Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 70

Tổng truy cập: 1364554

LINH ĐẠO LỮ HÀNH

LINH ĐẠO LỮ HÀNH- Lm. Jos. Phạm Thanh Liêm SJ

Cuộc đời quá vắn vỏi. Phải chăng phải lo tận hưởng lạc thú thế trần?

Những người đang trên đường

Đức Giêsu nói: “Đừng tích trữ những gì có thể mục nát hay trộm cướp có thể lấy đi được, nhưng hãy tích trữ những gì không hư nát và không thể bị đánh cắp”. Cái mình cho là quý, mình luôn bận tâm và hướng lòng về đó. Cái mình cho là quý, có thực sự là những điều trường tồn? Tiêu chuẩn nào giúp mình nhận ra cái có giá trị thực sự? Cái chết giúp con người nhận ra, mình chỉ là lữ khách.

Cái chết đến với mình lúc nào mình đâu có biết! Một tai nạn giao thông có thể xảy ra ai lường trước được. Mình đâu có thể mang tài sản vật chất đi với mình được. Cuộc đời này qua mau. Ai hành động như thể sống vĩnh viễn trên cõi đời này, là người không khôn ngoan. Giờ chết đến, tôi sẽ ra đi tay trắng, và chỉ mang theo chính mình, ngay cả thân xác này cũng không thể mang theo được.

Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn người đầy tớ chờ chủ về để dạy thái độ phải có khi sống trên dương thế này. “Sẵn sàng”. Phải tỉnh thức vì không biết giờ nào chủ về đến. Cái chết là chung cho tất cả mọi người, cho cả các tông đồ và dân chúng. Cách đối xử của Thiên Chúa với mọi người đều như nhau, dù ở bất cứ địa vị hay bậc sống nào. Sự trung thành không hệ tại ở chức vụ nhưng qua cuộc sống, nơi việc làm.

Đức tin giúp sống linh đạo lữ hành

Chính đức tin giúp mỗi người sống linh đạo lữ hành trong đời trần thế này. Vì tin vào Lời Chúa, mà Noê đã đóng tàu khi tất cả dường như rất bình yên. Vì tin mà Abraham đã bỏ quê cha làng xóm để đi đến phương trời xa, đi theo lời mời gọi vừa chắc chắn vừa rất xa vời. Ngay cả khi chết Abraham vẫn còn phải tin rằng mình sẽ có con cháu đông như sao trên trời như cát dưới biển, vẫn phải tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho mình và con cháu đất để sở hữu và canh tác (vì khi vợ Abraham là Sara chết, Abraham phải mua đất chôn vợ). Vì tin mà bao nhiêu người đã dám hy sinh mạng sống để trung thành với Thiên Chúa.

Nếu không có đức tin, Noê, Abraham, và các anh hùng tử đạo đã không hành xử như vậy. Nếu không có đức tin, các tín hữu đã chẳng sống nghèo và giúp đỡ những người khốn khổ. Nếu không có đức tin, chắc người ta đã sống phóng đãng và bất chấp tất cả, cốt sao để được lợi trước mắt.

Đức tin giúp con người hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, chấp nhận những điều không vừa ý một cách can đảm và anh hùng, cũng như giúp con người sống hạnh phúc trong những điều kiện mà người ta tưởng rằng không có thể.

Linh đạo lữ hành

Khi coi cuộc sống trần gian như cuộc lữ hành, không có nghĩa, coi thường cuộc sống trần thế, nhưng muốn nói, cuộc sống trần thế là thời gian dẫn ta tới sự sống vĩnh cửu.

Cuộc sống trần thế này rất quan trọng, nếu ta không tận dụng hoặc không sống nó một cách trọn vẹn, ta không thể dễ dàng tới đích ở cuối đường đời. Cuộc đời chóng qua, nhưng rất quan trọng. Cũng tương tự dùng máy bay để đi tới một nơi nào đó, tuy dù chỉ bay trong mấy giờ nhưng rất quan trọng, nếu không dùng thời giờ đó một cách đúng đắn nghiêm chỉnh, người ta không đi được tới nơi người ta muốn. Đời tạm dẫn ta về quê trời, nếu không sống trọn vẹn đời tạm, e rằng khó đạt đến quê trời.

Đức tin giúp người ta nhận biết đúng thực tại, và Thiên Chúa luôn luôn ban ơn giúp người ta sống với Ngài ngay trong cuộc sống đời tạm này. Thiên Chúa làm tất cả cho ta. Hãy tin tưởng và vui sống, ngay cả trong “biển đời” này.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Đâu là nét đẹp của cuộc đời này?
  2. Thiên Chúa muốn bạn làm gì trong suốt đời bạn?
  3. Điều gì ngăn cản bạn sống hạnh phúc trong cuộc sống này?

 CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- C

CÁC CON HÃY SẴN SÀNG- Lm. Micae Võ Thành Nhân

Yếu tố bất ngờ luôn làm cho con người chúng ta sợ hãi. Quân khủng bố đánh bom bất ngờ làm cho bất cứ ai cũng phải khiếp cũng phải sợ và rồi vì sợ hãi cho nên dẫn đến hệ lụy là cuộc sống mất bình an.

       Chúa nói Chúa sẽ đến với chúng ta một cách bất ngờ: “ Vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến “. Chúa biết chúng ta sẽ sợ hãi điều này, cho nên liền sau đó Chúa lại bảo chúng ta: “ Các con hãy sẵn sàng “ ( Lc 12, 40 ).

       Sẵn sàng theo như ý Chúa là luôn luôn thực hiện điều Chúa truyền dạy, mà muốn thực hiện trọn vẹn ý Chúa thì phải tỉnh thức, phải biết làm chủ con người chúng ta từ suy nghĩ, lời nói, việc làm.

       Chúa ví Chúa như người chủ đi ăn cưới về. Chúng ta là ngôi nhà cho Chúa ngự và cũng là người giữ căn nhà là linh hồn của chúng ta. Chúa đến là chúng ta đón Chúa vào linh hồn chúng ta liền. Muốn được như vậy, chúng ta phải phải biết thắt lưng, phải cầm đèn cháy sáng trong tay ( Lc 12, 35 ). Thắt lưng là những hy sinh hãm mình như là chay tịnh, khổ chế, xa tránh tội lỗi…; cầm đèn cháy sáng trong tay là các nhân đức chúng ta thực hiện trong cuộc sống như là hiền lành, khiêm nhường, nhịn nhục, kiên nhẫn,…

        Điều Chúa thích nhất khi đến gõ cửa tâm hồn chúng ta mà Chúa thấy chúng ta đang sống đức bác ái yêu thương phục vụ ( Lc 12, 42 ): “ Mến Chúa yêu người “, và Chúa thấy chúng ta đang thực hiện vai trò là người quản lý của Chúa, phân phát thóc lúa cho anh chị em của chúng ta, nghĩa là chia sẻ đồ ăn thức uống cho những người đói khát; giúp đỡ của cải vật chất tiền bạc cho những nghèo túng, thiếu thốn, cơ bần; thăm viếng ủi an những người đau khổ, bệnh tật; đón tiếp những người không nơi nương tựa….  ” Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ ? Phúc cho những đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy “ ( Lc 12, 43 ).

        Ngược lại với sự sẵn sàng là thái độ ỷ y, dửng dưng, lười biếng, không quan tâm lo lắng cho số phận của mình, làm những điều để thỏa mãn sở thích đam mê bất chính đồi bại, sử dụng chức quản lý của mình không nên để rồi ra hư thân mất nết. Đó là chè chén nhậu nhẹt say xỉn, bài bạc, trai gái, hút chích, đánh đập tôi trai tớ gái. Chúa đến bất ngờ, không kịp trở tay thì chúng ta sẽ bị loại trừ ra khỏi cuộc sống đời đời. Chúa không muốn chúng ta sống như thế này là vì Chúa không muốn chúng ta phải hư mất đời đời. Do đó Chúa mới nói tiếp với chúng ta để chúng ta biết mà sống tốt hơn, đừng có làm như vậy: “ Đầy tớ nào biết ý chủ, không làm theo ý chủ, không sẵn sàng thì bị đòn nhiều hơn. Chúa ban cho ai nhiều thì Chúa đòi lại nhiều. Chúa giao phó cho ai nhiều thì đòi lại kẻ ấy nhiều hơn “. Điều ấy có nghĩa là Chúa đã ban cho chúng ta nhiều ơn Chúa, Chúa đã giao phó cho chúng ta nhiều trách nhiệm, nhiều khả năng gì thì Chúa sẽ đòi lại chúng ta nhiều hơn. Vì thế, chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa ban để làm những ơn đó sinh hoa kết quả tốt cho chính bản thân chúng ta và cho anh chị em của chúng ta nữa.

        Khi chúng ta làm đúng theo lời dạy của Chúa trong lúc chờ Chúa đến với chúng ta, Chúa sẽ nói với chúng ta rằng: “ Phúc cho những đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy trông coi tất cả gia sản mình “. Do vậy, chúng ta hãy tận dụng năm tháng ngày giờ, khả năng Chúa ban như là những nén bạc để làm lợi cho Chúa bằng cách chu toàn việc làm con Chúa và việc trần thế ( Giữ đạo Chúa, xa tránh các tội lỗi, luyện tập các nhân đức, làm việc nuôi sống bản thân, giúp đỡ mọi người…); đó là những của cải thiêng liêng không hư nát và kho tàng không bao giờ hao mòn trên trời, là nơi trôm cướp không hề lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng trí các con cũng ở đấy “.

        Đàng khác, khi chúng ta tin và thực hiện như Lời Chúa dạy, chúng ta sẽ nhận biết mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chúng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương ( Bđ II ). Mà quê hương ấy chính là điều mà Chúa đã nói rất ngọt ngào với chúng ta là con của Chúa hôm nay: “ Hỡi đoàn con bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các com hãy bán những của cải các con có mà bố thí …“. Như vậy, theo như bài đọc một trích sách Khôn Ngoan thì khi chúng ta sống như Chúa dạy thì chúng ta sẽ được Chúa cho vinh hiển, ngược lại sống thù nghịch với Chúa thì phải chịu cảnh tai hại mà thôi.

       Như thế, Chúa đến với chúng ta một cách bất ngờ, chúng ta không còn phải sợ hãi vì chúng ta đã sẵn sàng tỉnh thức làm theo Lời Chúa dạy. Chúa đến với chúng ta, chúng ta càng vui hơn nữa vì giờ cứu rỗi chúng ta đã đến. Còn nếu không làm theo Lời Chúa dạy thì quả đó là ngày sợ hãi, ngày tai họa, ngày khủng khiếp của chúng ta.

       Lạy Chúa, “ Con là thân khách trọ nhà Ngài, phận lữ hành như hết thảy cha ông “ ( Tv 39, 13b ), xin Chúa cho chúng con luôn ý thức rằng chúng con là lữ khách đang hướng về quê hương hoàn hảo tức là quê trời ( Bđ II ) để chúng con đừng bám víu vào thực tại trần gian hư vô chóng qua này mà chỉ đặt tất cả niềm tin vào Chúa, bước theo sự hướng dẫn của Chúa. Xin cho chúng con luôn sống ngoan ngoãn, luôn vâng nghe Lời Chúa dạy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là vui buồn sướng khổ thành công thất bại để rồi từ đó, Chúa mới sẵn lòng ban nước thiên đàng cho chúng con khi Chúa đến gõ cửa căn nhà tâm hồn chúng con. Amen.

CHÚA NHẬT  XIX THƯỜNG NIÊN-C

HÃY SẴN SÀNG-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Các bài đọc lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết rằng: khi sống trên dương thế này, thì đừng quên một chân lý “sống gửi thác về”. Sau khi chấm dứt cuộc lữ hành trần thế, chúng ta sẽ đi về Nước trời. Và điều kiện để vào Nước trời đó là “sẵn sàng”. Sẵn sàng như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về. Sẵn sàng như chủ nhà trông chừng trộm cướp. Sẵn sàng như người quản lý khôn ngoan biết làm theo ý chủ.

Như vậy, bài Tin mừng được nối kết với ba dụ ngôn riêng rẽ, nhưng qui tóm lại cùng một chủ đề: muốn vào Nước Trời “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”.

Thế thì, thế nào là tỉnh thức và sẵn sàng?

Thứ nhất, tỉnh thức để khỏi rơi vào cơn cám dỗ của ba thù. Đó là: ma quỉ – xác thịt – thế gian. Kẻ thù đáng sợ nhất là ma quỉ.

Chúa Giêsu nói: Ma quỷ là cha của sự dối trá. Nó đánh lừa rất tinh vi, làm chúng ta ươn lười, biếng nhác trong việc đạo đức, và nghĩ rằng còn trẻ, còn khỏe còn lâu mới chết, cho nên cứ từ từ thời gian còn dài mà, lo gì việc đạo đức. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, cái chết không phân biệt tuổi tác giàu nghèo.

Tỉnh thức để khỏi rơi vào cơn cám dỗ thứ 2, đó là xác thịt. Xác thịt nó gắn liền với chúng ta như người bạn đồng hành. Người ta nói nhu cầu xác thịt còn lớn hơn nhu cầu ăn uống. Chính vì xác thịt mà ngày nay người ta ngoại tình tràn lan. Hậu quả biết bao thai nhi bị sát hại một cách không thương tiếc. Chỉ vì con người đắm chìm trong xác thịt, nên bất chấp luân thường đạo lý.

Tỉnh thức đừng để rơi vào cơn cám dỗ thứ 3, đó là thế gianThế gian ngày hôm nay đầy dẫy những quyến rũ, cám dỗ lôi kéo con người hướng chiều về điều xấu. Những phương tiện truyền thông đa dạng, những thú vui vâät chất, tình tiền tài… rất hấp dẫn lôi kéo, làm chúng ta xa Chúa.

Thứ hai, Chúa bảo hãy thắt dây lưng cho gọn. Thắt dây lưng là cách ăn mặc của người Do Thái thời xưa. Y phục của họ là chiếc áo chùng vừa dài vừa rộng. Để khỏi vướng víu khi đi lại hay khi làm việc, họ thường xắn lên và giữ chặt lại bằng sợi dây nịt quấn ngang hông.

 Ý Chúa muốn nói là phải loại bỏ tất cả những gì không phù hợp với thánh ý Chúa, như các đam mê xấu, tiền bạc, danh vọng… những thứ đó dễ làm chúng ta quên đi thiên đàng là nơi Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta mai sau.

Thứ ba, Chúa bảo hãy cầm đèn cháy sáng trong tay. Ngọn đèn tượng trưng cho đức tin. Đức tin cần phải thắp sáng lên từ con tim yêu mến Chúa nồng nàn. Đức tin cần phải thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương mọi người. Và đức tin cần phải thắp sáng lên niềm tin Giêsu. Vì đời hạnh phúc khi sống trao ban. Đem tình Chúa chiếu sáng thế gian, để cho thiên hạ trông thấy mà ngợi khen Cha trên trời.

Anh chị em thân mến,

Khi mở mắt chào đời con người cất tiếng khóc, nhưng rồi từ giã cuộc đời thì nhắm mắt xuôi tay. Thế nhưng, điểm kết thúc đời người ở hoàn cảnh nào và tình trạng nào thì không ai biết trước được. Vì giờ kết thúc cuộc đời thật bất ngờ, đúng như lời Chúa nói: “Vào lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến”(Lc 12, 40).

Lời Chúa căn dặn như thế, vậy mà có những người ung dung tự tại nghĩ rằng: đời còn dài, tương lai còn rộng, mình còn trẻ, còn khoẻ còn lâu mới chết. Cứ ăn chơi hưởng thụ tối đa, còn đủ thời gian mà. Thật vậy, đời người là một cuộc hành trình tiến về nhà Cha, nhưng có mấy ai chuẩn bị chu đáo cho mình cuộc hành trình này không?

Triết gia Platon nói rất đúng: “Ai không bao giờ nghĩ đến sự chết thì không thể biết cách sống”. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy tục hóa, với biết bao mời mọc cám dỗ. Những hấp dẫn trần gian thì sờ sờ trước mắt, còn hạnh phúc thiên đàng sao quá xa vời, nên kinh nghiệm cho thấy đã nhiều lần chúng ta sa ngã làm mất lòng Chúa, bỏ Chúa chạy theo các thần tượng khác. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót không biết mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, chỉ sợ chúng ta ngại ngùng không muốn đến kín múc lòng Chúa thương xót mà thôi.

Mỗi khi cử hành Thánh lễ là chúng ta tuyên xưng việc Chúa chịu chết, sống lại và lên trời, đồng thời trông đợi Ngài lại đến lần thứ hai. Xin cho niềm khát khao quê hương Nước trời sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta luôn tỉnh thức sẵn sàng, hi vọng khi nhắm mắt lìa đời chúng ta sẽ nghe những lời âu yếm mời gọi của Chúa: “ Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta”. Amen.

 CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- C

TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA- Lm. Giuse Nguyễn Minh Chánh

1/ Tại sao phải tỉnh thức:

Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải tỉnh thức vì chúng ta thường xuyên bị mê đắm bởi những quyến rũ củatrần thế. Thích những gì thuộc về trần thế. thích tìm kiếm những gì là của trần thế và lấy làm rất thoả mãn với những cái của trần thế.

Khi con người bị say đắm vào những cái hão huyền trên trần gian, thì cùng lúc cuộc sống con người đang bị cuốn hút, đang mắc vào những cạm bẫy có thể làm tổn thương và giết chết cuộc sống. Cho dẫu trước mắt đó là một tấm màn đầy dẫy những thực tại hấp dẫn làm vui mắt con người như:tiền, quyền, danh, lợi, thú… Khi đang sống trong tình trạng như thế, chắc chắn cuộc sống của con người sẽ bị hôn mê và tê liệt. Đến nỗi cuộc sống ấy sẽ làm cho họ không đủ sức để mở đôi mắt hướng về những gì là Chân – Thiện – Mỹ, và cũng không còn khả năng vực dậy để tìm kiếm những vẻ đẹp đem lại ý nghĩa cuối cùng cho kiếp người.

Hôm nay Lời Chúa dạy chúng ta Phải Tỉnh Thức, đó là Chúa đang thức tỉnh chúng ta Chúa thức tỉnh chúng ta vì Chúa không muốn chúng ta phải chìm đắm vào những giấc mơ hão huyền. Cũng đừng bao giờ thoả mãn với những thứ trên trần gian nay còn mai mất, hay tan biến cách đột ngột theo thời gian, nhất là theo những biến cố. Như vậy, một biệt thự hay một ngôi nhà đẹp với đầy đủ những tiện nghi sang trọng, một tài khoản khổng lồ, một chiếc xe không “đụng hàng” dành cho những đại gia “đỏ”, một địa vị tại trần thế…, đã đủ để chúng ta hài lòng và thoả mãn chưa? Đối với những người sống đức tin thì không! Vì cái cần nhất và thoả mãn nhất cho cuộc sống không phải là tiền tài, danh vọng, địa vị hay hưởng thụ, nhưng là chính Chúa, là Ơn Cứu Độ, là Hạnh Phúc toàn vẹn. Đây chính là Sự Thật cuối cùng của con người. Sự Thật này chúng ta không phủ nhận, nhưng luôn luôn phải trang bị cho mình một tư thế để ôm ấp sự thật tuyệt vời, để chiếm hữu hạnh phúc tuyệt đối. Tư thế mà chúng ta chuẩn bị đã được Chúa nhắc trong Tin Mừng, đó là:

2/ Tỉnh thức để đón Chúa:

Chúa Giêsu dạy chúng ta tỉnh thức không gì khác hơn là đón Chúa đến. Chúa Giêsu chính là Hồng An của Chúa Cha ban cho nhân loại, Ngài là Ơn Cứu Độ duy nhất. Đấng từ Trời xuống, nên chúng ta phải đón nhận. Vì lẽ đó, chúng ta phải tỉnh thức để mở lòng đón nhận món quà quý giá nhất của Chúa Cha. Hãy xem việc tìm Ơn Cứu Độ là việc hàng đầu, việc cần thiết, việc ưu tiên tuyệt đối, việc rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Thử hỏi: ai trong chúng ta đã nghĩ đến việc mở lòng đón nhận Chúa là nguồn Ơn Cứu Độ, là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sinh hoạt hàng ngày? Khó lắm! Gọi là khó vì chúng ta quá bon chen tìm kiếm những thứ vật chất trên trần gian, quá bận tâm tìm mọi cách để củng cố địa vị tại trần thế, quá bận rộn với một cuộc sống phải tiện nghi, phải hưởng thụ, phải vui chơi giải trí. Từ đó khó lòng để chúng ta xem Chúa là đôí tượng hàng đầu duy nhất, phải bỏ công sức tìm kiếm Ngài.

Vì Chúa là Đấng vô hình nên chúng ta ít cảm nghiệm thật sự những vẻ đẹp tuyệt đối từ nơi Chúa, những giá trị chân thực vĩnh cửu từ nơi Ngài. Còn những sung túc trên trần gian là cái hữu hình, nên sướng khổ hay thành công thất bại là chúng ta thấy ngay tức khắc. Như vậy, một sự đảo lộn đã nảy sinh trong cuộc sống con người cách nghiêm trọng. Những giá trị tuyệt đối Vĩnh Hằng, cung cấp đầy đủ cho thực chất của một con người, thì con người lại coi là thứ yếu phụ thuộc. Còn những cái đánh lừa con người, đưa đẩy con người vào sai lầm của cuộc sống, thì lại là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để con người tìm mọi cách chiếm hữu.

Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Nếu như tỉnh thức để có cơ hội làm giàu, cơ hội được thăng quan tiến chức, có dịp tìm những thú vui nơi trần thế, thì có lẽ ngươi ta sẽ hăm hở chen chúc nhau để mở mắt mong chờ. Nhưng kêu gọi tỉnh thức để chờ Chúa đến thì là quá mơ hồ đối với những cách sống theo chiều hướng duy vật hưởng thụ. Nhưng nếu chúng ta là người có đức tin, đặc biệt là người biết sống Đức Tin, thì Lời Chúa gọi hãy tỉnh thức, đó còn là lời động viên an ủi để chúng ta can đảm mở lòng đón nhận Chúa là giá trị tuyệt đối, khi trước mắt chúng ta phải đối diện bởi những cái hấp dẫn hào nhoáng của sự sung túc trên trần thế.

Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Nếu như trí khôn chúng ta khám phá nơi Chúa là tất cả:Hạnh Phúc tất cả, Chân Lý tất cả, Vẻ Đẹp tất cả, Sự Thật tất cả…, thì chúng ta rất dễ dàng quay lưng với những cái gian dối để đón chờ Chúa đến trong tâm hồn.

Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Nếu như con tim chúng ta dành trọn cho Chúa, xem Chúa là tất cả của đời ta, hết lòng yêu mến Ngài trong từng phút giây, thì chúng ta sẽ dễ dàng nói không với những thứ hạnh phúc tạm bợ của thế gian, luôn rình rập để lôi kéo đời ta.

Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Đó là Chúa muốn chúng ta dành trọn thời gian, dành trọn cuộc đời để yêu mến Ngài không giới hạn, khao khát Ngài không điểm dừng. Vì Chúa muốn nói với chúng ta: Chúa là tất cả.

Vì Chúa là tất cả nên ngoài Chúa ra chúng ta đừng tìm thứ hạnh phúc nào khác.

Vì Chúa là tất cả nên hằng ngày chúng ta cố gắng sống những tâm tình của Thánh Augustinô sau đây, như để nói lên thái độ tỉnh thức đón chờ Chúa và tâm tình khao khát được Chúa đến trong cuộc đời:

“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con luôn khát khao cho đến khi được về an nghi bên Chúa”. Amen.

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- C

ĐỨC TIN- Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Dòng dõi của Tổ phụ Abraham đã thừa hưởng gia bảo quý báu là đức tin. Tuy phải đối diện với muôn vàn gian khó và chung đụng với nhiều tôn giáo thờ các thần ngoại, con cháu của Tổ phụ Abraham tiếp tục đặt niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Họ đã trung thành với truyền thống của cha ông. Họ là nhóm nồng cốt lưu truyền cho các thế hệ sứ mệnh đã được trao ban cho các Tổ phụ. Họ là những người công chính cầm cân nẩy mực giúp cho đoàn dân quy hướng về Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan ghi nhận: “Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.” (Kn 18,9). Số còn sót lại của dòng dõi Abraham đã trải qua vinh nhục và sướng khổ để hoàn thành sứ mệnh.

Lịch sử Ơn Cứu độ là một cuộc lữ hành trong đức tin. Thư gửi tín hữu Dothái đã nhấn mạnh: “Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.” (Dt 11,1-2). Qua đức tin, các cha ông đã tiến đi trong sự phó thác và sự quan phòng của Thiên Chúa. Các ngài sống chết trong niềm tin, dù chưa hề chứng kiến các sự kiện xuất hiện. Bước đi trong niềm tin chứ không phải đi trong cảnh nhãn tiền. Từ lời hứa ban ơn cứu độ với Adong và Evà, qua các Tổ phụ Noe, Abraham, Isaac, Jocob, Giuse và Môisen… Thiên Chúa luôn đồng hành và dẫn dắt lịch sử cứu độ. Thiên Chúa luôn trung tín với lời đã hứa. Các Tổ phụ đã luôn đặt niềm tin nơi Chúa: “Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất.” (Dt 11,13).

Bài Phúc Âm, Chúa Giêsu tiếp tục giảng về của cải Nước Trời. Hãy dùng tiền bạc và của cải hay hư nát mà đổi lấy kho tàng trên trời. Lữ hành trần thế nhưng mắt của chúng ta hướng về trời cao. Mỗi người chúng ta có một định mệnh riêng. Khởi đi từ dưới đất tạm thời và sẽ kết thúc nơi vĩnh hằng. Nơi đó có thể là nơi hằng sống ở thiên đàng hoặc nơi bị đày ải khổ đau. Muốn gặt hái những hoa trái tốt lành, chúng ta phải chăm sóc gieo hạt cẩn thận. Hoa trái an lạc không phải tự nhiên hay ngẫu nhiên mà kết thành. Muốn hưởng hạnh phúc quê thật, chúng ta phải làm việc lành phúc đức và tích trữ những của cải không hư nát. Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát.” (Lc 12,33).

Truyện kể có bà lão ăn mày tên là Mary. Bà ta quanh năm vất vả rảo qua các lối ngõ ăn xin. Không kể mùa đông băng giá, bà chỉ mặc manh áo sờn rách. Bà van xin kể lể cảnh túng cực. Bà kiên tâm xin người qua kẻ lại thương tình bố thí. Tối đến bà trở về túp lều gỗ. Bà ăn uống đơn sơ. Vì quá kham khổ nên bị bệnh và chết. Nhà chức trách thuộc sở vệ sinh tìm đến nơi. Vào căn lều nhỏ, thấy bà đã chết nhưng tay vẫn chỉ vào một góc nhà. Họ đã đào bới và tìm thấy cái hộp, có 127.000 đô la. Thật là món tiền khổng lồ nhưng lại vô ích cho chủ nhân.

“Vì kho tàng các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó.” (Lc 12,34). Đúng thế, đồng tiền nối liền khúc ruột. Tiền bạc rất cần cho cuộc sống nơi dương thế, nhưng tiền bạc không là cùng đích. Của cải tiền bạc như con dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại hạnh phúc và cũng có thể huỷ hoại niềm vui hoan lạc cuộc sống. Tiền bạc là phương tiện tốt giúp tìm được hạnh phúc thật nếu chúng ta dùng tiền bạc như một tên đầy tớ hữu dụng. Chúa Giêsu đã nhắc nhở rằng kho tàng ở đâu thì lòng ở đó. Khi lòng chúng ta mải mê với của cải trần đời, tâm hồn cũng sẽ bị hoen ố lây. Thường tình, ai trong chúng ta cũng mến chuộng tiền bạc. Tiền giúp chúng ta tránh khỏi cảnh lầm than, thiếu thốn, nhưng tiền không là tất cả. Có tiền, chúng ta có thể mua được nhà, được xe và các phương tiện đồ dùng nhưng chưa chắc đã mua được sức khoẻ, tri thức, tình yêu và hạnh phúc. Chúng ta nên cẩn thận về cách kiếm tiền, tiêu tiền và dùng tiền để sinh hoa trái an vui và hạnh phúc cuộc đời.

Có người quan niệm rằng tiền là tiên, là phật, là sức bật của tuổi trẻ… Lợi nhuận của đồng tiền đã lôi kéo nhiều tâm hồn vào con đường lầm lạc. Có người nghĩ rằng dối gian gạt người khác và gạt các nhân viên chính quyền thì không phải là sự gian dối. Chủ trương là miễn làm sao đạt được mục đích riêng tư, lợi ích cho bản thân và gia đình. Có trường hợp làm giấy hôn thú giả và cưới giả để lấy một món tiền. Hai bên đều có lợi. Bất chấp tiếng nói lương tâm hay lỗi phạm các giới răn của Chúa. Có nhiều tín hữu bên ngoài có vẻ sùng đạo cũng đã vào hùa với nhau để làm chứng dối cho nhau.

Như trường hợp một người đã có gia đình, vợ và con cái ở quê nhà. Ông sang Hoa Kỳ đi du lịch, visa đã gần hết hạn và muốn được ở lại Hoa Kỳ. Qua mai mối, ông âm thầm ly dị vợ và làm giấy hôn thú với một người Công giáo khác. Có chứng minh hình ảnh và nhân chứng thật rõ ràng. Khổ nỗi, các nhân chứng quá thật, dàn cảnh có linh mục và bạn bè cùng chụp hình chung làm bằng chứng để phỏng vấn, rồi tổ chức đám cưới giả để qua mắt chính quyền. Người được việc, kẻ được tiền và người mai mối thì vui vẻ thành công. Hả hê vì có bạn, có tiền và có kết quả theo ý muốn. Đôi khi cậy vào danh Chúa để khoe rằng Chúa đã nhận lời cầu nguyện, cảm tạ ơn Chúa.

Khi còn đang sung sức, mạnh khoẻ, chúng ta cố gắng làm việc tốt. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi ngày đều có sự thay đổi và cuộc sống đời này thật mong manh. Sự sống, sự chết cận kề. Chúng ta không biết được việc gì sẽ xảy ra ngày mai. Chúa Giêsu cảnh báo: “Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40). Chẳng ai học được chữ ngờ. Cái gì cũng có thể xảy ra. Chúa mời gọi chúng ta luôn trong tư thế chuẩn bị. Chuẩn bị về mọi khía cạnh của cuộc sống. Sự chuẩn bị sẽ giúp chúng ta sống an bình và vui vẻ hơn. Không còn giận hờn, ghen ghét. Không chôn giữ những sự báo thù trong lòng. Bỏ qua, tha thứ cho nhau. Tạo bầu khí thân thiện. Giữ tâm hồn hồn thanh thản. Không mắc nợ nhau điều gì. Sống giao hoà với Thiên Chúa và anh chị em. Sống an vui tự tại và thanh thản. Nhắm chính hướng đi về cùng đích và nhận ra mục đích của cuộc đời. Khởi đi từ đất thấp, kết thúc nơi trời cao.

Chúa ban cho mỗi người một kho tàng riêng biệt, có kẻ hơn người kém. Mỗi người đều có bổn phận và trách nhiệm về những khả năng đã lãnh nhận. Dùng vốn liếng đúng nơi, đúng lúc và sinh hoa kết trái đúng mùa. Chúng ta không cần phải so sánh số vốn liếng với người khác. Chúa cho ai nhiều thì sẽ đòi lại nhiều: “Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn.” (Lc 12,48). Tránh đi sự tự phụ và kiêu căng. Tất cả những gì chúng ta sở hữu đều là hồng ân Chúa ban. Nếu có khoe khoang, chúng ta hãy khoe về sự yếu đuối và bất toàn của mình. Sự thành công của chúng ta cũng lệ thuộc rất nhiều vào tha nhân. Hãy luôn nhớ rằng yếu tố của thành công là do thiên thời, địa lợi và nhân hoà.

Lạy Chúa, các Tổ phụ xưa đã bước đi trong đêm tối của niềm tin. Các ngài đã đi đến cùng đường và nêu gương đức tin kiên vững cho mọi thế hệ. Xin cho chúng con biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa quan phòng. Chúng con sẽ được an nghỉ trong tình yêu của Chúa vì Chúa có lời ban sự sống đời đời.

home Mục lục Lưu trữ