Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1366152
HÔM NAY ĐÃ ỨNG NGHIỆM
HÔM NAY ĐÃ ỨNG NGHIỆM…- Lm. Giuse. Nguyễn Cao Luật OP
Truyền thống cũng là sáng tạo
”Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca.”
Để hiểu ý nghĩa của câu này, cần phải biết rằng Tin Mừng hoàn toàn không phải là một bộ sưu tập những mẩu chuyện liên quan đến Đức Giêsu và các giáo huấn của Người. Mỗi tác giả Tin Mừng đều là một chứng nhân về Con Thiên Chúa, và khi viết Tin Mừng, tác giả có ý trả lời vấn đề vẫn thường được nêu lên: Đức Giêsu là ai? để nhờ đó mỗi người có thể gặp được Đức Giêsu khi nghe nói về Người, hay khám phá ra Người qua cuộc sống của các môn đệ. Mỗi nhân chứng này kể lại lòng tin của mình vào Đức Giêsu dựa theo một lịch sử: những sự kiện và những lời Đức Giêsu nói. Tuy nhiên mỗi tác giả còn dựa vào kinh nghiệm riêng của mình và của môi trường sống. Điều này giải thích vì sao mỗi tác giả có nét đặc trưng và âm giọng khác nhau.
Dù vậy, vẫn luôn chỉ có một Tin Mừng, bởi vì chỉ có một Đức Giêsu Kitô. Mọi bản văn trong Kinh Thánh đều quy hướng về Người.
Bản văn được phụng vụ sử dụng hôm nay là một thứ sắp xếp lại. Đây là một cách thức đọc Tin Mừng. Cách thức này làm nổi lên ba đề tài: Luca quyết định viết một quyển sách; Đức Giêsu mở quyển sách; Người gấp sách lại và bắt đầu hoạt động.
Thánh Luca biên soạn theo một trật tự có sẵn. Người ta nhận ra ngay đây là một ông thầy đang nghiên cứu và soạn thảo nhằm hiểu các biến cố cách khách quan. Mục đích của tác giả thật rõ ràng: giúp người đọc nhận thức được rằng giáo huấn mình đã học hỏi thật là vững chắc. Chính vì vậy, những chữ được viết ra phải đem lại điều chắc chắn. Tác giả mong muốn mỗi người cảm nhận được sự vững chắc này và mỗi người phải tự kiểm chứng lại giá trị của điều đã được viết ra. Nói cách khác, mỗi người phải chọn lựa và dấn thân. Một truyền thống được gọi là đích thực khi truyền thống ấy luôn khơi dậy sức sáng tạo.
Khi vào hội đường Na-da-rét và đọc bản văn ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu cũng không làm gì khác hơn. Người không lặp lại bản văn, không bình luận về bản văn lâu đời này; Người cũng không đưa ra những nhận định uyên bác về thời kỳ bản văn được soạn thảo. Trái lại, Người làm nảy sinh một ý nghĩa mới, Người đem lại sức sống cho những chữ chết. Chữ viết không chỉ là chứng từ của quá khứ, nhưng trở thành nguồn mạch cho hoạt động. Đức Giêsu không phải là nhà khảo cổ hay người chú giải. Người hoàn tất điều bản văn đã nói. Người mở ra một thế giới mới. Vì vậy, Người quả quyết: ”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Đức Giêsu là Đấng mà mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ”có” nơi Người (2 Cr 1,20), Người không thể đọc lời Chúa mà không thi hành, không hoàn tất ngay tức khắc. Chính vì thế, theo bước chân Người đi, các phép lạ được thực hiện cho những người nghèo khó, những kẻ bị tù đày, người mù, người bị áp bức …
Như vậy, quả là điều vô ích khi một số Kitô hữu muốn đóng khung truyền thống, đóng khung lời nói và hoạt động của Đức Giêsu. Người ta muốn hiểu chính các điều đã xảy ra trong quá khứ, thế nhưng người ta lại quên rằng, những điều ấy được truyền lại cho thế hệ sau với mục đích mỗi thế hệ phải đọc lại theo một cung cách mới, phù hợp với bối cảnh sống hiện tại của mình. Dấn thân phục vụ lời Chúa, đó là bước vào một hoạt động sáng tạo, đó là biến mình trở thành người phục vụ cho những khởi đầu mới.
Lời Chúa không thể mất đi
Tin Mừng cứ chạy, chạy mãi: từ Luca đến Ti-mô-thêu, từ những nhân chứng tai nghe mắt thấy đến tất cả chúng tôi – tức là những cộng đoàn tiên khởi, từ ngôn sứ Isaia đến Đức Giêsu, từ Đức Giêsu đến những người Do-thái đang tụ họp trong hội đường, và đến cả những người ngày nay – tại sao lại không?
Lời Thiên Chúa do Đức Giêsu công bố, dù mọi người đã biết, nhưng vẫn có tính cách đặc biệt. Người ta chẳng hiểu vì sao Người có uy quyền như thế.
Trước đấy, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng ra khắp miền Galilê. Nhưng khi trở về quê hương, Người biết rõ là người ta không để ý lắng nghe lời Người nói. Tại những miền khác, Người thường đến với những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ bị tù đày, những người mắc bệnh phong hủi, hay với kẻ mù loà, với người đàn bà goá … Còn hôm nay, Người xuất hiện trong một cuộc hội họp: Người tỏ mình ra trong Hội Đường của người Do-thái.
Đức Giêsu đứng lên, đọc sách, và ngồi xuống như những người khác. Thế nhưng điều Người nói quả là lạ lùng, khó có thể tin được:
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa.
…
Hôm nay dã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe
Các lời Đức Giêsu nói và những việc Người làm vừa có tương quan hỗ tương với nhau, vừa có liên hệ tới toàn bộ sứ điệp Cựu ước. Vì vậy, các thính giả nhận ra một sự thật rõ ràng: Thần Khí Thiên Chúa luôn có mặt!
Người ta vẫn gặp thấy những người hăng hái dấn thân phục vụ người nghèo, mặc dù hoàn cảnh của họ không thuận lợi lắm -nếu không muốn nói là bi đát, và công việc phục vụ của họ rất khiêm tốn. Chính lúc ấy, dường như lời họ nói có sức thuyết phục hơn, chặt chẽ hơn, làm cho người nghe phải bối rối. Trước những mẫu gương này, thường có hai phản ứng: một là bịt tai lại, không muốn lắng nghe, hai là để ý và theo dõi bước chân người đi trước.
Theo cái nhìn trong đức tin, các vị thánh, các ngôn sứ hay những người được Chúa xức dầu là những người dùng lời nói hay hành động của mình để thúc đẩy người khác nói và hành động, làm cho vương quốc tự do của Chúa được xuất hiện.
Như thế, Thần Khí Thiên Chúa luôn hoạt động trong mọi người và trong mọi thời để người nghèo, kẻ tù đày, người bị áp bức trong mỗi thời đại được giải thoát, về cả đời sống vật chất lẫn những khát vọng sâu xa của con người.
Và như vậy, Tin Mừng không bao giờ bị mất đi.
“Ngày hôm nay”
Tất cả được bắt đầu vào ngày Đức Giêsu mở sách ra và đọc lại lời ngôn sứ Isaia, và tuyên bố với mọi người: ”Hôm nay” đã ứng nghiệm …
Không ai, có thể lầm lẫn về lời tuyên bố này, vì đoạn sách Đức Giêsu vừa đọc lại nói về Đấng Mê-si-a. Và Đức Giêsu quả quyết: Hôm nay và chính tôi.
Lời tuyên bố này không phải là một lời sấm, nhưng là một biến cố, một biến cố duy nhất và không thể đảo ngược lại. Lời tuyên bố này đòi mỗi người phải tự xác định lại mình trong tương quan với Đức Giêsu. Bởi vì vẫn chỉ là một lời duy nhất, một lời luôn có tính hiện đại: lời Đức Giêsu nói tại hội đường Na-da-rét, lời thánh Luca viết cho ông Thê-ô-phi-lô, và lời chúng ta đang nghe hôm nay.
Chính ngày hôm nay mà mỗi người nhận ra Thiên Chúa đang can thiệp vào lịch sử cửa toàn thể nhân loại và của mỗi người. Chính ngày hôm nay mà mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương mình. Chính ngày hôm nay mà mỗi người phải hành động vì cuộc sống vĩnh cửu của mình.
Chính ngày hôm nay mà mỗi người bước vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng duy nhất.
Chính ngày hôm nay là một cuộc truyền tin cho mỗi người, bởi vì họ phải lắng nghe và chọn lựa.
Chính ngày hôm nay, Thiên Chúa đang đến với mỗi người. Chính Người đang hiện diện, qua Hội Thánh, qua các bí tích. Chính ngày hôm nay mà mỗi người phải đón tiếp Thiên Chúa.
Phần chúng ta, chúng ta sống ngày hôm nay như thế nào, chúng ta làm gì?
Thánh Luca đã khởi đầu Tin Mừng từ ngày hôm nay. Đó cũng là khởi đầu cho mọi cuộc loan báo Tin Mừng. Ngày hôm nay là một biến cố, người ta không chỉ bình luận về biến cố, nhưng người ta sống và loan báo.
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN- C
CỘNG ĐỒNG- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Sách của Nơkhemia diễn tả cuộc lưu đày của dân Dothái từ Babylon trở về xây lại tường thành Giêrusalem. Khi vua nước Babylon chiếm hữu thành Giêrusalem và đánh đổ nước Giuđa, đã bắt dân Dothái cư ngụ ở Palestine đi làm tôi đòi nô lệ tại Babylon. Sau khi các vua nước Medes và Persians đánh thắng dân thành Babylon vào năm 538 BC, vua Cyrus đã cho phép dân Dothái trở về quê hương. Đúng ra, có 3 nhóm trở về vào 3 thời kỳ khác nhau. Nhóm thứ nhất dưới sự hướng dẫn của Zerubbabel vào năm 536 BC. Nhóm thứ hai được dẫn dắt bởi Ezra vào năm 458 BC và nhóm sau cùng được Nehemia dẫn về quê hương vào năm 445 BC. Sách của Nehemiah được viết vào trong khoảng thời gian (465-423 BC).
Sách Nơkhemia diễn tả việc ông thư ký Ezra đã quy tụ dân chúng đến lắng nghe sách lề luật của Chúa: “Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật.” (Nkm 8,3) Chúng ta biết Sách Luật đã được ghi chép trên các tấm da thuộc hoặc viết trên cuộn giấy Papyrus. Khắc ghi những lề luật và huấn lệnh được truyền tụng qua nhiều đời. Các luật lệ bắt nguồn từ Mười Điều Răn mà Chúa đã truyền cho ông Môisen trên núi Sinai. Dân chúng chăm chú lắng nghe sách Luật từ sớm tới trưa và họ đã vui mừng hân hoan: Bấy giờ ông Ezra chúc tụng Thiên Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “Amen! Amen! Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Thiên Chúa.” (Nkm 8,6). Dân Dothái là dân được tuyển chọn. Họ được Thiên Chúa dẫn dắt qua sự hướng dẫn của các tiên tri và các vị tư tế cùng các bô lão. Họ sống liên kết thành cộng đồng tin thờ Thiên Chúa duy nhất.
Từ xa xưa, dưới thời vua Salômon, dân Dothái đã xây dựng đền thánh để tôn thờ Thiên Chúa. Họ đã có tổ chức xã hội về mọi mặt. Hàng tư tế đã có những nghi thức thánh hiến và dâng lễ toàn thiêu đền tội. Đền thờ là nơi mọi người dân tụ lại làm nên một cộng đồng dân Chúa. Đền thờ là trung tâm của cuộc sống đạo và là trái tim của mọi sinh hoạt. Dân chúng xum họp tại đền thờ để lắng nghe Lời Chúa, giải thích Kinh Thánh và dâng tiến lễ vật đền tạ. Niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất được hun đúc và phát triển qua đời sống cộng đồng. Trải qua lịch sử ngàn năm, đạo Dothái vẫn luôn trung thành với các nghi lễ, giờ cầu nguyện, giữ ngày sabát, tuân giữ các giới răn và huấn lệnh. Ngoài trung tâm đền thờ chính, nhiều nhóm tại địa phương đã xây dựng nhiều Hội đường để cùng tụ họp nghe giảng và học hỏi Kinh Thánh.
Khi ra giảng đạo, Chúa đã đi cùng khắp mọi miền. Có khi Chúa giảng ngoài bãi biển, nơi chân đồi, ngoài cánh đồng, trong tư gia, ngoài đường phố và hôm nay Chúa đã vào Hội đường: “Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Lc 4,15) Nhiều người đi theo Chúa và chăm chú lắng nghe. Chúa giảng với uy quyền và lời Chúa có sức biến đổi tận tâm can. Khi vào Hội đường, Chúa Giêsu đã đứng lên đọc sách Tiên tri Isaia với đoạn này: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19) Đây là đoạn sách quan trọng nhất nói về Đấng Thiên Sai đã được chính Chúa Giêsu xác nhận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4, 21). Trong 3 năm giảng dạy, Chúa đã hoàn thành mọi lời tiên tri đã loan báo về Ngài.
Chúa Giêsu đã lập Giáo Hội, khởi đầu với một nhóm nhỏ các tông đồ, môn đệ và các thân hữu. Giáo Hội phát triển như hạt giống được gieo vào lòng đất, nẩy mầm, lớn lên và sinh nhiều bông hạt. Giáo Hội bao gồm những người cùng lãnh nhận một phép rửa, một đức tin, đức cậy, đức mến và một niềm hy vọng vào ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã thi hành sứ mệnh của Chúa Cha đã trao và hoàn tất qua việc hiến thân mình chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Các tông đồ là những vị đầu tiên ra đi làm nhân chứng cho Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Các nhân chứng sống động được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần đã không ngừng rao giảng và thiết lập các giáo đoàn phụng vụ khắp nơi. Số tín hữu ngày thêm đông đảo và đa dạng. Giáo Hội mở cửa đón nhận mọi thành thành qua Bí tích Rửa Tội và lòng tin ao ước.
Giáo Hội khởi đi từ niềm tin yêu trong lòng người. Niềm tin qui tụ mọi dân, mọi nước, mọi chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá truyền thống. Thánh Phaolô Tông đồ đã dùng những hình ảnh rất cụ thể để diễn tả sự liên kết giữa các thành phần trong Giáo Hội: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy.” (1 Cr 12,12) Giáo Hội là một xã hội của loài người. Cần có các tổ chức phẩm trật, vai trò nghĩa vụ, mục vụ, phục vụ và cộng đồng tin yêu. Giáo Hội cần có sự hỗ tương trong tất cả các sinh hoạt đời sống. Giáo Hội mỗi ngày thêm đông số các thành viên nên phải kết hợp và gắn bó đoàn kết trong một nguồn sức sống. Kết hợp giống như các nhành nho được liên kết với cây nho là Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô tả hình ảnh bộ phận của thân thể: “Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.” (1 Cr 12,20)
Chúng ta quan sát một cộng đoàn phụng vụ trong khi cử hành thánh lễ. Mỗi thành viên có trách nhiệm riêng theo chức vụ của mình. Trong tập thể bao gồm: cộng đoàn dân Chúa, các thừa tác viên thánh thể, đọc sách, các em giúp lễ, các vị tiếp tân, ban trật tự, xin tiền, dâng của lễ, ca đoàn và linh mục chủ tế. Mỗi người có một nhiệm vụ cần được chu toàn ăn khớp với nhau. Chúng ta biết rằng những bộ phận xem ra yếu đuối và có vẻ thụ động nhưng đây lại là bộ phận cần thiết nhất, đó là mọi tín hữu tham dự phụng vụ: “Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất.” (1 Cr 12,22) Không có cộng đoàn dân Chúa, chúng ta sẽ không có các cuộc cử hành phụng vụ cách long trọng. Mỗi thành viên đều rất quan trọng tùy theo vai trò của mình, trong đó có các cụ ông cụ bà, các trẻ em và mọi thành phần dân Chúa.
Bí tích Thánh Thể liên kết chúng ta nên một. Trong niềm tin yêu, chúng ta hỗ trợ và nâng đỡ nhau sống hoàn thiện. Chưa hẳn các linh mục chủ tế là những người đạo đức tốt lành hơn các thành viên khác. Chủ tế nên chu toàn các nghi thức và cử hành thánh lễ cách nghiêm trang và sốt sáng. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng, không ai hơn ai. Điều quan trọng là trái tim yêu thương và sự gắn bó với thân thể mầu nhiệm của Chúa: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.” (1 Cr 12,27) Các bộ phận trong cơ thể tuần hoàn phát sinh sự sống khoẻ mạnh và cường tráng. Các thành viên trong cộng đồng dân Chúa phải gắn kết yêu thương, đùm bọc và nâng đỡ nhau để chu toàn sứ vụ trong sự hài hoà và thuần thiện.
Chúa Giêsu không đến để kêu gọi nhưng người công chính và thánh thiện, nhưng là những kẻ tội lỗi. Những thành phần yếu bệnh cả hồn lẫn xác cần được sự nâng đỡ chở che và chữa lành. Họ là những bộ phận cần được quan tâm nhất vì: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1 Cr 12,26) Chúng ta không thể lên thiên đàng một mình, cần có những anh chị em xung quanh cùng đồng hành dìu dắt và đỡ nâng. Mỗi người đều có bổn phận làm cho thân thể mầu nhiệm được triển nở và phát sinh kết quả đời này và đời sau.
Lạy Chúa, đừng để chúng con bị lạc xa đường lối Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe các huấn lệnh, điều răn, chỉ thị và giáo huấn của Chúa và Giáo Hội, để chúng con tuân cứ luật pháp của Chúa đêm ngày. Ước mong tên của mỗi chúng con sẽ được ghi vào sổ hằng sống đời đời, vì: “Ai không có tên ghi trong Sổ Trường Sinh thì bị quăng vào hồ lửa.” (Kh 20,15).
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN-C
LỜI QUYỀN NĂNG LÀ THẦN TRÍ VÀ LÀ SỰ SỐNG- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Mở cuốn Thánh Kinh, chúng ta thấy ngay sức mạnh của Lời, đó là tạo dựng nên vũ trụ vạn vật. “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng…” (x.St 1). Thánh Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng những dòng tuyên tín về tính siêu việt, sự tiền hữu cũng như quyền năng của Ngôi Lời: “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
Thành thật cám ơn anh em Tin Lành đã góp phần một cách nào đó để rồi trong Công Đồng Vatican II Giáo hội Công giáo mạnh mẽ khẳng định rằng Giáo hội luôn tôn kính Lời Chúa ngang hàng với Thánh Thể Chúa Kitô (x.MK số 21). Với các bài Thánh Kinh trích đọc trong Chúa Nhật III TN C này, cách riêng bài đọc thứ nhất, Thánh vịnh đáp ca và bài Tin mừng, khiến chúng ta dễ nhận ra chủ đề là Lời Chúa và hiệu năng của Lời.
Khi khẳng định mình luôn tôn kính Lời Chúa như Thánh Thể Chúa Kitô, thì Giáo hội tuyên tín rằng Lời Chúa không chỉ là những gì được Chúa phán dạy mà còn chính là một Hữu thể, một Ngôi vị siêu việt, có từ đời đời và đầy quyền năng. Và Lời quyền năng ấy cũng là Lời Tình Yêu. Chính vì thế hiệu quả của Lời được tuyên ban luôn là những sự tốt đẹp cả về sự hiện hữu lẫn cách thế hiện hữu (x. St 1). “Lạy Chúa, Lời Chúa là thần trí và là sự sống” (Đáp ca). Qua bài trích Tin Mừng thánh Luca của Chúa Nhật III TN C, chúng ta cùng xem xét một vài hiệu quả của Lời được tuyên ban vốn đã được Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 1,21).
Lấy lại lời Ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu minh định rằng Thánh Thần ngự trên Người, xức dầu tấn phong cho Người để Người loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Và những hiệu quả của Lời Người loan báo đó là: “công bố cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19).
Công bố năm hồng ân của Thiên Chúa: Đây là năm toàn xá đã được Thiên Chúa thiết lập trong Cựu Ước. Cuối một chu kỳ bảy năm là năm Sabat, thì phải để cho đất đai được nghỉ ngơi, không canh tác. Các nô lệ cũng được trả tự do …(x.Xh 21,2; Lv 25,1-7). Cuối chu kỳ bảy lần bảy năm và bắt đầu ngày mồng mười tháng bảy năm thứ bốn mười chín thì khởi đầu một năm toàn xá (x.Lv 25,8-54). Trong năm này đặc biệt cần phải thực thi ân tình cách khoáng đạt với người nô lệ, người nghèo, khách ngụ cư…như tha nợ, trả tự do, trả lại đồ cầm cố… Những quy định của năm toàn xá không nguyên chỉ để tái lập sự công bằng theo nghĩa công bằng phân phối, vì “ai giàu ba họ, ai lại khó ba đời!”, mà còn nói lên lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, đặc biệt dành cho những người nghèo hèn, bé mọn, cô thân, yếu thế. Tự sức mình, những người này như bất lực để giải thoát mình khỏi cảnh bần hàn, túng khổ. Và chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ.
Khi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, Chúa Giêsu muốn nói đến tình yêu vô điều kiện của Cha trên trời, Đấng đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một để cho thế gian được sống và sống dồi dào (x.Ga 3,16). Sự kiện Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta là một hồng ân vô giá, vượt quá mọi công trạng của loài người. Đấng Siêu Việt mà xưa dân Chúa rất đổi kính sợ và cả kinh sợ, vì bất cứ ai thấy long nhan thảy đều phải chết, thì nay hiện diện giữa loài người và người ta có thể diện kiến, tiếp xúc, đụng chạm cách trực tiếp để được lãnh nhận ân phúc (x.1Ga 1,1).
Cho người mù được sáng mắt: Quả thật Chúa Giêsu đã dùng lời quyền năng của Người cho một vài người mù trong dân Israel thời bấy giờ được nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên chắc chắn vẫn còn đó nhiều người về thể lý lúc bấy giờ chưa được lãnh nhận ân phúc. Như thế việc công bố lời ở đây không nhắm đến sự mù hay sáng của đôi mắt thể lý. Chúa đến để công bố lời giúp nhân loại nhìn thấy chân lý. Chân lý ấy chính là Người, Giêsu Kitô, cuộc sống, các hoạt động và những lời giảng dạy của Người. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chúng cho sự thật” (Ga 18,37).
Chân lý nền tảng mà Chúa Giêsu đã từng long trọng khẳng định lại lời Kinh Thánh đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng dựng nên mọi sự và là Cha chung của mọi người. Chúng ta phải tôn thờ, yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Yêu mến Chúa thì phải thực thi lời người phán dạy. Vì thế chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính bản thân mình, dù họ thương ta hay ghét ta, dù họ làm ơn cho chúng ta hay bách hại chúng ta (x.Mc 12,28-34; Mt 5,43-48). Chính khi bước đi trong ánh sáng chân lý thì chúng ta sẽ được tự do. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi cảnh tình nô lệ.
Giải thoát, trả tự do cho người bị áp bức, kẻ bị giam cầm: Chúng ta chớ quên rằng khi Chúa Giêsu công bố những lời này và khẳng định chúng đang ứng nghiệm thì người anh em họ của Chúa là Gioan Tẩy giả đang ở trong ngục tù. Khi sai các môn đồ đến hỏi Chúa Giêsu rằng Người có phải là Đấng phải đến chăng, thì có lẽ Gioan Tẩy giả đang băn khoăn và ít nhiều cũng đang ở trong đêm tối của đức tin (x.Lc 7,18-23).
“Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,34-36). Những lời khẳng định trên của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ sứ mạng của Người. Người đến thế gian là để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ thần dữ, khỏi cảnh ngục tù của tội lỗi. Các bức tường gỗ đá của chốn lao tù vẫn không thể cướp đi sự tự do của tâm hồn. Chính tội lỗi mới làm cho chúng ta thành người nô lệ, mặc dù chân vẫn thong dong ngoài đời.
Sau lời tuyên phán “Ta truyền cho anh: Hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà” đôi chân của người bất toại được giải phóng.
Nhưng rồi phải đến ngày đôi chân ấy lại bất động vì bệnh tật hay vì tuổi tác. Chính lời truyền phán: “ Tội lỗi anh được tha” mới là lời giải thoát người bất toại khỏi cảnh nô lệ, giam cầm. (x.Mc 2,1-12)
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã ban Ngôi Lời. Ngôi Lời là Ánh Sáng thế gian. Ánh sáng chân lý dẫn đưa con người thoát cảnh nô lệ tội lỗi đến cảnh đời tự do của phận người con được sống và sống mãi trong tình Cha trên trời. Hãy lắng nghe lời của Esdra: Đừng sầu thảm khóc lóc, nhưng hãy hân hoan vui mừng đón nhận Lời giải thoát, Lời yêu thương. Vậy hãy xét xem, bạn, tôi, chúng ta đã tham dự phần Phụng Vụ lời Chúa trong các Thánh Lễ, đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật ra sao? Cũng hy vọng rằng các thừa tác viên của Lời trên giảng đài chớ quên rằng những chia sẻ của mình là một phần của Phụng Vụ Lời Chúa. Mong sao những lời ấy cũng có “quyền năng” vì là thần trí và là sự sống.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam