Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 19

Tổng truy cập: 1364458

LẠY CHA CHÚNG CON

LẠY CHA CHÚNG CON– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra. Vì thế, các Tông đồ xin Người dạy cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.

*1. Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Có lẽ vì đã đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha một cách máy móc nên ít khi ta cảm nhận được hết ý nghĩa thâm sâu nằm trong từ ngữ “Cha”.

Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi “Ba ơi”, tôi bủn rủn cả tay chân. Một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Quả thực, mối liên hệ Cha-Con là một mối liên hệ rất thâm sâu, huyền bí và thân thiết.

Gọi ai là Cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Đó là những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.

Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm không bút nào tả xiết được.

Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

*2. Mọi người là anh em

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con… Xin Cha cho chúng con… Chứ không dạy ta đọc: Lạy Cha của con… Xin Cha cho con… Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong cả lời cầu nguyện.

Một lần dâng lễ chung với những người bạn Mỹ, tôi đã hỏi họ trong giờ chia sẻ: Hằng ngày các bạn vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Vậy khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” các bạn cầu xin điều gì? Vì ở Mỹ tôi thấy lương thực dư thừa, không ai phải chết đói. Họ trả lời: Chúng tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Và với câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” chúng tôi vẫn cầu xin tha thiết. Vì tuy chúng tôi đã đủ ăn đủ mặc, chúng tôi vẫn nhớ đến những anh em bên Phi châu, bên Àu châu đang phải đói khát khổ sở.

Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới, có trách nhiệm về nhau. Trong bài đọc 1 hôm nay, tổ phục Abraham đã nêu gương liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sođoma khỏi bị phạt.

Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em bé nhỏ trước hết.

Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1-      Bạn có thực sự cảm thấy Chúa là Cha và sống với Người như người con hiếu thảo không?

2-      Thiên Chúa là Cha tốt lành. Người chỉ ban cho ta những điều tốt. Có khi nào Bạn gặp thất bại khổ đau mà bạn thấy lòng tốt của Thiên Chúa không?

3-      Bạn cầu nguyện cho người kém may mắn, nhưng bạn có sẵn sàng chia sẻ với họ không?

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM C

HÃY CẦU NGUYỆN-  Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Khi các môn đệ thấy Đức Giêsu cầu nguyện với Cha Người, các ông cảm thấy thèm khát vô cùng tình Cha Con lạ lùng cao cả mà Thầy đang được hưởng: Sự kết hợp của Cha Con duy nhất nên một, Cha toàn năng vinh hiển, cực thánh, cực nhân, thượng trí, khôn ngoan vô cùng, thì con cầu nguyện cùng Cha cùng được hiệp thông với Cha như thế. Con cầu nguyện với Cha bằng ngôn ngữ linh thánh huyền diệu chan chứa yêu thương thảo mến, chất đầy tình con chí hiếu, hiến dâng trọn vẹn cuộc đời Con cho sứ mệnh cứu thế mà Cha đã se định.

Lời nguyện từ miệng Con thốt ra có sức mạnh lạ lùng làm cho các môn đệ rung cảm mãnh liệt, khiến các ông tha thiết đến xin Thầy dạy cầu nguyện và Thầy đã dậy: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, …”

Kinh Lạy Cha có một hình thức giáo dục tuyệt đẹp, và một nội dung chân lý vô cùng phong phú.

Về hình thức: Kinh Lạy Cha, mở đầu bằng lời chào rất thân yêu kính mến. Ngày nay, trong các hội nghị, chúng ta thường thấy các đại biểu bắt chước mở đầu bài phát biểu của mình bằng một lời chào nồng nhiệt, và toàn thể hội nghị đều vỗ tay phấn khởi. Tiếp đến phần chính trong kinh Lạy Cha là phần thưa chuyện gồm hai vấn đề. Vấn đề trước: thưa ba điều về Cha. Vấn đề sau: thưa bốn điều về con. Thưa về Cha trước là tỏ ra con luôn luôn quan tâm đến Cha, tỏ lòng hiếu thảo, kính trọng, yêu mến Cha hơn con. Sau mới thưa đến việc con là tỏ lòng khiêm tốn, xả kỷ, quên mình.

Người lịch sự, lễ phép, khiêm tốn và có giáo dục, khi viết thơ hay tiếp chuyện bao giờ cũng tỏ ra biết để ý đề cập đến việc người trước việc mình. Kẻ vô tâm, thất lễ, ích kỷ, kiêu căng chỉ biết nghĩ đến mình, nói về mình, lo cho mình trước người.

Qua kinh Lạy

Cha, Đức Giêsu đã giáo dục nhân loại từ hai nghìn năm nay, biết đi vào con đường lễ phép, khiêm tốn, nhân từ tuyệt vời đó.

Về nội dung: Kinh Lạy Cha chất đầy những vấn đề vô cùng phong phú và quan trọng.

Chỉ suy niệm về lời chào “Lạy Cha chúng con ở trên trời” đã làm cho các ông cảm động run lên vì sung sướng. Các ông lấy làm vinh hạnh vô cùng và được gọi Cha Đức Giêsu là cha mình. Các ông được Chúa cho thông quyền nghĩa tử của người. Ôi! Hạnh phúc biết bao, từ nay các ông được sống bằng sức sống thần linh của Chúa Con, được quyền rao giảng Tin Mừng, được quyền tha tội, trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân cả hồn xác, được quyền ban sự sống, ơn thánh và tình yêu chí thánh của Chúa Thánh Thần. Sau các môn đệ, còn biết bao nhiêu người cũng được diễm phúc cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha như vậy.

“Một bà già quê mùa được thưa chuyện với Chúa trời đất cao sang vô cùng bằng lời chào: Lạy Cha, làm bà nhiều lần xúc động khóc nức nở. Một hôm Đức Giám Mục hỏi bà:

– Bà nổi tiếng cầu nguyện gương mẫu nhất làng, vậy bà thường suy gẫm sách đạo đức nào nhất?

– Thưa Đức Cha, con không biết đọc.

– Vậy bà cầu nguyện thế nào?

– Thưa Đức Cha, con chỉ biết cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Tin Kính. Mỗi ngày con bắt đầu đến mười lần, nhưng thường con chỉ đọc một câu: “Lạy Cha chúng con” thì con cảm thấy Chúa tốt lành vô cùng đến nỗi cho một bà già khốn nạn như con được gọi Ngài là Cha. Con nghĩ thế rồi con khóc, không thể đọc tiếp được nữa.

Đức Cha ngạc nhiên nói với bà: “Chỉ một lời nguyện đó của bà có giá trị bằng tất cả những lời nguyện của chúng tôi rồi đó” (Sống, tr. 294)

Quả thực, chỉ một lời chào, “Lạy Cha chúng con” đã làm cho biết bao tâm hồn được Chúa Thánh Thần soi sáng cho cảm thấy được hưởng những ơn thiêng lạ lùng, khiến lòng tin mến họ dạt dào đến thổn thức suốt đời.

“Lạy Cha” tiếng chào mừng vô vàn tôn kính mến yêu, tiếng cầu khẩn đầy tin tưởng cậy trông của những người con chí hiếu chí ái.

Phải tôn thờ Cha vì Cha là Đấng sáng tạo mọi sự, muôn loài sống, sinh sôi nảy nở, phát triển, tồn tại đều bởi Cha ban.

Phải trìu mến Cha vì Cha ban cho mọi sự đều tốt đẹp: Hoa cỏ đồng nội, chim trời, cá biển, muôn vàn tinh tú, muôn dân các nước từ văn minh đến mọi rợ đều đầy vẻ xinh tươi, duyên dáng, hào hùng, không một vườn bông nào, một sở thú nào, một triển lãm nào, một hội chợ nào sánh kịp với những kỳ công của Cha.

Phải cầu khẩn Cha vì “mọi sự của Cha là của Con, mọi sự Cha ban cho Con, Con lại ban cho chúng để chúng được sống đời đời và nhận biết Cha đang gìn giữ chúng khỏi sự dữ. Phải tin tưởng Cha, vì Cha đã thánh hóa chúng trong sự thật, ban cho chúng vinh quang mà Cha đã ban cho con. Cha đã yêu mến chúng để chúng yêu thương nhau, hợp nhất nên một như Cha Con ta là một, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, để Con ở đâu chúng ở đó để được chiêm ngưởng vinh quang Cha” (Ga 17…)

“Lạy Cha” phải là tiếng kêu đầu tiên và sau cùng trên mọi môi miệng, mọi con tim khối óc và toàn diện con người chúng ta để chúng ta được sống tốt lành, được chết êm ái và được sống lại vinh hiển với Cha trên trời.

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM C

CẦU XIN– Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chúng ta không thể quán xuyến mọi sự trong tầm tay vì còn có nhiều nguyên nhân tùy thuộc. Có ba điều cần để thành công trong mọi công việc là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Con người sống chung thì trăm người, trăm ý. Môi trường chung quanh thì thay đổi như mây bay gió thổi. Chỉ có một điều là chúng ta thuận theo ý trời. Chúng ta sẽ sống vui vẻ và hạnh phúc. Trong hạnh các Giáo phụ có kể lại: Một người nông dân hạnh phúc hơn bạn bè xóm làng. Được hỏi lý do tại sao, ông ta trả lời: Các ông đừng ngạc nhiên. Chính vì tôi luôn được thời tiết theo lòng tôi ước muốn. Người kia đáp lại: Không thể được. Người nông dân đáp: Không bao giờ tôi ước muốn thời tiết khác thời tiết Thiên Chúa gởi cho. Vì thế, Chúa luôn ban cho tôi mùa màng như lòng tôi ước nguyện.

Câu truyện của ông Abraham cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho dân thành Sôđôm và Gômôra và xin đừng đoán phạt. Sự đối thoại trả giá diễn tả tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ông Abraham lý luận theo cách suy tưởng của con người. Ông biết rằng trong đời sống con người, có kẻ tốt, người xấu và kẻ lành, người dữ. Thiên Chúa yêu thương mọi người. Chẳng lẽ Chúa phạt cả kẻ dữ lẫn người lành sao: Abraham lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? (Stk 18, 23). Ông Abraham ước muốn Thiên Chúa tha phạt cho cả thành, vì nghĩ rằng có một số người lành đang chung sống giữa họ. Ông thưa: Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? (Stk 18, 24). Thiên Chúa ban ơn mưa móc xuống cho cả kẻ lành, người dữ. Người lành thánh có thể giúp người tội lỗi hối cải và người tội lỗi cũng có thể giúp cho người lành phấn đấu sống thánh thiện hơn.

Ông Abraham đã trả giá với Thiên Chúa, từ 50 người lành xuống tới chỉ còn 10 người. Cả thành không kiếm được mười người lành, nên thành Sôđôm phải chịu hình phạt. Chúa nhân từ trong mọi lời Chúa phán và thánh thiện trong mọi việc Chúa đã thực hiện. Chúa sửa phạt rồi Chúa lại tha thứ và đón nhận trở về. Lịch sử ơn cứu độ là một cuộc phấn đấu không ngừng để tinh luyện con dân nên thánh thiện. Ông Abraham hết lời: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Sôđôm” (Stk 18, 32). Nhân loại tồn tại và Giáo Hội tiếp tục sống còn là nhờ đời sống nhân đức của các bậc thánh nhân, những tín hữu nhiệt thành và những con người thành tâm sống gương mẫu giữa đời. Giáo hội luôn luôn cần những gương sáng để soi dọi cho những ai ngồi trong bóng tối sự dữ và sự chết.

Trong đời sống đạo, chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng vô cùng. Người ban phát ân sủng cho mọi loài thọ tạo. Thế nên, chúng ta rất quen thuộc với những từ ngữ như cầu nguyện, cầu xin, nguyện xin, cầu bầu, xin ơn, phù trợ và nâng đỡ chở che. Trong tâm tình khiêm hạ và nhận biết thân phận yếu hèn, chúng ta cùng cúi đầu thờ lạy và vâng phục Đấng Tạo Hóa chí công. Chúng ta nên thành tâm cầu xin những ơn cần thiết cho đời sống và phần rỗi của chúng ta. Cầu nguyện là chúng ta nối một nhịp cầu tới Thiên Chúa bằng những lời nguyện xin. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện luôn: Thế nên Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11, 9). Một điều quan trọng mà Chúa Giêsu dạy là anh em cứ xin, thì sẽ được. Chúng ta xin Chúa điều gì bây giờ?

Chúa Giêsu đã dậy các tông đồ cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha. Phần đầu của Kinh là nguyện sáng danh Thiên Chúa, nhưng phần sau là bốn lời xin: Xin cho chúng con lương thực hàng ngày và xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ (Lc 11, 4). Thiên Chúa không phải là ông chủ giầu có ngồi chờ chúng ta đến xin để phân phát. Hào bao của Thiên Chúa luôn rộng mở. Tùy thuộc chúng ta có xứng đáng lãnh nhận hay không. Nếu tâm hồn của chúng ta không rộng mở thì ơn Chúa không thể tuôn đổ. Nếu lòng chúng ta chất đầy của cải thế gian thì đâu còn chỗ để nhận lãnh thêm. Khi chén của chúng ta đã đầy tràn những thứ lỉnh kỉnh, làm sao ơn Chúa thấm nhập vào lòng. Khi cầu nguyện, chúng ta có thật lòng cầu xin, hay chỉ đọc ruổi một số những kinh kệ và kể lể một số nhu cầu cần thiết trong cuộc sống và nghĩ rằng Chúa sẽ ban phát mọi ơn.

Ước vọng của con người thì nhiều vô kể và cao sâu. Hầu như không khi nào chúng ta ước muốn cho đủ. Nhu cầu đòi hỏi của tâm linh cũng như thể chất luôn réo gọi vươn tới. Sức lực và khả năng của con người thì giới hạn. Mong ước thì to lớn. Khi chúng ta đã có, lại muốn có thêm. Đường nên thánh còn dài và nhiều chông gai. Đường đời thì cặm bẫy giăng giăng. Đường nào cũng phải phấn đấu không ngừng. Người ta thường nói: Lòng tham vô đáy. Không những lòng tham mà mọi khao khát đều không có cùng. Làm sao chúng ta có thể: Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Biết đủ là đủ. Bao nhiêu mới là đủ chứ? Cuộc sống quá hấp dẫn gọi mời chúng ta tiến thân. Sống một ngày, mong thêm một bước. Cuộc đời là dòng chảy luôn luôn có cái mới. Điều mới mẻ giúp chúng ta hy vọng và sống vui. Nên chúng ta cứ phải cầu xin hoài.

Mấy ai trong chúng ta khi cầu nguyện mà không xin ơn. Ngay cả những người không tin có Thượng Đế hay quyền lực nào bên trên, họ vẫn cầu xin khấn vái cho được mọi sự lành. Người ta chỉ chối từ sự hiện hữu của thần linh, thiên thần, linh hồn trong lý thuyết, nhưng nơi cuộc sống thường ngày, họ cũng vẫn mong cầu thần phật gia hộ cách này hay cách khác. Có khi còn rơi vào sự mê tín dị đoan, tin vào bói khoa, bói toán, bói quẻ, chim kêu, gà gáy, xem tướng, chỉ tay vận số, xin sâm và cả cầu thần dữ để chế ngự. Ngày tư ngày Tết, ngày Rằm, Lễ Hội, vố số người, dù không tin thần linh, họ cũng say mê cúng vái hoa qủa, nhang hương, lẩm rẩm nguyện cầu và xin cho người an bình thư thái và làm ăn phát tài phát đạt. Hằng ngày chúng ta cũng thường cầu nguyện với rất nhiều ý cầu xin. Cầu xin cho sự tốt lành trong gia đình, mọi người khỏe mạnh, làm ăn may mắn và mọi sự bình an xác hồn.

Đôi khi chúng ta cầu xin theo kiểu trừ hao. Xin mười Chúa sẽ ban cho một. Với lòng thành, chúng ta xin những ơn cần thiết cho sự sống và phần rỗi. Chúa bao dung độ lượng sẽ không quay mặt làm ngơ. Thánh Luca viết: Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?(Lc 11, 13). Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy bền tâm và tỉnh thức cầu nguyện. Chúa đã nêu gương cầu nguyện luôn để kết hợp với Chúa Cha. Chúng ta cùng cầu nguyện như Chúa dạy và xin những ơn cần thiết nhân danh Chúa Giêsu Kitô.

Trong thơ gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô đã xác tín về hồng ân ơn cứu độ của Chúa Kitô: Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, số nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá (Col 2, 14). Chúa Kitô đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha qua sự hiến tế của Ngài trên thập giá. Máu Thánh đã xóa sạch lỗi lầm và ban cho chúng ta được phúc làm con và cùng đồng chia sẻ vinh quang sự sống.

Lạy Chúa, Chúa là chủ tể mọi loài. Chúa cho mặt trời soi chiếu trên kẻ lành người dữ. Chúa tiếp tục ban phát hồng ân cho mọi loài. Xin cho chúng con biết tỏ lòng trông cậy vào Chúa là nguồn mọi phúc lộc. Chúng con thờ lạy, cảm tạ và hát ca danh Chúa đến muôn muôn ngàn đời.

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- NĂM C

KINH LẠY CHA– LmGiuse Nguyễn An Khang

Kinh Lạy Cha là kinh nguyện đầu tiên, vĩ đại nhất trong mọi kinh nguyện Kitô giáo, kinh duy nhất do Đức Kitô sáng lập. Nó bao gồm mọi tương quan giữa Thiên Chúa với chúng ta và giữa chúng ta với nhau. Nó không chỉ dạy cần cầu nguyện về điều gì, còn dạy ta cầu nguyện thế nào. Nó là khuôn mẫu cho mọi kinh nguyện. Nếu sống theo những điều dạy trong đó, chúng ta hoàn toàn hợp với tâm hồn của Đức Kitô. Bởi chắc chắn đó là điều chính Người cầu nguyện và sống theo. Kinh lạy Cha được chia làm hai phần:

Phần thứ nhất: Tương quan với Thiên Chúa

Mở đầu kinh nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Nhiều dân tộc phương Đông coi thần linh như Cha. Dân Do thái cũng gọi Thiên Chúa là Cha, như nhiều tôn giáo khác (Hs 13, 3; Gr 3, 19; Is 63,16; Kn 5,5). Nhưng để tránh nguy cơ hạ giá Thiên Chúa xuống mức độ con người, Cựu ước thường rất họa hiếm kêu Thiên Chúa như Cha. Phần Đức Giêsu, chẳng những gọi Thiên Chúa là Cha, Người còn dùng từ thân mật hơn nữa, từ chỉ đứa trẻ thơ, trẻ vừa thôi bú, bập bẹ biết nói gọi cha mình: “Abba!”Cha ơi! Qua đó, Đức Giêsu muốn nói, chúng ta có một người Cha toàn năng, Chúa Trời đất, nhưng lại rất dịu hiền thương yêu ta hơn mọi người cha trần gian. Ta hãy nguyện cho danh Cha cả sáng, được nhiều người biết đến. Khi chúc tụng Danh của Người, chúng ta chúc tụng chính Người.

Kế đó, Đức Giêsu dạy ta phải xin cho Nước Cha mau đến, Nước của Sự thật và Sự sống, của Thánh thiện và Ân sủng, của Công chính yêu thương và Bình an. Người Dothái cầu nguyện như thế trong kinh Qaddish: “Xin làm cho Danh cao cả của Người được thánh hóa trong thế gian, mà Người tạo dựng theo ý chí của Người. Xin Người làm cho triều đại Người được hiển trị và sự giải thoát được nảy mầm, Đấng Messia của Người đến gần”. Có điều khi đọc kinh Qaddish, người Dothái không biết bao giờ Đấng Messia đến và khi nào triều đại Thiên Chúa sẽ hiển trị. Phần Đức Giêsu biết, Đấng Messia chính là Ngài và triều đại của Thiên Chúa đến rất gần. Nó đã hình thành, nhưng không phải cách huy hoàng, song như một ít men, như một hạt giống vùi sâu trong lòng người (Mt 3,2-4; 17,10). Chúng ta đều có phần tham gia kiến tạo cho triều đại Chúa mau đến, bằng cách sống và rao giảng cho Triều đại đó tiến lên.

Đức Giêsu cũng dạy chúng ta, phải xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất, dưới trần gian này. Thánh ý Chúa luôn là điều tốt đẹp, nhưng không phải là điều dễ thực hiện, nhất là trong cuộc sống, bởi ta là con người có ý chí tự do.

Phần thứ hai: Tương giao giữa chúng ta với nhau, những khát vọng của chúng ta.

Đức Giêsu gợi ý chúng ta xin Cha bốn điều: lương thực, biết tha thứ, chiến thắng cám dỗ, thoát sự dữ.

“Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày”. Lương thực đây, có nghĩa là mọi khát vọng vật chất. Đó là thứ chúng ta thực sự cần. Tuy nhiên, chỉ hàng ngày dùng đủ. Đức Giêsu không ngừng nhấn mạnh, không nên quá lo lắng về ngày mai, ngày mai có cái lo của ngày mai (Lc 12, 22-23; Mt 6, 34). Trong cuộc xuất hành qua sa mạc, Dân Chúa không thể tích trữ lương thực manna trước cho nhiều ngày (Xh 16,4). Sách Châm Ngôn cũng dạy: “Xin đừng để con nghèo túng, cũng đừng để con giầu có, xin cho con cơm bánh cần dùng” (Cn 30,8). Đối với những người giàu có, khi đọc lời nguyện này, cần lưu ý từ “chúng con”, chia sẻ lương thực với những người đang đói.

“Xin tha kẻ có nợ chúng con, như chúng con tha kẻ có lỗi với chúng con”. Một cô bé đã nói với thầy dạy giáo lý: “Một Kitô hữu chính là một người biết tha thứ”. Tuy nhiên, để được Thiên Chúa tha thứ, ta cũng phải tha thứ cho người anh em. Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót (Mt 18, 23-35), để dạy về điều này.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Cám dỗ lớn nhất, kinh khủng nhất là đánh mất đức tin. Ở vườn Giệtsimani, Đức Giêsu đã khuyến cáo các bạn hữu của Người: “Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22, 40; 22, 46). Vâng, cám dỗ lớn nhất của các môn đệ là bỏ rơi Đức Giêsu. Bởi thế, khi rao giảng Đức Giêsu đã nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc18,8). Trong dụ ngôn gieo giống, Đức Giêsu nhắc ta phải cảnh giác: Có những người tín trung trong một thời gian nào đó, đến giờ thử thách, bị cám dỗ, họ đã chối bỏ đức tin (Lc 8,13).

“Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Cuối cùng, chúng ta cầu xin thoát khỏi sự dữ cả về thể lý và luân lý. Chúng ta không mong muốn gặp sự dữ. Điều chúng ta xin Chúa là ơn chiến thắng mọi sự dữ, nhất là sự dữ luân lý.

“Dụ ngôn người bạn quấy rầy”. Sau khi dạy các môn đệ phải cầu nguyện thế nào, Đức Giêsu lại đưa ra dụ ngôn dạy họ biết phải làm sao, để lời xin của họ được chấp nhận. Ở Paléttin thời Đức Giêsu, căn nhà chỉ có một phòng. Cánh cửa đóng lại có xà lớn dùng làm then cửa. Giường chiếu là một tấm nệm thật lớn, trải trên nền nhà. Con cái ngủ gần cha mẹ. Để mở cửa, phải nhọc mệt lắm và rất rộn ràng, khiến mọi người phải thức dậy. Trong những điều kiện như vậy, người ta mới hiểu sự tức tối của kẻ bị đánh thức lúc nửa đêm, để giúp đỡ bạn bè. Tuy nhiên, để được bình an, khỏi bị quấy rầy, người ta phải chào thua và chiều theo lời khẩn khoản của bạn.

Thiên Chúa cũng thế, Ngài sẽ nghe lời kẻ liên lỉ cầu xin. Lời kinh nguyện dai dẳng và đầy tin tưởng không biết chán, dù không được Chúa chấp nhận tức khắc, rồi cũng sẽ được Chúa nhận lời sau này. Thầy thông luật Israel nói: “Người ngu xuẩn thắng được sự dữ, thì đối với Thiên Chúa tốt lành, anh ta lại dễ dàng chiến thắng hơn”. Đức Giêsu cũng đưa ra dụ ngôn quan tòa bất chính và bà quấy rầy (Lc 18,1-8) để dạy về điều này.

home Mục lục Lưu trữ