Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 22

Tổng truy cập: 1374013

LỄ CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN

LỄ CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:

"Chúng ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa lên trời. Chúng ta đã nghe được Lời Chúa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất".

Từ hai ngàn năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo Hội tiến ra khơi, tiến vào trong lịch sử của con người. Những lời này làm cho Giáo Hội trở nên một người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo Hội trở nên như men, làm dậy nên những hạt văn hoá trên thế giới. Hôm nay, chúng ta nghe lại những lời trên để với sức mạnh được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa "Hãy ra khơi", mệnh lệnh mà Chúa đã nói với thánh Phêrô. Đây là một mệnh lệnh và tôi đã muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức tông thư khởi đầu Ngàn Năm Mới. Và đây là mệnh lệnh mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn theo ánh sáng của ngày lễ trọng Chúa Thăng Thiên. "Hãy ra khơi" ra nơi mà Giáo Hội cần tiến đến, không phải chỉ là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ nhưng nhất là và còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm.

Như những tông đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Chắc chắn rằng nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên đi trần gian này. Và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Âm hôm nay nói rằng: "Tại sao các ông còn nhìn trời?"

Việc cầu nguyện chiêm niệm Kitô không làm cho chúng ta tránh khỏi việc dấn thân vào trong lịch sử. "Trời", nơi Chúa Giêsu tiến vào không phải là một sự xa vắng nhưng như là một màn che khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện. Đó là sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện không bao giờ bỏ rơi chúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang. Trong khi đó, thời giờ chúng ta sinh sống đây là thời giờ rất đòi hỏi. Đòi hỏi chúng ta phải làm chứng bởi vì nhân danh Chúa Kitô, sự ăn năn hối cải và sự tha thứ tội lỗi phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước. Và chính để làm sống lại ý thức này mà tôi đã muốn triệu tập hội nghị Hồng Y đặc biệt được bế mạc hôm nay (thứ Năm 24/05/2001). Các vị Hồng Y, từ các nơi trên thế giới mà tôi xin kính chào với lòng mộ mến huynh đệ. Các ngài trong những ngày qua đã hội họp với tôi để bàn về một vài đề tài trong số những đề tài nổi bật nhất của công việc rao giảng Phúc Âm và làm chứng Kitô trong thế giới hôm nay, vào khởi đầu Ngàn Năm Mới. Đây, đối với chúng tôi, là giây phút sống hiệp thông, trong đó chúng tôi cảm nghiệm được một phần nào của niềm vui đã tràn ngập tâm hồn các tông đồ ngày xưa, sau khi Chúa Phục Sinh chúc lành cho các ngài và tách rời ra khỏi các ngài để lên trời. Thật vậy, thánh Luca đã ghi lại rằng: "Sau khi bái lạy tôn thờ Chúa, các tông đồ trở lại Giêrusalem với niềm vui lớn lao và các ngài luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa."

Và tiếp sau trong bài giảng, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển thêm bản chất cũng như sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội, và cuộc hội Hồng Y cũng được Đức cố Giáo Hoàng đặt trong viễn tượng này: "Thực hiện sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội, để Giáo Hội có thể rao giảng Phúc Âm Chúa một cách đáng tin hơn cho mọi anh chị em."

Trong thánh lễ Chúa Thăng Thiên và trong giây phút này, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho chúng ta biết ý nghĩa của biến cố quan trọng này: Không phải Chúa lên trời để bỏ chúng ta, mà Ngài bước sang một sự hiện diện mới với chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Ngài luôn ở cùng chúng ta luôn mãi cho đến tận cùng. Và Ngài muốn mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Thánh Thần của Ngài để làm chứng cho Ngài trong môi trường chúng ta sinh sống.

Từ Chúa Nhật này cho tới Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy dành thời giờ để nhìn lại cuộc sống của mình, mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa đến mức độ nào rồi. "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng và các con sẽ làm chứng cho Thầy khắp nơi trên mặt đất này".

Xin Chúa gìn giữ chúng ta vững mạnh trong đức tin để chúng ta có thể làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc.

 

74. Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Xưa cũng như nay, Giáo Hội luôn quan tâm đến sứ mạng truyền giáo, bởi xác định đây là bản chất của Giáo Hội. Mất yếu tố này, chúng ta mất đi căn tính, hay nói đúng hơn, không phải là người Công Giáo đúng nghĩa, bởi lẽ đã là người Công Giáo, thì việc truyền giáo là của chúng ta, thuộc về chúng ta, vì thế, không lẽ gì chúng ta thờ ơ với sứ vụ này được!

Sứ mạng này được khởi đi từ Thiên Chúa Cha khi sai Con Một của mình xuống trần gian để loan báo về Nước Trời cho muôn dân và cứu độ nhân loại; bắt nguồn từ lệnh tryuền của Đức Giêsu cho các môn đệ trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20); lệnh truyền đó đã được tiếp diễn trong suốt dọc dài lịch sử từ thời các Tông đồ cho đến ngày nay và mãi về sau.

1. Đức Giêsu ra đi, các Tông đồ, môn đệ tiếp bước

Lúc sinh thời, đã có lần Đức Giêsu mặc khải: “... tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi" (Ga 7, 29); khi sắp chia tay các Tông đồ để đi chịu chết chuộc tội thiên hạ, thấy các ông buồn bã vì sắp phải chia ly, kẻ đi người ở, Ngài đã củng cố niềm tin của họ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1); Ngài căn dặn và an ủi thêm: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3); Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã báo trước giây phút Ngài sẽ về cùng Cha của Ngài, Ngài nói:“Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Qua lời dạy của Đức Giêsu, nhất là biến cố về trời của Ngài, Đức Giêsu mặc khải mà chúng ta biết, chúng ta có một nơi ở khác, nơi ở đó là một nơi tràn đầy hạnh phúc vì được diện kiến Thiên Chúa. Niềm tin này cũng được thánh Phaolô nói nhắc đến: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3, 20). Còn gì hạnh phúc cho bằng, khi Nước Trời là cùng đích của ta, nơi đó, chúng ta sẽ được sung mãn nguồn tình yêu, và không bao giờ sợ mất nữa, nơi mà: “trộm cướp không thể lấy mất và mối mọt không thể gặm nhấm".

Cuối cùng, Đức Giêsu đã được cất lên trời trước mắt các ông, để như lời Ngài đã nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã để lại cho các Tông đồ, môn đệ lệnh truyền của Ngài, để các ông ra đi loan báo và làm chứng nhân cho Ngài đến tận cùng trái đất, hầu mọi người sẽ được lên nơi mà Đức Giêsu đã mặc khải: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).

Như vậy, sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ và môn đệ đã xuống núi để ra đi thi hành lệnh truyền đó của Đức Giêsu, bắt đầu từ Giêrusalem và đến tận cùng trái đất...

2. Truyền giáo là bản chất của chúng ta

Nếu trước kia, Đức Giêsu truyền lệnh cho các Tông đồ và môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ, thì hôm nay, cũng cùng lệnh truyền đó, Ngài trao phó cho mỗi chúng ta sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Câu nói nổi tiếng của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô cũng phải là nỗi thao thức của tất cả chúng ta: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16); và, lệnh truyền của Đức Giêsu năm xưa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), vẫn mãi là một lời mời gọi, luôn thôi thúc, mang tính mầu nhiệm và cấp thiết cho Giáo Hội cũng như mọi thành phần, qua mọi thời, mọi nơi.

Vì thế, ở bất cứ nơi đâu, ngoài việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, mỗi người phải thể hiện vai trò ngôn sứ mà mình đã lãnh nhận ngày chịu Phép Thánh Tẩy bằng và qua hành động. Trong nhiều cách thế, có lẽ là trở nên những chứng nhân của những lời loan báo là điều quan trọng và có tính khả tín.

Cách thức này đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI nói đến trong Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”, ngài nói: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi” số 41).

Thật vậy, truyền giáo và làm chứng chẳng khác gì như hai mặt trên một bàn tay, nên không thể nói rằng: tôi chỉ nói, loan báo về Chúa còn việc tôi sống là chuyện khác!

Trong thế giới ngày nay, con người dần mất đi cảm thức về tâm linh, từ đó như một hệ quả, họ sống trong sự thất vọng, bởi khám phá ra trong cuộc sống có nhiều điều không thỏa lấp được nỗi khát vọng thâm sâu trong tâm hồn của con người. Vì thế, là người kitô hữu trong thế giới hôm nay, chúng ta phải là những chứng nhân của niềm hy vọng, khi mang trong mình tràn đầy cảm nghiệm về Thiên Chúa. Thánh Phêrô cũng đã nói đến vai trò chứng nhân của niềm hy vọng, ngài nói: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15).

Ngoài ra, làm chứng cho Chúa trong một xã hội đang dần mất đi tinh thần liên đới, trách nhiệm với nhau, là một tiêu điểm trong xã hội hôm nay mà chúng ta phải quan tâm, bởi lẽ, con người ngày nay họ luôn bị vô cảm, dửng dưng và ích kỷ, không muốn liên lụy đến bản thân. Thực trạng cho thấy: “không thiếu những cái đầu lớn, nhưng bên cạnh đó lại quá nhiều trái tim nhỏ”; hay “không thiếu gì cái đầu nóng, nhưng lại có trái tim lạnh”. Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi dấn thân trong môi trường đang trở nên xa lạ đối với cuộc sống con người. Khi tiến bước và trở nên chứng nhân như thế, mỗi chúng ta trở nên một hình ảnh của Đức Giêsu hiền hòa, nhân hậu, bao dung, liên đới và sẵn sàng tha thứ cho mọi người. Làm được như thế, ấy là lúc chúng ta: “ngửi thấy mùi chiên”.

Lạy Chúa Giêsu, lệnh truyền của Chúa khi xưa cho các Tông đồ, môn đệ cũng chính là lệnh truyền cho mỗi chúng con ngày hôm nay. Xin Chúa ban cho chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng tình thương. Tin Mừng cứu độ đến cho hết mọi người. Amen.

 

75. Làm chứng cho Chúa hôm nay

(Suy niệm của Lm. Đan Vinh)

I. HỌC LỜI CHÚA

1. Ý CHÍNH:

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần để chứng minh cho các môn đệ thấy Người đã thực sự từ cõi chết sống lại. Nhưng lần này trước khi về trời, Đức Giêsu hiện ra lần cuối với Nhóm Mười Một trên một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Người không chứng minh Người đã sống lại như các lần trước, nhưng trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng phổ quát cho Hội Thánh qua Nhóm Mười Một môn đệ như sau: “Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng truyền cho các ông tiếp tục dạy cho các tín hữu phải tuân giữ các huấn luyện của Người và hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

2. CHÚ THÍCH:

- C 16-17: + Mười một môn đệ: Nhóm Mười Hai lúc này đã bị mất Giu-đa phản bội, nên chỉ còn mười một người (x. Mt 10,1-4; 27,5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Vâng lời dạy của thiên thần nhắn cho các môn đệ qua hai phụ nữ và sau đó Chúa Phục Sinh cũng nhắc lại lệnh truyền này khi hiện ra với hai bà này vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Mt 28,7.10). Ga-li-lê là trung tâm truyền giáo của Đức Giêsu trong thời gian Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Đến ngọn núi: Tin Mừng không xác định là núi nào. Còn sách Công Vụ Tông Đồ cho biết là núi Ô-liu (x. Cv 1,12). Núi tượng trưng nơi Thiên Chúa mặc khải cho các ngôn sứ thời Cựu Ước (x. Xh 3,1-5; 19,20; 1 V 19,8-14). Trong Tin Mừng Mát-thêu, nhiều lần Đức Giêsu cũng mặc khải những điều quan trọng trên núi. Chẳng hạn: Công bố Tám Mối Phúc Thật trên một quả núi (x. Mt 5,1), biến hình trước mặt ba môn đệ trên núi cao (x. Mt 17,1); ra lệnh cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên một ngọn núi (x. Mt 28,16). (17) + Khi thấy Người, các ông bái lạy: Các môn đệ thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và biểu lộ niềm tin bằng việc sấp mình bái lạy Người. Hành động này tương tự như các đạo sĩ đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Cứu Thế (x. Mt 2,2.8.11); Người phong cùi bái lạy xin Đức Giêsu chữa lành (x. Mt 14,33); Người đàn bà xứ Ca-na-an bái lạy xin Đức Giêsu chữa cho con gái bà khỏi bị quỷ ám (x. Mt 15,25). + Có mấy ông lại hoài nghi: Nói đến có môn đệ còn hoài nghi sau khi các ông đã bái lạy Chúa xem ra bất nhất và khó hiểu. Thực ra, lúc này khi từ giã Chúa Giêsu sắp về trời thì mọi môn đệ đều đã tin, và không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng các trình thuật Tin Mừng hiện ra khác đều nói đến sự nghi ngờ, và đều được Người đánh tan sự nghi ngờ ấy. Riêng Tin mừng Mátthêu ghi nhận sự kiện môn đệ hoài nghi vào thời điểm này và cũng đã được Chúa Giêsu đánh tan khi cho các ông biết Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Theo một số tác giả thì sự hoài nghi ở đây nhắm đến sự hoài nghi của cộng đoàn nói chung, vì từ đây các tín hữu sẽ không còn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra nữa. Sự hoài nghi này sẽ được Lời Chúa đánh tan. Do đó, các tín hữu cần dựa vào Lời Chúa để củng cố đức tin hầu được chúc phúc như Chúa Phục Sinh đã nói với Tô-ma: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29).

- C 18-19:+ Đức Giêsu đến gần: Đến gần là hành động ưu ái đặc biệt, lấp đầy khoảng cách giữa thiên quốc và trần gian mà chỉ Đức Giêsu Phục Sinh mới làm được. + Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã từ chối nhận quyền do ma quỷ hứa ban cho Người trên mọi nước thế gian (x. Mt 4,8-10), thì giờ đây, sau khi đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để đi con đường "Qua đau khổ vào vinh quang", Người đã được Chúa Cha ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, để ứng nghiệm lời tuyên sấm trong sách Đa-ni-en về Con Người: “Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân các nước và các tiếng nói đều phải phụng sự Người” (Đn 7,14), và quyền bính của Người còn bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33). + Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Các môn đệ đại diện Hội Thánh nhận bài sai của Chúa Giêsu để đi chinh phục thế giới. Từ nay Hội Thánh phải nhân danh Chúa Giêsu mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, trước tiên là những người Do thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41). + Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Làm cho người ta trở thành môn đệ Chúa Ki-tô gồm cả việc rao giảng Tin Mừng. Để chu toàn việc này, các môn đệ phải cho họ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nghĩa là đặt người dự tòng trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

- C 20:+ Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền: Việc đào tạo người ta nên môn đệ Chúa phải được tiếp tục sau phép rửa qua lời giảng dạy, cho tới khi Hội thánh đạt tới sự viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 1,23). Vì thế các Tông đồ phải hướng dẫn muôn dân tuân giữ các giới răn của Chúa. Dân của Giao Ước Mới phải sống theo Luật Mới do Chúa Giêsu công bố mà các Tông đồ phải truyền đạt. + Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Ki-tô Phục Sinh hứa sẽ hiện diện mãi trong Hội Thánh để hỗ trợ, giúp Hội Thánh chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận thế. Vì Người chính là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23).

3. CÂU HỎI:

1) Tại sao chỉ còn Mười Một môn đệ có mặt khi Chúa lên trời? 2) Tại sao các môn đệ lại họp mặt tại miền Ga-li-lê? 3) Chúa lên trời trên núi nào? 4) Tại sao các môn đệ bái lạy Đức Giêsu khi Người xuất hiện? 5) Tại sao Tin Mừng nhắc đến thái độ hoài nghi của các môn đệ vào lúc này? 6) Tại sao trước khi lên trời Chúa Giêsu tuyên bố mình được trao toàn quyền trên trời dưới đất?

HỎI 7) Mệnh lệnh thâu nạp môn đồ khắp muôn dân cũng như công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi chính xác đến mức độ nào, đang khi sách Công Vụ Tông Đồ lại cho biết Hội Thánh sơ khai dùng công thức rửa tội “nhân danh Chúa Giêsu” (x. Cv 2,38; 10,48)?

ĐÁP 7):Thực ra, mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc và việc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong đoạn Tin Mừng Mát-thêu nói trên bắt nguồn tư Chúa Giêsu. Tuy nhiên việc mở rộng sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc đã dần dần được sáng tỏ do tác động của Chúa Thánh Thần (x. Cv 11,15-18). Sau một thời gian sống và rao giảng Tin Mừng, Hội Thánh do kinh nghiệm thực tế đã dần dần hiểu biết trọn vẹn lệnh truyền của Chúa Giêsu và đưa công thức rửa tội nhân danh Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vào phụng vụ phép rửa. Đến khi biên soạn Tin Mừng thứ nhất (khoảng thập niên 80-90), Mát-thêu được Thánh Thần linh hứng, đã đưa mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vào lệnh truyền rửa tội của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi lên trời (x. Mt 28,19).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18b-20).

2. CÂU CHUYỆN:

1) Dùng lời nói để làm chứng cho Chúa:

June là một bé gái 5 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và rất lanh lợi. Cha mẹ em đều là nhà giáo có lòng đạo đức. Mẹ thường đem em đi theo mỗi khi bà có việc phải đi ra ngoài. Một hôm, hai mẹ con dắt nhau vào trong bưu điện thành phố. Đang lúc bà mẹ lo gửi thư bảo đảm cho một người thân, thì bé June chạy chơi loanh quanh gần đó quan sát người ta làm việc. Bấy giờ một ông lão ngồi gần đó thấy bé gái kháu khỉnh dễ thương, liền bắt chuyện làm quen như sau: “Này cháu bé. Cháu có mái tóc đẹp lắm! Mà tại sao mái tóc của cháu lại đẹp đến thế nhỉ?” Cô bé liền vui vẻ trả lời: “Thưa ông, mẹ cháu dạy rằng: Chính Thiên Chúa đã ban mọi sự tốt đẹp cho cháu và cháu phải biết tạ ơn Người nhiều lắm đó!” Nói xong em nhìn thẳng vào mặt ông lão, nhoẻn một nụ cười thật dễ thương và hỏi: “Thế ông đã được Chúa ban cho điều gì tốt đẹp chưa? Ông có đươc Chúa ban ơn cứu độ không?”. Ông lão kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ của cô bé. Ông ngẩn người suy nghĩ giây lát về tình trạng của mình rồi đáp: “Chưa đâu, cháu ạ”. Em bé liền nói: “Thế thì ông phải cầu xin Chúa ban ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông trở thành con của Chúa, và ông sẽ được Chúa biến đổi nên một người mới rất xinh đẹp đó!” Nói xong, bé vội chạy về phía mẹ đang vẫy gọi ở lối đi bên kia. Ít tuần sau, ông lão tìm đến một nhà thờ xin học giáo lý dự tòng. Về sau ông cho biết: chính câu nói đơn sơ của cô bé hôm ấy đã đánh động tâm hồn vốn chai lì của ông, và luôn ám ảnh khiến ông không thể quên được. Cuối cùng ông đã quyết định phải theo đạo để được trở nên con của Thiên Chúa và được biến đổi nên tốt đẹp như em đã nói.

Câu nói của một bé gái tuy đơn sơ nhưng đã có sức mạnh khiến một người già cứng lòng phải suy nghĩ và quay trở về với Chúa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám biểu lộ đức tin trước mặt người khác không? Có dám nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa để họ tin Chúa và đi theo làm môn đệ Người hay không?

2) Lúc cấp bách cần truyền đạt đức tin cách cụ thể:

Trong tác phẩm “Hương rượu mới”, tác giả thuật lại về giờ phút cuối cùng của cha mình như sau: Bấy giờ cha tôi đang hấp hối trên giường bệnh. Trong khi tôi chỉ biết ngồi nhìn cha với tâm trạng chán nản thất vọng, thì một nữ tu Công giáo với dáng người nhỏ nhắn đã bước vào phòng. Chị đi vòng qua bên kia giường cha tôi đang nằm, cầm lấy tay ông đưa lên vỗ nhè nhẹ. Sau đó chị hỏi: “Bác có nghe cháu nói không?” Ông cụ gật đầu. Đoạn chị nói với ông: “Trước đây bác đã tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế chưa?” Ông cụ lắc đầu. Chị nữ tu liền nói: “Bây giờ bác có muốn tin Chúa không?” Ông cụ đáp: “Dạ có”. Thế là chị yêu cầu ông lặp lại theo mình: “Lạy Chúa Giêsu, con tin nhận Chúa là Đấng Cứu Thế của con. Xin Chúa ban cho con được làm môn đệ Chúa và được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa trên trời. Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con”. Ông cụ lặp lại theo từng câu và sau đó từ từ nhắm mắt qua đời.

3. SUY NIỆM:

1) Thế nào là làm chứng cho Chúa?

Làm chứng cho Chúa là giới thiệu Đức Giêsu cho người khác. Muốn giới thiệu Đức Giêsu thì trước hết là phải làm cho đức tin nơi mình được lớn lên nhờ năng tham dự các buổi hiệp sống Tin Mừng với cộng đoàn hằng tuần, năng đến nhà thờ dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng để được kết hiệp với Chúa, năng cầu nguyện bằng lời nguyện tắt…

Mỗi tín hữu đã chịu phép Thêm Sức đều đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần để nên trưởng thành về đức tin và chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa Giêsu theo lệnh Chúa truyền trước khi về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Cụ thể chúng ta cần loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, bắt đầu từ những người thân như: chồng vợ, con cái, cha mẹ, anh chị em… Rồi đến những người cùng xóm ngõ, bạn bè, đồng nghiệp … Sau cùng là mọi người nhất là những người bất hạnh, các bệnh nhân, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa…

2) Phương cách truyền giảng Tin Mừng của Đức Giêsu:

Khi ra giảng đạo, Đức Giêsu đã nhận sứ mạng Thiên Sai từ nơi Chúa Cha khi được Chúa Cha giới thiệu là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” (x. Mt 3,17) và truyền dạy các môn đệ “Hãy vâng nghe lời Người” (x. Mt 17,5).

Người đã thực thi sứ mạng Thiên Sai ấy nhờ kết hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: Được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Mt 4,1); Nêu gương cầu nguyện trước khi chọn mười hai Tông đồ (x. Lc 6,12-16). Hằng ngày đi cầu nguyện với Chúa Cha ngay từ sáng tinh sương (x. Mc 1,35).

Người nêu gương khó nghèo “Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8,20), ăn ở “hiền hậu và khiêm nhường” (x. Mt 11,29), nêu gương hầu hạ rửa chân môn đệ trước khi dạy bài học yêu thương phục vụ lẫn nhau (x. Ga 13,12-15), và chỉ thị cho các môn đệ cách ứng xử khiêm tôn yêu thương phục vụ khi sai các ông đi thực tập truyền giáo (x. Mt 10,5-42).

Người giảng dạy Tin Mừng trong các hội đường Do thái (x. Mt 13,54), giữa cánh rừng vắng (x. Mt 14,13), ở ven biển hồ (x. Mt 13,1), vừa đi đường vừa giảng như tại Giê-ri-cô (x. Lc 19,1-6), giảng trong bữa tiệc (x. Lc 5,29-32). Người giảng trong các thành thị làng mạc trên đường lên Giê-ru-sa-lem (x. Lc 13,22), và tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. Ga 10,22-30)…

Người trình bày giáo lý bằng những ví dụ cụ thể thường ngày là các dụ ngôn để diễn tả các mầu nhiệm cao siêu về Nước Trời (x. Mt 13,3-52). Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền (x. Mt 7,29).

Người rao giảng Tin Mừng Nước Trời kèm theo việc làm phép lạ cứu nhân độ thế như: xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyện trong dân (x. Mc 1,21-22.32-34), quan tâm đáp ứng nhu cầu tinh thần và thể xác của dân chúng và đòi môn đệ cộng tác vào phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,15-18).

Nhờ rao giảng theo phương cách bác ái cụ thể như vậy mà Đức Giêsu đã được dân chúng tin theo rất đông, thể hiện ra khi Người khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,10-11).

3) Phương cách hữu hiệu làm chứng cho Chúa hôm nay:

Ngày nay để làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu, mỗi tín hữu cũng cần học tập phương cách truyền giáo của Đức Giêsu. Cụ thể làm những việc như sau:

- Cầu nguyện để xin ơn trợ giúp: Muốn làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu trước hết phải cầu nguyện như lời Đức Giêsu dạy: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Phải cầu nguyện xin ơn Chúa giúp vì đây là việc làm vượt khả năng tự nhiên giới hạn của chúng ta, như lời Chúa Giêsu đã nói trong diễn từ giã biệt: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

- Nêu gương sống tốt lành thánh thiện: chúng ta còn phải tỏa hương thơm nhân đức, có thái độ ứng xử hiền hòa nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, biết quên mình để nghĩ đến người khác, khiêm tốn phục vụ người nghèo như phục vụ chính Chúa Giêsu. Nhất là các vị chủ chăn cần ý thức mình là hiện thân của Đức Giêsu trước mặt lương dân, nên cần noi gương hiền hậu bao dung và khiêm tôn phục vụ khi làm các thủ tục về hôn phối giữa tín hữu đạo gốc với tân tòng hay phép chuẩn khác đạo, hoặc trong thánh lễ có người lương tham dự… Chính thái độ bao dung nhân hậu và thánh thiện thanh thoát của các vị mục tử sẽ gây ấn tượng tốt và giúp người lương hiểu đúng về đạo công giáo và dễ tin theo Chúa sau này.

- Quảng bá văn hóa đức tin công giáo: Làm chứng cho Chúa bằng phương tiện truyền thông xã hội như lập nhiều website Công Giáo nội dung phong phú và có uy tín, xuất bản các sách truyện tranh Kinh thánh, truyện các thánh, sách hộ giáo nghắn gọn dễ hiểu để giải tỏa các thắc mắc về đức tin, luân lý công giáo… Trao tặng các cỗ tràng hạt kèm theo sách hướng dẫn lần hạt Mân côi kèm theo Lời Chúa và lời cầu trước mỗi mầu nhiệm Vui Sáng Thương Mừng khi lầm hạt mân côi…

- Chủ động đi bước trước đến với tha nhân: Mỗi người cần làm chứng cho Chúa bằng việc chủ động mỉm cười làm quen với người mới gặp, lắng nghe những người đau khố tâm sự hoàn cảnh để cảm thông và khôn ngoan đáp ứng theo khả năng giới hạn của mình… Chọn một người chưa biết Chúa, một gia đình lương mình quen biết để cầu nguyện cho họ …

- Lời rao giảng phải đi đôi với việc bác ái cụ thể: Ngoài việc làm chứng cho Chúa bằng việc trình bày về Chúa, Hội thánh ngày nay còn chú trọng làm việc bác ái cụ thể như: Cứu trợ thiên tai lũ lụt, mở cô nhi viện, nhà nuôi người già, giúp người khuyết tật, mở lớp học tình thương, mở các đợt khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu vùng xa, mở bữa ăn miễn phí cho người hành khất hay quán cơm phục vụ giá rẻ cho người lao động v.v… Ngoài ra về mặt xã hội, Hội Thánh cũng khuyến khích các tín hữu tích cực tham gia làm công tác xã hội với các người thiện chí như: Dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hiến máu nhân đạo để cứu người bị tai nạn, góp phần đẩy lùi và loại trừ các tệ nạn xã hội như cờ bạc, hút chích sì-ke, đĩ điếm, say xỉn ra khỏi khu vực…

TÓM LẠI: Nhờ các việc bác ái cụ thể được thực hiện trong sự khiêm tốn yêu thương vô vụ lợi, mà Tin Mừng Nước Trời sẽ tỏa sáng, giúp cho nhiều anh em lương dân nhận biết chúng ta thực là môn đẹ Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta ở trên trời như lời Đức Giêsu: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

4. THẢO LUẬN: 1) Theo bạn, các công tác bác ái từ thiện noi gương Đức Giêsu như: chia sẻ cơm áo gạo tiền cho những người nghèo đói bệnh tật… có hữu hiệu trong xã hội hiện nay không? Tai sao? 2) Bạn có kinh nghiệm nào để giới thiêu Chúa cách hữu hiệu cho người bên cạnh trong một chuyến đi xa, hay một bệnh nhân nằm chung phòng tại bệnh viện …?

5. NGUYỆN CẦU:

- Lạy Chúa Giêsu. Hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng con mừng lễ Chúa về trời. Trời đích thực là quê hương của chúng con, là nơi chúng con luôn hướng về. Tuy nhiên, trong bài Sách Thánh hôm nay, thiên thần lại nói với các môn đệ: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Qua đó, Chúa muốn dạy rằng: điều quan trọng nhất các ông phải làm bây giờ là tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu, bằng việc loan Tin Mừng “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”. Làm chứng trước hết bằng sự rao giảng Tin Mừng Nước Trời với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng con cũng có thể làm chứng bằng những hành động bác ái yêu thương, bằng sự khiêm nhường phục vụ, bằng việc quảng đại cho đi, bằng việc hy sinh bản thân vì lòng mến Chúa và yêu tha nhân... Xin giúp chúng con chu tòan sứ mạng ấy trong cuộc sống đời thường của chúng con.

- Lạy Chúa. Chúng con thường hay cho tằng: “Tôi phải lo cái ăn cái mặc cho bản thân và gia đình tôi trước đã! Tôi không có khả năng trình bày về Chúa cho người khác! Tôi không có thì giờ …” Đang khi Chúa dạy chúng con: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Vậy xin Chúa giúp chúng con hôm nay đừng quá lo cơm áo vật chất cho bản thân hay gia đình, nhưng phải biết lo việc của Chúa và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Xin Chúa giúp chúng con biết làm lợi gấp năm gấp mười nén vàng đức tin mà Chúa đã ban cho chúng con, để nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được Chúa thương xét xử khoan dung và nói với chúng con: “Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21).

X) Hiệp cùng Mẹ Maria.- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

 

76. Sứ mạng rao giảng Tin Mừng

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng OP)

Có những cuốn sách khi khép lại, chính là lúc mở ra: mở ra cho suy tư, mở ra cho trách nhiệm, mở ra cho hành động. Sách Tin Mừng là cuốn sách như thế, theo ý nghĩa trọn vẹn nhất. Nếu Tin Mừng khép lại cuộc đời Chúa Giêsu, thì đồng thời lại mở ra cho một trang sử mới. Nếu biến cố Thăng Thiên khép lại cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu, thì đồng thời lại mở ra cho một mệnh lệnh mới phải được thực thi, một trách nhiệm mới phải được hoàn thành, một hiện diện mới phải được đón nhận. Chính trong sự đan kết đó mà phụng vụ lời Chúa hôm nay vừa mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm Thăng Thiên, lại vừa đòi hỏi chúng ta đào sâu trách nhiệm truyền giáo, trach nhiệm rao giảng Tin Mừng, trách nhiệm tông đồ trong đời người Kitô hữu. Đó là hai điều chúng ta tìm hiểu sau đây.

Trước hết, về mầu nhiệm Thăng Thiên, tức là mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Trong bốn sách Tin Mừng, chỉ có hai sách nói đến việc Chúa Giêsu lên trời, đó là Tin Mừng Máccô và Tin Mừng Luca. Thánh Máccô nói rất vắn tắt, chỉ nói Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha, chứ không nói Chúa lên trời ở đâu và sau khi sống lại được bao lâu. Còn thánh Luca, đọc Tin Mừng của ngài chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu lên trời ngay ngày Chúa sống lại và ở gần Bê-ta-ni-a. Nhưng theo sách Công vụ Tông đồ, cũng của thánh Luca, thì Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được bốn mươi ngày, và chỗ Chúa lên trời là núi cây dầu. Còn Tin Mừng thánh Mat-thêu chúng ta nghe đọc hôm nay chỉ kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên một ngọn núi Chúa đã truyền cho các ông đến và truyền lệnh cho các ông đi rao giảng cho muôn dân mà không nói gì đến việc lên trời.

Chúa Giêsu lên trời là một điều chắc chắn. Đây là một mầu nhiệm, một tín điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Vậy ý nghĩa của mầu nhiệm này thế nào? Việc Chúa Giêsu lên trời là một sự kiện tất yếu của quá trình nhập thể và cứu chuộc của Ngài. Nghĩa là Ngài là con Thiên Chúa, từ trời xuống trần gian để thực hiện chương trình cứu chuộc của Chúa Cha. Ngài đã giảng dạy, phục vụ và cống hiến cả mạng sống, nên sau khi sống lại từ cõi chết, Ngài đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh, được đặt bên hữu Thiên Chúa và ban cho quyền xét xử vũ trụ. Chúa Giêsu lên trời là một câu trả lời vô cùng phấn khởi cho chúng ta, nếu chúng ta trung thành tin theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được về trời, chúng ta sẽ được Chúa Giêsu đón vào trong nhà Cha, để cùng với Ngài hưởng hạnh phúc vinh quang muôn đời.

Tuy nhiên, để đạt được Nước Trời đòi hỏi chúng ta phải trả giá. Cũng như không có thành công nào hay hạnh phúc nào ở đời này mà lại đạt được quá dễ dàng, thì hạnh phúc Nước Trời lại càng khó hơn biết bao, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và cố gắng về mọi phương diện. Những ngày sống lữ thứ trần gian là để đi vào Nước Trời, chúng ta phải cố công đi cho tới đích, không bao giờ được bỏ cuộc, không trẽ ngang, không đi lui, phải đi tới mãi. Đường vào Nước Trời thiên nan vạn nan, chứ không phải dễ dàng ra vào như đi chợ hay đi bát phố. Kinh Thánh nói: “Người ta phải dùng sức mạnh sấn sả mà đi vào, đi vào con đường hẹp, phải ra đi trong nức nở, mới trở về trong hân hoan”. Cũng thế, ai cũng biết bài học “nước chảy đá mòn”, “kiến tha lâu đầy tổ, “có công mài sắt có ngày nên kim”, “có khó mới có miếng ăn”, thì trên phạm vi siêu nhiên cũng vậy, Chúa dạy: “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”, vì Nước Trời đòi hỏi rất nhiều cố gắng, rất nhiều công lao khó nhọc.

Nhưng làm sao người ta có thể biết Chúa, tin theo Chúa, sống theo những lời Chúa giảng dạy, để rồi cũng được về trời với Chúa? Chính vì thắc mắc đó mà trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ra chỉ thị cho các môn đệ của Ngài. Ngài đã sai các ông ra đi trên vạn nẻo đường thế giới, ban cho các ông nhiều quyền năng để rao giảng Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Chính nhờ các tông đồ đầu tiên ấy, rồi các tông đồ khác, lại các tông đồ khác nữa kế tiếp nhau trung thành thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng ấy mà người ta biết Chúa, tin theo Chúa, được cứu rỗi và rồi sẽ được về trời.

Nói khác đi, Chúa Giêsu đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Ngài, nghĩa là Giáo Hội như một nối dài của Chúa Giêsu. Cách đây hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã đi lại, đã giảng dạy, đã làm nhiều điều tốt đẹp. Ngày nay, Ngài cũng muốn cho các hoạt động của Ngài được tiếp tục qua Giáo Hội. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là một sứ mệnh thiêng liêng, nhưng sứ mệnh đó cần phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trao phó sứ mạng đó cho Giáo Hội, Chúa Giêsu muốn nó được thực thi trong một khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Chính nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống và dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

chi thể của Giáo Hội, thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, mỗi người Kitô hữu là cánh tay rộng mở của Chúa Kitô, nhờ đó Ngài không ngừng giãi tỏa ánh sáng, trao tặng tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người. Để được như thế, cách tốt nhất là chúng ta hãy sống tốt, với mọi người trong gia đình, với xóm ngõ, với bạn bè, trong nơi làm việc và với những người chung quanh, bất cứ lương hay giáo. Sống tốt có nghĩa là sống cởi mở, sống hòa đồng, sống vui tươi, sống bác ái, sống chan hòa tình yêu thương với mọi người.

Tóm lại, lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa đã lên trời, chúng ta cũng sẽ về trời, đó là cùng đích của hạnh phúc đời người. Vì thế, chúng ta hãy sống cho thật tốt, thật tròn đầy những bổn phận hàng ngày để đạt được hạnh phúc ấy. Đồng thời, ngày lễ hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy ra đi vào thế giới, vào môi trường mình đang sống, để làm chứng cho Chúa, để giới thiệu Chúa cho anh em bằng chính đời sống tốt đẹp của chúng ta.

 

77. Quê hương đích thực

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)

Bài đọc sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết: Chúa Giêsu lên trời trước mặt nhiều môm đệ vào ngày thứ 40 sau phục sinh, tức là lần hiện ra cuối cùng với họ, và trong khoảng thời gian 40 ngày, kể từ ngày phục sinh, Chúa Giêsu không ở liền với các môn đệ mọi giây phút, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hiện ra thôi. Như thế, những lúc không hiện ra với các môn đệ thì Chúa ở đâu? Thực ra, vấn đề thăng thiên của Chúa có thể ghi lại những điểm chính như sau:

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh nơi Chúa Cha ngay lập tức rồi. Nói cách khác, Chúa Giêsu phục sinh rồi lên trời ngay để ngự bên hữu Chúa Cha. Tuy nhiên, trong quãng thời gian 40 ngày, kể từ ngày phục sinh, Chúa đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, và vào lần cuối cùng, ngày thứ 40, Chúa hiện ra đàm đạo với các môn đệ, nhắn nhủ họ nhiều điều, rồi Ngài lên trời trước mắt họ. Từ đấy Ngài không còn hiện ra với họ như trước đó nữa cho tới ngày tận thế. Dầu sao ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta lưu ý đến ý nghĩa của mầu nhiệm Thăng Thiêng hơn là đến ngày giờ mầu nhiệm ấy xảy ra.

Mầu nhiệm Thăng Thiên nhắc nhở ít nhất hai điều: Thứ nhất, Chúa Giêsu về trời, nhưng ngài vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta. Là những con người tại thế, bị ảnh hưởng và chi phối bởi giác quan, chỉ quen chấp nhận những gì giác quan kiểm chứng được, nên chúng ta dễ cảm thấy rằng: ra đi là mất mát, chia lìa là đau đớn kinh khủng, là chết đi một chút. Do đấy chúng ta cũng thường nghĩ rằng: Chúa Giêsu đã về trời, thế là mọi sự hết mất rồi. Nhưng sự thật không phải thế. Chúa Giêsu Phục Sinh đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Ngài lại vẫn còn hiện diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Thăng Thiên chính là một cuộc chuyển tiếp từ hiện diện hữu hình sang hiện diện thiêng liêng. Nghĩa là từ đây Chúa Giêsu phục sinh chấm dứt cách hiện diện với các môn đệ khiến cho giác quan của họ kiểm nhận được, màhiện diện một cách thiêng liêng. Dấu hiệu của sự hiện diện này là Ngài ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ. Đúng vậy, Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, trong chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Đó cũng là ý nghĩa của câu Chúa khẳng định với các tông đồ: " Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

Điều thứ hai nhắc nhở chúng ta: Chúng ta đang sống ở trần gian, nhưng phải luôn hướng về trời. Những du khách có dịp đi du ngoạn ở miền bắc nước Tô Cách Lan, thường gặp thấy những đống đá chồng chất lên nhau. Những đống đá này hàm chứa một ý nghĩa lịch sử cho dân chúng miền đó. Đây là kỷ niệm của những người dân đã di cư đi nơi khác làm ăn. Người ta kể lại rằng: vì thiếu công ăn việc làm, dân chúng miền này phải tìm đến những nước công nghiệp như Canada, Uc hay Mỹ để tìm kế sinh nhai. Khi ra đi, họ thường nhặt một hòn đá của làng mình và đem theo cho đến khi bóng xóm làng chỉ còn là một chấm mờ ở đàng sau, họ dừng lại, đặt hòn đá xuống như một kỷ niệm yêu thương cuối cùng để lại cho quê hương của họ. Rồi hằng năm, vào dịp lễ thánh An-rê, bổn mạng nước Tô Cách Lan, người dân Tô Cách Lan trên khắp thế giới thường họp nhau lại để tưởng nhớ tới quê hương mình đã cách xa, và cũng để nhớ đến họ hàng thân thuộc còn ở lại quê nhà.

Bất cứ một người dân di cư nào cũng đã gói ghém trong hành trang của mình ít nhiều tình yêu quê hương sâu đậm. Người ta tìm ra hai nguyên nhân chính yếu đã là những động lực thúc đẩy các cuộc ra đi này, đó là một đời sống nghèo nàn, cơ cực, đói khát, với những điều kiện quá khắc khổ, không công ăn việc làm, không bảo đảm tương lai. Và một hấp lực lôi cuốn từ đàng trước, đó là một đời sống no đủ, sung túc hơn, với những hứa hẹn của một tương lai tươi sáng, bảo đảm và vững chắc hơn.

Người Kitô hữu cũng có thể được ví như những người dân di cư đó. Và cuộc ra đi của chúng ta là một cuộc hành hương về nước trời. Chúng ta cũng có một động lực thúc đẩy từ cuộc sống trần gian đầy vất vả này, và một hấp lực lôi cuốn của một quê hương hạnh phúc.

Sống ở đời này, ai ai cũng có những hy vọng. Chúng ta hy vọng về nước trời như là cái đích cuối cùng ở cuối con đường trần gian. Cuộc sống hôm nay nơi trần gian phải có một mục đích. Nếu sống hết ngày này qua ngày khác, phấn đấu lam lũ làm ăn, vất vả, cực khổ...chỉ để sống vậy thôi, chứ không biết mình sống để làm gì thì đời chúng ta thật là vô nghĩa và phi lý. Vậy chúng ta đã có mục đích sống cho đời mình chăng? Mục đích đó là mục đích nào? Thưa đó là nước trời. Vì vậy cuộc đời này là một cuộc hành hương về nước trời.

Ước gì từng hành động, từng suy nghĩ, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta cũng đều là một đáp trả tích cực của chúng ta với lời mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta đã có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này.

 

78. Ra đi trong lời hứa – G. Nguyễn Cao Luật

Một sự hiện diện mới

Ở phần đầu sách Tin Mừng, thánh Mátthêu đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia để loan báo sự xuất hiện của người con thuộc dòng họ Đavít, Đấng được gọi là "Emmanuen", có nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". Tất cả các phần sau của Tin Mừng Mátthêu đều nhắc đến sự hiện diện này, một sự hiện diện mà người ta có thể cảm thấy, sờ thấy, nhìn thấy...

Nhưng đã đến lúc chấm dứt sự hiện diện này, không phải là tan biến đi, nhưng là mang một hình thức mới còn sâu xa, còn mãnh liệt và cụ thể hơn sự hiện diện trước kia: "Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

Thế nào là sự hiện diện đích thực? Khi nào thì sự sống của một hữu thể khác thấm nhập vào một người đến nỗi cả hai biến thành một? Theo một ngôn ngữ khác với thánh Gio-an, thánh Mát-thêu làm nỗ bùng những sự kiện hữu hình để dẫn đưa độc giả vào một cái nhìn khác về thực tại.

Đức Giêsu hẹn gặp các môn đệ tại một ngọn núi ở miền Ga-li-lê. Theo tác giả sách Tin Mừng thứ nhất, Ga-li-lê là vùng đất của dân ngoại, là điểm tiếp xúc của những biên giới. Đây là miền đất biểu tượng cho thế giới ngoại đạo, đồng thời cũng tiêu biểu cho việc rao giảng Tin Mừng. Chính tại đây, giữa lòng nhân loại mà các môn đệ - cũng như người Kitô hữu sau này - khám phá ra ý nghĩa sự hiện diện của Đức Giêsu.

Đàng khác, sau cuộc gặp gỡ cuối cùng này, Đức Giêsu không còn xuất hiện hữu hình với các môn đệ nữa. Nhưng sự hiện diện vô hình của Người đạt tới chiều sâu và chiều rộng mà thân xác của Người nơi trần gian không cho phép đạt tới. Nhờ Thần Khí, sự hiện diện này không chỉ giới hạn ở đây ở đó, vào những cách thức thông thường, nhưng được mở rộng đến mọi nơi và theo nhiều cách thức khác nhau. Đức Giêsu sẽ mãi mãi ở cùng con người qua lời của Người, qua các bí tích, qua người thân cận, và nhất là qua sứ vụ tông đồ.

Quả thế, Đức Giêsu được Chúa Cha phục sinh và tôn vinh, đặt làm Chúa vũ trụ và làm nguồn mạch thông ban sự sống, được đặt ngự bên hữu Chúa Cha, tức là trong một tình trạng hoàn toàn mới. Qua nhân tính được Thần Khí điều động, Đức Giêsu hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới, nơi mỗi người, qua mọi thời đại, như nguyên nhân cứu rỗi duy nhất. Sự thăng thiên của Đức Giêsu đưa Người ra khỏi một góc trời, khuất khỏi tầm mắt của một nhóm người để làm cho Người có mặt và hoạt động trên khắp thế giới và nơi mọi con người. Đó là cuộc ra đi cần thiết và hữu hiệu như Đức Giêsu đã báo trước. Cuộc ra đi làm cho Đức Giêsu trở nên rộng lớn hơn, cũng như cộng đoàn các môn đệ thêm rộng lớn. Rộng lớn như vũ trụ, như vương quyền của Đức Giêsu.

Vì thế, ngay từ bây giờ, không phải là lúc đứng một chôỵ mà đăm đăm nhìn lên bầu trời, nhưng là lúc phải lên đường, phải trở thành chứng nhân về Đấng Phục Sinh, phải loan báo cho mọi người, phải trở nên kẻ cộng tác với Người để mở rộng vương quốc.

Cuộc ra đi mở đầu

Trong tường thuật về thăng thiên, thay vì dừng lại ở những chi tiết, dù rất đơn giản, về cuộc ra đi thể lý của Đức Giêsu, các độc giả sách Tin Mừng nên nhấn mạnh về ý nghĩa cuộc ra đi của Đức Giêsu cũng như về sứ mệnh Đức Giêsu trao lại cho các môn đệ.

Cuộc ra đi của Đức Giêsu thật bất ngờ. Như một tia sáng vụt qua bầu trời, lần hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu là chứng cớ, đúng hơn là dấu khả giác về việc Người đi vào luôn mãi trong vinh quang của Chúa Cha, tức là trở vế với điểm xuất phát của Người. Nhưng Người không trở lại nơi đó một mình. Người lôi kéo theo cả nhân loại, mặc dù còn trong hy vọng, nhưng là một niềm hy vọng có thực, không phải là ảo tưởng.

Và điều quan trọng hơn, đó là trước khi biến đi, Đức Giêsu đã đặt các tông đồ làm những người "tiếp nối" công việc cứu độ của Người trong thế giới. Để thực hiện sự liên tục này, Người đã sai Thần Khí của Người đến trên các ông. Sự tuôn đỗ Thần Khí một cách viên mãn ấy sẽ được mô tả vào ngày lễ Ngũ Tuần. Thần Khí biến nhóm môn đệ nhỏ nhoi này thành Giáo Hội của Đức Kitô với sứ mạng làm chứng về sự phục sinh của Người cho toàn thế giới. Như trên một cây cầu mà móng cắm sâu vào dòng sông, đối với các môn đệ, kể từ nay các môn đệ sẽ phải rời bỏ bờ sông quen thuộc với những lần hiện diện thân thương để đi đến những miền đất còn xa lạ. Tại những miền đất đó, chính Thánh Thần của Đấng Phục Sinh sẽ nắm lấy các ông và hướng dẫn các ông.

Đó quả là một kinh nghiệm lớn mà dần dần các môn đệ sẽ hiểu ra. Nhưng ngay lúc này, khi chứng kiến việc Đức Giêsu biến đi, các ông vẫn tràn ngập niềm vui "trở về Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ".

Do đó, với tư cách là cộng đoàn kế tục cộng đoàn tông đồ, Giáo Hội và mỗi Kitô hữu sẽ luôn kiểm điểm đời sống của mình xem có phù hợp với sứ mạng đã lãnh nhận từ Đức Giêsu. Theo đúng lời bảo của Đức Giêsu, Giáo Hội sẽ phải trung thành thực hiện sứ mạng này trong suốt chiều dài của lịch sử, cho đến ngày Người trở lại, với niềm tin chắc chắn vào sự hiện diện đầy năng động của Vị Thủ Lãnh, Đấng luôn gìn giữ và hướng dẫn Giáo Hội qua ân sủng Thần Khí.

Như vậy, cuộc ra đi của Đức Giêsu là khởi đầu cho những cuộc ra đi khác, bắt đầu là các tông đồ, sau đó là Giáo Hội cho đến ngày tận thế.

Chúa chúng ta ở đâu?

Đối với chúng ta ngày nay, một câu hỏi vẫn thường được đặt ra: "Đức Giêsu, Chúa của bạn, đang ở đâu?" Câu hỏi này càng trở nên gay gắt hơn trong những hoàn cảnh bi đát và buồn phiền, đến nỗi ngay cả những người bình tĩnh nhất cũng cảm thấy lúng túng.

Quả thất, trước một câu hỏi như vậy, những câu trả lời chúng ta đã nghe khi học giáo lý thời nhỏ không làm chúng ta thoả mãn. Đức Giêsu không chỉ ngự "trên trời" hay "khắp mọi nơi", và cũng không phải chỉ "ở trong tâm hồn những em bé ngoan ngoãn".

Đối với chúng ta cũng như với các môn đệ, niềm xác tín duy nhất chính là Đức Giêsu ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Nếu chúng ta tin vào lời hứa đó, để rồi trong mọi hoàn cảnh, giữa những thăng trầm của cuộc sống, chúng ta vẫn sẵn sàng quả quyết: ""Vâng, Đức Kitô đang sống, Người ở đây, mặc dù tôi không thấy Người, cũng chẳng biết Người như thế nào"", thì câu hỏi chẳng còn ý nghĩa gì.

Bởi vì, vấn đề ở đây không phải là "biết" Chúa ở đâu, nhưng là "thấy" Chúa ở đâu. Cũng không phải là học một câu trả lời, nhưng là hướng cái nhìn của chúng ta để nhận ra Đức Kitô ở bất cứ nơi nào có sự sống, bất cứ nơi nào sự sống đang phát triển.

Như thế, Đức Giêsu không có mặt trong những nơi sự chết đang hoành hành. Và ngược lại, ở bất cứ nơi nào có sự sống, chúng ta có cơ may được nghe thấy tiếng của Người, được nhìn thấy Người đang bước đi trên những nẻo đường đầy hy vọng.

Do đó, chúng ta không chỉ bằng lòng với việc quả quyết: "Đức Kitô đang ở đây", nhưng còn phải mở to đôi mắt, phải lắng tai để nhận ra Người.

Và chúng ta cũng nhận ra rằng ở đâu có Tình Yêu làm sức mạnh cho đời sống, ở đó có Chúa ngự trị, và tại đó chúng ta sẽ gặp Người.

Hơn nữa, chúng ta sẽ không buồn phiền vì sự vắng mặt của Đức Giêsu, trái lại chúng ta hân hoan làm chứng về Người. Bởi vì từ cuộc ra đi của Người, chính chúng ta cũng được mời gọi ra đi trên những nẻo đường khác nhau, trong ân huệ Thần Khí, để công bố về lời quả quyết "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

 

79. Hành trình về Trời

(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)

Lễ Thăng Thiên không chỉ là lễ kính mừng Chúa Giêsu lên trời mà còn là dịp tái khẳng định tín điều mà chúng ta vẫn tuyên xưng: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, LÊN TRỜI ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”. Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta vô ích, và chúng ta chỉ là những người hoang tưởng, nhưng Ngài đã thực sự sống lại và lên trời.

Chúa Giêsu lên trời là để minh chứng và xác định lời hứa Ngài đã nói trước: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3). Đối với phàm nhân chúng ta, chắc chắn không còn niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn nữa!

Thật là kỳ diệu, Thiên Chúa mà hóa thành Con Người, Con Người mà là Thiên Chúa, vừa hữu hình vừa vô hình. Chắc chắn chẳng một thần linh nào như vậy. Chỉ có Thiên Chúa của chúng ta như vậy mà thôi, độc nhất vô nhị. Thánh Phaolô đã nói: “Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là: Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (1 Tm 3:16).

Người ta chỉ nói LÊN trời, TỚI trời, hoặc VÀO trời, vì người ta không xuất phát từ trời. Nhưng Chúa Giêsu nói VỀ trời, vì Ngài xuất phát từ Trời, từ Chúa Cha: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14:28). Người ta chỉ có thể VỀ nơi mà mình đã từng ở, còn nơi mình chưa ở thì không thể dùng động từ VỀ. Thế mà chúng ta cũng được Ngài cho phép VỀ trời với Ngài, dù chúng ta không xuất phát từ trời, chỉ là bụi tro xuất phát từ đất. Thật kỳ diệu quá đỗi!

Thánh Luca viết trong sách Công Vụ: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:1-5). Chúa Giêsu về trời, nhưng rồi Ngài lại gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, đồng hành và hoạt động với chúng ta mọi nơi, mọi lúc.

Tư tưởng loài người không cao hơn mặt đất, tầm nhìn không vượt qua cái bóng của mình, thế nên khi nghe Đức Giêsu nói vậy, những người đang tụ họp ở đó tưởng rằng Ngài sắp sửa khôi phục vương quốc Ít-ra-en. Nhưng Ngài đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8). Nói xong, Ngài được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa. Họ ngơ ngẩn nhìn nhau rồi nhìn theo hút Ngài, chẳng hiểu thế là thế nào.

Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1:11). Lời giải thích này cho chúng ta biết chắc rằng Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai vào một lúc nào đó, bất kỳ thời điểm nào mà chúng ta không thể biết được, thậm chí có thể là ngày mai hoặc hôm nay. Vì thế mà ai cũng phải sẵn sàng và tỉnh thức. Không chỉ vậy, với mỗi người còn là cái chết, vì tử thần có thể đến bất cứ lúc nào, không ai có thể ngờ được!

Cuộc đời Kitô hữu là cuộc lữ hành trần gian, là hành trình đức tin, là hành trình về trời. Đức Kitô đã về trời trước, đó là bảo chứng cho chúng ta. Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu” (Tv 47:2-3).

Niềm vui quá lớn, nỗi mừng khôn tả. Nhưng chúng ta hữu hạn, chỉ biết thể hiện bằng tất cả khả năng phàm nhân: “Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và. Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa, đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta! Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ. Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả” (Tv 47:6-9). Thiên Chúa không đòi hỏi quá sức chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta chân thành với khả năng riêng của mỗi người.

Thánh Phaolô cho biết: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep 1:17-19a). Nhận biết Thiên Chúa là niềm hạnh phúc lớn lao, nhận biết Ý Ngài và vui mừng làm theo là niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Quả thật, chấp nhận và làm theo Ý Chúa là điều không dễ chút nào, vì chúng ta thường chỉ muốn “được như ý” mà thôi!

Thánh Phaolô giải thích: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1:19b-23). Đức Kitô được Chúa Cha trao ban mọi thứ, nhưng Ngài không giữ riêng cho Ngài, mà Ngài lại muốn chia sẻ với chúng ta, làm cho chúng ta được viên mãn với Ngài, dù chúng ta không chỉ là phàm nhân mà còn là những tội nhân hoàn toàn bất xứng.

Niềm hạnh phúc như điệp khúc cứ lặp đi lặp lại trong cuộc đời chúng ta, trên suốt hành trình về trời. Không hạnh phúc sao được, vì chúng ta được Thiên Chúa ưu đãi quá nhiều, minh nhiên nhất là chúng ta được xóa án tử và được khôi phục cương vị làm con, đặc biệt là cũng sẽ được về trời.

Một hôm, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Bản tính nhân loại là thế, tận mắt thấy bao phép lạ mà vẫn chưa đủ tin. Vả lại, họ cứ tưởng Đức Giêsu là chính khách, Ngài sẽ giành quyền cai trị Ít-ra-en từ bọn thực dân Rôma. Khi đó, Đức Giêsu đến gần họ và nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). Có lẽ nghe Ngài nói vậy thì họ càng cho rằng Chúa Giêsu đang làm chính trị thật, điều họ nghĩ không sai. Thế nhưng lại không phải vậy, Chúa Giêsu không bao giờ làm chính trị, và Phúc Âm cũng không là bản cương lĩnh chính trị.

Chúa Giêsu nói với họ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20a). Ngài biết Ngài sắp đến giờ về cùng Chúa Cha, nên Ngài căn dặn kỹ lưỡng. Ngài về trời nên Ngài bảo chúng ta vào đời làm chứng nhân về Ngài. Đó vừa là một tặng phẩm vừa là một mệnh lệnh, vừa là một đặc ân vừa là một trọng trách.

Trước khi về trời, lời cuối của Chúa Giêsu trên thế gian là một lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20b). Lời hứa đó đã được chứng tỏ rõ ràng nhất là Bí tích Thánh Thể, một phép lạ vĩ đại vẫn xảy ra hằng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Biết rõ chúng ta yếu đuối nên Chúa Giêsu rất “tội nghiệp” chúng ta, Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14:8). Và lời hứa đó lại được thực hiện ngay lập tức: Ngài về trời rồi gởi Đấng Bảo Trợ đến ở với chúng ta (Ga 14:16). Thánh Thể và Thánh Thần luôn đồng hành với chúng ta trên suốt Hành Trình Về Trời.

Cái gì cũng có “mở” và “kết”. Cũng vậy, Hành Trình Về Trời được khởi đầu từ điểm SINH và kết thúc ở điểm TỬ. Hành trình đó có thể là “con đường” dài hoặc ngắn, không ai biết; “con đường” đó cũng có thể rộng hoặc hẹp, nhưng ai chọn đường hẹp thì tốt hơn đường rộng, càng thênh thang càng “dễ chết”, có thể “chết yểu”, “chết” trước kỳ hạn, “chết” ngay khi mình đang sống. Chết như vậy thì thật là nguy hiểm! Vì thế, chính Chúa Giêsu đã khuyên những ai thực sự muốn được trường sinh vĩnh phúc: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Không chỉ đơn giản như vậy, người ta còn phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp” (Lc 13:24). Rất “ngược đời”, nhưng phải dám “ngược” như vậy thì mới mong “xuôi” về vĩnh cửu.

Thánh nữ Faustina so sánh: “Như bệnh tật được đo bằng nhiệt kế, sốt cao cho chúng ta biết là bệnh nặng, đời sống tâm linh cũng vậy, đau khổ là nhiệt kế đo tình yêu Chúa trong linh hồn” (Nhật Ký, số 774). Đây là điều rất khó đối với bản chất phàm nhân, nhưng người ta có thể chấp nhận nếu cố gắng hiểu theo cách hiểu của Chúa và nhìn theo cách nhìn của Chúa.

Lạy Thiên Chúa, Con Chúa về trời là dấu bảo đảm về sự sống vĩnh hằng mà chúng con đang cố gắng chiến đấu để đạt được. Xin mau ban Chúa Thánh Thần để đổi mới chúng con, làm cho chúng con can đảm làm chứng về Chúa Ba Ngôi. Xin giúp chúng con đủ sức vượt qua chính mình để xứng đáng lãnh nhận những gì Ngài đã hứa ban. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 

80. Về Galilê - Lm Augustine, S.J

Theo lệnh của Chúa Phục Sinh nhắn qua các phụ nữ đã gặp Ngài, các môn đệ nhanh chóng lên đường trở về Galilê. Đây là hành trình đức tin, bước đi trong vâng phục. Biến cố Thầy bị kết án tử đã khiến các ông thất vọng ê chề. Các môn đệ đã từng theo Thầy rong ruổi khắp mọi nẻo đường của xứ Galilê này. Tại đây, các ông từng chứng kiến bao điều kỳ diệu Thầy đã thực hiện: xua trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật, nhân bánh ra nhiều để nuôi cả đoàn dân đông đảo... Cũng chính nơi đây, các môn đệ đã từng nghe Thầy giảng dạy về Nước Trời, về lòng thương xót của Cha trên trời, về cách sống sao cho xứng với địa vị làm con cái Thiên Chúa. Thầy đi đến đâu, muôn người đều ngưỡng mộ quí mên Thầy. Điều này khiến các môn đệ rất đỗi tự hào, phấn chấn và hãnh diện.

Mọi vinh hoa trần thế người ta dâng cho Thầy mau chóng biến tan khi Thầy lên Giêrusalem nộp mình thọ nạn. Dù cho Thầy đã từng báo trước đến ba lần, nhưng các môn đệ không sao hiểu được biến cố đau thương đã xảy đến cho Thầy. Khi Thầy bị bắt, các môn đệ chống trả khá dữ dội, đến mức đổ máu (x.Mt 26,51). Thế nhưng, chẳng mấy chốc sau đó, tất cả các ông đều bỏ chạy thoát thân, để Thầy lại một mình. Ngay cả Phêrô, người đã từng tuyên bố: "dù cho mọi người có vấp ngã, riêng con đây sẽ chẳng bao giờ bỏ Thầy" (Mt 26,33), vậy mà nay lại chối Thầy đến ba lần (x.Mt 26,69-74). Cái chết thập giá đầy ô nhục của Thầy đã làm cho bao nhiêu kỳ vọng của các môn đệ thành mây khói. Còn hơn thế nữa, cái chết ấy đã làm cho các ông thành những kẻ phản Thầy.

Thầy đã chết nhưng nay đang sống. Qua các phụ nữ, Thầy nhắc lại cho các môn đệ lời Thầy đã nói trước trước khi chịu khổ nạn: "Sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em" (Mt 26,32). Trở lại Galilê lần này, các môn đệ không lên đường đi vào quá khứ để tìm lại những kỷ niệm của một thời vang bóng, nhưng là để gặp lại Thầy, Đấng đã chiến thắng. Thầy đi trước để chờ đón và tỏ mình ra cho các môn đệ, bất chấp sự giới hạn và những đổ vỡ vừa xảy ra trong biến cố tử nạn của Thầy. Thầy đi bước trước trong tiến trình hoà giải với các môn đệ về mối tương quan vừa bị đổ vỡ. Bất chấp giữa các ông vẫn còn một số người hoài nghi, Thầy vẫn một lần nữa tuyển chọn và sai các ông đi trong tư cách là môn đệ của mình.

Mừng Chúa Thăng Thiên

Hôm nay, Giáo Hội mừng mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên. Chúa về trời không có nghĩa Chúa rời bỏ trần thế, nhưng chỉ có nghĩa thay đổi cách thức hiện diện. Từ nay, Ngài không còn hiện diện cách hữu hình, nhưng là hiện diện cách vô hình với con người. Mừng mầu nhiệm Chúa về trời cũng đồng nghĩa tuyên xưng sự hiện diện của Chúa nay vượt mọi giới hạn thời gian và không gian. Từ nay, Ngài hiện diện với con người ở mọi thời (mọi ngày), giữa muôn dân nước (x. Đn 7,14) vì Ngài có toàn quyền trên trời dưới đất.

Các môn đệ được Chúa Phục Sinh đưa vào mầu nhiệm Thiên Chúa hoà giải với con người. Các ông được Chúa Phục Sinh sai đi làm chứng cho chính mầu nhiệm này, mầu nhiệm mà các ông đã cảm nghiệm thật sâu xa nơi lòng mình: Tình yêu Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi con người. Giáo Hội mừng lễ Chúa Thăng Thiên cũng nhằm mục đích nhắc nhớ sứ mạng của mình, đó là làm chứng cho Chúa Phục Sinh và dẫn đưa muôn người về với Chúa. Là những môn đệ được Chúa Phục Sinh tuyển chọn qua Giếng Nước Rửa Tội, chúng ta hãy dùng chính đời sống vui tươi, tràn đầy hy vọng, thứ tha và yêu mến nhờ Chúa Giêsu để giới thiệu Chúa Phục Sinh cho người chưa biết Ngài. Chúa muốn dùng đời sống chứng tá của chúng ta để làm cho muôn dân thành môn đệ Ngài.

Từ đại tướng thành chiến sĩ Tin Mừng...

Câu chuyện dưới đây kể về một con người đã gặp Chúa Phục Sinh và trở thành môn đệ của Ngài.

Trong cuộc chiến Angiêri hồi năm 1961, Mạc Đăng Hưng (Philip Morion), lúc bấy giờ là một thiếu úy trẻ tuổi, đã tận mắt thấy một số tu sĩ công giáo cứu giúp cả những kháng chiến quân Fellag của Angiêri là những người, khoảnh khắc trước đó, đã tìm cách giết hại binh lính Pháp. Chàng sĩ quan trẻ tuổi này đã không thể hiểu nổi hành động từ bi của các tu sĩ. Đức tin của anh lâm vào tình trạng khủng hoảng. Anh muốn nổi loạn, loại bỏ niềm tin Kitô nơi mình. Nhưng rồi sau đó, nhờ suy nghĩ chín chắn, Mạc Đăng Hưng hiểu được ánh sáng đức tin chân thật và ngoan ngoãn để cho đức tin hướng dẫn cuộc đời binh nghiệp của mình.

Hồi tháng 3 năm 1993, trận chiến tại Bosnia-Herzêgovina đang leo thang mãnh liệt. Tại vùng Srêbrênica, lãnh thổ Hồi giáo, tuyết rơi phủ một màu trắng xoá - Srêbrênica đang bị quân Serbia vây hãm, tấn công và đe dọa tiêu diệt. Người dân sống trong đói khổ và âu lo trước viễn tượng bị tàn sát tập thể, nếu quân Serbia chiến thắng tràn vào đây. Cộng đồng quốc tế thì phân vân lưỡng lự trong khi giới ngoại giao tiến được một bước thì lùi lại hai bước. Thảm cảnh ghê rợn như đang chờ cơ hội ập xuống trên người dân nơi đây. Một sáng nọ, Đại tướng Mạc Đăng Hưng trong vị trí tổng tư lệnh lực lượng quân đội bảo hoà liên hiệp quốc (gọi tắt là IFO), đã đích thân đến Srêbrênica, dùng chính bản thân làm khiên thuẫn bảo vệ mạng sống người dân Hồi giáo ở đây. Nhờ hành động quả cảm này, vị tổng tư lệnh được mệnh danh là "ông tướng can trường" đó đã một mình đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Serbia hung hãn.

Năm nay, tướng Mạc Đăng Hưng 63 tuổi. Hiện tại, ông đã về hưu và sống tại thủ đô Paris. Từ giã binh nghiệp, giờ đây ông trở thành một chiến sĩ của Thiên Chúa. Dưới sự linh hướng của cha sở họ đạo thánh Dương Minh (Saint Germain l" Auxerrois) tướng Mạc Đăng Hưng đào luyện một nhóm người trẻ để họ giúp đỡ các giới bị lỏ rơi ngoài lề xã hội tìm lại được niềm hy vọng. Nhóm người trẻ này sẽ là những đội quân cảm tử của vị đại tướng về hưu, để với vũ khí là Tin Mừng, họ sẽ tấn công vào các vùng ngoại ô thành phố.

Khi được mời chia sẻ tâm tình của mình, tướng Morion có lần đã tâm sự: "Tôi rất ngưỡng mộ thánh Máctin thành Tua, người lính đã xẻ đôi mảnh áo choàng chia cho một kẻ nghèo. Nếu Chúa muốn, tôi xin dành thời gian về hưu còn lại của tôi bây giờ để phục vụ Giáo Hội theo gương thánh Máctin. Bởi lẽ trong các thành phố cũng như trên toàn thế giới ngày nay, sự dữ đang toa rập hình thành nên một nền văn hoá chết chóc, đe dọa xoá bỏ mọi kết quả sự lành. Cuộc đời binh nghiệp và nhất là thảm cảnh Srêbrênica đã giúp tối biết trở thành hiện thân của hy vọng, và tôi ước mong chia sẻ niềm hy vọng ấy với các bạn trẻ tìm đến với tôi trong cuộc chiến chống nạn tuyệt vọng hiện nay giữa kinh đô ánh sáng Paris. Cùng với đội quân cảm tử đặc biệt này, tôi sẽ chĩa mũi giáo Tin Mừng tấn công các vùng ngoại ô man rợ, sẽ đi vào các bãi chiến trường thành phố, để rao giảng sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô là sứ điệp có khả năng chiến thắng sự chết.

 

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH

1. Cầu nguyện cho nhiệm vụ mới - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Trước khi xảy ra một biến cố lớn, một cuộc cách mạng quyết liệt, một cơn giông tố dữ dội, trời đất cũng như cảnh vật đều im hơi lặng tiếng yên tĩnh bất động như chết.

Trước khi khai mạc một thời đại loan truyền Tin mừng cứu độ muôn dân cho đến tận cùng trái đất, các môn đệ đã sống im lặng lạ lùng trong một căn lều đóng kín hoàn toàn cách ly với thế tục.

Sự im lặng đó khởi đầu từ sau khi Thầy trao nhiệm vụ mới và chứng kiến Thầy lên trời, các ông rời bỏ núi Ô liu, nơi Thầy long trọng cầu nguyện thánh hóa các ông và dâng hiến mình làm của lễ hy sinh trên Thánh giá lên Đức Chúa Cha, cũng nơi đây, chính Thầy đã giơ chân tay và cạnh sườn Thầy cho các ông xem thấy lỗ đinh, lưỡi đòng đâm Thầy chết và bây giờ Thầy đã sống lại, đến ban bình an và Thánh thần cho các ông.

Trong khung cảnh đầy hình ảnh sống động và chan hòa tình Thầy trò đó, “tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy phụ nữ, với Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu, với anh em của Người”.

Một bầu không khí cầu nguyện sốt sắng như vậy, khiến tâm trí, tình cảm và toàn thân các ông hoàn toàn được thu hút vào tâm tình tha thiết thương mến của Thầy, của từng cử chỉ, dáng điệu uy nghi, nhân từ của Thầy, với những lời nói, giọng điệu khoan thai êm ái của Thầy, đến mọi nơi, mọi lúc Thầy sống thân thiết bên các ông. Giờ đây các ông cảm thấy đầy hối hận, thật đáng tiếc, nhưng tâm hồn các ông hoàn toàn an bình, một thứ bình an không thể có cho thế gian, nhờ thế các ông được an tâm, vững chí tin tưởng mạnh mẽ vào tình yêu bao dung hi sinh cả mạng sống của Thầy cho các ông, để các ông chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần, chuẩn bị ra tay chèo lái, xông pha thi hành nhiệm vụ mới mà Thầy vừa trao cho các ông.

Trước mắt các ông, là lệnh truyền của Thầy về sứ mệnh truyền giáo (Mt. 10), các ông sẽ phải xông pha vào những nơi sói rừng, sẽ bị bắt nộp cho các hội đồng, các vua quan, bị đánh đập và cả bị giết nữa. Vì họ đã ghét Thầy, bắt bớ, đánh đập và giết Thầy thì họ cũng sẽ làm cho các con tất cả như vậy vì danh Thầy (Ga. 15, 18-20)

Cho dù gian nan nguy hiểm đến đâu, các ông vẫn thấy mình thật diễm phúc được nên giống Thầy, được lãnh sứ mệnh vô cùng cao cả mà Chúa Cha đã trao phó cho Thầy: “Như Cha đã sai Con, thì Con cũng sai họ đến thế gian” (Ga. 17, 18)

Để thực thi sứ mệnh cứu độ muôn dân, các ông đã được Thầy cầu nguyện Chúa Cha ban cho các ông sự sống đời đời, được những lời mặc khải Chúa Cha ban cho Chúa Con để các ông nhận biết Thiên Chúa duy nhất và chân thật, các ông còn được Chúa Cha tuyển chọn giữa thế gian mà ban cho Chúa Con để các ông được đức tin mạnh mẽ, để các ông tuân giữ và thực hiện lời Chúa Cha.

Như vậy, các ông đã được bảo đảm chắc chắn sẽ được sự sống đời đời, các ông sẵn sàng chịu mất mạng sống ở đời này, chịu mất hết lời lãi cả thế gian để được sống đời đời, các ông không còn sợ kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Hơn nữa các ông còn được thông phần “tất cả những gì Cha đã ban cho Con thì Con đã ban cho họ” (Ga. 7, 8). Còn ơn phúc lạ lùng nào hơn nữa! Các ông đã được cả gia tài Thiên Chúa, cả nguồn chân lý, nguồn ơn thánh vinh quang vô cùng, cả nguồn tình yêu ruột thịt của Chúa Cha và Chúa Con, cả hạnh phúc muôn đời của Thiên Chúa.

Bây giờ chỉ còn điều duy nhất là các ông thiết tha xin Chúa Thánh Thần xuống soi sáng và ban sức mạnh cho các ông đi thi hành nhiệm vụ tôn vinh Thiên Chúa, rao giảng Tin mừng cho muôn dân để họ biết tôn vinh Thiên Chúa, như “Thầy đã ngước mắt lên trời mà nói rằng:

Lạy Cha, giờ đã đến!

Xin Cha tôn vinh Con Cha

Để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga. 17, 1)

 

2. Suy niệm của Hiền Lâm

“SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI LÀ NHẬN BIẾT CHÚA CHA”

Chương 17 của Tin Mừng Gioan là “lời nguyện hiến tế” của Chúa Giêsu.

Được gọi là lời nguyện hiến tế vì là lời cầu xin của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu sát tế, hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha để chuộc tội nhân loại.

Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu của lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha là Người sẽ ban cho các môn đệ sự sống đời đời: đó là nhận biết Chúa Cha và tin vào Người là Đấng được Chúa Cha sai đến.

Chúa Giêsu muốn hễ ai thuộc về Người thì nhận biết Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi phải năng suy gẫm Lời Chúa, kiên trì cầu nguyện, tham dự phụng tự, để nhận được ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng trao ban các ơn hiểu biết và khôn ngoan (x.Cl 1,9). Từ ơn hiểu biết sẽ phát sinh tình yêu và các việc lành: Đây là khởi điểm của sự sống đời đời, trước khi tín hữu được thấy tỏ tường dung nhan Thiên Chúa viên mãn mai sau.

Lời khẳng định của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,2-3).

Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: « Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ”.

Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người đã tin Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ chúng con; chúng con cũng được Chúa mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha sáng tạo và yêu thương săn sóc chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dâng hiến cuộc đời mình để tôn vinh Cha trên trời như Chúa đã tôn vinh Chúa Cha khi hoàn tất công trình mà Cha giao phó là cứu độ chúng con. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ