Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 56
Tổng truy cập: 1376769
TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI?
TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI?
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Kết thúc đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay, Chúa Giêsu đã “bỏ nhỏ” với các môn đệ yêu dấu của mình một câu rất ngắn gọn: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau”.
“Môn đệ của Thầy” là gì? “Môn” tức là cửa (“cửa” ở đây được hiểu là cửa trường); “đệ” là em. Như thế, “môn đệ” nghĩa là người học trò được coi như em. Môn đệ của Thầy Giêsu nghĩa là người được học dưới mái trường Giêsu và được Chúa Giêsu coi như là em của Ngài. Được làm em của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là được làm con của Chúa Cha trên trời, được đồng thừa tự với Đức Kitô. Đây quả là một niềm vinh dự lớn lao. Vinh dự quá đi vì một thụ tạo thấp hèn lại được làm người học trò của Giêsu Vị Thầy Chí Thánh, và hơn thế còn được Ngài coi như người anh em của Ngài nữa!
Ở đời, nếu được thụ huấn với một giáo sư, tiến sĩ nào đó danh tiếng lẫy lừng, có lẽ ta sẽ tự hào lắm lắm, và nếu được làm anh em kết nghĩa với một nhân vật nào đó có quyền cao chức trọng nữa, ta lại càng tự hào và càng hãnh diện nhiều hơn. Vậy lẽ nào ta lại không hãnh diện, không tự hào khi được làm người môn đệ của Đức Giêsu Kitô, tức là được làm người học trò và làm người em của Ngài.
Đâu là “dấu” để người ta nhận ra mình là môn đệ của Đức Giêsu? Chắc chắn không phải là bộ đồng phục ta mặc trên người, không phải là chiếc khăn ta quàng trên cổ, cũng không phải là cái huy hiệu ta đeo trên ngực… mà đó chính là tình yêu thương ta có đối với anh em đồng loại: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau”. Có điều, yêu thương thì ai lại không biết; tất cả các nhà hiền triết đều mời gọi đệ tử mình sống yêu thương. Vậy yêu thương mà Chúa Giêsu mời gọi ở đây là yêu thương như thế nào?
Thưa là yêu thương “như” Chúa đã yêu thương. Đây là nét mới trong lời gọi mời yêu thương. “Mới” vì yêu thương ở đây không phải là yêu thương chung chung, nhưng là “yêu như Chúa đã yêu”! Cũng phải thôi, “làm môn đệ” của ai thì phải nỗ lực để trở nên giống người đó. Mà nét đặc trưng nơi Thầy Giêsu Chí Thánh không gì khác là tình yêu thương. Chính vì thế trở nên giống Thầy mình cũng có nghĩa là yêu thương như Thầy mình đã yêu.
Ở đây, Chúa Giêsu không còn lấy bất cứ thứ gì khác để làm điểm quy chiếu cho tình yêu, mà là lấy chính tình yêu của Ngài: “Yêu như Thầy”. Sách Đệ Nhị Luật dạy rằng hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Tin Mừng Thánh Mathêu đi xa hơn một chút, khi trích lại lời sách Lêvi: “Đừng thù oán ai, nhưng hãy yêu mọi người như yêu chính mình” (Mt 22,39). “Như yêu chính mình” nghĩa là lấy bản thân mình làm điểm quy chiếu cho tình yêu đối với tha nhân. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, một tình yêu ngoài Chúa, một tình yêu không lấy Chúa làm trọng tâm, thì dù có tốt, dù có lấy bản thân làm quy chiếu, vẫn không hoàn hảo được. Chỉ khi biết yêu như Chúa yêu thì tình yêu mới đạt tới mức trọn hảo. Vậy thì “yêu như Chúa yêu” nghĩa là gì?
“Yêu như Chúa yêu” nghĩa là chấp nhận cúi xuống rửa chân cho anh em, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội tình yêu. “Yêu như Chúa yêu” nghĩa là tự nguyện hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và trao ban như “bạn hữu thân tình”. “Yêu như Chúa yêu” nghĩa là sẵn sàng “yêu cho đến cùng”, “yêu cho đến chết và chết trên Thập Giá”.
Yêu như thế quả là không dễ chút nào. Yêu người “như yêu chính mình” đã khó. “Yêu như Chúa yêu” còn khó gấp bội. Nó như một thách thức lớn đối với bản tính nhân loại bất toàn của ta. Yêu thương những kẻ yêu thương ta thì không nói làm gì, dễ quá! “Yêu như Chúa yêu” ở đây còn bao hàm cả việc yêu thương ngay những kẻ thù của ta. Tức là phải cầu nguyện, phải chúc phúc, phải làm ơn cho họ nữa.
Rõ ràng, đây không phải là điều dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện được. Nhiều anh chị em của chúng ta đã thực hiện được điều khó ấy một cách anh dũng, thực hiện đến nơi đến chốn, nhờ được thấm nhuần lời Chúa dạy. Và họ đã và đang là những môn đệ chân chính, môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Tôi đang làm môn đệ của ai? Câu trả lời tuỳ thuộc vào việc ta đang sống yêu thương hay chối từ sống yêu thương.
Nếu tôi từ chối sống yêu thương cũng có nghĩa là tôi đang từ chối làm môn đệ của Đức Kitô. Và một khi không còn làm môn đệ của Đức Kitô nữa, rất có thể tôi sẽ tự nguyện đầu quân làm môn đệ cho những thứ “thần” khác.
Tôi có thể là môn đệ của “Al Kaeda”, khi tôi thường xuyên “khủng bố” anh chị em mình. Khủng bố không phải bằng việc đánh bom tự sát, hay bằng các thứ vũ khí này kia, nhưng có thể khủng bố bằng những ánh mắt “mang hình thù viên đạn”; khủng bố bằng những lời nói chua cay gắt gỏng, cộc cằn thô lỗ; hoặc khủng bố bằng những thái độ coi thường khinh khi người khác.
Tôi có thể là môn đệ của thần tài, thần Mamon khi tôi coi trọng của cải vật chất hơn anh em và sẵn sàng ăn thua đủ với anh em khi mình bị thiệt thòi mất mát đôi chút. Có người chỉ vì một mét đất mà đưa anh em ra toà, có người chỉ vì một con gà con vịt mà vác dao vác rựa tới nhà anh em láng giềng của mình để thanh toán. Có người chỉ vì một khoản nợ chưa kịp trả đã thuê giang hồ, thuê xã hội đen tới trấn áp và siết hết đồ đạc trong nhà người khác.
Tôi có thể là môn đệ của “thần lưu linh”, khi sáng xỉn chiều say; bày đủ cớ để uống, để nhậu; uống mọi nơi, nhậu mọi lúc. Mỗi khi uống vào là lời ra, uống vào là gây sự. Gây sự với bà con lối xóm, gây sự với vợ con, với anh chị em trong gia đình; thậm chí còn đập phá đồ đạc, rồi đánh vợ đánh con, khiến cho gia đình lúc nào cũng lục đục, căng thẳng và ngột ngạt như một hoả lò.
Tôi có thể là môn đệ của “thần đỏ đen”, khi sẵn sàng sát phạt anh chị em và vô tâm làm cho anh chị em mình đau khổ, gia đình xào xáo, thậm chí là ly tán. Hết số đề lại đến cá độ, hết cá độ lại sang bài cào hay tiến lên… Đồ đạc trong nhà cứ thế mà đội nón ra đi không một lời giã biệt; vợ con, cha mẹ người thân vì thế mà cũng tê dại cả nhà.
Tôi cũng có thể là môn đệ của của “thần sắc dục”, khi tôi bất trung phản bội với người bạn đời của mình – vợ con, chồng con lăng nhăng, để rồi tự huỷ hoại thanh danh của mình và gia đình mình,…
Tắt một lời, khi không còn là môn đệ của Đức Kitô nữa mà là môn đệ của các thứ “tà thần” trên thì hậu quả tất yếu sẽ là bất hạnh và đau khổ triền miên.
Chớ gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta luôn biết ý thức rằng được làm môn đệ của Chúa Kitô là một niềm vinh dự và niềm hạnh phúc lớn lao; nhưng đồng thời cũng là một bổn phận nặng nề, bổn phận phải sống yêu thương, yêu thương anh em nhiều hơn. Tất nhiên, khi yêu thương anh em nhiều hơn thì cuộc sống này sẽ phảng phất hương hoa thiên đàng nhiều hơn. Amen.
13. Như Thầy đã yêu
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Wiliam Oscar Wilde đã viết về một huyền thoại tình yêu: “Hoạ mi và bông hồng đỏ”.
Một sớm mùa hè, con hoạ mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ:”Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi”. Hoạ mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu một bông hồng màu đỏ dưới nắng cháy mùa hạ này? Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa mất thôi. Hoạ mi không chịu nổi dằn vặt bi thương của chàng. Hoạ mi phải ra tay giúp đỡ.Hoạ mi khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin:
– Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không?
– Hoạ mi ơi! em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng đỏ?
Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. Hoạ mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng dậu.
– Chị hồng ơi, có phép mầu nào làm nở cho em một bông hồng đỏ chăng?
– Hoạ mi ơi, đời cần hoa chi cho thương đau?
– Sao cũng được, miễn em kết chặt một mối tình
– Được, những phép mầu cần phải có máu đỏ.
– Bằng mọi giá chị ạ.
– Bằng giá sinh mạng?
– Kể cả sinh mạng em.
– Hoạ mi ơi! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu đỏ cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho bông hồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.
Hoạ mi đã hót say mê đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng bên cạnh đoá hồng bí nhiệm đỏ thắm nở tươi.
Chàng trai mừng vui tiếng cười mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt trước khi có mặt trong dạ hội. Điều lạ lùng nhất và cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đoá hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo cô gái một bông hồng giả đang ngự trị… Sáng hôm sau, dân làng bắt gặp một đoá hồng bị nghiền nát, nằm tả tơi dưới vết bánh xe bò.
Hoạ mi yêu người, đã lấy máu và sinh mạng đổi lấy bông hồng. Người thiếu nữ nhận bông hồng giả để chối từ một tình yêu chân thật.
Câu chuyện là một huyền thoại, chuyên chở một nội dung rất thực: Đó là nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. Tình yêu chân thật phải được trả bằng một giá rất đắt. Chúa Giêsu đã trả giá cho tình yêu chân thật bằng cái chết trên thập giá.
Hoạ mi đã cất tiếng hót bi thương trước khi chết vì muốn hiến tặng đoá hồng tươi thắm nở. Chúa Giêsu trước khi chịu khổ nạn,chịu chết đã để lại cho các môn đệ những lời tâm huyết rất chân thật và cũng là những chỉ thị cuối cùng của Ngài.”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chỉ thị này bao hàm mọi chỉ thị khác.
Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Chúa Giêsu đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.
Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài ( x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này(x Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẽ và trao ban.Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Ngài.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết trong thông điệp “Sự Rạng Ngời Chân Lý”: Chữ như này đòi hỏi phải bắt chước Chúa Giêsu, nơi tình yêu của Người mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể. Chữ như cũng chỉ mức độ mà Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và các môn đệ cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy” (số 20).
Yêu “như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào?
Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.
“Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”. Ngài là Thầy, là Chúa.Các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được; nhưng không vậy,Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Ngài. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”.
Cả cuộc đời của Chúa đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người.Chúa không để ai về tay không khi đến với Ngài. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi và những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…
Tình yêu của Chúa Giêsu cao đẹp quá, quý giá vô ngần. “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu”. Lời này quả thật là quá khó đối với con người! Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta. Vì thế,Thánh Gioan khuyên rằng: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.
Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” ( R.Tagore).
Nhưng đâu là những dấu hiệu để nhận ra là chúng ta yêu thương nhau? Tình yêu không phải là cái gì trừu tượng, nên rất dễ nhận ra. Yêu thương nhau là luôn nghĩ tới nhau. Những người yêu thương nhau thường nghĩ tới nhau; yêu nhau nhiều thì nghĩ tới nhau nhiều, nghĩ tới mà trong lòng cảm thấy vui sướng.
Yêu nhau nên thích gặp nhau. Những người kitô hữu yêu nhau, thì rất thích tụ họp, thích gặp gỡ nhau. Và thường họ tụ họp nhau vào ngày Chúa Nhật, trước hết là để cùng nhau cử hành thánh lễ, sau là để gặp nhau trò chuyện, hàn huyên, giải trí với nhau, chia sẻ tâm tình với nhau. Yêu nhau nên ước muốn điều lành cho nhau. Mong cho nhau được sự may mắn, được thăng tiến, được làm ăn thành đạt, được sức khoẻ dồi dào, được có lòng đạo đức, được mãn nguyện theo ý muốn tốt lành. Và chính vì thế mà những người yêu nhau thường cầu nguyện cho nhau, xin Chúa yêu thương, an ủi, cứu giúp, phù hộ bạn mình.
Yêu nhau nên làm những điều lành cho nhau: có thể đó là sự giúp đỡ khi túng thiếu hay ốm đau, sự chăm sóc sức khoẻ, đời sống tâm linh của nhau, là sự chia sẻ của cải vật chất và tinh thần cho nhau. Giúp nhau củng cố và giáo dục đức tin, giúp hoà giải với nhau, giúp nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, giúp nhau thành đạt trong công ăn việc làm. Dấu hiệu rõ nhất của tình yêu là sự hy sinh cho nhau: hy sinh thì giờ, sức khoẻ, tiền bạc, và thậm chí cả sự sống vì nhau.
Điều cao quý nhất mà chúng ta nên làm cho nhau là mang Chúa đến cho nhau, vì mỗi người kitô hữu khi đã chịu phép rửa đều là đền thờ của Thiên Chúa, trong đó có Chúa Thánh Thần cư ngụ. Điều tốt nhất mà những có đạo có thể làm là mang đến cho nhau Chúa Thánh Thần là Niềm vui ở trong Thiên Chúa và là Nguồn vui của chúng ta. Thánh Thần làm cho chúng ta gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và nên một với nhau.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương “như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy ” Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Ta”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025) .: AI LÀ GƯƠNG MẪU CỦA CHÚNG TA? (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam