Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1371369

LỠ HẸN

Lỡ hẹn

 

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy Tôma đã không được thấy Chúa vì ông đã lỡ hẹn.

Thực vậy, buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần đối với các môn đệ là một sự kiện có tầm mức quan trọng đặc biệt, vì nhờ buổi chiều này, mà niềm xác tín của các ông vào việc Chúa Phục sinh được củng cố.

Thế nhưng, đối với Tôma, buổi chiều này lại là một buổi chiều lỡ hẹn, một buoi chiều đã bị lỡ chuyến tàu.

Có thể vì sợ người Do thái, nên Tôma đã không dám tụ họp chung với các môn đệ, để được cùng đón nhận ơn sủng và sự bình an của Chúa Phục sinh.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những cái lỡ hẹn hay trễ hẹn, đem lại những hậu quả khác nhau.

Thực vậy, những cái lỡ hẹn hay trễ hẹn không gây nên một hậu quả nào vì nó có thể được đền bù bằng một lần gặp gỡ khác.

Chẳng hạn người bạn hẹn tôi đi chơi, hay đi ăn nhậu, nhưng vì kẹt công việc, tôi đành phải khất đến một dịp khác.

Có những cái lỡ hẹn hay trễ hẹn chỉ gây thiệt thòi đôi chút và sự mất mát được ghi nhận là không đáng kể.

Chẳng hạn tôi ký hợp đồng buôn bán với người ta và đã giam tiền cọc, thế nhưng tới ngày giao hàng, tôi không thể thực hiện được như hợp đồng đã ký kết. Và như vậy tôi mất đi số tiền đã đặt cọc.

Thế nhưng có những cái trễ hẹn hay lỡ hẹn đem lại những hậu quả thật nghiêm trọng, mất mát thì thật nhiều, thậm chí có thể mất mát cả một đời, vì không bao giờ được hẹn lần thứ hai.

Chẳng hạn đến ngày thi, tôi bị đau nên không thể tham dự và thế là sau đó cuộc đời tôi xoay chuyển qua một hướng khác, thay vì tiếp tục đại học, thì tôi phải lên đường thực thi nghĩa vụ quân sự, làm người lính trong quân đội.

Chẳng hạn chị hẹn gặp anh, nhưng anh vi ham vui với bè bạn nên không tới. Và thế là chị nổi giận, cắt đứt mọi liên hệ khiến cho cuộc tình của họ bị tan vỡ.

Rất may cho Tôma và cũng để khích lệ con người ở mọi nơi và trong mọi lúc, Tôma đã được gặp lại Chúa ở một lần hẹn khác. Chính trong cuộc gặp gỡ này, không chỉ là niềm vui, niềm xác tín của Tôma, mà còn là niềm vui, niềm xác tín của mọi người chúng ta hôm nay.

Có thể nói được rằng: chính nhờ cuộc lỡ hẹn của Tôma mà đức tin của chúng ta được củng cố, đồng thời cũng nhờ đó mà niềm xác tín của chúng ta vào màu nhiệm Chúa Phục Sinh càng thêm mạnh mẽ hơn nữa.

Và nhất là chúng ta được vui mừng và phấn khởi đón nhận “mối phúc thật thứ chín” của Chúa, đó là:

– Phúc cho những ai không thấy mà tin.

Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng cần phải kiểm điểm lại xem: Chúng ta đã thực sự gặp Chúa hay chưa?

Thực vậy, Chúa hẹn gặp chúng ta ở nhiều nơi và trong nhiều lúc. Những địa chỉ Ngài thường dung để gặp gỡ chúng ta đó là lời Ngài trong Kinh Thánh, đó là Bí tích Thánh Thể nơi nhà thờ, đó là những người chung quanh chúng ta, nhất là những kẻ đau khổ, nghèo túng và bất hạnh, đó là những biến cố xảy đến trong đời sống, là như những dấu chỉ của thời đại qua đó Chúa tỏ lộ cho chúng ta biết thánh ý của Ngài.

Điều quan trọng đó là chúng ta đừng để lỡ hẹn hay trễ hẹn, trái lại phải lắng nghe và nhận ra tiếng gọi cũng như thánh y của Chúa và nhất là phải mau mắn tìm gặp Ngài tại những địa chỉ ấy.

 

 

 

 

 

39. Bình an.

 

Ông Tôma là một người có óc thực tế, có vẻ chậm hiểu và chậm tin hơn các môn đệ khác. Điều đó cũng đúng và dễ hiểu thôi. Ông có đủ lý do để nghi ngờ, vì ông chưa được thấy Chúa sống lại rõ ràng như các môn đệ khác. Và sự kiện ông đòi chính mình phải kiểm chứng mới tin lại có lợi cho chúng ta, và là dịp khiến Chúa Giêsu liên tưởng tới đông đảo nhưng Kitô hữu, từ đó cho đến ngày cánh chung, sẽ tin vào Ngài. Chúa chúc phúc cho họ, vì họ là những người, dù không thấy tận mắt sự kiện phục sinh nhưng vẫn tin vào Ngài: “Phúc cho những kẻ đã không thấy mà tin”. Lời Chúa Giêsu trên đây được coi là mối phúc thứ chín trong đời mỗi Kitô hữu. Chúng ta phải cám ơn ông Tôma, chính vì thái độ thực tế của ông mà chúng ta được thêm một lần Chúa Kitô Phục sinh hiện ra để minh chứng Ngài đã song lại, và ban cho chúng ta, qua ông Tôma, một mối phúc thật khác là “phúc thật đức tin”. Một điều lý thú nữa trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là lời chào và cũng là lời cầu chúc của Chúa Kitô Phục sinh cho các môn đệ: “Bình an cho anh em”. Lời cầu chúc này được Chúa nói đến ba lần, đối với các môn đệ lúc ấy thật ý nghĩa và cần thiết. Còn gì vui mừng và sung sướng hơn cho họ nữa không? Họ được gặp lại một người thân yêu nhất vừa mới chết. Họ được thấy tận mắt Thầy của họ, được nghe tận tai tiếng nói của Thầy. Thầy của họ đã sống lại thật rồi và còn được thầy ban cho một món quà mà họ đang khao khát nhất, đang cần nhất, đó là “bình an”. Món quà ấy Chúa cũng dành cho mỗi người chúng ta hôm nay. Bởi vì Chúa quá hiểu tâm lý con người nhân loại. Chúa quá hiểu cục diện thế giới này, ít khi có bình an, lúc nào cũng đầy những bất hòa, bất thuận, chia rẽ, xô xát, đo kỵ, ích kỷ, nghi ngờ, giả dối… nên ai cũng muốn xin được hai chữ “bình an”. Có hiểu như thế chúng ta mới thấy lời chúc bình an của Chúa thật ý nghĩa và là món quà quý giá Chúa dành cho các môn đệ xưa kia và mỗi người chúng ta hôm nay.

Anh chị em hãy hồi tưởng lại cuộc đời mình xem: có phải anh chị em rất cần sự bình an không? Có lần người ta hỏi ông Đan-tê, một đại thi hào của nước Ý rằng: “Điều ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc đời là gì?”. Bậc vĩ nhân đã trả lời rằng: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm, đó là sự bình an”. Chúng ta cần và chúng ta tìm kiếm sự bình an, là bởi vì cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng đầy nhưng lo âu và phức tạp về bản thân mình, về gia đình mình và xã hội chung quanh… luôn gây cho chúng ta những bất an. Có khi chúng ta muốn an ổn mà không được, vì cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Không cần nói đâu xa, ngay trong gia đình chúng ta cũng đầy những ngột ngạt, lườm nguýt, hành tỏi, xích mích, tranh giành, lừa dối nhau, nghi ngờ nhau… khi thì chiến tranh lạnh khi thì chiến tranh nóng, mạnh ai nấy sống. Thậm chí có những người chỉ muốn sống ở những nơi khác mà không muốn về nhà mình. Chính vì thế mỗi người chúng ta, mỗi người trong gia đình, cần suy nghĩ xem: tại sao mình không có bình an, lý do là bởi ai, bởi đâu? Và chính mình có là nguyên nhân gây bất an cho gia đình, cho những người chung quanh không? Người ta nói: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan”, “hai con voi đánh nhau, dẫm nát đám cỏ non”, nghĩa là chúng ta là những người lớn, là cha mẹ mà cãi nhau, oán thù nhau, thì ảnh hưởng tai hại không nhỏ cho chính những con cái trong nhà, cho anh hàng xóm chung quanh và xã hội. Xin mọi người hãy suy nghĩ hai chữ “bình an” hôm nay để chính mình sống bình an và giúp người khác cùng sống bình an. Tất cả chúng ta, ai ai cũng cần sự bình an, có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Vì thế, Chúa luôn luôn muốn ban bình an cho chúng ta. Giáo hội cũng mong muốn như vậy. Cho nên mỗi khi tham dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa cũng như Giáo hội cầu chúc chúng ta: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, rồi linh mục bảo chúng ta: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Vâng, đúng vậy, có bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ cho nhau. Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa”, nghĩa là góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội. Xin nhớ rằng: nếu chúng ta không chia sẻ bình an thì thôi nhưng đừng bao giờ làm mất bình an của người khác.

 

 

 

 

 

40. Bình an

 

Bài Phúc Âm hôm nay là bài đọc chung cho cả ba chu kỳ A, B, C, vì trong đó thánh Gioan đặt thời điểm rõ ràng là tám ngày sau lễ Phục sinh. Chiều ngày lễ Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ, nhưng thánh Tôma lại vắng mặt. Khi ông về, các tông đồ kể lại cho ông nghe biết việc Chúa Kitô đã Phục sinh, nhưng ông không tin và còn thách thức: “Nếu tôi không nhìn dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Chiều ý thánh Tôma, một tuần lễ sau vào chiều Chúa nhật, Chúa Giêsu hiện ra một lần nữa với các tông đồ và có Tôma ở đó. Tôma đã thấy Chúa và ông đã tin Chúa Kitô Phục sinh.

Dựa vào câu chuyện trong Phúc Âm, người ta chỉ thấy sự cứng lòng tin của thánh Tôma. Như thế, hai chữ Tôma từ đó đã trở thành đồng nghĩa với sự cứng lòng tin và dường như đã trở thành một danh từ chung để chỉ những người không chịu tin một cách dễ dàng vào những chân lý hiển nhiên nào đó. Trường hợp đó người ta hay gọi ông là Tôma, và công khai hơn trong một kinh nổi tiếng mà Giáo hội hay đọc hoặc hay hát khi chầu Thánh Thể trong đó có câu: “Nay dầu không thấy Chúa, tôi như thánh Tôma thuở trước, nhưng tôi cũng xưng ra thật, Chúa thật là Chúa Trời tôi”.

Khi đọc hoặc hát lên câu kinh đó, dù muốn dù không. Giáo hội đã nhắc công khai sự cứng tin của thánh Tôma. Tội nghiệp cho thánh Tôma, ngài đã đi vào lịch sử với sự cứng lòng tin nối tiếp của ngài. Hôm nay, để công bằng, chúng ta hãy có một cái nhìn về phía những người khác, về phía các tông đồ khác để biện hộ cho Tôma một chút kẻo tội nghiệp, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế đã bị đóng đinh vào thập giá, đã bị giết chết thực sự nhưng biến cố quan trọng nhất là Ngài đã sống lại và hiện ra với các tông đồ. Chúa sống lại là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, một biến cố có một không hai, bien cố đó chắc chắn phải mang cho các tông đồ một niềm vui khôn tả, vì đó là một biến cố không thể tưởng tượng được.

Với kinh nghiệm của niềm vui to lớn đó, tâm hồn các ông và cả sự sống các ông phải thay đổi hẳn. Niem vui được đối diện với Chúa Kitô Phục sinh, niềm vui có một không hai quanh các tông đồ để người khác cũng được vui mừng và tin tưởng như các ông. Trong trường hợp cụ thể này, niềm vui được thấy Chúa sống lại của các tông đồ phải thay đổi Tôma, người đã chẳng may mắn gặp mặt Chúa lúc Chúa hiện ra chiều ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng tại sao Tôma vẫn ở trong tình trạng không tin khi được nghe kể lại, cho đến một tuần sau đó khi được diện đối diện với Chúa Giêsu thì ông mới tin.

Các tông đồ kia đã làm chứng về Chúa Kitô Phục sinh như thế nào? Có lẽ vì sợ sệt, trốn tránh mà các ông đã làm cho Tôma vẫn còn nghi ngờ. Các ông có phần trách nhiệm của mình đối với sự cứng lòng tin của Tôma. Vậy, chúng ta là Kitô hữu, là người Công giáo, chúng ta có bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh đối với thế giới xung quanh chúng ta.

Ít nhất mỗi ngày Chúa nhật khi dâng Thánh Lễ, chúng ta cùng nhau tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Vậy chúng ta đã tuyên xưng việc Chúa Kitô Phục sinh như thế nào trong đời sống của mình, trong cách cư xử với tất cả mọi người, trong cách đương đầu với mọi hoàn cảnh để mọi người nhìn vào chúng ta mà tin tưởng, ngợi khen Thiên Chúa Cha ở trên trời, “Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta là Đức Giêsu Kitô” để mang ơn cứu độ cho chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm đem niềm tin, niềm vui và hy vọng đến cho anh chị em của mình bằng cách sống đức tin của mình hằng ngày. Đó là cách chúng ta làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục sinh.

Để có việc làm cụ thể trong tuần này, mỗi người chúng ta hãy cố gắng không than trách vì nghịch cảnh mà chúng ta đang gặp phải trong đời sống của mình. Để làm chứng cho việc tin vào Chúa Kitô Phục sinh, Ngài sẽ biến đổi tất cả thành ân phúc cho cuộc sống trường cửu của tôi. Nếu có dịp, tôi sẽ chia sẻ với gia đình, với bạn bè tôi niềm vui sự đổi mới mà Chúa Kitô Phục sinh đa gây ra trong tâm hồn tôi.

 

 

 

 

 

41. Tôma

 

Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn: vắng mặt – hồ nghi – và tuyên xưng đức tin. Đó cũng là hành trình đức tin của Kitô hữu chúng ta. Khi Đức Giêsu hiện ra lần thứ nhất, Tôma không có mặt, cho nên ông không tin. Ông đòi thấy bằng chứng rồi mới tin. Thế nhưng nếu có bằng chứng rồi thì đã là chuyện hiển nhiên, đâu còn phải là đức tin nữa. Đức tin không thuộc phạm vi khoa học hay lý luận, nên không dựa trên bằng chứng. Nhưng đức tin không phải là mù quáng. Tuy không đòi bằng chứng nhưng phải có lý do. Lý do để tin là lời làm chứng của những người có uy tín. Tôma chưa tin khi nghe lời thuật của các bạn, nhưng khi nghe lời của Đức Giêsu thì ông tin ngay. Sau này ông còn trở thành nhân chứng để cho nhiều người khác cùng tin nữa. Tin theo lời làm chứng của ai đó bao hàm một tình cảm với người đó: vì mình có tình cảm với người đó nên khi người ấy nói thì mình tin. Điều này làm nên giá trị của sự tin vào lời chứng, cho nên Đức Giêsu nói “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Lý do để tin còn là những dấu chỉ. Dấu chỉ Đức Giêsu cho Tôma là những thương tích của Ngài. Chỉ cần thấy những dấu chỉ ấy, ông không đòi đụng chạm và sờ mó nữa, ông tin ngay. Ngày nay chúng ta không thấy Chúa, nhưng chúng ta có những dấu chỉ Ngài ban, đó là các bí tích, các biến cố và gương sống quảng đại của các tín hữu nhiệt thành. Chính chúng ta cũng phải là những dấu chỉ cho người khác nhận biết Chúa.

 

 

 

 

 

42. Tin.

 

Ngày nọ, nhà của một vị tu sĩ bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội leo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng vì mạng sống thầy chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ liền căng một tấm thảm, giữ lấy bốn góc rồi giơ cao và hô lớn:

– Nhảy đi, thầy nhảy xuống đi!

Thầy Nasruddin nói:

– Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành một trò hề!

– Ôi, thầy ơi! Không phải trò đùa đâu, thầy nhảy mau đi!

Thầy Nasruddin vẫn ngoan cố:

– Không! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, tôi sẽ nhảy.

Bài Tin Mừng này khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

Điều thứ nhất khiến tôi suy nghĩ là điều kiện mà Tôma đặt ra: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Mặc dù xem ra Đức Giêsu không tán thành thái độ của Tôma, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn tán thành, bởi vì đó là thái độ của người chín chắn, cẩn thận, không nhẹ dạ. Trong những giao tế xã hội, tôi vẫn giữ thái độ cẩn thận ấy. Chẳng hạn khi tôi đi mua hàng, tôi không thể chỉ dựa vào những lời quảng cáo của người bán hàng để rồi mau chóng tin theo mà bỏ tiền ra mua ngay một món hàng mà tôi chưa thử. Huống chi câu chuyện mà Tôma nghe các bạn thuật lại là một chuyện: “động trời” chưa bao giờ xảy ra: một người chết sống lại! Đòi hỏi phải kiểm nghiệm xong rồi mới tin là một đòi hỏi hợp lý.

Nhưng khi tôi tán thành với Tôma, phải chăng là tôi không tán thành với Đức Giêsu? Ngài đòi tôi “không thấy mà tin”. Phải chăng Ngài đòi hỏi một điều không hợp lý?

Suy nghĩ thêm, tôi mới hiểu rằng: tương quan giữa những người yêu thương nhau, không nên cái gì cũng đối xử với nhau bằng lý, mà phải đối xử với nhau bằng tình. Thí dụ cha mẹ nói với đứa con rằng “Con đừng thọc tay vào ổ điện nhé, điện giật chết đấy!” Nếu đứa con không tin, đòi thử nghiệm xong rồi mới tin thì nó sẽ ra sao? Nó phải tin cha mẹ chứ, vì nó biết cha mẹ yêu thương nó. Vì Đức Giêsu yêu tôi nên Ngài có quyền đòi hỏi cao hơn sự hợp lý, Ngài có quyền đòi hỏi sự hợp tình.

Tôi cũng suy nghĩ về chữ “phúc” trong câu Đức Giêsu nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu, tôi đã biết có tám mối phúc. Bây giờ tôi biết thêm mối phúc thứ chín nữa. Tại sao không thấy mà tin thì có phúc? Tôi nghĩ rằng hạnh phúc thường đi đôi với tình yêu. Khi yêu ai thì người ta dễ tin vào người ấy. Tin thể hiện yêu, và chính vì yêu nên hạnh phúc. Đến đây tôi khám phá một dây liên hệ giữa ba điều: Yêu – Tin – và Hạnh phúc.

Và kết luận tôi rút ra được từ bài Tin Mừng này là:

– Trong tương quan với những người không thân thiết lắm, tôi có thể cẩn thận đòi hỏi sự hợp lý.

– Nhưng trong tương quan với những người thân yêu, tôi phải cư xử sao cho hợp tình.

– Nhất là trong tương quan với Chúa, tôi phải tin Ngài để chứng tỏ là tôi yêu Ngài. Và nếu tôi tin yêu Ngài như thế thì tôi là người hạnh phúc.

 

 

home Mục lục Lưu trữ