Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 69
Tổng truy cập: 1370822
LẠY CHÚA THÁNH THẦN XIN NGÀI NGỰ ĐẾN
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Khỏi 40 ngày ấy Đức Chúa Giêsu đi đâu?
Đức Chúa Giêsu lên trời.
Vâng kính thưa cộng đoàn, 40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến Giáo hội làm Tuần Cửu Nhật và thiết tha cầu xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến…”.
Giáo hội xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì? Thưa, Chúa Thánh Thần đến để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên). Vậy chúng ta hãy trở nên những người trong sạch hơn, sốt sáng hơn, dễ bảo hơn… để Chúa Thánh Thần đỡ vất vả về vấn đề này, còn dạy dỗ chúng ta điều khác.
Đức Chúa Giêsu lên trời có bỏ chúng ta mồ côi không?
Không, Đức Chúa Giêsu lên trời đoạn, khỏi 10 ngày đã sai Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh tông đồ để ở lại với Hội Thánh mãi cho đến tận thế.
Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ và hiện diện trong lịch sử Giáo hội, hành động không biết mệt mỏi.
Nếu như khi xưa Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người cùng ban đầy đủ các ơn với các sự kiện bên ngoài, thì hôm nay chúng ta tin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta cách đặc biệt trong ngày lễ của Ngài.
Quả thật, ơn Chúa Thánh Thần đang hiển hiện trước chúng ta đây. Ngài đang ở với chúng ta qua các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, vì Ngài là tác tác giả thần linh. Cộng đoàn vừa lắng nghe rất sốt sáng với lòng khao khát được gặp gỡ Ngài, tiếp xúc với Ngài, được Ngài dạy dỗ, soi sáng và hướng dẫn nữa. Chúa Thánh Thần đang đến với chúng ta qua những lời cầu nguyện của Giáo Hội và của từng người trong chúng ta. Mọi người hát kinh Vinh Danh sốt sáng lắm, hẳn phải có Chúa Thánh Thần. Ngài khơi dậy sự cầu nguyện với những tâm tình đạo đức nơi chúng ta; Ngài đốt lửa kính mến Chúa nơi chúng ta. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần thì chúng ta chẳng đến đây làm gì, và có đến thì cũng chỉ ngồi yên thôi.
Chúa Thánh Thần còn đến với chúng ta qua lời giảng dạy của Giáo Hội, Ngài khơi dậy đức tin nơi chúng ta. Ngài dạy ta tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, lát nữa đây chúng ta sẽ tuyên xưng khi đọc kinh Tin Kính. Ngoài ơn đức tin là hồng ân trọng đại, Chúa Thánh Thần còn ban cho Giáo Hội rất nhiều ân sủng khác, mỗi người một kiểu một cách, không ai thiếu ân sủng của Ngài, để mỗi người chúng ta dùng những ơn đó mà xây dựng ích chung cho Giáo Hội như: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… mỗi người mỗi ơn rất phong phú và đa dạng.
Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
- Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa Thật, cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Con.
Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh hiệu nào?
- Ngài thường được gọi là Thần khí của Thiên Chúa, là Thần khí của sự thật, là Đấng an ủi và là Đấng ban sự sống.
Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, là Bình An, là Niềm Vui, là Sự Sống.
Chúa Thánh Thần là Ơn Bình An mà Chúa Kitô Phục Sinh mang đến, khi hiện ra với các Tông Đồ, khi đến với Giáo Hội, đến với Cộng đoàn phụng vụ chúng ta. Ngài là Sự Bình An mà thế gian không thể ban tặng như Chúa Giêsu đã nói. Có Chúa Thánh Thần, lòng chúng ta sẽ được bình an, một sự bình an kỳ diệu, đồng nghĩa với hạnh phúc, với ơn cứu độ và sự sống đời đời.
Chúa Thánh Thần là Niềm Vui, mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho ta, một niềm vui khôn tả. Các môn đệ ngày xưa vui mừng vì được thấy Chúa Phục Sinh, chúng ta ngày hôm nay không nhìn thấy Chúa bằng giác quan, nhưng thấy Chúa bằng đức tin, thấy Chúa trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là Niềm Hoan Lạc ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi, là Niềm Vui mà Chúa Kitô Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta, để chúng ta thông phần hạnh phúc của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần là Sự Sống, là Thần Khí, là Hơi Thở mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho Giáo Hội, khi Người thổi hơi vào các thánh Tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,23). Chúng ta nghe nói nhiều đến ơn cứu độ, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa am hiểu và còn cảm thấy trừu tượng, xa vời. Theo đoạn Tin mừng Gioan hôm nay, ơn cứu độ, chính là Thần Khí Phục Sinh của Chúa Kitô, nhờ đó mà mọi người được Thiên Chúa vừa ban cho ơn tha tội, vừa ban cho sự sống mới, thông phần Sự Sống Lại của Chúa Kitô.
Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài ngự đến và xin canh tân bộ mặt trái đất. Amen.
33. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống – Anmai, CSsR
Nhạc sĩ Phanxicô gởi gắm tâm tình của mình trong bài hát cầu xin Chúa Thánh Thần thật dễ thương: “Hãy chiếu soi lửa hồng vào đêm tối sâu thẳm hồn con, lửa tình yêu, lửa huyền siêu, Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân…”
Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm bộc lộ: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, canh tân đổi mới đời sống chúng con, tăng sức linh hồn, bồi thêm lửa mến soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng…”
Không chỉ có thế, linh mục Thành Tâm thêm: “Thánh Thần! khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài, sưởi lòng những ai lạnh giá, gặp phong ba, không còn tin yêu. Ngài ơi, xin Ngài trông đến, đốt cháy lửa thiêng vô biên, mến thương. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, đến ban bình an.
Lạy Ngài xin đến, dẫn dắt chúng con trên đường. Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn, thêm sức kiên vững không lay. Sống sao nên người con Chúa chứng nhân tình yêu…”
Nhiều và nhiều bài hát nữa viết về Chúa Thánh Thần, nhưng tất cả chỉ có một điểm chung duy nhất đó là xin Chúa ban cho con người, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta tình yêu của Chúa.
Tình yêu là cái gì đó thật trừu tượng, thật huyền nhiệm, thật lung linh, thật dễ thương. Nói về tình yêu thật là khó! Không biết bao nhiêu nhạc sĩ, không biết bao nhiêu thi sĩ, không biết bao nhiêu giấy mực viết về tình nhưng hình như chưa bao giờ làm thoả mãn lòng người. Không có gì có thể diễn đạt được tình yêu! Tình yêu là cái chi chi thật khó hiểu, chỉ có ai yêu mới có thể biết tình yêu là gì.
Tưởng nhớ đến một chuyện tình đẹp để rồi hằng năm người ta nhớ đến ngày gọi là Ngày Lễ Tình Nhân. Cả thế giới kỷ niệm ngày 14 – 02 để ca tụng, tôn vinh tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa thì Hội Thánh Công Giáo cũng có cái ngày Tình Yêu. Love’s day – ngày tình yêu – vì hôm nay Giáo hội tha thiết van nài, mời Thánh Thần Tình Yêu đến trên mình. Tình yêu mà người ta mừng ngày Valentine chỉ dành riêng cho tình yêu nam nữ. Ngày Tình Yêu hôm nay chúng ta mừng tất cả mọi người không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tuổi tác, địa vị xã hội, chủng tộc, màu da. Vì lẽ, đã là con người thì cần lắm một tình yêu. Nếu không có tình yêu thì thật là chán, nếu không có tình yêu thì cuộc sống thật nhạt nhẽo và vô vị.
Cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu, thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời”.
Thân phận con người hữu hạn và quả thật là quá vắn vỏi còn tình yêu thì vô cùng. Tình yêu thì cứ trải rộng ra vô biên vô tận với trời, với đất và với người. Như cố nhạc sĩ nói đấy, là người, chúng ta phải bằng mọi cách để nuôi dưỡng tình yêu trong lòng ta. Cuộc đời mà không có tình yêu chắc ngột ngạt và chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thử nghĩ xem thế giới này mà không còn tình yêu thì không còn lý do gì để tồn tại.
Hôm nay, cử hành lễ tình yêu – Love’s day thật là tuyệt vời. Ngày Chúa Giêsu về Trời cũng chính là ngày Ngài ban Thánh Thần Tình Yêu xuống cho chúng ta. Thế nhưng đứng trước Tình Yêu bao la của Thiên Chúa thái độ con người như thế nào?
Điều mâu thuẫn, điều nghịch lý của cuộc đời, của con người đó là ai ai cũng cần tình yêu, ai ai cũng mong cho mình có tình yêu nhưng thực tế nhìn vào đời sống chúng ta thấy làm sao? Tình yêu ngày hôm nay nó làm sao đấy! Nó không còn thật nữa, nó đã bị vẩn đục bởi những thứ tình yêu thực dụng, tình yêu ích kỷ, tình yêu chỉ nghĩ đến bản thân mình. Để rồi từ đó chúng ta thấy con người ngày hôm nay dẫu rằng đời sống tiện nghi, đời sống vật chất có đi lên đấy nhưng mà tình yêu hình như tỷ lệ nghịch với vật chất thì phải. Vật chất càng đi lên thì tình yêu càng đi xuống.
Ngày nay người ta ở trong những căn nhà thật rộng, thật sang trọng, thật tiện nghi nhưng lòng của họ thì khép lại.
Ngày nay phương tiện đi lại dễ hơn trước nhưng rồi người ta lại ít đến thăm viếng, chia ngọt sẻ bùi với nhau hơn.
Ngày nay vật chất nhiều hơn nhưng rồi người ta lại ích kỷ nhiều hơn, cứ khư khư giữ lấy cho bản thân mình chứ không hề biết chia sẻ.
Qua những phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy đau lòng làm sao đấy khi mà người con gái được người mẹ già ở Cần Thơ cho về ở chung nhà khi cô làm ăn thất bại. Sau đó cô gom góp tiền sửa nhà cho mẹ. Mẹ tưởng mừng lắm vì con mình có hiếu nhưng nào ngờ sau khi căn nhà hoàn tất việc sửa chữa thì cũng là lúc mà cô đã đẩy người mẹ ruột của mình ra khỏi căn nhà của bà. Chẳng còn cách nào hơn là ra tòa. Được hay mất nhà không cần biết nhưng tình thương, tấm lòng mẫu tử hình như cũng chẳng còn.
Mới đây, trên con đường Thủ Khoa Huân quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, người ta vẫn thường nói với nhau là con đường có lá me bay bay vào mỗi buổi chiều đã phải chứng kiến sự tan vỡ của một gia đình. Người anh bên Mỹ về, nhờ người em đứng tên mua căn nhà để người anh kinh doanh. Thế nhưng sau một thời gian người anh đi Mỹ về rồi thì người em đã tráo trở không cho anh vào nhà và rồi lại phải ra tòa. Người anh đã đưa ra chứng cứ về thu nhập của mình bên Mỹ để chứng minh anh bỏ tiền ra mua căn nhà ấy và người anh dẫn thêm một người anh về làm chứng. Đau đớn thay trước tòa người em ở Việt Nam đã nói với Tòa rằng người anh dẫn về làm chứng ấy đã chết! Vụ việc vẫn còn giằng co chưa đến hồi kết. Cũng thế! Nếu kết rồi thì tình anh em, tình máu mủ cũng chẳng còn.
Thế nhưng, nói gì thì nói, thế giới và con người có muôn màu muôn vẻ của nó. Thế gian này không phải toàn là người chưa tốt, vẫn còn đâu đó những con người chỉ sống vì tình yêu và thậm chí dám chết cho tình yêu.
Cũng chẳng phải là để xông hương, cũng chẳng có huân chương để mà gắn vì mình chẳng là cái gì trên cái cõi đời này nhưng sự thật ta phải nhìn sự thật. Sự thật là đâu đó giữa những mảng đen thiếu vắng tình yêu trong cuộc đời này thì vẫn còn đó những ánh sáng lấp lánh dáng dấp của một tình yêu chân thật, một tình yêu vô vị lợi.
Ai đã từng đi xa lộ thì đều kinh hoàng với tệ nạn đinh tặc.
Có gia đình bà Nguyễn Thị Chí ở khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, gia đình ấy có bảy mẹ con kể cả 3 người con dâu, chẳng ai bảo ai đã đi chế cái máy thu đinh của bọn đinh tặc rải. Họ cứ lặng lẽ đi thu đinh ở quốc lộ 1A, 52, 22… Công việc của họ dưới cái nhãn giới bình thường thì chẳng là cái gì cả nhưng nhìn vào chiều sâu, nhìn bên dưới cái hành động đấy quả là một hành động phi thường. Một hành động mà trong đó chất chứa quá lớn cái tình người, cái tình yêu đồng loại. Vì lẽ họ biết rằng nếu họ không dọn đinh thì những người khách đi ngang qua đó chẳng may cán vào thì tai nạn sẽ kinh khủng như thế nào và hậu quả khó mà lường được.
Gia đình đi nhặt đinh này không có đạo, không biết Chúa Thánh Thần là ai nhưng Chúa Thánh Thần biết họ. Chúa Thánh Thần đã đến và Ngài ở lại trong họ, Ngài đốt lên trong lòng họ một ngọn lửa, thắp lên trong họ một tình yêu khiến họ quên mình để giúp anh chị em đồng loại.
Ai đã từng đến các trung tâm nuôi dưỡng người bị phong, khuyết tật, nạn nhân của tệ nạn xã hội thì đều nhận ra một tấm lòng, một tình yêu chân thật của những người phụ trách, của những người nuôi dưỡng.
Xin vị phụ trách Trung Tâm Sida giai đoạn cuối Mai Hòa niệm tình tha thứ khi mà nhắc đến Dì. Phải nói rằng với cái nhiệm vụ cơm ăn ngày ba bữa, thuốc sida uống 2 cử 8 giờ sáng – 8 giờ tối là đã quá tốt cho những bệnh nhân vô gia cư! Đàng này, mọi lúc, mọi cách có thể được Dì phụ trách đã cho bệnh nhân, cách riêng các em thiếu nhi ở Trung Tâm được hưởng những điều gì tuyệt vời nhất.
Cách đây 2 tuần, Dì dẫn tất cả các em gần 20 chục lớn bé làm một chuyến hành hương Đức Mẹ La Vang. Nghe tin ấy, tôi không tin vào tai mình vì lẽ thường ngày Dì đã quá bận bịu với công việc của Trung Tâm, ấy vậy mà người nữ tử bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô đã vượt qua những hạn chế của con người, của sức khỏe hầu mong làm điều gì đó cho những em bất hạnh. Giữa những tất bật lo toan của cuộc sống nhưng cảm nhận được sự Bình An, Tình Yêu Thiên Chúa, sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần nên vị nữ tu đấy đã chung chia, phân phát những gì mà vị nữ tu nhận được cho những người bất hạnh, kém may mắn.
Thế đấy! vẫn còn đó sự giằng co giữa tình yêu và lòng ích kỷ, độc ác của con người.
Trước khi về trời, Chúa lo lắng cho các môn đệ, Chúa lo lắng cho mỗi người chúng ta như trong trang Tin mừng theo Thánh Gioan công bố. Tin mừng hôm nay thuật lại Chúa làm hai chuyện: trước hết Chúa Ban Bình An và sau đó ban Thần Khí.
Bình an cũng quan trọng, Thần Khí cũng quan trọng.
Vì sao phải ban bình an? Vì lẽ con người ta cư xử với nhau thiếu tình yêu. Thiếu tình yêu thì ắt sẽ gây ra bất an. Ta cứ thử nghiệm chính đời của ta ta sẽ thấy. Nếu như ta có tình yêu chân thật với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại thì ta sẽ có một sự bình an thật trong lòng của mình. Khi lòng ta cạn đi ngọn lửa tình yêu thì khi đấy tự nhiên sự bất an sẽ đến.
Bình an của Chúa ban không giống như bình an của thế gian. Bình an là bình an của Chúa, bình an trong tâm hồn chứ không phải bình an khi có dư thừa của cải vật chất. Cũng chính trải nghiệm của từng người, có nhiều của cải vật chất chưa hẳn là có bình an. Nhưng nếu có Chua thật, có Chúa là gia nghiệp đời mình thì mình sẽ cảm thấy bình an.
Thiếu tình yêu: cần bình an.
Thiếu tình yêu: cần Thần Khí Chúa đến để ban tình yêu.
Cử hành lễ tình yêu hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng không phải giờ này Chúa mới ban Bình an, Chúa mới ban Thánh Thần, Chúa mới ban tình yêu. Nhưng những điều ấy Chúa đã ban từ lâu, cho Hội Thánh Tiên Khởi từ ngày Ngài về Trời.
Như các tông đồ ngày xưa cũng thế! Khi chưa có bình an của Chúa, khi chưa có Thần Khí của Chúa thì họ chia rẽ, hơn thua, tranh giành nhưng khi Thần Khí xuống trên họ thì cuộc đời của họ hoàn toàn thay đổi. Họ đồng tâm nhất trí, họ hiệp nhất với nhau để cùng nhau tham dự lễ Bẻ Bánh và chia sẻ Tình Yêu mà họ nhận được cho người khác.
Các môn đệ và cộng đoàn Hội Thánh Tiên Khởi đã mở lòng ra để đón nhận Bình An, đón nhận Thánh Thần, đón nhận tình yêu và họ đã mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa như sách Công vụ Tông đồ chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất. Có Thần Khí, họ lên đường, họ hăng say chia sẻ tình yêu, loan báo tình yêu mà họ vừa đón nhận cho anh chị em đồng loại.
Hôm nay, chúng ta có dịp dừng chân lại, nhìn lại chính bản thân của mỗi người chúng ta, chúng ta mở lòng hay khép lòng lại với Thần Khí của Chúa. Lúc nào Ngài cũng đến cạnh bên lòng của mỗi người chúng ta cho dù chúng ta có bất xứng, có tội lỗi, có hèn yếu đi chăng nữa nhưng còn lại, phần chúng ta, chúng ta như thế nào với Chúa?
Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Đấng đã đến và ở lại với các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Ngài cũng đến và ở lại với mỗi người chúng ta. Nguyện xin Chúa mở toang cửa tâm hồn chúng ta ra để chúng ta đón Chúa vào trong tâm hồn của mình để sau khi có Chúa Thánh Thần, có Tình Yêu, có Bình An của Chúa thì cách hành xử, lời ăn tiếng nói của chúng ta sẽ khác. Khi có Thánh Thần thì trong lòng mỗi người chúng ta bỗng nhiên sẽ phát sinh ra bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.
34. Cuộc đổi mới kỳ diệu – Jos. Hồng Ân
Chúa Giêsu về trời thực hiện lời Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần (Ga 14,16) để củng cố niềm tin của các môn đệ và tăng cường sức mạnh giúp các ông can đảm, mạnh dạn tuyên xưng đức tin và đi ra rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
Chúa Thánh Thần hiện xuống tuôn đổ muôn ơn của Ngài trên các môn đệ. Chúa Thánh Thần nhắc lại và giúp các môn đệ hiểu rõ hơn những điều Chúa Giêsu đã dạy khi còn tại thế, nhất là về thân thế sự nghiệp của Chúa Giêsu, về cái chết ô nhục trên thập giá và sống lại vinh quang của Người: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc biến đổi kỳ diệu: bộ mặt trái đất được canh tân; chỗ trật đường lạc lối được chỉnh đốn lại; điều cứng cỏi được uốn nắn; chỗ lạnh lùng được sưởi ấm; chỗ khô khan được tưới gội; nơi thương tích được chữa cho lành, nơi sầu khổ được ủi an… Chúa Thánh Thần hiện xuống đem lại cho các môn đệ nguồn sống mới, niềm vui mới, biến đổi các ông từ những con người yếu đuối, hèn nhát, không dám công khai đi lại, không dám họp nhau cầu nguyện, trở thành những con người can trường rao giảng sứ điệp của Tin mừng. Khi chưa nhận được Chúa Thánh Thần, các ông ẩn trốn ở trong nhà với cửa đóng then cài, vì sợ người Do-thái: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái” (Ga 20,19). Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ông đã trở thành những con người mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong đức cậy, nồng nàn trong đức mến. Các ông đã cam đảm, mở cửa, công khai đi lại, hăng hái rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại hiển vinh, bất chấp mọi cấm cản, mọi cực hình, mọi hiểm nguy đe dọa. Các ông còn dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần biến đổi các môn đệ từ những con người quê mùa, ít học, trở thành những con người thông thái, nói những điều chưa hề được nghe nói bao giờ: nói được các thứ tiếng mới lạ, nói tiên tri… làm được những việc lạ lùng, mà sức con người không thể làm được: trừ quỷ, chữa bệnh… “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4). Người nghe ai cũng ngạc nhiên “Họ sửng sốt, thán phục và nói: những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2,7-8).
Khi thổi hơi để ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giêsu chúc bình an và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng nhân cho Chúa: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 19,21). Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần còn có mục đích quan trọng là để làm công việc của Thiên Chúa. Sách Công Vụ Tông Ðồ kể lại, ngay sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ lập tức làm việc cho Thiên Chúa, rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.
Thánh Thần được ban xuống trên những ai xứng đáng lãnh nhận ơn của Ngài với năng lực kèm theo, không phải để phục vụ cho lợi ích của riêng mình hay phục vụ vì lợi ích của một nhóm người, hoặc một đảng phái nào đó…, mà phục vụ vì lợi ích chung của nhân loại, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt chủng tộc: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Vì thế, những ai lãnh nhận được ơn của Thánh Thần phải dùng ơn ấy để phục vụ mọi người, nhất là để loan báo Tin Mừng, giúp cho con người được thăng tiến về đời sống vật chất cũng như tinh thần, giúp cho phẩm giá của mọi người được tôn trọng, nhất là thăng tiến về đời sống tâm linh, giúp mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để canh tân Giáo Hội, xã hội và thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Chúa Thánh Thần ban ơn để biến đổi và thánh hóa chúng ta từ những con người yếu đuối, hèn kém, trở nên những con người mạnh mẽ, can đảm, để chúng ta làm việc cho Nước Chúa, nói về Chúa cho muôn dân, làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Chúng ta phải trung thành với ơn Chúa, phải dùng khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa, và mưu ích cho đồng loại. Như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu” (Gl 2,21). Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, hãy sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đã khuyên: “Anh em hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí” (Gl 5,16-17).
Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đổi mới chúng ta, để ta nhận được hoa trái của Thần Khí là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Với những ơn đặc sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ trở thành những “chiến sĩ Phúc Âm”, ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân nước, can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt thiên hạ, thà chết chẳng thà bỏ đạo, bất chấp mọi ngăn cản, mọi cực hình, mọi hiểm nguy đe dọa của ma quỷ; của thế gian; của kẻ vô thần; của tà thần… Chúng ta không chỉ tuyên xưng đức tin trên môi miệng mà còn phải tuyên xưng bằng việc làm cụ thể. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô.
35. Niềm vui bởi Chúa Thánh Thần – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Hôm nay chúng ta hãy dừng lại ở câu: “Các môn đệ được đầy tràn vui mừng”. Các ông vui mừng vì giữa lúc hoang mang lại thấy Chúa và việc ấy đã khiến các ông tìm lại niềm cậy trông. Các ông đã đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu. Thập giá đã khiến các ông bàng hoàng kinh khiếp; và nay Chúa Giêsu lại hiện ra sống động. Niềm hy vọng của các ông được bảo toàn và củng cố. Vì thế niềm vui các ông bao la. Dịp này nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Thánh Thần do Chúa Giêsu ban là Thánh Thần của vui mừng.
1) Phúc Âm mở đầu bằng một mầu nhiệm vui mừng Chúa Thánh Thần, từ khởi đầu cuộc sống nhân loại của Chúa Giêsu tạo ra hai lần bộc lộ niềm vui: Isave, chị họ Đức Maria, thốt lên tiếng vui mừng vì mẹ Đấng Cứu Thế đến thăm bà; Đức Maria hát lên nỗi vui sướng của mình trong kinh Magnificat. Sau đó không lâu, các thiên thần loan báo cho các mục đồng một Trẻ Thơ sinh ra, sẽ khiến cho toàn dân hân hoan… Thánh sử Gioan sau lại nói rằng cụ tổ Abraham đã nhảy mừng khi nghĩ đến ngày xuất hiện hoa quả của Thánh Thần. Cụ đã thấy và đã vui mừng (Ga 8,5-6). Chúng ta có vui mừng niềm vui của kinh Magnificat, vì Chúa Thánh Thần do đức tin vào Đức Kitô nảy sinh trong chúng ta hay không? Ngược lại, chúng ta thử tưởng tượng nỗi buồn và u uất vô cùng, nếu chẳng may thiếu mất lòng tin vào Đức Kitô.
2) Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy lãnh nhận Thánh Thần. Làm như thế Ngài thực thi một lời hứa Ngài đã báo trước cho các môn đệ sẽ có một lúc các ông sẽ không còn thấy Ngài. Đó là thời thất vọng, khóc lóc và buồn sầu. Nhưng nỗi buồn sẽ mau biến thành niềm vui: Ta sẽ gặp lại các con, tâm hồn chúng con sẽ vui mừng, vì niềm vui các con lúc ấy không ai có thể lấy đi được (Ga 16,22). Có phải giới hạn ý nghĩa lời nói ấy của Chúa Giêsu vào giai đoạn gặp gỡ trong những lần hiện ra hay không? Không, Chúa nghĩ đến sự hiện diện liên tục của Ngài trong Giáo Hội nhờ tác động của Thánh Thần. Thời của Giáo Hội là thời của niềm vui mặc dù cũng là thời tiếp tục Thánh Gia. Chúng ta có vui mừng vì nghĩ rằng nhờ Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta hay không?
3) Thánh Phaolô nói về niềm vui từ Chúa Thánh Thần đến (1Tx 1,6). Niềm vui ấy là niềm vui của cậy trông va bác ái. Có thể trong cuộc sống riêng của chúng ta và trong cuộc sống với người khác, chúng ta mắc ảo tưởng, ít nhiều chán nản, thoái chí. Chúng ta cần sống trong Thánh Thần bác ái. Biết rằng mình được yêu mến, chúng ta hãy vui mừng. Quả thực tình yêu Thiên Chúa không bao giờ thất vọng vì chúng ta. Về phía chúng ta, đừng bao giờ nản chí yêu thương anh em chúng ta. Niềm cậy trông hoà hợp với đức bác ái trong lòng chúng ta khởi đầu một con sông hân hoan do Chúa Thánh Thần khơi nguồn.
36. Quyền năng tha tội
(Suy niệm của Lm Bùi Quang Tuấn)
Trong một lần giáo huấn, Đức Giêsu đã quả quyết với các Tông đồ: “Sự gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Sự gì các con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 18,18). Và hôm nay, sau ngày phục sinh, trong một lần hiện ra với họ, Chúa Giêsu đã phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại”. (Gn 19,22-23). Khi nói lên lời đó, Ngài chính thức thiết lập Bí tích Giải tội, ủy thác cho Hội thánh quyền năng tha thứ và cầm buộc. Quyền năng nầy không chỉ được trao ban cho các Tông đồ nhưng còn thông chuyển đến các đấng kế vị là các Giám mục và những linh mục hiệp thông với các ngài.
Qua lời tuyên bố thiết lập Bí tích Giao hòa Chúa Giêsu muốn nói với các vị thừa tác viên đầu tiên và những người kế nghiệp rằng: một khi dưới đất họ đọc lên lời tha tội “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì lập tức trên trời Ngài sẽ chuẩn y, và dù tội con người có thẫm như máu đào cũng sẽ được biến đổi tinh trắng như bông.
Trong Tông thư Reconciliation and Penance, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Khơi dậy lòng sám hối và thay đổi tâm hồn nhân thế cùng trao ban cho con người tặng phẩm giao hòa chính là sứ mạng đặc thù của Hội thánh khi tiếp nối công trình cứu độ của Đấng Sáng Lập”.
Có người đặt vấn đề: Tại sao lại phải đi xưng tội với một linh mục? Tới thẳng với Chúa không được sao?
Lẽ dĩ nhiên Đức Giêsu có trăm muôn ngàn cách tha thứ tội lỗi con người, nhưng phương cách Ngài “làm người” để cứu thế và “chọn con người” để thi hành quyền năng tha tội là một ý định tỏ tường. Tuy nhiên, bên cạnh ý định của Thiên Chúa cũng có đó một số lý do khiến cho việc xưng tội với một linh mục trở nên cần thiết.
Catholicism and Life có chỉ ra những lý do như sau:
Thứ nhất, vì “có những tội được tha và có những tội bị cầm” nên hối nhân phải xưng tội mình ra thì linh mục mới có thể xác định được tội nào được tha và tội nào bị cầm.
Thứ hai, việc xưng tội với một linh mục sẽ giúp cho con người trở nên khiêm tốn. Người ta dễ chừa tội hơn khi biết rằng nếu mình phạm, mình sẽ phải xưng.
Thứ ba, chắc chắn hối nhân sẽ đón nhận được ơn thánh hóa từ bí tích Hòa giải. Nhưng trước đó, họ sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ vị linh mục, giúp họ thăng tiến hơn trên đường thiêng liêng.
Thêm vào đó, có không ít khuynh hướng nhiệm nhặt hay buông thả khiến cho có người quá khắt khe, thấy điều chi cũng tội, hay có người qua lỏng lẻo đến nỗi bao tội tày trời cũng cho là chẳng có gì ghê gớm. Thậm chí có khi còn biện minh để lương tam thấy tội nhẹ đi hay không còn tội lỗi gì nữa. Vì vậy, nếu không có sự trợ giúp của vị linh mục làm sao người ta có thể quân bình với chính mình và chân thành với Thiên Chúa được.
Cuối cùng, khi ban ơn tha tội, vị linh muc thay mặt Chúa sẽ bảo đảm ơn tha thứ cho hối nhân. Đối với người đi “xưng thẳng” với Chúa, ai sẽ đoan quyết cho điều đó? Chắc chắn không ai hết.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh cáo những người cho mình không cần Bí tích Giải tội như sau: “Thật là điên rồ và kiêu căng đối với những ai tự ý coi thường phương thế trao ban ơn sủng và cứu thoát mà chính Chúa Giêsu thiết lập, nhất là đối với những kẻ cho rằng không cần đến Bí tích Giải tội để được tha tội”.
Có nhiều người vì ý thức lệch lạc nên coi thường xưng tội, nhưng cũng có không ít người vì đánh mất cảm thức về tội nên không còn thấy cần đi xưng tội nữa. Thậm chí có người xấu hổ ngại ngùng khi phải thú nhận tội mình với kẻ khác. G.K. Chesterton, một nhà văn trở lại Công giáo đã viết: “Không việc gì phải xấu hổ về những dại dột của mình… Đã là con người không ai không có lỗi lầm, nhưng lỗi lầm kinh khủng nhat của con người là cho mình không có lỗi”. Thánh Gioan Tông đồ viết thẳng thừng hơn: “Nếu ta nói: ta không có tội là ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta” (1 Gn 1,8). Trái lại, “Nếu ta xưng thú tội lỗi mình thì Người trung tín và công chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta,và tẩy ta khỏi mọi bất chính” (1 Gn 1,9).
Một điều luôn gắn liền với Bí tích Giải tội là “ấn tòa” mà tất cả mọi linh mục phải tuân giữ. Không một điều gì nghe trong toà mà cha giải tội lại được phép nói ra cho người thứ ba, dù tính mạng của mình bị đe dọa hay an ninh quốc gia được bảo toàn.
Lịch sử Giáo hội ghi nhận biết bao hình ảnh hào hùng của những con người dám lấy máu đào bảo vệ đức tin, trong đó cũng có hình ảnh của những linh mục dám lấy mạng sống bảo vệ “ấn tòa giải tội”.
Cha Gioan Nepomucene là mẫu gương tiêu biểu trong thế kỷ 14. Ngài là cha giải tội của Hoàng hậu Jane, nước Bohemia. Vua Wenceslaus là người đa nghi và ghen tuông. Vì muốn biết Hoàng hậu đã làm điều chi thầm lén nên vua yêu cầu cha Gioan thuật lại những gì nàng xưng ra với Ngài.
Tưởng rằng quyền lực và uy thế của mình có thể khui được ít nhiều bí mật nơi miệng cha Gioan, nhưng vua đã lầm. Vị linh mục của Chúa nhất quyết không hé lộ bất cứ điều gì. Kết quả, ngài bị nhốt vào hầm tối, và một đêm kia, bị nhận nước cho đến chết.
Ba trăm năm sau, khi khai quật lăng mộ cha Gioan, những người hữu trách ngỡ ngàng chứng kiến thân thể ngài mục hoàn toàn, ngoại trừ chiếc lưỡi vẫn nguyên vẹn như lúc còn sống. Ngày nay, trên chỗ ngài bị giết người ta dựng lên một tượng đài, phía dưới chân có khắc dòng chữ: “Nơi đây vị chứng nhân của Ấn toà Giải tội đã nằm xuống”.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao ban cho các Tông đồ món quà vô giá là Chúa Thánh Thần và quyền năng tha tội. Sứ mạng của các ngài và những người kế vị sẽ là việc làm nảy sinh hoa trái cho toàn nhân loại. Biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn tha thứ, con người sẽ tìm thấy bình an và sự sống đích thực, dù thần chết có đang hăm he rình chờ. Biết tìm đến cung tòa cáo giải, tâm hồn sẽ được chữa lành và ngập tràn hân hoan.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam