Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 71
Tổng truy cập: 1367182
KHI TRỜI SÁNG, ĐỨC GIÊSU ĐỨNG TRÊN BÃI BIỂN
KHI TRỜI SÁNG, ĐỨC GIÊSU ĐỨNG TRÊN BÃI BIỂN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
*I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ trên Biển Hồ. Chúa chỉ cho các môn đệ bắt được nhiều cá, Chúa còn nướng cá và bánh cho các ông ăn. Khung cảnh thật ấm cúng.
Khung cảnh Thánh lễ cũng ấm cúng như vậy: chúng ta đang ngồi quanh bàn tiệc của Chúa. Chính Chúa dọn tiệc cho chúng ta và đang ở giữa chúng ta.
Xin cho bữa tiệc thánh này giúp chúng ta tin Chúa vững vàng hơn và yêu mến Ngài nồng nàn hơn.
*II. Gợi ý sám hối
- Rất nhiều lần chúng ta dự Thánh lễ mà không ý thức sự hiện diện thân mật gần gũi của Chúa.
- Rất nhiều lần chúng ta rước lễ mà không ý thức mình đang hưởng dùng lương thực do chính Chúa dọn cho chúng ta.
- Rất nhiều lần chúng ta họp nhau trong Thánh lễ mà không chút tâm tình liên kết với những anh chị em cùng dự tiệc thánh với mình.
*III. Lời Chúa
*1. Bài đọc I (Cv 5,27b-32.40b-41)
Trích đoạn này từ sách Công vụ nhấn mạnh đến Danh Chúa Giêsu phục sinh:
- Vì rao giảng Danh Chúa Giêsu nên các tông đồ bị Thượng Hội Đồng Do Thái bắt.
- Dù vậy, ngay giữa Thượng Hội Đồng, các ông lại rao giảng Danh Chúa Giêsu.
- Sau khi được thả ra, các ông sung sướng vì đã có dịp chịu khổ vì Danh Chúa Giêsu, và tiếp tục rao giảng Danh Ngài.
*2. Tin Mừng (Ga 21,1-9)
Phần cuối của Tin Mừng Gioan (có lẽ không do Gioan viết, mà do các đồ đệ của Gioan), tường thuật cuộc hiện ra cho các tông đồ trên biển hồ Tibêria:
- Theo gợi ý của Phêrô, người số tông đồ khác trở lại nghề cũ là đi đánh cá.
- Khi đó xảy ra lại một tình huống giống y lần đầu tiên Phêrô gặp Chúa Giêsu và được Ngài gọi: các ông không đánh được cá, nhưng nhờ Chúa Giêsu nên sau đó đánh được rất nhiều cá (x. Lc 5,4-11)
- Các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu: đầu tiên là Gioan, kế đến là các ông khác.
- Bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò nhận ra nhau.
*3. Bài đọc II (Kh 5,11-14)
Trong một thị kiến, Thánh Gioan nhìn thấy Chúa Giêsu trong hình dáng của Con Chiên:
- Con Chiên đã bị giết, nhưng đã sống lại và xứng đáng được hưởng mọi quyền lực và vinh quang.
- Tất cả các thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất và ngoài biển khơi đều tôn thờ và tung hô Con Chiên.
*IV. Gợi ý giảng
*1. Sức khám phá của tình yêu
Một giọt nước nếu nhìn bằng mắt thường thì cũng chỉ là một giọt nước, nhưng nếu nhìn bằng kính hiển vi thì lại là cả một thế giới sống động. Một cái hồ nếu được nhìn bởi một người nông dân thì cũng chỉ là một cái hồ, nhưng dưới mắt của một nghệ sĩ thì lại là cả một cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời không thể nào tả xiết.
Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là cùng một sự việc nhưng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy những cách nhìn khác nhau. Sự việc đã xảy ra trên hồ Tibêria cũng thế: lúc ấy trời còn tờ mờ tối, Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với các tông đồ đang lúc các ông thả lưới đánh cá. Các ông tưởng là ma nên run sợ và định chạy trốn. Riêng có Gioan là nhận ngay ra ấy là Thầy. Do đâu mà Gioan đã nhận định sắc sảo được như thế? Thưa vì Gioan là tông đồ yêu mến Chúa nhiều nhất. Chính Tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng Tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.
Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau? thích chở nhau đi chơi? thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ! Phải không? Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác: Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sự sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha! Cho nên Thánh Augustinô đã nói rất đúng: “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.
Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.
*2. Thủ lãnh giáo hội
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của một con người đã hết lòng yêu mến Chúa, và đã cảm nghiệm sâu xa ơn thứ tha của Người, được kể lại như sau:
Ông đến Rôma giữa lúc Nêrông đang bắt bớ đạo thánh. Một số người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, nên các tín hữu khuyên ông hãy chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.
Khi ra khỏi cổng, ông gặp một người đang vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis?” nghĩa là “Người đi đâu đó?” Người ấy trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu, vội vàng quay lại Rôma. Ông nhập vào hàng ngũ các tín hữu sắp chịu cực hình để an ủi họ và giúp họ giữ vững niềm tin. Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hoả thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.
Con người ấy chính là Phêrô, và cái chết ấy đã được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giương tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18-19).
Vâng, Phêrô một con người rất bộc trực, nóng nảy, hay sa ngã và sa ngã thậm tệ. Có lần Chúa đã gọi ông là Satan, và mới đây nhất, ông đã chối Chúa tới ba lần. Nhưng con người đầy khuyết điểm ấy Chúa đã chọn làm “Đá tảng”, thủ lãnh của Giáo Hội. Vai trò lãnh đạo của Phêrô được tỏ rõ trong bài Tin Mừng hôm nay:
Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ trở về đời sống thuyền chài. Phêrô vẫn là người quyết định: “Tôi đi đánh cá đây”. Các môn đệ khác cũng đồng tình: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Đêm ấy, không bắt được con cá nào. Trời sáng, theo lời người khách lạ, thả lưới bên phải mạn thuyền, một mẻ cá bất ngờ. Khi vừa nghe Gioan nói: “Chúa đó!” Phêrô liền nhảy xuống biển, đến với Người. Ông rất nồng nhiệt, năng nổ, hăng hái.
Sau khi Thầy trò đã ăn điểm tâm xong, Người bắt đầu phỏng vấn thủ lãnh Phêrô để trao cho ông sứ vụ mới: “Này anh Simon, con ông Giona, anh có mến Thầy hơn các anh em nầy không?”. Thật tình, ông rất ngượng ngùng vì ông mới chối Thầy tới ba lần, mà giờ đây Người lại hỏi ông có yêu mến Thầy không? Mới phản bội mà giờ lại nói yêu thương, quả là rất khó khăn; hơn nữa, Người lại hỏi tới ba lần! Có lẽ Phêrô đang nhớ lại lời Chúa nói trước đây: “Kẻ nào được tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn” (x. Lc 7,47). Vâng, Chúa đã tha thứ cho Phêrô ngay lúc Người quay xuống nhìn Ông từ trên dinh thượng tế, khiến nước mắt ông tuôn trào.
Ba lần chối Chúa thì ba lần Người cho ông cơ hội để nói lời yêu thương, để tuyên xưng lại niềm tin. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội: “Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và cũng ba lần, Người trao cho ông sứ mạng cai quản Hội thánh của Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,17).
Từ đấy, Phêrô đích thực trở nên thủ lãnh của Giáo hội, chăm sóc đoàn chiên của Thầy, và cuối cùng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên. Phêrô đã chịu đóng đinh trên thập giá, để giữ vững niềm tin cho đoàn chiên, và để yêu thương đoàn chiên cho đến cùng, yêu “Như Thầy Đã Yêu”.
*
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho thánh Phêrô thật nhiều, và thánh nhân cũng đã yêu mến Người thiết tha.
Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa, cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương, để như thánh Phêrô, chúng con sẽ đi bất cứ nơi nào Chúa muốn đưa chúng con đi, cho dù nơi đó là thập giá, là cái chết thương đau.
Như thánh Phêrô, xin cho chúng con xác tín rằng: Hiến thân vì Chúa là lãnh nhận, nô lệ cho Chúa là tự do, và chết với Chúa là sống mãi muôn đời Amen. (TP)
*3. Tình yêu và lý luận
Bài Tin Mừng tuần trước thuật lại cách mà Tôma đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh: Tôma đã tuyên bố “nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở bàn tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận, nghĩa là chỉ tin khi nào đã có đủ bằng cứng rõ ràng hiển nhiên. Còn bài Tin Mừng tuần này thuật lại cách mà Gioan đã nhận ra Chúa: một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình. và Tin Mừng ghi chú “Gioan là người môn đệ Chúa yêu”. Chính Tình Yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra.
Như thế có hai con đường dẫn tới đức tin: Con đường thứ nhất là bằng lý luận để chỉ tin sau khi có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên; và con đường thứ hai là bằng tình yêu, nghĩa là vì yêu thương nên tin ngay không cần thắc mắc lý luận.
Trong vở tuồng “Tiếng hò Sông Hậu” có hai anh em sinh đôi tên Chơn và Chất, giống hệt nhau từ nét mặt, tướng đi đến giọng nói. Trong một cuộc tranh đấu với địa chủ, Chơn bị bắt đày đi Côn Đảo. Nhưng một thời gian sau anh vượt ngục trở về thăm mẹ già khi ấy đã mù lòa cả hai mắt. Trong lúc Chơn đang ở nhà thì tên Hương Quản đến, Chơn nhanh trí giả làm Chất nên không bị lộ, nhưng ngay sau khi tên Hương Quản đi thì bà mẹ mù lòa ấy nói ngay: “Phải mày là thằng Chơn đó không?” Chơn chưa muốn cho mẹ biết nên trả lời “Không, con là thằng Chất đây mà, anh Chơn con còn đang ngồi tù mà”. Nhưng bà mẹ nói “thôi mà, con gạt ai được chứ gạt mẹ làm sao được, con chính là thằng Chơn của mẹ mà”. Chính tình yêu đã giúp cho người mẹ mù lòa ấy nhận ra con mình trong khi mọi người đều không nhận ra. Trường hợp của Thánh Gioan cũng vậy: trong khi mọi người đều không nhận ra Chúa Giê-su thì chỉ mình Gioan đã nhận ra, vì Gioan yêu thương Chúa nhiều.
Có lẽ vì thường nghe những luận điệu bôi bác niềm tin tôn giáo cho nên chúng ta bị ảnh hưởng và cũng nghĩ rằng chỉ có con đường nhận thức bằng lý luận, với những bằng chứng rõ ràng hiển nhiên là con đường độc nhất đúng. Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh suy nghĩ lại xem, trong cuộc sống có bao nhiêu điều chúng ta tin tưởng mà đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên đâu? Rất ít, hầu hết những điều ta tin tưởng là do người khác dạy lại, nói lại cho ta biết, và vì yêu thương những người đó mà ta tin. Chẳng hạn những gì cha mẹ dạy ta khi ta còn nhỏ, những gì thầy cô dạy ta khi ta còn học ở trường. Vốn liếng kiến thức của chúng ta hầu hết là từ hai nguồn đó. Nhưng xét xem những điều ấy ta có được thấy tận mắt, sờ tận tay hay không, hay là khi được dạy thì ta tin ngay, vì ta yêu thương cha mẹ, yêu thương thầy cô mà tin vào lời nói của các đấng ấy. Cho nên xét cho cùng, chỉ trích những người có đạo đã tin không có đủ bằng chứng mà chỉ vì yêu thương mà tin thì là lời chỉ trích không đứng vững. Tác giả vở tuồng “Tiếng hò Sông Hậu” nói trên cũng đâu phải là người có đạo, thế mà tác giả đã đề cao cách nhận thức rất cảm động của một người mẹ nhận ngay ra con mình nhờ vào tình mẫu tử thiêng liêng. Nghĩa là: ai cũng vậy, dù có đạo hay không có đạo, ai cũng có những nhận thức, những niềm tin không hẳn dựa vào những lý luận hiển nhiên mà chỉ dựa vào tình yêu.
Mà xem ra con đường tình yêu lại nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Khi các Tông đồ nói cho Tôma hay là Chúa Giê-su đã sống lại, Tôma đã không tin ngay, ông đòi phải thấy tận mắt, sờ tận tay, thậm chí còn đòi thọc cả bàn tay vào vết thương cạnh sườn Chúa. và rồi đang khi các Tông đồ kia vui mừng vì Thầy đã sống lại thì Tôma vẫn còn hoài nghi, ray rứt. Đến 8 ngày sau khi Chúa Giê-su hiện đến một lần nữa thì Tôma mới tin và mới được vui mừng như các ông kia. Còn đối với Gioan, vì yêu Chúa nhiều, nên chỉ vừa thấy bóng dáng lờ mờ của Chúa là Gioan đã nhận ra ngay và đã tin, một niềm tin rất nhanh chóng, rất nhẹ nhàng mà cũng không kém phần vững chắc.
Các bạn trẻ còn ở lứa tuổi hay thắc mắc về đức tin và cũng dễ bị lung lạc bởi những luận điệu bài bác đức tin. Hôm nay, chúng ta đã thấy có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc. Chúng ta hãy cũng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Nghĩa là một mặt chúng ta phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt rộng thêm để nhận biết thêm được những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết được, như thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay vậy!
*4. Sự hiện diện của Đấng phục sinh
Các bài tường thuật về việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra muốn giúp cho chúng ta hiểu biết về cách thức hiện diện của Ngài:
- Chúa đã hiện ra lúc các môn đệ đang làm công việc thường ngày là chài lưới à Người không ở đâu xa nhưng vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta và trong những công việc bình thường của chúng ta.
- Người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu là Gioan, vị tông đồ yêu mến Chúa đặc biệt à Tuy Chúa Giêsu luôn hiện diện bên cạnh chúng ta, nhưng thường thì chúng ta không nhận ra Ngài. Muốn nhận ra Ngài thì cần có lòng yêu mến, như Thánh Gioan tông đồ.
- Chúa Giêsu đã nướng cá và bánh cho các môn đệ và sau đó cùng ngồi với họ quanh bếp lửa hồng để ăn bánh và cá nướng à Chúa Giêsu phục sinh không chỉ hiện diện bên cạnh chúng ta, mà còn chăm sóc chúng ta.
- Mặc dù Thánh Phêrô đã 3 lần chối Chúa, nhưng Chúa tha thứ cho ông và vẫn trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của Ngài à Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta không phải để bắt lỗi chúng ta, mà để trao cho chúng ta sứ mạng làm chứng về Ngài.
*5. Đừng xóa sổ người ta
Một nhà độc tài kia không chấp nhận thuộc cấp của mình phạm sai lầm. Hễ lỡ phạm sai lầm, dù chỉ một lần, thì lập tức bị “xóa sổ”. Đôi khi chúng ta cũng cư xử như thế, nghĩa là xoá sổ người khác. Thế nhưng ai trong chúng ta lại muốn bị phán xét chỉ vì một lần lầm lỡ trong đời?
Sau khi Phêrô chối Thầy, lẽ ra Chúa Giêsu có thể xóa sổ ông vì tội yếu đuối, hèn nhát. Nhưng Ngài đã không làm như vậy. Ngài không giáng cấp ông. Thậm chí Ngài còn không nhắc lại lỗi lầm của ông. Việc Giuđa phản Thầy là một việc có dự mưu và được thi hành một cách lạnh lùng theo đúng tính toán. Còn việc Phêrô chối Thầy không phải là có dự mưu. Nó là hậu quả của tính yếu đuối chứ không phải do tính xấu. Chúa Giêsu hiểu điều đó, bởi Ngài là kẻ thấu suốt lòng mọi người.
Sau bữa ăn sáng, Chúa Giêsu quay nhìn Phêrô và hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy hơn những người khác không?” Một câu hỏi lạ. Phải chăng Ngài còn chưa biết rằng ông rất yêu mến Ngài? Dù vậy Chúa Giêsu vẫn hỏi. Và Phêrô thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Phêrô đã nói thật, vì thực sự ông rất yêu mến Chúa Giêsu.
Mặc dù Phêrô có lỗi, nhưng Chúa Giêsu biết nơi ông cũng còn một phương diện khác, tốt hơn. Mạnh mẽ và yếu đuối cùng tồn tại trong cùng một con người. Chúa Giêsu khuyến khích Phêrô tiến lên. Ngài muốn ông bày tỏ công khai lòng yêu mến của ông đối với Ngài, bởi vì trước đó ông đã công khai chối Ngài.
Chúa Giêsu không ghi sổ tội của Phêrô, nhưng Ngài muốn ông làm một cái gì đó vì Ngài: chăm sóc đàn chiên của Ngài, nghĩa là yêu thương và phục vụ anh chị em trong cộng đoàn. Có thể coi đây là việc đền tội cũng được, vì đây là cách đền tội tốt nhất, như sau này Phêrô viết: “Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8)
Tôi dám chắc rằng Phêrô không bao giờ quên tội ông đã chối Thầy. Nhưng tôi không chắc rằng tội đó ám ảnh ông như cách nhiều người khác bị tội lỗi họ ám ảnh. Từ lần sa ngã ấy Phêrô đã học được một bài học lớn. Ông đã biết rằng ông không mạnh mẽ như ông nghĩ. Học được một điều gì từ kinh nghiệm thì tốt hơn rất nhiều so với học bằng lý thuyết. Điều chúng ta học được từ một lần sa ngã, mỗi khi nhớ lại sẽ khơi lên trong lòng chúng ta sự biết ơn hơn là sự dằn vật cắn rứt.
Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình thì là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng.
Phêrô có cơ sở để đứng dậy sau khi sa ngã. Chúng ta có thể hình dung rằng Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy Phêrô đứng vững trước Thượng Hội Đồng để làm chứng cho Chúa Giêsu.
Chuyện của Phêrô là một an ủi lớn cho chúng ta. Xét cho cùng, chúng ta đều là những người tội lỗi, không kiên trì sống theo những điều chúng ta tin tưởng. Nhìn gương thánh Phêrô, chúng ta phải học biết tha thứ cho chính mình vì những yếu đuối và sa ngã nhất thời. Chúng ta không nên xét đoán bản thân mình hay xét đoán người khác dựa trên những sa ngã nhất thời ấy, mà phải xét đoán dựa trên cam kết sống suốt đời theo những điều mình tin tưởng. (FM)
*6. Ơn gọi thứ hai
Ngày xưa có một người làm nghề đốt lửa. Một buổi chiều mùa đông khi anh đang trên đường về nhà thì trời đổ tuyết. Muốn tới nhà sớm, anh đi tắt qua một cánh đồng. Bỗng anh thấy một nhúm lửa, một nhúm lửa nhỏ thôi, chỉ cháy âm ỉ nhờ một vài que củi nhỏ. Quanh nhúm lửa ấy có một nhóm người vừa run lập cập vừa cố đứng sát nhúm lửa ấy để sưởi ấm. Nhưng nào có thấm tháp vào đâu. Anh dừng lại, nói vài lời ngắn ngủi với họ về giá trị của lửa, rồi vội vã đi tiếp.
Nhưng mới đi được một chút thì anh cảm thấy hối hận. Lẽ ra anh phải nán lại lâu hơn để giúp đám người ấy khơi to ngọn lửa. Nhưng mà nếu làm thế thì phải mất thêm giờ, có thể bị viêm phổi nữa. Vả lại chắc gì người ta sẽ biết ơn anh. Những suy nghĩ trái ngược nhau ấy khiến anh chần chừ. Nhưng sau cùng anh quay lại. Vừa thấy anh, mọi người đều vui mừng reo lên: “Tới đây, tới đây”. Không chờ mời lần thứ hai, người thợ đốt lửa ngồi xuống và khơi ngọn lửa to lên. Thế là mọi người đều được sưởi ấm. Ai nấy đều đồng thanh “Xin cám ơn anh đã dừng lại giúp chúng tôi”.
Về đến nhà, người thợ nhóm lửa lên giường ngủ ngay. Đêm đó anh mơ thấy Chúa hiện ra nói: “Ta đã chọn con làm người thợ nhóm lửa, nhưng con đã làm Ta thất vọng”. Anh giật mình thức dậy và không tài nào ngủ tiếp. Anh nhớ lại thời gian đầu làm nghề nhóm lửa anh đã coi việc đem lửa sưởi ấm cho mọi người là một nhiệm vụ cao đẹp thế nào; khi đó anh đã nhiệt tình giúp đỡ mọi người thế nào. Vậy mà với năm tháng dần trôi, anh trở nên lười biếng, tính toán, sợ mất giờ, sợ người ta không biết ơn anh. Tình yêu của anh đối với lửa đã lạnh nhạt. Ơn gọi của anh đã đông cứng.
Nhưng đêm nay Chúa đã hiện ra với anh. Ngài đã gọi anh lần thứ hai. Từ đó trở đi người thợ nhóm lửa hăng say trong nhiệm vụ, không sợ mất giờ, không ngại cực khổ nữa.
Trong Tin Mừng, có hai lần Chúa gọi Phêrô. Lần thứ nhất là lúc Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ (Mc 1,16-18). Lần thứ hai là sau khi Ngài sống lại, và được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Hai lần cách nhau 3 năm. Trong 3 năm ấy, nhiều sự việc đã xảy ra, Phêrô đã khám phá thêm nhiều điều về Đấng đã kêu gọi mình, về nhiệm vụ mà Ngài muốn ông làm, và nhất là về chính bản thân của ông. Khi Chúa gọi Phêrô lần thứ hai, ông đã khôn ngoan hơn và khiêm tốn hơn. Vì thế, tiếng “Vâng” thứ hai của ông chín chắn và sáng suốt hơn nhiều so với tiếng “vâng” lần thứ nhất.
Câu chuyện của Phêrô là chuyện kêu gọi – sa ngã – và kêu gọi lại. Ơn gọi không phải là một lần Chúa gọi, một lần con người đáp trả, rồi xong. Tiếng Chúa gọi phải được ta nghe nhiều lần và đáp trả nhiều lần. Mỗi ngày Chúa mở ra một đoạn đường mời ta tiến bước, ngày hôm sau Chúa mở thêm một đoạn khác nữa. Ta càng bước theo, tiếng gọi của Ngài càng rõ hơn và lời đáp trả của ta càng sâu xa hơn và xác tín hơn.
Mọi ơn gọi đều là ơn gọi yêu thương: yêu thương Chúa, và yêu thương những chiên con chiên mẹ của Ngài, tức là yêu thương các anh chị em trong cộng đoàn của ta. (FM)
*7. Chịu khổ vì Chúa
Bài trích sách Công vụ kể chuyện các tông đồ gặp sự chống đối của các nhà cầm quyền Do Thái. Nhưng khi các ông được thả ra, thì uy tín của các ông tăng thêm, đặc biệt là Phêrô. Thật khó mà tin được rằng cùng một con người ấy chỉ trước đó không bao lâu đã từng chối Chúa 3 lần. Bây giờ ông đứng giữa quãng trường mạnh dạn lớn tiếng làm chứng cho Chúa. Hơn nữa ông còn chịu khổ vì đã làm chứng như thế. Phêrô cùng các bạn đã bị nhốt vào tù, bị đánh đòn. Nhưng các ông lại hãnh diện vì đã chịu khổ vì Chúa. Bởi đâu Phêrô có lại sự can đảm như thế? Thưa bởi Chúa Thánh Thần, Đấng phù trợ các tông đồ.
Từ thời các tông đồ trở đi, vẫn luôn có nhiều kitô hữu, nhờ ơn Chúa giúp, đã vượt thắng sự sợ hãi để luôn can đảm làm chứng cho Chúa dù giữa muôn vàn khó khăn.
Rất dễ tin Chúa khi bạn quỳ gối nhắm mắt cầu nguyện trong nhà thờ. Rất dễ tin Chúa khi bạn sống an toàn xa cách những xáo trộn khó khăn. Nhưng tin Chúa như thế đó là một thứ tín ngưỡng quá nghèo nàn. Chúa mà bạn tin trong những lúc như thế đó là một Thiên Chúa bị giam hãm trong một cái khung chật hẹp.
Chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu. Ngài cần chúng ta làm chứng cho Ngài trong thế giới hôm nay. Mặc dù chúng ta không phải chịu nhiều gian truân bắt bớ như các tông đồ xưa, nhưng chúng ta phải can đảm được đầu với những loại khó khăn khác, đó là đương đầu với sự xấu, đương đầu với khuynh hướng thờ ơ tôn giáo của nhiều người thời nay.
Chúng ta không thể biết trước ơn gọi làm kitô hữu sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu và sẽ đòi hỏi chúng ta những gì. Nếu chúng ta mà biết trước những nơi đó và những khó khăn đó thì có lẽ chúng ta rất sợ hãi. Về điều này thì chúng ta giống như Phêrô. Lần đầu tiên Chúa gọi ông thì ông chưa biết rốt cuộc ông sẽ chịu tử đạo. Nhưng chúng ta hãy cố gắng sống như Phêrô. Chúa dẫn ta đi đâu thì ta đi đấy. Chúa muốn ta chịu gì thì chúng ta chịu nấy. Và chúng ta tin tưởng rằng những gian truân chúng ta phải chịu vì Chúa sẽ được thưởng gấp trăm. (FM)
*V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã chết và sống lại vinh quang, đem niềm vui cho toàn thế giới. Chúng ta hãy hân hoan ca tụng Người và dâng lời cầu xin:
- Đức Thánh Cha (Gioan Phaolô II) kế vị thánh Phêrô / để củng cố niềm tin của Dân Chúa trên khắp hoàn cầu / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa gìn giữ Người luôn được bình an / và ban choi Người được sức khỏe dồi dào.
- Vâng lệnh Chúa Giêsu / các tông đồ đã thu được một mẻ cá lạ lùng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hoạt động rao giảng Tin mừng của các nhà truyền giáo / cũng đạt được những kết quả như lòng ước mong.
- Không có Thầy / anh em không làm gì được / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu hiểu rằng / với ơn Chúa trợ giúp / họ sẽ đạt được những kết quả bất ngờ.
- Hãy đi theo Thầy / Chúa Giêsu mời gọi thánh Phêrô / nhưng cũng mời gọi hết thảy những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn dấn thân theo Chúa / bất chấp mọi hiểm nguy gian khổ trong đời sống thường ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cũng biết noi gương thánh Phêrô mà xác nhận lòng thương mến của chúng con đối với Chúa, không phải bằng những lời nói suông mà bằng những việc làm cụ thể trong đời sống đức tin thường ngày. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
*VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha: Chúa Giêsu đã giao trách nhiệm cho Phêrô chăm sóc đàn chiên của Ngài là Giáo Hội. Giờ đây, chúng ta hãy hợp ý với Đức Giáo Hoàng và các Giám mục cầu nguyện cho Nước Cha trị đến.
– Sau kinh Lạy Cha: Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin Cha ban thêm cho chúng con lòng can đảm và trung thành dù phải sống giữa những thử thách khó khăn, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…
*VII. Giải tán
Chúa đã tha thứ cho Phêrô và trao cho ông sứ mạng phục vụ anh chị em mình. Chúa cũng đã tha thứ tội lỗi chúng ta và khuyến khích chúng ta phục vụ anh chị em chúng ta. Anh chị em hãy ghi nhớ và thực hiện Lời Chúa. Chúc anh chị em ra về bình an.
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- C
CHÚA HIỆN RA BÊN BỜ HỒ TIBÊRIA– Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
*1. Đa số các nhà phê bình nhất trí cho rằng chương này là một phụ chương được thêm sau khi phúc âm hoàn toàn chấm dứt; một số khác cho rằng chính tác giả phúc âm đã soạn thảo ra nó, vì chương có những nét đặc biệt của Gioan (ngôn ngữ, bút pháp, ngữ vựng…). Đúng vậy, nhưng người ta cũng thấy những yếu tố xa lạ với Gioan và gần với Lc hơn (có những con số; x. phép lạ hoá bánh, Lc 9,10-17). Hãy thận trọng khi giải thích những con số này vì cách tường thuật cuộc đánh cá kỳ diệu và việc hoá bánh ra nhiều rất khác nhau. Ngoài ra, vì có khá nhiều thành ngữ không thuộc Gioan, nên người ta nhìn nhận là không phải chính Gioan viết, nhưng là một môn đệ của ông viết thêm vào, dựa trên những câu chuyện của chính Gioan kể lại. Có lẽ phụ chương này được thêm vào ngay từ đầu. Thật vậy, người ta thấy nó trong tất cả mọi thủ bản và được nhiều tác giả Kitô giáo đồng thời với chính phúc âm được xuất bản, nghĩa là được phổ biến trong các giáo đoàn. Hình như tác giả phúc âm đã chết vào thời đó (c.21-23); toàn chương nói về ông như nói về một người khác (21,7:ekeinos, người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến ấy). Đàng khác ngôn ngữ thần học thường thấy trong các văn tập của Gioan ở ấy đã nhường chỗ cho việc mô tả các nhân vật và tương quan của họ trong Giáo hội. Người biên soạn bản văn này chú ý nhiều đến chi tiết cá nhân. Bản danh sách trong 21,2, việc nhắc đến nguồn gốc của Mahanael (ông từ Cana đến) và việc nói đến 2 con ông Giebêđê (mà phúc ân thứ tư đã cố tình tránh né) cho thấy điều đó. Và cách giải thích quyền tối thượng của Phêrô trên Gioan minh chứng rõ ràng có sự can thiệp của một biên tập viên khác hằng muốn làm nổi bật giá trị của phúc âm, hằng muốn cho người ta biết rằng tác giả đã suýt trở thành nhân vật điều khiển Giáo hội. Theo ý kiến nhiều người thì phần kết luận (cc.24-25) là do một người môn đệ đặc trách việc xuất bản viết, phúc âm gia không phải là tác phẩm phần kết luận đó, vì ông chính là môn đệ dấu yêu mà trình thuật cuối cùng nói đến.
Như thế, vì thiếu chứng cớ rõ ràng dựa trên ngôn ngữ và văn thể, toàn bộ dữ kiện và chiều hướng chung của bản văn cho phép nghĩ rằng chương 21 là công trình của môn đệ đặc trách việc xuất bản. Việc Gioan đã kết thúc phúc âm ở 20,30-31 bênh vực cho kết luận này của chúng ta. Tưởng cũng nên lưu ý rằng bất xác thực tính này (non-authenticité) không ảnh hưởng gì đến linh hứng tín của chương 21; tuy nhiên bất xác thực tính đó không phải tuyệt đối, vì trình thuật này dựa trên cơ sở những gì chính tác giả phúc âm kể lại.
*2. Đoản văn ghi chú các tông đồ bắt được 153 con cá trong mẻ lưới lạ lùng. Phải nghĩ gì về con số lạ lùng này? Có thể người ta vì tò mò, đã đếm xem số lượng… Tuy nhiên ở đây không chỉ có việc ghi lại cách chính xác số cá bắt được. Các giáo phụ đã đưa ra nhiều giả thiết, trong đó lối giải thích của thánh Jêrôme dễ chấp nhận nhất: các nhà vạn vật học thời xưa biết được 153 loại cá. Thực ra, một biểu hiện không hề có cơ sở trong CƯ như thế mà lại được ghi nhận trong phúc âm Gioan, kể cũng hơi lạ. Dù sao, nếu thánh Jêrôme có lý, thì ý nghĩa của con số này trùng phùng với thành ngữ “đủ mọi thứ cá” trong dụ ngôn về Nước Trời (Mt 13,47). Giáo hội phải hội tụ trong nước mình tất cả mọi dân tộc, như mục tử chân chính qui tụ trong đàn mình mọi con chiên đến từ chuồng khác ngoài Israel (10,1b), như Con Người kéo lôi tất cả mọi người vào trong mẻ lưới cánh chung (x.12,32; 6,44). Vì thế, phải liên kết đề tài biểu tượng này với các chi tiết liên quan đến chiếc thuyền duy nhất và chiếc lưới không bị thủng.
*3. Một câu hỏi, lặp lại ba lần “Phêrô, con có mến Ta không?” xem ra được nhấn mạnh bù lại ba lần chối Chúa, hầu hết các nhà chú giải đều nhất trí như thế. Nhưng chỉ sau lần hỏi thứ ba, mới nghe Chúa Giêsu thôi nói với Phêrô: “Hãy chăn nuôi đàn cừu của Ta”, như thể ngầm bảo rằng ông đã được tha. Vậy tại sao lời uỷ nhiệm này được trao cho ông ba lần luôn?
Nhiều nhà chú giải nhấn mạnh: việc lặp lại này nhằm tăng thêm phần long trọng cho khung cảnh. Theo Bultmann, việc long trọng lặp lại như thế gợi lên “một tập tục tế tự hoặc một tập tục pháp lý có tính cách ma thuật”. Còn P. Gaechter đề nghị cách giải thích sau: như những công thức luật pháp cổ xưa thường không được viết ra nhưng phải được lặp lại ba lần trước những nhân chứng. Cũng thế, lời uỷ nhiệm chính thức được trao ban cho Phêrô cũng có giá trị pháp lý nhờ lặp lại ba lần trước các nhân chứng. Để minh chứng cho ý kiến này ông đưa ra nhiều ví dụ rút từ luật giá thú xứ Palestine và nhắc lại công thức ba lần đã được dùng đến khi Abraham nhận căn động của Makpéla để chôn xác Sara (St 23,3-18). Ngoài ra, có thể kể thêm trường hợp luật dòng thánh Biển Đức, thế kỷ thứ sáu, buộc phải đọc lời khấn ba lần. Nói tóm lại, tâm thức luật pháp chung chung của cổ thời giúp ta dễ dàng hiểu lời uỷ nhiệm ba lần được lặp lại này. Việc lặp lại có ý nói rằng Phêrô chính thức được giao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Đức Kitô.
*4. Ba lần Chúa Giêsu hỏi và ba lần Phêrô trả lời tạo nên tâm điểm của trình thuật: địa vị Phêrô và môn đệ dấu yêu có đủ mọi cơ may được phong làm người lãnh đạo: các con ông Giêbeđê (được đó có Gioan) và mẹ các ông đã chẳng ngần ngại xin những chỗ tốt trong Nước Trời sao? (Mc 10,35-41)
Nếu Phêrô đã chiếm chỗ nhất, đó không phải là vì công lao của ông. Ba lần Chúa Giêsu hỏi rõ ràng là dư âm của ba lần ông chối Chúa. Ông đã thề theo Chúa Giêsu cho đến chết, dù các người khác chối bỏ Người… (Mc 14,29). Và giờ đây, ông bị tra vấn về tình yêu và lòng trung tín của ông:”Con có mến ta hơn những người này không?”, câu hỏi đầu tiên là vậy. Để hướng dẫn kẻ khác, phải chứng tỏ có một tình yêu lớn hơn. Chúa Giêsu hoàn toàn không muốn khơi lại niềm đau xa xưa. Nhưng Phêrô hãy biết rằng việc ông được quyền tối thượng không do công lao của ông. Mọi trình thuật về ơn gọi, trong CƯ cũng như trong TƯ, luôn đi theo lời xác quyết tính cách bất xứng của đương sự (15,16). Khi Chúa hỏi Phêrô có yêu mến Ngài hơn những người khác không, câu hỏi này nhắm đến tương lai nhiều hơn là quá khứ. Phêrô không được chọn vì đã yêu nhiều. Các sự kiện quá khứ đều phủ nhận điều đó; chỉ có Gioan, vì yêu nhiều hơn nên mới dám đến đứng dưới chân thập giá sau khi đã chạy trốn. Nhưng vì một khi được chọn, ông phải từ đó yêu nhiều hơn những kẻ khác.
*5. Vì là người lãnh đạo, từ nay, theo chân Chúa Giêsu Phêrô phải đi trước đoàn chiên (13,36). Xưa kia vì quá tự tin, ông đã tuyên bố có thể theo Chúa cho đến chết. Ông sẽ có cơ hội thực hiện điều đó. Khi trích một châm ngôn bình dân, Chúa Giêsu báo cho Phêrô biết một ngày kia ông sẽ chết tử vì đạo. Lúc còn trẻ, người ta có thể tự mặc áo, thắt nịt, như Phêrô đã làm lúc nãy (21,7). Nhưng khi về già, sẽ bị người khác áp chế. Cũng vậy, Phêrô sẽ giăng tay để người khác thắt lưng. Hình ảnh này nói lên việc mất tự do, chứ không nói đến hình thức cụ thể của việc Phêrô tử đạo; truyền thuyết ghi nhận đã bị đóng đinh.
Lời bí ẩn mà Chúa Giêsu đưa ra có được Giáo hội giải thích như là lời tiên báo về cuộc tử đạo của Phêrô. Chính tác giả cũng gợi lên cách giải thích này (12,33; 18,32). Nhờ việc tử đạo, Phêrô sẽ tôn vinh TC. Từ ngữ tôn vinh ở đây không có cùng một ý nghĩa như trong trình thuật Tử nạn của Chúa Giêsu (13,31; 17,1). Nhờ cái chết, Chúa Giêsu mạc khải cho mọi người thấy vinh quang của Cha Ngài và một cách nào đó trở nên lăng kính của vinh quang TC. Nhờ việc tử đạo, Phêrô tuyên xưng vinh quang hay thần tính của TC, khi thực hiện thánh ý của Ngài (1P 4,16). Trong lúc chờ đợi, Phêrô chỉ cần đi theo Chúa Giêsu (10,4; 12,26). Con đường này đương nhiên đưa ông đến cuộc tử đạo (12,26.36).
KẾT LUẬN
Giavê, mục tử Israel (Ez 34,11-12; Tv 23) đã cho Chúa Giêsu trở nên mục tử tốt lành và đích thực (Ga 10,1-16; 1P 5,4). Từ đây chính Phêrô sẽ thay mặt Đức Kitô thi hành quyền chăn dắt hữu hình: ông trước hết rồi đến những người kế vị ông.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
*1. Người mục tử nhân lành săn sóc đàn chiên mình mà chúng ta đã biết mà phúc âm đã trình bày, đó chính là Đức Kitô; tuy nhiên Phêrô hôm nay được giao phó một công việc thật đặc biệt: coi sóc để mỗi con chiên được ăn đầy đủ. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu đây là của ăn đã được Chúa Giêsu đưa ra, của ăn chính Ngài thiết lập và không thể thiếu: Mình và Máu Ngài. Với Thánh Thể, còn có của ăn Lời chúa đi kèm nữa. Nếu Chúa Giêsu vẫn là mục tử tối cao, thì Phêrô đặc trách về lương thực và an toàn thiêng liêng của đàn chiên.
Trong cách Chúa Giêsu trao phó sứ mệnh Ngài cho vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo hội, chúng ta có thể tìm thấy hai bài học:
– Nếu Phêrô và qua ông, những đấng kế vị, có bổn phận nuôi dưỡng thì chúng ta phải biết chạy đến với các Ngài. Có lẽ bổn phận đầu tiên của chức tư tế, qua đoạn phúc âm này, là bảo đảm của ăn thiêng liêng phát triển và giữ gìn Giáo hội.
– Cũng như Phêrô, tất cả chúng ta đều có chức vụ phải thi hành, vai trò nắm giữ để phục vụ tha nhân. Dù chức vụ khiêm tốn hay hào khoáng, quan trọng hay tầm thường, hiệu lực hay không đáng kể, cũng chẳng sao. Có lẽ hôm nay chúng ta nên suy nghĩ về cách thức chúng ta đã thi hành công việc: có đúng như Chúa Giêsu đòi hỏi Phêrô, nghĩa là làm vì yêu, trong tinh thần phục vụ và vô vị lợi hay không?
*2. Chính vì Phêrô xác quyết yêu mến Chúa, nên được Chúa trao phó đoàn chiên cho. Và chính vì đàn chiên được trao phó cho mình mà Phêrô phải lệ thuộc và vâng lời.
Nếu Phêrô được trao công việc này là vì ông yêu Đức Kitô. Việc ông phục vụ tha nhân sẽ được nung nấu không phải là vì lòng ham danh cầu lợi, nhưng vì lòng tín trung với tình yêu Đức Kitô. Tình yêu với Đức Kitô thanh tẩy ý hướng phục vụ tha nhân của ông.
Khi phục vụ tha nhân vì yêu Chúa, ông can đảm dấn thân trong con đường lệ thuộc, vâng lời. Đa số các nhà chú giải thấy trong dụ ngôn kỳ lạ của Chúa Giêsu lời tiên báo việc tử đạo của Phêrô vào cuối đời. Nhưng người ta cũng thấy trong đó lời tiên báo: cuộc đời Phêrô, vì ngày càng bận bịu phục vụ tha nhân, sẽ được thúc đẩy bởi một sự vâng lời đến nỗi ông bị chiếm đoạt hoàn toàn.
Đây là một sự lệ thuộc chặt chẽ giữa tình yêu Chúa, việc phục vụ tha nhân là sự từ bỏ chính mình, tất cả những gì mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi Phêrô, thủ lãnh Giáo hội. Do đó, được trao ban quyền bính, với sứ mạng thiết lập một sứ mạng mới, Phêrô phải tuân hành trong sự vâng phục thánh linh. Ông được chính Chúa bảo vệ khỏi cám dỗ thống trị anh em. Khỏi quyến rũ áp đặt một quyền lực tôn giáo, khỏi tham vọng mưu đồ địa vị cá nhân.
*3. “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến mới nói cùng Phêrô: “Chúa đó” (c.7). Theo văn mạch, người môn đệ nhận ra Đức Kitô không phải vì nhìn thấy Chúa trực tiếp, nhưng vì thấy phép lạ Chúa làm. Truy nhiên không phải ai cũng nhận ra; bản văn cho thấy chỉ một mình môn đệ Chúa Giêsu yêu mới có được sự minh mẫn mà các tông đồ khác không có. Đối với chúng ta cũng thế: việc nhận ra Chúa Giêsu, sự khám phá ra hiện diện của Ngài, trước tiên không nằm trong tầm trí giác bén nhạy và tức khắc, nhưng được thực hiện nhờ việc giải thích biến cố trong đó biểu lộ hiệu lực của Lời Ngài và hiệu năng của công việc chúng ta dựa trên “Lời Ngài” (Lc 5,5). Chỉ một mình môn đệ Chúa Giêsu yêu mến mới có thể làm được điều ấy, bởi vì sự vắng mặt lâu của thầy, sự nặng nề của công việc mà thói quen dễ thất vọng đã không dập tắt trong ông cái nhìn của tình yêu. Khi mà các môn đệ khác chỉ thấy một sự may mắn bất ngờ, thì ông lại khám phá ra sự can thiệp của Đấng phục sinh. “Ông thấy và ông tin” (20,8). Ngược với Tôma muốn thấy và sờ đến trước khi tin, ông không cần một minh chứng rõ ràng, nhưng đức tin và cái nhìn trở nên một nơi ông: điều ông thấy mạc khải cho ông Đấng ông tin, vì Đấng ông tin làm cho ông thấy. Và chúng ta, những Kitô hữu, sự phục sinh của Đức Kitô có thâm nhập và biến đổi cuộc đời chúng ta, có canh tân cùng tinh luyện cái nhìn của chúng ta về các biến cố không?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam