Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1374759

HY VỌNG

Hy vọng

 

Chúng ta có thể đương đầu và chịu đựng được bất cứ điều gì, miễn là chúng ta nhận biết hoặc tin tưởng rằng điều đó sẽ không kéo dài mãi mãi, và có một điều gì đó tốt đẹp hơn sẽ xảy ra.

Chẳng hạn, người ta sẽ đương đầu được với một cuộc giải phẫu lâu dài, đau đớn và nguy hiểm, nếu họ tin tưởng rằng cuộc giải phẫu đó sẽ làm cho họ được mạnh khỏe trở lại. Các tù nhân có thể đương đầu với một bản án lâu dài, miễn là họ tin tưởng rằng bản án đó rồi sẽ kết thúc, và họ sẽ được vui hưởng tự do trở lại. Chúng ta có thể đương đầu được với sự khắc nghiệt của một mùa đông kéo dài và khổ sở, bởi vì chúng ta biết rằng mùa xuân sẽ trở lại. Tất cả điều này nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của niềm hy vọng. Hy vọng cũng cần thiết đối với tinh thần, giống như cơm bánh đối với cơ thể. Thật đáng ngạc nhiên khi tinh thần con người có thể chịu đựng và vượt qua được mọi sự, miễn là nó được nuôi dưỡng bằng tấm bánh của hy vọng.

Biến cố Phục sinh cung cấp một niềm hy vọng vĩ đại cho tinh thần con người. Niềm hy vọng này thật cần thiết biết bao. Trong cuộc sống, có nhiều bi kịch, làm tiêu hủy mất những điều tốt đẹp. Một số người tốt đã bị ngã quị: Thomas More, Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Oscar Romero… và tất nhiên trong đó có cả Đức Giêsu. Người cũng đã bị ngã quị. Nhưng Người đã sống lại.

Thế giới thời đó đã không để ý nhiều đến sự sống lại của Đức Giêsu. Lý do vì đây là một sự kiện khiêm tốn, được giữ kín. Đức Giêsu đã không xuất hiện trong tư thế chiến thắng tại đền thờ ở Giêrusalem, làm cho những kẻ đã hạ gục Người bị ngỡ ngàng. Chỉ những ai được Người kêu gọi, ban cho chiếc bánh, và những lời nói an bình, mới ý thức được sự kiện gì đã xảy ra, và thậm chí họ còn khó mà tin tưởng được. Giống như chúng ta, họ chậm tin. Tuy nhiên, chính sự kiện được giữ kín này đã giải phóng nhân loại khỏi xiềng xích của sự chết.

Đức Giêsu đã đưa ra một dấu hiệu cho những ai yêu mến và đi theo Người là tình yêu của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn cả cái chết. Sự sống lại của Đức Giêsu không hề tách biệt khỏi sự sống lại của nhân loại mà Người đã cứu độ. Bằng cách hoàn toàn đi vào sự sống nhân loại, và bằng cách trải qua nỗi cay đắng của cái chết, Đức Giêsu đã trở nên một người Anh và Đấng cứu độ cho tất cả mọi người. Cái chết của Đức Giêsu là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Giêsu là đấng đi tiên phong và dẫn đường cho sự cứu độ của chúng ta: Người đang chỉ đường và dẫn lối cho chúng ta, trên bước đường của sự vâng phục và đau khổ.

Trong ngày Phục sinh, chúng ta vẫn cảm thấy nỗi đau khổ của thế giới, của gia đình và bạn bè chúng ta. Nhưng một yếu tố mới mẻ đã được đưa vào trong cuộc sống của chúng ta. Yếu tố này không tiêu hủy nỗi đau khổ, nhưng đem lại cho nó một ý nghĩa, soi sáng nó bằng niềm hy vọng. Tất cả nay đều được khác hẳn, bởi vì Đức Giêsu đang sống động, và nói với chúng ta những lời bình an, giống như Người đã từng nói với các tông đồ của Người.

Lòng tin vào sự sống lại của Đức Giêsu là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống đời đời, một niềm hy vọng đem lại cho chúng ta khả năng kiên nhẫn chịu đựng những thử thách của cuộc đời. Do đó, có một niềm vui thầm lặng ở giữa chúng ta, và một ý nghĩa sâu xa về sự bình an, bởi vì chúng ta biết rằng sự sống mạnh mẽ hơn cái chết, tình yêu mạnh mẽ hơn nỗi sợ hãi, và niềm hy vọng mạnh mẽ hơn nỗi thất vọng.

 

 

 

 

 

67. Ngôi mộ trống, dấu chỉ Phục Sinh

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu An)

 

Con người ở đời thường khởi sự bằng cái có: có địa vị, có quyền thế, có bằng cấp, có tiền của, có sức mạnh, có tài năng … mới làm nên chuyện.

Nhưng Thiên Chúa lại thường khởi sự bằng cái không. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa khởi sự từ cái hoang vu trống rỗng, không không “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước” (St 1,1-2).

Cái hoang vu trống rỗng của “ngày thứ nhất” trong công trình sáng tạo trời đất sẽ lại xuất hiện trong một “ngày thứ nhất” khác: Ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết.Đó là cái hoang vu trống rỗng của Ngôi Mộ Trống mà Mađalêna đã chứng kiến và đau buồn thốt lên “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi”, Phêrô ngạc nhiên trong hoài nghi, Gioan đã thấy và đã tin.

Tất cả được khởi đầu bởi một sự kiện lạ lùng. Các phụ nữ ra mồ thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. sau đó Phêrô, Gioan không còn thấy xác Đức Giêsu trong ngôi mộ mở toang.

Có lẽ lúc này Philatô còn đang ngủ, các Thượng tế, Kinh sư, Kỳ mục cũng thế. Họ ngủ thật say, sung sướng vì đã dẹp yên được một chướng ngại từng làm họ ghen tức, mất ăn mất ngủ. Mọi sự đã được giải quyết đúng như sự sắp đặt khéo léo của họ.Cái tên Giêsu rồi sẽ bị quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới.Tảng đá to đã niêm phong cửa mộ. Giêsu Nazarath đã đi vào lòng đất lạnh.

Đối với những người vẫn thương mến Chúa Giêsu thì kể như đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát.Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hải. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi cùng với Giêsu Nazareth. Sáng nay, mấy chị em phụ nữ ra mộ thì cũng chỉ có mục đích là ướp lại cái xác không hồn chưa kịp thối rửa.Họ đi tìm một cái xác, một kẻ chết nhưng họ đã đối diện với Ngôi Mộ Trống. Mađalêna đau khổ thốt lên “người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi”. Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, họ vội chạy về báo tin cho các Tông Đồ. Phản ứng của Phêrô là thinh lặng, Ong đang phân vân. Nếu có kẻ lấy trộm xác Thầy thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải cách thứ tự và gọn gàng như thế? Ong vẫn còn bàng hoàng về những lỗi lầm chối Thầy với niềm ăn năn thống hối, Ong chưa hiều sống lại nghĩa là gì. Còn Gioan, Ong đã thấy và đã tin. Ong đã thấy gì? thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại, khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chiọu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

Trước mọi phản ứng đó, Đức Kitô Phục Sinh đã biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm, không rình rang giữa tiếng kèn trống,reo hò của toàn dân.

Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài hôm nay đã được “Thần Khí Hoá” và từ đây Người sống hoàn toàn bởi Thần Khí, vì chỉ “Thần Khí mới làm cho sống còn xác thịt thì có ích gì” (Ga 6,36).

Đức Kitô đã sống lại thật trong vinh quang. Ngài không mặc lấy một thân xác khác, thân xác Phục Sinh của Ngài vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình, chết thập giá, nay thân xác đó được biến đổi, thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới. Thân xác của Ngài được Thần Khí hoá không bị vật chất cản trở.Đấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ để cũng cố đức tin cho họ chuẩn bị tâm hồn các ông đón nhận Chúa Thánh Thần, trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa

Ngày nay nếu muốn làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng cần khởi đi từ Ngôi Mộ Trống như các Tông Đồ ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ tu đức thì chúng ta trở về với đời sống thanh bạch, đó là đời sống trong sạch, ngay lành và có tinh thần nghèo khó.

Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Nhưng người ta không nhận thấy được Ngài vì thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Nói khác đi mỗi tâm hồn chúng ta là một ngôi mộ trống. Ngôi Mộ Trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn dấu chỉ Đấng Phục Sinh, đó là khăn liệm và khăn che mặt. Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giêsu, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên.Gioan đã đi vào Ngôi Mộ Trống, Ong nhìn với cặp mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin.Ong không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh, dầu vậy Ong vẫn tin.Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin vì “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chúng ta không thấy Chúa nhưng chúng ta thấy Ngôi Mộ Trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người.Ta cũng có thể thấy Chúa trong trong tâm hồn khiêm nhu, tự hạ, quên mình, trong sự bình an thanh thản của nội tâm. đó là những dấu chỉ mà Đấng Phục Sinh ban tặng.

Không có Phục Sinh, đức tin chúng ta chỉ là hảo huyền, cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì nếu không có gì sau hết, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đời này?. Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục sinh, rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vở, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao?. Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường …

Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

 

 

 

 

 

68. Hai cái nhìn

 

Trước ngôi mồ trống của Đức Giêsu, có hai cái nhìn, dẫn đến hai cái thấy khác nhau:

- Cái nhìn của bà Maria Magdala là cái nhìn tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi tình cảm: chỉ mới nhìn tảng đá đã lăn khỏi mộ, tình cảm của bà bị tác động ngay khiến bà không còn thấy thêm điều gì khác mà chỉ nghĩ đến tình huống xấu nhất: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ!” Cái nhìn tình cảm này không giúp thấy được sự thật mà chỉ làm cho bà buồn rầu, lo lắng, khóc lóc.

- Cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu được đức tin hướng dẫn: Ông nghe nói tảng đá đã lăn khỏi mộ, ông chạy đến nơi để xem và xem xét rất kỹ. Ông cúi xuống nhìn vào trong, quan sát những tấm khăn liệm và dừng lại để suy nghĩ. Rồi ông nhớ lại những lời Thánh kinh mà Đức Giêsu đã dạy. Cái nhìn này giúp ông thấy được sự thật: Đức Giêsu đã sống lại. Cái nhìn đức tin này đem lại cho ông niềm vui: “Ông đã thấy và đã tin”.

Có thể so sánh cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong đêm tối bằng ánh sáng của tia hồng ngoại, nên có thể thấy được những điều mà mắt thường không trông thấy. Theo định nghĩa, “Tín hữu” là người tin. Vì thế tín hữu vừa có cái nhìn tự nhiên như mọi người, vừa phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan.

Chẳng hạn thánh Phaolô trong lúc đang ngồi tù và sắp bị đem ra xử, ông nghĩ đến hai tình huống có thể xảy ra: một là bị xử tử, hai là được tự do. Bằng cái nhìn đức tin, ông đã thấy sống hay chết đều tốt cả: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”. Còn thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu sau khi đã nhìn lại mọi sự việc xảy đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận “Tất cả là hồng ân”.

Đức Giêsu Phục sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta cần xin trong mùa Phục sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế, trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc trưng của Mùa Phụng vụ này: Halleluia!

 

 

 

 

 

69. Sứ điệp Phục Sinh

 

GỬI QUA PHÊRÔ

Hẳn chúng ta còn nhớ lời sứ thần nói với những người đàn bà đạo đức:

- Hãy về báo cho Phêrô và các môn đệ biết Ngài sẽ đi trước các ông đến Galilêa.

Chúng ta thử tưởng tượng xem Phêrô đang như thế nào trong buổi sáng Phục sinh?

Chắc hẳn lúc ấy Phêrô đang ngồi với các môn đệ trong phòng Tiệc Ly. Cõi lòng thì tan nát, tâm hồn thì đau đớn. Phêrô thì nhớ lại tội đã chối bỏ Chúa. Gioan thì nghĩ đến cái nhìn của Chúa trên thập giá trước khi trút hơi thở cuối cùng. Các môn đệ khác thì lo lắng về một tương lai đen tối.

Họ ngồi yên lặng, không nói một lời. Bầu khí thật là nặng nề và ngột ngạt. Bỗng chốc những tiếng gõ cửa dồn dập vang lên và giọng nói của những người đàn bà như vội vã và thúc giục:

- Này Phêrô, Phêrô hãy đến mau, Thầy đã Phục sinh. Thầy đang sống và gửi lời chào ông đó.

Phêrô người đã từng chối bỏ Chúa, người đã từng thề sống thề chết rằng mình không hề quen biết Ngài, người đã ăn năn sám hối. Và giờ đây, Chúa không còn nghĩ đến tội lỗi của ông nữa.

Đức Kitô Phục sinh đã quên đi, đã xóa bỏ dĩ vãng đau buồn của Phêrô, khi ông quay trở về với Ngài. Còn chúng ta ngày hôm nay, tòa giải tội chính là niềm an ủi cho những tâm hồn sám hối. Sứ điệp tha thứ của Đức Kitô Phục sinh sẽ khích lệ chúng ta, gia tăng sức mạnh để chúng ta biết chỗi dậy sau những lần sa ngã và vấp phạm. Hỡi Phêrô, ông có nghe thấy không, Thầy đang đợi chờ ông ở Galilêa.

GỬI QUA MADALÊNA

Để đi sâu vào lòng thương xót và tha thứ của Chúa, chúng ta cần phải tiếp nối và tìm hiểu cái sứ điệp Đức Kitô Phục sinh gửi qua Madalêna. Thực vậy, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, thì bên cạnh ngôi mộ của Chúa đã vang lên những tiếng khóc nức nở và nghẹn ngào của một tâm hồn tan nát, đó là Madalêna.

Đời sống dĩ vãng là như một đám mây đen phủ kín cõi lòng chị. Thế nhưng chị đã sám hối, đã ăn năn, đã bước theo Chúa trên con đường thập giá dẫn tới đỉnh đồi Canvê, để rồi chị đã xứng đáng đón nhận tin mừng Phục sinh. Madalêna thổn thức khóc lóc:

- Người ta đã lấy mất Thầy tôi rồi và tôi không biết họ để Ngài ở đâu?

Bỗng chốc Chúa Giêsu hiện đến, nhưng nàng lại chưa nhận ra Ngài. Chúa Giêsu hỏi:

- Ngươi đang làm gì thế và tại sao ngươi lại khóc?

Tưởng là người làm vườn, Madalêna đã trả lời:

- Thưa ông, nếu ông đã lấy xác Ngài, thì xin ông vui lòng bảo cho tôi biết ông đã để Ngài ở đâu?

Nhưng Chúa Giêsu đã nói với chị bằng một giọng ôn tồn và ngọt ngào như ngày nào:

- Maria.

Và rồi một cái gì đó đã xảy đến trong tâm hồn của chị. Chị như bừng tỉnh, vội vã chạy đến quì dưới chân Ngài. Nhưng Ngài lại phán:

- Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta.

Điều này có nghĩa là sứ mạng và công việc của Ngài chưa kết thúc, hay nói một cách khác, Nước Ngài vẫn chưa hoàn thành.

Thực vậy, kể từ khi Chúa Giêsu đến với nhân loại, thì nước Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta, thế nhưng nước ấy lại chưa hoàn thành. Nó mới là như một hạt giống được gieo vào lòng đất. Và chỉ được hoàn thành khi Ngài lại đến, như lời sứ thần đã nói với các môn đệ trong ngày Ngài về trời:

- Đức Kitô đã lên trời và Ngài sẽ lại xuống một lần nữa, cũng với cách thức mà các ngươi đã nhìn thấy.

Trong thời gian chờ đợi này, chúng ta phải thực thi lệnh truyền của Ngài:

- Hãy đi khắp thế gian và rao giảng tin mừng cho muôn dân.

Nhưng rồi để an ủi Madalêna, Ngài đã nói với chị:

- Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Ta về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các ngươi.

Ngài là người đầu tiên đã bước vào vinh quang và giờ đây đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta, những kẻ tin theo Ngài.

Chúng ta hãy đưa mắt nhìn vào xã hội hôm nay. Nó giống như một ngôi mộ khổng lồ vì có biết bao nhiêu người đang sống, nhưng thực sự họ là những kẻ đã chết từ lâu. Họ cũng đi đứng, cũng chạy nhẩy, cũng ăn uống, cũng ngủ nghỉ, nhưng đồng thời họ lại là những kẻ đã chết vì họ không có linh hồn. Nơi họ chỉ có những đam mê gào thét, những dục vọng chất đầy và những toan tính bất công trào dâng.

Tất cả chỉ còn lại một nắm bụi tro khi giờ chết đến và chẳng có gì cả cho cuộc sống vĩnh cửu. Dù cuộc đời chúng ta có nhiều gian nguy và thử thách, đắng cay và chua xót, thì cũng hãy cố gắng làm cho Nước Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng ta, cũng như trong tâm hồn người khác. Hãy trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, nhờ đó mà chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang Phục sinh với Ngài.

GỬI QUA KẺ THÙ

Sau cùng, biến cố Phục sinh còn là một lời cảnh cáo cho những kẻ thù của Ngài. Trong đêm thánh vọng Phục sinh chúng ta thấy gì? Tất cả Giêrusalem đang chìm trong giấc ngủ đêm dài. Philatô đã ngủ với sự hèn nhát của mình. Các thầy cả thượng phẩm đã ngủ yên với sự thỏa mãn của mình. Dân chúng cũng ngủ yên vì đã thực hiện được ý đồ độc ác của mình. Nhưng rồi bọn lính canh đã hối hả chạy về, mặt tái xanh như cắt không còn một giọt máu. Họ hổn hển nói với Caipha và Ana rằng:

- Đức Kitô không còn ở trong mộ nữa.

Nguồn tin ấy như một tiếng sét đánh ngang tai, khiến cho họ phải suy nghĩ, phải ra tay để mà chận đứng những lời đồn thổi bất lợi. Cuối cùng họ đã dối gạt và vu khống.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng gặp thấy những kẻ đã hành động giống như các thầy cả thượng phẩm Do Thái. Phải thổi phồng, phải bóp méo, phải bôi nhọ để mọi người không còn tin tưởng vào Đức Kitô, vào Giáo Hội vào tôn giáo nữa.

Trải qua dòng thời gian, nhiều lần Giáo Hội cũng đã nghe thấy những tiếng reo hò và chống đối như trong ngày thứ sáu tuần thánh:

- Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào cây thập giá. Máu nó sẽ đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi.

Giáo Hội chính là Đức Kitô tiếp tục hiện diện giữa chúng ta. Biết bao nhiêu lần Giáo Hội cũng đã phải bước đi trên nẻo đường thập giá. Nhưng rồi buổi sáng Phục sinh đã xuất hiện.

Quân thù muốn hạ nhục Ngài bằng cực hình thập giá, nhưng chính khi bị treo lên thập giá, Ngài bắt đầu hiển trị như lời Ngài đã nói:

- Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.

Dân Do Thái đã khinh bỉ nhìn Ngài trên thập giá, nhưng bây giờ hằng triệu triệu người đã quì gối, thờ lạy và suy tôn thập giá:

- Đây là cây thánh giá, nơi treo Đấng Cứu độ trần gian, chúng ta hãy đến thờ lạy.

Dân Do Thái đã kêu gào:

- Chúng tôi không có một vị vua nào khác ngoài hoàng đế César.

Còn bây giờ, hằng triệu triệu con tim đã tuyên xưng:

- Chúng tôi thờ lạy Chúa, chúng tôi tôn vinh Chúa, vì Chúa đã dùng thập giá mà cứu độ trần gian.

Hãy sám hối ăn năn để được tha thứ như Phêrô. Hãy tin tưởng vững vàng Giáo Hội sẽ vượt qua muôn vàn sóng gió, như Đức Kitô đã đón nhận thập giá để được tiến vào vinh quang Phục sinh.

 

 

 

 

 

70. Chú giải của Noel Quesson

 

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần

Cả bốn Tin Mừng đều đồng ý về điểm lịch sử này. Đó là biến cố Phục sinh xảy ra vào hôm sau ngày Sabát, hôm sau ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái. Là người rất nhạy cảm với các biểu tượng, Gioan cho rằng, "ngày thứ nhất" trên đây gợi lên một thế giới mới đang khởi đầu; một cuộc tạo dựng mới, một tuần lễ sáng thế mới.

Đau khổ và cái chết là những chứng cớ hiển nhiên chống lại sự hiện diện của Thiên Chúa: Làm sao lại xảy ra việc Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới đầy bất hạnh như thế?

Vấn nạn đó không thể trả lời được, nếu ta phủ nhận biến cố Phục sinh. Các giáo phụ cũng như những người quen suy niệm Kinh Thánh, đều nghĩ rằng, Thiên Chúa có thể không bao giờ "dựng nên" công cuộc sáng tạo đầu tiên (mọi tạo vật đều phải chết), nếu Người đã không tiên liệu từ thuở đời đời công cuộc sáng tạo thứ hai của Người, nhờ đó sẽ không còn sự chết, cũng không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21,4).

Lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ

Bốn Tin Mừng đều nhất trí về sự kiện lịch sử trên. Đó là các phụ nữ là những người đầu tiên đã khám phá ra “biến cố". Là người ở trong cuộc, Gioan đặc biệt quan tâm tới một người phụ nữ, chị Maria Mácđala. Ông gán cho chị là Người đã được Đức Giêsu hiện ra đầu tiên (Ga 20,11-18).

Thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến

Chi ta "chạy". Chi tiết này rất có ý nghĩa.

Chị chưa gặp Đức Giêsu. Chị chưa tin. Chị mới chỉ đứng trước sự kiện ngôi mộ mở ngỏ! Đó là điều bất thường. Chị không ngờ được việc đó. Chị cảm thấy hốt hoảng. Chị chạy đi báo tin cho các vị có trách nhiệm. Ở đoạn văn trên, ta nên ghi nhận một tên gọi đặc biệt được gán cho "môn đệ" không nêu rõ danh tánh: "Người môn đệ Đức Giêsu thương mến". Truyền thống vẫn thừa nhận Gioan, tác giả của trình thuật trên, là chính người môn đệ đó. Ngoài ra, trong nhóm Mười Hai, không phải là không có sự ghen tị, vì Gioan vẫn thường được Đức Giêsu quan tâm cách hết sức đặc biệt. Chi tiết này cũng rất quan trọng. Ta nên ghi nhận điều đó.

Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu

Lúc này, chị mới chỉ đưa ra giả thuyết: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ. Người ta không giải thích sự kiện theo lý trí: Vì quá mong ước Người sống lại, nên không tránh khỏi một ảo giác. Đúng ra, tất cả các bản văn đều nói ngược lại.

Rõ ràng, trình thuật trên được kể lại để giúp ta cảm thấy rằng, sự kiện ngôi mộ trống không là một bằng chứng, tự nó có khả năng khiến ta tin. Tuy nhiên, ngôi mộ trống kỳ diệu đó là một đối tượng đòi hỏi ta phải thắc mắc. Chỉ vỏn vẹn trong một trang, mà từ "ngôi mộ” được nhắc tới bảy lần! Cho đến lúc này, mới chỉ có thế!

Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước

Gioan nhớ lại, ông đang ở đó. Nhưng giải thích chi tiết hơn, chỉ nguyên dựa vào sự kiện chưa đủ. Còn một yếu tố khác Gioan nhận ra một biểu tượng: Phêrô có thể tự để cho kẻ khác vượt qua mình, để cho các môn đệ hăng say hơn đi trước ông. Và đó không phải là trường hợp duy nhất Gioan đã đi trước Phêrô (Ga 13,24; 18,12-16; 21,20-23). Nhưng tại sao ở đây lại nhấn mạnh đến điểm bất thường này?

Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.

Cách dịch sát nhất bản văn Hy Lạp, do Gioan đã mục kích và viết lại có thể như sau: "ông nhìn thấy băng vải bung ra, và khăn quấn đầu Ngài, không tuột ra cùng với băng vải, nhưng được cuốn lại riêng biệt, đặt đúng chỗ của nó”.

Tóm lại, không có bàn tay bên ngoài nào đã tham dự vào. Chỉ thấy thân xác đã biến mất, và những khăn liệm tuột bung ra tại chỗ. Gioan cũng ghi nhận rằng, khăn quấn đầu (đó là thứ băng vải quấn chung quanh đầu để giữ quai hàm, theo như tập quán tẩm liệm của người Do thái) vẫn còn ở đó, được cuốn lại đặt đúng chỗ, bên trong băng vải.

Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào

Gioan nhấn mạnh: chính ông cũng bước vào!

Đó không thể là một chi tiết không quan trọng, không ý nghĩa.

Ông đã thấy và đã tin.

Phêrô vẫn chưa hiểu gì. Khi thuật lại cảnh Phêrô đến thăm mộ, Luca nói rõ ràng, ông ta chỉ chứng kiến, nhưng trở về nhà rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu gì hết” (Lc 24,12).

Maria Mácđala đã giải thích theo kiểu nhân loại: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ".

Phêrô thì không hiểu gì hết.

Còn Gioan sáng suốt hơn, "ông đã thấy và đã tin".

Vây ông đã thấy những gì?

Ông đã chứng kiến cũng một sự việc như Phêrô, nhưng Phêrô không biết giải thích.

Để tin, cần phải có đôi mắt của tâm hồn. Cần những con mắt của tình yêu. Giờ đây chúng ta mới hiểu rõ, tại sao Gioan lại nói đến "người môn đệ Đức Giêsu thương mến". Vì tình yêu này mà Gioan đã chạy nhanh hơn! Vì tình yêu này mà ông là người đầu tiên đã tin sau này, trên bờ hồ Galilê, chính "người môn đệ Đức Giêsu thương mến" sẽ nhận ra Đức Giêsu trước Phêrô (Ga 21,7).

Ở đây chúng ta lại nhận thấy tình yêu luôn tác động tới đức tin. Những người nắm giữ quyền bính trong Giáo hội chưa hẳn đã có đặc ân này. Thay vì ganh tị nhau "quyền bính", trong Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những người đi tiên phong "trong tình yêu”. Đó là điều quan trọng hơn cả.

Ông đã thấy và đã tin.

Đối với Gioan, sự kiện khăn liệm được sắp xếp gọn gàng là một dấu chỉ còn ý nghĩa hơn ngôi mộ trống. Khi vừa nhìn thấy "băng vải tuột ra” và "khăn quấn đầu vẫn ở nguyên tại chỗ", nhờ một thứ trực giác soi sáng, ông đã nhận ra ngay rằng, Người đã không thể dùng tay chân mà di động thân xác ra khỏi mộ, nhưng chỉ có thể Người đã hết hiện hữu cách thể lý bên trong những khăn băng tẩm liệm vẫn còn y nguyên.

Thế mà những dấu chỉ đó đã không nói lên điều gì với Phêrô.

Dấu chỉ không có khả năng "trao ban đức tin" cho một ai. Dấu chỉ không tuyệt đối thúc ép ta. Cần phải vượt qua “cái thấy được”, để đi tới "điều tin nhận". Chính Đức Giêsu sắp tuyên bố: "Phúc thay những người không thấy mà tin" (Ga 20,29). Như thế, Gioan đã tỏ ra là một môn đệ tuyệt vời: Ông tin, dù không thấy.

Đức tin cũng tương tự như những thực tại thâm sâu của con người. Chúng ta không bao giờ thấy được tình yêu mà những người yêu chúng ta. Chúng ta chỉ nhận được những dấu hiệu của tình yêu. đó. Do đó, những dấu chỉ trên đây chỉ thông tỏ ý nghĩa cho những ai biết đoán nhận ra chúng. Một cử chỉ, một lời nói, một sự vật là những cử chỉ còn hàm hồ, bấp bênh! Chúng cần phải được giải thích, nhưng không phải là không có nguy cơ sai lầm: "Sự việc đó muốn nói với tôi điều gì đây? Tôi cần phải hiểu cử chỉ đó thế nào?" Đó là điều rất cảm động trong mọi cuộc gặp gỡ của con người. Cuộc gặp mặt nào cũng đòi buộc những kẻ tham dự phải ở trong tình trạng cởi mở và quan tâm chú ý. Tất cả chúng ta đâu có kinh nghiệm chua xót, vì đã ra một dấu hiệu mà không được hiểu biết, đã phát biểu một lời mà không được đón nhận, đã làm một cử chỉ mà người ta giải thích sai. Hai người cần phải yêu thương nhau hết tình thì sứ điệp trao đổi mới được nhận biết trọn vẹn ý nghĩa.

Vì thế, sự kiện “mộ trống" và "những khăn liệm được sắp xếp gọn gàng”, chỉ những ai yêu nhiều, mới có thể hiểu được.

Ta cũng cần hiểu các bí tích, như những dấu chỉ giống thế.

Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết

Đúng hơn, ta nên dịch câu trên như sau: "Các ông không hiểu Kinh Thánh nói rằng, Ngài phải Phục sinh kẻ chết".

Thực vậy, các sự kiện chưa đủ! "Ngôi mộ trống" chỉ là một dấu chỉ đối với Gioan, trước khi ông gặp Đức Giêsu trong những lần hiện ra, bởi vì ông đã để cho Thánh Thần lay chuyển, mạc khải cho ông ý nghĩa của dấu chỉ. Trước những chứng cớ ông ghi nhận, Gioan còn biết nhớ lại những đoạn Kinh Thánh của Đức Giêsu đã trích dẫn cho các ông (Hs 6,2; Tv 2,7; Gn 2,I).

Ta cũng nên hành xử như thế, trước những biến cố của đời sống. Chúng ta chỉ có thể hiểu sâu sắc các biến cố đó, nếu ta làm sáng tỏ chúng, nhờ việc luôn suy niệm Lời Chúa, trong Thánh Thần.

Chính tình yêu làm cho ta hiểu rõ chân lý: Muốn tin, cần phải yêu mến.

 

 

 

 

 

71. Suy niệm của Lm Nguyễn Hài Đồng

 

Người Công Giáo suy niệm về Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô: TỪ MỒ CHÔN BÍT KÍN ĐẾN NỔ TUNG PHỤC SINH!

Chúa Giêsu Kitô của người Công Giáo thật quá lạ lùng!

Người ta có thể mạt sát Ngài đủ cách, khi công khai dữ tợn, khi thầm lén xảo quyệt, nhưng, quên Ngài đi, chối Ngài hẳn, diệt Ngài tiêu, thì không một ai trên trần gian nầy đủ sức làm được việc nầy, không một quyền lực nào trong nhân loại có thể thi hành nổi công tác nầy, vì Chúa Giêsu Kitô của người Công Giáo đã phục sinh, đã sống lại, và sống mãi muôn đời; vì Ngài là Nguyên Thủy và là Cùng Đích của mọi loài. Lấy tên GIÊSU ra khỏi lịch sử nhân loại, lịch sử nhân loại sẽ bị lung lay tận gốc rễ.

Vậy, Chúa Giêsu Kitô của người Công Giáo là ai?

Đây, lý lịch và chứng minh nhân dân của Ngài:

GIÊSU, biệt hiệu: KITÔ; tuổi: 33; dân tộc: Do Thái; Cha: Giuse; Mẹ: Maria; Nghề nghiệp: Thợ mộc; Nguyên quán: Bêlem – Giuđa; Nơi thường trú: Nadarét – Galilêa; Dấu vết riêng hoặc dị hình: không có (vì thân xác của Chúa Giêsu cân đối tuyệt vời, không méo mó, không có vết sẹo như thân xác của chúng ta); tử tội bị xử chết đóng đinh ngày 14 tháng Nisan năm 30.

Nếu chỉ được kể như thế: thợ mộc, bị đóng đinh tử hình, chết trẻ, ... thì Giêsu của người coong giáo không khác gì hai tên trộm bị xử tử vì hình sự trên đồi Gôngôta. Nếu vậy thì không có gì để phải nói, và cũng không có gì để đáng nói.

Nhưng một biến cố lạ lùng nhất đã xảy đến cho nhân loại, - một biến cố vô tiền khoáng hậu, làm cho khoa học thông minh nhất cũng phải bó tay, làm cho ai muốn nghiệm thu kỹ lưỡng nhất cũng không thể nào thực hiện được -, vì biến cố nầy không bao giờ lặp lại một lần thứ hai nữa trong lịch sử nhân loại: BIẾN CỐ PHỤC SINH, biến cố Chúa Giêsu Kitô của người Công Giáo đã tự mình sống lại sau khi chết chôn trong mộ ba ngày.

Mồ chôn bít kín bị Phục Sinh nổ tung!

Con người thời nay thế nào?

Con người thời nay, nếu bỏ đức tin ra ngoài, chỉ biết tôn sùng khoa học, và chỉ biết đem khoa học ra để cắt nghĩa mọi sự. Họ muốn cái gì cũng phải được nghiệm thu, được đo đạc, được tay rờ, được mắt thấy, được tai nghe, được kiểm chứng một cách rõ ràng tại chỗ. Nói rằng cách đây hai ngàn năm, có một người đã tự mình sống lại, sau khi đã bị chôn chặt trong ngôi mộ ba ngày, là điều mà con người ngày nay không thể nào chấp nhận được, vì khoa học không bao giờ thấy được sự kiện một người chết ba ngày, rồi sống lại.

Khi nghe người Công Giáo chúng ta nói rằng: Đức Giêsu đã sống lại, và điều nầy đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, thì khoa học ngày nay không tin được vì cho rằng việc đó không thể nào kiểm chứng nổi, không thể nào nghiệm thu được.

Với óc phê bình khoa học thực nghiệm, con người ngày nay có thể có hai thái độ: hoặc chối sự kiện Chúa Giêsu sống lại, - nhưng than ôi, không thể nào chối được vì GIÊSU đang rành rành trước mặt họ, vì GIÊSU đang là trung tâm của lịch sử nhân loại: không có GIÊSU, nhân loại như một người mất đi quả tim, không thể nào sống nổi; hoặc cho rằng sự Đức Giêsu sống lại chỉ là do óc tưởng tượng của các tông đồ bày đặt ra mà thôi, - nhưng than ôi, không thể nào chủ trương nổi điều nầy vì tôn giáo của các tông đồ nầy truyền ra cách đây hai ngàn năm, - những tông đồ nhát đảm, ngu dốt, nghèo mạt -, thì hiện nay lại lan tràn khắp nơi, và sau hai ngàn năm rồi, vẫn sinh động một cách lạ lùng mãnh liệt!

Đối với người Công Giáo thế nào?

Đối với người Công Giáo, Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, Biến cố Sống Lại của Chúa Giêsu, có ý nghĩa gì?

Khi định nghĩa Đạo Công Giáo của mình, người ta phải gọi đó là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại thì mới đầy đủ ý nghĩa vì biến cố Phục Sinh là cơ sở, là căn bản, là điều quan trọng nhất trong Đạo Cong Giáo.

Giữ Đạo, đối với người Công Giáo, chẳng qua là tin mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu, tuy đã chết, nhưng đã sống lại. Không có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu sống lại, người Công Giáo chỉ biết Đạo mình như một thứ tôn giáo do bàn tay của người nào đó tạo ra, chứ không thể nào giữ Đạo và sống Đạo theo đức tin siêu nhiên mạnh mẽ được.

Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là tất cả vận mạng của cuộc đời người Công Giáo vì không có biến cố nầy, cuộc đời của họ hoàn toàn sụp đổ và vô lý. Chính thánh Phaolô đã nêu lên điều nầy khi ngài quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).

Sau hai ngàn năm đã trôi qua, một phần lớn nhân loại hiện nay đang thờ lạy Người bị đóng đinh chết trên thập giá. Điều nầy không thể nào cắt nghĩa được, nếu không có một biến cố lịch sử mà không ai có thể chối cãi được, và biến cố lịch sử nầy phải gây xúc động thật mãnh liệt: đó là biến cố Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Sống Lại.

Làm thế nào cắt nghĩa được sự lạ lùng này?

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc GIÊSU, cách đây hai ngàn năm, từ một người thợ mộc vô danh, sinh sống nơi một thôn quê nghèo khổ, tại xứ Do Thái xa xôi nhỏ bé, nằm chìm trong đế quốc rộng rãi bao la Rôma, một ngày đẹp trời của tháng tư, bị quân lính bắt đi, đánh đập, bị Chính quyền xử án và cho đem đi hành quyết chung với hai tên trộm cướp, rồi chết lạnh lùng tất tưởi trên hai miếng gỗ thập giá.

Nếu sự việc chỉ kết thúc một cách thê thảm nơi đây, thì làm sai giải thích được hiện tượng ngày nay đang làm sửng sốt nhân loại: một phần lớn nhân loại đang quỳ thờ lạy Người bị đóng đinh chịu chết trên cây thập giá cách đây hai ngàn năm?

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc các tông đồ sợ sệt kia, bị gán là đầy ảo giác, hoang tưởng và mê sảng, bị gán là gian manh vì ăn trộm xác chết của Thầy rồi phao vu Thầy sống lại, lại có thể dựng nên được một tôn giáo siêu phàm như Đạo Công Giáo, gây uy tín trên khắp thế giới và chi phối tất cả lịch sử nhân loại?

Làm thế nào cắt nghĩa được các tông đồ mù chữ, ít học, chưa được đào luyện gì thêm thì đã bỏ cuộc vì Thầy bị bắt, lại lôi kéo được Saolô, một kẻ học thức uyên bác và đầy cuồng tín vì chỉ biết Do Thái Giáo của mình là trên hết, và những tông đồ kém cỏi và bất lực về mọi mặt nầy, lại đem được vào Đạo Công Giáo những người ngoại giáo Hy lạp và Rôma, là những dân tộc từng có những nhà tư tưởng siêu việt, những nhà chinh phục lừng danh, những nghệ sĩ đại tài, mà nhiều người nầy đã trở thành những tín đồ đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm để sống theo một Đạo hoàn toàn mới mẻ và bất lợi: vì theo Đạo nầy thì phải mất quyền công dân, phải bị tịch thu gia sản, phải bị mất chức mất tước, phải bị tù đày, xử tử .... ; vì Đạo nầy đòi buộc nhiều hy sinh, không chịu dùng sức mạnh trần gian để bành trướng, nhưng chỉ biết rao truyền lòng tin vào Người bị đóng đinh chết trên thập giá dạy bác ái yêu thương tha thứ?

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc Đạo Công giáo hiện nay vẫn còn lôi cuốn nhiều người thuộc mọi dân nước, mọi giai cấp, mọi ngôn ngữ, mọi hạng người, mọi màu da sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội, mọi trình độ văn hóa?

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc Đạo Công giáo hiện nay, tuy bị đàn áp bắt bớ đủ cách tại nhiều nơi, nhưng vẫn luôn bành trướng và không thể nào bị tiêu diệt được?

Chìa khóa cắt nghĩa được sự lạ lùng này

Chìa khóa cắt nghĩa được tất cả những sự lạ lùng nầy của Đạo Công giáo là biến cố Phục Sinh, Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô.

Mà thật vậy! Nếu Chúa Giêsu Kitô không sống lại, thì sự khổ nạn và cái chết của Ngài trên Thập giá mà chúng ta thờ lạy trong Thứ Sáu Tuần Thánh, chỉ là một con đường bế tắc dẫn đến hố tuyệt vọng, chỉ là một ngõ cụt không có lối thoát đưa đến cái chết khốn nạn, chỉ là một con đường hầm mù mịt đem ta đến sự tối tăm vô nghĩa.

Đối với người Công giáo, Ngày Thứ Sáu Chúa chết, - Ngày Thứ sáu Tử Nạn -, và Ngày Chúa Nhựt Chúa sống lại, - Ngày Chúa Nhựt Phục Sinh -, là hai diện cùng chung một thực tại, là hai mặt cùng chung một biến cố: thực tại Chết - Sống Lại, biến cố Tử Nạn - Phục Sinh. Hai diện nầy, hai mặt nầy chỉ là một thực tại, chỉ là một biến cố. Nếu thiếu đi một diện nào, thiếu đi một mặt nào, thì Công Cuộc Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Kitô thành ra vô nghĩa và không thể nào thực hiện được.

Nhìn lên Cây Thánh Giá, người Công Giáo thờ cùng một lúc sự Chúa Giêsu chết và sự Ngài sống lại: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại!”

Đạo Công giáo chúng ta phải được gọi là Đạo Thánh Giá và Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại. Khi làm Dấu Thánh Giá, khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta tuyên xưng việc Chúa Giêsu chết và việc Ngài sống lại. Nếu chúng ta dừng lại nơi cái Chết của Chúa Giêsu, là để chúng ta nhìn ngắm sự Sống Lại trong cái chết của Ngài. Vì thế, nếu chúng ta nhìn lên Thánh Giá, nếu chúng ta làm Dấu Thánh Giá mà còn để cho buồn phiền, lo âu, thất vọng, sợ sệt đè bẹp chúng ta, thì chúng ta chưa phải là người theo Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại hạnh phúc cho người Công Giáo

Có thể hiện nay, có người Công Giáo tiếc rằng, vì đã qua hai ngàn năm rồi, nên mình không được hạnh phúc sống đồng thời với Chúa Giêsu để gặp Ngài, để nhìn Ngài, để nói chuyện với Ngài, để ăn uống với Ngài, để đi trên cùng một con đường với Ngài ....Nhưng, với biến cố Phục Sinh, mỗi người Công Giáo hiện nay vẫn gặp được Chúa Giêsu một cách dễ dàng, và gặp được Ngài bất cứ đâu và gặp bao lâu cũng được.

Nếu người Công Giáo muốn có mặt trong đám đông dân chúng Do Thái ngày xưa để nghe Chúa Giêsu ban bố Tám Mối Phước Thật và nghe những Lời hằng sống của Ngài, thì đây, bất cứ ai cũng có thể nghe tiếng Chúa Giêsu Phục Sinh qua những vị kế thừa các Tông Đồ khi các vị nầy rao giảng Lời Chúa vì Chúa Giêsu đã khẳng định: "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16).

Nếu người Công Giáo muốn như Mađalêna và người trộm lành kia khiêm nhượng thú tội để lãnh ơn tha thứ từ miệng Chúa Giêsu, thì đây, chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang nghe người Công Giáo thú tội trong tòa cáo giải, và xuyên qua con người của linh mục, Chúa Giêsu Phục Sinh thứ tha tội lỗi cho chúng ta: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20,22-23).

Nếu người Công Giáo muốn có mặt trong nhà Tiệc Ly, và như Gioan kia, được dựa đầu vào ngực Chúa, thì đây, trong Bí Tích Thánh Thể, khi họ đi rước Chúa Giêsu vào lòng hoặc khi họ quỳ chầu Ngài trước Nhà Tạm, Trái Tim Chúa Giêsu đập cùng nhịp với trái tim của họ, và Chúa Giêsu Phục Sinh trở nên một với họ.

Nếu người Công Giáo muốn có mặt trên núi Canvariô, đứng sát bên cạnh Đức Trinh Nữ Maria dưới cây Thánh Giá, thì đây, Thánh Lễ là sự tái diễn hằng ngày biến cố Thứ Sáu Tuần Thánh trên đồi Gôngôta, Thánh Lễ đưa họ đến dưới chân Thập giá cùng với Đức Trinh Nữ Maria. Họ được nghe lời Chúa trối Đức Mẹ làm mẹ mình, và được ăn Bánh Trường Sinh là Thân Thể Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Thật, Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại hạnh phúc cho người Công Giáo biết chừng nào! Với Chúa Giêsu Phục Sinh, họ không có gì để ganh tị với các Tông Đồ ngày xưa và với những người đồng hương với Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm. Chúa Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với họ trên con đường đời, cho tới một ngày kia, giống như hai lữ khách đi về Êmau, con mắt họ mở ra để thấy mình đang mặt đối mặt với Chúa Giêsu Phục Sinh là Bạn Đường của họ, là Thầy của họ, là Lẽ Sống của họ, là Tất Cả của họ.

Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại nguồn vui cho người Công Giáo

Khi Chúa Giêsu sống lại, các thiên thần mặc áo trắng đón chào Chúa trong niềm hân hoan, và các phụ nữ cũng như các tông đồ, môn đệ, khi biết rõ Thầy mình đã sống lại, liền nhảy mừng sung sướng, Allêluia!

Niềm vui Phục Sinh: vui vì Chúa đã sống lại và sẽ làm cho thân xác người Công Giáo cũng sống lại; vui vì Chúa sống lại đã đánh bại Tử Thần; vui vì Chúa sống lại đã chiến thắng tội lỗi và ban tràn ơn tha thứ xuống cho người Công Giáo.

Nếu Đạo Công Giáo được định nghĩa một cách xác đáng là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại, thì những ai theo Đạo nầy – những người công giáo, cũng phải được định nghĩa là Những Kẻ Phục Sinh, Những Kẻ Sống Lại!

Không gì vui bằng sự sống: nhìn một em nhỏ đầy tràn sự sống, thấy em tung tăng, nhảy múa, nghe em ca hát líu lo, thật vui biết bao! Huống nữa, đây không phải là sự sống mà thôi, mà còn là sự sống lại nữa! Với Chúa Giêsu Phục Sinh, người công giáo luôn sống vui vẻ: "Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).

Với Chúa Giêsu Phục Sinh, người công giáo vui nhận tất cả mọi giá trị ở trên đời nầy: "Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

+++

Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại nguồn hy vọng cho chúng ta.

Chúa Giêsu đã sống lại. Ngài không phải sống lại để rồi chết lại như Ladarô. Ngài sống lại và sống mãi muôn đời. Điều nầy mang lại hy vọng vô cùng lớn lao cho chúng ta.

Mặc cho bao nhiêu phá hoại, mặc cho bao nhiêu hậm hực căm thù, mặc cho bao nhiêu ghen ghét chống đối, Nước của Chúa Giêsu Phục Sinh trên trần gian nầy và trong các linh hồn, vẫn không bao giờ sụp đổ, nhưng luôn vững đứng.

Hiện nay, chúng ta thấy có một số người tìm cách chống đối Chúa Giêsu, tìm cách tiêu diệt Chúa Giêsu. Chúng ta hãy thương hại họ vì họ tìm cách giết một Người không thể chết được, vì họ tìm cách triệt hạ một Người không bao giờ sụp ngã.

Như vậy, những ai theo Chúa Giêsu Phục Sinh luôn thấy cuộc sống hiện nay của mình có ý nghĩa, luôn thấy đường đời mình đang đi có hướng rõ rệt, luôn thấy những bế tắc của mình có lối thoát, luôn thấy cuộc sống mai hậu của mình được bảo đảm ngàn thu bất diệt.

Người công giáo phải rạng ngời ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu sống lại!

Rạng ngời ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu sống lại, đó là điều người công giáo phải có.

Nhưng than ôi, có lẽ niềm tin Phục Sinh của người Công Giáo còn quá yếu!

Nếu có vị sáng lập đạo nào, - mà đạo đó làm cho kẻ chết sống lại, và tự mình, ông cũng sống lại, - thì những người theo đạo ông nầy thế nào cũng lấy làm sung sướng và hãnh diện. Họ sẽ không ngớt tuyên truyền và cao rao đấng sáng lập nầy, và lôi cuốn được nhiều người theo đạo nầy. Và đây là điều mà các Tông Đồ và các bổn đạo trong thời Giáo Hội sơ khai đã làm. Ở bất cứ đâu, đi đến bất kỳ đâu, họ cũng hãnh diện nói rằng: “Thầy chúng tôi đã bị đóng đinh chết, nhưng nay đã phục sinh sống lại!”

Đạo công giáo chúng ta là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống lại!

Chúng ta là những người phục sinh, những người sống lại!

Phục Sinh, Sống Lại: khi đang còn sống!

Phục Sinh, Sống Lại: khi nhắm mắt lìa đời!

Phục Sinh, Sống Lại bất diệt: sau cái chết đời tạm nầy!

home Mục lục Lưu trữ