Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1373265

Lòng Bao Dung Tha Thứ Của Thiên Chúa

LÒNG BAO DUNG THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cứ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47)

Thánh Luca là tác giả của Phúc Âm năm C, được gọi là Phúc âm của người nghèo, người cô độc, người bị áp chế, bị khinh miệt; là Phúc âm của người tội lỗi, là Phúc âm của “Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người”. Chúa đến như thầy thuốc chữa lành: “không phải người lành mạnh mà là những người đau ốm. Ta không đến kêu gọi người công chính mà kêu gọi người tội lỗi sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 5,51)

Trong phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đề cập đến lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa đối với những người biết hồi tâm nhìn nhận con người yếu đuối tội lỗi của mình mà quyết tâm hoán cải, trở về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng từ bi nhân hậu và hay thương xót, để đón nhận được ân ban tha thứ của Người.

I./ Đức Giêsu là hiện thân của lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa:

Trong bài đọc 1 trích sách Samuel 12,7-10.13 nhắc đến chuyện Đavít. Ông là vị hoàng đế được con cái Israel yêu chuộng. Họ còn tin vào lời Chúa hứa ban cho dòng dõi Đavít một triều đại vững bền. Thế nhưng Đavit đã phạm tội ngoại tình và để ém nhẹm và phi tang ông đã nhúng tay vào máu. Dù được con cái Israel luôn có lòng kính mến, các tác giả sách Thánh không bỏ qua các lỗi lầm của Đavít, nên vẫn còn nhắc lại, để nói lên rằng chẳng ai là vô tội trước mặt Chúa và Chúa không dung tha lỗi phạm của những người Ngài tuyển chọn. Tuy nhiên khi kể lại các tội phạm của Đavít, các tác giả sách Thánh dường như chú trọng nhiều hơn đến lòng thống hối ăn năn của nhà vua được mến chuộng ấy. Và nhất là để nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với Đavít như những điều chúng ta gặp thấy trong sách Samuel hôm nay.

Với lòng khoan dung thương xót, Thiên Chúa đã gởi tiên tri Nathan đến gặp Đavít. Nathan bắt đầu gợi cho Đavít biết những tội của ông vừa phạm thật là nặng nề. Rồi Nathan kể cho Đavít nghe câu chuyện về một người giàu có đã đi bắt một con chiên nhỏ của người nhà nghèo, là cả một gia sản của người đó, đem về làm thịt đãi khách, đang khi ông ta có cả một đàn chiên lớn. Nghe thế Đavít nổi giận đòi trừng phạt con người bất lương đó. Nhà tiên tri liền nói: “Người bất lương ấy chính là Ngài”. Đavít thấy lỗi của mình. Ông đã phạm những tội tày đình. Ông đã làm cho Danh Chúa bị nhục trước mặt dân ngoại. Nhưng bây giờ được Người của Thiên Chúa mở mắt cho, ông cúi đầu thú nhận: “Tội đã phạm tội nghịch với Chúa”.

Vì thế, Thiên Chúa tình yêu luôn khoan dung thứ tha khi con người thú nhận tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Và khi nhận thức rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, để hoàn toàn trông cậy phó thác vào tình thương, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Bài Tin mừng hôm nay đã cụ thể hóa giáo lý tình thương và tha thứ của Thiên Chúa trong câu chuyện “người phụ nữ nổi tiếng tội lỗi trong thành” đến gặp Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà một người Biệt phái, là ông Simon.

Trong khi Matthêu và Marcô luôn trình bày người Biệt phái Pharisêu như đối thủ cố chấp của Đức Giêsu thì Luca viết cho dân ngoại, lại mô tả một nhóm Biệt phái lễ độ hơn, biết mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa (Lc 11,37.14,1). Khi Đức Giêsu vào nhà để dùng bữa, ông chủ nhà và thực khách để ý quan sát Đức Giêsu xem cách hành xử của Ngài. Thế rồi, bất ngờ có một người phụ nữ bước vào tiến đến đằng sau Đức Giêsu. Ai cũng sửng sốt vì biết người phụ nữ này thuộc phường “tội lỗi” nổi tiếng trong thành. Người phụ nữ này mang theo một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Rồi quỳ xuống dưới chân Chúa, khóc nức nở, xức thuốc thơm, hôn bàn chân ướt đẫm nước mắt và lấy tóc lau. Những việc làm của người phụ nữ này như “xức dầu thơm lên chân Chúa và hôn chân Chúa” là những biểu hiện diễn tả lòng hiếu khách của người Phương Đông (x.St 18,4; 19,2). Nó diễn tả lòng tôn kính và dạt dào tình mến đối với khách quý. Còn khi người phụ nữ “lấy nước mắt tưới ướt chân Chúa và lấy tóc lau chân Chúa” (C.38.44) là biểu thị lòng hối cải ăn năn về những tội lỗi đã xúc phạm đến Chúa để xin được ân ban tha thứ của Thiên Chúa. Tất cả những hành vi này đều phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa. Và chính lòng yêu mến vừa là hiệu quả vừa là dấu hiệu của ơn tha thứ.

Khi chứng kiến cảnh tượng người phụ nữ vừa làm cho Chúa Giêsu tại nhà ông Simon, mọi người ngước mắt nhìn một cách bỡ ngỡ, còn ông Simon chủ nhà, vì định kiến xã hội và cách nhìn người rất nhân loại, ông lẩm bẩm nói: “Ông này là một tiên tri sao?”. Không, thật quá rõ ràng, ai lại để cho hạng đàn bà đụng đến mình”.

II./ Đường lối của Thiên Chúa khác hẳn đường lối của nhân loại:

Dĩ nhiên là Chúa biết, người phụ nữ đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! Những cách nhìn của Chúa thì khác hẳn với người Pharisêu về việc đánh giá giá trị con người. Vì thế, cách nhìn con người của cả hai dựa trên hai tiêu chuẩn khác nhau đưa đến hai thái độ đón nhận khác nhau. Chúa không nhìn vào hiên trạng tâm hồn của người phụ nữ, Chúa đón nhận dựa vào thái độ thống hối chân thành của cô. Còn người Pharisêu thì ngược lại, và vì thế ông đã loại trừ việc làm tỏ lòng sám hối của cô, đồng thời không nhận ra Đức Giêsu là vị tiên tri cao cả.

Đúng như lời Chúa nói: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng khác hẳn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu” (Is 55,8-9). Sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và ông Pharisêu trong Tin mừng phản ánh sự khác biệt giữa Chúa và con người trong cách xác định giá trị con người. Con người ta thường đánh giá đồng loại qua tình trạng sống giàu hay nghèo, tội lỗi hay tốt lành, khả năng cống hiến qua khối lượng công trình của người đó làm được cho xã hội, cho cộng đồng. Còn Chúa thì lại không đánh giá người ta qua việc làm nhiều hay ít, mà xét ở góc độ người ta làm việc đó bằng tinh thần và với tình yêu như thế nào. Chúa chú trọng đến tinh thần chia sẻ và thái độ phục thiện chân thành.

Giữa sự kiện xảy ra tại nhà người Pharisêu, Chúa Giêsu nhìn thấy tất cả, đọc được những cảm nghĩ thầm kín của Simon. Với bao tế nhị, Ngài kể dụ ngôn người chủ nợ tha cho hai con nợ không có gì để đền trả. Và Ngài để cho thính giả tự trả lời, Ngài hỏi: “Ai trong hai người yêu chủ nợ hơn?. Ông Simon thận trọng trả lời: “Tôi nghĩ là kẻ được tha nhiều hơn”.

Bầu khí ngột ngạt đã lắng dịu hơn, Chúa hướng về phía người thiếu phụ. “Ông thấy người phụ nữ này chứ?”. Nếu ông biết tôn trọng và yêu mến khách thì ông đã không từ chối cử chỉ lễ phép xã giao đối với khách quý. Điều ấy người phụ nữ đã thực hiện để tỏ tình yêu và tôn trọng đối với Tôi. Và Chúa Giêsu kết luận: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Tình yêu vì thế vừa là nguyên do vừa là hiệu quả của ơn tha thứ.

III./ Người Kitô hữu được mời gọi sống khoan dung tha thứ:

Thánh Âu Tinh đã nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì cũng được”. Tình yêu thương tha thứ của Chúa chính là hồng ân, là hạnh phúc lớn lao cho nhân loại, nhất là cho người nghèo, người yếu đau, bệnh tật, người tội lỗi hối cải. Chính tình yêu tha thứ ấy sẽ hóa giải hận thù, hóa giải các xung đột xã hội, hàn gắn những thương tích của những tâm hồn, thúc đẩy các tâm hồn gần nhau hơn. Bởi bản chất của tình yêu là trao hiến, không tính toán so đo. Tình yêu được biểu lộ nơi sự tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm của anh em để nhìn nhận giá trị của họ. Bởi vì, đối với Thiên Chúa, điều quan trọng trong đời sống con người phải được xây dựng trên nền tảng căn bản là lòng tin vào Ngài, và phải có tâm hồn bác ái, quảng đại với anh em.

Chúng ta hãy ý thức mình là tội nhân, biết tin nhận vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, bằng cách mau mắn đến tòa giải tội để được ơn tha thứ. Sự thống hối đích thực đòi hỏi con người phải biến đổi: Cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Noi gương Chúa Giêsu chúng ta dành ưu tiên cho việc bác ái thương người để tạo điều kiện cho tha nhân nhận biết tình yêu thương tha thứ của Chúa. Điều này được nhận thấy qua lời Chúa nói với ông Pharisêu về người phụ nữ: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu nhiêu. Còn ai được tha ít vì yêu mến ít” (Lc 7, 47). Cách chị yêu mến là dấu cho người ta thấy chị đã được Thiên Chúa yêu mến nhiều.

Một xã hội, một cộng đoàn, một gia đình biết xây dựng đời sống trên nền tảng tình yêu như thế sẽ làm vơi đi biết bao nỗi đau, và nó sẽ trở thành môi trường tươi tốt, để con người được lớn lên, được bình yên và hạnh phúc.

Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Lời ấy đảm bảo cho chúng ta ơn tha thứ và bình an của Chúa, đồng thời cũng mời gọi chúng ta biết vượt qua cách nghĩ “nhân loại” của mình, mặc lấy con tim của Chúa, để biết sống khoan dung và tha thứ hơn nữa cho tất cả mọi người.

=====//////=====

Lm Giuse Phạm Thanh Minh
 
Nguồn : gxta 

home Mục lục Lưu trữ