Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1365665

LUẬT YÊU THƯƠNG

LUẬT YÊU THƯƠNG (*)-  Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn Tin Mừng đẹp nhất trong toàn bộ Tin Mừng. Xin được nói về vài nội dung:

Nội dung thứ nhất: Chúa muốn nói với chúng ta về những sắc thái mới mẻ của luật yêu thương.

a- Như anh chị em đã thấy cuộc sống của con người trên trần gian này bị nhiều thứ luật lệ chi phối. Trong số những lề luật đó có một thứ rất quen thuộc và hầu như nó chi phối thường xuyên cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là luật Công bằng. Ngôn ngữ thông thường của chúng ta thường nói là luật có đi có lại – luật vay trả.

– Cựu ước đã diễn tả luật này thành một công thức tương đối cũng rất dễ hiểu. Đó là luật:”Răng thế răng, mắt đền mắt”

– Đây là luật có tính cách sòng phẳng.

Sống như thế theo cách nhìn của trần thế kể như là cũng đã tốt lắm rồi. Thế nhưng đối với Chúa thì chưa đủ. Sống như thế theo như Chúa Giêsu nói: “người tội lỗi, những người thu thuế và cả những người dân ngoại cũng làm được.”

b- Chính vì thế mà hôm nay Chúa đề nghị chúng ta phải vươn lên tới một cuộc sống được chi phối bởi một thứ luật cao hơn. Đó là luật Bác ái. Chúa diễn ta luật ấy bằng những lời lẽ rất cụ thể như thế này:

” Hãy yêu thương kẻ thù.

  Hãy làm ơn cho những kẻ ghét anh em

  Hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa anh em.

  Hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống cho anh em

– Như thế chúng ta thấy rõ ràng Chúa đã muốn những ai muốn theo Chúa phải vượt lên trên cái lẽ thường tình của cuộc đời làm người . Những đòi hỏi của Chúa không còn nằm trên bình diện “có đi có lại nữa”. Nó đã tiến xa hơn, xa tới mức “có đi mà không có lại:

” Ai xin thì hãy cho

 Ai vả má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa

 Ai đoạt áo ngoài của anh em thì đừng cản nó lấy cả áo trong”

Thật không còn gì để có thể nghi ngờ. Rõ ràng là Chúa đòi hỏi những người theo Chúa phải sống một cuộc sống được chỉ đạo bằng một luật cao hơn luật Công bằng. Phải vươn lên đến luật bác ái yêu thương, yêu thương dường như không có bờ không có bến.

Và theo Chúa có sống một cuộc sống như thế thì mới xứng đáng là con Đấng Tối cao.

Đó là nội dung thứ nhất.

Nội dung thứ hai: Chúa chỉ cho những người làm con của Chúa cách thức thực hành để sống cuộc sống như Chúa mong muốn đó..

a- Qua những chỉ dẫn này chúng ta thấy Chúa là một người rất thực tế. Chúa không đòi hỏi những gì quá sức của con người. Chúa cũng không đòi hỏi những gì quá cao siêu, quá khó hiểu. Nguyên tắc Chúa đưa ra ở đây ai nghe cũng có thể hiểu.

Chỉ có một điều hơi lạ là ở trên thì chúng ta thấy Chúa đòi hỏi một mức độ thật cao nhưng khi đưa nguyên tắc áp dụng thì Chúa lại tỏ ra rất thông cảm với con người.

Đây  là nguyên tắc của Chúa :”Điều gì anh em muốn người ta làm cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” Chỉ dẫn này rõ ràng là còn nằm trên bình diện công bằng. Thế nhưng thực hành được như Chúa nói cũng không phải là một điều dễ.

b- Tôi tự hỏi: Tôi muốn người ta làm gì cho tôi.

– Điều tôi không bao giờ muốn là người ta xử tệ với tôi, người ta lừa đảo tôi, người ta nói xấu tôi, người ta thù oán tôi, người ta xỉ nhục tôi vv và vv.

– Và điều mà tôi luôn muốn là tôi được sống an bình, tôi được tôn trọng, tôi được kính nể, tôi được yêu thương, tôi được tha thứ…

c- Vâng kính thưa anh chị em tất cả những điều ấy tôi tưởng có lẽ không có gì là khó hiểu. Rất dễ hiểu là đàng khác. Thế nhưng làm được như thế có phải là dễ không?.

Tôi nhớ lại một câu truyện nhỏ trong cuộc đời của thánh Gioan Don Bosco. Một hôm Ngài đang đi trên đường thì bị một nhóm trẻ “bụi đời” làm hàng rào cản lối không cho Ngài đi qua. Ngài thản nhiên dừng lại và bằng một cử chỉ rất lịch thiệp Ngài bỏ mũ xuống và nói:

“Xin các bạn cho phép tôi đi qua”

Nhóm trẻ ngỗ nghịch ấy lập tức im lặng. Chúng ngạc nhiên về cung cách lịch thiệp của Ngài và sau đó chỉ còn biết trả lời:

” Thưa Cha, xin cha cứ việc đi”

Pascal có nói một câu rất hay:”Biết làm khơi dậy sự kính trọng lẫn nhau đó là kết quả lớn lao của lòng yêu mến”

Đó là nội dung thứ hai.

Nội dung thứ ba: Mẫu mực và phần thưởng cho những ai dám sống đời sống yêu thương như Chúa mời gọi.

a- Mẫu mực. Đó chính là Thiên Chúa. Và phần thưởng sẽ rất lớn lao.

Chính Thiên Chúa là mẫu mực. Thánh Gioan gọi đã gọi tên Người là Tình yêu. Anh chị em thấy mấy dòng chữ mà chúng tôi gắn trên tấm bảng và treo ở dưới cuối nhà  thờ: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Có lẽ không có tên gọi nào để gọi Thiên Chúa đẹp đến như thế. Thiên Chúa là Tình yêu.

Ở cuối bài Tin Mừng hôm nay, chỉ bằng một câu nói thật vắn gọn Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Thiên Chúa thực hiện lòng yêu thương như thế nào: “Người nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.

Thật không còn gì có thể hồ nghi về ý muốn của Chúa. Chúa muốn chúng ta nên giống Người.

Dan Clark đã thuật lại một câu truyện rất cảm động như sau: Buổi tối hôm đó trời rất lạnh. Một em bé khoảng 6-7 tuổi đang đứng tần ngần trước một cửa hàng. Đứa bé rất nghèo. Nó không có giầy. Quần áo của nó chỉ là những miếng giẻ rách được khâu lại. Bỗng có một thiếu phụ đi qua. Trông thấy cậu bé, người thiếu phụ dừng lại. Bà dư sức hiểu được cậu bé đang thèm khát những gì qua cặp mắt xanh u uẩn của nó. Bà cầm tay cậu bé, dắt cậu vào trong tiệm. Bà mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.

Sau đó cả hai lại trở ra phố. Bà nhìn cậu bé một lần nữa và nói:

– Bây giờ cháu có thể về nhà và hưởng một ngày thật vui vẻ nhé.

Cậu bé ngạc nhiên đưa cặp mắt ngước nhìn lên người thiếu phụ và hỏi:

– Thưa bà, bà có phải là Chúa không?

Bà cúi xuống mỉm cuời với cậu và trả lời:

– Con ơi! Không phải đâu. Bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi.

Lúc đó cậu bé nói:

– Cháu biết ngay mà bà có họ hàng với Ngài mà.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN- NĂM C

YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ- Trích Logos C

YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

Vào thế kỷ 16, một trong những kiệt tác văn học về tình yêu được cả thế giới ca ngợi là vở Bi kịch Romeo và Juliet của đại văn hào Shakespeare, người Anh. Nội dung vở kịch như sau:

Hai dòng họ Capulet và Montegu ở thành Verona nước Ý vốn thù địch với nhau từ lâu đời. Romeo, chàng trai thuộc dòng họ Montagu yêu nàng con gái tên Juliet là con vị tộc trưởng dòng họ Capulet. Hai người yêu nhau tha thiết. Bất chấp trở ngại là sự thù địch giữa hai dòng họ, đôi tình nhân đến xin linh mục Loren làm lễ thành hôn. Đang khi đó, một trở ngại lớn hơn xảy ra : trong một cuộc xô xát, chàng Romeo đã giết chết TiBurn, anh họ của nàng Juliet. Vì thế, chàng trai Romeo Bị trục xuất ra khỏi thành. Còn có một trở ngại nữa : gia đình Juliet ép nàng phải lấy một vị Bá tước mà nàng không yêu. Juliet cầu cứu cha Loren. Vị Linh mục đầy lòng nhân từ cho Juliet uống một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ ngủ 42 giờ liền; gia đình tưởng nàng chết, sẽ đưa thi hài nàng mai táng trong nhà mồ của dòng họ. Còn Romeo sẽ được cha Loren Báo tin trở về ngay đợi Juliet tỉnh giấc là đưa nàng trốn đi. Mọi việc diễn tiến đúng như cha Loren dự kiến, duy chỉ một điều không ai ngờ tới : vị tu sĩ mà cha Loren nhờ đi Báo tin cho Romeo gặp trở ngại không Báo tin được. Trong khi đó, một gia nhân của Romeo thấy đám tang của Juliet liền cấp tốc phi ngựa đi Báo tin cho Romeo. Chàng vội vã trở về, vào nhà mồ nhìn thấy Juliet, tưởng nàng đã chết. Vì quá đau khổ, Romeo đã kết liễu đời mình Bằng liều thuốc độc. Đến khi Juliet tỉnh dậy, thấy Romeo đã chết, Bèn lấy dao của Romeo tự sát. Cái chết của đôi tình nhân làm cho hai dòng họ xoá Bỏ hận thù.

Cái gía phải trả của lòng hận thù giữa hai dòng họ là cái chết Bi thảm của đôi nam nữ. Cũng chính tình yêu trong sáng của họ đã phá tan áng mây mù của lòng ghen ghét. Trải qua Bao thế kỷ, cũng như ngày hôm nay, thế giới luôn phải trả giá đắt cho lòng hận thù ghen ghét : chiến tranh do sự thù địch giữa các quốc gia, các phe phái, các sắc tộc đã cướp đi Biết Bao nhiêu sinh mạng con người, phá huỷ Biết Bao tài sản nhà cửa, công trình. Và vẫn còn tiếp diễn như một “chuỗi mắt xích” của sự thù nghịch với những cuộc khủng Bố, những vụ đánh Bom tự sát, những cuộc xung đột đẫm máu.

Hôm nay, trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”. Quả thật, đây là một lời “khó nghe” và “khó làm”. Đối với những người Do Thái, vì đã quen với luật Báo thù, “mắt đền mắt, răng đền răng” để Bảo vệ sự công Bình, nên lời Chúa dạy “Hãy yêu thương kẻ thù” đúng là một lời khó chấp nhận và khó thực hiện trong cuộc sống. Ngày nay, chúng ta cũng quen với quan niệm “có vay có trả”, “nợ máu phải trả Bằng máu” và đôi khi việc trả thù được coi là việc “đòi lại công lý” ở đời.

Như thế, chúng ta suy nghĩ gì trước những lời dạy có vẻ “chủ Bại và nhu nhược” của Chúa ?

Nào là “làm ơn cho kẻ ghét mình”; “chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình”; “cầu nguyện cho kẻ vu khống mình”; “ai vả má Bên này, đưa cả má Bên kia”; “ai lột áo ngoài, hãy cho cả áo trong”; “ai xin thì cho, ai lấy gì thì đừng đòi lại”.

Lời Chúa dạy hôm nay có thể làm cho người ta “khó chịu” vì đòi hỏi người ta phải “chịu khó” với sự hy sinh cao độ khi thực hành.

Chúng ta yêu thương và tha thứ vì những lý do sau đây:

Yêu thương và tha thứ vì chúng ta là anh em của Cha trên trời:

Sách Samuel quyển thứ nhất kể lại vua Saolê dẫn Ba ngàn người đi lùng Bắt Đavit. Một đêm, Saolê nằm ngủ mê mệt trong trại thì Đavit đột nhập vào. Đáng lẽ Đavit giết chết Saolê là kẻ thù của mình, nhưng ông chỉ lấy cây giáo của Saolê rồi sang phía Bên kia hô lớn Bảo Saolê thức dậy cho người sang lấy lại ngọn giáo.

Việc Đavit tha chết cho kẻ thù nói lên tấm lòng quảng đại và cao thượng, nhưng cũng vì Đavit muốn tha thứ cho “người được Chúa xức dầu” là Saolê.

Như thế, chúng ta yêu thương tha thứ cho tha nhân, những người chúng ta yêu mến, và cả những người chúng ta thù ghét, vì tất cả chúng ta đều mang “dấu ấn tình thương” của Chúa, Đấng có lòng nhân hậu với người công chính và cả kẻ gian ác. Dấu ấn tình thương được ta đón nhận khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, do đó, là anh em với nhau, có cùng một Cha trên trời.

Yêu thương và tha thứ vì lợi ích của chính mình:

Oscar Wilde viết: “Khi Chúa Giêsu dạy hãy tha thứ cho kẻ thù là Ngài không nhằm đến lợi ích của kẻ thù mà nhắm đến lợi ích của chính Bản thân ta. Hơn nữa, yêu thương thì đẹp hơn thù hận rất nhiều”. Nếu lấy oán Báo oán chỉ tăng thêm oán thù. Nếu lấy tình yêu đáp trả hận thù, hận thù sẽ Biến tan. Sự thù hận luôn luôn dẫn đến đổ vỡ và huỷ diệt. Còn tình yêu luôn luôn dẫn đến sự phát triển và thăng tiến. Ông ABraham Lincoln nói: “Biến thù thành Bạn phải chăng là tiêu diệt kẻ thù rồi?”.

Tình yêu và tha thứ đem đến cho ta sự Bình an và niềm hạnh phúc. Vì hận thù và ghen ghét là những vết thương luôn làm trái tim ta nhức nhối, lòng ta Bất an. Vì thế, Thánh Vinh Sơn Phaolô nói: “Tha thứ cho một sỉ nhục là chữa lành một vết thương trong trái tim”.

Yêu thương và tha thứ là trả món nợ tình yêu của Chúa:

Chúa đã ra điều kiện: “Đừng xét đoán để khỏi Bị  xét đoán, đừng kết án để khỏi Bị kết án, hãy tha thứ để được tha thứ, hãy cho đi để được cho lại”. Thật ra, tất cả những điều đó chúng ta đã nhận lãnh từ Thiên Chúa như một món nợ tình yêu phải trả lại. Vì thế, chúng ta không xét đoán và kết án tha nhân vì Chúa đã không xét đoán và kết án chúng ta trước. Chúng ta tha thứ cho người khác vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước. Chúng ta cho đi vì chúng ta đã nhận lãnh. Luật yêu thương của Chúa luôn đòi hỏi một sự tích cực. Khổng Tử dạy : “Đừng làm cho người khác điều mà ngươi không muốn người khác làm cho mình”. Còn Chúa dạy một cách tích cực hơn: “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy”.

Vì thế, chúng ta hãy đong trả lại cho tha nhân những đấu tình thương hảo hạng vì chúng ta đã nhận lãnh những đấu tình thương tràn đầy từ Thiên Chúa.

Nếu sự hận thù phải trả giá Bằng sự chết chóc, hủy diệt và suy vong, thì tình yêu cũng có cái giá phải trả…

Cái giá phải trả của Tình Yêu là cái chết:

Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chứng minh hùng hồn nhất cho tình yêu lớn lao mà Ngài dành cho ta. Máu Chúa đổ ra đã trở nên giá cứu chuộc cho nhân loại. Ngài Ban tình yêu cho những kẻ yêu mến Ngài, và cho cả những kẻ Bất trung, Bội phản. Ngài là Đấng được quyền xét đoán, nhưng lại Bị xét xử, là Đấng có quyền kết án, nhưng lại Bị kết án. Ngài luôn tha thứ và cho đi tất cả, nhưng lại Bị xua đuổi và khước từ…

Ngài đong những đấu yêu thương đã dằn đã lắc đổ vào vạt áo nhân loại, nhưng được đong trả lại Bằng những đấu sỉ nhục và thù ghét.

Khi yêu thương và tha thứ, chúng ta cũng phải trả giá Bằng những hy sinh. Để yêu thương và tha thứ, chúng ta phải từ Bỏ chính mình để đón nhận mọi người với tình thương chân thành.

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một người hành khất kia đến trước cửa nhà một người giàu có để xin Bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì Bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.

Người hành khất lặng lẽ lượm lấy hòn đá cho vào Bị và tự nhủ: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày ngươi sa cơ thất thế, ta sẽ dùng nó để ném trả lại cho ngươi”.

Đi đâu, người hành khất cũng đem theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự Báo thù.

Năm tháng qua đi, lời chúc dữ của người hành khất Biến thành sự thật. Vì Biển lận, người giàu có Bị tước đoạt tất cả tài sản và Bị tống giam vào ngục. Ngày hôm ấy, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào nhà tù. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời Bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng Bên ông.

Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tuỵ đáng thương của kẻ đang Bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ Bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

Có thể hiện nay trong lòng ta cũng đang mang những hòn đá hận thù mà những người khác từng ném vào ta với những sỉ nhục và cay đắng. Những hòn đá đang làm tâm hồn ta nặng nề và Bất an. Hãy Bỏ đi những hòn đá ấy để tâm hồn ta thanh thản và Bình an.

Lạy Chúa, xin cho chúng con Biết đi đến với những người khó thương dù đó là chặng đường dài của sự thương khó. Và thay vì trả thù anh em, xin cho chúng con Biết “trả nợ tình thương” cho mọi người.

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN- NĂM C

YÊU CẢ KẺ THÙ MÌNH– Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

Sự khôn ngoan đích thực được thể hiện không chủ yếu bằng lời nói nhưng bằng cách sống trong đời sống thường ngày của mỗi người.

Yêu kẻ ghét mình

Đavid bị vua Saul thù ghét, săn đuổi để giết, nhưng Đavid vẫn sống theo Luật Chúa, không hại kẻ Thiên Chúa xức dầu phong vương khi có thể làm điều đó. Dưới cái nhìn nhân loại, Đavid đã hành xử dại dột, bỏ mất một cơ may “nghìn năm một thuở” để khử trừ kẻ thù mình, nhưng Đavid đã chọn Thiên Chúa, không chọn lợi ích trước mắt theo con người. Giữ luật Chúa, là yêu người, và yêu kẻ thù ghét mình.

Chúa Yêsu trong tin mừng theo thánh Luca hôm nay đã dạy: “yêu kẻ thù ngươi, làm điều tốt cho kẻ ghét ngươi, chúc lành cho kẻ nguyền rủa ngươi, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi ngươi… Cho kẻ xin ngươi, đừng đòi lại điều người ta lấy của ngươi, làm cho người khác điều ngươi muốn người khác làm cho mình… Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, không kết án thì sẽ không bị kết án. Tha thứ thì sẽ được tha thứ. Cho thì sẽ được tặng lại… Hãy thương xót như Thiên Chúa Cha là Đấng thương xót”. Nếu mỗi người sống theo những điều Chúa dạy trên, người đó sẽ sống bình an hạnh phúc.

Đức Yêsu là người đã sống trọn vẹn điều Ngài đã dạy. Những người thù ghét Ngài, tìm cách làm hại Ngài, hành hạ Ngài, giết Ngài, Ngài vẫn yêu thương. Trên thập giá Ngài vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho họ. Ngài chỉ biết yêu mà thôi.

Không dễ để yêu kẻ ghét mình

Làm sao có thể yêu được kẻ thù ghét mình, luôn nói xấu mình, luôn tìm cách làm hại mình? Nội chuyện nhìn thấy mặt người đó, mình đã cảm thấy khó chịu, làm sao nói đến chuyện yêu người đó, thích người đó?

Yêu có nhiều mức độ, chẳng hạn không ao ước những điều chẳng lành cho họ, không muốn làm hại họ, muốn điều tốt lành cho họ. Về cảm tính, có thể mình không dễ dàng để cười hoặc nói chuyện với họ, nhưng nếu mình cố gắng vượt qua chính mình để nói hoặc cười, là mình đang “yêu” họ đó. Tình yêu không chủ yếu hệ tại cảm tính nhưng do lý trí. Chẳng hạn trong nghi thức bí tích hôn phối, vị đại diện Hội Thánh không điều tra “anh chị có yêu nhau không?”, nhưng “anh chị có tự do không?”, và lời thề hứa không là “yêu nhau” nhưng “sẵn sàng nhận X (hoặc Y) làm chồng (hoặc vợ), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy lúc gian nan cũng như lúc thịnh vượng, để yêu thương và tôn trọng suốt đời”. Yêu thương và tôn trọng ở đây được hiểu như hành vi của lý trí và ý muốn, chứ không phải của cảm tính. Nói như vậy không muốn phủ nhận khía cạnh cảm tính, thân xác của tình yêu.

Con vật chỉ sống theo khuynh chiều của thể xác hay bản năng; con người sống theo lý trí. Sống theo lý trí, không là lừa dối mình, nhưng là sống theo ơn gọi làm người. Nếu lý trí thấy điều nào đó là đúng, là phải làm thì mới là người tốt, thì người ta phải sống theo điều đó dù mình thấy sợ, hay điều đó làm tổn hại về lợi ích vật chất của mình. Khi người ta có khunh chiều xác thịt, và lý trí thấy không được làm như vậy, vì như vậy là sai trái, thì người ta không được làm. Xin Chúa giúp mỗi người nhận ra lời mời gọi vươn lên làm con Chúa, và xin Chúa cho mỗi người có nghị lực để thực hiện những gì Thiên Chúa gợi lên trong tâm trí mình.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

Yêu kẻ thù ghét mình, được gì và mất gì?

Tại sao Kitô giáo là đạo “yêu thương”?

Xin bạn liệt kê những câu Kinh Thánh nói về yêu thương.

home Mục lục Lưu trữ