Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1370387

HẾT MỌI ĐỜI SẼ KHEN TÔI DIỄM PHÚC

“Từ Nay, Hết Mọi Đời Sẽ Khen Tôi Diễm Phúc”

 

Trong dịp hành hương Đất Thánh Palestina, chúng tôi có đến Nhà Thờ Thăm Viếng, nơi có tượng Đức Mẹ Ngủ. Từ Nhà Thờ kính Thánh Gioan Tẩy Giả tại En Kerem, đi bộ một đoạn đường khá xa, lên một dốc cao rồi bước thêm đúng 66 bậc thang mới đến Nhà Thờ. Từ trên ngọn đồi nhìn xuống thung lũng xa xa, quê hương Thánh Gioan Tiền Hô đẹp như một bức tranh mờ trong sương sớm.

Nhà Thờ dâng kính cuộc thăm viếng của Mẹ Maria. Khi nghe tin bà Êlisabét mang thai, Mẹ đã vượt đường xa đến thăm và giúp đỡ. Từ Nagiarét về tới En Kerem đường xa lắm, chừng 90 km và rất nhiều trắc trở hiểm nguy. Mẹ đã thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt đến người chị họ. Nơi đây bài Magnificat đã được viết trên tường bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt Nam.

Sau kinh cầu nguyện trong Nhà Thờ Thăm Viếng, chúng tôi đi xuống tầng hầm, mỗi người thành kính quỳ gối lần hạt trước tượng Đức Mẹ Ngủ. Nhìn Mẹ Maria thánh thiện ngủ giấc bình an, ai cũng cảm động nguyện cầu khấn xin. Nhiều người thổn thức bên Mẹ.

Theo truyền thống xa xưa, Mẹ Maria không chết mà chỉ ngủ một giấc, rồi Chúa đưa Mẹ lên Trời cả hồn lẫn xác. Phụng Vụ đã cử hành ngày qua đời của Mẹ dưới nhiều tên gọi: Dormitio (an giấc), Deposotio (an táng), Transitus (qua đời), Natalis (ngày sinh vào Nước Chúa). Tất cả những danh từ đó được dùng để nói tới chuyến đi xa cuối cùng của Mẹ.

Tiếng “Assumptio” (bởi động từ assumere; sumere, nghĩa là cất lấy, và ad nghĩa là kết hợp, đoàn tụ), lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Mẹ được đưa vào vinh quang của Chúa (giống như các Thánh); về sau từ ngữ này được dùng để chỉ việc Mẹ được cất về Trời. Hội Thánh phân biệt hai từ ngữ “ascensio” áp dụng cho Chúa Giêsu vì Ngài lên Trời do quyền năng riêng, còn “assumptio” áp dụng cho Mẹ để nói rằng Mẹ được Chúa đưa về Trời.

Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố vào ngày 1.11.1950: “Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Đức Maria được đem về Trời cả xác hồn”. Vào thế kỷ XIX, có một luồng Thần Học chủ trương rằng Mẹ Maria không phải chết và xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Họ cho rằng Mẹ không mắc tội nguyên tổ nên không phải chết, bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên đa số các nhà Thần Học cho rằng Mẹ đã chết và sau đó được sống lại. Đức Piô XII không bàn tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết, cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được cất về Trời cả xác và hồn.

Nhìn Đức Mẹ Ngủ, tôi thấy sáng lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý. Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Hôm nay, Hội Thánh mừng kính Đức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Nước Trời. Bầu khí Phụng Vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên Trời hiển vinh. Từ đây Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Mẹ trổi vượt trên mọi thọ tạo với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Hội Thánh và Mẹ của nhân loại.

Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ân sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, trong từng hành động và mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ.

Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên Trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35).

Hội Thánh hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Êlisabét. Magnificat là lời kinh thấm đẫm chất thơ. Thánh Vịnh là thi ca cầu nguyện của dân tộc Do Thái. Hàng ngày Mẹ đã cầu nguyện với Thánh Vịnh.

Những lời ngợi ca Magnificat nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là trọn vẹn cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức Mẹ dõi theo: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết diệu cảm và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương. Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn nầy lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên Trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về Trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả… Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Đức Maria được lên Trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn cộng tác với ơn Chúa. Hồn xác lên Trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là “Đấng-đầy-ân-phúc” vì “Thiên-Chúa-ở-cùng-bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”.

Điều cao cả nhất là được làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong Vườn Địa Đàng mới, hầu đem lại Sự Sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong Vườn Địa Đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.

“Đức Mẹ lên Trời sau khi đã đi qua hết mọi nẻo đường đời của một người bình thường nghèo khó: nẻo đường không nơi trú ngụ; phải sinh con trong máng cỏ Bêlem; nẻo đường lánh cư sang Ai Cập đầy tiếng khóc than của các bà mẹ mà những đứa con thơ vô tội bị vua Hêrôđê sát hại; đường vào tiệc cưới Cana có tiếng vui cười của thực khách và đôi tân hôn; đường lên núi Calvariô, có tiếng nguyền rủa, tiếng búa đóng đinh của các lý hình; đường loan Tin Mừng Chúa Phục Sinh và đường thẳng lên Trời hồn xác trong tiếng reo vui của đất trời, của thần thánh, của loài người. Đức Mẹ đã sống thánh giữa đời, đã nên Thánh qua những chặng đường Vui, đường Sáng, đường Thương, đường Mừng” ( x. bài giảng tại Thánh Địa La Vang ngày 15.8.2007, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể ).

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng đang đi lại những chặng đường của Đức Mẹ: có cả vui, sáng, thương, mừng. Chúng ta lần hạt, tràng chuỗi nơi tay, miệng thầm thĩ, lòng kết hiệp với các mầu nhiệm vui mừng và đau thương của Đức Mẹ. Chúng ta cũng lần hạt một cách thiết thực nữa trong cuộc sống hằng ngày, mà tràng chuỗi và những hạt chuỗi giờ đây chính là những hạt mồ hôi, những giọt nước mắt, những khổ đau, những oan ức…, và cũng chính là những tiếng vui cười, những tia hy vọng, những niềm hân hoan… Đó là tràng chuỗi sống, đi đôi với việc đọc kinh lần hạt suy niệm của chúng ta.

Đức Mẹ được vinh hiển hồn xác trên Trời là hình ảnh và là khởi đầu bảo đảm cho tương lai của chúng ta sau nầy cũng sẽ được như vậy, miễn là bây giờ chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống Thánh giữa đời, qua những chặng đường vui, sáng, thương, mừng của cuộc sống (x. LG 68).

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

 

 

 

 

 

12. Mẹ Về Trời, Nỗi Vui Mừng Và Niềm Hy Vọng

 

Tháng Tám thường trở về cùng với lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, mùa dành để cho những người con nhớ về tình thương cao cả, mênh mông, dạt dào như biển rộng, sông dài, sâu thẳm như núi rừng trùng điệp ngút ngàn của các bậc sinh thành.

Tháng Tám cũng lại là tháng của những cuộc hành hương tràn ngập niềm tưng bừng, rộn rã. Tháng của những người con muốn tỏ bầy lòng thảo hiếu với người Mẹ dịu hiền, nhân hậu. Từng đoàn người cứ lũ lượt lên đường ra đi trong niềm vui phấn chấn đến với những vùng đất linh thiêng, huyền diệu. Ở những nơi ấy có bóng dáng của người Mẹ hiền vẫn ngong ngóng chờ trông đoàn con lữ thứ trở về từ cuộc lữ hành trần gian còn nhiều gập ghềnh, trôi nổi.

Đến với Mẹ Tà Pao thật bình dị mà cũng thật thân tình để rồi bao gánh nặng chất chồng của cuộc sống bỗng nhẹ tênh, thanh thản.

Đến với Mẹ Trà Kiệu để cảm thấy niềm tin tưởng bừng lên mạnh mẽ vì Mẹ vẫn còn đó, dáng oai hùng như đạo binh xông vào chiến trận che chở đoàn con khỏi mọi cơn nguy biến hiểm nghèo giữa cuộc đời hung hãn.

Đến với La Vang, linh địa của tấm lòng từ mẫu, nhân hậu, bao dung. Nơi đó, mẹ đã từng ôm ấp bao nỗi khốn khổ của đoàn con nghèo nàn, thiếu thốn. Mẹ đã lau sạch biết bao nhiêu dòng lệ sầu thương của những cõi lòng héo úa, rã rời. Cũng nơi ấy mẹ đã từng xoa dịu bao nhiêu vết thương đau nhói, xót xa. Mẹ đã chữa lành biết bao thương tích mà không một phương dược trần gian nào còn hiệu nghiệm nữa. Và đoàn lũ những con người nhỏ bé ấy gác lại mọi nỗi lo toan chằng chịt của cuộc sống để tìm về mảnh đất có khi chưa lần nào đặt chân đến bỗng dưng lại trở nên quen thuộc, gần gũi chỉ vì có bóng dáng của người mẹ vô cùng thân ái. Họ đã lên đường với niềm hy vọng tràn trề để rồi trở về với niềm vui chan chứa, tràn đầy niềm hạnh phúc.

Điều kỳ diệu đã trở thành hiện thực vì Đức Trinh Nữ Maria rất Thánh đã lên Trời vinh hiển. Mẹ đã trở nên nguồn cậy trông không bao giờ vơi cạn và niềm hy vọng không bao giờ phai nhạt và những ngày tháng Tám bỗng trở nên rực rỡ lung linh vì có một ngày trọng đại: ngày lễ Mẹ Lên Trời.

MẸ ĐÃ HOÀN TẤT HÀNH TRÌNH TRẦN THẾ CÁCH TRỌN HẢO

Cuộc sống dù tốt đẹp đến đâu cũng có những ngày tháng u buồn hay nặng trĩu. Những nỗi ưu phiền hay buồn chán có thể đến từ bên ngoài hay từ ngay trong tâm hồn. Người ta có thể cảm thấy bất hạnh giữa lúc đang có tất cả mọi thứ có thể làm nên hạnh phúc mà vô số người hằng mơ ước. Vì thế mà nhiều khi người ta phải tìm đến với những thú vui hay những thứ ồn ào mong phủ lấp đi nỗi chán chường hiện tại.

Tuy nhiên, có một lối đi mà nhiều người vẫn có thể thực hiện để vượt ra khỏi những cái tầm thường của cuộc sống đó là thả hồn mình vào những giấc mơ, những giấc mơ khơi lên niềm cảm hứng mênh mang. Những giấc mơ làm vơi đi nỗi thất vọng trước cái phũ phàng của cuộc đời. Người ta mơ được sống trong một cảnh vực thiên thai, một cõi thần tiên nào đó để cho cuộc sống thoát khỏi những gánh nặng đeo bám như một món nợ dai dẳng, triền miên.

Câu chuyện Từ Thức lạc vào cõi tiên như minh hoạ ước vọng rũ bỏ cõi trần để bước vào cõi thiên thai đầy thơ mộng. Chỉ còn những thú chơi tao nhã, thảnh thơi. Không vướng bận cõi hồng trần ô trọc.

Từ Thức, nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp gặp tình huống éo le. Thời gian sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần Từ Thức đi qua núi và thấy một chiếc động, bước vào trong thì được tiếp đón như thượng khách và lấy nàng Giáng Hương, chính là người chàng đã cứu thuở nào. Sống với nhau được một năm, dù thuận hoà, êm ấm, Từ Thức chợt nhớ nhà, xin được về thăm.

Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi đến quê, tất cả đều đổi thay, Từ Thức hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu nội của mình. Chàng đã đi quá lâu. Từ Thức muốn trở lại cõi tiên với vợ, nhưng chẳng còn dịp may… trước cửa động Từ Thức, dây leo chằng chịt đan kết thành những chiếc võng.

Từ Thức đã vào cõi tiên rồi đấy! Thế mà có quên được cõi trần gian đâu! Có tình yêu, có gia đình êm ấm thuận hoà, có vật chất đầy đủ vậy mà vẫn nhớ nhà, nhớ người, nhớ cảnh xưa. Điều sâu kín chưa nói ra được ở đây đó là Từ Thức chưa đi trọn đường trần. Có một cái gì đó còn thiếu nơi thân phận làm người để thấy rằng cõi tiên không phải là cõi thực và chỉ cần một khoảng thời gian ngắn đủ làm cho Từ Thức phải nhớ nhung, phải mong mỏi được trở lại trần gian. Éo le thay, Từ Thức cũng không còn gặp được cảnh cũ người xưa nữa. Mọi sự đã đổi thay và chàng trai họ Từ trở nên hoàn toàn xa lạ, lạc lõng giữa cuộc đời và chàng đã không còn cơ hội trở lại nữa.

Về với thân phận con người, giấc mơ vẫn chỉ là một vẻ đẹp thoáng qua giúp ta giải toả bớt những căng thẳng của cuộc sống quá khắt khe, nghiệt ngã chứ không thể nào là nơi lẩn trốn hay thay thế cho thực tại trần gian hôm nay. Mỗi người đều phải hoàn tất hành trình làm người của mình. Mẹ Maria đã sống kiếp người của mình cách trọn hảo. Cuộc đời mẹ không chỉ được đan dệt bằng những sợi chỉ hồng tươi thắm mà còn có những chặng đường gian nan, cay đắng và có cả những đau đớn xé lòng, tan nát tâm can. Thế nhưng mẹ đã đi trọn con đường trần thế của chính mình và đã hoàn thành cách vô cùng tuyệt diệu.

Có những điều tưởng chừng rất bình thường hay thậm chí tầm thường Mẹ đã làm cho nó thành cao cả, phi thường. Một lời chào có gì là vĩ đại đâu! Thế mà mẹ đã làm cho lòng người được chan chứa niềm vui, tưng bừng, hân hoan trong ngày thăm viếng. Một lời nói ở tiệc cưới Cana có gì là huyền bí đâu! Thế mà làm cho sự thiếu rượu giữa tiệc cưới không biến thành nỗi tủi nhục. Những điều bình dị vẫn diễn ra hằng ngày có gì là mới lạ đâu? Thế mà Mẹ đã sắp xếp, đâu kết lại thành một chuỗi những điều đáng ghi nhớ để suy đi nghĩ lại.

Những giờ phút vinh quang của Con, không thấy Mẹ kề cận và giờ phút nhục nhã ê chề, thất bại thảm thương thì Mẹ lại đứng đó nhẫn nhục, anh hùng. Mẹ đã làm cho cuộc sống hôm nay bừng lên niềm hy vọng rực rỡ. Không có chỗ cho than van, kêu trách. Không có lối đi cho sợ hãi, trốn chạy, không có nơi ẩn nấp của sự hận thù, oán ghét. Mẹ đã đi qua tất cả mọi ngõ ngách quanh co của thế gian điên đảo và mẹ đã làm cho tất cả được đưa ra ánh sáng của ngày mới ló dạng.

Con đường trần đã đi qua không có gì phải nuối tiếc vì Mẹ đã sống trọng vẹn nỗi vui và sống tận cùng với nỗi đau của con người, của chính mình và của mọi người. Mẹ về trời vì con đường trần thế đã xong. Mẹ không chạy trốn trần gian để tìm nương ẩn nơi cõi trời mà mẹ đã hoàn tất sứ mạng của mình là làm cho thực tại trần gian được toả sáng niềm vui ơn cứu độ của Đức Giêsu Con Mẹ.

MẸ LÀ NIỀM HY VỌNG CHO TRẦN THẾ HÔM NAY

Mẹ về Trời rồi nhưng những gì Mẹ đã sống không ngừng được nhìn ngắm, được chiêm ngưỡng, được trân trọng giữ gìn. Âm vang từ cuộc đời của mẹ đã làm rung lên những âm điệu thánh thót của biết bao tâm hồn thánh thiện. Đường Mẹ từng đi qua nay lại có nhiều tâm hồn men theo lối cũ mà bước tới bằng nhịp bước thanh thản, nhẹ nhàng. Lời ca Magnificat của Mẹ gợi hứng cho biết bao nhiêu lời ngợi khen thể hiện nơi những tâm hồn quảng đại hiến dâng.

Nói tóm lại, đời sống cuả Mẹ được tiếp tục nơi những người con không bao giờ ngơi yêu mến và quí trọng Mẹ. Mẹ về Trời mà Mẹ vẫn sống qua muôn thế hệ vì gương sống của Mẹ không nhạt nhoà theo thời gian, không lỗi nhịp với thế hệ đương đại vì một con tim yêu thương có bao giờ lại ở bên ngoài Tình Yêu.

Lòng tin của Mẹ đã làm cho cuộc sống không còn bị thả trôi theo giòng đời vô định. Mẹ đã tin và Mẹ đã neo thuyền đời vào sự trung tín không lay chuyển của Thiên Chúa. Ngài trung tín ngay cả khi con người phản bội và chính mẹ, Mẹ cũng đã trung kiên đến cùng dù mọi người đã chao đảo lung lay. Lòng cậy trông trong những lúc nguy biến, hãi hùng đủ xiết chặt lại đoàn ngũ những người muốn buông xuôi, tuyệt vọng khi hành trình không thuận lợi. Lòng mến của Mẹ thì bao la, hải hà. Một lòng mến đủ để Mẹ sẵn sàng chấp nhận từ bỏ tất cả để yêu mến một mình Thiên Chúa và để lòng mến bao phủ mọi tình huống tồi tệ nhất.

Lời xin vâng của mẹ, lời xin vâng tích cực không chỉ sẵn lòng để Thiên Chúa toàn quyền trên mọi ý định và ước muốn của mình mà còn xin Thiên Chúa thực thi ý Ngài trên đời mình “Xin Chúa cứ làm cho tôi…” Lời xin vâng ấy như vang vọng sự tuân phục của Chúa Giêsu Con Mẹ khi bước vào trần gian: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”. Tất cả những ai noi theo mẫu tuân phục ấy đều khám phá ra rằng gánh nặng của cuộc đời trần thế bỗng trở nên sự êm ái, nhẹ nhàng vì có một nguồn sức mạnh diệu kỳ nâng ta dậy và một bàn tay dịu dàng của người Mẹ dẫn ta bước tới trong an vui và tin tướng.

Sống như một người bé mọn trước Đấng Tối Cao xem ra không phải là điều mới mẻ nhưng nhận ra lòng thương xót Chúa đoái thương thân phận thấp hèn và thấy mình diễm phúc vì được tràn đầy ơn huệ của Đấng Toàn Năng mà ơn huệ ấy cứ trải dài cho đền muôn muôn thế hệ lại là một khám phá mang chiều kích tràn đầy hy vọng. Từ nay, người ta có quyền hy vọng dù thân phận bất toàn, hèn kém, dù nghèo khổ, thua thiệt hay đang bị chèn ép, khinh khi. Lòng kính sợ Thiên Chúa luôn lôi kéo lòng thương xót Chúa xuống trên đời mình. Mẹ đã sống như thế, Mẹ đã ca ngợi một tình thương như thế và Mẹ đã làm chứng hùng hồn cho những điều ấy hôm nay, khi Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác.

Không còn nghi ngờ gì nữa, mẫu gương sống trọn vẹn cuộc sống trần gian của Mẹ là bước chuẩn bị cho một cuộc sống vinh quang và hạnh phúc trời cao. Mẹ đã thành công và là niềm hy vọng cho những ai muốn được như vậy. Con đường Mẹ đã bước đi để tiến đến vinh quang ngày lên trời hồn xác cũng sẽ là con đường cho mỗi người chúng ta theo ơn gọi riêng của mình.

Nhìn vào thực trạng của thế giới hôm nay và của chính đời mình, chúng ta không còn phải trốn chạy vào những giấc mơ huyền hoặc nữa mà cứ sống tận cùng thân phận con người và làm rực lên ánh sáng của niềm hy vọng từ những điều nhỏ bé trong cuộc đời đến những việc trọng đại. Mẹ đã sống và Mẹ đã toả chiếu niềm tin yêu hy vọng chói ngời để hôm nay hướng nhìn lên Mẹ ánh sáng đời Mẹ lại rọi xuống đời ta để ta cứ mạnh dạn tiến tới trong niềm cậy trông.

MẸ LỀN TRỜI MÀ MẸ VẪN ĐANG Ở VỚI TA

Mẹ được lên trời như một đặc ân do lòng quảng đại của Thiên Chúa nhưng về trời không làm cho Mẹ phải từ bỏ cõi trần để thuộc về một thế giới khác, không vướng bận với những điều tầm thường của trần gian. Như là một chi thể của Hội Thánh thì đặc ân Hồn Xác Lên Trời của Mẹ là hồng ân cho toàn thể Hội Thánh. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân (LG 62) còn mạnh mẽ khẳng định: “Sau khi về Trời, vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ không chấm dứt… Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế”.

Mẹ tiếp tục làm mẹ cách tuyệt vời hơn nữa. Về Trời nghĩa là không con bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian. Mẹ có thể đến với con cái mình bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Về Trời nghĩa là tình thương từ mẫu có thể trải rộng đến vô tận trên mọi hạn hẹp của tình cảm, của những mối tương quan thường tình. Mẹ có thể yêu thương hết mọi người bằng mọi cách thế hoàn toàn mới mẻ.

Ta có thể cảm nhận được tình thương ấy mỗi khi đến với Mẹ trong cầu nguyện. Mỗi lời kinh vang lên là ta lại thấy lòng mình lắng xuống những lo âu, bồn chồn, phiền muộn. Mỗi khi ngỏ lời với Mẹ ta lại thấy như được lắng nghe, được an ủi, được nâng đỡ. Mỗi lần tỏ lòng yêu mến Mẹ là mỗi lần ta được Mẹ đáp lại bằng những cử chỉ yêu thương tràn đầy hơn, thấm thía hơn và ngọt ngào hơn.

Mẹ vẫn có đó mỗi khi kêu cầu Mẹ. Gian nan, thử thách, khó khăn, hoạn nạn ư? Đừng sợ, Mẹ luôn có đó để che chở đoàn con khỏi những hiểm nguy khốc liệt nhất.

Ngay tại Trà Kiệu còn lưu lại chứng từ sự bảo vệ huyền diệu của một Bà đứng trên nóc Nhà Thờ vẫy tay làm lệch hướng của những đường đạn từ các khẩu thần công. Hãy nhớ lại những lần bàn tay mẹ đã từng xua đi bao áng mây u ám trên bầu trời bình an mà thêm niềm tin cậy. Bất cứ nơi nào có ảnh tượng Mẹ, dù cũ kỹ hay hoang tàn đổ nát cũng không làm mờ nhạt đi tấm lòng thương xót hải hà của Mẹ.

Tại Kon Plông, một huyện miền cao cách thị xã Kon Tum 52 km hướng Đông Bắc, có một tượng Đức Mẹ xấu xí với hai bàn tay cụt đã tỏ hiện sự linh thiêng khi số lượng ngày càng tăng của những tấm bia tạ ơn và nhiều đoàn ngừơi từ rất xa tấp nập kéo đến một nơi xa xôi hẻo lánh khiến nơi này đang dần dần trở thành một địa điểm hành hương với cái tên Đức Mẹ Măng Đen. Tại đây, nhiều người đã nhận được những ơn lành từ Mẹ.

Tượng Đức Mẹ tuy không đẹp vì đầu của Đức Mẹ đã bị rơi xuống và được đắp lại bằng xi măng còn đôi bàn tay được ráp thay vào thì không dính được nhưng Đức Mẹ Măng Đen Cụt Tay lại như là biểu tượng của tình mẫu tử vô bờ đối với những người khuỵết tật, những nạn nhân của bạo lực, chiến tranh, của phá thai, của sự độc ác vô nhân… Nơi đây đã từng bị lãng quên nhiều năm tưởng chừng thành hoang phế thì nay Đức Mẹ lại linh hiển ban ơn cho nhiều tầng lớp người cả lưong lẫn giáo, cả kinh lẫn thượng, cả người lành mạnh lẫn yếu đau… Mẹ vẫn đứng đấy để chờ đợi đoàn con từ muôn nẻo đường qui tụ về mà lãnh nhận ơn lành.

Mẹ còn đồng hành với ta trên bước đường theo Chúa Kitô trong sứ mạng loan báo Tin Vui. Những anh chi em nào đã từng làm việc Tông Đồ thì sẽ có được những cảm nghiệm thiết thân về sự trợ giúp đầy quyền năng yêu thương của Đức Mẹ. Mẹ như đi trước chuẩn bị các tâm hồn hay tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi để giúp ta hoàn thành sứ mạng. Có những lúc ta tưởng chừng như đành phải bó tay, bất lực thì với sự trợ giúp của Mẹ mọi sự trở nên dễ dàng, đơn giản.

Một lần kia tôi được mời đến xức dầu bệnh nhân cho một người trong bệnh viện. Tôi được biết hoàn cảnh khá tồi tệ của anh vì bị mọi người trong gia đình bỏ rơi chỉ còn một người bạn giúp anh trên giường bệnh. Đến nơi, tôi ngỏ ý muốn gặp người bệnh để ban các Bí Tích thì người bạn của anh quyết liệt từ chối vì hiện anh ta đã đỡ và không muốn anh bị ảnh hưởng tâm lý nếu chịu Bí Tích Xức Dầu. Tôi đề nghị xin cho tôi gặp để giúp anh xưng tội nếu anh muốn. Người bạn vào lại Bệnh Viện…

Trong lúc đó tôi ngồi ngoài chờ đợi và tôi chợt nhớ là khi đi mình chưa cầu nguyện cho bệnh nhân. Tôi lấy xâu chuỗi ra cầu nguyện với Đức Mẹ. Một lúc sau anh bạn trở ra và cho biết người bệnh muốn gặp tôi. Tôi thấy anh tỉnh táo và khá linh hoạt chứ không như được người thân mô tả. Sau một lúc nói chuyện, tôi đề nghị giúp anh xưng tôi vì anh đã bỏ giữ đạo đã lâu. Anh đồng ý và tôi cũng đã ban bí tích Xức Dầu cho anh.

Ngày hôm sau, người nhà báo tin anh đã qua đời hồi đêm trong bệnh viện. Tôi tin rằng chính Đức Mẹ đã cứu anh.

Mẹ đã lên Trời nhưng Mẹ vẫn thật gần và thật thắm thiết tình thương yêu dạt dào. Mẹ sẽ tỏ bầy bằng muôn vàn cách thế diêu kỳ để ta có thể hướng nhìn lên Mẹ mà hy vọng, mà tin tưởng, mà vui mừng vì Mẹ vẫn bên ta trong mọi nỗi gian nan, trong muôn vạn nẻo đường đời xuôi ngược. Mẹ vẫn yêu thương ta dù ta lầm đường, lạc lối. Đối với tấm lòng yêu thương vô bờ thì không bao giờ có gì là quá trễ để trở về.

Cùng với những anh chị em trong những cuộc hành hương về La Vang mừng Đại Lễ Mẹ Lên Trời, chúng ta cũng muốn gửi gắm những tâm tình tạ ơn tha thiết. Mẹ đã tỏ cho ta thấy trái tim vô cùng nhân hậu khi chúng ta nhìn thấy một rừng người canh thức suốt đêm để cầu nguyện với Mẹ trước ngày Đại Lễ. Những lời cầu kinh râm ran như kéo dài đến vô tận vừa cho ta thấy được tình yêu mến của những người con Việt Nam yêu Mẹ cách hồn nhiên, chân thành và cũng vô cùng sâu đậm lại vừa cho ta hiểu được rằng ơn huệ của Mẹ đã trải dài trên quê hương Việt Nam và đã để lại nơi lòng những người con Việt Nam yêu dấu của Mẹ biết bao nhiêu dấu ấn dịu dàng của tình từ mẫu đến nỗi cả dân tộc Việt Nam cứ muốn tỏ bầy lòng mến thương thật sâu đậm dành cho Mẹ.

Cùng hướng về La Vang để hát vang lời chúc tụng Chúa và ca ngợi Mẹ đầy ơn phúc đến vô tận. Cùng cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang cho mỗi người chúng ta đi trọn con đường trần thế để khi đến cuối hành trình chính Mẹ đón đưa chúng ta về nhà và để ngay từ hôm nay niềm vui được thắp lên ngay giữa lòng cuộc sống vì Mẹ đã về Trời và vì Mẹ đã làm người cách tuyệt vời.

Lm. Giuse NGUYỄN NGỌC BÍCH, DCCT

 

 

 

 

 

13. Đường Về

 

Mười lăm tháng tám mừng vui

Chúa cho Đức Mẹ về trời vinh quang

Niềm hy vọng thật rõ ràng

Chúng nhân sẽ được hưởng chung Nước Trời

Đức Mẹ là một thụ tạo nhưng được Thiên Chúa cho về Trời cả hồn và xác mà không phải đi qua ngưỡng cái chết, gọi là “Mông Triệu” (*). Đó là một đặc ân vì Mẹ vô nhiễm nguyên tội, hoàn hảo các nhân đức, và mau mắn xin vâng Thánh ý Chúa Cha. Đức Mẹ về Trời là ấn tín bảo đảm cho những người tin vào Đức Kitô cũng sẽ được sống lại và lên trời sau khi hoàn tất chuyến lữ hành trần gian. Lên trời là về Quê Hương Vĩnh Hằng, mục đích của mỗi Kitô hữu là như vậy.

Thánh Gioan kể lại thị kiến, y như một đoạn phim dài đầy kịch tính và nhiều tình tiết: “Đền thờ Thiên Chúa trên Trời đã mở ra. Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (Kh 11, 19a, 12,1–6).

Thị kiến kỳ lạ ấy ám chỉ Đức Mẹ. Thánh Gioan cho biết thêm: “Tôi nghe có tiếng hô to trên trời: Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12,10). Thị kiến này cũng khiến chúng ta phải cẩn trọng hơn về đức ái, nhất là trong cách đối xử với tha nhân hằng ngày.

Ngay cả Hồi Giáo cũng tôn trọng Đức Mẹ, coi Đức Mẹ là phụ nữ cao cả nhất trong Kinh Koran (Kinh Thánh của Hồi Giáo). Công giáo có nhiều danh xưng dành cho Đức Mẹ: Nữ Vương Hòa Bình, Đức Maria Trinh Vương, Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, Đức Mẹ Ban Ơn Lành, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Mai Khôi, Đức Mẹ Thương Xót, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hoa Hồng,… và Đức Mẹ còn gắn liền với các địa danh trên khắp thế giới, riêng Việt Nam cũng có Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Giang Sơn, Đức Mẹ Mằng Lăng, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ La Mã Bến Tre…

Tác giả Thánh Vịnh đã từng ca tụng: “Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ôphia lộng lẫy. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của bà” (Tv 45,10–12). Chắc hẳn phàm ngôn không thể đủ để diễn tả về Đức Mẹ cho xứng đáng, chúng ta chỉ biết dùng những ngôn từ nào cao trọng nhất để tôn xưng Đức Mẹ mà thôi.

Tất cả phàm nhân đều phải bước qua ngưỡng-cửa-sự-chết theo quy luật sinh-tử, vì ai trong chúng ta cũng từng phạm tội nhiều. Nhưng chết không là hết, mà là biến đổi, như Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chết đi để được sống lại. Chính Đức Kitô cũng đã chết và phục sinh để bảo đảm về chuyện đời sau. Chết là trực tiếp gặp Thiên Chúa, gặp Đức Kitô, và cũng gặp Đức Mẹ nữa.

Niềm hy vọng của Kitô hữu thật lớn lao và tuyệt vời, nhưng Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19). Niềm hy vọng của chúng ta không hề như vậy. Thánh Phaolô giải thích: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20–22).

Ai cũng lần lượt ra đi, kẻ trước người sau, như lá rụng về cội, dù lá xanh hay lá vàng, như Thánh Phaolô giải thích thêm: “Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1Cr 15,23 –24). Tất cả đều xảy ra đúng theo trật tự Thiên Chúa đã ấn định, như chúng ta thường nói là Thiên Chúa an bài. Chúng ta không thể hiểu thấu, nhưng sự thật là vậy: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1Cr 15,25–26).

Đức Kitô dùng thập giá để chiến thắng tất cả, và cũng chính trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét (x. Ep 2:16) để minh chứng tình yêu vô biên và sâu thẳm của Thiên Chúa, tức là Lòng Chúa Thương Xót, điều mà không ai trong chúng ta khả dĩ hiểu thấu.

Thánh sử Luca kể…

Hồi ấy, cô em Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà ông anh Dacaria và chào hỏi bà chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng dì Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà chị Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,42–45).

Đây là cuộc gặp lịch sử. Một người là Mẹ Thiên Chúa, còn một người là Mẹ của vị Tiền Hô Gioan. Thấy cô em họ Maria đến, chị Êlisabét vui mừng thốt lên những lời đầy Thần Khí. Sau đó, cô Maria cũng quá đỗi vui mừng và dâng lời Kinh Ngợi Khen (Magnificat, Lc 1,46–55), y như một bài thơ vậy:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;

Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,

Như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

Vì Người nhớ lại lòng thương xót

Dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.

Kinh Thánh cho biết rằng Đức Maria ở lại với bà chị Êlisabét độ ba tháng, rồi mới trở về nhà. Mẹ đã chứng tỏ lòng yêu thương với tha nhân khi vội vã đi thăm bà chị Êlisabét, đồng thời lại muốn chứng tỏ tình yêu thương đó qua việc ở lại giúp đỡ người chị đang mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ.

Trong Mầu Nhiệm Mai Khôi mùa Mừng, mầu nhiệm thứ tư: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên Trời. Xin cho con được chết lành trong tay Đức Mẹ. Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Xin cho con được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng. Hai mầu nhiệm này không chỉ nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa. Đường về dù xa hay gần, đường đi có thể gập ghềnh nhiều nỗi, nhưng có Đức Mẹ đồng hành thì chúng ta cứ an tâm tiến bước.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết “ái mộ những sự trên Trời”, quyết tâm hành động vì Nước Trời, dám khước từ trần gian để ưu tiên mọi sự vì Nước Trời, nhờ đó mà chúng con xứng đáng trở thành công dân Nước Trời vĩnh hằng. Lạy Mẹ, xin đồng hành và nâng đỡ chúng con luôn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) “Mông triệu” có gốc từ chữ Hán, được rút gọn từ 4 chữ “mông chủ (chúa ) sủng triệu”, những từ ngữ thường được nghe trong các phim lịch sử của Trung Hoa. “Mông” là “chịu” hoặc “được”, “triệu” là “gọi” (triệu tập, hiệu triệu). “Mông triệu” có nghĩa là “được sủng ái” (yêu mến) nên được Chủ (Chúa) gọi (về trời), Anh ngữ dùng thuật ngữ “dormition” nghĩa là “ngủ”, tức là “chết mà như ngủ”.

 

 

 

 

 

14. Lễ Đức Mẹ Lên Trời

 

Lễ Đức Mẹ Lên Trời (hay còn gọi là Lễ Đức Mẹ Mông Triệu) là một ngày lễ quan trọng của các Kitô hữu thuộc Giáo hội Công giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phương, Cộng đồng Anh giáo, vì họ tin rằng khi qua đời thì linh hồn và thể xác của Đức Maria đã được đưa về thiên đàng.

Giáo hội Công giáo Rôma định sự kiện này là một “tín điều” (điều phải tin) do Giáo hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển). Trong hiến chế này, Giáo hoàng Piô XII tuyên bố[1]: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác” bởi những lý do: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; thân các Đức Giêsu sinh ra từ thân xác Đức Maria (“caro Jesu est caro Mariae”); thân xác Đức Maria không hề sa sút nhưng vẫn trinh khiết vẹn toàn và bởi đó thật xứng đáng nếu thân xác ấy không bị hư nát sau khi chết; và vì đã liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô trong sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian, nên Đức Maria cũng thật xứng đáng được chia sẻ tình trạng vinh quang của thân xác.

Trong thánh kinh không có bằng chứng trực tiếp nào về việc Đức Maria lên trời. Hội thánh Công giáo rút ra kết luận đó từ cách gọi Đức Maria đầy ân sủng được ghi trong Tin mừng Luca (Lc 1,28). Vì đầy ân sủng nên Mẹ được gìn giữ khỏi phải chịu hậu quả của tội lỗi, tức là thân xác không phải hư nát sau khi chết và thân xác được hạnh phúc trên trời ngay cả khi ngày tận thế chưa đến. Khi đặt niềm tin vào việc Đức Maria lên trời, Hội thánh không dựa vào Kinh Thánh mà dựa vào truyền thống được kể lại. Đây chắc chắn là giáo lý đã được mạc khải, bởi vì các giám mục Công giáo trên toàn thế giới đã nhất trí tin rằng đó là một phần trong mạc khải của Thiên Chúa [2].

Ngoài ra, niềm tin về Đức Mẹ Lên Trời cũng được biết đến như là nền Thần học Thánh Mẫu trong Giáo hội Chính Thống Đông phương.

Đức Mẹ Lên Trời là một ngày lễ lớn, thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 8. Ở một số quốc gia, bao gồm: Áo, Bỉ, Chile, Ecuador, Pháp, Hy Lạp, Liban, Ý, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Senegal và Tây Ban Nha[3]. Các giáo hội Chính Thống giáo Đông phương theo lịch Julian nên ngày lễ này vào ngày 28 tháng 8, và là một ngày nghỉ lễ ở Cộng hòa Macedonia. Thành phố thủ đô của Paraguay được đặt tên là Asunción để tôn vinh sự kiện Đức Mẹ Lên Trời.

 

 

 

 

 

15. Hy Vọng Vì Có Mẹ Được Chúa Ân Thưởng Về Trời

 

Con rồng trong sách Khải Huyền được mô tả như là mầm mống của sự chết chóc vì nó đứng “rình người nữ sắp sinh con để nuốt lấy đứa trẻ” (Kh 12,4). Với từ ngữ và hình ảnh tượng trưng, sách Khải Huyền còn gợi lên cuộc chiến lâu dài giữa sự sống và sự chết, giữa Satan với Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Người sẽ toàn thắng.

Chúng ta biết, cuộc chiến giữa sự sống và sự chết, giữa sự thiện và sự ác là không cùng. Con người dù tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, vẫn luôn mang trong mình sự mỏng giòn.

1. Sự mỏng giòn của con người

Vốn mỏng giòn yếu đuối, cộng thêm lo âu, phiền muộn về sức khỏe, việc làm, về công việc gia đình phải gánh vác, những mập mờ vô định ngày mai của cuộc đời, lo con còn trẻ, cha mẹ khi đã về già, ốm đau bệnh tật, khủng hoảng về luân lý… tất cả đè nằng lên lòng trí con người. Làm sao không khỏi ngạc nhiên khi thấy thời đại chúng ta đang tụt hậu trước những biến cố của cuộc đời?

Trước những bất hạnh của thế giới, có người buông xuôi không làm gì hết, để mặc cho số phận. Có người cấp tiến hơn, quyết định từ bỏ một phần và tự sát. Có người từ chối truyền lại sự sống mà họ đã lãnh nhận và không chịu nhận cái khả năng có thể cho tương lai của chính họ và xã hội. Dần dần những nhà trẻ sẽ thay thế nhà hưu dưỡng!

Giữa cảnh đời lữ thứ, người Kitô hữu sống ra sao? Đức Tin của chúng ta thế nào khi đối diện với các thực tại như thế? Lễ Đức Maria hồn xác về Trời mang lại cho họ hy vọng gì trong cuộc sống?

2. Cuộc chiến thắng!

Chúng ta long trọng cử hành lễ Đức Maria hồn xác về trời với lòng sùng kính, giúp chúng ta trả lời những vấn nạn trên. Trước hết niềm tin của Giáo Hội đối với tín điều Đức Piô XII đã xác quyết năm 1950. Chúng ta tin Đức Maria, đã được đặc ân cả hồn lần xác về Trời. Điều đó muốn nói rằng sự chiến thắng con rồng trong sách Khải Huyền hoàn tất nơi Mẹ, Mẹ về ngự bên hữu Chúa để chuẩn bị chỗ cho chúng ta như Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.

Chúng ta tự hỏi, Đức Maria đã được rước lên Trời cả hồn lẫn xác có làm chúng ta thay đổi không ? Thánh Phaolô cho chúng ta câu trả lời: “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc” (1Cr 15,20). Đức Giêsu sống lại, có người tin, người không tin. Nhưng, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại thật, đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Việc Đức Maria hồn xác lên Trời là một thực tại khác: Đức Maria không phải là Thiên Chúa; Mẹ là nữ tử Israel, là một trong những thụ tạo như chúng ta, là người nữ giữa muôn vàn người nữ trên trần gian. Mẹ đã được tôn vinh, vinh quang của Mẹ liên quan đến chúng ta. Những đặc ân của Mẹ là kết quả cụ thể của ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho Mẹ và nhân loại (x. 1Cr 15,20–26). Mẹ được vinh hiển là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Việc Đức trinh Nữ được lên Trời hồn xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu (GLCG số 966).

Đức Tin không nói cho chúng ta biết điều gì về cái chết của Đức Maria. Có người cho rằng Đức Maria không chết, nhưng Đức Tin nói với chúng ta rằng sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria được Thiên Chúa tôn vinh.

Nơi Mẹ, cũng như Đức Giêsu Con Mẹ, cái chết không phải là hết, sự chết đã bị đập tan. Trái đất không còn là nơi giam hãm con người trong số phận đau thương, các tầng trời mở ra để loan báo một tương lai sáng ngời cho nhân loại. Sự chết đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta !

3. Sống trong hy vọng

Kinh Tạ Ơn của Đức Maria nêu rõ: “Chúa đã ra oai cánh tay thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng, Chúa lật đổ những người quyền thế, và nâng dậy những kẻ khiêm nhường. Phận đói nghèo Chúa ban của đầy dư… Vì Người nhớ lại lòng thương xót” (x. Lc 1,39–56). Chắc chắn Thiên Chúa không thể để chúng ta bị nghèo đói đè bẹp, khi chúng ta tin vào lời Chúa hứa.

Mừng kính Đức Trinh Nữ Maria hồn xác về trời, chúng ta không chỉ mừng vì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, mà còn mừng vì sự hiện hữu của nhân loại. Thánh Phaolô nói: “Anh em khỏi phải phiền sầu như những người khác, những kẻ không có hy vọng” (1Tx 4,13). Chúng ta cố gắng hiểu để sống sao cho xứng danh là người hy vọng.

Người trẻ sống hy vọng, khi họ hướng đến một tương lai khác và muốn sống quảng đại như Chúa muốn. Những người ở bậc gia đình sống niềm hy vọng, bằng cách hiệp nhất cùng nhau, thủy chung trong đời sống vợ chồng để yêu thương, trao ban hạnh phúc và sự sống cho con cái. Những người nam sống niềm hy vọng khi mau mắn đáp lại tiếng gọi Chúa để trở nên những Linh Mục, Phó Tế trong Giáo Hội, và lấy làm hạnh phúc vì được cộng tác vào sứ mạng cao cả của Đức Kitô Mục Tử! Chúng ta thật bất hạnh nếu chúng ta không có niềm hy vọng !

Người sống hy vọng còn là người dấn thân cải thiện đời sống xã hội và làm việc công ích, lương thiện với mọi người, chăm sóc những người ốm đau, bệnh tật, già nua để trao ban cho họ niềm tin và giá trị về sự hiện hữu của chính mình. Những người sống hy vọng cũng còn là người tránh xa bom đạn, bạo lực chiến tranh, không ham báo thù.

Vậy mỗi người chúng ta hãy sống hy vọng, hãy làm ngày lại ngày, không buông tay, mặc cho những ngang trái của cuộc đời. Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta can đảm chiến đấu mỗi sáng khi thức dậy cho cuộc sống đáng sống của mọi người trên trái đất, thì thật phúc cho chúng ta, như Mẹ Maria khiêm nhường phục vụ Chúa: “Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước!” (Lc 1,48).

Nếu như khi xưa Mẹ Thiên Chúa đã đến với bà Êlisabét, thì ngày hôm nay Mẹ vẫn đến với chúng ta. Mẹ mở rộng vòng tay nói với chúng ta rằng: hỡi con, hãy tin tưởng và hy vọng, Chúa đã dọn chỗ cho con. Amen !

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ

 

 

 

 

 

16. Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

 

TIẾN TRÌNH TÍN ĐIỀU MẸ LÊN TRỜI

Theo hai cha Pohle và Scheeben, mấy thế kỷ đầu không có dấu tích gì về lòng tin Đức Mẹ Maria: 15/8-56

Theo hai cha Pohle và Scheeben, mấy thế kỷ đầu không có dấu tích gì về lòng tin Đức Mẹ Maria lên trời. Nhưng một cái quách (sarcophagus) đầu thế kỷ IV, hiện ở nền nhà thờ Santa Engracia thành Saragossa (Tây Ban Nha), có bức chạm trổ hình Đức Mẹ lên trời. Và chứng tích của Thánh Epiphanô cho biết niềm tin Mẹ Maria bất tử và thân xác Mẹ vinh quang đã được truyền bá sâu rộng trong một ít giáo đoàn như Antiokia.

Do xác tín và ngợi khen “Chức phẩm Thiên Mẫu” và “Đức Đồng Ttrinh” của Mẹ là hai căn nguyên bước vinh quang của Người, Thánh Epiphanô mở đường cho lòng tin và sự xác quyết của các Thánh Giáo phụ, các Đức Giáo hoàng, các Giám mục, các nhà thần học và toàn thể Giáo hội.

1. Các Thánh Giáo phụ

Các Thánh Giáo phụ trong những thế kỷ đầu, như các Thánh Môđestô, Basiliô, Giêrônimô, Augustinô, Germanô, Đamascenô, và Thêôđôrê Studium, đồng thanh tung hô bước vinh quang của Mẹ Maria do chức phẩm Thiên Mẫu và đức Đồng Trinh của Mẹ .

Riêng Thánh Đamascênô nói: “Cần thiết rằng Con Thiên Chúa, khi sinh ra, đã gìn giữ vẹn tuyền đức Trinh của Mẹ, thì phải gìn giữ Mẹ khi chết, khỏi hư hoại. Đấng đã cưu mang Đấng Tạo Hoá cần được ở trong cung điện của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa cần phải có tất cả mọi điều thuộc về Con của Mẹ và cần được mọi thụ tạo tôn vinh”.

2. Các Đức Giáo hoàng

– Đức Adrianô I và Đức Pascalê I có những đồ thờ trang trí bằng hình ảnh Mẹ lên trời.

– Đức Alexanđrô III nói: “Mẹ Maria thụ thai không bị xấu hổ, sinh con không bị đau đớn, từ trần không bị hư hoại trong mồ, vì theo lời Thiên thần, Mẹ đã được đầy ơn”.

– Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V sửa đổi lại kinh Phụng vụ với bài đọc lễ Mẹ Lên Trời.

– Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV: Về ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, Giáo hội đọc các bài giảng của thánh Đamascenô và thánh Bênađô, thấy rõ ràng Rất Thánh Trinh Nữ lên trời cả hồn và xác. Đó là một dấu chỉ và một bằng chứng niềm tin của Giáo hội.

– Đức Giáo Hoàng Piô XII nối tiếp các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm về niềm tin đó. Trong Thông điệp “Corporis Mystici” ngày 29-6-1943, Ngài viết: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái Tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ”.

3. Các Đức Giám mục và toàn thể Giáo Hội

Ngày 23-2-1870, 200 Giám mục của Công đồng Vatican I làm đơn thỉnh nguyện Đức Thánh Cha định tín Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Năm 1920, 260 Giám mục từ nhiều nước, cũng hợp ý tâu xin, đầu tiên là các Giám mục nước Ý, nước Pháp, trong khi các Hội Đồng Giám Mục nước Đức, Áo, Anh, và Thụy Sĩ còn im lặng.

Năm 1934, sau năm năm chiến dịch “Forge Italiane” ráo riết vận động, 600 Tổng Giám mục và Giám mục đã chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý khắp thế giới, tâu xin Toà thánh định tín.

Tại Pháp và Ý năm 1929, một hội cầu nguyện được thành lập để xin Chúa cho việc định tín được thành tựu.

Đại Hội Thánh Mẫu tại Nantes năm 1924 cũng bày tỏ nguyện vọng đó.

4. Các nhà thần học

Nối tiếp các Thánh Giáo phụ và Thẩm quyền của Giáo hội, các nhà thần học qua các thế kỷ, cũng tích cực đồng tâm nhất trí về tín lý Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời:

Thế kỷ XII và XIII có các Thánh Albertô, Bônaventura, Tôma, Fullertô và các nhà thần học Hugh St. Victor, Sicard Cremona, Durand Mende.

Thế kỷ XV có Thánh Antôniô và nhà thần học Gabriel Biel. Thế kỷ XVI có các Thánh Canisiô, Bellarminô, các nhà thần học Suarez, Soto, Đức Hồng y De Berulle và cả trường phái Pháp.

Thế kỷ XVII có các nhà thần học Billuart, Theophile Raynaud.

Thế kỷ XVIII có Thánh Anphong, Đức Hồng y Lambertini (sau này là Đức Giáo hoàng Beneđictô XIV), các nhà thần học Sedlmayr, Trombelli.

Thế kỷ XIX và XX có các nhà thần học Scheeben, Lannerz, Janssens, Lagrange, Jugie, Roschini, Balic, Bittremieux và Đức Hồng y Lépicier.

Theo cha Deneffe, từ cha Scheeben, có ít là 18 nhà thần học xác quyết rằng tín lý Mẹ hồn xác lên trời có thể định tín.

Nhà thần học Sertillanges viết một câu rất dí dỏm về sự phục sinh của Mẹ: “Chúng tôi tin rằng đường lối mọi xác phàm phải ngoắt quay đi khi nói về Đức Trinh Nữ. Anh hùng ca của sâu bọ phải im bặt để chúng ta ca lên trên ngôi mộ này Hoan khúc Magnificat thay vì Ai khúc De profundis”.

Như vậy, toàn thể Giáo Hội, cùng với các Thánh Giáo phụ, các Đức Giáo Hoàng và các nhà thần học, đều cùng một niềm tin Mẹ Maria lên trời cả hồn và xác. Do đó, cùng với nhà thần học Bainvel, Dân Chúa tin tưởng tín lý Mẹ Hồn Xác Lên Trời mau chóng được định tín.

5. Chuẩn bị định tín

Ngày 1-5-1946, với Thông điệp “Deiparae Virginis” gửi các Giám mục khắp Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Piô XII cho biết từ năm 1840 đến năm 1940, những đơn thỉnh nguyện tâu xin Toà Thánh định tín Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, đã đóng thành hai cuốn sách. Những đơn thỉnh nguyện này do các Đức Hồng Y, các Thượng Phụ Giáo Chủ, các Giám Mục, đặc biệt 200 Nghị Phụ Công đồng Vatican I, các linh mục, tu sĩ nam nữ, các trường Đại học, các đoàn thể và đông đảo giáo dân.

Đức Thánh Cha xin các Đức Giám Mục cho ngài biết lòng sùng kính Đức Mẹ lên trời của hàng giáo sĩ, giáo dân của giáo phận các ngài và xin các ngài theo sự khôn ngoan, xét đoán thế nào về việc tuyên tín.

Ngày 30-10-1950, Đức Thánh Cha gửi tông thư cho Cơ Mật Viện, loan báo vào ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, một biến cố sẽ là niềm vui lớn lao cho toàn thế giới Công giáo. Đó là nhờ ơn soi động và sự trợ lực của Thiên Chúa, ngài sẽ tuyên tín Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Một tia sáng mới sẽ bừng sáng trên vầng trán của Mẹ mà từ xa xưa, qua các thời đại, Giáo Hội cùng với các Giáo phụ, tiến sĩ và các nhà thần học vẫn tin tưởng mộ mến và sùng kính Mẹ lên trời cả hồn xác.

Đức Thánh Cha cũng hỏi ý kiến Cơ Mật Viện về việc ngài sẽ long trọng tuyên tín Mẹ Hồn Xác Lên Trời như một chân lý đã được Thiên Chúa mặc khải.

Sau khi đã biết ý kiến tích cực đồng thuận, Đức Thánh Cha tỏ lòng hoan hỉ được các Hồng Y, Giám Mục đồng tâm nhất trí với ngài để chứng minh điều Giáo Hội vẫn tin tưởng, mộ mến và giảng dạy.

6. Ban hành Thông điệp “Munificentissimus Deus”

Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành Thông điệp “Munificentissimus Deus”, long trọng định tín Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời là một tín điều buộc mọi người phải tin.

Đại lược thông điệp bất hủ này là:

Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà Giáo hội nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Mẹ hồn xác lên trời.

Sau đó, Đức Thánh Cha lược qua tiến trình tín lý này qua đức tin của Giáo Hội, qua Phụng vụ, các Giáo phụ, các nhà thần học hằng tin tưởng Mẹ thụ thai, hạ sinh và nuôi dưỡng Chúa Kitô, thì sau cuộc đời này, Mẹ cũng được kết hợp với Chúa cả hồn và xác. Và Mẹ đã cùng với Chúa Kitô chiến thắng địch thù hoả ngục, thì Mẹ cũng được cùng với Chúa, khải hoàn vinh quang.

Đức Thánh Cha cũng kể qua cuộc chuẩn bị của ngài. Và ngài hy vọng rằng việc ngài định tín sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho thế giới quay về với Thiên Chúa Ba Ngôi, cho giáo dân thêm lòng sùng mến Mẹ hơn, hiểu biết giá trị đời sống con người và mục đích cao siêu của linh hồn và xác. Sau hết, đức tin vào Mẹ hồn xác lên trời sẽ làm thêm vững mạnh đức tin của chúng ta vào vinh phúc mai sau.

7. Định Tín

Tín điều Mẹ Maria đầu thai vô nhiễm do Đức Piô IX tuyên tín năm 1854, đã là một viên bích ngọc rực sáng trên triều thiên của Mẹ, và là một luồng sáng rọi chiếu vào tín lý Mẹ lên trời cả hồn xác đã loé sáng lên qua bao thế kỷ, để ngày nay, bừng sáng lên thành tín điều, thêm một viên hoàng ngọc trên triều thiên vinh quang của Mẹ.

Do đó, Lễ Các Thánh ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Rôma, trước 40 Hồng y, 500 Tổng Giám mục và Giám mục, hàng trăm đại diện chính quyền các quốc gia, hàng ngàn linh mục tu sĩ nam nữ và hơn 700,000 dân chúng, dưới bầu trời tươi sáng, Đức Thánh Cha Piô XII sốt sắng cất tiếng trong máy vi âm, ngân vang khắp Quảng Trường Thánh Phêrô, vọng vang vào Đền Thờ chật ních hơn 80,000 dân chúng, vang xa khắp hoàn cầu, vang lên tới cung trời cao thẳm, những lời trịnh trọng tuyên tín:

“Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha vừa dứt lời, thánh ca Te Deum do tất cả mọi người trong Quảng Trường Thánh Phêrô ca lên hùng tráng hoà nhịp với những tiếng chuông trầm hùng của Đền Thánh Phêrô và của 400 đền thờ khắp thành Rôma, như cùng với toàn thể thần thánh trên trời, hân hoan reo mừng chúc tụng ngợi khen Mẹ vinh quang của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của toàn thể loài người.

LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Đầu tiên, Giáo Hhội Đông Phương thành lập lễ tôn vinh Mẹ Thiên Chúa tại Giêrusalem sau Công đồng Êphêsô năm 431, và gọi là “Ngày của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”.

Năm 380, giáo đoàn Antiôkia, và đầu thế kỷ VI, Giáo hội Đông Phương gọi là “Lễ Mẹ ly trần”.

Năm 600, hoàng đế Maurice ra sắc lệnh mừng lễ này khắp nước Byzantine.

Khi quân Ba tư xâm chiếm Trung đông, các đan sĩ chạy sang Rôma năm 650, đem theo lễ này sang và đổi là “Lễ Mẹ Lên Trời” và mừng vào ngày 15 tháng 8.

Rồi từ Rôma, lễ này được lan đến Milan và Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha Sergiô I tổ chức một cuộc rước long trọng sùng kính Mẹ lên trời.

Thế kỷ VIII, lễ này lan sang Anh và Đức như Hội Đồng Giám Mục Áo tại Salzburg xác nhận, và sang Pháp do Hội Đồng Giám Mục Pháp tại Mayenne.

Dần dần, lễ này được lan tới tất cả các nước khắp thế giới.

Đức Giáo Hoàng Lêô IV qui định lễ Mẹ Lên Trời có tuần tám ngày, và Đức Giáo Hoàng Nicolas I cho biết từ lâu, lễ Mẹ Lên Trời có lễ Vọng ngày áp.

Thế kỷ thứ XIII, lễ Mẹ Lên Trời còn có ngày chay trước lễ và là lễ long trọng nhất các lễ Đức Mẹ.

Thế kỷ XVI, theo nhà thần học Suarez, lễ này đặc biệt hơn mọi lễ Đức Mẹ, vì bày tỏ cho chúng ta thấy vinh quang, phần thưởng và sự khải hoàn của Rất Thánh Trinh Nữ.

Thời Trung Ccổ, lễ Mẹ Lên Trời là ngày làm phép mùa màng và các hoa trái đầu mùa.

Năm 1950, lễ Mẹ Lên Trời có tầm quan trọng trong khắp Giáo hội do Đức Giáo Hoàng Piô XII định tín “Mẹ Maria lên trời cả hồn và xác” và qui định thành Lễ Trọng đặc biệt trong khắp Giáo hội với luật buộc mọi người tham dự Thánh lễ.

Năm 1970, Phụng vụ qui định lễ Mẹ lên trời là một lễ Đức Mẹ duy nhất có lễ Vọng vào chiều ngày 14, trước chính ngày lễ 15 tháng 8.

Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

1. Mẹ Maria hồn xác lên trời là biến cố sau cùng trong mầu nhiệm đời sống Đồng công Cứu chuộc của Mẹ đặc biệt liên đới với mầu nhiệm Nhập Thể Cứu thế của Chúa Giêsu, Con Mẹ.

2. Vì Mẹ đã chịu thai và hạ sinh Chúa Giêsu, thì sau khi về trời vinh quang, Chúa Giêsu cũng đưa Mẹ vào phúc vinh quang cùng với Người.

3. Mẹ đã cho thân xác Chúa sự sống nhân loại, thì đáp lại, Chúa cũng cho thân xác Mẹ sự sống trường sinh vinh quang.

4. Do đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thân xác trinh trong của Mẹ được thoát án lệ của tội Nguyên Tổ, mà được sống lại và lên trời cùng với linh hồn trong sáng của Mẹ.

5. Biến cố Mẹ lên trời hồn xác hoàn thành sự thánh thiện và huân nghiệp của Mẹ, là niềm ủi an và hy vọng tràn trề của chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh Hội Thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời.

6. Hồn Xác Mẹ lên trời vinh quang, được Chúa Ba Ngôi tôn phong làm Nữ Vương trời đất và làm Đấng Trung Gian ban phát mọi ơn lành cho chúng ta.

7. Đặc ân Mẹ Lên Trời vinh quang chung qui mọi đặc ân của Mẹ và là cùng đích trót cuộc sống, sứ mạng và huân công của Mẹ. Lễ Mẹ Lên Trời vinh quang chung kết mọi lễ tôn vinh Mẹ, nên là một lễ trọng thể và là lễ luật buộc.

Đặc ân Mẹ lên trời gồm nhiều điều kỳ diệu:

– Mẹ chết êm ái, không chút đớn đau,

– Mẹ phục sinh, không bị hư thối,

– Mẹ lên trời hiển vinh.

Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Khải huyền 11:19; 12:1-6, 10

Tác giả sách Khải huyền mô tả cuộc tranh hùng giữa thiện và ác, giữa dòng dõi con Rồng hoả ngục và dòng dõi người nữ là Mẹ Maria.

Mẹ được hình dung là một mỹ nữ mặc áo mặt trời như kiểu Thiên Chúa thường cho người phụ nữ ăn mặc (xem Kn 3:21; Mt 6:30) nghĩa là Thiên Chúa cho Mẹ mặc áo vinh quang tức là ánh sáng rực rỡ nhất là mặt trời.

Mẹ chân đạp mặt trăng. Mặt trăng khi tròn khi khuyết, tượng trưng sự đổi thay mà Mẹ không bị biến đổi theo thời gian, theo tứ thời bát tiết vì Mẹ làm chủ như đạp trên tất cả.

Đầu Mẹ đội một triều thiên mười hai ngôi sao. Các ngôi sao ở trên trời cao (xem G 22:12) tức là Mẹ làm Nữ Vương số đông dân chúng đầy đủ như mười hai chi tộc Israel. Triều thiên tượng trưng sự vinh thắng của Mẹ.

Tất cả điều lạ, là hình ảnh Khám giao ước mà Thiên Chúa dùng để ở cùng dân Người, và Người ở trong đó như ở trong Đức Trinh Nữ Maria.

Mỹ nữ đang mang thai và đã sinh một con trai. Con trai đây là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai mà Thánh vương Đavid đã tiên báo trong Thánh vịnh 2 và 110.

Con Rồng lớn màu đỏ là sức mạnh của thần dữ, không thể tiêu diệt Con Trai đó. Giáo Hội đã trải qua biết bao thời kỳ đẫm máu, nhưng quỉ hỏa ngục cũng không phá nổi (x. Mt 16:18).

Thiên Chúa sắp sẵn cho mỹ nữ một nơi trong sa mạc, nghĩa là Chúa đưa Giáo Hội vào nơi gian nan thử thách (x. Đnl 8:2). Giáo Hội gặp nhiều thử thách, nhưng Giáo Hội vẫn đứng vững.

Con trẻ được cất bổng lên ngai Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Kitô sẽ được phục sinh.

Sau hết, là bài ca chiến thắng: ơn Cứu độ, quyền năng và vương tước của Thiên Chúa đã toàn thắng và mọi uy quyền đều thuộc về Chúa Kitô.

Bài đọc II: 1 Côrintô 15:20-26

Cuộc chiến thắng thần dữ trong bài đọc này, trở thành một chiến thắng thần chết.

Sự sống lại của Chúa Kitô là mầm mống sự sống lại của chúng ta và là chân lý căn bản. Thiếu chân lý này, đức tin của chúng ta sẽ trở nên hão huyền (16-19).

Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa của mọi người đều phải chết. Hoa trái đầu mùa hiến dâng Thiên Chúa tượng trưng sự hiến thánh mùa màng cho Người (x. Đnl 26:1-11). Hoa trái đầu mùa còn là dấu hiệu bảo đảm mùa màng đầy đủ, tức là sự phục sinh của chúng ta trong vinh quang.

Sức mạnh thần dữ trong thế giới sẽ bị bại hoại và địch thù cuối cùng bị hủy diệt là thần chết.

Cuộc chiến thắng thần chết, chính là sự chiến thắng của Chúa Kitô phục sinh mà chúng ta sẽ được sống lại để cùng với Mẹ chia sẻ sự phục sinh của Người.

Phúc âm: Luca 1:39-56

Thánh truyện Mẹ Maria thăm viếng bà Elizabeth có nhiều điểm rất ý nghĩa cho lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Bà Elizabeth ca ngợi Mẹ Maria là diễm phúc hơn hết mọi phụ nữ, là vì bà nhận biết Mẹ là kẻ đã tin mọi điều Chúa truyền phán cho Mẹ sẽ thành hiện.

Lời ca ngợi của bà Elizabeth cũng giống như lời ca khen của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ cưu mang Ngài và vú Ngài đã bú” (Lc 11:27-28) mà Giáo Hội trích đọc trong Lễ Vọng Mẹ Lên Trời.

Đáp lại lời ngợi khen, chúc phúc của bà Elizabeth, Mẹ Maria tuyên tụng Chúa Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều cao cả, là vì Chúa đoái nhìn đến phận hèn của nữ tỳ của Người. Do đó, Mẹ nhận biết từ đây mọi thế hệ sẽ khen Mẹ có phúc.

Những điều cao cả nhất Chúa đã làm cho Mẹ, là một điều chứng tỏ sự quan phòng của Người:

– Hiền ái đối với những kẻ kính sợ Người,

– Cho no phỉ những người nghèo đói,

– Làm tang tóc bè lũ trí lòng kiêu căng,

– Trung thành lời hứa với các tổ phụ.

Trong dịp thăm viếng bà Elizabeth, Đấng toàn năng đã làm nhiều điều trọng đại cho Mẹ.

Phêrô, CMC

(http://dongcong.net)

 

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ