Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1372796

KHIÊM NHƯỜNG

Khiêm nhường

Người ta thường ví Gioan Tẩy Giả như một ngọn đèn biết tỏa sáng và biết mờ đi một cách đúng lúc. Có những lúc ông tỏa sáng đến nỗi người ta hiểu lầm ông là Đấng Kitô màDân Do Thái đang trông chờ, cho đến ngày nay người ta vẫn đang trông đợi Đấng Kitô. Vì bất cứ một dân tộc nào đang bị đô hộ cũng trông mong được giải phóng. Có người còn hy vọng Ngài sẽ cai trị đất nước bằng sự công chính. Khi ông phủ nhận mình không phải là Đấng Kitô thì họ lại lầm tưởng là Eâlia. Đối với họ Ê-li-a phải đến trước Đấng Messia Người ta còn tin rằng chính Ê-li-a xức dầu cho Đấng Messia làm vua cũng như tất cả các vua đã được xức dầu. Nhưng Gioan Tẩy Giả đã phủ nhận tất cả những vinh dự đó.

Vậy, Gioan Tẩy giả là ai? Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa hay nói đúng hơn ông chỉ là người cởi giày cho Đấng đến sau ông mà thôi. Một mẫu người cho đi, một mẫu người lãnh đạo, một mẫu người với tinh thần phục vụ biết làm đúng công việc của mình. Có thể nói, Gioan Tẩy Giả là con người mà tất cả các nhà truyền đạo, các giáo sư đều phải nên như thế, ông chỉ là một tiếng nói, một ngón tay chỉ nhà vua. Ông muốn mọi người hãy quên ông, chỉ thấy Nhà Vua mà thôi.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là phép rửa do tay người làm thì không dành cho Israen mà chỉ dành cho những người ngọai nhập vào Do Thái giáo, tức là những người vốn có đạo khác, mới tin theo đạo Do Thái. Một người Israen không bao giờ chịu phép rửa, họ đã thuộc về Chúa Giavê, nên không cần rửa sạch nữa. Nhưng những người ngoại bang đến gia nhập Do Thái giáo thì phải chịu rửa sạch bằng phép rửa. Gioan Tẩy Giả đã bắt dân Israen làm một việc mà chỉ có dân ngoại mới phải làm. Ông có ý nói tuyển dân phải được rửa sạch. Đó chính là điều Gioan tẩy Giả tin, nhưng ông đã không trả lời trực tiếp.

Ông nói: "về phần ta, ta làm phép rửa bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết, ta chẳng đáng cởi dây giày cho Ngài". Gioan Tẩy Giả không nêu ra được một nghề nào hèn hạ hơn nữa, mở dây giày là công việc của một người nô lệ. Một ngạn ngữ của các ra-bi bảo rằng môn đệ có thể làm cho thầy mình bất cứ việc gì một đầy tớ phải làm ngoại trừ việc "cởi dây giày". Việc đó quá hèn hạ ngay cả đối với một môn đệ. Dầu vậy, Gioan Tẩy Giả ngụ ý: "Với Đấng đang đến thì cả việc làm đầy tớ cho Ngài cũng không xứng đáng".

Chúng ta phải hiểu là lúc đó Gioan đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu rồi, và ông đã nhận ra Chúa. Ở đây, ông nhắc lại ý đó một lần nữa, và ngụ ý: "Nhà Vua đang đến, để chuẩn bị đón Ngài, các ngươi phải được tẩy rửa y như bất cứ người ngoại bang nào. Hãy dọn mình sửa soạn để đi vào lịch sử của nhà vua".

Chức vụ của Gioan Tẩy Giả là chức vụ dọn đường. Bất cứ sự cao trọng nào ông có được đều đến từ sự cao trọng của Đấng mà ông loan báo. Gioan tẩy Giả là tấm gương lớn về con người sẵn sàng xóa mình đi để người ta chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu. Ông nhận thấy mình là ngón tay chỉ cho thiên hạ thấy Chúa Cứu Thế.

Lạy Chúa, Nguyện Chúa ban cho chúng con ơn biết quên mình, chỉ nhớ đến Chúa Giêsu thôi. Và nhất là trong mùa vọng này chúng con luôn biết hướng về Ngài. Amen.

 

42. Hãy vui lên

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.)

"Khi vui non nước cùng vui. Khi buồn sáo thổi kèn đôi cũng buồn", "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Cuộc đời giống như một tấm gương: mỉm cười với nó, nó sẽ mỉm cười lại; gắt gỏng với nó, nó sẽ hung bạo. Hãy thử đứng trước một cái gương xem, sẽ thấy: mỉm cười đáp lại mỉm cười, nhăn nhó đáp lại nhăn nhó. Trước cuộc đời cũng thế: tôi sống làm sao cuộc đời sẽ như vậy. Nếu tôi đón nhận những điều bất ngờ với một nụ cười, nó sẽ đáp lại tôi bằng một nụ cười. nếu tôi đến với nó với bộ mặt càu nhàu, nó sẽ đến cùng tôi với sát khí đằng đằng.

Ngày nay, người ta thường đề cập đến hai tiếng "bi quan" và "lạc quan". Người bi quan là người tỏ vẻ buồn rầu khi nhìn thấy ly rượu đã vơi mất một nửa. Trái lại, người lạc quan là người tỏ vẻ vui mừng hay bình thản khi nhìn thấy ly rượu vẫn còn một nửa. Vậy Kinh Thánh của chúng ta bi quan hay lạc quan? Xét về một phương diện, Kinh Thánh rất bi quan, bởi vì Kinh Thánh có chứa đựng những lời lẽ thật đau xót về những nỗi khổ tâm mà con người đã gây nên cho nhau. Kinh Thánh đã nói rõ rằng: con người sống trong một thế giới đầy tội lỗi và đã gây nên biết bao điều ngang trái cho đồng loại. Nhưng nếu xét về một phương diện khác, thì Kinh Thánh lại rất lạc quan. Kinh Thánh đã từng đề cập đến một thời gian mà con người trông đợi, lúc mà mọi sự sẽ được điều chỉnh lại và được đổi mới hoàn toàn, lúc mà Thiên Chúa sẽ trở nên mọi sự cho mọi người.

Cụ thể như các đoạn Kinh Thánh của Chúa hôm nay: ngôn sứ I-sai-a đã loan báo về Đấng Cứu Thế và những công việc tràn đầy an ủi, phấn khởi. Thánh Phaolô đã khích lệ mọi người: Hãy vui lên. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã bảo đảm cho mọi người sẽ được hưởng niềm vui ấy. Vì thế, Chúa nhật hôm nay thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui và khích lệ chúng ta hãy vui lên. Niềm vui đó là Chúa đã gần đến, sắp đến rồi, chúng ta hãy vui lên. Ngài sẽ đem đến cho chúng ta một niềm vui vĩ đại: biết Ngài là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa - được sống trong cộng đồng Giáo Hội - được hưởng các ân sủng, và nhất là được Chúa ban phúc bình an vĩnh viễn trong nước trời. Đó là niềm vui chính yếu, niềm vui thâm trầm của những người thấu hiểu ý nghĩa cuộc đời.

Chúa Giêsu là niềm vui; và những lời Ngài giảng dạy là những tin vui. Vì thế, đạo của chúng ta là đạo Tin Mừng. Hai chữ "Tin Mừng" ấy sẽ trở thánh trống rỗng và vô nghĩa nếu cuộc sống của người tín hữu không sống trong niềm vui và thể hiện Tin Mừng. Như thế, chúng ta cũng không thể loan báo hay chia sẻ Tin Mừng cho người khác.

Vào khoảng thập niên 60, một số người chuyên nghiên cứu về tâm lý quần chúng tại Hoa Kỳ đã làm một cuộc thăm dò độc đáo. Đó là xem thử có bao nhiêu người nhặt được ví và đem trả lại. Nhóm người nghiên cứu đã chọn một khu phố để làm việc. Họ cho rải những chiếc ví dọc theo các đường phố. Chỉ vài ngày sau, họ nhận thấy hơn nửa số ví được mang trả lại. Nhưng tỉ lệ này chỉ kéo dài tới ngày bào huynh của cố tổng thống Ken-nơ-đy là Rô-bớc Ken-nơ-đy bị ám sát. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong ngày hôm đó, không một cái ví nào được đem trả lại. Họ đi đến kết luận: những tin buồn có ảnh hưởng sâu đậm đến con người và đời sống xã hội của con người.

Chúng ta không hoàn toàn nhất trí với kết luận đó, nhưng chúng ta có thể suy luận thêm: khi nghe một tin mừng, con người cảm thấy phấn khởi và mau mắn để thi hành điều thiện. Trái lại, khi nghe tin buồn, thì con người dễ bị cám dỗ chán nản, và từ đó trách nhiệm trong lãnh vực luân lý cũng bị giảm sút.

Chúng ta đang đứng trước một thách đố lớn. Cuộc sống xã hội chung quanh chúng ta là cả một hãng thông tấn chỉ tung ra những tin buồn. Qua các phương tiện truyền thông xã hội: báo chí, truyền thanh, truyền hình... đầy dẫy những tin buồn: tin buồn của dối trá lường gạt; tin buồn của phản bội xâu xé nhau; tin buồn của buông xuôi bỏ cuộc, tin buồn của không biết bao nhiêu đói khổ, chiến tranh, thiên tai, chết chóc...

Vì thế, chúng ta phải là những người loan báo Tin Mừng và đem lại niềm vui. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của thất vọng, chúng ta sẽ loan báo tin mừng của hân hoan, phó thác. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của dối trá, lường gạt, chúng ta phải loan báo tin mừng của lòng chân thật, vị tha. Giữa một xã hội chỉ loan báo tin buồn của ích kỷ, nhỏ nhen, chúng ta sẽ loan báo tin mừng của quảng đại, yêu thương, tha thứ và cảm thông. Nếu chúng ta biết sống theo tinh thần trên đây, chúng ta sẽ thấy đời mình có ý nghĩa và gieo rắc những hạt giống của niềm vui ra chung quanh trên mọi nẻo đường đời. Và cho dù hầu hết các hạt giống đó có mục nát đi, tôi vẫn tin rằng thế nào cũng có ít nhất một hạt nảy mầm lên cây, và nó sẽ đâm bông làm thơm tâm hồn chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ một câu trong một bản nhạc rất hay của ông Bách, một nhạc sĩ nổi tiếng: "Lạy Chúa Giêsu, xin cho niềm vui của con luôn tồn tại, để niềm vui đó đem lại niềm vui cho những người khác".

 

43. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: "Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1,27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

 

44. Chứng nhân trung thực

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Tin mừng Ga 1: 6-8.19-28: Theo gương Thánh Gioan chứng nhân ánh sáng trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến...

***

Gioan Tẩy Giả, có lẽ, là vị Thánh Công Giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau. Gần như hầu hết các họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, từ Leonardo da Vinci, Titian, Caravaggio đến Rubens...đều tìm thấy trong cuộc đời của ông một chi tiết nào đó làm nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Riêng Caravaggio, đã vẽ đến hàng chục tác phẩm về Gioan Tẩy giả…

Không chỉ nhiều, Gioan Tẩy Giả có lẽ cũng là vị Thánh đi vào hội họa sớm nhất.

Icon thể hiện hình ảnh Thánh lâu đời nhất được tìm thấy, là icon về Gioan Tẩy Giả, được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI, có nguồn gốc Palestine. Dưới đây là ảnh tác phẩm. Bức tranh đã bị hư hại nhiều, không thể nhận biết hai hàng chữ viết hai bên chuyển tải thông điệp gì. Ở trên cùng, dễ nhận biết, bên trái, là hình ảnh Chúa Giêsu, và bên phải, là hình ảnh Đức Mẹ Maria.

Giữa vô số tranh vẽ Thánh Gioan tẩy giả, chiếm số lượng nhiều nhất, và có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất, là ở mảng chủ đề: "Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết".

Dưới đây là icon thể hiện chủ đề "Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết" được cho là lâu đời nhất được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ thứ VII, thuộc truyền thống Byzantium.

Đứng chính giữa, là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông đang nói: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng". Phía sau là dòng sông, nơi ông thực hiện phép Rửa cho Chúa Giêsu. Bên trái, là đầu của ông, đã bị chặt lìa, nhưng vẫn như đang hướng nhìn về phía chúng ta. Bên phải: ở dưới là con chiên tượng trưng cho Dân Chúa như đang suy ngẫm về những gì Thánh Gioan Tẩy giả nói trong sự tôn kính, và bên trên là cây tượng trưng cho sự sống.

Bức tranh như vậy, theo một số học giả, là sự khái quát trọn vẹn cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy Giả: “là nhà tiên tri cuối cùng, là người dọn đường cho sự ra đời của Chúa”. (Nguyên Hưng).

1. Chứng nhân ánh sáng trung thực

Khởi đầu Phúc Âm Thánh Gioan đã viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7).Thánh Gioan là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của mình. Ngài là chứng nhân ánh sáng của sự trung thực.

Chúa Giêsu đã nói về Gioan: “Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Mt 11, 9). Và Chúa còn nói thêm về Gioan: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả” (Mt 11,11). Nhưng so sánh với Chúa Giêsu, Gioan nhận ra mình thật nhỏ bé. Thấp kém đến nỗi “không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người”. Gioan trung thực nói lên một sự thật. Đó là mình kém xa vì Gioan chỉ là một thụ tạo yếu đuối mỏng dòn.Trong khi đó, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là một giọt nước giữa lòng biển cả mênh mông, chỉ là một cây nhỏ trong đại ngàn trùng điệp, chỉ là một hạt cát giữa sa mạc bao la.

Khi thấy Gioan xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, dân chúng tự hỏi xem có phải ông là Đấng Cứu Thế không? Gioan phủ nhận địa vị mà họ gán cho ông (Ga 1,20; Cv 13,25). Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao nhiêu người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.Gioan trung thực trong những lời nói về chính mình. Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm ngài có. Gioan chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình mà thôi.

Trung thực với lòng mình, nên Gioan sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong sứ vụ nên Gioan chẳng nể vì kiêng cữ ai. Những luật sĩ thông thái phái Pharisiêu, những bậc vị vọng có nhiều ảnh hưởng lớn trong xã hội thuộc phái Sađucêô, những thầy cả tư tế đạo cao chức trọng, tất cả đều bị Gioan cảnh cáo nặng lời. Gioan gọi họ là loài “rắn độc” (Mt 3,7). Ngay cả vua Hêrôđê, Gioan cũng thẳng thắn cảnh cáo vì vua muốn chiếm vợ của anh mình (Mt 14, 3-12). Vua Hêrôđê vẫn nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính, thánh thiện (Mc 6,20). Chính vì trung thực trong sứ mạng ngôn sứ mà Gioan phải trả giá bằng ngục tù và bị chém đầu. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Ánh sáng trung thực khiến cho lời chứng của Gioan càng có sức thuyết phục.

Gioan đã làm chứng nhân ánh sáng trung thực nên đã sống một cuộc đời thật đẹp và đã chết hào hùng.

2. Thánh Gioan sống rất đẹp

Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của gia đình và xã hội, rút vào trong sa mạc hoang vắng để sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện ý Ngài.

Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, nhưng ngài cũng không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho họ (Ga 1,36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu, một bậc Thầy cao cả hơn.

Gioan sống đẹp khi ngài thu phục được đám đông dân chúng, được dân chúng ngưỡng mộ, xem ngài như một tiên tri cao cả, nhưng Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà ngài không đáng cởi quai dép cho Người (Ga 1,27) để cho dân chúng thôi ngưỡng mộ mình mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giêsu.

Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.(Ga 3,30)

3. Thánh Gioan chết cũng rất đẹp, rất hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc,nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than. Gioan mang nặng những ưu tư, những trăn trở yêu nước thương dân.

Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân. Lương tâm ngôn sứ thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu. Cái đầu vị ngôn sứ đổi bằng bữa tiệc và điệu múa vũ nữ. Hêrôđê tàn bạo, Hêrôđiađê lăng loàn và thủ đoạn. Cái chết của Gioan cao đẹp và hào hùng vô cùng.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ngài không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Ngôn sứ, chứng nhân của sự thật thời nào cũng phải trả giá. Điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Người theo Đạo Hồi giáo Islam sùng kính Thánh Gioan Tiền Hô ở giáo đường bên Syria. Theo sự tin tưởng và tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden bên Syria có nấm mộ chôn đầu bị chém của Thánh Gioan Tiền Hô. Người Hồi giáo Syria gọi thánh nhân bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Đức Chân Phước Gioan Phaolo II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với mọi người Hồi giáo tại đó. Một vị Thánh sống tôn trọng và rao giảng sự trung thực, sự ăn năn sám hối. Từ đó cho tới nay, người Hồi giáo vẫn luôn luôn sùng kính mộ mến thủ cấp của vị ngôn sứ chứng nhân sự thật.

4. Theo gương Thánh Gioan, sống chứng nhân trung thực

Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gioan đã dám nói sự thật, dù phải chết. Gioan không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ngài không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi. Gioan lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ngài không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.

Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại ngao ngán trước những tiêu cực, tệ nạn, bất công, gian dối đầy dẫy trong xã hội như ngày hôm nay. Người dân phải chấp nhận sống chung với gian dối, tiêu cực, tệ nạn như người miền Tây, miền Trung được khuyên tập sống chung với lũ vậy.Ông Trần Quốc Thuận, văn phòng Quốc Hội Việt Nam tuyên bố: “Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lập lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là mất đạo đức.”. Gian dối trở thành tập quán xã hội, một bản tính thứ hai, một nền “đạo đức” của con người, như vậy thì tương lai của dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?

Giáo sư Hoàng Tụy nhận định: Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng, đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc... Trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả. (x.Báo Khuyến học & Dân trí, Thứ sáu, 28/11/2008).

Lm Nguyễn Hồng Giáo nhận định: Xã hội ta thì xưa nay đã quá quen với việc làm dối, nói dối, báo cáo láo đến nỗi dường như không còn coi đó là một điều xấu nữa. Chúng ta còn nhớ một khẩu hiệu được tung ra thời đầu đổi mới là "Nói thẳng, nói thật". Có chủ trương như thế là vì có tình trạng quanh co, gian dối. Một bài thơ châm biếm đăng trên Sài Gòn Giải phóng ngày 18. 5. 1990 có nhan đề đáng để ý.

Thôi xài chữ giả

Chữ nghĩa du di chả mấy hồi

Đói không nói đói, "thiếu ăn" thôi!

Học hành "hạn chế": y chang dốt

Báo cáo "tuy nhiên": ắt hẳn... tồi.

"Vượt mức chỉ tiêu"? Nên bớt nửa,

"Có phần sơ sót"? Hãy nhân đôi...

Mực đen gấy trắng đòi trung thực

Chữ giả xài lâu hỏng lắm rồi. (Long Vân)

Các nhà nghiên cứu đã phân tích và nêu lên nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu trung thực tràn lan. Nhưng tôi thiển nghĩ rằng, ta còn có thể nghĩ tới một nguyên nhân sâu xa mà hình như chưa ai đề cập tới cách thẳng thắn. Đó là liệu tình trạng này có liên quan cách nào đó chăng tới nhân sinh quan chính thức của xã hội ta hay ít nhất là tới một cách làm, cách nghĩ lâu đời đã ăn quá sâu vào trong tâm thức của giới cầm quyền và nhân dân? Tôi không dám khẳng định mà chỉ nêu câu hỏi như một "giả thuyết làm việc", như người ta quen nói trong phạm vi nghiên cứu khoa học (hypothèse de travail)… Tôi thiển nghĩ, muốn cải tổ giáo dục theo chiều hướng trung thực, cần phải có một sự cải tổ sâu hơn về não trạng và về quan niệm đạo đức, tựu trung là về nhân sinh quan. (x. Giả dối lan tràn, tại sao? Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Trung Tín (1 Tx 5,24). Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tin tưởng và gọi chúng ta là môn đệ của Ngài (Mt 25,22), và trao cho chúng ta những trách nhiệm lớn (Mt 25,21; Mt 28,19). Vì thế, chúng ta phải là chứng nhân trung thực của sự thật và trung tín giữa một xã hội mà sự gian dối đã trở thành “đạo đức”.

Thiết nghĩ, bài học về lòng trung thực phải là bài học đầu đời cho các bộ óc trẻ trung đang còn trong trắng tuổi học sinh.

Theo gương Thánh Gioan chứng nhân ánh sáng trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

 

45. Sống niềm vui trong ân tình Chúa

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)

Lúc màn đêm bắt đầu buông xuống, trên các nẻo đường biết bao công nhân vệ sinh đang lao động miệt mài. Từng nhát chổi của họ như là một sự cộng tác với thiên nhiên trả lại cho thành phố một bầu không khí trong lành. Dù công việc của họ âm thầm, nhỏ bé nhưng họ luôn ý thức rất rõ về công việc mình làm, mục đích họ đang vươn tới, và do đó họ đã tìm được niềm vui, một niềm vui thanh khiết và đáng quý.

Bên cạnh đó, hằng đêm tại các vũ trường, quán bar biết bao nhiêu bạn trẻ đang tìm kiếm niềm vui quay cuồng trong những điệu nhạc, niềm vui miên man trong làn khói thuốc, niềm vui lâng lâng cùng với men rượu... Họ đang vui niềm vui của thế tục.

Chúa nhật thứ III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Sở dĩ Giáo hội chọn chủ đề cho Chúa nhật III này là Chúa nhật của niềm vui vì Chúa Kitô, Đấng Cứu độ chúng ta sắp đến. Phẩm phục màu hồng của chủ tế trong cử hành Phụng vụ nói lên điều đó. Tuy nhiên niềm vui mà Giáo hội khuyến khích mời gọi chúng ta là niềm vui nào? Tìm kiếm ở đâu? Có phải là niềm vui của các bạn trẻ trong các vũ trường, quán bar hay không? Có phải là niềm vui của những tay anh chị khi gặp may mắn trong các trò đỏ đen hay không? Hay là niềm vui của những kẻ lừa gạt hoặc những kẻ làm ăn phi pháp khi thực hiện được những phi vụ trót lọt hay không? Chắc chắn không phải là những thứ niềm vui đó.

Vậy đâu là niềm vui mà Chúa và Giáo hội mong muốn con cái mình tìm kiếm trong Chúa nhật III Mùa Vọng?

Chúa Giêsu, ngay khi còn tại thế, Ngài luôn đặt cuộc đời mình trong bàn tay của Chúa Cha. Ngài đã luôn sống và hoạt động trong ân tình của Chúa Cha. Có thể nói cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc đời luôn tìm niềm vui trong Chúa Cha của Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm niềm vui đó như Ngài, tức là niềm vui trong Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có được niềm vui trong Chúa? Chúng ta chỉ có được niềm vui trong Chúa khi chúng ta biết sống trong ân tình của Chúa.

- Sống trong ân tình Chúa là ý thức sự hiện diện của mình là một hồng ân nhưng không phát xuất từ chính tình yêu Thiên Chúa. Một sự hiện diện ngoài sự mong đợi của một thụ tạo. Do đó, một khi ý thức về hồng ân hiện diện, chúng ta sẽ biết sống một đời tạ ơn. Và chính lúc sống đời tạ ơn đó, chúng ta sẽ tiếp tục được Thiên Chúa chăm sóc, nuôi dưỡng và đón nhận sự sống của Ngài, như một trẻ thơ luôn vui sống trong ánh mắt của cha mẹ mình, thì chắc chắn luôn được cha mẹ che chở, chăm sóc và nuôi dưỡng. Như thế, sự sống của chúng ta không chỉ được cắm rễ sâu trong sự sống của Thiên Chúa mà còn triển nở một cách tròn đầy trong Thiên Chúa nữa, và tâm hồn chúng ta chắc chắn sẽ có được niềm vui của Chúa, niềm vui của những người con thảo đối với Cha trên trời.

- Sống trong ân tình của Chúa còn là gì nữa, nếu không phải là nhận ra và sử dụng những nén bạc Chúa trao một cách hiệu quả nhất theo ý Ngài. Niềm vui của cha mẹ là nhìn thấy con cái mình khôn lớn và thành đạt bằng những phương tiện do mình trợ giúp. Hay nói một cách khác, chính khi người con biết tận dụng những phương tiện cha mẹ cung cấp để thành đạt trong cuộc sống, ấy là lời tri ân đẹp nhất dâng lên cha mẹ mình. Vậy khi chúng ta biết tận dụng và phát huy mọi ân huệ và tài năng Chúa ban lại không phải là bài ca chúc tụng và tạ ơn đẹp lòng Thiên Chúa sao? Tất nhiên niềm vui đến từ đây là rất lớn.

- Sống trong ân tình Chúa còn là chu toàn mọi công việc bổn phận theo ý Chúa muốn trong từng ngày sống. Điều này cũng cho thấy chúng ta không còn sống cho riêng mình, nhưng là sống cho Chúa và cho tha nhân nữa. Như là những đầy tớ trung tín, không chỉ chu toàn mọi công việc được trao, mà còn luôn khao khát đón chờ chủ về và luôn cảm thấy vui sướng, hạnh phúc khi được sống với chủ. Thông thường chúng ta vẫn thích làm theo ý mình hơn là ý Chúa, chúng ta vẫn thích chiều theo cái tôi của mình hơn là lề luật của Giáo hội, nên chúng ta vẫn sống ngoài ân tình của Chúa và dĩ nhiên là cũng không nhận được niềm vui thực sự trong tâm hồn.

Ước mong mỗi người chúng ta biết tận dụng thời gian Mùa Vọng này để luôn sống trong ân tình của Chúa, nhờ đó khi Chúa đến diện đối diện, thì tâm hồn chúng ta, cuộc đời của chúng ta luôn được chan chứa niềm vui và bình an, thứ niềm vui và bình an mà thế gian không ban được.

home Mục lục Lưu trữ