Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1373560

LỜI NGUYỆN CHÂN THÀNH

Lời nguyện chân thành

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một bài hát nói về tâm trạng xem ra mâu thuẫn của một người ngoại đạo như sau: "Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ở trên cao". Lời hát thật đơn sơ nhưng nói lên niềm tin chân thật của một người ngoại đạo. Anh công nhận mình ngoại đạo. Nhưng anh cũng không chối cãi niềm tin vẫn có trong lòng mình. Anh công nhận mình vẫn ở ngoài đạo nhưng anh lại gắn bó mật thiết với Chúa. Bằng chứng là anh đã cầu nguyện với Chúa. Anh nói với Chúa về sự thật của anh, một người ngoại đạo. Anh nói với Chúa về niềm xác tín của anh, anh tin có Chúa ở trên cao. Anh giải bày với Chúa những khúc mắc trong cuộc đời anh. Anh đang trình bày với Chúa về nhu cầu của mình. Anh cần Chúa cho anh niềm tin để anh không còn nghi ngại một điều gì nữa! Anh đang cần có một đức tin đủ để tin vào sự hiện diện của Chúa.

Lời Chúa hôm nay cũng tường thuật về cách thức biểu lộ niềm tin chân thành của một người đàn bà ngoại đạo miền Canaan. Bà là người ngoại đạo nhưng bà lại kêu cầu Chúa là Con Vua Đavit, nghĩa là bà đã tin Chúa Giêsu là Đấng phải đến trong thế gian. Nhưng đối với Chúa niềm tin chân thành thôi chưa đủ để nhận ơn lành từ Chúa, mà còn phải kiên nhẫn, phải khiêm tốn, và nhất là phải có một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đấng mà mình kêu xin.

Người đàn bà này đã trải qua những giai đoạn đó:

Trước tiên bà kiên nhẫn kêu xin. Xin lần thứ nhất chưa được, bà liền xin lần thứ hai và mãi cho tới lần thứ ba bà mới được toại nguyện.

Niềm tin của bà thật cảm động, vì bà quá khiêm tốn trước mặt Chúa. Bà chỉ ao ước nhặt từng mảnh vụn ơn thánh rơi rớt của những người con Chúa. Bà biết mình không xứng đáng được ơn. Bà không dám nghĩ mình được tắm trong biển cả yêu thương của Chúa, nhưng chỉ cần một giọt thánh ân trong biển lòng thương xót của Chúa có thể cứu sống con của bà.

Niềm tin của bà còn đạt tới niềm tin tưởng tuyệt đối, không có gì lay chuyển nổi! Cho dù trước thái độ xua đuổi khéo léo của các môn đệ và sự lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà không bỏ cuộc. Bà vẫn một lòng cậy trông vào Chúa đến mức độ mà Chúa phải ca tụng bà: "đức tin của bà thật lớn lao. Bà muốn sao được vậy". Và phép lạ đã diễn ra bởi lòng tin của một người mẹ hết mình vì con.

Vâng, lòng tin thường là điều kiện cần thiết để Chúa thi thố tình thương của Ngài dành cho chúng ta. Lòng tin càng lớn thì ân ban càng nhiều. Lòng tin càng được tôi luyện trong gian nan thử thách thì càng thấy rõ hơn tình thương của Chúa khi được Ngài giải thoát khỏi mọi hiểm nguy. Lòng tin cần phải kiên nhẫn mới có thể thấy sự bất lực của con người trước sự dữ và quyền năng cao vời của Thiên Chúa luôn sẵn lòng bảo vệ con người khỏi mọi sự dữ.

Lòng tin này đã được thánh nữ Monica thực hiện suốt 18 năm ròng rã. Thánh nữ Monica luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng của mình là Augustino. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Người đời nhìn bà là một người phụ nữ bất hạnh vì chồng khô khan, và con truỵ lạc. Đã có lần đức tin của bà cũng bị lung lay. Bà muốn bỏ cuộc, nhưng thánh Ambrosio đã nói với thánh nữ: "Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao giọt nước mắt sẽ không thể nào hư mất". Thực vậy, nhờ niềm tin của người mẹ mà Thiên Chúa đã thay đổi phận số của người con. Thánh Augustino đã từ bỏ con đường tội lỗi để sống đời thánh thiện. Thánh nhân đã bỏ con đường con công danh để tận hiến cho Thiên Chúa. Thánh nhân đã không tìm kiếm thú vui thể xác nhưng tìm kiếm hạnh phúc Nước trời.

Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những con người đã cạn kiệt nước mắt. Có biết bao bà mẹ đã khổ vì con cái hư hỏng. Có biết bao gia đình quá cơ cực vì một thành viên bước vào con đường truỵ lạc. Có biết bao cơn bệnh hiểm nghèo đang cướp dần sinh mạng của những người chúng ta thương. Nước mắt vẫn chảy cho những phận đời cơ cực, bị bỏ rơi, bị bội phản. Nước mắt vẫn tuôn chảy cho những trái ngang của cuộc đời, những bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy tin tưởng và cầu xin giữa những thử thách gian nan cuộc đời. Thiên Chúa vẫn hiện diện. Thiên Chúa vẫn đang chờ một lời kinh, một lời cầu của chúng ta. Thiên Chúa cần lòng tin nơi chúng ta. Ngài có thể làm mọi sự. Nhưng Ngài lại bất lực trước sự cứng lòng tin của chúng ta. Phép lạ Chúa làm không nhằm mục đích phô diễn quyền năng của Thiên Chúa. Ngài càng không làm phép lạ vì sự hiếu kỳ của con người. Ngài chỉ có thể làm phép lạ vì đức tin chân thành, kiên nhẫn và tin tưởng của chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng kêu cầu Chúa khi gặp những gian nan. Xin cho mỗi người chúng ta đừng đánh mất niềm tin khi gặp những thử thách trăm bề, nhưng luôn kiên nhẫn trong lời cầu xin. Vì sau đêm dài là ánh bình minh. Amen.


 

7. Tình mẹ thật bao la

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một lời kêu cứu của người mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo, được chia sẻ rất nhanh trên mạng. Riêng trên Facebook Jack Mummy, có tới 16.000 lượt chia sẻ. Đằng sau lời kêu cứu này, là câu chuyện số phận buồn của người phụ nữ khát khao làm mẹ đã 2 lần mất con.

Đó là chuyện đau lòng của Chị Hà Thị Quỳnh Nga (Đông Anh, Hà Nội) hạ sinh người con thứ 3 vào lúc 14g30 ngày 3/6 tại bệnh viện Bạch Mai. Nhưng niềm hạnh phúc mong manh bỗng nhiên sụp đổ khi sáng ngày hôm sau, bác sĩ chuẩn đoán bé trai Nguyễn Hà Hải Đăng bị nhiễm độc do nhóm máu hiếm ORh-.

Cùng ngày hôm đó, bác sĩ huy động người nhà truyền máu cho Hải Đăng, nhưng không ai thuộc nhóm máu này. Gượng dậy sau nỗi đau mới mổ khi sinh, chị Nga vội vã lên mạng nhắn tin cho người em với những dòng vội vàng, nhờ chia sẻ lên Facebook: “Mình mới sinh con được một ngày, con thuộc nhóm Rh-, cần được truyền máu. Mình đang ở Bệnh viện Nhi Hà Nội, cầu xin mọi người giúp mẹ con mình. Mình mới mất 2 cháu rồi, đây là cơ hội làm mẹ còn lại duy nhất của mình. Xin mọi người giúp mẹ còn mình với, mọi người liên hệ số điện thoại….”. Chị gửi tin và hi vọng, cuộc sống luôn có phép nhiệm màu.

Nhờ thông tin lan nhanh trên mạng, một số người có cùng nhóm máu đã nhanh chóng đến viện hỗ trợ máu cho bé Hải Đăng. Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng Facebook, cháu Hải Đăng đã thay máu 3 lần, qua được cơn nguy kịch.

Quả là tình mẫu tử đã khiến chị Nga đầy khôn ngoan và kiên trì để cầu cứu cho đứa con. Dù mong manh. Dù tỉ lệ rất thấp, nhưng nếu cứu được con, chị sẵn lòng làm tất cả. Chị đã biết sử dụng thông tin hiện đại để viết lên lời kêu cứu của mình. Chị đã được toại nguyện. Tình mẫu tử cao sâu đã cứu con chị khỏi lưới hái tử thần.

Đó cũng là hình ảnh kiên cường của người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay. Bà đã mang con đi vái tứ phương, nhưng vô vọng. Bệnh tật vẫn bám chặt đời con bà. Sự sống như đang dần trôi qua với con bà. Bà vẫn quyết chí dành giựt lại sự sống cho con bà. Bà đã khiêm tốn đến với Chúa, dù rằng bà là người ngoại đạo. Bà đã van xin Chúa, dù rằng lời van xin tưởng chừng như Chúa bỏ ngoài tai. Bà vẫn không ngã lòng. Bà vẫn níu kéo Chúa bằng những mẩu đối thoại thật khiêm tốn và kiên trì. Bà chỉ nhận mình là một thân phận thấp hèn, nhưng vẫn ao ước được đón nhận hồng ân từ Chúa.

Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước niềm tin không thay đổi của bà. Chúa đã thấy sự chân thành của bà. Chúa cũng thấy một tình mẫu tử thật cao cả của bà đã dám làm mọi sự vì đứa con. Niềm tin và sự can trường của bà đã được Chúa đền đáp bằng phép lạ tình thương của Ngài.

Con người chúng ta khi đứng trước khó khăn, vẫn mong cầu phép lạ. Phép lạ là điều ai cũng mong đến với mình. Nhưng không mấy ai hiểu rằng: phép lạ chỉ đến sau những nỗ lực của con người. Phép lạ không bổng dưng đến với chúng ta như kiểu “ngồi chờ sung rụng”. Phép lạ đòi hỏi niềm tin bằng hành động của con người được biểu lộ một cách chân thành và khiêm tốn. Đó là điều tối cần thiết để Thiên Chúa có thể thi ân cho con người.

Thế mà vẫn còn đó, những người mong được phép lạ chữa lành bệnh tật mà lại chẳng bao giờ bày tỏ lòng thành qua những giờ kinh, qua thánh lễ hay cầu nguyện riêng với Chúa hay Đức Mẹ. Vẫn còn đó, những người muốn được phép lạ có cuộc sống sung túc, thế mà chẳng bao giờ chú tâm vào công việc. Vẫn còn đó, những người muốn Chúa giúp vượt qua hoạn nạn, nhưng chẳng bao giờ nỗ lực đứng lên để Chúa dìu bước.

Quyền năng Chúa vẫn bao trùm trên con người. Phép lạ của Chúa vẫn tiếp diễn trong cuộc sống hôm nay. Nhưng để đón nhận phép lạ của Chúa, đòi hỏi con người nỗ lực vươn lên và bày tỏ lòng tín thác nơi Chúa. Như người phụ nữ trong Tin Mừng, bà chỉ có thể đón nhận phép lạ của Chúa sau bao nhiêu những nỗ lực phấn đấu, cùng với niềm tin trung kiên.

Cuộc sống luôn có những khó khăn, xin cho chúng ta biết chạy đến với Chúa trong niềm tin phó thác. Ước gì chúng ta không bao giờ bỏ cuộc trước gian nguy, nhưng luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua. Amen.


 

8. Lòng tin – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Lời rao giảng của các tiên tri trong thời Cựu Ước được dành cho người Do-thái trước tiên. Họ là Dân đã được Thiên Chúa chọn để cưu mang ơn cứu độ cho nhân loại. Dân Do-thái là một dân tộc văn minh có lề luật hướng dẫn và có cơ cấu tổ chức chu đáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại hơn hai ngàn năm về trước, cuộc sống của dân làng rất đơn sơ mộc mạc. Ngày đó, họ chưa có các phương tiện văn minh kỹ thuật về các phương diện khoa học trong đời sống. Nhất là về vấn đề thông tin, in ấn và truyền thông. Các tiên tri đã nỗ lực rao giảng và luôn nhắc nhở con dân quay về với Thiên Chúa: Đây Thiên Chúa phán: Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện (Is 56, 1). Sự rao giảng bằng cách truyền đạt rỉ tai và âm thầm loan truyền sứ điệp một cách rất chậm rãi qua các thế hệ. Lời rao giảng được ghi chép bằng tay cuộn thành từng cuốn sách được cất giữ và lưu truyền.

Lịch sử ơn cứu độ đi vào hành trình cuộc sống cụ thể của xã hội. Dân bị ảnh hưởng bởi văn hóa và tín ngưỡng của các dân tộc lân bang tôn thờ các tượng thần gỗ đá vô cảm. Các vị Thần này do con người làm nên, tặng ban và phong thần để có thể đáp ứng thỏa mãn mọi nhu cầu đòi hỏi của bản năng. Nhiều người đã ưa thích chạy theo thói đời dễ dãi, buông thả và thụ hưởng. Các Vị Thần như các bình phong để con người tự điều khiển theo ý muốn của mình. Các nhà cầm quyền dựa vào uy tín của thần minh để thống trị và cai quản dân chúng. Các tôn giáo ngoại bang chủ trương thờ cúng các thần minh theo nhu cầu của cuộc sống, tạo nên các thần mưa, gió, bão, núi, sông, mặt trời, mặt trăng, thần bò vàng, thần cây cối… và các thần vô danh. Gọi chung là Đa Thần Giáo. Các nghi lễ cúng bái thờ lạy các Thần chỉ là những hình thức bề ngoài trống rỗng. Các Thần chỉ là gỗ đá, có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe và chỉ trơ trọi như một xác không hồn.

Trong bài phúc âm kể câu truyện người đàn bà quê ở Canaan, vùng đất của dân ngoại, đến kêu van Chúa Giêsu trừ quỷ cho con gái của bà. Con người thường bị ma quỷ quấy phá và ám ảnh. Tự sức con người đành bó tay. Các Thần Minh cũng chẳng có quyền hành gì trên ma quỷ. Người đàn bà đã chạy đến với Chúa xin cứu giúp: Bà kia đến lạy Người mà nói: Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi (Mt 15, 25). Chúa đã thử thách bà về lòng tin. Bà tỏ ra có đủ sự khiêm nhượng để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa. Bà không ngại nhận mình chỉ là ‘chó con’, cũng được thừa hưởng ân lộc của Thiên Chúa: Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy. Và ngay lúc ấy, con gái bà đã được lành (Mt 15, 28). Tuy sống chung đụng giữa những người dân ngoại, nhưng không phải mọi người đều lệ thuộc hay tỏ lòng thờ kính những vị Thần vô tri vô giác. Nhiều người vẫn muốn đi tìm sự thật và nguyên nhân cùng đích của cuộc đời. Trên thực tế, có biết bao nhiêu người bị hướng dẫn lầm lạc trong vấn đề niềm tin tôn giáo. Họ tôn thờ những vị thần mà họ không biết. Thật đáng thương!

Dân tộc Do-thái được Thiên Chúa mạc khải và hướng dẫn sống trong lề luật và huấn lệnh. Chúng ta biết rằng sống trong khuôn khổ của các giới răn cũng không phải là dễ dàng. Vì tâm lòng con người mong muốn được cuộc sống tự do không bị ràng buộc. Trải qua lịch sử ơn cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa đã thực hiện biết bao sự lạ lùng và ưu đãi dân hết mực, vậy mà dân chúng cứ chứng nào tật đó. Sự cám dỗ của cuộc sống vô thần hay đa thần giáo luôn kéo lôi con người trở lại sự vô tri. Vì nhiều người tin vào Đa Thần sẽ tự tìm thỏa mãn mọi khát vọng thấp hèn của bản năng, mà không bị lương tâm cắn rứt. Nhưng dân Do-thái được hướng dẫn để đặt niềm tin vào Thiên Chúa độc thần. Một Thiên Chúa có uy quyền và yêu thương con dân của Người. Thiên Chúa nhân từ, công bằng và thưởng phạt công minh.

Qua hơn hai ngàn năm, Tin mừng tiếp tục được rao truyền khắp nơi. Số người tin Chúa có gia tăng nhưng so với dân số thế giới, số tín hữu không tăng thêm. Giáo Hội có nhiều phát triển không đồng đều như những sóng triều khi thịnh khi suy tùy thuộc vào mỗi địa phương, văn hóa, chủng tộc và ngôn ngữ. Khi chúng ta nhìn chung chung qua những sinh họat của Giáo Hội Công Giáo tại Giáo Đô, tại các Nước thứ ba và trong các Nước đang phát triển, chúng ta thấy có tia hy vọng và lạc quan. Các cuộc tổ chức Đại hội, đại lễ và các cuộc hành hương rất hoành tráng, qui tụ đông người và long trọng. Các nhà thờ tiếp tục được xây dựng mới và sửa chữa tu bổ rất khang trang. Số giáo dân vẫn sinh hoạt sầm uất và mỗi năm có thêm nhiều các tân tòng. Có nhiều ơn gọi dâng mình cho Chúa trong các Dòng tu đạo đời.

Tuy nhiên, thực tế tại các nước văn minh, nhất là Âu Châu, niềm tin tôn giáo đã dần bị phai mờ. Ngay tại nơi Chúa Giêsu giáng trần, con số Kitô hữu rất khiêm nhượng. Tại Belem, Giêrusalem và Nazarét, những nơi thánh trở thành các di tích làm chỗ cho khách hành hương kính viếng. Các đền thờ, nhà thờ và hội đường ít người lui tới. Giáo dân thưa thớt và bị chia năm sẻ bảy, mỗi nhóm tôn giáo sở hữu một khu vực. Đa số các tín hữu bị ảnh hưởng bởi các trào lưu trong xã hội. Nhiều người đang chạy theo cuộc sống thực tế mong tìm cái ăn, cái uống, hưởng thụ và thỏa mãn mọi nhu cầu đòi hỏi. Không còn quan tâm nhiều đối với đời sống tâm linh và sự sống ngày sau.

Đôi khi chúng ta cảm thấy hơi bi quan vì nhiều người Kitô hữu không còn muốn thực hành đạo. Các nhà thờ bị trống vắng nhiều. Con số tín hữu tham dự lễ Chúa Nhật giảm sút đáng kể. Thờ ơ với các Bí Tích nhất là Bí tích Thánh Thể và Hôn Phối. Ơn gọi dâng hiến phục vụ thiếu hụt. Nhiều nhà thờ bị đóng cửa vì thiếu tài chánh nâng đỡ. Tin đạo, nhưng không muốn sống và thực hành các giới răn của Chúa hay huấn quyền. Rất nhiều tín hữu cấp tiến đồng ý chấp nhận những điều nghịch với giáo huấn của Giáo Hội về đạo đức luân lý như vấn đề công bằng xã hội, quyền sự sống, quyền lao động, về hôn phối của các cặp đồng tính, ngừa thai, phò phá thai, trợ tử và tử hình... Có nhiều tín hữu không chống đối hay từ bỏ niềm tin, họ vẫn mang danh Kitô hữu, nhưng sống theo chủ nghĩa tương đối. Quan niệm sống đạo một cách cởi mở và dễ dàng. Đây là vấn đề nhức nhối trong mục vụ. Một số các thành viên vẫn tham dự đầy đủ các sinh họat tôn giáo, nhưng không muốn thay đổi cuộc sống nội tâm. Nhất là sự liên hệ trong đời sống gia đình như ly dị, tái hôn và sống chung bất hợp pháp. Đời sống luân lý bị tụt dốc gây rất nhiều những khó khăn trong vấn đề giáo dục con cái và xây dựng gia đình, cộng đoàn.

Thiên Chúa chọn dân tộc Do-thái để thể hiện ơn cứu độ. Chúa tiếp tục ban ơn: Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc (Rm 11, 29). Dân Do-thái vẫn được Thiên Chúa chúc phúc qua các thế hệ. Người Do-thái có một sức mạnh phi thường. Họ phải đối đầu với cả khối Ả-Rập ở Trung Đông, nhưng vì sống còn, họ vẫn hiên ngang chiến đấu. Họ là những người đi tiên phong trong các lãnh vực về chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học. Dân Do-thái là dân tộc thông minh và mạnh mẽ. Nguồn gốc của Đạo Công Giáo do chính người Do-thái dựng xây. Chúng ta có Đức Maria, Phêrô, các Tông đồ, môn đệ và các Giáo đoàn tiên khởi đều là người Do-thái. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho họ, vì đôi khi: Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người (Rm 11, 32). Thánh Phaolô đã có những suy tư rất chân thật và hoàn toàn đặt niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con. Giữa cơn phong ba bão tố của niềm tin, cậy và mến, xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa xin ơn phù trợ. Chúa có lời ban sự sống đời đời.


 

9. Mọi người đều “thuộc về”

(John W. Martens – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Hãy đuổi bà ta đi, vì bà cứ lẽo đẽo đi theo và quấy rầy chúng ta” (Mt 15,23)

Có nhiều người không thuộc về ai, cũng chẳng thuộc về một tổ chức nào hay một đoàn thể nào. Họ thình lình xuất hiện, có thể chỉ để phá đám, hoặc gây rối. Họ không giống ai, có chăng chỉ là thứ người ương ương, dở dở. Thiết tưởng rằng, bạn có thể suy đoán tôi đang nói tới loại người nào. Quả đúng như vậy, rất có thể trong loại người đó có bạn, và có cả chính tôi nữa. Giáo hội ngày nay đa phần gồm những con người chẳng đáp ứng đúng theo quy chuẩn mà các môn đệ đã đề ra, khi các Ngài nhìn vào người phụ nữ Canaan đã đến xin Chúa chữa lành cho con gái bà bị quỷ ám. Các môn đệ nói với Chúa hãy “quát bảo để đuổi bà ta đi, vì bà cứ lẽo đẽo đeo bám chúng ta mãi”. Tuy nhiên Chúa đã không xua đuổi, và Ngài nói với người phụ nữ: “ Ta chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel”.

Tại sao bà ta không “ thuộc về”? Chúng ta khởi đầu với 3 lý do: hoặc bà ta chỉ là một phụ nữ, hoặc bà ta là một người Canaan- gốc dân ngoại, hoặc bà ta chỉ đến để nhũng nhiễu và gây rối, vì bà cứ đeo bám một cách dai dẳng . Ấy vậy mà, một nửa trong chúng ta lại là phụ nữ, đa phần chúng ta cũng là gốc dân ngoại, và nói một cách công tâm, tất cả chúng ta đều đã từng nhũng nhiễu và gây bao phiền toái cho người khác. Đức Giêsu tuyên bố Ngài chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel, không có dân ngoại trong đó. Ngài còn so chiếu người phụ nữ Canaan với một con chó, có vẻ như thật khinh suốt, nếu đúng ngôn từ đó ám chỉ đến một con vật quen thuộc mà người ta vẫn thường nuôi trong nhà. Rõ ràng, người phụ nữ này không “thuộc về”, nhưng tại sao một kiều cư gốc dân ngoại lại không được Đức Giêsu quan tâm đến, khi Ngài thực thi sứ vụ chữa lành và rao giảng.

Đức Giêsu đã đến “miền Tyre và Sidon”, một vùng đất dân ngoại. Chắc chắn Ngài sẽ gặp những kiều dân ở đó. Điều này đánh đố chúng ta khi nêu vấn nạn tại sao Đức Giêsu lại tuyên bố “ Ngài chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel” , cũng như Ngài đã từng chỉ thị cho các môn đệ giống như vậy khi sai các ông đi truyền giáo ( Mt 10,6). Tuy nhiên, chúng ta phải qui chiếu một cách hài hòa những lời tuyên bố trên với sứ vụ rộng khắp, mà Đức Giêsu đã chuyển giao cho các môn đệ trước khi về trời “ Hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Điều này gợi mở cho chúng ta hai thực tại song chiếu trong lịch sử cứu độ. Một là dòng dõi Abraham, tức dân Israel-một dân tộc ưu tuyển, được lựa chọn cách riêng để thực hiện giao ước thân tình với Thiên Chúa, và mặt khác, giao ước này trong tương lai sẽ được dàn trải đến khắp muôn dân.

Ngôn sứ Isaia đã nêu lên khía cạnh thứ hai này theo truyền thống cựu ước. Vị ngôn sứ tiên báo rằng “Những dân ngoại giữ ngày sabat mà không vi phạm, và những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỉ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng vì nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” ( Is 56,6-7). Isaia và nhiều tiên tri khác cũng nói rằng sẽ tới lúc mọi dân tộc sẽ được đón nhận giao ước. Điều đó xảy ra bao giờ và như thế nào, chúng ta phải nhìn xuyên suốt trong lăng kính của lịch sử ơn cứu độ mới có thể lãnh hội được. Trong sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu và của cả Giáo hội, chúng ta sẽ thấy lời tiên báo của Isaia đang trở thành hiện thực.

Có thể, thái độ và lời nói của Đức Giêsu đã chạm đến lòng tự ái của người phụ nữ Canaan. Nhưng các học trò của Ngài trong khoảnh khắc lạ kỳ đó của lịch sử cứu độ, đã khơi dậy lòng tin của bà đặt để nơi Thiên Chúa, là Chúa của người Israel. Thoạt đầu, Đức Giêsu đã im lặng, không đáp trả trước lời cầu ngỏ của người thiếu phụ. Kế đến Ngài tuyên bố là Ngài chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel, với người nhà mà thôi. Và cuối cùng Ngài còn nói một cách mạnh mẽ thẳng thừng “ Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó.” Trong cơn thử thách, người phụ nữ gan lì này đã không tuyệt vọng, nhưng vẫn tin. Bà ta vẫn tin chắc chắn rằng Đức Giêsu có thể ra tay hành động để cứu chữa con gái bà.

Đức tin của bà không bị lung lay và chẳng suy chuyển chút nào.


 

10. Niềm tin chịu thử thách

(Suy niệm của Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn)

Elvire là con gái út trong một gia đình nghèo. Cô ước mơ trở thành cô giáo. Cô xin học bổng và ghi danh tại một trường Cao đẳng Sư phạm. Nhà trường chấp thuận với điều kiện: cô phải luôn giữ điểm trên trung bình.

Nhập học. Giáo sư dạy Triết lớp cô là một người vô thần. Mỗi lần nói về Giáo hội hay Đức Kitô, ông luôn tìm cách che đậy hay xuyên tạc. Elvire cảm thấy bất bình. Cô biết rằng nếu phản đối giáo sư, cô sẽ khó tránh khỏi việc lãnh về những con điểm không tốt.

Thế nhưng, lòng tin yêu Chúa Giêsu đã thúc bách cô. Nhiều lần cô can đảm giơ tay phát biểu. Có khi cô còn nói: “Thưa thầy, điều đó không đúng” hay “Em không đồng ý.”

Đôi lúc cô cảm thấy đuối lý trước đầu óc thông thái và “cáo già” của ông thầy. Thế nhưng, trong các lời phát biểu của cô luôn ánh lên tia sáng của niềm tin, thứ niềm tin ôm ấp chân lý. Điều này khiến người ta suy nghĩ.

Elvire không thích thú gì khi đương đầu với thầy mình. Nhưng cô không thể sống theo kiểu “nín thở qua cầu”. Thấy thế, các bạn cô cũng tìm cách khuyên ngăn, nhưng họ không thành công.

Thời gian trôi qua. Kỳ thi cuối khoá đã đến. Giây phút nhận kết quả mới hồi hộp làm sao. Elvire và các bạn mỗi người được phát một phiếu điểm. Tay cô run run mở phiếu. Chợt cô reo lên: “Điểm A”.

Thành quả cuối cùng trong lớp Triết học của Elvire là điểm tối đa.

Câu chuyện người con gái có tên Elvire khiến tôi không khỏi tự vấn: nếu rơi vào trường hợp tương tự liệu tôi có đủ tinh tế và can đảm nói lên niềm xác tín của mình không, hay tôi sẽ làm ngơ cho qua chuyện?

Nếu hành trình đức tin gặp phong ba thách đố, phải chọn lựa giữa giá trị Phúc âm và lợi lộc trần gian, liệu tôi có dám đặt chân lý Tin Mừng lên trên tất cả không?

Qua việc tự vấn, tôi khám phá ra rằng mình dễ hèn nhát tránh né làm chứng cho niềm tin. Đôi khi vì một chút danh dự, tư lợi, hay địa vị tôi dễ rơi vào cảnh sống như kẻ vô thần. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng những lần mình can đảm đáp trả tiếng gọi của Tin mừng là những khi mình sống bình an và phong phú nhất. Những lúc đó tôi thấy mình cũng đạt được điểm tối đa như Elvire vậy.

Thế ra, kiên trung sống theo chân lý, bền đỗ bước trong niềm tin, người ta sẽ gặt hái được hoa trái tốt tươi cho cuộc đời. Chính câu chuyện người đàn bà xứ Canaan trong Thánh Kinh cũng minh chứng cho điều đó:

Hôm ấy, Đức Giêsu đi lên mạn cực bắc của nước Do thái, vượt qua biên giới Galilê để tiến vào vùng Tyrô và Siđôn. Ngài muốn tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Một người phụ nữ ngoại giáo chạy theo và kêu cầu Ngài cứu chữa cho con gái bà đang bị quỷ ám.

Trước lời khẩn nguyện chân thành và tha thiết của người mẹ, Kinh Thánh kể, Chúa Giêsu “không đáp lại một lời nào”.

Tại sao Ngài im lặng? Tại sao Chúa Giêsu làm thinh trước một lời cầu xin chính đáng? Có lẽ lắm khi trong cuộc đời tôi cũng đặt vấn đề như thế.

Nhiều lần Chúa Giêsu đã làm phép lạ để tỏ mình cho dân chúng. Phép lạ đóng vai trò như một dấu chỉ. Thế nhưng lắm khi người ta lại đọc sai dấu chỉ đến nỗi thay vì nhận chân Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, họ lại khinh thường và rêu rao Ngài dùng quyền ma quỷ để làm phép lạ (Mc 3:22). Có khi người ta lại suy tôn phép lạ như nhu cầu thiết yếu và xem Chúa là cái máy cung cấp. Thế nên có lần Ngài phải chạy trốn lên núi (Gn 6:15) hoặc cấm không cho họ nói lại những phép lạ Ngài làm (Mc 8:26).

Thái độ dè dặt của Chúa Giêsu thật đáng suy nghĩ: Ngài không đến để phô trương các việc lạ lùng hòng thu hút niềm thán phục nơi quần chúng và sự mến mộ của kẻ hiếu kỳ. Ngài đến là để thực thi Thánh ý Chúa Cha. Thánh ý đó là tìm kiếm chiên lạc của Israel.

Yvon Daigneault có viết: “Israel của Chúa Giêsu là Israel của lòng tin, qui tụ những ai có niềm tin vào Ngài. Trong Israel đó ta nhìn thấy một viên bách quản Rôma, một người cai trị có những lối sống không mấy rõ ràng, một phụ nữ không được tiếng tốt cho lắm như Madalêna, và một đám đông không kể xiết những người tội lỗi. Trong đó có chúng ta hợp thành con cháu thật sự của Abraham.

Chúa Giêsu không muốn loại trừ người phụ nữ Canaan khỏi Israel này. Đây là dân mà Chúa Cha giao phó cho Ngài. Chúa Giêsu thách đố bà tiến đến đức tin chân chính để có thể gặp được Ngài. Bà hiểu điều này và đã diễn tả niềm tin mới của mình bằng một công thức thật cảm động, đầy niềm vui và lòng khiêm nhượng”.

Đây là phần lạ lùng nhất của đoạn Phúc âm: khi nghe Chúa Giêsu nói “Người ta không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho đàn chó”, bà đã khiêm tốn thưa: “Vâng, lạy Ngài, nhưng chó cũng được ăn những bánh vụn rơi xuống từ bàn của chủ nó” (Mt 15,26-27).

Không biết trong hoàn cảnh như thế liệu đức tin của tôi có đủ mạnh để khiêm tốn và bền chí cầu xin, hay tôi sẽ quay ra than trách: không ban ơn lại còn xỉ vả bêu nhuốc nghĩa là thế nào? Chắc tôi sẽ tự ái, khó chịu mà bỏ Chúa mất.

Thái độ kiên trì khẩn nài và vững tin trước thách đố của người đàn bà Canaan đáng cho tôi học hỏi biết bao. Nhờ kiên tâm bám vào Chúa mà bà đã được điểm “A”. Chúa Giêsu tuyên bố: “Lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì được như vậy” (Mt 15,28).

Tôi ước ao được điểm A như thế lắm. Song trước tiên, có lẽ tôi phải biết thốt lên với tất cả lòng thành lời nguyện như người phụ nữ ngày xưa: “Kyrie eleison – Xin Chúa thương xót con”.

 

home Mục lục Lưu trữ