Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1364364

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC- Lm. Jos. Phạm Thanh Liêm SJ

Có người khôn “lỏi”. Có người khôn mà không “ngoan”, khôn mà không được người khác thương. Có người ngây thơ như thể là dại, nhưng lại được nhiều người thương. “Ai khôn thời dại, ai dại thời khôn”. Sự khôn ngoan đích thực hệ tại đâu?

Khôn theo kiểu thế gian

Người quản lý trong dụ ngôn Đức Yêsu kể, thật là khôn theo kiểu thế gian. Anh ta toan tính và cư xử rất khéo và có lợi cho anh ta. Anh ta được lợi ngay trước mắt, sẽ được người ta đón tiếp một khoảng thời gian nào đó; nếu tiếp tục để tồn tại, anh ta phải toan tính làm những điều không lương thiện tương tự, để có thể sống mà không cần phải làm việc. Nhưng, anh ta có thật sự hạnh phúc không? Một người lương thiện có thể coi anh ta là người bạn chân thành không? Nếu tất cả mọi người đều lợi dụng lẫn nhau, và khi không còn lợi cho mình nữa, thì chấm dứt mọi tương quan. Nếu cuộc sống chỉ là vậy, có chi là hạnh phúc!

“Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi”. Những người khôn kiểu này, người Việt Nam mình gọi là khôn lỏi, khôn mà không ngoan, khôn mà dại. Có nhiều người trong cuộc sống, vẫn chọn và hành xử theo kiểu khôn ngoan này. Họ vẫn chọn tiền bạc, mua bán đổi chác trong mọi chuyện, kể cả tình yêu. Có nhiều bậc cha mẹ vô tình hay hữu ý vẫn khuyến khích con mình khôn ngoan theo kiểu “dại” như vậy.

Khôn ngoan đích thực

Người khôn ngoan đích thực, phải là người thấy được điều lợi không phải ngay lúc này, nhưng còn cả ở tương lai xa nữa. Thứ ba vừa qua khủng bố đã xảy ra ở New York làm chết trên dưới năm ngàn người. Sống trong một nước văn minh, con người làm chủ những luật lệ thiên nhiên, biết thời tiết nắng mưa, nóng lạnh gần như chính xác, thấy được những biến chuyển của những cấu trúc và thiết bị nhân tạo. Con người gần như cảm thấy an toàn, làm chủ tất cả. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, làm con người run sợ. Cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Con người run sợ trước sự dữ con người làm cho nhau. Sự khôn ngoan đích thực hệ tại đâu? Được gì nếu cái chết xảy đến ngay cả khi mình giầu sang quý phái nổi tiếng? Ở trên ngôi nhà cao, nổi tiếng, vẫn là điều làm người ta vinh dự; lúc tai nạn xảy ra, toà nhà nổi tiếng đó trở thành mối hoạ, sống trên đó lại là cái hại khủng khiếp.

Khôn chết, dại chết, biết cũng chết. Sự khôn ngoan đích thực không phải chỉ toan tính cho ở đời này. Nếu chết là hết, toan tính ở đời này là đủ; nhưng chết không phải là hết, mà là khởi đầu một đời sống mới vĩnh cửu, mà nếu không chuẩn bị cho cuộc sống đó, mà chỉ lo cuộc sống đời này, thì quả là dại. Khôn ngoan đích thực, là sống theo luật yêu thương của Đức Yêsu trong cuộc sống thường ngày. Khôn ngoan đích thực, làm con người sống hạnh phúc trong đời sống mai hậu và ngay trong cuộc sống này.

Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ

Thiên Chúa là Đấng muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết Ngài yêu thương con người, để khi nhận biết Ngài yêu thương con người, con người được tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa không muốn sự dữ, không muốn con người đau khổ.

Đau khổ và sự dữ do con người gây ra cho nhau. Biến cố cướp máy bay và cố tình gây ra thật nhiều cái chết, làm nhiều người đau khổ. Và sự dữ này kéo theo sự dữ khác, chẳng hạn muốn báo thù, muốn hủy diệt sự dữ bằng sự dữ khác.

Khôn ngoan đích thực, là chính thái độ sống yêu thương mà Đức Yêsu đã dạy con người bằng chính cuộc sống của Ngài. Sự khôn ngoan đích thực không phải là bài học lý thuyết con người có thể học được trong vài phút, nhưng là chính cuộc sống của mỗi người. Trên thập giá, Đức Yêsu cầu nguyện: “xin Cha tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, kiên nhẫn chịu đựng những bất công người ta gây ra cho con mẹ. Cách sống của Đức Yêsu và Đức Mẹ, là cách sống làm con người sống bình an hạnh phúc. Sự dữ kéo theo sự dữ, làm con người luôn sống trong bất bình an. Tha thứ, cầu nguyện cho người ghét mình, làm con người được bình an tận trong lòng, và giúp kẻ làm ác có cơ hội thống hối. Đức Yêsu và những môn đệ của Ngài đã không lấy ác báo ác, nhưng lấy tình thương đáp trả sự dữ. Đây là cách hành xử của những người tuyệt vời. Khôn ngoan đích thực được thể hiện trong cuộc sống với những hành vi cụ thể cho dù nhỏ bé.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1/. Điều gì làm cho bạn khổ nhất? Tại sao vậy?

2/. Con người có thể sống hạnh phúc không? Khi nào?

3/. Đức Yêsu và Đức Mẹ có hạnh phúc ở đời này không? Xin trình bày quan điểm của bạn cho người khác!

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- C

HÃY LÀM TÔI THIÊN CHÚA- Lm. Micae Võ Thành Nhân

 Trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, được làm chức quản lý cho một người nào hay cho các hãng xưởng, công ty sản xuất kinh doanh, đó là một niềm vinh dự và tự hào của chúng ta. Chức quản lý, nó liên quan đến việc xử dụng tài sản, tiền bạc, của cải của người chủ. Do đó, để được cất nhắc làm quản lý, chúng ta phải là một người có khả năng, có trình độ, có cái tâm và nhất là được người chủ tin tưởng.

       Người quản lý mà Chúa nói trong bài Tin Mừng Chúa Nhật XXV năm C Thường Niên hôm nay, đó là hình ảnh của mỗi người chúng ta, và người chủ, đó là Chúa. Chúa tin tưởng giao thế giới vật chất này cho chúng ta quản lý, trông coi. Chúng ta chẳng những quản lý thời giờ, tiền của, sức khỏe, khả năng, tri thức….của bản thân, mà chúng ta còn quản lý chính con người chúng ta nữa.  Nhưng rồi chúng ta cũng giống như người quản lý ấy là chúng ta lạm dụng vào sự tin tưởng của Chúa, lạm dụng vào sự tự do của bản thân mình mà tạo ra một quá khứ tội lỗi, bất chính, hổn độn, là sử dụng mọi sự Chúa ban không nên. Chúng ta đã làm thất thoát, mất mát, tiêu tán quá nhiều ơn của Chúa khi chúng ta phạm tội và chúng ta chẳng đem lại lợi lộc gì cho Chúa. Chúa sẽ phế bỏ, cách chức chúng ta: “ Tôi nghe nói anh sao đó ? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa “ ( Lc 16, 2 ).

       Chúa loại bỏ chúng ta, cuộc đời chúng ta đen tối, không lối thoát: “ Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi …” ( Lc 16, 3 ). Chỉ còn một con đường duy nhất mà Chúa mở  cho chúng ta là chúng ta hãy hướng đến tha nhân, hướng đến anh chị em của chúng ta, những người đang gặp nghèo túng, bệnh tật, khổ đau, cơ cực…

       Quả thật, chính nhờ Lời Chúa dạy bảo mà chúng ta mới có một hướng đi, một lối thoát để chúng ta trở về làm hòa với Chúa, và để Chúa xót thương tha thứ và ban ơn cho chúng ta. Hướng đi đó là chúng ta hãy dùng những gì Chúa ban cho chúng ta mà giúp đỡ anh chị em của chúng ta, nhất là những người túng thiếu, cơ hàn, khổ đau… ( Người thì thiếu nợ ông chủ một trăm thùng dầu, người thì thiếu một trăm dạ lúa miếng…. ). Họ thiếu nghĩa là họ nghèo túng, đói khát, chúng ta cần giúp đỡ họ. Viết văn tự giảm nợ, điều ấy có nghĩa là chúng ta giúp đỡ, chia sẻ anh chị em của chúng ta những gì chúng ta có: “ Hãy dùng của cải gian dối mà mua lấy bạn hữu…  “ (  Lc 16, 9 ). Của cải gian dối, bất chính mà còn mua lấy được bạn hữu thì huống chi là của cải chính đáng do chúng ta tạo ra mà chúng mua lấy bạn hữu thì càng giá trị với Chúa biết bao. Đó là việc làm khôn ngoan mà Chúa muốn chúng ta thực hiện trong bài Tin Mừng này: “ Để khi mất hết tiền bạc thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghĩ đời đời  “ ( Lc 16, 9b ). Mất hết của cải là khi chúng ta chết, chúng ta chẳng mang theo nó, nó chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta nữa, nó là tro bụi. Giá trị chúng ta mang theo là chúng ta sử dụng nó theo ý Chúa, là giúp đỡ anh chị em của chúng ta.

       Điều mà Chúa muốn dạy dỗ chúng ta là đừng làm tôi tiền của, đừng lệ thuộc nó, đừng biến nó thành ông chủ của mình. Nếu chúng ta để của cải vật chất thống trị điều khiển chúng ta. Chúng sẽ dễ rơi vào việc ăn gian nói dối, buôn gian bán lận, cho vay ăn lời quá đáng, ức hiếp, bóc lột những góa bụa, những người cô thế cô thân ( Bđ I ). Chúng ta hãy dùng của cải Chúa ban ngoài việc lo cho cuộc sống cơm no áo ấm, thì hãy biết chia sẻ, cho đi, giúp đỡ tha nhân, giúp đỡ Hội Thánh để mở mang nước Chúa như trường hợp của thánh Stêphanô ( 969 – 1038 ) vua nước Hunggari, ngài dùng quyền cao chức trọng và tiền bạc của mình để giúp người nghèo, xây dựng các nhà thờ, thiết lập các giáo phận cho Chúa. Hãy dùng của cải theo ý Chúa dạy.

       Quan trọng hơn hết là Chúa chỉ muốn chúng ta chỉ làm tôi của Chúa mà thôi: “ Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được “ ( Lc 16, 13 ). Làm tôi Thiên Chúa là chúng ta tôn trọng chủ quyền của Chúa trên con người, trên cuộc đời chúng ta. Chúng ta chỉ lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa, chỉ làm theo lệnh của Chúa, đi theo sự hướng dẫn của Chúa, chỉ thờ phượng, chỉ phụng sự một mình Chúa mà thôi. Do đó, chúng ta cần tín thác vào Chúa, vào sự quan phòng của Chúa. Chúng ta làm tôi của Chúa, chúng ta còn được Chúa gìn giữ, bảo vệ, che chở chúng ta. Nhất là Chúa cho chúng ta hạnh phúc đời đời sau này. Điều còn lại nữa là chúng ta hãy là người đầy tớ tín trung của Chúa từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Đừng bao giờ chúng ta bỏ Chúa. Chúa vẫn trung thành với chúng ta cho dù chúng ta có phạm tội phản nghịch với Chúa, Chúa vì lòng nhân từ luôn mở lối cho chúng ta đi để chúng ta gặp gỡ được Chúa.

       Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn ý thức rằng chúng con không phải là chủ mà Chúa mới là chủ của chúng con. Chúng con chỉ là đầy tớ, là người quản lý của Chúa. Vì là người quản lý, xin cho chúng con biết sử dụng của cải cho nên. Xin cho chúng con đừng lệ thuộc vào của cải, chỉ lệ thuộc Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn trung trành phụng sự Chúa. Xin cho chúng con biết luôn sống quảng đại, sẻ chia cơm áo gạo tiền cho anh chị em của chúng con trong tình yêu thương của Chúa.

       Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Amen.

CHÚA NHẬT  XXV THƯỜNG NIÊN-C

QUẢN LÝ KHÔN KHÉO-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói về việc sử dụng tài sản Chúa ban như người quản lý tốt, để mong sao sau này được ơn cứu độ.

Trong bài đọc I, Amos là người chăn chiên được Chúa chọn làm ngôn sứ. Chúa sai ông đi rao giảng trong một xã hội lúc bấy giờ bon chen tranh giành tiền bạc, đàn áp những người nghèo khổ, họ dùng tiền mua nô lệ, coi tiền của là trên hết. Và lối sống sa hoa những kẻ giàu có bên cạnh những người túng nghèo thật đáng trách.

Trong bối cảnh đó, tiên tri Amos nhân danh Thiên Chúa lên án mạnh mẽ cách đối xử bất công và tiên báo sự trừng phạt của Thiên Chúa: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc của chúng làm”.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho mọi người được an cư lạc nghiệp, sống sao cho đẹp lòng Chúa, để được hưởng ơn cứu độ. 

Còn bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng dụ ngôn người quản lý bất trung, để dạy chúng ta biết dùng của cải Chúa ban mà đạt được Nước trời mai sau.

Chúng ta thấy người quản lý trong dụ ngôn ứng xử rất khôn ranh. Trước khi biết mình sẽ mất chức, anh đã gọi các con nợ của chủ đến và bớt cho một số nợ. Anh lợi dụng tài sản của chủ để mua lấy ơn nghĩa cho mình. Hành vi đó, chủ khen anh ta hành động khôn khéo, biết lo cho tương lai.

 Tất nhiên, Chúa không bảo chúng ta noi gương cách ứng xử khôn ranh này, nhưng Chúa dạy chúng ta là con cái của sự sáng, hãy biết dùng của cải chóng qua đời này để mua lấy Nước trời. Nghĩa là biết chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, phục vụ trong tinh thần quảng đại và yêu thương.

Như Mẹ thánh Têrêsa Calcuta đã nói: “Đặc tính của đạo Công giáo là ban phát và cho đi”. Vì thế, khi gặp một người nghèo khổ đưa tay xin chúng ta giúp đỡ, chúng ta đừng từ chối hay dửng dưng. Bởi vì không ai trong chúng ta nghèo đến độ không có gì để cho.

 Chẳng hạn như: chúng ta cho nhau một nụ cười, một lời thăm hỏi, một nghĩa cử yêu thương, một sự quan tâm giúp đỡ… Nếu Chúa cho chúng ta làm ăn khấm khá, biết rộng lòng chia cơm xẻ áo cho người nghèo, làm như vậy là chúng ta tích trữ của cải thiêng liêng, mối mọt không hề phá hủy, trộm cướp không thể nào chiếm lấy được”.

Anh chị em thân mến,

Khi đưa ra dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta cần phải khôn ngoan trong khi sử dụng những ân huệ Chúa ban. Thời giờ, sức khoẻ, tài năng, tiền bạc… tự ta không thể làm ra được, nhưng tất cả đều là ân ban nhưng không của Chúa. Chúng ta chỉ là người quản lý thôi. Thế thì, chúng ta quản lý những ân huệ đó như thế nào?

 Nếu anh chị em quan niệm thời giờ quý như vàng bạc, thì chúng ta có dành giờ cho Chúa trong việc siêng năng đọc kinh dự lễ không? Hay là chúng ta lãng phí rất nhiều thời giờ cho việc ăn chơi hưởng thụ, ngồi tám với nhau, hay là dành rất nhiều giờ cho chiếc điện thoại, phim ảnh?

Nếu anh chị em quan niệm sức khoẻ là vàng, thì chúng ta có biết giữ gìn sức khoẻ để cộng tác với ơn Chúa mà làm những việc lành phúc đức không? Hay là có một số người cứ ăn chơi nhảy nhót, xì ke ma tuý, sáng xỉn chiều say… làm cho thân tàn ma dại.

Về tài năng Chúa ban tựa như những nén bạc. Người thì Chúa cho 5 nén, kẻ khác 2 nén, người kia 1 nén. Chúng ta có tích cực làm phát triển những nén bạc đó để chung tay chung lòng vào những việc chung của Giáo xứ và lo phần rỗi của mình không?

Về tiền bạc cũng vậy. Chúa ban cho thời giờ, sức khoẻ và trí thông minh để làm ra tiền bạc mà sinh sống, xây dựng hạnh phúc gia đình, vậy chúng ta sử dụng đồng tiền đó như thế nào? Ai càng sống rộng rãi biết cho đi, biết nghĩ đến người khác hơn bản thân mình, thì người đó sẽ càng giàu công phúc ở đời sau.

Ngược lại, có một số người làm mất đi hạnh phúc gia đình, mất đi tình nghĩa anh em, chỉ vì một chút  tài sản cha mẹ để lại mà không nhường nhịn nhau. Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta: “Hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn bè”, nghĩa là hãy dùng tiền của mà mua lấy Nước trời. Cụ thể như việc cầu hồn xin lễ, giúp đỡ những người nghèo khổ, đóng góp vào những việc chung. Được như thế, ngày chúng ta nhắm mắt lìa đời, ước mong sẽ được nghe những lời mời gọi của Chúa: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong những việc nhỏ. Hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta”. Amen.

 CHÚA NHẬT xXV THƯỜNG NIÊN- C

SỬ DỤNG TIỀN CỦA KHÔN NGOAN VÀ TRÁCH NHIỆM- Lm. Phêrô Lê Văn Chính

   Phúc âm tuần này đề cập đến chủ đề nhạy cảm và là chủ đề thiết thực đồng thời cũng là chủ đề dễ bị tránh né, đó là việc sử dụng tiền của. Lòng tham mê tiền của là một điều thuộc về bản năng con người, bởi vì tiền của có sức mạnh và sự mê hoặc của nó. Nhờ có tiền của người ta có thể buôn bán trao đổi, sắm sửa và chi dùng mọi nhu cầu. Vào thời Chúa Giêsu, những người do thái cần tiền của để mua bánh và cá, để mua những lễ vật dâng cúng ở đền thờ, để đóng thuế cho chính quyền. Vùng Trung Đông lúc bấy giờ là một vùng phát triển với những nền văn hóa rất lâu đời. Người ta mua bán giao dịch rất sầm uất, những nghề dệt may, mua bán hương liệu, nông sản rất phát triển. Đây cũng là ngã ba của các châu lục là Âu châu và Á châu, nơi có nhiều giao lưu kinh tế thương mại lúc bấy giờ. Ngược dòng lịch sử lên khoảng 800 năm trước Chúa Giáng sinh, chúng ta gặp lại thời của tiên tri Amos. Đây cũng là thời kỳ kinh tế thịnh vượng đối với vương quốc phía Bắc của Israel lúc bấy giờ. Những người giàu có sang trọng sống xa hoa bên cạnh những người nghèo khổ. Thời kỳ kinh tế phát triển phồn vinh đồng thời cũng là lúc người ta gia tăng nhiều nghi lễ lộng lẫy ở đền thờ và bằng an với những nghi lễ phụng tự sa hoa mà thiếu tâm tình tôn giáo chân thực. Chúa đã sai tiên tri Amos đến cảnh tỉnh mọi người, lên án những bất công xã hội và tố cáo những an toàn giả tạo mà người ta đang dựa vào. Không phải đang sống trong thời kỳ sung túc với những lễ hội hoành tráng mà chúng ta bằng lòng cách giả tạo và cứ việc sống bất công với bao nhiêu mưu mô gian dối trong việc buôn bán lừa gạt. Những tai họa vẫn luôn rình rập nếu mọi người không biết sống ngay thẳng, thực hành công bằng bác ái. Trong bài đọc sách tiên tri Amos, một loạt những tố cáo những tội mất công bằng trong buôn bán giao dịch được tiên tri nêu ra như việc tăng giá bán hay làm cân giả với những âm mưu tráo trợn vô nhân đạo như lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu. Thiên Chúa rất nhẫn nại nhân từ nhưng luôn ghi nhớ những tội ác bất công mà người ta đã làm.

          Bài Tin mừng theo thánh Luca là câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu nói về việc quản lý tiền của. Người dùng dụ ngôn về một người quản lý xấu nhưng khôn ngoan tính toán để hưởng quyền lợi cho mình khi bị đuổi việc. Trong xã hội của người do thái, người quản lý được toàn quyền sử dụng tài sản của chủ với điều kiện phải làm sinh hoa lợi cho chủ. Trong quyền hạn của mình, người quản lý có quyền dùng tài sản của chủ để buôn bán giao dịch một cách hợp pháp, với trọn vẹn tư cách pháp nhân. Vì thế, trong câu chuyện dụ ngôn nói rằng người quản lý này đã sửa văn tự nợ của những con nợ của chủ. Đây là việc làm gian dối nhằm phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình, nhưng lại là việc làm trong quyền hạn của người quản lý, tức là việc làm hợp pháp theo luật, bởi vì bao lâu người quản lý còn quyền hạn thì anh còn quyền sử dụng tài sản của chủ. Chúa Giêsu nêu ra câu chuyện này không phải để khuyến khích người tín hữu cũng có quyền làm những việc gian dối, nhưng là để nêu gương của người quản lý khôn ngoan tính toán này để nhắc nhở người tín hữu biết khôn ngoan tính toán trong việc hưởng dùng của cải Thiên Chúa ban để được đón nhận vào sự sống đời đời.

          Suy nghĩ về tiền của đã là đề tài được suy nghĩ rất sớm trong lịch sử Giáo hội, và cũng là đề tài nhạy cảm. Câu chuyện của bài Tin mừng hôm nay mời gọi mỗi người sử dụng tiền của cách khôn ngoan sáng suốt và đầy trách nhiệm. Người tín hữu là những người quản lý, họ được Thiên Chúa trao toàn quyền sử dụng tài sản của chủ. Họ là những người được trao nhiều quyền hạn và tài sản trong đời sống hiện tại, họ phải biết hưởng dùng tiền của trong cuộc đời này  để mưu ích cho đời sống mai sau của mình. Trong quyền hạn là người quản lý, mỗi người có đầy đủ tự do và trách nhiệm tiêu dùng cũng như mua bán trao đổi theo sự tính toán của mình. Câu chuyện dụ ngôn đã được đúc kết bằng lời khuyên cụ thể của Chúa Giêsu: “Phần thầy, thầy bảo các con, hãy dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền của, họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”.  Kết luận được khép góc ở việc dùng tiền của vật chất một cách khôn ngoan,  giúp đỡ những người túng thiếu không may mắn hơn mình. Không phải người quản lý chỉ biết dùng tiền của cách ích kỷ cho những nhu cầu riêng của mình, nhưng còn biết nhìn xa thấy trước tương lai của mình khi không còn ở địa vị quản lý đầy quyền hạn nữa thì sẽ có những người đã được mình giúp đỡ sẽ nhớ ơn và giúp đỡ lại. Tiền của được gọi là gian dối một cách chung để cho thấy mặt xấu của nó, dầu vậy tiền của có sức mạnh mà người quản lý được mời gọi dùng cách khôn ngoan thận trọng và đầy trách nhiệm. Chúa Giêsu còn giải thích thêm về ý nghĩa của việc sử dụng tiền của. Người sử dụng tiền của như người quản lý trước mặt Thiên Chúa. Khi thi hành công việc của mình, tức khi sử dụng quyền hạn quản lý để chi tiêu mọi việc, ông được đánh giá mức độ ngay thẳng khôn ngoan và trung tín để rồi khi bước vào đời sống mai sau, ông sẽ được trao trách nhiệm lớn hơn tùy thuộc vào công trạng và tài đức khi ông đã dùng tài sản Thiên Chúa ban trong đời sống trần thế khi biết khôn ngoan giúp đỡ những người nghèo khó túng thiếu và khi sống đời sống công bằng bác ái với mọi người.

          Một điểm khác mà Chúa Giêsu muốn cảnh giác là việc tôn thờ tiền của. Hoặc con người tôn thờ Thiên Chúa hoặc con người sẽ tôn thờ tiền của. Tiền của được đặt ở một vị thế cao cạnh tranh với Thiên Chúa trong tương quan của con người với nó.  Lẽ ra con người được kêu gọi sống trong tư thế của một con người tôn thờ Thiên Chúa để rồi là người quản lý tiền của Thiên Chúa ban để sống một đời sống xứng đáng, thì một cách mâu thuẫn, con người có thể đảo lộn trật tự và làm cho mình trở nên nô lệ cho tiền của và thay thế vị trí của Thiên Chúa bằng tiền của. Thánh Phaolô là gương mẫu của một người quản lý khôn ngoan. Trong bức thư gửi cho người môn đệ là Timôthêô, người kêu gọi mọi người hãy biết cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, cầu nguyện với nhiều tâm tình thờ lạy và cảm tạ, xin ơn tha thiết, đồng thời cũng biết cầu nguyện cho các vua chúa, cho những người lãnh đạo đất nước để đất nước được bình an và nhờ đó mà mọi người được sống yên ổn. Bởi vì điều quan trọng là làm sao sống cuộc đời trần thế để rồi nhận biết Thiên Chúa và nhờ đó mà được ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Đây là điểm chính yếu của cuộc đời mỗi người vì Thiên Chúa ban cho nhân loại Đức Giêsu Kitô là Đấng Trung gian duy nhất để nhờ đó mà loài người chúng ta được ơn cứu độ.

home Mục lục Lưu trữ