Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 22

Tổng truy cập: 1364465

LỜI KINH ĐẦY TÂM TÌNH

LỜI KINH ĐẦY TÂM TÌNH

 

(Suy niệm của G. Nguyễn Cao Luật)

Không chỉ là một thái độ, nhưng là một tình trạng

Không xác định nơi chốn, thánh Lu-ca mô tả Ðức Giêsu đang cầu nguyện, có các môn đệ vây quanh. Ðâu là lời cầu nguyện đích thực của Vị Thầy? Khác với lời cầu nguyện của nhà khỗ chế Gio-an Tẩy Giả trong sa mạc, vị ngôn sứ rao giảng sự sám hối, lời cầu nguyện của Ðức Giêsu bày tỏ bí mật thâm sâu trong mối tương giao thân mật của Người với Chúa Cha. Ngoài việc tuân thủ nghi thức và thói quen của người Do-thái, Ðức Giêsu cho thấy lời cầu nguyện còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.

Ðức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha rất lâu giờ và cũng tràn đầy tình yêu mến. Sau cả ngày mệt nhọc với những hành trình rao giảng, chữa bệnh, Ðức Giêsu vẫn thường rút lui vào chốn thinh lặng để cầu nguyện. Dường như Người có thể bỏ việc này việc khác, nhưng không thể bỏ việc cầu nguyện. Ðó là những thời khắc Người tiếp xúc thân mật, tiếp xúc rất riêng tư với Chúa Cha; trong đó Người thông hiệp trọn vẹn với Chúa Cha, đi sâu vào chương trình huyền nhiệm, và gắn bó trọn vẹn với thánh ý của Chúa Cha. Có lần, dân chúng và cả các môn đệ, đi tìm Ðức Giêsu. Các ông gặp thấy Người trong trạng thái đầy vui mừng, hân hoan... Các ông không dám đến gần, không dám lên tiếng... nhưng cuối cùng các ông cũng xin Người chỉ cho cách thức cầu nguyện.

Một tư cách mới, một ý nghĩa mới

Lời cầu nguyện Ðức Giêsu đưa các ông vượt khỏi suy nghĩ bình thường của các ông. Lời cầu nguyện có vẻ như cao ngạo, gây gương mù: Ðức Giêsu truyền cho các ông gọi Thiên Chúa là Cha, Ðấng mà xưa nay họ vẫn hết mực tôn kính, ngay cả việc gọi tên, các ông cũng không dám.

Từ nay trở đi, người nào liên kết với tiếng kêu đầy yêu thương của Ðức Giêsu, hướng về Chúa Cha, người đó đã làm cho Nước Thiên Chúa được thực hiện. Họ cũng làm cho danh Thiên Chúa được hiển thánh khi họ biết trao đổi với Thiên Chúa trong tình yêu, một cuộc trao đổi đưa họ vào chính trung tâm của lòng thương xót được tặng ban cho hết mọi người.

Bài suy niệm này không đề cập đến các lời cầu xin trong lời kinh Ðức Giêsu dạy cho các môn đệ, mặc dù những lời cầu xin ấy có nhiều ý nghĩa. Ðiều muốn nói đến ở đây là một mối tương giao, một tinh thần mới giữa con người và Thiên Chúa. Trong Ðức Giêsu, con người được biết Thiên Chúa là Cha của mình, và họ phải đến với Thiên Chúa trong tâm tình của một người con. Trong Ðức Giêsu, Ðấng nhập thể làm người, nhân loại được gọi Thiên Chúa là Cha, Cha của tất cả mọi người. Ðầy cũng là mặc khải mấu chốt trong sứ điệp của Ðức Giêsu, là chìa khoá cho tất cả cuộc đời và hoạt động của Người. Trong mặc khải này, lề luật của Ít-ra-en được hoàn tất và nảy sinh một giao ước mới: Thiên Chúa trở thành người Cha thân yêu của tất cả mọi người.

Như vậy, so với Cựu Ước, lời kinh của Ðức Giêsu mở ra một viễn tượng lớn lao, hoàn toàn mới mẻ. Thiên Chúa đến với con người không phải để dò xét, để trừng phạt, nhưng là để đem ơn cứu độ, đem ơn tha thứ và tình yêu thương. Ngược lại, con người đến với Thiên Chúa không phải với tâm tình sợ hãi, e dè, cũng không phải là để tìm lợi ích cho riêng cá nhân mình, nhưng là hiện diện trước Thiên Chúa với tâm tình của một người con, sẵn sàng trình bày với người Cha tất cả những gì liên quan đến mình. Và hơn thế nữa, con người hiện diện trước Thiên Chúa để tìm hiểu chương trình của Người, sẵn sàng tuân phục và cộng tác để thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện. Sự hiện diện như thế vượt lên trên mọi suy tính cá nhân, ích kỷ, để thở thành một sự hiện diện trong quan điểm của lịch sử cứu độ, trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa đang muốn cứu độ tất cả mọi người.

Ngày nay, sau hai mươi thế kỷ, vẫn có những người quan niệm Thiên Chúa theo kiểu Cựu Ước, vẫn có những người tìm đến Thiên Chúa mà chỉ mong tìm lợi cho mình. Lời kinh Lạy Cha vẫn được đọc lên nhưng không thấm sâu, không làm thay đổi cái nhìn của con người về Thiên Chúa. Người ta không cảm thấy vinh hạnh, không cảm thấy sung sướng khi mình được gọi Thiên Chúa là Cha, khi mình là con Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha - loài người là con: đó không phải là kiêu ngạo, nhưng là ý nghĩa đích thực và sâu xa nhất của Ki-tô giáo.

Trong kiên trì và tín thác

Tiếp đó, Ðức Giêsu nói lên điều cốt yếu của việc cầu nguyện. Người nhấn mạnh những đặc tính hết sức quan trọng là kiên trì và tín thác.

Thiên Chúa biết rõ mọi nhu cầu của con người. Không cần họ phải lên tiếng, Thiên Chúa cũng đã thấu suốt mọi điều họ xin. Nhưng tại sao Thiên Chúa lại để cho người ta phải cầu nguyện, phải năn nỉ?

Thật ra, dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ là một hình ảnh. Việc cầu nguyện liên lỉ nối kết con người với Thiên Chúa cách sâu xa hơn, khiến họ ý thức rõ hơn về sự thiếu thốn, sự bất lực của mình. Khi đó họ sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và sau khi được Thiên Chúa nhận lời, họ nhận biết Người cách rõ ràng hơn. Bởi đó, việc cầu nguyện liên lỉ, việc chờ đợi không phải là điều đau khỗ, nhưng lại là một hổng ân lớn lao, một sự vươn tới Thiên Chúa cách quyết liệt và cũng là một tâm tình đích thực.

Ngoài ra, Thiên Chúa là Ðấng thông suốt, Người cũng biết con người cần gì. Lòng thương xót của Người thật vô biên, nhưng Người lại muốn con người phải hoàn toàn tín thác, trông cậy nơi Người. Tại sao vậy?

Thiên Chúa không chỉ đáp ứng những nhu cầu vật chất của con người - trong thực tế, lời cầu nguyện của con người thường chỉ có những điều này. Nếu con người hiện diện trước Thiên Chúa một cách đích thực, nếu mối tương giao của họ với Thiên Chúa không phải để tìm lợi ích cá nhân, thì hẳn việc cầu nguyện chân thành sẽ phải là để cho Thiên Chúa hoạt động, là mở lòng đón nhận Thiên Chúa, hơn là buộc Thiên Chúa phải chiều theo những suy nghĩ, những tính toán tầm thường của mình. Nếu Người có làm thinh như không nghe thấy, chính là để con người đạt tới một điều rất cần thiết, một hổng ân lớn lao mà Ðức Giêsu hứa ban, đó là Chúa Thánh Thần. Hổng ân này vượt lên trên cả nhu cầu về bánh ăn cũng như mọi nhu cầu tinh thần khác.

Mở rộng tâm hồn và sẵn sàng

Hãy xin thì sẽ được - không phải lúc nào cũng như thế.

Việc cầu nguyện khởi đi từ những nhu cầu cụ thể, nhưng sẽ hướng tới điều bất ngờ, hướng tới sự vô biên của Thiên Chúa. Theo thánh Augustino, "Việc cầu xin không nhằm thông báo cho Thiên Chúa, nhưng là huấn luyện con người." Khi cầu xin, chúng ta thú nhận sự bất lực của mình và công nhận Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng, là Ðấng Chí Ái. Một lời cầu xin với Chúa Cha bao hàm hai cuộc hoán cải.

Thứ nhất, với lời cầu xin cho lợi ích của Nước Thiên Chúa, chúng ta thấy rằng không thể xem xét những điều đó theo quan điểm của mình. Vậy, khi cầu xin, tức là để cho thánh ý Thiên Chúa được thể hiện.

Thứ hai, vì ý thức rõ ràng về lời cầu xin của mình với Thiên Chúa, người Ki-tô hữu khám phá ra một khát vọng nền tảng: gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu. Lúc ấy, từ những nhu cầu, chúng ta chuyển sang khát vọng, một cuộc chuyển dịch dần dần và đau đớn.

Người cầu xin là người có thái độ của "kẻ đứng trên con tàu, nắm chắc sợi dây cột tàu vào bờ. Họ không kéo tảng đá về phía mình, nhưng mình tiến dần tới tảng đá, họ và con tàu" (Denys l'Arépagite).

Cầu nguyện, đó không phải là áp đặt ý muốn của mình trên Thiên Chúa, nhưng là xin Thiên Chúa cho chúng ta sẵn sàng tuân theo thánh ý, theo kế hoạch cứu độ của Người đối với thế giới.

Cầu nguyện, đó không phải là làm Thiên Chúa thay đổi, nhưng là xin Thiên Chúa thay đổi chúng ta, và biến tâm hổn chúng ta thành tâm hổn của người con.

Nếu chúng ta kiên trì, chúng ta sẽ được, sẽ tìm thấy và cánh cửa sẽ mở ra. Vì thế, chúng ta không được quyền nản chí. Cầu nguyện, trước hết là kiên trì.

 

6.Thưa chuyện với Thiên Chúa

THƯA CHUYỆN VỚI THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG

1. Sống thân tình với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.

Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông. Câu đề nghị mà một người môn đệ hỏi Chúa Giêsu, cũng có lẽ là câu đề nghị mà chúng ta đặt ra cho nhau và cho chính mỗi người trong cuộc sống đức tin hôm nay.

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ mỗi chúng ta tự hỏi lòng mình: Chúng ta tương quan với Thiên Chúa như thế nào? Chính đời sống tương quan của mỗi người với Chúa sẽ quyết định thái độ cầu nguyện. Nếu ta sống với Thiên Chúa là ông chủ, chúng ta có nhiều khả năng cầu nguyện trong tư cách là tôi tớ. Nếu ta tương quan với Chúa là Đấng ban phát ơn, những lời cầu nguyện nhiều khả năng là những lời xin ơn về lợi lộc trần thế. Nếu ta sống yêu mến Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Đấng ban ơn cứu độ, chúng ta dễ dàng biểu lộ tâm tình cầu nguyện trong tư cách là người con hiếu thảo.

Sách Sáng Thế cho chúng ta thấy hình ảnh Apraham sống thân tình với Thiên Chúa. Nhờ đời sống gắn bó mật thiết với Chúa, lời cầu nguyện của ông dâng lên Chúa toát ra từ một đời sống đầy tin tưởng và thân tình. Ông đã tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hằng lắng nghe lời ông khẩn cầu.

Thật vậy, khi biết được ý định Thiên Chúa sắp phá hủy thành Sôđôma và Gômôra, nơi có gia đình người cháu là ông Lót ở đó, Ápraham đã kêu xin Thiên Chúa là cha giàu lòng thương xót. Ông tin rằng Thiên Chúa sẽ không tiêu diệt người tội lỗi cùng với công chính. Vì thế, ông đã mượn sự hiện diện của những người công chính để xin Thiên Chúa tha thứ cho những người tội lỗi cùng sống trong thành Sôđôma và Gômôra. Từ 50 người công chính hiện diện trong thành, sau 5 lần xin bớt, ông đã xin Thiên Chúa tha thứ cho thành chỉ với 10 người công chính. Sự kèo nài của Ápraham như một cuộc trả giá trong buôn bán đã cho thấy, ông rất gần gũi và thân thiết với Thiên Chúa, cách riêng, ông rất bền bỉ và kiên nhẫn trong lời cầu nguyện. Những lần ông xin bớt, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đã nhận lời ông.

2. Thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha nhân lành.

Như thế, Apraham đã sống thân tình trước mắt Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của ông dâng lên Thiên Chúa như là một cuộc trò chuyện đầy cởi mở và thân thiện giữa hai người bạn thân, nhưng vẫn có sự tôn kính Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta một cách cầu nguyện trong tương quan mới, tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là những người con của Ngài. Nhờ Chúa Giêsu và tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi Kitô hữu có thể kêu Thiên Chúa là Abba, nghĩa là cha ơi. Tiếng xưng hô: cha ơi,thật đẹp làm sao. Những lời thân thưa trong kinh Lạy Cha lại càng ý nhị và thân tình biết mấy.

Trong tâm tình con cái yêu mến cha mình, người con không xin những gì ngoài ý muốn của cha nhưng luôn thao thức nên một với Cha và làm đẹp lòng Cha. Mọi sự Cha muốn, người con cũng ao ước, mọi sự Cha cần, người con cũng ước ao nên trọn. Vì thế, Lời nguyện đầu tiên của Người con ngoan là xin cho danh Cha cả sáng, xin mọi người đều tin nhận và suy phục Cha mình.

Cuộc sống của người con ở trần gian này là cuộc lữ hành đi về với Thiên Chúa là Cha. Vì thế, người con không tìm vinh danh trần thế này, cũng chẳng mong tích lũy của cải chóng qua nhưng là tìm vinh danh Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Vì thế, người con không xin sang giàu, cũng chẳng ước ao chức tước trần thế, nhưng xin đủ lương thực hằng ngày để có thể chu toàn bổ phận là con cái của Thiên Chúa.

Khi cùng nhau tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, người con cũng nhận thật, mọi người đều là anh em với nhau. Vì thế, người con khao khát sống hòa thuận với mọi người. Muốn thế, người con xin với Thiên Chúa cho mình biết thứ tha và thông cảm cho nhiều người khác để có thể sống yêu thương hết mọi người. Người con xin cho mình có khả năng tha thứ cho tha nhân để có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa là Cha nhân lành.

Cuối cùng, hạnh phúc của người con là luôn sống thân tình với Cha mình. Muốn thế, người con không chỉ dựa vào cố gắng của bản thân nhưng rất cần sự trợ lực của Thiên Chúa là Cha. Vì thế, người con xin với Cha gìn giữ để khỏi sa vào chước độc của ma quỷ. Có thế, hoàn tất cuộc đời này, người con đều tràn trề hy vọng sẽ được người Cha là Thiên Chúa cho hưởng gia nghiệp gia tài của những người con hiếu thảo.

Ước mong, Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta luôn sống tâm tình của người con hiếu thảo, để mọi lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa là bao tiếng thân thương của người con hiếu thảo dâng lên cha mình: Abba, cha ơi!

 

7.Kiên trì trong lời cầu

Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã không ngừng cầu nguyện. Các tông đồ và những theo Chúa đã chứng kiến tâm tình và cách thức cầu nguyện liên lỉ của Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta phải biết cầu nguyện kiên trì, vì cầu nguyện là cách chúng ta duy trì mối tương quan Cha – con giữa Thiên Chúa với ta.

Chúa Giêsu không muốn đưa ra một công thức cầu nguyện nhất thời nhưng là cả một đời sống cầu nguyện. Dường như thánh sử Luca đã nhận ra điều ấy, nên ngài không kể ra một cách công thức như thế mà chú ý nhiều hơn đến tâm tình cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện trong tâm tình của một người Con thưa với Cha yêu dấu. Ngài đã giữ mãi tâm tình này trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng cho đến khi chịu treo trên thánh giá: “Cha ơi! Sao Cha bỏ Con! Nhưng đừng xin theo ý Con như xin cho ý Cha thành sự.”

Ngoài tâm tình của một Người Con khi cầu nguyện, Chúa Giêsu còn nhắn nhủ thêm những tâm tình cần phải có bằng hai hai dụ ngôn trong trong bài Tin Mừng hôm nay.

Với dụ ngôn người bạn xin bánh nửa đêm, Chúa muốn nhắc chúng ta lưu tâm đến lòng kiên trì cầu nguyện. Đừng chú trọng đến công thức cầu nguyện cho một thời điểm mà lưu tâm hơn đến tâm tình cầu nguyện liên lỉ trong đời. Hãy ở trong tâm tình cầu nguyện nghĩa là luôn gắn bó với Chúa, luôn thưa lên với Chúa mọi nơi mọi lúc.

Chẳng phải đến lúc chúng ta thưa lên những nhu cầu của mình thì Chúa mới biết nhưng Người đã biết trước khi chúng ta cầu xin. Tuy nhiên, Người muốn chúng ta tin tưởng và phó thác. Nếu không kiên trì thì thái dộ nhẹ dạ sẽ đưa chúng ta đến việc van xin hết ông bụt này đến bà thần kia. Chúng ta sẽ đi lang thang khắp cùng trời cuối đất để mong được thỏa mãn những nhu cầu của mình.

Thiên Chúa không làm ngơ trước những nhu cầu của chúng ta, Ngài nhạy cảm trước những gì chúng ta đang thiếu thốn. Vấn đề là chúng ta hãy kiên trì trong cầu nguyện. Hãy biết kiên trì gõ cửa giữa đêm khuya như người bạn xin bánh để học được tính lệ thuộc vào Thiên Chúa. Bàn tay yêu thương của Ngài sẽ ban phát cho chúng ta những ơn lành mà chúng ta cần đến.

Đôi lúc trong cuộc đời, chúng ta cũng đã kêu trách vì những lời cầu xin của mình không được như ý. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay còn là lời động viên cho chúng ta đừng tuyệt vọng. Hãy kiên trì trong cầu nguyện. Hãy xin Chúa cho chúng ta nhận ra thánh ý Chúa trong từng biến cố của cuộc sống. Có kiên trì trong cầu nguyện chúng ta mới nhận ra lòng nhân lành của Chúa. Như Chúa đã nói trong dụ ngôn thứ II của bài Tin Mừng hôm nay: Không có người cha nào có con xin bánh mà lại cho hòn đá, xin cá lại cho con rắn. Cũng vậy, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những ơn tốt lành nhát từ kho tàng tình thương của ngài. Ước gì chúng ta cũng hãy kiên trì cầu nguyện để nhận ra sự tốt lành đến từ nơi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Chúa thật kiên nhẫn với chúng con. Chúa không trách phạt chúng con như chúng con đáng tội. Chúa muốn chờ đợi sự trở về của chúng con và Chúa hằng thi ân ngay khi chúng con còn mang ách tội nhân. Xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Xin cho chúng con đừng bao giờ nản lòng trước những rủi ro nhưng biết kiên trì chờ đợi cho đến khi lãnh nhận hồng ân từ Chúa.

Xin cho chúng con cũng biết kiên nhẫn lắng nghe tiếng Chúa, biết lắng nghe nhu cầu của tha nhân và sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng của mình. Xin cho chúng con biết sống với nhau trong tình bác ái chân thành.

 

8.Lời kinh tuyệt diệu của muôn thế hệ

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Tin mừng Lc 11: 1-13: Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt hảo. Chính lời kinh này đã liên kết chúng ta nên một với Đức Giêsu và với nhau để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin trong tâm tình Cha – con.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều mối liên hệ được thiết lập. Nào là mối liên hệ anh em, bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái..., từ đó nảy sinh các mối tương quan như: thỉnh nguyện, kêu cầu, đơn xin, nguyện vọng... Đó là các mối liên hệ tự nhiên. Tuy nhiên, ngoài các mối liên hệ thông thường trên, nơi các tôn giáo và trong đời sống tâm linh, chúng ta cũng có những mối liên hệ và tương quan với Đấng Siêu Việt. Vì thế, với người tín hữu Kitô, chúng ta luôn cầu nguyện với Thiên Chúa là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi tín hữu.

1) Kinh lạy Cha, khuôn mẫu cầu nguyện

Với người Công Giáo, tâm tình đó được khởi đi từ chính mẫu gương của Đức Giêsu khi Ngài thường cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Không những thế, Ngài còn dạy cho các môn đệ của mình cầu nguyện khi một người trong số họ lên tiếng ngỏ lời: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông".

Khi được môn sinh bày tỏ ước nguyện, Đức Giêsu đã hướng dẫn các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Qua kinh nguyện này, trước tiên, Đức Giêsu đã giúp cho các môn đệ đi vào mối liên hệ thân tình Cha – con với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Đây chính là lời nguyện mà chính Đức Giêsu đã thường xuyên thưa lên với Cha Ngài. Ngài cũng muốn cho các môn đệ có được tâm tình ấy như chính Ngài với Thiên Chúa.

Đây là một hồng ân đặc biệt mà chỉ nơi Kitô Giáo mới có. Từ đây, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha và mỗi người đều được trở thành nghĩa tử của Người.

Khi đã đi vào mối tương quan Cha – con với Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn dẫn các môn đệ đến thái độ tôn vinh Thiên Chúa: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” và “Triều đại Cha mau đến”.

Thật ra, Danh Thiên Chúa mãi mãi rạng ngời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Vì thế, không cần đến lời tôn vinh của chúng ta thì những điều đó mới được hiện diện và tồn tại. Không! Nhưng khi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa như thế, một lần nữa nói lên sự kết hiệp sâu xa giữa ta với Thiên Chúa và từ đó nảy sinh ơn cứu chuộc nhờ được thánh hóa trong Danh Cha.

Tiếp theo, Đức Giêsu hướng các môn đệ đến những nhu cầu của chính mình. Những lời nguyện đó là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Đây chính là nhu cầu thiết thực, gắn liền với đời sống thường nhật của con người. Lời nguyện này muốn bày tỏ tâm tình phó thác nơi Thiên Chúa là Đấng An Bài và Quan Phòng cho con cái của Người. Vì thế, đây là lời nguyện vừa mang tính thiết thực, vừa mang tâm tình cậy trông.

Kế đến là lời nguyện xin tha thứ: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con”.

Lời nguyện này nhắc cho người môn đệ biết rằng: mang trong mình thân phận yếu đuối của kiếp người, nên không ai là người không có những sai phạm với Chúa và với nhau. Vì thế, xin ơn tha tội là điều không thể thiếu trong tâm tình cầu nguyện. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể được Thiên Chúa thương xót và tha thứ khi chính ta cũng phải rộng lòng xót thương và tha thứ cho anh chị em đã xúc phạm đến mình. Bởi vì: nếu chúng ta không tha thứ cho nhau, thì Thiên Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta.

Cuối cùng, lời kinh hướng các môn đệ ý thức sự giới hạn của bản thân, bởi lẽ, con người thường hướng chiều về tội lỗi hơn là điều thiện. Hơn nữa, trước những bẫy cám dỗ đầy hấp dẫn và bắt mắt, khiến con người chẳng khác gì con thiêu thân lao mình vào đống lửa. Trước dịp tội và cám dỗ, người môn đệ cần phải có ơn Chúa trợ giúp thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được ba thù.

Khi dạy các môn đệ xong, Đức Giêsu đảm bảo cho những lời nguyện xin ấy nếu phát xuất từ sự chân thành, tin tưởng, phó thác thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời, vì: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”.

Như vậy, có thể nói, không có lời kinh nào ý nghĩa và giá trị cho bằng Kinh Lạy Cha, bởi vì kinh này do chính Đức Giêsu dạy cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta. Vì thế, đây là lời kinh tuyệt vời trên hết mọi lời kinh.

2) Thực trạng đời sống cầu nguyện nơi chúng ta

Trong đời sống đạo của chúng ta ngày nay, nhiều người đã bỏ cầu nguyện, hay cầu nguyện chẳng khác gì cái máy, hoặc cầu nguyện là trao phó mọi sự nơi Chúa theo kiểu đào nhiệm. Trong khi đó, tâm hồn chúng ta không có tâm tình chi cả. Vì thế, không lạ gì khi thấy nhiều người và có thể chính chúng ta, mỗi khi cầu nguyện là kể ra một dãy dài dằng dặc những nhu cầu của bản thân mà không hề tôn thờ, tạ ơn cũng như hướng tha. Hay nhiều khi chúng ta lại quá tập trung vào nhu cầu thể xác mà quên mất nhu cầu tâm linh.

Lại có những lúc chúng ta cầu nguyện theo kiểu mì ăn liền, tức là: mong sao Chúa phải là người đáp ứng theo lời nguyện xin càng nhanh càng tốt.

Cầu nguyện như thế, vô hình trung, chúng ta biến Thiên Chúa trở thành đối tượng chỉ để đáp ứng nhu cầu của mình, mà không hề nghĩ đến chuyện kết hợp nên một với Người để trở nên giống Người.

Một tâm tình phù hợp với đức tin, ấy là: khi cầu nguyện, không có nghĩa chỉ là xin ơn và cũng chẳng có nghĩa thuần túy là liệt kê những ước muốn, những kỳ vọng, những điều mà mình muốn xin. Nhưng cầu nguyện trước hết là tâm tình tôn thờ, thống hối, tạ ơn rồi mới đến xin ơn.

Tuy nhiên, cần phải kiên trì trong lời cầu nguyện. Chính vì thế, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn: “Người bạn bị quấy rầy” và chưng ra hình ảnh trai lỳ của người làm phiền trong đêm.

Cuối cùng, ông chủ khó tính cỡ nào cũng phải mủi lòng và thi ân cho người bạn sỗ sàng này.

Nói thế, không có nghĩa Thiên Chúa như ông chủ trong dụ ngôn, nhưng đây là hình ảnh biểu đạt một vị Thiên Chúa luôn luôn xót thương con người. Thế nên, nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.

Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, thánh Augustinô đã giải thích: “Phải kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Chúa sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái”.

Tắt một lời, kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt hảo. Chính lời kinh này đã liên kết chúng ta nên một với Đức Giêsu và với nhau để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin trong tâm tình Cha – con.

Cũng chính trong mối liên hệ thân thương này, mà Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc cho những ai thành tâm, tin tưởng, phó thác và chạy đến với Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con! Xin ban cho chúng con biết năng chạy đến với Chúa như con thơ bên lòng mẹ hiền, để được Chúa yêu thương, ban ơn và tha thứ cho những thiếu xót của chúng con. Amen.

 

9.Tín thác Chúa trong việc cầu xin

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Chúa Giêsu hôm nay xác quyết rằng “Cứ xin sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho”. Ấy vậy mà nhiều lần trong đời sống, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta xin hoài mà chẳng được, tìm mãi mà chẳng thấy, và gõ hoài, chẳng ai mở. Ngược lại, người khác xin thì được ào ào dù họ chẳng đạo đức hơn gì mình, nhiều khi thua mình nữa là khác nếu xét về đời sống đức tin. Chính lúc ấy, niềm tin của chúng ta bị chao đảo, dễ tàn lụi vì nghĩ rằng Chúa không thương mình nữa, Chúa có thật không hay chỉ là ảo tưởng, thôi ta đi tìm chỗ dựa khác vững chắc hơn, có lợi hơn. Không! Nghĩ như thế là nông cạn lắm, bởi vì trong bài đọc 1, Sách Sáng Thế kể ông Ápraham xin Chúa tha thứ cho dân thánh Xơ-đôm nếu trong thành có 50 người lành. Ông Apraham tìm mãi không có nên nài xin Chúa hạ xuống còn 10 người lành Chúa vẫn tha cho. Cho nên, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định rằng anh em là những kẻ xấu mà biết cho con cái mình của cái tốt lành, phương chi Cha trên trời không ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người sao? Vì thế, bây giờ vấn đề là tôi xin cái gì và xin như thế nào? Tại sao xin không được?

Khi xin, đương nhiên chúng ta xin những cái tốt. Nhưng, thế nào là tốt? Ngày nay người ta đánh giá tốt hay xấu không bằng thang giá trị của cuộc sống mà bằng cái dáng vẻ bên ngoài. Ngày xưa “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng ngày nay “cái đẹp đánh bẹp cái nết”. Vì vậy, liệu cái mà chúng ta cho là tốt nhưng nó có thật sự tốt trước mặt Chúa không? Nó tốt trong giây phút hiện tại nhưng không tốt cho tương lai và vĩnh cửu sao? Chính vì thế, Chúa không cho, không phải vì không thương nhưng Ngài thương chúng ta ngay cả đời này và lo cho ta được hưởng đời sau nữa. Ví dụ một đứa trẻ xin cao dao cắt trái cây, cha mẹ có cho không? Mới lớp 8 xin nghỉ đi học để đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình, cha mẹ có cho không? Hay anh sinh viên xin nghỉ học để chạy Grabike để kiếm tiền, cha mẹ có cho không? Tại sao không cho? Vì một em bé đang chơi với đám trẻ ngoài đồng, bỗng chạy vào nhà xin bố cho nó mượn con dao. Bố không cho? Đợi bố bu bu làm việc dưới bếp nó lẻn cầm dao chạy u ra đồng. Bố tinh ý, chạy theo xem nó làm gì, thì ra nó lấy dao để chặt trái lựa đạn mà nó tưởng đâu một loại trái gì đó ăn được. Bố nó nhảy tới giựt con dao trước khi nó bổ đôi trái lựu đạn. Tầm nhìn đứa trẻ và anh sinh viên còn hạn hẹp. Cha mẹ thì nhìn xa trông rộng luôn biết được tương lai của đứa con sau này sẽ ra sau trong cuộc sống, huống chi là Thiên Chúa, tạo dựng nên con người, Ngài thông biết mọi sự. Cho nên, nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng Chúa biết điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho chúng ta ngay hiện tại và tương lai, hoặc Người muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Vì vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta như lòng chúng ta mong ước, đó là bởi sự khôn ngoan, lòng thương xót và sự quan phòng của một người Cha đầy tình từ bi nhân ái.

Nhiều khi chúng ta xin mà chưa được hay không được, hãy an tâm vì Chúa có cách tốt nhất Chúa dành cho chúng ta. Chúa biết những gì thiết thực cho phần hồn, phần xác chúng ta nên Ngài ban hay không ban là vì thương và muốn chúng ta xứng đáng là con cái của Ngài để nói như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai rằng chúng ta sẽ được sống với Đức Kitô nhờ Thiên Chúa ban muôn ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta hầu được hưởng ơn cứu rỗi. Để được như thế, có lúc Thiên Chúa cắt tỉa chúng ta bằng cách không ban cái chúng ta xin để chúng ta tự thăng tiến, trưởng thành trong đời sống tự nhiên và tín thác vào Thiên Chúa trong đời sống siêu nhiên. Có khi chúng ta nhận được thất bại để rút tỉa kinh nghiệm và làm cho cuộc sống thêm chất lượng hơn và trung tín theo Chúa đến cùng để hưởng hạnh phúc bên Chúa. Cho nên, một người tín hữu chia sẻ kinh nghiệm rằng nhiều lần trong đời sống, tôi xin Chúa cho tôi sức khoẻ để tôi có thể làm được những việc lớn lao - Ngài lại ban cho tôi sự yếu đuối để tôi làm mọi việc cách tốt hơn. Tôi xin Chúa cho tôi giàu sang để tôi có thể sống hạnh phúc hơn - Ngài lại ban cho tôi sự nghèo nàn để tôi sống khôn ngoan hơn. Tôi xin Chúa ban cho tôi quyền lực để được người đời xưng tụng - Ngài lại ban cho tôi sự mọn hèn để tôi ý thức cần đến Ngài hơn. Tôi xin Chúa ban cho tôi mọi sự, nhờ đó tôi tận hưởng thú vui cuộc sống - Ngài lại ban cho tôi cuộc sống để nhờ đó tôi tận hưởng mọi sự. Tuy tôi chẳng được tất cả những điều tôi xin, nhưng lại nhận được mọi thứ tôi cần.

Qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết điều chúng ta cần không phải là chúng ta có được gì sau khi xin, nhưng chúng ta cần có được lòng thương xót Chúa và nhận ra thánh ý Chúa sau mỗi lần xin để chấp nhận thi hành. Vì thánh ý Chúa như một món quà yêu thương mà chúng ta cần lãnh nhận bằng cả niềm tin và lòng tri ân cảm mến. Vì vậy, có được Chúa là có tất cả đồng thời nhận ra cách thức Chúa ban ơn cho chúng ta sẽ giúp chúng ta biết cảm tạ và tín thác đời mình cho lòng thương xót Chúa quan phòng. Như thế, chúng ta sẵn sàng theo Chúa cho đến hết hơi cho đến trọn đời. Sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng ta đang cử hành là bảo đảm cho thấy Chúa luôn thương xót, chăm sóc và ban ơn bình an, vui mừng và hy vọng. Ước gì Chúa Giêsu Thánh Thể đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố và mọi nẻo đường của cuộc sống hôm nay. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ