Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 31
Tổng truy cập: 1374671
LÊN NÚI VỚI CHÚA
LÊN NÚI VỚI CHÚA- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Thưa anh chị em,
Lịch sử cứu độ được tiếp nối bằng những cuộc ra đi. Dường như Thiên Chúa không muốn con người dậm chân tại chỗ.
Trong bài đọc I, Thiên Chúa kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi mà ông không hề hay biết.
Ngài ra lệnh cho Môisen đưa dân Israel ra khỏi đất Aicập, để trở về miền đất Chúa Hứa.
Ngài kêu gọi Êlia đi đến ngọn núi cao để nhận ra sứ điệp của Ngài.
Vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, Đức Giêsu cũng trời cao đi xuống đất thấp để cứu độ nhân loại, và sau khi hoàn tất chương trình cứu độ, Ngài lại trở về cùng Thiên Chúa Cha.
Theo truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần Linh với nhân loại, và những mặc khải quan trọng trong Kinh Thánh thường được diễn ra trên núi cao.
Ví dụ: Từ trên núi cao, Chúa hứa ban cho tổ phụ Abraham một dòng tộc đông như sao trời, như cát biển.
Từ trên núi Sinai, Thiên Chúa thiết lập Giao ước và ban lề luật cho Môisen, để ông truyền lại cho dân Israel.
Từ trên núi, Đức Giêsu công bố Tám mối phúc thật. Sau một ngày rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu cũng thường lên núi cầu nguyện một mình.
Tin Mừng hôm nay kể lại, Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín nhất riêng biệt lên núi cao vắng vẻ, để tỏ cho các ông thấy trước vinh quang của Ngài trong ngày phục sinh vinh hiển; đồng thời Ngài cũng hé mở cho các ông thấy trước cuộc khổ nạn và cái chết đau thương Ngài sắp trải qua.
Qua cuộc biến hình này, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho ba môn đệ và báo trước cho các ông thấy con đường Ngài sẽ phải đi, đi từ sự sống đến sự chết, từ đau khổ mới tới vinh quang phục sinh, và đó cũng là con đường tất yếu dành cho những ai muốn đi theo Chúa.
Từ trên núi Tabor, đang lúc Đức Giêsu biến đổi hình dạng, thì có tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống: “Đây là Con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”. Tiếng nói ấy không chỉ dành riêng cho ba môn đệ, nhưng còn dành cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô.
Từ trên núi cao, đang lúc nhìn thấy Đức Giêsu biến hình, ba môn đệ đã ngất ngây trong niềm hạnh phúc, đến nỗi ông Phêrô muốn cắm ba lều ở lại đó. Thế nhưng, Đức Giêsu không có ý đưa các ông lên núi để ở lại đó mãi mãi, mà còn phải xuống núi trở lại, đi tiếp con đường sẽ phải đi. Con đường có những niềm vui và nỗi buồn, nhưng hãy vững tin vì có Chúa luôn đồng hành thiêng liêng.
Anh chị em thân mến,
Trong đời sống đạo, trên hành trình đức tin, có những giây phút chúng ta cũng được lên núi cao với Chúa. Núi cao của những giờ tham dự Thánh lễ, núi cao của những giờ tĩnh tâm; núi cao của những chuyến đi hành hương; núi cao trong những giây phút cầu nguyện thân mật với Chúa. Nhưng chúng ta không lên núi cao để ở lại đây mãi, mà phải về lại với gia đình, về lại với bổn phận, về lại với cuộc sống thường ngày, đối diện với những thách đố trong cuộc sống.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi: tôi có thực sự muốn lên núi với Chúa không?. Nếu muốn thì trong Mùa chay thánh này, chúng ta siêng năng đến nhà thờ hơn trong việc tham dự thánh lễ và cầu nguyện. Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Đức Kitô không?. Nếu muốn thì phải bước theo con đường Chúa đã đi, đó là con đường hi sinh và từ bỏ, con đường đau khổ thập giá mới bước tới vinh quang đời sau.
Chúng ta không thể làm con yêu dấu của Chúa Cha, nếu chúng ta không cùng lên núi với Đức Giêsu. Chỉ khi nào chúng ta lên núi cầu nguyện với Đức Giêsu và được ơn Chúa biến đổi mỗi ngày, lúc đó chúng ta mới hi vọng trở thành con yêu dấu của Chúa Cha.
Xin Chúa thương củng cố đức tin còn yếu kém của chúng ta, để những vất vả khổ đau đang gặp phải trên đường đời, là những thánh giá Chúa an bài gửi đến, nếu chúng ta vui lòng đón nhận mọi gian lao đau khổ bước theo Chúa mỗi ngày, thì hi vọng mai sau đây chúng ta cũng được vào vào số những người Chúa chọn, và lúc bấy giờ sẽ nghe được lời Chúa Cha mời gọi: Đây con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta.
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY- A
HIỂN DUNG– Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Khi nhập thể làm người, Chúa Giê-su mang dung mạo con người, mang bản tính và khuôn mặt con người, hoàn toàn trở nên người phàm, ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, người đồng hương Na-da-rét gọi Ngài là “Bác thợ” (Mác-cô 6,3) hay là “con Bác thợ Giu-se, con bà Maria” (Luca 4, 22, Mat-thêu 13, 55) Ngoài ra, hầu hết người Do-thái đồng thời với Chúa Giê-su chỉ nhìn thấy khuôn mặt nhân loại của Chúa Giê-su mà thôi nên cho rằng Ngài chỉ là người phàm.
Nhờ cuộc hiển dung trên núi, ba môn đệ mới nhận ra Đức Giê-su là Thiên Chúa.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ biết Ngài sẽ lên Giê-ru-sa-lem để hiến thân chịu chết. Lời tiên báo nầy làm cho các môn đệ bấn loạn tinh thần.
Để củng cố tinh thần sa sút của các ông, nhằm giúp các ông vượt qua thử thách đau thương sắp đến và bền chí theo mình đến cùng, Chúa Giê-su bộc lộ cho ba môn đệ thân tín thấy chân tướng của Ngài: Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha.
Sự kiện nầy được thánh sử Mat-thêu thuật lại như sau:
“Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an …tới một ngọn núi cao. Rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Ngài.” … “Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!”
Vậy là nhờ biến cố hiển dung nầy, các môn đệ không chỉ nhìn thấy Chúa Giê-su là người phàm mà còn thấy Ngài là Thiên Chúa.
Tương tự như Chúa Giê-su, bên ngoài chúng ta mang thân xác phàm trần như bao nhiêu người khác, dung mạo bên ngoài của ta, những thói hư tật xấu của ta như một lớp vỏ bọc dày che khuất dung mạo người con Thiên Chúa nơi chúng ta. Trước mắt mọi người, chúng ta chỉ là người phàm không hơn không kém. Ngay cả bản thân ta đôi khi cũng không nhận ra có gì cao đẹp nơi mình. Tuy nhiên, tự bản chất chúng ta là những người con của Thiên Chúa. Tiếc rằng bản chất người con Thiên Chúa chưa được biểu lộ nơi ta.
Sự kiện hiển dung của Chúa Giê-su hôm xưa nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ rằng chúng ta không chỉ là thụ tạo thấp hèn, nhưng còn là con Thiên Chúa nữa. Ước gì đến một lúc nào đó, phẩm chất người con Thiên Chúa nơi chúng ta được hiển dung, để mọi người chung quanh có thể nhận ra những nét đẹp toả sáng trong đời ta, như ba môn đệ xưa thấy Chúa Giê-su toả sáng.
Ý thức mình là con Thiên Chúa để vươn lên.
Một người thợ săn bắt gặp một ổ trứng phượng hoàng trong khu rừng nguyên sinh. Anh đem ổ trứng ấy về nhà, trộn chung vào ổ trứng của gà mẹ đang ấp. Mấy tuần sau, một chú phượng hoàng con xinh đẹp chào đời và được gà mẹ dẫn đi ăn chung với đàn gà con bé nhỏ.
Phượng hoàng con lớn lên bên cạnh những con gà khác, luôn nghĩ rằng mình cũng thuộc nòi giống gà như những con gà cùng lứa, cùng cào bới rác rến kiếm ăn như những con gà khác.
Cho đến một ngày kia, phượng hoàng mẹ từ trên cao thình lình đáp xuống khiến cả đàn gà hoảng hốt chạy tán loạn. Phượng hoàng mẹ tiến đến gần phượng hoàng con, tìm cách dạy cho nó biết nó không phải là chú gà tầm thường, nhưng thuộc giống nòi phượng hoàng oai phong lẫm liệt.
Thế là từ hôm đó, phượng hoàng con ngẩng cao đầu, vươn cao cổ, bắt đầu xoè cánh tập bay và chẳng bao lâu, nó xoải rộng đôi cánh, phóng mình vút lên, bay lượn giữa khung trời cao xanh lộng gió, trông thật oai hùng.
Ban đầu, phượng hoàng con không ý thức mình là phượng hoàng mà tưởng mình chỉ là gà, nên nó sinh hoạt như những con gà khác, suốt ngày quanh quẩn trong sân gà vịt, moi móc rác rến kiếm ăn, nhưng một khi nó phát hiện ra mình không phải là thứ gà tầm thường mà là thuộc nòi giống phượng hoàng oai vệ, thì nó từ bỏ góc sân gà vịt, từ bỏ việc moi móc bới rác để xoải cánh bay lượn trên khung trời cao rộng, thì chúng ta cũng cần phải phát hiện ra mình là người con Thiên Chúa, không để mình bị vùi dập bởi những thói hư tật xấu, không đắm mình trong lối sống ươn hèn, nhưng chuyên chăm tập rèn những đức tính tốt, trau dồi cho mình những phẩm chất cao đẹp, để sống xứng tầm với người con Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Khi Chúa tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang sáng ngời của Chúa trong tư cách Người Con Một Thiên Chúa lúc ở trên núi cao, các môn đệ hết sức phấn khởi vui mừng và thêm vững tin vào Chúa.
Xin Chúa cho chúng con cố gắng tu thân sửa mình để cho dung mạo người con Thiên Chúa nơi chúng con được toả sáng, bằng đời sống bác ái huynh đệ, bằng hành vi phục vụ và yêu thương, nhờ đó, mọi người sẽ nhận ra chúng con tốt đẹp hơn, cao cả hơn, thánh thiện hơn, xứng với tầm vóc người con Thiên Chúa.
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY-A
VINH QUANG- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Để chuẩn bị chương trình cứu độ loài người, Thiên Chúa đã chọn ông Abram làm tổ phụ một dân tộc. Vào thời điểm đó, ông Abram và bà Sara còn hiếm muộn, vì tuổi đã cao mà chưa có con nối dòng. Thiên Chúa đã ban lời hứa: Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc (Stk 12, 2). Tổ phụ đã bước đi trong niềm tin phó thác và một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, ông bà đã rời quê hương xứ sở đi đến miền đất Chúa hứa. Ông Abram đã trải qua biết bao thử thách thăng trầm. Ông vâng lệnh Chúa một cách vô điều kiện, ngay cả khi Thiên Chúa muốn ông hiến dâng đứa con trai độc nhất làm hy tế. Qua sự trung tín, Abram đã được Thiên Chúa đổi tên thành Abraham. Abraham trở nên tổ phụ của tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Ông đã được Thiên Chúa đoái hoài ban cho có con đàn, cháu đống nối dòng trải qua muôn thế hệ từ đời nọ tới đời kia.
Dân tộc Do-thái thuộc dòng dõi của tổ phụ Abraham. Một dân tộc đã được Chúa yêu thương chăm sóc dẫn đường, nhưng cũng là một dân phải chịu nhiều sự đắng cay, khổ đau và thăng trầm nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng năm 1300 B.C., dòng dõi con cháu của tổ phụ Abraham đã rời nước Ai-cập để tiến vào Miền Đất Hứa. Năm 996 trước Công Nguyên, Vua Đavid đã chiếm hữu thành Giêrusalem và đặt làm thủ đô của vương quốc. Con của vua Đavid là vua Salômôn đã xây dựng Đền Thờ đầu tiên năm 950 B.C. để kính thờ Thiên Chúa. Năm 586 B.C., Đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy bởi Vua Nebuchadezzar và dân chúng đã phải chịu cảnh lưu đầy tại Babylon. Năm 515 B.C., con dân được trở về quê hương xứ sở để xây dựng lại Đền Thờ lần thứ hai. Khi Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng, Ngài đã tiên báo về sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem. Vào năm 70 A.D., Đền Thờ Giêrusalem đã bị tàn phá bình địa bởi Hoàng đế Titô và chỉ còn để lại bức tường than khóc ô nhục cho tới nay.
Trải qua 20 thế kỷ, dân tộc Do-thái chịu trăm ngàn thách đố dưới sự chiếm đóng và đô hộ của nhiều quốc gia. Dân chúng phải đi tản mác khắp nơi trên thế giới. Mãi tới năm 1948, Nước Do-thái mới được công nhận là một nước độc lập và tự trị. Giêrusalem trở thành thủ đô của nước Do-thái (State of Israel). Và nhờ sự qủa cảm dũng lực của thần dân Do-thía từ khắp mọi nơi trên thế giới, năm 1967, họ đã mở cuộc chiến tranh tấn công 6 ngày vào các nước lân bang của Israel, đã nới rộng và tái chiếm nhiều phần đất của tổ tiên thuở xưa. Gần 2 ngàn năm lưu lạc, giờ đây, dân tộc Do-thái đã chính thức được sống trên phần đất mà các tổ phụ đã dựng xây. Miền đất đã ghi dấu tất cả những giai đoạn thăng trầm qua thời các tổ phụ, các quan án, các vua, các tiên tri và hình thành lịch sử Ơn Cứu Độ. Chính trên miền đất này, Chúa Giêsu đã xuất hiện rao giảng Tin mừng cứu độ. Một ngày kia, Chúa đã đưa ba môn đệ lên núi Taborê và biến hình vinh quang trước mặt các ông. Thiên Chúa vẫn đoái thương con dân mà Người đã chọn: Ta sẽ ban phúc cho ai chúc phúc ngươi, và chúc dữ cho ai chúc dữ ngươi. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được diễm phúc” (Stk 12, 3).
Tất cả những lời giảng dạy uy quyền cùng với những phép lạ kèm theo đã chứng thật Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa đã hạ mình nhập thể mặc lấy thân xác loài người để cư ngụ giữa chúng ta. Chúa biến hình là trở về tình trạng nguyên thủy của Đấng là trung gian vạn vật. Chúa đã muốn mạc khải bản tính Thiên Chúa cho các môn đệ. Người đã tỏ hiện vinh quang cao cả đích thực: Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết (Mt 17, 2). Chúa biến hình là để củng cố niềm tin và khai mở mầu nhiệm về sự sống vĩnh cửu cho các tông đồ. Nhưng rồi Chúa Giêsu không dừng lại trong sự biến hình vinh quang sáng láng, Ngài còn phải xuống núi dấn thân hoàn tất con đường thánh giá khổ đau để cứu độ nhân loại. Đây chỉ là một khoảnh khắc hé mở một niềm hy vọng vinh phúc bất diệt.
Cùng hiện diện với Chúa Giêsu, có ông Môisen và tiên tri Êlia và ba tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê đi theo Chúa. Phêrô sung sướng chìm đắm trong nguồn ân sủng cõi thiên đã muốn lưu lại trong cảnh giới thần tiên: Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5). Thiên Chúa Cha đã chứng nhận sứ mệnh cao cả của Chúa Giêsu Cứu Thế. Kinh nghiệm trên núi Taborê là nguồn hy vọng sáng ngời cho các tông đồ và cho chúng ta còn đang lữ hành dưới thế. Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta qua con đường thập giá tới vinh quang. Chúng ta không thể đi con đường tắt để đạt được triều thiên vinh thắng. Các tông đồ đã xác tín con đường đi theo Chúa.
Trong Mùa Chay Thánh, chúng ta có cơ hội trở về nguồn để suy gẫm sứ vụ của Chúa Kitô. Ngài đã từng bước trải nghiệm những cám dỗ, những đau khổ và vinh quang. Con đường mòn Chúa đã đi loan báo tin mừng không đơn giản dễ dàng. Cụ thể, Chúa đã phải trèo dốc, vượt đồi, lên non và với đôi chân trần rảo khắp các làng mạc và thành thị. Chúa không chỉ giảng dạy nơi Hội Đường, nhưng đã dong duổi khắp chốn qui tụ từng nhóm nhỏ mời gọi sám hối đổi đời, dậy dỗ sự thật về nước trời và chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cả thân xác và tâm hồn. Trong ba năm giảng dạy, Chúa đã thi hành sứ vụ từ Galilê, miền Nazareth, qua ngả Samaria và xuống Giuđêa, trọng tâm là Giêrusalem. Khoảng cách từ Bắc xuống Nam rất xa xôi và núi non hiểm trở. Chúa đã tận dụng mọi cơ hội để cải hóa lòng người và uốn nắn trái tim của họ trong tình yêu.
Thánh Phaolô trong thơ gởi cho Timôthêô đã mời gọi sự cộng tác loan truyền tin mừng cứu độ: Con thân mến, con hãy đồng lao cộng tác với Cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, (2Tm 1, 8). Phaolô tự nhận là đứa con đẻ non trong ân sủng cứu độ của Chúa, nhưng ông đã hết mình truyền rao chân lý mà ông đã lãnh nhận từ chính Chúa Kitô phục sinh. Cho dù đối diện với sự khó khăn, bị xua trừ, bắt bớ, đánh đập, tù đầy và ngay cả sự chết, Phaolô vẫn một niềm tin tưởng và cậy trông vào sự sống trường sinh và vinh quang bất diệt mà Chúa Kitô sẽ thưởng ban. Tin mừng cứu độ đã được tiếp tục truyền rao đến khắp cùng bờ cõi, những ai tin vào Chúa Kitô thì sẽ được lãnh ơn cứu độ.
Chúa Kitô đã đến trần gian và đã hoàn tất sứ vụ của Ngài. Ngài đã chiến thắng sự dữ và thần chết. Lời Tin Mừng của Chúa có uy lực giải thoát và dẫn đường chúng ta bước vào miền đất trường sinh. Chúng ta không còn phải tìm kiếm đâu xa, nhưng hãy trở về múc tận nguồn ơn cứu độ trong niềm tin vào Chúa Kitô, vào Thánh Kinh và đời sống Bí tích của Giáo Hội. Tin mừng sẽ giải thoát và dẫn dắt chúng ta tới vinh quang sáng ngời. Thánh Phaolô viết: Nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng (2Tm 1, 10). Sự biến hình của Chúa Giêsu là dấu chứng kỳ diệu và là niềm hy vọng tuyệt đối cho mọi kẻ còn đang lữ hành giữa biển đời ô trọc này.
Lạy Chúa, vinh quang của Chúa chói lòa. Chúa là ánh sáng chiếu dọi vào thế gian u tối. Xin cho chúng con biết dõi theo ánh sáng của Chúa để tìm về nguồn an lạc và nguồn sống vinh phúc trường sinh.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam