Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 43
Tổng truy cập: 1374697
LẠY CHÚA, XIN Ở LẠI VỚI CHÚNG CON
Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Ít ai biết đến "một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm" (Lc 24, 13), nếu không có một Người Bộ Hành mà hai môn đệ coi là "khách hành hương" cùng đi với họ thì ngôi làng Emmaus ấy đã bị lãng quên từ lầu rồi. Theo hai ông thì đây là khách hành hương duy nhất "không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay"(Lc 24, 18).
Chúng ta không biết tên của một trong hai môn đệ, chỉ biết một người tên là Clêophas, còn người kia thì không, có thể là mỗi người trong chúng ta, vào những giờ đen tối nhất của nghi ngờ, buồn thảm, mệt mỏi và chán nản, cuộc sống dường như thất bại, không thay đổi được quá trình của các sự kiện. Chúng ta không tiến bước, mà lại quay về với thực tại của quá khứ, trở thành gánh quá nặng, hoặc một mớ rối bòng bong, trốn chạy bằng con đường Emmaus. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong đời sống chúng ta.
Hai môn đệ trên đường Emmaus đã gắn bó với Đức Giêsu thành Nagiarét "với hy vọng Người sẽ cứu Israel" (Lc 24, 21). Rõ ràng, hai ông đã không "nghe" những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Thầy dành cho tất cả những ai muốn theo Người: "Phàm ai không vác khổ giá mình mà đi sau Ta, ắt không thể làm môn đồ của Ta" (Lc 14,27). Trong sự hào hứng của mình, họ đã "không ngồi mà trù liệu phí tổn, xem có đủ vốn đến lúc hoàn thành hay không?" (Lc 14, 28). Họ đã đặt nền móng, nhưng khi có thử thách về cuộc Khổ Nạn, họ bỏ dở: làm thế nào họ có thể tiếp tục mà không có một kế hoạch và không có người đứng đầu, tức là thợ cả? Bằng chứng lời Chúa chứng minh rằng họ thiếu cái gì đấy để tiếp tục và đi đến cùng việc xây dựng Nước Trời ở giữa họ.
Vì đã tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của họ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" (Lc 24,17) Nghe hỏi thế, họ đã bộc bạch về sự đau khổ, thất vọng, đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngúm. Chúa nói chuyện với hai ông và "giải thích" Kinh Thánh. Chúa chủ động trình bày cho họ, "bắt đầu từ Môsê và các tiên tri", mà tất cả Sách Thánh đều hướng về mầu nhiệm Con Người (x. Lc 24,27), làm cho tâm hồn họ “bừng cháy”. Chúa đã đem lại một tia sáng khơi lên niềm hy vọng, đưa họ ra khỏi bóng tối của phiền muộn và thất vọng, đánh thức nơi họ lòng khao khát muốn được ở gần Người, khiến họ nài ép: "Mời ông ở lại với chúng tôi", với lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24,29).
"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24,29). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi "bẻ bánh" đơn giản (Lc 24,35). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ "chỗi dậy trở về Giêrusalem" (Lc 24,33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho "mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp" (Lc 24,33).
Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus có thể hình ảnh của mỗi gia đình chúng ta trong năm Phúc Âm Hóa Gia Đình này. Giữa biết bao vấn đề và khó khăn, ngay cả những thất vọng nặng nề, Người Bộ Hành Thần Linh vẫn tiếp tục đồng hành bên cạnh chúng ta, mở ra cho chúng ta những trang Kinh Thánh và hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta hãy van nài: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.
Chúa luôn ở với chúng ta, hãy năng đến gặp Người nơi Bí tích Thánh Thể và lắng nghe Lời Chúa. Chính Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu (x. Lc 24,35).
Chúng ta cũng vậy, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh.
Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta: "Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến" (1Cr 11,26). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Niềm vui ấy phải lây sang người khác làm cho Giáo Hội tăng trưởng. Giáo Hội lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Đó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Cùng với Mẹ Maria trong tháng hoa này, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.
18. Con đường
Bài Phúc âm hôm nay (Lc 24, 13-35) kể lại câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmaus được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta không thể không nhắc đến hai con đường. Con đường đó là con đường của con người và con đường của Thiên Chúa.
Con đường của con người
Lúc đầu, khi rời Emmaus lên đường theo Chúa Giêsu, hai môn đệ mang nhiều hoài bão và mơ ước về tương lai. Theo Thầy Giêsu, giống như những môn đệ khác, hai môn đệ này đã trao vào tay Chúa Giêsu tương lai của mình, trong đó đặt hết hy vọng nơi Thầy Giêsu. Một mai khi Chúa thành công, thì họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, họ sẽ được nắm giữ những vai trò, những chức vụ quan trọng trong triều đình, trong vương quốc của Chúa. Tưởng chừng thành công nắm trong tầm tay. Thế nhưng Đấng Messia mình đặt hết hy vọng giờ đây đã chết. Thầy chết, trò tản mất. Thua to, mất trắng. Mộng đẹp không thành. Một tương lai tưởng chừng như huy hoàng sáng lạng giờ là một màu xám đen... Bây giờ trở về quê, tâm hồn của họ chất đầy buồn phiền, chán nản và thất vọng. Cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía làm tiêu tan niềm hy vọng của họ. Trở về quê đồng nghĩa bắt đầu lại cuộc đời từ vạch xuất phát, bắt đầu từ điềm số 0. Thật ngán ngẫm lắm chứ!
Có thể nói đoạn đường thăng trầm này biểu tượng cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, những người lữ khách đang tiến bước về quê trời. Chúng ta cũng từng gặp những giai đoạn bão táp trong đời khi đi theo Chúa, khi mà đức tin chúng ta bị dao động do những tác động ngoại tại và cả trong nội tâm thiêng liêng của mình. Trong những giai đoạn giông bão này, rất có thể do ảnh hưởng đời sống vật chất: cơm áo gạo tiền...rất có thể do ảnh hưởng do sự thiếu trưởng thành trong đời sống đức tin của chúng ta, chẳng hạn chúng ta nghĩ lại: đi Lễ hoài mà thấy có được gì đâu? Theo Chúa thì thiệt thòi, thua lỗ, bỏ dở công việc làm ăn, không thể gian lận, không thể lường gạt,....Từ những suy nghĩ đó, chúng ta bị lôi kéo theo những trào lưu thế tục hiện đại, tưởng chừng tích cực, tưởng chừng nó có thể giúp chúng ta bước lên vinh quang...Tệ hại hơn chúng ta bị cám dỗ và phạm tội thất vọng đối với Giáo Hội, chống lại Giáo Hội, thậm chí còn đã từ bỏ Giáo Hội, không còn nhiệt tình và hăng say theo Chúa và nghe lời Giáo Hội nữa. Kết quả chúng ta nhận được là con số 0. Con đường con người là như thế đó. Nếu chỉ dừng lại tại đó, coi chừng có thể chúng ta sẽ chết trong suy nghĩ ấu trĩ của chính mình.
Con đường của Thiên Chúa.
Thiên Chúa có đường lối của Ngài. Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên nẻo đường cong. Trong phần sau câu chuyện trên đường Emmaus cho thấy điều đó. Các môn đệ muốn theo Chúa trên đường vinh quang nhưng Thiên Chúa thì đi con đường khác với suy nghĩ của các môn đệ. Chúa Giêsu phải chết rồi mới sống lại vinh quang. Thầy Giêsu đang hiện diện thật sự ngay bên cạnh họ. Thầy Giêsu đã giúp họ nhận ra Ngài. Thầy Giêsu đàm đạo, giải thích Thánh Kinh cho họ hiểu ý nghĩa của khổ nạn: "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát trở thành điểm khởi đầu của những lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, đau buồn giờ đã nhuốm mầm niềm vui hạnh phúc. Thầy Giêsu ăn uống với họ: "Người cần bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông" (Mt 24,30). Họ đã nhận ra Người. Sự hiện diện của Ngài đã làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa, đêm tối trở thành ánh sáng. Nhờ Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, hai môn đệ đã tìm thấy ý nghĩa của biến cố. Họ đã quay trở lại Giêrusalem nơi cuộc khổ nạn và cái chết bi đát đã xẩy ra và can đảm đối diện với nó bằng đức tin và niềm hy vọng. Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể "làm thành một hành vi phụng tự duy nhất" của Giáo Hội (Sacrosanctum Concilium, 56). Người hướng dẫn ta qua Lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh (Dei Verbum, đoạn 21, 25), và trở nên nguồn sức mạnh nuôi dưỡng linh hồn ta trong Bí tích Thánh Thể.
Hai môn đệ về lại Giêrusalem với một trách nhiệm cần phải chia sẻ những gì họ đã có được. Điều mà họ phải loan báo chính là con đường của Thiên Chúa, con đường của niềm vui, hy vọng, niềm tin và tình yêu. Trong đêm tối người ta khó tin có mặt trời nhưng sự thực mặt trời vẫn luôn có đó. Trong đau khổ, người ta khó tin có Thiên Chúa, nhưng thực sự Thiên Chúa vẫn có đó. Vì Đức Kitô đã sống lại và đang đồng hành với chúng ta. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta có thể khó thấy con đường của Thiên Chúa, làm cho chúng ta dễ dàng ham vinh quang và địa vị xã hội, mặc dù có phải chà đạp lên kẻ khác. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta khó có thể thấy con đường của Thiên Chúa, sẽ làm chúng ta có thể ham tiền tài. Khi đó, chúng ta vật lộn, nai lưng ra để tìm tiền kiếm bạc, cho dù có phải vùi dập bản thân, gia đình và hành động bất công với những người chung quanh. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta có thể ham thích những vui thú phần xác. Chúng ta không còn ham thích sống đời đạo đức, dễ dàng bỏ Chúa, sẵn sàng bỏ Hội Thánh. Vì chúng ta không nhận ra con đường của Thiên Chúa.
Từ kinh nghiệm của hai môn đệ ấy, xem lại bản thân chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng: Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta, Chúa có con đường riêng dành cho chúng ta nhưng chúng ta vẫn không ra Ngài. Ngài ngự trong lòng chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, ý muốn của Ngài trong lương tâm ngay chính; Ngài cùng bước đi với chúng ta nơi tha nhân, nơi những anh em nghèo đói, bệnh tật, Ngài thật sự hiện diện nơi những người thiếu ánh sáng Tin mừng niềm tin và hy vọng. Con đường của Thiên Chúa thật bình thường và cũng thật kỳ diệu biết bao. Hãy mở lòng ra thì chúng ta sẽ nhận ra Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, giữa những nghịch cảnh phong ba cuộc đời này, xin cho chúng con luôn xác tín Chúa luôn hiện diện và quan phòng chăm sóc chúng con, để chúng con sống bình an, tin tưởng và vui tươi theo Chúa. Cho chúng con dễ dàng nhận ra Chúa đang hiện diện và mời gọi chúng con tiếp đón Chúa nơi tha nhân. Amen.
19. Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện
CHÚA GIÊSU PHỤC SINH VÀ
HAI MÔN ĐỆ TRÊN ĐƯỜNG EMMAU
Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 24,13-35) kể cho chúng ta một câu chuyện rất cảm động về sự hiện diện và về vai trò của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống của các đồ đệ Chúa Kitô.
“Hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra [tức là về biến cố Đức Giêsu bị đóng đinh và về sự kiện ngôi mộ trống]. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Clêôpas trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay" (cc.13-18).
“Đức Giêsu hỏi: "Chuyện gì vậy?" (c.19a). Câu hỏi này của Đức Giêsu dẫn trình thuật vào một câu trả lời rõ ràng mang tính chất một lời rao giảng của Hội Thánh tiên khởi, nhưng còn thiếu lời công bố mầu nhiệm phục sinh và thiếu quy chiếu Thánh Kinh: “Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng tôi đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy" (cc.19b-24).
Sự thất vọng do bởi cái chết của Đức Giêsu đã không hề khiến các đồ đệ đưa ra những phán đoán tiêu cực về Ngài. Các ông đã không hề coi Ngài là một ngôn sứ giả chẳng hạn. Cuộc khổ nạn đã không làm cho cuộc sống thế tạm của Đức Giêsu, vốn đầy uy thế trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, trở nên không còn giá trị. Ngài vẫn là một ngôn sứ vĩ đại “trong việc làm cũng như trong lời nói”. Cái chết của Đức Giêsu, mặc dù là cái chết thập giá, không hề bị coi là dấu hiệu của sự chúc dữ của Thiên Chúa như cách hiểu sai lầm của “các thượng tế và thủ lãnh của chúng tôi”. Nhưng cái chết ấy quả thực đã đặt dấu chấm hết cho sự kỳ vọng của các đồ đệ, sự kỳ vọng về một cuộc giải phóng theo nghĩa phục hưng dân tộc Israel. Những dấu hiệu của sự phục sinh cũng được nhắc đến, nhưng chính Đấng Phục Sinh thì họ chưa được gặp. Và vì thế, họ chán nản và thất vọng.
“Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (c.25). Chúa Phục Sinh, vốn từ đầu câu chuyện chỉ là người lắng nghe, bây giờ trở thành chủ thể hành động và dẫn dắt sự tình. Trước tiên, Người khiển trách các ông chậm tin vào lời các ngôn sứ. Đoạn Ngài nói tiếp: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (c.26).
“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (c.27). Ở đây, chúng ta gặp một chủ đề quan trọng trong Lc: việc giải thích Sách Thánh trong Hội Thánh. Tác giả khẳng định rằng: chính Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng giải thích “những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Ngài mở ra cho các đồ đệ sự hiểu biết đích thật về Sách Thánh, và như thế, Ngài chính là nguồn mạch của những suy niệm Kitô giáo về Sách Thánh. Tác giả Tin Mừng không đề cập đến một đoạn Sách Thánh cụ thể nào, nhưng nghĩ tới Sách Thánh trong tính cách toàn thể của Sách Thánh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện ở ngọn nguồn của việc giải thích mang tính Kitô luận về Sách Thánh Cựu Ước. Việc đọc Sách Thánh của các Kitô hữu và lời rao giảng của Hội Thánh tìm thấy nơi chính Chúa Phục Sinh những đảm bảo chắc chắn cho tính chính thực của mình.
“Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (cc.28-31). Có lẽ Chúa Giêsu đã bẻ bánh như là một hành động mang tính nghi lễ trong bữa ăn bình thường của người Do Thái. Nhưng đối với những người đọc là Kitô hữu, các hạn từ được tác giả Lc lựa chọn để miêu tả hành động này lại rất có ý nghĩa: chúng rõ ràng là những cách nói về việc cử hành Thánh Thể; và thực chất, đối với Lc cách riêng, “bẻ bánh” là thuật ngữ chuyên dùng để chỉ bữa tiệc Thánh Thể (x. Cv 2,42.46; 20,7). Đàng khác, ngữ cảnh cũng hướng đến cách đọc theo nghĩa Tiệc Thánh Thể, và do đó, nhấn mạnh đến ý nghĩa giáo lý hơn là giá trị sử học của hành động bẻ bánh mà Chúa Giêsu thực hiện ở câu 30.
Chính trong Tiệc Thánh Thể, cuộc gặp gỡ trong lòng tin của các đồ đệ với Đức Chúa Phục Sinh đã được thực hiện. Họ chợt nhận ra rằng Ngài vẫn hiện diện gần gũi với họ từ trước, trong cuộc hành trình cuộc đời họ. “Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (c.32).
“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (c.33). Bất chấp đêm tối, trong ánh sáng của lòng tin và của kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các đồ đệ quay trở về nơi đã xảy ra biến cố Phục Sinh, điểm xuất phát của lời rao giảng của các Tông Đồ. Đó là cuộc trở về hiệp thông với Nhóm Mười Một và các anh em khác, tức là với hạt nhân của Hội Thánh vừa được khai sinh.
Nhưng trước khi hai đồ đệ Emmau có thể kể lại trải nghiệm của chính họ, thì họ được nghe Nhóm Mười Một công bố tin mừng phục sinh. “Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn" (c.34). Rõ ràng tác giả Tin Mừng muốn nói: lòng tin của các chứng nhân chính thức (Nhóm Mười Một) và của cộng đoàn tiên khởi không dựa trên lời chứng của các nhân vật nào khác nếu không phải trước hết là kinh nghiệm thiết thân của chính ông Phêrô, người đứng đầu tập thể các Tông Đồ. Chính kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh của Nhóm Mười Một mà ông Phêrô đứng đầu đó sẽ xác định giá trị của chứng từ mà hai đồ đệ Emmau công bố, chứ không phải là những câu chuyện của các phụ nữ về ngôi mộ trống.
Bấy giờ, “hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (c.35). Hai đồ đệ Emmau đã kể lại cho Nhóm Mười Một và các anh em đang quây quần bên Nhóm Mười Một những trải nghiệm của họ. Tuy nhiên, chứng từ của họ lúc này sẽ chỉ là chứng từ thêm vào và xác nhận chứng từ của các Tông Đồ mà thôi. Đáng chú ý là tác giả Tin Mừng đã cố ý nhấn mạnh hai điểm quan trọng trong kinh nghiệm Emmau: (1) “những gì đã xảy ra dọc đường” tức là việc Đức Giêsu đồng hành và giải thích Sách Thánh cho các đồ đệ; (2) việc các ông “nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”. Rõ ràng là đối với cộng đoàn Kitô hữu, Thánh Kinh và Thánh Thể chính là nơi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng hiệp nhất cộng đoàn các đồ đệ của Ngài.
Trong phần thứ nhất của bài Tin Mừng (cc. 13-24), một trong những yếu tố nổi bật là sự chia tách. Hai đồ đệ rời khỏi Giêrusalem, nơi xảy ra biến cố Phục Sinh, và rời xa nhóm các đồ đệ (c.13); giữa hai ông hình như cũng xảy ra những sự bất đồng (c.17: động từ antiballein có thể được hiểu là tranh luận) và nhất là khoảng cách lớn lao giữa hai ông với Chúa Phục Sinh mà các ông tưởng là một người xa lạ, và giữa hai ông với những biến cố cứu độ mà các ông chưa hiểu thấu. Vì thế, các ông buồn bã (c.17), nói cách khác, các ông đang ở trong một tình trạng bi đát và thất vọng ê chề. Chúa Giêsu đến trong tình cảnh bi đát ấy. Ngài đi vào tận điểm trung tâm của tình cảnh chia ly và xa cách đó. Và từ câu 25 của trình thuật, tất cả đã thay đổi. Chúa Giêsu Phục Sinh đảm nhận vai trò là chủ thể hành động và chính Ngài làm chủ tình hình. Ngài giải thích cho hai đồ đệ những biến cố xảy ra dưới ánh sáng Thánh Kinh, rồi chính Ngài “bẻ bánh”. Lập tức, những khoảng cách được xoá bỏ. Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết, tâm hồn các đồ đệ “bừng cháy lên”, họ quay trở lại Giêrusalem, trở về trong cộng đoàn các chứng nhân.
Rất nhiều khi, trong cuộc sống thực tế của cộng đoàn Hội Thánh, xảy đến những tình trạng chia rẽ và xa cách… Chính Chúa Phục Sinh, trong Lời và Thánh Thể của Ngài, là nguyên lý thiết yếu và tối hậu kiến tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh. Sự gặp gỡ thiết thân của mỗi người chúng ta với Chúa Phục Sinh chính là yếu tố quyết định đưa chúng ta đến sự hiệp thông và hiệp nhất đích thực trong lòng Hội Thánh.
2. Thánh Thể, dấu chỉ tuyệt hảo về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa những kẻ thuộc về Ngài, chính là đỉnh điểm và là xuất phát điểm của đời sống Kitô hữu.
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Kinh Thánh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Phục Sinh, và Đức Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết trong Thánh Thể. Để vượt thắng những chướng ngại vật đang ngăn cản các đồ đệ nhận ra Chúa Giêsu, rõ ràng phải có sự lắng nghe lời Kinh Thánh được giải thích trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô; và một khi tâm hồn của các ông đã “bừng cháy lên” nhờ lời Kinh Thánh đó, thì chính trong hành động “bẻ bánh” nhiệm mầu của Chúa Giêsu, các ông nhận ra Người. Rồi từ cuộc gặp gỡ thiết thân trong Thánh Thể ấy, lòng tin bừng sáng. Chính trong Thánh Thể, các tín hữu được mời gọi tham dự bàn tiệc do Chúa Kitô Phục Sinh chủ toạ. Ở đó, họ sẽ được trải nghiệm sự hiện diện mầu nhiệm và rất thực của chính Ngài.
3. Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta.
Một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Tin Mừng hôm nay là chủ đề “hành trình”, vốn là một chủ đề quan trọng trong Lc. Trình thuật Emmau hôm nay khai triển chủ đề này cách đặc biệt. Trong cuộc hành trình của mình, người đồ đệ không cô độc. Theo một cách thức vô hình nhưng rất thực, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với người đồ đệ trên những nẻo đường cuộc sống, và đưa họ đến chỗ gặp gỡ chính Ngài. Chính Ngài giúp đỡ người đồ đệ nhận ra Ngài trong lòng tin đã được soi sáng bởi Kinh Thánh và trong ân huệ Thánh Thể. Nhưng một khi người đồ đệ đã được trải nghiệm sự hiện diện gần gũi và rất thực của Ngài, thì Chúa Phục Sinh liền thoát khỏi sự chiếm hữu của anh ta, để lại mời gọi anh ta lên đường làm chứng cho sự hiện diện thực sự của Ngài. Đó cũng là thực tại vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại của chúng ta hôm nay vậy.
20. Niềm vui bừng sáng
(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)
Con tim rực sáng hay con tim vui trở lại khi con tim đó tìm được nguồn vui. Đây chính là cảm nghiệm của hai người đi trên đường làng Emau. Khởi hành chuyến đi là cuộc hành trình buồn thảm, kéo dài những ngày đen tối. Dọc đường hai người đã trò chuyện cùng kẻ đồng hành và họ đã mở bầu tâm sự cùng người đó. Người đó là ai mãi đến cuối ngày họ mới nhận ra và nhờ thế mà con tim của họ bừng lên niềm vui rộn rã.
Hai người đồng hành trên đường Emau không thuộc nhóm 12 tông đồ vì câu 33 ghi lại các ông thuật lại mọi sự cho nhóm 11 tông đồ. Một trong hai ông cũng đã nghe thuật lại chuyện mồ trống trong câu 24 khi họ nói trong số bạn bè chúng tôi ra thăm mộ thì thấy mộ trống đúng như các bà thuật lại còn xác Ngài thì không ai thấy.
Đức Kitô sống lại và đã hiện ra với các môn đệ, các bà yêu mến Chúa và hiện ra ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng không ai nhận ra Ngài. Điều này cho biết Đức Kitô Phục Sinh mang hình ảnh giống chúng ta, giọng nói giống chúng ta nên dù có gặp gỡ cũng lầm tưởng là một người bình thường nào đó. Người ta chỉ nhận ra khi Ngài cho phép. Hai người trên đường làng Emau đi cùng đường, sánh vai, sánh bước, đàm thoại, lắng nghe nhưng không nhận ra. Cuộc đối thoại về tôn giáo kéo dài, khởi đầu từ tổ phụ Môsê cho đến hết các tiên tri rồi Kinh Thánh nói về Đức Kitô. Dù nói, dù lắng nghe, dù đồng hành nhưng không nhận ra Đức Kitô. Đến chiều tối Ngài định tiếp tục nhưng hai người đưa lòng mến, ngưỡng mộ mời lại dùng bữa tối. Chính việc bác ái này dẫn đến bàn ăn tối. Tại bàn ăn Đức Kitô đã lập lại việc Ngài làm trong bữa Tiệc Li. Hành động bẻ bánh, dâng lời tạ ơn đã sưởi ấm con tim sầu thảm, mang lại niềm vui nồng nàn. Chính trong lúc vui mừng này Ngài biến mất trước mắt các ông. Hai người vội vã bước đi trong màn đêm báo tin vui. Tại bàn ăn người đi đường lập lại chính xác những gì xảy ra trong bữa Tiệc Li và các ông đã tự thú: phải chăng con tim của chúng ta không bừng cháy khi Ngài giải thích về Kinh Thánh cho chúng ta trên đường đi.
Câu chuyện trên đường Emau cho biết biết yêu mến Đức Kitô và có kiến thức về Ngài là hai việc khác nhau. Yêu ai không có nghĩa là biết rõ về người đó. Để yêu thì cần biết ít nhiều về người đó và từ từ khám phá thêm về người đó. Để yêu mến Đức Kitô điều cần biết là tình yêu và giáo lí Ngài giảng dậy rồi từ đó học biết thêm về tình yêu Ngài. Để làm được điều này cần có tấm lòng chân thành, cởi mở đón nhận Thánh Thần Chúa hướng dẫn.
Có kiến thức về Đức Kitô không có nghĩa là yêu mến Ngài. Để yêu mến cần con tim. Kiến thức về Đức Kitô là điều cần có nhưng không phải là yếu tố quyết định tin theo. Biết bao người có kiến thức về Đức Kitô và coi chúng như là những chứng tích lịch sử hơn là chứng tích niềm tin của tiền nhân. Nhìn sự việc như chứng tích lịch sử dẫn đến việc nhận biết Đức Kitô trong lịch sử. Nhìn nhận những chứng tích lịch sử như là dấu tích niềm tin của tiền nhân dẫn đến việc tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Ngài đã chết, sống lại, cùng đồng hành với tiền nhân và hiện còn đang đồng hành với những ai tin vào Ngài. Để làm được điều này cần có ơn Chúa, cần có linh ứng của Thánh Thần Chúa và cần sẵn lòng bước theo với con tim nồng cháy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam