Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 89

Tổng truy cập: 1370876

HƠI THỞ CỦA THIÊN CHÚA

Hơi thở của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

 

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.

Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cam thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở”.

Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.

Anh chị em thân mến,

Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống. Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết. Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa. vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa.

Ađam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. Các môn đệ cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận được hơi thở của Thien Chúa khi chúng ta được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức sống, tinh thần của Thiên Chúa được “hà hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy không. Thánh Phaolô khi nói về các ơn sủng Thiên Chúa ban cho mọi chi thể thuộc thân thể Đức Kitô đã đề cao Đức Ái như một đặc ân của Thánh Thần.

“Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tư đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Sống đức Ái, sống yêu thương là sống bằng hơi thở của Thiên Chúa, là kết hợp với Thiên Chúa Tình Yêu, là sống trong Thánh Thần. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người sống và phát triển thực sự. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người thay đổi, canh tân, hoán cải. Ai yêu thương nhiều là người ấy thay đổi nhiều, vì tình yêu sẽ dẫn đưa chúng ta đến chốn vô cùng, vô tận của cuộc sống. Ai yêu thương nhiều và yêu thương thực tình sẽ khong còn là mình nữa, mà là dụng cụ của Tình Yêu Thiên Chúa, sẽ nên giống như Thiên Chúa.

Thưa anh chị em,

Một cộng đoàn thiếu yêu thương thì không bao giờ có hợp nhất, không bao giờ có sức thuyết phục được những người chung quanh. Vì chỉ có yêu thương mới san bằng được những khoảng cách, mới lấp đầy những cách biệt, mới giúp bổ túc cho nhau giữa những cái chênh lệch, khác biệt nhau. Các tín hữu tiên khởi đã bán hết của cải ruộng đất để làm của chung, để sống giới răn yêu thương của Thầy. Đó phải là hình ảnh gợi ý cho những sáng kiến yêu thương của chúng ta. Chỉ khi nào mỗi thành viên của Hội Thánh đem hết tài năng, đặc sủng của mình đã nhận lãnh làm thành của chung của cộng đoàn, thì lúc ấy mới có sự hợp nhất thực sự của một thân thể nhiều chi thể là Hội Thánh Chúa Kitô.

Nhưng chúng ta chỉ biết sống yêu thương nếu như chúng ta biết đặt mình dưới sức tác động của Thánh Thần: Chẳng những Ngài là Đấng An Ủi, soi sáng mà Ngài còn là Đấng Thanh Tẩy chốn nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành thương tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng… (Ca tiếp liên). Chỉ có Thánh Than mới làm cho các tổ chức của con người có sức sống, có tinh thần Tin Mừng… Đổi mới tư duy, đổi mới đời sống, đổi mới cơ chế xã hội đều cần đến sức mạnh và ân sủng của Thánh Thần Thiên Chúa, vì Ngài là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở không ngừng làm sống mọi tạo vật.

Anh chị em thân mến,

Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận những luồng gió mới mà Thánh Thần Chúa đang thổi trong lòng các dân tộc, trong lòng con người trước ngưỡng cửa Thien Niên Kỷ Thứ Ba. Chớ gì Thánh Thần Thiên Chúa cũng thổi vào lòng chúng ta, vào cộng đoàn chúng ta một luồng gió đổi mới cũng mạnh liệt như thời các Tông đồ, để Hội Thánh luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống.

Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần và xin canh tân bộ mặt trái đất của chúng con.

 

 

 

 

 

48. Ngọn gió

 

Bấy giờ các môn đệ họp lại ở một nơi. Bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi khắp nhà các đấng đang ngồi. Lại thấy co hình lưỡi lửa tỏa ra, đổ trên đầu từng người một và tất cả đều được tràn đầy Thánh Linh. Qua vài dòng tường thuật ngắn ngủi trên, chúng ta cùng nhau chia sẻ về hình ảnh ngọn gió.

Hậu quả đầu tiên mà gió đem lại, đó là quét sạch bụi bặm và rác rưởi. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng gió, nhưng lại không biết gió từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu, những kẻ sinh bơi Thần Khí cũng thế. Thực vậy, gió thổi chỗ này, gió thổi chỗ khác. Không ai có thể vạch đường cho gió. Gió thổi theo những luật lệ riêng của gió. Cũng vậy, tình yêu chân thực sẽ vượt qua mọi thúc ép bên ngoài. Và khi tình yêu cao cả nhất là Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ, thì đó cũng là lúc những thái độ bên ngoài, những nghi lễ của Môisen, những quan niệm hẹp hòi của bọn biệt phái bị sụp đổ. Tin Mừng tràn lan như mot ngọn gió. Và Tin Mừng ấy thổi đến đâu, thì sẽ lật đổ mọi tượng thần nhảm nhí, làm cho trong sạch và dịu mát bầu khí luân lý và đạo đức vốn đã bị ô nhiễm. Cùng với ngọn gió của ngày lễ Hiện Xuống, một con người mơi được sinh ra với một lý tưởng mới và những khát vọng mới. Một thế giới được khởi đầu đó là thế giới Kitô giáo. Thế giới cũ không thể nào chống lại sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Như một bức tường xiêu vẹo và đổ nát, không thể nào cản được sức mạnh của cơn gió xoáy.

Giáo hội khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ gồm mười hai tông đồ. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong các ông, thôi thúc các ông ra khơi và thả lưới, lên đương và chinh phục thế giới về cho Đức Kitô. Ý tưởng này làm cho chúng ta thêm phấn khởi và cảm thấy được an ủi. Dù hoàn cảnh có đen tối, dù số phận có thê thảm, dù giông tố có nổi lên, dù bắt bớ có xảy ra, nhưng co Chúa Thánh Thần hoạt động trong cộng đoàn tín hữu, thì không có một thế lực nào, không một gian nguy thử thách nào có thể chiến thắng nổi chúng ta. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ chẳng qua đi bao giờ.

Trong thời gian khó khăn tại Liên Xô, chỉ có một chủng viện nhưng phải sinh hoạt âm thầm và lén lút. Ngày kia một ký giả may mắn gặp được một thanh niên hơn hai mươi bốn tuổi, với khuôn mặt sáng sủa và thân hình gầy còm vì đoi. Anh cho biết mình là một đại chủng sinh, đang chuẩn bị lãnh nhận chức phó tế. Ban ngày anh phải đi làm như một người thợ, một công nhân. Ban đêm mới học. Học không sách vở, học không ánh sáng. Họ sống và cầu nguyện chung với nhau, nhưng luôn phải canh chừng. Phải chăng Kitô giáo đã tàn lụi trên đất nước Liên Xô? Không phải thế. Dù chỉ còn một nhóm nhỏ thì Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động. Để rồi cuối cùng, mọi sự sẽ qua đi, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ chẳng qua đi bao giờ.

Biết bao lần chúng ta thất vọng khi nhìn thấy tội ác thắng thế và cất cao tiếng cười ngạo nghễ. Biết bao lần chúng ta hoài nghi vì thiện chí của chúng ta bị coi thường và xuyên tạc. Thế nhưng, nếu thực sự có Chúa Thánh Thần ngự trị, chúng ta sẽ không bao giờ ngờ vực, sẽ không bao giờ thất vọng. Vậy chúng ta phải có thái độ nào? Chúng ta hãy lắng nghe lời thánh Phaolô khuyên nhủ: Đừng làm buồn lòng Chua Thánh Thần và đừng dập tắt ngọn lửa của Ngài. Nhưng thế nào là làm buồn lòng Chúa Thánh Thần, thế nào là dập tắt ngọn lửa của Ngài? Chúng ta sẽ làm buồn lòng Chúa Thánh Thần nếu chúng ta chống lại những hành đong hướng dẫn, giáo huấn và thánh hóa của Ngài. Chúng ta hãy để cho Ngài thúc đẩy, để chúng ta chỉ suy nghĩ những tư tưởng của Chúa, chỉ lắng nghe những lời Chúa nói. Chúa Thánh Thần là người nghệ sĩ, còn tâm hồn chúng ta là cây đàn. Nếu chúng ta để cho Ngài gẩy, thì tâm hồn chúng ta sẽ vang lên những khúc nhạc tuyệt vời. Chúng ta có thể nói cuộc đời của người có Chúa Thánh Thần ngự trị sẽ là như một con đường ngập ánh nắng mặt trời, dù họ phải đi qua bóng tối của gian nan và thử thách. Hơn nữa, cuộc đời của người có Chúa Thánh Thần ngự trị sẽ là một khúc hoan ca, dù họ gặp phải những cay đắng chua xót. Ngoài ra, cuộc đời của người có Chúa Thánh Thần ngự trị sẽ là một ngày hội lớn, một ngày khải hoàn chiến thắng, dù họ phải luôn chiến đấu không ngừng.

Ngọn gió của Chúa Thánh Thần có thể thổi đến với tôi bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu: trong giờ kinh nguyen, trên đường phố, bên giường bệnh nhân, trong cơn cám dỗ… sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ truyền sang cho tôi. Và thật là diễm phúc, nếu tôi biết lắng nghe và tuân theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, bởi vì tôi se được Ngài hướng dẫn và ủi an.

 

 

 

 

 

49. Vai trò của Thần Khí – McCarthy

 

Suy Niệm 1. ƠN CỦA THẦN KHÍ

Chúng ta muốn bám chặt vào một người mà chúng ta yêu mến và phụ thuộc. Chúng ta không thể chịu nổi ý tưởng người ấy rời bỏ chúng ta. Khi Đức Giêsu nói với các Tông đồ rằng Người sắp rời bỏ họ, họ rơi vào sự u sầu. Nhưng Người nói với họ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”.

Các Tông đồ khó mà hiểu được bằng cách nào Đức Giêsu ra đi thì có lợi cho họ. Những minh hoạ sau đây sẽ chiếu soi một số ánh sáng trên đề tài ấy.

Bạn hãy tưởng tượng bạn đang ngắm mặt trời lặn xuống. Và khi nó lặn, có vẻ như nó đem cả thế giới này theo nó.

Đồng thời, mặt trăng lên cao trong bầu trời. Nhưng mặt trăng mờ nhạt đến nỗi bạn phải nhìn kỹ mới thấy. Dường như mặt trăng không đóng góp điều gì cho trái đất.

Rồi bạn nhận thấy một điều đẹp đẽ và kỳ lạ. Mặt trời càng xuống thấp trong bầu trời, mặt trăng càng trở nên sáng hơn. Sau cùng, mặt trời rồi cũng biến mất khỏi quang cảnh, mặt trăng được biến đổi hoàn toàn. Và giờ đây, mặt trăng đương nhiên là vật sáng nhất trong bầu trời. Và khi bạn nhìn chung quanh, bạn ngạc nhiên và thích thú nhận thấy rằng thế giới cũ kỹ này không những đã được phục hồi hoàn toàn đối với bạn, nhưng còn được làm cho mới mẻ, sáng tươi và quyến rũ. Chỉ khi mặt trời rút lui, bạn mới có thể thấy sự đóng góp của mặt trăng.

Yêu thương đôi khi lúc có nghĩa phải sống xa cách người mình yêu. Điều này có nghĩa là người ta được tự do phát triển theo đường lối của riêng mình. Người được yêu thương cảm thấy mình đã góp phần xây dựng nên tình cảm đó và được tự do tiếp nhận từ một người khác.

Tuy nhiên, chúng ta thường bám chặt ánh đèn sân khấu. Chúng ta muốn lúc nào cũng có mặt ở đó. Chúng ta không biết nên rút lui khi nào hoặc bằng cách nào. Vì thế, bằng một thái độ vô tâm và vị kỷ, chúng ta làm chủ những người khác. Chúng ta bóp nghẹt sự phát triển của họ. Chúng ta đặt họ vào vị trí phụ thuộc, và kết quả là họ ở mãi trong tình trạng kém phát triển.

Điều này đem lại cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc điều Đức Giêsu muốn nói khi Người cho rằng Người ra đi thì có lợi cho các Tông đồ, nếu không có Thần Khí sẽ không đến. Nếu Người cứ duy trì sự hiện diện thể chất với họ thì chính họ sẽ không bao giờ trưởng thành nổi.

“Tôi không có gì cho người khác; nhưng tôi có bổn phận hướng người ấy về với chính cuộc đời người ấy và chấp nhận người ấy là chính người ấy” (Michel Quoist).

Không bao giờ có người nào tỏ ra tín nhiệm và tôn trọng con người như Đức Giêsu. Người đã không thống trị họ. Người đã cho họ một cơ hội để toả sáng. Người chuyển giao toàn bộ công trình của Người cho họ. Người biết rằng họ vẫn cần được giúp đỡ. Đó là lý do Người sai Thần Khí đến với họ.

Điều mà Thần Khí đã lam là biểu lộ ra bên ngoài những sự việc đã có bên trong họ. Tình yêu của Thần Khí đánh thức những năng lực có bên trong họ mà họ không biết đã có đó, vì thế họ có thể làm được những việc mà họ không nghĩ rằng họ có khả năng làm. Sau ngày Hiện Xuống, tâm hồn họ như lửa đốt và có gió thổi mạnh vào sau lưng.

Chúng ta cũng cần có Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần Người giúp đỡ chúng ta thực hiện quyền bính và những ơn đã có trong chúng ta. Chúng ta cần Người khai thác quyền bính ấy và phát huy những ơn Người ban ngõ hầu chúng ta cũng có thể trở thành nhân chứng không sợ hãi cho Đức Kitô.

 

Suy Niệm 2. PHÉP LẠ CỦA SỰ ĐỔI THAY

Trước khi Chúa Thánh Thần đến, các Tông đồ gần như sống trốn tránh trong một phòng trên lầu. Đức Giêsu đã giao phó cho họ một nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên họ đã không có cả sức mạnh lẫn ý chí để bắt tay vào việc. Nhưng sau khi Chúa Thánh Thần hien xuống, họ là những người đã thay đổi.

Vậy Chúa Thánh Thần đã làm gì cho họ và phép lạ làm thay đổi chính xác như thế nào? Mặc dù chúng ta không biết một tí gì về điều đó.

Chúng ta phải nhận thức rằng các Tông đồ là những người bị tổn thương. Họ bị tổn thương bởi nghi ngờ và đau buồn, bởi sợ hãi và thất bại, và trên tất cả bởi ý thức về sự bất toàn.

Jean Vanier là một người biết rất nhiều về điều gì giúp đỡ những người bị tổn thương thay đổi. Ông đã thiết lập những cộng đoàn nhỏ khắp thế giới cho những người thiểu năng (tâm thần). Khi người thiểu năng bị nhốt trong những cơ chế, người ta đã gây ra cho tâm trí họ sự thiệt hại khủng khiếp. Một than thể bị tổn thương sẽ lành lại một cách tự nhiên, nhưng một tâm hồn bị tổn thương thì không như thế. Một tâm hồn tổn thương sẽ chai cứng; chỉ để sống còn và vì thế đầy ắp sự tức giận và cay đắng.

Nhưng khi người thiểu năng được đưa ra khỏi những cơ chế ở đó họ cảm thấy chán ghét, và được đặt vào những cộng đoàn ở đó họ được yêu thương. Vanier đã nhiều lần chứng kiến phép lạ làm họ thay đổi.

Điều này giúp chúng ta hiểu được điều gì xảy ra cho các Tông đồ. Khi nói rằng các Tông đồ bị tổn thương, người ta không có ý nói họ bị tổn thương ở mức độ như những người thiểu năng. Nhưng dù sao họ cũng bị tổn thương. Tuy nhiên sau khi Chúa Thánh Thần đến, họ là những con người đã thay đổi. Họ rời bỏ nơi họ trốn tránh và bắt đầu rao giảng Tin Mừng.

Chúng ta không nên nghĩ rằng sự thay đổi chỉ thực hiện trong trong một lúc. Nó phải là một việc có cấp bậc và một quá trình phát triển. Sự phát triển có thể chậm chạp đau đớn. Chúng ta không dễ dàng gạt bỏ những tập quán và thái độ cũ.

Con người thay đổi khi có người mang lại cho họ niềm hy vọng; khi có người tin tưởng họ và cho họ một nhiệm vu để hoàn thành. Nhất là, họ thay đổi khi họ được yêu thương. Họ bước ra khỏi vỏ ốc của mình và những năng lực giấu kín của họ được giải phóng từ bên trong họ. Phép lạ làm con người thay đổi là một phép lạ chân thật.

Mọi người chúng ta đều có khả năng làm điều tốt. Chúng ta có tay để có thể chăm sóc, có mắt để có thể nhìn, có tai để có thể nghe, có lưỡi để có thể nói, có chân để có thể đi và trên hết có một tấm lòng để có thể yêu thương.

Nhưng mỗi người chúng ta đều có một khuyết tật kềm hãm không cho chúng ta giải phóng bản thân chân thật và tràn đầy. Chúng ta cần có một ai đó đánh thức những gì ở bên trong chúng ta. Một ai đó kêu gọi chúng ra sống và giúp đỡ chúng ta trưởng thành.

Đối với chúng ta, những môn đệ của Đức Kitô, một ai đó chính là Chúa Thánh Thần. Quyền lực đã biến đổi các Tông đồ, quyền lực hiền hoà của Chúa Thánh Thần cũng có giá trị và hiệu lực đối với chúng ta. Thần Khí ấy đánh thức những năng lực trong chúng ta, kêu gọi chúng ta sống, giúp đỡ chúng ta trưởng thành. Nhà thơ Pablo Neruda đã nói: “Tôi muốn làm cho bạn điều mà mùa xuân làm cho cây anh đào”. Đó là điều mà Thần Khí đang thực hiện.

 

 

 

 

 

50. Chúa Thánh Thần: Nguồn bình an đích thật

 

Để kết thúc 50 ngày của mùa Phục sinh, Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mùa phục sinh là mùa cao điem trong cả năm Phụng vụ. Bởi lẽ, mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm trọng tâm niềm tin của từng người chúng ta. Đây là mầu nhiệm soi sáng và hướng dẫn đời sống đạo của chúng ta.

Một trong những dấu hiệu chứng tỏ Chúa Giêsu đã thực sự sống lại là sự thay đổi thái độ sống của các Tông đồ. Từ những con người nhút nhát sợ hãi trở thành những con người gan dạ và can đảm lạ thường. Chính Chúa Thánh Thần – nguồn bình an đã làm cho các ông được biến đổi lạ thường như thế.

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy mặc dù nơi ở của các Tông đồ đã cử đóng then cài rất kỷ lưỡng nhưng các ông vẫn không hết sợ hãi. Sự sợ hãi này bắt nguồn từ nổi bất an trong chính tâm hồn các ông. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu ước vọng và bao nhiêu mơ ước đã tan tành theo mây khói. Tưởng rằng theo Thầy Giêsu thì mình sẽ được làm ông này ông nọ. Để rồi mình được người này người kia kính nể. Nào ngờ đâu, Thầy Giêsu – một Đấng quyền lực đầy mình lại để cho những thủ lãnh Do Thái bắt Người cách dễ dàng. Các ông chỉ còn biết sống trong tâm trạng bất an trong thất vọng, chán chường.

Hiểu được tâm trạng của những đệ tử mình, nên câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu khi hiện đến với họ là: “Bình an cho các con”. Chúa Giêsu không những nói một mà đến hai lần. Cùng lúc ấy, Chúa Giêsu cũng trao ban Chúa Thánh Thần – nguồn bình an cho cac ông.

Kể từ đó, các Tông đồ đã trở nên những con người can đảm và hăng hái lạ thường. Ra đi rao giảng Tin mừng bất chấp nguy hiểm và rủi ro. Những người bắt Thầy Giêsu vẫn còn đó chứ. Họ có thể bắt các ông bất cứ lúc nào. Dầu vậy, các ông vẫn không sợ và luôn cảm thấy bình an.

Sống trong tâm trạng bất an là một trong những điều đáng sợ cho mỗi người chúng ta. Chắc hẳn ai cũng mong muốn cho mình được sống bình an. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta lại chạy theo người đời để tìm những bình an giả tạo. Đó là tiền bạc, của cải vật chất hay quyền cao chức trọng. Họ tưởng là nhà cao cửa rộng, kính cổng cao tường, được nhiều người kính nể… là an toàn rồi. Thế nhưng, nếu nhìn kỷ thì chúng ta phải công nhận là càng có những điều đó thì tâm trạng bất an lại càng có khuynh hướng tăng thêm.

Chúa Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Là người Công giáo, chúng ta thật may mắn vì qua Bí tích Rửa tội và đặc biệt qua Bí tích Thêm sức mỗi người đều được đón nhận Chúa Thánh Thần – nguồn bình an đích thật. Hãy biết trân trọng và gìn giữ. Đồng thời, chúng ta nên luôn biết kêu xin Ngài soi sáng hướng dẫn trong đời sống đạo của mình.

 

 

 

 

 

51. Đổi mới

 

Anh chị em thân mến.

Khi chúng ta trải qua đêm dài trong tăm tối, trong đêm tối mọi người đều phải lo chuẩn bị mọi sự: cửa nhà lo đóng kín, mọi công việc lo cho yên nơi yên chỗ, kể cả con người chúng ta cũng nằm yên bất động. Trong đêm tối nhiều người còn sống trong sự lo sợ, vì bóng đêm không nhìn thấy được sự vật chung quanh, những nguy hiểm cũng lợi dụng bóng đêm mà đến với con người bất cứ giờ phút nào.

Khi mặt trời bắt đầu ló dạng, mọi sự dường như được chuyển mình. Vạn vật mỉm cười đón ánh nắng mới, một sức sống mới cùng với ánh mặt trời mang đến cho vạn vật. Con người cũng thế, mọi người vui mừng hoạt động trở lại với những công việc mới. Cùng với ánh mặt trời, không ai có thể nằm yên bất động như trong đêm tối, mà mọi người đều đứng lên, mở cửa nhà mình ra và cùng hoạt động với sức sống mà ánh mặt trời mang lại cho họ. Nếu ánh mặt trời đến mà có người còn nằm yên bất động, thì đó là những người vô ích, ngày giờ kết thúc cuộc đời của họ đã đến.

Các Tông Đồ đang sống trong đêm tối của sự lo sợ và cô đơn, các ông vào trong nhà, đóng kín cửa lại. Các ông lo sợ người khác làm hại đến mình, vì các ông vừa chứng kiến cảnh đau thương của thập giá. Cảnh đau thương làm cho các ông sụp đổ hoàn toàn, các ông mất đi những ước mơ và hy vọng vọng bấy lâu nay, trong thời gian mà các ông theo Chúa Giêsu, các ông hy vọng rất nhiều, ước mơ rất nhiều. Nhưng giờ đây mọi sư không còn gì hết. Những lời Chúa Giêsu nói với các ông, dạy bảo, nhắc nhở, tất cả không còn gì hết. Các ông đóng kín cửa, thu mình lại trong nỗi lo sợ. Nhưng Chúa Giêsu lại đến trong lúc các ông đang lo sợ, Ngài vẫn vào nhà trong lúc cửa các ông vẫn đóng kín, ngài mang bình an đến cho những con người đang sống trong bất an. Ngài còn trao cho các ông một sứ mạng quan trọng là đem bình an đến cho những người khác: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con…” Ngài đến như vầng thái dương xuất hiện, không cho các ông ngồi yên trong sự sợ hãi nữa, không cho các ông đóng kín cửa tâm hồn của mình nữa, mà bảo các ông hãy ra đi.

Các ông đã nhận được sức mạnh, đã đứng lên và đã hành động. Các ông đã sống trong ánh sáng, các ông đã can đảm thi hành sứ mạng trong sự đỗi mới của một ngày mới. Đêm tối của các ông qua đi, giờ đây các ông đang sống và hoạt động dưới ánh sáng ban ngày, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh.

Ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh đã làm cho các Tông Đồ đổi mới. Ánh sáng đó cũng làm cho rất nhiều người được đổi mới qua suốt hơn 2000 năm lịch sử. Nhưng ánh sáng đó có đổi mới được những con người của ngày hôm nay, có đổi mới được mỗi người trong chúng ta không?

Mỗi người để một ít phút thinh lặng, nhìn lại cuốn phim cuộc đời. Trải qua bao nhiêu năm, từ ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội, Bí tích Thêm sưc, biết bao hồng ân chúng ta nhận được qua các Bí Tích. Chúng ta mang danh là người công giáo, nhưng chúng ta chỉ là người công giáo trên danh nghĩa hay là một người công giáo thật sự.

Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn cứ sống theo những gì mình thích, làm những gì mình muốn làm, nói những gì mình muốn nói, mà bất chấp đến những người chung quanh, không cần biết phản ứng của họ như thế nào, cho dù họ có đau khổ, cho dù họ có kêu than, cho dù họ có van xin, chúng ta cũng không cần biết đến. Chúng ta chỉ ung dung tự tại miễn sao mình được lợi ngày càng nhiều, đường mà chúng ta gọi là danh vọng, ngày càng nâng cao, như thế là đủ. Vậy thì những lần đến nhà thờ, những lời kinh chúng ta đọc hằng ngày, những lời giảng dạy và lệnh truyền của Chúa Giêsu, đối với chúng ta không hiệu quả gì sao? Chúng ta không thể đổi mới để thi hành lệnh Chúa cho tốt được sao? Không lẽ sức mạnh của ánh sáng Phục Sinh không mở được cánh cửa lòng đóng kín của chúng ta được sao?

Nếu chúng ta nhìn thấy được trách nhiệm hằng ngày trong cuộc sống, nhìn thấy được những điều cần làm và phải làm, cho dù phải vất vả khổ nhọc, chúng ta vẫn không từ chối vì biết đây là điều tốt. Khi đó, chúng ta đang được đổi mới nhờ ơn Chúa.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban sức mạnh của Thánh Thần Chúa sức đổi mới tâm hồn và cuộc sống của mỗi người chúng ta.

 

 

 

 

 

52. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

(Suy niệm của Lm. Gioan Võ Đình Đệ)

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt sách Tông Đồ Công Vụ, bày tỏ cho chúng ta về Chúa Thánh Thần vừa là một sức mạnh tỏa lan trên cộng đoàn vừa là sức mạnh thức tỉnh tâm linh tín hữu.

1. Chúa Thánh Thần, sức mạnh tỏa lan trên cộng đoàn.

Sự kiện “hiểu nhau” của những con người có ngôn ngữ khác nhau trong tường thuật của bài sách Công Vụ Tông Đồ là một hồng ân của Thánh Thần. Đây là một sự kiện trái ngược với sự kiện dân xây tháp Babel trong Cựu Ước được sách Sáng Thế Ký tường thuật (St 11,1-9). Vì ngôn ngữ bất đồng, việc xây dựng tháp Babel bị bất thành. Vì “hiểu nhau”, những người xa lạ trở thành cộng đoàn hiệp thông. Điều nầy cho thấy Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta xác tín căn tính Kitô hữu của mình đồng thời liên kết chúng ta hiến thân phục vụ Hội Thánh cách vô vị lợi. Thánh Phaolô cũng nhắc đến: “Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra mỗi người mỗi cách là vì ích chung” (Bài đọc 2).

2. Chúa Thánh Thần, sức mạnh thức tỉnh tâm linh người tín hữu.

Các tông đồ là những con người hằng ngày bám gót theo Chúa Giêsu. Các ngài đã từng sững sờ trước những phép lạ Chúa làm, đã từng nghe tận tai những lời Chúa dạy, nghe rõ mục tiêu Chúa qui tụ mình, đã từng mục sở thị phong cách sống của Chúa trong khi thi hành sứ mạng. Dẫu vậy, tính “máu thịt” vẫn đeo bám các tông đồ, các ngài vẫn tranh nhau chỗ cao thấp, vẫn vấn vương sự “úy tử tham sinh”, bất tín, bất trung, sợ hãi, trốn chạy khi Chúa chịu khổ nạn. Như người lâm cơn trọng bệnh được phục hồi sức khỏe nhờ gặp được thầy thuốc giỏi, sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy ơn thánh vào lòng, nội tâm các tông đồ đã được đổi chiều. Các ngài đã trở nên cam đảm, thà chết chứ không chịu nín lặng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29), trở nên say mê, trung thành đến độ dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Phong cách nầy là dấu chỉ của những “người con được sinh ra theo thần khí” (Gal 4,29), tức là những con người dám làm theo những đòi hỏi của một lương tâm trong sáng, ngay thẳng.

Dưới tác động của Thánh Thần, các Tông đồ đã khám phá ra chiều kích thần linh của mình: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự thật này cần được không ngừng tái khám phá dưới ánh sáng của Đức Kitô phục sinh, khuôn mẫu cho mọi mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, vơi vũ trụ vạn vật và con người với nhau. Nhờ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được thanh tẩy khỏi những “tạp chất máu thịt” kia, để từ đó có thể thong dong hoàn thành ơn gọi làm người, ơn gọi làm kitô hữu và hoàn thành sứ mạng tông đồ đặc biệt của mình.

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Bài Tin Mừng), một mệnh lệnh đâu phải dễ thực hiện. Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh có nhiều tiến bộ, có gương lành gương tốt nhưng cũng đầy những bóng tối, mà nhiều khi tưởng chừng cuộc sống đã bị bóng tối bao trùm bởi cái vụ lợi được xem trọng hơn cái lý tưởng, bởi “tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh” được yêu chuộng hơn là công bình và sự thật, bởi tâm lý “ngồi bia bọt cả giờ dễ hơn chờ nửa giây đèn đỏ” đã len lỏi trong trong nếp sống đạo: Quên lãng kinh nguyện gia đình, biếng nhác cầu nguyện cá nhân. Đi sau về trước trong thánh lễ Chúa Nhật, thậm chí bỏ lễ Chúa nhật vì công ăn việc làm, vì một cuộc dã ngoại với bạn bè…

Để tinh thần đức tin, đức cậy, đức mến được sinh động trong các ngóc ngách hoạt động hằng ngày của chúng ta, để không khiến cho lương dân ngờ ngợ nhận ra điều gì không phải Tin Mừng cứu độ, không phải đạo Chúa, không phải Hội thánh Chúa trong các hoạt động của chúng ta, chúng ta cần bám sát Chúa Thánh Thần.

Đứng giữa một bên là giới hạn, yếu đuối và tội lỗi, còn mot bên là mầu nhiệm của ân sủng, chúng ta phải gắn bó với Thánh Thần để biết mau mắn đón nhận ân sủng. Gió Thánh Thần vẫn tiếp tục thổi, Lửa Thánh Thần vẫn tiếp tục cháy và này đây “Thánh Thần đến nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta” (Rm 8,26) để chúng ta yêu được, chọn được những giá trị lớn hơn phía sau những cái “hiện đại”, “hoành tráng” hấp dẫn mà mau qua đang vây bủa chúng ta.

 

 

home Mục lục Lưu trữ