Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1374121

LỀ LUẬT MANG DÁNG ĐỨNG TÌNH YÊU

Lề luật mang dáng đứng tình yêu

(Suy niệm của Lm. Giuse Trương Đình Hiền)

 

Sau khi dân Ít-ra-en được Mô-sê dẫn ra khỏi đất Ai Cập, thoát khỏi cuộc đời lầm than nô lệ, thì Thiên Chúa muốn họ hướng về tương lai trong một niềm hy vọng ngút ngàn để xây dựng cuộc đời mới trong tự do, tươi sáng.

Và để làm nền tảng cho cuộc sống mới của Đoàn Dân Được Tuyển Chọn, Chúa đã trao ban cho họ một “bảng hiến pháp” tuyệt vời, đó là MƯỜI ĐIỀU RĂN, mà Ngài đã long trọng khắc ghi vào bia đá, giao cho Mô-sê từ trên đỉnh núi Si-Nai trong khung cảnh uy hùng khói bốc, lửa dậy.

- Kể từ đây, họ sẽ được tự do thờ phượng một Thiên Chúa đích thực mà không còn phải nô lệ cho những thần tượng giả tạo hay những thứ mê tín dị đoan của người Ai Cập và dân ngoại. (Điều răn I)

- Kể từ đây, họ sẽ chọn Thiên Chúa là Cha đang đồng hành và hiện diện giữa họ, để họ có thể gặp gỡ và thân thưa cách thân tình, phụ tử, chứ không còn là một thần tượng xa vời, kết buộc con người bằng những lời thề thốt giả tạo. (Điều răn II).

- Kể từ nay, họ có một ngày nghĩ lễ Sabat tuyệt vời trong tuần để dành riêng thờ Chúa và sống đậm đà tình huynh đệ cộng đoàn, chứ không phải nơm nớp lo sợ cúi đầu để thờ phượng lung tung những thần tượng trống rỗng và bị trói buộc mỗi phút mỗi giây trước những quyền lực phù phiếm và trần tục. (Điều răn III)

Do Thái không còn có thể xảy ra việc giết người, ngoại tình, trộm cướp, làm chứng gian, cáo tội đồng loại… (Các điều răn V, VI, VII, VIII)

- Kể từ nay trong cộng đồng và trong xã hội Do Thái không ai còn nghĩ đến chuyện ham muốn nhà cửa hay mê vợ của kẻ khác, hoặc muốn chiếm hữu tớ trai tớ gái hoặc bò lừa và bất cứ vật gì của người đồng loại… (Điều răn IX, X)

Đây quả thật là giấc mơ cho tương tai hoàn toàn được giải phóng và tự do, giải phóng khỏi sự sợ hãi của những tộc ác và tự do khỏi những cơn cám dỗ, khỏi những khuynh hướng làm ác.

Nhưng rồi, qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, cho tới thời Chúa Giêsu, Bản Luật Mười Điều Răn đó, đã được người Do Thái chú giải, bày đặt, thêm thắt thành hàng ngàn khoản luật nhỏ, đến độ biến thành một “mớ bòng bong lề luật” truyền khẩu chi li, rườm rà, gần như che khuất hết vẽ đẹp rạng ngời và trong sáng thánh thiện của Mười Điều Răn. Thay vì Giới Luật của Chúa nhằm để giải thoát và cho con người được tự do trong tình yêu, lề luật đã trở thành những thứ giây chằng chịt trói buộc, biến mối tương quan giữa người và Thiên Chúa trở nên xa cách và người với người trở nên lạnh lùng.

Vì luật họ để mặc những anh chị em bịphung cùi chết dần chết mòn trong hoang mạc với cuộc sống hoàn toàn bị cách ly, gạt bỏ.

Vì luật, họ chẳng thèm giao tiếp với những anh chị em thu thuế, những người Samari, những bà con lương dân thấp cổ bé miệng.

Vì luật họ khinh thường và loại trừ những hạng người như cô gái làng chơi Maria Mađalêna, hay chàng Gia-kê trưởng ty thuế vụ, hoặc người mù từ lúc mới sinh lê lết bên bờ cuộc sống…

Họ đã biến tôn giáo mặc khải trở thành tôn giáo của luật lệ, và biến lề luật trở thành những chữ viết vô hồn trong sách vở của họ hay trên những tua áo họ mang trên mình mà hoàn toàn không còn chút sức sống của tình yêu, của con tim để dành cho Thiên Chúa là Cha và cho mọi người là anh em.

Chính Đức Ki-tô đã phê phán nặng nề thái độ nầy của đám biệt phái, luật sĩ đương thời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15,3)

Đức Ki-tô đã đến để đem lại sức sống và vẽ đẹp tuyệt vời cho lề luật. Hôm nay, Ngài chính thức tuyên bố với những tay biệt phái bảo thủ, từng theo dõi mọi lời rao giảng và mọi hành vi của Ngài, những điều mà họ hoàn toàn dị ứng với nếp nghĩ và ứng xử tôn giáo của họ.

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”

Và điều cốt yếu mà Đức Ki-tô muốn thiết lập để kiện toàn Lề Luật đó chính là Tình Yêu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và Tình Yêu đối với con người. Mọi luật lệ đều phải quy chiếu vào nội dung cơ bản nầy. Đức Ki-tô muốn những ai là môn sinh của Ngài phải chu toàn Lề Luật trong tinh thần đó:

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Sự công chính mới mà Ngài muốn các môn sinh của Ngài thực hiện không được dừng lại trên việc tuân thủ cách hình thức và đúng mực theo quy định của Lề Luật ; nhưng tiên vàn đó là thái độ tinh thần và con tim làm nền tảng và định hướng cho mọi ứng xử.

Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình…

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…

Qua những lời tuyên bố cụ thể đó, Chúa Giê-su muốn nội tâm hóa lề luật, để con người không chỉ dừng lại trước việc thực thi và tuân thủ máy móc; nhưng là phải có một trái tim, một tinh thần, một tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân.

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: "Ai yêu thương thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8) và thánh Augustinô cũng nhắc nhở: "Bạn hãy yêu thương đi rồi làm theo ý bạn muốn” (Ama et fac quod vis).

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà “luật lệ thì đầy dẫy”, nhưng người ta chỉ muốn xài “luật rừng”.

Luật cấm giết người ai mà không biết. Nhưng mỗi ngày có biết bao nhiêu vụ giết người man rợ đã xảy ra. Vào đúng ngày Lễ Tình Nhân hôm qua (14/2/2014), tại Đà Nẵng đã xảy ra một vụ án mạng kinh khủng. Một chàng thanh niên đã đâm chết người yêu rồi nhảy lầu tự tử.

Luật thương mại, sản xuất có đầy đấy chứ. Nhưng ngoài thị trường hàng giả, hàng nhái đầy dẫy. Luật giao thông có đấy, nhưng hàng ngày biết bao tai nạn thương tâm vì người ta bất cần luật…

Luật cấm mê tín dị đoan có đấy chứ. Nhưng từ cán bộ trung ương đến hàng hàng lớp lớp dân chúng thay nhau mà cướp ấn của Đền Trần trong ngày hội khai ấn vừa qua tại Ninh Bình để mong được cầu tài và phúc lộc vật chất, cho dù phải dẫm đạp lên nhau, sống chết mặc kệ.

Phải chăng vì con người hôm nay đã đánh mất cái tâm, cái tinh thần tương thân tương ái, cái trái tim để yêu thương và tương kính lẫn nhau.

Như vậy, chúng ta, những người được chính Đức Ki-tô dạy bảo: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”, chúng ta phải là chứng nhân cho một thế giới mới, một thế giới được giải thoát khỏi những u mê lầm lạc của mê tín dị đoan và nô lệ cho những thần tượng giả mạo ; một thế giới đầy tình huynh đệ yêu thương trong mái nhà của con cái cùng một Cha chung duy nhất.

Và con đường để thực thi đời sống chứng tá đó không gì khác là cùng nhau tuân giữ và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa trong tinh thần yêu thương mà Đức Ki-tô đã dạy. Nói cách khác, luật của người Kitô hữu là luật mang dáng đứng tình yêu.

 

 

 

 

 

25. Bỏ qua – Lm Vũ Đình Tường

 

Bỏ qua để vui sống là điều cần trong cuộc sống và đây cũng là cái khôn của người xưa. Người xưa dậy mắt đền mắt, răng đền răng và không được phép làm hơn thế. Mục đích là ngăn cấm hành động trả đũa quá đáng. Hành động trả đũa thường bắt đầu bằng cá nhân, cá nhân lôi bè, kéo cánh trả đũa sự việc trở nên khủng khiếp hơn. Lúc đó sẽ không còn cảnh răng đền răng mà răng đền mạng. Giới hạn trả đũa, ngăn ngừa nội chiến trong tộc.

Để hiểu hơn điều Đức Kitô dậy chúng ta cần lần mò một chút văn hoá người xưa. Ai vả má phải hãy đưa má trái cho họ. Vả má người đối diện bẳng lòng bàn tay vì thuận tay nhưng khi không thuận tay nên phải vả má kia bằng lưng bàn tay. Phong tục lúc đó ai vả má người khác bằng lưng bàn tay là hành động của người mất trí. Hành động thiếu tự chủ đáng khinh bỉ. Nạn nhân trở thành người được xã hội bênh dỡ, thông cảm, còn kẻ vả má người bằng lưng bàn tay bị kết án. Việc vả má biểu lộ nội tâm của người đó. Họ là người hành động khôn ngoan, chừng mực hay thô lỗ, tục tằn.

Người xưa đo đường bằng bước chân vì thế quân đội Rôma có thể bắt dân khuôn vác dùm trong vòng một ngàn bước. Nếu muốn phải nhờ người khác. Để cho vác đi hơn một ngàn bước người lính mắc lỗi. Mục đích của luật là ngăn cấm lạm dụng quyền hành.

Hãy cho vay và đừng mong trả. Hiểu theo mạch văn này thì sẽ không ai cho vay. Luật lúc đó cho biết hạn trả nợ là bảy năm. Sau bảy năm mà không trả nổi thì coi như xoá bỏ. Vì thế đến năm thứ năm hay thứ sáu chủ nợ làm dữ trước hạn bảy năm. Sáu năm trả lời đã quá mức mượn ban đầu nếu tiếp tục, mượn một trả thành ba hay bốn. Người xưa không mượn tiền mua nhà, đất mà mua thực phẩm nuôi gia đình. Mượn thức ăn nuôi thân mà bảy năm trời không trả nổi quả đáng thương. Chủ nợ đòi riết quả là nghèo lòng xót thương, đói bác ái. Vay thì phải trả nhưng vay thực phẩm, trả không nổi, còn gì để bắt, ngoài bắt người trừ nợ.

Ba ví dụ trên cho thấy Đức Kitô dậy con người sống yêu thương, thông cảm hoàn cảnh khó khăn của anh chị em khác. Đó chính là luật yêu thương Ngài công bố cho toàn dân: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau (Ga 13,34)

Luật yêu thương tóm gọn luật của tổ phụ Môsê dậy trong Mười Điều Răn nhận từ núi thánh. Luật yêu thương mở ra chân trời mới, đưa ra cái nhìn mới hướng dẫn lương tâm con người sống thứ tha, thông cảm và biết thương đến anh em đồng loại, thông cảm với kẻ khốn cùng, tha thứ cho kẻ làm lỗi, kẻ đói cho ăn, khát cho uống, rách cho mặc. Luật yêu thương đặt căn bản trên con tim. Người biết tha thứ là người mạnh. Có thể không mạnh thể lực mà mạnh về tâm linh, mạnh về lí trí. Sức mạnh nội tâm giúp vượt thắng cám dỗ trả đũa. Sức mạnh này giúp ta tự làm hoà với ta trước sau đó dẫn đến hành làm hoà cùng anh em. Sức mạnh nội tâm giúp ta nhìn rõ sự việc, cân nhắc phải trái khi chọn lựa. Chọn tha thứ là khôn ngoan hơn cả. Chọn bỏ qua để vui sống. Chọn tha thứ là chọn vứt bỏ gánh bực dọc để vui sống. Quảng gắng xong người thấy nhẹ nhõm, tinh thần bình an, lòng thoải mái.

Sống yêu thương giúp ta trở thành người biết thương người. Chỉ chủ nợ mới có thể tha, con nợ không thể tha. Trong yêu thương cũng thế biết thứ tha là biết làm chủ đời mình; không thể bực dọc gây đau khổ, vật vã, bực tức trong lòng, làm khổ mình. Không tha thứ là trói buộc. Tha thứ là giải thoát vì lòng họ thảnh thơi, an bình. Thiếu tha thứ sống đau khổ, tự trói buộc là làn mô lệ cho cái tôi. Không phải ai cũng có thể tha thứ mà chỉ những ai hiểu rõ luật yêu thương mới có thể tha thứ. Luật yêu thương bắt nguồn từ Đức Kitô, giáo huấn chính của Ngài. Để tha thứ cần ơn Chúa. Kết hợp với Chúa dễ tha thứ hơn sống theo thói tục.

Tha thứ không dễ vì phải thắng cái tôi, cái tôi càng lớn chiến đấu càng mãnh liệt, chiến đấu mãnh liệt sẽ có nhiều đau khổ nhưng đau khổ đó êm dịu vì cậy nhờ ơn Chúa. Một khi đau khổ qua đi tâm hồn thảnh thơi, lòng người thoải mái. Chiều theo cái tôi, trói buộc đau khổ kéo dài, cần nhiều thời gian để nguôi ngoai. Càng kéo dài đau khổ càng tăng, như thế trong hai cái đau chọn cái đau ngắn hạn tốt hơn, dại gì chọn đau dài hạn.

Tha thứ nối kết tình bạn, làm cho tình bạn nồng thắm hơn và tạo tin tưởng mãnh liệt hơn. Như thế tha thứ gắn liền với kết hợp với tình yêu Chúa.

 

 

 

 

 

26. Luật mới của Đức Giêsu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

 

Tạp chí Reader’s Digest, số xuất bản tháng 11 năm 1985 có đăng một truyện ngắn:

Đôi vợ chồng kia đã nhiều lần cãi nhau, và lần này, đang lúc hai người cãi nhau hăng say, thì người chồng đề nghị với vợ: “Thôi, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Bây giờ mỗi người hãy lấy giấy, viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống viết một câu. Người vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, liền hối hả viết liên hồi, dường như cố ý tranh với chồng, để kể ra nhiều tật xấu hơn. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng, và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.

Đến lúc không còn gì để viết nữa, hai người trao cho nhau bản kể tội của nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt của người vợ bỗng biến đổi vì xúc động. Bà vội vàng đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và tỏ thái độ làm hoà ngay với chồng. Trong tờ giấy của người chồng, bà chỉ đọc được có một câu duy nhất: “Anh yêu em!”.

Anh chị em thân mến,

Tình yêu chính là Luật Mới đã được Đức Giêsu công bố trong bài giảng trên núi: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”, nghĩa là Đức Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Nếu tình yêu chân thật là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người sẽ không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền tảng cho mối tương quan giữa người với người, thì sẽ không còn cảnh tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.

Luật mới của Đức Giêsu sẽ tạo nên những con người mới, một xã hội mới, tạo nên “Nước Trời”: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”. Trong một số ví dụ được Đức Giêsu đưa ra như giết người, gian dâm, bội thề… Luật mới không chỉ dừng lại ở những hành động tội ác, mà đòi hỏi phải đổi mới tận chiều sâu của tâm hồn, tận trái tim yêu thương:

- Trước kia, có huỷ hoại sự sống thể xác mới phải ra toà. Nhưng từ đây, chỉ mới có tâm tình giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã đủ để lãnh án nặng nề.

- Thậm chí chưa tích cực giải hoà với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng phải kể là không được liên hệ tốt với chính Thiên Chúa, không còn quyên dâng của lễ cho Thiên Chúa.

- Luật cũ xử phạt người có hành động ngoại tình. Từ đây, Luật mới đòi buộc phải trong sáng từ ánh mắt đến tận tâm hồn. Phải tôn trọng và lãnh trách nhiệm bảo vệ người bạn đời của mình.

- Luật cũ cấm phản bội lời thề. Luật mới đòi phải sử dụng lời nói thế nào trong cả đời anh, để người nghe, hiểu và nhận được lòng chân thành của anh, mà không cần anh thề thốt gì hết.

Do đó, chúng ta không lạ gì lối giữ đạo duy hình thức, vụ Lề Luật của các luật sĩ và các nhóm Biệt phái Pharisêu thời Chúa Giêsu, đã bị chính cuộc sống của Chúa Giêsu vạch trần là giả hình là “mồ mả tô vôi”: Giữ luật chi li, nhưng là để cho bản thân mình nổi danh đạo đức trước người khác và tự mãn nơi lòng mình. Tệ hơn nữa là hạng người mượn danh “luật Chúa” để kết án người có tội, người nghèo khổ, hoặc người mang bệnh tật. Và còn đáng Ngài phản đối nặng nề hơn nữa khi họ chủ trương bắt người khác cũng phải hoạ theo lối sống hà khắc của họ. Chính Chúa Giêsu đã bảo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

Anh chị em thân mến,

Luật mới là một “Giao Ước Mới”, một “hợp đồng tình thương” với những điều khoản được Chúa “ghi tạc tận đáy lòng, tận trái tim con người” (Gr 31,33). Ngôn sứ Êzêkiel còn diễn tả qua hình ảnh cụ thể hơn nữa: “Ta sẽ ban tặng các con một trái tim mới, Ta sẽ đặt vào lòng các con một tinh thần mới, Ta sẽ lấy trái tim chai đá ra khỏi lòng các con và ban tặng các con một trái tim thịt mềm biết yêu thương. Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các con để làm cho các con theo đúng luật của Ta” (36,23-27).

Đức Giêsu đã kiện toàn Luật của Thiên Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn đến từng chi tiết. Ngài đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa lấy con người làm đối tượng của tình yêu thương, khi đích thân Ngài, như một tên tử tội khốn nạn nhất, chết treo trên Thập giá, chỉ vì muốn nâng con người lên tận hàng con cái Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Nhập Thể không chỉ là mầu nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa làm con người mà còn là dấu chứng của tình yêu, cũng là bản thể Thiên Chúa đã dính chặt vào với mỗi con người của trần thế, đến độ bất cứ ai làm gì cho mỗi con người, đều làm cho đích thân Ngài, và bỏ qua không làm tốt cho con người, cho dù với mọi thứ lý do, sẽ chỉ đưa đến kết quả là: “Không được sống đời đời” (Mt 25,41).

Thưa anh chị em, Đạo của Chúa, Luật của Chúa là như thế đó. Nó nhằm mục tiêu cho mỗi người chúng ta hoà nhập vào dòng suối vô tận của tình thương vô biên, khơi nguồn từ Chúa Cha và thông qua Chúa Giêsu và nhờ Thánh Thần chuyển đến mỗi người chúng ta, đến với mọi người muôn thế hệ. Bởi vì chỉ có tình thương mới cho chúng ta góp phần xây dựng, phát triển hạnh phúc của con người anh em. Và chỉ có hạnh phúc của anh em, có chúng ta góp phần, mới cho chúng ta cảm nghiệm và dự phần hạnh phúc của Thiên-Chúa-Tình-Thương.

 

 

home Mục lục Lưu trữ