Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 23
Tổng truy cập: 1373784
LỰA CHỌN NƯỚC TRỜI
Đức Giêsu nói với đám đông các “dụ ngôn” sau đây.
Đức Giêsu như mọi người kể chuyện ở phương Đông, không giảng dạy một cách trừu tượng, người đưa ra những hình ảnh đẹp những từ ngữ chứa đựng những biểu tượng phổ quát mà mọi người có thể hiểu gợi ra nhiều ý nghĩa hơn định nghĩa của các từ ngữ và do đó thường có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Cũng như trong văn nói, những sự lặp lại, những điệp khúc cho phép khắc ghi một bài học vào trong trí nhớ.
Những dụ ngôn của Đức Giêsu, dù được đọc chỉ một lần, không thể nào quên được. Người ta cũng nghĩ rằng Đức Giêsu cũng như những kinh sư của thời đại Người thực tế là đã dạy cho các thính giả của Người thuộc lòng những bản văn ngắn. Nhưng như thế thì rất dễ. Vậy chính các bạn hãy thử lại xem-! Các bạn hãy đọc một dụ ngôn và sau đó đọc lại bằng trí nhớ của mình.
Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Một “kho báu”! Mỗi người có thể hiểu điều đó theo cách hiểu của mình. Trên khắp trái đất, trong mọi nền văn minh, con người đều có những đồ vật mà họ coi như những “kho báu’: một vật gì đó đáng được ao ước làm người ta thèm muốn, ở Palestin, vào thời của Đức Giêsu, không có nhiều ngân hàng để gởi những món tiết kiệm mà một gia đình dành dụm cho được an toàn. Vậy, người ta chôn món tiền ấy trong một góc của cánh đồng. Và có khi chủ sở hữu chết di mà không thể tiết lộ nơi giấu kho báu cho ai. Khi làm ruộng, một nông dân sau này có thể tình cờ khám phá ra.
Người nào đã khám phá ra… liền chôn giấu lại!
Thái độ này kỳ lạ… kích thích sự tò mò. Người ấy sắp làm gì?
Rồi vui mừng, đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Rõ ràng đây là cao điểm của bài dụ ngôn mà Đức Giêsu muốn gợi ý cho chúng ta. Các bạn có đồng ý với cách làm đó không? Nếu các bạn gặp được một sự may mắn như thế, một cơ hội tương tự, bạn có làm giống vậy không. Phải, trong đời sống của chúng ta, chúng ta có thể thực hiện những hy sinh to lớn vì một điều mà chúng ta ấp ủ ở trong lòng: các sinh viên làm việc không nghỉ ngơi khi kỳ thi và một kỳ thi tuyển mà họ mơ ước một cách mãnh liệt sắp đến… các vận động viên kiêng cữ đủ thứ để tiến hơn trong bộ môn thi đấu và phá kỷ lục… cha mẹ trong gia đinh hy sinh cho con cái họ… các chính khách trong lãnh vực chính trị và công đoàn bỏ qua các thú vui và sự thư giãn vì chính nghĩa mà họ đang chiến đấu… Đối với Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa là một thực tại rất cao quý đến nỗi đáng để hy sinh tất cả, để khám phá, và để sống. Ở đây chúng ta ghi nhận rằng Đức Giêsu nói về “niềm vui chúng ta đoán được niềm vui ngây ngất của Người thấy một kho báu”. Trong sự vui mừng, người ấy bán tất cả những gì mình có…” Đối với Đức Giêsu, sự hy sinh không phải là một việc đau buồn:
Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Rõ ràng ở đây có cùng một bài học, với cùng một điệp khúc. Nhưng thêm một khía cạnh quan trọng. Người làm thuê tình cờ khám phá được kho báu… còn người bán kim hoàn “tìm kiếm” như một người sưu tập tìm một món đồ quý hiếm. Chúng ta cũng thế, chúng ta đều đi tìm hạnh phúc. Nhưng, than ôi; nhiều người trong chúng ta đã lầm lẫn khi tìm những hạnh phúc không giá trị gì, những viên ngọc giả cũng sáng như những viên ngọc thật, nhưng không giá trị như những viên ngọc thật… và chỉ đánh lừa người dốt nát… Đức Giêsu, Người biết hạnh phúc thật của chúng ta là gì. Người đề nghị chúng ta phải trả giá và phải làm tất cả để có được hạnh phúc ấy. Không có niềm vui chân thật và lâu dài bên ngoài sự hiệp nhất với Thiên Chúa… điều mà Người: gọi là Nước Trời!
Để sống hạnh phúc vô giá, tuyệt vời ấy, hãy mua cho được viên ngọc đó… phải làm gì đây?
Ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong thực tế cảnh tượng mà Đức Giêsu kể lại. Xung quanh con người “bán tất cả những gì mình có”, hẳn người ta phải nói: “Thằng cha này điên! Vậy sao? Chính vì những người khác không biết. Khi bán tất cả tài sản của mình, người ấy biết rằng mình không mất gì cả… bởi vì người ấy biết giá trị của viên ngọc! Và tôi cố tưởng tượng Đức Giêsu đang kể lại câu chuyện lôi cuốn này. Không chút lưỡng lợ. Đức Giêsu quả là con người có những quyết định cao cả, có vẻ điên rồ. Trong thực tế Người đã cho tất cả, đã đặt vào đó cái giá tối đa. Ngày hôm nay, thật là tốt đẹp khi có những con người, nam cũng như nữ nghe được tiếng gọi “hiến dâng tất cả” một cách triệt để lập tức thánh hiến cả cuộc đời mình cho Nước Trời qua đời sống linh mục và tu trì.
Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.
Đức Giêsu có lẽ đang nói về các thủy thủ ở bờ hồ Tibêria. Người nói về Thiên Chúa xuyên qua ngôn ngữ và những hoàn cảnh người ta đang sống. Đó là một biểu mẫu tốt nhất cho những cách dạy giáo lý về mầu nhiệm của Thiên Chúa, nếu chúng ta cũng quan tâm một cách cụ thể đến cuộc sống hàng ngày của anh em.
Nước Trời! Matthêu sử dụng công thức này để tránh nói ra từ ngữ về Thiên Chúa đối với dân Do Thái. Cách diễn tả này cũng có ý nghĩa như “Nước” của những con người hoàn hảo về mọi phương diện, là một sự quy tụ đủ mọi hạng người… tốt và ít tốt hơn! Chúng ta đã thấy tư tưởng này có trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì: Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi những kẻ tội lỗi và… cho họ có thời gian.
Trước hết, Thiên Chúa chịu đựng tôi và cho tôi một thời gian. Nhưng hãy coi chừng! Sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi không thể được giải thích như một sự “bỏ mặc” khiến chúng ta sống thụ động, sống chờ thời và sống dửng dưng. Chúng ta hãy nghe phần tiếp theo…
Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính rồi quăng chúng vào lò lửa, ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
Một lời cảnh báo hết sức nặng nề! Lòng nhân từ của Thiên Chúa không phải là sự đồng lõa với điều xấu. Vừa rồi, Đức Giêsu nói về niềm vui! Giờ đây Người nói về khóc lóc và nghiến răng… sáu lần công thức đe dọa này trở lại trong Matthêu (8,12; 13,12; 13,50; 22,13; 24,51; 25,50). Chúng ta thường có xu hướng quên rằng sẽ có một sự phán xét. Thái độ của chúng ta không trung lập: chúng chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta, Đức Giêsu nói. Và chúng ta phải mau lẹ hoán cải. Bởi sự nghiêm khắc này, Đức Giêsu muốn thức tỉnh chúng ta.
Không có gì là sự thích thú đày đọa trong những công thức ấy nhưng là tình yêu của một người sáng suốt muốn làm cho ta hiểu rõ cái được cái mất của đời sống. Khi bác sĩ phẫu thuật đưa con dao mổ vào vết thương mưng mủ, đó không phải vì ông dữ tợn mà vì ông muốn cứu người bệnh. Ngay cả khi dùng đến ngôn ngữ khải huyền (“khóc lóc và nghiến răng” là một phần của văn phong thời đại đó) rõ ràng là Đức Giêsu muốn tạo ra trong chúng ta một cú sốc sinh ơn cứu độ.
Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?
Thiên Chúa không áp đặt. Người tra hỏi chúng ta. Người tôn trọng tự do của chúng ta. Nhưng Người hỏi chúng ta “hiểu” không? Anh em có hiểu không? Từ “hiểu” là một từ được Matthêu lặp lại: Mt 12,7; 13,13; 13,14-15-19-23-51; 15,10-17; 16,9-11-12; 17,13; 19,11-12;21,45-46; 24,15-32-33-43. Đây là câu hỏi nền tảng.
Chẳng phải là trong lòng tôi có nhiều ngõ ngách của cuộc đời mà tôi không muốn hiểu đó sao? Chẳng phải là có những hoàn cảnh mà tôi không muốn đối chiếu với Tin Mừng đó sao? Lạy Chúa, xin thương nhắc con câu hỏi của Người: “Con có hiểu không?”
Họ đáp: “Thưa hiểu”.
Trong sự ngay thẳng, con cũng muốn nói rằng “con hiểu” những dự án của Thiên Chúa trong đời con. Nhưng con xin Chúa sức mạnh để hoàn thành chúng cho đến cùng, cho đến sự lựa chọn cao cả sau cùng, khi Chúa đưa ra ánh sáng “điều gì tốt” và “điều gì không có giá trị” trong cuộc sống.
Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
Đức Giêsu không khinh thường khoa học của các “kinh sư” các học giả về Luật, cho dù nhiều người trong bọn họ thực ra đã chống lại cái mới của Tin Mừng. Chính Matthêu soạn ra Tin Mừng, ngài tự giới thiệu như một “kinh sư” một người hiểu biết sâu xa Truyền thống của Cựu ước… nhưng có khả năng rút ra từ truyền thống ấy điều mới mẻ!
Dụ ngôn nhỏ này và cũng là sau cùng làm kết luận cho một loạt các dụ ngôn mà chúng ta đọc từ ba Chúa nhật và mang đầy tính thời sự. Cuộc tranh luận của những người theo xưa và theo nay. Sự đối lập giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến. Đối với Đức Giêsu, người “theo truyền thống” thật sự không thể chỉ là người lặp lại cứng ngắc. Để không phản bội tư tưởng của Đức Giêsu, phải hiểu biết tư tưởng ấy từ nền văn hóa và ngôn ngữ của thời đại mình và vì thế, làm sáng tỏ tư tưởng ấy và thích ứng nó với thời đại của chúng ta mà vẫn tôn trọng ý nghĩa sâu xa của nó. Đức Giêsu hầu như không mã hóa gì cả. Bởi vì ‘Thiên Chúa là người cùng thời với chúng ta”: Người nói với chúng ta ngày hôm nay. Truyền thống (cái cũ) là chân chính nếu nó sống động, đầy những chồi nụ (cái mới). Cái mới chân chính không hủy hoại truyền thống: đối với những vấn đề mới, nó rút ra những lời giải đáp mới phù hợp. Với sự khôn ngoan của mọi thời đại. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chú ý đến mọi “cái mới” trong Giáo Hội “cũ xưa” của Chúa. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn trung tín với Người.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
DỤ NGÔN KHO BÁU, NGỌC QUÝ VÀ CHIẾC LƯỚI ĐÁNH CÁ- Chú giải của Fiches Dominicales
1-Chọn lựa Nước Trời là điều khẩn trương…
Từ hai tuần qua, chúng ta đã khởi sự đọc “Bài giảng bằng dụ ngôn”, với dụ ngôn người gieo giống. Hôm nay chúng kết thúc với những dụ ngôn kho báu và ngọc quí dụ ngôn chiếc lưới và lời kết thúc bài giảng.
Như một cặp, nên hai dụ ngôn kho báu và ngọc quí đều được xây dựng cách cân đối. Không muốn ta chú ý đến những sự vật là kho báu ngọc quí vì cho ta ít giáo huấn- hai dụ ngôn muốn tập trung chú ý của ta vào thái độ ửng xứ của các nhân vật. Việc họ khám phá ra kho báu, viên ngọc chỉ làm nên điều giả sử đã có, sẽ cho phép ta hiểu được ngay cách hành xử mà hai người đã chọn.
+ Người thứ nhất là một người làm công nhật, cầy ruộng của một người khác, tình cờ trong lúc làm ruộng, anh gặp thấy chôn giấu miếng đất một kho báu. Một kho báu mà theo con mắt của anh là vô giá, nên anh liền “đi bán tất cả những gì có là mua thửa ruộng ấy”.
+ Người thứ hai là một thương gia buôn bán ngọc quý. Tình cờ trong khi chạy hàng anh đã tìm được một viên ngọc thượng thặng, liền bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.
Cả hai đều không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai, không muốn để cho vận may của cuộc đời qua mất, và vì thế họ hành động. Lời đáp trả cho sứ điệp Tin Mừng về Nước Chúa, như J. Dupont chú giải, có thể khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi cá nhân; nhưng không làm tất cả những gì cần thiết để được vào Nước Chúa, không lợi dụng vận may hiếm có đưa đến, đó là tỏ ra một thái độ khờ dại không thể tha thứ được. Chẳng có gì là phải trả giá quá đắt đối với -sự thiện có được: lấy tất cả những gì ta có, đem tất cả con người của mình để đặt cọc cho sự thiện này, đó chính là việc mua bán tuyệt vời. Đã cam kết trọn vẹn, lẽ nào lại keo kiệt, đắn đo? Hiểu như vậy, ta mới thấy hai dụ ngôn khó ăn ý với nhau để minh hoạ cho lời rao giảng ban đầu của Chúa Giêsu: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17) (cf. Assemblées du Seigneur, số 48, trang 20).
2- Đang khi đợi chờ ngày Chúa đến:
Tiếp theo là dụ ngôn chiết lưới, đúng hơn là lưới vét: một loài lưới để là, hoặc là được kéo đi nhờ hai thuyền, hoặc được một thuyền đánh cá bố trí, rồi dòng giây dài vào bờ mà kéo đi.
+ Rất gần gũi với dụ ngôn cỏ lùng và hạt giống tốt, dụ ngôn thứ bảy và cũng là dụ ngôn cuối cùng này đưa chúng ta gặp lại biển, bờ biển cùng những người ngồi trên bờ lúc Chúa bắt đầu giảng (Phúc âm Chúa nhật thứ XV). J. Dupont giải thích: “Đức Giêsu loan báo việc Nước Chúa đến là điều sắp xảy ra. Thế nên mọi người biết rằng việc đến này phải bắt đầu bằng một cuộc tẩy rửa lớn lao… Bởi vậy, người ta chờ đợi xem Đức Giêsu bắt đầu cuộc thanh tẩy: luận phạt kẻ có tội, qui tụ người công chính chung quanh Người. Nhưng sứ vụ của Đức Giêsu lại chẳng tương xứng chút nào với sự mong chờ đợi này… Đức Giêsu phải tự giải thích. Người thực hiện điều này bằng nhiều cách khác nhau: Sứ mệnh của Người liên can tới những người tội lỗi mà Chúa muốn cho họ được cứu độ (Mt 20,1-15; Lc 15); làm cho giờ xét xử đến trước thời gian, việc đó không thuộc quyền Người… Thiên Chúa xử sự không khác với các ngư phủ; họ gom tất cả vào lưới rồi mới tiến hành việc lựa chọn. Bởi vậy lòng nhân từ yêu thương Đức Giêsu tỏ ra đối với những người tội lỗi không được là căn cớ gây nên xì-căng-đan: trong viễn ảnh ngày cánh chung khi mà Thiên Chúa ra tay can thiệp, thì sứ vụ của Đức Giêsu được coi là giai đoạn một, giai đoạn mà lưới được đầy cá đủ loại. Thời điểm tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính hãy còn chưa tới. Nhưng sẽ tới, đó là điều chắc (O.C., trang 22-23).
+ Lời giải thích tiếp theo ngay dụ ngôn này rõ ràng có một sự chuyển hướng tầm nhìn. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu có ý cắt nghĩa tình trạng hiện hành là việc trà trộn người tốt với kẻ xấu. Còn cách giải thích của Phúc âm thứ nhất thì nhấn mạnh đến sự trừng phạt sẽ giáng xuống những kẻ có tội vào ngày tận thế, vào giờ sẽ thực hiện sự lựa chọn. J. Dupont kết luận: “Trong lời cảnh giác nghiên nhặt này, người ta nhận thấy mối bận tâm có tính huấn giáo của thánh sử. Ngài lo lắng vì thấy có biết bao tín hữu mà nơi họ lời Chúa vẫn trơ trơ không sinh kết qủa gì” (O.C. trang 24).
BÀI ĐỌC THÊM:
1-Chỉ có một thực tại đáng kể, kính là Thiên Chúa (J. Potin, trong “Jésus, l’histoire vraie” NXB Centurion, 1994, trang 134).
Bằng hai dụ ngôn nhỏ này. Đức Giêsu gợi ý rằng nước Trời là giá trị tuyệt đối không thể đem ra so sánh được với cái gì khác. Mọi sự còn lại đều mờ nhạt khi ta nhận thức được Nước Trời là gì và cao quý thế nào. Nhân vật trong dụ ngôn như bị thôi miên, bị choáng ngợp vì sự khám phá của mình, từ nay trở đi chỉ có một cái đó là đáng kể đối với anh mà thôi. Và để cái đáng kể đó trở thành của mình, anh sẵn sàng rũ bỏ mọi sự. Đức Giêsu chỉ cho thấy chỉ có một thực tại đáng kể chính là Thiên Chúa, Đấng mà ta phải loại trừ và hy sinh tất cả mọi sự khác ở trần gian này để mà chiếm lấy”.
2-“Đức tin, trường học ưu tiên và hấp dẫn” (F. Deleclos, trong Preuds ét mang La Parole”, Centurion – Duculot, 1992, trang 68-69).
Vì thế phải nhìn Kitô giáo trong sự thực sâu xa của nó. Không phải là tôn giáo chủ trương tìm kiếm đau khổ hay cam chịu đau khổ, không phải là tôn giáo sùng bái những hy sinh và từ bỏ chỉ vì phải từ bỏ, hy sinh. Đức tin mới là trường học được ưa chuộng nhất và hấp dẫn, là bước dẫn đến kho báu đích thực làm cho cuộc sống và trọn vẹn cuộc sống được phong phú. Sứ điệp và giáo huấn của Đức Kitô là Tin Mừng chân lý và hạnh phúc.
Đối diện với kho báu, chúng ta bị dồn vào thế phải chọn lựa và chọn lựa ngay không tên hoãn: bán đi để có được, từ bỏ để chiếm hữu, khước từ để được tự do. Chắc chắn là phải khởi sự đi tìm và tìm cho được, bởi lẽ tài sản quý giá vô cùng này, viên ngọc vô giá kia được chôn giấu trong đất mà chúng ta vẫn dằm lên mỗi ngày. Kho báu và viên ngọc quý ấy hoà trộn vào cái làm nên sinh hoạt đời thường của ta. Bởi vậy ta có thể đến gần nó mà không biết, xéo lên chúng mà lại vô tình. Vì thế ta phải biết chú ý đến “những dấu chỉ của thời đại”, những tiếng gọi bí ẩn vang dội lên mỗi ngày và trong mọi trường hợp. Bị loá mắt nếu không muốn nói là mù quáng bởi ánh sáng của những của cải phù vân giả dối, chúng ta có nguy cơ bỏ qua “chiếc đồng hồ vàng” và lạc đường khi đuổi theo những ảo ảnh. Bí tích Thánh Thể là phút dừng chân đặc biệt trong cuộc săn đuổi tìm kiếm kho báu. Hãy mượn lời ca của thánh vịnh để hát lên: “Niềm hy vọng của con, chính là lời Chúa! Nhờ để tâm lắng nghe Lời khôn ngoan, lòng ta “bừng cháy”. Việc khám phá ra tài sản quý giá không xa. Nhưng liệu ta có đủ tin tưởng và lòng tin để bán đi những gì ta có hầu mua lấy viên ngọc quí hoặc thửa ruộng có kho báu ấy chăng?
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- A
NHẬN RA GIÁ TRỊ KHÔN SÁNH CỦA NƯỚC TRỜI (*)- Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm A này đề nghị chúng ta suy niệm về đức biện phân.
1V 3: 5, 7-12
Trong Bài Đọc I trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, vua Sa-lô-mon cầu xin Thiên Chúa ban cho mình “một tâm hồn biết lắng nghe” để “biết phân phải trái”, nhờ đó vua mới có thể điều hành dân của Chúa cách công minh chính trực. Lời cầu xin của vua làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Rm 8: 28-30
Trong đoạn thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc các tín hữu nhớ lại rằng Thiên Chúa tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài và làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài.
Mt 13: 44-52
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta phải biết nhận ra giá trị khôn sánh của Nước Trời và sẵn sàng hy sinh mọi sự để thu đắc cho được Nước Trời.
BÀI ĐỌC I (1V 3: 5, 7-12)
Vào năm 970 trước Công Nguyên, vua Sa-lô-mon lên ngôi kế vị cha mình là vua Đa-vít. Lúc đó, vua chỉ là “một thanh niên bé nhỏ”. Theo sử gia Giô-sê-phút, khi lên ngôi, vua ở độ tuổi mười bốn; còn theo truyền thống Kinh Thánh, vua ở độ tuổi mười hai.
1-Giấc mộng của vua Sa-lô-mon:
Vua đi đến thánh địa Ghíp-ôn, cách Giê-ru-sa-lem khoảng chín cây số về hướng tây-bắc, để dâng hiến lễ lên Thiên Chúa. Vào lúc đó, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem chưa được xây dựng. Đêm sau đó vua có một giấc mộng.
Giấc mộng đóng một vai trò quan trọng tại các dân tộc thời xưa. Các Pha-ra-ô Ai-cập và các vua miền Lưỡng Hà Địa được các nhà giải mộng vây quanh. Ở Hy-lạp, các tín đồ ngủ trong các đền thánh với hy vọng là mình nhận được một sứ điệp thần linh trong khi ngủ mơ. Dân Ít-ra-en chắc hẳn cũng đã biết những mặc khải thần linh được truyền đạt trong những giấc mơ. Những dân tộc thời xưa cho chúng ta nhiều ví dụ về điều này. Thật đáng lưu ý rằng trong dân Ít-ra-en, cách thức mặc khải này không còn nữa trong xuất thời kỳ trào lưu ngôn sứ và chỉ tái xuất hiện trong những thế kỷ muộn thời hơn, kỷ nguyên của các sách khải huyền.
2-Lời cầu xin của vua Sa-lô-mon:
Sa-lô-mon bày tỏ một sự khôn ngoan trước tuổi khi vua cầu xin Chúa ban cho mình “một tâm hồn biết lắng nghe” để “biết biệt phân phải trái”, nhờ đó vua có thể cai trị dân của Thiên Chúa, một dân lớn mạnh như thế.
Như người gặp được kho báu hay một thương gia đi tìm ngọc đẹp của các dụ ngôn của Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay, vị vua trẻ biết nhận ra những giá trị đích thật. Khi thức dậy, vua hiểu lời báo mộng của Đức Chúa. Từ đó, vua điều hành việc nước một cách khôn ngoan (ít ra trong giai đoạn đầu của triều đại mình). Trong giấc mộng, nếu vua từ chối những phú quý giàu sang, tuy vậy, vua được ban vô số kể.
3-Tính chất thần học của chuyện tích:
Chuyện tích không có tính chất lịch sử theo nghĩa nhặt. Quả vậy, các nhà biên soạn hai sách Các Vua (qua nhiều giai đoạn biên soạn) trong suốt thời gian làm việc nghiêm túc đã tra cứu những tài liệu viết và đã thu thập những truyền thống miệng, nhưng nỗi bận lòng hàng đầu của họ thuộc trật tự thần học. Chìa khóa của lịch sử Ít-ra-en nằm trong tay Thiên Chúa. Về vấn đề này, chuyện tích về giấc mộng của vua Sa-lô-mon cho thấy hai khía cạnh quan trọng.
Trước tiên, chuyện tích này nhấn mạnh tính chất đặc biệt của vương quyền Ít-ra-en. Vương quyền này thuộc trật tự “ân sủng”. Chúng ta biết rằng dân Thiên Chúa đã từ lâu ghê tởm ý tưởng tôn một người lên làm vua của mình. Đối với họ, chỉ mình Đức Chúa là Vua của họ. Tuy nhiên, những hoàn cảnh lịch sử đã dẫn họ đến thể chế quân chủ; nhưng thể chế quân chủ này được tín nhiệm, nếu vị quân vương nhận ra mình chỉ là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Chúng ta nên lưu ý rằng vua Sa-lô-mon không nói “dân của tôi”, nhưng “dân của Ngài” khi vua ngỏ lời với Thiên Chúa. Về vấn đề này, giấc mộng ở Ghíp-ôn đáp ứng mọi thỏa mãn và mặc lấy tinh cách của việc Thiên Chúa trao quyền.
Thứ nữa, những phẩm chất đặc biệt của con vua Đa-vít và vinh quang của triều đại vua hiển nhiên là câu trả lời của Thiên Chúa. Ngay từ ngày đăng quang của vị vua trẻ, Thiên Chúa đã cầm tay của vua để hướng dẫn vận mệnh của vua. Như vậy, khi đọc lại Lịch Sử của dân tộc mình, người thuật chuyện có thể phát hiện ở đây Lịch Sử Thánh.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 28-30)
Đoạn thư này là phần kết của chương 8 thư gởi tín hữu Rô-ma. Phần kết này được kèm theo với bài ca Đức Ái. Đoạn thư này thật sự khó nắm bắt những suy luận thần học về tiền định, ngay từ thời thánh Âu-gút-ti-nô.
1-Vấn đề tiền định:
Chúng ta phải hiểu những lời này của thánh Phao-lô: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Con của Người, để Đức Ki-tô làm trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” như thế nào?
Trước tiên, chúng ta nên đặt đoạn thư này trở lại mạch văn của nó. Trong một cái nhìn khái quát, thánh Phao-lô lấy lại sự phát triển của mình trên sự công chính hóa nhờ đức tin và trên vinh quang của những người được tuyển chọn. Khởi điểm lập luận của thánh nhân là ý định rộng lớn của Thiên Chúa về nhân loại. Từ “ý định” luôn luôn được thánh Phao-lô dùng theo nghĩa phổ quát, không hạn định. Một mặt, vị tông đồ nhấn mạnh việc Thiên Chúa kêu gọi và con người được gọi; đằng khác, về phía Thiên Chúa, Ngài “biết trước”, còn về phía con người, họ có “ơn gọi”; giữa Thiên Chúa và con người có “sự tự do”. Cứu cánh của con người là ơn gọi, chứ không là tiền định. Không còn có bất kỳ chỗ nào cho việc tiền định phải chịu kết án cả.
2-Tình Chúa yêu thương:
Đây là đề tài chủ đạo. Tiếng gọi của Thiên Chúa là tiếng gọi của tình yêu. Những ai đáp trả tiếng gọi của Ngài, tức là “những ai yêu mến Người”, sẽ thấy rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho họ”. Lợi ích hiển nhiên là ơn cứu độ chung cuộc, nhưng chắc chắn cũng là lợi ích tinh thần trong thời hiện tại. Từ “mọi sự”, đối lập với “lợi ích”, chỉ ra những thăng trầm của thế giới, cũng như những gian nan thử thách mà mỗi người phải chịu. Khi hướng dẫn các biến cố, Thiên Chúa muốn cứu độ những ai yêu mến Ngài, đôi khi Ngài dùng những phương cách gây sửng sốt.
Đối với người Do thái, kiểu nói: “Những ai Người đã biết từ trước”, luôn luôn âm vang một tuyển chọn xuất phát từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Không phải thánh Phao-lô không biết ý nghĩa thâm sâu của nhũng lời này, nhưng thánh nhân nhấn mạnh rằng sự kiện Thiên Chúa biết từ trước này không là một sự chọn lựa cho bằng cái nhìn biện phân của Thiên Chúa, Đấng qua thời gian nhận ra những ai đáp trả tiếng gọi của Ngài bằng trọn niềm tin của mình.
3-Nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài:
Một lần nữa, thánh Phao-lô đặt sự lạc quan của mình dựa trên chương thứ nhất của sách Sáng Thế. Ở đây sự ám chỉ thì dễ thấy. Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài; người Ki-tô hữu, trở nên con cái của Ngài, được ân sủng nhào nắn, được tiền định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, như Chúa Con đồng hình đồng dạng với Chúa Cha. Việc hiệp nhất với Đức Ki-tô cho phép “phục hồi hình ảnh nguyên thủy”.
Tiếp đó, thánh Phao-lô trở về khởi điểm của mình (hình thức văn chương bao hàm); thánh nhân vạch lại những giai đoạn cứu độ: tiếng gọi của Thiên Chúa đến câu trả lời của con người qua đức tin, ơn công chính hóa đoạn vinh quang. Chúng ta lưu ý rằng thánh Phao-lô đặt vinh quang tương lai vào thời quá khứ: “Người đã cho hưởng vinh quang” để diễn tả một điều chắc chắn. Thời quá khứ diễn tả điều chắc chắn trong tương lai này. Chúng ta gặp thấy một ví dụ khác trong Tin Mừng Mác-cô về việc cầu nguyện, Đức Giê-su nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11: 24).
Chúng ta nên đọc lại đoạn thư này: tiền định được nêu lên trong thư này chính là Thiên Chúa yêu thương chúng ta từ muôn thuở. Chủ đề hy vọng đem lại cung giọng cho toàn bộ chương 8 này: ý định của Thiên Chúa chính là hướng dẫn con người đến vinh quang và cho Con của Ngài trở nên “trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”.
TIN MỪNG (Mt 13: 44-52)
Vào Chúa Nhật này, chúng ta hoàn tất bài diễn từ dài của Đức Giê-su về các dụ ngôn theo Tin Mừng Mát-thêu.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại ba dụ ngôn mới trong đó hai dụ ngôn: kho báu và ngọc quý, có ý nghĩa rất gần nhau, còn dụ ngôn chiếc lưới thì rất gần với dụ ngôn người gieo giống và dụ ngôn cỏ lùng.
1-Hai dụ ngôn: kho báu và ngọc quý:
Hai dụ ngôn này được phân biệt rất rõ nét với các dụ ngôn trước đó. Các dụ ngôn trước đó liên quan đến lời loan báo về Nước Trời và sự phát triển của nó; chúng mang tính cách chủ yếu “miêu tả”. Dụ ngôn kho báu, cũng như dụ ngôn ngọc quý, là những “lời khuyến dụ” cá nhân, khẩn trương, đanh thép, nhằm thay đổi đời sống. Nếu chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào vương quốc của Ngài và Đức Giê-su là con đường dẫn chúng ta đến đó, lúc đó việc chúng ta kết hiệp với Đức Ki-tô thì ngay tức khắc, trọn vẹn, không thể nào đảo ngược được, và việc chúng ta từ bỏ mọi sự cho sự cốt yếu duy nhất này, là điều dễ hiểu! Với sự hiện của Đức Ki-tô, Nước Trời hiện có mặt ở đây rồi. Kho báu này ở trong tầm tay của chúng ta. Việc từ bỏ mọi sự để có được kho báu này là nguồn mạch của niềm vui lớn lao, niềm vui của sự tự do, niềm vui vì được giải thoát khỏi những điều bất tất.
2-Dụ ngôn chiếc lưới:
Dụ ngôn chiếc lưới này là dịp cho các môn đệ sống lại những kỷ niệm về nghề ngư phủ xưa kia của mình. Dụ ngôn này lập lại những chủ đề của dụ ngôn người gieo giống và dụ ngôn cỏ lùng. Ngư phủ thả chiếc lưới xuống biển, như người gieo giống gieo hạt giống trên cánh đồng. Lưới dần dần đày cá, nhưng phải đợi mẽ cá hoàn tất, như người gieo giống chờ đợi mùa thu hoạch để chọn lựa. Các Tông Đồ đã trở thành những người lưới người như lưới cá – và Giáo Hội tiếp nối bước chân của các ngài. Họ phải biết kiên nhẫn hết mực. Số phận đe dọa bọn ác nhân được diễn tả theo cùng những từ ngữ như ở phần kết của dụ ngôn cỏ lùng.
Ở phần kết, thánh Mát-thêu gợi lên một kinh sư trở thành môn đệ của Đức Giê-su. Được hiểu biết Kinh Thánh cách phong phú, người kinh sư biết giá trị của những điều hoàn thiện mà Luật Mới đem đến. Lý tưởng này biểu thị rất rõ lý tưởng của tác giả Tin Mừng Mát-thêu đến mức chúng ta có thể nhận ra ở đây chữ ký của thánh nhân.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam