Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1364703

HÃY YÊU THƯƠNG THÌ ĐƯỢC SỐNG

HÃY YÊU THƯƠNG THÌ ĐƯỢC SỐNG

André Sève

(Trích dẫn từ ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)

Rõ ràng là từ yêu thương được nói đến nhiều ở đây. Nhưng chúng ta hãy cho hai từ khác đi kèm vì nếu không có hai từ này, từ yêu thương sẽ không đứng vững nổi: làm và sống.

Đàng khác, mở đầu câu chuyện diễn ra rất nhanh:

- Tôi phải làm gì để được sống? Luật sĩ hỏi.

- Hãy yêu thương, Chúa Giêsu nói, cứ làm như thế ngươi sẽ được sống

Vào lúc kết thúc, sau câu chuyện đẹp về tình yêu thương, tiếng nói chiến thắng chính là: cứ làm như thế. Để chiến thắng, Chúa Giêsu đã huy động hai nét của khoa sư phạm: cuộc đối thoại đanh thép và câu chuyện không thể quên được.

Cho nên phải làm gì để được sống? Yêu mến Chúa và anh em. Đây là hai tình yêu thương liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi người ta không nói về giới răn thứ nhất và thứ hai. Chúa Giêsu công nhận lời mô tả ngắn ngủi của luật sĩ: “Ngươi hãy yêu mến Chúa và thương yêu anh em”. Đây cũng là một dòng chảy tình yêu. Chắc chắn cần phải dựa vào mối liên kết giữa hai tình yêu bởi vì trong một trong những bản văn cuối cùng của Tân Ước, thánh Gioan vẫn còn lấy lại ý tưởng: “Nếu ai thấy anh em mình cần đến của cải phải giúp đỡ mà đóng cửa lòng mình lại, có lý nào đức ái Thiên Chúa ở cùng người ấy được” (1Ga 3,17). Đây là lời khuyên cho những kẻ tin rằng với chút ít lòng thương xót người ta có thể tự cho phép mình ích kỷ hoặc có tính xấu.

Chúng ta hãy xem xét khẳng định của Chúa Giêsu: Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống. Đẳng thức yêu thương bằng được sống đối với chúng ta có hoàn toàn rõ ràng hay không? Nếu có, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, giòng máu Tin Mừng đang chảy trong huyết quản của chúng ta. Nhưng đây là điều phải kiểm chứng.

Khi Chúa Giêsu nói đến yêu thương ở đây, đây không phải là một trong những niềm đam mê, tình yêu hoặc tình bạn, là những thứ đưa chúng ta lên chín tầng mây, mà là tình yêu thương anh em rất có tính cách bó buộc, cụ thể. “Phải làm điều đó!”. Và đây không luôn luôn là điều làm thích thú.

Trên đường Giêricô, thầy tư tế và thầy Lêvi không tích cực làm việc thiện! Thậm chí nghĩ rằng người kia đã chết, họ sợ bị ô uế “theo tập tục” (theo những luật lệ Do Thái giáo), điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh chính là việc họ thiếu nhiệt tình cứu giúp một kẻ nào đó. Hai người kia dường như không xác tín rằng “yêu thương là được sống”.

Tuy vậy chỉ cần so sánh họ với người Samari hay thương người để thấy đâu là sức sống! Không phải nơi những bản chất nhỏ nhặt này mà một điều không là gì cả làm rầy hay làm hoảng sợ. Than ôi người ta thấy những Kitô hữu khá bị sự khôn ngoan ích kỷ này cám dỗ, với cái giá phải trả là một cuộc sống được sống nhỏ giọt.

Người Samari đã chọn một cuộc sống hao tổn và nồng nhiệt. Trong khi thấy người đàn ông nằm đó, ông có lẽ đã cảm thấy cần phải đi qua cho nhanh, nhưng sức mạnh của cuộc sống của ông chiến thắng những vấn nạn đang đến với ông, Chúa Giêsu nói: ông động lòng thương và ông làm mọi sự cần thiết. Ông không quên gì cả, cho mà không tính toán. Không chờ đợi một lời cảm ơn nào và có lẽ vừa đi vừa hát lâm râm, hạnh phúc vì đã làm một người sẵn sàng phục vụ con người. Hai người kia sẽ tiếp tục sống lay lắt. Còn người Samari, ông đang sống triệt để. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống”.

 

22.Ai là anh em của tôi? – Veritas

(Trích dẫn từ ‘Hãy Ra Khơi’)

Sáng nay, khi đọc đoạn Phúc âm mà chúng ta vừa chia sẻ với nhau trong thánh lễ này, tôi đã nghĩ đến ngay bài tập viết đầu tiên mà tôi đã phải cố gắng vẽ ngoằn ngoèo trên trang tập đầu tiên mới mua về. Đó là ngày tôi được thầy cho lên lớp bắt đầu tập viết những chữ a, b, c… Trưa về nhà khoe với mẹ, đúng ngay lúc cha tôi đang ngồi tiếp chuyện với một ông cụ nhà nho quen biết trong làng.

Nghe tôi khoe, cha tôi cầm lấy cuốn tập, mấy trang đầu đã đề những chữ a, b, c, rồi nói với ông cụ ngồi đối diện: Xin cụ viết giùm vào trong trang thứ hai này bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người”. Cụ nhà nho viết xong, cha tôi đưa sang cho tôi đang đứng bên cạnh và nói: “Đây, con đến ngồi trên ghế cạnh kia rồi đồ lại những chữ này”. Thật là khốn khổ cho tôi lúc đó mới học viết được ba chữ a, b, c, mà bây giờ cha tôi lại bắt viết trọn cả bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người”.

Tôi còn nhớ rõ hình ảnh những chữ mà tôi cố gắng vẽ theo mà không hiểu gì cả, chỉ biết rằng đây là bốn chữ nói “Kính Chúa Yêu Người”. Biết được bằng lỗ tai, nghe qua miệng cha tôi nói, chứ lúc đó làm gì mà tôi đã đọc được bốn chữ “Kính chúa Yêu Người”. Và biến cố đã in sâu vào tâm trí tôi, đến nỗi mỗi lần nhớ đến cha tôi là mỗi lần tôi nhớ đến bài học đầu tiên này và cũng là bài học mà giờ đây tôi hiểu là cần phải học mãi suốt đời cũng chưa xong: “Kính Chúa Yêu Người”. Nhìn vào những chữ ngoằn ngoèo mà tôi đã phải viết ra hay nói đúng hơn phải đồ lại cho đầy trang giấy rồi mới được đi chơi, và có thể đây là hình phạt cho tật hay khoe của tôi lúc đó. Cha tôi mỉm cười bảo: “Con phải làm sao để sống được bốn chữ này cho đến chết mới thôi”.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và nhà thông luật hôm nay phần nào cũng có thể được ta hiểu theo viễn tượng của kinh nghiệm nhỏ của tuổi thơ tôi ngày xưa. Người luật sĩ đến với Chúa Giêsu để tìm câu trả lời cho thắc mắc quan trọng nhất của cuộc đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”. Và đây cũng là thắc mắc của mọi người, không ai có thể dập tắt được câu hỏi này trong tâm hồn họ. Tạm thời, họ có thể dẹp qua một bên câu hỏi này, vì những lo toan cho cuộc sống hoặc vì những mê lợi của lợi danh, của quyền lực… Nhưng rồi vào lúc nào đó con người và mỗi người chúng ta cũng sẽ phải đặt ra cho mình câu hỏi này: “Tôi sống đây để làm gì? Và tôi phải làm gì để được sống đời đời?”.

Bản tính con người là như vậy, không thể nào chối bỏ được khát vọng hướng về trời cao, đó là khát vọng căn bản sâu xa nhất của con người, của mọi người chúng ta. Chúa Giêsu đã gợi ý cho nhà thông thái trả lời đúng như Kinh Thánh dạy, mà nội dung theo tôi nghĩ không khác xa gì bốn chữ tôi đã học được từ cha tôi ngay từ khi mới bắt đầu đi học: “Kính Chúa Yêu Người”.

Đây không phải là vấn đề về hiểu biết, một người nông dân bình thường không biết chữ như cha tôi cũng biết tóm gọn luật Chúa trong bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người” để truyền lại cho tôi. Vấn đề là nơi thực hành là phải biến đổi tâm hồn của chính mình để nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình.

Chúa Giêsu đã phải dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân lành để soi sáng cho nhà thông thái, để rồi rốt cuộc như thể chính ông cũng khám phá ra được chân lý. Chúa Giêsu không đặt vấn đề như nhà thông thái: “Ai là người thân cận của tôi”, mà Ngài đã đặt lại vấn đề: “Ai đã trở nên người thân cận của người anh em bị nạn kia”, và nhà thông thái đã trả lời đúng: “Thưa là kẻ đã tỏ ra lòng thương đối với người đó”.

Tâm hồn cần có tình thương, nhất là cần được đầy tràn tình thương của Chúa thì mới dễ dàng trở thành tâm hồn thân cận của mọi người, trở thành người anh chị em của mọi người, bất luận người đó là ai. Không phải dễ thực hiện sáu chữ của Chúa Giêsu cho nhà thông thái: “Hãy đi và làm như vậy”.

Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta hôm nay, chúng con, những đồ đệ của Ta. Chúng con phải có tâm hồn đã biến đổi bởi tình yêu Chúa, để rồi có thể trở thành người anh chị em của mọi người mà thực hiện trọn vẹn giới răn: “Kính Chúa Yêu Người”.

Cử hành Bí tích Thánh Thể, nhất là được thông phần vào Mình và Máu Thánh Chúa, được chia sẻ chính sự sống của Chúa, người Kitô có được sức mạnh mới để thực hiện tình thương trong cuộc sống của mình, trong bất cứ môi trường sinh sống nào.

Chúng ta đây, chúng ta có biết quí trọng việc cử hành Bí tích Thánh Thể trong đời sống chúng ta không? Chúng ta có năng đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể để múc lấy sức mạnh sống tình thương đối với anh chị em hay không? Không đến với Chúa, chúng ta cũng khó đến với anh chị em xung quanh. Xin Chúa thương nhắc nhở chúng ta, củng cố lòng mến nơi chúng ta và nhất là củng cố đức tin nơi mỗi người chúng ta, đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.

 

23.Làm gì để được sống đời đời

(Suy niệm của Lm. Inhaxio Trần Ngà)

Chúng ta hãy xét xem hai việc sau đây: Một là thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ, hai là phục vụ người đau yếu, nghèo khổ… ngoài xã hội, việc nào quan trọng hơn?

Làm việc nào trong hai việc đó thì sẽ được sống đời đời?

Thầy Tư tế và thầy Lê-vi trong bài Tin mừng hôm nay tiêu biểu cho những người chọn việc thờ phượng Thiên Chúa là việc cần phải làm để được sống đời đời, còn việc phục vụ người hoạn nạn, khốn khổ là việc thứ yếu, chẳng cần quan tâm.

Chính vì thế, khi thấy một nạn nhân nằm thoi thóp bên đường, mình đầy thương tích, đang rên la kêu cầu trợ giúp, các thầy lánh sang một bên, vội vã tiến về nhà cho kịp giờ cầu nguyện hay dâng lễ vật lên Thiên Chúa; còn chuyện cứu khổ cứu nạn, thì đừng dại dột giây mình vào làm chi cho phiền hà rắc rối, chẳng được ích gì.

Còn người Sa-ma-ri tiêu biểu cho những người chọn phục vụ người hoạn nạn khốn khổ là việc cần làm để được sống đời đời, nên khi thấy nạn nhân nằm thoi thóp bên đường, ông liền cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương thân phận người xấu số. Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ để chăm sóc chu đáo…"

Về phần chúng ta, chúng ta chọn làm theo bên nào, theo cách hành xử của thầy tư tế và Lê-vi hay theo cung cách phục vụ của người Sa-ma-ri?

Tốt nhất, chúng ta hãy học cách hành xử đúng như Chúa Giê-su muốn, dựa theo bài Tin mừng hôm nay.

Khi có người thông luật hỏi: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

Chúa Giê-su giúp anh tìm ra câu đáp chính xác, đó là mến Chúa và yêu người.

"Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn ngươi và yêu mến người thân cận như chính mình."

Như thế là phải chọn cả hai, vừa yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, vừa yêu thương người thân cận như chính mình. Cả hai việc này đều phải được ưu tiên như nhau, nếu chúng ta thiếu một trong hai thì không được hưởng phúc thiên đàng.

Tại sao thế?

Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô 16 cho ta biết lý do:

Ta phải chọn cả hai, vừa yêu mến Thiên Chúa, vừa phải yêu thương phục vụ những người quanh ta, vì Thiên Chúa và con người chỉ là một. Ngài viết như sau:

“Chúa Giê-su đồng hóa mình với những người cùng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những kẻ trần truồng, đau yếu và những người đang trong vòng lao lý. "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40). Mến Chúa và yêu người đã trở thành một: Trong những người anh em bé nhỏ nhất, chúng ta tìm thấy chính Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu chúng ta gặp được Thiên Chúa.” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” số 15 của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô)

Và chính vì thế, ngài dạy:

“Việc bác ái cũng như việc ban phát bí tích và rao giảng Lời Chúa đều là hoạt động cốt yếu của Hội thánh;

Yêu thương những người bất hạnh cũng như ban phát bí tích và rao giảng Lời Chúa đều thiết yếu đối với Hội thánh;

Do đó, Hội thánh không thể lơ là việc phục vụ bác ái cũng như không thể lơ là việc ban bí tích và rao giảng Tin mừng” (Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” số 22 của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô).

Chính vì Chúa Giê-su là một với những người quanh ta, nên chúng ta không chỉ thờ phượng Ngài trong nhà thờ mà còn phải ân cần phục vụ Ngài đang hiện diện nơi những người bất hạnh. Chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của thánh Gioan kim khẩu về bổn phận này như sau:

“Bạn muốn tôn kính thân thể Đức Ki-tô ư? Thì chớ khinh chê thân thể ấy khi thân thể ấy trần trụi: Đừng có thái độ nầy là trong nhà thờ thì tôn kính, cho thân thể Ngài mang những y phục lụa là gấm vóc, nhưng ở ngoài lại coi thường, để cho thân thể ấy phải giá lạnh và trần trụi.…

Thân thể Chúa ở đây (trong nhà thờ) không cần y phục, nhưng cần tâm hồn trong trắng; còn thân thể Chúa ngoài kia thì cần được chăm lo tận tình.” (thánh Gioan Kim Khẩu)

Lạy Chúa Giêsu,

Lâu nay chúng con nghĩ rằng chỉ cần thờ phượng Chúa cho sốt sắng là đủ để được lên thiên đàng, hóa ra không phải thế. Nếu chúng con lơ là không quan tâm chăm lo cho người người bất hạnh thì chúng con phải mang án phạt đời đời (Mt 25,41).

Xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng yêu mến để chúng con tin Chúa hiện diện nơi mọi người, đặc biệt là nơi những người đau khổ và đem hết khả năng để phục vụ và yêu mến họ. Có như thế, chúng con mới được hưởng phúc thiên đàng.

 

24.Phục vụ nâng cao giá trị con người

(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Trước mắt người Do Thái thì dân Samari thật đáng khinh miệt. Họ bị xem là người lai căng vì đã kết hôn với ngoại kiều, làm vẩn đục dòng máu tinh tuyền của tổ tiên Do Thái. Họ bị khinh miệt vì đã tôn thờ các tà thần ngoại lai. Thế nên người Do Thái xem người Samari như những người hạ cấp đáng bị tẩy chay.

Thế nhưng hình ảnh của người Samari trong Tin Mừng hôm nay lại đẹp tuyệt vời. Giá trị của người đó gia tăng thật cao. Nhờ đâu được như vậy. Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện do Chúa Giêsu thuật lại như sau:

Tại một khúc đường vắng từ Giêrusalem đến Giêricô có một khách bộ hành bị bọn cướp xông ra trấn lột hết tiền bạc của cải, lại còn đánh người ấy trọng thương nằm thoi thóp, nửa sống nửa chết giữa quảng đường hoang vắng.

Thế rồi, một tia hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang từ xa đi tới. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị tư tế, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh. Nhưng rồi vị tư tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường. Một lát sau, có một thầy trợ tế đi qua, niềm hy vọng của nạn nhân lại được bùng lên nhưng rồi vụt tắt, vì thầy trợ tế chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh. Có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn ẩn náu đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia...

Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp từ xa vẳng lại. Người thứ ba xuất hiện, một người dân Samari. Ôi thôi! Chẳng hy vọng gì nơi hạng người nầy, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là lai căng và rối đạo! Thế nhưng thật bất ngờ, người Samari cho lừa dừng lại, bước xuống, cúi mình trên nạn nhân, cảm thương con người xấu số.

Có thể giờ nầy vợ con ông ta đang nóng lòng mong đợi ở nhà, có thể bọn cướp còn đang lai vãng đâu đây lại xông ra để cướp, để giết hại ông như chúng đã gây ra cho người xấu số, lại phải mất công, bỏ việc vì nạn nhân nầy... nhưng thôi, đành phó mặc... Thương người như thể thương thân, phải tìm cách cứu sống anh ta trước đã.

Thế là người Samari vội mở hành trang lấy cồn, lấy rượu rửa sạch vết thương, băng bó những vết thương còn rỉ máu, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay ngược đường trở về quán trọ.

Đến nơi, ông ta lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như cho người thân yêu của mình suốt đêm. Sáng hôm sau, vì công việc khẩn trương, ông phải vội lên đường. Nhưng trước khi ra đi, ông ta dốc hết túi tiền, trao cho chủ quán với lời căn dặn: "Xin ông vui lòng chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, nếu còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông".

Thật là một hy sinh hết sức lớn lao! Một tấm gương hào hiệp và cao đẹp hiếm có. Nét đẹp đó vẫn được Giáo Hội truyền tụng suốt hai mươi thế kỷ qua và cho đến muôn đời. Sáng giá thay con người biết yêu thương, hy sinh và phục vụ!

Thế là đang khi danh giá người Samari lên cao tột đỉnh nhờ giàu lòng nhân ái thì danh giá vị tư tế và thầy Lê-vi bị tụt dốc thảm hại vì đã thiếu lòng thương xót, đã không hy sinh giúp đỡ nạn nhân trong cơn hoạn nạn, ngặt nghèo.

Phục vụ còn là điều kiện để được sống đời đời

Nhưng sự hy sinh phục vụ của người Samari không chỉ nâng cao giá trị của ông ta mà thôi, mà còn là một điều kiện tiên quyết giúp ông được sống đời đời.

Khi người thông luật hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để được sống đời đời, Chúa Giêsu giúp ông ta khám phá ra câu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."

Chúa Giêsu không lý thuyết suông, Ngài cụ thể hoá quy luật mến Chúa yêu người bằng hành động nhân ái của người Samari trên đây với lời kết luận: "Ông hãy đi và làm như vậy". Như thế, những ai muốn được sống đời đời thì hãy quên mình phục vụ như người Samari trên đây.

* * *

Quên mình phục vụ tha nhân, một việc làm với hai hiệu quả lớn: làm gia tăng đáng kể giá trị của mình và được hưởng sự sống đời đời.

Lạy Chúa, biết đến bao giờ con mới có thể trở thành một người Samari mới cho xã hội hôm nay! Biết bao giờ con mới dám hy sinh phục vụ để đạt được sự sống đời đời!

 

25.Ông hoàng hạnh phúc – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

(Trích dẫn từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.

Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng:

- Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!

- Ông hoàng trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?

- Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương bắc.

- Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.

- Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì?

- Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.

- Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.

- Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều.

- Một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.

Đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô tâm như vậy. Nhiều người đã được sống hạnh phúc nhưng họ đâu biết rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu người. Có thể đó là sự hy sinh không mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất vả trên nương đồng, hay trên công trường. Có thể đó là sự hy sinh nhịn nhục của những người thân chịu thiệt thòi để họ được hạnh phúc. Có thể đó là sự hy sinh nhường nhịn của bạn bè để họ được vui hơn trong cuộc sống. Thế mà, nhiều người vẫn tưởng rằng mình lớn lên không cần ai giúp đỡ. Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một đời sống ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống dửng dưng đến xa lạ với đồng loại.

Thực vậy, ở trong cuộc đời này vẫn còn đó biết bao người chắt chiu từng hạt gạo, gom góp từng miếng vải để giúp kẻ cơ hàn. Cuộc đời vẫn còn đó biết bao người hy sinh cả cuộc sống mình để phục vụ các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nan y. Vẫn còn đó cả hàng triệu người đang đổ mồ hôi vật vã trên công trường, trên nương đồng để làm ra của cải và sản phẩm cho hàng tỉ người trên trái đất hưởng dùng. Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao người biết hy sinh vì tha nhân, biết kiến tạo niềm vui trong những giọt mồ hôi lao nhọc để phục vụ tha nhân. Thế nhưng, giòng đời vẫn còn đó những trái tim khô cằn, những tâm hồn lạnh nhạt đến dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Họ đâu biết rằng cuộc đời của họ đang bị cuốn trôi theo một giòng chảy của trần đời. Họ được đón nhận thì cũng phải biết trao ban. Vì chẳng ai có thể giữ mãi cho mình được điều gì mãi mãi. Tất cả những gì mình có rồi một mai cũng bị cuốn trôi theo thời gian.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại để giúp đỡ những ai đang cần đến chúng ta, hãy biết chia sẻ với những khó khăn của tha nhân. Hình ảnh Thầy Tư tế và Lê vi đã bỏ lại đằng sau tiếng kêu cứu của đồng lại diễn tả một thế giới mà con người luôn hối hả bận rộn với giòng chảy cuộc đời. Họ bị giòng đời cuốn trôi đến nỗi đã quên rằng, cuộc sống đích thực là cuộc sống còn có khả năng chia sẻ với tha nhân. Một cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời biết dùng thời giờ để sống với tha nhân trong yêu thương và phục vụ. Và một cuộc đời đã mất khi không còn khả năng để giúp đỡ anh em. Ông Hoàng hạnh phúc đã không còn hạnh phúc khi ông nhận ra mình không còn khả năng để giúp đỡ đồng loại. Ông cảm thấy bất hạnh khi mình không còn khả năng để xoa dịu nỗi đau của đồng loại. Ngược lại, người Samaria nhân hậu, ông đã tìm được niềm vui của cuộc đời phục vụ. Ông đã dừng lại để xoa dịu nỗi đau của kẻ bất hạnh. Cuộc đời ông hạnh phúc biết bao khi ông băng bó nỗi đau của đồng loại. Khi ánh mắt của kẻ chịu ơn đang nhìn ông một cách trìu mến thân thương. Niềm vui của ông càng được nhân lên khi người mà ông giúp đỡ đã coi ông như anh em. Từ một người xa lạ nay trở thành kẻ thân thích. Ông đã biết dùng của cải đời này để mua bạn hữu đời này và cả đời sau. Đó chính là mẫu người mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy làm theo như vậy.

Ước gì trong năm thánh với chủ đề Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ sẽ là lời nhắc nhở chúng ta về Giáo hội của Chúa, do Chúa sáng lập và hiện diện thì mỗi ky-tô hữu cần phải hiệp nhất với nhau trong Chúa, cần nhìn nhận nhau là anh em và hãy biết sống đời kytô hữu bằng sự dấn thân để phục vụ tha nhân trong yêu thương chân thành. Nguyện xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.

 

26.Hãy đi và làm như vậy

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Lc 10, 25-37: Chúa Giêsu mong muốn mỗi người tín hữu hãy tự xem mình và hành động như Người Samaritanô Nhân Hậu giúp người lâm nạn giữa đường cũng như cứu vớt những linh hồn lạc lõng.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hai người đầu là hai nhân vật liên quan đến việc tôn thờ trong Đền Thánh; nhân vật thứ ba là một người Do Thái ly giáo, bị coi là ngoại bang, một thứ dân ngoại dơ bẩn, được gọi là người Samaritanô thế, mà người này trông thấy kẻ bị thương đã không bỏ đi như hai người có liên hệ tới Đền Thờ trước đó, mà "đã động lòng thương" (câu 33). Phúc Âm đã thuật lại: "ông đã động lòng thương", tức là, tâm can của ông đã rung cảm. Ông cảm thấy trong lòng rung động! Chúng ta có thấy sự khác biệt ở đây: hai người kia "đã trông thấy" nhưng tâm can của họ vẫn khép kín, vẫn lạnh lùng; trái lại, tâm can của người Samaritanô đã đập cùng một nhịp với chính con tim của Thiên Chúa. Thật vậy, "lòng cảm thương" là đặc tính thiết yếu của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa đã cảm thương chúng ta. Như thế nghĩa là gì? Ngài chịu khổ với chúng ta; Ngài cảm thấy những đau khổ của chúng ta. Lòng cảm thương nghĩa là "cùng chia sẻ". Chữ này nói lên rằng có một điều gì đó tác động trong chúng ta, khiến chúng ta rung động khi thấy sự yếu đau của con người. Nơi những cử chỉ và tác động của Người Samaritanô Nhân Hậu chúng ta nhận thấy lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa trong suốt giòng lịch sử cứu độ.

1. Trông thấy và chạnh lòng thương

Người Samaritanô Nhân Hậu đã cụ thể hóa tình yêu qua bảy hành động: (1) chạnh lòng thương, (2) lại gần, (3) đổ rượu (rửa vết thương) và dầu (sát trùng), (4) băng bó vết thương, (5) đặt lên lưng lừa, (6) đem về quán trọ, (7) tận tình săn sóc.

Hôm sau, tác giả Tin Mừng Luca còn mô tả thêm bảy hành động khác của người Samaritanô: (1) lấy ra hai quan tiền, (2) trao cho chủ quán, (3) nói, (4) chăm sóc, (5) còn thiếu bao nhiêu, (6) khi trở lại, (7) sẽ thanh toán tất cả.

2. Những động từ và những cử chỉ trên cho ta thấy người Samaritanô là một con người tận tụy, chu đáo và nhân hậu

Ông là con người của hành động, hành động vì trông thấy và chạnh lòng thương một con người đang lâm vào cơn quẫn bách khốn cùng và đang cần được giúp đỡ; chứ không như thầy Tư Tế và thầy Lêvi kia, họ cũng trông thấy nhưng tránh qua một bên vì họ sợ bị liên lụy, sợ tốn tiền, sợ mất thời gian… dù rằng thầy Tư Tế và thầy Lêvi đối với người bị nạn là tương quan thân cận, trong khi đó tương quan giữa người Samaritanô với người bị nạn là tương quan kẻ thù, nhưng ông đã làm tất cả (2 lần 7) hoàn hảo trên mức hoàn hảo.

Người Samaritanô đã sống giới răn trọng nhất mà ông không hay biết, hay nói cách khác, ông không cần một định nghĩa: “người thân cận của tôi là ai?” Ông chỉ hành động, hành động vì yêu thương, và tình yêu của ông vượt lên trên mọi ranh giới, rào cản của sự kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, địa vị,… thiết tưởng, chỉ có một tình yêu đích thực và vô vị lợi mới ân cần và chu đáo đến như vậy.

3. Người Samaritanô hành động bằng lòng thương xót thật sự

Ông đã băng bó các vết thương của nạn nhân, đã mang nạn nhân đến quán trọ, đã tự mình chăm sóc cho nạn nhân và trợ giúp nạn nhân. Tất cả những điều ấy dạy chúng ta rằng lòng cảm thương, tình yêu thương, không phải là một thứ cảm giác mơ hồ, mà là việc chăm sóc cho người khác cho dù có đích thân phải trả giá. Nghĩa là dấn thân, thực hiện tất cả những gì có thể để "đến gần người khác, cho đến độ đồng hóa mình với họ", "các người phải yêu thương tha nhân như chính bản thân mình", đó là Giới Răn của Chúa.

Truyền thống Kitô giáo vốn đề cao tấm lòng và ý hướng khi làm việc bác ái. Nhưng với thời đại vốn nhấn mạnh đến tính hiệu quả hôm nay, thì tình yêu đích thực đòi hỏi được diễn tả cách cụ thể: chấp nhận cả tay và người bị dơ bẩn lấm lem, chấp nhận gặp rắc rối, phiền hà, chậm trễ công việc đang thực hiện, thậm chí cả nguy hiểm, vì tình yêu đòi hỏi hiến trọn cả con người. Đây quả là một thách đố, nên cần đón nhận suối nguồn tình yêu là chính Chúa, để có đủ lòng quảng đại mà thi hành điều Chúa truyền “hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Sau đây là câu chuyện minh họa.

4. Tình người miền quê Nam Bộ

Cha Antôn Nguyễn Văn Tiếng kể câu chuyện như sau: vào khoảng đầu thập niên 1980, có một buổi chiều tôi đang làm cỏ rẫy ở đất bồi, cạnh nhà tôi bên dòng sông Tiền.

Trời bỗng chuyển mưa đen kịt và sấm chớp ầm vang. Dòng sông nổi sóng dữ dội.

Bất ngờ một tia chớp lóe sáng và một tiếng nổ kinh hồn. Tất cả đều diễn ra mau chóng.

Một chiếc ghe nhỏ cách bờ không xa, tiến vào bờ theo từng đợt sóng. Khi vào đến bờ, một người phụ nữ tuổi trên 40 từ trên ghe nhảy xuống, trong nước mắt dàn dụa, bà nói không trọn câu: “sét đánh trúng chết chồng tôi và đứa con trai tôi rồi, cô bác ơi, làm ơn giúp tìm kiếm xác chồng con của tôi, cô bác ơi”.

Đêm hôm đó, cả xóm gần như không ai ngủ. Ai có ghe thì đi ghe, ai có xuồng thì đi xuồng, ai không có gì thì đi bộ cặp bờ sông, để tìm xác hai người. Sông lớn, mặc cho sóng to gió lớn, người ta thức trắng đêm để đi tìm. Một số kề cận người đàn bà bất hạnh để an ủi bà. Khi than khóc, có lúc bà đã nói: “phải chi trời thương cất một người đi thôi, còn đàng này đem hai cha con đi cùng một lúc”. Không ai cầm được nước mắt. Mãi tới hơn nửa đêm ngày hôm sau mới tìm được xác hai cha con.

Quê của bà tận ở gần Châu Đốc, cách quê tôi mấy chục cây số đường sông lớn. Vợ chồng và đứa con trai đi mua bán hàng bông, gặp sóng to gió lớn, vội cho ghe chạy vào bờ, thì gặp nạn trên sông.

Đây là một xóm dân nghèo, nhưng bà con xúm lại đóng góp tiền để mua hai chiếc quan tài, xăng dầu và cử người lái ghe đi đưa bà và xác chồng con về quê. Bà còn một đứa con nhỏ ở nhà. Ai cũng thương tình và giúp họ với tất cả khả năng của mình. Mấy ngày sau, dân làng vẫn còn nhắc đến gia đình người đàn bà bất hạnh xa lạ đó. Hãy đi và làm như vậy.

5. Dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu” là một bài học quý giá để chúng ta soi dọi vào cuộc sống Kitô hữu của chúng ta hôm nay

Đọc dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu” có thể khiến người đọc tự đặt mình vào vị trí các nhân vật trong câu chuyện, rồi xét suy cuộc sống của chính mình. Chắc chắn Chúa Giêsu mong muốn mỗi người tín hữu hãy tự xem mình và hành động như Người Samaritanô Nhân Hậu giúp người lâm nạn giữa đường cũng như cứu vớt những linh hồn lạc lõng. Chúa bảo người thông luật Pharisêu: “hãy đi và cứ làm như vậy để được sống đời đời” (Lc 10:37). Bằng cách này, chúng ta cùng tham gia với Chúa để mang lại sự cứu rỗi và cuộc sống vĩnh hằng cho nhân thế.

Những môn đệ theo Chúa, hàng giáo phẩm, các giáo sĩ, cũng có thể nghĩ mình chính là người chủ quán trọ với trách nhiệm chăm sóc để giúp người bị thương tích sớm hồi phục. Hoặc người đọc cũng có thể ví mình như người khách đi đường có nhu cầu cần sự trợ giúp, hay ví mình như các ông tư tế, Lêvi sống vì lề luật và cho lề luật, dửng dưng, làm ngơ trước những khổ đau của người đồng loại. Cũng có thể chúng ta đóng vai kẻ cướp vì đôi khi chúng ta làm phương hại gây tổn thương cho người khác. Nói khác đi, trong suốt cuộc đời của mỗi người tín hữu, lúc này hay lúc khác, chúng ta có thể hành động như các nhân vật trong câu chuyện người Samaritanô Nhân Hậu.

 

27.Người Samaritanô nhân hậu

(Trích dẫn từ ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một đạo sĩ Ấn giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau

-“Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?”

Sau vài phút suy nghĩ, một đệ tử giơ tay xin trả lời:

-“Tôi biết được khi nào là đêm tàn và ngày bắt đầu, đó là khi ta trông thấy một con thú từ xa mà ta phân biệt được nó là con bò hay là con ngựa”,

Câu trả lời đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào… một đệ tử khác lên tiếng:

-“Ta biết được khi nào là đêm tàn và ngày bắt đầu, đó là khi ta thấy một cây lớn từ đàng xa mà ta phân biệt được đó là cây xoài hay cây mít”,

Vị đạo sĩ lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau:

-“Khi ta nhìn vào gương mặt bất cứ người nào mà nhận ra người đó là người anh em của ta thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi”.

Thưa anh chị em,

Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xoá tan ĐÊM tối và khai mở NGÀY mới, trong đó người nhận ra người là anh em, người trở về với Thiên Chúa.

Như nhà đạo sĩ đã giải đáp: “khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào mà nhận ra người anh em của ta trong người đó, là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu”. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách nầy hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng đáng với ơn gọi làm người hơn.

Trái lại, nếu ta không nhận ra người khác là người anh em của mình thì mình vẫn ở trong bóng tối đêm đen. Chỉ khi nhận ra được người khác là người anh em của mình, thì mình mới bước vào ánh sáng ban ngày. Người khác đó là bất cứ ai, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, ý thức hệ. Tất cả mọi người là anh em của tôi.

Thế nhưng, thưa anh chị em, trong Tin Mừng hôm nay, một luật sĩ đã hỏi Chúa: “Ai là anh em tôi?”. Để trả lời, Chúa Giêsu đã kể cây chuyện người Samari nhân hậu. Người Samari nầy đã nhận ra nạn nhân đang năm lây lất bên đường là người anh em gần gũi của mình, đang khi thầy Tư tế và thầy Lêvi lại không nhận ra nạn nhân nằm bên vệ đường kia là người anh em, mặc dầu nạn nhân ấy cũng là người Do Thái đồng bào và đồng đạo với mình. Nạn nhân đã trở thành kẻ xa lạ, chỉ vì rơi vào hoàn cảnh bất hạnh.

Câu chuyện muốn làm nổi bật thái độ dễ thương của người Samari nhân hậu. Chúng ta thấy ông xuống ngựa và đến cúi xuống trên con người đang quằn quại ở vệ đường. Ông chẳng để ý xem kẻ bất hạnh là ai? Là người Do Thái hay Samari – hai dân nầy vẫn coi nhau như thù địch- ông chỉ thấy đây là một kẻ bất hạnh, một con người như mình, nhưng lại không được như mình. Thế nên ông đã săn sóc, băng bó vết thương và chở đến quán trọ gần nhất cấp cứu, rồi còn sẵn sàng trang trải mọi phí tổn nữa.

Như vậy, người Samari nhân hậu nầy đã trở nên người anh em thân cận, gần gũi với người bị nạn, mặc dù ông không cùng chủng tộc và tôn giáo, hơn nữa ông còn bị coi như kẻ thù của người Do Thái bị nạn nầy, đang khi hai thầy Tư tế và Lêvi vừa là người Do Thái vừa là bậc thầy dạy đạo, tế lễ, lại coi kẻ đồng đạo, đồng bào xa lạ. Chính những hành động bác ái thương người cụ thể như tế mới làm chứng ai thật là người có đạo, ai thật là người, vì có lòng nhân ái.

Anh chị em thân mến,

Ngày 11 tháng 2 năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: “Salvifici doloris” nói về “ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo” để toàn thể Giáo Hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ 1984. Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, không phải chỉ để gởi tới các bệnh nhân, những người phải chịu đau khổ, mà còn gởi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ ‘bỏ đi qua”một cách dửng dưng. Sự dửng dưng nầy là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hoá đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Nhưng “khi đến với đau khổ của người khác, không một tổ chức nào, tự nó, có thể thay thế người”. Và vào ngày phán xét, Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đâu, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Tông thư SD. Số 28-30).

Chúa Giêsu đã bảo luật sĩ: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy”. Hôm nay, chính với chúng ta, Chúa Giêsu ban huấn lệnh cấp bách nầy: “Hãy đi và làm y như vậy”. Chúng ta hãy đi và làm như người Samari đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samari nhân hậu bên cạnh tất cả những ai chúng ta gặp và chân tình giúp đỡ, băng bó các vết thương của họ, nhưng vết thương, nghèo đói, đau yếu, bệnh tật, cô đơn, chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: “Ai là anh em tôi?”, nhưng hãy đi và tỏ ra “mình là anh em của mọi người”. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samari kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, nhìn thấy người đau khổ thì cứu giúp. Phải vượt qua quan niệm hẹp hòi của người Do Thái, để đi đến tình huynh đệ phổ quát, đại đồng.

Yêu mến Chúa trong nhà thờ, không đủ, nếu không yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật day mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm”. Ngài còn nói: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối đã làm cho người ấy ra mù quáng” (1Ga 2,9-11).

Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chỉ khi đó chúng ta mới ra khỏi bóng tối đang bao trùm chúng ta và được tràn ngập ánh sáng vinh quang của Chúa.

 

28.Yêu người

Ai là người thân cận của tôi? Câu hỏi mới nghe như đơn giản nhưng thực ra đó lại là mấu chốt để giải thích cho đúng đắn lề luật Maisen. Vì lẽ luật này đòi hỏi chúng ta phải yêu người thân cận như chính mình.

Theo lẽ thường của người Do Thái thời bấy giờ thì quan niệm về người thân cận bị thu hẹp vào các thành phần Israel. Như vậy hạng ngoại kiều không có chỗ đứng trong những hoạt động bác ái, thành ra dụ ngôn Chúa Giêsu kể về người Samaria nhân hậu có hiệu quả như một trái bom hay như một cú đấm vào lương tâm của những kẻ tự ru ngủ bằng điệp khúc bình an vì đã làm tròn bổn phận tối thiếu của mình.

Quả thực qua dụ ngôn Chúa Giêsu đã chỉ trích gương xấu cần phải tránh mà điển hình là ông tư tế và thầy Lêvi, hai ông viên chức của phụng vụ đền thờ và được coi như là hàng đạo đức bởi đã giữ đúng lề luật. Đồng thời Ngài cũng nêu lên gương tốt phải theo mà cái khuôn mẫu là người Samaria, một ngoại kiều, một địch thủ, một tên lạc đạo. Bất chấp mọi thứ rào cản xã hội hay tập tục truyền thống, ông ta đã xông xáo tiến lại người xấu số để giúp đỡ anh ta đang bị bỏ dở sống dở chết trên đường. Chắc hẳn tình người của ông đã phát xuất từ lòng nhân từ rộng rãi của ông chứ không phải từ những bộ luật rườm rà phiền toái.

Đưa ra những nhân vật điển hình trên, chắc hẳn Chúa Giêsu nhằm giải thích một cái gì đó thiết yếu trong giáo huấn của Ngài, điều mà con người mọi thời, nhất là chúng ta ngày nay, trong hoàn cảnh cụ thể của mình, cần được soi sáng. Cái thiết yếu chính là ý nghĩa của câu hỏi lật ngược: Không còn hỏi ai là thân cận của tôi, mà hỏi tôi là người thân cận của ai?

Đó là tinh thần cách mạng của Tin Mừng mà không bao giờ chúng ta múc cạn được chiều sâu của nó. Bởi vì vấn đề không còn là ngồi đó mà xem ai là kẻ thân cận của mình, như thể một số người nào đó được chỉ định trước để chúng ta sử dụng như là phương tiện làm chiếu sáng đức yêu người của chúng ta, trong khi một số những người khác có thể thoát ra ngoài những hoạt động yêu thương ấy mà không gây ra một nguy cơ nào cho lương tâm. Chúng ta đi tìm những người thân cận trong một danh sách đã lập trước. Trong khi đó chính tình yêu đòi buộc chúng ta phải đi tìm gặp những người thân cận ở trong một giới hạn vô biên vì giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Khi đó mọi người đều có thể là người thân cận, là người anh em của chúng ta, đặc biệt là những kẻ đau khổ, nghèo túng và bị ruồng bỏ. Người chúng ta phải yêu thương trước nhất phải là người chúng ta thương không nổi, phải là người sống bên lề xã hội, tức là hạng người tội lỗi, yếu đuối và bị khinh khi. Bao lâu chưa đạt tới đó, thì chúng ta hãy còn ở trong cái mức của ông tư tế, cái mức của thầy Lêvi là những người đã cố tạo khoảng cách cho đủ xa những kẻ bất hạnh.

Đừng giả đui giả điếc trước tiếng gọi của những người anh em đó, dù họ là ai, dù họ ở đâu, thì họ vẫn là những người thân cận của chúng ta, nếu chúng ta biết tiến lại gần họ với một con tim bằng hữu và với những cánh gay giơ ra để giúp đỡ như người Samaria và như Đức Kitô ngày xưa.

 

29.Ai là anh em của tôi

(Suy niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)

Chúa Nhật hôm nay nói đến luật Bác Ái là kính mến Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân, đặc biệt trong việc giúp đỡ những người lâm cảnh khó khăn.

Bài Đọc I (Đệ Nhị Luật 30:10-14): Lề luật của Chúa đã được ghi khắc vào lòng chúng ta (Lương Tâm) để hướng dẫn chúng ta sống cho xứng đáng những con người đã được Chúa dựng nên theo hình ảnh Chúa, chúng ta cần đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Bài đọc II (Côlôsê 1:15-20): Chúa Giêsu cũng chính là Thiên Chúa thật, Ngài mặc lấy thân xác con người, đổ máu ra trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại và trở nên "trưởng tử mọi loài thọ sinh và là Đầu Giáo Hội." Bài Phúc Âm (Luca 10: 25-37): Chúng ta phải thực hành Đức Bác Ái để được sống đời đời. Đó là yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương phục vụ tha nhân. Người Samaritano tốt lành là hình ảnh của những người biết thương cảm và hy sinh giúp đỡ mọi người, nhất là những người gặp hoạn nạn, dù người đó là ai.

Mỗi ngày khi chúng ta đọc Kinh 'Mười Điều Răn Đức Chúa Trời', chúng ta nên để ý đến lời cuối cùng "Mười điều răn Chúa tóm về hai điều này: trước hết kính mến Một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu thương tha nhân như chính mình. " Nếu chúng ta sống được hai điều căn bản này là chúng ta đã chu toàn được mọi lề luật của Chúa và các giới răn của Giáo Hội.

Luôn biết kính mến Chúa và thương yêu người khác như chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng chu toàn các bổn phận thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ xa tránh các dịp tội để không phạm tội làm mất lòng Chúa và xúc phạm đến nhau (những tội như tham lam tiền bạc, lỗi phép công bằng, làm chứng gian hại người khác, lộng ngôn, nói hành nói xấu, ham thú vui xác thịt, luyến ái tự do, li dị, phá thai...). Mọi tội lỗi đều xúc phạm đến Thánh Danh Chúa, và làm hoen ố hình ảnh của Chúa mà chúng ta mang trong tâm hồn khi chúng ta đã được thanh luyện qua Bí Tích Thánh Tẩy.

Hơn nữa, giữ Lề Luật Bác Ái không phải chỉ là lo xa tránh tội lỗi mà tích cực hơn, còn phải lo chu toàn các bổn phận của người tín hữu: ngoài bổn phận thờ phượng Chúa, chúng ta có bổn phận đối với Ông Bà Cha Mẹ, đó là điều răn thứ bốn: Phụng dưỡng các Ngài khi còn sống, nhất là khi các Ngài đã già yêu, bịnh tật. Hằng nhớ đến và cầu nguyện cho các vị đã qua đời.

Luật Bác Ái cũng dạy chúng ta phải duy trì tình yêu trong gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái; điều này cũng đòi buộc chúng ta phải hy sinh nhiều lắm để có thể chịu đựng lẫn nhau, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ngoài gia đình ruột thịt, chúng ta còn sống trong gia đình nhân loại, mà mọi người đều là con cái Chúa và anh em với nhau "Tứ Hải Giai Huynh Đệ." "Mọi người đều là anh em của tôi" trong gia đình nhân loại. Thực hành được đìều đó, chúng ta sẽ không còn xét đoán, kỳ thị chủng tộc, tiếng nói, mầu da...; nhưng biết chấp nhận mọi dị biệt để yêu thương nhau như anh em, để xây dựng hòa bình, thay vì gây chiến tranh, chém giết lẫn nhau. Người Samaritano tốt lành đã tận tâm giúp người bị kẻ cướp hành hung, ông đã không phân biệt, không xem xét người đó là ai, chủng tộc nào; nhưng thấy một người hoạn nạn cần giúp đỡ là ông hết lòng giúp đỡ không sợ bị liên lụy, không sợ mất thời giờ, tiền của. Đó là điều Chúa Giêsu đặc biệt muốn nhấn mạnh trong Dụ Ngôn trong Bài Phúc Âm hôm nay. Chính Chúa Giêsu đã thực hành điều đó, Ngài đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi, đã hy sinh xuống thế làm người, đã chịu chết để cứu chuộc mọi người thuộc mọi 'chủng tộc và ngôn ngữ', băng bó mọi vết thương gây ra do tội lỗi và đưa chúng ta vào "Quán Trọ" là gia đình Giáo Hội để chữa lành và đưa chúng ta về quê hương thật Nước Trời.

 

home Mục lục Lưu trữ