Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1375503

LUÔN LUÔN GẶT HÁI KẾT QUẢ

Luôn luôn gặt hái kết quả

Sách lễ cho chúng ta chọn giữa một bài đọc ngắn chỉ kể lại dụ ngôn người gieo giống và một bài đọc dài có thêm câu trả lời của Chúa Giêsu đáp lại câu hỏi “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn để nói?” và lời giải thích dụ ngôn người gieo giống. Tôi chọn bài đọc ngắn, đúng như nó mô tả câu chuyện những hạt gieo của Chúa Giêsu.

Đọc đến chương 13 này của Matthêu, “chương của những dụ ngôn”, chúng ta biết được gì? Chúa Giêsu đã gieo nhiều trên tất cả các mảnh đất. Ngài đụng phải những cái đầu cứng rắn của những luật sĩ và người Pharisêu. Ngài đã thấy những người phấn khởi nhưng bỏ Ngài rất nhanh. Ngài đã cảm nhận những thái độ ngập ngừng nơi các môn đệ của Gioan Tẩy giả và sự bối rối nơi chính Gioan Tẩy giả: “Thầy có phải là Đấng- phải -đến hay không?” Sự dửng dưng của một số thành phố đã tác động mạnh đến Ngài: “Khốn cho người hỡi thành Côrô! Khốn cho người hỡi thành Bétsai!” Tất cả những điều đó tạo nên một bức tranh khá đen tối. Nước Trời dường như khó khởi động.

Chính trong bối cảnh này mà dụ ngôn người gieo giống có tầm quan trọng rất lớn. Dụ ngôn này nói lên nhận xét sáng suốt nhưng không thất vọng của Chúa Giêsu. Ngài mời gọi chúng ta can đảm bằng cách nhìn vào điều quan trọng nhất: người gieo giống ra đi để gieo lúa. Nhưng thật là một người gieo giống kỳ lạ!

Người đó ra đi từ nơi Thiên Chúa và đến với chúng ta để gieo Thiên Chúa. Đây là một biến cố bất ngờ, không phải là một giai đoạn của lịch sử mà là sự đảo lộn lịch sử: “Các ngươi hãy mau ăn năn hối cải, vì Nước Trời đã gần kề!”

Tin Mừng này đã làm cho mọi người phấn khởi. Sau đó, khi lời rao giảng tỏ ra có yêu cầu một số thính giả bén rễ vào lời rao giảng đó, nhưng một số khác rơi vào trong cuộc sống hời hợt hoặc ngổn ngang trăm bề và thậm chí trong sự chống đối, những con đường, những hòn đá, những bụi gai, những mảnh đất tốt, đất đai thật khác nhau! Mặc kệ, người gieo giống kỳ lạ này đã thấy được kết quả rồi: hạt được ba mươi, hạt được bốn mươi, hạt được một trăm. “Ai có tai nghe, hãy nghe!”

Nghe lời kêu gọi tin tưởng khi việc gieo giống có vẻ như thất bại. Trường hợp này đã xảy ra cho các nhà truyền giáo. Đây cũng là trường hợp xảy ra cho mọi tông đồ hiện nay, cho mọi Kitô hữu xem truyền hình và những người qua lại trên đường: “Đâu là những cây lúa đang mọc lên?”

Đây là câu trả lời. Đấng biết rõ những mảnh đất con người khẳng định với chúng ta rằng có những mảnh đất khô cằn thì cũng có những mảnh đất tốt tươi và do đó luôn luôn có kết quả.

Chúa Giêsu đã nói điều này với nhũng đám đông bối rối, với những môn đệ bị dao động. Ngài nói điều đó với chúng ta bây giờ là những người đo lường sự bỏ rơi việc hành đạo, sự dửng dưng của con cái chúng ta, sự gia tăng những người vô tín ngưỡng-Đấng kể dụ ngôn này hiện vẫn sống, dụ ngôn này được dành cho chúng ta. Đấng gieo giống đang có mặt ở đó, cho nên không có ai, không nơi nào, có quyền đoán xét rằng mọi hạt giống đều bị mất đi. Bao lâu chúng ta gieo Tin Mừng, chúng ta sẽ có kết quả là hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi.


 

27. Nghe giảng

Benjamin Franklin là một vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ. Ngày kia, ông nhân được món quà, đó là một cái chổi từ Ấn Độ. Ông nhìn thấy mấy hạt giống còn dính vào cái chổi, và thế là ông bứt ra và đem gieo những hạt giống ấy.

Sau lần thu hoạch đầu tiên, ông đem phân phát tất cả những hạt giống mình có cho bà con lối xóm. Và vu thu hoạch của họ cũng thành công tốt đẹp. Bằng cách này, ông trở nên người đầu tiên đưa rơm vào Hoa Kỳ và khởi đầu cho kỹ nghệ sản xuất chổi.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng vừa nghe. Thực vậy, tất cả chúng ta đều được mời gọi phải hành động như thế. Chúa Giêsu ban cho chúng ta những chân lý của Người, đó là như những hạt giống chúng ta cần phải gieo trồng trong tâm trí chúng ta đã đành, mà còn phải đem gieo trồng trong tâm trí những người khác nữa.

Những hạt giống này, những chân lý này, Người ban cho chúng ta qua Thánh Kinh, qua sự giáo huấn của Hội Thánh, cụ thể là qua sự giảng dạy của các linh mục.

Như vị tổng thống nước Mỹ, chúng ta hãy đón nhận những chân lý ấy, hãy gieo trồng trong cõi lòng chúng ta, đồng thời cũng hãy chia sẻ những chân lý ấy cho những người chung quanh.

Bổn phận của tôi là nói nói về những chân lý ấy cho anh chị em. Còn bổn phận của anh chị em là lắng nghe và làm cho những chân lý ấy được nảy mầm và lớn lên, như lời Chúa Giêsu đã phán: Ai có tai để nghe, thì hãy nghe.

Tôi xin đưa ra một vài việc gợi ý cần làm ngay để chúng ta thâu lượm được những thành quả tốt đẹp khi nghe giảng.

Như một bác nông phải, trước khi xạ lúa cân phải chuẩn bị ruộng đất. Chúng ta cũng thế. Thật là hữu ích nếu như trên đường tới nhà thờ tham dự thánh lễ, chúng ta biết tự chuẩn bị đón nhận chân lý. Chúng ta đừng nói: Lạy Chúa, hôm nay xin đừng để cha giảng quá dài. Trái lại hãy thân thưa: Lạy Chúa, xin giúp con đón nhận những chân lý để nuôi sống đời sống thiêng liêng của con. Chính người giảng cũng phải cầu nguyện như thế, để những người nghe mình giảng sẽ lợi dụng được những điều mình trình bày, và sẽ cung cấp được những mảnh đất phì nhiêu cho những chân lý mình đang cố gắng gieo trồng. Chúng ta không phải chỉ cầu nguyện cho mình, mà còn phải cầu nguyện cho người giảng nữa. Đó quả thực là một việc làm quí giá biết bao.

Tiếp đến, khi bước chân vào trong nhà thờ, chúng ta hãy làm dấu thánh giá trên mình, như để rũ sạch những lo âu trần thế và mở rộng tâm hồn cho hạt giống chân lý. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe những lời cầu nguyện, những bài đọc Thánh Kinh, nhất là bài Tin Mừng, đồng thời cũng hãy chú ý tới bài giảng, bằng cách cố gắng hiểu và nhớ.

Đức Kitô nói với chúng ta qua môi miệng của vị linh mục, thế nhưng, vị linh mục cũng chỉ là một con người, nên cũng có những giới hạn của mình. Con người đứng trên bục giảng có thể là một dụng cụ hữu hiệu, nhưng cũng có thể là một dụng cụ vô tích sự. Sứ điệp có thể được quảng diễn một cách trong sáng hay mù mờ, thế nhưng, nội sung của sứ điệp mới là điều quan trọng, còn cách diễn tả chỉ lả điều thứ yếu.

Hãy lắng nghe và thực thi trong cuộc sống những điều đã đón nhận, để Lời Chúa thực sự nảy mầm, đâm bông và kết trái trong cuộc sống chúng ta.


 

28. Hạt giống và người gieo giống

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hạt giống và người gieo giống, cũng như về thửa đất đón nhận hạt giống.

Trước hết, hạt giống và người gieo giống chính là Đức Kitô.

Thực vậy, Ngài đã đến trong cánh đồng trần gian. Thế nhưng, Ngài đã bị hiểu lầm, đã gặp biết bao nhiêu khó khăn và thất bại. Nhưng sau khi bị chôn vùi vào lòng đất như một hạt giống, Ngài đã nảy mầm đâm bông và kết trái.

Tiếp đến, hạt giống và người gieo giống còn là Giáo Hội.

Thực vậy, như Chúa Giêsu, Giáo Hội trải qua giòng thời gian cũng đã gặp phải biết bao nhiêu thất bại và cấm cách. Tuy nhiên, tất cả không thể làm cho Giáo Hội nghi ngờ hay thất vọng về sứ mạng của mình.

Hạt giống lời Chúa cũng như bản chất của Giáo Hội, có thể là rất nhỏ bé. Nhỏ bé như một hạt cải, nhỏ bé như một dúm men, nhưng năng lực của lời Chúa cũng như của Giáo Hội là vô hạn.

Không phải là qua những thành công rực rỡ bên ngoài mà Chúa Giêsu đã cứu độ nhân loại. Trái lại, Ngài đã bước vào chặng đường thập giá, bước vào tiến trình của một hạt giống được gieo vào lòng đất cần phải mục nát.

Bởi đó, Ngài đã trách cứ hai môn đệ trên đường về Emmaus:

- Hỡi những kẻ kém trí và chậm tin, Đức Kitô há không phải chịu thương khó rồi mới được vào chốn vinh quang hay sao?

Cũng vậy, Giáo Hội cần phải bước vào chặng đường thập giá, cần phải bước vào tiến trình mục nát của một hạt giống. Những thời Giáo Hội được huy hoàng nhất chưa hẳn đã là những thời mà Nước Chúa được mở rộng hơn cả.

Còn thửa đất thì sao?

Trước tiên, thửa đất là thế gian này.

Thực vậy, Đức Kitô đã đến trong thế gian và gieo vào đó hạt giống lời của Ngài. Thế gian trước kia đang khô cằn và chờ mong ơn cứu độ. Thế nhưng, kể từ đây có thể trở nên phì nhiêu cho lời Chúa sinh hoa kết trái.

Thế nhưng quan trọng hơn cả, mảnh đất phì nhiêu ấy phải là chính cõi lòng chúng ta. Đúng thế, mặc dù lời Chúa đầy hiệu năng, nhưng tự nó lời Chúa cũng không đủ để đảm bảo một mùa gặt tốt đẹp, bởi vì lời Chúa còn cần phải gặp được những thửa đất tốt.

Thiên Chúa tiếp tục gieo vãi hạt giống lời Ngài vào cõi lòng chúng ta. Nhiều người nghe nhưng ít người hiểu. Nhưng hiểu mà thôi cũng chưa đủ, chúng ta còn phải sống lời Chúa. Bởi vì, không phải chỉ nghe, chỉ hiểu là lời Chúa tự động nảy nở trong cõi lòng chúng ta và đem lại những hoa trái.

Mặc dù lời Chúa có đủ sức để đảo lộn cuộc đời chúng ta, nhưng hiệu năng của lời Chúa không phải là tự động, không phải là máy móc. Sự tăng trưởng của lời Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta sự tự do và Ngài luôn tôn trọng sự tự do ấy cho tới cùng. Ngài đề nghị mà không ép buộc:

- Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào và dùng bữa với kẻ ấy.

Chúng ta có tự do để trở nên một đám sỏi đá, một bụi gai, một lối đi cằn cỗi, nhưng đồng thời cũng có thể là một thửa đất tốt. Tất cả mọi loại đất đều tùy thuộc ở cõi lòng chúng ta.

Vậy chúng ta sẽ là thửa đất nào? Chúng ta đã nghe và đã hiểu, nhưng liệu chúng có dám sống lời Chúa và thực thi những điều Ngài truyền dạy hay không?

home Mục lục Lưu trữ