Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 55
Tổng truy cập: 1365201
HÃY THƯƠNG YÊU NHAU
HÃY THƯƠNG YÊU NHAU
Tất cả chúng ta đều biết: Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ vào chiều ngày thứ năm Tuần Thánh, quen gọi là bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ nhiều điều quí giá. Những lời này được coi là những lời trăn trối đầy thân tình. Đây là những lời tâm huyết rất chân thật và cũng là những chỉ thị cuối cùng của Ngài. Chúa nhắc đi nhắc lại với các môn đệ: Ngài yêu thương họ lắm, Ngài yêu thương họ vô cùng, và Ngài bảo họ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tại sao Chúa Giêsu lại gọi “yêu thương nhau” là điều răn mới? Mới ở chỗ nào và mới như thế nào?
Tình yêu thương thì xưa như trái đất. Tại sao Chúa Giêsu lại gọi đây là điều răn mới? Đúng thế, khi bắt đầu có con người là có tình yêu thương, và cũng từ đó bắt đầu có lời dạy: hãy yêu thương nhau. Kinh thánh Cựu ước cũng dạy yêu người, nhưng tình yêu đó còn giới hạn và chưa loại bỏ được hết những động lực vị kỷ. Chúa Giêsu đến để hoàn tất Cựu ước. Ngài đưa ra những đòi hỏi mới về tình yêu thương, và đưa tình yêu thương đó lên tột đỉnh mà không ai trong loài người dám nghĩ tới. Chúa Giêsu tuyên bố đây là điều răn mới, trước hết, vì là điều răn của giao ước mới, giao ước được ký kết bằng máu của Ngài để chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với con người. Và Chúa còn đưa ra một lý do mới nữa, đó là tiêu chuẩn hay kiểu mẫu yêu thương. Cựu ước dạy: “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình”, nghĩa là lấy bản thân mỗi người làm tiêu chuẩn: tôi yêu tôi thế nào thì tôi cũng hãy yêu người khác như vậy. Tình yêu đó còn giới hạn và chưa loại bỏ được hết những động lực vị kỷ. Còn Chúa Giêsu dạy: phải yêu thương nhau như chình Ngài đã yêu thương chúng ta. Cách Ngài yêu thương vượt hẳn tiêu chuẩn của Cựu ước, Ngài yêu thương chúng ta hơn chính Ngài. Như vậy, tiêu chuẩn và kiểu mẫu cho chúng ta yêu thương nhau, chính là tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta, và tình yêu thương của Ngài là động lực thúc đẩy chúng ta yêu thương nhau. “Yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu” nghĩa là: nếu Chúa đã hiến mạng sống mình vì ta, thì ta cũng phải hiến mạng sống mình vì anh em. Nếu Chúa vốn là Thiên Chúa nhưng đã không dành cho mình chức trọng quyền cao mà đã hiến thân làm người để phục vụ loài người, thì họ cũng phải biết quên mình phục vụ nhau. Nếu Chúa là Thầy và là Chúa mà còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, thì đến lượt các ông cũng phải rửa chân cho nhau. Nói cách khác, Chúa Giêsu Đấng mà các môn đệ đã nhận ra là Chúa sau Phục sinh phải là khuôn mẫu cho cuộc sống của họ. Họ phải sống như Ngài đã sống, phải yêu thương như Ngài đã yêu thương. Ngài là qui luật hành động của người môn đệ. Vì vậy, “yêu như Chúa đã yêu” còn có nghĩa là yêu vì đã được Chúa yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu chính là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Trọn cuộc đời Ngài, từ khi làm người cho đến khi chết trên thập giá, là yêu thương. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Người môn đệ sẽ nối bước theo Thầy trên chính con đường Thầy đã đi và vạch ra cho họ thấy. Khi Chúa Giêsu còn sống trên trần thế thì không cần có dấu chỉ mới nhận ra được ai là môn đệ của Ngài. Chỉ cần thấy họ nghe và đi theo Ngài là đủ. Nhưng khi Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình giữa họ nữa, thì làm thế nào mà những người không tin có thể nhận ra họ là người môn đệ của Chúa? Theo thánh Gioan, chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất, đó là lối sống được xây dựng trên tình yêu huynh đệ, một tình yêu thực sự bằng việc làm chứ không phải nơi đầu môi chót lưỡi. Một cộng đoàn Kitô hữu nếu muốn được nhận ra là một cộng đoàn của Chúa, thì phải chứng minh bằng đời sống thấm nhuần tình yêu thương nhau. Không có một dấu chỉ nào khác có thể thay thế dấu chỉ ấy, dầu là nghi lễ, lề luật hay những biểu thức đức tin. Nhìn vào dòng lịch sử, chúng ta thấy yêu thương nhau vẫn là một nét tiêu biểu của các tín hữu buổi sơ khai. Sách Công Vụ Tông đồ cho thấy: họ coi mọi sự như là của chung. Họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới đền thờ cầu nguyện và bẻ bánh, cùng nhau chia sẻ của ăn nuôi thân. Ông Tetulianô đã ghi nhận về cộng đoàn các Kitô hữu thời sơ khai như sau: “Dân chúng nhìn họ, tức các Kitô hữu, và nói về họ rằng: “Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao và sẵn sàng hiến mạng cho nhau chừng nào”. Những người ở ngoài gọi họ là Kitô hữu, nhưng họ vẫn gọi nhau là anh em”. Đó là cộng đoàn Kitô hữu sơ khai ở Giêrusalem. Gần chúng ta hơn, ở Việt Nam, cha Gaspar d’Amaral đã ghi nhận về cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Thăng Long, Việt Nam chúng ta sau năm năm truyền giáo đầu tiên như sau: “Giáo hữu ở đây có chừng hơn một ngàn. Họ yêu thương nhau đến nỗi những người ngoại ở chung quanh, vì không biết gọi tên đạo mới là gì, nên căn cứ vào cách sống của họ mà gọi họ là “Những người theo đạo yêu nhau”. Là con cháu của thế hệ Kitô hữu theo đạo yêu nhau ấy, chúng ta hãy tự hỏi: những người chung quanh hôm nay nhìn vào cách sống của chúng ta họ có nhận ra chúng ta là những người theo “đạo yêu nhau” không? Thiết tưởng không có gì phản chứng hơn trước mặt mọi người, khi các Kitô hữu bất hoà, chia rẽ nhau, thậm chí bài xích và loại trừ nhau. Rất có thể người ta thấy chúng ta chuyên cần nghe giảng, siêng năng đi lễ và cầu nguyện, nhưng lại không có sự hiệp thông huynh đệ, đồng tâm nhất trí với nhau. Điều đó đã và đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta, gia đình chúng ta và cộng đoàn chúng ta chăng? Thiên Chúa là tình yêu, đạo Thiên Chúa đạo là tình yêu. Chúng ta hôm nay cũng phải tiếp tục làm chứng cho mọi người thấy đạo Thiên Chúa là đạo yêu nhau. Trong những năm gần đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thường đề cập đến một nền văn minh tình thương. Thực vậy, con người chỉ được coi là văn minh khi biết bước ra khỏi sự man rợ của thú tính, khi biết sống yêu thương và nhìn nhận kẻ khác cũng là người như mình, bất chấp những khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo hay quan điểm chính trị. Xây dựng một nền văn minh dựa trên tình thương đó là bổn phận cấp bách của người kitô hữu hôm nay. Và đó cũng là ý muốn của Chúa Giêsu khi Ngài nói với chúng ta: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau”.
69.Yêu thương
(Trích trong ‘Sợi Chỉ Đỏ’)
Chắc hẳn nhiều người có biết chuyện thánh nữ Maria Goretti. Maria Goretti là một thiếu nữ đẹp: Vừa đẹp người vừa đẹp nết. Nhưng gia đình thì nghèo: Không có nhà riêng để ở, phải ở chung nhà với gia đình của anh chàng Alexandre. Hàng ngày mẹ và các anh của Goretti ra đồng làm ruộng, Goretti ở nhà lo việc nội trợ và giữ em. Anh chàng Alexandre từ lâu đã đem lòng yêu cô gái Goretti và cũng đã vài lần dụ dỗ Goretti cùng mình trao đổi những cử chỉ yêu đương, nhưng Goretti luôn từ chối. Một hôm Alexandre đang làm ruộng ngoài đồng, nhưng biết Goretti ở nhà một mình nên lấy cớ đau bụng để trở về nhà. Về đến nhà Alexandre giả bộ nhờ Goretti vào phòng hắn lấy cái áo đứt nút đơm lại giùm. Cô gái ngây thơ có tính hay giúp đỡ tưởng thật nên đã đi vào. Alexandre lại một lần nữa đề nghị chuyện ái ân. Goretti vẫn từ chối. Khi ấy vì đam mê đã làm cho lý trí mù quáng. Alexandre dùng dao đâm túi bụi 17 nhát vào mình Goretti và chạy trốn. Sau đó anh của Goretti sinh nghi từ ruộng trở về thấy em gái mình sắp chết, anh thề sẽ trả thù. Nhưng Goretti tha thiết xin anh hãy tha cho hắn. Cuối cùng Goretti chết và Alexandre bị cảnh sát bắt giam. Một đêm kia anh thấy Goretti hiện ra với mình và tặng cho mình những cánh hoa mầu trắng và mầu đỏ. Từ đó Alexander ăn năn sửa mình, nên được khoan hồng trả tự do trước khi hạn tù chấm dứt. Alexandre còn được vinh dự tham dự lễ phong thánh cho thánh nữ Maria Goretti.
Có thể xem câu chuyện trên là một câu chuyện tình. Nhưng trong chuyện ấy có hai thứ tình: tình của Alexandre đối với Goretti là một thứ tình yêu thấp hèn,: còn tình yêu của Goretti đối với Alexandre là một thứ tình yêu cao đẹp. Nếu dùng từ ngữ của bài Tin Mừng hôm nay, thì tình yêu của Alexander là tình yêu kiểu cũ, còn tình yêu của Goretti là thứ tình yêu kiểu mới.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta hãy yêu thương nhau. Thực ra tình yêu là chuyện vĩnh cửu, kể từ khi có mặt con người trên trái đất này thì cũng đã có tình yêu. Cho nên nếu Chúa Giêsu chỉ bảo người ta thương yêu nhau như người ta đã từng yêu thương nhau từ trước tới giờ thì lời khuyên dạy của Chúa là thừa và vô ích. Nhưng lời Chúa không thừa, không vô ích, vì Chúa không dạy người ta thương yêu nhau kiểu cũ, mà là thương yêu nhau kiểu mới. Thế nào là yêu thương kiểu cũ, và thế nào là yêu thương kiểu mới? Tự nhiên là con người biết thương và biết ghét,: thương người vừa ý mình và ghét kẻ trái ý mình. Đó là yêu thương kiểu cũ. Sách Lêvi trong bộ Cựu ước dạy một thứ tình yêu thương cao hơn: đó là đừng thù oán ai, nhưng hãy yêu thương mọi người như yêu thương chính mình. Đó là yêu thương kiểu khá mới. Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy một tình yêu thương cao hơn nữa: không phải chỉ yêu người như yêu mình, mà phải yêu người như Chúa đã yêu. Đó là yêu thương kiểu mới nhất. Kiểu yêu thương mới nhất là yêu người theo kiểu Chúa đã yêu. Vậy Chúa đã yêu như thế nào? Có vài chi tiết trong bài Phúc âm giúp ta hiểu rõ hơn cách yêu thương của Chúa:
Chi tiết thứ nhất là câu “Khi Giuđa đi rồi”: Giuđa đi để thực hiện âm mưu bội phản bán Thầy. Lúc đó lẽ ra Chúa phải chua chát cho tình nghĩa thầy trò, thế mà là lúc Ngài chan chứa yêu thương.
Chi tiết thứ hai là câu “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”: nếu không yêu thương thì không phải là môn đệ của Chúa.
Qua những chi tiết trên, ta hiểu được rằng yêu thương như Chúa đã yêu là yêu thương chính lúc người thường không thể yêu, yêu thương chính cái điều mà người thường không thể yêu, và yêu thương những người mà người thường không thể yêu. Hơn nữa người môn đệ Chúa bó buộc phải yêu thương như thế thì mới xứng đáng là môn đệ Chúa. Ta hãy trở lại chuyện thánh nữ Maria Goretti. Yêu thương của Alexander là yêu thương kiểu cũ, bởi vì Alexander chỉ yêu thương theo sự thúc đẩy của bản tính, của tính dục. Khi tình dục không được thoả mãn thì quay ra thù ghét và giết chết Goretti. Còn yêu thương kiểu Goretti là yêu thương kiểu mới: yêu thương chính kẻ giết mình, yêu thương chính lúc đau đớn sắp chết, yêu thương để tha thứ và để cứu vớt Alexander. Chúa muốn chúng ta yêu thương theo kiểu mới đó. Không phải Chúa chỉ muốn, mà Chúa còn truyền như một giới răn “Thầy ban cho chúng con một giới răn mới”.
Chúng ta sẽ thực hiện giới răn mới ấy ra sao? Có một tác giả kia khi viết bài suy gẫm về bài Phúc âm này, đã đề nghị một số việc như sau là làm hoà với những kẻ ghét mình, là cầu nguyện cho kẻ ghét mình, là làm tươi hồng môi trường sống của mình bằng những việc phục vụ và bằng những lời nói gây đoàn kết yêu thương.
Thiết tưởng đó là những việc rất cụ thể mà chúng ta phải cố gắng làm để thực hiện tình yêu thương kiểu mới mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
70.Văn minh tình thương - Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
“Hỡi các con bé nhỏ, Ta chỉ còn ở với các ngươi một ít nữa… Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: là hãy yêu thương nhau. Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau. Chính điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau” (Ga 13:33a-35).
Một câu nhắn nhủ biến thành một lệnh truyền, với bốn lần tiếng gọi yêu thương được nhắc đến, phải là một tâm tình quan yếu được ôm ấp qua bao tháng năm, nay được thổ lộ vì e rằng ngày giờ đã tận.
Một linh mục nhận xét: những gì được trăn trối trong giây phút cuối đời là những tâm tư sâu kín, tha thiết, và chân thành nhất của một con người. Những đứa con thảo hiếu, những môn đệ trung tín, hay các bạn bè tâm giao, không thể không ghi lòng và thi hành những lời nói sau cùng của người thân yêu sắp ra đi.
Đức Giêsu, trước tử nạn, ngay trong buổi biệt ly, đã thố lộ với các môn đệ nỗi niềm sâu kín nhất mà Ngài đã dành trót cuộc đời để phát hoạ và dẫn lối con người: Hãy yêu thương nhau.
Yêu thương chính là dấu chỉ thuộc về Đức Kitô. Mỗi tôn giáo đều có một số hình ảnh tiêu biểu giúp nhận diện tôn giáo mình. Ví dụ, với người Hồi giáo là việc cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Với người Ấn giáo là hãm mình phạt xác và kiêng thịt bò. Với anh em Phật giáo có thể là diệt dục hay chay trường. Nhưng riêng những người tin Chúa Kitô, dấu tỏ mình theo Ngài phải là dấu yêu thương.
Yêu thương chính là Đạo Giêsu. Người có Đạo phải là người biết yêu thương. Ai sống yêu thương là đang bước đi trên lối đường của Đạo. Khi chân thành thực thi bác ái, người có Đạo phô diễn rõ nét chân dung vị Sư Phụ của mình: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng yêu mến nhau” (Ga 13:35).
Nhưng lòng yêu mến đó không chỉ dừng lại trên căn bản của cảm xúc, đam mê, hay ích lợi riêng tư. Vì yêu như thế chỉ là yêu như tôi muốn chứ không phải yêu như Chúa muốn. Điều mà Đức Giêsu trăn trối trong bữa tiệc ly là hãy yêu nhau như Ngài đã yêu thương. Yêu đến hy sinh, phục vụ, và quảng đại thứ tha như Ngài đã làm gương.
Kể là chuyện bất thường khi đường đường là một bậc thầy mà lại quì xuống rửa chân cho môn đệ. Đây hẳn là một hành động quên mình phục vụ tha nhân. Đức Giêsu muốn dùng chính hành động này để dạy bảo: “Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau” (Ga 13:34). Thế ra quên mình phục vụ tha nhân là dấu chỉ của tình yêu mà Đức Kitô mong muốn.
Yêu như Đức Kitô đã yêu còn là việc hy sinh tự hiến. William Barclay đã diễn tả trong một bài viết: “Nếu tình yêu là Thập giá thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng tiến tới đó. Lắm khi người ta lầm tưởng tình yêu là những thứ gì hạnh phúc. Phải, đích cùng sẽ là thế. Nhưng tình yêu cũng thường mang lại đau thương và đòi hỏi khổ giá”. Tình yêu đã thúc đẩy Đức Giêsu tiến lên khổ giá để mang lại hạnh phúc và sự sống cho con người.
Yêu như Đức Kitô đã yêu cũng còn đòi hỏi một tấm lòng quảng đại tha thứ. Từ trên thập giá, trong nỗi đau đớn tận cùng, trước bao tiếng la hét cuồng dại, cứ tưởng Đức Giêsu sẽ căm giận và ngăm đe một hình phạt tàn khốc. Thế nhưng người ta lại chỉ nghe được lời khẩn nài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Lại nữa, với những môn đệ đã từng bỏ rơi hay chối từ Ngài trong lúc cần kíp, Ngài cũng không chấp nhất. Đúng là không có lầm lỗi nào mà tình yêu của Đức Kitô không vươn tới và bao trùm.
Như vậy, để trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô, tôi phải thường xuyên tự vấn mình có đang sống yêu thương như Tin Mừng đòi hỏi chăng? Tình yêu của tôi có chứa đựng một cân lượng nào của phục vụ, hy sinh, hay tha thứ không? Nếu không thì dấu chỉ tôi có Đạo hẳn còn mờ mịt lắm thay! Chắc hẳn biến cố sau đây cũng đáng cho ta ghi nhận khi nói đến yêu thương như Đức Kitô:
Căn nhà của Frank Turner, trong thành phố Dallas bị phóng hoả. Một vài câu nói mang tính chất kỳ thị được viết trên cánh cửa ga-ra. Thiệt hại vật chất vượt quá 50 ngàn đô la. Những tổn thương tinh thần cũng không nhỏ lắm. Thế nhưng lời tâm sự của anh Frank đã làm cho nhiều người ngỡ ngàng: “Là con người, tự nhiên nghĩ đến việc trả thù. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng không phải mọi người da trắng đều xấu, cũng như không phải tất cả mọi người da đen đều tồi… Nếu tôi trả thù thì không chừng tôi lại xúc phạm đến các người lành. Điều tôi mong ước bây giờ là được Thiên Chúa dẫn lối đưa đường.” Frank nhìn nhận rằng chính niềm tin đã giúp anh tránh được thù hận.
Được biết Frank đang tu học để trở thành một thừa tác viên trong hội thánh Thanh Tẩy. Điều này đã khiến anh cương quyết hơn trong việc tha thứ và không nghĩ đến báo thù. Sự kiện bị đốt nhà và những tâm tình của Frank đã được báo chí địa phương Dallas nói đến.
Không biết sau này anh ta có trở thành một thừa tác viên để phục vụ hội thánh của mình không, nhưng tinh thần và thái độ hy sinh tha thứ, không gây hận thù tang thương cho bất cứ ai-vì anh tin vào Đức Giêsu- đã trở nên dấu chứng hùng hồn cho tình yêu và sự hiện hữu của Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.
Có nhiều người tự cho mình là văn minh ưu chủng, đồng thời khinh miệt và huỷ diệt kẻ khác-không chỉ thể xác nhưng còn cả trí tuệ, không chỉ là sự sống thể lý nhưng còn cả phương diện tâm linh. Như thế là phản văn minh. Vì như một tác giả nhận định: “Loài người đã vượt qua những chặng đường văn minh: từ văn minh của lửa, của thời đồ đá, đồ đồng, đến văn minh nông nghiệp, công nghiệp, tin học. Thế nhưng chóp đỉnh của tất cả mọi nền văn minh mà con người đang không ngừng vươn tới từng ngày là văn minh tình yêu. Ai biết yêu thương, người ấy mới thật sự là người văn minh, có văn hoá thật, và là người có sự sống sung mãn.”
Có yêu thương là có sự sống. Càng thương yêu sự sống càng phong phú tràn đầy.
Trước khi bước lên thập giá như một dấu chỉ yêu thương tột đỉnh, Đức Giêsu đã truyền đạt cho con người nền văn minh tình yêu-văn minh sự sống. Nhưng thử hỏi hiện nay tôi đang đạt đến thứ văn minh nào? Đồ đá hay đồ đồng? Sự sống hay sự chết? Tha thứ hay hận thù? Trấn áp hay phục vụ?
Để đạt được cao điểm của văn minh, điều tôi phải thực thi là nhắm thẳng vào Đức Kitô mà tiến bước.
71.Anh em hãy yêu thương nhau
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: lời giải thích của Đức Giêsu về cuộc Vượt Qua của Người (Ga 13,31-32) và lệnh truyền mới của Đức Giêsu cho Hội Thánh (Ga 13,33a.34-35).
1. Lời giải thích của Đức Giêsu về cuộc Vượt Qua của Người (Ga 13,31-32)
Giuđa bắt đầu thực hiện âm mưu nộp Đức Giêsu. Khi Giuđa đã đi rồi, Đức Giêsu giải thích bản chất của những thực tại đang diễn ra. Nhìn bề ngoài, Người đang đi vào một cuộc thất bại kinh khủng, nhưng thực chất, cái chết của Người chính là một cuộc bày tỏ vinh quang và tình yêu ở mức tròn đầy: “Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Thực hiện chương trình của Thiên Chúa, Con Người diễn tả tình yêu và vinh quang của Người ở mức độ cao nhất và trọn vẹn nhất. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Với tất cả tự do, Đức Giêsu phó nộp mình trong tay kẻ dữ và đón nhận cái chết thảm khốc, vì yêu mến và để cứu độ thế gian. Cái chết của Người, quả thực, chính là bằng chứng lớn lao và vĩ đại nhất của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chính theo nghĩa đó, “Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31).
“Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13,32). Cần đọc lời này của Đức Giêsu trong liên hệ với Ga 12,28: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha." Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”.
Tình yêu mà Đức Giêsu bộc lộ trong cuộc thương khó và cái chết của Người, tình yêu đã được thi thố đến mức tận cùng qua hình ảnh máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người, tình yêu ấy sẽ đổ tràn vinh quang của Thiên Chúa nơi chúng ta. Và “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Đó chính là cách Thiên Chúa tôn vinh Con Một của Người nơi chính mình. Nói cách khác, chính khi Đức Giêsu sống thân phận hạt lúa bị thối rữa trong lòng đất, lại là lúc xảy đến cuộc Thiên Chúa tôn vinh Người bằng cách đổ tràn trên nhân loại tất cả ơn nghĩa và sự thật: “Đức Giêsu nói: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24).
Như thế, ở tận cùng của sự ô nhục của thập giá lại là cuộc tôn vinh tuyệt vời của Con Thiên Chúa, cuộc tôn vinh vì tình yêu và ơn cứu độ dành cho thế gian. Nơi tận cùng của cái chết bi thảm lại là điểm khởi đầu của sự sống mới mẻ và viên mãn, bởi vì, nơi sự chết mà Đức Giêsu đang đi vào, “Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13,31-32).
2. Căn tính của cộng đoàn Hội Thánh – cộng đoàn Mêsia (Ga 13,33a.34-35)
Chính trong tư thế của Đấng được Thiên Chúa tôn vinh đó, Đức Giêsu nói những lời từ biệt các đồ đệ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,33a.34-35).
Đức Giêsu sắp rời khỏi thế gian, nhưng các đồ đệ của Người vẫn còn ở trong thế gian (Ga 13,1; 17,11). Đức Giêsu thiết lập họ thành cộng đoàn và ban cho họ căn tính riêng biệt của những con người thuộc về cộng đoàn đó. Trước đây, các đồ đệ đã biết Đức Giêsu là Đấng Mêsia (1,41.45.49); và bây giờ, các ông sẽ biết đâu là đặc tính quan trọng bậc nhất của cộng đoàn Mêsia: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34a).
Khi nói “điều răn mới”, Đức Giêsu có ý đặt điều răn này đối lập với luật cũ. Luật Môsê được thay thế bằng lệnh truyền tràn đầy ân sủng và sự thật của Đức Giêsu. Sự khác biệt giữa hai giao ước được xác định. “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,31.34). Vinh quang của Thiên Chúa là sự dẫy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1,14), nên đòi hỏi dành cho những người được đưa vào vinh quang ấy cũng phải là tình yêu và chân lý, bởi vì “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).
Điều đáng chú ý: trong điều răn mới, Đức Giêsu không hề đòi hỏi các đồ đệ phải làm gì cho chính Người hoặc cho Thiên Chúa, mà chỉ đòi hỏi các đồ đệ yêu thương nhau. Thiên Chúa không tập trung chú ý của Người về chính bản thân mình. Tình yêu của Người là tình yêu năng động hướng đến toàn thể vũ trụ và nhân loại. Tình yêu của Người là tình yêu hiến tặng cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Khuôn mẫu và tiêu chuẩn của tình yêu mà các đồ đệ phải thi thố là chính Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34b).
Đức Giêsu đã từng mời gọi các đồ đệ đồng hóa với Người trong sự sống và trong cái chết của Người: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Bây giờ, Người xác định rằng các hành động của Người chính là khuôn mẫu cho cách sống của các độ đệ: điều răn mới chính yếu hệ tại ở chỗ các đồ đệ yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ vậy. Đức Giêsu là tiêu chuẩn, là thước đo, là khuôn mẫu, là lý tưởng và là cùng đích tối hậu của tình yêu thương.
Có thể lấy hai hành động mà Đức Giêsu vừa thực hiện làm điểm quy chiếu giúp giải thích thế nào là yêu thương nhau “như Thầy yêu anh em”: sự kiện Đức Giêsu rửa chân cho các đồ đệ (Ga 13, 1-20) và thái độ của Người đối với Giuđa, kẻ nộp Người (Ga 13,21-32). Bằng việc rửa chân cho các đồ đệ, Đức Giêsu cho thấy điểm quan trọng trong tình yêu là đón nhận người khác và đặt mình trong tư thế phục vụ người khác bằng cách đem lại cho họ phẩm giá và sự tự do nhờ tình yêu mến. Cách hành xử của Đức Giêsu đối với Giuđa cho thấy tình yêu đó không được giới hạn vào một loại đối tượng nào và không được loại trừ bất cứ ai, nhưng luôn luôn hết mực tôn trọng tự do của người khác một cách đúng đắn.
Lệnh truyền mới của Đức Giêsu được ban cho những người thuộc về Người, tức là những kẻ được Thiên Chúa sinh ra nhờ Thánh Thần (Ga 1,13: “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”; 3,5-6: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí; cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí”). Do Thiên Chúa sinh ra, những người đó đã đón nhận quyền trở nên con cái Thiên Chúa (Ga 1,12), và họ sẽ thực sự trở nên con cái Thiên Chúa khi họ yêu thương như chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã yêu thương: chính Người là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6).
Tình yêu thương giữa các đồ đệ với nhau phải là một thực tại có thể thấy được và có thể được mọi người nhận biết. Vì thế, tình yêu ấy cần phải được diễn tả bằng những hành động thực tế, như Đức Giêsu đã thực hiện. Và đây sẽ là một dấu hiệu đánh dấu dung mạo và phản ánh căn tính của cộng đoàn. Sự kiện các đồ đệ thuộc về Tôn Sư chí thánh (“anh em là môn đệ của Thầy”) không phải là một điều lý thuyết, mà là một thực tại cụ thể được diễn tả trong thực tế của cuộc sống tràn đầy yêu thương. Cộng đoàn các đồ đệ của Chúa Giêsu sẽ không “đánh dấu” mình bằng những lý thuyết khôn ngoan độc đáo, cũng không phải bằng những bài diễn thuyết hùng hồn, cũng chẳng phải bằng những lời giảng khuyên tốt lành, cũng không phải bằng những tư tưởng cao xa về Thiên Chúa. Cộng đoàn Hội Thánh thể hiện mình trong khả năng yêu thương đến tận cùng và trong việc xây dựng một xã hội mới của tình yêu thương đến tận cùng ấy. Và đó chính là điều làm cho Chúa Cha được nhận biết giữa thế gian.
Thay cho hòm bia của giao ước cũ, Đức Giêsu muốn thiết lập một không gian và nơi chốn yêu thương trong giao ước mới. Thế gian sẽ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính tình yêu thương mà các độ đệ của Đức Giêsu thi thố giữa thế gian. Không phải những cơ cấu hoàn chỉnh, không phải những cuộc lễ tưng bừng hay những thứ khác tương tự, sẽ là dấu hiệu để thế gian nhận biết các độ đệ của Đức Giêsu, mà là tình yêu thương như chính Đức Giêsu đã yêu thương. Đó là tiêu chuẩn duy nhất mà Đức Giêsu đã thiết lập để “đánh dấu” dung mạo của cộng đoàn Mêsia.
Khi thiết lập tiêu chí duy nhất để cộng đoàn Hội Thánh được nhận biết giữa thế gian như thế, Đức Giêsu đã loại trừ tất cả những tiêu chí khác. Căn tính của Hội Thánh không được đặt nền trên luật lệ hay phụng tự. Tình yêu thương tha nhân là bằng chứng duy nhất của sự hiện diện đích thực của tình yêu của Thiên Chúa nơi con người. Hội Thánh là mầu nhiệm tình yêu ấy giữa thế gian. Các thành phần của Hội Thánh hiệp thông với nhau trong tình yêu ấy, và cùng nhau làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách thực thi tình yêu ấy.
72.Điều răn mới
Chúa phán: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như chính Thầy đã yêu thương anh em..." (Gn 13, 34)
Ngày 16.08.1987, một chuyến máy bay của Mỹ bị rơi ngay sau khi vừa cất cánh gần phi trường Detroit. Có 155 người thiệt mạng; một người duy nhất sống sót là một bé gái tên Cêcilia, 4 tuổi. Em sống sót được chính là nhờ sự hi sinh của mẹ em, bà Paula Chican. Khi máy bay đang rơi, bà đã lấy thân mình cuộn tròn lấy em bé, che chở cho em khỏi tai nạn. Đây là một hành động nói lên tình yêu vô cùng cao quý! Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay cũng muốn trình bày cho chúng ta chính đề tài: điều răn mới của Đức Kitô: Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương...
a. Trước hết có mấy điều cần chú thích:
* điều răn mới: Luật yêu thương này đã có trong Cựu Ước (Lv 19, 18); luật cũng dạy: yêu đồng loại như chính mình. Tuy nhiên, sau này, nhất là thời Chúa Giêsu, người ta đã bóp méo lề luật đó theo ý mình, cho dễ giữ...Chúa Giêsu đã giải thích rộng điều răn mới này trong ch. 15, 1-17. Chính Chúa đã trở thành mẫu gương sáng ngời cho một Tình Yêu chân thành, Tình yêu hiến tế qua cái chết của Ngài trên Thập giá.
* dấu chỉ là môn đệ của Chúa: Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh: Tín hiệu cho mọi người nhận biết ai là môn đệ Chúa Kitô: đó là Tình Yêu. Yêu như Chúa, yêu đến mức sẵn sàng tha thứ cho chính kẻ thù. Từ căn bản điểm này, người ta gọi Kitô giáo là đạo yêu thương...
b. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa nói với các môn đệ: các con hãy yêu thương nhau... Mới nghe qua, các ông nghĩ yêu thương nhau có gì là khó, nhất là vì cùng là môn đệ Chúa thì làm sao người ta phải từ chối mà không yêu thương nhau. Chúa lại nói tiếp: hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương.... Rồi Chúa còn nói mạnh hơn: đây là lệnh truyền của Thầy: hãy yêu thương nhau... Chúa còn gọi đó là điều răn mới. Lúc đó các môn đệ rất mù mờ về chuyện này; chỉ sau khi Thánh Thần ngự xuống, các ông mới hiểu rõ mà thôi...
Có thể nói, ngày hôm nay chúng ta hiểu rõ điều răn yêu thương này hơn thời của Chúa Giêsu; nhưng liệu chúng ta có yêu thương hay sống luật yêu thương như Chúa không? Thầy ban cho các con một điều răn mới. Đó là lệnh truyền, không phải là một lời đề nghị. Vậy yêu thương không phải là hành động của tình cảm mà là của ý chí. Có người nói với tôi: thưa cha, cha có cách nào làm cho con đừng nghĩ xấu, đừng oán ghét chồng con không? Tôi trả lời: tôi không có cách nào cả...Nhưng chúng ta nên xem lại: chúng ta có nghĩ rằng mình phải yêu thương chồng mình vì Chúa dạy, vì là lệnh truyền của Chúa, dù chồng mình chẳng đáng ưa chút nào không?
Điểm thứ 2: Hãy yêu thương như Thầy yêu thương, bằng một tình yêu hi sinh,tha thứ vô điều kiện: Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết... Trở lại câu chuyện người chồng không đáng thương chút nào cả. Khi người chồng lầm lỗi chị nọ có sẵn sàng tha thứ? khi người chiống đáng ghét chi có sẵn sàng yêu thương? Những lúc đó chúng ta hãy nhìn Thiên Chúa Ngài là mẫu gương yêu thương, tha thứ
c. Gợi ý sống và chia sẻ:
Chúa Giêsu yêu nhân loại chúng ta bằng tình yêu hi sinh, tha thứ vô điều kiện, vì thế Người là mẫu gương sáng ngời về yêu thương tha thứ. Ta có sẵn sàng yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương ta không?
73.Suy Niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao sắp tới lúc chịu tử nạn, Đức Giêsu lại nói rằng sắp tới giờ Ngài được tôn vinh? Tử nạn và tôn vinh có phải là một sự kiện duy nhất không?
2. Tại sao khi Đức Giêsu được tôn vinh, thì Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người? Có gì tương tự như thế giữa Thiên Chúa và chúng ta như nơi Đức Giêsu không?
Tại sao sự yêu thương nhau lại là dấu chứng của các môn đệ Chúa? Thế còn việc làm dấu thánh giá có phải là dấu chứng không?
Suy tư gợi ý:
Thiên Chúa được tôn vinh nơi Đức Giêsu và qua Đức Giêsu
a) Hai mặt đối nghịch nhau của mầu nhiệm vượt qua
«Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người». Đức Giêsu nói điều này ngay trước khi chịu tử nạn. Tới giờ phải chịu tử nạn, mà Ngài lại nói đó là lúc Ngài được tôn vinh. Điều này cho thấy «tử nạn» và «được tôn vinh» là hai mặt khác nhau của cùng một sự việc. Nói cách khác, tử nạn và phục sinh, hay đau khổ và vinh quang tuy khác nhau và ngược lại nhau, nhưng lại luôn luôn gắn liền với nhau, không thể tách rời nhau, giống như hai mặt của một tờ giấy duy nhất.
Đó là chính là nội dung và ý nghĩa của mầu nhiệm vượt qua: vì đau khổ và vinh quang, tử nạn và phục sinh không thể tách rời nhau, nên muốn đạt được cái này thì phải trải qua cái kia. Không thể phục sinh nếu không chịu tử nạn, không thể hạnh phúc hay vinh quang, nếu không trải qua đau khổ. Đời sống thực tế chứng tỏ rõ ràng điều ấy: Tôi không chịu cực khổ làm ăn, gia đình tôi không thể ấm no hạnh phúc được. Một học sinh không chịu khó nhọc học hành không thể đỗ đạt hay làm nên danh phận gì.
Ý thức được thực tế của mầu nhiệm vượt qua, người kitô-hữu không nên mơ tưởng có được hạnh phúc mà không phải qua đau khổ, hay có được vinh quang mà không phải chịu nhục nhã, hay sẽ phục sinh mà không cần tử nạn. Qui luật thực tế của đời sống không cho phép như thế. Muốn hạnh phúc mà không qua đau khổ, muốn vinh quang mà không chịu nhục nhã, muốn phục sinh mà không cần tử nạn, đều là những cám dỗ cho tất cả mọi người, vì những ước muốn đó thường dẫn đến tội lỗi. Thật vật, tất cả mọi tội lỗi xảy ra trên đời đều xuất phát từ ước muốn không thực tế đó. Kẻ trộm cướp, hối lộ, kẻ giết người, gian dâm, v.v… đều là những kẻ muốn hạnh phúc mà không phải khó nhọc, vất vả. Tới đây, ta nên nhớ lại lời của Đức Giêsu: «Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người đi lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy» (Mt 7,13-14).
b) Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa và con người là một
«Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người». Đức Giêsu và Thiên Chúa đều được tôn vinh trong cùng một con người (là chính Đức Giêsu), và trong cùng một sự việc (là cuộc tử nạn). Điều này cho thấy Đức Giêsu và Thiên Chúa liên quan với nhau mật thiết đến mức có thể nói Đức Giêsu và Thiên Chúa là hai mặt khác nhau của một thực tại duy nhất: con người Đức Giêsu. Có thể nói Đức Giêsu, một mặt là một con người yếu đuối, bị hạn chế đủ mọi mặt, mặt khác lại chính là một Thiên Chúa mạnh mẽ, vô hạn đủ mọi mặt. Hai mặt ấy tuy ngược hẳn nhau nhưng lại kết hợp và gắn liền với nhau thành một con người duy nhất.
Đức Giêsu chính là mô hình gương mẫu của chúng ta, của mọi người kitô-hữu. Cũng tương tự như Đức Giêsu, một mặt ta mang tính con người, vốn hữu hạn, yếu đuối, dễ trở nên tội lỗi, một mặt ta chính là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hạn, mạnh mẽ, thánh thiện, «được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2 Pr 1,4). Tính chất thần linh trong bản thân của đa số chúng ta có thể còn ở dạng mầm, chưa phát triển. Bổn phận và sứ mạng của người kitô-hữu là phải làm sao để cái mầm thần linh ấy ngày càng phát triển lớn mạnh lên. Ta càng ý thức được tính chất thần linh của mình, và cố gắng sống phù hợp với tính chất ấy, thì tính chất ấy càng có điều kiện phát triển mạnh.
Khi mầm thần linh ấy phát triển trong ta, khiến ta sống, hành động và xử sự như Đức Giêsu, thì ta có thể nói được như Ngài: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người». Thiên Chúa chỉ được tôn vinh trong bản thân ta, khi chúng ta làm cho mầm thần linh trong ta phát triển lớn mạnh. Mầm thần linh ấy chính là Nước Trời ở trong ta. Đức Giêsu đã từng nói: «Nước Thiên Chúa ở trong anh em» (Lc 17,21). Và trong bản thân chúng ta, Nước ấy, hay cái mầm thần linh ấy, giống như một hạt cải, «là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên lại là thứ lớn nhất. Nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được» (Mt 13,32). Nhưng mầm thần linh ấy chỉ phát triển khi «cái tôi đáng ghét» của ta thật sự nhỏ đi: «Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga2. Yêu thương là điều kiện phát triển tính thần linh trong ta
Mầm thần linh ấy không thể phát triển được trong một con người coi cái tôi của mình là quá lớn. Sự phát triển hình ảnh của Thiên Chúa trong ta và sự trương phình bản ngã của ta là hai sự việc luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Càng coi cái tôi của mình là quan trọng, càng đặt nặng cái tôi của mình, thì cái tôi ấy càng lấn át tính chất thần linh, và làm cho nó ngày càng yếu ớt, nhỏ bé đi, và đó chính là nguyên nhân của mọi thứ tội lỗi. Trong tiếng Việt, chữ «tội» được hình thành bởi chữ «tôi» và dấu «nặng»: «tôi nặng tội». Điều ấy không phải là không có ý nghĩa. Tội lỗi được hình thành từ việc coi cái tôi của mình quá nặng. Và sự thánh thiện thì ngược lại, được hình thành từ việc coi nhẹ hay tự huỷ cái tôi của mình đi. Đức Giêsu đã từng nói: «Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» (Ga 12, 24). Cái tôi có chết đi, thì sự sống thần linh hay Nước Thiên Chúa trong ta mới phát triển và sinh hoa kết trái.
Yêu thương chính là quên mình, hay ra khỏi cái tôi của mình để đến với Thiên Chúa và tha nhân. Và đó chính là bản chất của sự thánh thiện, cũng là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan đã định nghĩa: «Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4,8). Nếu ta là hình ảnh của Thiên Chúa, thì cách hành xử của ta phải phản ánh tình yêu. «Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4,7-8). Tình yêu chân thật chính là dấu chứng của sự thánh thiện, chứng tỏ có sự hiện diện của Thiên Chúa. Người nào càng yêu thương và càng hy sinh cho người khác thì càng là người thánh thiện, và càng chứng tỏ có Thiên Chúa ở với mình. 3,30). Mầm thần linh ấy không thể được phát triển nơi một người lúc nào cũng coi cái tôi của mình quá lớn.
Chính vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để chịu tử nạn và về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu cho các môn đệ biết cái dấu hiệu quan trọng nhất để có thể căn cứ vào đó mà biết được ai là môn đệ đích thực của Ngài, đó là tình yêu thương đối với mọi người, và nhất là đối với nhau. «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau». Làm dấu thánh giá, đọc kinh, dâng lễ… chỉ là những dấu hiệu bên ngoài của người kitô-hữu, mà người không phải là kitô-hữu vẫn có thể giả mạo. Còn sự yêu thương – được thể hiện cụ thể bằng hành động – mới là dấu chứng thật sự của người kitô-hữu. Người yêu thương thực sự biết quên mình để hy sinh cho tha nhân vô điều kiện, cho dù chưa rửa tội, thì đã là kitô-hữu đích thực từ bên trong rồi. Còn người mang danh kitô-hữu mà sống ích kỷ, không tình thương, thì chỉ là kitô-hữu hữu danh vô thực mà thôi (xem Rm 2,12-24).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin biến cải lòng con thành «trời mới đất mới», thành Nước Trời, trong đó luôn luôn tràn ngập tình yêu thương, để mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa – là tình yêu – ở trong con.
74.Yêu
Cách đây khá lâu tôi có xem trên Tivi có đoạn quảng cáo thứ gì mà loạn xà ngầu rượt đuổi lung tung, sau đó mọi người trong phòng cùng nâng bia Tiger lên chúc mừng. Tôi thấy lạ lắm nhưng cũng chẳng thèm để ý đến bao nhiêu vì là quảng cáo mà. Nhưng mới đây đọc báo Tuổi trẻ lại nhận ra những cảnh quảng cáo này nhưng được dựng lại trên báo. Thì ra đơn giản là bọn xấu muốn tấn công anh Max một người trọng hội bia Tiger. Anh Max chạy lòng vòng thành phố New York sau đó anh vào một cái phòng trong đó mọi người có thích một dấu và họ nhận ra ai dấu hiệu đó là "tín đồ" của bia Tiger. Sau cùng là câu Slogan nổi lên "Tiger rạng danh trên toàn thế giới".
Tôi không phải là nhân viên của bia Tiger để quảng cáo cho loại bia này nhưng với dấu thích trên tay làm cho tôi liên tưởng đến công việc của Phêrô nơi cửa thiên đàng như chúng ta thường nói. Muốn vào nước thiên đàng chắc chắn phải có một dấu hiệu nào đó để chứng tỏ mình là công dân của nước Chúa. Dấu hiệu đó không thể là gì khác ngoài dấu chỉ yêu thương. Và vơí dấu này người ta biết mình là " tín đồ " của nước Chúa. Nhưng yêu thương là yêu thương như thế nào? Bài Tin Mừng mà Phụng vụ cho đọc hôm nay cho thấy lý tưởng của tình yêu thương chính là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. " Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người nếu Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình ". Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu rộng mở, trao hiến trọn vẹn hết cho nhau. Thiên Chúa phải là Thiên Chúa Ba Ngôi bởi nếu một Ngôi hay hai Ngôi thì là tình yêu khép kín, vị kỷ. Trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mở rộng để Thiên Chúa tác thành trời đất và thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho mọi loài. Trong cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu chúng ta có thể thấy được sự hiệp nhất trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu khi làm phép lạhoá bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn thánh Gioan ghi lại như thế này "Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn rồi phân phát..." ta thấy Ngài không xin nhưng Ngài thực hiện theo ý Cha và Ngài tạ ơn Cha.
Còn chúng ta, chúng ta được Chúa Giêsu dạy hãy yêu thương nhau. Nhưng tại sao ở đây Chúa Giêsu lại nói "Thầy ban cho anh em một điều răn mới". Mới là mới ở chỗ nào? Mới là cách quy chiếu mới, cách thể hiện mới. Trong Cựu Ước đã có dạy yêu thương nhưng quy chiếu về chính mình "hãy yêu thương tha nhân như chính mình". Còn hôm nay Chúa Giêsu dạy "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Rõ ràng có một chuẩn mực mới. Yêu như Chúa yêu là yêu hết tình, yêu đến độ hy sinh tính mạng cho người mình yêu. Ở đây có hai phía chủ thể yêu và người được yêu. Chúng ta là người được Chúa yêu và theo như thánh Phaolô nói Người yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân, chúng ta chẳng có đáng yêu chút nào mà Chúa lại yêu hết tình, yêu hết mình vì chúng ta. Cho nên tình yêu thật không hệ tại nơi người được yêu có đáng yêu hay không, có đáp lại tình yêu hay không mà khi yêu là yêu trọn vẹn như nhà tư tưởng, mục sư Steve Goodier nói như thế này trong cuốn sách Đơn Thuốc Bình An Cho Tâm Hồn "Tình yêu đích thực không đòi hỏi người kia yêu mình như mình đã yêu". Trong tình yêu nam nữ chắc anh chị em cũng đã có lần kinh qua kinh nghiệm này. Yêu là yêu thế thôi, không thể chỉ cho người khác biết rằng tôi yêu em hay tôi yêu anh vì cái gì mà là trọn vẹn, cái gì nơi người yêu của mình cũng đáng yêu. Yêu như Chúa yêu là yêu thật, yêu có sự hao mòn đi nơi chính mình. Nếu chưa có từ bỏ, chưa mất mát, chưa hy sinh thì thường khi là chưa phải là yêu thương thật. Nhìn vào các gia đình ta có thể dể dàng nhận ra điều này. Cha mẹ sẳn sàng hy sinh ăn đầu tôm xương cá để cho con được ăn miếng ngon, cha mẹ sẳn sàng mặc áo vá, áo cũ để cho con cái có được những bộ đồ đúng mốt nhưng với sự hy sinh đó cha mẹ chúng ta không cảm thấy đó là sự mất mát, không cảm thấy thiệt thòi nhưng đó là một điều phải làm, nên làm và hạnh phúc vì được hy sinh cho con. Chỉ vì cha mẹ yêu con. Rộng lớn hơn một chút, trong xã hội của chúng ta cũng có rất nhiều người đã thể hiện tình yêu một cách vô vị lợi. Ví dụ như chị Huỳnh Tiểu Hương mà cách nay khá lâu trong chương trình gặp gỡ cuối tuần của đài Thành Phố Hồ Chí Minh mà tôi có dịp được xem. Chị là một đứa bé bị bỏ rơi, bị bán cho các động mại dâm ở những nơi người ta đào vàng, rồi chị trốn thoát trở thành trẻ em đường phố...may mắn thay số phận cho chị được khá lên và hiện nay chị đang nuôi dưỡng hơn 200 em bị bỏ rơi khuyết tật. Với sức khoẻ của chị như hiện nay chị đang bị bệnh ung thư chẳng biết công việc của chị rồi sẽ ra sao! Chị có hai câu nói làm tôi cảm phục và nhớ mãi. Đó là chị nói có những đêm chị trằn trọc chị như có linh cảm như có bé nào đó bị bỏ rơi và như có một sức mạnh vô hình thúc đẩy chị phải thức dậy để mang bé đó vào nhà thì chị mới yên lòng cho dù trời đêm mưa gió. Khi chị Quỳnh Hương dẫn chương trình hỏi "Nếu có một ai đó muốn mua hay xin các con của chị thì chi có cho hay bán không?". Chị trả lời rất dứt khoát "Không, không, không tất cả là con của tôi, tôi nuôi chúng đến khi nào tôi chết thì thôi...". Còn nhiều còn nhiều những tấm gương trong cuộc sống đã yêu, đã sống hy sinh vì yêu.
Người Kitô hữu chúng ta được tạo dựng và được cứu độ trong tình yêu của Thiên Chúa, lại được mời gọi sống điều răn yêu thương, cho nên có thể nói được yêu thương là căn tính, là bản chất của người Kitô hữu. Điều này đòi buộc mỗi người chúng ta phải luôn tự hỏi mình xem mình đã sống và đã thực hành điều răn Chúa dạy như thế nào. Tình yêu của người Kitô hữu chúng ta không hệ tại ở những cảm xúc tự nhiên nhưng phải là tiếp nối của tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu siêu vượt trên những cảm xúc tự nhiên. Tình yêu đó mang một khả năng biết mở rộng vòng tay, mở rộng con tim để đến với mọi người kể cả những người không có thiện cảm đối với chúng ta. Yêu là nhận ra Chúa nơi tha nhân. Yêu vì họ cũng là con của Chúa như chúng ta, không yêu thương thì không còn là Kitô hữu. Càng biết yêu thương, dám yêu, yêu không loại trừ là càng ngày càng trở nên những người Kitô hữu đích thực.
Ước gì mỗi người chúng ta thích được chữ yêu thương nơi tâm hồn chúng tađể chúng ta được trở nên những tín đồ trung thành của Thiên Chúa tình yêu.
75.Hãy yêu như lòng dạ Thương Xót của Thiên Chúa
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Tin mừng Ga 13: 31-35 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thủa ban đầu, chúng ta thấy cha ông mình đã sống hết lòng yêu thương và đoàn kết với nhau. Vì thế, những người ngoài Công Giáo thời đó không biết tiền nhân của chúng ta theo đạo gì mà lại sống những giá trị cao đẹp như vậy, nên họ nói với nhau: những người này họ sống “Đạo Yêu Nhau”.
Tại sao các tín hữu lại có lối sống như thế? Lối sống đó bắt nguồn từ đâu? Thưa! Các ngài đã lấy Chúa làm trung tâm, làm điểm tựa cho mọi hoạt động. Lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm nên bản chất của mình. Mọi giá trị và ưu phẩm đó khởi đi từ một Đấng đã sống và dạy cho con người bài học “yêu thương”, Đấng đó chính là Đức Giêsu.
1. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu
Khởi đi và bắt nguồn từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa Cha, vì thế, người: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng sống triệt để sứ mạng đó khi yêu và yêu đến cùng. Ở điểm này, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tả hành vi thương xót của Đức Giêsu như sau:“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8).
Thế nên, cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ có một nỗi thao thức, đó là “chạnh lòng thương” đến những người bất hạnh. Luôn cảm thông với người tội lỗi, nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng. Xót thương đến đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, nên đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài không đành lòng khi nhìn thấy những người ốm đau bênh tật, nên sẵn lòng ra tay chữa lành. Ngài còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; làm ơn cho kẻ hại mình; yêu luôn cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ. Không những thế, Đức Giêsu còn trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể và ở lại mọi ngày với loài người cho đến tận thế. Đỉnh cao của mầu nhiệm thương xót này chính là cái chết trên thập giá để hiến mạng vì người mình yêu: “Không có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Đồng thời, do lòng xót thương thúc đẩy, Đức Giêsu không ngừng lên tiếng phản đối những kẻ không chút thương xót và gây nên những hậu quả bi đát cho những người thấp cổ bé họng, khiến họ phải lao tâm khổ tứ, quằn quại trong khổ nhục đắng cay...
Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống và chết vì yêu. Qua đó, Ngài cũng dạy cho các môn đệ bài học về tình yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Lệnh truyền: “Hãy yêu thương nhau” là di chúc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ khi sắp lên đường chịu chết. Còn yêu “như Thầy đã yêu” là căn cốt của tình yêu, là một lối yêu mới, khác với lối yêu cũ của thời Cựu Ước.
2. Điểm mới của giới luật yêu thương
Khi khuyên bảo các môn đệ: “Hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở khái niệm trừu tượng, chung chung, mà Ngài nói tiếp: “Yêu như Thầy đã yêu”. “Yêu Như Thầy”, chính là điều khác biệt với những kiểu yêu trước đó, và “Yêu như Thầy” đã làm nên điểm mới của giới luật yêu thương nơi người môn đệ Đức Giêsu.
Nếu thời Cựu Ước, người ta yêu nhau theo lẽ công bằng, tức là được phép trả thù khi có người làm hại mình: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, hay đi xa hơn một chút thì cũng chỉ là yêu mọi người như yêu chính mình.
Nhưng với lời mời gọi: “Yêu như Thầy”, Đức Giêsu muốn đột phá và đi đến tận căn của tình yêu.
Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy”, tức là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Giêsu với Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người như chính mình đã chứng kiến và được yêu.
Vậy “yêu như Thầy đã yêu” là gì?
Thưa, đó là hạ mình như một người tôi tớ. Tự hủy mình ra không và từ bỏ cái tôi ích kỷ. Yêu với một tình yêu phát xuất từ lòng dạ xót thương chứ không phải một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng, chụp giật. Yêu với một thái độ cảm thông, phục vụ chứ không phải bố thí, ban phát, thương hại. “Yêu như Thầy” là không chấp nhất, coi người làm hại mình là bạn và sẵn lòng tha thứ tất cả. Đỉnh cao của tình yêu này chính là chết thay cho người khác, đây chính là một tình yêu cao cả.
Với tất cả những nét đặc thù trên đã làm nên điểm mới của luật yêu thương mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
3. Sống và thi hành giới luật yêu thương
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.
Lời mời gọi: “Hãy yêu như Thầy” mà Đức Giêsu trăng trối cho các môn đệ thì cũng là tâm tư mà Ngài muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.
Vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và tập sống tinh thần yêu thương ấy ngang qua một nghĩa cử xót thương cụ thể với những người mà chúng ta hay gọi là kẻ thù của mình. Bởi vì yêu được kẻ thù, ấy là chúng ta đang thực thi cốt lõi của tình yêu, là phản ảnh lòng dạ thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em của mình cách rõ nét nhất.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó, trước tiên, chúng ta phải thay đổi quan điểm và tên gọi cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Khi dùng từ kẻ thù, ấy là lối nói có tính tiêu cực, và vô hình chung, ta coi đối phương là kẻ mà chắc chắn phải tiêu diệt! Vì thế, muốn yêu kẻ thù, chúng ta nhất định phải thay đổi cách gọi, quan điểm và lối nhìn.
Thứ đến, khi người anh chị em chúng ta xúc phạm đến ta, hãy coi nhẹ lỗi của họ, đừng thổi phồng như bong bóng. Nhiều khi cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người anh em để dễ thông cảm cho hành vi của họ hơn. Nhìn thấy lỗi của anh em gây ra cho mình, ngay lập tức, cẩn trọng và hồi tâm suy nghĩ: có bao giờ cũng cùng lỗi đó, mình đã gây ra cho người khác không? Đôi khi lỗi của mình nặng hơn chăng? Hay điều mà người anh em đang gây ra cho mình có lẽ đúng! Nếu đúng, tại sao không biết cám ơn, nếu sai, sao phải hận thù cho khổ tâm!
Tiếp theo, noi gương Đức Giêsu trên thập giá, không ngớt cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ hại mình. Vì thế, khi gặp phải những người hại ta, hãy cầu nguyện cho họ. Xin cho họ và ta được bình an. Hành vi này thật cao quý, vì hơn bao giờ hết, trong tận cùng của khổ đau, chúng ta lại thật hạnh phúc vì đang được diễm phúc tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cách cụ thể.
Cuối cùng, khi bị hiểu lầm, vu khống, phân biệt, thậm chí bách hại bằng tư tưởng, miệng lưỡi hay đòn vọt và chết chóc, ta hãy vui mừng, bởi lẽ, đó là lúc ta được tôn vinh vì đang được hiệp thông với Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót, xin Chúa ban cho chúng con được ở lại trong tình yêu của Chúa và luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu và thương xót chúng con. Amen.
76.Hãy yêu thương nhau
1. Thỉnh thoảng có những người giáo dân nhờ tôi đánh máy di chúc, thường thì trong di chúc đều có lời căn dặn đại khái: "Má (cha...) mong muốn anh chị em chúng con hoà thuận thương yêu nhau...". Cách nào đó, những bậc cha mẹ nầy đã thấm nhuần được tinh thần của Đức Giêsu. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, trong bầu khi dùng buổi tiệc cuối cùng với các môn đệ, trước lúc bước vào con đường khổ nạn, Đức Giêsu đã trối cho các môn đệ, cũng là cho mỗi người chúng ta nữa về giới luật yêu thương. Người nói rõ rằng: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em"(Ga 13,34).
2. Giới luật yêu thương Chúa ban có gì mới? Thực ra lời dạy yêu thương nhau đã có từ xưa, có thể nói từ khi con người xuất hiện. Chúng ta vẫn nghe nói: "Tứ hải giai huynh đệ" (bốn bể là anh em), hay " thương người như thể thương thân", hay "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn"... Ngay trong Cựu Uớc cũng đã dạy rất rõ:"Hãy yêu đồng loại như chính mình..." (Lêvi 19,18). Nhưng tình yêu tha nhân nầy, ta tạm gọi là kiểu cũ, so với lời dạy và gương sống của Đức Giêsu, ta tạm gọi là kiểu mới, thì còn nhiều hạn chế, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó qua một vài điểm so sánh:
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ, mà ta thường đối với nhau, đó là lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn. Đành rằng yêu người khác như bản thân mình là rất quý, nhưng vì lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn nên làm sao tránh khỏi những vị kỷ, bất ổn, mà chúng ta sẽ bàn tiếp ở những điểm sau. Còn yêu thương theo kiểu mới, thì yêu như chính Chúa yêu thương chúng ta, cho nên những bất ổn đó sẽ được khắc phục.
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ, do lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn, cho nên sẽ giới hạn về đối tượng. Người Do thái xưa được dạy chỉ phải yêu: đồng đạo, đồng chủng, đồng hương... chứ không phải yêu thương tất cả mọi người. Cho dù xã hội ngày nay rất tiến bộ, nhưng tình yêu tha nhân theo kiểu cũ vần còn tồn tại, ta vẫn còn nghe những cụm từ "không đội trời chung với kẻ thù", "đối với kẻ địch thì phải khôn ngoan, cương quyết..."! Còn yêu thương theo kiểu mới đó là yêu thương hết mọi người, dù kẻ làm khó dễ, thù nghịch với ta (x. Mt 5,43-48).
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ, chúng ta còn dễ thấy ở mục đích yêu thương: yêu thương người khác vì mình. Sống hiền hoà với tha nhân để tránh gây thù oán, để được yên ổn. Cũng có thể yêu thương người khác vì người đó đem lại cho ta lợi lộc, hoặc thoả mãn ước muốn nào đó của ta... Còn yêu thương theo kiểu mới, đó là yêu thương vì lợi ích của người được yêu thương, chẳng hạn Thiên Chúa vì yêu thương muôn loài nên Ngài đã tạo dựng và luôn chăm sóc cho muôn loài, đặc biệt là loài người. Đức Giêsu vì yêu thương ta nên sẵn lòng chịu nạn chịu chết vì ta.
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ do lấy mình làm điểm quy chiếu, nên hay có sự thay đổi trong yêu thương. Vừa lòng thì còn quý mến, hết vừa lòng thì thôi. Lòng dạ con người thay đổi nào ai có thể lường? Còn yêu thương theo kiểu mới do Chúa dạy đó là tình yêu không thay đổi, cho dù đối tượng có trở nên bất trung, bất xứng. Ngay trong Cựu Ước cũng đã nói lên điều đó:"Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (x. Tv 118; 136), dù dân Do thái có trung thành với Thiên Chúa hay không!? Nơi Đức Giêsu, một điển hình rõ nét, Người vẫn một mực yêu thương Phêrô, Giuđa dù các ông có phản bội Chúa hay chưa! Người cũng đối với mọi người chúng ta như thế.
Đức Giêsu đã dạy, đã sống và muốn chúng ta cũng hãy đối xử với nhau: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em".
3. Nhưng sống yêu thương nhau như Chúa dạy thực ra không phải dễ, do chúng ta thường có khuynh hướng quy về cái tôi vị kỷ của mình. Chính thánh Phaolô đã từng thốt lên:"Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tối ghét thì tôi cứ làm" (Rm 7,15). Do quy về cái tôi, nên chúng ta hay có thái độ so bì, ganh tỵ ngay cả những người thân thương ruột thịt của mình, nhiều khi với lý do rất đơn giản như: nó đẹp hơn tôi, nó giàu hơn tôi, nó được cha mẹ quan tâm hơn tôi, được hưởng gia tài nhiều hơn tôi... nên tôi ghét! Do quy hướng về mình, nên ta thường muốn được cái lợi, được hưởng thụ, được phục vụ mà ít quan tâm đến lợi ích của người khác, ít quan tâm phục vụ, hy sinh cho người khác. Nếu sống mà như thế thì làm sao ta có thể yêu thương như Chúa được. Đức Giêsu, Đấng đến không để được phục vụ mà để phục vụ. Vậy trong tinh thần bác ái, phục vụ người khác theo gương Đức Giêsu, chúng ta có thể bớt so bì, ganh tỵ... để dễ yêu mến người khác hơn.
4. Chúa dạy chúng ta yêu thương mọi người, không giới hạn đối tượng, nhưng Chúa cũng lưu tâm các môn đệ của Chúa, các Kitô hữu, cách đặc biệt về giới luật nầy: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35). Nếu anh em trong một nhà, nếu các Kitô hữu không yêu thương nhau thì làm sao mà có thể yêu thương những người khác được? Vậy hãy cố gắng thực hiện giới luật yêu thương quan trọng nầy nơi gia đình, cộng đoàn, nơi làm việc, xóm làng...
Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm của mình: Tại sao người ta không xin gia nhập Giáo Hội, không đánh giá cao bản thân, gia đình, đoàn thể, xóm giáo, họ đạo chúng ta? Chắc do nhiều nguyên nhân, nhưng thiết nghĩ, một trong những nguyên nhân chính yếu đó là do chúng ta sống thiếu yêu thương nhau! Nếu đúng như vậy, mọi người chúng ta hãy cố gắng thực hiện lệnh truyền của Chúa:"Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em", đó là phương cách sống chứng nhân cho Đức Kitô cách hữu hiệu.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam