Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 57
Tổng truy cập: 1371220
HỌC YÊU
“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng, Lề luật của Ta” (Gr 31,33). Chắc hẳn Lề luật mà Thiên Chúa muốn khắc ghi vào tâm khảm dân của Người chính là Luật của tình yêu. Sau này chính Con Một Người nhập thể đã khẳng định rằng mọi lề luật và lời ngôn sứ gồm tóm trong điều này là anh em hãy làm cho tha nhân những gì anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).
Một trong những khao khát đượm tình hiện sinh của con người đó là được sống và sống mãi. Cái khát vọng này như đã trở thành vô vọng với cả những người quyền cao chức trọng, với các vua chúa xưa nay. Sở dĩ nó đã trở thành vô vọng, vì người ta quá băn khoăn về cuộc sống đời này trong sự vị kỷ. “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Sự coi thường ở đây không phải là thái độ lơ là, vô trách nhiệm, mà là một sự hiến mình vì tha nhân trong tình yêu.
Quy luật của tình yêu đã được thánh Phanxicô Axidi phác họa trong lời kinh hoà bình: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chắc hẳn thánh nhân thuộc nằm lòng lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Đã là quy luật thì có tính khách quan cần phải tuân thủ. Để tuân thủ quy luật nào đó thì trước hết phải nhận biết nó. Thế nhưng không phải mọi quy luật đều hiện hữu cách minh nhiên dễ thấy, dễ nhận ra. Định luật vạn vật hấp dẫn đã có từ khi vũ trụ hình thành thế mà đến cuối thế kỷ XVII Isaac Newton mới phát hiện. Việc khám phá định luật này là kết quả của một quá trình nghiên cứu mà việc thấy quả táo rơi chỉ là điểm khởi đầu. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5,9), nói đúng hơn, đó là Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là yêu thương.
Yêu thương không hẳn chỉ là cho đi những gì mình có. Với quyền năng của Đấng tạo thành, có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô có thể biểu lộ tình yêu bằng việc cung cấp lương thực cho con người. Người cũng đã biểu lộ tình yêu bằng việc giáng phúc thi ân chữa lành bệnh tật, cho người què được đi, người mù được thấy người điếc được nghe… Người cũng đã biểu lộ tình yêu khi làm chủ thiên nhiên hay làm chủ cả quỷ thần. Người lại đã từng biểu lộ tình yêu khi làm cho một số người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, nếu chỉ cho đi những gì mình có bằng khả năng và quyền hạn của mình thì cũng chưa hẳn đã là yêu đến cùng.
Yêu thương cách đích thực là cho đi những gì mình là. Phút giây nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện cho đi thân phận của một vị Thiên Chúa. Lời đáp ca trong Thánh Lễ Truyền Tin, nói đúng hơn là Thánh Lễ mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể: “Hy sinh và lễ vật, thì Chúa chẳng ưng, này Con xin đến để thực thi ý Người” (x.Tv 40). Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nỗ lực không ngừng cho đi cái thân phận của Đấng Thiên Sai, Đấng từ trời mà xuống, để sống kiếp “không chỗ tựa đầu” (x.Lc 9,58). Vì yêu thương Chúa Giêsu đã đau xót đến tột độ đến nỗi mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu trong vườn cây dầu, để rồi cho đi thân phận một con người, thân phận của vị vua trên các vua và cả thân phận Con Thiên Chúa của mình bằng cái án bất công và cái chết ô nhục trên thập giá. “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23,37). Người vẫn ở đó, trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.
Mất những tất cả gì mình có, thật đau xót, nhưng dẫu sao vẫn còn chính mình. Mất tất cả những gì mình là, đúng là một điều tồi tệ, vì chẳng còn gì, ngay cả bản thân. Thế nhưng khi cái điều tồi tệ ấy khi được thực hiện bằng sự ý thức và tự do vì hạnh phúc của tha nhân, thì nó trở thành tiền đề cho tiến trình yêu thương và phát triển. Khi bị mục nát đi, chẳng còn là hạt lúa thì cây lúa mọc lên và các gié lúa trĩu hạt hình thành.
Đã yêu là phải tuân thủ quy luật của tình yêu. Để biết được quy luật thì phải học hỏi, tìm tòi. Học mà thôi, vẫn chưa đủ, cần phải tập luyện liên lỉ. Có đau đớn và cũng có xót xa. Có xao xuyến và cũng có hy sinh. Nhưng không thể không tập luyện. Để được sống và sống dồi dào, để sinh được hoa trái và hoa trái tồn tại, khởi đầu xin hãy tập cho đi những gì mình có và tiến dần đến chỗ trao ban những gì mình là, vì người mình yêu, vì người yêu mình, vì cả người ghét mình lẫn kẻ bách hại mình.
70. Chuyện tình có hậu
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Hàng năm theo niên lịch phụng vụ, để chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh, Hội Thánh không chỉ dành quãng thời gian mùa Vọng mà còn dành một tuần đặc biệt từ 17-24/12 như thời gian chuẫn bị gần. Tuần đặc biệt này có các bài đọc riêng để giúp tín hữu y thức hơn. Để đón mừng đại lễ Phục Sinh, đón mừng mầu nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh của Đức Kitô thì có những ngày mùa chay thánh và tuần lễ chuẩn bị gần khởi từ chủ nhật thứ V mùa chay. Xin chia sẻ đôi nét suy nghĩ được gợi ý từ hai bài đọc của ngày thứ hai tuần đặc biệt này: bài trích sách tiên tri Đaniel kể về chuyện bà Suzana và bài trích tin mừng thánh Gioan về chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang.
Thưở còn “làm chú” trong Tiểu Chủng Viện dù phải nghe một bài đọc rất dài, bài trích sách tiên tri Daniel nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy oải vì chuyện kể về bà Suzana vừa hấp dẫn vừa lôi cuốn trí tò mò của các chú thiếu niên đang độ tuổi nhổ giò. Hơn nữa, ai cũng hể hả như vừa theo dõi một cuốn phim hay, một câu chuyện đậm tính bi hài mà lại kết thúc có hậu: kẻ gian ác phải chết còn người vô tội thì được cứu sống. Câu chuyện bà Suzana còn trên môi miệng những chú tinh nghịch trong các giờ chơi những ngày sau đó: nè,cho tao biết cây chò hay cây sồi? Sự tinh nghịch của chúng tôi cũng có phần do thích thú trước trí thông minh của cậu bé Đanien biết phân biệt điểm khác nhau giữa sự thật và điều dối trá. Sự thật vì chỉ có một nên phải tương đồng còn điều dối trá thì dễ khác biệt. Đây là một trong những chìa khoá giúp các nhà điều tra tìm ra sự thật hoặc phát giác sự giả dối. Hai người gian dối nếu không quá lanh mưu hay lưu manh thì rất dễ lộ tẩy do những khác biệt trong lời khai về một vấn đề hay một sự kiện. Đanien đã khôn ngoan tách hai ông lão dù tóc đã bạc nhưng tuổi mãi ở tầm 35 riêng ra để tra xét. Và thế là sự dối trá đã lộ ra nơi chính lời khai của hai ông. Người thì nói bà Suzana phạm tội dưới gốc cây sồi ông kia lại bảo dưới gốc cây chò. Thú thật khi chọc ghẹo nhau, lũ mới lớn chúng tôi đã tự thú nhận trí tò mò của mình về những chuyện “rồi ai cũng sẽ biết”. Tuy nhiên phải nhìn nhận điều này rằng tính có hậu của câu chuyện làm ai ai cũng hể hả. Kẻ gian ác, dù là vị vọng hay quyền cao chức trọng cũng phải chết, phải bị nghiêm trị còn người vô tội cần được cứu sống, người thấp cổ bé miệng và người bị bóc lột, bị áp bức cần được giải phóng. Chúa đã thực thi điều ấy và chúng ta đương nhiên phải làm như vậy. Phải có công bình và cần giữ công lý nghiêm minh.
Trên núi cây dầu, trời vừa tảng sáng, một đoàn người trai gái, già trẻ, lớn chức, bé quyền đủ cả, mặt hí hửng dẫn một chị phụ nữ ngoại tình đến gặp Chúa Giêsu: “Thưa thầy hạng phụ nữ này theo luật Môsê thì phải ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy thế nào?”. Thánh Gioan nhận ra đây chính là một mũi tên nhắm hai mục đích mà mục đích chính là Chúa Giêsu. Những tưởng rằng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Chúa Giêsu thế nào cũng bị sập bẫy, một cái bẫy tinh quái, hiểm độc do các luật sĩ và biệt phái giăng ra để thực hiện âm mưu thâm độc của mình. Các ông này không ngần ngại thức trắng đêm để bắt tại trận tội yếu đuối, bất trung của người phụ nữ để làm mồi nhử, hãm hại Chúa Giêsu. Nếu tội của người phụ nữ là một thì tội các ông này phải đáng mười vì đâu phải do yếu đuối như chị phụ nữ kia mà là do lòng nham hiểm ác độc, một sự ác độc nham hiểm tột độ đến nỗi không chừa một thủ đoạn bỉ ổi nào.
Chúa Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất và khi bị gặn hỏi nhiều lần Ngài đã đứng lên rồi ôn tồn: “Ai trong các ngươi xét mình vô tội hãy ném đá chị này trước đi’. Rồi Ngài lại cúi xuống tiếp tục lấy ngón tay viết lên đất. Không biết Chúa Giêsu viết những gì nhưng chắc chắn khó có ai đọc ra vì trời vừa tảng sáng và khoảng cách giữa Ngài với đám đông chắc không thể gần vì có sự ngăn cách của người phụ nữ, nhất là đám đông đứng đối diện thật khó mà đọc được những gì Ngài viết. Xét theo công lý như cảm nghĩ của con người thì những người có mặt sáng hôm ấy (trừ Chúa Giêsu), tất thảy đều phải chết, nhất là những kẻ lòng dạ nham hiểm, ác độc.
Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của ta và đường lối của ta vượt cao hơn tư tưởng và đường lối các ngươi bấy nhiêu. Mạc khải của Thiên Chúa dần hé mở qua lời của tiên tri Isaia. Mạc khải ấy nay hiện thực và nên hoàn hảo nơi chính Đức Giêsu: kẻ có tội, người gian ác không phải chết. Đám đông hung dữ hôm ấy lẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đã được cứu sống bằng lòng nhân hậu của Chúa Giêsu. “Ta cũng không kết tội chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không chỉ khoan dung với chị phụ nữ mà còn tế nhị đánh thức lương tri của đám đông hiểm độc bấy giờ. Thánh Gioan đã tường thuật rằng sau khi ngẩng lên nói: “Ai trong các ngươi…… “thì Ngài lại cúi xuống viết dưới đất. Giả như lúc bấy giờ sau khi nói, Chúa Giêsu vẫn ngước mắt nhìn chằm chằm vào đám đông thì thử hỏi có được mấy ai tự nguyện rút lui, nhất là người rút lui đầu tiên. Hình như Chúa Giêsu không muốn nhìn, Ngài tế nhị tạo cơ hội cho những người hôm ấy nhìn nhận tôi lỗi mình và rút lui trong danh dự. “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tôi lỗi của loài người, để họ còn ăn năn hối cải’ (Kn 11,23). Kẻ gian ác đã được cứu sống đúng như lời Chúa đã phán: “Ta lấy mạng sống ta mà thề: Ta đâu muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống”. (x.Ed 18,23).
Lẽ công minh theo cảm nghĩ của con người, một kết cục có hậu mà thường ai cũng thích khi xem phim hay đọc tiểu thuyết đó là kẻ gian ác phải chết và người công chính được cứu sống. Tuy nhiên đây chỉ là lẽ công minh hay là sở thích của đám đông dân thường. Với các hiền triết, các nhà đạo đức thì dường như có cao hơn một bậc. Nên khoan dung với người có tội, cần lượng thứ cho người gian ác để giúp họ hoán cải, ăn năn. “Buông đao thành Phật. Quay đầu là bờ”. Những lời giáo huấn trong Phật giáo cho ta hay chân lý này. Các quốc gia tiến bộ đã và dần bỏ án tử hình. Án hình giam giữ cũng là một trong những cách thế giúp tội nhân có cơ hội ăn năn và sửa đổi. Kẻ gian ác không bị diệt trừ ngay nhưng cần được giáo huấn để đổi thay.
Tuy nhiên để thực hiện điều này thì một người công chính, duy nhất xứng là công chính đã không được cứu sống. “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47). Để kẻ gian ác được cứu sống thì Giêsu Kitô, người công chính đích thực đã phải chết. Chuyện thật nghịch lý nhưng rất đượm tình. Chết cho người công chính thì xưa nay vốn hiếm, ở đây Thiên Chúa lại tự nguỵên hy sinh vì chúng ta là những tội nhân. Tình yêu thật khó lý giải vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu. Có nhiều người dễ biện minh rằng nếu ta hành xử như thế thì có thể làm cho nhiều người lạm dụng tình yêu và không chịu đổi thay hay vươn lên. Cũng có thể lắm nhưng ngược với khôn ngoan loài người như Tào Tháo đã quan niệm: thà ta phụ người chứ không để người phụ ta hay thà giết lầm hơn bỏ sót thì với tình yêu đích thật phải chăng phải là thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Dẫu có lầm thì cái lầm trong tình yêu cũng thật đáng yêu vậy.
71. Suy niệm của Gs. Phạm Văn Lưỡng.
“ĐÃ ĐẾN GIỜ CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH”
BỐI CẢNH BÀI TIN MỪNG
Trình thuật Tin Mừng hôm nay diễn ra trong bối cảnh người Do Thái lũ lượt tiến về Giêrusalem để mừng đại lễ Vượt Qua theo luật dạy. Khi “nghe tin Đức Giêsu cũng tới Giêrusalem, họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel!” (Ga 12,12-13). Họ đâu ngờ rằng, trong đại lễ này, chính Đức Kitô, là Chiên Vượt Qua Mới, sẽ biến thành lễ Vượt Qua Mới để cứu chuộc nhân loại.
Ngay đầu trình thuật (câu 20), tác giả Gioan kể rằng, không chỉ có người Do Thái lên Giêsusalem thờ phượng Thiên Chúa mà còn có mấy người Hy Lạp là những người ngoại giáo cũng đến đền thờ để tỏ lòng tôn kính thờ phượng Người. Câu 21-22, tác giả Gioan kể tiếp, những người Hy Lạp này đã qua trung gian các môn đệ Philipphê và Anrê mà xin được gặp Đức Giêsu. Từ “gặp” trong Kinh Thánh có nghĩa là “tin”. Những người ngoại giáo này đã tin vào Người, Sự kiện này cho thấy chương trình Cứu Độ là phổ quát, ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc chứ không chỉ hạn hẹp trong dân Do Thái. Đức Giêsu trả lời khi hai môn đệ hỏi Người:
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23) hàm ý Ơn Cứu Độ phổ quát ấy giờ đây bắt đầu được thực hiện. Từ câu 23, tác giả Gioan không còn nói gì đến những người ngoại giáo này nữa, cũng chẳng cho biết lời yêu cầu của họ có được toại nguyện hay không, nhưng để tập trung bài trần thuật của mình vào Đức Giêsu Kitô, Đấng được tôn vinh nhờ mầu nhiệm khổ nạn, thập giá mà Người sẽ phải Vượt Qua để vào vinh quang Phục Sinh.
GIỜ CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH:
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
Từ “giờ” được sử dụng hai mươi sáu lần trong Tin Mừng của Gioan, thường thường ám chỉ một thời điểm đặc biệt thuận tiện trong đó ơn cứu độ được thực hiện. Xuyên suốt phần thứ nhất của Tin Mừng, “giờ” này còn chưa đến. Chúng ta lấy một ví dụ: Thân mẫu của Đức Giêsu, trong khi muốn cậy nhờ đến Con mình ở tiệc cưới Ca-na, được nghe trả lời rằng: “Giờ của con chưa đến” (Ga 2,4)… Mãi đến đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu mới mặc khải “giờ” của Người đã đến.
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12, 23).
Giờ, vừa là sự chết, vừa là sự tôn vinh. Giờ, vừa là Thứ Sáu Tuần Thánh, vừa là Chúa Nhật Phục Sinh. Để diễn tả sự phong phú từ cái chết của mình được mời gọi tiến đến vinh quang, Đức Giêsu đi từ một dụ ngôn ngắn gọn, quen thuộc ở nơi thôn dã về hạt lúa cần phải mục nát đi để mang lại nhiều hoa trái. Đây là một bài học thực tế, một hình ảnh rất cụ thể ngay trong thiên nhiên: Nhà nông gieo hạt giống xuống đất, sau ít lâu thấy làn vỏ mục thối, một mầm sống trồi lên, và với ngày tháng trôi qua, mầm sống đã vươn lên thành cây, phát sinh bông hạt nặng trĩu và một đồng lúa chín vàng, ngào ngạt hương thơm, đem lại cho nhà nông một mùa gặt phong nhiêu và một niềm vui dào dạt (trích bài suy niệm của Lm. Minh Văn CMC). Cũng như hạt giống, Đức Giêsu cần phải được gieo vào lòng đất, chết đi, nhờ đó mang lại hoa trái là ơn cứu độ cho mọi người, kể cả lương dân.
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
Cái chết của Đức Giêsu không chỉ là một sự bắt buộc phải kinh qua để tiến đến vinh quang phục sinh, mà còn là điều kiện để khai sinh và phát triển Giáo Hội.
Cái chết của Đức Giêsu quả là thời điểm kiến tạo con người Kitô hữu, bởi vì “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). Quả vậy, các câu 25 – 26 nối kết cộng đoàn tín hữu vào với thân phận của Đức Giêsu:
“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thướng mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời (Ga 12,25)… Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26)… Ai yêu quý mạng sống mình, theo ngôn ngữ của Gioan, là kẻ ưa thích sự tối tăm, yêu thích thế gian này và sự vinh quang riêng mình.
Ở đây vẫn còn là vấn đề Đức Tin, dù nó không rõ ràng như trong Tin Mừng Nhất Lãm nhằm nhấn mạnh mối tương quan với Đức Giêsu: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Tương quan với Đức Giêsu còn được nêu rõ qua câu: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy”. Môn đệ cần phải đi bất cứ nơi nào Đức Giêsu đi, nghĩa là cũng như Người đi vào cái chết để dự phần vào vinh quang phục sinh. Trong trường hợp này, Đức Giêsu đã nói: “Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
Giờ khổ nạn và thập giá gần kề, tâm hồn Đức Giêsu xao xuyến! Người đã cầu nguyện với Cha. Chúng ta cùng lắng nghe hai lời cầu nguyện của Người: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” và “Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha”. Đức Giêsu đã chọn lời cầu nguyện thứ hai. Nghĩa là Người đã chu toàn cách tuyệt hảo sứ mệnh Chúa Cha giao phó: thí mạng sống mình để cứu rỗi toàn thế giới. Trốn tránh giờ đó là hủy bỏ mọi giá trị của nó đã từng được gói ghém trong mầu nhiệm nhập thể. Còn chấp nhận giờ đó là làm vinh danh Chúa Cha. Vì vậy, nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu mà chương trình cứu độ phổ quát của Người được thực hiện.
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
Sự chết của Đức Giêsu sẽ mang lại nhiều bông hạt. Người ta thấy dân chúng tuốn đến với Người: Ban đầu là dân Do Thái (Ga 12,9.12.17.18.34), rồi đến dân ngoại làm nên hoa trái đầu mùa (Ga 12,20-22). Đó cũng là điều được nói lên ở câu 32: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Khởi đầu của việc Đức Giêsu được giương cao là khi Người chịu đóng đinh trên thập giá.
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23)
Giờ Con Người được tôn vinh cũng là giờ thế gian bị xét xử. Cuộc sáng tạo cũ đến đây chấm dứt để bắt đầu cuộc sáng tạo mới. Số phận mọi người tùy thuộc giờ Đức Giêsu là giờ phán xét, giờ phân chia: giờ này ai từ chối Đức Giêsu thì bị xếp vào phe của Sa-tan, thủ lãnh thế gian, đối thủ lợi hại của Đức Giêsu, và bị luận phạt như nó.
KẾT LUẬN:
Bản văn Tin Mừng hôm nay với những gợi ý nêu trên, nhằm gửi đến mỗi người chúng ta tín thư sau:
Giờ của Đức Giêsu là trung tâm điểm của lịch sử ơn cứu độ. Giờ này đánh dấu việc Ngôi Lời nhập thể hoàn tất sứ mạng mạc khải và cứu chuộc nhân loại. Cả cuộc sống của Đức Kitô đều qui hướng về Giờ đó. Từ Giờ đó mà có sự phán xét nhân loại, có sự phân chia những kẻ tin hay không tin mầu nhiệm Đức Kitô chết và phục sinh vinh quang. Ai tin thì được cứu rỗi và được sống; còn ai từ chối thì bị luận phạt và phải chết.
Để tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và mừng Đại Lễ Phục Sinh của Người trong những ngày sắp tới, mỗi chúng ta hãy sẵn sàng mở toang cánh cửa lòng mình ra với tình yêu chân thật và sâu thẳm để đón nhận Đức Kitô, Đấng đã chết khổ hình thập giá và phục sinh vinh hiển, nguồn Ơn Đức Độ của chúng ta.
Xin được đưa ra một vài gợi ý áp dụng vào thực tế cuộc sống Kitô hữu:
1. Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời bỏ nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào vĩnh cửu. Bạn và tôi, sự từ bỏ nào là khó hơn cả?
2. Tưởng mình được, hóa ra lại mất. Vui lòng mất, hóa ra lại được. Bạn và tôi có kinh nghiệm cụ thể nào về điều đó không?
3. Đức Kitô đã chấp nhận bị nghiền nát để trở nên Thánh Thể – bánh trường sinh cho nhân loại, cho bạn và cho tôi. Nếu lãnh nhận thứ bánh ấy mà không có sự đồng cảm với Đức Kitô thì có nghĩa gì đâu? Cánh cửa nguồn ơn cứu độ đã mở rộng từ lâu lắm rồi… phải chăng bạn và tôi vẫn đi vào mà lại không nhận ra là mình đi đâu?
72. Lẽ sống chết – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời” (Ga 12:25).
Từ một câu chuyện có thật:
Anh Sundar được sinh ra trong một gia đình theo Ấn giáo. Lớn lên, được nghe biết về Chúa Giêsu, anh đã xin rửa tội theo Kitô giáo, sau đó tình nguyện ở lại Ấn độ làm thừa sai, chứng tá cho niềm tin của mình.
Một chiều kia, Sundar cùng với một tu sĩ Phật giáo phải băng qua vùng núi Himalaya để đi đến một tu viện. Trời lạnh buốt và màn đêm như sắp bao phủ không gian. Sundar và nhà tu kia được báo cho biết họ sẽ bị lạnh và có thể mất mạng nếu không kịp về đến tu viện trước khi trời tối.
Đang lúc đi vào một đoạn đường hiểm trở, với những vách đá cheo leo, thì chợt, họ nghe có tiếng cầu cứu. Một người đàn ông đã trợt chân rơi xuống khe núi từ khi nào. Chân anh ta bị gãy, không thể nào leo lên được, và đang nằm chờ chết.
Người tu sĩ kia lên tiếng nhắc nhở Sundar:
– Chớ dừng lại. Ý trời đã định cho hắn như vậy rồi, ta không nên can dự vào làm chi. Phần chúng ta, phải đi gấp lên nếu như không muốn bỏ mình nơi này.
Sundar đáp lại:
– Theo tôi, ý Trời đã định cho ta đi ngang qua đây để cứu giúp kẻ không may này đấy. Tôi không thể bỏ rơi anh ta.
Nói xong Sundar tìm cách trèo xuống khe núi. Vị tu sĩ kia vội vã tiếp tục cuộc hành trình.
Nơi khe núi, nhìn đôi chân bị gãy, biết nạn nhân không thể tự bước đi được, Sundar phải dùng tấm mền bó anh lại, cõng lên lưng, nặng nhọc lần mò trèo khỏi khe núi, tìm trở lại con đường lúc nãy.
Sau mấy tiếng đồng hồ vất vả, Sundar và nạn nhân đến được lối mòn dẫn về tu viện. Lúc này tuyết rơi mỗi lúc một dày. Trời tối. Cóng lạnh. Sức lực hầu như khô cạn. Đang lúc tưởng chừng không còn bước thêm được nữa thì Sundar chợt thấy có ánh lửa phát ra từ một cánh cửa sổ của tu viện.
Mừng quá! Sinh khí dường như được phục hồi. Sundar hăng hái dấn bước về phía có ánh lửa. Chợt anh vấp té, bổ nhào trên tuyết lạnh.
Không phải anh đuối sức. Nhưng vì vấp phải một vật gì đó nằm chắn ngang đường đi. Sundar quì xuống, lấy tay gạt lớp tuyết phủ bên trên thì nhận ra đấy là xác của người tu sĩ đã cùng đi với mình ban chiều. Thương cho người bạn đồng hành xấu số, Sundar âm thầm dâng lên Chúa một lời nguyện…. Và rồi từ thẳm sâu của tâm hồn, anh chợt nghe vang vọng một câu Phúc Âm: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời. “(Theo lời kể của William Bausch)
“Sự sống thoát thai từ nỗi chết,” một linh mục đã nói như thế. Mà đúng lắm, trong thực tế của đời người, để sự sống tiếp diễn, sự chết đã phải xảy ra không ngừng. Khi chấp nhận nỗi đau thương mất mát trong cái chết, mầm sống mới được phát sinh ra và triển nở. “Nếu hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình; nhưng nếu chết đi, nó mới sai hoa lắm quả” là vậy.
Khi chỉ biết lo cho sự sinh tồn của mình mà làm ngơ trước nỗi khổ đau của kẻ khác, khi chỉ chú trọng đến lợi ích riêng tư hơn là nhu cầu của tha nhân, tôi đã tự đóng khung trong chiếc vỏ trấu để rồi cứ trơ trọi giữa giòng đời. Nhưng nếu biết chết đi con người vị kỷ, tôi sẽ có được một mầm sống mới làm phát sinh bao niềm hy vọng của một mùa gặt thành công.
Thói ích kỷ trong tôi càng chết đi, hình ảnh Thiên Chúa càng rạng sáng. Càng cương quyết chiến đấu với chính mình, dung nhan Thiên Chúa càng được hiện tỏ.
Thánh Kinh có kể lại: Trong một cuộc hành hương thánh địa nhân dịp lễ Vượt qua, có sự hiện diện của một số người Hilạp. Họ là những người ngoại, có lẽ đang khao khát tìm ra Lẽ Sống của cuộc đời. Khi nhìn vào Do thái giáo, họ thấy thấp thoáng bóng hình của Lẽ Sống mà họ đang kiếm tìm. Thế rồi trong dịp hành hương đền thờ Giêrusalem lần này, họ nghe nói về một con người có tên Giêsu, nơi Ngài biết bao nhiêu tâm hồn đã tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống-từ những cô gái điếm cho đến các kẻ thu thuế tội lỗi, từ những người khốn khổ bần cùng đến các quan lính của ngoại bang…
Thế rồi những người Hilạp đã tìm hỏi và xin được “trông thấy” Đức Giêsu. Đây không phải là một sự trông nhìn thuần tuý, vì đứng đâu mà lại không thấy được Ngài. Song, họ muốn gặp gỡ, trao đổi, hiểu biết, và nhất là muốn bước vào một tương quan thân thiết với Đức Giêsu.
Trong ngôn ngữ thần học của Thánh sử Gioan, sự “trông thấy” đó luôn đi kèm với “niềm tin”. Như sau này, khi vào mồ Chúa trong ngày Phục sinh, Gioan “đã thấy và tin” (Ga 20,8).
Thế nhưng trước khao khát chân thành của người Hilạp, Đức Giêsu lại trả lời với các môn đệ, những trung gian của niềm tin: “Giờ đã đến!”
Ngài đã chẳng trả lời “cho gặp” hay “không cho gặp”, Ngài chẳng bảo “đang bận” hay “đợi lúc khác. “Song Ngài tuyên bố: Giờ đã đến!” Mà đây là giờ gì nếu không phải là giờ tử nạn.
Thế ra để mang lại ý nghĩa cho cuộc đời con người, để tăng thêm sức sống cho các tâm hồn đang khát khao tìm kiếm Lẽ Sống, để trả lời cho tất cả mọi câu hỏi của nhân loại, Chúa Giêsu lại nói đến giờ chết. Phải chăng đó chính là giờ cao điểm của cuộc sống Ngài: bước vào sự chết để diễn tả tột cùng hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương con người-yêu thương đến độ chấp nhận cái chết “hầu thế gian được sống,” để nhân loại “thấy” được Lẽ Sống đích thật của cuộc đời.
Nhưng chính trong cái chết của Chúa Giêsu lại mang mầm một cuộc phục sinh vinh quang. Bởi vì đây là cái chết diễn tả tình yêu. Mà tình yêu thì chẳng bao giờ chết. Tình yêu sẽ bất diệt. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng những giá trị của yêu thương lắm khi không thể đo lường hay lý giải được. “Con tim có những tiếng nói mà lý trí không hiểu thấu” là vậy.
Thế nhưng, ai có dám chết cho yêu thương-yêu thương Thiên Chúa và bao người đang sống bên mình-họ sẽ dần dần khám phá ra chân dung của sự không-thể-hiểu-thấu kia. Chính khi biết tự hủy những đam mê, ích kỷ, tự mãn, tự kiêu, tự ái…, con người sẽ cảm nhận sâu xa tại sao.
“Chính lúc trao ban lại là khi nhận lãnh,
Chính lúc quên là lúc gặp lại bản thân,
Chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muốn đời.”
Và niềm vui sống này chỉ được trao ban cho những ai biết quên mình vì Yêu Thương.
73. Thề hứa
(Suy niệm của Thom. Aq. Trầm Thiên Thu)
Trong cuộc sống có nhiều dạng thề hứa. Thế hứa là giao ước thực hiện điều gì đó. Những người sống đời sống hôn nhân có lời hứa chung thủy phu thê, nhưng người sống đời sống tu trì có lời hứa mà chúng ta gọi là lời khấn – ít nhất là ba lời khấn: Vâng lời, nghèo khó, khiết tịnh. Lời thề hứa nào cũng rất cần chữ TÍN.
Giữa các quốc gia có các hiệp ước, các công ty có hợp đồng, giữa các cá nhân cũng có giao kèo. Trẻ em cũng thường ngoéo tay nhau mỗi khi thề hứa với nhau. Trong nhạc phẩm “Ngoéo Tay Nhau Thề”, tác giả Vinh Sử và Cô Phượng mô tả: “Ngoéo tay nhau thề lòng không dối lòng, ngoéo tay nhau thề tình nghĩa mênh mông…”. Chính tình yêu cũng có lời nguyện ước giữa hai người yêu nhau.
Tuy nhiên, hứa thì dễ, giữ mới khó. Lời hứa cũng nhiêu khê. Sử gia Thomas Fuller (1608-1661) nói: “Lời thề trong giông bão bị lãng quên lúc bình yên”. Triết gia Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) nhận định: “Những người chậm chạp khi đưa ra lời hứa là những người trung thành với việc thực hiện nó nhất”.
Chuyện kể rằng…
Một anh chàng giật mình khi nghe một giọng nói khàn khàn, run run. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.
– Ăn hộ tôi mớ rau…!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người để tới chỗ làm sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh:
– Dạ, con không ăn, bà ạ!
Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi gã quên rất nhanh cái cảm giác ấy. “Mình thương người thì ai thương mình?” – ý nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
– Ăn hộ tôi mớ rau, cô ơi! – Tiếng bà cụ yếu ớt.
– Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn! – Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày, đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
– Rau này bà bán bao nhiêu?
– Hai nghìn một mớ – Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
– Sao chú mua nhiều thế?
– Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy lòng mình vui vui…
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, và gã nghĩ đến bà cụ…
– Nghỉ ngơi thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ rồi.
Chiều Chúa Nhật, gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy, có lẽ gã thích thế. Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang “buôn chuyện”.
Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
– Bà bán rau chết rồi.
– Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – chị bán nước khẽ hỏi.
– Tội nghiệp bà cụ! Cách đây mấy tuần, bà cụ giở chứng, cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng bà nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh mà… chết!
Câu chuyện khiến lòng chúng ta chùng xuống, nỗi bâng khuâng rất lạ, rất khó tả. Bà cụ là người chân thật, trọng chữ tín. Mấy mớ rau chẳng đáng gì, nhưng với bà cụ, lời hứa rất đáng giá. Lời hứa nào cũng vô giá – dù lớn hay nhỏ, và phải được thực hiện bằng mọi giá!
Giữa Thiên Chúa và con người cũng có những lời thề hứa, chúng ta gọi là giao ước. Thời Cựu Ước, Đức Chúa đã tuyên phán: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31:31-33). Thiên Chúa đã hứa gì thì chắc chắn được làm, làm đến nơi đến chốn.
Chúng ta chỉ là tội nhân, chẳng đáng gì để được Ngài hứa, nhưng vì lòng thương xót mà Ngài dành cho chúng ta những giao ước kỳ diệu và vô giá: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:34). Quả thật, tác giả Thánh Vịnh đã phải thốt lên: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3).
Thiên Chúa không đòi buộc gì nhiều, Ngài chỉ cần chúng ta thành tâm sám hối. Thế thôi, mọi thứ sẽ ô-kê ngay! Thế nhưng chúng ta là phàm nhân, không chỉ có máu Pharisêu mà còn có máu Cuội. Quá quắt lắm, vừa giả hình vừa hứa lèo. Mùa Chay về, dịp thuận tiện để chúng ta nghiêm túc xét lại chính mình, và rồi hãy sám hối: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4).
Chút tro rắc trên đầu (hoặc vẽ trên trán) cũng chỉ vô ích nếu chúng ta không “xức tro” tâm hồn và “xé lòng” vì tự cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Chắc chắn Ngài xót thương mà bỏ qua hết nếu chúng ta thành tâm đấm ngực chính mình, đấm vào chỗ sâu thẳm nhất của con tim, chứ đừng đấm ngực người khác. Không chỉ vậy, chúng ta còn phải cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta bằng cách “đại tu” linh hồn chúng ta: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài” (Tv 51:12-15). Lời cầu nguyện chân thành như thế này là lời cầu nguyện có màu tím nhưng lại lung linh sắc hồng. Đẹp biết bao!
Sinh hữu hạn, tử bất kỳ. Cái khổ nhiều hơn cái sướng, cái buồn nhiều hơn cái vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Đời phàm nhân là thế. Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng phải chịu trăm cay ngàn đắng. Cay đến xé lòng, đắng đến cứng miệng. Còn con đường nào đau thương hơn Đường Thập Giá?
Thánh Phaolô cho biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9). Đức vâng lời rất cần thiết, cần thiết hơn cả lễ tế, thế nhưng lại là bài học khó học và khó áp dụng nhất.
Một hôm, trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin được gặp Chúa Giêsu. Ông Philípphê đi nói với ông Anrê, ông Anrê cùng với ông Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. Ngài không trả lời thẳng vấn đề mà lại nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12:23-26).
Đó là “giao ước” mà nghe lại như không là giao ước: Nếu thế này thì sẽ thế kia, nếu thế kia thì sẽ thế nọ. Rất bình thường mà lại rất lạ. Cũng với tinh thần đó, Thánh Phanxicô Assisi đã xác định: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Kinh Hòa Bình). Quả thật, vô cùng kỳ diệu! Người ta phải tìm hiểu thấu đáo, rồi phải can đảm sống, nhờ đó mới có kinh nghiệm, có kinh nghiệm rồi thì mới cảm nghiệm được dạng giao ước “ngược đời” như vậy.
Thiên Chúa đã giao ước với nhân loại sau khi Ông Bà Nguyên Tổ sa ngã. Ngài đã hứa chắc chắn: “Một khi đã thề với danh nghĩa là Đấng Thánh, thì cùng Đa-vít, Ta chẳng thất tín đâu” (Tv 89:36). Ngài hứa ban Con Một làm Đấng Cứu Độ, và Ngài thực hiện đến cùng. Chúa Cha cương quyết đến mức Chúa Giêsu, theo nhân tính, còn tưởng Ngài bị Chúa Cha bỏ rơi trong nỗi đau khổ tột cùng và thốt lên: “Sao Cha nỡ bỏ con?” (Mt 27:45; Mc 15:34).
Vâng, lời hứa phải được thực hiện, Ý Cha phải được thể hiện. Nhưng với nhân tính, Chúa Giêsu cũng cảm thấy lo sợ nên Ngài đã tâm sự với các môn đệ: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12:27a). Và rồi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12:27b-28). Dù sợ nhưng Ngài vẫn chỉ mong Ý Cha nên trọn mà thôi. Ngay lúc đó có tiếng xác nhận từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12:29). Dân chúng đứng ở đó nghe vậy, người thì bảo đó là tiếng sấm, người thì bảo đó là tiếng của một thiên thần. Người trần mắt thịt làm sao hiểu nổi! Và rồi Đức Giêsu nói: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12:30-31).
Giờ G đã điểm. Sự giằng co rất gay go. Thời đại chúng ta đang sống cũng là thời điểm “tranh tối, tranh sáng”, Thánh Phaolô đã có lần thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7). Nhưng dù thế nào, Chúa Giêsu vẫn muốn thực hiện trọn đức tuân phục, và dù đau khổ tột cùng, Ngài vẫn hứa với chúng ta: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Ngài nói thế để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cách nào: Chết treo trên Thập Giá. Chúa Giêsu chịu chết để hoàn tất lời hứa của Chúa Cha.
Chúng ta được Thiên Chúa giao ước, chúng ta cũng phải thề hứa với Ngài và tha nhân, nhưng phải thực hiện đúng. Bằng cách nào? Đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu qua những điều trái ý mình hằng ngày. Mùa Chay, Mùa Thương Khó, chúng ta hãy noi gương Thánh nữ Faustina cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những đau khổ nội tâm, về sự khô khan, về sự sợ hãi, về nước mắt, về sự lưỡng lự, về sự tăm tối nội tâm, về sự cám dỗ, về sự thử thách, về sự giày vò mà con không thể diễn tả, nhất là về những điều mà không ai hiểu, về giờ chết với sự chiến đấu dữ dội và cay đắng. Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những thập giá nho nhỏ hằng ngày, về sự đối nghịch với các nỗ lực của con, về sự gian khó của đời sống cộng đoàn, về sự hiểu lầm, về sự bẽ mặt vì người khác, về sự khó chịu mà người ta đối xử với con, về sự nghi oan, về sức khỏe yếu kém của con, về sự hy sinh, về sự chết cho chính con, về sự kém hiểu biết, về các kế hoạch thất bại của con” (Nhật Ký, số 343).
Ý nguyện thật là cao đẹp vì hoàn toàn muốn tuân phục Ý Chúa, nhưng để thực hiện thì chúng ta phải cố gắng lắm mới có thể hoàn tất lời ước nguyện, lờ thề hứa. Thật không dễ dàng chút nào! Nhưng với ơn Chúa, người yếu đuối nhất cũng khả dĩ thực hiện.
Hành trình giao ước rất gian khổ, đầy máu đỏ tươi và nước mắt mặn chát, hành trình lời thề hứa là Hành Trình Thập Giá, phải qua Đường Thập Giá mới tới được Miền Ánh Sáng – Per Crucem ad Lucem.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, xin giúp chúng con can đảm thực hiện mọi lời thề hứa với Ngài và với tha nhân. Đã biết bao lần chúng con lỗi lời thề với Ngài, xin Ngài thương tha thứ; đã bao lần chúng con sai lời hứa với nhau, nhưng chúng con không cho đó là tội phạm tới tha nhân, chúng con thành tâm sám hối và quyết tâm chấn chỉnh, xin Ngài đại lượng thương xót. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
74. Chuyện sống – chết
(Suy niệm của Thom. Aq. Trầm Thiên Thu)
Tục ngữ Việt Nam nói: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Có nhiều cách chết, có cái chết đáng khâm phục và có cái chết “lãng nhách”, do đó cái “tiếng” cũng có thể tốt hoặc xấu. Người Công giáo gọi là chết lành hoặc chết dữ. Phàm cái gì có khởi đầu thì có kết thúc. Cũng vậy, có sinh ắt có tử.
Thánh Phaolô là người đã từng hăng hái và quyết ra tay triệt tiêu Ông Giêsu, nhưng rồi cuối cùng ông đã hoàn toàn biến đổi và phải thú nhận: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1:21), và ông nói về “Người Ấy”: “Đức Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến chết trên cây thập tự” (Pl 2:8).
SỐNG LÀ YÊU
Sống là yêu, và yêu là sống. Sấm ngôn của Chúa nói qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: “Này sẽ đến những ngày Ta lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng” (Gr 31:31-32). Giao-ước-mới này khác giao ước đã ký kết với cha ông. Giao ước đó là gì? Là giao ước Thiên Chúa lập với nhà Ít-ra-en, chính Ngài ghi vào lòng dạ dân chúng, khắc vào tâm khảm dân chúng Lề Luật của Ngài. Ngài là Thiên Chúa của họ, còn họ là dân của Chúa. Họ sẽ không còn phải dạy bảo nhau, và họ truyền miệng nhau: “Hãy học cho biết Đức Chúa” (Gr 31:34a). Học cho biết Đức Chúa về nhiều thứ, trong đó có việc học yêu. Do đó mà mọi người từ nhỏ đến lớn đều nhận biết Chúa. Điều tuyệt vời nhất là “Thiên Chúa sẽ tha thứ tội ác cho họ và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa” (Gr 31:34b). Là tử tội mà được tha bổng, được trắng án, có ai lại không hạnh phúc? Được sống thì phải biết yêu!
Giao-ước-mới đó gọi là Tân ước, là Luật Yêu Thương – không chỉ yêu người yêu mình mà phải yêu cả kẻ thù (x. Mt 5:44; Lc 6:27 & 35). Khó quá! Vâng, không dễ chút nào. Nhưng yêu thương và tha thứ có hệ lụy lẫn nhau, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7:12). Ai có lỗi cũng muốn được bỏ qua, nhưng muốn được tha thì phải biết tha cho tha nhân, và thành tâm xin Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4). Thành tâm cầu xin như thế thì Chúa không thể không tha, vì Ngài chỉ chờ mong giây phút được tha thứ cho tội nhân biết sám hối.
Được tha rồi, nhưng “vết chàm” chưa sạch, thế nên chúng ta phải xin Chúa “đại tu” tâm hồn mình, và xin Ngài không ngừng nâng đỡ, nếu không thì chúng ta lại sa ngã ngay: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài” (Tv 51:12-13). Phần riêng Chúa ban cho chúng ta nhưng chúng ta đã “phung phí” hết, cho nên chúng ta lại phải tiếp tục kêu cầu: “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài” (Tv 51:14-15).
CHẾT LÀ YÊU
Sống là yêu, sống để yêu, sống vì yêu, đó là chuyện dễ hiểu. Chết cũng là yêu, để yêu và vì yêu lại là điều khó hiểu, thậm chí nghe chừng nghịch lý. Nhưng đó là sự thật hiển nhiên.
Muốn gì thì phải nói, chứ ai biết “ngứa” chỗ nào mà “gãi”? Chính Đức Giêsu, khi còn sống kiếp phàm nhân, đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời, vì Ngài có lòng tôn kính. Ngài “được nhậm lời” không có nghĩa là không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng Ngài “được nhậm lời” để “thoát chết” là được Chúa Cha cho sống lại vinh quang. Hành-trình-sống-chết của Đức Kitô là để củng cố đức tin cho chúng ta.
Thánh Phaolô xác định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8). Vậy đó, cái gì cũng phải khổ luyện, không thể cứ “khơi khơi” mà có thể uyên thâm, hiểu sâu và biết rộng. Học thì phải hành, không thực hành thì chỉ là mớ lý thuyết suông, không thực tế, vô ích. Học đàn phải luyện ngày đêm thì mới nhuần nhuyễn, văn thơ thi phú cũng phải làm nhiều thì mới “lên tay”, làm bếp cũng phải nấu hằng ngày mới có thể nấu ăn ngon,… Và mọi thứ đều cần kinh nghiệm. Lười biếng thì chỉ có nước “bó tay”. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã theo đúng “quy trình” đó: “Khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Dt 5:9).
(Ga 12:20-33) Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12:21). Một ước muốn tuyệt vời. Người Pháp nói: “Vouloir, c’est pouvoir” (muốn là có thể được). Ông Philípphê nói với ông Anrê, ông Anrê cùng với ông Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. Và Ngài trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12:23).
Rồi Ngài trầm giọng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Một hình tượng giản dị và rất thực tế. Có lẽ Ngài biết có người không kịp hiểu nên Ngài giải thích luôn: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12: 25). Ngài biết “giờ G” sắp đến, lòng Ngài cũng bồn chồn lo lắng vì thấy thương các đệ tử còn “non nớt”, nên Ngài nói như trút lòng ra: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12:26).
Theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng cảm thấy xốn xang nên tâm sự với các đệ tử: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12:27). Rồi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12:28a). Ngài cảm thấy sợ, nhưng Ngài biết trọng trách của mình và muốn Chúa Cha được tôn vinh mà thôi. Và rồi có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12:28b).
Nghe tiếng vọng từ trời, dân chúng đứng ở đó nghe vậy có người cứ tưởng là “tiếng sấm”, người khác lại cho là “tiếng một thiên thần” nói với Ngài. Đức Giêsu biết họ xì xầm nên nói: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người” (Ga 12:30). Giờ của Ngài sắp đến, “giờ” mà Ngài gọi là “giờ của kẻ ác”, là “thời của quyền lực tối tăm” (x. Lc 22:53). Thế nhưng chính “giờ” ấy lại là lúc “diễn ra cuộc phán xét thế gian này, lúc thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12:31). Một sự hoán vị ngoạn mục, chiến bại mà chiến thắng!
Chúa Giêsu bình tĩnh và hứa: “Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12:32). Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào, nhưng đầu óc phàm nhân của các đệ tử – dù thân tín nhất – cũng không đủ hiểu ý Ngài muốn nói. Và đó chính là lời-hứa-kỳ-diệu!
Có lẽ chưa bao giờ Ngài nói nhiều như lần này. Nói để chia tay. Nói để từ giã. Nói để trăng trối. Nói như không còn dịp để nói. Nhưng Ngài muốn nói nhiều để mọi người biết yêu thương nhau, yêu cả lúc sống và khi chết.
Lạy Chúa Giêsu, xin tái tạo trái tim chúng con nên giống Ngài hơn, để chúng con có thể kính mến Chúa và yêu thương tha nhân trong từng hơi thở của cuộc sống. Xin giúp chúng con dám chết với Ngài để xứng đáng cùng Ngài phục sinh. Ngài hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam