Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1371406
HY SINH
Hy sinh và gian khổ là điều kiện cần thiết cho tình yêu cũng như cho sự phát triển. Thực vậy, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh vừa sống sộng lại vừa gần gũi để nói lên sự thật trên.
Ngài nói:
– Một hạt lúa được gieo trên ruộng đồng, cần phải mục nát đi thì mới nẩy mầm, đâm bông và kết trái, bằng không thì nó chỉ trơ trụi một mình, làm mồi cho chuột bọ mà thôi. Chính sự mục nát ấy đã làm phát sinh ra sự sống mới.
Trong lãnh vực con người cũng thế. Để chúng ta được khôn lớn cho tới ngày hôm nay, thì cha mẹ chúng ta đã phải gánh chịu biết bao nhiêu gian khổ. Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, rồi lại còn nuôi dưỡng chúng ta từng giờ, từng phút. Chính vì thế mà ca dao Việt Nam đã từng ca tụng:
– Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Có lẽ chính bản thân chúng ta cũng đã cảm nhận được kinh nghiệm ấy. Chẳng hạn như ngày hôm nay, các em nhỏ phải cắp sách tới trường. Việc học hành đòi hỏi các em phải siêng năng, phải chăm chỉ, phải cố gắng. Tất cả những kiến thức các em vất vả thu lượm được, sẽ là như một số vốn để các em đầu tư cuộc đời của mình và mai ngày sẽ đem lại cho các em những thành công rực rỡ.
Từ những thí dụ cụ thể trên chúng ta đi vào cuộc sống của Chúa Giêsu, và thấy được những gì?
Nếu đọc lại Phúc Am chúng ta thấy Chúa Giêsu bỏ trời xuống đất, mặc lấy thân phận con người, đã sống một cuộc đời nghèo túng và nhất là đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá. Thế nhưng, Chúa Giêsu nhằm tới những gì qua những hy sinh gian khổ ấy?
Tôi xin thưa, với những hy sinh gian khổ ấy Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài thật bao la. Khi suy gẫm về mầu nhiệm thập giá, thánh Phaolô đã phải kêu lên:
– Chúa đã yêu thương tôi, và đã nộp mình chịu chết vì tôi.
Chúng ta thường ca tụng những người dám hy sinh mạng sống mình vì kẻ khác.
Chẳng hạn cha Maximilien Kolbe đã chết thay cho một bạn tù được sống. Cha Đamiêng đã hy sinh đến sống với những người phong cùi ở Molokai. Chúa Giêsu cũng thế, Ngài đến sống với chúng ta và chết vì chúng ta như lời Ngài đã nói:
– Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Tiếp đến, Chúa Giêsu đã chấp nhận những hy sinh gian khổ ấy là để cho chúng ta được sống và được sống vĩnh cửu. Trong Phúc Am có lần Ngài đã phán:
– Ta đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Trong bữa tiệc ly Ngài cũng nói với các môn đệ:
– Này là Mình Ta sẽ nộp vì các con. Này là Máu Ta sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội.
Với cái chết ô nhục trên thập giá, Ngài giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, tẩy xóa mọi dấu vết của tội lỗi, trả lại cho chúng ta địa vị làm con cái Thiên Chúa, cũng như quyền được thừa hưởng phần gia nghiệp nước trời.
Chính vì thế, chúng ta hãy suy nghĩ và cảm tạ tình thương của Chúa, đồng thời chúng ta phải làm gì để đáp trả tình yêu thương bao la ấy.
50. Từ bỏ
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tuần thánh. Vì thế, lời Chúa hôm nay hướng chúng ta dần dần tới cái chết đau thương và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Cụ thể, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh: hạt lúa gieo xuống đất để ám chỉ về cái chết của Ngài. Nhưng hạt lúa gieo xuống đất để làm gì và cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa thế nào?
Một hạt lúa gieo xuống đất là nó chấp nhận chết đi để mưu ích cho con người, nghĩa là nó trở thành một cây lúa xanh tươi, để rồi sau này sẽ nhân thừa lên và sinh ra trăm ngàn ức triệu hạt lúa khác, một cách vô định hay bất tận. Cho nên, Chúa Giêsu không nói ngoa khi tuyên bố: “Nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Như vậy, nếu không chấp nhận chết đi, thì hạt lúa sẽ chấm dứt sức sống một cách ích kỷ nơi chính mình. Trái lại, nếu nó chấp nhận từ bỏ sự sống hạt lúa của nó, thì nó sẽ giữ được sự sống ấy bằng cách chuyển sự sống nó sang cây lúa và sang các bông hạt sau này, nghĩa là sự sống từ bỏ kia sẽ không mất đi nhưng nó sẽ tồn tại mãi mãi.
Chúa Giêsu là một hạt lúa đầu tiên như thế. Ngài đã làm chết đi nơi mình những gì “là Chúa” và “của Chúa” để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đích thực. Ngài đã từ bỏ mọi cách thức ưu đãi, giàu sang, danh vọng và quyền uy để chọn một cuộc sống tầm thường, âm thầm, đạm bạc suốt ba mươi năm trời, không ai để ý tới, không có một ưu đãi nào dành cho con nhà giàu, nhà sang. Rồi khi hoạt động công khai, Ngài cũng chọn một đời hoạt động bấp bênh. Ngài đi theo con đường của một người không có thế lực, không có bất cứ phương tiện nào sẵn sàng. Ngài vào đời với hai bàn tay trắng, không một lời giới thiệu, gửi gắm của người có uy quyền. Và suốt ba năm, Ngài đã trải qua mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của một người tay trắng đó: bị công kích, bị khước từ, bị mạ lỵ, bị chụp mũ, bị nếm mùi: “Bụt nhà không thiêng”.
Cuối cùng, cách thế để đi tới chiến thắng vinh quang cũng lại là cách thế đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian. Con người, ai ai cũng vậy, rất sợ đánh đập, rất sợ tòa án, rất sợ và ghê sợ tử hình. Nhưng Chúa đã đi vào, đã gánh chịu, đã đón nhận tất cả để chứng tỏ Ngài hoàn toàn từ bỏ chính mình. Từ bỏ đến cấp độ kinh hoàng nhất. Tất cả chỉ vì Ngài muốn mình phải chết đi như một hạt lúa để trổ sinh vô số bông lúa và hạt lúa khác. Nếu ông Te-tu-li-a-nô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh các tín hữu”, thì máu của Chúa Giêsu còn giá trị hơn biết bao nhiêu.
Nói rõ hơn, Chúa Giêsu chấp nhận chết đi, chôn vùi trong lòng đất để trở nên nguyên nhân cứu độ, phát sinh nhiều Kitô khác. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta được nhìn lên Ngài và được sống. Ngài có vẻ như thất bại hoàn toàn khi bị treo lên thập giá, nhưng đó lại chính là lúc Ngài ném được thủ lãnh thế gian ra ngoài và trở thành Đấng phán xét cả nhân loại. Thập giá trở thành ngai Chúa ngự để phán xét và ban sự sống. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta.
Hơn nữa, hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc thụ nạn để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá, đồng thời trở nên lương thực nuôi các tín hữu. Tóm lại, Chúa Giêsu đã chết, nhưng không chết luôn mà đã phục sinh để tồn tại mãi và ban sự sống đời đời cho con người.
Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có thể lập công phúc, được cứu rỗi, được sống muôn đời và hữu ích cho người khác… Khi biết từ bỏ sự sống tạm bợ, tức là từ bỏ tất cả những gì mà người đời gọi là “sống”. Có người từ bỏ được tiền của, danh vọng nhưng lại không bỏ được ý riêng mình; có người bỏ được ý riêng của người khác chứ không chịu bỏ ý riêng mình; có người từ bỏ nhiều mà không từ bỏ tất cả; có người bỏ được những cái to lớn nhưng lại không bỏ được những cái nhỏ mọn hay những cái cần phải bỏ; có người bỏ được lúc này nhưng lại không bỏ được lúc khác…
Từ bỏ là một nhân đức của anh hùng. Là một nhân đức được thử luyện mỗi ngày cả ngàn lần, nhưng cũng có cả hơn ngàn lý do để chối bỏ. Vì thế, chúng ta cần đặt lại giá trị của hy sinh từ bỏ mà chúng ta đã bỏ quên hoặc coi thường. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: hiện giờ chúng ta có thấy mình cần từ bỏ gì không: một thói quen không tốt, một tật xấu, một tội lỗi hay bất cứ thứ gì không đúng với Tin Mừng, không hợp với tinh thần Kitô, không đúng với cung cách một người con của Chúa.
51. Tổn thương
Một số người cứ khăng khăng rằng vị anh hùng của họ không bao giờ tỏ ra bất cứ dấu hiệu yếu đuối nào, không bao giờ biểu lộ sự ngập ngừng, nghi ngờ, không chắc chắn hoặc sợ hãi gì cả. Trong mọi lúc và mọi hoàn cảnh, vị anh hùng phải mạnh mẽ, can đảm và không hề nao núng. Nhưng những vị anh hùng thực sự lại không hề giống như vậy.
Chẳng hạn như trường hợp của Martin Luther King, ông là một nhà lãnh đạo phong trào quyền lợi dân sự tại Mỹ – đó là một công việc khó khăn mà ông đã miễn cưỡng đảm nhận. Công việc này đem lại cho ông những gian khổ, bị lăng mạ, cầm tù và đe dọa đến mạng sống của ông. Cuối cùng, công việc này đòi hỏi cả đến sinh mạng của ông – ông đã bị ám sát chết.
Trong suốt cuộc đấu tranh đó, ông đã từng có nhiều lúc tinh thần bị xuống dốc. Ông kể lại cảnh một đêm kia, ông xuống đến tận cùng của sự choáng váng. Căn nhà của ông đã bị đánh bom. hậu quả là ông cảm thấy mình không thể tiếp tục được nữa. Ông quá mệt mỏi vì những lời xỉ nhục và xúc phạm. Trong tình trạng kiệt quệ vì thất vọng này, ông lao mình xuống quì gối trước mặt Thiên Chúa và cầu nguyện:
“Lạy Chúa, con đã đảm nhận một vai trò mà con tin tưởng là đúng đắn. Nhưng bây giờ, con sợ hãi quá rồi. dân chúng đang mong đợi con làm lãnh đạo. Nếu con đứng trước mặt họ, mà không tỏ ra có sức mạnh, hoặc can đảm, thì họ cũng sẽ bị nao núng. Nhưng con đã cạn kiệt sức lực của con rồi. Con không còn gì nữa. Con không thể đương đầu với tình trạng này lâu hơn được nữa”.
Ông nói rằng vào lúc đó, ông cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa theo một cách thế mà trước đây, chưa bao giờ ông cảm thấy. cảm nghiệm này đã đem lại cho ông khả năng để tiếp tục cuộc đấu tranh.
Martin Luther King không được như một vị anh hùng, bởi vì ông chứng tỏ rằng con người ông không được làm bằng đá. Vì không bao giờ tỏ ra yếu đuối, hoặc dễ bị tổn thương, nên một điều đơn giản là chúng ta không thể tin tưởng vào các vị anh hùng. Chúng ta cũng không thể coi họ như là những mẫu gương cho chúng ta. Chúng ta không thể đồng nhất với họ hoặc bắt chước họ. Mặt khác, khi gặp gỡ một người nào đó do dự, miễn cưỡng và sợ hãi, chúng ta lại cảm thấy rằng người đó dễ tin tưởng hơn. Sự miễn cưỡng này chính là yếu tố cốt lõi của vấn đề. Vị thánh hoặc vị tử đạo nào cứ hăm hở tìm kiếm số phận của họ, thì không bao giờ có vẻ thật. Chúng ta thích nhìn thấy một con người thật đằng sau vẻ anh hùng.
Chính bản thân Chúa không đến với cái chết với bất cứ sự đảm bảo nào. Trong vườn Giệtsimani, Người cũng có giây phút xuống tinh thần tới mức thấp nhất, khi linh hồn Người bị lo lắng quá mức, đến nỗi Người đã thốt lên “Linh hồn Thầy buồn đến chết được”. Thánh Gioan không giải thích về nỗi thống khổ của Đức Giêsu trong vườn cây dầu. Nhưng chúng ta bắt gặp một tiếng vang rõ rệt trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Đức Giêsu nói “Tâm hồn Thầy xao xuyến”.
Trong một số khía cạnh, nỗi thống khổ của Đức Giêsu trong vườn cây dầu là phần an ủi nhất trong Tin Mừng, bởi vì điều đó chứng tỏ rằng Đức Giêsu đang ở khía cạnh nhân loại nhất của Người. Cho đến lúc bấy giờ, Người vẫn kiên quyết tiến tới số phận của Người. Nhưng bây giờ, khi giây phút khủng khiếp đến, Người quá đau khổ, đến nỗi mồ hôi của Người rơi xuống mặt đất, giống như những giọt máu. Người không nhìn vào nỗi đau khổ và cái chết bằng sự bình tĩnh mang tính khắc kỷ. Người kinh sợ trước viễn cảnh đó. Nhờ đâu mà Người có được sức mạnh để đương đầu với tâm trạng kinh hãi đó? Nhờ lời cầu nguyện, và do đó, chính là nhờ ở Thiên Chúa. Có người định nghĩa về lòng can đảm là “Lòng can đảm chính là nỗi sợ hãi đã được thốt ra bằng lời cầu nguyện”.
Nếu không cảm thấy sợ hãi, khi có nguy hiểm đe dọa, thì bạn không phải là con người nữa. Lòng can đảm không phải là không abo giờ cảm thấy sợ hãi, mà chính là có cảm giác sợ hãi, nhưng vẫn cứ tiến tới, bất chấp nỗi sợ hãi đó. “Một người không biết sợ hãi, thì không phải là người anh hùng, nhưng người nào chế ngự được nỗi sợ hãi, mới đích thực là người anh hùng” (Solzhenitsyn).
Nỗi thống khổ của Đức Giêsu trong vườn cây dầu ban cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng trong những giây phút tinh thần bị sa sút. Chúng ta không cần phải giả vờ cho rằng con người mình được làm bằng đá hoa cương. Chúng ta không được che giấu sự yếu đuối và nỗi sợ hãi của mình. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta phải hướng về Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện bằng cảm nghiệm của tâm hồn. Và chúng ta cũng phải tìm kiếm sự an ủi nơi con người nữa, Như Đức Giêsu đã làm như vậy, khi Người yêu cầu Phêrô, Giacôbê và Gioan tỉnh thức và cầu nguyện cùng với Người.
52. Con đường Thập Giá mà Chúa Giêsu đã đi qua
Sự chết là một phần của sự sống. Sinh vật được sinh ra để rồi chết đi. Tuy nhiên, đối với người Công giáo, con người chết không phải là hết. Con người chết để bước vào sự sống mới. Chính Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải chân lý này. Và chính Ngài chết và đã sống lại. Như thế, Ngài mặc khải cho sự chết một ý nghĩa mới. Chết là để bước vào cõi sống.
Trong bài Phúc âm hôm nay, Thánh Gioan đã dùng hình ảnh quen thuộc để diễn tả ý nghĩa đích thực cái chết của Chúa Giêsu. Hình ảnh của một hạt giống bị thối đi trong lòng đất để dẫn đến một mùa gặt phong phú: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt khác” (Ga 12,24). Cũng vậy con đường khổ giá của Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ không dừng lại ở cái chết mà sẽ dẫn đến sự sống lại sung mãn nhằm mang ơn cứu độ cho con người. Tuy nhiên, trong thân phận xác phàm, đứng trước cuộc thương khó Chúa Giêsu cũng sợ hãi và đau đớn. Ngài cũng phải trải qua những giờ phút xao xuyến, lo âu, đau đớn khi phải đương đầu với con đường khổ giá. Thánh Phaolo đã nói: “Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết” (Dt 5,7). Nhưng cuối cùng, Ngài không xin Cha cứu khỏi chết nhưng xin cho Danh Cha được tôn vinh. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu muốn cầu xin cho Ngài hoàn tất, chu toàn công trình cứu chuộc con người, đi qua cái chết và sống lại.
Qua lời cầu xin này, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đã gián tiếp đón nhận “giờ’ của sự phục vụ cho đến cùng trên thập giá, nhưng cũng đồng thời là “giờ” con Người bước vào vinh quang. Vinh quang đòi hỏi trải qua khổ giá. Vinh quang của hạt lúa trổ bông, nặng trĩu và chín vàng nhưng sau khi nó bị chôn vùi vào lòng đất rồi trở nên mầm sống mới, lại sẵn sàng sinh trưởng và tăng gấp mãi.
Sự chết và sống lại là hai mặt của một cuộc sống. Chúa Giêsu đã nói đến cái chết của Ngài như một điều kiện cần thiết để đem lại sự sống mới cho mọi người. Ngài phải chết đi để các Kitô hữu được sống, để muôn dân trở thành môn đệ của Ngài và mọi người được ơn cứu chuộc. Thế nên, chúng ta được mời gọi theo Chúa Giêsu, chúng ta đừng quên nguyên tắc căn bản của sự sống đó: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất còn ai bằng lòng để mất sự sống mình ở đời này vì Chúa Giêsu thì sẽ giữ lại được cho sự sống muôn đời” (Ga 12,25). Đi theo chúa Giêsu, đòi hỏi người môn đệ của Ngài phải chia sẻ cái chết và sự sống của Ngài. Chúa Kitô đã chết đi để sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Chúa Kitô chết vì hạnh phúc vì sự sống nhân loại.
Đi vào cuộc khổ nạn là cách thế đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian. Con người, ai ai cũng sợ đánh đập, sợ tòa án và tử hình. Nhưng Chúa Giêsu đã đi vào, đã gánh chịu, đã đón nhận tất cả để chứng tỏ Ngài hoàn toàn từ bỏ chính mình. Từ bỏ đến cấp độ kinh hoàng nhất. Tất cả chỉ vì Ngài muốn mình phải chết đi như một hạt lúa để trổ sinh vô số bông lúa và hạt lúa khác. Nếu ông Tetulianô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh các tín hữu” thì máu của Chúa Giêsu còn giá trị hơn biết bao nhiêu. Như thế, Chúa Giêsu chấp nhận mình chết đi, chôn vùi trong lòng đất để trở nên nguyên nhân cứu độ, phát sinh nhiều Kitô khác. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta được nhìn lên Ngài và được sống. Ngài có vẻ như thất bại hoàn toàn khi bị treo lên thập giá, nhưng đó lại chính là lúc Ngài trở thành Đấng phán xét cả nhân loại. Thập giá trở thành ngai Chúa ngự để phán xét và ban sự sống. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta.
Hơn nữa, hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc thụ nạn để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá, đồng thời trở nên lương thực nuôi các tín hữu. Ngài đã chết và đã phục sinh để tồn tại mãi và ban sự sống đời đời cho con người.
Giống như hạt lúa mì phải chết đi để mang lại hoa quả, cũng vậy, nếu chúng ta muốn sống một cách trọn vẹn, mang lại kết quả, và nhận ra được tiềm năng đầy đủ của mình, trong tư cách là con người, và là con cái Thiên Chúa, thì chúng ta phải chết đi cho bản thân mình. Như hạt giống phải thối đi mới sinh trưởng và phát triển. Hạt giống phải trải qua quá trình mục nát mới sinh nhiều bông hạt. Muốn mùa gặt, ta phải gieo trồng. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả. Cũng vậy, người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cày bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử. Do đó, đời sống con người giống như hạt giống, phải chấp nhận được vùi sâu trong khổ luyện và hy sinh. Nó giúp cho người ta tiến thân, tiến bộ, tiến đức và tiến bước.
Như hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt thì chúng ta cũng phải mục nát bằng cách chết cho tội lỗi, biết từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi để dứt lìa những điều trái luật Chúa và Hội Thánh. Chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lai. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được vĩnh cửu”. Khi dám từ bỏ tội lỗi, chúng ta dễ dàng đến với Chúa, làm theo ý Chúa. Tuy nhiên từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được Thiên đàng.
Chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài chết là để đi vào vinh quang và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta: “Nếu cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại với Ngài. Nếu chúng ta chịu đau khổ vời Ngài, ta sẽ được thống trị với Ngài” (1Tm 2,8–12). Ai ham sống, sợ chết sẽ đánh mất tất cả. Người làm theo Chúa Giêsu mà đánh đổi cuộc sống hiện tại sẽ được sống muôn đời. Chúng ta được sinh ra để rồi chết đi, chính khi chết đi, chúng ta mới có thể được sống trọn vẹn hơn. Chúng ta được sinh ra để rồi chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, và tội lỗi. Mỗi lần chúng ta trải qua một giai đoạn cuộc đời, để rồi chuyển sang một giai đoạn khác, thì có điều gì đó nơi chúng ta chết đi, và một điều gì đó mới mẻ được sinh ra. Chúng ta cảm nếm được cái chết trong những giây phút cô đơn, đau khổ, thất vọng và thất bại. Chúng ta đang chết dần, trước thời hạn phải chết của mình, khi chúng ta sống trong sự hận thù, và cô lập. Mỗi ngày, chúng ta đều đang tạo ra cái chết cho riêng mình, bằng lối sống của chúng ta. Chính khi biết quên mình, thì chúng ta mới được tự do nhất và hạnh phúc nhất. Khi chúng ta chết đi cho bản thân mình, thì sẽ nhận thấy giây phút thực sự được chết thật là dễ dàng. Giờ chết sẽ trở thành một giờ phút vinh quang. Chính khi chết đi, chúng ta được sinh ra trong cuộc sống đời đời.
Chúng ta phải nhìn vào cái chết của Chúa, không phải chỉ như một biến cố đã qua trong lịch sử, cũng không phải chỉ như một biến cố đau buồn đưa tới tuyệt vọng nhưng chính Chúa Giêsu chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ, để chúng ta nhìn lên Ngài và được cứu sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám sống cho Chúa, can đảm từ bỏ, chấp nhận hy sinh, đi con đường mà Ngài đã đi và vui lòng vác thập giá hằng ngày mà tiến bước theo Chúa trong niềm tin sẽ được phục sinh giống như Ngài. Xin cho chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua đi từ cõi chết đến nguồn sống. Amen.
53. Mất và được
Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Thật ra, không phải cứ thu vào là được và buông ra là mất. Nhưng có khi được mà lại mất, mất mà lại được. Mất trước để được sau. Mất ít mới được nhiều. Mất nhỏ để được lớn. Có thể nói đây là quy luật trong đời sống hằng ngày. Lời Chúa hôm nay giúp ta hiểu rõ quy luật này, để ta vui vẻ đón nhận tất cả những nghịch cảnh trong cuộc đời với niềm tin tưởng, hy vọng như thánh giá trổ sinh ơn cứu rỗi.
Khi biết giờ của mình đã đến, giờ mà Đức Giêsu sắp bước lên Thập gía. Theo cái nhìn của người đời là bi thảm, nhưng đối với Thiên Chúa là bước vào sự sống vĩnh cữu: “Nếu hạt lúa mì rơi vào lòng đất và không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi, nhưng nều nó chết đi thì sẽ sinh nhiều hoa trái”. (Ga 12,24)
Đời người không có gì đau thương và mất mát hơn là cái chết. Nhưng may mắn cho chúng ta là những người đặt niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống để cứu độ chúng ta. Ngài đã cho chúng ta một niềm hy vọng đằng sau cái chết, đó là sự sống đời đời. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu, mọi người chúng ta phải trải qua thử thách nghiệt ngã là cái chết. Nghĩa là phải mất trước rồi mới được sau. Đây quả là một thách đố.
Bởi vì chính Chúa Giêsu cũng từng trăn trở, thổn thức và nao núng trước giờ phút tang thương này. Nhưng sức mạnh nào đã thôi thúc Ngài đi vào cuộc thương khó một cách can đảm? Phải chăng là động lực của tình yêu, và tin rằng cái chết của Ngài sẽ mang lại cho nhân loại mùa ơn cứu độ: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người đã hy sinh mạng sống cho người mình yêu.” (Ga 15,12). Nghĩa là khi biết cái chết mang lại mang lại hạnh phúc cho tha nhân thì chúng ta không còn gì phải sợ. Vì tình yêu thì cao quý và mãnh liệt hơn sự chết. Chết cho niềm tin, cho tình yêu là cái chết tận hiến. Cái chết này sẽ không mất nhưng là cửa ngõ dẫn ta vào cuộc sống vĩnh hằng, vào vương quốc của Thiên Chúa. Thật là một điều khó tin, một nghịch lý của cuộc sống. Sự sống bắt đầu bằng cái chết. Chúng ta sẽ không thể có được Đức Giêsu Phục Sinh nếu không có Đức Giêsu chịu khổ hình và mai táng.
Khi Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống ở đời này thì sẽ giữ lại được sự sống đời đời.”, không có nghĩa là Ngài dạy chúng ta ghét bỏ hay khinh khi sự sống thể lý. Trái lại chúng ta phải học để biết yêu chính mình, vì chúng ta không thể yêu Chúa và yêu tha nhân nếu như chúng ta không biết yêu mình. Nhưng yêu mình cũng không có nghĩa là bám díu hay quá lo lắng vào sự sống của con người thể xác. Mà hãy quên đi hay vượt lên trên cái “tôi”, là từ bỏ chính mình, chết cho chính mình, cống hiến cuộc đời vì Tin Mừng và vì chính nghĩa là cách vượt ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của bản thân. Thì cuộc sống chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái bình an, tự do và hạnh phúc. Thế giới sẽ nghèo nàn nếu như mỗi người chỉ biết lo cho chính mình, đặt lợi ích của mình là tất cả. Nhưng xã hội sẽ được ướp đầy hương vị yêu thương nếu chúng ta biết chết đi cho sự hưởng thụ riêng tư.
Qua cái chết và sự Phục Sinh, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một tấm gương mẫu mực khi Ngài hiến mạng sống mình vì hạnh phúc nhân loại. Điều này không đơn giản, chính Ngài đã thật sự lo sợ khi giờ chết đến. Giờ đây, chúng ta không sợ. Vì hiểu rằng:Thánh giá là cái giá phải trả cho sự nên thánh. Mọi khó khăn vất vả chỉ là thử thách và thử luyện ta trên con đường nên thánh. Ta không thể đổi thánh giá khác nếu ta đặt niềm tin tương vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thánh giá tôi đang vác không nặng nhưng thích hợp và vừa sức của tôi. Vấn đề là thay gì đổi thánh giá thì ta hãy đổi thái độ, đổi tâm tình. Khi yêu thì mọi sự đều ra nhẹ nhàng, không còn cảm thấy nhọc nhằn cho dù có nặng thật.
Lạy Chúa! Xin hãy đổ đầy trái tim con tình yêu của Chúa để con sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Chúa gởi đến trong niềm an vui, tin tưởng và phó thác.
54. Mất và được
Ít có phong cảnh nào đẹp cho bằng cảnh một cánh đồng tràn ngập những thân cây lúa mì non. Khi nhìn ngắm những thân cây đó đong đưa trước gió, và nhảy múa dưới ánh nắng, đem lại cho tâm hồn chúng ta một niềm vui. Nhưng quá trình những thân cây này tồn tại được thật là lạ lùng.
Ngoài ra phải chôn hạt lúa mì vào lòng đất lạnh ẩm ướt, giống như trong một ngôi mộ vậy. Thế rồi nó phải chết đi. Nếu nó không chết đi thì nó sẽ không mang lại sự sống mới nào. Nhưng khi nó chết đi, thì từ ngôi mộ của hạt giống cũ, nụ chồi của một cây lúa mì mới đâm ra một cách lạ lùng. Đó là một nghịch lý đáng ngạc nhiên – sự xuất phát từ cái chết.
Giống như hạt lúa mì phải chết đi để mang lại hoa quả, cũng vậy, nếu chúng ta muốn sống một cách trọn vẹn, mang lại kết quả, và nhận ra được tiềm năng đầy đủ của mình, trong tư cách là con người, và là con cái Thiên Chúa, thì chúng ta phải chết đi cho bản thân mình.
Sự chết là một phần của sự sống. Chúng ta được sinh ra để rồi chết đi, chính khi chết đi, chúng ta mới có thể được sống trọn vẹn hơn. Chúng ta được sinh ra để rồi chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, giả vờ, và tội lỗi. Mỗi lần chúng ta trải qua một giai đoạn cuộc đời, để rồi chuyển sang một giai đoạn khác, thì có điều gì đó nơi chúng ta chết đi, và một điều gì đó mới mẻ được sinh ra. Chúng ta cảm nếm được cái chết trong những giây phút cô đơn, bị khước từ, đau khổ, thất vọng và thất bại. Chúng ta đang chết dần, trước thời hạn phải chết của mình, khi chúng ta sống trong sự cay đắng, hận thù, và cô lập. Mỗi ngày, chúng ta đều đang tạo ra cái chết cho riêng mình, bằng lối sống của chúng ta.
Khi Đức Giêsu nói “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai ghét mạng sống mình ở thế gian này, thì sẽ giữ được nó”, thì Người không bảo chúng ta phải ghét năm tháng mình, hoặc cuộc sống của mình. Chúng ta phải học biết yêu biết chính mình. Thiên Chúa muốn chúng ta biết thương xót bản thân. Không ai có thể yêu mến chúng ta được, nếu chúng ta không biết yêu mến chính mình. Chúng ta sẽ không có khả năng yêu mến bất cứ ai khác, trừ phi chúng ta biết yêu mến con người của mình. Tất nhiên, chúng ta phải phân biệt giữa tình yêu chính đáng đối với bản thân, và thói ích kỷ.
Quên mình, vượt lên trên bản thân mình – điều đó có nghĩa là đánh mất, là khước từ, là chết đi cho chính mình. Chính khi biết quên mình, thì chúng ta mới được tự do nhất và hạnh phúc nhất. Chính khi ra khỏi con người của mình, tự cống hiến bản thân vì những lý do bên ngoài mình, thì chúng ta mới phát triển và mang lại hiệu quả. Chúng ta có thể được sống lâu hơn, nếu chúng ta coi mọi sự là thoải mái, nếu chúng ta biết tiết kiệm cuộc sống. Chúng ta sẽ tồn tại lâu hơn. Nhưng liệu chúng ta sẽ được sống lâu hơn chăng?
Thật là một thế giới nghèo nàn, nếu mọi người đều coi sự an toàn bản thân, được che chở, tiến thân một cách ích kỷ là yếu tố đầu tiên và sau cùng, nghĩa là không có ai được chuẩn bị để vượt ra ngoài bản thân mình. Luôn luôn do con người đã được chuẩn bị để chết đi cho sở thích cá nhân, nên những điều quí giá nhất mà nhân loại được sở hữu đã được sinh ra.
Đức Giêsu đã đem đến cho chúng ta một gương mẫu. Người trao tặng cuộc sống của Người, để phục vụ Cha của Người trên trời và cả chúng ta nữa. Nhưng Người không hề cảm thấy đó là điều dễ dàng. Khi giờ chết thực sự đến, tâm hồn Người tràn đầy nỗi sợ hãi.
Cuộc sống của Đức Giêsu không tách biệt khỏi Người. Người trao tặng nó đi – trao tặng nó vì tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với chúng ta. Tình yêu chính là chấp nhận rằng con người mình có thể chết đi bằng một cái chết khác, trước khi người ta thực sự chết đi. Con đường yêu mến là con đường thánh giá, nhưng chính con đường thánh giá lại đưa đến sự sống lại.
Nhưng ai chết đi cho bản thân mình, thì sẽ nhận thấy giây phút thực sự được chết thật là dễ dàng. Giờ chết sẽ trở thành một giờ phút vinh quang. Chính khi chết đi, chúng ta được sinh ra trong cuộc sống đời đời.
55. Nghịch lý mất được
Không biết ở phương Tây thì sao, chứ còn ở tại Việt Nam, ở đây đó vẫn thường xảy ra tình trạng bị cúp điện. Nhất là vào mùa khô nạn cúp điện càng xảy ra thường xuyên hơn. Lý do có thể là mùa khô không đủ nước để cung cấp cho nhiều nhà máy thủy điện sản xuất điện. Biết thế nên trong phòng, lúc nào tôi cũng chuẩn bị vài cây nến phòng khi cúp điện. Và đúng như thế, vào một tối nào đó, đang ngồi đọc sách bỗng cúp điện. Tôi vội vàng đốt ngọn nến lên để có ánh sáng tiếp tục đọc sách. Quyển sách đang hấp dẫn không thể bỏ ngang được. Tôi xin bắt đầu câu chuyện Tin Mừng hôm nay từ ngọn nến đó. Khi nhìn ngọn nến đang cháy sáng tự nhiên tôi có vài cảm nhận:
– Muốn có ánh sáng phải có nến.
– Muốn có nến phải có sáp.
– Muốn nến đó được cháy liên tục thì sáp phải tiêu hao dần.
– Để có nhiều ánh sáng, đòi hỏi sáp càng phải bị tiêu hao nhiều.
– Và để tận dụng hết nguồn sáng, cây nến phải được đặt trên cao. Không biết đấy có phải là một qui luật không, nhưng không thể làm khác được. Tôi lại liên tưởng tới một ngọn nến khác có tên là Têrêsa Calcuta. Chấp nhận tiêu hao cả thời gian, sức lực, con người để những người nghèo, cô đơn, bệnh tật, bị bỏ rơi được chăm sóc, nâng đỡ. Tôi lại liên tưởng tới một ngọn nến khác có tên gọi là Maximilien Kolbe: Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Đức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.
Vào ngày 31 tháng 07 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt một người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này. “Tên kia”. Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.Trong khi một người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng. “Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con. “Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng. “Mày là ai?” “Là một linh mục. “Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng. Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis GaGiowniczek.
Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng 08) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác. Và còn nhiều ngọn nến khác nữa vẫn đang thắp sáng cho đời. Tất cả những ngọn nến ấy có hoàn cảnh khác nhau, màu da khác nhau, địa vị vị khác nhau, nhưng lại có một điểm chung là tan biến, là hy sinh và từ bỏ.
Hình ảnh của những ngọn nến đó làm tôi nhớ đến một câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Nếu hạt lúa mà rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24) Những ngọn nến như thế, những khuôn mặt như thế, những con người như thế làm cho tôi càng hiểu thêm về điều mà Kinh thánh gọi là Kenosis (tự huỷ) của Chúa Giêsu, mà chính thánh Phaolô đã viết nên thành lời của một ca khúc thánh ca bất hủ. Thánh Phaolô viết thế này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh tự”. (Pl 2,6-8) Tôi nhớ một nhà tư tưởng nào đó đã nói: “Muốn hiểu môt sự vật, bạn hãy lên cho thật cao và phải xuống cho thật sâu”.
Muốn biết chiều cao của một ngọn núi, ta phải lên thật cao trên đỉnh của nó và đồng thời ta cũng phải xuống cho thật sâu của vực thẳm. Tương tự như thế, Chúa Giêsu đã lên thật cao trong địa vị là Thiên Chúa và Người cũng đã xuống thật sâu trong thân phận con người. Và còn hơn thế nữa, Người đã chấp nhận hủy mình ra không, để từ cái không đó trở thành nguồn ơn cứu rỗi cho con người. Đấy là Kenosis (tự hủy). Thế nhưng, chính Kenosis ấy lại trở thành một điều gây khó hiểu cho nhiều người. Người ta không thể hiểu được: Tại sao tôi phải chết đi để người khác được sống. Tại sao tôi phải hy sinh, phải chịu mất mát, chịu thiệt thòi cho người khác và vì người khác? Đúng như lời một triết gia đã nói: “Tha nhân là hoả ngục của tôi”, dại gì tôi phải hy sinh cho họ.!!! Cái khó hiểu và cái khó chấp nhận đó tôi tưởng nó có nhiều lý do vừa khách quan vừa chủ quan.
Xã hội hôm nay là một xã hội thực dụng và hưởng thụ trong một nền kinh tế thị trường. Người ta chỉ biết nghĩ đến mình mà quên đi người khác. Chính vì chúng ta đang bị nhận chìm trong một quan niệm, một lối sống thực dụng và hưởng thụ như thế nên càng ngày người ta càng mất ý niệm về sự hy sinh, sự cho đi, lòng quảng đại và sự chia sẻ mà chỉ lo củng cố cái tôi của mình mà thôi. Tôi là số một, tôi là trên hết. Người ta quên mất tha nhân là ai.
Họ có nhu cầu gì, họ khao khát và ước muốn cái gì. Cho nên người đời có thể không hiểu thế nào và cũng không thể chống lại cái gọi là Kenosis là tự hủy, là hy sinh, là từ bỏ. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hiểu thế nào, hiểu đến mức độ nào? Nói cách khác, tình yêu nào đòi chúng ta sống đời bác ái? Sức mạnh nào thúc đẩy ta dám chết cho anh chị em? Động lực nào thúc giục ta hiến thân cho đồng loại? Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12) Tình yêu cao quí hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết và cái chết của Chúa Giêsu đã nên lời yêu thương cho con người. Chính lúc gục đầu tắt thở thì cây thập tự trổ nụ đơm bông mùa cứu rỗi. Và khi con người hiến dâng cái chết như lời tạ ơn cao đẹp cuối cùng thì mùa hoa nhân ái tỏa hương thiên đàng.
Đúng như một triết gia nào đó đã từng nói: chỉ có con vật mới quay lưng trước nổi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của mình, còn con người thì không như thế. Hôm nay Chúa Giêsu tuyên bố: “Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt”. (Ga 12,24). Chúng ta không ngạc nhiên khi nghe câu này. Đó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ. Thế nhưng lắm khi tôi thấy khó áp dụng cho mình. Tại sao tôi phải chết để người khác được sống? Vì thế, chúng ta không muốn chết như hạt lúa. Tôi chấp nhận trơ trọi một mình.
Tôi chấp nhận cô đơn để được yên thân. Tôi sợ mất mát vì mất mát đem lại đớn đau nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi đang là… Nhưng Chúa Giêsu còn nói thêm: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ỏ đời này, thì sẽ Giữ lại được cho sự sống đời đời”. (Ga 12,25) Cuối cùng, tôi xin mượn một lời cầu nguyện như một lời nhắn nhủ đến anh chị em và các bạn. Lời cầu nguyện thế này:
“Lạy Chúa Giêsu,
Khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
chúng con ít khi nghĩ đến những hại Giống
đã âm thầm chịu nát tan
để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.
Có bao điều tốt đẹp
chúng con được hưởng hôm nay
là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
của các nhà nghiên cứu, các người rao Giảng,
của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
của những người đã nằm xuống
cho quê hương dân tộc.
Đã có những con người sống như hạt lúa,
để từ cái chết của họ
vọt lên sự sống cho tha nhân.
Nhờ công ơn bao người,
chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
đừng tự khép mình trong lớp vỏ
để cố Giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
nhưng dám đi ra
để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,
chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
đi từ cõi chết đến nguồn sống,
đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân”. Amen.
56. Giờ phút cao quí
Stephen Roche là một trong những tay đua xe đạp vĩ đại nhất của Ailen. Giây phút tuyệt vời nhất của anh là trong ngày anh chiến thắng giải đua vòng quanh nước Pháp vào năm 1980. Tuy nhiên, khi suy nghĩ về giây phút tuyệt vời nhất của một người, chúng ta nghĩ gì về giây phút đó trong những điều kiện rất phổ biến. Chúng ta nhận thấy đó là giây phút chiến thắng và vinh quang. Và chúng ta có khuynh hướng nói về điều đó một cách khá thoải mái. Chúng ta chỉ tập trung vào giây phút vinh quang, mà quên đi nhiều giây phút khác đưa đến giây phút vinh quang này, đó là những giây phút của mồ hôi, máu và nước mắt. Vinh quang không thể tách rời khỏi lao nhọc. Vậy thì lao nhọc là một phần của vinh quang.
Đức Giêsu cũng nói về “Giờ của Người”. Người nói về giờ này đến mấy lần, trong suốt sứ vụ công khai của Người. Nhưng Người luôn luôn nói như thể giờ đó chưa xảy đến. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Người lại nói rằng cuối cùng, giờ đó sắp diễn ra. Ý Người muốn đề cập đến loại giờ gì vậy? Đó là giờ chết của Người. Đó là giờ mà Người tự trao ban chính bản thân Người, như một sự hy sinh trọn vẹn thân mình Người vì chúng ta. Theo quan điểm trần thế, thì đó là một giờ phút của thất bại. Tệ hại hơn, người ta còn coi như đó là giây phút của ô nhục và đáng khinh miệt. Nhưng bằng cách cho Người sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa đã biến chuyển thành giây phút của chiến thắng đối với Đức Giêsu, và một giây phút của ân sủng đối với chúng ta. Đây là giây phút cao quí nhất của Đức Giêsu. Đây là giây phút mà tất cả những gì Người đã thực hiện trên trần thế đều được hoàn tất. Tất cả cuộc đời của Người đều đưa dẫn và chuẩn bị cho Người đến với giây phút này.
Thời điểm xuống thấp nhất lại chứng tỏ rằng đó là một thời điểm biến chuyển. Đây là một nghịch lý lớn lao. Giây phút chết đi là giây phút xuống đến tận cùng, tối tăm nhất và đau đớn nhất trong cuộc sống của một hạt giống. Tuy nhiên, đây chính là giây phút sự sống mới được nảy sinh.
Đối với chúng ta, cũng tương tự như vậy. Những khi tinh thần của chúng ta xuống đến mức thấp nhất, vẫn có thể chứng tỏ rằng đó là những thời điểm biến chuyển. Những giây phút thành công vĩ đại sẽ sớm phai tàn, và thường để lại nỗi trống trải trong tâm hồn con người. Trái lại, những giây phút tối tăm, yếu đuối và thất bại lại có thể chứng tỏ rằng đó là những giây phút của sự thay đổi và phát triển lớn lao – chẳng hạn như một người nghiện rượu bị sa đọa đến tận cùng rồi, nhờ ơn Chúa đã được biến đổi cuộc đời.
Khi suy niệm về giây phút tuyệt vời nhất đối với Đức Giêsu, sẽ giúp chúng ta biết đánh giá cuộc sống của mình một cách khác hẳn. Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những sự kiện dường như thất bại lớn, lại đều là những lúc hình thành nên cuộc sống mà chúng ta có hiện nay. Chúng ta không thể tách rời những điều đụng chạm đến chúng ta với những điều giúp ích cho chúng ta.
Để có thể tồn tại được trong lúc tinh thần bị sa sút, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều lòng tin. Lòng tin bao hàm việc gieo trong nước mắt. Chúng ta sẽ không thể chịu đựng nổi, trừ phi có một niềm hy vọng âm thầm pha lẫn trong nỗi buồn của chúng ta: đó là niềm hy vọng rằng sau những năm tháng phấn đấu, mùa gặt sẽ đến. Vào một lúc nào đó, chúng ta không thể nhận thấy được điều này. Chúng ta chỉ có thể thấy được khi hồi tưởng lại mà thôi.
Van Gogh nói “Việc hội họa đòi hỏi phải có nhiều lòng tin, bởi vì ngay từ lúc đầu, người ta không thể biết được rằng công việc đó sẽ thành công. Trong những năm đầu phấn đấu đầy gian khổ, công việc này thậm chí còn có thể là một việc gieo trong nước mắt. Nhưng chúng tôi sẽ kềm chế những giọt nước mắt đó, bởi vì chúng tôi có một niềm hy vọng âm thầm về một mùa gặt trong một tương lai xa xôi”.
Không chỉ công việc hội họa mới đòi hỏi người ta phải có nhiều lòng tin; cuộc sống cũng đòi hỏi phải có nhiều lòng tin, bởi vì cuộc sống thường bao hàm việc gieo trong u sầu, trong cảnh tối tăm, và đôi khi, hầu như trong thất vọng nữa. Nhưng nếu biết gieo vãi điều thiện hảo, thì chúng ta sẽ được hưởng một mùa gặt, và được gặt hái trong niềm vui, một niềm vui khiến cho tất cả nỗi đau biến thành ngọt ngào, giúp chúng ta chịu đựng được trong suốt thời gian gieo vãi. Tác giả Thánh Vịnh nói “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126,5-6).
Cuối cùng, điều tốt sẽ chiến thắng. Sự sống sẽ chiến thắng. Thiên Chúa có tiếng nói sau cùng.
57. Suy niệm của Lm. Lâm Thái Sơn
Chúng tôi muốn được gặp Đức Giêsu
Theo như Phúc Âm hôm nay, trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp “muốn được gặp Chúa Giêsu”. Họ đến từ một đất nước phát sinh những suy luận, triết thuyết, nghệ thuật và thần thánh đa dạng, dĩ nhiên họ muốn gặp Chúa Giêsu không vì tính hiếu kỳ, nhưng có lẽ vì không thỏa mãn trong việc tìm kiếm “chân thiện mỹ“ dựa vào triết lý, hay vì các tín ngưỡng không giúp họ đạt đến sự tuyệt đối thỏa đáng.
Họ đến thờ phượng Thiên Chúa trong dịp đại lễ của người Do Thái. Tuy nhiên kỳ đại lễ này đã bị khuấy rối bởi nhiều tin đồn đáng ngại cộng thêm cuộc biểu tình của dân chúng: gần đây tin đồn Đức Giêsu đã cải tử hoàn sinh ông Ladarô gây hoang mang cho các bậc Thượng tế trong Đền Thờ và làm cho nhiều người bỏ họ mà chạy theo Đức Giêsu; thêm vào đó, Ngài còn được toàn dân ủng hộ đón rước như một vị Vua với những lời tung hô “vạn tuế Vua dân Do Thái, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!”. Các sự việc này gây phẫn nộ và tạo cơ hội cho đám người Pha-ri-sêu thực hiện chương trình mưu sát kẻ xách động quần chúng. Đến lúc phải chọn lựa: đối với đoàn kỳ mục, các thượng tế và kinh sư thì vụ án này được chấp thuận; còn dân chúng thì lập trường hay thay đổi (nay ủng hộ, mai đả đảo); và ngay cả trong giới lãnh đạo Do Thái cũng có một số người đã tin vào Đức Giêsu, nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pharisêu khai trừ khỏi Hội Đường, họ chuộng vinh quang của người phàm hơn là vinh quang của Thiên Chúa (Ga 12,43).
Chính trong bối cảnh này mà có mấy người Hy Lạp đề nghị ông Philípphê và Anrê dẫn họ đi gặp Chúa Giêsu. Đức Giêsu là ai? Vị ngôn sứ này là người thế nào (?) mà có biết bao lời đồn đãi xấu có tốt có làm phấn khởi giới hạ lưu và làm run chuyển giới lãnh đạo buộc những người này phải ra tay đối phó. Cho dù tình trạng có sôi động cũng không ngăn cản đuợc ý định của những nhà thám hiểm điều vô tận: họ muốn được nhìn tận mắt, nghe tận tai, thấu hiểu sứ điệp cũng như những công trình và dấu chỉ xác thực kể cả bản thân của vị ngôn sứ đó! Họ đến thật đúng lúc, vì đã đến giờ kết thúc sứ mệnh: đấy là giờ của sự thật, giờ mà tội lỗi của trần gian dẫn đưa Đức Giêsu đến thập giá, và cũng là giờ mà thập giá đó lại trở thành bệ ngai của vinh quang.“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Tuy Phúc Âm không nói đến phản ứng của những người Hy Lạp này, nhưng luận thuyết của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một chân trời mới về sự sống vĩnh cửu: “hạt lúa gieo vào lòng đất sẽ mang lại nhiều hạt khác” và “khi Con Người được giương cao lên khỏi mặt đất thì Ngài sẽ kéo mọi người lên với Ngài”.
Qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh, Đức Giêsu mạc khải cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, một tình yêu tột độ, vì “không có tình yêu nào cao trọng bằng dâng hiến mạng sống cho người mình yêu”. Luật chủ yếu của Thiên Chúa là luật của hạt lúa: “nếu hạt được gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Chúng ta không cần suy nghĩ viễn vông mà chỉ cần đặt mình trước Thập giá và nhìn ngắm, lúc đó ta sẽ hiểu thế nào là yêu thương thật sự, thế nào là chết đi để phát sinh sự sống; cũng như ta cứ gieo hạt vào lòng đất và chờ đợi nó mọc lên cây thì sẽ hiểu thế nào là đau thương trong gieo vãi và gặt hái trong hân hoan; cũng như các Thánh nhân hoặc những anh hùng: họ hy sinh vì chân lý, tranh đấu cho chính nghĩa, tuy chết đi nhưng vẫn sống mãi trong lòng Giáo Hội và Dân Tộc, ngàn đời Lịch Sử vẫn truyền tụng họ. Vì thế, cái chết thật sự không phải là cái chết thể chất mà chính là từ chối yêu thương, không biết hy sinh chỉ sống lẻ loi ích kỷ “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.
Muốn thật sự đứng về phía sự “sống”, ta nên hành động như những người Hy Lạp kia luôn khát khao tìm kiếm chân thiện mỹ, tức nhiên “phải tìm gặp Đức Giêsu”. Cần tận dụng tất cả trí khôn tâm sức để hiểu biết, yêu thương và phục vụ, sống không vì lề luật tỉ mỉ hình thức, nhưng vì một Người, Đấng đang kêu gọi và sai đi, đang đối thoại và sống hiệp thông. Phải thành tín và đam mê, ta mới thiết lập được với Thiên Chúa một giây liên đới tâm đầu ý hiệp, như lời Thánh Vịnh hôm nay: “xin Chúa dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan… xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy”
Chúng ta có phải thuộc về nhóm người muốn đi gặp Đức Giêsu? Tuy nhiên, ai đã tìm gặp Ngài cũng vẫn còn phải tự chất vấn, bởi vì: giới Pha-ri-sêu đã thấy và nghe nhưng không tin theo Ngài; bậc kỳ mục đã tin nhưng không dám nhìn nhận Ngài; dân chúng đã tin và theo Ngài nhưng không đi đến cùng.
“Chúng tôi muốn được gặp Đức Giêsu”. Ta nên thường xuyên đến gặp gở Ngài qua các Bí Tích, qua việc học hỏi Phúc Âm để khám phá điều mới lạ và chấp nhận dấn thân trong một thế giới và thực tại mà Ngài muốn cho ta khám phá. Bước theo Ngài là chấp nhận những nguy cơ mà chính Ngài đã đảm lấy, từ sự hiểu lầm của những tín đồ đến sự chống đối và lên án của giới hữu trách. Dấn thân theo Ngài là chết cho những tham vọng ích kỷ, tư lợi vật chất, dự tính phàm trần, chết cho những gì gọi là ưu tiên của riêng mình nhưng lại quá xa cách những hệ trọng cấp bách Phúc Âm. Ta phải chọn hoặc thủ lãnh thế gian hoặc Đấng đã bị đóng đinh. Chắc hẳn đến một lúc nào đó, sẽ có người đến hỏi chúng ta, như những người Hy Lạp đến hỏi Philípphê và Anrê “chúng tôi muốn được gặp Đức Giêsu”. Vậy chúng ta sẽ có đề nghị gì cho những người đó?
58. Chúa Nhật 5 Mùa Chay
Trong bài đọc 1, tiên tri Giêrêmia đã tiên báo: Chúa sẽ thiết lập giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa. Giao ước đó làm cho Ngài trở thành Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ngài. Giữa cảnh lưu đày biền biệt nơi đất khách quê Người, còn thành thánh Giêrusalem thì bị hoang tàn, tiên tri Giêrêmia đã khơi lên cho họ niềm hy vọng lớn lao, Thiên Chúa sẽ quên đi lỗi lầm của họ, Ngài sẽ ký kết với họ một giao ước mới, giao ước tình yêu. Chúa Giêsu chính là Đấng thiết lập giao ước mới đó.
Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan kể lại, khi có một số người Hy lạp đến tìm Chúa Giêsu, Ngài vui mừng thốt lên “đã đến giờ Con Người được tôn vinh một khi được gương lên cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Tại sao Chúa Giêsu lại vui mừng hớn hở như thế? Có phải rằng vì Chúa Giêsu biết đằng nào mình cũng phải chết, nên chết quách cho rồi không? Không phải thế, không phải Chúa Giêsu “ham chết sợ sống” như thế đâu. Tâm trạng vui mừng của Chúa Giêsu, cho ta thấy tấm lòng của Ngài. Ngài đã chờ đợi, đã mong muốn đến ngày này để Ngài thiết lập một Giao ước mới, Giao ước Tình yêu với nhân loại. Để nhờ đó nhân loại được ơn cứu độ. Ơn làm cho con người trở thành con Thiên Chúa, được thừa hưởng Nước Trời.
Nhưng trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng lo sợ trước cuộc khổ nạn Ngài phải chịu “lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà Con đến”. Tâm trạng vừa vui mừng vì ơn cứu độ sắp được thực hiện, vừa lo sợ trước cái chết, dằn vặt tầm hồn, làm Chúa Giêsu xao xuyến trong lòng.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2, đã mô tả tâm trạng và cái chết của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã lớn tiếng và rơi lệ mà dâng lời khẩn nguyện lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết, Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trãi qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi bản thân tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
Chúa Giêsu chính là “hạt lúa gieo vào lòng đất, có chết đi, mới sinh nhiều hạt khác”. Chúa Giêsu không chỉ chết đi một lần trên thập giá, nhưng thập giá chính là đỉnh cao; Chúa Giêsu vốn là Con Thiên Chúa, là Chúa thật, nhưng đã “chết đi” để mặc lấy thân xác con người, một người nghèo không có một nơi đàng hoàng để sinh ra. Phải chạy trốn trước sức mạnh và uy quyền của Hêrôđê. Vốn là Chủ tể của vũ trụ, Người đã từ bỏ mọi sự, chọn lấy sự thiếu thốn và nguy hiểm, sống trong âm thầm, khiêm nhượng. Khi bước vào cuộc sống công khai rao giảng, Chúa Giêsu chọn một đời hoạt động bấp bênh, Ngài đã trãi qua mọi hoàn cảnh, bị khước từ, bị công kích, bị chụp mũ “Ngài hoạt động với hai bàn tay trắng con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có nơi gối đầu”. Cuối cùng Chúa Giêsu đã chọn cho mình cái chết đau thương, nhục nhã nhứt làm đỉnh cao cho “sự chết đi” của Ngài.
Chúng ta đang bước theo Chúa Giêsu, chúng ta hãy cám ơn Chúa vì tình yêu lớn lao Chúa đã dành cho chúng ta, Chúa không ngừng tha thứ cho chúng ta dù chúng ta cứ mãi phạm tội. Trong tâm tình của Mùa chay chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu bài học “chết đi” mỗi ngày với những tánh hư, tật xấu, những ham muốn bất chính, những tội lỗi của chúng ta để mỗi ngày chúng ta trở nên giống Chúa hơn. Để Chúa ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Chúa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam