Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1376993
HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Tin mừng Ga 13: 31-35 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thủa ban đầu, chúng ta thấy cha ông mình đã sống hết lòng yêu thương và đoàn kết với nhau. Vì thế, những người ngoài Công Giáo thời đó không biết tiền nhân của chúng ta theo đạo gì mà lại sống những giá trị cao đẹp như vậy, nên họ nói với nhau: những người này họ sống “Đạo Yêu Nhau”.
Tại sao các tín hữu lại có lối sống như thế? Lối sống đó bắt nguồn từ đâu? Thưa! Các ngài đã lấy Chúa làm trung tâm, làm điểm tựa cho mọi hoạt động. Lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm nên bản chất của mình. Mọi giá trị và ưu phẩm đó khởi đi từ một Đấng đã sống và dạy cho con người bài học “yêu thương”, Đấng đó chính là Đức Giêsu.
1. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu
Khởi đi và bắt nguồn từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa Cha, vì thế, người: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng sống triệt để sứ mạng đó khi yêu và yêu đến cùng. Ở điểm này, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tả hành vi thương xót của Đức Giêsu như sau:“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8).
Thế nên, cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ có một nỗi thao thức, đó là “chạnh lòng thương” đến những người bất hạnh. Luôn cảm thông với người tội lỗi, nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng. Xót thương đến đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, nên đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài không đành lòng khi nhìn thấy những người ốm đau bênh tật, nên sẵn lòng ra tay chữa lành. Ngài còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; làm ơn cho kẻ hại mình; yêu luôn cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ. Không những thế, Đức Giêsu còn trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể và ở lại mọi ngày với loài người cho đến tận thế. Đỉnh cao của mầu nhiệm thương xót này chính là cái chết trên thập giá để hiến mạng vì người mình yêu: “Không có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Đồng thời, do lòng xót thương thúc đẩy, Đức Giêsu không ngừng lên tiếng phản đối những kẻ không chút thương xót và gây nên những hậu quả bi đát cho những người thấp cổ bé họng, khiến họ phải lao tâm khổ tứ, quằn quại trong khổ nhục đắng cay...
Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống và chết vì yêu. Qua đó, Ngài cũng dạy cho các môn đệ bài học về tình yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Lệnh truyền: “Hãy yêu thương nhau” là di chúc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ khi sắp lên đường chịu chết. Còn yêu “như Thầy đã yêu” là căn cốt của tình yêu, là một lối yêu mới, khác với lối yêu cũ của thời Cựu Ước.
2. Điểm mới của giới luật yêu thương
Khi khuyên bảo các môn đệ: “Hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở khái niệm trừu tượng, chung chung, mà Ngài nói tiếp: “Yêu như Thầy đã yêu”. “Yêu Như Thầy”, chính là điều khác biệt với những kiểu yêu trước đó, và “Yêu như Thầy” đã làm nên điểm mới của giới luật yêu thương nơi người môn đệ Đức Giêsu.
Nếu thời Cựu Ước, người ta yêu nhau theo lẽ công bằng, tức là được phép trả thù khi có người làm hại mình: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, hay đi xa hơn một chút thì cũng chỉ là yêu mọi người như yêu chính mình.
Nhưng với lời mời gọi: “Yêu như Thầy”, Đức Giêsu muốn đột phá và đi đến tận căn của tình yêu.
Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy”, tức là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Giêsu với Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người như chính mình đã chứng kiến và được yêu.
Vậy “yêu như Thầy đã yêu” là gì?
Thưa, đó là hạ mình như một người tôi tớ. Tự hủy mình ra không và từ bỏ cái tôi ích kỷ. Yêu với một tình yêu phát xuất từ lòng dạ xót thương chứ không phải một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng, chụp giật. Yêu với một thái độ cảm thông, phục vụ chứ không phải bố thí, ban phát, thương hại. “Yêu như Thầy” là không chấp nhất, coi người làm hại mình là bạn và sẵn lòng tha thứ tất cả. Đỉnh cao của tình yêu này chính là chết thay cho người khác, đây chính là một tình yêu cao cả.
Với tất cả những nét đặc thù trên đã làm nên điểm mới của luật yêu thương mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
3. Sống và thi hành giới luật yêu thương
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.
Lời mời gọi: “Hãy yêu như Thầy” mà Đức Giêsu trăng trối cho các môn đệ thì cũng là tâm tư mà Ngài muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.
Vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và tập sống tinh thần yêu thương ấy ngang qua một nghĩa cử xót thương cụ thể với những người mà chúng ta hay gọi là kẻ thù của mình. Bởi vì yêu được kẻ thù, ấy là chúng ta đang thực thi cốt lõi của tình yêu, là phản ảnh lòng dạ thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em của mình cách rõ nét nhất.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó, trước tiên, chúng ta phải thay đổi quan điểm và tên gọi cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Khi dùng từ kẻ thù, ấy là lối nói có tính tiêu cực, và vô hình chung, ta coi đối phương là kẻ mà chắc chắn phải tiêu diệt! Vì thế, muốn yêu kẻ thù, chúng ta nhất định phải thay đổi cách gọi, quan điểm và lối nhìn.
Thứ đến, khi người anh chị em chúng ta xúc phạm đến ta, hãy coi nhẹ lỗi của họ, đừng thổi phồng như bong bóng. Nhiều khi cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người anh em để dễ thông cảm cho hành vi của họ hơn. Nhìn thấy lỗi của anh em gây ra cho mình, ngay lập tức, cẩn trọng và hồi tâm suy nghĩ: có bao giờ cũng cùng lỗi đó, mình đã gây ra cho người khác không? Đôi khi lỗi của mình nặng hơn chăng? Hay điều mà người anh em đang gây ra cho mình có lẽ đúng! Nếu đúng, tại sao không biết cám ơn, nếu sai, sao phải hận thù cho khổ tâm!
Tiếp theo, noi gương Đức Giêsu trên thập giá, không ngớt cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ hại mình. Vì thế, khi gặp phải những người hại ta, hãy cầu nguyện cho họ. Xin cho họ và ta được bình an. Hành vi này thật cao quý, vì hơn bao giờ hết, trong tận cùng của khổ đau, chúng ta lại thật hạnh phúc vì đang được diễm phúc tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cách cụ thể.
Cuối cùng, khi bị hiểu lầm, vu khống, phân biệt, thậm chí bách hại bằng tư tưởng, miệng lưỡi hay đòn vọt và chết chóc, ta hãy vui mừng, bởi lẽ, đó là lúc ta được tôn vinh vì đang được hiệp thông với Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót, xin Chúa ban cho chúng con được ở lại trong tình yêu của Chúa và luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu và thương xót chúng con. Amen.
86.Hãy yêu thương nhau
1. Thỉnh thoảng có những người giáo dân nhờ tôi đánh máy di chúc, thường thì trong di chúc đều có lời căn dặn đại khái: "Má (cha...) mong muốn anh chị em chúng con hoà thuận thương yêu nhau...". Cách nào đó, những bậc cha mẹ nầy đã thấm nhuần được tinh thần của Đức Giêsu. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, trong bầu khi dùng buổi tiệc cuối cùng với các môn đệ, trước lúc bước vào con đường khổ nạn, Đức Giêsu đã trối cho các môn đệ, cũng là cho mỗi người chúng ta nữa về giới luật yêu thương. Người nói rõ rằng: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em"(Ga 13,34).
2. Giới luật yêu thương Chúa ban có gì mới? Thực ra lời dạy yêu thương nhau đã có từ xưa, có thể nói từ khi con người xuất hiện. Chúng ta vẫn nghe nói: "Tứ hải giai huynh đệ" (bốn bể là anh em), hay " thương người như thể thương thân", hay "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn"... Ngay trong Cựu Uớc cũng đã dạy rất rõ:"Hãy yêu đồng loại như chính mình..." (Lêvi 19,18). Nhưng tình yêu tha nhân nầy, ta tạm gọi là kiểu cũ, so với lời dạy và gương sống của Đức Giêsu, ta tạm gọi là kiểu mới, thì còn nhiều hạn chế, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó qua một vài điểm so sánh:
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ, mà ta thường đối với nhau, đó là lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn. Đành rằng yêu người khác như bản thân mình là rất quý, nhưng vì lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn nên làm sao tránh khỏi những vị kỷ, bất ổn, mà chúng ta sẽ bàn tiếp ở những điểm sau. Còn yêu thương theo kiểu mới, thì yêu như chính Chúa yêu thương chúng ta, cho nên những bất ổn đó sẽ được khắc phục.
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ, do lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn, cho nên sẽ giới hạn về đối tượng. Người Do thái xưa được dạy chỉ phải yêu: đồng đạo, đồng chủng, đồng hương... chứ không phải yêu thương tất cả mọi người. Cho dù xã hội ngày nay rất tiến bộ, nhưng tình yêu tha nhân theo kiểu cũ vần còn tồn tại, ta vẫn còn nghe những cụm từ "không đội trời chung với kẻ thù", "đối với kẻ địch thì phải khôn ngoan, cương quyết..."! Còn yêu thương theo kiểu mới đó là yêu thương hết mọi người, dù kẻ làm khó dễ, thù nghịch với ta (x. Mt 5,43-48).
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ, chúng ta còn dễ thấy ở mục đích yêu thương: yêu thương người khác vì mình. Sống hiền hoà với tha nhân để tránh gây thù oán, để được yên ổn. Cũng có thể yêu thương người khác vì người đó đem lại cho ta lợi lộc, hoặc thoả mãn ước muốn nào đó của ta... Còn yêu thương theo kiểu mới, đó là yêu thương vì lợi ích của người được yêu thương, chẳng hạn Thiên Chúa vì yêu thương muôn loài nên Ngài đã tạo dựng và luôn chăm sóc cho muôn loài, đặc biệt là loài người. Đức Giêsu vì yêu thương ta nên sẵn lòng chịu nạn chịu chết vì ta.
- Yêu tha nhân theo kiểu cũ do lấy mình làm điểm quy chiếu, nên hay có sự thay đổi trong yêu thương. Vừa lòng thì còn quý mến, hết vừa lòng thì thôi. Lòng dạ con người thay đổi nào ai có thể lường? Còn yêu thương theo kiểu mới do Chúa dạy đó là tình yêu không thay đổi, cho dù đối tượng có trở nên bất trung, bất xứng. Ngay trong Cựu Ước cũng đã nói lên điều đó:"Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (x. Tv 118; 136), dù dân Do thái có trung thành với Thiên Chúa hay không!? Nơi Đức Giêsu, một điển hình rõ nét, Người vẫn một mực yêu thương Phêrô, Giuđa dù các ông có phản bội Chúa hay chưa! Người cũng đối với mọi người chúng ta như thế.
Đức Giêsu đã dạy, đã sống và muốn chúng ta cũng hãy đối xử với nhau: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em".
3. Nhưng sống yêu thương nhau như Chúa dạy thực ra không phải dễ, do chúng ta thường có khuynh hướng quy về cái tôi vị kỷ của mình. Chính thánh Phaolô đã từng thốt lên:"Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tối ghét thì tôi cứ làm" (Rm 7,15). Do quy về cái tôi, nên chúng ta hay có thái độ so bì, ganh tỵ ngay cả những người thân thương ruột thịt của mình, nhiều khi với lý do rất đơn giản như: nó đẹp hơn tôi, nó giàu hơn tôi, nó được cha mẹ quan tâm hơn tôi, được hưởng gia tài nhiều hơn tôi... nên tôi ghét! Do quy hướng về mình, nên ta thường muốn được cái lợi, được hưởng thụ, được phục vụ mà ít quan tâm đến lợi ích của người khác, ít quan tâm phục vụ, hy sinh cho người khác. Nếu sống mà như thế thì làm sao ta có thể yêu thương như Chúa được. Đức Giêsu, Đấng đến không để được phục vụ mà để phục vụ. Vậy trong tinh thần bác ái, phục vụ người khác theo gương Đức Giêsu, chúng ta có thể bớt so bì, ganh tỵ... để dễ yêu mến người khác hơn.
4. Chúa dạy chúng ta yêu thương mọi người, không giới hạn đối tượng, nhưng Chúa cũng lưu tâm các môn đệ của Chúa, các Kitô hữu, cách đặc biệt về giới luật nầy: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35). Nếu anh em trong một nhà, nếu các Kitô hữu không yêu thương nhau thì làm sao mà có thể yêu thương những người khác được? Vậy hãy cố gắng thực hiện giới luật yêu thương quan trọng nầy nơi gia đình, cộng đoàn, nơi làm việc, xóm làng...
Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm của mình: Tại sao người ta không xin gia nhập Giáo Hội, không đánh giá cao bản thân, gia đình, đoàn thể, xóm giáo, họ đạo chúng ta? Chắc do nhiều nguyên nhân, nhưng thiết nghĩ, một trong những nguyên nhân chính yếu đó là do chúng ta sống thiếu yêu thương nhau! Nếu đúng như vậy, mọi người chúng ta hãy cố gắng thực hiện lệnh truyền của Chúa:"Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em", đó là phương cách sống chứng nhân cho Đức Kitô cách hữu hiệu.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025) .: AI LÀ GƯƠNG MẪU CỦA CHÚNG TA? (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam