Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 57
Tổng truy cập: 1367597
LỄ CHÚA KITÔ VUA
(Suy niệm của Lm Mido Duy CRM.)
Hôm nay chúng ta tôn vinh Vương Quyền của Chúa Kitô, Đấng đã được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện chương trình Cứu Chuộc Nhân Loại. Để thực hiện chương trình này, Chúa Cha đã trao toàn quyền trên trời dưới đất cho Chúa Giêsu.
Vương quyền Chúa Kitô
Quyền này được xác định đầu tiên khi Đức Mẹ nhận tin báo của Tổng Thần Gabriel nói: “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài (Con của Mẹ) ngôi báu tổ phụ Ngài và Vương quyền Ngài sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Chính Mẹ đã nghi nhớ lời tiên báo đó cách rõ ràng và xác tín. Nhưng khi Chúa bị treo trên thập giá, các quan chức và binh lính đã xỉ vả Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi, bằng không, ông là kẻ Thiên Chúa chúc dữ” (Lc 23,36) Trong con cái Eva, lúc này Đức Mẹ thấy nhục nhã nhất, thay vì lời chúc phúc ngày xưa, bây giờ Mẹ toàn nghe thấy đầy những lời chúc dữ và nhiếc mắng. Khi Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu, Mẹ nghe thấy thiên thần ca hát vinh danh Thiên Chúa , thì bây giờ Mẹ không thấy bình an ở đâu mà toàn nghe thấy những bất bình, giết chóc mà con người dành cho Đức Kitô.
Chức vị Vua của Chúa Giêsu
Trong Kinh Thánh không nói trực tiếp về chức vị “Vua” của Chúa Giêsu theo nghĩa thế gian thường hiểu. Cựu Ước thì Đavid nói một vài lần hình ảnh vua có ý nói trước về Đấng Cứu Thế.
“Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn,
lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta.”
Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,
Người phán bảo tôi rằng: “Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. (Tv 2,6-7)
Tân ước qua những dụ ngôn cũng chỉ là mức độ “ám chỉ” về Ngài.
“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Ba nhà Phương Đông theo ánh sao) (Mt 2,2)
“Chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách”. (Mt 18,23)
“Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương chúng tôi!”
(Mt 20,31) người mù ở Giêricô.
Trước toà án Philatô Chúa Giêsu đã xác nhận “Tôi là Vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36).
Binh lính và dân chúng cũng mỉa mai chức vua của ngài “nếu ông là vua thì tự xuống khỏi thập giá đi …”
Đối với người Roma, tước hiệu vua của Ngài càng có lý do để lên án Chúa.
Bởi vì sao? Vì Chúa không dùng quyền bính mà cai trị thần dân của Ngài, Ngài không dùng quân đội để củng cố ngai vàng của mình. Vị vua đó khác với quan niệm của nhân loại, cho nên Chúa Giêsu không phải là vị vua họ mong đợi.
Ngài không dùng quyền uy để cai trị mà dùng tình thương để chinh phục muôn tâm hồn.
Ngài không dùng quân đội để củng cố ngai vàng mà dùng các môn đệ, bằng ơn thánh từ máu đổ ra tắm gội cây thập giá. Cho nên ngai vàng của Ngài chính là cây thánh giá.
Tư tế, Vương đế và Ngôn sứ nơi tín hữu
Chúng ta là thần dân của Ngài, cũng được tham dự vào 3 quyền bính của Ngài: Tư tế, vương đế và ngôn sứ.
Đời sống của kitô hữu đích thực là tham dự vào việc tế lễ hằng ngày.
Sự cao cả của người Kitô hữu là con Vua trời, cai trị những đam mê và tội lỗi, sẽ chiến thắng trần gian.
Và sứ mạng quan trọng của chúng ta là loan báo tin mừng bằng lời nói hay bằng đời sống.
Vậy để kết luận, chúng ta đã sống với 3 sứ mệnh này như thế nào?
– Khi ta chấp nhận đời sống làm của lễ dâng lên Chúa đó là ta tham dự vào quyền tư tế của Chúa.
– Khi ta luôn quan tâm việc linh hồn hơn việc thể xác đó là ta đang tham dự vào quyền vương đế của Chúa.
– Khi ta làm gương sáng cho người xung quanh bằng việc bác ái, dấu chỉ đó nói lên chúng ta đang tham dự vào quyền ngôn sứ của Ngài.
38. Vị vua không giống ai!
(Suy niệm của Lm. Gioan M. Nguyễn Đức Hùng, CRM.)
Thưa bạn rất kính mến!
Thỉnh thoảng chúng ta cũng nên nhắc lại cho nhau về lòng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta, và theo một nghĩa nào đó, Ngài còn yêu chúng ta hơn cả các Thiên thần của Chúa nữa đấy, bạn ạ.
Vâng, chỉ nguyên việc chúng ta được rước Thánh Thể hằng ngày thôi, thì đã đủ minh chứng cho ta rõ điều đó. Bởi lẽ, trong thực tế, đâu có một Thiên thần nào, ngay cả trong các Tổng thần ưu việt nhất, cũng chẳng vị nào có lấy được một lần diễm phúc rước Chúa như loài người chúng ta.
Trong công trình sáng tạo nên vũ trụ hữu hình này, Thiên Chúa đã tỏ tình yêu thương, tin tưởng to lớn đối với con người khi trao cho con người làm bá chủ tất cả những vật hữu hình Chúa đã dựng nên. Kinh thánh bảo cho chúng ta biết thế đấy! Thiên Chúa trao công trình tay Ngài sáng tạo đó vào tay con người, không những để con người làm chủ, hưởng dùng, thưởng thức thoải mái, mà còn để con người có nhiệm vụ làm vua, làm quản lý trông coi và phát triển theo ý Thiên Chúa.
Quả thực, chính Chúa đã nói với chúng ta qua Thánh vương Đavít mà Thánh Phaolô còn nhắc lại trong thư gởi cho tín hữu Do thái: “Chúa tạo dựng con người kém Thiên thần một chút, nhưng Chúa trang sức cho con người bằng bảo ngọc với vinh quang, Chúa ban quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người”. Chúa muốn con người làm vua điều khiển cai trị cái vũ trụ này, để rồi đến lượt mình, con người lại thay cho vạn vật, thờ lạy, ngợi khen, tôn vinh, yêu mến Thiên Chúa Hằng Sống.
Có phải là Thiên Chúa quá ưu ái yêu thương bạn và tôi không?
Bạn mến!
Chúng ta đang hân hoan mừng Chúa Kitô Vua Trời Đất, Vua vũ trụ, Vua lòng người, vị Vua chẳng giống bất cứ vị vua nào trên trần thế.
Chúng ta trọng thể, vui sướng, tôn vinh Vua vũ trụ với cùng một nguyện ước khát bỏng là mong cho Chúa Giêsu sớm thật là Vua đối với tất cả mọi người, và mọi người đều là thần dân trung thành, ngoan ngùy, thảo mến thật dễ thương đối với Ngài. Thật ra, tự bản tính Chúa vốn là Vua; thế nhưng, điều tôi muốn cùng với bạn lưu tâm và vận động mong cầu đó là: mong cho hết tất cả mọi người đều tự do tình nguyện tôn vinh Chúa làm Vua ngay trong tâm hồn và đời sống mình từ sáng đến tối, từ tối cho đến sáng, và cứ ngày nào cũng thế, cho đến khi cùng nhau về trời để cùng tôn vinh, ngợi khen, yêu mến Vua muôn vua cho đến đời đời chẳng cùng amen.
Chính khi chúng ta chấp nhận để cho Chúa Kitô làm vua lòng ta, thì ta lại thực sự làm vua cùng với Ngài, làm vua cai trị ý riêng và các đam mê dục vọng phóng túng của ta, làm vua trong việc cai trị điều khiển ý riêng của ta cho phù hợp với Thánh ý khôn ngoan siêu vợi vô cùng từ bi nhân hậu khôn dò của Chúa…; nhất là làm vua trong việc yêu Thiên Chúa và yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa yêu và đã làm gương rất chói sáng cho ta.
Bạn ơi!
Sách gương Chúa Giêsu đã nói: Làm tôi Thiên Chúa là cai trị!
Chúng ta đang đi theo và làm theo gương của một Vị Vua chẳng giống ai, mà đúng là một vị vua chẳng giống ai thật đấy!
– Vua Hòa Bình gì mà khi đến làm vua vũ trụ này, lại phải nằm rét rum như cầy sấy trong hang bò lừa tạm trú, tới nỗi khiến cho Ba Đạo Sĩ vô cùng ngạc nhiên khi thấy Ngài, sau những ngày đêm lần mò đầy nguy hiểm chống gai vất vả đi tìm để bái thờ .
– Vua gì mà không có lấy một thằng lính để bảo vệ hộ tống cho, còn thảm tới nỗi chỉ cần mấy thằng lính quèn của Hêrôđê đuổi thôi, cũng đã phải chạy tóe khói bán sống bán chết sang mãi tận bên Aicập để lánh nạn và tìm miếng ăn kiếm sống qua ngày.
– Vua gì mà bị trói và bị thẩm vấn trước mặt Philatô mà không một lời biện hộ và cũng chẳng cần một ai biện hộ cho. Vua gì mà suốt ba năm trời vất vả đi chiêu mộ được 12 tông đồ gọi là trung thành sống chết với mình, thế mà khi thấy Thầy bị bắt, thì ôi thôi, các môn sinh đã từng gắn bó nằm gai nếm mật, đã cao xa bay chạy mỗi người một phách, để Thầy mình muốn ra làm sao thì kệ mặc Thầy.
– Vua gì mà chẳng giống ai, lại còn tuyên bố: Tôi sinh ra để làm Vua, Tôi đến thế gian này cũng không ngoài mục đích đó.
Vâng, đúng rồi, chính nhờ Vua không giống ai này mà Ngài đã thực sự là Vua từng cõi lòng chúng ta và nhờ Chức Vua của Ngài đó mà chúng ta mới được cứu độ và được lên Thiên Đàng đấy, bạn và tôi ạ!
Ngài đã chẳng úp mở hoặc luồn cúi, nhưng thẳng thắn tuyên bố cho Philatô và thế gian biết, Nước của Ngài không thuộc về thế gian này. Nước Ngài là Nước của Tình Yêu Thương, và Ngài làm Vua cũng là Vua Tình Yêu, Vua dùng tình yêu thương để cai trị các thần dân của mình, và phải chăng, tất cả những ai muốn là thần dân chính cống của Ngài như chúng ta, cũng không có gì được khác hơn việc là, chỉ dùng tình yêu thương mà đối xử tốt, đối xử tử tế với nhau? Thánh Phaolô đã không bảo chúng ta:Yêu Thương là chu toàn lề luật trong Vương Quốc Tình Yêu này đó sao!
Nguyên nhìn vào quang cảnh vị vua ngự giá quang lâm xét xử trong ngày phán xét mà Thánh Matthêu đã miêu tả cho chúng ta trong chương 25 sách Tin Mừng ngài viết, cũng là câu trả lời rất ư tuyệt hảo cho chúng ta biết điều đó. Ngài xét xử tiêu chuẩn để vào Vương Quốc của Ngài cũng chỉ là ta có yêu mến Ngài cụ thể qua mỗi một tha nhân hay không?
Đặc biệt, mừng Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ và Vua lòng mọi người, chúng ta được mời gọi để khước từ những dáng vẻ, những kiểu cách làm vua ăn trên ngồi trốc theo kiểu của thế gian; đồng thời, hăng say tích cực làm vua với Vua Kitô và làm vua giống kiểu Vua của Ngài hơn. Ngài đã nói: Ai muốn làm lớn (làm vua), phải là người làm tôi hầu hạ các con. Chính Ngài đã làm gương cho chúng ta kiểu làm vua của Ngài khi tuyên bố: Thầy ở giữa chúng con như người hầu hạ.
Thưa bạn,
Martin Caphu là người Bangla thuộc Cameroun Phi châu. Cha anh là quốc vương Bangla. Từ thiếu niên, anh đã quen với phong trào Tổ Ấm, một tổ chức Công giáo làm việc xã hội ở Phi châu. Thấy các thành viên Tổ Ấm xả thân giúp đỡ người đồng loại, anh Caphu rất cảm phục, và tới năm 1963, vào lúc mười bảy tuổi, anh xin trở lại Công giáo. Sau khi tốt nghiệp Trung học, anh được gia đình gởi về Rôma học nghành điện tử. Đậu tiến sĩ xong, anh Caphu gia nhập phòng trào Tổ Ấm.
Năm 1980, cha anh qua đời, và theo chúc thư, ông đã chọn Caphu kế vị ngai vàng. Caphu vội vã trở về Bangla, anh họp cả sắc tộc lại và xin mọi người đề cử người khác làm vua. Còn anh, anh muốn dành cả cuộc sống làm việc xã hội theo tinh thần Kitô giáo. Và mọi người đã đồng ý. Có phải đúng là anh Caphu đã rất hiểu và đã cam đảm sống tinh thần làm vua mà Chúa Kitô Vua không, thưa bạn? Và ngày hôm nay, từ giây phút này, Ngài cũng đang lên tiếng kêu mời bạn và tôi tiếp tục công trình làm vua bằng cách phục vụ người khác như một người đầy tớ đối với ông chủ là tha nhân đấy!
Các bạn rất kính mến!
Vậy, chúng ta hãy cùng nhau làm vua khắp thế gian, làm vua thiêng liêng trong tinh thần của con Thiên Chúa. Làm vua lòng mọi người bằng thương yêu tất cả, cầu nguyện cho tất cả, làm ơn cho tất cả, không yên trí, không thành kiến ai, không có ai là kẻ thù, mà giả như có ai là kẻ thù đi nữa, ta cũng sẽ tìm cách biến họ trở nên bạn, nên anh em với ta, vì tất cả đều có một mẫu số chung là con cùng một Cha trên trời với ta, đúng không, thưa bạn? Có như thế, chúng ta mới thực sự đang là những ông vua vượt muôn biên giới mà không gian, thời gian không thể trói buộc và giới hạn trái tim yêu thương của chúng ta.
Cuối cùng, sống cuộc sống ‘Kitô Vua’ là tất cả mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm và trong đời sống của chúng ta luôn có “chất Giêsu Vua” nếu chúng ta muốn là những môn sinh, đệ tử trung thành với Thầy Chí Thánh Kitô Vua.
Để kết thúc cho bài chia sẻ này, xin kể một câu chuyện có thật xảy ra tại chính quê hương Việt Nam.
Có hai gia đình ở cách nhau mấy căn thôi, dù không phải là họ hàng ruột thịt, nhưng lại hết sức thân thiết gắn bó với nhau, tới nỗi coi vui buồn sướng khổ của nhau như là của mình, của gia đình mình. Một ngày kia, hai đứa con nhỏ của hai gia đình đi học về xảy ra chuyện xích mích với nhau. Vậy mà, không ngờ chuyện nhỏ của hai đứa con hai gia đình thân thiết như ruột thịt, lại là chuyện rất lớn để rồi xa cách nhau tới hơn mười năm, mặc dù gần nhà, nhưng lại tỏ ra như người dưng nước lã với nhau, chẳng còn mặn mà như trước, là vì gia đình nào cũng bênh vực cho con của mình là đúng, và kiên quyết giữ vững lập trường, gia đình kia phải xin lỗi thì mới bỏ qua, mới tha.
Hơn mười năm xa cách, mất bằng an, cả hai gia đình có những lúc trộm tiếc xót xa, vì tình thân nghĩa đã bị mất đi một cách quá rẻ rúng, và đôi lúc trong tận đáy lòng cũng gióng lên một thiện chí muốn làm hòa để lấy lại tình thân nghĩa quí báu trước kia, nhưng không ai, không bên nào có đủ can đảm để hạ mình xuống đi bước thượng phong để xin lỗi bên kia làm cho tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn.
May mắn thay, đúng là Chúa có mắt thấu suốt mọi tơ lòng của từng người. Vào một đêm kia trong một giấc mơ, ông A đã thấy Chúa Giêsu vác thánh giá tiến đến, thân mình Chúa đầy những vết thương, máu me đầm đìa, trông thảm thương không ai chịu nổi…! Thấy cảnh tượng như thế, ông A bèn hỏi Chúa:
Lạy Chúa, sao Chúa phải đau khổ quá như vậy?
Chúa Giêsu với nét mặt đầy âu yếm yêu thương, nhưng cũng nghiêm nghị trịnh trọng trả lời:
Tại tội của con đó!
Thưa Chúa, con có tội trọng đâu, con vẫn xưng tội rước lễ mà!
Chúa trả lời:
Tại con chưa tha thứ cho gia đình gần nhà con. Sau đó Chúa biến đi.
Sau khi Chúa biến đi, ông A chợt thức giấc luôn, không thể ngủ được nữa, vì ấn tượng quá mạnh mẽ của giấc mơ, nhất là lời Chúa nói Ta đau khổ thế này là do con đã không tha thứ cho gia đình ông B kia. Ông vội đánh thức vợ và các con dậy, đồng thời kể đầu đuôi câu chuyện, và cuối cùng tất cả mọi người đều nhất trí là đi xin lỗi gia đình nhà ông B để giải hòa, cho Chúa đỡ khổ và lấy lại sự bình an cho hai gia đình.
Thế là sáng sớm hôm sau, khi thấy bên nhà ông B bắt đầu mở cửa, cả gia đình ông A cất gót đi sang nhà ông B. Gia đình ông B trong nhà ngó ra sân trước, thấy cảnh tượng lạ quá, cứ tưởng là nó kéo đại binh sang hội đồng nhà mình đây. Nhưng khi bình tĩnh để ý kỹ, lại thấy nét mặt của nhà ông A rất dễ thương như có vẻ gì là tha thiết lắm, nên mở cửa cho dzô.
Khi mọi thành viên nhà A bước vào nhà B, thì chẳng ai bảo ai, tất cả đều quỳ xuống và ông chủ nhà A nói lời xin lỗi nhà B; ngay sau đó, quý vị biết không, ông chủ nhà B và mọi người trong nhà B cũng tự động quỳ xuống để xin lỗi gia đình nhà A, và mọi người ôm nhau òa lên khóc vì quá vui sướng. Thời gian sau, một lần kia tôi ra thăm và được họ chia sẻ: Thưa Cha, hơn chục năm nay, chưa bao giờ chúng con sung sướng hạnh phúc như thế.
Có phải là đang làm vua cùng với Đức Kitô đó không, thưa các bạn?
Sung sướng vì được làm vua cai trị, chứ không phải là làm nô lệ cho những tự ái, những giận hờn ghen ghét. Vâng, chỉ nhờ một chút cố gắng hãm dẹp cái tôi, bỏ tự ái; đồng thời, hạ mình khiêm tốn đi bước trước tí mà ông A và gia đình đã làm vua thành công(làm vua theo kiểu của Chúa Giêsu Kitô Vua) trong việc đem lại bình an hạnh phúc không những cho chính mình, gia đình mình, mà còn làm cho cả gia đình ông B tràn trề hạnh phúc, niềm bình an hạnh phúc sau suốt hơn mười năm vắng bóng chỉ vì một xích mích cỏn con của hai đứa nhỏ của hai gia đình.
Mừng Lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, Mẹ Giáo Hội thiết tha mời gọi mỗi người chúng ta hãy can đảm hãy để cho Chúa Kitô thực sự làm vua nơi tâm hồn và thể xác chúng ta và qua chúng ta, Chúa sẽ làm vua khắp cả thế giới. Chúa muốn dùng chúng ta như khí cụ bình an của Ngài, để đem yêu thương, đem hòa bình đến cho người thế.
Ước chi, lời cầu nguyện sau đây cũng là tâm tình cầu nguyện của mỗi một chúng ta hôm nay, bạn nhé:
Lạy Chúa,
Lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau, để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó, chúng con hiểu rằng, cần phải buông tay nhau, để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng, và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng, cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa, vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên Thập giá, giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.
Lạy Chúa Từ Nhân!Xin Cho Con Biết Mến Yêu và Phụng Sự Chúa Trong Mọi Người.
Hoan hô Vua Giêsu chiến thắng bây giờ và mãi mãi. Amen!
39. Ai là vua của bạn? – Charles E. Miller.
(Trích trong ‘Mở ra những kho tàng’)
Vào năm 1925 Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập lễ tôn kính Đức Kitô Vua, lễ này được đặt vào ngày chúa nhật cuối tháng 10. Giáo Hội qua nhiều thế kỷ đã tôn kính Đức Kitô như là Vua trong cuộc rước vào ngày Lễ Lá nhưng Đức Giáo Hoàng thấy có nhu cầu thiết lập một lễ đặc biệt, để chống lại chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất của kỷ nguyên này. Trong xứ sở Hoa Kỳ, kỷ nguyên được gọi là tiếng gầm thứ hai mươi.
Đức Giáo Hoàng Piô XI đã đặt lễ vào Chúa nhật cuối tháng 10 và tiếp đó là lễ Các Thánh. Sự nhận biết của phụng vụ mừng các môn đệ đã bước vào trong vương quốc trên trời. Công đồng Vatican II đã đổi mới và chuyển lễ Kitô Vua vào chúa nhật cuối năm phụng vụ như đặt một biểu hiệu của vương quốc, mặc dầu đang hiện diện giữa chúng ta và vẫn còn đang đến: “Chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng vui mừng ngày Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta sẽ đến”. Đấng sẽ mang lại vương quốc của Ngài tới sự hoàn hảo khi Ngài trở lại trong vinh quang cho ngày Phục Sinh chung.
Theo sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô XI vào năm 1925 liên quan đến Đức Kitô Vua, Ngài muốn làm cho cả thế giới chú ý tới nhu cầu thiết lập những giá trị tinh thần như là những hướng dẫn cho đời sống. Những lời của Đức Giáo Hoàng hầu như không được mấy ai chú ý đến. Nước Mỹ đặc biệt vẫn tiếp tục tinh thần tham lam, nhấn mạnh là mọi người đều có thể trở nên giàu có, có thể có tài sản mà không cần làm việc. Người ta có nhiều cấp độ kinh tế khác nhau, “ngay cả những chàng trai đánh giày” cũng như một sử gia đã nói “cũng lao vào chợ hàng hóa”. Cuộc khủng hoảng vào năm 1929 đã đổ vỡ là một điều không thể tránh được.
Thất là đau buồn khi nhận biết rằng sắc lệnh đã được viết bởi Đức Giáo Hoàng vào năm 1925, có thể là bản chúc thư mà ngài đã sáng tác vào những tuần cuối đời Giáo Hoàng của ngài. Chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất đi đến sự thất bài trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1929, dẫn đến trong thời đại của chúng ta một hậu quả khôn lường, đó là khủng hoảng về tiết kiệm và những món nợ chồng chất trong những năm gần đây. Việc cử hành phụng vụ của chúng ta về Đức Kitô là Vua, thách đố chúng ta bất chấp những thất bại trong lãnh vực tài chính hoặc trong thái độ thiêng liêng của chúng ta, điều quan trọng nhất không phải sự tham lam đã dẫn tới sự sụp đổ tài chính nhưng chính việc loại bỏ những giáo huấn và gương mẫu của Đức Kitô Vua.
Chủ nghĩa thế tục nhấn mạnh rằng, đất nước giàu có thì ở trên mặt đất này. Nó loại bỏ mọi hình thức của đức tin tôn giáo và thờ phượng. Chủ nghĩa vật chất rao giảng giáo lý tìm sự an ủi, vui thú và giàu có như là những mục đích cao nhất của đời sống. Chúa của chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất thì không đụng móng chân đến thánh giá hy sinh nhưng là chìm vào trong ăn uống xa hoa và những ăn chơi dâm dật.
Trái lại, làm nhân chứng cho sự khôn ngoan của Phúc Âm Kitô giáo; họ là những công dân của Nước Trời. Họ trình bày cho chúng ta về tính vô vị lợi, là con đường hạnh phúc còn con đường tham lam là không, những thực tại thiêng liêng là thật sự và những tạm bợ của những chủ nghĩa thế tục là không, và tôn giáo là phần thưởng tuyệt đối còn chủ nghĩa vật chất là không.
Kinh Tiền Tụng ngày chúa nhật hôm nay tuyên bố rằng Đức Kitô Vua cai trị một vương quốc đời đời, một vương quốc của sự thật và sự sống, một vương quốc của sự thánh thiện và ân sủng, một vương quốc của sự công chính tình yêu và bình an. Đó là vương quốc ngự trị mãi mãi.
Một lời nài xin cho được trung thành với Đức Kitô Vua.
Ngày chúa nhật hôm nay là thời gian thích hợp để nài xin trung thành với Đức Kitô Vua. Theo hình thức đề nghị được rút ra từ kinh Tiền Tụng, kinh nguyện Thánh Thể trong lễ trọng này có thể dùng tại Thánh Lễ hoặc mọi người có thể lập lại những lời nài xin theo sau vị linh mục chủ tế của họ.
Chúng con nài xin sự trung thành với Đức Kitô Vua.
Chúng con trân trọng vương quốc đời đời và phổ quát của Người.
Chúng con nhận biết vương quốc của Ngài là vương quốc của chân lý và sự sống.
Của sự thánh thiện và ân sủng.
Chúng con ước mong làm những gì chúng con có thể làm trong cầu nguyện và hành động.
Để mang lại cho thế giới này vương quốc của Người. Một vương quốc của sự công chính và tình yêu bình an.
40. Dung mạo của vương quyền Đức Kitô.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Đoạn Phúc Âm hôm nay cho chúng ta dự khán một hồi trong cuộc thương khó, Chúa sắp bị Philatô lên án tử hình. Để hiểu rõ bản văn, cần nhớ rằng Chúa và Philatô ở hai mức độ khác biệt. Khi Philatô nói lên tiếng ‘vua’, ông nghĩ đến một vương quyền chính trị. Khi Chúa tự nhận là Vua, Người nói đến vương quyền Cứu Thế của Người. Chúng ta diễn giải rõ hơn. Chúa xưng mình là Vua Cứu Thế với một ý nghĩ vô cùng rộng lớn so với quan niệm của cấp lãnh đạo Do Thái, Chúa đặt câu hỏi: Tự mình ông, ông nói thế, hay có ai khác đã nói với ông về tôi? Để cho Philatô biết rằng Người là Vua, nhưng không theo quan niệm của ông, cũng không theo dự tính của người Do Thái. Vì thế, sau câu đáp của Philatô, Chúa nói: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Thật là một xử án lạ đời. Người Do Thái muốn cho Chúa bị kết án vì Người tự nhận từ 1 thế giới khác mà đến, tức là được Thiên Chúa sai đến. Đối với Philatô, đó không phải là cớ để buộc tội Chúa. Vì vậy người Do Thái đưa ra một cớ khác, mà trớ trêu thay, cớ này lại chính là điều Chúa không muốn chút nào, là làm một ông vua đối lập với hoàng đế La mã. Chúa bị kết án theo hai thẩm quyền xét xử. Thẩm quyền pháp lý La-mã dựa theo một đế quyền thế gian, tuy nhiên Philatô nhận thấy Chúa bác khước quyền đó. Thẩm quyền pháp lý Do Thái buộc tội Chúa vì lẽ Người tự nhận là từ Thiên Chúa mà đến, mà chính vấn đề pháp lý này lại chẳng liên quan gì đến Philatô.
Minh định xong điểm rắc rối đó, chúng ta tự hỏi: Khi mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta tôn vinh điều gì?
1) Vương quyền của Chúa làm chứng về sự thật.
Chúa không phải là Vua của thế gian. Nhưng là vua trong thế gian và trong thế gian Người làm chứng cho một thực tại thần linh. Thật vậy, cần hiểu rõ nghĩa ‘sự thật’ ở đây. Trong Phúc Âm theo thánh Gio-an, sự thật không chỉ là sự hiểu biết của trí tuệ phù hợp với điều có thật. Sự thật là thực tại của Thiên Chúa đến trong con người. Con người do đó được thấm nhuần tất cả bản thể và tất cả đời mình. Tuy nhiên muốn được như vậy, phải nghênh đón thực tại của Thiên Chúa. Nghênh đón không chỉ bằng trí tuệ mà cả bằng tấm lòng, bằng ý chí, bằng tất cả bản thể mình. Chúa làm chứng cho sự thật, bởi vì trong tư thế một con người được thấm nhuần và biến hóa nhờ một cuộc thực nghiệm thần linh, Chúa đề nghị với tất cả mọi người hãy tiến tới một sự hiệp thông có hiệu năng thần hóa, đó là sự hiệp thông với Chúa, vì lẽ Người đích thật là Con Thiên Chúa. Chúa là Vua khi mà trong nhân loại, quá nhiều phen làm phản chống lại Thiên Chúa, cũng vẫn còn những kẻ nghênh đón ‘lời chứng’, nghĩa là dâng hiến Chúa niềm tin và tư hiến mình để được Chúa thần hóa.
2) Phàm ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi
Vậy ‘thuộc về sự thật’ là gì? Là có tâm hồn sẵn sàng đón nhận thực tại thần linh do Chúa đem đến cho loài ngừoi. Về thực tế, đối với chúng ta ngày nay, điều đó là sự ăn ở ngay thẳng đối với Lời Thiên Chúa, là theo chân Chúa Giêsu mà ta gặp trong Phúc Âm, trong Giáo Hội, trong các bí tích, trong anh em đồng loại. Vương quyền Chúa chẳng giống chút nào một sự thống trị của loài người, tuy nhiên Vương quyền đó trở nên hữu hiệu khi nào con người, về mặt bản thân và về mặt xã hội, trong đời sống thật sự, đạt tới chỗ hiểu biết rằng mình từ Thiên Chúa mà đến và về với Thiên Chúa, để rồi trong hướng nghĩ đó biết cư xử và hành động làm cho nhân loại nhận biết sự thật với những nét đẹp nhất, đó là dung mạo tuyệt vời của Tình yêu.
41. Vua Sự Thật – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Chúa Giêsu thật là ngược đời. Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Ngài làm vua thì Ngài không muốn. Ngài phản đối bằng cách trốn đi. Cũng như hôm vinh quang vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào. Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi. Thế mà Chúa phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt. Còn hôm nay, phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Ngài lại hiên ngang xưng mình là vua. Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý. Hôm nay, đối diện với cái chết, đối diện với quyền lực và đối diện với sự hận thù, Chúa Giêsu muốn xưng vương trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là có một vương quốc khác, vượt xa mọi vương quốc trần gian. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác. Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác. Đó là vương quốc của Chúa. Đó là Nước Trời. Vương quốc ấy là vương quốc sự sống vì sẽ không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là quyền năng của Chúa là trên hết. Khi một mình yếu đuối nhưng vẫn hiên ngang đối diện với Philatô tượng trưng cho quyền lực của đế quốc La mã bao trùm thiên hạ, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi quyền năng như Ngài đã trả lời Philatô: “Ông có quyền không bởi tự mình mà có, nhưng từ thành công ban cho”. Thánh nữ Xêxilia cũng nói: “Quyền uy ở đời giống như quả bong bóng. Nó không triển nở ở tự nó. Nó không tự mình tròn trịa được. Phải nhờ đến không khí. Nhưng chỉ một mũi kim cũng làm nó xẹp xuống”. Quyền uy trần gian mau tàn. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới bền vững. Chính vì thế Đức Giêsu không xưng vương khi tràn đầy uy tín, khi được dân chúng ngưỡng mộ. Vì nếu Ngài xưng vương khi được dân chúng tung hô vạn tuế, khi làm những việc kỳ lạ lớn lao, khi tràn đầy uy tín, thì vương quyền ấy chẳng hơn gì vương quyền của vua chúa trần gian khác. Nhưng hôm nay, khi mất hết mọi uy tín, không còn ai tung hô ủng hộ, Đức Giêsu xưng vương để cho ta thấy Ngài siêu thoát mọi quyền lực và vinh quang theo thói thế gian. Ngài chỉ trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế những ai muốn vào vương quyền của Ngài phải biết coi thường mọi vinh quang quyền thế ở trần gian.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận. Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.
Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.
Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Chúa Giêsu cho biết gì về vương quốc của Chúa?
2- Chúa Giêsu cho biết gì về quyền năng của Chúa?
3- Chúa Giêsu cho biết gì về cuộc chiến giữa tình thương và thù hận?
4- Muốn sống trong vương quốc của Chúa, ta phải làm gì?
42. Vị vua chấp nhận chết, để con dân được sống
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Nói đến Vua, người ta nghĩ ngay đến quyền lực, đến sự thống trị. Có những người được tôn lên làm vua theo kiểu cha truyền con nối “Con vua lại được làm vua”. Cũng có người do công trạng, được dân tín nhiệm. Lại cũng có người tự xưng mình là vua. Nhưng trong lịch sử, cũng không thiếu những kẻ cướp ngôi vua dành quyền cai trị đất nước bằng cách bất chính hoặc bằng muôn hình vạn trạng quỷ kế trên trường chính trị. Có thể có những điểm khác biệt về cách làm vua, cách cai trị dân nước… nhưng có một điểm chung là không có triều đại nào, chế độ nào “muôn năm” cả.
Thử nhìn lại lịch sử thế giới, có thể thấy, ở nước nào cũng thế, hết triều đại này đến triều đại khác, hết chế độ nầy, đến chế độ khác, không có triều đại nào, không có chế độ nào bền vững- vì triều đại nào, chế độ nào, cũng đầy dẫy những bất toàn ngay ở giai đoạn đầu và có khi thối nát ở giai đoạn cuối. Ai cũng muốn cho triều đại, cho chế độ của mình “muôn năm”, nhưng đó chỉ là một ảo vọng! Hai từ muôn năm bỗng đồng nghĩa với vài chục năm trong khi cơn khát khao, nỗi thèm thuồng quyền lực vẫn còn cháy rực trong lòng. Vì thế, triều đại nào, chế độ nào cũng muốn củng cố quyền lực của mình bằng đủ mọi cách có thể, kể cả những cách vô luân thường, vô đạo lý, vô kỷ luật… không sợ mất lòng dân, chỉ sợ mất quyền cai trị, không sợ dân chết, chỉ sợ mình chết. Và khi đã đến lúc ngọn đèn sắp tắt, thì không ngại gì mà nó không phực lên để chứng tỏ cái sinh khí cuối cùng trong thân thể rệu rã của nó.
Khác với những vị vua ở trần thế, hôm nay, chúng ta Suy Tôn Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, “Người là vua trên hết các Vua, Người là Chúa trên hết các Chúa”, vì người thống trị cả vũ hoàn không phải chỉ dựa vào quyền lực toàn năng của Thiên Chúa Tạo Thành, nhưng còn nhờ Lòng Thương Xót vô cùng của Thiên Chúa Cứu Chuộc.
Ngài vâng lời Thiên Chúa Cha để đến trần gian cho trần gian được yêu thương, được cứu rỗi, được giải thoát khỏi sự chết muôn đời, được đoàn tụ trong vương quốc của Ngài đến muôn đời. Ngài được suy tôn là Vua, Ngài làm Vua, không giống cách làm vua của những vua chúa, hay những nhà cầm quyền thế gian, nhưng cách làm Vua của Ngài là “vâng lời cho đến chết” như Thánh Phaolô xác quyết: “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập Giá. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên muôn danh hiệu” (Phil 2,8-9).
Câu chuyện Tin Mừng thánh Gioan hôm nay kể việc Chúa Giêsu có trát của Philato đòi. Chắc chắn có quân lính áp giải, có dùi cui, có súng ống gậy gộc, nhưng không thấy thánh Gioan nói đến việc Chúa Giêsu bị bịt miệng, nên Ngài đã đứng trước vành móng ngựa và khẳng khái xác nhận: “Vâng, quan nói đúng, Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là để làm chứng cho sự thật. Ai yêu chuộng sự thật thì nghe Tôi.” (Ga 18,37)
Vâng, đó là thân phận và trách nhiệm của Con Một Thiên Chúa đầy quyền năng và đầy lòng thương xót đến để khởi đầu một Triều Đại của Thiên Chúa giữa dân Ngài, triều đại của Chân Lý: Có Thiên Chúa uy quyền và đầy lòng xót thương. Con Thiên Chúa không đàn áp, bóc lộc dân Ngài, nhưng Ngài để dân đàn áp bóc lộc Ngài như cối chày giã nát những hạt thóc, rồi xay nghiền hạt gạo thành bột thành bánh thơm ngon. Ngài cũng không lừa đảo, cũng không quy hoạch chiếm đoạt đất đai tài sản, nhưng Ngài để dân Ngài chiếm đoạt Ngài làm gia sản muôn đời. Ngài nhường lầu vàng gác tía, biệt thự nguy nga có then cài cổng khóa cho dân Ngài, còn Ngài “không có nơi gối đầu qua đêm” (Lc 9,58). Ngài không bắt bớ bỏ tù dân Ngài, nhưng ngài chịu bắt bớ, chịu bỏ tù cho dân Ngài được tự do! Và cuối cùng, Ngài không muốn cho dân Ngài phải chết để Ngài được sống, nhưng Ngài đã chết cho dân Ngài được sống, và sống muôn đời. Ngài là vị vua yêu thương và phục vụ dân đến cùng. Ngài chết cho con dân của Ngài được sống.
Đã có biết bao thể chế cũng biết tận dụng đường lối yêu thương và phục vụ “chết cho dân được sống” của Chúa Giêsu vào đường lối cai trị của mình, bằng khẩu hiệu “đầy tớ của nhân dân”, nhưng đó là khẩu hiệu mỵ dân, vì họ nói mà không làm. Họ không sống trong tinh thần sự thật. Họ còn giả vờ không biết sự thật, vì sự thật không đem lại lợi ích phàm tục nào cho họ. Câu hỏi “sự thật là chi?” (Ga 18,38) , chẳng khác nghĩa với câu “sự thật có ích gì?”, “Thiên Chúa có ích gì?”.
Thiết tưởng, các Kitô Hữu Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là những người đang sống trong GH tại địa phương, họ là những người được Thiên Chúa yêu thương cách riêng, như dân riêng của Chúa giữa lòng Châu Á, được sống trong một đất nước gần như là luôn luôn phải tử đạo, từ khi hạt giống đức tin được gieo trồng cho đến nay. Họ đã đọc những trang sử oai hùng của Giáo Hội thời các vua chúa quan quyền bức bách đạo, và họ cũng đang nghe tận tai những khẩu hiệu gian dối, phĩnh lừa, họ chứng kiến tận mắt thời đại của những người vô thần cai trị đất nước. Họ có đủ chứng từ đối chiếu cách làm vua và cách cai trị của Vua thế gian và Vua Giêsu Kitô để xác nhận được Vua nào là Vua Muôn Đời, chế độ nào là muôn năm. Vì thế, không có một thế lực nào có thể lay chuyển niềm tin của họ, nếu không phải là một thế lực “sống, học tập và làm việc theo gương Đức Giêsu Kitô, Vua vĩ đại”.
“Vâng, quan nói đúng, Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là để làm chứng cho sự thật. Ai yêu chuộng sự thật thì nghe Tôi.” (Ga 18,37)
Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội ngàn vàng để Dân Chúa, một lần nữa, sẽ khẳng định Vua Đích Thực, Vua Muôn Đời của chúng ta là ai. Chắc chắn và mãi mãi là Vua Giêsu Kitô, Người đã đến “là để làm chứng cho sự thật”. “Sự Thật” vô cùng cao quí ấy là sự thật “có Thiên Chúa”.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là tấm gương anh dũng soi chiếu cho dân Chúa tại Việt Nam về việc làm chứng cho sự thật. Vì nếu không tin nhận Thiên Chúa, không tin nhận Đức Giêsu là Vua Muôn Đời trong Nước Vinh Quang muôn đời của Ngài, thì đã chẳng có ai dám liều mình hy sinh mạng sống cách oan uổng. Hơn nữa, tình yêu Chúa Kitô thúc bách các Ngài cùng Chúa Kitô nói với những người không tin Thiên Chúa rằng “nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Mừng lễ Chúa Kitô Vua, noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tôn Vinh Chúa Giêsu là Vua, mọi thành phần trong giáo hội sẽ làm chứng cho sự thật:
– dứt khoát nói không với cơn cám dỗ đàn áp bóc lộc lẫn nhau, nhưng bảo bọc che chở cho nhau trong tình huynh đệ, trong chân lý;
– dứt khoát nói không với chia rẽ, tỵ hiềm, bôi nhọ để yêu thương, chân thành, hiệp nhất;
– dứt khoát nói nói không với đồng lõa, nói không với thỏa hiệp cùng gian tà để quyết tâm sống ngay chính theo đường sự thật của Chúa Giêsu;
– dứt khoát nói không với tất cả những gì chống lại Thiên Chúa, chống lại công lý, sự thật, để quyết tâm sống đời sống của Thiên Chúa giữa một xã hội “không tin có Thiên Chúa” hay là chưa muốn tin một Đấng Thiêng Liêng hằng có đời đời.
Một vài nơi vẫn có lệ mời các cấp chính quyền tham dự lễ Đặt Viên Đá, lễ Giáng Sinh, lễ mở tay… Ước gì họ được mời tham dự một thánh lễ Mừng Trọng Thể Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, để họ được biết cách làm vua, cách cai trị của một Vị Vua trên hết các Vua, một vị Vua Muôn Đời: “Vị vua chấp nhận chết để con dân được sống”.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Vua của lòng con, Chúa đã chấp nhận cái chết để con dân được sống. Chúng con suy tôn Chúa là Vua Muôn đời. Xin cho chúng con cũng biết chấp nhận hy sinh mỗi ngày để làm chứng cho Nước Thiên Chúa giữa trần gian, và nhất là trên quê hương thân yêu của chúng con. Amen.
43. Đức Giêsu Kitô là chân lý
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Hình như đang có báo động đỏ về một trần gian đang suy thoái vì sự giả trá lan tràn. Sự giả trá từ trong tâm hồn mỗi người, trong gia đình, rồi lan ra đến cộng đồng, kể cả cộng đoàn Công Giáo.
Ảnh hưởng của tội nguyên tổ sao mà dai dẳng thế?!? Có phải vì con người đầu tiên đã chui vào bụi rậm trốn ánh nhìn của Thiên Chúa mà bây giờ tâm hồn con cháu loài người vẫn cứ thích hướng lòng về những ém nhẹm, những giấu kín, những che đậy, ẩn nấp đâu đó từ tư tưởng đến hành động. Cả tôi, cả bạn, nếu lắng lòng sâu thẳm và thành tâm xét mình, có lẽ một ngày đời của chúng mình không biết bao nhiêu lần gian dối, bao nhiêu ý định không ngay thẳng, bao nhiêu lời nói việc làm gian tà… Cứ tưởng như là không ai có thể biết được điều ta đã giấu kín.
Biết đâu là chân lý? Con cái đã không nhìn thấy cách sống chân thành nơi cha mẹ của chúng, lại còn chứng kiến hằng ngày những gian dối trong nhà. Ánh mắt nhìn của cha chưa hẳn là ánh mắt của thủy chung, bao dung, quảng đại. Nụ cười dịu dàng của mẹ ngày nay chưa hẳn là nụ cười của tình yêu trung tín, của hiến dâng trọn vẹn, của hy sinh ví tựa biển thái bình.
Biết đâu là chân lý? Con dân trong một đất nước cũng chẳng biết đâu là chân lý khi cả một khối lãnh đạo đất nước nói một đường làm một nẻo, hoặc mỗi ngày lại có thêm một bại lộ về những gian tà tham nhũng, phanh phui dần những trò nham hiểm thanh trừng lẫn nhau trên sân khấu chính trị…
Biết đâu là chân lý? Ở đâu cũng thấy bóng dáng của sự gian dối. Ở đâu người ta cũng không sống chân thành với nhau. Và khi không sống chân thành với nhau bằng tình thương của con người, thì ở đó, không có bóng dáng của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, chính khi sống gian tà là lúc chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Với các Kitô hữu cũng vậy, tuyên xưng “Tôi tin vào Thiên Chúa” mà vẫn cứ ẩn mình trong sự gian dối, thì lời tuyên xưng kia lại chính là sự nói dối lộ liễu của một con người quá thấp hèn trước Thiên Chúa uy quyền, cao cả, mà không hề sợ hãi phép công thẳng của Ngài.
Đức Giêsu Kitô đã đến và mạc khải cho trần gian biết những sự thật quan trọng: Có Thiên Chúa là Cha toàn năng, Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa ban Sự Sống vĩnh cửu cho con người.
Đức Giêsu Kitô đã làm chứng về những điều đã mạc khải bằng chính cuộc sống của Ngài: rao giảng Nước Thiên Chúa, loan truyền sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và mời gọi mọi người biết yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu, như Con Thiên Chúa đã yêu: hiến mạng sống mình vì người mình yêu, để người mình yêu được sống và sống dồi dào ở đời này, phục sinh ở đời sau.
Trong khi nhân loại cứ vật vờ trong cách sống gian dối mà Satan dạy dỗ, hướng dẫn cho cách lẩn tránh Thiên Chúa, thì chính Đức Giêsu Kitô đã khai mở một con đường mới cho nhân loại: sống công chính trước mặt Thiên Chúa. Sự công chính ấy bắt nguồn từ việc: Tin vào Đức Giêsu Kitô và sống theo Lời Ngài. Câu hỏi “Biết đâu là chân lý?” đã được giải đáp thỏa đáng ngay tại tòa tổng trấn Philatô: “Ai thuộc về Chân Lý thì nghe tiếng Tôi”.
“Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi” hay nói cách khác, những người chọn Chúa Kitô làm thần tượng cho mình, chọn Lời Chúa Kitô làm kim chỉ nam cho đời mình, những người chấp nhận thuộc về Chúa Kitô, là những người đã biết được đâu là chân lý, sống trong chân lý, và làm chứng cho chân lý.
Trong cùng một Đức Giêsu Kitô, họ trở nên con dân trong Nước Thiên Chúa mà chính Người làm Vua của họ. Một đất nước của Chân Lý, quyền bính là Tình Thương, không thuộc về thế gian này:
“Quan nói đúng. Tôi là Vua!”
“Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng mà Nước tôi không thuộc chốn này”.
Sống trong Sự Thật là sống Niềm Tin có Thiên Chúa, và sống chân thành yêu thương trước mặt Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta được “Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương ban ơn bình an và ân sủng” khi Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người”.
Giáo Hội kết thúc Năm Phụng Vụ với Lễ suy tôn Chúa Giêsu Kitô là Vua, Vua vũ trụ, Vua muôn loài, và là Vua của những kẻ đã Tin vào Ngài và sống theo Lời Ngài dạy. Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở mỗi chúng ta về việc mỗi tín hữu phải kết thúc hành trình đời người và hành trình Đức Tin trong Chúa Giêsu Kitô để xứng đáng hưởng phần gia nghiệp muôn đời mà Thiên Chúa đã sắm sẵn nhờ máu cứu độ của Con Ngài: Nước Thiên Chúa.
Khi kết thúc hành trình đời người, dẫu chỉ còn hai nắm tay không trước mặt Thiên Chúa, con người vẫn là một thụ tạo xinh đẹp, nếu thụ tạo ấy sống và làm chứng cho sự thật là Thiên Chúa và Tình Yêu. Và ngược lại, con người có xiêm y lụa là xinh đẹp trước mặt trần gian mà sống trong sự gian dối, bất tín thì đáng tiếc thay, họ không được niềm vui vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô Vua.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nghe lời Chúa Giêsu, biết sống tin yêu chân thành như Chúa Giêsu, để chúng con xứng đáng được kết thúc hành trình đời người trong Nước Thiên Chúa, dưới vương quyền Vua Giêsu Kitô mà suốt đời con đã kính tin, tôn thờ, yêu mến.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam