Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 82
Tổng truy cập: 1364762
HÃY SẴN SÀNG
HÃY SẴN SÀNG– Chú giải của William Barclay
Qua dụ ngôn phú nông khờ dại Chúa cảnh cáo các môn đệ đừng để cho tâm trí bận bịu với việc lo làm giàu cách ích kỷ, rồi phải đặt niềm tin nơi Chúa quan phòng mà quên đi lo âu về cơm ăn áo mặc hàng ngày, nhưng phải quan tâm hết sức về Nước Thiên Chúa sẽ hiện ra khi gặp Ngài trở lại.
Về những biến cố trước khi Ngài trở lại, cùng những tình hình và hậu quả của sự trở lại ấy, Ngài sẽ dạy họ rõ ràng hơn trước khi Ngài qua đời; ở đây Ngài chỉ dạy họ giữ thái độ canh thức, ngụ ý rằng nếu lúc nào tâm trí họ cũng hướng về sự trở lại của Chúa, thì họ sẽ ở ngoài vòng cương tỏa của trần thế, của lo âu, để cần mẫn phục vụ Ngài.
Ngài minh họa thái độ canh thức ấy bằng dụ ngôn ông chủ trở về và kẻ trộm đến. Trong dụ ngôn đầu: ông chủ đi dự tiệc cưới, tôi tớ ở nhà ăn mặc tươm tất, chong đèn thức đợi, sẵn sàng đợi ông chủ về. Về đến nhà, ông hân hoan thấy họ kiên tâm như vậy, ông biểu lộ niềm vui bằng cách cho họ đồng bàn trong bữa tiệc họ đã dọn cho ông.
Dụ ngôn thứ hai biểu lộ chân lý việc đến bất ngờ của kẻ trộm. Trộm đến không bao giờ báo trước, nên chỉ còn một cách là lúc nào cũng rình chờ hắn đến. Chúa thêm: “Cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Tại đây cũng như nhiều chỗ khác, Chúa cho biết còn lâu nữa Ngài mới trở lại. Thời gian Ngài vắng mặt sẽ như một đêm dài, còn nhiều điều cần phải được biểu lộ, còn nhiều điều cần thiết trước khi Ngài trở lại. Thế nhưng họ không phải chờ đợi trong bồn chồn lo âu, hoặc ngày Ngài đến đã gần kề, nhưng chỉ cần họ đứng tại vị trí của bổn phận, trung thành thi hành công việc đã được trao phó cho.
Chúng ta có thể dựa vào thái độ canh thức, chú tâm đến sự trở lại của Chúa, mà đón định tư cách của các giáo sư và những người lãnh đạo Giáo Hội. Đó là động lực khiến Phêrô đưa ra câu hỏi. Ông hỏi rằng mọi người sẽ cùng hưởng phước hạnh về sự của Chúa ngang nhau hay những người như các tông đồ, đã phục vụ Chúa nhiều hơn sẽ lãnh phần thưởng lớn hơn. Chúa trả lời cho thấy đặc quyền lớn bao nhiêu thì thử thách lớn về trách nhiệm nặng hơn.
Như vậy đoạn Kinh Thánh này có hai ý nghĩa: nghĩa hẹp chỉ sự trở lại của Chúa vào ngày thế mạt, nghĩa rộng chỉ về thời điểm mà mỗi người chúng ta được gọi trình diện Thiên Chúa. Có lời khen ngợi là dành cho người đầy tớ biết sẵn sàng. Chiếc áo dài lướt thướt của Đông phương gây trở ngại khi làm việc. Vì thế để làm việc, người ta vén áo cao lên, buộc vào thắt lưng để hoạt động thoải mái. Chiếc đèn ở Đông phương chỉ là một sợi tim (bấc) thả trên một đĩa dầu. Tim đèn phải luôn luôn được cắt tỉa và đèn phải luôn luôn đầy dầu, nếu không đèn sẽ tắt. Không ai có thể nói ngày giờ nào cõi đời đời sẽ xâm nhập vào thời gian và khi nào tiếng gọi của Chúa sẽ đến.
Vậy chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta trong tình trạng thế nào?
- Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta lúc đã chu toàn bổn phận của mình.
Biết bao người trong chúng ta có đời sống dở dang, có những việc chưa làm và những việc mới làm một nửa. Có những việc bỏ bê và có những việc chưa bắt đầu. Các bậc vĩ nhân bao giờ cũng nghĩ đến bổn phận phải làm trọn. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Con đã làm xong công việc mà Cha đã trao ban cho con”. (Ga 17,4). Không ai được coi thường, bỏ bê công tác mà mình phải chu toàn, hay có thể hoàn tất trước khi đêm đến.
- Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta đang sống hòa thuận cùng mọi người.
Thật đáng sợ nếu ta lìa khỏi thế gian này mà lòng còn cay đắng với một người nào. Không ai được để cho mặt trời lặn trên cơn giận của mình (Ep 4,26), nhất là khi mặt trời lặn lần cuối cùng trong đời mình, và ai có thể biết được ngày nào mình nhìn thấy mặt trời lặn lần cuối.
- Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta đang bình an với chính Ngài.
Trong giờ cuối cùng, chúng ta cảm thấy mình sắp phải gặp một người xa lạ, một kẻ thù, hay sắp được nằm yên trong vòng tay êm ái của Cha lành, đó là tất cả sự khác biệt.
Trong phần thứ hai của đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giêsu cho biết thế nào là người quản gia khôn ngoan và không khôn ngoan. Bên Đông phương, người quản gia có quyền hạn rất rộng. Bản thân là nô lệ, nhưng anh ta có quyền điều khiển các nô lệ khác. Một quản gia tín nhiệm được coi sóc mọi việc trong nhà và điều hành gia tài của mình. Người quản gia không khôn ngoan đã phạm hai lỗi lầm:
- Anh ta nói: “Ta sẽ làm theo ý thích của ta trong khi chủ ta đi vắng”, vì anh ta quên rằng ngày tính sổ phải đến. Chúng ta thường chia đời sống ra nhiều phần. Trong phần này của đời sống thì chúng ta nhớ Chúa hiện diện, trong phần khác thì chúng ta chẳng nghĩ đến Chúa chút nào. Chúng ta có khuynh hướng vạch một đường ranh giới giữa những hoạt động thiêng liêng và những hoạt động thế tục. Nhưng nếu hiểu rõ Kitô giáo là gì? Chúng ta hẳn biết rằng không có phần nào trong đời sống chúng ta khuất mắt của Chúa được. Chúng ta đang làm việc và sống động mãi dưới cái nhìn thấu suốt của Chủ Lớn của chúng ta.
- Anh ta nói: “Ta có đủ thời giờ sắp xếp mọi công việc trước khi chủ đến”. Không có gì nguy hiểm cho bằng cảm tưởng là chúng ta có đủ thời giờ. Chính Chúa Giêsu phán: “Ta phải làm công việc của Đấng đã sai Ta đang khi còn ban ngày, đêm đến thì không ai còn làm việc được nữa” (Ga 9,4). Một trong những chữ rất nguy hiểm trong đời sống con người là chữ “ngày mai”.
Đoạn Kinh Thánh chấm dứt với lời cảnh cáo rằng sự nguy hiểu biết và đặc ân bao giờ cũng mang theo trách nhiệm. Tội trở nên nặng gấp đôi cho người nào hiểu biết mà cứ phạm. Thất bại sẽ đáng trách gấp đôi cho người nào có điều kiện để thành công mà lại không chịu lợi dụng các điều kiện ấy.
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN -C
NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong một thời gian ngắn các nước Á Châu đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh tụ. Trước hết là việc chạy trốn của ông Fujimori. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Peru đến nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng vì tham nhũng, ông đã phải trốn chạy về Nhật. Tiếp đến là ông Estrada, tổng thống nước Philippin. Ông đã thắng cử với số phiếu áp đảo. Nhưng cuối cùng phải từ chức cũng vì tội tham nhũng. Gần đây là ông Wahid, tổng thống Inđônêsia. Ông đã sang Mỹ tị nạn cũng vì tham nhũng. Tất cả chỉ vì họ đã làm sai nhiệm vụ. Họ chỉ là quản lý chứ không làm chủ đất nước. Dân mới làm chủ. Nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý. Nên họ đã bị sa thải.
Chúng ta cũng là người quản lý của Thiên Chúa. Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa. Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc? Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó. Tất cả đều là của Chúa. Chúng ta chỉ là quản lý. Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian. Nói theo ngông ngữ Trịnh Công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ” nơi ta.
Con chim ở trọ cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Môi xinh ở trọ người xinh,
Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…
Tôi nay ở trọ trần gian
Mai sau về chốn xa xăm với Người.
Một ngày kia Chúa sẽ đòi ta tính sổ. Lúc đó ta phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lãi.
Là ngời quản lý, ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.
Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.
Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.
Là quản lý trung tín, ta không được phải bội. Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình. Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng. Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.
Là quản lý không ngoan, ta phải biết nhìn xa. Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian. Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu. Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá”. Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.
Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho minh chính như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.
Lạy Chúa, xin nhắc cho con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có lần nào nghĩ rằng thân xác cùng với những gì bạn có thực sự không phải là của bạn không?
2- Trong quá khứ bạn đã là người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa chưa?
3- Phải làm thế nào để trở thành người quản lý trung tín và khôn ngoan?
4- Làm sao để biến những gì ta đang có thành vĩnh cửu?
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- C
TỈNH THỨC VÀ ĐÓN CHÚA THẾ NÀO – Lm. Đan Vinh HHTM
Ý CHÍNH: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn sàng đón Người lại đến, bằng thái độ luôn tỉnh thức và sẵn sàng:
– Tỉnh thức sẵn sàng như người đầy tớ trung tín, thức canh chờ mở cửa đón chủ về vào lúc ban đêm (c 35-38).
– Tỉnh thức sẵn sàng như người chủ nhà biết giờ kẻ trộm đến, sẽ canh phòng không cho nó đào ngạch khoét vách nhà mình (c 39-40).
– Tỉnh thức sẵn sàng như người quản lý trung tín và khôn ngoan, luôn chu toàn bổn phận phát lương thực cho gia nhân theo lệnh của ông chủ (c 42-48).
CHÚ THÍCH:
– C 32-34: + Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ: Các môn đệ được gọi là đoàn chiên bé nhỏ vì số lượng ít, không địa vị quyền hành và sống khó nghèo, đang khi kẻ thù của các ông thì vừa đông vừa mạnh lại vừa giàu có. Nhưng Đức Giê-su đã trấn an các ông: đừng vì thế mà tỏ ra khiếp nhược sợ hãi, vì “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), vì có Thầy luôn ở bên và vì Thiên Chúa sẽ ban phần thưởng thiêng liêng là Nước Trời đời đời cho các ông sau này. + Hãy bán của cải mình đi mà bố thí: Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát và từ bỏ, thể hiện qua hành động sẵn sàng bán đi những của cải mình có mà phục vụ tha nhân.+ Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách: Cần phải tích trữ của cải thiêng liêng không bị hư nát, không sợ bị kẻ trộm lấy mất… Những của cải thiêng liêng ấy có được nhờ làm các việc từ thiện và bố thí cho những kẻ nghèo. + Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó: Nếu xác định kho tàng của mình là các của cải thiêng liêng, thì các môn đệ sẽ liệu sao để có được nhiều thứ của cải ấy.
– C 35-37: + Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn: Đây là thái độ Mô-sê yêu cầu dân Do thái phải có khi ăn bữa tiệc chiên Vượt qua trước giờ xuất hành ra khỏi Ai-cập (x. Xh 12,11). Đây cũng là thái độ của các tín hữu hôm nay chờ đợi giờ Đức Giê-su lại đến vào ngày thế mạt (x. Lc 12,37; 17,8). + Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về: Ông chủ đi ăn cưới là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su sắp lên trời trước khi Người sẽ trở lại lần thứ hai vào ngày tận thế. + Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay: Chúa sẽ đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người, cũng như trong ngày tận thế chung của nhân loại. Mọi người đều phải sẵn sàng mở cửa đón rước Người. + Thật là phúc cho họ!: Ở đây Đức Giê-su đã thêm một mối phúc nữa là: “Phúc cho những ai tỉnh thức sẵn sàng”. + Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn…: Việc này khó xảy ra trong thực tế, nhưng được dùng để diễn tả một thực tại thiêng liêng: Chúa sẽ ưu ái phục vụ lại các đầy tớ trung tín. Họ sẽ được no thỏa ân tình của Chúa như lời sách Khải huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta” (Kh 3,20).
– C 38-40: + Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về: Người Do thái thường chia thời gian ban đêm làm bốn canh là: Chập tối, nửa đêm, gà gáy và tảng sáng (x. Mc 13,35). Canh hai hay canh ba tức là khoảng từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng là lúc người ta buồn ngủ nhất. Ở đây nhấn mạnh đến thái độ phải có của các môn đệ là luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào. + Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến…: Đây là dụ ngôn về ông chủ nhà cũng phải luôn tỉnh thức. Dụ ngôn nhấn mạnh đến khía cạnh bất ngờ của giờ chết mỗi người. Muốn khỏi bị bất ngờ thì người ta phải luôn tỉnh thức canh phòng. +Khoét vách nhà mình: Các vách tường nhà của người Do thái thường được xây bằng gạch sơ sài, nên dễ bị kẻ trộm khóet vách đột nhập vào nhà.
– C 41-44: + Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?: Câu hỏi của Phê-rô là câu chuyển tiếp giữa lời khuyên chung cho tất cả các môn đệ (các câu 35-40) và lời khuyên riêng dành cho các Tông đồ là những người được ủy thác nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn Ki-tô hữu (các câu 42-48). + Ai là người quản gia trung tín khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở: Hai đức tính mà người lãnh đạo cộng đoàn phải có là khôn ngoan và trung tín. Nếu người quản lý cấp phát phần thóc gạo cho gia nhân đúng giờ, thì mới chứng tỏ mình là một con người trung tín. Anh ta sẽ được ông chủ tín nhiệm trao nhiệm vụ coi sóc tất cả gia sản của ông.
– C 45-48: + Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về…”: Đức Giê-su nêu lên sự trở về chậm trễ và bất ngờ của ông chủ, như là một cách thế để thử thách lòng trung thành của các Tông đồ và những người lãnh đạo cộng đoàn.+ Đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa: Đây là tội thiếu tinh thần trách nhiệm, sa đà vào thói ăn chơi mà bỏ bê nhiệm vụ quản lý của người đầy tớ. + Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra: Đức Giê-su sẽ đến bất ngờ và sẽ cô lập, ra vạ tuyệt thông cho những kẻ bất trung ấy. + Đầy tớ nào biết ý chủ…: Sự phán xét tùy thuộc vào mức độ ý thức và sự hiểu biết ý chủ của các đầy tớ. + Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều…: Thiên Chúa sẽ đòi mỗi người phải trả lẽ về những ơn đã nhận được và về các trách nhiệm đã được Chúa trao phó.
CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ của Đức Giê-su không nên sợ hãi giờ chết? 2) Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có thái độ thế nào để đón chờ Người lại đến? 3) Các người lãnh đạo cộng đoàn cần có thái độ nào để đón chờ Chúa? 4) Tại sao các môn đệ của Chúa lại bị phán xét nặng hơn thường dân?
- SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc 12,36).
- CÂU CHUYỆN:
1) Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng: “Ngài chế tạo ra cái này để làm gì vậy?” Nhà sư trả lời: “Người ta sống tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ: người đời ai cũng chỉ biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc… mà chẳng hề nghĩ đến cái chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm hồn mình được bình an.
2)Một nhóm bạn đang chơi đá bóng ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo hỏi các em rằng: “Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa là sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian còn lại này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất la Lu-y Gông-gia-ga thì lại thưa: “Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ!” Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời: “Vì mỗi sáng thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa những lời nguyện tắt. Em nghĩ Chúa cũng chỉ cần em làm như vậy”.
- SUY NIỆM:
1) Phải tỉnh thức và sẵn sàng luôn: Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần có thái độ “Tỉnh thức và sẵn sàng”:
– Như người đầy tớ trung tín (c 35-38): Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.
– Như người chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thân trach nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an “.
– Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48): Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Nhưng nếu anh ta “nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”, thì số phận của anh ta sẽ “phải chung số phận với những tên thất tín”. Vào thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca vì nghĩ lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối sống buông thả không chịu làm việc gì cả. Do đó, thánh Phao-lô đã phải viết thư để chấn chỉnh lối sống lười biếng ấy như sau: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: Trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy: hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Ts 3,10-12).
2) Cụ thể chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến thế nào?:
– “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”:
Mỗi tín hữu chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày như dâng lễ cầu nguyện sớm tối để đón nhận ơn Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách tay luôn cầm cây đèn là đưc Tin, chứa đầy dầu ân sủng là đức Cậy, để luôn cháy sáng là đức Mến giữa cuộc sống đời thường.
– Phải làm gì để đón Chúa đến ngay từ bây giờ?: Hãy luôn ý thức sống tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian như Lời Chúa dạy: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,32-34).
– Chu toàn công việc bổn phận: Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một hội đoàn, một cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ… Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác như tên quản lý trong bài Tin mừng đã “Đánh đập tôi trai tớ gái”, “chè chén say sưa” vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Người quản lý sẽ bị phạt nặng hơn vì đã biết ý Chúa mà còn cố tình bỏ việc bổn phận của mình.
– “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”:
Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh… Hiện nay nhiều người tuy rất tỉnh thức đọc kinh cầu nguyện, nhưng lại đang mê ngủ trước những đòi hỏi phải chia sẻ bác ái của Tin Mừng. Nếu các tín hữu luôn tỉnh thức bằng việc quan tâm giúp đỡ người bên cạnh thì hai phần ba nhân loại sẽ không còn nghèo đói nữa. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy tập quảng đại cho đi những gì mình có. Hãy “làm những công việc bình thường bằng một cách thức phi thường” noi gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, để chiếu ánh sáng tin yêu giúp cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa như lời Chúa dạy: “Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh emlàm mà tôn vinh Cha của anh em” (Mt 5,16).
– Phải sẵn sàng phục vụ để loan báo Tin Mừng: Những ai không có tiền vẫn có thể làm việc tông đồ băng việc phục vụ. Mẹ Têrêsa Can-quýt-ta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo đói bệnh tật tiền bạc vật chất, nhưng cho sự ân cần phục vụ trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu. Hiện nay có nhiều tín hữu vẫn đang mê ngủ khi chỉ lo hưởng thụ tiện nghi vật chất va các đam mê thấp hèn… mà không ưu tiên tìm kiếm Nước Trời bằng việc chia sẻ phục vụ tha nhân. Thánh Phao-lô đã khuyên tín hữu chúng ta như sau: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5,14).
- THẢO LUẬN: 1)Bạn đã thấy một người bị chết cách bất đắc kỳ tử chưa? 2)Bạn có cần chuẩn bị cho giờ chết của mình không? 3)Bạn cần làm gì để đón cái chết sẽ đến cách bất ngờ?
- NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho lòng trí con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo. Xin cho con xác tín rằng: Khi giờ chết đến, con sẽ không thể mang theo được tiền của mà con đã ky cóp bấy lâu. Chính những đồng tiền cho đi, đồng tiền quảng đại chia sẻ cho kẻ khác, sẽ trở nên kho tàng quý giá không bao giờ bị hư nát cho con ở đời sau. Xin giúp con luôn biết hướng lòng trí về những sự trên trời.
- X) Hiệp cùng Mẹ Maria. Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam