Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1367687

KHIÊM TỐN PHỤC VỤ

KHIÊM TỐN PHỤC VỤ (*)- Chú giải của Noel Quession

 

Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”

Đây là hai chàng thanh niên con trai của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới, ở Bết-sai-đa một cảng nhỏ trên bờ hồ Ti-bê-ri-át. Mẹ của họ có lẽ là bà Xalômê, chị em với Đức Maria mẹ Đức Giêsu (Mc 15,10 – 16,l). Theo tục lệ tự nhiên trong nhiều nền văn minh phương Đông, họ cho là tự nhiên khi sử dụng các quyền của người trong dòng họ: Vì là anh em bà con với Đức Giêsu, họ đến xin người bà con cho “dòng họ” được tham dự vào sự thành công của một thành viên trong gia tộc.

Vả lại Đức Giêsu đã chẳng nói như thế sao: “Các ngươi hãy xin, thì sẽ nhận được”. Vậy họ đưa ra một lời xin: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn Thầy ban cho điều mà chúng tôi xin”. Đây là một dịp mà chúng ta cần phải nắm vững, vì đôi khi chúng ta cũng ngạc nhiên về một số lời cầu xin của mình không được chấp nhận, ‘như’ chúng ta mong muốn.

Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”

Lời cầu xin của họ quá mơ hồ. Đức Giêsu bảo họ hãy nói rõ lời yêu cầu đó.

Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy.

Lần thứ ba, Đức Giêsu vừa loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Người (Mc 10,32-34) “Nào chúng ta lên Giê-ru-sa-lem; Con Người sẽ bị giao nộp cho các Thượng tế. Họ sẽ lên án tử hình Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người”. Vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ (và đối với chúng ta?), đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự. Vậy tại sao lại không lợi dụng người anh em bà con để được thăng tiến, được hưởng đặc quyền, được tiến cử? Chúng ta chớ nên xét đoán các ông một cách khắt khe.

Chính chúng ta đã không làm như thế, khi chúng ta có dịp hay sao? Đó là chuyện thường tình của con người! Khi chúng ta quen lớn, thì tự nhiên chúng ta không muốn nhờ vả để trục lợi sao? Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn: Đời sống Kitô hữu của chúng ta có phải là một cuộc sống phụng sự Thiên Chúa hay không? Hay đó là một cuộc sống mà chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa phục vụ chúng ta? Việc hành đạo của chúng ta có phải là một sự thờ phượng, ca ngợi và vâng phục hướng về Thiên Chúa không? Hay đó chỉ là một thứ “bảo hiểm cho đời sau”? Lạy Thầy, xin dành cho con một chỗ phụ chắc chắn ở trên trời.

“Các anh không biết các anh xin gì!”

Thực vậy, họ đâu có biết “ai” sẽ ở “bên phải và bên trái” của Đức Giêsu, khi Người ở trong “vinh quang” của Người trên thập giá? Họ đang xin mà không biết chỗ của hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Người trên đời. Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi, Đức Giêsu đang cố chuyển biến tư tưởng của họ từ “vinh quang của Đấng Mêsisa” sang “con đường dẫn đến vinh quang” đó. Chúng ta cũng vậy thường chúng ta không biết điều mà chúng ta xin: Đó là lý do tại sao những lời cầu xin của chúng ta không được chấp nhận.

Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa dời chúng ta đi, cho Người sửa đổi lời xin của chúng ta. Thiên Chúa nói: “Các con không biết các con xin những gì, các con hãy tin Ta hơn”. “Sự vinh quang” mà các ông xin, hỡi Giacôbê và Gioan, các ông sẽ nhận được vào một ngày nào đó! ước mộng tuổi trẻ của các ông sẽ được thực hiện trong tuổi chín muồi của các ông.

Thực vậy, Giacôbê sẽ là vị tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrông, bị khổ sai tại đảo Patmos (Kh 1,9).

Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Đức Giêsu dùng hai hình ảnh cổ truyền của Kinh Thánh để giúp họ sửa đổi lời yêu cầu và ý muốn của họ: Đó là chén đắng và phép rửa. “Chén” trong Kinh Thánh là “chén đắng”, thức uống ghê tởm, khó nuốt. “Chúa cầm chén trong tay”. Người rót một thứ rượu thuốc đã lên men: Họ sẽ uống rượu này, họ nốc đến cạn (Tv 75,9). ‘Phép rửa’ có một ý nghĩa tương tự: Đó là hình ảnh sự nhào nặn, chìm nghỉm; “Hết thảy nước đó sóng tràn ngập lút trên tôi” (Tv 42,9). Đức Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Người. Và Người hỏi hai môn đệ: “Các con có thể uống được chén đắng của sự thương khó Thầy không? Và chịu dìm vào phép rửa bằng máu của Thầy không? Như Thầy và cùng với Thầy, các con có chấp nhận vùi sâu dưới dòng nước chết đuối bi thảm này nghĩa là chia sẻ cái chết của Thầy không?

Các ông đáp: “Thưa được”

Họ tỏ ra quảng đại trong sự hăng say của tuổi trẻ.

Họ sẵn sàng trả giá bằng chính bản thân của mình, để ‘uống’ chén đắng và bị dìm sâu trong phép rửa. Chúng ta đừng quên rằng khi Máccô viết Tin Mừng của ông, thì đã có 2 bí tích đang được các Kitô hữu thể nghiệm, như chúng ta ngày nay. Chúng ta gán cho Phép rửa tội và Thánh Thể mà ta lãnh nhận ý nghĩa nào? “chén mà chúng ta hiệp thông có thông hiệp với sự hy sinh của Đấng đã hiến ban mạng sống của Người không? Đức tin ngày chịu phép rửa có làm cho chúng ta “Theo Đức Giêsu không? và theo tới đâu?

Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.

Khi Máccô ghi lại lời tiên tri này của Đức Giêsu, thì nó đã được thực hiện một phần rồi. Vào năm 44, Giacôbê đã tử đạo. Vào thời đó Vua Hêrôđê đã bách hại một số thành viên của Giáo Hội. ông ấy đã cho chém đầu Giacôbê, người “anh em” của Gioan. Và khi nhận thấy người Do Thái hài lòng về việc làm đó, ông lại cho tiến hành cuộc bắt giữ khác (Cv 12,2-3). Kitô hữu là theo Đức Giêsu!

Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.

Một lần nữa Đức Giêsu nói lên những lời khiêm nhường lạ lùng, trước Cha của Người: Người nói Người “không có quyền”. Người tỏ ra vâng phục. Qua lời này Người mời gọi chúng ta đến lượt mình, cũng để Thiên Chúa tùy nghi định đoạt về chúng ta. “Vinh quang” đó, Giacôbê và Gioan sẽ nhận được, nhưng không phải là thứ vinh quang mà hai ông ước vọng: Đó sẽ là vinh quang của Đức Giêsu cho. Do đó Chúa đã chấp nhận lời cầu xin của hai ông. Còn chúng ta thì sao? Khi lời cầu nguyện của chúng ta xem ra không được chấp nhận, chúng ta có luôn phó thác nơi Chúa, để Chúa chấp nhận, lời xin đó theo ý của Người hay không? Chính Đức Giêsu cũng đưa dẫn các bạn hữu của Người tới mầu nhiệm không thể dò thấu được của ý định Thiên Chúa.

Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan

Các ông bực mình vì các ông cũng có tham vọng như thế!

Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân

Một lần Đức Giêsu nói về “chính trị” thì Người lại mô tả quá mạnh và khá mù tối. Ta không thể nói, Đức Giêsu muốn thiết lập một thế giới không có hệ thống hành chánh hay san bằng cấp bậc.

Nhưng, một lần nữa như đối với cách sử dụng (tiền bạc hay vấn đề tính dục), Người bác bỏ những lạm dụng: Quyền thế không được áp dụng như một cách để thống trị và hà hiếp, hay như một “tương quan lực lượng” mạnh được yếu thua. Đức Giêsu nói: “Không được như vậy”.

Nhưng giữa anh em thì không được như vậy

Đức Giêsu dứt khoát loại bỏ trong Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu, kiểu quyền bính vẫn được thực thi trên thế giới.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.

Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là “hiến chương” của Giáo Hội, của cộng đoàn các môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người.

Hình ảnh mà Đức Giêsu đưa ra ở đây lại càng rõ nét. Ý mà chủ “đầy tớ” không nói ra ở đây, thì từ “nô lệ” lại nói lên một cách mạnh mẽ, bằng cách thêm ý “tùy thuộc” vào người mà ta phục vụ. Trong Giáo Hội, phải triệt để từ bỏ nguyên tắc thăng thưởng, quân hàm, công nghiệp, tước vị huy chương và chỗ danh dự. Chỉ có một nguyên tắc mà thôi: Đó là sự phục vụ, khiêm tốn. Cần nói về những vị có một vai trò đặc biệt, ta sẽ dùng kiểu nói “thừa tác viên” chữ này trong tiếng La tinh có nghĩa là “đầy tớ”. Không có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên”, những “người phục vụ”.

Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Lý do căn bản của “hiến chương” nguyên thủy này của Giáo Hội, là Giáo Hội đương nhiên phải bắt chước Đức Giêsu. Cần lưu ý về ý nghĩa tích cực mà Đức Giêsu đã gán cho cái chết của Người. Trong ý thức của Người, Người không nghĩ về cái chết này một cách đau khổ; con đường thập giá đối với Người không phải là “chịu đau khổ” mà là “phục vụ”. Mặc dù Người có quyền hạn đầy đủ vì là con Thiên Chúa, thế mà Đức Giêsu đã không hành xử như một vị thống trị, nhưng như “một người đầy tớ”. Người đã không đóng vai “lãnh chúa” mà là “gia nhân” (Ga 13,13) bằng cách hầu bàn chiều Thứ Năm Thánh. Các bác cha mẹ Kitô hữu cũng phải hành xử như thế, đối với những kẻ dưới quyền của mình. Các người có trách nhiệm cũng phải hành xử như thế, đối với thuộc cấp của mình. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu một cách nghiêm chỉnh không? Chúng ta chớ nên xét lương tâm kẻ khác. Tôi đang có khuynh hướng “thống trị” ai? Tôi phải “thương yêu” ai? Tôi phải “phục vụ”ai?

(*)  Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B

CON NGƯỜI ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐƯỢC PHỤC VỤ, NHƯNG ĐỂ PHỤC VỤ – Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1/.Sau khi loan báo cuộc thụ khổ lần thứ ba

Trên đường lên Giêrusalem, lúc này đã gần tới nơi, bầu không khí càng lúc càng thêm bi thảm. “Người dẫn đầu các ông”, những người đi theo “kinh hoàng” và “sợ hãi”, tiến trên đường dẫn đến cái chết.

Đây là lần thứ ba Chúa loan báo cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Loan báo mà Đức Giêsu gởi tới nhóm Mười Hai, là tế bào đầu tiên và cũng là những người phụ trách cộng đoàn môn đệ của Người. Một lời loan báo rõ rệt hơn hai lần trước (8, 31-33 và 9,32-33), vì đã phác họa trước những gì sẽ xảy ra bị nhà cầm quyền Do thái kết án (xem 14,64), trao nộp cho quan Philatô, kẻ “ngoại giáo” (xem 1 5,1), bị phỉ báng và chịu cực hình: “chúng sẽ nhạo báng người” (xem 15,30-31) “chúng sẽ khạc nhổ vào Người” (xem 14,65 và 15,9), “chúng sẽ đánh đòn Người” (15, 15) “chúng sẽ giết Người” (xem 15, 37) “và ba ngày sau sẽ sống lại”. Cũng như các lần loan báo trước, lần loan báo thứ ba này gây ra những phản ứng; chứng tỏ các môn đệ không hiểu, nên Đức Giêsu phải giải thích cho họ.

2/.Thái độ không hiểu tái diễn nơi các môn đệ

Rõ ràng lời xin của Giacôbê và Gioan chẳng thích đáng chút nào trong bối cảnh đó (Đức Giêsu vừa mới loan báo về cuộc khổ nạn của Người). Hai ông đã từng là những người được gọi ngay thời kỳ đầu sứ vụ rao giảng (1,19-20), lúc Chúa hồi sinh con gái ông Giairô, hai ông đã có thể xác minh quyền năng của Người trên sự chết (5,37); hai ông đã cùng với Phêrô là những người duy nhất được chứng kiến Chúa hiển dung trên núi (9,28); và sau này cũng cùng với Phêrô chứng kiến Chúa hấp hối trong vườn Ghêtsêmani (14,33).

Khi Đức Giêsu vừa mới loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba, thì hai ông nóng lòng muốn bảo đảm chiếm cho được chỗ tốt, được một tương lai sáng lạn trong vương quốc. Các ông tiến lại thưa Chúa: “Xin cho hai anh em chúng con được ngồi một người bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Số phận mỉa mai thật! khi sau này Chúa hấp hối trên thập giá, hai người được đặt ở bên tả bên hữu Chúa là hai người trộm cướp (15,37) đang cùng chia sẻ cực hình với Người!

– Đức Giêsu cố gắng tỏ cho hai ông biết: đặc ân họ xin là quá lớn và họ thật quả vô tâm, nhưng vô ích. “Các anh không biết các anh xin gì”. Rồi dùng hình ảnh mạnh mẽ, như ‘chén phải uống’; “phép rửa phải chịu” để cho các ông thấy trước những gì sắp xảy ra: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa thầy sắp chịu không?”.

+ Trong Cựu ước, “Chén” đôi khi người ta nói chén chúc tụng, nhưng thường là nói về chén đắng để diễn tả những đau đớn trước lúc chết. Lúc hấp hối, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha cất chén đắng cho Người, nhưng cũng nói tiếp: “Nhưng đừng theo ý con, chỉ xin theo ý Cha mà thôi” (14,36).

+ Trong “Bí tích rửa tội”, toàn thân được dìm xuống nước, tượng trưng cho việc “chìm đắm” trong cái chết trước khi chỗi dậy trong đời sống mới. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu sẽ trải qua một phép rửa thật sự, Người sẽ bị dìm xuống làn nước chết, và chỗi dậy vào ngày thứ ba.

Xin được vinh dự bên cạnh Chúa trong Nước Người, tức là thuận theo cùng một con đường Người đã đi.

Hai môn đệ có dám theo Chúa tới đó không? “Thưa được” ông đáp không hề do dự, không đếm xỉa gì đến những điều Chúa đã cảnh báo.

Mười ông kia đã nghe rõ câu chuyện. Nếu họ “tức tối” thì hẳn không phải vì chê trách mưu đồ của Giacôbê và Gioan, mà vì sợ hai anh em ông này dành được chỗ nhất.

3/.Giáo huấn mới của Đức Giêsu: Sự đảo ngịch của Tin Mừng.

Đức Giêsu qui tụ nhóm Mười Hai lại và long trọng giảng giải cho các tông đồ về sự đảo nghịch của Phúc âm.

Khi nói với các tông đồ, cũng như với những người chịu trách nhiệm về các cộng đoàn Kitô hữu có mặt lúc đó hay trong tương lai, Đức Giêsu nêu lên một luật đối trọng với cách thế mà xã hội dân sự chủ trương về quyền hành: “Những người được là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người lớn thì lấy quyền mà cai trị dân”. Điều luật này chống lại lòng ham muốn thống trị và lòng khao khát quyền lực ta mang trong mình, như Giacôbê và Gioan và mười tông đồ còn lại. Điều luật này không chỉ là một điều luật bình thường, mà Đức Giêsu coi nó hiến chế cho các cộng đồng môn đệ Người: mỗi người là đầy tớ người (J. Delorme).

Đây là một đảo lộn tận gốc, một lý thuyết cách mạng bắt đầu cho một mối tương quan mới giữa người với người: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em (người phục vụ, tiếng hy lạp là diakonos, còn có nghĩa là thầy phó tế).

Lý do và gương mẫu cho nguyên lý cách mạng này chính là cách đối xử của Đức Giêsu, Người kết luận: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Câu này nhắc lại lời ngôn sứ nói về Người Tôi Tớ đau khổ (Bài đọc l), nhờ lời này soi sáng, Đức Giêsu nhận biết số phận của Đấng Mêsia-tôi tớ; Lời đó còn nói lên ý nghĩa sự sống và cái chết của Người và loan báo lời mà Chúa sẽ tuyên bố về “chén” vào thứ năm, trước khi Người bị bắt: “Này là máu Thầy, máu Giao ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Để có thể sống như một Kitô hữu chân chính, cộng đoàn môn đệ hôm nay, hôm qua cũng như ngày mai, cần phải xét xem lối hoạt động của mình có hợp với ý và gương mẫu của Đấng Sáng lập, Đấng đã đưa tinh thần phục vụ đến tột đỉnh không.

BÀI ĐỌC THÊM.

1/.Vinh quang đầy mâu thuẫn của Con Người

Cuộc chuyện trò cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ (10,38-43) là cuộc thảo luận lần nữa về ngôi thứ trong cộng đoàn, như vậy, nó nối kết với ý tưởng của phần đầu chương này. Lời xin của hai anh em Giacôbê và Gioan đưa đến cuộc chuyện trò này, đồng thời cũng biểu lộ ước muốn chỗ cao nhất: ngồi bên tả bên hữu Chúa trong vinh quang.

Diễn tiến của ước muốn này mang dấu ấn của Máccô. Trước hết, khi hai tông đồ vừa tỏ lộ ước muốn của mình, Đức Giêsu hỏi ngay: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”. Đức Giêsu thăm dò, tìm hiểu hết mọi khát vọng của ta, đôi khi những ước muốn mà chính ta cũng không hiểu rõ (“Các anh không biết các anh xin gì”). Con đường mà ước muốn phải đi qua để tới đích không gì khác hơn là thập giá, ở đây được diễn tả bằng hai hình ảnh: chén và phép rửa. Cách nói lặp lại nhiều lần (ở đây lặp lại bốn lần) là đặc điểm của Máccô. Đối với ông, điều không thể tránh được trong cuộc sống Kitô hữu chính là thập giá. Còn vinh quang là một ơn hoàn toàn nhưng không, ta không thể biết trước, chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi. “Cho những lời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị”. Đối với những người xin nhiều, xin cả đến vinh quang Thiên Chúa, thì Máccô đề nghị họ sống theo tấm gương của Con Người, một tấm gương đi ngược lại cách sống của người đời: đến để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (10,45).

Sống theo gương Đức Giêsu là đề tài rất phổ biến, nhất là khi cuốn sách “Gương Chúa Giêsu” xuất bản ở thời Trung cổ, trở thành nền tảng cho toàn bộ “luân lý” và chính thánh sử Maccô đãtrình bày cho chúng ta điều đó. Ngài đã nói lên mối hệ gần gũi giữa đời sống của Đức Giêsu (nhất là cuộc khổ của Người) và đời sống của người Kitô hữu. Mối quan hệ gần gũi đó luôn là ví dụ điển hình cho mọi nỗ lực tìm hiểu cuộc sống người Kitô hữu. Máccô mời gọi ta suy nghĩ lại những thói quen giữ đạo: những hoạt động, bi kịch, và khát vọng của ta dưới ánh sáng của tấn thảm kịch duy nhất của Đức Giêsu: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (9,31).

2/.Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ

Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải một địa vị thống trị, hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn. Trong Hội Thánh nói riêng, người cầm quyền là những thừa tác viên trong tiếng Latinh từ này có nghĩa là “đầy tớ” – Bản Hy lạp của Tin Mừng Máccô dùng hai từ diakonos = đầy tớ và doulos = nô lệ. Điều đáng buồn là ngày nay đôi khi còn có những người tranh giành quyền lực trong Hội Thánh. Đức Giáo Hoàng cũng tự xưng mình là “Tôi tớ các tôi tớ” của Thiên Chúa.

Thật vậy, cần phải đạt tới cách sống như thế. Người lãnh đạo giỏi là người biết làm cho người dưới cùng chịu trách nhiệm. Giáo sư giỏi là người biết khơi dậy sáng kiến của môn sinh. Chủ doanh nghiệp giỏi là người biết hỏi ý kiến của công nhân và cán bộ của mình. Cha mẹ tốt là người biết nghệ thuật làm triển nở con cái một cách tích cực. Những giáo xứ mạnh là nơi mà các tín hữu biết tham gia cộng tác với mọi tầng lớp và trong mọi việc.

Có lẽ người ta đã quên rằng từ “quyền thế”‘ trong tiếng Latinh: ‘auctoritas’ bởi gốc “augere” = làm cho lớn lên, thêm lên. Đối với Đức Giêsu, chính là như vậy: quyền hành là sự phục vụ trong một nhóm, nhằm giúp các thành viên lớn lên, dám tự mình chịu trách nhiệm. Người lãnh đạo chân chính là người biết nghe, hiểu, đánh giá, tôn trọng người khác, chứ không phải là người thống trị, hạ nhục, lợi dụng người khác, và để người khác thụ động vô trách nhiệm.

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- B

TÔI TỚ CỦA MỌI NGƯỜI (*)-  Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

I/.DẪN NHẬP

Theo tâm lý chung của loài người, ai cũng muốn được giầu sang phú quí, muốn có địa vị cao, thích ăn trên ngồi trước, muốn được người ta hầu hạ… Nhưng những tiêu chuẩn đó không nhất thiết là của Chúa. Tham vọng lo liệu của những con trai ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã là dịp để Đức Giêsu nói rõ: sự cao trong đích thực ở tại cái gì?

Đức Giêsu không đáp ứng lời cầu xin của hai anh em Giacôbê và Gioan vì nó không thích hợp với đường lối của Ngài. Nhân dịp này Ngài dạy cho các ông là môn đệ đặc biệt của Ngài, và cũng là cho chúng ta một bài học: Sự cao trọng không cốt ở danh dự, giầu có, chức quyền danh vọng hay sức mạnh… nhưng ở tại sự phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, Ngài mới nói:Ai muốn làm lớn phải làm tôi tớ mọi người”. Lời giáo huấn này đi ngược lại với lối hành xử của người đời, buộc chúng ta phải động não!

Đức Giêsu là vị Thượng Tế có thế giá, luôn chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Ngài cũng đã trải qua những đau khổ trong đời sống trần thế, đồng thời cũng hé mở cho chúng ta thấy được vinh quang của Ngài sau này khi đã sống lại. Mọi Kitô hữu đều có chức năng tư tế phổ quát, nên cũng phải sống và làm chứng bằng đời sống phục vụ. Và nếu cần, họ cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống để chứng tỏ sự trung thực của đời sống phục vụ của mình. Yêu thương là phục vụ, càng phục vụ, tình yêu càng dồi dào thắm thiết.

II/.TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 53,10-11

Hai câu trong bài đọc 1 là một trích đoạn của Bài Ca thứ tư về Người Tôi Trung của Isaia. Cho mãi đến thời Giêrêmia, tư tưởng tôn giáo Do thái mới nhận biết một mối liên hệ giữa việc đền tội với những đau khổ của người công chính bị bách hại. Người công chính đây là Người Tôi Trung hiến mạng sống của mình để chuộc tội cho dân Người. Cái chết của Người sẽ là khởi điểm của vinh quang Người và là suối nguồn của mọi ơn phúc cho những người khác.

Khi suy tư về những đoạn văn như đoạn văn này, các Kitô hữu tiên khởi đã đi đến một sự hiểu biết về những đau khổ và cái chết của Đức Giêsu.

+ Bài đọc 2: Dt 4,14-16

Đức Giêsu là vị Linh mục Thượng phẩm tuyệt hảo của chúng ta. Thánh Phaolô kêu mời chúng ta hãy vững tâm đến với Ngài để được tiến đến cùng Chúa Cha. Ngài về trời để làm trung gian cho chúng ta. Chính Ngài đã có kinh nghiệm bản thân về những thử thách, những đau khổ mà chúng ta đang phải chịu. Do đó, Ngài dễ dàng thông cảm với những yếu đuối của chúng ta, Ngài nâng đỡ chúng ta và cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa Cha.

+ Bài Tin mừng: Mc 10,35-46

Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài cho các môn đệ, nhưng xem ra các ông chẳng hiểu gì. Họ vẫn còn giữ nguyên quan niệm của người Do thái là chờ đợi một nước vinh quang trần thế theo nghĩa chính trị.

Họ chỉ nghĩ đến địa vị trong nước mà Đức Giêsu sắp lập. Họ lo bàn cãi và tranh luận với nhau, lo chiếm cho mình một chỗ cao hơn trong vương quốc tương lai. Nhưng Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học: ở trong vương quốc của Ngài sự cao trọng thực sự không cốt ở trong uy thế và danh dự, nhưng ở trong sự phục vụ tha nhân đến tột cùng, nếu cần:Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Những lời nói này của Đức Giêsu có liên quan đến tất cả chúng ta. Nó làm xẹp đi những tham vọng, tính kiêu căng và những mơ ước quyền thế của chúng ta. Phục vụ là đòi hỏi của tình yêu. Phục vụ là con đường duy nhất của sự cao trọng đích thực.

III/.THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Trở nên tôi tớ mọi người

A/. AI CŨNG THÍCH QUYỀN CAO CHỨC TRỌNG

  1. Tâm lý người đời.

Ngày nay trên khắp thế giới, hầu hết các nước đều có cuộc bầu cử vào quốc hội, bầu Tổng thống hay một chức vụ tại một địa phương nào đó. Bất cứ ai ra tranh cử cũng tỏ ra mình có tài năng, xứng đáng lãnh nhận chức vụ, càng lên cao càng tốt. Thời nào và ở đâu cũng có những người tranh nhau làm lớn để lấy quyền hành áp chế dân, bắt dân phục vụ mình. Đó là lý do người đời tranh nhau địa vị trong xã hội.

Người ta tìm kiếm quyền bính vì những lý do khác nhau. Một số người thích có quyền lực đi chung với quyền bính: nó làm cho người ta cảm thấy quan trọng. Những người khác thích uy thế mà nó đem lại. Những người khác nữa thích được trả lương cao. Tất cả những lý do ấy đều có một điểm chung – quyền bính được xem như cơ hội để thăng tiến bản thân.

  1. Tâm lý các môn đệ Chúa.

Mặc dầu đã đi theo Chúa gần ba năm, nhưng các môn đệ cũng chưa lãnh hội giáo lý của Ngài được bao nhiêu. Ngay sau lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ sự Thương Khó của Ngài: “Nào chúng ta lên Giêrusalem… Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế. Họ sẽ lên án tử Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người”(10,32-34), các ông cũng không quan tâm đến lời loan báo ấy, có lẽ chẳng hiểu gì, hơn nữa đầu óc các ông còn đang mơ tưởng đến vương quốc Đức Giêsu sắp lập. Như vậy có nghĩa là vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ, đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự.

Riêng trường hợp đối với Giacôbê và Gioan, theo tục lệ tự nhiên trong nhiều nền văn minh phương Đông, họ cho là tự nhiên khi sử dụng đặc quyền của người trong họ: vì là anh em bà con với Đức Giêsu, họ đến xin người bà con “dòng họ” được tham dự vào vào sự thành công của một thành viên trong gia tộc như người ta thường nói:Một người làm quan, cả họ được nhờ”(Tục ngữ).

Có lẽ vì vậy mà hai anh em Giacôbê và Gioan đã lợi dụng người anh em bà con để được thăng tiến, được hưởng đặc quyền đặc lợi, được tiến cử. Các ông đã xin:Khi Thầy ngự trên ngai vinh hiển, xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy”{Mc 10,37).

Lời thỉnh nguyện này đã nói lên tham vọng của hai ông là muốn tham dự vào quyền điều hành trong vinh quang của Đức Giêsu. Thứ “vinh quang” mà các ông xin là vinh quang theo kiểu trần thế vì các ông tin Đức Giêsu sẽ lập nước Israel ở trần gian, chứ không phải vinh quang của Đức Giêsu sau khi tử nạn và phục sinh.

Đức Giêsu trả lời ngay:Các con không biết điều các con xin”. Khi nói câu này, Đức Giêsu mốn tỏ ra cho các ông biết lời thỉnh cầu của các ông thật là ngây ngô vì các ông chưa hiểu gì về việc tử nạn và phục sinh mà Ngài đã loan báo đến lần thứ ba này. Cho nên Ngài hỏi tiếp:”Các con có thể uống chén đắng Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không”? Nói như vậy có nghĩa là chấp nhận đau khổ và sự chết. Chúa có ý nói đến cuộc tử nạn của Ngài trên Thập giá. Chẳng hiểu gì, các ông thưa đại đi:Thưa được”.

Chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm hai từ “chén đắng” và “phép rửa”.

Trong Cựu ước, “Chén” đôi khi người ta nói đến chén chúc tụng, nhưng thường là nói về chén đắng để diễn tả những đau đớn trước khi chết. Lúc hấp hối, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha cất chén đắng cho Người, nhưng cũng nói tiếp:Nhưng đừng theo ý Con, cứ theo ý Cha”.

Còn “phép rửa” trong bí tích rửa tội, toàn thân được dìm xuống nước, tượng trưng cho việc “chìm đắm” trong cái chết trước khi “chỗi dậy” trong đời sống mới. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu sẽ trải qua một phép rửa thật sự. Người sẽ bị dìm xuống làn nước chết, trước khi chỗi dậy vào ngày thứ ba (Fiches dominicales, tr 304).

Câu “Thưa được” đã đưa Giacôbê và Gioan đến cái chết. Sự việc xẩy ra: ông Giacôbê đã bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44, Gioan chết trong tuổi già cuối thế kỷ I. Nhưng ông đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết được do phép lạ Chúa làm. Sau đó bị phát lưu ở đảo Patmos trong cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, sống cũng như chết. Như vậy lời Chúa đã được thực hiện đúng.

B/. BÀI HỌC CỦA ĐỨC GIÊSU

  1. Khát vọng của người đời

Từ 2000 năm trước, Đức Giêsu đã cho thấy: những thủ lãnh các nước lấy quyền sai khiến dân như ông chủ. Ông chủ thời xưa là người đầy quyền lực muốn bắt đầy tớ làm gì, đầy tớ phải làm theo, dù cực nhọc, khốn khổ đến đâu cũng không được từ chối. Nhiều nơi, đầy tớ bị coi như nô lệ, chủ cho sống thì sống, muốn giết thì giết. Vì thế, Đức Giêsu nói:Các con biết: những người được coi là thủ lãnh thì cai trị dân như những bạo chúa, những người làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân”(Mc 10,42).

Tuy thế, có những loại quyền bính khác nhau. Jean Vanier phân biệt hai loại quyền bính: một quyền bình áp đặt, thống trị và điều khiển; và một quyền bính đồng hành, lắng nghe, giải phóng, phân quyền làm cho người dân tự tin và kêu gọi họ ý thức về những trách nhiệm của mình.

Còn có một loại quyền bính thứ ba thinh lặng, yêu thương và ẩn giấu – quyền bính yêu thương nhưng không dùng quyền lực, xây dựng lòng tín thác và đôi khi chờ đợi đêm ngày trong nỗi lo âu. Cha mẹ đôi khi phải chờ đợi suốt đêm trường mong sao đứa con mình lầm đường lạc lối trở về…

  1. Tiêu chuẩn của công dân Nước Trời

Giáo huấn mới của Đức Giêsu là sự đảo nghịch của Tin mừng. Khi nói với các tông đồ, cũng như với những người chịu trách nhiệm về các cộng đoàn Kitô hữu có mặt lúc đó hay trong tương lai. Đức Giêsu nêu lên một luật đối trọng với cách thế mà các xã hội dân sự chủ trương về quyền hành:Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân”. Điều luật này chống lại lòng ham muốn thống trị, như Giacôbê và Gioan và mười tông đồ còn lại. Điều luật này không chỉ là một điều luật bình thường, mà Đức Giêsu coi nó là Hiến chế cho các cộng đồng môn đệ Người: mỗi người là đầy tớ mọi người (J. Delorme).

Đây là một đảo lộn tận gốc, một lý thuyết cách mạng bắt đầu một mối tương quan mới giữa người với người:Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”.

Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ. Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nhóm nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải là một địa vị thống trị hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn:Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”(Mc 10,45).

Người lãnh đạo trong Hội thánh là “đầy tớ”. Trong các văn kiện, Đức Giáo hoàng thường dùng danh hiệu “Servus servorum”: đầy tớ của các đầy tớ. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là thừa tác hay trợ tá theo đúng nghĩa của chữ Latinh “Minister” là tôi tớ, hoặc tiếng Hy lạp “Diakonos”: đầy tớ và “Doulos” là nô lệ.

Trong các vị lãnh đạo trong Hội thánh cũng phải có phẩm trật như người ta nói:Kim chỉ phải có đầu”(tục ngữ), cần phải có một người đứng đầu điều khiển một cộng đoàn, chứ không thể có cảnh “cá đối bằng đầu”(tục ngữ) mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn phục tùng ai. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: không phải là hủy bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác.

Truyện: Đức Hồng y Roncalli

Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn tòa giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cộng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.

Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này lên ngôi Giáo hoàng, Đức Gioan 23 vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.

III/. QUYẾT TÂM CỦA CHÚNG TA

Chúng ta có quyền tự do chấp nhận hay từ chối lời dạy của Chúa là trở nên tôi tớ của mọi người, nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm về quyết định đó vì hậu qủa của nó sẽ khôn lường. Hãy chọn con đường đúng mà đi.

  1. Hai hướng đi trước mắt

Con người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường dẫn đến hai chiều khác nhau; một hướng vị kỷ và một hướng vị tha.

Hướng vị kỷ có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này.

Còn hướng vị tha rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm ta lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan tới bản thân, để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ. Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lần gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình (JKN).

  1. Phải chọn một hướng đi

Đối với những người theo Chúa, hai hướng ấy vẫn luôn luôn mở ra đòi buộc họ chọn lựa mỗi lần họ phải quyết định để hành động.

Chọn hướng vị kỷ: hướng vị kỷ sẽ cám dỗ họ lợi dụng con đường theo Chúa như một phương tiện để tiến thân, để bước vào vinh quang trần thế, với quyền lực, danh vọng, tiền bạc trong tay, là những thứ mà Giáo hội cũng như xã hội cống hiến cho họ, mong họ dùng chúng để phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và mọi người. Nhưng họ lại dùng chúng cho mục đích vị kỷ của mình, mặc dù trên danh nghĩa vẫn là để phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và tha nhân.

Truyện: Hòn đá vấp ngã

Một hôm, khách qua đường gặp một triết gia nổi tiếng người Hy lạp. Ông ta đứng ở góc đường và cười nắc nẻ một cách đắc chí. Ai cũng tưởng ông là người điên nên không thèm để ý.

Sau cùng, có một người đánh bạo đến gần và hỏi:

– Vì lý do gì ông cười như vậy?

Ông ta trả lời:

– Ông có thấy cục đá nằm giữa đường kia không? Từ sáng tới giờ không biết bao nhiêu người đã vấp ngã vì hòn đá đó, và họ bực mình chửi bới. Thế nhưng, không có một ai cúi xuống nhặt hòn đá vứt khỏi lối đi để người khác khỏi bị vấp ngã.

Chọn hướng vị tha: Còn hướng vị tha sẽ khiến người theo Chúa coi việc theo Chúa như một phương cách hữu hiệu nhất để phụng sự Thiên Chúa, nhân loại, quê hương và tha nhân. Họ không quan tâm hay mong muốn chuyện thăng tiến bản thân, không bao giờ coi đó như một mục đích phải đạt tới trong cuộc đời. Nếu họ được giao địa vị, trách nhiệm, với những phương tiện hữu hiệu trong tay, họ sẽ lợi dụng tất cả những thứ ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Điều họ quan tâm là: con người được hạnh phúc, và qua đó Thiên Chúa được vinh danh.

Chúng ta không bao giờ quên được những gương phục vụ một cách xả kỷ vô vị lợi như thánh Đamien tông đồ người hủi, thánh Maximilianô Kolbê xin chết thay cho một vị trung úy trẻ trong trại tập trung Đức quốc xã, các vị khác như Ozanam, chân phước Têrêsa Calcutta…

  1. Xem lại con đường đang đi

Đức Giêsu không nài ép chúng ta làm môn đệ Ngài, Ngài chỉ kêu mời chúng ta với tinh thần tự nguyện. Ngày nay chúng ta còn mang cái tâm trạng của các tông đồ ngày xưa khi Đức Giêsu chưa đi vào cuộc tử nạn và phục sinh không? Lời mời gọi của Đức Kitô hôm nay có giá trị đặc biệt để chúng ta xét lại thái độ của mình. Chúng ta lượng định thế nào về các thành công và tầm vóc quan trọng trong nội bộ Hội thánh, và ngoài xã hội? Chúng ta trân trọng những ai và khinh miệt kẻ nào? Cứ như cái nhìn của Tin mừng hôm nay, thì kẻ “vĩ đại” là người phục vụ kẻ khác. Nó mở mắt cho chúng ta thấy được tấm lòng “vĩ đại” trong nếp sống thường nhật chung quanh mình như người cha hy sinh, các bà mẹ chung thủy, dịu dàng, những người hiền lành khiêm nhường chất phác phục vụ không cần tiếng khen, không cần phần thưởng, cũng không cần lời cám ơn…

Phục vụ là một nhân đức gần gũi với đức bác ái. Nhân đức phục vụ bắt nguồn từ lòng yêu mến tha nhân. Như vậy quyền thế và phục vụ không xung khắc nhau, vì ai có nhiều quyền và quyền lớn thì có khả năng phục vụ nhiều hơn. Phục phụ phải là cái dấu chỉ của người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Hơn nữa, chính khi phục vụ tha nhân là lúc người ta tìm lại được chính mình vì “chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân”. Chính khi phục vụ tha nhân là lúc chúng ta tìm được hạnh phúc nhự thi sĩ Tagore người An độ đã viết:

Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời sống toàn là Niềm vui và Hạnh phúc.

Tỉnh dậy tôi nhận ra sống là Phục vụ.

Tôi dấn thân Phục vụ và tôi khám phá ra rằng Phục vụ là Hạnh phúc.

home Mục lục Lưu trữ