Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1371641

HÃY SỬA ĐỔI ĐỜI SỐNG VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

Hãy sửa đổi đời sống và tin vào Tin Mừng

Một đôi vợ chồng đã sống với nhau 25 năm và xem ra họ là một cặp xứng đôi vừa lứa hoan hỷ long phụng. Hai vợ chồng có việc làm tốt. Họ cùng nhau đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật và cầu nguyện mỗi tối trước ngày họ về hưu. Song giữa họ có một vấn đề xem ra khó mà vượt qua, đó là cứ mỗi lần nói chuyện là một lần họ cãi nhau. Cuối cùng, bà vợ như đã ứ tới cổ, đương nhiên vì đạo giáo họ không thể ly dị, nên bà mới nghĩ ra một cách. Vào buổi tối kia khi hai người bắt đầu buổi cầu nguyện chung thì bà nói với ông chồng, "Tôi và ông không thể tiếp tục sống mà cứ cãi cọ với nhau như thế này mãi được, chúng mình phải chấm dứt tình trạng này ngay. Nhân đây là ngày đầu tiên của mùa Chay, tại sao tôi và ông không cầu xin Chúa làm ơn thay đổi cách sống này. Vợ chồng mình hãy cầu xin Chúa gọi một người trong chúng ta về với Ngài".

Với lối ý kiến như thế ai cũng thấy điều bà vợ nói là sai với tinh thần của mùa Chay, bởi vì điều thiết yếu của mùa Chay là hồi tâm để canh tân thay đổi chiều hướng ý tưởng cũ của cuộc sống để đời sống tương lai tốt lành hơn. Chúng ta nghe Chúa gọi ta đi một hướng, còn ma quỉ thì quyến rũ ta về lối khác; câu hỏi là "ta theo ai", sự quyết định lệ thuộc vào ta hoàn toàn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nghe Chúa Cha gọi Ngài theo một hướng sau khi chịu phép rửa và rồi ma quỉ quyến rũ Ngài theo hướng khác. Chúa Giêsu ở một mình nơi hoang địa, sau bốn mươi ngày dài ăn chay thì sức Ngài yếu đi và là dịp may cho Satan cám dỗ bởi khi ấy Ngài rất đói. Ngay lập tức những hình ảnh cám dỗ thoả mãn tính xác thịt theo đuổi Ngài. "Tại sao không biến những hòn đá kia thành bánh? Ta có thể làm điều đó và hơn nữa khỏi phải đói!" Sau những ngày một mình trong hoang địa làm Ngài cảm thấy cô đơn. "Tại sao Ta không làm cái gì đó kỳ lạ để mọi người chú ý? Chẳng hạn nhảy từ ghềnh đá cao này xuống dưới vực sâu mà không bị thương tổn? Chà chà, người ta sẽ nhìn thấy và kéo đến đông biết chừng nào, khi ấy Ta hết cô đơn!" Bốn mươi ngày Ngài tự xét đã nhìn thấy những ý tưởng về công cuộc truyền bá của Ngài. "Tại sao Ta không là một anh hùng dũng sĩ như người ta mong chờ nơi Đấng Thiên Sai? Ta sẽ đầy quyền hành và giàu có. Ta có thể làm điều ấy và sẽ không còn nỗi sợ bất an nữa!" Những quyền lực hung mãnh trên sa mạc thế giới cho chúng ta biết rằng đơn hành trên sa mạc mà thiếu các dự bị thiết yếu thì chỉ có hai cách chọn: một là cố tự bảo vệ cho đến khi trợ giúp tới, hai là để cho sự sợ hãi chiếm lĩnh. Một chuyên gia thám hiểm sa mạc đã viết: "Chỉ có người đã tự chuẩn bị cho mình đầy đủ mới có thể sống sót qua sa mạc". Chúa Giêsu đã không hoảng sợ khi mình Ngài đi qua hoang mạc và Ngài cũng chẳng lo âu khi đối mặt với sức mạnh cám dỗ ghê gớm của ma quỉ. Ngài đã tự chuẩn bị cho mình cách hoàn hảo nhất, như Thánh Kinh đã cho ta biết "Ngài đã ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày". Theo truyền thống của Cựu Ước, ăn chay là một cử chỉ tôn giáo cao cả với ý muốn tăng thêm sức mạnh ý chí qua cầu nguyện và chiêm ngắm. Như thế, bằng cách tự thanh luyện tâm hồn mình qua ăn chay cầu nguyện, Chúa Giêsu đã chọn lựa cách hành động luân lý rõ ràng với chủ ý theo tiếng gọi và chiều hướng trong công cuộc truyền bá Tin Mừng của Ngài. Ngài đã nói, "Hãy xéo đi Satan! Vì có lời Thánh Kinh đã viết: Ngươi chỉ tùng phục một Thiên Chúa mà thôi, và chỉ tôn thờ một mình Ngài" (Mt 4,10).

Đời sống là những chuỗi dài của núi cao và thung lũng. Chẳng ai trong chúng ta có thể trốn tránh hết những kinh nghiệm hoang mạc, đó là những giờ phút ta cảm thấy tâm hồn bơ vơ trống vắng, lạnh lẽo cô đơn. Chắc chắn rằng, vào những giờ phút đó, cầu nguyện là điều cần thiết nhất cho chúng ta.

Mặc dầu chúng ta có sợ hãi trong cô đơn lẻ loi và thất bại trong cuộc tìm kiếm để thoát cảnh lạnh giá của cuộc sống, nhưng chúng ta đừng thất đảm. Chúng ta cần cầu nguyện, cần phải thôi nói với chính mình để có thể nghe được tiếng của Chúa là Cha nói trong tâm hồn chúng ta. Trong hoang mạc của đời sống vô nghĩa xem ra mọi cái đều trở nên tiêu tan, vô mục đích, vô ý nghĩa, nó tựa như một trò đùa ghê tởm bao bọc chúng ta bởi quyền lực bên ngoài mà chúng ta không hiểu nổi. Chỉ có một lối thoát, một lối tìm ra ý nghĩa xác thực và cùng đích của cuộc sống của chúng ta; chỉ có một con đường để tìm ra ta là ai và ta phải làm gì, đó là lắng nghe và lắng nghe tiếng Chúa Kitô trong tâm hồn ta. Có thể sẽ phải trải qua bốn mươi ngày đêm hoặc sẽ lâu hơn thế nữa để Tin Mừng của Chúa thấu nhập tâm hồn, nhưng điều quan trọng cần thiết là ta phải tiếp tục lắng nghe không nản lòng. Khi ta ngừng nghe tiếng Chúa thì là lúc ta thiếu chuẩn bị để xua đuổi sự nguy hiểm của thất đảm, nỗi trống rỗng sẽ bao bọc và là dịp thuận tiện để ma quỉ tiến vào đánh giết chúng ta.

Cơn cám dỗ có thể là ước muốn một mình ra đi, ta có thể đi qua ánh sáng không cần Chúa. Nó là sự cám dỗ khi nói rằng chúng ta có thể tự tìm ra câu trả lời "tại sao" cho cuộc sống; và nó là sự cám dỗ làm chúng ta tự hình thành những "thần tượng" nhỏ bé trong tâm hồn chúng ta. Ta phải tự nói với chính mình rằng, "Tôi cần Thiên Chúa nói cho tôi biết tôi là ai, tại sao tôi như vầy và tôi sẽ đi về đâu? Tôi cần Thiên Chúa dẫn đưa tôi ra khỏi sự trống rỗng đến ánh sáng tạo dựng của Ngài và Ngài nói cho tôi biết sự toàn hảo của tôi nằm ở đâu? Hãy tránh xa ta đồ quỉ dữ Satan, vì ngay từ đầu Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất, tất cả... Ta chỉ tôn thờ một mình Ngài".

Gặp gỡ và theo Chúa Kitô trong việc tìm kiếm Nước Chúa trước tiên là một sự thay đổi tính chất cuộc sống của chúng ta, nó không đơn giản chỉ là tăng thêm cái gì đó vào đời sống; song đúng hơn là một tính chất mới mẻ nảy sinh trong tâm hồn. Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết là chúng ta đón nhận nguyên cuộc sống mới, một quà tặng từ Quyền Năng của tương lai đó chính là Thiên Chúa Cha của chúng ta. Mỗi giây phút ta sống không chỉ là cái gì nối tiếp từ quá khứ song là một sự tạo dựng mới. Mỗi hơi ta thở không chỉ là hoạt động sinh lý tự nhiên nhưng là hành động đón nhận từng món quà từ chính sự sống. Món quà của sự sống mới này, chúng ta có được từ cuộc chiến thắng khải hoàn của Chúa Kitô, vĩnh viễn bất tận ngay cả sự chết cũng không làm gì được.

Đó chính là sự thành quả hy vọng, công chính được thoả mãn, tình yêu được tràn đầy, chân lý sẽ toàn thắng.

 

12. Từ bỏ tội lỗi và trung tín với tình yêu Thiên Chúa - Lm. Nguyễn Văn Phan

Không còn gì nghi ngờ nữa. Hôm nay Mùa Chay đã 'nói trúng tim đen của chúng ta' rồi đấy, và làm rung động tận chốn thâm cung tâm hồn chúng ta. Mùa Chay kêu gọi chúng ta từ bỏ tội lỗi và trung tín với tình yêu Thiên Chúa. Chay tịnh, cầu nguyện, bố thí xưa nay là những việc làm chính yếu của Mùa Chay. Đó là những khí cụ chúng ta được khuyên dùng để dễ dàng tiến lại gần bên Thiên Chúa hơn, trong khi vẫn phải hành trình tiếp tục suốt đời. Đối với một số người, thì Mùa Chay đồng nghĩa với bỏ rượu, bỏ thuốc lá, trong khi những người khác lại thấy Mùa Chay là thời gian đi nhà thờ hằng ngày... Cho dù chúng ta thực hiện kiểu chay tịnh cách nào, thì động cơ thúc đẩy chúng ta mới là quan trọng. Nếu chúng ta ăn chay hay ăn kiêng chỉ vì muốn có thân hình thon thả, hay chúng ta làm phúc bố thí chỉ vì muốn được nể vì trong cộng đồng, thì những nỗ lực của chúng ta cũng hơi uổng công vì chúng ta đã nhận được phần thưởng rồi và vẫn chưa đến gần Chúa hơn là bao.

Khi khởi đầu sứ vụ công khai, Đức Chúa Giêsu đã đi vào hoang địa suốt 40 ngày đêm - cũng vì thế mà ngày nay chúng ta tổ chức hẳn một Mùa Chay Thánh. Giáo Hội muốn mọi người hãy sống lại kinh nghiệm của Chúa Giêsu là thiết lập mối tương quan sâu đậm và tình nghĩa thân thiết hơn giữa Thiên Chúa với chúng ta. Hành trình của chúng ta là một hành trình vào sa mạc nội tâm nơi đó mình ta đối diện với Thiên Chúa trong tinh thần chân thực. Hoang mạc tâm hồn sẽ giúp chúng ta nhìn lại bản thân xem chúng ta thực sự là ai, chúng ta làm gì với những nén bạc Chúa trao, đồng thời sẽ giúp chúng ta ý thức hơn về tình trạng tội lỗi của chính mình. Nhờ đó dần dần chúng ta sẽ đau lòng mà nhận ra mình cần thay đổi và canh tân cách tranh đấu với sự dữ bằng cách cầu nguyện chay tỉnh và đền tội. Việc chúng ta đền bù tội lỗi sẽ giúp chúng ta nhận thức được rằng những mặt thiêng liêng của cuộc sống còn quan trọng hơn những khía cạnh vật chất của nó. Một khi chúng ta ý thức được những lỗi lầm của bản thân, chúng ta mới nhận ra nhu cầu cần thay đổi điều này điều khác.

Nếu chẳng may chúng ta nằm trong số những người chuyên chụp mũ cái xấu lên đầu mọi người. Thì nay đi vào hoang mạc chính là cơ hội để chúng ta nhìn kỹ lại cố tật ngồi lê đôi mách, nói hành nói tỏi, đổ vạ cáo gian của chúng ta. Chỉ cần hứa từ nay sẽ giữ mồm kín miệng là đã có một phương thuốc hữu ích rồi.

Chúng ta có thể dốc lòng làm vui lòng những người mà chúng ta thường hay xung khắc hay ít ra là chúng ta không có cảm tình. Bỏ rượu chè cờ bạc có làm cho chúng ta mất mát gì đâu nếu như những thứ đó chỉ tổ là những nguyên nhân gây xào xáo làm cho gia đình mất hạnh phúc...? Cầu nguyện hằng ngày rất quan trọng cho tất cả chúng ta vì đó là mối giây liên lạc sinh tử giữa chúng ta với Thiên Chúa. Ngay như mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Kitô cũng không thể thành tựu nếu không thực hành cầu nguyện. Chúng ta phải dành ưu tiên số một cho việc cầu nguyện, một phương thế cũng cố đức tin đức cậy và đức mến, nghĩa là cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tăng cường niềm tin tưởng cậy trông và đem chúng ta đến gần gũi Thiên Chúa hơn.

Mùa Chay là thời gian dành cho chúng ta tìm đến tâm linh, kêu mời chúng ta nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa trong mọi phương diện của cuộc sống và từng bước thực hành đương đầu với những xấu xa của tội lỗi và ích kỷ bên trong chúng ta.

Mùa Chay là mùa kêu gọi chúng ta thay đổi hành vi thái cử vì những thói hư tật xấu cố hữu trong chúng ta lâu nay làm thui chột sức tăng trưởng của chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là thời gian chúng ta cần trân trọng đón nhận ân sủng, nếu chúng ta có ý muốn Mùa Chay trở nên một kinh nghiệm thanh luyện đời sống thiêng liêng. Cần nói "không " với bản thân và nói "có " với Thiên Chúa là tất cả những gì phải làm trong cuộc phấn đấu nơi hoang mạc Mùa Chay này.

 

13. Hạnh phúc trong tầm tay – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

Cuộc sống muôn mặt. Có buồn. Có vui. Niềm vui không thiếu trong cuộc đời. Nhưng niềm vui thường chỉ đến với những người giàu có, thông thái, quyền thế. Hôm nay, Đức Giêsu công bố Tin Mừng cho những người nghèo khổ. Nước Trời đã tìm thấy trụ sở nơi những tâm hồn đơn sơ, tầm thường.Vì chính Đức Giêsu cũng phát xuất từ hoàn cảnh khó nghèo đó.

Hơn nữa qua cơn thử thách trong hoang địa, Đức Giêsu mới cảm thấy thấm thía cơn đói khát của nhân loại trên đường tìm về hạnh phúc đích thực. Hôm nay hạnh phúc đã xuất hiện trong tầm tay, vì "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần" (Mc 1:15). Chúng ta có nhận ra những dấu chỉ và thời điểm Thiên Chúa đến viếng thăm hay không?

Cuộc đọ sức

Đức Giêsu được Thánh Linh dẫn vào hoang địa để đương đầu với đối thủ lợi hại nhất của Thiên Chúa là Xatan. Tại đây sẽ xác định cuộc thắng bại, quyết định tất cả sứ mệnh cao cả của Người. Thánh Marcô thuật lại rất vắn tắt, nhưng cũng cho thấy sau khi "chịu Xatan cám dỗ", Đức Giêsu "sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người" (Mc 1:13). Sau cơn cám dỗ rất lớn lao đó, Thiên Chúa đã trả lại cho Đức Giêsu cảnh hòa hợp giữa đất trời. Cảnh hòa bình đó chỉ kiếm thấy trong thời Mêsia (x. Is 11:6-9). Cuộc chiến thắng Xatan vô cùng cần thiết để chấm dứt cảnh lộng hành của đầu mục thế gian và mở ra một thời đại mới chan chứa tình người và hồng ân cứu độ. Đức Giêsu sẽ là thủ lãnh qui tụ muôn dân trong cảnh hòa bình và hạnh phúc.

Để rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải chuẩn bị bằng một cuộc chiến thắng những ồn ào của bao cơn cám dỗ. Người đã lên tiếng giữa một cảnh thanh bình, giữa cảnh hòa hợp và tương liên giữa mọi thụ tạo, giữa thiên thần và các muông thú (Disciples in Mission [Homily Guide, Lent Cycle B 1999:5]). Con người cảm thấy liên đới với muôn thụ tạo trong ơn cứu độ do Thiên Chúa đã giao ước. "Con người không còn là một kẻ ngoại cuộc hay kẻ thống trị thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng mình là một thành phần của chính thiên nhiên. Vũ trụ hôm nay không phải là một miền đất lưu đầy cũng không phải chỉ là nguồn khai thác của con người. Nhưng vũ trụ cũng được Thiên Chúa yêu thương như chúng ta. Tất cả đều lệ thuộc vào luật của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta, luật liên kết tất cả "các thụ tạo có xác" vào một giao ước" (Disciples in Mission [Homily Guide, Lent Cycle B 1999:7]). Quả thế, "muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày cũng sẽ được giải thoát, cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang" (Rm 8:19-21).

Sau khi chiến thắng Xatan, Đức Giêsu cảm thấy có một sức mạnh phi thường. Sứ mệnh Người hiện rõ từng nét. Khi nghe tin "ông Gioan bị nộp" vì đã làm chứng cho công lý, "Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa" (Mc 1:14), một Tin Mừng "cống hiến cho nhân loại sự tự do, công chính và niềm hi vọng" (Life Application Study Bible 1991:1727). Nghĩa là Người vẫn không sợ xiềng xích gông cùm, nhưng can đảm rao giảng "Triều Đại Thiên Chúa" (Mc 1:15), một Triều Đại được xây dựng trên lẽ công chính, trái tai bạo chúa Hêrôđê và đẩy ông Gioan vào chỗ chết. Cũng chính vì lẽ công chính đó, Đức Giêsu đã bị bách hại. Nhưng cũng chính nhờ đó, uy quyền Thiên Chúa bao trùm toàn thể vũ tru,# và nhân loại mới biết thời đại cánh chung đã đến.

Đã đến phút chót, mọi lời Thiên Chúa hứa phải được thực hiện. Chính nơi con người Đức Giêsu những lời hứa đó sẽ hiện thực từng nét. Cũng chính nơi Người, người ta nhận biết và cảm nghiệm "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần" (Mc 1:15). Muốn thừa hưởng lời hứa và sống trong "Triều Đại Thiên Chúa", "anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1:15). Đó là điều kiện duy nhất cho những ai muốn sống với niềm vui Nước Trời. Không thay đổi não trạng, không chuyển hướng sống, không thể cảm thấy niềm vui của những người "quay về với Thiên Chúa của Giao ước và dấn bước vào một cuộc sống mới" (Kinh Thánh Tân Ước 1995:184), một cuộc sống được biến đổi toàn diện nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Khi sám hối, chúng ta trải qua một cuộc lột xác, giống như "thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần khí Người đã được phục sinh" (1 Pr 3:18). Chính Thần Khí sẽ tạo nên cả hai cuộc biến đổi kỳ diệu đó. Thần Khí sẽ gìm toàn thân chúng ta vào máu của Đức Giêsu và sẽ nâng chúng ta lên "cùng Thiên Chúa" (1 Pr 3:18), dưới sự lãnh đạo của Đức Giêsu Kitô. Nhờ cuộc toàn thắng đó, Đức Giêsu đã giựt thoát nhân loại khỏi nanh vuốt ma quỉ, tội lỗi và sự chết. Nhờ đó, Đức Giêsu trở thành hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện đối với các thụ tạo của Người.

"Sám hối là quay hướng về, đáp trả lại tiếng mời gọi" (Fuellenbach 1995:590) của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tạo mọi điều kiện mang lại cho chúng ta niềm vui, nhất là niềm vui của người con hoang đàng trong ngày vui họp mặt với cha già khả kính. Bởi đó "sám hối là một dịp vui, chứ không phải một việc phán xét hay lên án" (Fuellenbach 1995:590). Vui vì "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần". Vui vì mọi người sẽ đón nhận hồng ân cứu độ và được qui tụ về nhà Cha để cùng nhận ra nhau là anh em.

Gặp gỡ 

Niềm vui đó chỉ tìm nơi Đức Giêsu Kitô. Lý do vì nơi Người, chúng ta tìm được tất cả "sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần" (Rm 14:17). Cuộc gặp gỡ Người không dừng lại nơi lý thuyết hay các nghi lễ, nhưng tận thâm tâm, bản ngã con người. Chỉ có thể cảm nghiệm, hiểu biết và tưởng tượng được Nước Trời là gì khi bản thân tôi gặp gỡ "Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2:20). Trong cảm nghiệm sâu xa đó, Đức Giêsu sẽ trở thành "trung tâm của cả cuộc đời chúng ta" (Fuellenbach 1995:590). Tất cả đều tùy thuộc và quy hướng về Người. Đức Giêsu chính là cầu vồng nối đất với Trời. Sức sống vươn cao, vì ơn cứu thoát đến đúng lúc. Thiên Chúa đã có sáng kiến trước, đã làm tất cả cho con người. Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi xem con người phản ứng thế nào trước những sáng kiến diệu kỳ của Người. Chính vì yêu thương, Người đã không ngần ngại đi bước trước. Đáp lại sáng kiến đầy tình yêu thương đó, tức là sám hối (Fuellenbach 1995:590). Nói khác, con đường trở về với Thiên Chúa trải bằng những cánh hoa hồng tình yêu. Nhưng chỉ những tâm hồn khiêm cung mới thực sự hiểu được chỗ đứng của mình trong một trần gian đã được kết giao trong máu Đức Kitô và mới có thể tìm được con đường dẫn đến hoà bình nối kết bằng những tràng chuỗi Mân Côi ngọc ngà.

Chính vì thế, trong giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mới lên tiếng : "trên hết, chúng ta hãy khẩn xin Thiên Chúa cho mọi người cải hoá nội tâm và mở rộng tầm nhìn khi đưa ra những quyết định công bình giải quyết những tranh chấp cản trở cuộc hành trình trần gian hôm nay bằng những phương tiện tương xứng và hoà bình. Trong mỗi đền thánh dâng kính Mẹ Maria, chúng ta hãy sốt sắng dâng lên trời cao những chuỗi Mân Côi cầu xin cho hoà bình. Tôi xác tín rằng các giáo xứ và gia đình cũng đọc kinh Mân Côi cho công cuộc quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn lao đó." (Zenit 23/02/03) Chỉ kinh Mân Côi mới mạc khải cho chúng ta biết "không bao giờ chúng ta có thể sống hạnh phúc nếu chúng ta kình chống nhau ; tương lai nhân loại không thể bị nhận chìm cùng với chủ thuyết khủng bố và logic chiến tranh. Đặc biệt các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi trở thành những người bảo vệ hoà bình ở những nơi chúng ta đang sinh sống và làm việc. Nghĩa là chúng ta cần tỉnh thức, để tiếng lương tâm không khuất phục trước cám dỗ đầy ích kỷ, sai lầm và bạo động." (Zenit 23/02/03)

 

14. Vào hoang địa

(Trích trong 'Manna')

Mỗi khi bắt đầu mùa Chay, Hội Thánh lại mời chúng ta vào hoang địa với Đức Giêsu. Chính Thánh Thần đã dẫn đưa Ngài đến nơi đó, ngay sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan và nhận được Thánh Thần để lên đường đi sứ vụ.

Bốn mươi ngày sống trong cô tịch và cầu nguyện. Một cuộc tĩnh tâm để định hướng tương lai, qua đó Đức Giêsu thấy rõ con đường Ngài phải đi, và qua đó Ngài cũng thấy mình bị Xatan cám dỗ.

Mùa Chay là thời gian trở lại với Chúa và nhận ra những cám dỗ đang bủa vây tôi, những cám dỗ mới hay cám dỗ cũ dưới lớp áo mới. Nếu đời tôi là một chuỗi những chọn lựa, thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.

Tôi có tự do để chọn giữa cái tốt và cái xấu. Giữa những cái tốt, tôi có tự do để chọn cái tốt hơn. Biết mình đã lạc hướng hay lệch hướng là điều cần thiết.

Con người hôm nay không yếu đuối hơn ngày xưa. Nhưng có lẽ nó bị cám dỗ nhiều hơn xưa, vì cuộc sống tiến bộ cho người ta nhiều chọn lựa. Tôi phải chọn kênh truyền hình, chọn băng video, chọn một loại vải, một kiểu áo, chọn chỗ giải trí tối nay.

Có những áp lực đè nặng trên chọn lựa của tôi: áp lực của quảng cáo, khuyến mãi, áp lực của mode, của bạn bè, của dư luận... Có những mời mọc nhắm vào các giác quan của tôi. Các giác quan như những cánh của mở của căn nhà trống trải. Bao kích thích khêu gợi như luồng gió lùa vào nhà. Thắng được những đòi hỏi vô độ của thân xác đòi hỏi một sự tự chủ lớn lao. Thắng được những đam mê mù quáng của con tim cần có một thái độ anh hùng từ bỏ. Thắng được sự cứng cỏi, cố chấp của trí tuệ cần có một lòng khiêm tốn mở ra trước chân lý.

Cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng, vì con người vẫn nghiêng như tháp Pizza. Cần phải tập nghiêng về điều ngược lại để tạo lập được sự quân bình trong cuộc sống.

Nói cho cùng, cám dỗ nào cũng khiến con người khép kín, chỉ nghĩ đến mình và sống cho mình. Cám dỗ im lặng vì sợ liên lụy. Cám dỗ giả mù trước sự thật rành rành. Cám dỗ thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân. Cám dỗ sống một đời sống tầm thường và buông thả. Cái cao cả của con người là chiến đấu và chiến thắng. Chỉ khi nhận Thiên Chúa và tha nhân làm trung tâm, con người mới thành người trọn vẹn.

Ước gì mỗi Kitô hữu đều có bản lãnh của Đức Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của mình. Nhưng trước hết, chúng ta cần ăn chay và cầu nguyện.

Gợi Ý Chia Sẻ

Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người càng cần có bản lãnh để làm chủ. Bạn thấy khi nào con người bị coi là làm nô lệ cho của cải vật chất?

Không những phải chống lại cơn cám dỗ, mà còn phải xa tránh những nơi, những con người có thể đưa đến cám dỗ. Theo ý bạn, người trẻ hay bị cám dỗ ở đâu? Với ai?

Cầu Nguyện

Như đoá sen trong đầm lầy, xin giữ tâm hồn con thanh khiết.

Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, xin gìn giữ mắt con.

Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc, xin dạy con biết trân trọng thân xác.

Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục, xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt, để biết tự hiến trong yêu thương.

Xin đừng để con phung phí sức lực vào những chuyện tình cảm chóng qua, nhưng giúp con tự rèn luyện mình để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.

Như đóa sen trong đầm lầy, xin giữ thân xác con thanh khiết.

  

15. Chiến thắng cám dỗ với Chúa Giêsu - Lm Trần Ngà

Người Eskimo nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy da chúng làm y phục.

Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem dang ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ lặp lại động tác đó nhiều lần cho đến khi con dao được bọc quanh bằng khối máu lớn như quả xoài.

Đợi đến khi trời tối, thợ săn đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói sẽ phát hiện rất nhanh mùi máu tươi và sẽ chạy đến liếm tới tấp vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của mình mà không hay biết. Càng liếm hăng, lưỡi càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng kết thúc cuộc đời lũ sói tham ăn.

Cám dỗ trong đời người

Có thể nói: con người là con vật phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ nhất. Cám dỗ của miếng ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, ma tuý, cần sa, cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, của địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác.

Người ta bị thu hút, bị lôi cuốn vào các cơn cám dỗ như con sói tham lam lao vào liếm cục máu bọc lưỡi dao, như những con thiêu thân lao vào lửa và hậu quả là con người trở nên mềm yếu, bạc nhược, bị lôi cuốn vào dòng thác dục vọng như cánh bèo nhỏ bé bị cuốn phăng phăng giữa dòng nước lũ hung tàn.

Không rõ con sói một khi biết có lưỡi dao bén ẩn dấu trong cục máu đông có còn dám tiếp tục liếm cục máu đó nữa không, nhưng đối với nhiều người thì dù biết chắc chắn rằng đằng sau những lạc thú có ẩn dấu lưỡi dao thần chết thì họ vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ những thứ đó đến cùng rồi mượn lời thơ Xuân Diệu để tự biện minh rằng: "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm" (Xuân Diệu)

Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta.

"Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa... nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. (Philip 2, 6-7)

Vì trở nên người phàm như chúng ta, "Chúa Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta' (Do-thái 4,15).

Qua đoạn Tin Mừng được trích đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh sử Mác-cô cho biết Chúa Giêsu đã vào hoang địa bốn mươi ngày và Người đã thực sự bị Xa-tan cám dỗ. (Mác-cô 1, 12-13)

Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện như chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Người đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng.

Cùng chiến đấu chống lại cám dỗ với Chúa Giêsu.

Trâu bò tuy to khoẻ nhưng dễ dàng bị chế ngự bởi một đứa bé cỏn con khi người ta xỏ mũi được chúng. Con người dù có hùng mạnh đến đâu, nhưng một khi bị "xỏ mũi" bởi các đam mê tội lỗi, thì cũng phải ngoan ngoãn lội xuống bùn, sa xuống vực vì sức kéo của những đam mê và dục vọng xấu xa đen tối.

Mỗi người có một tử huyệt, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là lỗ miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng...

Người đi câu luôn biết lựa mồi hợp sở thích của cá; cũng vậy ma quỷ có thừa khôn ngoan để chọn những mồi bả phù hợp "khẩu vị" của từng người và nhắm tấn công vào đúng tử huyệt của chúng ta.

Trong mùa chay, Chúa Giêsu và Giáo Hội kêu mời chúng ta đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để nhìn lại lòng mình, rà soát tâm tư mình, xét xem những đam mê nào, những xu hướng tội lỗi nào đang chi phối đời ta mạnh nhất (đó là những tử huyệt cần canh phòng che chắn). Chính những đam mê và xu hướng đó là động cơ xô đẩy con sói tham ăn lao vào chỗ chết; và cũng chính những động cơ đó đã huỷ hoại cuộc đời ta, làm mất thanh danh phẩm giá cũng như giá trị cao đẹp của đời ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu cùng chiến đấu với chúng con trong mặt trận nguy khó nầy và ban ơn giúp sức để chúng con không bao giờ lùi bước trước bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng kiên cường chiến đấu để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu xa đồng thời lập được nhiều chiến công vẻ vang như Chúa.

home Mục lục Lưu trữ