Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 78
Tổng truy cập: 1367445
LÀM VUA VÀ LÀM CHỨNG
(Suy niệm của ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống
– Trích trong ‘VỚI CẢ TÂM TÌNH’)
Không còn nữa hình ảnh của những vì vua oai phong lẫm liệt như trong chế độ quân chủ ngày nào, nhưng thay vào đó là một lớp những nhà vua mới lên ngôi thần tượng, không ngai vàng mà nhiều khi cũng đầy uy lực: vua dầu hoả, vua xe hơi, vua trò chơi, vua bóng đá. Mỗi thời có những kiểu đăng quang riêng, và mỗi lĩnh vực cũng có những nhà vua riêng của mình.
Thuật ngữ “Vua” xem ra đã có nhiều biến thể. Phổ cập hơn nhưng cũng mong manh hơn, thời sự hơn và cũng đời thường hơn. Trong bối cảnh đó, lễ Chúa Kitô Vua lại trở về, vừa khép lại năm Phụng Vụ cũ vừa mở sang năm Phụng Vụ mới. Phải chăng đây cũng chỉ là một lễ đăng quang tương tự như các nhà vua trần thế? Hay là một lễ của niềm tin yêu hy vọng vào Chúa Kitô – Đấng làm Vua bằng cách làm chứng, hiến thân đến cùng trong tình yêu để mở ra triều đại cứu độ?
1) Chúa Kitô không làm Vua như những vua trần thế.
Có lẽ khi tự ý cho treo tấm bảng “Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái” lên đầu Thập giá, Philatô đã không nghĩ đến điều gì khác ngoài lợi thế chính trị cho ông, bất kể phải chơi khăm những người Do thái, nhưng có một điều ông không bao giờ nghĩ tới, mà điều đó lại thật quan trọng trong lợi thế đức tin của người Công giáo, đó là tấm bảng kia trong ý định của Thiên Chúa lại là một tuyên xưng không thể xoá nhoà.
Chúa Kitô không chỉ làm Vua một thời, mà là Vua vĩnh cửu. Dù trong đời sống công khai, có lần Người đã nặng lời quở trách Phêrô khi ông này chỉ muốn thấy nơi Người hình ảnh của một Đấng Messia dễ dãi đồng nghĩa với vị vua phàm trần, và Người cũng đã từng trốn chạy khỏi đám đông cuồng nhiệt khi họ muốn bắt Người làm vua sau phép lạ hoá bánh nhiều. Nhưng, trước mặt Philatô, Người đã công khai tuyên bố mình là Vua, để rồi trên Thập giá, chính lúc tưởng rằng chết đi, Người cho thấy mình còn sống mãi, và chính khi tưởng rằng bị huỷ diệt, Người cho thấy mình vẫn muôn thuở tồn tại. Thời gian là đại lượng dành cho những vị vua trần thế, còn Người vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.
Chúa Kitô không chỉ làm Vua dân Do thái mà là Vua phổ quát. Với cái chết của Người trên Thập giá trong tư cách Đấng Cứu Thế, một dân mới đã được khai sinh không phải giới hạn trong một vùng lãnh thổ địa lý mà đã mang lấy tầm vóc của cả thế giới vũ hoàn. Trong máu của Người, giao ước mới phổ quát đã hình thành vượt trên giao ước cũ vốn giới hạn nơi dân Do thái. Và trong công cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, những gì cũ phải qua đi để nhường chỗ cho một triều đại mới vượt trên tất cả.
Người là Vua phổ quát vì Nước Người chẳng thuộc trật tự trần thế. Người là Vua vũ trụ bởi chính Người là Thủ Lãnh sẽ quy tụ mọi sự về một mối: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta”.
Và nếu theo nhãn giới của bài đọc thứ nhất và thứ hai với hình ảnh của “Đấng đến giữa mây trời” thì vương quyền của Chúa Kitô đã khác xa một trời một vực so với các vương quyền trần thế khác. Vương quyền trần thế dẫu có lan tràn khắp mặt đất cũng vẫn có thể đo lường được, còn vương quyền của Chúa Kitô vì vượt trên tất cả nên cũng vô phương dò thấu. Người là Vua muôn Vua.
Không phải vô tình mà phiên toà lễ Vượt Qua đã đặt Chúa Giêsu đối diện với Philatô, mà chính trong tư thế đối diện cộng với những đối chất qua lại đã làm nổi bật lên cái nghịch lý mầu nhiệm của Giờ Tử Nạn. Vào chính lúc quyền bính thế gian xem ra thắng thế còn quyền bính trời cao dường như hạ bệ, thì Chúa Giêsu đã tuyên bố mình là Vua. Lời tuyên bố như thế lẽ ra đẩy Philatô vào thế đối thủ, nhưng – Chúa Giêsu đã nhanh chóng khẳng định Nước Người chẳng thuộc trật tự chính trị thế gian, nên Tổng trấn Rôma dầu quyền uy là thế vẫn chỉ là chiếc bóng mờ nhạt đứng đó trong vai trò của một đối chứng hơn là một đối thủ để làm nổi bật lên dung mạo của Chúa Giêsu – Vua muôn Vua. Hơn nữa, bởi Philatô là một người ngoại nên tầm vóc của lời tuyên bố kia đã vượt xa giới hạn đạo giáo để trở thành phổ quát cho cả muôn người. Và hệ luỵ là quyền bính Philatô bởi thuộc về thế gian nên cũng qua đi với thế gian, còn vương quyền Chúa Kitô vẫn tồn tại mãi bởi thuộc về trật tự tâm linh để không gì có thể đặt giới hạn cho Người. Người là Vua vĩnh cửu.
2) Chúa Kitô làm Vua bằng cách làm chứng.
Dẫu vào Giờ Tử Nạn, Chúa Giêsu mới tuyên bố mình là Vua để khởi đầu cho một triều đại mới trong “sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công chính, yêu thương và an bình” (Kinh Tiền Tụng), nhưng thực ra đó chỉ là đỉnh cao của một đời lựa chọn và là điểm đến của một quá trình thực thi sứ mệnh làm chứng cho sự thật: “Tôi sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho sự thật”. Nếu sự thật là chính Thiên Chúa, là thực tại thần linh, là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình” như một kiểu nói của thánh Gioan hoặc là ơn cứu độ, thì trót cuộc đời của Chúa Giêsu là một công cuộc liên lỉ minh chứng.
Qua Nhập Thể, Người đã mang lấy bộ mặt đớn hèn của cả nhân loại. Qua Tử Nạn, Người đã nhận vào mình thân phận loài người tội lỗi. Qua Thập giá, Người đã sẵn sàng chấp nhận cái chết để cứu độ toàn thế giới. Và đỉnh cao Phục Sinh tôn vinh chỉ có được khi Người đã trải qua nẻo đường Thương Khó đến cùng trong số phận của “Người Tôi Tớ đau khổ”.
Rõ ràng là nơi Đức Kitô, làm Vua có nghĩa là làm chứng và làm chứng không chỉ bằng lời mà bằng chính cuộc đời của Người, trải dài từ Nhập Thể qua Tử Nạn cho đến Phục Sinh. Nói cách khác, làm chứng cho sự thật cũng là sống và chết cho sự thật ấy, và làm chứng cho hiện thân của Thiên Chúa ở giữa thế gian cũng chính là sống và chết để cho hiện thân tình thương được triển nở cách hiện thực sống động và viên thành.
Thảo nào vương quốc và vương quyền của Chúa Kitô thật khác lạ. Chẳng cần đến lực lượng để mà thiết lập, chẳng cần đến vũ lực để mà cai trị, cũng chẳng cần đến quân sự để mà bảo tồn. Như vậy, điều mà mọi vị vua trần thế mong ước là trải dài vương quốc trong không gian và thời gian, thì chỉ duy Chúa Kitô mới thực hiện được, không phải bằng vũ trang mà là bằng một tình thương không mệt mỏi hiến thân làm chứng cho sự thật. Và đó là phương thế duy nhất để thiết lập một Vương quốc phổ quát và vĩnh cửu.
Trong ý hướng ấy, bài đọc thứ hai là một tiến trình mạch lạc không thể đảo ngược: chỉ khi nào sống trọn vai trò chứng nhân trung thành, Đức Kitô mới nên Trưởng Tử kẻ chết và làm Vua muôn vua.
3) Ai thuộc về sự thật thì nghe Đức Kitô.
Đức Kitô, Người làm Vua như thế đó. Nên mục đích của Thánh lễ hôm nay đối với mọi kẻ tin là: “tôn vương” Chúa Kitô trong cuộc sống của mình.
Thực ra thì cử hành lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối năm Phụng Vụ cũng nói lên niềm tin vào vương quyền Chúa Kitô như tinh thần của Thông điệp Quas Primas mà Đức Piô XI đã ban hành ngày 11 tháng 12 năm 1925, nhưng niềm tin vốn là một sự sống, nên chỉ khi thể hiện niềm tin bằng cuộc sống, tín hữu mới có thể an lòng là thần dân trong Vương quốc của Đức Kitô.
Không thể nhận mình là dân của Vua Kitô trong khi cuộc sống cá nhân và gia đình lại nghiêng theo lối sống thế tục làm vẩn đục vũ trụ quan Kitô giáo, dần dà xa rời Giáo Hội và có nguy cơ chối bỏ vương quyền Chúa Kitô mà không hay biết.
Cũng không thể nhận mình ở trong Vương Quốc của Đức Kitô mà hằng ngày một cách nào đó mình vẫn dửng dưng với sự hiện diện của Người trong cuộc sống con người như coi thường nhân phẩm, khinh rẻ người nghèo… càng không thể nhận mình sống trong Vương Quốc Đức Kitô khi mà cuộc sống chung riêng vẫn gây ra những oán thù, ghen ghét, gian tham, bất công, gương xấu, tội lỗi…
Càng không thể nhận mình thuộc về vương quyền của Đức Kitô khi mình chưa thực sự hiến thân một cách nào đó để thể hiện tinh thần chứng nhân. Đức Kitô đã lấy cái chết để làm chứng, Kitô hữu cũng phải đi vào lối sống hy sinh mới có thể trở thành chứng nhân cho đức tin được. Đừng quên, chứng nhân có nghĩa là tử đạo và sống đạo một cách anh hùng cũng chính là chứng nhân.
Nhưng ai thuộc về sự thật thì nghe Đức Kitô và ai thuộc về Đức Kitô thì hãy để Người sống và lớn lên trong cuộc đời mình và chấp nhận để Người biến đổi toàn diện. Đồng thời, chính mình cũng cần nỗ lực “làm chứng” sao cho niềm tin luôn luôn vươn lên, mà cũng không quên nhiệt tình tông đồ là làm cho những người lân cận nhận biết và tin yêu Chúa Kitô nữa. Như thế là tin vào vương quyền Chúa Kitô, là “tôn vương” Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và cũng là cùng với mọi người tích cực hoạt động cho công cuộc truyền giáo nhằm “quy tụ mọi sự trong Chúa Kitô”.
Ở Bãi Sau Vũng Tàu, có một tượng Chúa Kitô Vua thật lớn dựng trên triền núi quay mặt ra biển, đôi tay giang rộng như ôm lấy cả trùng dương. Ngư dân quanh đó kể lại rằng những khi ra khơi, họ vẫn căn cứ vào đó để mà định hướng đi về, và nhiều lần sóng gió họ cũng hướng về đó để mà cầu nguyện xin ơn bình an.
Giữa trùng dương cuộc sống, Kitô hữu biết rằng Chúa Kitô vẫn luôn hiện diện như một chuẩn đích để định hướng tin yêu hy vọng. Xin Người cũng làm Vua quy tụ mọi sự trong Vương Quốc vĩnh cửu của Người.
Lạy Chúa Kitô, cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng con lặp lại niềm tin của mình vào Vương Quyền của Chúa. Xin chúc lành cho những ước nguyện chúng con dâng lên, để khi quyết tâm xa lìa tội lỗi và sống thánh thiện, chúng con được trở nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
45. Đức Giêsu Kitô Vua: phục vụ là cai trị.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Truyện cổ Nga thuật lại rằng: Vào thời Trung cổ, Hoàng tử Alexis cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng Alexis rất hiểu nổi cơ cực của thần dân và cảm thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày một tí thời giờ để thăm họ. Nhưng dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn rười rượi.
Ngày kia, có một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh săn sóc những người già cả, bệnh tật. Đặc biệt, bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân.
Bác sĩ ấy trở thành người của xóm nghèo, được mọi người yêu mến kính phục. Ngày ngày, anh dàn xếp những cuộc cãi vã, tranh giành, hòa giải những thù oán, và giúp đỡ họ sống đúng với phẩm giá con người.
Bác sĩ trẻ ấy chính là Hoàng tử Alexis, người đã bỏ cung điện giàu sang đến sống với thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương săn sóc và phục vụ họ.
Anh chị em thân mến, Đức Kitô thực sự là một vị Vua đầy uy quyền. Nhưng Ngài đã trở nên giống như chúng ta, để có thể yêu thương và phục vụ chúng ta. Ngài đã tuyên bố: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Trong Tin Mừng hôm nay, khi bị Philatô tra hỏi: “Ông là Vua ư?” Chúa Giêsu không phủ nhận, Ngài chỉ nói: “Chính quan nói rằng tôi là vua”. Vua vẫn chỉ là một từ ngữ gây hiểu lầm mà Đức Giêsu muốn tránh. Mặc dù nhiều lần Chúa Giêsu đã nói đến Nước của Ngài. Ngài “sẽ đến trong vinh quang của Cha Ngài… trong Nước của Ngài” (Mt 16,27-28). Ngài đã khẳng định trước mặt Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Khi người trộm lành xin Ngài nhớ đến anh “khi Ngài đến trong Nước của Ngài”, Chúa Giêsu đã không từ chối: “Hôm nay anh sẽ ở trêm Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,41-43). Vào ngày tận thế, Ngài sẽ đến phân xử người lành kẻ dữ trong tư cách một vị Vua (Mt 25,34-40).
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ. Ngài đã được Chúa Cha ban cho mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18). Nhưng Ngài đã sống như một người tôi tớ phục vụ. Trong cuộc sống trần thế, Ngài vẫn luôn ý thức về vai trò quan trọng của mình trong việc cứu độ nhân loại. Ngài biết mình là Con Thiên Chúa. Thế nhưng cả cuộc đời Ngài là một sự phục vụ không ngừng. “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân… Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn” (Lc 22,25-27). Chúa Giêsu tự nhận mình là người phục vụ như một kẻ hầu bàn, chỉ mong cho thực khách được ngon miệng. Kiểu làm vua của Chúa Giêsu là phục vụ, chứ không phải là được người ta phục vụ. Ngài làm vua bằng cách cúi xuống để làm cử chỉ hầu hạ của người nô lệ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Với Chúa Giêsu, cử chỉ đó là một việc làm bình thường gắn liền với quyền bính đích thực. Qua cung cách của Ngài, Chúa Giêsu đưa ra định nghĩa đúng đắn về quyền bính. Quyền bính đích thực đồng nghĩa với phục vụ và phục vụ cho đến hy sinh mạng sống.
Cử chỉ phục vụ cao cả nhất và khiêm hạ nhất của Chúa Giêsu là cái chết của Ngài trên thập giá. Cần chiêm ngưỡng vị vua bị đóng đinh thật lâu để hiểu được cách làm vua của Ngài. Trên đầu Ngài có gắn tấm bảng ghi dòng chữ: “Giêsu Nagiaret Vua dân Do Thái”, được viết bằng ba thứ tiếng: Do Thái, La Tinh, Hy Lạp, để ai cũng đọc được. Một vị vua lạ lùng! Không ngai vàng, chỉ có thập giá. Không vương miện, chỉ có vòng gai. Không cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không quan quân đứng hầu, chỉ có người qua kẻ lại nhiếc móc, chế nhiễu, lăng mạ. Một vị vua không có chút quyền lực, cũng chẳng áp bức ai. Một vị vua của vâng phục và yêu thương tha thứ tất cả. Thập Giá vừa đưa Chúa Giêsu xuống vực thẳm, vừa nâng Người lên cao. Chúa Giêsu trở thành vua vũ trụ nhờ đi vào con đường thập giá, con đường tử bỏ mình để khiêm tốn phục vụ, con đường hẹp nhưng không phải là con đường cùng, mà là con đường dẫn đến vinh quang. “Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,3). Vua Giêsu hôm nay vẫn tiếp tục thu hút cả vũ trụ nhân loại với Ngài. Nước của Ngài đã được khai mạc và nước ấy vẫn lan rộng không ngừng nhờ có những người dám “đứng về phía sự thật” và “nghe được tiếng Ngài mời gọi” (Ga 18,37).
Nước của Vua Giêsu không có trên bản đồ, bởi lẽ Nước ấy “ở trong thế gian này” nhưng “không thuộc về thế gian này”. “Ở trong thế gian”, nghĩa là không xa cách, nhưng hòa quyện với thế gian như men trong bột, như muối ướp thức ăn. Nhưng “không thuộc về thế gian này”, nghĩa là không chạy theo những thần tượng của thế gian: quyền lực, tiền của, khoái lạc… Thế gian sa đọa là thế gian chống lại Nước Chúa và cũng chống lại quyền lực của con người. Thế nên, xây dựng Nước Chúa cũng là xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng con người. Chúng ta cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến”, được mọi người nhận biết. Nhưng Nước Cha chỉ thành tựu khi Chúa Giêsu Kitô được mọi người tuyên xưng là Chúa, là Đấng Cứu Độ là Vua cả hoàn vũ. Nước Cha và Nước Chúa Kitô là một. “Vào lúc tận thế, Chúa Kitô sẽ trao lại Nước cho Chúa Cha, sau khi Ngài đã hủy diệt và khuất phục quyền lực sự dữ, để cuối cùng, Thiên Chúa làm mọi sự cho mọi người” (x.1Cr 15,24-28).
Anh chị em thân mến,
Chúa Kitô, một vị vua dùng thập giá ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn của Ngài bị đâm thủng, để nguồn suối tình yêu luôn tuôn tràn cho nhân loại đang khao khát tình yêu. Yêu là trao ban và trao ban đến cùng. Tình yêu, đó là món quà quí nhất của Thiên Chúa đã trao tặng con người. Từ nay, để sống đích thực là người, con người cần phải dốc cạn con tim mình để yêu thương và trao ban cho đồng loại. Chúa Giêsu đã lấy tình yêu thương và phục vụ làm quyền bính cai trị. Ngài đã trở nên gương mẫu đích thực cho các nhà lãnh đạo, cho các người cầm quyền. Ai biết yêu thương và phục vụ như Ngài thì mới được tham dự vào vương quyền của Ngài trong Nước của Ngài, vì “Phục vụ là cai trị” vậy.
46. Vua Chân Lý
Tôi còn nhớ rất rõ, khi còn bé, cừ đến ngày 13.10 hàng năm tôi lại được mẹ tôi dắt đi hành hương Fatima Đức Mẹ ở Vĩnh Long. Lần nào đi tôi cũng qua khu nhà của cá thầy dòng Kitô Vua cạnh đó để chiêm ngắm Đức Kitô đội mũ triều thiên đứng uy nghi trên đỉnh nhà. Lúc đó tôi vô cùng hãnh diện vì Chúa tôi là Vua. Nhưng tôi cũng lấy làm thắc mắc mọi vua khác tôi đọc trong truyện, có quân lính, có vệ sĩ bảo vệ, sao Vua Kitô lại không thấy. Rồi những hình tượng đó ngày một qua đi, đến hôm nay khi học biết về Kinh Thánh lại làm cho tôi càng vui mừng hơn gấp bội. Vì Chúa của tôi là Vua trên các vua chứ không phải ông vua trần gian với binh quyền thế mạnh, chỉ uy hiếp được người đời, rồi cuối cùng cũng sẽ đi vào diệt vong. Còn Vua Kitô đã xây dựng đất nước trong chân lý và tình yêu, nên đất nước vẫn tồn tại và phát triển. Hơn nữa, trong Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tự xưng mình là Vua trước Philatô khiến nhiều người trong chúng ta phải thay đổi hết mọi quan niệm thông thường khi nghĩ đến tước hiệu làm vua của Chúa Giêsu Kitô:
1. Vua tình yêu
Đức Giêsu đã trả lời Philatô “Nước Tôi không thuộc thế gian này”. Trong hoàn cảnh như thế nếu xét theo khía cạnh ngoại giao, thì đây là một câu trả lời vụng về thiếu khôn khéo. Nhưng vì Ngài là Vua của chân lý, của sự thật. Ngài phải nói lên sự thật, nhưng có nhiều người không hiểu vì họ bị mê muôi bởi vinh quang trần thế. Công việc của Ngài đến là để làm chứng cho chân lý. Ngài đến để chiến thắng tội lỗi, và Nước Ngài không phải ở trần gian, nếu Ngài muốn dấy loạn dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi người ta đứng lên chiến đấu thì chuyện không có gì là khó. Nhưng nếu vậy thì không phải là Vua của tình yêu nữa mà là một ông vua bạo lực của trần gian. Từ ban đầu, Ngài đã khẳng định mình là Vua, nhưng Nước Ngài không căn cứ trên bạo lực và vũ khí, mà là một vương quốc trong lòng người. Mục tiêu là chinh phục thế gian, nhưng là cuộc chinh phục bằng tình yêu và lòng bao dung.
2. Vua của đất nước không biên giới.
Nước của Vua Kitô Giêsu hoàn toàn khác với nước mà người Do Thái trông đợi. Họ chờ một Đức Kitô làm vua thật sự, nâng đỡ dân tộc rồi giải thoát họ khỏi ách thống trị của Rôma. Điều họ trách cứ Đức Kitô ở đây chẳng qua biểu lộ một niềm hy vọng sâu xa, đó là mơ ước sau bao bao năm bị đô hộ. Và khi thấy Đức Giêsu không hành động theo ý muốn, họ thất vọng, lên án tố cáo Ngài. Vì thế, Ngài biết rõ vị thế làm Vua của mình, biết rõ người Do Thái đang nuôi hy vọng hão huyền với những quan niệm lệch lạc. Vương quyền Ngài thật kỳ lạ không giống như họ tưởng. Đó là một vương quyền tuyệt đối, với mục đích quy tụ mọi dân trên toàn cầu, và tất cả mọi người thấp hèn, yếu đuối tật nguyền, cho đến cao sang quyền uy đều có thể trở thành công dân nếu biết tuân phục thánh ý Chúa.
3. Vua mọi vua.
Qua câu trả lời mạnh mẽ hiên ngang của Đức Giêsu trước quan Philatô đại diện cho quyền lực trần thế. Đức Giêsu đã thể hiện vượt trội vì Ngài là Vua các vua, vương quyền Ngài vượt hẳn sự trông đợi của người Do Thái, Ngài không để mất sự cao cả khi mang thân phận yếu hèn. Điều này cho họ thấy rằng nếu họ biết được uy quyền của Đức Giêsu nếu họ quan tâm đến chân lý, biết nỗ lực khám phá đường lối Chúa. Vì thế, câu trả lời của Đức Giêsu một đàng cho thấy Ngài như một vị Vua uy quyền, đàng khác lại mang chiều kích lớn lao đặc biệt về mặt tôn giáo. Bởi vì đó là câu trả lời đánh tan mọi ảo vọng của dân Do Thái. Và khẳng định rõ ràng vương quyền chân thật phải do Thiên Chúa thiết lập.
Tóm lại, Đức Giêsu Kitô thật sự là vị Vua đầy uy quyền, đất nước Ngài vô biên, thần dân là tất cả mọi người tín hữu. Còn luật lệ là tình yêu. Nó đã thể hiện qua việc Vị Vua đã trở nên giống phàm nhân, nhằm yêu thương phục vụ con người. Để diễn tả mầu nhiệm tình yêu này, trong thư gởi tín hữu Philipphê thánh Phaolô đã nói: “Ngài đã trở nên chúng ta như một con người… Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài lên địa vị cao trọng tuyệt vời, và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,5-6). Chúng ta là những thần dân đã được mời gọi gia nhập đật nước của Ngài qua Bí Tích Rửa Tội, thì mỗi người cũng được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô thủ lĩnh chúng ta qua chức vụ vương đế. Vì vậy đã là công dân nước Chúa thì mỗi người phải góp phần vào công việc xây dựng vương quốc nước Ngài trên trái đất này, qua việc thánh hóa bản thân mỗi ngày và phục vụ tha nhân bằng cả tình yêu như chính Đức Giêsu đã từng phục vụ và “hiến mạng sống để cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).
47. Nước Cha trị đến – Gm. Arthur Tonne.
Thánh Gioan Cantio sinh tại Ba lan năm 1390. Khi còn là một cậu bé, ngài tỏ ra thông minh và tử tế. Khi làm linh mục, ngài dạy Kinh Thánh tại đại học Cracow và cũng làm cha sở mấy năm. Người ta nhớ sự thông thái và lòng nhiệt thành của ngài đối với người nghèo khó. Người đã đi bộ hành hương Roma đến bốn lần, đeo hành trang trên lưng. Một lần trong cuộc hành hương, bọn cướp lấy bóp của ngài, hỏi ngài còn tiền không. Vị thánh trả lời ngài chỉ có bấy nhiêu, bọn cướp cho ngài đi.
Đi được một quãng xa, ngài nhớ ra mấy miếng vàng giấu trong gấu áo. Ngài vội vàng trở lại, đưa vàng cho bọn cướp, năn nỉ xin họ tha thứ cho ngài vì ngài đã nói dối họ.
Bọn cướp ngỡ ngàng, lặng thinh và lấy làm thích thú, bọn chúng trả lại cho ngài tất cả tiền nong đã lấy của ngài.
Hôm nay chúng ta tôn thờ Đức Kitô là Vua của chúng ta. Chúng ta nghe Chúa Kitô nói với Philatô: “Vương quyền của tôi không thuộc về trần gian”. Chúa Giêsu nhận rằng Người là Vua nhưng không phải là Vua của các Vua.
Người không phải là một nhà lãnh đạo chính trị hay quân sự. Người không phải là một ông vua giàu có, danh vọng và quyền thế. Vậy Người là loại vua nào? Vương quốc Người ở đâu? Vương quốc Người là gì? Bài kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ hôm nay trả lời các câu hỏi ấy.
“Người hiến thân trên thập giá… Người đã hoàn thành mầu nhiệm cứu chuộc nhân loại… Người đã quy phục mọi loài dưới quyền bính mình và đặt dưới uy quyền vô hạn của Chúa. Một vương quốc sự thật và sự sống, một vương quốc thánh thiện và ân sủng, một vương quốc công bình, tình thương và hòa bình”.
Mỗi lần chúng ta hành động vì những điều quý giá này: Chân lý, sự sống, sự thánh thiện, ân sủng, sự công bình, tình thương và hòa bình, là chúng ta hành động cho Chúa Kitô, làm cho Chúa Kitô là Vua của chúng ta.
* Sự thật: Như Thánh Gioan Cantio, bạn hãy nói sự thật dù phải trả bằng mọi giá và bạn phục vụ Chúa Kitô –Vua sự thật.
* Sự sống: Chúa Kitô đến để chúng ta được sống, những kẻ theo Chúa phải phát triển sự sống. Thí dụ: Bạn hãy làm mọi cái có thể, để ngăn ngừa sát hại hàng triệu em bé vô tội vì phá thai.
* Thánh thiện và ân sủng: Mọi cái chúng ta làm đều gia tăng sự sống của Chúa trong chúng ta. Thí dụ: Tham dự Thánh Lễ này là một việc phục vụ Chúa Kitô, nguồn mạch sự thánh thiện.
* Công bình: Khi chúng ta cố gắng khiêm nhường đối với Chúa, với người lối xóm và với chúng ta. Chúng ta bỏ phiếu bầu Chúa Kitô là Vua, làm nhà lãnh đạo chúng ta.
* Tình yêu: Mỗi lần chúng ta cố gắng làm đẹp lòng Chúa, giúp đỡ anh em chúng ta minh chứng dấu chỉ đặc biệt việc phục tùng Chúa Kitô là Vua.
* Hòa bình: Bạn hãy cố gắng xây dựng hòa bình mọi nơi và bạn chứng tỏ rằng bạn thuộc về vương quốc hòa bình của Chúa Kitô. “Nước Cha trị đến” chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha. Trong ngày lễ Chúa Kitô là Vua, chúng ta thề hứa phát triển trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, đặc tính thâm sâu và thiêng liêng này để thực sự nhận Chúa Kitô là Vua.
Xin Chúa chúc lành bạn.
48. Tôi là Vua – Noel Quesson.
Đức Hồng Y Deschamps, Tổng Giám Mục Malines, khi còn trẻ đã chứng kiến cuộc đăng quang của vua Bỉ. Từ cửa sổ một cao ốc, Deschamps đứng xem, cuộc lễ diễn ra, rồi cuộc diễn hành trang trọng của hoàng gia và đoàn tùy tùng. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, các nẻo đường phố trở lại bình thường như mọi ngày, chàng trai mỉm cười nói: Thế là một vị vua đã đi qua. Rồi nhờ ơn Chúa chàng suy nghĩ tiếp: Tôi không muốn phục vụ cho một vị vua sẽ qua đi. Tôi muốn một vị vua ở mãi với tôi. Và chàng nghĩ tới Đức Kitô, chàng từ bỏ địa vị đầy hứa hẹn và trở thành một tu sĩ, một linh mục và một niên trưởng Giáo Hội nước Bỉ.
Chúa Giêsu đã nhận mình là Vua, lời tuyên bố của Chúa được thốt lên ngay trong vụ án người ta đang xét xử Chúa. Chúa bị tố cáo vì xưng mình là Vua. Khi Philatô hỏi Chúa: Ông có phải là Vua không? Thì Chúa lại quả quyết Người thực là Vua. Danh hiệu Vua có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác biệt.
Trước hết, một vị Vua theo quan điểm chính trị giống như Hoàng đế La Mã. Ông tìm cách thống trị và đòi người ta làm nô lệ cho mình. Còn một vị Vua theo quan điểm Đấng Thiên Sai mà người Do Thái trông chờ, đó là người kế vị ngai tòa Đavid. Người sẽ chiến thắng quân thù và giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc.
Còn khi Chúa Giêsu nói với Philatô: Tôi là Vua, thì chức vị Vua ở đây lại hoàn toàn khác biệt. Chúa là Vua mà không hề bó buộc ai theo mình, một vị Vua để người ta bắt nộp mà không chống cự, không có quân đội, không có vũ khí. Một vương quốc như vậy làm ngạc nhiên các chính trị gia và các người chỉ huy quân sự.
Chúa Giêsu không phải một người yếu đuối, Chúa đã từng xua đuổi ma quỷ, đã triệt hạ khổ đau bệnh tật. Người đã lên tiếng nạt sóng gió và khiến bão tố im lặng. Người đã cải tổ Luật Do Thái với tư thế quyền uy. Tuy Người là Chúa và là Thày chúng ta mà vẫn để chúng ta hoàn toàn tự do.
Chúa Giêsu thực là Thiên Chúa: “Ai thấy Ta là thấy Cha”. Chúa đến để thiết lập một vương quốc nhưng đó là một vương quốc Thiên Chúa. Một vương quốc giấu ẩn như hạt cải nhỏ xíu nhưng rồi sẽ phát dậy men… như hạt lúa mì mục nát trong đất và đem lại mùa màng tốt đẹp. Chúa Giêsu là Vua, nhưng là Vua theo kiểu Thiên Chúa. Dĩ nhiên không phải một Thiên Chúa cai trị như Thánh Vịnh ca tụng (Tv 46,9; 54,20; 58,14; 92,1; 96,1). Chúa dạy ta cầu nguyện hàng ngày cho “Nước Chúa trị đến”. Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ thù, không ép buộc con người tin theo. “Người cho mặt trời soi chiếu cho người công chính và kẻ bất lương, cho người vô thần cũng như cho các tín hữu” (Mt 5,43-48). Thiên Chúa yêu những kẻ không yêu mến Người. Và Chúa đòi ta cũng hành động theo lối Người.
Philatô hỏi: “Vậy ông là Vua sao?”. Sau khi đã xác định cung cách làm Vua của Chúa khác với quan niệm người trần, Chúa công bố với Philatô: “Ông nói đúng, tôi sinh ra để làm Vua, để làm chứng cho chân lý”. Chúa làm Vua theo lối khác, Chúa không nói khác biệt thế nào nhưng sự kiện đã chứng tỏ. Người ta giết Chúa, Chúa vẫn cai trị, vẫn chiến thắng. Chúa bị treo trên thập giá là lúc Chúa đăng quang, là lúc Người lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.
Vậy ai là thần dân của Chúa? Chúa bảo: “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng Tôi”. Chúa cai trị những người nghe tiếng Chúa, những người tin thác vào Lời Chúa, tin hoặc không tin. Như vậy, cả nhân loại là công dân của Nước Chúa, không một ai có thể thoát khỏi quyền cai trị của Chúa.
Tôn kính Đức Kitô Vua, không phải là dâng hương, là cử hành nghi lễ tung hô… Nhưng trước hết là nghe tiếng Chúa, và điều chỉnh cuộc sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, xã hội theo Lời Chúa.
Lạy Chúa là Vua Vũ Trụ, xin làm cho mọi người nhận biết quyền năng và tình thương của Chúa, để tất cả được trở nên công dân trong Nước Chúa. Nước yêu thương, an bình bất diệt. Amen.
49. Đức Giêsu là Vua ư? – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
“Chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian: ấy là để làm chứng cho chân lý. Phàm ai thuộc về chân lý thì nghe được tiếng tôi” (Ga 18:37).
Không ít người khi mới tìm hiểu về Kitô giáo, hoặc có dịp đọc qua một vài trang sách Phúc Âm, đã vội đưa ra vài nhận xét về Đức Giêsu như sau: Ngài không phải là một chính trị gia xuất chúng và cũng chẳng phải là một thương gia đại tài. Bởi vì những lời Ngài nói, những điều Ngài hứa hẹn không giống với các chính khách hay các nhà buôn thời nay tí nào. Thay vì lôi kéo quần chúng bằng những lời mời gọi hấp dẫn, có tính chất quyến rũ thị hiếu của người ta, để họ sẵn sàng đi theo ủng hộ, thì Đức Giêsu lại nói, “Ai muốn theo Ta, hãy chối bỏ chính mình, hãy vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Đã vậy rồi khi có người đi theo, Ngài lại phán thêm những câu mà mới nghe qua đã muốn bất mãn. Chẳng hạn như, “Ai không từ bỏ cha mẹ, anh em, vợ con và ngay cả mạng sống mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Ta” (Lc 14:26); hoặc “Ta không đến để đem bình an, nhưng là gươm giáo” (Mt 10:34).
Thật là khác lạ! Thay vì hứa hẹn một cuộc sống sung túc nhẹ nhàng thoải mái, êm ấm bình an, thay vì cứ hoá bánh ra thật nhiều và hoá thường xuyên để nuôi dân chúng, và như thế thì làm gì mà họ chẳng theo, thậm chí còn ủng hộ, bỏ phiếu bầu mình làm thủ lãnh, chứ đàng này Ngài lại dạy phải chịu đau khổ, phải từ bỏ chính mình, phải nhân nhượng kẻ thù, hay nói cách khác là phải chịu mất mát thiệt thòi. Thế thì làm sao mà lôi kéo dân chúng được!
Khi suy luận như thế, tất nhiên sẽ có không ít người tin tưởng mình sẽ nắm chắc phần thắng khi đánh cuộc nếu Đức Giêsu mà ra tranh cử, dù thời xưa hay thời nay, thế nào cũng bị loại ngay từ vòng đầu thôi. Nhất là khi họ thấy thân xác của Ngài bị đóng đinh thê thảm trên thập giá, kết thúc cuộc đời không một chút oai phong vinh quang, thì chẳng mấy ai dám khẳng định Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Vua dân Do thái, hay là Chúa của muôn dân. Có chăng chỉ là một sự nhạo báng!
Ấy thế mà kẻ bị đóng đinh ô nhục trên thập giá giữa những tên trộm cướp, người đã từng bị nhạo báng là vua, là Mêsia, lại thật sự là Đức Kitô, Vua của muôn muôn tỉ tâm hồn.
Sẽ có người ngạc nhiên nêu vấn đề: Tại sao nghịch lý thế? Do đâu mà một tử tội lại được người ta bước theo đông đảo như vậy? Phải chăng vì người đó chính là chân lý-phải chăng vì người đó đã đến để giải thoát nhân loại bằng chân lý, và nay lại dám hiến mình chịu chết cho chân lý?
Nhưng “chân lý là gì”? Câu hỏi không cần câu trả lời của Philatô lại là đề tài suy tư của nhiều thế hệ. Chân lý đó chính là Thiên Chúa yêu thương con người. Bất cứ ai tin nhận chân lý này sẽ tìm thấy cho mình một sức sống phong phú, một niềm vui linh thiêng tràn đầy, nhất là sẽ múc được hồng ân cứu thoát, dù rằng người đó có đang quằn quại trong nỗi đau của thân xác như người trộm lành bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu.
Trong nỗi đau đớn tột cùng trước những hình khổ do quân Roma bày ra, anh trộm lành đã nhận chân con người của Đức Giêsu. Anh Đã bênh vực cho Ngài khi lên tiếng: “Ông này đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23:41). Nói cách khác, anh đã thừa nhận Đức Giêsu đã làm điều đúng. Ngài chỉ làm theo sự thật, đã sống cho chân lý yêu thương con người, và nay ngài chết cũng vì chân lý yêu thương đó.
Từ chỗ tin nhận và bênh vực sự vô tội của Đức Kitô, anh trộm lành đã khám phá ra vương quyền và thiên tính của Ngài. Kết quả, anh đã lên tiếng khẩn cầu: “Khi nào về Nước, xin Ngài nhớ đến tôi” (Lc 23:42).
Lạ quá! Làm sao trước một thân xác rã rời với đinh sắt, máu me thế kia mà anh ta có thể cất lên được lời kêu nài như thế là lời thỉnh cầu trước một quốc vương? Làm sao trước hình hài của một kẻ đang chịu đau khổ chẳng thua kém gì anh ta thế kia mà anh lại đem lòng thần phục như đối với một vị vua uy quyền như vậy? Câu trả lời sẽ là: Chân Lý đã gặp gỡ anh và anh đã tin nhận Chân Lý. Đức Kitô gặp anh và anh đã tin phục Ngài. Chính sự tin phục cùng tin nhận này mà ơn cứu độ, phần thưởng của sự sống linh thiêng được trao ban cho anh ngay trong ngày đó.
Đã có rất nhiều người gặp Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều nhận ra Ngài là Chân Lý, là Vua của tâm hồn, là Chúa của yêu thương. Philatô đã gặp Đức Giêsu đấy chứ, nhưng lòng ham mê quyền hành đã che khuất chân lý; những người luật sĩ biệt phái đã thấy Đức Giêsu đấy chứ, nhưng những ghen tương đố kị, những mưu cầu ảnh hưởng cá nhân đã làm lu mờ khuôn mặt của chân lý; rất nhiều người trong đám đông dân chúng Do thái về dự lễ Vượt qua ngày xưa đã thấy Đức Giêsu đấy chứ, nhưng chỉ vì thích hùa theo tính bạo động của đám đông, bất chấp chuyện đúng sai, bất chấp kẻ vô tội là Giêsu hay là Baraba. Thế nên, cuối cùng Chân Lý đã bị họ đóng đinh.
Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội muốn đặc biệt nhắc nhở với mọi người tín hữu về gương mặt của Chúa Giêsu Vua, gương mặt của chân lý yêu thương con người-chân lý duy nhất mang lại hạnh phúc và niềm vui tâm hồn. Thử hỏi chân lý yêu thương đó có ngự trị tâm hồn của tôi chưa? Tôi đã dám bước trên những gì là quyền hành, dù đó là quyền hành của một người cha, người chồng, hay người chủ, tôi có dám vượt thoát những gì là ghen tương đố kị, lợi ích riêng tư, tôi có can đảm chế ngự những bạo động của dục tình hay nóng giận để làm cho hình ảnh của chân lý yêu thương là Vua Giêsu được bừng sáng hơn trong gia đình và cộng đoàn tôi không?
Xét lại chính mình nhân ngày cuối năm phụng vụ để xác định thái độ tin phục và suy tôn cần có đối với Vua Giêsu, hầu sự bình an và niềm hạnh phúc thiên đàng mà Ngài đã tặng ban cho người trộm lành xưa, cũng chiếm ngự tâm hồn, gia đình, và cộng đoàn chúng ta.
50. Thuộc về Chúa.
Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã xác quyết: Phải, Ta là vua, nhưng Nước Ta không thuộc về thế gian này. Đúng thế, nhìn vào xã hội ngày hôm nay, chúng ta sẽ thấy Nước Chúa không có một thế lực chính trị, không có một sức mạnh quân sự nào cả. Nước Chúa không có xe tăng và đại pháo, mà chỉ có các linh hồn. Nước Ngài là nước thiêng liêng triển nở trong cõi lòng chúng ta. Và như vậy, Ngài là vua của tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên một khi đã tuyên xưng Ngài là vua, thì điều quan trọng, đó là chúng ta phải thuộc về Ngài. Thế nhưng, chúng ta phải thuộc về Ngài như thế nào?
Chúng ta không thuộc về Chúa bằng cách chỉ có tên trong sổ Rửa tội, bằng cách chỉ mang danh hiệu là người Kitô hữu, nhưng chúng ta phải thuộc về Ngài bằng chính đời sống kitô hữu của chúng ta. Đây quả thực là một điều cay đắng và chua xót, bởi vì: xét theo tên gọi, thì nhiều người Kitô hữu đã thuộc về Ngài, nhưng xét theo đời sống, thì họ lại chối bỏ Ngài. Họ tới nhà thờ ba lần trong đời. Lần thứ nhất đễ lạnh nhận bí tích Rửa Tội, lần thứ hai để cử hành bí tích Hôn Phối và lần thứ ba để ra đi đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Mặc dù tin Chúa, nhưng họ lại chẳng bao giờ sống niềm tin của mình. Họ chấp nhận Đức Kitô là vua, nhưng lại chẳng bao giờ tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, khiến anh em lương dân đã phải thốt lên: Đi đạo thì tin đạo, chứ đừng tin kẻ có đạo. Họ chỉ là một thứ Kitô hữu “dổm”, hữu danh vô thực mà thôi. Họ giống như mồ mả bên ngoài thì quét vôi trắng xóa, hay ốp lát cẩm thạch hay đá quí, nhưng bên trong thì lại chất chứa đủ mọi thứ giòi bọ và xú khí. Đức tin của họ chỉ là như một bộ quần áo đẹp, mặc vào để tới nhà thờ, rồi sau đó thì cởi ra và treo và tủ. Họ chỉ giữ đạo ở trong nhà thờ mà chẳng sống đạo giữ lòng cuộc đời. Tại nhà thờ họ là những con chiên ngoan, nhưng bước xuống cuộc đời họ bỗng hóa kiếp thành một loài lang sói, cũng gian tham, cũng độc ác… Với chúng ta thì khác. Giữa một xã hội chối bỏ Thiên Chúa để chạy theo vật chất và hưởng thụ, thì những người Kitô hữu, bằng một cuộc sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, phải trở nên chứng nhân cho Tin mừng tình yêu của Đức Kitô, phải trở nên nắm men làm cho cả đấu bột xã hội dậy men đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, phải trở nên muối mặn ướp cho một môi trường khỏi ươn thối, phải trở nên ánh sáng chiếu trong một thế giới bị phủ đầy bóng tối. Tất cả những điều ấy muốn nói lên rằng mỗi người chúng ta cần phải có một đức tin sống động, thì mới có thể cẳm hóa được thế giới ngày nay, một thế giới đang xa lìa khỏi quỹ đạo của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống này, không thiếu gì những người vỗ ngực tự xưng là đạo gốc, là đạo dòng, nhưng lại thiếu mất một đức tin sống động. Họ nói: Nếu tôi không có đức tin, thì tôi chẳng cần phải ăn ngay ở lành, chẳng cần phải để ý tới linh hồn làm chi? Với chúng ta thì khác, nếu chúng ta có một đức tin sống động, thì liệu chúng ta có thể bỏ bê linh hồn, trốn tránh việc đi xưng tội và lười biếng việc rước lễ được hay không? Chắc chắn là không.
Nếu kiểm điểm lại đời sống và tự vấn lương tâm, có lẽ chúng ta phải đấm ngực mình mà rằng: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng… Bởi vì chúng ta mới chỉ là những người Kitô hữu trong sổ sách, những người Kitô hữu trên môi trên miệng, chứ chưa thực sự là những người Kitô hữu trong việc làm, trong cuộc sống với một đức tin mạnh mẽ và nhiệt thành.Với lời nói, chúng ta là những người Kitô hữu, nhưng với việc làm chúng ta lại là những kẻ ngoại đạo. Với miệng lưỡi, chúng ta là những người có đạo, nhưng với đời sống, chúng ta lại là những kẻ vô đạo. Với ngôn ngữ, chúng ta là những người tin Chúa, nhưng với tư cách chứng nhân, chúng ta lại là những kẻ chối bỏ Chúa, đúng như tục ngữ đã diễn tả: Khẩu Phật tâm xà. Miệng Na mô, bụng bồ dao găm. Đức Kitô là vua cõi lòng chúng ta. Vì thế, chúng ta phải nói, phải làm và phải sống thế nào để trói cả cuộc đời chúng ta là một lời tuyên xưng vương quyền của Ngài và bản thân chúng ta xứng đáng mang danh hiệu là công dân Nước Trời.
51. Vua vĩnh cửu.
Trong một ngày lễ Chúa Kitô Vua, chúng tôi đã mời gọi dân chúng ở Tagalog tôn vinh Chúa Giêsu bằng những tiếng chúc tụng và ca khen “Chúa Kitô muôn năm”. Khi tung hô ai như vậy, chúng ta muốn nói rằng tôi ước ao cho ngài được trường thọ. Đó vừa là lời chúc mừng vừa là lời hoan hô đầy phấn khích, là một lời kêu cầu và cũng là một cử hành tôn vinh chính sự sống.
Khi chúng ta nói: “Chúa Kitô muôn năm”, chúng ta dùng câu đó như một lời khẩn cầu, một lời kính tôn đối với Đức Vua nhân từ của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng diễn tả trong câu đó một lời tán dương đối với Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng diễn tả một nỗi khát vọng, mong ước Chúa đến và sống mãi mãi trong tâm hồn chúng ta cũng như trong tâm hồn mọi người tin vào Chúa.
Thầy Brian Morton có kể lại câu chuyện sau đây:
“Một nữ tu trẻ khởi sự ngày đầu tiên làm việc trong một bệnh viện địa phương. Sơ rất lo lắng. Sơ thấy những người hấp hối nằm trên các giường bệnh. Sơ thấy các sơ khác đang đi từ giường này sang giường khác, rót nước ở chỗ này, phát thuốc ở chỗ kia.
Bất thình lình Mẹ Têrêxa đến bên sơ, mỉm cười và nói: “Này chị, đến với tôi. Tôi muốn chị gặp một người”. Nữ tu trẻ đi theo Mẹ Têrêxa. Chẳng mấy chốc họ đến bên một cái giường nằm ở góc xa nhất của khu nhà. Nằm trên giường là một ông lão gầy giơ xương. Đôi mắt của ông sâu hoắm. Đầu ông cao trọc. Ông chỉ còn một cái răng duy nhất trong miệng.
Mẹ Têrêxa ôm khuôn mặt của ông lão trong đôi bàn tay của mình và quì xuống bên giường. Mẹ gọi người nữ tu trẻ tuổi: “Chị Anna, tôi muốn chị gặp Chúa Giêsu”.
Chúng ta cần mời gọi Chúa Kitô đến cư ngụ trong chúng ta để những qui tắc, lối sống của Người trở thành qui tắc vào lối sống của chúng ta. Chúng ta cần Người đến sống trong và với chúng ta để chúng ta hành động, ứng xử như Người. Chúa Kitô đang sống trong mỗi người chúng ta. Và chúng ta phải để cho Chúa hướng dẫn chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những người chung quanh chúng ta.
Chúa Kitô muôn năm! Xin Chúa sống mãi mãi trong tâm hồn chúng con.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam