Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 69
Tổng truy cập: 1365674
HÃY YÊU CẢ KẺ THÙ
HÃY YÊU CẢ KẺ THÙ
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Đức Giêsu, chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi, hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Đức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác, hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.” Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc, vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu. Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống. Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.
“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.
Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai? Đó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống. Đó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp. Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi, là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi. Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Đức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân: về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện. Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay. Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ thù, tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng, và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế, tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa. Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay một người làm tôi vô cùng đau khổ. Đó chẳng phải là một hành động giả hình, nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Đó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.
Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên. Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên... Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình, mới vào được thế giới siêu nhiên, thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.
Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học, nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ. Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.
Gợi Ý Chia Sẻ
Làm điều tốt cho kẻ thù, bạn có kinh nghiệm về điều này chưa? Bạn có khi nào chinh phục được một người nhờ yêu mến họ không?
Theo ý bạn, tại sao lại không nên xét đoán người khác? Dựa vào hành động bên ngoài, chúng ta có thể xét đoán lòng dạ một con người không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
2.Yêu thương
Huyền thoại Hy lạp kể lại rằng:
Narcisse là một vị thần rất đẹp trai, khiến cho nàng tiên Echo đem lòng yêu thương say đắm. Thế nhưng, Narcisse không những đã cự tuyệt mối tình say đắm ấy, mà còn biến nàng thành tượng đá.
Ngày kia, Narcisse đi lang thang, tình cờ chàng đến bên một giòng suối. Chàng nhìn ngắm bóng hình mình in trên mặt nước và cảm thấy ngất ngây vui sướng. Chàng cố sức nắm bắt bóng hình ấy, nhưng không tài nào nắm bắt được. Chính vì thế, chàng sinh ra buồn sầu, ủ rũ và qua đời. Sau khi chết, chàng hóa nên cây thủy tiên, mọc bên giòng suối.
Bởi đó trong tiếng Pháp, danh từ “narcisse” có nghĩa là kẻ hợm hĩnh về sắc đẹp của mình, còn danh từ “narcissisme” có nghĩa là lòng tự kiêu quá đáng.
Mỗi người chúng ta, không ít thì nhiều, cũng giống như chàng Narcisse đáng buồn ấy, bởi vì ai cũng yêu mình thái quá, ai cũng thích khoe rằng mình tài, mình giỏi, mình đẹp, mình hay… Ai cũng muốn mình là nhân vật số một, mình là “number one”, mình là trung tâm của thế gian, mình là cái rốn của vũ trụ. Ai cũng thường nghĩ rằng kẻ khác sinh ra là để phục vụ cho mình và rồi cuối cùng mình sống trong cô độc và chết trong quạnh hưu, còn bản thân cũng chẳng hóa kiếp thành cánh hoa thủy tiên mọc bên giòng suối hư vô.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi tình cảnh đáng thương ấy. Ngài chỉ cho chúng ta phương thức khai thông những bế tắc, bằng cách tận diệt cái tôi ích kỷ và kiêu căng để đến với tha nhân và yêu thương anh em đồng loại.
Cụ Phan bội Châu đã viết trong “Lưu cầu huyết lệ thư” như sau:
- Con chim sắp chết hót tiếng hót bi thương, con người sắp chết nói lời tâm huyết.
Lời tâm huyết của Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ trong phòng tiệc ly, trước khi Ngài ra đi chịu chết, đó là:
- Thày truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.
Bản tính của Chúa chính là Tinh yêu và cốt lõi của đạo Chúa cũng chính là Tình yêu. Sở dĩ đạo Chúa được gọi là đạo Công giáo vì đã dạy một điều phổ quát, chung cho mọi người, đó là hãy yêu thương nhau.
Tất cả những ai yêu thương anh em, đều là người có đạo, đều là Kitô hữu, đều là môn đệ của Chúa. Thực vậy, Ngài đã truyền day:
- Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con hãy yêu thương nhau.
Trong ngày sau hết, chúng ta sẽ bị tra vấn về những hành động bác ái, và công hay tội của chúng ta được ấn định dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất đó là tình yêu, như chúng ta đã thấy trong hoạt cảnh của ngày phán xét:
Ai cho người đói được ăn, người khát được uống, người trần trụi được mặc, ai thăm viếng người đau yếu, người bị giam cầm, ai nhường cơm sẻ áo va tiếp đón khách lạ… thì sẽ được ân thưởng hạnh phúc thiên đàng.
Vậy chúng ta phải yêu thương anh em như thế nào?
Chính Chúa đã dạy:
- Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con.
Đây là một tiêu chuẩn, một đòi hỏi rất cao, cũng cao như tiêu chuẩn và đòi hỏi:
- Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành.
Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương chúng ta. Về số lượng, Chúa đã yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ thù địch, bằng chứng là trên thập giá, Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ làm khốn mình:
- Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm.
Về phẩm chất, Chúa đã yêu thương chúng ta tới mức đã đổ hết máu mình ra để tầy xóa tội lỗi chúng ta như lời Ngài đá phán:
- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Trong cuộc sống, có những vị thánh, nhờ ơn Chúa, đã thực hiện được một ty cao cả như thế, chẳng hạn các thánh Tử đạo Việt Nam đã đổ máu đào để làm chứng cho Chúa, thánh Maximilianô Kolbê đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù, Cha Đamiêng đã tình nguyện sống giữa những người phong cùi ở hải đảo Molokai để giúp đỡ họ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã tận tình chăm sóc những người bất hạnh và nghèo khổ.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực thi giới luật yêu thương Chúa truyền dạy hay chưa? Nếu có, thì tình thương của chúng ta đã vượt khỏi những người thân quen, để tìm đến với những kẻ bất hạnh và khổ đau, nhất là đến với kẻ kẻ thù oán, ghét bỏ chúng ta hay chưa?
Chúng ta có giám hy sinh thời giờ, tiền bạc và công sức để giúp đỡ những kẻ chẳng may gặp phải tai ương hoạn nan, như người Samaria nhân từ đã làm cho kẻ gị cướp đánh dọc đường hay không?
Chúng ta có nhớ rằng số phận đời đời của chúng ta lệ thuộc vào những hành động bác ái yêu thương chúng ta đã làm hay đã không làm để giúp đỡ nhung người chung quanh hay không?
Dĩ nhiên, không phải mọi Kitô hữu đều có lòng bác ái yêu thương, nhưng chắc chắn rằng những người có lòng bác ái yêu thương đều là môn đệ của Chúa và như vậy họ đều là Kitô hữu, như lời Ngài đã xác quyết:
- Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau.
Nếu bây giờ tạm gác bỏ những việc bên ngoài như xưng tội rước lễ, tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện…để chỉ căn cứ vào những việc bác ái yêu thương, thì liệu người khác có còn nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô nữa hay không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, trong cuộc sống có lẽ chúng con đã nghe và đã nói quá nhiều về tình yêu, nhưng còn việc làm thì lại chẳng được bao nhiêu. Chúng con chỉ mới yêu bằng tai, thương bằng miệng, chứ chưa thực sự yêu thương bằng việc làm, bằng hành động. Xin Chúa giúp chúng con biết giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ nghèo túng và khổ đau, để nhờ đó chúng ta trở nên người môn đệ đích thực của Chúa.
3.Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Tòa án nhân dân thành phố Hán Trung, tỉnh Thiêm Tây, Trung Quốc vừa tuyên án tử hình đối với Zhang Koukou, 36 tuổi.
Zhang phạm tội giết hại 3 người hàng xóm, bao gồm ông Wang Zizin (70 tuổi) cùng hai con trai Wang Zhengjun (40 tuổi) và Wang Xiaojun (46 tuổi) ngụ tại huyện Nam Trịnh, thành phố Hán Trung. Án mạng xảy ra ngày 15/12/2017 đúng vào dịp Tết Nguyên Đán.
Mới đây, tại phiên xử ngày 8/1/2019, tòa cho biết bị cáo Zhang đã theo dõi gia đình nạn nhân khi họ viếng mộ vào buổi tối; kế đó đâm chết 2 người con trai của gia đình Wang đang trên đường về nhà.
Tiếp theo, bị cáo đột nhập vào nhà họ Wang, đâm liên tiếp vào nạn nhân Zixin cho đến khi ông cụ thiệt mạng.
Bị cáo trở về nhà lấy 1 con dao khác và 2 bình xăng, sau đó đập nát cửa kính ô tô của Wang Xiaojun, đặt thi thể các nạn nhân vào trong rồi châm lửa đốt để phi tang chứng cứ. Nhưng cuối cùng, sự thật cũng được phơi bày và kẻ thủ ác đã phải trả giá cho tội lỗi của mình.
Theo phiên tòa, động cơ giết người đã bắt nguồn từ 22 năm trước. Năm 1996, mẹ bị cáo cãi nhau với cậu thanh niên nhà hàng xóm là Wang Zhengjun, đập vào đầu anh ta bằng một mảnh kim loại.
Wang Zhengjun kế đó lấy khúc gỗ đập vào đầu người phụ nữ dẫn đến tử vong. Cậu bé Zhang Koukou lúc đó 13 tuổi cũng có mặt tại hiện trường, tận mắt chứng kiến cái chết của mẹ và nung nấu ý định trả thù suốt hơn 20 năm nay.
Trở lại năm 1996, xét thấy Wang Zhengjun chỉ mới 18 tuổi, hơn nữa người phụ nữ còn tấn công trước, tòa đã xử phạt Zhengjun 7 năm tù giam và yêu cầu bồi thường cho gia đình nạn nhân 9.639,3 nhân dân tệ (tương đương 32,8 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay). (Theo SCMP)
Nhìn lại lịch sử loài người có lẽ không lúc nào mà không có những câu chuyện thương tâm về việc báo thù: Báo thù giữa các quốc gia, báo thù giữa các bộ lạc, báo thù giữa các dòng họ, báo thù giữa các gia đình, báo thù giữa các tập thể và cá nhân, thậm chí báo thù ngay trong các thành viên của một gia đình. Người ta báo thù vì quyền, vì tiền, vì tình. Người ta cũng có thể báo thù chỉ vì người khác đẹp hơn, giàu có hơn, tài giỏi hơn mình. Trường hợp xảy ra trong bài đọc thứ I là một ví dụ: Vua Saolê ghen tức Đavít, tìm cách trả thù Đavít chỉ vì Đavít tài giỏi hơn, đánh được nhiều kẻ địch hơn, được dân chúng mến mộ hơn mình. Có lẽ nhiều lúc chúng ta cũng nuôi hận thù, tìm cách trả thù người khác vì những lý do trên hay vì những lý do không đâu. Nhưng dầu là lý do nào đi chăng nữa thì đối với người kitô hữu không bao giờ được phép báo thù. Tin mừng hôm nay Đức Giêsu dạy chúng ta rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.” (Lc 6,27-38). Như vậy, Đức Giêsu dạy chúng ta không những không được báo thù mà còn phải yêu kẻ thù, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ nữa.
Chính Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta mà Ngài còn làm gương cho chúng ta. Trong ba năm cuộc đời công khai, Ngài đã từng tha thứ tội lỗi cho nhiều người: Cho Giakêu, cho Lêvi, cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình… Dù biết Giuđa là kẻ phản bội, nhưng Ngài vẫn nhiều lần dùng cách này hay các khác để can ngăn, nhằm giúp Giuđa từ bỏ ý định phản bội của mình. Khi Phêrô chém đứt tai một tên lính đến bắt Ngài, Ngài không coi nó là kẻ thù, trái lại đã lập tức chữa lành tai cho hắn. Đặc biệt, trên thập giá trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).
Các thánh cũng đã làm gương cho chúng ta: Đứng trước những cơn mưa đá người ta ném vào Ngài, Thánh Stêphanô bình tĩnh cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông qùi xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa xin đừng chấp họ tội này.”(x. Cvtđ 7, 59-60). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến nhà tù thăm, nói chuyện và tha thứ cho Ali Agca là kẻ bắn Ngài tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 13/05/1981. Trước khi trút hơn thở cuối cùng, Thánh Maria Goretti đã nói với Cha giải tội rằng: “Con muốn anh Alexandro cũng được ở trên Thiên đàng với con.” Chính Alexandro là kẻ giết Ngài.
Bài đọc thứ nhất hôm nay kể lại cho chúng ta biết về sự kiện vua Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Nhưng trong một tình huống khó lường. Chẳng những vua Saolê không làm gì được Đavít, trái lại Đavít có thể lấy mạng vua Saolê một cách dễ dàng khi vua còn ngủ. Nhưng Đavít đã không làm thế. Đavít đã không giết kẻ đang làm hại chính mình.
Tóm lại, yêu kẻ thù là lời dạy của Đức Giêsu, là nét đặc trưng trong cách sống của người kitô hữu. Tuy vậy, lời dạy này vẫn luôn khó thực hiện đối với mọi người. Vì thế, trong cuộc sống ít nhiều chúng ta đã nuôi hận thù trong tư tưởng, lời nói, thậm chí đã từng trả thù người khác. Xin Chúa tha thứ cho chúng ta, đồng thời xin cho mọi người chúng ta biết noi gương Chúa, noi gương các thánh, noi gương hành động của Đavít trong bài đọc thứ nhất, luôn biết yêu kẻ thù, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ nữa. Làm được như vậy mới xứng đáng là người kitô hữu, như một giáo phụ đã khẳng định rằng: “Ai không yêu thương kẻ thù của mình, thì người đó không phải là Kitô hữu.”
4.Bác ái vô biên - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’)
Tất cả các nền luân lý của nhân loại đều đề cập đến yêu người, nhưng yêu thương kẻ thù thì đặc biệt chỉ có giáo lý Đức Giêsu đòi hỏi thôi. Kẻ thù được xác định rõ ràng là những kẻ oán ghét, nguyền rủa, nhục mạ mình, là những kẻ vả má đánh đập, làm hại bóc lột mình đến cả áo mặc nữa. Chứ không phải kẻ thù xa lạ của đoàn thể hay đất nước. Kẻ thù chính cá nhân ta mới rất khó tha thứ và yêu thương.
Sách Đông Châu Liệt Quốc có kể hai anh em Cựu Tử và Bạch Tử tranh nhau chiếm ngai vàng nước Tề. Quản Trọng phò Cựu Tử, bạn chí thân của ông là Bào Thúc Nha phò Bạch Tử. Quản Trọng mưu bắn giết Bạch Tử để tôn Cựu Tử làm Vua, Bạch Tử không chết. Nhưng Cựu Tử lại bị Lỗ Hầu giết chết. Bạch Tử sống sót trở về làm Vua nước Tề. Bạch Tử phong Bào Thúc làm tướng quốc. Bào Thúc không dám nhận, lại tiến cử Quản Trọng.Vua rất kinh ngạc hỏi sao ông dám tiến cử kẻ thù đã mưu giết ta?. Bào Thúc nói: Vua muốn giữ nước Tề thì không cần Quản Trọng, nhưng muốn làm Vua thiên hạ thì phải nhờ Quản Trọng. Vua đã quên thù để lập nghiệp lớn.
Có phải Bạch Tử yêu thương kẻ thù như Đức Giêsu dậy chăng? Bạch Tử tha cho Quản Trọng và phong cho làm tể tướng không phải vì yêu kẻ thù, mà chỉ vì yêu mình, muốn Quản Trọng giúp mình làm bá chủ thiên hạ.
Bài đọc I cũng kể David đã không giết Saolê là kẻ thù đang đem 3000 quân đi lùng bắt giết David. Có phải David yêu kẻ thù chăng? Chắc là phải, vì David đã kính trọng Vua Saolê, là người đã được Chúa xức dầu. Như vậy, David vì mến Chúa mà tha thứ cho kẻ thù. Lòng kính mến Thiên Chúa chính là nền tảng đức bác ái vô biên. Ai nhận biết Thiên Chúa là Cha mình, mới nhận ra mọi người là anh em thật của mình và không còn ai là kẻ thù.
Đức Giêsu là con Thiên Chúa, đã muốn cho tất cả mọi người là anh em của Ngài, nhờ đó mọi người được làm con Thiên Chúa, cho nên không còn ai là kẻ thù. Vì thế, dù biết Giuda là kẻ nội phản, dẫn quân dữ đến bắt Ngài, Ngài vẫn hiền từ thương yêu và gọi Giuda là bạn chí thiết. Tên đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai, Ngài vẫn làm ơn chữa lành tai cho nó, không coi nó là kẻ thù. Nhất là khi hấp hối đau đớn cùng cực trên thập giá, Ngài vẫn tha thiết cầu khẩn Đức Chúa Cha tha tội những kẻ giết Ngài vì chúng lầm chẳng biết. Thánh Stêphannô thấm nhuần giáo lý yêu thương vô biên đó, nên khi bị những trận cuồng phong ném đá Ngài như mưa, Thánh nhân đã cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông qùi xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa xin đừng chấp họ tội này”. (Cvtđ. 7, 59-60).
Ngày 13/05/1981 cả thế giới đều sửng sốt kinh hoàng về tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát tại chính công trường Thánh Phêrô. Ali Agca, một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, thủ phạm bắn Ngài, lại được Ngài đến thăm, nói chuyện và tha thứ cho anh. Tình yêu nào đã khiến Đức Giáo Hoàng thương yêu kẻ thù như bạn hữu của mình? Chỉ có tình yêu của Đức Giêsu đã thúc đẩy vị đại diện của Người dưới trần gian này đã có lòng bác ái vô biên như vậy. Chính tình yêu của Đức Giêsu cũng đã thúc đẩy ông Grandhi hết lòng thương yêu kẻ thù bằng dùng phương pháp bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn thoát ách nô lệ dân Anh và hòa giải dân Ấn với Hồi không còn coi nhau như kẻ thù truyền kiếp nữa. Họ đã tôn kính Grandhi như Cha già dân tộc và là vị đại ân nhân nhất của họ. Cả thế giới đều gọi ông là thánh Grandhi. Nhưng ngày 30/01/1948 đang lúc ông cầu nguyện tạ ơn vì bản hòa ước đã ký kết giữa hai dân Ấn-Hồi, thì ông bị chính người đồng bào bắn chết. Ông chỉ kêu lên được hai tiếng: Rama, Rama: Chúa ơi, Chúa ơi và giơ tay làm một cử chỉ tha thứ cho kẻ bắn ông.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong Gương Danh Nhân đã hỏi: Nhờ đâu, Grandhi lúc còn nhỏ là con người tầm thường, chơi bời, đàng điếm, ghen tương lại trở nên một thánh nhân vĩ đại của Ấn và của cả thế giới? (Tr. 81). Bách khoa tự đển của Punk đã trả lời: “Ông đã thấm nhuần giáo lý của Đức Kitô, như câu: “Ai vả anh em má bên phải, hãy giơ cho nó má bên kia nữa” “He acknowledged a debt to the teaching of Christ as expressed in …”whosoever shall smite thee on the right check, turn to him the other also”. (Punk, Encyclopedia, 9,11. P. 3896). Chính bài Tin Mừng hôm nay đã biến đổi Grandhi từ một con người hèn yếu, thành một thánh nhân vĩ đại của nhân loại.
Còn đối với mỗi người chúng ta, bài Tin Mừng này có biến đổi chúng ta thành con Chúa biết “thương yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ oán ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình” không?
Lạy Chúa, con đã xúc phạm đến Chúa biết chừng nào! Chúa vẫn tha thứ, hy sinh chịu chết cứu chuộc con và cho con được làm con yêu dấu của Chúa. Xin cho con nhận biết lòng từ bi nhân hậu của Chúa, cho con hết lòng yêu thương mọi người, dù họ thù ghét con mãi mãi.
5.Lấy ân trả oán
(Suy niệm của Lm. Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc)
Tin mừng Lc 6: 27-38 "Lấy ân trả oán", đó phải là phương châm hành động của người kitô hữu chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn là yêu thương, tha thứ, giúp đỡ chính kẻ thù của mình. Nói như Thánh Phaolô: "Chúng ta đừng mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình yêu mến".
Những người thổ dân Nam Phi vẫn thường truyền tụng với nhau câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ dân thù ghét nhau. Một hôm, một người bắt gặp cô con gái nhỏ của kẻ thù ở trong rừng một mình, hắn liền bắt lấy và chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc nức nở đau đớn. Còn tên hung thủ vừa đi vừa hò reo:
- "Ta đã trả được thù rồi!"
…Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên và có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Ngay tức khắc, cô nhận ra người hành khất chính là kẻ đã hại cô mười mấy năm về trước. Nhưng cô không hề tỏ lòng oán hờn, không một lời mỉa mai, cô vội vàng xuống bếp lấy thức ăn lên hầu hạ kẻ đã hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn uống no say, người thiếu phụ liền đưa bàn tay bị cụt mất hai ngón ra và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi!"
Anh chị em thân mến,
"Lấy ân trả oán", đó phải là phương châm hành động của người kitô hữu chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn là yêu thương, tha thứ, giúp đỡ chính kẻ thù của mình. Nói như Thánh Phaolô: "Chúng ta đừng mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình yêu mến".
Chỉ có tình thương, chỉ có sự tha thứ mới tiêu diệt được hận thù. Lấy hận thù tiêu diệt hận thù, lấy bạo động trả cho bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào lửa, thêm lửa vào hận thù và bạo động mà thôi.
Hôm nay Chúa kêu gọi chúng ta: "Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ" - "Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống mình"…
Lý tưởng cuộc sống của người con Chúa là nên giống Chúa. Nhưng làm thế nào để nên giống Chúa? Chúa là tình yêu, hoạt động của Chúa là do tình yêu thúc đẩy, là để biểu lộ và phân phát tình yêu cho các loài thụ tạo của Ngài, nhất là cho loài người.
Vì thế, Chúa dạy chúng ta muốn nên giống Chúa phải biết yêu thương. Giới răn của Chúa được tóm tắt trong hai điều là: chúng ta phải kính mến Chúa và yêu thương anh em. Kính mến Chúa thì phải yêu thương anh em, con cái của Ngài, và yêu thương anh em được xem như một dấu chỉ, một sự biểu lộ lòng kính mến Chúa.
Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu phổ quát, nghĩa là không trừ một ai, kể cả những người tội lỗi. Đối với Ngài, có thể nói, những người tội lỗi chính là những người được Chúa yêu thương hơn, đang khi còn hy vọng cứu được: Dụ ngôn người Mục Tử tốt lành đi tìm "chiên lạc" là một bằng chứng rõ rệt. Ngài yêu thương bằng một tình yêu thương vô vị lợi, một tình yêu siêu việt.
Ngài muốn dạy chúng ta yêu thương như Ngài đã yêu, chứ không phải yêu thương một cách tầm thường như lối yêu thương của người "đời". Không phải chỉ yêu thương những người yêu thương mình, không phải chỉ thi ân cho những người làm ơn cho mình, cũng không phải chỉ cho vay mượn nơi những người mà mình còn trông lấy lại được. Nhưng yêu thương cả thù địch. Hãy cho vay, hãy làm ơn dù không trông báo đền.
Yêu thương như Chúa yêu thương thì sẽ được phần thưởng lớn lao, và phần thưởng lớn nhất sẽ là được trở nên "Con Đấng Tối Cao", vì Ngài nhân lành đối với những kẻ vô ơn độc ác.
Chúng ta đã yêu thương như thế nào? Có yêu thương như Chúa đã yêu thương không?
Năm 1995 nầy là năm quốc tế cổ võ lòng khoan dung. Liên Hiệp quốc muốn kêu gọi các dân tộc hãy lấy lòng khoan dung mà đối xử với nhau để dàn xếp các cuộc xung đột, tranh chấp, hận thù đang diễn ra trong các nước. Bởi vì khoan dung và tha thứ chỉ cách nhau có một bước gần nhau mà thôi, đối với những ai thành tâm thiện chí muốn xây dựng hòa bình.
Lòng khoan dung thì yêu thương và tha thứ. Con người sẽ tiêu diệt tất cả địch thù và biến họ thành bạn hữu, không phải với sức mạnh của hận thù và bạo lực, nhưng với sức mạnh của tình thương tha thứ. Yêu thương và tha thứ như thế cũng là cánh cửa mở cho sự sống, sự sống của Thiên Chúa, vốn tràn đầy và phong phú, nhưng con người đã đắp những bờ đê thù hận và ích kỷ để ngăn lối yêu thương. Sự sống cũng vốn có sẵn trong tâm hồn mỗi người, nhưng tất cả cứ then cài cửa đóng, để rồi chỉ đến với nhau bằng những tính toán hơn thua, chất chồng thù oán mà không lối thoát. Chỉ có tình thương mới có sức phá vỡ những rào cản cho mạch sống trào dâng và chan chứa.
Giờ đây, cử hành Bí tích Thánh Thể, kính nhớ sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, chúng ta thấy rõ hơn lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng ta. Chúng ta phải cảm tạ Chúa và phải quyết tâm làm theo điều Chúa đã dạy, chẳng những bằng Lời Ngài mà còn bằng gương mẫu của Ngài nữa. Biết yêu thương, biết tha thứ như Chúa, đó là bài học để cho chúng ta trở nên con cái Chúa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam