Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 28
Tổng truy cập: 1374258
LAGIARÔ SỐNG LẠI
Lagiarô sống lại.
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ của R. Veritas)
Hôm nay đã là Chúa Nhật V Mùa Chay và Chúa Nhật tới đây là Chúa Nhật Lễ Lá bắt đầu Tuần Thánh. Tuần chúng ta được mời gọi suy niệm nhiều hơn và cử hành mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay như là một chuẩn bị cho chúng ta để cử hành mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa.
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, chúng ta cũng sẽ phải chết và được sống lại với Chúa. Khi nói về sự sống lại thì nhiều người anh chị em chúng ta có lẽ nghe khó tin. Mới đây tập hợp điều tra về niềm tin của những người công giáo bền Italia về sự sống đời sau sau cái chết, kết quả cho biết rằng, mặc dù đa số tin có Thiên Chúa, nhưng khi được hỏi về niềm tin của họ vào sự sống đời đời thì họ tỏ vẻ do dự. Quan tâm của họ về sự sống đời đời xem ra như càng ngày càng ít đi, dường như có hai hoàn cảnh làm cho con người dễ xa lìa Thiên Chúa, quên đi cuộc sống đời đời. Đó là khi con người giàu sang, quyền quí hoặc khi gặp cảnh cùng cực thái qúa. Giàu quá dễ bị cám dỗ quên Chúa và nghèo quá cũng làm con người tuyệt vọng.
Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại biến cố Chúa Giêsu đến với gia đình chị em Martha, Maria và Lagiarô để mạc khải cho họ sự thật căn bản về sự sống đời đời: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ".
Vào hoàn cảnh mà Chúa Giêsu chọn để mạc khải sự thật này cho chị em Martha, Maria là cái chết của Lagiarô, người được Chúa thương. Đây có thể nói là một biến cố không thuận lợi chút nào, Lagiarô đã bị đau cần Chúa đến nâng đỡ chữa trị thì Chúa không đến, xem ra như lơ là hai chị em đã nhắn tin cho Chúa Giêsu biết hoàn cảnh đau yếu của Lagiarô, nhưng Chúa vẫn trì hoãn không đáp lại. Một thử thách cho người bạn của Chúa, chờ đợi Chúa mau mắn đáp lại và ỷ lại vào tình bạn với Ngài, nhưng Chúa đã không đáp lại như lòng họ mong ước: "Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết".
Rồi sau khi Lagiarô chết rồi, gia đình Martha và Maria đang sống trong sự tang chế đau buồn thì Chúa lại đến, và thay vì nói lời an ủi hay là một điều gì liền ngay theo như mong ước thường tình của con người trong hoàn cảnh tương tự như vậy, thì Chúa Giêsu lại nói điều mà Martha và Maria cả hai người đều không nghĩ đến, đó là Chúa mạc khải sự thật và sự sống đời đời, kêu gọi hãy tin vào Chúa, tin vào sự thật Chúa mạc khải: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta sẽ không chết bao giờ".
Có thể nói là những lời chói tai, không hợp thời, lạc đề xem từ phía con người đang phải chịu thử thách, đang gặp phải những đau thương: "Nếu Thầy có mặt thì em con không chết". Sự đáp trả của hai chị em Martha, Maria và của hai người Do Thái đến chia buồn lúc đầu chưa được trọn hảo. Martha nghĩ đến sự sống lại ngày sau hết, còn hai người Do Thái có mặt ở đó quan sát xem Chúa Giêsu có làm gì để thay đổi hoàn cảnh hay không? Martha và Maria ra khỏi hoàn cảnh cụ thể của mình để đến với Chúa, để gặp Chúa ở nơi mà Chúa muốn ở ngoài hoàn cảnh tang thương, tang chế của họ vào lúc đó để được Chúa hoán cải, để tuyên xưng: "Lạy Thầy, con tin".
Chúng ta đã biết những gì xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin đầy khiêm tốn và can đảm của hai chị em Martha và Maria. Sống mà không có niềm tin thì kể như là đã chết. Trong biến cố mà Phúc Âm thánh Gioan ghi lại cho chúng ta hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu làm phép lạ không phải chỉ cho Lagiarô được sống lại mà thôi, mà cho ba người được sống lại, đó là Martha, Maria và Lagiarô.
Sống lại đầu tiên đó là sống lại với niềm tin vào Chúa, có thể nhiều người trong chúng ta cũng đã chết trong niềm tin vào Chúa và không còn tin Chúa nữa. Chúng ta cần Chúa cho chúng ta sống lại, sống lại trong niềm tin vào Ngài như Martha, Maria: "Lạy Thầy, con tin". Nhờ lời tuyên xưng của Martha và Maria mà tiếp sau đó Chúa Giêsu cho Lagiarô trở lại cuộc sống. Tất cả qui hướng chúng ta về quan điểm cuối cùng, đó là Chúa Giêsu làm Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, Ngài là Chúa, là chủ của sự sống và có quyền năng trao ban sự sống cho con người.
Vì biến cố phép lạ Lagiarô chuẩn bị cho biến cố lạ lùng nhất sắp diễn ra là biến cố chính Chúa chết và sống lại mà chúng ta sẽ cữ hành trong Tuần Thánh sắp đến. Chúa chết và sống lại để hoàn tất công trình cứu chuộc con người, để ban cho chúng ta được sống và sống lại với Chúa: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống và tin vào Ta sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Chúa Giêsu sẽ hỏi chúng ta: phần con, con có tin điều đó hay không?
Ước chi mỗi người chúng ta cũng được khiêm tốn thưa như Martha, như Maria: Lạy Chúa, con tin. Đức tin làm cho con được sống thật, dù chết hay sống nếu con tin thì không còn gì phải lo lắng nữa. Xin Chúa hãy cho chúng ta được sống lại trong niềm tin của mình vào Chúa để rồi chúng con được sống và sống lại với Chúa mai sau. Amen.
++++++++++
7. Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống
(Suy niệm của Lm Ignatiô Trần Ngà)
Sự sống vô cùng quý báu
Mạng sống hơn đống vàng. "Thà là một con chó (đang) sống còn hơn là một con sư tử chết." (nhà văn Jack London)
Ai cũng khao khát sống, sống lâu sống khoẻ, trẻ mãi không già.
Người ta mưu cầu sự sống bằng đủ mọi cách, với bất cứ giá nào.
Nếu có phương thuốc trường sinh, thì dù phải mua với giá cao ngất, thậm chí phải bán cả gia tài mới đủ, người ta cũng quyết mua cho bằng được.
Thế nhưng, cuộc sống lại quá mỏng giòn
Thực tế cho thấy cuộc sống hiện tại thật mỏng giòn, mong manh, tạm bợ. Như quả bóng bóng xà phòng do một em bé thôi lên, trông long lanh hấp dẫn, óng ánh muôn màu. Nhưng rồi, bụp một cái! Nó tan biến hết, chẳng còn gì!
Vì thế mà một nhà thơ Việt nam, ông Nguyễn công Trứ than rằng: "Ôi, nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao..."
* * *
Cái chết của Ladarô nói lên thân phận mong manh kiếp người
Cuộc đời của Ladarô cũng mong manh như thế. Đang nửa chừng xuân, đang tuổi còn dồi dào sức sống, Ladarô vội vã từ giã cuộc đời, để lại vô vàn đau thương tiếc nuối cho thân nhân cũng như bè bạn.
Đó là một mất mát vô cùng lớn lao mà không gì trên đời bù đắp nổi. Mất gì người ta cũng có thể kiếm lại được và có thể tậu lại cái mới tốt hơn; còn mất mạng sống là mất tất cả và dường như chẳng còn cách nào phục hồi lại được!
Chính vì thế mà khi Lagiarô chết đi, bà con họ hàng vô cùng thương tiếc. Cho dù Lagiarô đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai người chị là Matta và Maria vẫn còn ngậm ngùi thổn thức... Ngay cả Chúa Giêsu khi đến thăm mộ cũng không cầm được nước mắt trước cái chết của người thanh niên còn xuân trẻ nầy.
Khát vọng lớn nhất của nhân loại là khát sống. Cho dù cuộc sống hôm nay chỉ là tạm bợ, nay có mai không, có nhiều đắng cay cơ cực, có nhiều vất vả muộn phiền, nhưng ai ai cũng khát khao được sống.
Chúa Giêsu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại
Vậy phải tìm đâu cho có sự sống lâu bền? Phải làm gì để biến đổi đời sống mau qua trở thành vĩnh cửu?
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết. Ngài tỏ cho Matta và Maria biết bí quyết nầy: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống".
Nếu chỉ nói suông thì lời nói đó chẳng có giá trị gì. Điều quan trọng là lời khẳng định của Chúa Giêsu được củng cố bằng sự việc kèm theo. Dù Lagiarô đã chết và được mai táng trong mộ bốn ngày rồi, thân xác bắt đầu sình lên và đã nặng mùi, thế mà khi Chúa Giêsu kêu gọi: "Lagiarô, hãy ra đây!" thì người chết bắt đầu vươn vai chỗi đậy, bước ra khỏi mồ theo lời Chúa truyền dạy trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến, trước sự hoan hỉ khôn tả của thân nhân họ hàng.
Sự kiện Chúa Giêsu làm cho Lagiarô sống lại, kèm theo sự kiện chính Ngài đã tự mình sống lại sau khi đã chết trên thập giá và mai táng trong mồ... chứng tỏ rằng Ngài là Đấng hằng sống và có thể ban sự sống cho mọi người.
Hãy kết nối với Chúa Giêsu để nhận được sự sống đời đời
Chúa Giêsu là Nguồn ban sự sống. Muốn sống đời đời thì hãy nối kết với Chúa Giêsu.
Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện.
Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái phải được tháp nhập vào thân nho.
Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể.
Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với Nguồn ban sự sống là Chúa Giêsu.
+++
Lạy Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội, Chúa đã nối kết chúng con nên một với Chúa, để được trở thành chi thể của Chúa.
Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng con được trở nên đồng huyết nhục với Chúa và từ đó, sự sống thần linh của Chúa được thông truyền cho chúng con.
Tiếc thay, khi phạm tội trọng, chúng con đã tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa như cành nho lìa thân nho, như bàn tay bị cắt lìa khỏi cơ thể và như thế chúng con đánh mất sự sống đời đời.
Xin cho chúng con sớm giao hoà với Chúa qua bí tích Giải Tội, để được nối kết lại với Chúa và để cho sự sống thần linh của Chúa tiếp tục thông truyền cho chúng con.
++++++++++
8. Sự sống – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Sự sống là một mầu nhiệm. Tạo hóa trao ban sự sống cho mọi loài: Thực vật, động vật và loài người. Khí thở là nguồn của sự sống. Mọi loài sống đều cần có không khí để hít thở và nuôi dưỡng. Sự sống di động trong toàn thân. Trong thân thể con người, khi hơi thở và máu huyết ngưng đọng, con người sẽ chết. Mỗi người đều có một sự sống riêng biệt. Sự sống nơi mỗi người có thể kéo dài cả trăm năm và cũng có thể tan bay trong khoảnh khắc. Sư sống dài hay ngắn không quan trọng bằng sống cho có ý nghĩa và hữu ích. Thiên Chúa là chủ tể của sự sống. Sự sống tiếp nối sẽ không bị tiêu diệt, chỉ có xác thể sự sống bị chết. Tiên tri Edêkien đã viết: Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành (Ez 37, 12-14). Thiên Chúa là Chúa và là tác giả của mọi sự sống. Con người không thể sáng tạo sự sống mà chỉ bắt chước và tạo môi trường để sự sống phát triển.
Dựa vào các diễn tiến của sự sống tự nhiên, các nhà khoa học đã tìm hiểu nguyên nhân, cách kết cấu và sự vận hành phát triển của các tế bào để tạo cơ hội phát triển. Khoa học hiện nay có thể giúp kéo dài sự sống nơi con người như lắp ghép tim, gan, thận, xương hay tiếp máu và thay máu. Có nghĩa là khi con người còn có hơi thở sự sống, cho dù sức yếu, các nhà chuyên môn có thể tiếp giúp tăng cường và kéo dài sự sống. Nhưng một khi sự sống đã ngừng, trái tim ngưng đập, ngưng thở, óc chết và các tế bào ngừng hoạt động và sự chết đến, con người đành bó tay. Trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, sau khi chết, một số cơ phận trong con người có thể được xử dụng ngay để phẫu thuật ghép. Một số trường hợp, các bác sĩ có thể dùng một số cơ phận của những người mới qua đời để lắp ghép cho các bệnh nhân cần. Người đã chết không thể trở lại với cuộc sống. Họ vĩnh biệt ra đi.
Bài phúc âm hôm nay kể câu chuyện dài nói về sự kiện Chúa Giêsu cho ông Ladarô đã chết và chôn trong mồ bốn ngày được sống lại. Chúa Giêsu tỏ uy quyền trên sự sống. Diễn tiến của câu chuyện có nhiều chi tiết rất tỉ mỉ. Chúa dự phòng sự việc Chúa sẽ thực hiện tại Bethania, Chúa nói: Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta đi đến với anh ấy (Ga 11, 15). Khi nghe tin Ladarô đau bệnh thập tử nhất sinh, Chúa Giêsu còn lưu lại nơi Chúa đang giảng dậy ít ngày nữa. Chúa dùng cơ hội này để tỏ uy quyền Thiên Chúa và mạc khải về sự sống và sự sống lại. Đây là một đề tài đức tin chính yếu và rất quan trọng. Chúa đã mạc khải một cách tiệm tiến dựa vào lòng tin yêu của con người. Chúa Giêsu nói: Em con sẽ sống lại (Ga 11, 23).
Trước khi làm phép lạ vĩ đại này, Chúa Giêsu đã khơi niềm tin: Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống (Ga 11, 25). Dầu có chết cũng sẽ được sống, lời nói như một mệnh lệnh và một sự xác tín trong niềm tin. Chị em Martha và Maria, các tông đồ và những người đi theo Chúa vẫn như còn trong mơ. Sự việc Chúa sắp thực hiện hoàn toàn vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Người chết chôn bốn ngày thì xác đã thối rữa rồi. Sự sống mà Chúa ban lại cho ông Ladarô là sự sống mới trong thân xác đã chết. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!”(Ga 11, 43). Và kìa, lời quyền năng đã thành hiện thực: Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt còn quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo:”Hãy cởi ra cho anh ấy đi” (Ga 11, 44).
Ông Ladarô đã sống lại và đi ra khỏi mồ. Ông đã sống thêm được một khoảng thời gian trên dương trần, nhưng ông cũng đã chết theo luật tự nhiên. Chỉ có Thiên Chúa làm chủ sự sống. Muốn bước vào sự sống vĩnh cửu thì mỗi người đều phải bước qua ngưỡng cửa sự chết. Đây là vấn đề hoàn toàn của niềm tin. Chúng ta không thể lý luận và đưa ra chứng cứ cụ thể. Tin rằng con người phải trải qua sự chết mới được vào cõi sống. Thân xác này sẽ trở về cát bụi trong lòng đất và hồn thiêng sẽ tiếp tục sống chờ đợi ngày được sống lại kết hợp cả hồn và xác để hưởng hạnh phúc bất diệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác ((Ga 12, 24).
Niềm tin vào Đức Kitô là niềm tin hy vọng tuyệt đối. Từ bao đời, đã có biết bao thế hệ con người đã qua đi. Thân xác bị hủy diệt và trở về tro bụi. Thánh Phaolô tông đồ đã xác tín với chúng ta về Tin mừng cứu độ nơi Chúa Kitô, ngài nói: Nhưng nếu Chúa Giêsu Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính (Rm 8, 10). Con người có linh hồn và thể xác. Sự sống là sự kết hợp giữa hồn và xác. Khi hồn lìa xác, con người sẽ đi về cõi sau. Vì thân xác là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Tinh thần hay linh hồn không bị tiêu diệt vì hồn thiêng liêng. Thánh Phaolô nói tinh thần vẫn sống vì đức công chính.
Chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Chúa Kitô là nguồn ban sự sống. Chúa Kitô là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc. Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết và không còn chết nữa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Thánh Phaolô đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh: Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần ngự trong anh em (Rm 8, 12). Đây là niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta đang trong cuộc lữ hành dương thế. Chúng ta đã đầu tư và đánh đổi cả cuộc đời để tin tưởng vào sự sống và sự sống lại ngày sau. Chúng ta bước đi trong niềm tin, chứ không bằng thị giác (walk by faith, not by sight). Vì nếu Chúa Kitô không sống lại, thì tất cả niềm tin của chúng ta trở thành trống rỗng và vô nghĩa.
Những đề tài của các Chúa Nhật Mùa Chay, chu kỳ năm A, đã từng bước dẫn chúng ta đi sâu vào niềm tin nội tâm. Lần lượt mỗi tuần một đề tài: Chúa vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện và chịu những cơn cám dỗ; Chúa Biến Hình sáng láng; Chúa ban nước hằng sống cho người phụ nữ Samaria và dẫn vào con đường sự thật; Chúa chữa người mù từ bẩm sinh và Chúa cho người đã chết sống lại. Đây là hành trình đức tin, Giáo Hội đã từng bước dẫn dắt chúng ta suy tư sâu lắng vào mầu nhiệm ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã sắp sẵn. Trong câu chuyện đối thoại với chị em Martha và Maria: Chúa Giêsu lại nói: “Ta chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang Thiên Chúa sao?” (Ga 11, 40). Tất cả niềm tin qui vào Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã đi trước mở cửa ngõ vào cõi trường sinh bất diệt. Chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài bước theo con đường Chúa đã đi. Bước theo Chúa, phải trải qua đau khổ để vào vinh quang.
Mùa chay là mùa tịnh tâm, cầu nguyện và tập luyện các nhân đức: Đức tin, đức cậy và đức mến. Đức mến phủ trùm mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi một lời nói, cử chỉ và hành động bác ái, chúng ta cần phản ánh tình yêu thương chia sẻ. Con đường dẫn vào Nước Trời được xây trên nền tảng của tình bác ái yêu thương. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chúa Kitô vì yêu thương nhân loại đã hiến mình chịu đau khổ, chịu chết trên thánh giá và đã sống lại vinh quang.
Lạy Chúa, Chúa là sự sống và là sự sống lại. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng và sinh ích trong cuộc sống đời tạm này, để sinh hoa kết qủa tốt đẹp đáng hưởng hạnh phúc mai sau.
++++++++++
9. Cho một niềm tin - Thiên Phúc
(Trích “Như Thầy Đã Yêu”)
Thời chiến quốc, có người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vịt huốc vào, viên quan canh cửa hỏi rằng:
- Vị thuốc này có uống được không?
Người ấy đáp:
- Uống được.
Tức thì viên quan giật lấy mà uống. Chuyện đến tai vua. Ông liền bắt viên quan đem giết. Viên quan kêu rằng.
- Thần đã hỏi người đem dâng thuốc. Người ấy nói rằng: “uống được”, nên thần mới dám uống. Thế là thần vô tội mà lỗi ở người dâng thuốc. Vả chăng, người đem dâng thuốc nói là thuốc bất tử. Thế mà thần mới uống vào đã sắp phải chết, vậy là thuốc thử chứ sao gọi là thuốc bất tử được? Nhà vua giết thần, thực là bắt tội một người vô tội. Hơn nữa, còn chứng tỏ rằng thiên hạ dối được nhà vua mà nhà vua vẫn tin.
Vua nghe nói có lý, bèn tha cho viên quan ấy, không giết ông nữa.
***
Làm gì có thuốc bất tử trên trần gian này ! Chỉ có những kẻ quá ham sống sợ chết nên mới mơ tưởng đến loại thần dược chỉ có trong huyền thoại. Chúng ta không bao giờ có thể thuyết phục cái chết dời xa cánh cửa đời ta.
Thực ra, vẫn có sự sống bất tử, nhưng là trong cuộc sống đời sau. Tuy nhiên, vị thuốc bất tử ấy người ta lại phải chiếm hữu cho bằng được trong cuộc sống đời này. Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta vị thuốc bất tử ấy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết (Ga 11,25-26). Vâng, chính “niềm tin vào Đức Kitô” là một bảo đảm tuyệt đối để được sống mãi muôn đời. Đâu phải chỉ vì tình bạn thân thiết với Ladarô mà Đức Giêsu cho ông được sống sau khi chôn bốn ngày trong huyệt đá, mà chính là niềm tin của Maria và Macta vào Đức Kitô là “sự sống và là sự sống lại” (c.25).
Phép lạ cho Ladarô sống lại chỉ là chuẩn bị cho một phép lạ vô cùng lẫy lừng, một phép lạ trọng đại nhất trong đạo, chính là Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vinh quang mà chúng ta sẽ cử hành trong Tuần Thánh sắp đến. Đức Kitô chết và sống lại là để dẫn đưa con người từ cõi chết trở về cõi sống, từ nơi tạm bợ về chốn vĩnh hằng. Đó là niềm tin của người tín hữu, cũng là đức tin của Kitô giáo. Niềm tin đó bảo đảm cho sự trường tồn của Giáo Hội. Thánh Phaolô nói: “Nếu đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của mình” (1Cr 15,17)
Tin Đức Kitô là “sự sống lại và là sự sống”, chính là sống yêu thương tự hiến như Đấng đã sống và đã chết cho tình yêu.
Tin Đứ Giêsu là “sự sống lại và là sự sống” chính là chết đi cho tội lỗi để được sống lại vinh quang với Đấng Phục Sinh.
Tin Đức Giêsu là “sự sống lại và là sự sống”, chính là chết cho tình yêu trần thế, để sống cho niềm tin Nước Trời.
+++
Lạy Chúa, trong đoạn Tin mừng hôm nay có một câu ngắn nhất trong toàn Kinh Thánh. Đó là câu “Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11,35). Ngắn nhất nhưng lại bày tỏ một tình yêu sâu đậm nhất Chúa dành cho Ladarô.
Xin cho mối tình thân thiết của chúng con với Chúa ngày càng mật thiết hơn, để chúng con cũng được Chúa thương, cho cùng sống lại với Chúa trong vinh quang đời đời. Amen.
++++++++++
10. Niềm tin sự sống
Biến cố sập nhịp cầu Cần Thơ 26.09.2007 là biến cố gây kinh hoàng và ám ảnh của các gia đình và người thân của gần 100 sinh mạng phải mất đi vĩnh viễn mà không một lời từ biệt. Những người thân chỉ còn biết kêu gào đau khổ trong tuyệt vọng. Lúc đó hình ảnh nhịp cầu với những thanh sắt to nằm tua tủa trong những khối bê tông nặng hàng ngàn kilôgram. Nó như một nấm mồ khổng lồ chôn tập thể những người thân mình mà không biết cầu cứu cùng ai. dẫu rằng trong cuộc sống ai cũng biết sinh - lão - bệnh - tử là điều không thể tránh khỏi nhưng khi mất người thân thì ai cũng phải đau buồn. Maria và những người Do Thái cũng đau buồn khóc lóc trước cái chết của Lazarô.
Trước nỗi đau khổ đó, Đức Giêsu cũng có một thái độ đầy tình người: "các ngươi đặt ông ấy ở đâu?". Và Người bật khóc, do đo người Do Thái mới nói: "kia xem ! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!". Nhiều lối giải thích cho rằng Đức Giêsu thương Lazarô nên đã khóc. Lối cắt nghĩa này không hoàn toàn sai. Nhưng có một điều hơi khúc mắc là tại sao Ngài biết chắc mình sắp cho Lazarô sống lại mà con khóc thương? Điều đó hơi có phần vô lý. Ngoài ra, Thánh sử còn diễn tả tâm tình Đức Giêsu qua việc "Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người ta luôn thắc mắc về ý nghĩa các tâm tình đó. Có kẻ xem đây là cơn giận của Chúa Giêsu đối với cái chết mà tác giả của nó là Satan. Số khác lại coi đây là cơn giận của Ngài vì sự cứng lòng tin của những người Do Thái. Điều đó có thể hợp lý hơn, vì cái chết và cứng lòng tin đều quy về Satan như nguyên nhân tác thành. Quả thật, Đức Giêsu không phải cho thân xác Lazarô sống lại để kéo dài thêm tuổi thọ ở trần gian. Nhưng muốn cho con người thấy được Thiên Chúa sẽ ban cho những người tin vào Người sự sống ở trần gian. Như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã khẳng định: "Phục sinh và sự sống chính là Ta, ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống và mọi kẻ sống mà tin vào Ta, sẽ không phải chết bao giờ. Ngươi có tin thề không?"
Trong câu chuyện Gioan tường thuật ta cứ ngỡ Lazarolà nhân vật chính, nhưng đi sâu vào bài Tin Mừng, ông chỉ là chất xúc tác đặc biệt làm rõ lên tính cách của các nhân vật khác. Dĩ nhiên tất cả các nhân vật đó đều phải tuỳ thuộc vào Đức Kitô. Người đã từng bước dẫn các nhân vật trong câu chuyện từng bước đến ánh sáng Phục Sinh, Ánh Sáng của sự sống lại. Hầu như lúc đó tất cả còn đang trong nỗi sợ hãi và suy nghĩ của người đời, nào là Mátta, nào là Maria và vô số những người Do Thái đang đến chia buồn với họ. Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã đưa họ đến với niềm tin Phúc Sinh.
Mặc dầu Đức Giêsu rất thương Lazarô, nhưng Ngài lại quan tâm đến việc quan trọng hơn, đó là đức tin của những người đang có mặt. Và để khẳng định mục đích và ý nghĩa của việc sắp làm, người đã ngước mắt lên mà nói: "ngõ hầu họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói thế, Người lớn tiếng gọi Lazarô và ông ra khỏi mồ.
Chắc chúng ta cũng không lấy làm bỡ ngỡ, khi Giáo hội chọn Chúa Nhật V Mùa Chay để công bố Tin Mừng Đức Giêsu cho Lazarô Phục Sinh, là dịp để chúng ta đón nhận đại lễ Phục Sinh sắp đến. Quyền năng Thiên Chúa sẽ chiến thắng tử thần. Trong khi Lazarô chết đã 4 ngày được Đức Giêsu cho sống lại, chứng tỏ cho mọi người thấy quyền năng của Thiên Chúa trên sự chết. Sự chiến thắng mà chúng ta sẽ được thấy rõ hơn trong chính sự Phục Sinh của Người. Ngày đó, tử thần hoàn toàn bị đánh bại và niềm hy vọng vào một cuộc sống mới, cuộc sống trường cửu sẽ được ban tặng cho chúng ta.
Khi mà con người đã đủ niềm tin vào sự Phục Sinh, thì cái chết như là một sự biến đổi. chính Đức Giêsu đã mở cánh cửa niềm tin cho mọi người, Ngài đã đập tan đêm tối buồn phiền, u mê bằng cách đập tan cửa mồ ngăn cách để đưa con người đến một chân trời hy vọng tràn đầy niềm vui. Người có toàn quyền ban cho ta cuộc sống mới đó. Cuộc sống mà Người đã làm cho người bạn mình là Lazarô. Do đó, Người cũng ban cho chúng niềm hy vọng vào cuộc sống bất diệt trong đó chỉ có tình yêu ngự trị không còn bóng dáng của tội lỗi và sự chết. Như Đức cố Hồng y Px. Nguyễn Văn Thuận đã nói trong đường hy vọng: "Đối với Kitô hữu không có người chết. Tất cả các kẻ chết của chúng ta vẫn đang sống. Họ là chi thể của Chúa Kitô như chúng ta, chúng tôi thông hiệp với nhau trong đức tin".
Lạy Chúa! Xin cho con biết hướng về cuộc sống mai sau chính là cuộc sống mà thiên Chúa đã dành sẵn cho mỗi người chúng con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam