Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1376101

LỄ CHÚA KITÔ VUA

Lễ Chúa Kitô Vua - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Họa sĩ Louis David đã vẽ một bức tranh thời danh về cái chết của Socrate: Một con người tráng kiện, một tay chỉ lên trời, một tay giơ ra cầm chén thuốc độc, mặt quay nhìn các môn đệ với ánh mắt sáng ngời. Ông mặc chiếc áo vải thô, sống rất tầm thường, khác với bọn ngụy biện ăn mặc sang trọng để lôi cuốn dân thủ đô Athen. Ông cũng khác với các hiền triết xưa, ông không có chức vụ gì quan trọng. Ông bị Quốc hội Athen Hy Lạp văn minh nhất thời đó kết án phải uống thuốc độc chết vì tội đầu độc lớp thanh niên và tôn sùng vị thần khác với các thần của thành phố (năm 470-399 trước công nguyên).

Suốt đời ông rảo khắp đất nước rao giảng chân lý với đôi chân trần chai sạn. Mục đích của ông giúp các thanh niên thức tỉnh, tự truy tìm chân lý ở nội tâm mình: “Anh hãy tự biết mình” (connais-toi, toi même) bằng phương pháp đối thoại gợi ý (Maieutikê). Tự biết mình để giải thoát mình khỏi những thành kiến sai lầm, những độc đoán ngụy biện, những chính sách chính trị. Trước khi chết ông đã cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sự trong sáng nội tâm - “Mon Dieu, donne-moi la purité intérieure” Triết gia Hégel đã gọi ông là “anh hùng của nhân loại” (héros de lhunanité). Giáo sư Didier Julia gọi ông là điển hình của một tông đồ đem lại tự do chân chính. Socrate đã làm chấn động tận gốc những tập tục cổ hủ và chuẩn bị lương tri con người đón nhận một sứ điệp khác: Sứ điệp Kitô giáo (Dictionnaire de la philosophie: Larousse). Platon, môn đệ của ông đã chứng kiến cái chết của Socrate, đã tôn thầy mình là Đấng sáng lập nền trí thức về tình yêu, về Thiên Chúa, về lời mời gọi đi tới huyền nhiệm. Socrate là “vạn thế sư phụ của Tây phương” cũng như Khổng Tử là “vạn thế sư biểu của Đông phương”.

Còn, Đức Giêsu là “vạn thế vương đế của thế giới”. Cũng như Socrate, Đức Giêsu là thường dân áo vải, đã rảo khắp đất nước và các lân bang để rao giảng chân lý: Chân lý về tình yêu muôn thuở, về mầu nhiệm nước trời, về Thiên Chúa là Cha nhân lành hằng ban sự sống vinh quang để giải phóng con người khỏi nô lệ cổ truyền bất nhân, khỏi gông cùm sự dữ. Những chân lý đó đánh bật tận gốc những tham vọng ích kỷ, hẹp hòi, đê tiện của các tầng lớp xã hội bất công. Những chân lý đó giống như luật lệ chống tham nhũng, chống mafia. Những ai can đảm thực thi những luật lệ chân chính đó đều bị bọn tham ô và mafia diệt trừ.

Đức Giêsu là Vua công chính, lại bị bọn bất chính kết án tử hình. Bọn bất chính đó là các thủ lãnh trong hàng ngũ biệt phái, Sa đốc, thượng tế, tư tế và quyền đời như Hêrôđê và Philatô. Họ đang đắc thắng nhạo báng Đức Giêsu rằng: “Hắn cứu được thiên hạ, có giỏi thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô, được Thiên Chúa tuyển chọn”. Họ đã biết rõ Người cứu thiên hạ, đã chữa bao nhiêu bệnh nhân, cho những kẻ chết sống lại, trừ khử quỷ ám. Nhưng họ kiêu ngạo chụp mũ Người đã dùng tướng quỷ mà trừ quỷ, kết án Người là kẻ tội lỗi vì cứu chữa bệnh nhân trong ngày nghỉ Sabát, ghép Người vào hàng ô uế tội lỗi và bọn thâu thuế. Họ cho mình trong sạch, không đi lại với dân ngoại, không động đến kẻ phong cùi, kẻ bị cướp đánh nửa sống nửa chết nằm giữa đường. Và khi họ đã đóng đanh Người, họ còn bất nhân, tàn nhẫn chế nhạo và thách thức Người. Họ như thằng quỷ cám dỗ Người khi Người ăn chay 40 đêm ngày: “Nó đến nói với Người: Nếu Ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho hòn đá này hóa bánh”. Họ cũng giống những người Nazaret nói với Người: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói Ông đã làm ở Capharnaum, Ông cũng hãy làm tại đây, tại quê Ông xem nào!” (Lc. 4, 3-23). Trước những lời mỉa mai đó, Đức Giêsu đã lặng thinh. Người không tự bào chữa, Người để họ tố cáo Người như một kẻ bất lực, bất tài. Họ cứ tưởng rằng Đấng Kitô là Vua Do Thái, sẽ giải phóng dân tộc, sẽ là anh hùng vĩ đại bách chiến bách thắng như Vua David, khôn ngoan bắt cả thế gian phải thần phục mình như Salômôn.

Noi gương các sếp thủ lãnh nhạo báng, bọn lính cũng a dua chế diễu: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì tự cứu mình đi”, chua chát thay! Chúng vừa nói móc vừa đóng bảng án phía trên đầu Người để kết tội: “Người này là Vua Dân Do Thái”. Đó là cách phong vương của quân dữ.

Nghi thức phong vương thường lệ là thầy thượng phẩm nhân danh Thiên Chúa xức dầu tấn phong ai làm vua trước mặt đông đảo dân chúng chứng kiến và nhiệt liệt tung hô (Bài I). Còn nghi lễ phong vương của Thiên Chúa thì khác: Thiên Chúa sai ngôn sứ đến xức dầu cho người Chúa chọn, như Thiên Chúa đã bảo Samuel đến xức dầu cho David. Thần khí Thiên Chúa đã đáp xuống David làm cho con người bé nhỏ trở nên phi thường. Nhờ đó David đã tung ná bắn đá vào trán Gôliat té nhào chết. Gôliat là điển hình sức mạnh vũ bão của loài người, còn David là đứa bé hèn mọn đã đánh Gôliat với danh Thiên Chúa (1Sm. 16, 11-13; 17, 4-50). Việc tấn phong Đức Giêsu làm Vua, không phải do con người mà do chính Thiên Chúa dùng Thánh Thần xức dầu phong vương cho Đức Giêsu khi Người chịu phép rửa trên sông Gióc-đan: “Trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là con của Cha …” (Lc. 3, 22). Với sức mạnh Thánh Thần, Đức Giêsu đã thực hiện sứ mệnh là Vua Cứu thế đến tột đỉnh trên ngai vàng thập giá, đầu đội triều thiên gai. Đó là những dụng cụ để chiến thắng sức mạnh của các thủ lãnh và quân lính thế gian, chiến thắng đau khổ và thần chết.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đứng kề Thánh giá với Đức Mẹ, Thánh Gioan và các Thánh nữ, biết nhìn vào Trái tim Chúa đang chảy máu và nước ra như viên sĩ quan, để cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này thật là công chính”, và biết kêu van: “Lạy Ngài khi Ngài vào nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Hay ít nhất, cho con biết đấm ngực ăn năn như dân chúng để thú tội và mến yêu Ngài là Vua Tình thương tha thứ, Vua Hy sinh chịu chết cứu độ con. Amen.

 

2. Giêsu Kitô: Vua Vũ Trụ - Huệ Minh

Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cái chết trên thập giá. Ngài đáng làm vua nêu gương cho chúng ta sống theo Ngài. Tin Mừng (Lc 23,35-43) ghi lại cảnh Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá làm căn bản cho những suy niệm cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Giêsu Kitô Vua.

Trang Tin Mừng trong lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ lại đưa ta về với Chúa Giêsu trên thập giá. Chẳng lúc nào Chúa làm vua rõ bằng lúc này. "Đây là vua người Do thái", tấm bảng ghi như thế. Nhưng kiểu làm vua của Ngài thật khác thường. Không có vương miện, chỉ có vòng gai. Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê.

Bằng cái chết tủi hổ trên thập giá, Ngài đã trở nên một vị mục tử nhân lành, hiến mạng sống cho đoàn chiên của mình. Ngài đã khai mạc vương quốc mới của tình yêu, một tình yêu tự hiến: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Thiên Chúa đã dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: "Đây là Vua dân Do Thái". Thiên Chúa đã muốn dùng hành động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mạc khải cho con người một sự thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giêsu Kitô là Vua. Ngài trổi vượt lên trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương con người để cứu rỗi con người.

Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu sinh động. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực. Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Bị treo trên thập giá, Đức Giêsu nghe những lời mời mọc, ngọt ngào và tinh vi như các cơn cám dỗ buổi đầu. "Nếu ông là Đức Kitô thì hãy cứu lấy mình”. “Hãy xuống khỏi thập giá" (Mt 27,40). Cứu lấy mình là điều Ngài chẳng hề nghĩ đến.

Chính vì Ngài thật là Con của Cha, nên Ngài không tự ý xuống khỏi thập giá như xưa Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ.

Chẳng có đau khổ nào lớn hơn khi chính người đồng cảnh ngộ cũng về hùa với bọn lý hình nhục mạ Chúa: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứ mình đi, và cứu cả chúng tối với!” (Lc 23,39) Trước những thách thức ồn ào đó, Đức Giêsu vẫn im lặng. Dân chúng khi thì a dua (Lc 23,17-25), lúc lại bàng quang: “Dân chúng thì đứng nhìn.” (Lc 23,35) Thái độ bất động của dân chúng rất phức tạp. Nhưng chắc chắn không phải ai cũng như bọn binh lính hay người gian phi thiếu hiểu biết. Thật vậy, “dân chúng theo Người đông lắm.” (Lc 23,26)

Mặc dầu Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai, nhưng Ngài đã "hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế" (Pl 2, 7), do đó, "Ngài đã chịu thử thách (cám dỗ) về mọi phương diện cũng như ta..." (Dt 4, 15). Dựa vào đó, Sa-tan không ngừng cám dỗ Chúa Giêsu đi trệch đường của Thiên Chúa Cha với hy vọng phá vỡ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Vua Giêsu bị đóng đinh và treo trên thập giá. Tột đỉnh của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trong giờ phút này. Khi quyền lực của tội lỗi tưởng như thắng thế qua cái chết đang đến gần Chúa Giêsu thì đó lại là lúc quyền năng của Thiên Chúa sắp sửa toàn thắng tội lỗi và đem lại hiệu quả ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại.

Đức Giêsu chịu đóng đinh là để cho thấy rằng Người không phải là một Đức Vua Cứu thế sẽ đảm bảo cho họ có sự sung túc trần thế. Người đã không cứu chính mình khỏi chết, thì Người cũng không gìn giữ chúng ta khỏi bệnh tật và cái chết. Quyền lực của Người không nhắm đến đời sống thoải mái trần tục của chúng ta, nhưng nhắm đến đời sống của chúng ta với Thiên Chúa. Ai tìm sự hiệp thông với Thiên Chúa, và biết nhờ Đức Giêsu, Đức Giêsu sẽ cứu độ người ấy, cho dù người ấy đến với Người như một tên gian phi.

Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.

Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.

Tình yêu trên thập giá biến đổi tâm hồn người gian phi cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu. Nó giúp anh nhìn xa hơn về tương lai. Không phải chỉ là sự sống tạm ở đời này, như tên gian phi kia đã thách thức Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng là sự sống đời đời. Anh khẩn cầu Chúa: “Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

Tình yêu trên thập giá đã giúp người gian phi thống hối nhận biết Chúa Giêsu là ai và mình là ai. Anh đã nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, qua lời đối đáp tên gian phi kia: “Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm!” Anh còn nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng nào nữa. Ngài không chỉ là một người vô tội. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn là “ông Giêsu”. Đây là lần duy nhất trong sách Tin Mừng, Đức Giêsu được gọi đích danh, chứ không phải bằng các tước hiệu. Anh đã hiểu được nghĩa thực của thánh danh Người. “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu.” Người là Vua của Nước Thiên Chúa, là Đấng đến cứu vớt mọi kẻ tội lỗi.

Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.

 

3. Phiên tòa bất công - Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Sống giữa cuộc đời là sống giữa biển đời đầy sóng gió nguy nan. Sống giữa thế gian là sống giữa bao hiểm nguy, bất trắc khiến lòng người luôn phải đối phó với biết bao nghịch cảnh đẩy đưa. Giữa người với người vẫn còn những hố sâu ngăn cách bởi ích kỷ, ghen ghét và tham lam. Có thể vì một chút danh lợi thú mà người ta bán rẻ nhau và bán rẻ chính nhân phẩm của mình. Cuộc đời đầy thị phi đến nỗi Nguyễn Du đã từng thốt lên rằng: “Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Ngay những người thân cận nhất vẫn có thể trở thành kẻ thù của nhau. Cha mẹ từ chối con cái. Con cái ngược đãi cha mẹ. Vợ chồng nghi ngờ và kết án lẫn nhau. Bạn bè dễ dàng quay lưng lại với nhau vì tiền tài, vì danh vọng và vì tình yêu. Một cuộc sống đầy vong ân bội nghĩa nên mấy ai còn niềm tin nơi nhau. Có mấy ai dám sống cho chân lý để rồi lại phải chịu thiệt thòi vào thân!

Hôm nay, Lời Chúa tường thuật lại một phiên tòa đầy bất công và thiếu khách quan của sự thật. Gọi là bất công vì sự ghen tỵ mà người ta đã kến án kẻ vô tội. Thiếu chân thực vì toàn bộ câu chuyện đã bị bóp méo hoàn toàn. Theo thánh Gioan kể lại: họ tố cáo Chúa Giêsu về ba điều: gây rối loạn trong dân chúng, cản trở việc nộp thuế cho hoàng đế, và tự xưng mình là vua. Thật ra, vì lòng ghen ghét, họ đã không ngần ngại bóp méo sự thật. Theo sự tra xét của họ thì Chúa Giêsu phạm tội lộng ngôn, nhưng họ biết rất rõ quan toàn quyền sẽ không chịu nghe một lời tố cáo như vậy, mà sẽ bảo đó là chuyện tranh chấp về tôn giáo và bảo họ phải tự dàn xếp. Thế nên, vì muốn loại trừ Chúa, họ đã không ngần ngại vu khống để bỏ vạ cáo gian. Nhưng Philatô lại không dám bảo vệ sự thật. Cho dù Chúa Giêsu đã cho ông hiểu rằng: Ngài là Vua và Nước của Ngài không thuộc về thế gian này, nhưng Philatô đã không quan tâm đến việc bảo vệ công lý cho bằng bảo vệ ngai tòa của mình. Ông rửa tay để làm ngơ trước sự bất công.

Và cũng từ phiên tòa này, Chúa Giêsu đã công khai nói lên sứ mạng của Ngài, Ngài đến trong thế gian này là thiết lập một vương quốc sự thật, một nền công lý và hòa bình từ chính trong tâm hồn con người. Và chính vì thế mà ngài đã sinh ra và đến trong thế gian này, đó là để làm chứng cho sự thật. Vương quốc sự thật chính là nước của Ngài. Ai đi theo đường công chính, biết ăn ở ngay lành, thực hành bác ái yêu thương chính là công dân trong Nước của Thiên Chúa. Nước của Ngài không hạn chế bởi địa dư, bởi mầu da sắc tộc mà mở rộng không gian tới tận cùng trái đất. Nơi nào có những người xây dựng hòa bình, công lý và tình thương, nơi đó Nước Chúa đang ngự trị.

Là Kytô hữu tức là công dân của Nước Thiên Chúa chúng ta được mời gọi xây dựng sự hiệp nhất yêu thương. Sự hiệp nhất đó phải được xây dựng từ nơi gia đình, nơi xứ đạo chúng ta. Phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét, những bất công, hận thù trong cuộc sống giữa người với người. Mỗi người kytô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho sự thật giữa thế gian. Nghĩa là phải cùng nhau loại trừ điều gian dối, chua ngoa và xây dựng tình liên đới giữa con người với nhau trong yêu thương chân thật. Như lời Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “phải làm thế nào để tính thiện nơi con người được chiếu lộ ra, và giải phóng các sức mạnh của sự tiềm ẩn nơi con người, để sự thiện ấy được lớn mạnh hơn sự ác cả trong lĩnh vực luân lý lẫn xã hội". Vâng, cuộc đời này có lẽ sẽ vui hơn nếu người ta biết sống chân thành với nhau. Cuộc sống này sẽ bớt ưu sầu nếu người ta thôi nghi ngờ và kết án lẫn nhau. Cho dù cuộc đời có thay trắng đổi đen. Con người có lấy ân báo oán, nhưng người kytô hữu không vì thế mà đánh mất bản tính của mình là sống thánh giữa đời để kiến tạo một nền công lý và hòa bình trên mặt địa cầu này. Vì chúng ta vẫn mong chờ một ngày kia Nước Chúa sẽ trị đến và Ngài sẽ ngự đến trên mây trời để ban thưởng hạnh phúc trường tồn cho những ai thành tâm thiện chí sống và thực thi giáo huấn của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, giữa thế giới đầy sa đọa, con người ngày nay vẫn muốn loại trừ Thiên Chúa. Dường như vì ích kỷ đã làm cho họ mù loà đến nỗi không nhận ra sự bất hạnh của tha nhân để cảm thông, để nâng đỡ. Dường như vì tham lam mà con người muốn loại trừ đồng loại để bảo vệ tiền tài danh vọng cho chính mình. Đồng tiền và danh vọng đã làm mờ con mắt. Tự hủy diệt mình trong đam mê lạc thú và quyền lực thế gian.

Xin Chúa giúp chúng con dám sống cho sự thật và làm chứng cho sự thật. Ngõ hầu danh Chúa được cả sáng. Amen.

 

4. Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Chủ Ðề: Chúa Giêsu là Vua

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Hôm nay là Chúa nhựt cuối cùng của năm phụng vụ. Lời Chúa vạch cho chúng ta thấy lúc tận cùng của thời gian Chúa Giêsu sẽ làm vua ngự trị trên toàn thể mọi sự và mọi người. Nhưng từ nay cho đến lúc đó, Chúa vẫn làm vua trong lòng những người tin cậy và yêu mến Ngài.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận thức vị trí và vai trò làm vua của Chúa trên cuộc đời chúng ta, đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng ta phụng thờ Ngài cho xứng đáng.

II. Gợi ý sám hối

Chúng ta đã tôn thờ những "vua" khác không phải là Chúa, như tiền bạc, danh vọng, lạc thú v. v.

Chúng ta không sống theo sự dẫn dắt của Chúa.

Chúng ta không sống theo luật của Nước Chúa là luật yêu thương.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (2 Sm 5, 1-3)

Đoạn này thuật cuộc phong vương lần thứ hai cho Đavít. Cần nhớ rằng sau khi Vua Saun chết, các chi tộc miền Nam đã phong Đavít làm vua của họ. Một thời gian sau, vì mến mộ tài đức của Đavít nên các chi tộc miền Bắc cũng phong Đavít làm vua họ nữa. Như thế là đất nước thống nhất dưới quyền lãnh đạo một vị vua duy nhất.

Trong biến cố này, Thiên Chúa cũng lên tiếng. Ngài nói với Đavít: "Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân của Ta". Câu này rất ý nghĩa: vua Đavít chỉ là "người chăn dắt" dân "của Thiên Chúa". Chính Thiên Chúa mới là Vua thật của "dân Ngài".

2. Đáp ca (Tv 121)

Đây là một ca khúc lên đền, nghĩa là ca khúc mà những người hành hương hát khi họ tiến đến gần đền thờ Giêrusalem.

Tuy những người hành hương tiến đến nơi có đặt "ngai vàng của vương triều Đavít", nhưng họ ý thức rằng họ là những "chi tộc của Chúa" vì chính Chúa mới là vua thật của họ.

3. Tin Mừng (Lc 23, 35-43)

Đoạn Tin Mừng này mô tả cảnh Chúa Giêsu trên thập giá:

Phía dưới thập giá, dân chúng "đứng nhìn" cách bàng quan như không liên can gì đến mình, các thủ lãnh Do Thái thì chế nhạo "Hắn đã cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi nếu thật hắn là Đấng Kitô", lính tráng cũng chế diễu "Nếu ông là vua dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình đi".

Trên đầu Ngài có bảng viết "Đây là vua người Do Thái"

Bên cạnh Ngài có hai tên gian phi: một tên hùa theo đám người phía dưới để chế diễu Ngài; tên kia công nhận Ngài là vua nên nói với Ngài "Khi ngài vào Nước của Ngài thì xin nhớ đến tôi".

Nghĩa là: thánh Luca đã cố ý trình bày Chúa Giêsu trên thập giá như một vị vua đang ngự trên ngai của mình. Nhưng đa số những người ở dưới và bên cạnh, vì đã quá quen với hình ảnh một ông vua trần gian nên chẳng những không nhận ra Ngài mà còn chế nhạo Ngài.

4. Bài đọc II (Cl 1, 12-20)

Thánh Phaolô trích dẫn một bài thánh thi trình bày địa vị của Chúa Giêsu Kitô:

Đối với Thiên Chúa: Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa.

Đối với công trình sáng tạo: nhờ Chúa Giêsu mà muôn vật được tạo thành.

Đối với công trình cứu độ: nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà mọi người được giao hòa lại với Thiên Chúa.

Như thế, Chúa Giêsu là Vua tối cao trên toàn thể vũ trụ.

IV. Gợi ý giảng

* 1. Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Chúa Giêsu là Vua

Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan: "Homo homini lupus": con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.

Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên: lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phòng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết, hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.

Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy? Thưa vì trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người: tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài sang sói đích thực nữa. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.

Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, Đức Giáo Hoàng coi đó là chấm dứt chiến tranh.

Sở dĩ loài người cứ luôn làm hại làm khổ lẫn nhau là vì loài người còn sống theo cái tính thú trong mình. Vậy nếu muốn cho loài người hoà thuận với nhau để cùng nhau chung hưởng thái bình thì loài người phải sống theo cái tính người, gồm có những đức tính mà Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Con người sống đúng là con người. Chúa Giêsu gọi đó là Sự Thật; còn ngôn ngữ phụng vụ hôm nay thì gọi đó là vương quyền, vương quốc của Chúa Kitô. Nước Chúa. Ai sống theo những giá trị Tin Mừng để thành người hơn thì người đó thuộc về Nước Chúa; ai giúp cho người khác sống theo những giá trị Tin Mừng ấy thì người đó đang mở mang Nước Chúa; và khi mọi người, dù có đạo hay không có đạo, đều sống theo những giá trị Tin Mừng ấy, thì đó là thời Nước Chúa đã trị đến.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa: đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.

Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hoà thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hoà thuận yêu thương sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.

* 2. Chân lý cuối cùng

Trong những Chúa nhựt cuối của năm phụng vụ, Lời Chúa mời chúng ta nghĩ đến lúc tận cùng của thời gian, để thấy trước khi ấy tình hình sẽ như thế nào, và nhờ đó mỗi người cũng biết điều chỉnh cuộc sống mình trong hiện tại cho phù hợp với viễn ảnh cuối cùng ấy.

Bằng ngôn ngữ khải huyền, các sách Tin Mừng mô tả lúc đó mặt trời mất sáng, mặt trăng tối sầm lại và các tinh tú trên trời rụng xuống. Qua những hình ảnh lạ lùng ấy, tác giả muốn nói rằng khi đến lúc tận cùng của thời gian, tất cả mọi thứ mà xưa nay người ta coi là quyền lực đều sụp đổ hết, để chỉ còn quyền lực của Thiên Chúa tồn tại và ngự trị.

Còn sách Huấn ca Ben Sira thì mô tả một cách thi vị hơn và bằng những hình ảnh gần gũi hơn:

"Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa...

Hoa nào không phai tàn. Trăng nào không khuyết

Ngày nào mà không có đêm. Yến tiệc nào không có lúc tàn

Phù hoa nối tiếp phù hoa... "

Một thi sĩ khác cũng có những suy nghĩ tương tự, ông suy nghĩ về thời gian:

"Khi tôi là một đứa trẻ... tôi thấy thời gian bò tới

Khi tôi là một thanh niên... tôi thấy thời gian đi bộ

Khi tôi trưởng thành... tôi thấy thời gian chạy

Cuối cùng khi tôi bước vào tuổi chín muồi thì thấy thời gian bay

Chẳng bao lâu nữa tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất

Ôi lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa"

Những dẫn nhập khá dài dòng trên chỉ nhằm giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay theo đúng hướng mà Phụng vụ của ngày Chúa nhựt cuối năm Phụng vụ muốn chúng ta hiểu. Trong hướng đó, chúng ta thấy được một số chân lý sau đây:

Thứ nhất: Đến lúc tận cùng của thời gian, nghĩa là đến ngày tận thế, hoặc ngày chết của mỗi người, thì chúng ta sẽ thấy tất cả đều sẽ sụp đổ: tiền bạc, danh vọng, sức khoẻ, thế lực, thú vui.... Tất cả đều không còn ý nghĩa và tầm quan trọng gì đối với bản thân mình hết. Đúng như lời của bài thơ chót mà tôi vừa đọc: "Lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến thì ngoài Ngài ra không còn gì là quan trọng nữa".

Thứ hai: Nếu khi đó chỉ có Chúa là quan trọng thì từ trước tới lúc đó trong cuộc sống, chỉ những ai gắn bó và nương dựa vào Chúa mới thấy yên lòng; còn những người quen tìm kiếm, chạy theo và nương dựa vào những thế lực khác như tiền bạc, quyền lực, thú vui v. v. sẽ thấy chới với, cô đơn, trơ trụi...

Thứ ba: Khi đó, đối với tất cả mọi người, dù tin hay không tin, dù tốt hay xấu, mọi người đều mở mắt và nhận thực rằng Chúa Giêsu chính là Kitô và là Vua thật. Kitô nghĩa là Đấng Cứu Vớt, Vua nghĩa là Đấng thống trị. Nhiều người trong lúc còn sống đã tưởng rằng nguồn cứu vớt của họ và thế lực hỗ trợ họ là tiền tài danh lợi thế gian, nhưng khi đó họ sẽ biết họ lầm. Chẳng hạn các nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay: Các thủ lãnh Do Thái, quân lính, Philatô và tên gian ác ở bên trái Ngài. Chiều hôm đó trên đồi Sọ, họ tưởng Chúa Giêsu đang thất thế vì rõ ràng Ngài đang bị treo, bị đóng đinh dính cứng vào thập giá. Họ chế nhạo Ngài "Nào có giỏi thì thử xuống khỏi thập giá đi". Họ cũng gọi Ngài là Kitô đó, cũng gọi Ngài là Vua đó, nhưng gọi một cách mỉa mai, gọi để nhạo báng: chẳng qua hắn chỉ là một tên Kitô dỏm, một ông vua cỏ mà thôi! Nhưng đến ngày cùng tận, tất cả những người ấy sẽ sửng sờ khi thấy kẻ bị họ nhạo báng ấy lại xuất hiện với tất cả uy quyền và vinh quang, để xét xử và trừng phạt họ. Ngài đúng là Kitô và là Vua. Chiều hôm ấy trên đồi sọ, chỉ có một người đã nhận biết Ngài, đó là người trộm lành ở bên phải. Anh đã tin Ngài là Vua nên anh nói "Khi nào Ngài vào Nước của Ngài"; anh cũng tin Ngài là Đấng Kitô cứu thế nên mới thưa "Xin Ngài cứu tôi, xin hãy nhớ đến tôi". Và chúng ta hãy suy nghĩ: hiện bây giờ người trộm lành ấy đang ở đâu? Chắc chắn anh đang ở bên Chúa và hưởng hạnh phúc trong nước Chúa, như lời Chúa Giêsu đã hứa với anh chiều hôm ấy: "Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng". Thật hạnh phúc thay cho người trộm lành, cả một đời gian ác tội lỗi, nhưng cuối cùng đã gặp được hạnh phúc thiên đàng, nhờ anh đã hiểu được phải trao cuộc đời cho ai và bám víu vào ai.

Cái chân lý mà mãi đến phút cuối đời người trộm lành mới thấy được ấy, Phụng vụ muốn chỉ cho chúng ta thấy ngay từ hôm nay: Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô cứu vớt, Ngài chính là Vua. Ngoài Ngài ra không có ai, không có cái gì là vua thật và có thể cứu chúng ta thật. Vậy ngay từ hôm nay chúng ta hãy quyết định trao gởi cuộc đời mình cho Ngài, sống gắn bó với Ngài, và từ bỏ tất cả những gì nghịch với Ngài. Có như thế chúng ta mới có thể hưởng hạnh phúc muôn đời bên cạnh Ngài, là Kitô thật và là Vua thật của chúng ta.

* 3. Cơn cám dỗ cuối cùng

Vua Cảnh Công nước Tề, một hôm lên chơi núi Ngưu Sơn. Nghĩ rằng có ngày sẽ phải chết và giang sơn gấm vóc lại lọt vào tay kẻ khác, vua liền trào nước mắt tiếc thương. Đoàn tuỳ tùng thấy vua khóc cũng khóc theo. Duy chỉ có Án Tử là chúm miệng cười. Vua chau mày hỏi:

- Tại sao người ta ai cũng khóc cả, mà nhà ngươi lại cười?

Án tử trả lời:

- Nếu các vua đời trước mà sống, thì vua ngày nay hẳn còn phải mặc áo tơi đội nón lá. Nhờ thế sự thăng trầm mà nay đến lượt vua được mặc áo gấm, đội mũ ngọc. Thế mà vua lại khóc. Thấy đấng làm vua bất nhân, bầy tôi siểm nịnh, tôi không cười sao được?

*

Vua trần gian có thần dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan.

Chúa Giêsu trái lại, Người không làm vua theo kiểu thường tình ấy. Người đã khẳng định: "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 18, 36). Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay sẽ nói lên tính cách Vương Quyền ấy của Người.

Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái, của lính tráng, của bản án treo trên thập giá, đã nói!ên vương quyền của Chúa Giêsu: "Hắn đã cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấâng Ki tô của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa tuyển chọn" (Lc 23, 35). "Đấng Kitô" chính là người được xức dầu, là tước hiệu của vua. "Người Thiên Chúa tuyển chọn" chính là tước hiệu Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành đã nói lên vương quyền của Người: "Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi" (Lc 35, 42).

Tuy nhiên, nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không để ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không "xuống khỏi thập giá" cách ngoạn mục, nhưng đã "kéo mọi người" lên với Người (Ga 13, 32). Người đã không "cứu lấy chính mình", nhưng đã "cứu lấy mọi người" khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người.

Người đã sẵn lòng chịu chết giữa hai tên gian phi, như lời Kinh Thánh rằng: "Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân" (ls 53, 12). Người đã hoà mình trong đám người tội lỗi, đã chịu chung số phận của họ, Người đã sống và đã chết giữa đám tội nhân, như lời đồn đại về Người: "Bạn của người thu thuế và phường tội lỗi" (Mi 11, 19).

Vâng, vương quyền của Người không cai trị bằng sức mạnh biểu dương, nhưng chinh phục bằng "khối" tình yêu thương. Chính vì thế mà Người đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng, là lời thách thức xuống khỏi thập giá, để sẵn lòng chịu chết hầu cứu chuộc con người tội lỗi, chính là thần dân của Người,

Thần dân đầu tiên mà vị Vua có vương miện là mão gai, và ngai vàng là gỗ thánh giá đã chinh phục, chính là người trộm lành. Giữa lúc những kẻ trước đây tung hô vạn tuế nay lại nhạo báng Người, giữa lúc các môn đệ thề sống chết với Người nay lại bỏ trốn hết, thì chỉ có một mình anh, người trộm lành, lên tiếng bênh vực Người: Anh mắng người trộm dữ: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái!" (Lc 35, 40-41). Anh tỏ lòng kính sợ Chúa và ăn năn sám hối, đó là thái độ của người sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.

Hơn nữa giữa lúc chương trình của Chúa Giêsu dường như thất bại, không còn hy vọng cứu vãn; giữa lúc thập tử nhất sinh, gần kề cái chết, thì chỉ mình anh, người trộm lành, đã tin vào Chúa, tin vào sự sống đời sau, và tin vào vương quyền của Người. Anh cầu nguyện: "Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Người nhận lời tức khắc: "Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 35, 43).

Một lời hứa mà Người chưa hề ban cho ai dù đó là người thân tín và yêu quí nhất của Người.

Một lời hứa được thực hiện ngay tức thì, không đợi đến sáng phục sinh hay ngày thế mạt.

Một lời hứa đi vào vương quốc của những người công chính, qui tụ quanh vua Giêsu vinh hiển.

Lời hứa ban hạnh phúc cho anh trộm lành chính là cuộc sống thân mật với Vua Giêsu, mà anh đã chia sẻ số phận của Người trên thập giá. Cuộc đời của anh tưởng chừng như vĩnh viễn khép lại, nhưng chỉ với một chút niềm tin trong anh bừng sáng, một lòng sám hối chân thành, đã khiến cửa trời rộng mở, đón tiếp anh thênh thang bước vào. Chính từ khi anh trộm lành nhận ra người tử tù bị đóng đinh là vua trời, nhận ra sự sống trong cõi chết, phục sinh trong tử nạn, thì Vua Giêsu tiếp tục lan rộng cuộc chinh phục đến viên đại đội trưởng khiến ông cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: "Người này quả thật là công chính" (Lc 23, 48).

Và trong suốt 2000 năm qua, Người vẫn luôn đón nhận vào trong vương quốc tình yêu của Người; những thần dân biết duy trì tinh thần hiệp nhất, phục vụ và yêu thương. Chỉ những ai biết sám hối ăn năn, tin nhận vào quyền năng và tình thương của Chúa như anh trộm lành, môi được vào trong vương quốc của Người. Chỉ những người biết kính sợ Thiên Chúa và tin tưởng vào sự sống đời sau mới được ban cho Nước Trời.

*

Lạy Chúa, xin cho đức tin chúng con đủ mạnh để thấy Chúa không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Người.

Xin dạy chúng con luôn cộng tác với Chúa để xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống này, nhờ biết đẩy lui sự dữ trên địa cầu, trong khi kiến tạo an bình và yêu thương. Amen. (Thiên Phúc)

* 4. Hai tên gian phi

Các sách Tin Mừng ghi nhận rằng cùng bị đóng đinh chung với Chúa Giêsu hôm ấy còn có hai tên gian phi. Phần Tin Mừng theo thánh thì phân biệt có một người đã sám hối, còn người kia thì không. Chúng ta hãy xem xét từng người.

Trước tiên là tên gian phi không sám hối. Hắn chẳng còn tình cảm, chẳng còn lương tri, chẳng còn nhân tính gì nữa cả. Bởi vì tới lúc sắp chết mà hắn cũng không chút hối hận. Ngay cả Chúa Giêsu cũng chẳng thể cứu hắn. Thực vậy, chẳng ai có thể cứu được người không chịu để cho mình được cứu. Tấm lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn có sẵn đấy, nhưng tối thiểu con người phải muốn đón nhận. Oscar Wilde viết: "Kẻ đang ở trong tình trạng nổi loạn không thể nhận được ơn sủng".

Chúng ta nhìn sang tên gian phi sám hối. Nhiều người đã nghĩ rằng người này được cứu độ dễ dàng quá: sau một đời tội lỗi, anh ta chỉ cần nói với Chúa Giêsu một lời thôi thì được tha thứ hết. Anh đã ăn trộm mọi thứ, và cuối cùng lại ăn trộm luôn thiên đàng nữa. Có người khắt khe nghĩ rằng ít ra Thiên Chúa phải bắt anh ta ở trong luyện ngục một thời gian nào đó mới phải.

Thực ra nếu tìm hiểu kỹ trường hợp anh ta, chúng ta sẽ thấy rằng anh đã làm được một việc không phải là nhỏ và cũng không phải là dễ:

Khi bị treo trên thập giá, anh không buông theo khuynh hướng xấu có sẵn trong mình mà bực bội và bất mãn để rồi có những phản ứng như tên gian phi kia, là thù người và hận đời rồi chửi bới lung tung. Thay vào đó, anh nhìn lại chính cuộc đời của mình. Anh đã thấy gì? Thấy cả đời anh chỉ là một đống rác rưởi chẳng có chút gì tốt cả. Từ đó anh ý thức rằng mình đã làm hỏng tất cả: không phải chỉ làm hỏng nhiều việc, mà còn làm hỏng chính cuộc đời mình. Anh biết tội mình, anh nhận trách nhiệm về đời mình.

Sau đó anh lên tiếng can gián tên gian phi kia đừng chửi rủa Chúa Giêsu nữa. Và anh quay sang kêu xin Ngài "Ông Giêsu ơi, khi nào Ông vào Nước của Ông, xin nhớ đến tôi".

Người ta vẫn có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác chứ không chịu nhận trách nhiệm vào mình. Chuyện gì cũng nói "tại cái này", "bị cái khác", "do người này", "vì người nọ" v. v. Nhiều người còn viện vào khoa tâm lý mà ngụy biện rằng chẳng có gì là tội thực sự cả, tất cả chỉ do hoàn cảnh đẩy đưa; con người bị tác động bởi nhiều động cơ vượt tầm kiểm soát của mình.

Người gian phi sám hối bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài nhiều lắm chứ: những đau đớn thể xác làm anh khó chịu, những tiếng la ó của dân chúng làm anh tự ái, án tử hình thập giá làm anh nhục nhã… Những thứ ấy đều xúi anh nổi loạn. Ngoài ra cái chết gần kề cũng xúi anh thất vọng: tới giờ phút này còn hy vọng gì sửa đổi tình thế được nữa; vả lại tội anh đã quá nhiều và quá rõ...

Có thể sám hối được trong hoàn cảnh như thế không phải là một việc dễ. Tuy nhiên anh đã sám hối. Việc sám hối ấy đã mang lại cho anh chẳng những ơn tha thứ, mà còn cả thiên đàng.

Người gian phi sám hối dạy cho chúng ta biết rằng: không bao giờ là quá trễ để quay về với Chúa, không tội nào là quá nặng để không được thứ tha, bao lâu ta còn thở là ta còn cơ hội để hưởng lòng thương xót Chúa.

* 5. Chúa Giêsu là vua như thế nào?

a. Làm vua có thể có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải có đất đai, lãnh thổ, có quân đội, triều đình... mới là vua. Người ta vẫn nói: «vua dầu lửa», «vua xe hơi», «vua bóng đá», v. v... mặc dù những ông vua này không có quân đội, không cai trị ai. Chúa Giêsu không những làm vua hiểu theo nghĩa bóng, mà đích thực Ngài là vua hiểu theo nghĩa đen, nghĩa chính thức của từ «vua».

Trước hết, Ngài là vua, vua của cả vũ trụ, của cả trần gian, của cả nhân loại, vì Ngài chính là Ngôi Lời, một trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật trong vũ trụ. Thánh Kinh viết: «Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành» (Ga 1, 3; xem 1, 10). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày chung cuộc, chính Ngài sẽ là người đến phán xét trần gian với tư cách một vị vua (Mt 25, 34).

Thế gian này có nhiều nước, mỗi nước có một ông vua. Nhưng Ngài là vua cả thế gian, cả vũ trụ, nên Ngài là Vua trên hết các vua, là Vua của muôn vua.

b. Đức Kitô là vua. Nhưng Ngài khác với các vua khác ở chỗ: để cai trị, các vua khác dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Thật vậy, Ngài yêu thương mọi người, mọi con dân của Ngài như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (xem Ga 10, 11-16). Ngài hành xử như thế vì Ngài là Thiên Chúa, mà «Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4, 8). Trong thực tế, Ngài đã hy sinh chết trên thập giá một cách khổ nhục để cứu nhân loại, là con dân được Thiên Chúa trao cho Ngài quyền cai trị.

c. Chúa Giêsu không chỉ là vua vũ trụ, vua của cả trần gian, mà Ngài còn là vua của tâm hồn mỗi người. Vì yêu thương, vị vua ấy ngự ngay trong thâm cung tâm hồn của mỗi người để sẵn sàng thi ân giáng phúc, ban sức mạnh, thánh hóa, làm cho họ ngày càng tốt đẹp, mạnh mẽ và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, Ngài có làm được điều đó hay không còn tùy thuộc vào sự tự do chấp nhận và sự tự nguyện cộng tác của chúng ta. Ngài sẽ không làm được gì cho chúng ta nếu chúng ta không muốn Ngài làm, hoặc nếu chúng ta hoàn toàn thụ động không cộng tác gì vào công việc mà Ngài muốn làm cho ta.

Để Ngài có thể hành động biến đổi ta nên tốt đẹp, mạnh mẽ, thánh thiện hơn, ta cần tôn Ngài làm vua tâm hồn mình, bằng cách:

Trước tiên, phải thường xuyên ý thức về sự hiện diện của Ngài ở trong ta.

Kế đến là ý thức rằng Ngài là tình thương, Ngài yêu thương ta hơn tất cả mọi người, và sẵn sàng làm tất cả những gì ta cần cho sự phát triển và hạnh phúc của ta.

Đồng thời ý thức Ngài là sức mạnh toàn năng, có thể thực hiện tất cả những gì Ngài muốn nơi ta.

Vì thế, ta nhường quyền làm chủ bản thân ta cho Ngài, để Ngài hoàn toàn làm chủ bản thân ta. Ta không còn hành động theo ý riêng ta nữa, mà hoàn toàn hành xử theo ý của Ngài.

Vì Ngài yêu thương ta, sáng suốt và khôn ngoan hơn ta rất nhiều, lại có khả năng làm tất cả những gì Ngài muốn, nên ta hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh của ta cho Ngài.

Và cuối cùng là luôn luôn sống trong bình an, hạnh phúc của một người được Đức Kitô yêu thương và phù trợ. Hãy hưởng niềm hạnh phúc của một người được Vua của cả trần gian này yêu thương và quan tâm săn sóc. Hãy tin tưởng và luôn luôn an tâm rằng nhờ quyền năng của Ngài, tất cả những gì xảy đến cho ta đều hết sức có lợi, đều trở nên vô cùng tốt đẹp cho ta, cho dù hiện nay ta chưa hiểu rõ.

Nắm vững điều đó, ta sẽ thấy có Đức Kitô ngự trong tâm hồn mình là như có được một «cây đèn thần» trong tay, một «bùa hộ mạng» an toàn, một «vị thần bảo trợ» hữu hiệu, một «người tình chung thủy» luôn luôn ở với ta suốt cuộc đời. Lúc đó ta sẽ sung sướng cảm nghiệm được như thánh Phaolô: «Tôi làm được tất cả mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4, 13). (Nguyễn chính Kết)

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, khi bị đóng đinh trên thập giá, người trộm lành đã thưa với Chúa Giêsu: Lạy Ngài, khi vào Nước Ngài, xin nhớ đến tôi. chúng ta cũng mượn lời khẩn cầu ấy để thân thưa với Thiên Chúa là Cha chúng ta:

1. Hội thánh là một bà mẹ hiền / yêu thương hết thảy mọi con cái của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử luôn nhớ đến những người nghèo khổ bất hạnh / và tìm mọi cách giúp họ sống xứng nhân phẩm của mình.

2. Chúa Giêsu Kitô là vị Vua đem lại hòa bình thật sự cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa tiêu diệt mầm mống chiến tranh / hận thù và bạo lực / để hết thảy mọi người được an cư lạc nghiệp.

3. Hiện nay / có một số anh chị em tận tụy hy sinh / phục vụ những người bị nhiễm HIV / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ những sứ giả của tình thương / đang xả thân vì đồng loại của mình.

4. Chúa Giêsu là vị Vua nhân ái / luôn chia sẻ mọi vui buồn với thần dân của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn tin tưởng và phó thác cuộc đời cho vị vua đầy lòng nhân ái này.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương mà Chúa đã chết trên thập giá để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con cũng biết yêu thương và giúp đỡ hết thảy mọi người như Chúa đã luôn luôn yêu thương và không ngừng nâng đỡ chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ

- Trước kinh Lạy Cha: Trong ngày lễ kính Chúa Giêsu là Vua hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin cho Nước Chúa mau trị đến trong cõi lòng mọi người.

- Trước rước lễ: Vua Giêsu đã thương mời chúng ta đến dự tiệc của Ngài. Chúng ta hãy đến dự tiệc thánh trong tâm tình biết ơn và cảm mến. "Đây Chiên Thiên Chúa..."

VII. Giải tán

Trong khi chờ đợi ngày Chúa Giêsu hoàn toàn làm Vua toàn thể nhân loại, mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm một công dân xứng đáng của Nước Chúa, đó là hằng ngày thực hiện giới luật yêu thương.

 

5. Vua Thương Xót – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay, đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ, cũng là ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót, năm mà khi suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra rằng số phận của thế giới không nằm trong tay con người, nhưng trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Các bài đọc Kinh Thánh vừa được công bố có cùng một chủ đề là vị thế trung tâm của Chúa Kitô. Người là trung tâm của tạo dựng, trung tâm của dân Chúa và trung tâm của lịch sử, là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, là vị Vua từ bi, thứ tha và hay thương xót.

Hướng nhìn lên đồi Calvariô nơi treo Chúa Giêsu Kitô trên cây Thánh Giá, chúng ta khám phá ra Vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng vì đàn chiên, thương xót, tha thứ và cứu vớt tội nhân. Tấm bảng trên đầu có ghi: "Người này là vua dân Do thái" (Lc 23,38). Điều Philatô đã viết là đã viết. Hình khổ Vua chịu thật là khủng khiếp, mặt mày biến dạng. Thế mà Người lại là vua ư? Sao có thể thế được? Người là Vua những gì?

Câu trả lời: Chúa Giêsu không là vua của những gì hết. Ngài là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua. Thực tế xem ra khó chấp nhận, vì người ta muốn biến Chúa Giêsu trở nên trò cười khi mặc cho Người áo đỏ và đội mão gai.

Các bản văn phụng vụ trình bày vương quốc của Chúa Giêsu như một bức tranh đầy ấn tượng. Người là Chúa Cứu Thế đã được xức dầu (x. 1Col 1, 12-20), là Vua duy nhất của vũ hoàn, Vua khiêm nhường, Vua quyền năng. Nhưng Vương quốc của Vua Giêsu không lại thuộc về thế gian này. Vương quốc của sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và tràn đầy ân sủng, Vương quốc yêu thương, công lý và an bình. Một vương quốc được sinh ra từ Máu và nước từ cạnh sườn đâm thủng của Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Giá thẳng đứng trong vinh quang. Ngai vàng, gợi lên những sự khiêu khích. Ba lần Chúa Giêsu bị hỏi: "Nếu ông là Đấng Kitô" (x. Lc 23, 35-43). Mỗi nhóm cáo buộc Người đều hỏi về tình trạng cá nhân của chính Người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo mong đợi Người Thiên Chúa tuyển chọn nên hỏi: "Nếu ông là Đấng Kitô "(Lc 23, 35). Những tên lính bảo vệ sức mạnh của Đế chế La-mã thách thức Người:"Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi"(Lc 23, 38). Một tên trộm cướp cùng bị đóng đinh cũng kêu lên trong đau đớn nhằm thoát khỏi cái chết: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa" (Lc 23, 40). Họ khác nhau về địa vị, nhưng lại giống nhau ở điểm thách thức Chúa: "Ông hãy tự cứu mình đi!" Như thể thách Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá để chứng minh vương quốc của mình! Đây là cơn dám dỗ cuối cùng. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến thế gian để biểu dương sức mạnh cho ta thấy. Người đến để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha và nhân loại với nhau, đồng thời ban lại cho chúng ta tự do đã bị đánh mất vì tội, nhất là trao ban cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là yếu đuối hay đầu hàng, nhưng là ánh quan mạnh mẽ, hào hùng của tình yêu toàn năng của Chúa Cha, Đấng chữa lành những yếu đuối của chúng ta, nâng chúng ta dậy từ chõ vấp ngã và kêu gọi chúng ta làm điều thiện. Khi chịu treo thên thập giá Chúa Giêsu đã mạc khải vinh quang của Người, Người là Con Chiên bị sát tế để xóa tội trần gian.

Giữa những lời nhạo báng và thách thức, có một lời công nhận vương quốc của Thiên Chúa. Tên trộm lành, một trong hai kẻ chịu cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu, đã hiểu được Vua Giêsu là thế nào, nên anh thưa với Chúa bằng giọng điệu van xin: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi" (Lc 23,42). Câu trả lời bảo đảm và đầy an ủi của Chúa Giêsu đối với anh: "Ta bảo thật người: ngay hôm nay, người sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23,43). Chúa Giêsu là Vua, một vị Vua chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án.

Vương quốc của Vua Giêsu không hão huyền, trừu tượng, vương quốc ấy có mặt ngay hôm nay, nơi Chúa Kitô hiện diện. Như vậy, bản cáo trạng chống lại Chúa Giêsu viết, "Đây là Vua dân Do Thái" là thật trớ trêu, bởi từ trên thập giá vương quốc của Chúa Giêsu Kitô tỏa sáng vinh quang. Cái chết của Người trên thập giá là hành động đẹp nhất chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Cùng với thánh Phaolô "chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp…trong cõi đầy ánh sáng". Và bày tỏ lòng biết ơn vì: "Người giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1, 12-20). Nhờ sự chết của mình, Vua Giêsu đã hòa giải tất cả mọi sinh linh; "Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá", Người đã đóng ấn một giao ước muôn đời. Khi phục sinh, Chúa Cha đã tôn phong Người làm Vua và là "Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại", "Người là đầu của thân thể, nghĩa là đầu Hội Thánh."

Ai sẽ loan báo cho thế giới vương quốc của Chúa Giêsu, nếu không phải là những chi thể của Thân Thể Người? Một vị vua được thiết lập chỉ để ngưỡng mộ và tôn thờ, sứ mạng của vị vua ấy sẽ vô hiệu.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Kitô có phải là Vua và là Chúa của đời tôi không? Ai hiển trị trong tôi, Chúa Kitô hay ai khác? Theo thánh Phaolô, có hai con đường có thể để sống: "hoặc cho mình hay cho Chúa" (x. Rm 14:7-9), vậy tôi sống cho chính mình hay sống cho Chúa?

Lạy Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ Vua Tình Yêu. Xin thương xót chúng con, xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, mọi vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.

home Mục lục Lưu trữ