Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1377009

TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI

TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI

(Suy niệm của AM. Trần Bình An)

Tháng 3 năm 1930, Lm Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp về nhận họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con dân chúng di tản, Cha Bề Trên điạ phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12-3-1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm luá của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Do sự tranh chấp giữa các giáo phái, vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã chết thay thế cho những người bị bắt chung.

Ngài mất trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn. Xác ngài được vớt lên từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Ngài là Cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy. (Lm Nguyển Ngọc Tỏ, Tiểu sử Lm Fx Trương Bửu Diệp)

Trích thuật Tin Mừng thánh Gioan hôm nay loan báo Chúa Giêsu ban cho các môn đệ một Điểu Răn Mới. ”Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Gioan 13, 34 -35). Điểm quan trọng nhất là“anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có tất cả bốn chữ để diễn tả tình yêu: eros là tình yêu trai gái; philio là tình yêu giữa bạn bè; storge, tình yêu giữa anh chị em trong gia đình; và agape, là tình yêu trọn vẹn và vô điều kiện.

Tình Yêu agape được Chúa Giêsu đề cập đến khi hỏi ông Phêrô: “Này anh Simon con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?“ (Ga 21, 15). Như vậy Tình Yêu agape trọn vẹn siêu việt trong Điều Răn Mới phải rất đặc biệt.

Yêu một chiều

Tình yêu thông thường như eros, philio, storge thì luôn luôn đòi hỏi hai chiều, âm hưởng giữa hai đối tượng. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Có đáp ứng lại với nhau, mới phát sinh tình cảm yêu thương. Nhưng Tình Yêu agape trái lại, chỉ duy nhất một chiều, không cần điều kiện vì, do hay nếu, không mong chờ đền đáp, dù rất mong muốn.

Vì là một chiều, Tình Yêu agape mới có thể vươn xa, ra khỏi bản ngã, cái tôi đáng ghét, ra bên ngoài mối thân thích, họ hàng, bạn bè quen thuộc, đến với kẻ xa lạ, thậm chỉ đến với cả địch thù, chống báng, đối đầu, bất cộng đái thiên.

“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6, 27-28)

Không những yêu thương kẻ thù, mà còn chúc lành và cầu nguyện cho kẻ thù nữa. Hoặc cho vay, mà chẳng mong đển trả, khác chi cho không biếu không, nói tắt là Tình Yêu agape trao tặng vô điều kiện.

“Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (Lc 6, 35)

Yêu là chết đi

Nếu không dẹp đi những cản trở vị kỷ, thì không thể chân thành yêu thương người khác được. Những toan tính vụ lợi cá nhân ngăn chận bước chân thân tình đến với tha nhân. Lòng tự phụ, kiêu căng, sĩ diện, so đo, đố kỵ, tham lam, ác độc, chỉ hoàn toàn phủ nhận, hạ bệ, chà đạp tha nhân, thay vì đón tiếp vào vòng tay nhân ái. Do vậy, cần chết đi cách sống cũ ích kỷ, bất nhân, từ tâm tưởng, lời nói và hành động, nếu muốn yêu thương theo Chúa Giêsu.

“Những ai thuộc về Đức Kitô thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.” (Gl 5, 24)

Cha Phanxicô Xaviê Trưởng Bửu Diệp đã mạnh dạn ra đi theo Chúa, gắn bó với sứ vụ mục tử nhân lành, sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho Tình Yêu agape trọn vẹn viên mãn.

Yêu là sống cho

Chết đi những thói hư tật xấu, những đam mê phù phiếm, những ham muốn xác thịt, để Tình Yêu agape có thể phục vụ tha nhân trong sự khiêm hạ và thân tình. Như thế Tình Yêu agape sống cho tha nhân, cũng như sống cho Chúa, chứ không còn ràng buộc vào sống cho mình, mưu cầu hạnh phúc bản thân.

“Chúng ta có sống là sống theo Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14, 8)

Với Tình Yêu agape trọn vẹn của Chúa, sống cho tha nhân trong tinh thần khiêm tốn, biết quên mình phục vụ, như Chúa từng khiêm hạ, quỳ xuống rửa chân các môn đệ.

“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20) Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ như thế trong Thư gửi tín hữu Galat.

Các thánh càng già thì quả tim họ càng trẻ. (Đường Hy Vọng, 177)

Đừng để tháng ngày làm quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: Tình yêu Chúa đổ vào quả tim con. (Đường Hy Vọng, 178)

Lạy Chúa Giêsu, xưa Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, xin cho con noi gương Chúa, biết khiêm hạ, bỏ mình và phục vụ trong Tình Yêu dâng hiến trọn vẹn.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nuôi dưỡng Tình Yêu agape trọn vẹn của Chúa, để con biết tha thứ, quên hết hằn thù, chúc phúc và cầu nguyện cho những người ám hại con. Amen.

 

61. Tôn vinh

(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)

Hy sinh lớn, tôn vinh lớn; hy sinh nhỏ, tôn vinh nhỏ. Tôn vinh lớn nhất, cao trọng nhất, trọn vẹn nhất là thí mạng sống cho người mình yêu như Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha xuống thế để thực hiện trọn vẹn ý Chúa Cha.

Ta đến không phải để làm theo ý Ta mà làm theo ý Đấng đã sai ta (Gn 6,38)

Đức Kitô thể hiện ý đó bằng con đường khổ nạn, con đường thập giá, con đường bị chính môn đệ mình bán rẻ, chối bỏ, phân tán và lẩn trốn sau cửa then cài vì sợ.

Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình chết cho người mình yêu (Gn 15,13)

Đức Kitô yêu mến Chúa Cha đến nỗi – thể hiện ý Cha – chết trên thập tự, ban ơn cứu độ cho nhân loại. Ngài chấp nhận hy sinh với í chí sắt son, quyết tâm vượt qua tất cả mọi chướng ngại, rào cản, vực sâu. Không gì ngăn cản, lay chuyển, tình yêu Ngài dành cho Cha. Ý Ngài đã quyết và Ngài quyết tâm thực hiện tốt đẹp, trọn vẹn điều mình đã quyết. Ngài chấp nhận mọi đau khổ rùng rợn, hành hạ thân xác.

Họ thay nhau nguyền rủa, xỉ nhục, vu vạ, cáo gian; Ngài đứng lặng câm, ngán ngẫm lời thề gian, làm chứng dối của người không tôn trọng sự thật. Nghe những lời đó tinh thần ngài đau khổ đến chết được nhưng Ngài không hề đối chất.

Linh hồn Thầy đau buồn đến nỗi chết (Mt 26,38)

Nhìn những cánh tay dâng lên nắm chặt hung hăng thét ‘giết nó đi’, giết nó đi’ khiến Ngài liên tưởng đến tính bồng bọt, háo thắng của con người. Kẻ chống đống Ngài nghĩ giết chết thì còn chi để nói, để sợ. Họ đã lầm và lầm lớn. Chính lúc Ngài chết đi lại là lúc thức tỉnh lương tâm người lính gác dưới chân thập tự khi anh ta tuyên xưng,

Người này quả thật là con Thiên Chúa (Mt 27,54)

Kẻ mưu toan đóng đinh giết Đức Kitô, ngày họ mất an; đêm mất ngủ, lo lắng vì tin Ngài sống lại từ cõi chết. Tổ chức họp kín liên miên. Tìm cách dậy lính phao tin dối trá. Họ chạy cửa trước, luồn cửa sau, lo đủ tiền đút lót. Ban hành lệnh lạc, ra sức đối phó, bịt miệng dân chúng đồn thổi tin Đức Kitô Phục Sinh. Họ đóng đinh diệt khẩu không ngờ có hàng triệu triệu môi miệng ngày đêm cao rao, ca tụng Đấng bị diệt khẩu. Đấng một thời rao giảng giờ đây trở thành Đấng được mọi thế hệ rao giảng.

Vui mừng

Đức Kitô vui mừng khi thấy giờ hiến tế đến gần. Giờ Ngài từ lâu mong đợi. Không phải Ngài ham chết, sợ sống hay coi thường sự sống. Vì yêu quí sự sống nên Ngài tự hiến để ban sự sống trường sinh cho toàn dân. Qua đó Ngài tôn vinh Chúa Cha.

Con Người được tôn vinh. Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (Gn13,31)

Hoa trái của tôn vinh

Cái chết và sự Phục Sinh của Ngài mang lại hoa trái đầu tiên để tôn vinh Chúa Cha. Lịch sử nhân loại từ trước tới nay và từ nay về sau, sẽ không còn tôn vinh nào cao quí, tuyệt vời hơn tôn vinh Đức Kitô dành cho Chúa Cha. Tôn vinh cao cả vô song Ngài thể hiện trên thập tự. Tự hiến giọt máu cuối cùng trong tim diễn tả tình yêu tuyệt vời dành cho Cha.

Thứ đến là hoa quả ơn cứu độ Đức Kitô ban cho con người. Những ai tin vào Ngài nhận sự sống trường sinh.

Hoa quả cho vũ trụ là toàn thể vũ trụ được đổi mới nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Thánh Gioan (Kh 21,1) nhìn thấy trời mới, đất mới mở ra cho toàn dân. Đức Kitô Phục Sinh Vinh Hiển luôn ở với dân Ngài. Một dân được tuyển chọn bằng máu của con Chiên hiến tế là chính Đức Kitô chịu đóng đinh, ban ơn cứu độ cho những ai tin, sống tinh thần Tin Mừng. Lời loan báo xưa của thiên sứ thể hiện,

Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta trong thành vua Đavít. (Luca 2,10)

Các phụ nữ ra thăm mộ từ sáng sớm nghe thiên sứ loan báo, Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói (Mat 28,6).

Đổi mới

Trong Cựu Ước Yavê Thiên Chúa đổi mới qua trận lụt Đại Hồng Thuỷ. Chỉ ít người ngay lành sống sót.

Đức Kitô hiến tế để đổi mới, không phải huỷ diệt mà là đổi mới. Vẫn trời cũ, đất cũ, vũ trụ cũ, con người cũ. Đổi mới đến cho những ai chấp nhận ơn Cứu Độ Đức Kitô ban. Ơn cứu độ thay đổi con người từ nội tâm đến lối sống. Trong tinh thần đổi mới đó người ta sống với nhau bằng yêu thương. Cư xử với nhau bằng bác ái. Thông cảm cho nhau bằng thứ tha và giao hoà. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là Anh em có lòng yêu thương nhau c.35.

 

home Mục lục Lưu trữ