Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 59
Tổng truy cập: 1364346
KÍNH MÉN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ
Kính mến Chúa trên hết mọi sự – Cao Huy Hoàng
Vượt qua
Mỗi giây phút trong cuộc sống, có thể nói được là một cuộc vượt qua, liên tục những cuộc vượt qua, nối dài thành một cuộc vượt qua to lớn nhất đối với mỗi con người đó là vượt từ sự sống hữu hạn đến cuộc sống vô biên, vĩnh cửu. Vì, được sinh ra trên trần gian, là để vượt qua cái trần gian nầy mà trở về với nguồn cội duy nhất là Thiên Chúa. Nhưng để vượt qua được những lớp hàng rào cản dày đặc của những giá trị trần thế, và nhất là của chính cõi lòng mơ màng ảo tưởng của ta thì không dễ chút nào, bởi vì những giá trị ấy luôn có sức cuốn hút lạ kỳ đến nỗi ta kéo ta chùng xuống, giam hãm ta trong cõi hồng trần, làm cho ta nặng nề không thể cất cánh bay lên được, không thể vượt qua được.
Từ bỏ tiêu cực
Có thể nói một cách tiêu cực rằng: Dù cho mọi thụ tạo trên trần gian có giá trị đến đâu, có xinh đẹp và đầy quyến rũ đến đâu, có ý nghĩa đến đâu, kể cả thân xác mình…nếu ta cố bám víu lấy nó, nếu ta không buông bỏ nó, thì nó cũng đã bỏ ta trước. Không ai giữ được cho mình cái mình đang có cho đến ngàn thu, bởi vì tất cả những gì mình đang có đều có thời hạn của nó: thời hạn của sắc đẹp, thời hạn của sức khỏe, thời hạn của kinh tế tài sản vật chất và kể cả thời hạn của một hạnh phúc gia đình trần gian. Có thể mỗi người đếu đã có một trải nghiệm về sự phủ phàng của thời gian, của tình yêu, của tiền bạc và của tất cả những gì có thể gọi được là “không gì cả”. Vâng khái niệm hư không, và sự phũ phàng, bội ước của của cải vật chất thế gian trong cựu ước và của một vài tôn giáo mới chỉ dừng lại ở một mức tiêu cực: hãy buông bỏ tất cả, vì ta không buông bỏ nó, nó cũng rời xa ta; tất cả chỉ là phù vân.
Từ bỏ tích cực
Trong trang tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa chúng ta lên một tầm cao mới về tính tích cực của sự từ bỏ: Không đợi các giá trị trần thế bỏ ta, nhưng chính chúng ta phải từ bỏ những giá trị trần thế ấy trước khi sự phũ phàng xảy đến. Từ bỏ Cha Mẹ, vợ con… và cả mạng sống mình, không phải vì không có giá trị, không phải vì Cha Mẹ, vợ con và mạng sống mình là xác đất vật hèn hay hư nát, nhưng vì để dành trọn chính mình cho Thiên Chúa, và cho sứ vụ Ngài giao: Cứu rỗi mình và cứu rỗi nhân loại…. Tính tích cực của Tin Mừng cũng cho thấy tính triệt để dành cho người theo Chúa Kitô- một Thiên Chúa Ngôi Hai đã từ bỏ Ngôi Vị của mình là Thiên Chúa, để mặc lấy một con người thật, nhưng là người mẫu công chính của Thiên Chúa Cha trong Nước Thiên Chúa. Tôi không muốn hiểu là phải bỏ cha bỏ mẹ theo kiểu hiểu của lương dân Việt Nam đối với giáo lý công giáo, nhưng tôi muốn hiểu là nếu cha mẹ anh chị và các giá trị trần thế làm vật cản tôi đến với Chúa và đến với ơn cứu rỗi thì chắc chắn là tôi phải triệt để tuân hành luật từ bỏ của Chúa. Cũng vậy, luật từ bỏ đòi hỏi tôi luôn đứng trước một sự chọn lựa giữa Thiên Chúa, với trần gian; giữa ơn cứu rỗi với sự chết ngàn thu, giữa cái thiện và cái ác, giữa điều có lợi cho cái vĩnh cửu và cái vô bổ vô ích…
Từ bỏ là tỉnh thức trước nguy cơ li tán
Một sự lựa chọn sáng suốt không dễ dàng tí nào, nếu tôi không trọn vẹn lòng tin cậy mến dành cho Thiên Chúa dưới ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần.Tôi phải tỉnh táo luôn luôn trước nguy cơ li tán giữa tôi và Thiên Chúa, vì các giá trị trần gian luôn lôi kéo lòng tin cậy mến của tôi về phía chúng nó. Một cha xứ miền quê nọ than phiền rằng: có điện thật có hại, vì khi có điện, ai nấy lo sắm cho mình một cái ti vi, mà chương trình ti vi chiều nào cũng có những cuốn phim tình cảm dài nhiều tập hay đáo để được phát vào ngay giờ lễ. Thế là nhà thờ trở nên vắng người tham dự thánh lễ, may ra còn giữ được lễ ngày Chúa nhật. Có một lần ngồi với anh em phan sinh trước sân nhà xứ, nhìn lên mái nhà, tôi thấy một mạng nhện thật lớn, có cả năm bảy con con ve sầu nằm chết khô trong trung tâm mạng nhện. Tôi nghĩ đến tôi. Có thể tôi cũng đang là một trong những con ve sầu ấy. Con nhện trần gian cuốn tôi vào và giam tôi chết khô trong đó. Nó đã giăng bẫy tôi, bắt đầu bằng những sợi tơ rất mong manh, nhưng khi đã vướng vào chỉ cần một sợi tơ khó thấy ấy, là tôi có thể lạc vào cả một huyệt động không đường thoát thân. Tình cảnh con ve sầu tôi thật bi đát. Như vậy, từ bỏ triệt để phải được bắt đầu bằng việc cắt đứt ngay những sợi tơ ban sơ, nhỏ nhất, mong manh nhất, khó thấy nhất, dễ lầm tưởng nhất. Đôi khi tôi tự mâu thuẫn, khi có những quyết định thật hoành tráng, quyết định yêu mến và dâng hiến trọn vẹn cho Chúa chẳng hạn, mà không cắt đứt nỗi một sợi tơ đam mê. Tôi đang nói dối mà tôi vẫn không hề hay biết.
Từ bỏ là vác thập giá
Thập giá trở thành Thánh giá cứu rỗi tôi, chỉ khi nào tôi biết thu hồi niềm tin cậy mến mà tôi đã đặt trọn vẹn vào những giá trị trần thế, để đặt lại đúng chỗ niềm tin cậy mến của tôi vào Chúa Giêsu Kitô cứu thế. Tôi không ảo tưởng là tôi có thể vác thập giá của Chúa, hay thập giá của anh em, khi tôi chưa vác nổi thập giá của tôi, chính là sự chiến đấu và chiến thắng các cuốn hút của những giá trị trần thế. Chúa Giêsu biết điều răn thứ nhất của Thiên Chúa đã dạy: “Kính mến Chúa trên hết mọi sự” là một thách đố lớn cho con người của mọi thời đại, nên, thiết nghĩ, Thập giá mà Chúa muốn người theo Chúa phải vác trên vai, chính là sự chấp nhận buông bỏ cách dứt khoát, cách triệt để những cái không-là-gì-cả so với sự sống vĩnh cửu, sự sống và sự sống giàu sang dồi dào trong Thiên Chúa, với Thiên Chúa. Chấp nhận buông bỏ tất cả không lưu luyến, không tiếc nuối, để dành cho Thiên Chúa, đúng là một thập giá thật nặng nề cho con người. Nhưng khi đã chấp nhận buông bỏ được tất cả, thì thập giá ấy lại là niềm vinh dự và là phần thưởng cao quí cho ta: Sống cuộc sống vĩnh cửu ngay khi còn trong tình trạng hữu hạn. Buông bỏ, vác thập giá, ngay hôm nay chính là vượt qua trước cái tình trạng hư vong để tiến vào cung lòng Thiên Chúa hằng sống, hằng hữu, để được hằng sống và hằng hữu với Ngài.
Lời Chúa Giêsu dạy cho chúng ta hôm nay, tưởng như nghe chói tai, kỳ cục, và bất thường với đời sống gia đình xã hội, nhưng thật ra là lời mặc khải tình yêu tha thiết của Thiên Chúa Cha, muốn quy tụ tất cả vào trong tình yêu của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con chỉ tôn thờ và kính mến một mình Chúa. Xin thu hồi lại niềm tin cậy mến mà chúng con đã đặt lung tung vào những giá trị phàm trần hữu hạn. Xin cho chúng con chu toàn điều răn thứ nhất quan trọng: ” Kính mến Chúa trên hết mọi sự”. Amen.
55. Từ bỏ.
Con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý. Một trong những cái nghịch lý là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều kiện đó, là phải từ bỏ tất cả: của cải, cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính bản thân mình. Đó là điều kiện gắt gao, cho nên cần phải tính toán, suy xét thật cẩn thận. Điều kiện này không phải Chúa chỉ nói với các môn đệ mà với tất cả đám đông đang nghe Chúa giảng dạy. Và như vậy đây là điều kiện cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh của nền văn minh vật chất hiện nay.
Trước hết, Chúa Giêsu cho biết: muốn đi theo Chúa, muốn làm môn đệ Chúa phải từ bỏ tất cả, nghĩa là phải chọn Chúa trên hết mọi sự, trên cả những tình cảm thân thương nhất, cả chính bản thân cũng như vinh quang và của cải trần gian này. Đây là một đòi hỏi mang tính chất khác thường, ngược đời và khó chấp nhận, nên Chúa đã đưa ra hai dụ ngôn để minh họa và giải thích: Cũng như người muốn xây tháp hay xây nhà: trước khi xây phải tính toán cẩn thận: có xây hay không? Xây lúc này hay xây lúc khác? Xây ở đâu? Để làm gì? Rồi vấn đề tiền bạc, công thợ, vật liệu thế nào? Có giải quyết được những vấn đề đó mới nên khởi công, bằng không thì thôi. Thà đừng xây còn hơn là xây rồi mà bỏ dở dang. Cũng vậy, một ông vua hay một ông tướng sắp lâm trận, phải biết lượng sức mình, đánh giá đúng khả năng của mình: so đo lực lượng hai bên, phải biết tinh thần quân sĩ, phải nắm vững tình thế: thiên thời, địa lợi, nhân hòa… Có nắm vững được những yếu tố thuận lợi cho mình mới nên cất quân đi đánh giặc, bằng không phải tính toán cách khác, kẻo cất quân đi đánh mà bị thua thì vừa mất quân vừa thiệt hại.
Những người muốn đi theo Chúa cũng vậy, phải biết tính toán cẩn thận và chọn lựa dứt khoát. Tại sao vậy? Bởi vì con đường theo Chúa là con đường từ bỏ: từ bỏ hết, từ bỏ tất cả, từ bỏ hoàn toàn. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn xây tháp, xây nhà phải có tiền. Muốn thắng trận, phải có lính. Muốn theo Chúa, không cần có gì hết, nhưng phải từ bỏ mọi người ruột thịt và mọi của cải mình có. Từ bỏ tất cả để theo Chúa, nghĩa là coi Chúa hơn tất cả mọi người, hơn tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa mà thôi.
Điều kiện này có khó quá không? Dĩ nhiên là khó. Nhưng không phải là không thực hiện được. Bằng chứng là các tông đồ Chúa kêu gọi, các ông mau mắn, dứt khoát đi theo Chúa, dù phải bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp. Tiếp theo các tông đồ, từ xưa cho đến nay, biết bao nhiêu người đã sống đời tận hiến, bước đi theo Chúa trong ơn gọi linh mục, tu sĩ, cống hiến cả cuộc đời cho Chúa và tha nhân… Có biết bao người đã sẵn sàng chịu đau khổ, thử thách và hy sinh cả mạng sống vì danh Chúa Kitô như các thánh tử đạo.
Nhưng đối với phần đông chúng ta, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ của cải, cha mẹ, gia đình, vợ con, nghề nghiệp để đi tu. Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải biết từ bỏ mình. Từ bỏ mình không có nghĩa là hành hạ mình, nhưng là từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ước muốn xấu của ý chí, những lời nói cay chua của cơn tức giận, những tư tưởng kênh kiệu độc đoán của thái độ tự phụ bất chính. Nói khác đi, từ bỏ chính mình có nghĩa là từ bỏ tham, sân, si. Tham là tính tham lam: tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế. Chính cái tham ấy xô đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, gây tranh giành đố kỵ và làm khổ lẫn nhau. Sân là tính nóng nảy, thường thúc đẩy chúng ta làm những sự bất công. Sân cũng là giận. Giận mất khôn, khiến chúng ta không làm chủ được mình, dễ trở nên hung bạo, gây tai ương và đau khổ cho người khác. Si là ngu muội, tối tăm, mê mẩn. Vướng phải khuyết điểm này chúng ta thiếu sự phán đoán, sự suy luận đúng đắn, ít phân biệt được điều hay lẽ phải, khư khư sống trong thành kiến sai lầm. Hơn nữa, còn mê man những cái không đáng, những cái phù du giả dối, những cái có vẻ tốt đẹp bên ngoài mà bên trong xấu xa, thối nát. Đối với nhà Phật, phải diệt tham lam, diệt sân nộ, diệt mê si. Diệt là dứt bỏ, dứt bỏ dần dần và rồi hủy bỏ dứt khoát. Đối với chúng ta là từ bỏ chính mình, có nghĩa là không làm theo ý thích ý muốn của mình khi điều đó trái với ý Chúa. Từ bỏ như vậy để chỉ sống cho Chúa và tha nhân.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy kiểm điểm: sống là lựa chọn, mà lựa chọn tức là từ bỏ những cái mình không chọn. Thái độ từ bỏ và dứt khoát đó lại càng cần đối với việc chọn Chúa, chọn nước trời, chọn những việc đẹp lòng Chúa và làm chứng cho Chúa. Bấy lâu nay chúng ta có thái độ dứt khoát đó không hay chúng ta muốn ôm đồm tất cả và cũng tiếc rẻ tất cả? Bấy lâu nay có phải chúng ta đã theo Chúa để tìm lợi cá nhân, tiền bạc, danh vọng hoặc địa vị và một số những cái lỉnh kỉnh khác, chứ thực sự chưa có thái độ lựa chọn dứt khoát vì Chúa, vì tình thương, vì tình người, vì nước trời… có phải vậy không?
Trong xã hội chạy theo văn minh vật chất và thích hưởng thụ này, có những người giàu, có chức vị, có tiền của, có nhiều phương tiện, nhờ có tinh thần từ bỏ mình, quên mình, đã biết lợi dụng những cái đó để làm ích cho kẻ khác, để xây dựng công ích, để mở Nước Chúa. Trái lại, cũng trong hoàn cảnh như vậy, kẻ không có tinh thần từ bỏ, quên mình, thì đã lợi dụng của cải, tiền bạc, tự do, tiện nghi, để hưởng thụ cho chính bản thân mình, đã không làm lợi cho kẻ khác, cho Hội thánh, cho đồng bào, cho đất nước… Chúng ta vào số người nào?
Để từ bỏ được chính mình như thế, cần phải có thật nhiều ơn Chúa và một sự can đảm vô bờ. Vì khi từ bỏ là chúng ta sẽ cảm thấy như bị thua thiệt rất nhiều ở đời này. Vì thế, từ bỏ được mình, quên mình, nói thì dễ nhưng thực hành thì không dễ dàng, nếu không có ơn Chúa trợ giúp thì không ai có thể thực hành được. Cho nên, chúng ta phải cầu xin Chúa và cố gắng rất nhiều.
56. Cuộc xuất hành mới – Đỗ Lực, OP
Theo Tin Mừng Luca, chúng ta đồng hành với Ðức Kitô về Giêrusalem. Ðó là lúc Chúa hướng tới cuộc Khổ nạn và mầu nhiệm Vượt qua, tới cuộc “vượt qua” như đã nói trong trình thuật Hiển Dung: Ðức Kitô biến hình “đàm đạo với ông Môsê và Êlia về cuộc xuất hành chắc chắn sắp xảy ra tại Giêrusalem.” (x. Mt 17:1-8; Mc 9:2-8)
Chính trên chặng đường này, Ðức Giêsu đưa ra những lời khuyên rõ ràng cho những ai muốn theo Người: “Nếu ai muốn theo tôi…” (Lc 14:26-27) Những lời Chúa nói tuần này thực khó nghe! Ðó là những lời khiến chúng ta phải “xuất hành,” nghĩa là phải dứt bỏ thế gian để được giải thoát và sống tự do, theo kiểu xuất hành khỏi Ai cập và thoát khỏi ách nô lệ xưa.
Vậy đâu là những lời Ðức Giêsu khuyên những người muốn theo Người?
LÊN ÐƯỜNG
Chắc chắn khi lên đường trốn khỏi Ai cập, dân Chúa đã phải bỏ lại tất cả sự nghiệp, của cải, nhà cửa, có khi cả người thân lại đằng sau. Nếu không nhẹ gánh, họ không thể lên đường nhắm thẳng tới Ðất Hứa. Muốn theo Ðức Kitô, người môn đệ cũng phải làm một cuộc xuất hành tương tự. Trước hết, họ phải dứt bỏ những mối liên hệ gia đình. Ðây là một cuộc dứt bỏ sâu xa nhất và khó khăn nhất. Cuộc dứt bỏ này không mang tính tiêu cực hay phủ nhận những giá trị căn bản của con người. Nhưng cuộc dứt bỏ này cần thiết như một khởi điểm giúp người môn đệ có thể hướng thẳng về Ðất Hứa. Không dứt bỏ gia đình, không thể tự do theo Chúa. Chỉ khi nào nhận ra Chúa là giá trị tuyệt đối, vượt trên mọi liên hệ gia đình, con người mới có thể hoàn toàn dồn hết tâm lực vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Quyết định làm môn đệ Chúa Kitô đòi hỏi một lựa chọn tuyệt đối, không khoan nhượng. Tin Mừng hôm nay mạnh mẽ nhắc lại điều đó. Ðề nghị của Chúa Giêsu không nhằm tách biệt những người thợ Nước Trời khỏi gia đình. Ðối với Ðức Giêsu, điều quan trọng là phải mở rộng tầm nhìn tới những chân trời rộng lớn hơn. Chính lúc yêu mến Chúa Kitô hơn cha mẹ, anh em, chúng ta có khả năng yêu mến họ một cách khác, yêu họ bằng một tình yêu vô vị lợi và sạch hết mọi dấu hiệu chiếm đoạt hay ích kỷ thường hay chi phối các mối liên hệ của chúng ta. Chọn Chúa Kitô là đáp trả lại lời mời gọi rất mạnh bạo, không cho ta trì hoãn một giây phút nào. Phải luôn cấp thiết đáp trả lại lời mời gọi của Tin Mừng. Trì hoãn chỉ xoi mòn hay làm hư con người, những khát vọng, đam mê, ơn gọi của mình.
Gia đình vẫn chưa phải là giá trị lớn nhất người môn đệ phải từ bỏ. Giá trị lớn nhất có lẽ là chính cái tôi của mình. Có thể tất cả mọi sự đều trở thành vô nghĩa trước cái tôi. Bởi thế, Chúa mới đòi hỏi gắt gao: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14:27) “Thập giá mình” lộ diện khi búa rìu dư luận xối xả bổ xuống đầu chúng ta. Một sớm một chiều tất cả thanh danh có thể tan ra mây khói. Làm sao chịu đựng nổi khi phải chịu “xỉ nhục” hay mất hết tiếng tăm vì Ðức Kitô, mà “không hổ thẹn vì Người”? Sống giữa xã hội Hồi giáo hay Âu Mỹ đang tục hóa, các Kitô hữu can đảm chừng nào mới có thể hy sinh theo Ðức Kitô! Theo thánh Ghêgôriô, cứu cánh đời người là “làm cho mình nên giống Thiên Chúa.” Muốn thế, cần phải có “một cuộc hành trình lâu dài, một cam kết kiên định. Nhờ đó, tín hữu chiến đấu không ngừng để thực hành các nhân đức và đạt đến ân sủng lớn lao hơn. Ðó là một tiến trình “Thiên Chúa liên lỉ mở rộng những khả năng cho linh hồn.” ÐGH Bênêđictô nói, thánh Grêgôriô khuyên dạy các môn đệ noi gương Ðức Kitô “hình ảnh tuyệt hảo của Chúa Cha, là mẫu điển hình và là thày chúng ta.” [i] Khi tâm hồn có những khả năng vô giới hạn, thì cái tôi của mình không có lý do gì ngừng lại để tự mãn với chính mình.
Trong cuộc đời thường, ai không cần của cải để sống? Nhưng ở đây, Chúa đòi hỏi người môn đệ phải dứt khoát quyết liệt hơn, vì về một phương diện nào đó, của cải cản trở con đường loan báo Tin Mừng. Làm sao dồn tất cả chí thú vào của cải con người còn có thể gắn bó với Ðức Kitô? Làm sao đã coi tất cả của cải là phương tiện duy nhất bảo đảm cuộc sống, con người lại có thể hoàn toàn phó thác cho Chúa Kitô để trở thành môn đệ đích thực của Người? Nếu Ðức Kitô là tất cả, người ta không thể sở hữu hay chiếm hữu tất cả mà vẫn hướng về Người. Thực tế, có rất nhiều người đã hy sinh gia đình và bản thân, nhưng lại không thể bỏ của cải. Trái lại, họ còn sẵn sàng dùng mọi mưu kế lừa gạt và trù dập anh em để bước lên đài danh vọng. Chưa dứt khoát với của cải, làm sao có thể theo Chúa Kitô đi giải thoát nhân loại?
Muốn theo Ðức Kitô, cần phải biết Chúa dẫn mình tới đâu và phải có những điều kiện nào. Không từ bỏ tất cả, cuối cùng con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt hay luẩn quẩn mãi với cái tôi của mình. Cuối cùng, nhìn lại chẳng thấy Chúa đâu, chỉ thấy mình mà thôi! Bởi thế, phải tính toán thật kỹ, y như xây nhà và đánh trận vậy! Xây nhà hay đánh trận, cả hai đều cần thiết cho cuộc sống. Cả hai đều cần có những tính toán rất cẩn thận. Nếu không, sẽ ảnh hưởng tới mọi người, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
Công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa còn lớn lao hơn. Một tay phải xây dựng. Một tay phải lo chiến đấu. Bởi thế, người môn đệ càng cần đến sự khôn ngoan Thiên Chúa. Sự khôn ngoan đó chính là Thánh Linh do Ðức Kitô trao ban. Chỉ Thánh Linh mới có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan sáng suốt và sức mạnh chu toàn sứ vụ. Thực thế, Thiên Chúa quan phòng để “con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.”(Kn 9:18) Nếu không, con người sẽ lạc hướng và đánh mất cứu cánh cuộc đời.
TỰ DO THEO CHÚA
Nhờ Thánh Linh, sau khi từ bỏ mọi sự, người môn đệ mới có thể tự do bay trên đường theo Chúa. Có tự do, con người mới có thể hy sinh đáp lại ơn gọi của Chúa một cách tự nguyện và vui tươi. Tự do là một hồng ân cao quý nhất của con người. Chính Tin Mừng đem lại tự do và ý nghĩa cho cuộc sống. Chính vì muốn bảo vệ tuyệt đối giá trị cao cả đó, Ðức Giêsu đã có những lời đinh tai nhức óc cho các môn đệ: “Nếu không ghét cha mẹ, vợ con, của cải và cả mạng sống, bạn không thể làm môn đệ tôi.” (Lc 14:26) Lý do, vì những thực tại này dễ dàng cầm chân môn đệ.
Giữa hoàn cảnh không ai thèm đếm xỉa hay vi phạm trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị, người môn đệ phải phấn đấu tới mức nào mới đủ khả năng giải thoát đồng loại? “Những hoàn cảnh mù quáng và bất công đó làm tổn thương đời sống đạo đức và làm cho những người khỏe mạnh cũng như đau yếu sa chước cám dỗ mà phạm tội nghịch đức bác ái. Khi sống xa luật đạo đức, con người xâm phạm tự do của mình, tự nhốt chính mình, phá vỡ tình đồng loại và chống lại chân lý Thiên Chúa.”[ii] Tất cả đều do bất công.
Không gì phi nhân và trái đạo đức bằng những hành vi bất công xã hội. Bởi đó, “đẩy xa bất công là cổ vũ tự do và phẩm giá con người: tuy nhiên, “việc phải làm trước tiên là kêu gọi cá nhân vận dụng khả năng tinh thần và đạo đức cũng như cần liên tục sám hối nội tâm, nếu người ta muốn thực hiện những thay đổi về kinh tế và xã hội để thực sự phục vụ con người.”[iii] Nói khác, tất cả mọi cải tổ đều bắt đầu từ nội tâm. Không xây trên nền tảng đạo đức, mọi tiến bộ đều trở thành vô nghĩa và vô ích.
Cái gì bảo đảm những tiến bộ hôm nay đem lại lợi ích sâu xa, thực tiễn và lâu dài cho nhân loại? Không theo hướng đạo đức, các tiến bộ khoa học chỉ nô lệ hóa và trở thành mối nguy cho nhân loại. Không phải nhân loại thiếu kỹ thuật hay nhân sự, nhưng thiếu chính linh hồn cho nền văn hóa và văn minh nhân loại hôm nay. Không đạo đức, tiến bộ đi đến chỗ phi nhân, cuồng loạn. Xã hội gồm toàn những con người cô đơn, bệnh hoạn. Bởi thế, “trong thời đại toàn cầu hóa, muốn ổn thỏa thống nhất toàn bộ, con người phải bảo vệ nhân quyền. ‘Về phương diện này, không những hình ảnh chưa được hoàn chỉnh về một công quyền quốc tế hiệu lực để phục vụ con người, nhưng thực tế còn nhiều do dự trong cộng đồng quốc tế về bổn phận phải tôn trọng và thực thi đầy đủ nhân quyền. Chúng ta đang chứng kiến một khoảng cách đáng lo ngại giữa một loạt những ‘quyền’ mới được cổ vũ trong các xã hội tân tiến – hệ quả sự phồn thịnh và kỹ thuật mới – và các quyền làm người cơ bản còn chưa đạt được trong hoàn cảnh kém phát triển.’”[iv] Nhân loại đang nỗ lực xây dựng một tòa nhà chọc trời, nhưng không lo chuẩn bị một ông chủ xứng đáng cho ngôi nhà đó. Kết quả rỗng tuếch.
Vì quá chú tâm làm giàu về mọi phương diện, con người quên mất hướng sống cần thiết cho cuộc đời. Ngược lại, vì muốn trang bị cho các môn đệ một khả năng giải thoát nhân loại, Chúa Giêsu kêu gọi từ bỏ mọi sự theo Người. Nếu không, lịch sử nhân loại sẽ đi đến chỗ bế tắc. Muốn tạo lập ý nghĩa và giá trị đích thực cho cuộc sống, con người phải tìm đến Người. Thực vậy, “Chúa Giêsu là nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới. Trong Người, chúng ta thấy sung mãn “hình ảnh Thiên Chúa.” (2 Cr 4:4) Thiên Chúa đã làm sáng tỏ trên cây thập giá của Ðức Kitô tất cả chứng từ dứt khoát của tình yêu.
QUÊ HƯƠNG CHẮP CÁNH
Ngày nay quá nhiều chợ trời đang họp trên mạng. Giữa cảnh bát nháo đó, Tin Mừng rao giảng cho ai? Có ai còn nhớ Chúa Kitô không?! Người ta nhằm đích danh từng người anh em để hạ nhục và bôi nhọ. Làm như thể chỉ mình mới là người công chính, còn những kẻ khác đều phải ăn năn sám hối, vì không cùng lập trường với mình.
Nếu là môn đệ đích thực của Chúa Kitô, chúng ta phải đấm ngực mình trước tiên. Kêu gọi người khác sám hối theo chiều hướng mình, chứ chắc gì theo Chúa Kitô, người ta đã vô tình làm hại đến danh dự Giáo Hội và sỉ nhục thánh danh Chúa Giêsu. Người kêu gọi chúng ta theo Người, chứ không theo bất cứ ai, dù người đó có quyền chức cao sang và thánh thiện tới mấy.
Muốn theo Chúa Kitô, phải hoạt động tranh đấu cho nhân quyền. Thực vậy, “nơi Người lịch sử giữa Thiên Chúa và con người được hoàn thành. Nói khác, Ðức Giêsu bày tỏ rõ ràng và dứt khoát đường lối Thiên Chúa hành động cho con người, cả nam lẫn nữ,”[v] có đủ tư cách làm người. Thiên Chúa lo lắng cho từng người.
Trước tình trạng đất nước hôm nay, những người con của Mẹ Việt nam phải làm gì? Tới nay, tiếng Chúa vẫn vang lên: “Ai muốn theo tôi…”
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết từ bỏ mọi sự để tự do theo Chúa trên mọi nẻo đường. Amen.
————————————————-
[i] CWNews.com 05.09.
[ii] Giáo Lý Công Giáo, 1740
[iii] Hội Ðồng Giáo Lý Ðức tin, Giáo Huấn Libertatis Conscientia, 75: AAS 79, trích lại từ Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội 2005, số 450.
[iv] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội 2005, số 365.
[v] Ibid, số 28.
57. Từ bỏ.
Nếu có dịp đọc kỹ các sách Tin Mừng chúng ta thấy: Một trong những đòi hỏi dường như khó khăn nhất của Chúa Giêsu đối với những môn đệ hay những kẻ theo Ngài có lẽ là việc từ bỏ. Quả thật, từ bỏ một ít, hay từ bỏ những cái phụ thuộc bên ngoài xem ra còn dễ, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đòi hỏi những ai theo Ngài không những phải từ bỏ những tình cảm sâu xa nhất, tình nghĩa ruột rà máu mủ, mà còn phải từ bỏ cả chính bản thân của mình: “Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể là môn đệ của Ta”. Chắc hẳn đây là một thách đố rất lớn và thật khó hiểu đối với mỗi người chúng ta, mặc dù chúng ta là những người đã dấn thân theo Đức Kitô. Thế thì chúng ta phải hiểu lời Chúa Giêsu nói hôm nay như thế nào?
Trước tiên, chúng ta thấy những lời Chúa Giêsu nói hôm nay được lồng vào cuộc hành trình lên Giêrusalem, và bằng một động tác có tính biểu tượng, Đức Giêsu “quay lại” phía đám đông cùng đi đường để dạy họ bài học về điều kiện phải có để làm môn đệ Ngài.
Thật vậy, chỉ đến với Đức Giêsu thôi chưa đủ. Đi theo Ngài bao gồm phải chấp nhận để cho những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng khuấy động lối sống của chúng ta: cách riêng trong phạm vi những mối liên hệ gia đình, và sử dụng của cải vật chất là đề tài quen thuộc của Luca. Ở đây, chúng ta sẽ nói tới “liên hệ gia đình”.
Về vấn đề này, Đức Giêsu tuyên bố không úp mở: Những ai đến với Ngài mà không ghét bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ Ngài. Ở đây, Luca dùng động từ Hy Lạp có nghĩa là “ghét bỏ” để diễn tả một lối nói nguyên thủy bằng tiếng Aram, một thứ ngôn ngữ vốn không có từ so sánh. Một kiểu nói mạnh mà soạn giả Tin Mừng dịch là dứt bỏ, hay “thương ít hơn”. Như thế từ ghét bỏ ở đây không có nghĩa thù ghét, loại trừ như chúng ta quen dùng, nhưng ghét bỏ ở đây có nghĩa là “thương ít hơn”. Thánh Matthêu nói cách rõ ràng hơn: “Kẻ nào yêu cha mẹ, yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta”.
Như vậy tất cả những mối liên hệ của nhân loại dù chính đáng và thâm sâu đến đâu, ngay cả đến mạng sống con người đi nữa, đều phải phụ thuộc vào mối liên hệ của họ với Đức Kitô.
Hiểu như thế, chúng ta thấy việc từ bỏ để đi theo Đức Kitô không phải là gánh nặng, không phải là một sự liều lĩnh đến nỗi phải đi ngược lại với tình cảm tự nhiên vốn có nơi con người. Điều Đức Giêsu đòi hỏi ở đây là phải dành cho Người địa vị ưu tiên hàng đầu, ưu tiên số một, nghĩa là phải yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Đòi hỏi của Đức Giêsu ở đây không cho phép chúng ta xem nhẹ những liên hệ gia đình, liên hệ giữa người với người, nhưng Ngài muốn kêu gọi mỗi người chúng ta phải nuôi dưỡng và đến với tất cả những tình cảm đó xuyên qua tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.
Như thế, trở lại với cuộc sống đời thường, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần có thái độ như thế nào và tâm tình gì trước lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay?
Chúng ta biết rằng: Kitô hữu là những người đã chọn con đường bước theo Đức Giêsu, chấp nhận đi theo Ngài là chấp nhận đi vào con đường hẹp, con đường từ bỏ. Ngài đòi hỏi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài, yêu Ngài trên hết mọi sự, trên những người thân yêu, trên cả của cải, tinh thần, vật chất, trên mạng sống mình, trên cả hiện tại và tương lai. Những điều này thật đáng trân trọng, nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối khi sánh với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Kitô hữu là người phải sống từ bỏ như Đức Giêsu: “Ngài vốn là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế”. “Ngài đã vâng phục ý Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết ô nhục trên thánh giá: “Nếu có thể được thì xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”.
Ngoài ra khi nhìn vào lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy có biết bao tấm gương khác đã đi trọn con đường từ bỏ này: một Phanxicô Assisi, một con người có thể nói được là sống trên nhung lụa, nhưng đã từ khước tất cả, cả ý định của người cha, và cuối cùng dám lột bỏ cả y phục của mình trả lại người cha để bước theo tiếng gọi của Đức Giêsu. Hay là như một Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, để theo đuổi lý tưởng tận hiến cho Đức Kitô, và cuối cùng đã trở thành một vị đại thánh của Giáo Hội. Gần và cận kề chúng ta hơn có lẽ phải nói tới vị anh hùng tử đạo Việt Nam, thánh Nguyễn Hy Mỹ, trước tòa án Nam Định, các quan dùng tình nghĩa vợ chồng con cái để làm lung lạc tình yêu ngài, nhưng vị tử đạo trả lời: “Vợ con tôi, tôi yêu thật, song tôi còn hy vọng sum họp với gia đình thân yêu trên thiên đàng”.
Tất cả mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây, chắc chắn mỗi người có hoàn cảnh riêng, khả năng riêng, và một sở thích riêng… không ai giống ai, nhưng mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi để dấn bước theo Ngài. Chắc chắn Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì vượt quá sức của chúng ta. Điều mà Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta hãy sống tốt giây phút hiện tại của đời mình trong tương quan với thế giới, và với mọi người xung quanh xuyên qua tình yêu của Ngài.
Cầu chúc tất cả anh chị em luôn sống trong tình yêu Chúa, và lấy Chúa làm đích điểm cho đời mình, để trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta có thể thốt lên như lời của thánh tông đồ Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.
58. Điều kiện làm môn đệ Chúa Kitô
(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, tuy ngắn, nhưng có một câu được lập lại ba lần: “thì không thể làm môn đệ tôi được”. Lời tuyên bố trên của Đức Giêsu hướng dẫn bài suy niệm của chúng ta hôm nay về những điều kiện phải có để trở thành môn đệ của Người.
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa… Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Đây là một trong những đoạn Tin Mừng khó hiểu và khó nghe: làm thế nào để dung hòa được tình yêu bao la của Thiên Chúa với sự tàn nhẫn của đoạn văn vừa nghe mà chúng ta phải loan báo như một Tin Mừng? Làm thế nào để dung hòa được lòng nhân hậu của Đức Giêsu với những lời tuyên bố làm cho chúng ta liên tưởng đến một số đầu óc bè phái phải từ bỏ ý muốn riêng để nghe theo một cách mù quáng thủ lãnh của mình?
Để dung hòa những điều trên có vẻ mâu thuẫn, chúng ta cần phải hiểu thế nào là đi theo Đức Giêsu, để trở nên môn đệ Người. Câu tuyên bố của Đức Giêsu, chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa bóng. Chúa không bảo chúng ta ích kỷ, coi thường cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em mình và bao điều tốt đẹp khác! Chúa cũng không muốn chúng ta chểnh mảnh bổn phận đối với gia đình và xã hội. Chính Đức Giêsu đã nhắc lại điều răn thứ bốn Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Mt 15:4).
Từ bỏ mọi sự để theo Chúa không có nghĩa là từ bỏ hạnh phúc của mình. Chúa muốn những ai theo Người phải biết đặt bậc thang giá trị trong tình yêu: yêu Chúa trước nhất, rồi sau đó mới đến các tình yêu khác; tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa phải là nguồn mạch các liên hệ tình cảm khác. Một khi đã gắn bó mật thiết với Chúa Kitô thì hẳn nhiên chúng ta sẽ có một thái độ khác đối với các liên hệ gia đình, bạn bè và xã hội, đối với của cải vật chất và đối với chính mạnh sống của mình.
Hai dụ ngôn “xây cây tháp” và “cuộc giao chiến” cho chúng ta biết thế nào là dấn thân theo Chúa Kitô. Không ai khởi sự xây nhà nếu biết mình không đủ vật liệu để hoàn tất. Một ông vua không nên đi giao chiến nếu biết quân địch đông và mạnh gấp đôi quân của mình. Đời sống Kitô hữu giống như một cuộc xây dựng phải hoàn thành, và đồng thời giống như một cuộc giao chiến trường kỳ. Hai công việc khó khăn nhưng rất quan trọng nầy đòi hỏi sự suy nghĩ chín chắn và kiên trì.
Chúng ta thường làm tổng kết cuối năm, biết tính toán và dự kiến cho những công việc loài người, nhưng chúng ta có biết thỉnh thoảng ngồi lại một mình hoặc với người khác, để suy nghĩ, kiểm điểm đời sống đạo đức, để phân định được những hành động của mình có đúng với giáo huấn của Chúa Kitô hay không? Đó là mục đích của các cuộc tỉnh tâm (Linh thao, Cursillo, v…v…).
Tùy theo ơn gọi riêng của mỗi người, tất cả chúng ta đều được kêu mời bước theo Chúa Kitô để làm môn đệ Người, vì chỉ có Người mới có thể đem lại niềm vuui, bình an và hạnh phúc thật sự.
Các tin khác
.: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025) .: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam