Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1375282

LỜI CHÚA VỚI ĐỜI NGƯỜI

Lời Chúa với đời người – Lm. Kiều công Tùng

"Con lớn lên bằng lời ru của bà cùng với sự êm ái dịu dàng của Kymdan". Một câu quảng cáo đầy ấn tượng nhằm đạt đến mục đích cuối cùng của nhà sản xuất nệm Kymdan. Điều đáng nói ở đây là câu quảng cáo ấy đã vô tình nói với mọi người một sự thật: Người ta lớn lên không chỉ bằng cơm bánh mà còn bằng lời nữa. Từ lời ru êm khi còn nằm nôi cho đến lời dạy bảo nhắc nhở răn đe lúc đã lớn khôn. Rồi trưởng thành bước vào đời, người ta vẫn cần lắm những lời khen tặng, động viên hay an ủi... Thử hỏi, cuộc sống con người sẽ ra sao, nếu như những lời lẽ kia không được gieo vãi.

Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi chúng ta nghiệm ra rằng cho dù lời người phàm cần thiết đến đâu thì cũng không làm cho người ta no thỏa. Người ta cần một thứ lời có thể đáp ứng mọi tâm trạng và trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ là "2 trong 1" hay "3 trong 1" mà là "nhiều trong 1". Một thứ lời có thể hướng dẫn ta trong lúc nghi nan, trấn an khi gặp khó khăn, nâng đỡ khi sầu khổ, sửa dạy khi nông nổi, hối thúc khi lười biếng, cảnh giác trong nguy hiểm và đem lại hy vọng những lúc ta chán nản tuyệt vọng. Chỉ có Lời Chúa mới thỏa mãn những điều kiện ấy, mà Lời Chúa thì đã được gieo vãi trong tâm hồn và cuộc sống mỗi người từ lâu rồi.

1. Lời được gieo cách hào phóng

Trước hết, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là một người gieo giống đầy hào phóng và lạc quan. Kinh nghiệm của một nhà nông không cho phép người ta phí phạm hạt giống lẫn công sức trên những mảnh đất cằn cỗi sỏi đá bởi kết quả thu được chắc chắn không thể bù lại những gì bỏ ra. Thế nhưng, đường lối của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác với cách suy nghĩ của con người. Hạt giống Lời Chúa không chỉ dành cho những mảnh đất mầu mỡ mà được tung vãi khắp nơi, cả bên vệ đường, trên sỏi đá hay giữa bụi gai. Lời Chúa không chỉ nói cho các thầy tư tế hay kinh sư, cho người lành người tốt.

Thiên Chúa đã tung gieo Lời của Ngài một cách hào phóng trên mọi mảnh đất, đến mọi hạng người, mọi tâm hồn bất kể là thu thuế hay gái điếm. Nếu tính tỉ lệ thì ta thấy giữa đất xấu và đất tốt là 3/1. Một tỉ lệ khá cao: cứ ba hạt bị mất mát mới có một hạt đem lại kết quả. Thế nhưng, người gieo giống vẫn cứ ra đi, vẫn cứ gieo vãi. Sẽ có người cho rằng người gieo giống quá phung phí và dở hơi; nhưng nếu nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn thì người gieo giống cực kỳ quảng đại, ông ta muốn mọi nơi trên cánh đồng đều có cơ hội sản sinh mùa màng thật tốt và đem lại thật nhiều hoa lợi.

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót như thế đó. Ngài không bao giờ nghi ngờ thiện chí của bất kỳ một tâm hồn nào. Ngài đã quảng đại trao ban Lời của Ngài, trao ban chính Con của Ngài cho nhân loại và Ngài luôn chờ đợi hiệu quả phát sinh nơi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Tâm hồn nào cũng có thể trở nên mảnh đất mầu mỡ khi biết mở rộng lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, suy gẫm và làm cho phong phú cụ thể qua từng suy nghĩ, lời nói hay cử chỉ.

2. Lời mọc lên đầy hy vọng

Chúa Giêsu giảng dụ ngôn "Người Gieo Giống" trong bối cảnh những người trí thức có địa vị đang ra sức chống đối Ngài, còn những kẻ bình dân và các môn đệ thì đã bắt đầu ngã lòng hoài nghi trước những kết quả ít ỏi của lời Ngài giảng dạy. Như thế, có thể nói đây là dụ ngôn tuyệt vời của niềm hy vọng dành cho những con người đang thất vọng.

Dụ ngôn "Người Gieo Giống" cho chúng ta thấy rằng hành trình Đức Tin của chúng ta phải là một hành trình trong tin yêu hy vọng: dù huê lợi không đồng đều nhưng đất mầu mỡ vẫn có đó, dù hạt giống có mất mát nhưng mùa gặt vẫn bội thu, dù vẫn có đó những chướng ngại nhưng Nước Thiên Chúa cũng sẽ đạt đến viên mãn. "Cuộc đời chỉ là thời kỳ gieo hạt, mà mùa gặt không ở tại thế này" (Danh họa Van Gogh). Chính niềm hy vọng là nguồn sinh lực dồi dào cho cuộc lữ hành của chúng ta.

Nhiều khi chúng ta thấy đường đi phía trước thật mịt mờ. Hiện tại thì đầy khó khăn thử thách. Tương lai càng tối tăm dầy đặc. Chúng ta bị cám dỗ hoài nghi và mất hết niềm hy vọng. Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta một con đường đầy ánh sáng. Đau khổ khó khăn hiện tại chính là liều thuốc kích thích Niềm Tin tưởng chờ đợi Ơn Cứu Độ. Tin tưởng trong nỗ lực phấn đấu chứ không phải Niềm Tin lười biếng bạc nhược. Số phận người đi gieo có hẩm hiu bạc bẽo, nhưng mùa thu hoạch thì đầy hứa hẹn huy hoàng.

3. Lời sinh sôi thật bất ngờ

Từ những khởi đầu ít hứa hẹn, điều kỳ diệu của hạt giống rơi trên đất tốt đã có thể bù đắp gấp bội những thất bại mất mát. Tỉ lệ mất mát là 3/1, nhưng số thu lại không chỉ gấp ba mà là 30, 60 và thậm chí 100 lần. Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta vươn tới sự thiện hảo và trổ sinh ngày càng nhiều hoa trái hơn trong cuộc sống. Chỉ cần một câu Lời Chúa được tự do lớn lên trong lòng người ta thì cũng đủ để đời người hoàn toàn thay đổi.

Lịch sử Giáo hội và cuộc đời của nhiều vị thánh đã chứng minh điều này. Chỉ một câu: "Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi" (Mc 10, 21) đã làm thay đổi cả cuộc đời thánh Phanxicô Át-xi-di, đến nỗi một kẻ vô thần độc tài cũng phải nhìn nhận rằng chỉ cần mười người như ngài là có thể thay đổi cả thế giới. Rồi cuộc đời và thành quả truyền giáo của Thánh Phanxicô Xa-vi-ê cũng là hoa trái của câu Lời Chúa: "Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?" (Mc 8, 36). Cũng thế, tâm hồn và cuộc đời của Mẹ Têrêsa thành Calcutta cũng chính là mảnh đất mầu mỡ đã để cho Lời Chúa lớn lên và sinh sôi đem lại mùa bội thu cho cả thế giới.

Thửa đất không thể sinh hoa trái nếu không có hạt giống. Cũng vậy, cuộc sống chúng ta sẽ cằn cỗi nếu không có Lời Chúa gieo trong tâm hồn. Thiên Chúa không chỉ nói với chúng ta qua Thánh Kinh, Ngài còn nói với chúng ta qua các biến cố của đời mình. Dụ ngôn "Người Gieo Giống" đòi chúng ta phải xét lại thái độ nghe Lời Chúa, đòi ta phải cải tạo lại mảnh đất lòng mình, và tăng thêm sinh lực giúp chúng ta sống Lời Chúa. Lời Thiên Chúa đã phán ra chỉ trở về khi đã đạt được kết quả. Bổn phận của chúng ta là phải nỗ lực làm cho hạt giống Lời Chúa mọc lên tươi tốt, đâm rễ sâu trong tâm hồn, phát sinh những công việc phù hợp với Đức Tin và đem lại những kết quả tốt đẹp.


 

33. Mảnh đất cuộc đời

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ – Thiên Phúc)

Tại Úc Châu có dân tộc Chimbu thuộc đảo Tân Ghinê. Hàng ngàn năm qua họ sống khép kín trong những bộ tộc riêng tại vùng núi hiểm trở. Các bộ tộc này không quan hệ với nhau họ sống hoàn toàn biệt lập. vì thế, chỉ có 3 tiệu người mà họ nói tới 700 ngôn ngữ.

Các vị thừa sai cố học, đọc một ngôn ngữ, và họ dựa vào đó mà dịch ra một thứ tiếng chung gọi là Esperanto, có nghĩa là niềm Hy vọng. Tiếng này được rút ra từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau để làm nên một thổ ngữ Melanesien.

Khi chị nữ tu Mary Claude Đem Lời Chúa Đến rao giảng thì được họ đón nhận rất dễ dàng. Dường như lịch sử truyền khẩu của họ qua các thế hệ đều nói tới một Vị nào đó sẽ đến.

Chị Mary Claude kể: “Có một bà góa trẻ làm công cho địa điểm truyền giáo để kiếm tiền nuôi ba đứa con. Xảy ra có những người thuộc bọ lạc của bà đến xin tiền. Tôi khuyên chị nên tiết kiệm tiền để lo cho các con. Nhưng chị ấy đã nói một câu làm tôi bất ngờ: Chúa Giêsu dạy rằng ai cho người thân cận đang túng thiếu là cho chính Chúa, nên con phải có bổn phận giúp đỡ họ”.

*** 

“Cho đi” đã trở thành nét văn hóa truyền thông của người Chimbu và “chia sẻ” đã đi vào bản sắc dân tộc của họ. Được như thế, chính là nhờ Lời Chúa đã thấm nhập vào máu thịt của họ, vào từng suy nghĩ, hành vi của họ. Lời Chúa đã đưa họ thoát ra khỏi tình trạng biệt lập, và qui tụ họ lại thành một cộng đoàn yêu thương.

Tin mừng hôm nay đức Giêsu dùng dụ ngôn “Người gieo giống” để dạy chúng ta về giá trị của Lời Chúa, nhờ đó chúng ta biết lắng nghe, suy niệm và đem ra thực hành, để có thể trổ sinh nhiều bông hạt.

Tâm hồn chúng ta có thể ví như vệ đường: Nghe mà không hiểu hay cố tình không hiểu, vì Lời Chúa bắt ta phải thay đổi nếp sống.

Tâm hồn chúng ta có thể ví như đá sỏi: Nghe thì mau mắn đón nhận nhưng hời hợt nhất thời, khi thử thách đến thì cao bay xa chạy.

Tâm hồn chúng ta cũng có thể vì như gai góc: Những lo lắng sự đời với danh vọng của cải, là nỗi đam mê đã bóp nghẹt Lời Chúa.

Nhưng nếu tâm hồn chúng ta là mảnh đất tốt: Lắng nghe và thấu hiểu, tin cậy và khiêm tốn sống Lời Người, thì ngày mai phía trước sẽ là một vụ lúa bội thu.

Như thế, chỉ có thái độ thành tâm lắng nghe Lời Chúa mới là quan trọng, chỉ có sự mau mắm đáp trả Lời Người mới có giá trị. Ai nghĩ và hiểu được đều có mới thật có phúc. Đức Giêsu nói: “Còn anh em, mắt an hem thật có phúc vì được thấy, tai an hem thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13,16). Nhưng nghe và hiểu được những đòi hỏi gắt gao của Lời Chúa, quả thật cũng không phải dễ dàng. Và càng khó khăn hơn khi ta dám can đảm thực thi Lời Người.

Đã hơn hai ngàn năm qua, hạt giống Lời Chúa không ngừng gieo vãi trên các tâm hồn thiện chí. Kinh Thánh đã được dịch ra 2123 ngôn ngữ. Kể từ khi cuốn sách in đầu tiền trên thế giới ra đời cách đây 550 năm, tì Kinh Thánh vẫn liên tiếp là cuốn sách được dịch ra thêm nhiều ngôn ngữ mới, kể cả các thổ ngữ của dân tộc Yami ở Đài Loan, thổ dân da đỏ ở Paraquay, Kenya v.v… chưa kể hàng triệu băng cassette, video và CD Rom không ngừng phát hành.

Chúng ta không thiếu các phương tiện thông tin hiện đại để gieo vãi Lời Chúa.

Chúng ta cũng chẳng thiếu các nhà truyền giáo nhiệt tâm rao giảng Lời Người.

Chúng ta chỉ thiếu nhưũng mảnh đất tốt, những tâm hồn ngoan ngùy để cho hạt giống Lời Chúa gieo xuống, nẩy mầm, vươn lên, và trổ bong: hạt được 30, hạt được 60 và hạt được 100.

Để chuẩn bị luống cầy cho những hạt giống tốt. Người Kitô hữu không chỉ thán phục khi nghe Lời Chúa, không chỉ xúc động khi đón nhận Lời Người. Nhưng phải can đảm và nhiệt âm thực thi Lời yêu thương của Người.

*** 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thoát ra khỏi vỏ trấu của ích kỷ, ươn hèn, để nẩy mầm vươn lên và trổ sinh thật nhiều bông hạt của nhân ái và  yêu thương.

Xin chỉ cho chúng con biết dọn dẹp mảnh đất cuộc đời cho phì nhiêu màu mỡ, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng đến mức viên mãn trong cuộc sống chúng con. Amen.


 

34. Bội thu

Đa số quí ông bà và anh chị em ở đây sống bằng nghề nông. Vì thế, hẳn chúng ta có nhiều kinh nghiệm trong việc cấy trồng.

Qua dụ ngôn “Người gieo giống”, Chúa Giêsu đã chia sẻ với chúng ta những hiểu biết và kinh ngiệm về việc đồng áng tại quê hương của Người. Tất nhiên, Người không có ý dạy ta về việc cấy trồng. Nhưng từ công việc cụ thể và quen thuộc ấy, Người dẫn chúng ta tới một lãnh vực khác, đó là lãnh vực tâm linh. Trong lãnh vực này, tâm hồn mỗi người được ví như một thửa đất có những điều kiện khác nhau để tiếp nhận hạt giống. Hạt giống được gieo vào tâm hồn mỗi người không phải là hạt lúa hay hạt cây ăn trái mà là Lời Chúa. Lời Chúa sẽ đem lại sự sống cho tâm hồn ta giống như hạt lúa, hạt gạo cho ta sự sống phần xác. Và hạt giống Lời Chúa được gieo vãi một cách rộng rãi không loại trừ một mảnh đất tâm hồn nào. Người đạo đức thánh thiện cũng như người khô khan nguội lạnh, người lương thiện cũng như người bất lương… tất cả đều được đón nhận hạt giống Lời Chúa. Rồi kinh nghiệm cho thấy rằng: việc cấy trồng không luôn dễ dàng bởi có nhiều kẻ thù phá hoại. Kẻ thù của nông dân và hạt giống là giông bão, là nắng hạn, là đá sỏi, là gai góc, là cỏ dại, là muông thú, là sâu rầy… Hạt giống Lời Chúa cũng có nhiều kẻ thù. Kẻ thù của Lời Chúa là não trạng hưởng thụ, là sự dửng dưng nguội lạnh, là sự lười biếng, ngại khó ngại khổ, là lòng tham và ích kỷ, là sự gian dối và lừa đảo, là những sự xấu, sự ác, là những tệ đoan xã hội… Tất cả những kẻ thù ấy sẽ bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa làm cho hạt giống ấy không thể mọc lên và sinh hoa kết quả.

Chính từ những điều nói trên mà ta có thể tự đặt câu hỏi cho mình:

- Tâm hồn tôi thuộc loại đất nào? Đất có sỏi đá, đất đầy gai góc hay đất phì nhiêu? Và thế nào là đất có sỏi đá, đất đầy gai góc, đất phì nhiêu thì Chúa Giêsu đã giải thích cho chúng ta rồi. Chỉ khi xác định được mình thuộc loại đất nào ta mới có thể cải tạo, mới có thể dọn dẹp mảnh đất ấy để nó có thể đón nhận hạt giống Lời Chúa hầu hạt giống này cho ta một mùa gặt bội thu.

- Hạt giống Lời Chúa đã được gieo vãi trong mảnh đất tâm hồn của tôi, nhưng tôi có sẵn sàng tiếp nhận và chăm sóc cho hạt giống ấy không?

- Đứng trước những kẻ thù của hạt giống Lời Chúa tôi đã làm gì? Tôi có nỗ lực khử trừ hay để mặc nó hủy diệt hạt giống ấy?

Muốn có được một mùa gặt bội thu, người nông dân phải dọn ruộng, dọn đất, phải chăm sóc cho hạt giống nảy mầm và lớn lên, phải ngăn ngừa và đẩy lùi mọi yếu tố, mọi tác nhân gây thiệt hại cho hạt giống và cây trồng. Mùa gặt thiêng liêng cũng phải vậy thôi. Tuy nhiên, bên cạnh việc dọn dẹp và chăm sóc cho mảnh đất tâm hồn của riêng mình bằng cách cải tà qui chánh, bằng cách đổi mới đời sống, ta còn cần hợp tác với nhau để dọn dẹp và chăm sóc cho mảnh đất xã hội, nơi mà chúng ta đang sống, sao cho mảnh đất ấy mỗi ngày được sạch sẽ hơn, quang đãng hơn và mầu mỡ hơn. Lý do là môi trường xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi người. Dọn dẹp mảnh đất xã hội nghĩa là mỗi người cần dấn thân để xây dựng một nếp sống công bình, lành mạnh, thấm đẫm tình yêu thương. Đồng thời nỗ lực đẩy lui cái nghèo, cái khổ, cái dốt, khử trừ những tệ đoan xã hội như cờ bạc, say sưa, đĩ điếm và những hình thức mãi dâm trá hình… Đó chính là những cỏ dại, là gai góc, là sỏi đá, là những côn trùng có hại cho mùa màng thiêng liêng không chỉ của riêng ta mà còn của mọi người.

Nếu mỗi người biết dọn dẹp và chăm sóc cho mảnh đất tâm hồn của mình cũng như mảnh đất xã hội, thì Lời Chúa khi được gieo vào mới có hy vọng sinh hạt 30, hạt 60 và hạt 100 như lòng Chúa mong ước.


 

home Mục lục Lưu trữ