Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1374877

HIỆP NHẤT TRONG ĐỨC KITÔ

HIỆP NHẤT TRONG ĐỨC KITÔ-  Linh mục Bùi Quang Tuấn

Chuyện kể một nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp kỳ cạnh tranh gay gắt trong công việc, anh ta càng gia tăng lời khẩn cầu gấp bội.

Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên hiện ra với anh và nói: “Thấy nhà ngươi thành tâm cầu xin nên ta không nỡ chối từ. Thôi thì bây giờ cứ cho ta biết ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho… và đồng thời để tỏ cho nhân gian biết lòng quảng đại của ta thì hễ ban cho ngươi điều chi, ta cũng ban cho đồng nghiệp hay hàng xóm của ngươi như thế… và có khi gấp đôi luôn”.

Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng hân hoan qua sầu buồn lo lắng. Anh tự nhủ: “Nếu bây giờ mình xin một chiếc Lexus thì mấy thằng bạn…chúng nó sẽ được hai chiếc. Ái dà, thế thì không được! Nhưng nếu mình xin cho được trúng số 5 triệu thì mấy nhà hàng xóm… họ sẽ được tới 10 triệu. Thế lại càng không được! Còn nếu mình xin cho có vợ đẹp con khôn thì coi chừng đồng nghiệp sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình. Đó là chưa nói tới chuyện chúng nó được hai vợ, trong mình chỉ có một… Thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ. Nhưng xin như thế thì làm sao mà hơn được”.

Chàng thương gia nhíu mày đắn đo. Một lát sau, chợt anh ta reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến quì xuống và thưa với thần: “Lạy ngài, xin vui lòng cho tôi đui một con mắt”.

Quả là một lời khẩn cầu quái lạ! Không xin cho mình được may mắn vì sợ người khác trỗi hơn. Song lại xin cho mình rủi ro để kẻ khác sẽ bị tổn hại nhiều hơn. Xin cho mình đui một con mắt để kẻ khác mù luôn. Đây quả là tiểu nhân và quá dã tâm.

Thế nhưng, nếu thành thật rà soát lòng mình thì không chừng tính chất dã nhân và tiểu tâm kia, tức là những đố kỵ, ghen ghét, nhỏ nhen, tàn bạo lại đang ẩn nấp đâu đó trong người tôi, để rồi nếu được thành công may mắn hơn ai thì nó sẽ nằm im bất động. Thảng hoặc, nó còn tỏ ra “quảng đại” và “thương xót” kẻ không may. Nhưng nếu ai đó trổi vượt hơn mình thì cái chất tiểu tâm và dã nhân kia sẽ bùng lên khó lòng dập tắt.

Chính cái chất đố kỵ, ghen tương, so bì kia đã là mầm mống của boa chia rẽ, bè phái, tranh chấp, phân ly, giận hờn, đui chột, mù loà trong cộng đồng nhân loại. Lắm người chẳng chịu nhường bước ai; điều gì của mình cũng đúng hơn, đẹp hơn, tốt hơn, và như thế kẻ khác tất phải sai hơn, xấu hơn, và dở hơn.

Tình trạng hơn thua làm nảy sinh phe nhóm bè phái, cùng với bao tranh chấp ghét ghen, không chỉ xảy ra ngoài đời, trong các đoàn thể chính trị xã hội, nhưng phải đau lòng mà nói: có khi nó còn xuất hiện trong những tổ chức manh danh có đạo, hay thuộc về Giáo hội.

Và đâu phải chỉ có trong Giáo hội của thời đại hôm nay, nhưng từ thời sơ khai, hiện tượng tranh chấp, phe nhóm, cũng đã xảy ra: “Tôi, tôi về phe Appolo. Tôi, tôi về phe Phaolô. Còn tôi, tôi về phe Kêpha Phêrô”.

Sự phân chia phe nhóm trong cộng đoàn thế kia, một phần là do các sở thích và tình cảm cá nhân quá nặng. Một số thấy Phaolô là con người cương trực, ăn thẳng nói ngay, nên phục và mến lắm. Nhưng số khác thì không chịu nổi tính khí đó, nên đã chạy theo Phêrô, vị này vừa là thủ lãnh tông đồ lại vừa “dễ dãi, sao cũng được”. Thơ Galat có kể rằng khi vắng mặt các thành viên Do thái trong cộng đoàn thánh Giacôbê, Phêrô đã ngồi ăn chung, uống chung với dân ngoại, nhưng khi thấy họ đến thì ông lại tránh đi. Thế nên một lần kia Phaolô đã trách Phêrô trước mặt mọi người: “Nếu ông, một người Do thái, ông còn sống như người ngoại chứ không như người Do thái, thì làm sao ông lại thúc bách người ngoại sống như Do thái được?” (Gal 2:14).

Có lẽ vì Phêrô “dễ dãi” như thế nên nhiều người thích và đi theo ủng hộ. Trong khi đó một số người khác lại khoái Apollo. Ông này ăn nói lưu loát, có khả năng diễn thuyết hùng hồn, bao biện luận để minh chứng Chúa Giêsu là Đức Kitô thật là sắc bén và chí lý. Thế nên họ thích nghe hơn, và rồi cái gì Apollo nói cũng đúng, cũng hay; còn Phaolô thì cứng quá, và Phêrô lại mềm mỏng quá.

Những khuynh hướng lưu luyến và tình cảm nặng tính cá nhân đó đã tạo nên phân rẽ trầm trọng trong cộng đồng Dân Chúa thời sơ khai, đến nỗi Phaolô đã kêu lên: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được đồng tâm hiệp ý với nhau. Đừng chia rẽ, nhưng hãy đoàn kết trong cùng một thần trí và một tâm tình”. (1 Cor 1:10).

Thiết tưởng, lời kêu gọi đó vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay, trong mọi cơ cấu tổ chức của giáo xứ, cộng đoàn, và gia đình. Hãy đồng tâm ý hiệp với nhau. Đừng vì khuynh hướng, sở thích, quan điểm, hay tình cảm cá nhân chi phối mà ủng hộ, hợp tác với người này người nọ hoặc chống đối, chê bai, lạnh lùng với người kia.

Lời thánh Phaolô vẫn còn đó: Đức Kitô bị phân chia rồi sao? Chân lý và Tin mừng của Đức Kitô bị xé mãnh rồi sao? Và Tin mừng làm sao có được trong ghen ghét, tị hiềm, đố kỵ, phân ly, xâu xé. Có chăng chỉ là tin buồn thôi.

“Nhân danh Đức Kitô, tôi nài xin anh em hãy liên kết trong cùng một thần trí và một tâm tình”. Thần trí đó là thần trí yêu thương, và tâm tình đó là tâm tình khiêm hạ. Chớ ao ước những điều bất chính, khổ đau cho kẻ khác. Đừng muốn mình chột để người ta bị mù. Nhưng hãy cầu cho nhau những sự may lành. Hãy “vui với người vui”, vì điều đó đôi khi còn khó hơn “khóc với người khóc”. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cho nhau. Và điều quan yếu, hãy hiệp nhất với nhau.

Hiệp nhất chính là tinh thần và sứ mạng của Chúa Giêsu mà những ai tự xưng là môn đệ của Ngài phải tiếp nối. Bởi lẽ Chúa Giêsu đến thế gian không mục đích nào khác hơn là gieo trồng hiệp nhất: hiệp nhất con người lại với Thiên Chúa, hiệp nhất con người lại với nhau, hiệp nhất bao tan vỡ tâm hồn hầu qua đó tình thương của Thiên Chúa, bình an từ trời cao, và niềm vui ơn cứu độ được tuôn trào đến khắp trần gian.

Tình thương, bình an, và niềm vui đó cũng chính là phần thưởng muôn đời cho những ai can đảm bước trên con đường mà Đức Giêsu đã đi.

 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN- A

ÁNH SÁNG HIỆP NHẤT– Lm. Phạm Quốc Hưng

“Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng lớn lao; và kẻ ngồi trong bóng tối sự chết, một ánh sáng đã rạng lên”.

Ngày nọ, một vị linh sư gọi các đệ tử của mình lại và hỏi họ: “Khi nào thì ta biết đêm chấm dứt và ngày bắt đầu?” Các đệ tử liền lần lượt trả lời: “Khi ta có thể thấy được sự khác biệt được giữa con trâu và con bò”; “Khi ta có thể phân biệt được con vịt và con ngan”; “Khi ta có thể nhận dạng được trái cam và trái táo.” Vị linh sư gật gù và nói: “Các con đang nói về ánh sáng tự nhiên như yếu tố phân biệt ngày và đêm. Nhưng chúng con có biết khi nào thì chúng ta có ánh sáng tâm linh để ra khỏi bóng đêm của tâm hồn không?” Thấy họ bối rối, ngài liền nói: “Khi chúng ta nhận ra những người xung quanh thực sự là anh chị em của mình để yêu thương và giúp đỡ họ”.

Trong Tin mừng hôm nay, khi thuật về việc Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời truyền giáo công khai và kêu gọi các tông đồ đầu tiên, thánh Matthêô đã giới thiệu Chúa Giêsu như Đấng đã làm trọn lời ngôn sứ Isaia đã nói trước đây: ” Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng lớn lao; và kẻ ngồi trong vùng bóng tối sự chết, một ánh sáng đã rạng lên” (Mt 4:16 & Is 9:1).

Theo đó, Chúa Giêsu chính là ánh sáng đem lại sự sống thần linh và tình yêu hiệp nhất cho nhân loại, ánh sáng tâm linh mà vị linh sư muốn nói đến trên đây, như chính Chúa đã tuyên bó sau này : “Sự sáng thế gian, chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống” (Jn 8:12) Thực vậy, Chúa Giêsu đã dạy mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha duy nhất và hết thảy mọi người là anh chị em của nhau nên phải thực sự yêu thương hiệp nhất với nhau.

Sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu thực là ngắn ngủi vì được tóm gọn trong một câu: “Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần bên” (Mt 4:17)

Sự hối cải mà Chúa Giêsu muốn mói đến ở đây chính là việc chúng ta phải bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, ganh tương, đố kỵ, chia rẽ để bước vào ánh sáng ban ngày của yêu thương và hiệp nhất. Vì tội lỗi suy cho cùng chính là sự phá hủy liên hệ yêu thương hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người, để từ đó dẫn đến sự chia rẽ rạn nứt nơi chính nội tâm con người và giữa con người với nhau.

Chúa Giêsu đến trần gian không có mục đích gì khác hơn là khôi phục lại sự hiệp nhất hài hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa con người với nhau, và chính nơi tâm hồn mỗi người. Sự hiệp nhất trong tình yêu này chính là lý tưởng của Chúa Giêsu và là điều Ngài hằng tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha để trở nên hiện thực như lời cầu nguyện hiến tế của Ngài : “để hết thảy chúng nên một” (Jn 17:21)

Và Chúa Giêsu đã phải trả giá cho sứ mạng này bằng sự sống, sự chết và sự sống lại của chính Ngài. Ngài đã trở thành chính sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người, cũng như là nguyên lý tạo thành sự hiệp nhất giữa con người với nhau và nơi chính bn thân mỗi người. Chấp nhận Chúa Giêsu có nghĩa là chấp nhận ánh sáng sự sống, ánh sáng dẫn ta bước đi trên con đường yêu thương hiệp nhất.

Các môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi trong Tin mừng hôm nay là những người được mời gọi sống tinh thần yêu thương hiệp nhất ấy. Thời gian các ông theo Chúa là thời gian các ông được Chúa huấn luyện để hối cải từ một lối sống chia rẽ, ghen tương, đố kỵ đến một cuộc sống yêu thương hiệp nhất. Dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô cũng không gì khác hơn là tình yêu hiệp nhất: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau” (Jn 13:35). Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng được đánh dấu bằng tình yêu hiệp nhất này: “Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Đền thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành” (Acts 2:46)

Theo gương Chúa Giêsu, trong bài học hai của thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô – vị tông đồ dân ngoại – đã kêu gọi các tín hữu tiên khởi sống tinh thần yêu thương hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn và tỏ dấu quan tâm về sự chia rẽ bè phái đang diễn ra nơi họ. Thánh Tông đồ viết: “Hỡi anh em, nhân Danh Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được đồng ý với nhau hết thảy, đừng để có sự chia rẽ trong anh em, nhưng hãy đoàn kết trong cùng một tâm trí, cùng một quan điểm” (1 Cor 1:10).

Trong ánh sáng của Chúa Kitô, thánh Phaolô nhận ra tất cả tín hữu đã liên kết chặt chẽ với nhau và làm nên một thân thể duy nhất nơi Chúa Kitô nhờ Thần khí Người. Tất cả mọi sự chia rẽ trong cộng đoàn Hội thánh đều là những hành động chia cắt chính Chúa Kitô. Sự chia rẻ bè phái xảy ra trong Hội thánh ở Corinthô là vì các tin hữu không đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô nhưng lại dựa vào uy thế của các vị lãnh đạo khác nhau. Đây là dấu chỉ cho thấy đức tin của các tín hữu ở đây còn là một đức tin ấu trĩ què quặt, một đức tin chưa trưởng thành vì không dựa vào Chúa Kitô mà chỉ bám vào tình cảm cá nhân dành cho người này hay người khác.

Mới đây, một giáo dân ở một giáo xứ nọ cho tôi hay là bà và gia đình cảm thấy chán nản buồn rầu bỏ cả xưng tội chịu lễ như muốn mất đức tin chỉ vì có sự thay đổi cha xứ, vì linh mục ở giáo xứ bà không làm gương về sự yêu thương hiệp nhất như các ngài thường giảng, và vì có sự chia rẽ bè phái trong giáo xứ.

Tâm sự của bà đã cho thấy niềm tin của bà chưa phải là một niềm tin trưởng thành vì còn lệ thuộc quá nhiều vào tư cách của các chủ chăn mà chưa đặt trọn nơi Chúa Kitô. Nhưng sự kiện này cũng cho thấy sự yêu thương hiệp nhất là yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống của một cộng đoàn Kitô hữu. Thiếu yêu thương hiệp nhất, đời sống cộng đoàn trở nên buồn nản và có thể dẫn đến sự tan rã của cộng đoàn. Vì vậy, bổn phận của mỗi người trong cộng đoàn Kitô hữu là phải dấn thân hy sinh để xây dựng tình thương và hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn, phải quên mình và từ bỏ những ý riêng để gìn giữ sự hiệp nhất trong Chúa với tha nhân.

Khi thấy sự hiệp nhất yêu thương của gia đình, cộng đoàn hay giáo xứ bị suy thoái và tổn thương, mỗi người cần phải xét mình và cố gắng từ bỏ tất cả những gì có thể làm thiệt hại đến sự hiệp nhất yêu thương. Việc bỏ bê các việc đạo đức hay các sinh hoạt trong cộng đoàn và nhất là việc nói hành nói xấu nhau lúc này không giúp ích gì mà chỉ gây thêm tội trước mặt Chúa. Trái lại, đây là lúc mỗi người trong cộng đoàn càng phải khiêm nhường và khoan dung nhẫn nại hơn trong cách đối xử với nhau, phải nỗ lực tha thiết hơn trong đời sống cầu nguyện, và phải siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh thể là nguyên lý của sự hiệp nhất trong cộng đoàn để xin Ngài tái tạo và củng cố sự hiệp nhất nơi cộng đoàn.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng tái tạo hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người cũng như hiệp nhất giữa con người chúng con với nhau, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Chúa giúp chúng con được ơn hối cải đểtừ bỏ tất cả những cảm nghĩ, lời nói và hành động nào có thể làm tổn thương sự hiệp nhất của chúng con với Chúa và với nhau. Xin Chúa giúp chúng con biết nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất trong mọi môi trường chúng con sống. Xin soi sáng cho chúng con nhận biết rằng mọi người chúng con là anh chị em với nhau vì có cùng một Cha trên trời, và cùng là chi thể của nhau, để chúng con luôn sống như những người con thảo của Chúa Cha và những chi thể đích thực của Nhiệm thể của Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN-A

ƠN GỌI ĐÂU DÀNH ĐỂ RIÊNG AI- Lm. Giuse lê Quan Trung

Có lẽ do khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai về Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu đã tuyền chọn bốn môn đệ đầu tiên: Simon Phêrô-Anrê-Giacôbê-Gioan, mà sau này cả bốn vị đều trở thành Đức Giám Mục với vị đứng đầu là Đức Giáo Hoàng tiên khởi Phêrô, mà từ đó rất nhiều người, hễ nghe nói tới ơn gọi, là họ nghĩ ngay đến ơn thiên triệu, ơn gọi giáo sĩ, tu sĩ, ơn gọi dâng hiến, ơn gọi “độc thân vì nước trời”!

Cũng từ đó, nhiều thảm cảnh đã xảy ra trong các gia đình, họ tộc: không chấp nhận những đứa con đã đi dự tu, đã vào chủng viện, đã vô nhà dòng, mà còn dám cả gan bỏ Chúa, dám trở lại thế gian để lấy chồng, lấy vợ!

Họ coi đó là một nỗi ô nhục, một vết chàm tím bầm mà muôn đời không cách nào tẩy xóa được. Giận cho họ mà cũng thương cho họ biết bao!

Ý Chúa nào phải chỉ tuyển một ơn gọi đóng khung! Một ơn gọi tách biệt! Một ơn gọi riêng lẻ! Chúa muốn tất cả mọi người đều trở thành người thợ trong vườn nho của Chúa tùy theo khả năng, tùy theo tấm lòng, tùy theo sự lựa chọn của tự mỗi người mà! Không hiểu đúng ơn gọi sẽ không chọn đúng ơn gọi. Không chọn đúng, không thể nào sống đúng! Và nỗi bất hạnh chắc chắn sẽ xảy ra,chỉ là sớm hay muộn thôi!

1) Hạnh phúc đâu chỉ trong đời dâng hiến:

Lựa chọn nào cũng có mất mát. Tuyển lọc nào cũng có rụng rơi. Hạnh phúc nào phải cũng trả giá. Mộng mơ một hạnh phúc vẹn tuyền, toàn hảo, không đau đớn, không đánh đổi, không hy sinh, là một ảo vọng! Ngay bước khởi đầu khi được Chúa gọi mời,với bản chất tự nhiên và nhân bản,ai dám bảo bốn môn đệ tiên khởi đều thanh thản, vui vẻ, phấn khởi lên đường liền? Cũng phải đớn đau từ giã mẹ cha. Cũng phải đắng lòng rời con xa vợ. Cũng phải bịn rịn chia tay bạn hữu. Tình người chia cắt, phải dễ đâu một sớm một chiều! Trình thuật của thánh Matthêu ngắn gọn (Mt 4, 18- 4,22), nhưng sự lựa chọn của các ngài, quyết tâm theo Chúa của các ngài, bỏ lại sau lưng tất cả thân bằng quyến thuộc của các ngài, thật không đơn giản chút nào nếu ta đọc hết cả bốn tin mừng mà bốn thánh sử Matthêu, Maccô, Luca và Gioan đã ghi lại. Không ít lần họ đã bị thử thách mà thử thách đến tận cùng: bằng chính cái chết để thể hiện, để bảo vệ, để giữ trọn và để phát triển niềm tin của mình.

Chúa gọi nhiều, chọn ít! Ai cũng biết điều đó. Nhưng “ít” đây không có nghĩa là loại trừ nhóm không được chọn! Với Chúa, mỗi người Chúa giao những nén bạc riêng, trong những hoàn cảnh riêng, môi trường riêng, khả năng riêng. Hạnh phúc nhất chính là khi ta tìm gặp niềm vui nơi chính ơn gọi, vị trí, chổ đứng của mình trong ý định của Thiên Chúa với sự cộng tác tích cực của mình. Khi mình yêu thích công việc ấy và biết chắc, dẫu lựa chọn đó sẽ có thể một lúc nào đó gây cho mình nhiều đớn đau, nhiều buồn tủi, nhiều cam go, nhưng rồi mình sẽ đủ sức vượt qua vì tình yêu và niềm vui đã đủ lớn để trợ lực cho sự lựa chọn của mình.

2) Hạnh phúc đâu chỉ nếp sống hôn nhân:

Chỉ những ai đã từng nếm trải cuộc sống hôn nhân mới cảm nghiệm rõ một điều: hôn nhân không chỉ toàn là đóa hoa hồng hạnh phúc! Mà trong đó cũng có đủ vị cay đắng ngọt bùi! Không ít người đã quyết tâm hiến dâng đời mình để phục vụ Chúa và tha nhân trong nếp sống tu trì, nhưng rồi nữa đường gãy gánh, vì không lường trước hết cái giá phải trả của nếp sống ấy. Bởi một chút nản chí sờn lòng vì nhiệt tình phục vụ của mình không được đón nhận hay đáp ứng một cách tích cực, không cậy nương vào Chúa, không đủ tình với Chúa… Bến bờ tựa nương của họ sẽ là những luật bù trừ: đặt tình yêu của mình vào một đối tượng khác! Để rồi khi cơn khủng hoảng dịu lại,qua đi, hiểu được chuyện thì đã muộn màng! Bởi họ không lường trước được: hôn nhân đâu chỉ là những đóa hồng tươi! Gặp lúc nắng, hồng tươi cũng héo!

Ngay thuở ban đầu, Chúa đã liên kết con người bằng tình yêu giới tính, bằng kết hợp âm dương, bằng tình yêu nam nữ. Chính ơn gọi đó đã dẫn dần đến ơn gọi hiến dâng. Ai sống đúng ơn gọi của mình, người đó sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực! Dù ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, cái nào cũng có niềm vui và nỗi buồn, đắng cay và ngọt dịu, khó khăn và dễ dàng của nó. Miễn là ta thực sự yêu chính đời sống của ơn gọi đó, thì mầm hạnh phúc không ở đâu xa.

3) Hạnh phúc còn ở nhiệm vụ Chúa trao:

Ơn gọi hiến dâng, ơn gọi gia đình, là những ơn gọi đặc biệt mà Chúa trao ban và ta tự đón nhận để tìm hạnh phúc cho đời mình. Đã chọn, đừng luyến tiếc! Đã chọn, đừng “bắt cá hai tay”! Đã chọn, đừng ngậm ngùi tủi phận, đừng ân hận dày vò, đừng đắn đo ngó lại! Hạnh phúc nhất là hiểu đúng lời Chúa dạy! Sống đúng lời Chúa trao! Làm đúng lời Chúa dặn! Không dễ, cũng không khó, nếu ta biết: hạnh phúc thật của đời ta không có điểm dừng, điểm tận cùng, điểm kết thúc ở đời này, mà là ở cuộc đời mai hậu.

Làm tròn bổn phận và tìm được niềm vui trong bổn phận, đó đã là hạnh phúc!

Chu toàn nhiệm vụ được giao,là ta đã đáp ứng thật tâm lời mời gọi của Chúa: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Bài ca sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời của một ngư phủ chuyên nghiệp, của một thợ vườn nho lành nghề chính là đời sống tỏa rạng niềm vui và hạnh phúc trong chính đời sống chứng nhân nơi ơn gọi mà mình đang sống, làm tròn những bổn phận: chủ chăn nơi cộng đoàn đức tin, cha mẹ con cái trong gia đình, ban mục vụ, ban hành giáo, ca đoàn, lễ sinh, giáo dân trong giáo xứ và thấy mình luôn bình an, luôn hạnh phúc dù gặp không ít những trắc trở khi sống khi thực hiện những nhiệm vụ đó, là mình đã không bị lệch hướng trên con đường đáp lại lời Người!

home Mục lục Lưu trữ