ, vì thế cô nói: Vâng con biết đến ngày tận thế thì em con sẽ sống lại.

Chúa Giêsu đã muốn cho cô Matta đi một bước xa hơn trong niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa ở nơi Ngài, tin Ngài có thể làm được tất cả, nên Ngài mới giải thích cho Matta: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống, ai sống mà tin vào Thầy thì không bao giờ phải chết. Giải thích điều đó, Chúa Giêsu muốn cô Matta tuyên xưng niềm tin của mình khi Ngài hỏi cô: Con có tin như thế không? Lúc này cô Matta đã vâng phục hoàn toàn không cần phải giải thích thêm, cô đã tuyên xưng: Thưa Thầy có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Với lời tuyên xưng này, cô Matta đã tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, có nghĩa là Đấng được xức dầu, là Đấng Cứu Thế, và còn tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, có nghĩa là tuyên xưng Đức Giêsu là chính Thiên Chúa, Đấng có quyền năng của một vị Thiên Chúa.

Mặc dù hoàn toàn tin tưởng Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, nhưng cô Matta, chị của người chết vẫn cứ để cho sự chết ràng buộc mình, cho nên khi Chúa Giêsu ra lệnh cho mọi người khiêng tảng đá lấp cửa mộ ra, thì cô Matta đã can ngăn mọi người: Thưa Thầy, không thể được, vì đã bốn ngày rồi. Một lần nữa Đức Giêsu lại nâng đỡ đức tin cho cô Matta: Nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa. Bằng một mệnh lệnh: Lazarô hãy ra đây, người chết liền bước ra khỏi mồ, trên người còn quấn những khăn liệm. Chứng kiến phép lạ này nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.

Đức Giêsu chính là Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho nhân loại và vũ trụ, Ngài là Đấng đã mang lấy thân phận của con người đã chấp nhận cái chết và đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà chỗi dậy từ cõi chết để đem đến cho nhân loại sư sống, những ai tin Ngài và đón nhận Ngài thì đón nhận được sự sống Ngài ban tặng. Việc hồi sinh cho Lazarô là một minh chứng về quyền năng của Thiên Chúa, tuy nhiên Lazarô vẫn chỉ hồi sinh để sống lại cuộc sống cũ, còn những người tin vào Đức Giêsu, thì đón nhận được một sức sống mới hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống cũ. Sức sống mới này là sức sống của Thần Khí của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trao ban sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Thần Khí sự sống mà Đức Giêsu ban tặng đã được tiên tri Ezekiel nhắc đến khi tiên báo rằng: Thiên Chúa phán: Ta sẽ mở cửa mồ cho các ngươi, Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh. Thánh Phaolô đã hiểu điều này, đã tin và đã nói cho cộng đoàn Rôma rằng: Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, Ngài cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới.

Thưa quý OBACE, chúng ta vẫn phải đối diện với cái chết về thể xác, nhưng đối với những người tin vào Đức Giêsu, thì cái chết không còn là nỗi sợ hãi kinh hoàng nữa, vì chúng ta tin vào lời Chúa hứa hôm nay: Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống mà tin vào Thầy thì sẽ không phải chết nữa. Do đó với người Kitô hữu cái chết sẽ trở nên nhẹ nhàng, là ngưỡng cửa bước qua để chúng ta được vào hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa.

Tuy nhiên chúng ta không chỉ mong đợi sự sống đời đời mai sau, nhưng ngay hôm nay, nhờ được dìm vào dòng nước rửa tội, cùng dìm vào cái chết của Đức Giêsu Kitô, thì ngay hôm nay, lúc này, chúng ta đang đón nhận được sự sống Ngài trao ban. Sự sống ấy chính là Thánh Thần của Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong chúng ta. Như thế, theo thánh Phaolô, chúng ta không thể để mình sống theo con người cũ, không thể để mình buông theo lối sống của xác thịt và của thế gian, nhưng phải để cho Thánh Thần chi phối và dẫn dắt, và chỉ những ai để cho Thánh Thần dẫn dắt thì mới thuộc về Đức Kitô. Mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận sức sống của Thánh Thần trong ngày rửa tội và được tăng cường mạnh mẽ trong ngày lãnh Bí tích Thêm Sức, tuy nhiên, nhiều người đã bỏ quên sự hiện diện của Thánh Thần, đã để cho mầm sống mới của Đức Kitô bị thui chột bởi cuộc sống bê tha lười biếng.

Một lần nữa lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tái khẳng định niềm tin vào Chúa Giêsu, để nhờ tin vào Ngài, chúng ta được lãnh nhận Thánh Thần là sự sống của Ngài, và được sống. Hãy đem sự sống của Đức Giêsu vào trong đời sống và trong gia đình của mình, hãy lắng nghe và vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn chúng ta, giải gỡ những khó khăn trong cuộc sống, giúp chúng ta điều chỉnh lại nếp sống để cho gia đình mỗi ngày thêm hạnh phúc hơn. Hãy cùng nhau tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, và dám phó thác cuộc sống và gia đình cho Ngài, Ngài sẽ canh tân đổi mới cuộc sống gia đình chúng ta.

Nhiều người ngày nay đang bị chôn vùi trong tội lỗi, trong cái tôi ích kỷ lười biếng và tự mãn của mình, nhiều người trẻ thì bị những dây băng là các thứ nghiện ngập đam mê trói buộc như games, internet, phim ảnh, sách báo xấu, ma túy, cờ bạc, cá độ,… khiến họ nằm lỳ trong tình trạng xa Chúa, nhiều bạn khác vì bị nhồi nhét bởi những tư tưởng vô thần, những phong trào chống phá bôi xấu Giáo Hội, nó như nấm mồ chôn chặt cuộc sống và suy nghĩ của họ. Hãy tin tưởng vào quyền năng của Đức Giêsu để lăn tảng đá xấu xa đó ra khỏi cuộc đời, hãy giúp nhiều bạn trẻ tháo cởi khỏi những sợi dây băng chết chóc ràng buộc đó, để giúp họ có thể đến với Đức Giêsu và đón nhận được Thần Khí sự sống của Ngài. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ