Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 87

Tổng truy cập: 1364758

LỄ CHÚA BA NGÔI

Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm. Vũ Đình Tường

Tường thuật trong Cựu Ước về lịch sử hình thành vũ trụ, sách Sáng Thế Kí, các chương đầu tiên, ghi lại công trình Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư không và đặt loài người vào trong vũ trụ đó để loài người thay Ngài làm chủ vũ trụ. Vì là chủ nên trách nhiệm coi sóc, bảo vệ và giữ gìn; đồng thời cũng hưởng hoa trái do đất nước sinh sôi. Đất cung cấp thực phẩm nuôi thân, nước uống và cung cấp ngay cả phong cảnh tuyệt vời cho con người thưởng lãm. Nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ vũ trụ là nhiệm vụ chung của cả nhân loại. Thường con người chỉ lo chăm sóc những gì thuộc riêng mình như vườn rau trước ngõ, ao cá sau nhà mà lơ đi những thứ khác. Là chủ vũ trụ loài người có trách nhiệm bảo vệ môi sinh, bờ biển và rong biển; cánh rừng và thú rừng; bầu trời và chim muông; sa mạc và cây gai trong đó; băng giá và tuyết rơi, bầu khí quyển và các vì sao như thế mới làm tròn bổn phận người chủ có trách nhiệm.

Không may loài người với bản tính ích kỉ nghĩ về mình, cho mình nhiều hơn, cộng thêm nhẹ dạ, tin nghe lời manh rãnh, gian tà xúi bẩy của ma quỷ. Loài người dại dột đã làm sai ý Chúa, không làm tròn nhiệm vụ chủ nhân trái đất, trái lại tàn phá vũ trụ không thương tiếc và làm hại đến bản thân.

Mặc dù loài người lầm lỗi gây hại cho vũ trụ và tạo đau khổ cho chính thân mình như thế, Thiên Chúa yêu thương loài người, không đành tâm để mặc loài người phải hư đi, đau khổ quằn quại kéo lê cuộc sống. Chúa Cha sai con một mình, Đức Kitô xuống thế, nhận thân phận con người để cứu loài người và sửa lại những gì đã hư mất, đồng thời ban thêm ơn để loài người nhận lại tình thương đặc biệt Thiên Chúa trao ban.

Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.'(Gn 3,17).

TÂN ƯỚC

Đức Kitô xuống thế làm người bình thường như chúng ta nên một phần nhân loại từ chối nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Cho là Ngài quá tầm thường và từ chối lắng nghe giáo lí Ngài giảng dậy. Tìm kiếm chân lí là nhu cầu sống, vì từ chối Thiên Chúa chân thật nên con người tìm chân lí nơi loài thụ tạo, họ ca tụng, tôn vinh lẫn nhau, kẻ thờ tài, người thờ tiền, kẻ khác thờ sắc đẹp. Lối sống này nguy hại. Hoặc là dẫn đến kêu ngạo khi thành công; hai là tuyệt vọng khi vinh quang xụp đổ. Vì sao? Vì

Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất (Gn 5,44).

CON ĐƯỜNG SỐNG

Những ai thành tâm, tin nhận Đức Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế sẽ được sống bình an, hoan lạc phát xuất từ nội tâm. Một bình an thực sự mà chính Đức Kitô xác định thế giới không có để cho. Họ tìm được tình yêu thực sự vì chính Thiên Chúa là tình yêu vì ai ở trong Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị hư mất, nếu có chết cũng được sự sống mới. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa xác nhận:

'Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sự sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết'. (Gn 6,40).

'Con không tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; và điều Chúa Cha làm người Con cũng làm như vậy'. (Gn 5,19).

Con đường sống là con đường liên kết với Thiên Chúa vì có sự liên kết, hợp nhất mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Đức Kitô không tự ý làm gì (5,30; 8,28) nói gì (7,16-17; 12,49;14,10) Người không tự ý đến thế gian (7,28; 8,24) Chúa Cha cho Người thấy mọi điều mình làm nên điều gì Chúa Cha làm, Chúa Kitô cũng làm như vậy nên ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần kết hợp.

CHÚA THÁNH THẦN

Món quà Chúa Con luôn hứa ban cho nhân loại đó là Chúa Thánh Thần được sai đến thời hậu Phục Sinh chính là thời đại của chúng ta đang sống. Thánh Thần Chúa đến đổi mới và canh tân bộ mặt trái đất. Thánh Thần đến làm rõ nghĩa những gì Chúa Kitô đã rao giảng. Tạo vật mới, trời mới đất mới do Chúa Kitô tái tạo được trao cho vào tay loài người làm chủ và coi sóc. Trong Cựu Ước loài người đã thất bại; Tân Ước loài người không phải một mình coi sóc vũ trụ vì Chúa Kitô hứa gởi Đấng Bảo Trợ đến soi sáng, hướng dẫn để loài người không rơi vào vết xưa cũ của tội lỗi.

Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Gn 14,26).

Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.

Người sẽ không tự mình nói điều gì nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết (Gn 16,13)

Nhân loài có Thánh Thần Chúa kề bên chỉ bảo, hướng dẫn. Người thiện tâm nhận được sự thật toàn vẹn.Thời hậu Phục Sinh là thời sung mãn nhất vì được Ngôi Ba Thiên Chúa soi sáng. Tình yêu Chúa hướng dẫn cuộc sống, tình yêu Chúa giúp sáng tạo, tình yêu Chúa giúp kết hợp gắn bó.

Ngày nay các khoa học gia la hoảng về vũ trụ bị nóng, băng đá bắc và nam cực đang tan, băng tuyết đỉnh Hymã lạpsơn rơi lã chã, mưa rơi không đều, khí hậu bất thường. Họ đâu biết là nhân loại vẫn vô tình, vô tâm và ngay cả kêu ngạo tin vào khoa học, tin vào tài sức mình, không tin Ngôi Ba nên vũ trụ rơi vào tình trạng thời Cựu Ước, bị tàn phá, hủy diệt.

Từ chối Chúa Thánh Thần loài người có trí khôn hơn cả nên sẽ chịu đau khổ nhiều hơn cả.

Chúng ta tin có một Thiên Chúa, Ngài có Ba Ngôi. Mỗi Ngôi vị mang một trọng trách riêng. Ngôi Cha sáng tạo, Ngôi Hai cứu chuộc và Ngôi Ba thánh hoá và hoàn thiện.

 

12.Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là một mầu nhiệm cao vời nhất. Vì Chúa Ba Ngôi không phải là kết quả của việc con người suy luận. Sở dĩ chúng ta biết được là vì Thiên Chúa đã tỏ lộ. Thiên Chúa đã mạc khải, đã nói với con người bằng chính ngôn ngữ nhân loại. Ngôn ngữ đó không đủ khả năng diễn đạt tất cả những thực tại thuộc lãnh vực thần linh. Mầu nhiệm chỉ được mạc khải theo khả năng lĩnh hội của con người trong tương quan với thời gian và không gian.

Để mạc khải về Ngôi Hai, Thiên Chúa đã chuẩn bị hằng mấy mươi thế kỷ bằng việc kén chọn cho mình một dân tộc. Qua dân tộc đó, Ngài biểu dương sức mạnh và tình thương để họ thấy rằng trên trời dưới đất, chính Ngài là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác. Chính Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất, mọi người phải tôn thờ và quy phục. Không có thần linh nào vượt trổi trên Ngài. Ngài là Đấng toàn năng cao cả, mọi giới răn và huấn lệnh của Ngài đem lại sự sống và sức mạnh cho những ai tuân giữ. Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài để hướng dẫn chăm sóc bênh vực và nhất là yêu thương họ. Hình ảnh áng mây cột lửa nhà tạm... nói lên sự hiện diện của Ngài. Ngài yêu thương họ bằng tình phụ tử chiến đấu bên cạnh họ, nuôi dưỡng họ bằng mật ngọt và bằng lúa thơm.

Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai có thể trông thấy Ngài trừ khi là Ngôi Con tự cung lòng Chúa Cha mà đến, và Người đã đến ở giữa chúng ta. Mầu nhiệm ngôi hiệp chứng tỏ con người có khả năng tuân nhận và thông hiệp với Thiên Chúa. Ngôi Hai làm người đê con người trở thành con Thiên Chúa. Chúa Cha và Chúa Con là một, Chúa Cha yêu mến Chúa Con và Chúa Con yêu mến Chúa Cha. Cả hai ở trong tình yêu và tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Tình yêu liên kết ngôi Cha ngôi Con nên một thân thể. Đến giờ Chúa Giêsu phải về cùng Chúa Cha, nhưng Ngài không để các môn đệ mồ côi. Ngài sẽ xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho các ông. Ta đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Ta không đi thì Đấng yên ủi sẽ không đến cùng các con, song nếu Ta đi, thì Ta sẽ sai Người đến. Chúa Thánh Thần đã đến trong ngày lễ Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa. Các ông đã lấy cái chết để làm chứng cho niềm tin nơi Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần. Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa.

Công chúa Luise ngày kia bị một nữ tỳ trách móc. Không cầm nổi tức giận, công chúa bảo: Ngươi hãy nhớ, ta là con của đức vua. Nhưng người nữ tỳ trả lời: Còn tôi, tôi là con Thiên Chúa. Công chúa hiểu và về sau đã trở thành một vị nữ tu dòng Kín.

Qua bí tích Rửa Tội mọi người chúng ta đều được đóng ấn hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đến cư ngụ trong linh hồn chúng ta. Hình anh đó phải lớn lên, lớn lên mãi, để mỗi ngày chúng ta càng trở nên giống Thiên Chúa trong tình yêu và trong sự thánh thiện. Yêu Chúa là tuân giữ những điều Chúa dạy. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy.

 

13.Sống đời sống Thiên Chúa – Cố Lm. Hồng Phúc

Năm 1961, sau khi người cộng sản Liên-xô phóng được lên không trung phi thuyền đầu tiên có người điều khiển và trở về trái đất thì chính phủ Liên-xô đã ra một thông cáo với lời lẽ phạm thánh như thế này: Người Nga chúng tôi đã lục lọi khắp cùng thượng tầng không gian mà chúng tôi không gặp một ông già nào có tên là Đức Chúa Trời cả.

Người ta phủ nhận Thiên Chúa, nhưng việc người ta phủ nhận Thiên Chúa không làm chứng vì thế mà Thiên Chúa không có! Cũng như người ta có phủ nhận mặt trời thì mặt trời vẫn là mặt trời, vẫn chói rọi trên đầu chúng ta.

Hôm nay, trong Bài đọc I, Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng cách đây 3 ngàn năm, có một dân Israen, đã khẳng định có Thiên Chúa, “chúng tôi đã gặp Người”. Người đã tuyển chọn dân ấy, đã đưa ra khỏi Ai Cập, làm bao nhiêu sự lạ và hôm nay, giữa chớp loè sấm vang đã ban Mười Điều Răn, khiến cho toàn dân phải kêu lên: “Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, không có Chúa nào khác”.

Thiên Chúa là một! Nhưng Chúa Giêsu ra đời, Ngài hé mở cho chúng ta một mầu nhiệm khác: Thiên Chúa là một nhưng lại có ba Ngôi. Ngài mạc khải cho chúng ta chính đời sống nội tâm của Thiên Chúa. Ngài nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha. Ngài và Chúa Thánh Thần là mối giây tình yêu liên kết Ngài với Cha và liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Vậy những gì chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi là do chính kinh nghiệm và lời giảng của Chúa Giêsu. Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha, Ngài nói lời của Chúa Cha cũng như Ngài hứa ban Thánh Thần. Ngài hành động với sức mạnh Thánh Thần, rồi Ngài dạy ai muốn theo Ngài phải được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, phải sống mầu nhiệm Ba Ngôi vì chính đó là sự sống của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm ấy chúng ta mừng hôm nay. Vì là mầu nhiệm, trí khôn chúng ta không thể hiểu hết được. Hình như khi tạo dựng người ta “giống hình ảnh Chúa”, Thiên Chúa đã tạo nên chung quanh chúng ta và trong chúng ta những hình ảnh Chúa là một mà ba, một Chúa nhưng có ba Ngôi. Ví dụ, con người ta có một nhưng có 3 giai đoạn: trẻ, trung niên và già – ba giai đoạn nhưng một cuộc đời; linh hồn có 3 cơ năng: trí nhớ, trí hiểu và trí lý luận – ba cơ năng một linh hồn; nước là một, nhưng có 3 hình thức: mây vi vu trên trời, khối đá đông đặc, nước chảy dưới cầu, đều là nước dưới 3 hình thức. Biểu hiệu trên quốc kỳ nước Công giáo Ái-Nhĩ-Lan là một chiếc lá với 3 khía cạnh ám chỉ Thiên Chúa là một nhưng có ba Ngôi.

Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Ba Ngôi, vì chính đó là đời sống căn bản nội tâm của Thiên Chúa. Chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Tâm hồn ta trở nên đền thờ Chúa Ba Ngôi và Chúa mời gọi ta sống đời sống của Chúa Ba Ngôi vậy.

 

14.Một Chúa Ba Ngôi: Tình Yêu Hiệp Nhất

(Suy niệm của Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc)

Tin Mừng Ga 16: 12-15 Chúa Ba Ngôi như mặt trời trên bầu trời. Mặt trời là nguồn năng lượng vật lý. Chúa Ba Ngôi là nguồn sống trong chúng ta. Mặt trời chiếu tỏa ánh sáng.

Một linh mục ngồi trong phi trường đợi chuyến bay. Một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và đề cập về tôn giáo. Ông khoe rằng:

"Tôi không chấp nhận điều gì tôi không hiểu, vấn đề "Ba Chúa trong một Chúa" hay bất cứ điều gì tương tự, không ai có thể giảng nghĩa cho tôi, nên tôi không tin".

Chỉ vào luồng sáng qua cửa sổ, linh mục hỏi: "Bạn có tin mặt trời không?" Kẻ hoài nghi trả lời: "Dĩ nhiên có chứ". Linh mục nói tiếp: "Được, ánh sáng bạn thấy qua cửa sổ, là từ mặt trời cách đây 150 triệu km chiếu tới, sức nóng chúng ta cảm thấy phát xuất từ mặt trời và ánh sáng.

Chúa Ba Ngôi có phần tương tự như vậy: Mặt trời là Thiên Chúa Cha. Mặt trời chiếu sáng: Ánh sáng là Thiên Chúa Con. Từ mặt trời và ánh sáng tỏa ra sức nóng: Từ Chúa Cha và Chúa Con phát xuất Chúa Thánh Thần. Bạn có thể giải thích được mặt trời, ánh sáng và sức nóng được không?" Người hoài nghi im lặng.

Anh chị em thân mến,

Khi chúng ta họp nơi đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi, trước tiên chúng ta chấp nhận rằng: đây là một mầu nhiệm, một chân lý không ai có thể hiểu được, giảng giải được. Chúng ta biết đó là sự thật vì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi nhiều lần, nhất là trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta đón nhận, chúng ta tin, vì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguồn mọi sự thiện hảo.

Chúa Ba Ngôi như mặt trời trên bầu trời. Mặt trời là nguồn năng lượng vật lý. Chúa Ba Ngôi là nguồn sống trong chúng ta. Mặt trời chiếu tỏa ánh sáng. Chúa Ba Ngôi soi sáng lòng trí con người. Mặt trời tỏa sức nóng. Chúa Ba Ngôi tuôn đổ sức nóng thiêng liêng:

Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Chúa Ba Ngôi không phải là bộ ba năng lượng không hồn, nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của đời sống nội tại thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Đời sống nội tại thâm sâu nhất của Thiên Chúa là yêu thương: "Thiên Chúa là Tình yêu thương". Chúa Cha yêu thương Chúa Con, Chúa Con yêu thương Chúa Cha và mối tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần. Tình yêu hoàn toàn hiến thân, cho đi, để làm giàu người khác và làm nên một với người khác. "Thiên Chúa là Tình yêu", Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng… Nhưng Ngài là ba, ba nhưng hoàn toàn hiệp nhất với nhau đến nỗi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Trong Ba Ngôi, mỗi ngôi hoàn toàn là tặng phẩm hiến dâng cho nhau, hoàn toàn tương quan với nhau, hoàn toàn yêu thương nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha, và sự trao đổi hoàn toàn giữa Cha và Con là Thánh Thần. Vì thế, Thiên Chúa là một nhưng lại là ba ; là ba nhưng lại là một. Chúa Giêsu đã nói: "Mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha là của Con" (Ga 17,10). "Cha Thầy và Thầy là một" (Ga 10,30). "Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" (Ga 10,38). "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14,9).

Thưa anh chị em,

"Thiên Chúa là Tình Yêu" vì thế mọi hoạt động bên trong cũng như bên ngoài của Thiên Chúa đều là yêu thương: từ việc tạo dựng vũ trụ, vạn vật, loài người cho đến việc cứu chuộc loài người chúng ta, đều là hành động của tình yêu, một tình yêu không ngừng ban phát, chia sẻ, nhân lên. Thiên Chúa đã ban phát, đã chia sẻ tình yêu của Ngài cho loài người chúng ta và Ngài muốn cho tình yêu ấy tiếp tục tràn lan từ trong lòng chúng ta đến những con người khác: "Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài nên hoàn tất trong chúng ta" (1Ga 4,12). Bởi vậy, "ai không yêu thương anh em thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu thương" (1Ga 4,8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài. Loài người chúng ta trở nên hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi khi trở nên một cộng đoàn huynh đệ do tình yêu từ Thiên Chúa Ba Ngôi đến nối kết chúng ta lại với nhau trong Ngài.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao xa, tuyệt vời, vì đó là chính mầu nhiệm đời sống tình yêu bên trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi lại là một mầu nhiệm thiết thân nhất với chúng ta ; vì đó là chính sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta. Thiên Chúa đã ban Con của Ngài để Con Ngài đưa chúng ta vào trong cung lòng Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là Tình yêu luôn nối kết Chúa Cha với Chúa Con, bây giờ lại đến nối kết chúng ta với Chúa Con và Chúa Cha. Vì vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là Thiên Chúa xa cách ngự nơi cao thẳm trên trời, nhưng Ngài đang ngự trong chúng ta và đang hoạt động trong chúng ta. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em, Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ đến ở trong chúng ta: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy ; Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng ta sẽ đến ở trong người ấy" (Ga 14,23). Chúng ta sẽ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta sẽ là những Đền thờ sống động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Như thế, thưa anh chị em, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mới thực sự là lẽ sống cho đời chúng ta và mỗi lần đọc lên "Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" chúng ta sẽ không còn đọc một cách vô ý thức nữa, nhưng với lòng cung kính mến yêu.

Vậy, giờ đây, chúng ta kính cẩn tuyên xưng lòng tin của chúng ta vào Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong Kinh Tin Kính.

 

15.Sống niềm tin vào Chúa Ba Ngôi

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)

Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa có thể nói được là "mầu nhiệm nguồn" của mọi mầu nhiệm. Và con người biết được mầu nhiệm Ba Ngôi là nhờ Chúa Giêsu mạc khải, chứ không phải do nổ lực suy lý của mình. Có điều Chúa Giêsu không bao giờ trình bày mầu nhiệm lớn lao này bằng khái niệm "kỷ thuật số": "3 ngôi" - ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba.... Ngài chỉ nói Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm lớn lao nhưng cũng là mầu nhiệm mà chúng ta tuyên xưng mỗi ngày, qua Dấu Thánh Giá, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính.... Tuy nhiên, đó không phải là mầu nhiệm để tuyên xưng hay để hiểu mà thôi, nhưng còn là để sống. Nói cách khác, tuyên xưng niềm tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi thì phải sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi cụ thể là sống thế nào?

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa trước hết là sống tâm tình cảm mến tri ân:

Cảm mến tri ân vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm quá đổi lớn lao này. Cảm mến tri ân vì Ba Ngôi mà lại chỉ một Chúa. Đây là nguyên lý của sự hiệp nhất và bền vững của thế giới tạo thành. Có người thắc mắc tại sao không hiểu Ba Ngôi là ba Chúa cho đơn giản mà lại dạy Ba Ngôi một Chúa cho phức tạp, khó hiểu, mệt cái đầu? Thiết nghĩ nếu Ba Ngôi mà ba Chúa có lẽ số phận của con người và vũ trụ này sẽ bất hạnh biết chừng nào, bởi vì cứ tưởng tượng một nhà ba chủ, một nước ba vua, một giáo hội ba giáo hoàng,.. thì sẽ ra sao chúng ta biết rồi.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa thứ đến là sống tinh thần hiệp nhất yêu thương:

Tự bản tính, Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu hiệp nhất Cha Con và Thánh thần. Chỉ trong tương quan tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu phần nào Ba Ngôi mà lại một Chúa: "Ta và Cha Ta là một, Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta". Nói cách khác, chỉ có tình yêu mới khả dĩ cắt nghĩa được khía cạnh ngôi hiệp trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi thế mà những người đang yêu hiểu khái niệm "ngôi hiệp" một cách dễ dàng hơn, như lời họ bộc bạch trong một bài hát: "Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Tình yêu nối kết chúng ta, ta thương nhau quá nên hai hoá ra thành một".

Tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa luôn yêu thương hiệp nhất như là bản chất của các Ngài, thì ta cũng phải sống tinh thần hiệp nhất yêu thương như các Ngài vẫn sống. Mọi hình thức chia rẽ, hận thù, ly giáo, đoạn tuyệt... đều đi ngược với niềm tin mà ta tuyên xưng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa sau nữa còn là sống tinh thần hy sinh phục vụ:

Ba Ngôi Thiên Chúa không giữ lại tình yêu cho riêng mình mà chia sẻ tình yêu ấy cho mọi thụ tạo, đặc biệt là con người qua tình yêu tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Ba Ngôi Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người qua mầu nhiệm nhập thể để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Do vậy không thể tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mà lại sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ biết đến mình, lo cho mình mà thôi.

Khi nghiên cứu vết máu trên tấm khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã xác định được Chúa Giêsu thuộc nhóm máu B. Là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi và là anh em của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta cùng huyết thống với Ngài, cùng nhóm máu với Ngài, nhóm máu B. "B" là bác ái, "B" là bao dung, "B" cũng là bình an. Bác ái với mọi người nhất là những người nghèo khổ bất hạnh. Bao dung với những người lầm lỗi, những người đã xúc phạm đến ta hay làm ta tổn thương. Có như thế thì ta mới có được sự bình an của Chúa Ba Ngôi nơi tâm hồn mình được.

Người ta kể rằng Christophe Colombus, người đã khám phá ra châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách rất đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi, cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: "Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh". Trong cuộc khởi hành thứ 3 của ông năm 1498, Christophe Colombus đã thề hứa sẽ dâng Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá đầu tiên. Vì thế hòn đảo ông đặt chân đến đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là "Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta khi mừng lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi, hay mỗi khi tuyên xưng mầu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng biết đưa mầu nhiệm ấy vào trong cuộc hằng ngày, bằng việc hết lòng yêu mến Chúa Ba Ngôi như Christophe Colombus đã từng yêu mến. Đồng thời biết hết tình hiệp nhất yêu thương và hết mình hy sinh phục vụ anh chị đồng loại ngay trong gia đình, gia tộc và trong cộng đoàn mà mình đang sống. Amen.

 

16.Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời chúng ta

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn lao nhất của Ki tô giáo, vì mầu nhiệm này thuộc về đời sống thâm sâu của bản tính Thiên Chúa, mà trí khôn con người không thể nào hiểu thấu. Sở dĩ chúng ta tin là vì chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Tuy nhiên câu hỏi chúng ta cùng chia sẻ hôm nay, đó là Ba Ngôi Thiên Chúa nắm giữ vai trò nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta?

Ngôi thứ nhất là Cha của chúng ta.

Đúng thế, trong các tôn giáo không có một vị thần minh nào đã dám mạc khải mình như thế. Hẳn chúng ta phải hãnh diện vì có được một Thiên Chúa gần gũi chúng ta như một người cha. Và người cha ấy lại là một người cha toàn năng, như thánh vịnh 115 đã diễn tả: Cha chúng ta ở trên trời và Ngài làm được tất cả những gì Ngài muốn. Đồng thời, Ngài còn là một người cha đầy lòng nhân từ và hay thương xót. Ngài biết chúng ta thiếu thốn và luôn ra tay cứu giúp. Có lẽ nhiều người vẫn chưa cảm nghiệm được hết tình phụ tử này. Đa số trong chúng ta mới chỉ biết nhìn vào những hoàn cản phiến diện bên ngoài, để rồi nghi ngờ tình Chúa yêu thương: Tại sao chúng ta luôn ăn ngay ở lành mà vẫn cứ bị thiệt thòi và thất bại? Trong khi đó, kẻ ác thì trái lại, cuộc đời họ cứ lên hương như diều gặp gió? Người lành như thua chạy và chân lý như bị rút vào bóng tối?

Trước hết, chúng ta tin rằng Thiên Chúa là tình yêu. Ngài muốn biểu lộ tình yêu ấy cho mọi người, người lành cũng như kẻ dữ. Nhưng tới một lúc nào đó, sự công bằng của Ngài sẽ được thể hiện và Ngài sẽ xét xử tuỳ theo công việc chúng ta đã làm.

Đối với những thử thách đang gặp, phải chăng Chúa muốn chúng ta kiên nhẫn và vững lòng cậy trông, bởi vì kiên trì trong gian truân sẽ dẫn đưa chúng ta tời hạnh phúc. Hơn thế nữa, rất có thể Chúa đang thử thách để xem chúng ta có bằng lòng vâng phục hay không, bởi vì vâng lời thì trọng hơn của lễ. Đồng thời để xem đức tin của chúng ta đã thực sự trưởng thành hay chưa? Một đức tin trưởng thành sẽ không bao giờ nao múng trước mọi nghịch cảnh. Một người cha đích thực thì phải biết uốn nắn con cái, chứ không được muông chiều và làm cho chúng hư đi: Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi…Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện ông Gióp trong Cựu Ước. Giữa những hoàn cảnh đen tối, ông không hề oán trách, nhưng một mức phó thác cho Chúa. Cách giải quyết của ông là ở mọi nơi và trong mọi lúc phải luôn tin tưởng và tình thương của Chúa. Sau khi đã được tôi luyện trong đau khổ như thế, chắc chắn chúng ta sẽ xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Nước Trời mà Ngài đã hứa ban.

Tiếp đến, Ngôi thứ Hai là Đấng Cứu độ chúng ta.

Sau khi nguyên tổ phạm tội, thì tất cả chúng ta đều phải sống dưới ách nô lệ tội lỗi. Không ai có thể giải thoát chúng ta, bởi vì tội là sự vấp phạm đến Thiên Chúa, nên chỉ một mình Ngài mới có thể giải thoát chúng ta. Và Thiên Chúa đã thực hiện điều ấy. Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta chính là Ngôi Hai nhập thể, như lời thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban chính Con Một của mình cho nhân loại…Ngài đã chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy một tình yêu tuyệt vời, đó là tình yêu của một người dám hy sinh mạng sống vình vì bạn hữu.

Sau cùng, Ngôi thứ ba là Đấng an ủi chúng ta.

Hẳn rằng trong cuộc sống, có những lúc chúng ta chán nản, không biết phải cầu xin thế nào cho đẹp lòng Chúa. Trong hoàn cảnh như thế, chúng ta hãy nhờ Chúa Thánh Thần mà cầu nguyện. Ngài nắm giữ một vai trò quan trọng và cần thiết trong tâm hồn chúng ta. Ngài sẽ thêm sức, soi sáng và chỉ cho chúng ta cách thức cầu nguyện. Ngài nhắc nhở cho chúng ta biết những nhu cầu cân thiết để kêu xin. Chính Ngài sẽ làm cho tâm hồn chúng ta được lắng đọng và bình an, để rồi chúng ta sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Ngài thấu suốt mọi tâm tư nguyện vọng và Ngài luôn ra tay nâng đỡ, để rồi chúng ta tìm lại được niềm an ủi và khích lệ, vui mừng và hạnh phúc.

Bởi đó, hãy mở rộng cõi lòng để Chúa Thánh Thần ngự đến và biến đổi tâm hồn chúng ta thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi và đừng bao giờ làm buồn lòng các Ngài.

 

17.Mầu nhiệm tình yêu

(Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó. Nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Đó là tình yêu hiệp thông. Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong tình yêu. Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi trở nên một. Đây là điều Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: “Ta và Cha Ta là một”; “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Nên một trong tư tưởng. Nên một trong hành động. Nên Chúa Giêsu luôn làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Sự hiệp thông trọn vẹn đến nỗi một Ngôi chính là biểu hiện của cả Ba Ngôi như Chúa Giêsu cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Thật là một sự kết hiệp trọn vẹn.

Đó là tình yêu dâng hiến. Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả. Như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con cả chính bản thân mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (cf. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha. Dâng cả bản thân. Dâng cả ý muốn. Dâng cả mạng sống. Khi hấp hối trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu sợ hãi cái chết theo thánh ý Chúa Cha. Người đã tha thiết cầu nguyện: “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến hoàn toàn. Dâng hiến đến không còn giữ gì cho bản thân mình.

Đó là tình yêu tác sinh. Sự dâng hiến không làm cho tình yêu nghèo nàn đi. Trái lại càng làm cho tình yêu thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm năng lực cho đi. Tình yêu đó lan toả đến cả muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Tình yêu tràn trề sung mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được hiện hữu, được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc vĩnh cữu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Về lý thuyết, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu. Nhưng thực ra Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rất cụ thể trong đời sống ta. Bạn hiểu điều này thế nào?

2. Ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Ta phải sống thế nào để là hình ảnh trung thực của Người?

3. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch hạnh phúc. Muốn được hạnh phúc ta phải kết hiệp với nguồn mạch hạnh phúc này. Nhưng để kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, ta phải làm gì?

 

18.Duy nhất – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Sách Phương Ngôn còn gọi là Châm Ngôn (Proverb) nói về sự Khôn Ngoan. Người Do thái ví sự khôn ngoan như người phụ nữ cố gắng kiên trì dẵn dắt mọi người ra khỏi con đường gian tà và tội lỗi. Trong đoạn sách Châm Ngôn hôm nay, sự Khôn Ngoan được diễn tả như một nhân vật đã hiện diện với Thiên Chúa trước khi tạo dựng vũ trụ: "Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất." (Cn 8,22). Sự Khôn Ngoan ở cùng Thiên Chúa qua mọi công trình sáng tạo. Tiến trình lịch sử cứu độ được hé mở một cách rất tiệm tiến. Dân Dothái tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và độc thần. Mầu nhiệm về Ngôi Ba Thiên Chúa được mạc khải từ từ từng bước. Hình bóng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần còn được ẩn giấu. Sự Khôn Ngoan được nhân cách hoá trong cách diễn tả: "Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra." (Cn 8,24).

Nguồn Kinh Thánh mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuở xưa, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách phán dạy cha ông qua các ngôn sứ, nay Chúa dạy chúng ta qua chính Con Một của Người. Chúa Giêsu đã mạc khải về ngôi vị Thiên Chúa: "Tôi và Chúa Cha là một." (Ga 10,30). Chúa Giêsu là hiện thân và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, khi chúng ta biết Chúa Giêsu, là biết Chúa Cha: "Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." (Ga 14,7). Thánh Luca diễn tả hình ảnh Thiên Chúa trong ngôi vị khác nhau qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan: "Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con." (Lc 3,22). Chính Chúa Giêsu đã dùng cách tuyên xưng Ba Ngôi Vị Thiên Chúa khi sai các Tông đồ ra rao giảng Tin Mừng: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần." (Mt 28,19).

Giáo Hội tin kính Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm vì sự giới hạn của ngôn ngữ, sự hiểu biết và trí khôn con người. Qua sự tìm hiểu và kinh nghiệm, chúng ta cũng chỉ học biết một chút về cơ cấu của các sự vật hiện hữu. Chúng ta bị giới hạn mọi thứ từ thời gian, không gian, kiến thức hẹp hòi và sự hiểu biết nông cạn. Tin vào lời Chúa. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta đòi hỏi hiểu thấu về Thiên Chúa, tôi sợ rằng đó chỉ có thể là chúa do con người nắn nên. Dựa vào lời mạc khải, Kinh Thánh không bao giờ dùng từ Chúa Ba Ngôi. Khoảng năm 115-120, thời Giáo Hội sơ khai, một triết gia tin đạo là Tertullian đã dùng từ ‘Chúa Ba Ngôi’ (Trinity) để cố gắng tìm cách đưa đức tin vào ngôn ngữ của loài người. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa Cha là ‘Abba’, Thánh Tôma Tông đồ khi nhận diện ra Chúa đã thưa: "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi." Chúa Giêsu là Chúa và Ngài gọi Thiên Chúa là Cha.

Giáo Hội đã suy tư rất nhiều qua sự đóng góp của các Thánh Giáo phụ và các vị tiền bối như Origen, Tertullian, Arius, Thánh Basil, Thánh Gregory of Nyssa, Thánh Gregory of Nazienzen và Thánh Augustinô… Đã mất khoảng hơn 300 năm để suy tư tìm tòi, bàn cãi tranh luận và đôi khi là nguyên cớ gây tù đày, phân rẽ và hành khổ nhau. Cho tới khi các giáo phụ họp Công đồng Nicea 325 để định nghĩa về sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Rồi chờ đợi cho tới hơn nửa thế kỷ sau, Công đồng Constantinople mới định nghĩa về Ngôi Thánh Thần. Thánh Augustinô tóm gọn ý nghĩa mầu nhiệm: Chúa Cha là Thiên Chúa. Chúa Con là Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Chúa Cha không phải là Chúa Con. Chúa Con không phải là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha, chỉ duy nhất có một Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba ngôi riêng biệt nhưng kết hợp làm một Chúa. Thiên Chúa của tình yêu.

Chúng ta nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự hy sinh của Chúa Giêsu chết trên cây Thánh giá. Mỗi lần chúng ta ghi dấu Thánh giá trên thân mình, tuyên xưng rằng: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi kết hợp trong tình yêu; trao ban tình yêu và hiến mình vì tình yêu. Chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm tình yêu vì tình yêu như biển trời mênh mông có thể dung chứa mọi thứ. Chúng ta được ngụp lặn trong biển tình yêu của Thiên Chúa. Tình Chúa lan toả như khí trời. Tình Chúa bao la hơn biển cả. Mỗi tâm hồn đều được mời gọi để mở đón tình yêu, sống tình yêu và trao ban tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn.

Chúa Giêsu trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ: Người thổi hơi vào các ông và nói: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần." (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống. Ngài tiếp tục hoạt động canh tân Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập. Qua mọi thời, nguồn ơn Chúa Thánh Thần luôn tràn đổ trong tâm hồn các tín hữu. Luôn có những nhân chứng đích thực giữa dòng đời để chấn hưng, cải đổi và thắp niềm hy vọng cho mọi người trên đường lữ hành. Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa vì được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thánh Phaolô dạy: "Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa." (Rm 8,14).

Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được tham dự vào sứ vụ làm nhân chứng cho Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta trở nên con cái và được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta là những người được thừa kế ân sủng cứu độ: "Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người." (Rm 8,17). Mỗi người đều phải chu toàn sứ vụ Kitô hữu của mình. Chúng ta không thể sống dựa, ăn nhờ, ở bám hay tùy thuộc vào người khác. Quan sát rừng cây, chúng ta thấy có cả ngàn ngàn các loại cây chen nhau mọc trong rừng. Rừng xanh được tạo nên bởi cả rừng cây muôn loại và muôn màu sắc. Các cây cùng chen nhau mọc vươn lên trong khoảng không, nhưng mỗi cây đều phải bám rễ sâu để giữ thân mình. Mỗi cây có sự sống và có các kết cấu riêng biệt. Mỗi cây tự mình hút chất bổ để nuôi dưỡng thân mình qua những cách thế được tạo hóa phú bẩm. Cây nào không bám rễ sâu sẽ dễ bị tróc gốc khi gặp mưa to gió lớn. Chúng ta hãy bám rễ niềm tin sự sống vào Chúa Kitô Phục Sinh.

Đời sống người Kitô hữu phải gắn bó với tình yêu Chúa Kitô Thập Giá. Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu. Chúng ta đặt niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu của ơn cứu độ. Hãy trông cậy vào nguồn ân sủng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống này. Tất cả quy về sự thật là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết và sống lại để chuộc tội cho nhân loại. Thánh Gioan viết: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến." (Ga 16,13).

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mọi nơi và mọi lúc. Mỗi khi làm dấu thánh giá trên thân xác, xin cho chúng con ý thức và nhận biết tình yêu tuyệt vời Thiên Chúa đã dành cho loài người chúng con. Chúng con tôn thờ, ca ngợi và cảm tạ hồng ân Chúa đến muôn muôn ngàn đời.

 

19.Thiên đàng dương thế - Lm. Minh Vận, CRM.

Thánh Phanxicô Salesiô có một người bạn rất thân là Đức Cha Camus. Đức Cha Camus đến nghỉ hè với Thánh Nhân một thời gian khá lâu. Lúc về nhà vị Giám Mục đã phát biểu: "Trước đây, tôi nghe Đức Cha Phanxicô Salesiô hằng luôn sống trước tôn nhan Chúa, như thể Chúa luôn luôn hiện diện bên ngài, nhưng tôi vẫn chưa tin. tiện dịp, tôi xin đến nghỉ hè tại nhà ngài, để chính mình có dịp kiểm chứng. Nhờ được ở một phòng kế cận phòng ngài, ngày đêm tôi quan sát mọi thái độ, mọi cử chỉ của ngài qua một khe hở, lúc làm việc cũng như lúc ngủ nghỉ, lúc viết lách cũng như lúc cầu nguyện... Nay tôi xin xác nhận rằng: Ngài hằng luôn sống trước tôn nhan Chúa. Ngài ở một mình, nhưng có Chúa hiện diện bên ngài luôn".

Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội, sốt sắng dâng Thánh Lễ kính thờ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao trọng nhất trong Kitô Giáo. Nhờ mầu nhiệm cực trọng này, Chúa ban cho chúng ta một ơn rất cao trọng là cho chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh và được tận hưởng tình yêu thâm sâu của chính Chúa Ba Ngôi, khi chúng ta được diễm phúc trở nên con Chúa qua việc lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy. Từ ngày đó, hồn xác chúng ta trở thành Đền Thờ sống động nơi Chúa Ba Ngôi ẩn ngự; hay nói cách khác, chúng ta là người chiếm hữu được Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi an vui hạnh phúc, là tất cả mọi sự, là gia nghiệp đời đời, là Thiên Đàng của chúng ta ngay trên trần gian này.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu và xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm và thưởng nếm được ơn rất rọng đại này.

I. XÁC TÍN NIỀM TIN CHÚA HIỆN DIỆN

Thánh Gioan Tông Đồ đã viết: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (I Jn 4:16). Mà bản tính tình yêu là thông ban. Vậy Ba Ngôi Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho nhau theo bản tính, trong đời sống tự tại, thâm sâu, kỳ diệu và hoàn toàn được mãn nguyện từ đời đời. Nhưng chính nhờ tình yêu sung mãn kỳ diệu đó, Thiên Chúa cũng muốn thông ban cho các loài thụ sinh, bằng cách cho chúng được tham dự sự hiện hữu của Ngài; đặc biệt Chúa tạo dựng loài người chúng ta giống hình ảnh Ngài, như một thụ sinh siêu việt được Ngài rất mực yêu thương. Như một người Cha đầy tình phụ tử, Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta, trong lòng chúng ta, để săn sóc hướng dẫn, chỉ dạy chúng ta trong mọi chi tiết dù rất nhỏ mọn, suốt cả cuộc sống, bằng ơn quan phòng khôn ngoan đầy yêu thương của Ngài.

1. Hiện Diện Bằng Quyền Năng: Là một thụ tạo đã được tác thành, chúng ta cũng như mọi thụ tạo khác, đều được Chúa hiển ngự và thấu nhập trong trót bản thân và cả cuộc sống, bằng quyền quan phòng toàn năng của Đấng Tạo Hóa, hằng luôn săn sóc, nuôi dưỡng và bảo tồn.

2. Hiện Diện Bằng Ơn Thánh: Nhờ Nhiệm Tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận, trở nên con Chúa, chúng ta được diễm phúc hơn các loài thụ tạo khác, là được Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta, như lời Chúa Kitô đã tuyên bố với các Môn Đệ: "Ai yêu mến và tuân giữ giáo huấn của Thầy, người ấy sẽ được Chúa Cha yêu thương; lại được Chúa Cha cùng với Thầy và Chúa Thánh Linh hiển ngự trong lòng họ" (xem Jn 14:23). Sự hiện diện thần linh này sẽ tồn tại luôn mãi trong tâm hồn, bao lâu chúng ta còn sống trong sủng trạng, với tâm hồn trong sạch, có ơn nghĩa thánh không vướng mắc trọng tội.

3. Hiện Diện Thực Tại Sống Động: Đặc biệt hơn nữa, mỗi khi chúng ta có đủ điều kiện đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào tâm hồn, chúng ta được diễm phúc hơn các Thần Thánh trên trời, là được Chúa Kitô ngự vào tâm hồn chúng ta, như xưa Người ngự trong cung lòng trong sạch Đức Trinh Nữ Maria, thời gian chín tháng Me cưu mang Chúa. Lúc đó, Chúa hiện diện trong chúng ta một cách thực tại sống động, bằng cả thân xác, linh hồn và thiên tính của Ngôi Hai Thiên Chúa.

II. CHÚA BA NGÔI NGỰ TRONG TÂM HỒN

Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta, bao lâu chúng ta sống trong sủng trạng, có ơn nghĩa thánh như những con ngoan thảo hằng làm đẹp lòng Chúa. Tại nơi đây cũng như trên nơi vĩnh phúc, đời sống thần linh kỳ diệu của Chúa Ba Ngôi hằng tiếp diễn một cách sống động và thâm sâu nơi chính bản thể nội tại của Người.

Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương thông ban chính mình cho nhau một cách tự tại và hoàn toàn sung mãn: Chúa Cha được hoàn toàn thỏa lòng nơi chính bản thể nội tại mình, nhiệm xuất Ngôi Con; Chúa Cha và Chúa Con yêu mến nhau nhiệm sinh Ngôi Ba là Thánh Linh Tình Ái.

Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta và hằng thông ban cho chúng ta sự sống thần linh của Người bằng tất cả tình yêu thương nồng thắm.

1. Như Cha Nhân Từ: Vì công nghiệp Chúa Cứu Thế, chúng ta từ thân phận thụ tạo nô lệ, cũng như tội nhân và kẻ phản bội, được trở nên con Chúa, được phúc tôn xưng Chúa là Cha, khi chúng ta kêu cầu: "Lạy Cha chúng con ngự trên trời!" (Mt 6:9) Quả thật, Chúa là Cha hằng yêu thương săn sóc chúng ta bằng tất cả tấm lòng nhân từ âu yếm, nồng thắm trong cả cuộc sống dù những điều cực nhỏ mọn (xem Mt 5:45). Chúa Kitô đã dùng nhiều dụ ngôn để mạc khải cho chúng ta chân lý Chúa là Cha chúng ta. Chúa muốn chúng ta sống với Chúa bằng tấm lòng con ngoan thảo, luôn làm hài lòng Cha, như chính Chúa Giêsu đã làm gương, để chúng ta được Chúa Cha mãn nguyện tuyên phán với chúng ta: "Con là con Cha yêu dấu, con hằng làm vui thỏa lòng Cha" (Mt 3:17).

2. Như Bạn Tâm Phúc: Vì yêu thương, Chúa còn hạ xuống ngang hàng với chúng ta, khi gọi chúng ta là Bạn Tâm Phúc: "Thầy không còn gọi chúng con là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi chúng con là Bạn Tâm Phúc, vì tất cả những điều Thầy đã nghe biết nơi Cha, thì Thầy đều đã tỏ cho chúng con biết" (Jn 15:15). Chúa muốn chúng ta sống với Chúa bằng tâm tình người bạn tri âm, tri kỷ, người tình, người yêu của Chúa.

3. Như Đấng Thánh Hóa: Theo lời Thánh Phaolô, chúng ta là Đền Thờ Chúa Thánh Linh (I Cor 3:16). Thánh Linh là Đấng đã được Chúa Kitô hứa ban, Người hiển ngự trong tâm hồn chúng ta với sứ mạng là Đấng Thánh Hóa, Đấng An Ủi, Thầy Dạy Chân Lý, Đấng Soi Dẫn các tâm hồn trên đường thánh thiện. Chính Chúa Kitô đã phán dạy: "Thánh Linh là Đấng Chúa Cha phái đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều và nhắc lại cho các con mọi sự Thầy đã phán dạy các con trước" (Jn 14:26). Để đạt tới Ơn Cứu Độ và Đích Thánh Thiện, Chúa muốn chúng ta chân thành thú nhận sự bất lực của mình, chúng ta không thể làm nổi việc gì, nếu không có ơn Chúa trợ giúp (Jn 15:15), nhưng nhờ Đấng Thánh Hóa, chúng ta có thể quả quyết đuợc như Thánh Phaolô: "Nhờ Đấng ban sức mạng cho tôi, tôi có thể làm được mọi sự" (Phil 4:13).

III. NGHĨA VỤ PHẢI CÓ ĐỐI VỚI CHÚA BA NGÔI

Đức Tin dạy cho biết: Nếu chúng ta sống trong sủng trạng, có nghĩa với Chúa, chúng ta được diễm phúc có Chúa Ba Ngôi hiển ngự trong tâm hồn. Nhờ đặc ân cao trọng này, chúng ta được trở nên Đền Thờ Sống Động của Chúa, được mệnh danh là người mang Thiên Chúa trong lòng, người chiếm hữu được Thiên Chúa làm của riêng mình, Chúa là Đấng gồm tóm mọi Chân, Thiện, Mỹ, là nguồn hạnh phúc của chúng ta.

Vậy để đền đáp một trong muôn phần những hồng ân cao cả Chúa ban, chúng ta cần chu toàn ba nghĩa vụ khẩn thiết sau đây:

1. Tôn Thờ: Cần phải dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đáng, vì không những chúng ta là một thụ tạo của Đấng Tạo Hóa, một thần dân của Vua cao cả, một người con trong Gia Đình Thiên Chúa, chúng ta còn là những linh hồn được tuyển chọn, hiến dâng đời mình để phục vụ cho vinh danh Chúa, với nghĩa vụ là Người Tôn Thờ Thiên Chúa.

Để cho toàn nghĩa vụ khẩn thiết này, chúng ta hãy hiến tế bản thân và cuộc đời chúng ta, hiệp với Lễ Hiến Tế cực trọng của Chúa Cứu Thế, hằng hiến dâng nơi các bàn thờ đêm ngày trên khắp thế giới, để tôn thờ, ngợi khen, chúng tụng Chúa.

2. Yêu Mến: Là con cái, chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa là Cha, như những người con ngoan hiền thảo hiếu, hằng tìm mọi cách làm vui lòng Cha. Hãy qui hướng tất cả mọi tư tưởng, lời nói, việc làm vì Chúa và nỗ lực chu toàn mọi bổn phận to nhỏ hằng ngày vì lòng yêu mến Người. Gắng biến đổi mọi ánh nhìn, mọi hơi thở, mọi nhịp rung động của trái tim, trở thành những tác động yêu đương dâng lên Chúa, với chủ đích làm vinh danh Chúa, để Chúa được tôn vinh, yêu mến và bản thân chúng ta được thánh hóa.

3. Tri Ân: Là người thụ ân, chúng ta hãy không ngừng dâng lên niềm tri ân lên Chúa bằng tất cả tấm lòng trìu mến, vì biết bao hồng ân Chúa ban: Ơn được tạo dựng làm người, được cứu chuộc khỏi án phạt đời đời, được phục hồi ơn làm con Chúa. Ngoài ra, còn biết bao ơn phúc khác hằng bao phủ hồn xác chúng ta trong trót cuộc sống, trong mọi lãnh vực tự nhiên cũng như siêu nhiên; nhất là ơn được Chúa Ba Ngôi hằng hiển ngự trong tâm hồn chúng ta như Thiên Đàng của Người nơi dương thế này. Chúng ta hãy sống niềm tri ân bằng cách giữ tâm hồn trong sạch, luôn làm hài lòng Chúa, biến cuộc đời chúng ta thành bài ca tri ân không ngừng dâng lên Chúa.

Kết Luận

Làm thế nào chúng ta có thể chu toàn được ba nghĩa vụ khẩn thiết trên đây?

* Là Kitô Hữu, nhờ lãnh nhận Nhiệm Tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên con cái Chúa, là người thuộc về Chúa Kitô, người chiếm hữu được Thiên Chúa, người được mang Thiên Chúa trong tâm hồn; chúng ta hãy ý thức giá trị của ơn cao trọng này và cố gắng sống xứng đáng với danh hiệu diễm phúc đó.

* Hơn nữa, chúng ta còn là những người được tuyển chọn làm tông đồ vinh danh Chúa, qua các tác vụ khác nhau trong mỗi đoàn thể chúng ta tham dự, như những thừa tác viên chinh phục tha nhân về với Chúa; chúng ta hãy sống như những chứng nhân đích thực của Chúa; để chớ gì khi chúng ta giao tiếp với những ai, họ sẽ nhận ra Chúa hiện diện nơi chúng ta, như họ đã từng thấy Chúa nơi các Thánh.

Xin Mẹ Maria ban ơn trợ giúp, giữ gìn chúng ta luôn sống trong ơn nghĩa Chúa, để chúng ta có thể chu toàn được những nghĩa vụ phải có đối với Chúa, như những con ngoan hiền thảo hiếu được Chúa hài lòng.

 

home Mục lục Lưu trữ