Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 16

Tổng truy cập: 1364447

KINH LẠY CHA ĐỌC XUÔI ĐỌC NGƯỢC

KINH LẠY CHA ĐỌC XUÔI ĐỌC NGƯỢC

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ và là lời kinh căn bản của Kitô giáo. Lời kinh này là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là tâm điểm của Thánh Kinh như Thánh Augustinô nói: “Cứ đọc hết các kinh nguyện trong sách Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy những điều được thâu tóm trong lời kinh Chúa dạy. Với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của chúng ta nữa…Dù chúng ta có đọc lời nào khác, những lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng, chúng ta cũng chẳng nói gì khác ngoài điều đã có trong kinh Lạy Cha, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp”(x. Thư thánh Augustinô giám mục gửi cho Pơrôba về kinh Lạy Cha, trong Kinh Sách, IV, tr. 335).

Kinh Lạy Cha độc đáo vì chính là lời kinh “của Chúa” và cũng là lời cầu nguyện của Hội Thánh. Lời kinh này đã ăn sâu vào kinh nguyện phụng vụ. Trong Thánh lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung, hướng về ngày Chúa Quang Lâm “cho tới khi Chúa lại đến” (1Cr 11,26).

Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất Chúa Giêsu để lại, lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm.

“Kinh Lạy Cha chẳng những là một lời cầu nguyện, mà còn là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa Cha vừa là nguồn gốc mọi sự, vừa là cùng đích mọi loài. Đó là niềm tin căn bản nhất, bao trùm cả lộ trình đi và về của con người. Vì vậy kinh Lạy Cha vừa có thể đọc xuôi, vừa có thể đọc ngược” (x. Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).

I. Đọc xuôi Kinh Lạy Cha

Đọc xuôi, bắt đầu từ việc tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, cầu xin cho danh Người cả sáng, cho Nước Người trị đến, cho thánh ý Người được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tiếp đến chúng ta xin Người những ơn cần thiết cho cuộc đời kitô hữu của chúng ta, như được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của cuộc sống, được ơn tha thứ những lỗi lầm thiếu sót, được gìn giữ khỏi sa chước cám dỗ và được giải thoát khỏi quyền lực của ác thần.

Đọc xuôi, Kinh Lạy Cha bao gồm: một lời thân thưa, hai lời nguyện ước và ba lời cầu xin.

1. Lời thân thưa

Thiên Chúa được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau: Thiên Chúa vĩnh cửu, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa thánh thiện… Mỗi danh hiệu nói lên một ưu phẩm, một đặc tính của Thiên Chúa.

Nhưng không một danh hiệu nào lại đậm đà, trìu mến, ý nghĩa, hy vọng cho bằng danh hiệu Cha. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ là mỗi khi cầu nguyện hãy thân thưa: Lạy Cha chúng con ở trên trời.

Lời mạc khải mối liên hệ chiều sâu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Lời diễn tả một chiều kích thiêng liêng, các môn đệ được đi vào đời sống thân mật, liên kết với Chúa Cha và Chúa Con.

Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ Cha gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm vô cùng.

Từ đây, lời thân thương “Lạy Cha” luôn vang vọng mãi nơi môi miệng của người Kitô hữu. Lời gắn kết họ với Thiên Chúa. Lời nối kết tương quan cha con trong tình yêu. Hồng ân thật cao quý Chúa muốn ban cho con người. Được gọi Thiên Chúa là Cha, được làm con cái của Thiên Chúa. Đó là tư cách rất riêng của những ai là môn đệ Đức Giêsu. Ơn gọi làm con là ơn gọi căn bản nhất, ơn gọi cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu. Vì thế chúng ta phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha và huynh đệ với tha nhân là anh chị em. Vì chưng toàn thể nhân loại chỉ có một Cha và tất cả đều là anh em chị em của nhau.

2. Hai lời nguyện ước

"Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển" và "Triều đại Cha mau đến" là hai lời nguyện ước của những người con thảo hiếu hướng về Cha mình.

Thiên Chúa không cần đến lời chúng ta cầu nguyện để nhờ đó danh Người và triều đại Người mới được hiển thánh, được tôn vinh. Tự bản chất, Thiên Chúa không cần đến những lời cầu xin của chúng ta, có hay không, danh Người mãi mãi vẫn rạng ngời vinh hiển.

Vậy thì chúng ta cầu nguyện như thế để làm gì? Chắc một điều đó là vì phần ơn ích cho chúng ta.

Hai lời nguyện ước là xin cho danh Thiên Chúa được hiển thánh nơi chính con người chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Thánh. Là con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, người con xin Cha thánh hoá, xin Cha kiện toàn mỗi ngày để con được nên thánh, được tham dự vào cuộc sống thần linh với Cha. Người con cần sống hiếu thảo. Biết quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc về Cha của mình. Là con của Cha trên trời thì chúng ta phải làm cho Danh Cha được cả sáng và Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện. Cha rất vui, hài lòng khi có những người con biết sống hiếu thảo như thế.

3. Ba lời cầu xin.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày; xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Xin cho những nhu cầu chính đáng phần xác phần hồn: lương thực hằng ngày, ơn thứ tha tội lỗi, ơn vượt thắng cám dỗ và ơn thoát khỏi sự dữ. Thân xác cần cơm bánh lương thực. Linh hồn cần ơn thánh. Ba lời cầu xin rất thiết thực đối với sự sống của nhân loại. Lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày, thiết thực và hữu ích cả trên bình diện thiêng liêng lẫn cuộc sống đời thường. Bởi ngoài nhu cầu thiết yếu của con người là cơm bánh ra, người Kitô hữu cần đến một thứ thần lương tuyệt vời khác chính là Bánh Hằng Sống, là Thánh Thể Chúa Kitô.Ơn tha thứ thật cần thiết. Trước mặt Thiên Chúa, con người là tội nhân. Tha thứ cho nhau là điều kiện cần và đủ để chúa tha thứ cho mình. Được Cha yêu thương chăm sóc và thứ tha các lỗi lầm, con noi gương Cha sống yêu thương tha thứ cho anh em của mình. Như thế mới trọn vẹn tình con thảo hiếu.

Cạm bẫy và cám dỗ vẫn bủa vây tư bề. Cần tỉnh thức trước mọi cơn cám dỗ. Ơn Chúa là nguồn trợ lực là sức mạnh để con người vuột thắng mọi cám dỗ.

II. Đọc ngược Kinh Lạy Cha

Đọc ngược kinh Lạy Cha để đi lại lộ trình đức tin của dân Do thái ngày xưa và để bày tỏ niềm xác tín mới đối với Thiên Chúa vì những gì Người ban cho chúng ta qua kinh Lạy Cha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng:

1. Thiên Chúa là Cha quyền năng đã cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.

Cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ bên Ai cập, thì nay qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa cứu khỏi quyền lực của Satan là đầu mối của mọi sự dữ.

2. Thiên Chúa là Cha yêu thương không để chúng ta sa chước cám dỗ.

Sau khi được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, dân Do thái đã đi qua hoang địa tiến về đất hứa, đã gặp rất nhiều cám dỗ và thử thách. Sau khi chịu phép rửa tội, cuộc đời chúng ta cũng là một hành trình xuyên qua hoang địa trần gian để tiến về đất hứa đích thực là thiên đàng. Chúng ta cũng gặp phải những chước cám dỗ như người Do thái ngày xưa. Nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta tha thiết khẩn cầu Chúa gìn giữ và Người đã gìn giữ chúng ta.

3. Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Mặc dù đã nhiều lần phản bội, quay lưng lại với Thiên Chúa, thử thách Thiên Chúa, cứng đầu cứng cổ bất tuân lệnh Chúa, nhưng dân Do thái đã được Chúa tha thứ, nhờ lời chuyển cầu của ông Môsê. Cũng vậy, nhờ công nghiệp của Đức Kitô, chúng ta luôn được Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu sót và những xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em là hình ảnh của Người. Được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng tha thứ cho nhau, để cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa.

4. Thiên Chúa là Cha quan phòng luôn chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta.

Trong suốt hành trình 40 năm trước khi tiến vào đất hứa là nơi chảy sữa và mật, mỗi ngày dân Do thái đã được Thiên Chúa ân cần ưu ái ban cho manna, thịt chim cút và nước sạch từ tảng đá chảy ra. Ngày nay Thiên Chúa quan phòng cũng luôn lo liệu cho chúng ta mọi nhu cầu vật chất, để chúng ta có thể sống xứng đáng và phát triển các khả năng. Hơn nữa Người còn ban cho chúng ta bánh hằng sống là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cùng với dòng nước ơn thánh vọt ra từ tảng đá là Đức Kitô đang hoạt động qua các bí tích, giúp chúng ta có sức đạt đến đất hứa đích thực là nước thiên đàng, nơi tràn trề sữa và mật thiêng liêng, khiến cho chúng ta không bao giờ đói khát.

5. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan đã mạc khải cho chúng ta thánh ý của Người và giúp chúng ta thực hiện.

Cùng với manna, chim cút và nước từ tảng đá vọt ra, Thiên Chúa còn ban cho dân Do thái các huấn lệnh bày tỏ ý muốn của Người, để họ tuân giữ và được sống. Ngày nay, chúng ta cũng nhận được thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo Hội. Đời sống của mỗi người chúng ta hệ tại việc thực thi ý Chúa. Khi kết hiệp sự vâng phục của chúng ta với sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý Cha, tức là chúng ta làm cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

6. Thiên Chúa là Vua uy quyền đã làm cho Nước Chúa trị đến nơi chúng ta.

Sau khi hoàn tất cuộc hành trình xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel đất hứa làm gia nghiệp, ở đó họ sống hạnh phúc dưới quyền cai trị của Người. Sau khi hoàn tất cuộc hành trình nơi dương thế, chúng ta cũng sẽ được đưa vào Nước Trời, nơi Thiên Chúa hiển trị, để Người mãi mãi là Vua của chúng ta và chúng ta sẽ là dân của Người đến thiên thu vạn đại, và trong Nước Người không còn đau khổ, khóc than và tang tóc, nhưng chỉ có sự sống dồi dào trong hạnh phúc vô biên.

7. Thiên Chúa là Cha, đó là thánh danh mà chúng ta ca tụng đến muôn ngàn đời.

Sống trong đất hứa Thiên Chúa đã ban, những người Do thái đạo đức không ngừng tôn vinh danh Chúa, vì chính nhờ danh Người họ đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, được giúp đỡ để vượt qua các chước cám dỗ, được tha thứ mọi tội lỗi, được nuôi dưỡng chăm sóc, được biết thánh ý của Thiên Chúa, được sống dưới quyền cai trị của Chúa. Mai ngày trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ không ngừng ca tụng thánh danh Thiên Chúa và chúng ta có thể khởi đầu kinh Lạy Cha như sau: “Lạy Cha, giờ đây chúng con được ở với Cha trên trời”. (trích từ: Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).

III. Kinh Lạy Cha, lời kinh tuyệt vời

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Vinh danh và thánh ý Chúa được đặt trên hết. Các nhu cầu của con người được đặt sau.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Con người được gọi Thiên Chúa là Cha. Mỗi người là con cái của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai.

Kinh lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này.

Lạy Cha,

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con chưa nhận thấy được.

Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.

 

11.Cha tôi – Ts. Trần Quang Huy Khanh

Khó tin nhưng có thật:

1. Ông là một bác sĩ, và vợ ông cũng là một bác sĩ. Em gái ông là một y tá. Nhưng tai họa đã xẩy ra cho người cha già của họ, đó là không ai trong hai anh em chấp nhận cho cha mình ở với mình.

Khi biết ý định của hai con là sẽ đưa mình vào viện dưỡng lão, ông đã lần lượt đến quỳ xuống trước mặt mỗi đứa con, khóc lóc và xin đừng đưa mình vào nhà dưỡng lão. Nhưng kết quả là không một ai trong hai người con ấy chấp nhận để ông sống chung với gia đình của họ nữa.

2. Chị là con út trong gia đình, và cũng là người duy nhất định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài căn bệnh tâm thần, mẹ chị còn phải gánh chịu những tàn phá ghê gớm do chứng tiểu đường. Bà phải ngồi xe lăn và di chuyển rất đau đớn, vất vả. Nhưng rồi, bà cũng bị bỏ vào viện dưỡng lão nơi có những bệnh nhân tâm thần, mặc dù bà không hề biết một câu tiếng Anh.

3. Bà là một bác sĩ nổi tiếng, nhưng ông chú bà bị tâm thần và suy thoái trí nhớ. Tuy ông vẫn có thể sống một mình một cách hết sức vất vả với sự giúp đỡ của những người do cơ quan y tế cử đến săn sóc và giúp đỡ. Nhưng khi nghe ai đó đề cập đến người chú của bà, thì bà lờ đi như không biết gì!!!

Bạn nghĩ gì về 3 mẩu truyện trên? Và bạn nghĩ gì, nhận định gì về những cách cư xử của những người đó đối với cha mẹ và thân nhân của họ? Bạn bảo họ là những đứa con, đứa cháu vô ơn và bất hiếu? Nhưng tôi lại muốn dùng những mẩu truyện trên để nhắc nhở chính tôi về mối tương quan với đấng mà tôi gọi là “Cha”, Thiên Chúa Cha ngự trên trời.

Thánh sử Luca đã ghi lại lời kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã dậy tôi. Là người anh cả, và cũng là người hiểu và biết Cha tường tận, chính Chúa Giêsu đã chỉ vẽ cho tôi về mối tương quan cha con ấy. Cũng như Mẹ Maria trong Kinh Ngợi Khen (Magnificat), Chúa Giêsu trong Kinh Lậy Cha (Lời tâm sự giữa Chúa và tôi), đã nói với tôi về một người Cha rất mực nhân từ, xót thương, và luôn luôn quan tâm, lo lắng đến mọi nhu cầu dù rất nhỏ mọn của tôi.

Lời trần tình ngọt ngào:

Hãy nghe Chúa Giêsu dậy tôi gọi Thiên Chúa là “cha”: “Lậy Cha chúng con ở trên trời”. Để nghe tâm tư của người Cha được thoát ra từ những tâm tư kinh nguyện ấy. Ở đấy tôi tìm được hình ảnh của một Thiên Chúa đầy quyền năng, nhưng cũng là một người cha rất mực yêu thương, chăm lo săn sóc cho từng người con không những mọi sự về tinh thần, mà còn cả thể chất nữa.

Tôi chưa thấy Chúa nào, thần nào lo cho tôi từ miếng cơm, manh áo, như Chúa tôi, cha tôi. Chúa Giêsu bảo tôi hãy xin: “Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ” (Luc 11: 3).

Cơm bánh, áo quần, những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống thể lý tuy cần, nhưng cần hơn là sức sống tâm linh. Và đây là những nhu cầu mà Chúa Giêsu cũng dậy tôi cần thiết phải thưa với Cha mình: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Luc 11:4).

Nhưng nhất là Chúa tôi, Cha tôi không muốn chính tôi phải đối đầu, phải đau khổ vì những sự xấu xa, những nỗi đau kinh hoàng. Ngài dậy tôi hãy thưa với ngài: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6:13). Sự dữ thân xác, sự dữ tâm hồn, sự dữ tâm lý, mà sự dữ lớn nhất, kinh khủng nhất là tội lỗi. Vì tội lỗi sẽ làm cho tôi cắt đứt mối giây giao hảo, và sự mật thiết giữa tôi và Cha, như cành cây bị cắt lìa khỏi cây.

Duy chỉ nghĩ đến việc được gọi Thiên Chúa là Cha mà thôi cũng đã làm cho nhiều thánh nhân cảm thấy xúc động và không cầm nổi nước mắt. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã khóc khi nhìn thấy đàn gà con được mẹ chúng ủ dưới cánh. Và qua hình ảnh ấy, Thánh nữ đã liên tưởng đến sự ấu yếm, chở che của Cha trên trời.

Thiên Chúa là Cha:

Thiên Chúa là Cha tôi không còn là một điều khiến tôi phải hồ nghi, mà trái lại, đó chính là điều khiến tôi phải suy nghĩ. Vì làm cách nào mà tôi có thể sống đúng với danh nghĩa con của một Cha trên trời, và nhất là làm cách nào để tôi có thể sống đẹp lòng Người.

Không lẽ tôi cũng đối xử với cha tôi...

 

12.Cầu nguyện của tôi, điều gì còn thiếu?

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

Quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận ra một nét gì đó rất mới mẻ và rất đặc trưng. Nét này không thấy có trong thói tục của người Do Thái nói chung, và của nhóm Biệt Phái nói riêng; khác cả với lối cầu nguyện mà Gio-an tẩy giả, nhóm Ét-sê-ni và các môn đệ ông thường làm. Người Do Thái nói chung cầu nguyện dựa trên việc cất cao giọng đọc các thánh vịnh, các lời ngôn sứ hay sách luật… Chính vì thế mà một vài đại diện trong nhóm môn đệ Đức Giêsu khẩn khoản xin Người dạy cho họ biết cầu nguyện, và cầu nguyên theo cách thức riêng của Người. Lời thỉnh cầu đó quả là chính đáng, và Đức Giêsu sẵn sàng đáp ứng vì nó liên quan tới điều quan trọng nhất mà người đang muốn khảng định: Cầu nguyện chính là đi vào tương quan phó thác với Chúa Cha nhân ái.

Điều mà các môn đệ mong đợi chắc hẳn không phải là được Thầy dạy cho một công thức cầu nguyện, mà chúng ta ngày nay quen gọi là kinh đọc. Người Do Thái thời đó vẫn quen sử dụng các thánh vịnh như công thức nền tảng. Tuy nhiên rất có thể khi quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận ra một điều gì rất khác lạ, một kiểu cách cầu nguyện không giống ai. Nét này khác xa lề thói các Pha-ri-sêu vẫn thường cầu nguyện nơi công cộng, hoặc các tu sĩ Et-sê-ni làm tại Qum-ram. Nét đặc sắc nhất các ông nhân ra chính là tâm tình con thảo thâm sâu chưa từng thấy bất cứ nơi đâu. Xét cho cùng thì Thánh Vịnh cũng không phải là những ‘kinh’ theo nội dung mà bổn đạo chúng ta vẫn hiểu ngày nay. Tự nó Thánh Vịnh là những tâm tình rất chân thành, nhưng trong tinh thần của ‘Cựu Ước’, mà mỗi người Do Thái diễn tả tương quan thường ngày của mình với Đức Chúa Gia-vê. Tất cả các tâm tình đó đều dựa trên một nền tảng duy nhất được các luật sĩ và Biệt Phái nhấn mạnh, đó là lòng trung thành kiên vững đối với giao ước đã ký kết. Sau này vào thời Đức Giêsu, qua ảnh hưởng của phái Ét-sê-ni, thái độ thống hối để lãnh phép rửa được nhấn mạnh. Nếu vậy thì nét cầu nguyện đặc trưng của Thầy Giêsu, đồng thời cũng là của từng người Ki-tô hữu chúng ta cụ thể là gì?

Đức Giêsu không đơn thuần dạy một công thức diễn đạt mới, cái sau này được đặt tên là ‘kinh Lạy Cha’ (tiêu đề quen thuộc luôn được gán cho đoạn văn này). Ngay trong câu Đức Giêsu nói: “Khi cầu nguyện anh em hãy thưa (thay vì nói hoặc đọc) thế này: ‘Lạy Cha, nguyện ( thay vì cầu xin) cho danh Cha vinh hiển…’, ta sẽ thấy ngay nổi cộm một tâm tình, tâm tình tín thác. Ngay cả các điều ‘xin’ của phần sau cũng toát ra niềm tin tưởng sâu đậm nhất. Chính cái tâm tình này mới là chất tố cốt lõi của lối cầu nguyện mà Đức Giêsu đang muốn thông truyền.

Đương nhiện là bất cứ lời cầu nguyện nào cũng đều ít nhiều mang tâm tình này. Trong mọi tôn giáo, khi tín đồ khấn vái, họ cơ bản tin tưởng sẽ được thần thánh phù trì. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, dựa trên cơ sở nào mà họ đặt niềm tin tưởng phó thác. Người Do thái có cơ sở của Cựu Ước: một giao ước sòng phẳng giữa Đức Chúa Gia-vê với dân riêng của Ngài. Gio-an nhấn mạnh trên nền tảng thống hối và lãnh phép rửa để được tha tội (xem Lc 3, 3-18). Tín đồ các tôn giáo khác nói chung, dựa trên qui luật ‘có đi có lại’ của giao tế xã hội. Họ thờ cúng dâng hương để mong được thần thánh phù trì… Thế còn Ki-tô hữu chúng ta cầu nguyện dựa trên cơ sở nào?

Đức Giêsu dùng hai hình ảnh để quảng diễn cơ sở của lòng tín thác Ki-tô hữu trong cầu nguyện: người bạn và người cha. Hai hình ảnh này có tác dụng trước hết là triệt tiêu cả ba cơ sở nói trên. Nếu là ‘nguyện xin’ với bạn và cha, thì sẽ không còn sự sòng phẳng của giao kèo ký kết, không còn sự cách biệt trên dưới, và cũng chẳng cần lễ vật quà cáp lót đường. Chỉ còn một điều duy nhất quan trọng là tin tưởng hầu như mù quáng, cố chấp tới độ không ngại gây phiền hà. Câu chuyện gõ cửa nhà bạn vay bánh giữa đêm khuya, hay xin ‘bố’ của ăn, phải chăng là để nêu rõ thái độ rất ‘độc’ này của cầu nguyện Ki-tô hữu?

Và điều này không chỉ đơn thuần là một khảng định trên lý thuyết. Có lẽ vào thời điểm lúc Đức Giêsu trả lời câu hỏi của mộn đệ, nó còn có vẻ lý thuyết xa vời thật, ngược ngạo nữa là đàng khác: Thiên Chúa mà là cha và là bạn sao được! Thế nhưng sau biến cố thập giá và phục sinh, thì đã trở thành một thực tế quá rõ ràng và hiển nhiên. Thực vậy, niềm tin vào thập giá và phục sinh trở thành cơ bản trong tương quan (giao ước mới) giữa người môn đệ với Thiên Chúa của Đức Giêsu Ki-tô. Họ đã nắm bắt được bằng chứng không thể chối cãi về một Thiên Chúa từ nhân tới độ không tiếc bất cứ điều gì đối với những ai kêu cầu Người, ngay cả hy sinh tới Người Con yêu quí nhất Người cũng chẳng từ. Do vậy bất cứ ai tự cho mình là môn đệ Đức Giêsu, mà không biết chất tố này khi cầu nguyện, thì chưa thể được kể là Ki-tô hữu chân chính.

Nếu như thế ta có thể khảng định được chăng: tin tưởng phó thác trong cầu nguyện chính là thước đo chính xác nhất của niềm tin Ki-tô hữu? Thánh Phao-lô xác quyết: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ, nếu Thần Khí không rên siết trong ta (xem Rm 8,18-27). Phải chăng Đức Giêsu cũng có ý tưởng tương tự khi nói ‘Cha trên trời ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người’? Thế thì, một chút chiêm ngắm thập giá, một chút vào sâu hơn trong tình yêu nhân ái của Thiên Chúa, là điều tối cần thiết để mọi Ki-tô hữu có thể tiến hành cầu nguyện của mình. Tuy nhiên thật không may, ‘cái chút’ này trên thực tế xem ra vẫn còn thiếu trầm trọng trong cầu nguyện của nhiều Ki-tô hữu chúng ta. Chính vì lẽ đó mà lời khẩn cầu của các môn đệ: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con biết cầu nguyện!” vẫn tiếp tục phải là điệp khúc khởi đầu cho mọi cầu nguyện chân thành của mọi Ki-tô hữu chúng ta.

Lạy Thầy Giêsu, xin dạy con cầu nguyện! Xin hãy dạy con cầu nguyện với một Thiên Chúa không tiếc xót con bất cứ điều gì, kể cả phó nộp Người Con yêu quí nhất của Người. Xin cho con biết dành một chút thời giờ cho việc chiêm ngắm tinh yêu nhân ái và lòng thương xót bao la của Chúa trước khi tiến hành cầu nguyện. Xin Thần Khí Chúa hãy luôn nhắc nhở con rằng: dấu Thánh Giá mà con làm đầu giờ cầu nguyện chính là để giúp đưa con vào tâm tình cơ bản và thiết yếu này, là trọn vẹn tin tưởng phó thác nơi lòng Chúa xót thương và cứu độ. Chỉ như thế lời cầu nguyện của con mới có được tâm tình như Chúa muốn. Amen.

 

13.ABBA! Lạy Cha

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Lc 11: 1-13: Khi cầu nguyện, chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân đến trước Thiên Chúa vô cùng thánh thiện.

Vào tháng 5 năm 1998, tại Houston, Texas, một cuộc hội thảo lớn về Y Học và Đức Tin với sự tham dự của hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nha sĩ. Những báo cáo cho thấy là những người có Đức Tin và được cầu nguyện cho thì mau lành bệnh gấp 12 lần những người không có Đức Tin sau khi được giải phẫu tim.

Một cuộc khảo cứu kéo dài 28 năm trên một số người lớn tuổi cho thấy là những người chăm đi lễ nhà thờ để cầu nguyện thì ít bệnh tật từ 25% đến 35% so với những người không có tôn giáo. Những người đi lễ nhà thờ thường xuyên có một hệ thống miễn dịch, dễ đề kháng bệnh tật mạnh hơn mức bình thường.

Từ xa xưa, con người đã thấy sự cần thiết và hữu ích của cầu nguyện, chính vì vậy, Gioan đã làm như thế cho môn đệ của ông và bây giờ các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến xin thầy mình dạy cầu nguyện. Đây là bài cầu nguyện Chúa Giêsu dạy, được Luca và Matthêu ghi lại.

Một số điểm chúng ta cần lưu ý:

1. Abba, Lạy Cha

Danh xưng “Cha” đã có nơi các tôn giáo rất khác nhau, từ dạng thô sơ nhất đến dạng phát triển nhất, của người Hy Lạp, Rôma và Sêmít. Nhưng điều lạ là việc sử dụng một danh xưng thân mật để thưa với Thiên Chúa. Theo các nghiên cứu của Jeremias và Marchel, ’abbâ’ là một danh xưng thân mật, nên không bao giờ được người Do Thái dùng để thân thưa với Thiên Chúa. Đôi khi, cũng rất hiếm, từ này được dùng để nói về Thiên Chúa, chứ không bao giờ để thưa với Thiên Chúa. Và ngay cả nói về Thiên Chúa, các bản Targumim (bản dịch và diễn giải) cũng rất ngại áp dụng danh hiệu “Cha” cho Ngài. Ngược lại, theo chứng từ của Mc 14,36, được củng cố gián tiếp bởi Gl 4,6, Đức Giêsu là người đầu tiên thưa với Thiên Chúa bằng tiếng gọi thân mật Abba, và như thế Người tỏ cho thấy tương quan thân tình như là người con với Thiên Chúa, một thứ tương quan mới mẻ và duy nhất, vô song.

2. Nội dung kinh cầu nguyện của Chúa Giêsu

Phần đầu: lời cầu cho Nước Chúa được hiển trị.

Phần hai: xin những sự cần thiết cho chúng ta.

Thiên Chúa là một người Cha luôn quan tâm đến nhu cầu của chúng ta. Đây là một lời cầu nguyện bao quát cả cuộc đời.

- Nó bao trùm các nhu cầu hiện tại. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực cho chúng ta mỗi ngày. Nên nhớ bánh đủ ăn từng ngày là điều chúng ta cầu xin. Điều này nhắc lại câu chuyện xưa về manna trong hoang địa (Xh 16,11-21). Dân Chúa chỉ được lượm manna đủ ăn trong một ngày mà thôi. Chúng ta đừng lo một tương lai không rõ, nhưng ngày nào lo cho ngày ấy.

- Lời cầu nguyện này cũng bao trùm tội lỗi đã qua

Khi cầu nguyện, chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân đến trước Thiên Chúa vô cùng thánh thiện.

- Lời cầu nguyện này cũng bao trùm các thử thách trong tương lai

Từ “cám dỗ” trong Tân Ước có nghĩa là bất cứ hoàn cảnh thử thách nào. Nó không chỉ có nghĩa là quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta chỉ có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban.

3. Trở lại phần một của kinh Lạy Cha

Cầu nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Điều đáng ngạc nhiên nhất là khi đặt tất cả chú ý về Cha như trung tâm, Chúa Giêsu không nói một tiếng về bản thân mình. Không nói gì đến Chúa Giêsu ở đây là một trong những điều thật ý nghĩa: tránh bỏ hết mọi quan tâm đến bản thân, Chúa Giêsu luôn hướng nhìn về Cha.

Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha hiển trị. Để thể hiện được điều này đòi chúng ta phải cầu cho ý Thiên Chúa, chớ không phải ý của chúng ta. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.

Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu là thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha, nên lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải rập theo lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, tức là cầu nguyện để ý của Thiên Chúa Cha được thể hiện. Ý của Thiên Chúa được thể hiện, đó chính là làm cho danh Cha được cả sáng và Nước Cha được hiển trị.

Cầu nguyện cho ý của Thiên Chúa, đó mới là điều quan trọng. Chính vì vậy nhiều khi chúng ta tưởng rằng chúng ta xin một đường mà Chúa lại cho một nẻo như khi

- Chúng ta xin Người vứt bỏ nỗi đau khổ, thì Người lại nói khổ đau sẽ đưa con ra khỏi những lo toan trần thế và đưa con lại gần Thiên Chúa hơn.

- Khi chúng ta xin Chúa cho sức khoẻ để có thể làm được những việc lớn lao – Người lại ban cho chúng ta sự yếu đuối để tôi làm mọi việc cách tốt hơn.

- Khi chúng ta xin Chúa cho giàu sang để có thể sống hạnh phúc hơn – Người lại ban cho chúng ta sự nghèo nàn để chúng ta biết cậy dựa vào Chúa hơn.

- Khi chúng ta xin Chúa ban cho quyền lực để được người đời xưng tụng – Người lại ban cho chúng ta sự mọn hèn để chúng ta biết cần đến Ngài hơn.

- Khi chúng ta xin Chúa ban cho mọi sự, nhờ đó chúng ta có thể tận hưởng thú vui cuộc sống – Người lại ban cho chúng ta cuộc sống để nhờ đó chúng ta tận hưởng mọi sự.

Như thế xem ra chúng ta chẳng được tất cả những điều chúng ta xin, nhưng lại nhận được mọi thứ chúng tai cần. (Anon)

Hiểu được như vậy, khi chúng ta lặp lại lời “cầu nguyện của Đức Giêsu, đến lượt chúng ta, chúng ta mới dám tin rằng “Chúa Cha yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Người yêu mến Con Một của Người” (Gioan 20,17). Đó chính là tâm tình của Chúa Giêsu khi dạy chúng ta thân thưa với Thiên Chúa Cha: ABBA, Lạy Cha. Amen.

 

14.Suy niệm của Lm. Trầm Phúc

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”

Lời yêu cầu của một người trong nhóm môn đệ cho chúng ta cảm tưởng là Chúa Giêsu không dạy các ông cầu nguyện. Chúa Giêsu không dạy các ông cầu nguyện vì từ nhỏ, một người Do Thái đã biết cầu nguyện với lời Thánh vịnh rồi. Ngài chỉ dạy họ bằng chính cuộc sống cầu nguyện của Ngài, bằng chứng là sau khi cầu nguyện, người môn đệ kia mới đến xin Ngài dạy cầu nguyện. Các thánh sử nhiều lần đã nhắc đến việc Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện thâu đêm. Đó chẳng phải là những bài học sống động sao?

Nhưng khi nghe lời thỉnh cầu của người môn đệ, Chúa Giêsu chấp nhận ngay và dạy họ cầu nguyện như Ngài.

Bài học cầu nguyện này vẫn còn được sử dụng và cho đến tận thế, Giáo hội vẫn cầu nguyện như thế: Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng:…

Đây là một lời cầu nguyện chính Chúa Con dạy. Trong Cựu Ước không có lời cầu nguyện nào độc đáo như thế. Độc đáo vì Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Chúa là Cha như Ngài. Đây phải chăng là một hồng ân vô giá mà chúng ta không xứng đáng lãnh nhận? Nhờ Chúa Giêsu đến mang cho chúng ta hồng ân vô giá này. Nhưng mấy người đã hiểu được giá trị của nó? Hằng ngày chúng ta vẫn cầu nguyện với những lời này, nhưng chúng ta gần như không mấy khi để ý, vì quá quen thuộc. Thói quen bào mòn tất cả những gì cao quí nhất.

Chúng ta hãy nói lên tiếng Cha như Chúa Giêsu, chúng ta mới cảm thấy niềm hạnh phúc Chúa dành cho chúng ta. Thánh Phanxicô Assisi, một ngày kia đi đường với một thầy trong dòng. Vì đường xa, thánh nhân mới đề nghị: “Chúng ta hãy đọc kinh Lạy Cha trong lúc đi đường”. Thế là hai người im lặng cầu nguyện suốt quãng đường dài. Đến nơi, thánh nhân hỏi thầy: “Thầy đọc được mấy kinh?” Thầy nhanh miệng trả lời: “Con đọc được hai trăm năm chục kinh”.

Thánh nhân nói: “Còn tôi, tôi đọc chưa được một kinh.” Trước sự ngạc nhiên của thầy, thánh nhân nói: “Tôi chỉ nói được một tiếng thôi: lạy Cha, và tôi cảm thấy hạnh phúc đến nỗi tôi chỉ nói có một tiếng lạy Cha thôi”.

Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta nếm được thứ hạnh phúc tuyệt vời đó, hạnh phúc biết mình là con của Cha trên trời.

Nếm được hạnh phúc này, những lời cầu tiếp theo mới có giá trị. Nếu chúng ta không cảm thấy mình là con của Cha thì xin cho Danh Cha cả sáng… có nghĩa gì? Hơn nữa, với tâm tình con thảo thì chúng ta xin gì cũng có thể được.

Nhiều người thắc mắc: sao chúng ta vẫn cầu xin cho Danh cha cả sáng mà không thấy kết quả? Thế giới vẫn vô đạo và con người càng ngày càng từ chối Thiên Chúa?

Chúng ta làm sao biết được kết quả? Hay chúng ta chỉ cầu nguyện ngoài môi miệng mà lòng chúng ta xa Cha muôn trùng?

Danh Cha có cả sáng, Nước cha có trị đến trong chúng ta chưa? Tâm hồn chúng ta thực sự là Nước Cha chưa? Chúng ta mơ mộng nhiều hơn là sống.

Dù sao, Chúa Giêsu vẫn là mẫu mực của việc cầu nguyện. Cầu nguyện như Ngài, với tâm tình con thảo, với trọn tình yêu.

Chúa dạy chúng ta cầu nguyện cho Danh Cha, cho Nước Cha, nhiều người tưởng rằng chúng ta cầu xin cho Chúa. Chúa không cần chúng ta nhưng khi chúng ta cầu cho Danh Cha và Nước Cha thì chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta. Danh Cha và Nước Cha là Tình Yêu. Nếu Nước Tình Yêu của Cha được thực hiện thì người được hưởng đầu tiên là chúng ta. Nước Tình Yêu của Cha là hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta là ai mà cầu cho Thiên Chúa? Chúng ta làm được gì cho Chúa? Chúng ta chỉ là tro bụi, chỉ biết lãnh nhận mà thôi. Tất cả những lời cầu xin chúa Giêsu dạy cho chúng ta đều quy hướng về Cha, nhưng lại là hồng ân mà chúng ta đang cần. Nhưng hồng ân ấy đến từ nơi Cha là Tình Yêu mà thôi.

Dạy cho chúng ta cầu xin những gì cần cho chúng ta, Chúa còn dạy chúng ta cầu xin thế nào cho phải; là cầu xin bền bĩ và tin cậy. Dụ ngôn người bạn đang đêm đến mượn bánh, cho chúng ta một bài học rất quí giá, cầu nguyện phải khẩn thiết. Chúng ta thường gấp rút muốn được ngay những gì chúng ta xin, phải có kết quả ngay. Vì thế nhiều người trách Chúa sao không nhậm lời họ xin. Phải nhìn nhận rằng chỉ có Chúa mới biết được những nhu cầu chính đáng của chúng ta: “Cha chúng con ở trên trời biết những gì chúng con cần”.

Cha trên trời là một người cha đầy tình thương, Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì thế: “xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp”. Chúng ta là những người xấu xa mà còn biết cho con mình những gì tốt nhất, huống hồ Cha trên trời là một người cha tuyệt đối nhân lành, không lẽ Ngài để chúng thất vọng! Chỉ có chúng ta hèn tin.

“Xin thì sẽ được” sao chúng ta không nhận được những gì chúng ta cầu xin? Chỉ có Chúa mới biết những gì thích hợp cho chúng ta, vì thế Ngài không ban cho chúng ta những gì có thể gây tai hại cho chúng ta, Ngài chỉ ban những gì hữu ích cho chúng ta mà thôi. Chúng ta xin làm ăn phát đạt, điều này xem ra hợp lý, nhưng có lợi cho chúng ta không hay sẽ trở thành một tai hại lớn lao hơn?

Chúng ta hãy cầu xin những gì thích hợp với ý muốn của Chúa Cha, như thế, chúng ta mới thực sự là những người con thảo. Cầu xin với tất cả lòng tin cậy thì chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta tìm kiếm, chúng ta sẽ thấy mọi cánh cửa đều mở.

Hơn nữa, Cha trên trời dành cho chúng ta một hồng ân tuyệt hảo đó là Thánh Thần của Người.

Thánh Thần sẽ giúp chúng ta xác nhận tính cách con thảo của chúng ta và ban cho chúng ta những “hoa quả của Thánh Thần là bình an và hoan lạc”. Chính Thánh Thần mới dạy chúng ta cầu nguyện thế nào cho phải và sẽ cầu nguyện trong chúng ta “bằng những tiếng rên khôn tả”. Chính Thánh Thần mới dạy chúng ta cầu nguyện trong tình con thảo. Như thế, khi chúng ta cầu nguyện với những lời Chúa Giêsu dạy, với sự trợ giúp của Thánh Thần, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ mang lại kết quả tràn trề dù chúng ta không thấy. Đừng đọc những lời kinh quí báu này theo thói quen mà hãy đọc với con tim tràn đầy tâm tình biết ơn. Hãy để cho Thánh Thần biến chúng ta thành con thảo của Chúa Cha, chúng ta mới đủ sáng suốt và can đảm thực hiện ý Cha dưới đất cũng như trên trời.

Hôm nay, trong Hiến Tế Tạ Ơn và mỗi ngày, chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu có mặt nơi Bí tích Tình Yêu, nguyện xin như Chúa đã dạy và chúng ta sẽ lãnh nhận Ngài trong thân xác hay chết của chúng ta, như một của ăn, để sống trong Ngài, yêu mến Ngài tha thiết hơn. Đó là hạnh phúc Ngài ban tặng cho chúng ta, là “lương thực hằng ngày” mà chúng ta vẫn cầu xin.

 

home Mục lục Lưu trữ