Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 17
Tổng truy cập: 1374594
KHỞI ĐẦU TỰ ĐIỀU NHỎ MỌN
Khởi đầu từ điều nhỏ mọn.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Hắn là một tên sát nhân. Hắn đã giết một cảnh sát viên. Bây giờ hắn phải trả giá bằng hình phạt: Người ta cột hắn vào ghế điện trong nhà tù.
Người ta buộc những miếng kim khí vào cái vòng trên đầu hắn vào bắp chân hắn. Một lát nữa, dòng điện mạnh sẽ chạy qua thân xác hắn, đủ gây nên sự mất ý thức ngay lập tức và chết luôn. Viên chức phụ trách bởi tên tử tội xem hắn có muốn nói lời gì cuối cùng không. Hắn nói buột ra với giọng điệu đớn cực độ: “Đây, tất cả đã khởi đầu khi tôi ăn cắp 1 đồng 5 xu ở túi áo của mẹ tôi. Rồi tôi ăn cắp 2 đồng 5 xu. Sau đó, tôi đã bắt đầu ăn cắp đồ vật ở trường học, ở tiệm tạp hóa, tiệm thuốc. Rồi, với hai đứa bạn, tôi bắt đầu tập luyện, món kiếm được càng ngày càng lớn hơn. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cướp ngân hàng, và lần đó tôi đã bắn viên cảnh sát. Đó, tất cả bắt đầu với 1 đồng 5 xu”.
Thưa anh chị em,
Đó là câu chuyện thường của tội ác. Đó là câu chuyện thường của lỗi lầm, nó thường khởi sự bằng một điều nhỏ mọn – 1 đồng 5 xu – một điếu thuốc, một ly rượu, một tư tưởng không tốt, một ước muốn dơ bẩn hay sự tò mò, đánh người nhỏ tuổi, không vâng lời trong những điều nhỏ mọn. Khi không được ngăn chặn, nó sẽ dẫn tới vụ ăn cướp, lạm dụng ma túy, nghiện ngập say sưa, trụy lạc đủ loại, bạo lực hành hung…
Tin mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ. Qua đó, chúng ta thấy được chiến thuật quỷ quyệt ngàn đời của ma quỷ: Hắn luôn luôn bắt đầu tấn công con người ở khía cạnh thấp hèn nhất: sự tham ăn hay nói cách khác, sự tìm kiếm thỏa mãn xác thịt với những dục vọng đê tiện. Sau khi tấn công khía cạnh xác thịt đê hèn của con người. Một khi đã mù quáng trong những dục vọng đê tiện của thể xác, con người sẽ đánh mất đi mọi ý hướng, mọi ý chí tốt lành để chỉ biết ngụp lặn trong việc tìm kiếm danh vọng, chức quyền và của cải, tức là con người đi vào vòng nô lệ của những ước vọng hão huyền.
Đây cũng là chiến thuật cũ của ma quỷ để tấn công Chúa Giêsu. Thế những, nếu hắn đã thành công với hai ông bà nguyên tổ loài người thì hắn ta đã thất bại nặng nề với Chúa Giêsu, Ađam mới của loài người. Ba đợt cám dỗ của Satan đều nhằm đánh lạc hướng sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu. Satan đã khôn khéo đưa ra dụ dỗ Chúa ba kế hoạch hấp dẫn để chinh phục dân chúng dễ dàng: Trước hết là cứ việc biến sỏi đá thành cơm bánh, cứ việc làm phép lạ cho dân chúng được ăn no thì ai lại không ham, ai lại không muốn chạy theo Ngài. Rồi đến kế hoạch thứ hai có vẻ hấp dẫn hơn trò xiếc quốc tế: đó là chỉ cần Chúa biểu diễn quyền phép của Thiên Chúa cho dân chúng thấy mà lóe mắt thán phục, bằng một pha nhào lộn ngoạn mục từ trên tháp đền thờ Giêrusalem xuống đất mà không sợ gãy cổ què chân, vì đã có các Thiên Thần nâng đỡ Ngài. Cuối cùng Satan lại bày ra một kế hoạch thứ ba, đó là chỉ cần Chúa quỳ xuống phục lạy hắn ta một cái là sẽ đổi lấy tất cả danh vọng, giàu sang, quyền thế, thống trị muôn dân nước trên thế giới, bá chủ hoàn cầu…
Trước các đợt tấn công của Satan, Chúa Giêsu đã dứt khoát gạt bỏ cả ba kế hoạch hấp dẫn, dễ dàng đó. Chúa không muốn chinh phục người ta bằng miếng ăn, bằng quyền năng thần thánh hay bằng vinh quang vật chất trần gian. Chúa đến trần gian nầy là để thi hành sứ mạng cứu độ trần gian theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Kế hoạch đó là Ngài phải mang lấy thân phận con người sống kiếp người nghèo khổ và phải đi đến tận cùng con đường gian khổ, đến cuộc tử nạn Thập giá. Đó là kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu phải thực hiện đến hoàn thành để đưa Ngài lên đến tột đỉnh vinh quang của cuộc chiến thắng phục sinh, nhờ đó mà loài người được cứu chuộc.
Anh chị em thân mến,
Ngày nay, Satan không hiện nguyên hình để dụ dỗ chúng ta, nhưng nó ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi và tràn ngập chung quanh chúng ta, để lôi kéo chúng ta ra khỏi con đường của Chúa, để sống phóng đãng theo ý muốn của mình. Đi theo Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có một con đường Chúa Giêsu đã chọn và chúng ta phải chọn lại luôn từng ngày, từng giờ trước những cám dỗ của miếng ăn, của tiền của, của danh lợi, của quyền thế: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn phải được Lời Chúa nuôi dưỡng nữa”.
Chúng ta quyết tâm biến Mùa Chay nầy thành một cuộc chiến đấu và chiến thắng vẻ vang như Chúa Giêsu. Đôi khi chúng ta phải đương đầu với những cám dỗ lớn lao, nhưng thường ra, chúng ta gặp những cám dỗ nhỏ hơn, nhất là lúc khởi đầu bao giờ cũng là chuyện nhỏ mọn. Nhưng hãy kháng cự ngay lúc khởi đầu, để được tăng sức chống lại những tấn công lớn hơn sau này của ma quỷ.
Cũng vậy, nếu muốn làm điều gì lớn lao cho Chúa, chúng ta hãy khởi đầu từ điều nhỏ mọn: một tư tưởng, một ước muốn, một lời cầu nguyện. Hãy tìm cách nói hay làm những điều tốt lành. Hãy chia sẻ chút ít cho người đang túng thiếu. Hãy đi dự Thánh lễ thường xuyên đều đặn. Mỗi ngày hãy dành ít phú đọc và suy niệm Tin Mừng. Hãy tìm ra phương thế cụ thể để nên giống Chúa Giêsu. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ mọn nhưng rõ rệt. Rồi chúng ta có thể nói: “tôi đã làm được điều đó hôm qua, tôi có thể làm được hôm nay, tôi sẽ còn có thể làm được ngày mai”.
Tất cả chúng ta muốn đứng về phía người chiến thắng. Chúa Kitô luôn chiến thắng. Ngài chiến thắng trong trận chiến chống Satan. Ngài đã chiến thắng vào lễ phục sinh đầu tiên. Chúng ta hãy đứng về phía Ngài trong Mùa Chay và chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng với Ngài vào lễ Phục Sinh.
29. Cám dỗ
Có hai người buôn ngọc quí gặp nhau tại một sa mạc vắng vẻ. Người nào cũng muốn khoe sự giàu sang của mình bằng cách, trong lúc chuyển hàng từ lưng lạc đà xuống, làm bộ đánh rơi những viên ngọc của mình. Thế là chẳng ai bảo ai, cả hai đều cúi xuống nhặt những viên ngọc ấy, rồi trao lại cho khổ chủ và không ngớt ca tụng sự giàu sang của nhau.
Một người mục tử theo dõi thái độ của họ, bèn cười thầm trong bụng. Ông bắt một con bê béo làm thịt, rồi mời cả hai người lái buôn đến dùng bữa với mình. Khi rượu đã sưởi ấm cõi lòng, người mục tử mới đem câu chuyện của mình ra mà kể lại cho hai người lái buôn cùng nghe:
Trước kia tôi cùng là một người buôn ngọc quí như hai ông. Thế rồi một ngày nọ, khi băng qua sa mạc, tôi bị cuốn tung trong một cơn lốc xoáy. Gió mạnh đến nỗi cuối cùng tôi đã bị lạc mất đoàn lạc đà và những người cùng đi với tôi.
Lang thang giữa sa mạc, tôi không còn biết đâu là phương hướng để trở về. Đến lúc kiệt sức vì đói lả, tôi mở cái túi mà tôi vẫn mang theo bên mình. Tôi hy vọng có thể tìm thấy một chút nước hay một mẩu bánh. Thế nhưng, ngón tay run rẩy của tôi chỉ chạm tới những đồ vật mà lúc bấy giờ tôi đã chán ngán, đó là những hạt ngọc quí mà trước kia tôi đã từng nâng niu.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đề tài chia sẻ hôm nay: Vậy đâu là cơn cám dỗ, đâu là thần tượng của mỗi người chúng ta?
Thánh Kinh kể lại rằng: Giũa lúc lang thang trong sa mạc, dân Do Thái đã gom góp tất cả vàng bạc và nữ trang để đúc thành một con bò, rồi quì gối sụp lạy nó. Về sau, việc thờ phượng con bò vàng ấy còn được tái diễn nhiều lần, mỗi khi dân Do Thái từ bỏ Thiên Chúa để tìm đến với những thần minh khác của các dân tộc chung quanh.
Sự bất trung này thường kéo theo những thảm họa mà họ phải gánh chịu. Đất nước họ thì bị ngoại bang chiếm đóng, bản thân họ thì bị đi lưu đày với một kiếp sống lầm than cực khổ.
Thờ lạy con bò vàng, đó cũng là cơn cám dỗ triền miên của nhân loại. Nó không phải chỉ là việc khước từ Thiên Chúa, mà còn là việc khước từ chính bản thân mình.
Thực vậy, khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để chạy theo những thần tượng giả trá, thì con người cũng đánh mất chính bản thân. Và ở bất cứ thời đại nào, chúng ta cũng thấy có những con bò vàng mà con người quì gối thờ lạy và dám hy sinh cả mạng sống mình vì chúng
Những con bò vàng của thời đại mới là tiền tài, danh vọng, quyền lực và lạc thú… Càng chạy theo những thần tương giả trá này, con người càng chuốc lấy cho mình khổ cực. Bởi vì có tiền của nào khả dĩ lấp đầy túi tham của lòng người. Có danh vọng nào khả dĩ thỏa mãn được tự ái không biên giới của con người. Có quyền bính nào khả dĩ mang lại cho con người sự bình an đích thực. Có lạc thú nào khả dĩ làm cho con người được hạnh phúc.
Mùa Chay là mùa của sa mạc, là mùa của thử thách và cám dỗ, nhưng đồng thời cũng là mùa của ơn sủng, là mùa của tình thương và kết hiệp mật thiết với Chúa. Những cố gắng chúng ta thực hiện từng ngày sẽ giúp chúng ta định hướng lại cuộc đời và xác định lại xem đâu là hạnh phúc và đâu là giá trị đích thực chúng ta cần phải theo đuổi trong cuộc sống hôm nay? Đâu là lý tưởng của cuộc đời và đâu là chỗ đứng của Chúa trong tâm hồn chúng ta.
Trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, thì cuộc đời chúng ta cũng phải xoay quanh Thiên Chúa như vậy. Chiếc kim địa bàn luôn hướng về phương bắc, thì bản thân chúng ta cũng phải hướng về Thiên Chúa như vậy. Chúng ta chỉ sống với Ngài và chỉ làm vinh danh cho Ngài, như lời Đức Kitô đã xác quyết:
- Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phương một mình Ngài mà thôi.
30. Là người thật và là Thiên Chúa thật
Trước khi thuật lại hoạt động và việc giảng dạy của Chúa Giêsu, các thánh sử muốn chúng ta hiểu rõ hơn Ngài là ai. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật lịch sử trong số nhiều nhân vật khác; người ta sẽ không gợi lại một chuỗi lịch sử giữa hàng trăm nhân vật khác. Người ta sắp nói đến một ai đó tuyệt đối duy nhất và về một biến cố đảo lộn lịch sử đến độ từ nay về sau người ta sẽ nói một sự kiện nào đó xảy ra “Trước Giêsu Kitô” và “Sau Giêsu Kitô”.
Đó là lý do tại sao đã có tiếng chuông này: “Lúc bấy giờ Chúa Giêsu xuất hiện!”. Và việc tỏ bày thiên tính lúc chịu phép rửa cùng với sự mạc khải phi thường này: “Đây là Con Ta”. Anh thanh niên 30 tuổi này, anh thợ mộc tầm thường người Nazarét này là Con Thiên Chúa! Nhưng tức thì tiếng nói của quỷ dữ vang lên suốt những thế kỷ ở nơi nào người ta nói về Giêsu: “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa...”. Đó là tiếng đồn nghi ngờ.
Đó cũng là tiếng nói của chúng ta. Chúng ta khó thích ứng với Chúa Giêsu. Chúng ta không thực sự sống với Ngài theo cách của Ngài. Chúng ta thường lơ là đối với Ngài, ít tin chắc vào Ngài. Và đột nhiên, theo kiểu của Satan, chúng ta bắt Ngài chứng minh quyền lực của Ngài: “Xin Chúa làm cái này cho con, thay đổi cái nọ, tỏ mình ra nhiều hơn nữa, chế ngự thế giới cho tốt hơn. Nếu Ngài thật sự là Con Thiên Chúa”. Như vậy, khi chúng ta là quỷ đối với Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng là quỷ đối với chính chúng ta, chúng ta mất cơ may sống điều gì đó với Ngài. Một ngày kia Ngài đã phải nói với Phêrô: “Hỡi Satan, hãy cút đi!” (Mt 16,23). Phêrô không muốn Chúa Giêsu phải đau khổ và phải chết. Chúng ta muốn Chúa Giêsu như thế nào? Chúng ta xen vào lời này điều gì, một lời có thể là ca tụng hoặc quỷ quái: “Vì Ngài là Con Thiên Chúa?”
Không bao giờ chúng ta chú ý đủ đến Chúa Giêsu của Phúc Âm. Chính vì điều này mà các Phúc Âm đã được viết ra, để cùng chiêm ngắm và suy niệm, chúng ta càng có thể sống mầu nhiệm này: Thiên Chúa ở trong một con người. Bản văn nổi tiếng viết về ba cám dỗ trước hết là để làm sáng tỏ con người của Chúa Giêsu. Ta đừng vội tìm trong đó những cuộc đấu tranh của chính chúng ta. Chắc chắn chúng có trong đó, vì rằng Chúa Giêsu là mẫu mực của chúng ta nơi mọi sự. Nhưng chúng ta trước hết hãy xét đến cuộc đấu tranh của Ngài đã, chúng ta sẽ biết được nhiều điều về Ngài.
Trước khi phát hiện Ngài qua thái độ và lời nói của Ngài, Ngài cho chúng ta thâm nhập vào trong con tim của Ngài, nơi mà một con người thực hiện những lựa chọn quyết định. Chúa Giêsu như thế nào lúc bị cám dỗ thì Ngài sẽ như vậy suốt cuộc đời công khai của Ngài, không gì lay chuyển được. Do đó tầm quan trọng của đoạn văn này không chỉ đơn giản là một khúc dạo đầu mà là một cuộc đấu tranh triệt để trong đó chúng ta khám phá ra sức mạnh của một con người trong sức mạnh của Chúa Giêsu.
Phải, Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng cũng là người thật, và chúng ta khó lòng chấp nhận Ngài. A! Nếu chúng ta có thể bịa ra Chúa Giêsu! “Vì Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài có thể làm được tất cả”. Không, Ngài không thể làm được tất cả, không hơn gì chúng ta; những câu trả lời trong cuộc cám dỗ chứng tỏ Ngài thuộc “thân phận con người”. Ngài sẽ sống trọn cuộc sống thực của con người bị hạn hẹp và chuốc lấy thất bại.
Mặc dầu có sự yếu đuối, sự yếu đuối thực sự của con người, Ngài sẽ chiến thắng bởi vì Ngài hoàn toàn phó thác vào Cha Ngài. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chính là được nâng lên với Chúa Cha và bước vào niềm hy vọng. Trước giờ phút hoang mang cuộc khổ nạn, Phúc Âm tức khắc muốn cho chúng ta một mẫu mực thân hữu với Chúa Giêsu: chúng tôi hay lui tới một kẻ chiến thắng. Vào lúc đen tối nhất, Phúc Âm nói: “Hãy tin tưởng!”
Chúa Giêsu là người tin vào Chúa Cha và có sứ mạng khắc sâu vào trí não chúng ta cũng niềm tin đó: tin vào Cha chúng ta ở trên trời. Đó là điều mà các câu trả lời ngắn, chắc chắn và dứt khoát của Ngài cho ta thấy. Ngài là Con (Thiên Chúa), vâng, và với tư cách là Con, Ngài chờ đợi tất cả nơi Cha. Nhưng Ngài vất bỏ ý tưởng của Satan: cám dỗ sử dụng quyền lực của Thiên Chúa cho riêng Ngài, cho cái đói, cho vinh quang của riêng Ngài. Còn tệ hơn nữa là cho vinh quang của Satan! Ngài chỉ tìm cách vâng theo dự định của Cha, và chính như thế mà Ngài mạc khải Cha cho chúng ta: điều mà Thiên Chúa muốn sẽ nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là như thế nào.
Cuộc đấu tranh chống Satan làm chúng ta khám phá ra nơi Chúa Giêsu sự khôn ngoan Lời Chúa và sự tuyệt đối trong niềm tin của Ngài: con người sống vì Thiên Chúa, con người không thử quyền năng của Thiên Chúa và con người chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà thôi. Có được ba xác tín này. Chúa Giêsu có thể tiến bước trên những con đường khó khăn nhất, cuộc sống của Ngài sẽ không được bảo vệ và dầu vậy cuộc sống của Ngài sẽ vinh quang. Chúng ta sẽ khám phá ra chính sự trộn lẫn giữa cuộc sống khó khăn và cuộc sống khải hoàn này khi đọc sách Phúc Âm. Chúng ta sẽ biết được làm thế nào một con người có thể là Con Thiên Chúa: là người thật và là Thiên Chúa thật.
31. Satan
Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Anh em hãy cầm lấy khí giới của Thiên Chúa mà chống cự với ma quỷ, vì đây là một cuộc chiến đấu chống lại với thủ lãnh của thế gian.
Lời khuyên nhủ này, cho đến ngày hôm nay, vẫn không mất đi giá trị của nó. Thực vậy, ma quỷ hay Satan không phải là một nhân vật huyền thoại hoang đường để hù dọa con nít. Sự hiện diện và quyền năng của chúng là một tín điều căn bản của Kitô giáo.
Bài Tin mừng hôm nay đã để lại một dấu ấn sâu đậm. Ma quỷ đã dùng ba phương tiện để tấn công Chúa Giêsu, Giáo hội và cá nhân mỗi người chúng ta.
Trước hết là Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô đã viết: Đức Kitô cần phải nên giống anh em trong mọi hoàn cảnh, nhờ đó Ngài trở thành vị Thượng tế đầy lòng thương xót và trung thành trước tôn nhan Thiên Chúa, cốt để xá tội cho dân chúng.
Chính Ngài cũng đã từng bị thử thách, cũng đã từng bị cám dỗ, nên Ngài có dư tình thương để cảm thông với chúng ta và có dư quyền năng để giúp đỡ chúng ta, như chúng ta thường nói: Có đau khổ thì mới dễ dàng cảm thông với người khổ đau vì đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
Nơi hoang địa, ma quỷ đã xuất hiện để cám dỗ Chúa Giêsu. Cơn cám dỗ thứ nhất được coi như là bình thường, bởi vì đói thì phải ăn, khát thì phải uống. Đói khát và no thỏa là những cảm giác rất tự nhiên. Chúa Giêsu có quyền làm phép lạ, nhưng Ngài đã không làm. Sau này Ngài mới làm để nuôi sống dân chúng qua phép lạ bánh hóa nhiều. Ngài không lợi dụng quyền năng để thủ lợi, bởi vì Ngài luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha hơn là làm dịu bớt cơn đói khát của riêng tư.
Tiếp đến, ma quỷ đã gợi lên sự kiêu ngạo, đòi Chúa Giêsu phải thực hiện những việc phi thường cho bản thân mình. Thế nhưng, Chúa Giêsu thì khác. Ngài không muốn được người ta ca tụng, cũng không muốn được người ta tuôn đến chỉ vì những dấu lạ cho thỏa tính tò mò. Và thế là Ngài đã không chiều theo lời xúi giục của ma quỷ.
Sau cùng, ma quỷ đã dùng tới tham vọng cá nhân. Chúng sẽ cho Ngài mọi vương quốc trần gian, nếu Ngài quì gối xuống thờ lạy chúng. Đây chính là một ý đồ nham hiểm. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã dứt khoát:
- Hãy cút đi, hỡi Satan.
Tiếp đến là Giáo hội.
Thực vậy, qua dòng thời gian ma quỷ cũng đã tấn công Giáo hội. Đây là một sự thật đã được Chúa Giêsu nói trước cho các môn đệ:
- Satan đòi sàng các con như sàng gạo.
Thế nhưng, Chúa Giêsu luôn ở với Giáo hội để nâng đỡ chở che va đem lại chiến thắng:
- Trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy và các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi.
Sau cùng là cá nhân mỗi người chúng ta.
Kinh nghiệm cho thấy: con người qua dòng thời gian vẫn không thay đổi là mấy, nên ma quỷ cho tới ngày hôm nay vẫn dùng những độc chiêu cũ, đó là đói khát, tham vọng và uy quyền để cám dỗ. Ba khuynh hướng này đã làm đổ biết bao nhiêu máu và nước mắt trong dòng lịch sử.
Thánh Phêrô với kinh nghiệm bản thân cũng đã nhắc nhở chúng ta phải đề cao cảnh giác: Ma quỷ như sư tử lượn quanh tìm mồi cắn xé. Vì thế hãy tỉnh thức và luôn bước đi dưới sự soi dẫn của Chúa.
Kể từ khi Adong Eva sa ngã, con người luôn hướng chiều về tội lỗi. Nhưng kể từ Chúa Giêsu, con người sẽ chiến thắng tội lỗi. Bây giờ là lúc Ngài xét xử trần gian và thủ lãnh trần gian đã bị đánh bật ra ngoài. Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ. Chúng ta hãy bắt chước Ngài, chiến đấu một cách quyết liệt trước mọi cơn cám đỗ, để rồi chúng ta luôn trung thành cùng Chúa và cũng sẽ được chiến thắng như Ngài.
32. Cám dỗ
Chàng thanh niên vừa lên 18 tuổi khi giết viên cảnh sát. Trước khi tuyên án, quan tòa đã hỏi anh có muốn nói điều gì không. Bằng một giọng nức nở, anh đã nói lên một sự thật kín đáo chưa bao giờ tiết lộ: “Thưa quan tòa, tôi rất ân hận vì việc tôi đã làm. Tất cả mọi sự đã bắt đầu khi tôi ăn cắp một đô la trong bóp đựng tiền của mẹ tôi. Rồi tôi ăn cắp hai đô, năm đô, rồi 10 đô, và mỗi lần số tiền ăn cắp cứ tăng lên. Tôi đã bắt đầu lấy trộm đồ dùng của nhà trường và cửa hàng tạp hóa. Một ngày nọ, tôi đã gia nhập vào một nhóm du đãng. Sau cùng chúng tôi quyết định ăn cướp ngân hàng. Đó là khi tôi bắn ông cảnh sát chết. Tất cả mọi sự đã bắt đầu khi tôi ăn cắp một đô la trong cái bóp đựng tiền của mẹ tôi.
Đây chính là câu chuyện diễn tả cơn cám dỗ đã ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như thế nào. Một cách rất chậm chạp và từ từ, nó đã làm cho chúng ta đi vào con đường sai lạc và tội lỗi. Bài Phúc âm hôm nay, diễn tả rất chi tiết cơn cám dỗ của Chúa Giêsu sau bốn mươi ngày ăn chay, cầu nguyện. Suy niệm về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, văn hào Dostoievesky đã viết rằng ba cơn cám dỗ được diễn tả trong Phúc âm thống trị toàn thể lịch sử nhân loại và vạch ra những mâu thuẫn đối nghịch trong bản năng của mỗi người chúng ta.
“Nếu là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”: Cơn cám dỗ về bánh nói lên cái ước muốn căn bản nhất, bản năng sinh tồn của con người. Thân xác với những sự khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.
Sau đó ma quỷ đưa người lên nóc đền thờ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi…” Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh sống giới hạn của mình, muốn tránh khỏi thực tại phũ phàng. Họ muốn cất cánh bay lên cõi thần tiên bằng men bia rượu, thuốc lá, á phiện, thuốc kích thích… Ngay cả trẻ con cũng say mê những chuyện thần tiên, mộng mị, và muốn làm siêu nhân, thần thánh. Tất cả đều nói lên cái bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh.
Sau cùng, ma quỷ lại đưa Chúa Giêsu lên đỉnh núi cao xem thấy mọi nước thế gian cùng vinh quang của chúng và nói: “Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi người chúng ta. Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình. Bắt đầu từ tội nguyên tổ muốn ngang bằng Thiên Chúa, bạo lực lan tràn trên khắp thế giới.
Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu”. Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu. Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một. Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng của niềm tin. Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình. Cả ba Phúc âm, Matthêu, Marcô và Luca, đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giocđan, và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã nhận được từ nơi Chúa Cha.
Cơn cám dỗ của Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của ông Adong và bà Eva trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách Sáng Thế Ký. Ma quỷ gieo sự nghi ngờ, và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa. Qua bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng bất tuân lệnh Chúa, và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực”, bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.
Sau khi chịu phép rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin. Ở đó chúng ta phải chịu nhiều cám dỗ. Những cám dỗ của chúng ta đều là những thử thách của niềm tin, của căn tính người Kitô hữu, con cái Thiên Chúa, môn đệ Chúa Giêsu.
33. Cám dỗ
Trong một khu phố nơi thường có những chiếc xe hơi phóng rất nhanh qua những con đường yên tĩnh gây nguy hiểm cho trẻ em, người già và khách bộ hành qua lại, những người dân cư ngụ tại đây rất lo lắng cho tính mạng của thân nhân và chính họ. Họ họp nhau lại, làm đơn thỉnh nguyện lên trạm cảnh sát, yêu cầu cảnh sát phải thường xuyên tuần tiễu trong khu vực và phạt những tài xế vượt quá tốc độ ấn định. Bởi đó, cảnh sát phải chấp hành theo lời yêu cầu của người dân trong vùng. Vào ngày đầu tiên, cảnh sát bắt được năm tài xế chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, tất cả năm tài xế này đã nổi giận vì hình như cả năm người đều đã ký tên trên thỉnh nguyện thư yêu cầu phải áp dụng luật giao thông và phạt gắt gao những ai đã vi phạm.
Biết mình là những con người yếu đuối. Giáo Hội dùng Mùa Chay để giúp chúng ta ăn năn sám hối tội lỗi, và ý thức về ơn gọi của mình hơn. Chúng ta là ai? Sống để làm gì? Có mục đích gì? Hy vọng của ta là gì? Có những người mà thánh Phaolô gọi là: “Những người sống đối nghịch với thập giá của Đức Kitô”, “Chúa của họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian”, vì thế, “chung cục của họ là sự diệt vong”. Chúng ta có phải là những người này không? Chúng ta có là một người Kitô hữu đích thực, người công dân của Vương Quốc Thiên Chúa đang sống và tuân giữ những luật lệ yêu thương của Người, thờ phượng một mình Thiên Chúa và phụng sự Người không?
Theo gương chiến thắng của Chúa Giêsu trong cơn cám dỗ, các nhà tâm lý đạo đức thường khuyên chúng ta những điều thực hành như sau:
1. Không bao giờ đối chọi một mình với cơn cám dỗ.
Cần phải cầu nguyện. Cuộc đời của Chúa Giêsu từ lúc nhập thể cho đến lúc lên trời luôn được các thiên thần bao quanh và thờ lạy, vì Ngài luôn liên kết với Thiên Chúa Cha. Nhờ cầu nguyện Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn”. Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thiên Chúa và với các thánh trên trời.
Đừng để ma quỷ tấn công bạn một mình. Trước khi xa cách Thiên Chúa, người ta thường bị cám dỗ rằng mình không cần đến người khác giúp đỡ, hay cho rằng những người đi nhà thờ đi lễ chỉ là những người đạo đức giả, hoặc nghĩ rằng bạn cũng có thể là một người Kitô hữu tốt mà không cần phải đến nhà thờ. Cô lập hóa là chiến lược của ma quỷ. Bởi Thiên Chúa không cứu rỗi một cách riêng lẻ những ai thiếu liên kết. Hãy liên kết chặt chẽ với gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội.
2. Đừng đùa giỡn với cám dỗ.
Nó rất nguy hiểm và chết người. Chúng ta thường nghĩ rằng cám dỗ phải lén lút và rón rén đến cửa sau nhà chúng ta. Có thể là như vậy nhưng không hẳn. Nhiều khi nó đến ngay trước cửa nhà. Chúng ta biết đó là sai và không nên làm. Nhưng chúng ta tự nhủ: đâu có sao, nhằm nhò gì, đâu có ai biết. Hay tệ hại hơn, chúng ta lại tự biện minh rằng thực sự đâu có gì là sai. Con người có một tài năng vô cùng khéo léo để lý lẽ và biện minh cho cái cách mình phạm tội. Hãy nhận diện ra sự nguy hiểm của cám dỗ ngay khi nó mời gọi và quyết định dứt khoát.
3. Hãy nương tựa vào Chúa mà chống trả với cơn cám dỗ.
Chúa Giêsu đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ. Ngoài những nhu cầu vật chất, con người còn cần đến những nhu cầu tinh thần, những truyền thống tốt đẹp, và những kho tàng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại như Công đồng Vatican II đã khuyên dạy trong Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 86.
Thiên Chúa muốn chúng ta có đời sống tốt đẹp, làm việc lành thánh thiện, bác ái yêu thương, để cảm nghiệm sự trọn vẹn hoàn hảo của cuộc sống, chứ không phải chỉ sống dựa vào những lời hứa trống rỗng và dối trá của ma quỷ. Do đó, Ngài luôn giúp đỡ chúng ta chống lại cơn cám dỗ, và nhất là việc biết quay trở về với Ngài sau khi đã lỡ sa ngã phạm tội. Ở cuối bài Phúc âm hôm nay, Thánh Kinh viết: “Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người”. Các thiên thần ở đó để giúp đỡ Ngài cũng như giúp đỡ chúng ta. Hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu thương nhân hậu. Một Thiên Chúa biết rõ sự yếu đuối và thất bại của chúng ta, nhưng vẫn yêu thương chúng ta.
Có một nhóm người leo núi chuyên nghiệp. Đang khi leo lên lưng chừng núi, họ gặp một ông lão đốn củi với cây rìu trên vai. “Ông lão đi đâu vậy?” những người leo núi hỏi ông. “Ta leo lên đỉnh núi để chặt cây về sửa lại nhà”. “Nhưng tại sao ông lại phải leo lên tới đỉnh núi làm gì?” họ nghi ngờ hỏi lại. “Có rất nhiều cây gỗ lớn ở xung quanh đây, leo lên cao làm gì cho tốn sức!” “Ta biết chứ”, ông lão nói, “nhưng ta cần một loại gỗ cứng và tốt, nó chỉ mọc trên những đỉnh núi cao nhất, nơi đó những cây gỗ quý đã bị thử thách và dẻo dai chịu đựng được thời tiết nắng mưa gió bão. Càng mọc trên cao, cây gỗ càng cứng chắc”.
Thiên Chúa muốn chúng ta là những cây gỗ quý cứng cáp và mạnh mẽ để phục vụ Thiên Chúa trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy gắn bó chặt chẽ với nhau, tham dự các buổi thờ phượng đạo đức thường xuyên của Giáo Hội, tránh né mọi dịp cám dỗ khi xảy đến, và đổ đầy tâm trí chúng ta Lời Chúa. Được như vậy chúng ta sẽ đứng vững như Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã chịu cám dỗ của ma quỷ và đã chiến thắng.
34. Nếu bạn không làm, thì ai?
Giáo sư đại học Abraham Maslow là người nổi tiếng về các tác phẩm khoa học xã hội thường hay hỏi thử các sinh viên của ông như: ai trong các anh chị sẽ là nhà văn nổi tiếng? là Phanxicô Khó Nghèo? là nhà nhân chủng vĩ đại như Albert Shweitzer? Khi gặp những câu hỏi khúc mắc như thế thì các sinh viên thường hay rụt rè và xầm xì với nhau. Nhưng nhà tâm lý gia nổi tiếng ấy thường nói với họ rằng đó không phải là những câu hỏi vu vơ mà thật sự ông ta có ý như thế và muốn các sinh viên trả lời thành thật. Ông nói: "Nếu các anh chị không làm thì ai sẽ làm đây"?
Cũng thế, trong một khía cạnh nào đó khi chúng ta tụ họp để nghe công bố Lời Chúa, chúng ta cũng phải đối diện với những câu hỏi như vậy; như chúng ta thường nghe các tác giả Tân Ước lập đi lập lại với chúng ta là: chúng ta hiện hữu không phải là do những cơ may thay đổi mù mờ; chính tình yêu Thiên Chúa đặt để chúng ta ở đây là một phần trong chương trình của Ngài để làm hoàn hảo chương trình tạo dựng của Ngài; bởi mỗi một người là một cá thể riêng biệt nên mỗi người được ban tặng một cuộc sống để sống và một công việc để thực hành mà mỗi một người một khác nhau; bất kể chúng ta là ai, chúng ta đều có một cơ hội sống để xây dựng thế giới mà chúng ta đang sống; mọi người trong chúng ta đều có một cơ hội sống để làm giàu cho đời sống tha nhân, mà họ cũng giống như chúng ta là những tác phẩm riêng biệt của Thiên Chúa tạo thành; và trong sự đáp trả tình yêu Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho chúng ta, mỗi người chúng ta có một cơ hội sống để "chiến thắng sự dữ bằng sự tốt lành" (Rom 12:21).
Chúa Giêsu đã gồm tóm tất cả những điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Ma quỷ đã ra sức cám dỗ Ngài mạnh mẽ để Ngài từ bỏ sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài là "chiến thắng sự dữ bằng sự tốt lành". Ma quỷ xúi giục Đức Giêsu quên đi bản tính và chối bỏ chức năng của Ngài là Đấng Thiên Sai. Nhưng sau khi ma quỷ trưng bày toàn thể thế giới trước mặt Chúa Giêsu thì Ngài đã trả lời cách đơn giản và tuyệt vời là: "Satan hãy cút đi, vì ngươi phải thờ Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi" (Mt 4:10).
Cũng như Chúa Giêsu khi phải đối diện vói những cám dỗ của ma quỷ thì Ngài đã tự do lựa chọn tự đặt Ngài dưới Luật Thiên Chúa và sống đúng như vậy; thì giờ đây sự tự do lựa chọn ấy cũng là của chúng ta.
Hôm nay, Chúa Giêsu đang hỏi các bạn, "Ai trong các con sẽ là vị đại thánh đây?" Bất kể quí vị có ngại ngùng hay trốn lánh thế nào đi nữa thì đây vẫn không phải là câu hỏi vô ý thức hay tầm phào, mà thật sự Chúa Giêsu có ý hỏi các bạn như thế. "Con sẽ là một vị đại thánh chứ? Con sẽ mang lấy trong thân mình con tất cả các chức năng của Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô chứ? Con sẽ tự chọn cho mình trở thành máng chuyển Tình Yêu Thần Linh xuống cho tha nhân chứ? Nếu không là con, thì ai sẽ làm đây?"
35. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp
Với thứ Tư Lễ Tro, Mùa Chay Thánh đã khai mạc. Mùa Chay, theo Năm phụng vụ, là thời gian chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu là giá cứu chuộc cho tình trạng xa cách của con người đối với Thiên Chúa và chính mình; và khởi điểm cho tình trạng xa cách này là sự xuất hiện của tội lỗi nơi con người. Phân tích như thế để thấy được chúng ta phải khởi đầu từ đâu để đón nhận Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa, và sống Ơn đó trong suốt cuộc đời làm Kitô hữu của mình.
1. Tự do và yếu đuối nơi con người – Nỗ lực tấn công của ma quỉ.
Qua bài đọc 1 (St 2,7 - 9; 3, 1 – 7): Ngay từ đầu, khi con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, ma quỉ cũng đã xuất hiện dướt lốt con rắn già.
Một trong những hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người là sự tự do. Khi trao ban sự tự do, Thiên Chúa đã muốn trân trọng giá trị của con người. Con người đến cùng Thiên Chúa với tất cả ý thức và tự do. Hai ông bà đã rất thanh thản và tự nhiên khi tiếp xúc với Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng, cả hai đã không còn thanh thản tự nhiên nữa, vì sự tự do đã được xử dụng không đúng. Có lẽ ông bà chưa ngộ ra: Sự tự do Chúa ban phát xuất từ nơi Thiên Chúa, và cũng là hiện thân của chính Người. Nếu ông bà xử dụng đúng tự do của Thiên Chúa, thì cũng đồng nghĩa với tiếng “không” trước trái cây “biết lành biết dữ”. Vì thế, khi đưa tay hái “trái cấm”, ông bà đã xử dụng tự do theo ý mình, theo hình ảnh không còn là của Thiên Chúa, mà là của chính mình. Chắc hẳn hai ông bà không muốn “gây hấn” với Thiên Chúa, nhưng đã mắc mưu con rắn. Ma quỉ, tên cám dỗ, đã thành công, khi đề ghị một tự do “giả hiệu”, và chúng đã không ngừng làm điều đó cho đến hôm nay. Chỉ mình Thiên Chúa mới có, và mới là sự Tự Do tuyệt đối đúng đắn. Con người phải xử dụng tự do Chúa ban theo đúng ý của Người, cho dù nhiều lúc cảm thấy như nó không như không phục vụ lợi ích của mình. Bài học của vườn địa đàng đã rất rõ, nhưng ma quỉ cũng rất tinh khôn và đánh lừa được nhiều người.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định: “ Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Như thế, để thỏa mãn nỗi khát vọng sâu xa của con người là Chân Lý, Sự Sống và Hạnh Phúc, thì không thể tìm kiếm nơi đâu ngoài Chúa, hay nói cách khác, Thiên Chúa chính là đối tượng của khát vọng đó.
Cuộc sống gắn bó và liên kết với Chúa là điều rất quan trọng, không thể tách rời, không thể nghi nan, cho dù con người phải đi qua muôn nẻo đường đời, qua bao gian nan và thử thách. Về phần mình, ma quỉ cũng tận dụng mọi thời cơ để chuyển đổi đối tượng của tự do, chân lý, tình yêu, hạnh phúc…ra ngoài Chúa. Và nỗi buồn của vườn địa đàng vẫn kéo dài đến hôm nay, nơi từng người và từng lúc.
2. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó Ân sủng càng chứa chan gấp bội”.
Hình ảnh của Ađam và Chúa Giêsu, của tội lỗi và ân sủng, hủy diệt và giải thoát, giết chết và cứu sống… đã sóng đôi nhau trong cuộc chiễn đấu nên thánh của mỗi người chúng ta. Phần thắng luôn thuộc về Thiên Chúa, cho dù là cửa hỏa ngục cũng không thể thắng được. Tự do mà Chúa ban cho chúng ta không phải là muốn làm gì thì làm, nhưng tự do là được lựa chọn. Con người được hoàn toàn tự do lựa chọn một trong hai đối tượng và tình trạng của các cặp sóng đôi ở trên. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người trở thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người sẽ thành người công chính” (Rm 5, 12 – 19).
3. “Thế rồi ma quỉ bỏ người mà đi, và có các sứ thần đến hầu hạ Người”.
Nếu Thiên Chúa, để giải thoát con người, đã từ trời hoặc từ xa, chỉ đưa ra những mệnh lệnh hoặc chỉ dẫn cho con người khắc phục tình trạng suy thoái, và biết đường mà về với Chúa và về trời, thì cuộc chiến giữa áng sáng và bóng tối vẫn sẽ có nhiều cam go, thậm chí con người sẽ cảm thấy bất lực và bơ vơ khủng khiếp. Khởi đi từ Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã soi sáng cho chúng ta ý định và chương trình thật tuyệt vời và gần gũi của Thiên Chúa. Chúa không vô hình, nhưng thật hữu hình, Chúa không xa cách, nhưng thật gần gũi. Và nhất là, Chúa không đóng vai quan tòa nghiêm khắc xét xử, nhưng mặc lấy thân phận con người, đồng hành với con người tội lỗi và yếu đuối. Qua đó, Chúa Giêsu đi trước, tay Ngài cầm tay con người, để dẫn đưa con người về bến bình an. Vì thế:
Ngài đã sinh xuống làm người như mọi người (Lc 2,1 – 14).
Ngài đã chịu bách hại bởi vua Hêrôđê (Mt 2, 1 – 12).
Ngài đã được cha mẹ dâng cho Thiên Chúa theo luật Môisen (Lc 2, 22 – 32).
Ngài đã xếp hàng chờ được chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả (Mt 3, 13 – 17)…
Và trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chấp nhận để cho ma quỉ cám dỗ, y như cảnh ngộ của mọi người chúng ta (Mt 4, 1 – 11). Hình dung lại bối cảnh của Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày và chịu cám dỗ trong hoang địa. Hình ảnh của “tên cám dỗ” mon men lại gần để thủ thỉ, để khêu gợi, và để đánh bóng những vui thích cơ bản của cuộc sống con người. Trong lúc cám dỗ, nó cũng thật thiện chí và năng động, tỏ ra quan tâm và săn sóc đặc biệt: bưng mâm cỗ, phục vụ tối đa nhu cầu của quí khách, mà theo ngôn ngữ của thương trường là “ thượng đế”. Sơ hở một chút là con người dễ dàng cảm thấy như “được đưa lên mây”, nhưng theo ngôn ngữ của ma quỉ là “bị hạ gục”. Một lần nữa, Chúa cho thấy những cách thức phải học nằm lòng để “tỉnh thức và đứng vững”: Luôn sống trong tình trạng làm chủ được bản thân: Nhờ ăn chay và cầu nguyện.
Lời Chúa phải là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105).
Phát huy sự tự do đúng đắn Chúa ban, là chỉ lựa chọn những gì Chúa chọn: Chúa và anh em, đặc biệt những người nghèo và bất hạnh.
Vì thế, khởi đi từ tình trạng tội lỗi yếu đuối là âm hưởng của nguyên tổ Ađam, Ađam “mới”, là Chúa Giêsu, đã hoạch định một lộ trình giải thoát và phục hồi hình ảnh cao đẹp mà Thiên Chúa có khi dựng nên con người. Lộ trình ấy được diễn tả qua lời cầu nguyện của thánh Augustinô: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và con chỉ được an nghỉ khi trở về với Chúa.
Mỗi lần bước vào Mùa Chay Thánh, người Kitô hữu lại đươc mời gọi kiểm tra lại bước đi của mình, xem có đang đi trong quĩ đạo của hành trình của Chúa không?, ý thức rõ hơn về sự hiện diện của “tên cám dỗ”, không phải là thiểu số và thầm lặng (Mc 5, 1 – 20). Nhìn vào thực trạng đời sống đạo của nhiều người Kytô hữu hôm nay, chúng ta cũng dễ thấy ma quỉ vẫn còn chiếm được nhiều ưu thế. Cũng chỉ vì sự lơ là, tự mãn, và ngủ quên trên những “lãnh địa an toàn và giả hiệu”. Chúa đã gửi một ngôn sứ cho Giáo Hội: Đức Thánh Cha Phanxicô. Với những hành động ngoạn mục, ngài đang mạnh mẽ thúc đẩy một sự cảnh tỉnh ngay trong lòng Giáo Hội, nơi tất cả mọi thành phần của Dân Chúa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam